Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:17:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những câu chuyện về Hà Nội 60 ngày đêm  (Đọc 94810 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ledung17
Thành viên
*
Bài viết: 31


« Trả lời #80 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2012, 07:22:13 pm »

(Tiếp theo và hết)

Từ ngày 21/12/1946, địch vây bốn mặt Liên khu phố I (khu trung tâm của Hà Nội). Với chủ trương không phá vây rút ra ngoài, ta trụ lại chờ địch đến để tiêu diệt địch. Địch một mặt khép vòng vây, một mặt đánh lấn ra xung quanh, cắt đứt viện trợ từ bên ngoài hòng cô lập dân quân ta ở các phố Đồng Xuân, Đông Thành, Hoàn Kiếm, Đông Kinh Nghĩa Thục, Hồng Hà, Long Biên và vùng bãi giữa Sông Hồng... Tiếp đó, chúng liên tiếp mở các  cuộc tấn công vào vành đai thành phố từ các cửa ô hình thành thế gọng kìm từ ô Yên Phụ nối với Ngọc Hà, Kim Mã, Thụy Khuê, ngã tư Kim Liên, Ô Cầu Dền... Các trận đánh giữa ta và quân xâm lược đã diễn ra hết sức dữ dội ở phố Hàng Da (ngày 22/12), phố Lò Lợn, chợ Hôm (ngày 23/12), phố Hàng Bông (24/12), đường Đại Cồ Việt (ngày 25/12), cửa ô Cầu Dền (26/12)...

“Mỗi người dân là một người lính”, “Mỗi nhà là một pháo đài", “Mỗi phố là một chiến tuyến”, cả Hà Nội sau đêm 19/12/1946 đã thành một chiến trường lớn.

Mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2, khắp các mặt phố đâu cũng là chiến hào, chiến lũy. Nhiều người tự phá nhà mình dành chỗ cho bộ đội đánh giặc. Vật chướng ngại giăng đầy đường. Trong đó được cài bom, mìn. Những ổ bắn tỉa, phục kích xuất quỷ nhập thần khiến kẻ thù hoảng loạn. Nhiều chai xăng cơ rếp đã thiêu cháy thiết giáp địch. Tại trận quyết đấu ở chợ Hôm, chiến sĩ ta đã ôm bom ba càng lao vào xe địch. Tại chiến tuyến Đại Cồ Việt, lần đầu tiên cơ giới Pháp nếm mùi bazôka của bộ đội ta. Tổ tự vệ khu vực Đông Thành đã chụm súng trường hướng lên trời bắn rơi máy bay  khu trục Moran của Pháp. Có thể đây là trận đầu tiên những người tự vệ Việt Nam dùng súng bộ binh đánh gục không quân địch.

“Sống chết với Thủ đô”, “Hà Nội, Stalingrat của Việt Nam” - những khẩu hiệu do chiến sĩ ta tự tay viết lên  vách chiến lũy, vách tường là tinh thần và sức mạnh của người Hà Nội trong 60 ngày đêm chiến đấu giữa lòng Thăng Long văn hiến. Hà Nội chứng tỏ cho quân xâm lược biết, đế đô này không phải là chốn vui chơi của chúng.

Sát cánh cùng bộ đội và tự vệ, phụ nữ Hà Nội cũng góp phần sức lực trong mọi công việc có thể đảm nhận được. Đại đội nữ cứu thương 134 có một tiểu đội nữ chiến sĩ quê ở vùng hoa Ngọc Hà đã anh dũng chiến đấu và hy sinh ở Giảng Võ. Các cô gái của Tiểu đội giao thông liên lạc Lãng Bạc đã đảm bảo mạch máu thông suốt giữa vùng chốt thép (Liên khu phố I) với bên ngoài trong vòng vây bủa của giặc.

Trong máu lửa của cuộc chiến đấu, lực lượng ta trưởng thành từng ngày. Các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Khu XI đã nhất trí để các lực lượng vũ trang Liên khu I gồm vệ quốc quân, tự vệ thành, tự vệ chiến đấu, các chiến sĩ công an xung phong hợp nhất lại thành Trung đoàn Liên khu I (Tiểu đoàn 101 là nhân cốt). Chiến sĩ của trung đoàn đa phần là người lao động. Đồng chí Lê Trung Toản, Bí thư Đảng ủy liên khu phố trực tiếp làm Chính ủy Trung đoàn. Trung đoàn được thành lập vào ngày 6/1/1947. Ngày 12/1/1947,  tại Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ I, Trung đoàn Liên khu I được đặt tên là “Trung đoàn Thủ đô”. Ngày 13/1/1947, đội quyết tử của Trung đoàn Thủ đô làm lễ tuyên thệ trước quốc kỳ để chuẩn bị bước vào thời điểm quyết liệt mới.

