Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:10:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 4  (Đọc 109882 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 07:31:07 pm »


III- BẢO ĐẢM GIAO THÔNG VẬN TẢI,
TĂNG SỨC CHI VIỆN CHIẾN TRƯỜNG

Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân hậu phương chống lại máy bay, tàu chiến Mỹ trên vùng trời, vùng biển miền Bắc, đến năm 1967, đã trải qua hơn ba năm. Trong hơn ba năm đó, mặc dù đế quốc Mỹ tập trung một lực lượng lớn không quân, hải quân đánh phá miền Bắc với nhiều thủ đoạn và biện pháp xảo quyệt, chúng sử dụng những thành tựu mới nhất của nền khoa học - kỹ thuật - công nghệ tiên tiến vào cuộc chiến tranh phá hoại, nhưng không đưa lại kết quả như dự tính ban đầu của giới lãnh đạo ở Nhà Trắng, Lầu Năm góc. Một trong những thất bại lớn nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh này là đã không ngăn chặn được sự chi viện ngày càng tăng của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam, không làm lung lay được ý chí quyết tâm của Đảng và nhân dân ta ở miền Bắc.

Những năm chống chiến tranh phá hoại, bảo đảm giao thông vận tải là mặt trận vô cùng ác liệt - nơi đọ sức, đọ lực, đọ ý chí và trí tuệ giữa quân dân miền Bắc với vũ khí, sắt thép và bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ. Trên mặt trận này, ngay trong năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại, hơn 50% số phi vụ của không quân Mỹ tập trung vào việc đánh cắt giao thông. Tiếp đó, hai năm 1966, 1967, hoạt động và số bom đạn Mỹ nhằm vào hệ thống giao thông vận tải trên toàn miền Bắc tăng gấp bảy lần so với năm 1965. Trong hai năm này, hầu hết hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông, cầu cống, nhà ga, kho chứa, bãi tập kết hàng và các cơ sở sản xuất, sửa chữa của ngành giao thông vận tải đều bị Mỹ đánh phá.

Cường độ và quy mô đánh phá của không quân, hải quân Mỹ ngày càng tăng, khiến cho việc bảo đảm giao thông trở nên cực kỳ khó khăn, gây nên sự ùn tắc ở nhiều khu vực. Đặc biệt, trên địa bàn các tỉnh Khu IV, ngay từ những ngày đầu chiến tranh và suốt những tháng năm sau đó, không quân và hải quân Mỹ tập trung bắn phá vô cùng ác liệt toàn bộ hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển; hệ thống cầu cống, bến phà, bến vượt; các phương tiện vận tải, các đầu mối giao thông, khu vực tập kết hàng hoá. Các khu vực Hàm Rồng, Ghép, Kiểu, Khoa Trường, cầu Hang, Hố...(Thanh Hoá); Hoàng Mai, Bùng, Cấm, Giát, Vinh - Bến Thuỷ...(Nghệ An); các hệ thống giao thông trên địa bàn ba huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê (Hà Tĩnh); các trọng điểm ở Quảng Bình như Ròn, Tú Loan, Xuân Kiều, Gianh, Khe Nước, Quán Hầu (trên đường số 1), Mụ Giạ, Bãi Dinh (đường 12), Ca Tang, Khe Ve, Xuân Sơn, Long Đại (đường 15)... và các bến bãi, kho tàng ở khu vực Vĩnh Linh liên tục bị đánh đi, đánh lại nhiều lần với cường độ lớn. Chỉ riêng khu vực Vĩnh Linh, từ tháng 6-1966 đến hết năm 1967, địch dội xuống đây hơn 25 vạn quả bom, 30 vạn quả đại bác. Những nơi này trở thành những “túi bom”, “túi lửa” và những mục tiêu đánh phá đêm ngày của máy bay, tàu chiến Mỹ. Đất trời Khu IV đêm ngày rung chuyển bởi bom đạn và tiếng gầm rít của máy bay. Khoảng trời đêm trên các trọng điểm giao thông, thường rực lên bởi đèn pháo sáng và quầng lửa bom đạn địch. Dọc dài theo những quãng đường xung yếu, địch rải bom bi, bom nổ chậm dài hàng kilômét, khiến cho sự khắc phục của lực lượng bảo đảm giao thông thêm phức tạp, khó khăn. So với năm 1965, chỉ riêng số bom nổ chậm ném xuống đường sá, cầu cống, bến phà ở Khu IV năm 1966 tăng bốn lần và năm 1967 tăng 18 lần. Mật độ đánh phá của địch ngày càng tăng khiến cho vùng đất Khu IV trở thành “tuyến lửa” trong chiến tranh. Trước mỗi đợt ngừng ném bom, trước mùa mưa bão, địch lại gia tăng cường độ đánh phá, gây khó khăn cho việc khắc phục hậu quả và tổ chức vận chuyển của ta. Những năm 1965, 1966, dẫu chưa phong toả ngặt cảng Hải Phòng do lường tính khả năng phản ứng của Liên Xô và quốc tế, nhưng máy bay Mỹ tăng cường các hoạt động lùng sục, khống chế, uy hiếp tàu, thuyền, xà lan, canô, bè, mảng ra vào trên các luồng, lạch, đồng thời, máy bay của hải quân Mỹ rải mìn, bom từ trường, bom nổ chậm phong toả một số nhánh sông từ Hải Phòng toả đi các nơi và các cửa sông, lạch biển, bến phà, những điểm tiếp nhận hàng hoá dọc theo khu vực ven biển miền Trung.

Bảo đảm giao thông vận tải trở thành nhiệm vụ chiến lược trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên miền Bắc. Trên mặt trận nóng bỏng này, ngay từ đầu cuộc chiến tranh phá hoại, Đảng và Nhà nước đã ra các quyết định và chỉ thị nhằm tăng cường khả năng bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Ngày 30-4-1965, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các bộ Giao thông vận tải, Quốc phòng, Lao động và Chủ tịch Uỷ ban hành chính các tỉnh trên địa bàn Khu IV phải tích cực khôi phục cầu, đường, bến phà... bị phá hoại; đồng thời có kế hoạch khẩn trương chuẩn bị mọi mặt vật tư, kỹ thuật, lao động... để kịp thời đối phó với mọi hành động phá hoại của địch. Ngày 7-5-1965, Ban Bí thư Trung ương và Thường vụ Hội đồng Chính phủ ra quyết định Về một số vấn đề trong công tác giao thông vận tải ở các tỉnh Khu IV. Theo đó, trong điều kiện chiến tranh phá hoại lan rộng ra cả nước và với cường độ ngày càng ác liệt, phải bảo đảm giao thông vận tải trên các trục đường chiến lược, bảo đảm yêu cầu vận chuyển cho các tỉnh ở Khu IV, trước hết bảo đảm yêu cầu cho miền Nam và Lào về vũ khí, chất đốt, một phần lương thực và những yêu cầu cấp thiết khác. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cho rằng phải thống nhất quản lý và sử dụng có hiệu quả cao nhất các phương tiện giao thông vận tải hiện có, phải nhanh chóng tìm mọi biện pháp bảo đảm qua lại các bến phà ở các tỉnh Khu IV, trong điều kiện địch thường xuyên đánh phá, chặn cắt; phải tổ chức nối các trục đường chiến lược với nhau, khẩn trương tổ chức lực lượng bảo đảm giao thông, bám đường, bám cầu, bám các đầu mối giao thông trên các khu vực trọng điểm...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 07:32:41 pm »


Ngày 21-6-1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71- TTG về việc chính thức thành lập lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước (lực lượng tập trung) nhằm huy động sức mạnh to lớn của thanh niên nam, nữ hậu phương lớn miền Bắc tăng cường cho mặt trận giao thông vận tải trên các tuyến đường trọng yếu. Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm cho các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Nội thương, Tổng cục Lương thực và Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành, tuỳ theo chức năng của ngành và địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước hoạt động có hiệu quả.

Ngày 30-6-1965, Hội đồng Chính phủ ra quyết định về công tác giao thông vận tải, trong đó nhấn mạnh: các ngành, các cấp phải coi công tác giao thông là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Chính phủ. Ban Bí thư Trung ương Đảng, vào trung tuần tháng 7-1965, đã quyết định một số vấn đề cụ thể về việc điều động cán bộ cho công tác giao thông vận tải. Theo đó, một loạt cán bộ, bao gồm cả cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật và một số công nhân lành nghề sẽ được tăng cường cho ngành giao thông. Ban Bí thư lưu ý rằng, trong khi điều động cán bộ tăng cường cho ngành giao thông, các ngành, các cấp vừa phải bảo đảm sản xuất và công tác của ngành mình, vừa phải thu xếp để kiên quyết rút một bộ phận cán bộ có phẩm chất chính trị tốt, có nhiệt tình công tác và có sức khoẻ tốt để bảo đảm chất lượng cho công tác giao thông. Nghị quyết Về công tác bảo đảm giao thông vận tải trong tình hình mới của Bộ Chính trị Trung ương Đảng tháng 10-1965 chỉ rõ: Cần phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông, trong đó, lực lượng giao thông vận tải chuyên nghiệp là nòng cốt và bộ đội công binh, hậu cần, vận tải, phòng không là lực lượng xung kích trên mặt trận này.

Thực hiện các chủ trương trên đây của Trung ương Đảng và Chính phủ, từ giữa năm 1965, các địa phương trên miền Bắc đã chủ động, khẩn trương tổ chức các đội thanh niên xung phong tập trung để đáp ứng kịp thời đòi hỏi của nhiệm vụ bảo đảm giao thông. Ngày 25-4-1965, Đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước gồm 1.200 nam đoàn viên thanh niên của tỉnh Thanh Hoá được thành lập1. Đội được biên chế thành chín đại đội. Sau ngày thành lập, đội lập tức lên đường vào miền tây Quảng Bình, mở đường ở khu vực Nam Lào.

Khắp nơi trên miền Bắc, nhiều đội thanh niên xung phong được thành lập. Chỉ trong tháng 6-1965, các đội thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình, Nam Hà với 8.856 người đã vào đường 559 làm nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom bảo đảm giao thông vận tải và vận chuyển hàng hoá, súng, đạn vào miền Nam. Tháng 7-1965, phong trào thanh niên (đại đa số là nữ) tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước phát triển mạnh mẽ. Số người tình nguyện vượt quá yêu cầu tiếp nhận nhiều lần. Hiểu rất rõ đi thanh niên xung phong là chấp nhận gian khổ, hy sinh, nhưng thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên trên quê hương miền Bắc được học tập và rèn luyện trong nhà trường xã hội chủ nghĩa đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ mình khi đất nước đang dồn sức đánh giặc. Những năm tháng ấy, họ có mặt trên khắp nẻo đường đất nước, đêm ngày bám trụ mặt đường, bám trụ các địa bàn trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ, bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến. Chỉ trong vòng ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 7-1965), gần năm vạn thanh niên nam, nữ hậu phương miền Bắc được động viên vào 32 đội thanh niên xung phong. Ngoài lực lượng thanh niên xung phong do Trung ương quản lý, từ giữa năm 1965, một số tỉnh, thành còn thành lập đội thanh niên xung phong của địa phương, làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trong địa bàn tỉnh và đi đến mọi nơi khi Tổ quốc cần. Đó là Đội thanh niên xung phong Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An. Đến những tháng cuối năm 1965 và đầu năm 1966, hầu hết các tỉnh, thành trên miền Bắc đều thành lập đội thanh niên xung phong do địa phương trực tiếp quản lý. Riêng Khu IV, do địch đánh phá thường xuyên và ác liệt, yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải rất nặng nề, phức tạp, nên ngoài lực lượng do Trung ương quản lý, mỗi tỉnh đều thành lập từ hai đội trở lên, riêng Nghệ An là tỉnh có tới sáu đội.

Đồng thời với việc thành lập và phát triển các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, các địa phương còn huy động một lực lượng lớn dân công hoả tuyến làm nhiệm vụ vận tải, sửa đường bảo đảm giao thông theo từng thời gian và cung đường. Lực lượng này do các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bảo đảm trả công. Các đội dân công hoả tuyến thường là thành phần lực lượng phối thuộc cho các mặt trận hoặc các chiến dịch vận tải...

Những tháng cuối năm 1965, Ban điều hoà giao thông Trung ương2, các Ban bảo đảm giao thông, Ban điều hoà giao thông các tỉnh, huyện, các khu vực trọng điểm dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch được thành lập. Hội đồng Chính phủ giao cho quân đội phối hợp với Bộ Giao thông vận tải bảo đảm các tuyến giao thông chủ yếu đường 1A, 1B, 12A (ngã ba Chăm - Vụ Bản, Gềnh - Nho Quan) đường 15, 217 (nối đường 15 với Na Mèo sang Sầm Nưa)... Trên các tuyến này, quân đội có nhiệm vụ tổ chức lực lượng đánh địch, bảo vệ giao thông, rà phá bom mìn, chỉ huy các bến phà, sửa chữa cấp tốc các cầu cống, đoạn đường bị địch phá. Lực lượng của Bộ Giao thông vận tải đảm nhận việc bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, làm đường vòng tránh, mở thêm các ngầm vượt, bến phà... Riêng các tuyến đường 5 (Hà Nội - Hải Phòng), đường 6 (Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La), toàn bộ các nhiệm vụ trên đây đều do quân đội đảm nhận. Ở các cung trạm, các tuyến đường, lực lượng công binh - giao thông hỗn hợp được tổ chức thành những đơn vị tại chỗ để chỉ huy giao thông và ứng cứu kịp thời khi địch đánh phá. Trên các tuyến vận tải chủ yếu dẫn vào chiến trường, lực lượng công binh, cao xạ, thanh niên xung phong được giao cho các binh trạm vận tải thống nhất chỉ huy. Ở các tỉnh, một số đơn vị bộ đội chủ lực được chuyển thành lực lượng giao thông - công binh do tỉnh đội, huyện đội chỉ huy, điều hành. Trên địa bàn Khu IV những năm 1966, 1967, lực lượng này có trên dưới 5.000 người.
____________________________________
1. Vì điều kiện công tác đặc biệt, đội chưa nhận nữ thanh niên.
2. Ban Điều hoà giao thông Trung ương được Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập từ tháng 10-1965, do đồng chí Phạm Hùng, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 07:33:44 pm »


Theo sự thoả thuận giữa Đảng, Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc, từ cuối năm 1965, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã cử một số đơn vị công binh và phòng không sang giúp nhân dân ta bảo vệ một số mục tiêu ở các tỉnh biên giới phía Bắc, đồng thời xây dựng, sửa chữa và nâng cấp một số tuyến đường sắt, đường ô tô từ biên giới Việt - Trung về Hà Nội qua các tỉnh Bắc Thái, Hà Giang, Lạng Sơn...

Ở các tỉnh có bộ đội Trung Quốc đóng quân, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thành lập Ban Ngoại vụ, do đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh làm trưởng ban. Ban Ngoại vụ có trách nhiệm tiếp xúc, quan hệ, bàn bạc hiệp đồng chung giữa bộ đội Trung Quốc với Việt Nam, đồng thời huy động nhân dân địa phương phối hợp, giúp đỡ bộ đội Trung Quốc ổn định nơi ăn, chốn ở, xây dựng trận địa bước vào chiến đấu. Ở các huyện, thị, ta thành lập tổ ngoại vụ do một đồng chí uỷ viên thường vụ huyện uỷ, thị uỷ làm tổ trưởng. Ngay sau khi được thành lập, các cơ quan ngoại vụ tỉnh, huyện đã tích cực bảo đảm vật chất, phục vụ kịp thời, đầy đủ cho các đơn vị quân đội Trung Quốc, đồng thời tổ chức cho nhân dân địa phương giúp bạn làm nhiều nhà ở, nhà kho, vận chuyển hàng hoá... và cử nhiều đoàn đại biểu tới thăm hỏi, động viên tặng quà. Để phối hợp chiến đấu với quân tình nguyện và bảo đảm giao thông trên các tuyến đường sắt: Đồng Đăng - Kép, Lào Cai - Yên Bái, Yên Viên - Kép, ta bố trí một lực lượng phòng không mạnh bao gồm các đơn vị phòng không Quân khu Việt Bắc, một số đơn vị của Quân chủng Phòng không - Không quân của Quân khu III, Sư đoàn 308, Sư đoàn 312...

Trong suốt thời gian từ cuối năm 1965 đến đầu năm 1969, trên địa bàn Bắc Thái, các đơn vị công binh Trung Quốc: C18, C19 (Chi đội 4) giúp sửa chữa nâng cấp 161 km đường số 3 (đoạn từ Bờ Đậu - Phú Lương đến Cao Bắc - Ngân Sơn); C3 (Chi đội 1) làm tuyến đường sắt 1m40 Kép - Lưu Xá, Lưu Xá - Đa Phúc và làm đường hầm dài 250 m đoạn toa xe Lương Sơn. Tại Hà Giang, bộ đội công binh bạn đã tới Vị Xuyên, Bắc Quang giúp địa phương làm thêm các đường nhánh qua cầu, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ con đường vận chuyển chiến lược - đường số 2.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 1966, các chi đội1 62, 170, 168 bộ đội phòng không Trung Quốc đến Bắc Thái, một số đơn vị khác đến Hà Giang, Lạng Sơn... bảo vệ các mục tiêu quan trọng. Các đơn vị phòng không của bạn đã phối hợp với các đơn vị phòng không và dân quân, tự vệ của ta chiến đấu nhiều trận, bắn rơi một số máy bay Mỹ, góp phần bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chiến đấu dũng cảm và đã ngã xuống vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Đây là sự thể hiện tình đoàn kết quốc tế vô sản của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nhân dân Việt Nam rất biết ơn sự giúp đỡ chí tình và có hiệu quả đó của nhân dân Trung Quốc anh em.

Trên các tuyến đường, dân quân, tự vệ phối hợp với các lực lượng bảo đảm giao thông, tổ chức các trạm báo động và giữ gìn trị an.

Ngoài lực lượng chuyên trách về bảo đảm giao thông, ở những địa phương có các trục đường bộ, đường sắt, đường sông đi ngang qua, nhân dân đã chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào công tác sửa chữa cầu, đường, san lấp hố bom, làm đường vòng tránh và bến vượt, phân tán hàng hoá, cất giấu ở những địa điểm an toàn, vận chuyển hàng hoá qua những trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ. Những xã ven trục lộ giao thông đều thành lập các đội xung kích bảo đảm giao thông, lực lượng là thanh niên (chủ yếu là nữ), dân quân, tự vệ...

Sau ngày có quyết định của Quân uỷ Trung ương về việc thành lập Cục Vận tải thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (ngày 26-4-1965), lực lượng vận tải quân sự trên miền Bắc gấp rút chấn chỉnh về biên chế, tổ chức; tăng cường về lực lượng và phương tiện vận tải. Toàn bộ lực lượng này phân thành các binh trạm, đảm trách việc vận chuyển trên từng khu vực được phân công. Từ biên giới Việt - Trung, từ cảng Hải Phòng vào đến khu vực tây nam quân khu IV - tiếp giáp với các cửa khẩu Đoàn 559, đều có các binh trạm vận tải quân sự. Binh trạm 30 phụ trách tuyến phía bắc sông Hồng. Binh trạm 20 phụ trách các tuyến nam sông Hồng tới Thanh Hoá. Binh trạm 10 phụ trách vận chuyển từ Thanh Hoá đến Nghệ An. Ngoài ra, Binh trạm còn đảm trách tuyến đường 7, đường 217 vận chuyển hàng cho cách mạng Lào. Binh trạm 12 phụ trách từ Hà Tĩnh tới Quảng Bình, giao hàng cho Đoàn 559. Mỗi binh trạm đều biên chế một số đơn vị vận tải cơ giới, công binh, có hệ thống kho chứa hàng, xưởng sửa chữa ôtô, đội điều trị thương, bệnh binh, được phối thuộc một số đơn vị pháo phòng không bảo vệ giao thông. Ngoài các binh trạm phụ trách từng đơn vị, Cục Vận tải quân sự còn thành lập lực lượng cơ động gồm các tiểu đoàn vận tải ôtô, đoàn canô vận tải đường sông Hồng Hà.
________________________________________
1. Chi đội tương đương với sư đoàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 07:34:44 pm »


Đáp ứng đòi hỏi của chiến trường, từ mùa Hè năm 1965, miền Bắc bắt đầu đẩy mạnh nhịp độ tăng quân vào miền Nam. Trước tình hình đó, bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Hậu cần quyết định thành tập Đoàn 665 làm nhiệm vụ đưa quân vào chiến trường và đón thương binh ra hậu phương. Khắc phục sự lùng sục, đánh phá của máy bay Mỹ và trong điều kiện vận tải cơ giới gặp khó khăn, Đoàn 665 đã dựa vào hệ thống đường nông thôn và sự giúp đỡ tận tình của chính quyền, đoàn thể, nhân dân các địa phương để đặt gần 40 trạm đưa đón bộ đội hành quân. Tuyến đường đưa đón bộ đội này của đoàn được bắt đầu từ Phủ Lý, xuyên qua bao làng quê của hậu phương miền Bắc, vượt qua bao núi đồi, sông suối, dừng lại ở Làng Ho (Quảng Bình). Tại đây, Đoàn 665 bàn giao quân cho Đoàn 559 và đón cán bộ, chiến sĩ trở lại hậu phương.

Trong khi đó, trên tuyến 559, lực lượng vận tải quân sự cũng được tăng cường về mọi mặt, trở thành đoàn hậu cần chiến lược, đảm trách việc mở đường, vận chuyển, bảo đảm hành quân chi viện cho chiến trường miền Nam và Hạ Lào. Ngoài số quân trong biên chế 16.800 người cuối năm 1965 và tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo, đoàn còn được phối thuộc một số trung đoàn, tiểu đoàn công binh, cao xạ và hàng nghìn nam, nữ thanh niên xung phong. Toàn bộ lực lượng này được tổ chức thành hai bộ phận, một bộ phận cơ động và một bộ phận tại chỗ. Bộ phận cơ động là những đơn vị hợp thành, những đơn vị chuyên môn binh chủng. Đây là lực lượng thực hiện các chiến dịch vận tải và đánh địch mở đường, giữ đường trên các hướng. Bộ phận tại chỗ gồm các binh trạm, đảm nhận việc vận chuyển, bảo vệ giao thông, đưa đón bộ đội hành quân trên từng cung đường được phân công...

Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn đã chủ động và tích cực quy hoạch, xây dựng mạng đường gồm 6 trục dọc, 21 trục ngang, đường vòng tránh, đường nghi binh “lừa” địch, các cầu, bến vượt, bãi trú quân, bãi đậu xe; tổ chức các binh trạm, khu kho, trạm sửa chữa, bệnh xá, đài quan sát, trạm điều phối giao thông... trên các trục đường.

Với quyết tâm cao, trí thông minh sáng tạo và lòng dũng cảm, lực lượng bảo đảm giao thông trên miền Bắc và trên tuyến vận tải chiến lược 559 đã khắc phục muôn vàn gian khổ, hy sinh, đêm ngày bám đường, bám trận địa, trụ vững ở những trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông. Trên mọi nẻo đường hướng ra tiền tuyến, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương đã chủ động, tích cực tham gia vào mặt trận bảo đảm giao thông. Vùng “tuyến lửa” Khu IV, nơi địch không từ một thủ đoạn tàn bạo nào, ào ạt dội xuống một khối lượng bom đạn lớn hòng cắt đứt luồng chi viện của hậu phương cho tiền tuyến, quân, dân các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh kiên cường trong lửa đạn sáng tạo ra nhiều hình thức thích hợp để bảo vệ giao thông, vận chuyển hàng hoá qua những “túi bom”, những bến phà, những bãi trống bị địch đánh phá liên tục ngày đêm. Huy động mọi người, mọi nhà tham gia bảo đảm giao thông, Nghệ An đã phát động phong trào “hòn đất, hòn đá chống Mỹ”. Để kịp thời báo động cho các chiến sĩ lái xe đêm trên các tuyến đường ra trận, hướng dẫn cho xe vào nơi trú ẩn, Hà Tĩnh đã có sáng kiến hình thành hệ thống trạm đèn tín hiệu phòng không1. Những “ngọn đèn đứng gác” trở thành bạn đường, giúp cho ác chiến sĩ lái xe trên các nẻo đường đêm thêm vững vàng tay lái. Ở các bến phà, đối phó với sự lùng sục, săn tìm của máy bay tuần thám Mỹ, lực lượng bảo đảm giao thông đào những “âu phà” để dìm phà ngay tại chỗ khi mặt trời mọc và vớt phà lên khi hoàng hôn xuống, tiết kiệm được thời gian đi về cất giấu. Khắp các bến vượt và ở mọi trọng điểm giao thông khác, công binh, thanh niên xung phong đêm ngày trụ bám với quyết tâm: “sống bám trụ cầu đường, chết kiên cường, dũng cảm”. Lực lượng vận chuyển thực hiện “tăng từng tấn, lấn từng chuyến”. Ở Thanh Hoá, 10 huyện dọc các tuyến giao thông tổ chức các đội xe đạp thồ; Uỷ ban hành chính tỉnh ra quyết định thành lập Công ty xe đạp thồ thuộc Ty Giao thông vận tải của tỉnh. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nhân dân tham gia vận chuyển hàng hoá qua các trọng điểm đánh phá của địch bằng tất cả các phương tiện sẵn có như thuyền nan, bè mảng, xe cút kít, xe bò, xe ba gác, kể cả bằng gồng gánh trên đôi vai. “Xe chưa qua, nhà không tiếc” là quyết tâm, là hành động của biết bao người dân dọc các trục đường huyết mạch, đặc biệt trên địa bàn Khu IV những năm “bão đạn, mưa bom”. Những năm ấy đã có tới 183 triệu lượt người ở miền Bắc được động viên tham gia, đào đắp 35 triệu m3 đất đá san lấp hố bom, bảo đảm giao thông. Nhân dân ven đường sẵn sàng dỡ nhà, chặt cây ăn quả trong vườn, kể cả giường phản... để lót đường cho xe chạy. Những năm ấy, làng xóm ven các trục đường giao liên và đường ôtô là những nơi tạm dừng của bộ đội, thanh niên xung phong trên đường hành quân vào Nam chiến đấu; nơi ẩn giấu các đoàn xe vận tải, nơi tập kết, cất giấu hàng hóa chi viện cho tiền tuyến lớn. Dẫu biết rằng, nếu bị máy bay Mỹ phát hiện, làng xóm, nhà cửa, tính mạng và tài sản một đời chắt chiu, dành dụm sẽ bị tàn phá... nhưng nhân dân vẫn tự nguyện nhường nhà cho bộ đội, mở lối cho xe vào làng, nhận hàng vào cất giấu ở nhà. Đó là một trong những hy sinh lớn lao của nhân dân Khu IV. Đã có những địa phương, cấp uỷ đảng đề ra khẩu hiệu: “Đảng uỷ là chủ hàng, dân quân là công nhân bốc vác, nhà dân là kho hàng, chủ nhà là thủ kho”...

Tại các trọng điểm giao thông trên địa bàn Quân khu Việt Bắc, lực lượng công binh, giao thông cùng nhân dân các địa phương, thanh niên xung phong xây dựng hàng chục tuyến đường ngầm, cầu phao, bến phà; mở hàng trăm kilômét đường vòng tránh, đào hàng trăm đường hầm cất giấu hàng hoá và phương tiện vận chuyển. Với mọi phương tiện thô sơ và bằng nhiều hình thức, nhân dân các dân tộc trên địa bàn quân khu tích cực tham gia bảo đảm giao thông như gánh, vác, gùi, thồ kết hợp với xe trâu, xe bò, xe ngựa, vận chuyển hàng vạn tấn hàng hoá qua các đoạn đường, bến phà, cầu cống bị máy bay đánh phá hư hỏng. Tổng cộng qua bốn năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, nhân dân các địa phương trong quân khu đã đóng góp trên một triệu ngày công cùng 5.000 m3 gỗ và hàng chục vạn cây bương, tre để ứng cứu giao thông.
________________________________________
1. Đèn có mái che, ánh sáng dọi ra vừa đủ tầm cho người lái thấy, có trục quay và dây điều khiển kéo đến hầm người gác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 07:35:44 pm »


Vùng ven biển, các tổ đội theo dõi, rà phá bom mìn, thuỷ lôi không ngừng tăng về số lượng. Các tổ đội đó đêm ngày bám địa bàn, tổ chức quan sát, theo dõi các hoạt động phong toả của địch. Những chiến sĩ trên mặt trận này, với trí thông minh và lòng dũng cảm, đã sáng tạo nhiều phương tiện và biện pháp để tổ chức rà phá, tháo gỡ, vô hiệu hoá các loại bom mìn, thuỷ lôi, góp phần quan trọng vào việc giải toả nhanh luồng sông, lạch biển...

Nhìn chung, những năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, mặc dù địch đánh phá, phong toả, ngăn chặn gắt gao bằng nhiều thủ đoạn, nhiều loại vũ khí, bom đạn không ngừng được cải tiến và với cường độ, quy mô ngày càng ác liệt, ngày càng mở rộng... khiến cho vận tải đường sắt, đường biển trên miền Bắc bị sụt giảm, nhưng bù lại, lực lượng vận tải đường bộ, đường sông không ngừng phát triển về số lượng, cải tiến về phương thức, nâng mức vận chuyển hàng hoá năm 1967 lên gấp sáu lần so với tổng mức vận chuyển năm 1965. Chính trong những năm tháng đó, bên cạnh hệ thống giao thông huyết mạch sẵn có, miền Bắc đã mở thêm nhiều tuyến đường vòng tránh, hình thành thêm nhiều bến vượt, nhiều cầu, phà, bến ngầm dự bị; cải tạo, sửa chữa và nâng cấp hàng nghìn kilômét đường giao thông nông thôn, xoá dần thế “độc tuyến”, “độc bến”... “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tích cực và chủ động tham gia công tác bảo đảm giao thông, sử dụng khả năng phòng không và công binh để bảo vệ bằng được các tuyến giao thông chiến lược. Trên thực tế, những năm chống chiến tranh phá hoại, trên dưới 60% lực lượng phòng không miền Bắc được sử dụng vào nhiệm vụ đánh máy bay Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông. Vùng sông, biển, bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân, tự vệ thành lập các tổ, đội quan sát, rà phá, tháo gỡ bom, mìn, thuỷ lôi. Họ thực sự là những con người “gan vàng dạ ngọc”; có mặt tại những địa bàn trọng điểm đánh phá của địch, kịp thời quan sát, đánh dấu điểm bom rơi, phát hiện những quả bom chưa nổ. Ngớt tiếng máy bay, những đội rà phá lập tức có mặt ở bãi bom. Họ lái canô lướt nhanh qua khúc sông, lạch biển vừa bị đánh bom để mở đường cho phà, thuyền vượt bến an toàn. Họ lặn xuống đáy sông, tìm cách tháo gỡ các loại đầu nổ bom, mìn phục vụ cho việc nghiên cứu cách thức rà phá. Trên mặt trận sông nước này, biết bao tấm gương đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trụ bám trên đoạn đèo Lý Hoà, nơi từng phút từng giờ đầy thử thách nguy hiểm, trên trời là máy bay, ngoài biển là pháo hạm, dưới chân đèo là các bãi bom chờ nổ,... trung đội nữ dân quân công binh do Võ Thị Đởn chỉ huy vẫn bền gan, vững chí, không một phút giây rời trận địa.

Tại cảng Hải Phòng, có ngày địch dùng tới 150 lần chiếc máy bay đánh vào khu vực cảng, nhưng khả năng tổ chức, tiếp nhận và bốc dỡ hàng hoá của cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ vẫn ngày một tăng. âm thầm, lặng lẽ, những đoàn tàu, đoàn xe, những canô, thuyền, bè, mảng... bất chấp máy bay Mỹ, vẫn đến và đi, vận chuyển hàng chục vạn tấn hàng từ thành phố Cảng anh hùng đến các cụm kho dự trữ cho tiền tuyến miền Nam. Hoà vào chiến công chung trong những năm tháng đánh Mỹ hào hùng đó, có máu xương, mồ hôi, công sức của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty xăng dầu khu vực III (Hải Phòng). Trong hệ thống dự trữ và cung cấp nhiên liệu lỏng trên miền Bắc, đây là đầu mối tiếp nhận và trung chuyển xăng dầu cho toàn miền và một phần cho chiến trường Lào. Vì thế, trong những năm chiến tranh phá hoại, đây là một trong số những mục tiêu đánh phá dữ dội của không quân Mỹ. Chỉ riêng khu vực Thượng Lý, máy bay Mỹ đã oanh tạc 98 trận, ném xuống đây 4.000 quả bom. Trong điều kiện đó, tập thể cán bộ, công nhân viên của sở đã khắc phục biết bao gian khổ, hy sinh, mở nhiều chiến dịch vận chuyển, phân tán một khối lượng lớn dầu nhập cảng tới 80 địa điểm trên 28 huyện thuộc ba tỉnh lân cận. Để trụ bám và bảo vệ kho chứa, những người thợ của công ty đã đào 500 hầm cá nhân, 5.000 mét hào giao thông và đào đắp hàng nghìn mét khối đất tạo luỹ che chắn các điểm cất giấu xăng dầu...

Không chỉ sau này, mà ngay từ thời kỳ đó, khi cường độ đánh phá của không quân, hải quân Mỹ lên tới đỉnh cao, các nhà vạch chiến lược Mỹ đã bắt đầu tỏ ra nghi ngờ về khả năng ngăn chặn, cắt đứt luồng tiếp tế từ ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam. Từ mùa Hè 1966, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara ngày càng nhận ra sự bất lực của các chiến dịch ném bom, bắn phá trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của lực lượng không quân và hải quân Mỹ. Ông “không tin rằng cuộc ném bom chiến lược sẽ đem lại hiệu quả trừ khi nó nhằm vào các mục tiêu là cơ sở sản xuất, không cho sản xuất ra các sản phẩm cơ bản và ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm và phương tiện thay thế”1. Thế nhưng, “các cơ sở sản xuất cho Bắc Việt Nam và Việt cộng lại nằm ở Liên Xô và Trung Quốc”(!)2. Tương tự như thế, Mắc Namara cho rằng ném bom để ngăn chặn việc gửi người và vật chất cho miền Nam là việc làm không thể mang lại hiệu quả vì điều này bị quy định bởi “đặc điểm địa hình, nhu cầu được cung cấp vật chất thấp, khả năng thay thế các con đường lựa chọn và các phương tiện cấp phát đặc biệt là trong môi trường có nhiều sức lao động như Bắc Việt Nam”3. Tất cả những thực tế đó đưa Mắc Namara và một số quan chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng Mỹ đi đến kết luận: “Không một khối lượng bom nào ném xuống miền Bắc - trừ phi có một sự huỷ diệt mang tính diệt chủng, điều mà không một ai tính tới - có thể chấm dứt nổi cuộc chiến tranh”4.
________________________________________
1÷4. Mắc Namara: Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.245.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 07:36:58 pm »


Trong khi ý đồ chiến lược đánh phá miền Bắc Việt Nam bị thất bại, thì việc ngăn chặn trên tuyến đường Trường Sơn cũng không mang lại kết quả như tính toán của Oasinhtơn. Tất cả các lực lượng công binh, cao xạ, vận tải, thanh niên xung phong, thông tin, các binh trạm, kho tàng đều lấy việc vận chuyển hàng hoá và bảo đảm hành quân làm nhiệm vụ trọng tâm, đêm ngày bám đường, bám trận địa, bền bỉ, không quản ngại hy sinh, liên tiếp mở các chiến dịch vận chuyển nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi ngày càng tăng của các chiến trường. Trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo tuyến vận tải hậu phương cải tiến việc giao hàng, tăng thêm phương tiện vận chuyển cơ giới cho Đoàn 559, triển khai mạng lưới thông tin vững chắc trên toàn tuyến để bảo đảm chỉ huy thông suốt, kịp thời... Về phía mình, Bộ Tư lệnh 559 vừa khẩn trương củng cố các đơn vị vận tải bảo đảm giao thông, vừa bố trí lại lực lượng phòng không mặt đất, kiên quyết “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