Ngày 27/1/1947, trong thư gửi các chiến sĩ cảm tử thủ đô nhân dịp tết Nguyên Đán Đinh Hợi, Hồ Chủ tịch viết: “... Các em cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại... Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau...”.

Từ 6/2/1947, Pháp mở cuộc tổng công kích vào Liên khu phố I. Chúng đánh nhà Xôva, Trường Ke, phố Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Bồ, Hàng Đường, Hàng Chiếu, Đồng Xuân. Phố Hàng Bạc, Hàng Mắm, Mã Mây. Pháp đã cho máy bay ném bom ác liệt vì nghi có trụ sở chỉ huy của Liên khu I. Quân dân ta ở khu phố I bị giặc vây ép từ bốn phía. Ta giành giật với địch từng con đường, ngôi nhà, góc phố. Tại khu vực chợ Đồng Xuân, ta đánh giáp lá cà với hàng trăm tên địch. Chiến sĩ ta vật lộn với bọn Tây đen, Tây trắng bên những quầy hàng...

Ngày 14/2/1947, Pháp giảm mức độ bắn phá để chờ quân tăng viện, chuẩn bị mở cuộc tấn công lớn nhất vào Liên khu I, nhằm nhanh chóng kết thúc chiến sự. Ngày 15/2/1947, cấp trên chỉ thị cho các lực lượng chiến đấu tại Liên khu I được rút khỏi Hà Nội ra ngoài hậu phương chuẩn bị những bước mới cho cuộc kháng chiến lâu dài với giặc Pháp.

Lúc này đang mùa nước cạn. Sông Hồng, sông Đuống sẽ là hướng quân dân Liên khu I chọn lối vượt qua.  Ngày được chọn là ngày 17/2/1947. Hỗ trợ cho kế hoạch rút quân này, lực lượng ta ở phía ngoài được lệnh áp sát  các cửa ô, có chỗ còn tiến sâu vào nội thành, gây rối, đánh phá, khiến địch phải phân tán lực lượng để đối phó. Để đánh lạc hướng thăm dò của Pháp, Ban chỉ huy của Liên khu phố I đã thỏa thuận với Lãnh sự quán Tàu Tưởng, đồng ý việc tiếp tế cho Hoa kiều ở nơi vây hãm một số lương thực và tổ chức cho họ tản cư vào ngày 17 hoặc 18/2/1947.

Đêm 17/2/1947, lực lượng của Trung đoàn Thủ đô chia thành từng đơn vị nhỏ cùng đồng bào Liên khu phố I lặng lẽ đặt từng dấu chân thận trọng trên cát, dưới gầm cầu Long Biên, rẽ nước vượt sông Hồng, sông Đuống, bí mật vượt qua vòng vây dày đặc của giặc ra vùng tự do. Lực lượng được phân công ở lại quấy rối nhằm nghi binh là lực lượng ra sau cùng.

Riêng Đội tự vệ Hồng Hà gồm những người dân lao động ngoài bãi sông Hồng đã chiến đấu ròng rã 60 ngày đêm, bảo vệ và nối liền con đường tiếp tế cho dân quân Liên khu I đã có những chiến sĩ mãi mãi nằm lại trên cát đỏ sông Hồng. Đó là đảng viên Nguyễn Ngọc Nại, Tiểu đội trưởng và 7 đồng đội khác của anh. Họ đã trụ vững ở bãi giữa, chiến đấu quyết liệt với giặc Pháp vào sáng ngày 18/2/1947, thu hút hỏa lực kẻ thù về phía mình, bảo vệ an toàn cho cuộc rút lui chiến lược của Trung đoàn Thủ đô, của quân dân Hà Nội...

Mặt trận Hà Nội từ đêm 19/12/1946 cho đến cuộc rút lui an toàn là cuộc chiến đấu mang ý nghĩa chiến lược, giáng mạnh vào đạo quân xâm lược, dạy cho chúng bài học về lòng quả cảm Việt Nam, về sức mạnh vô địch của trận địa lòng dân Hà Nội, mở đầu cho chiến thắng thực dân Pháp của quân và dân ta sau này.

Nguồn: Báo Công an nhân dân
Logged

Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh....!!!!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM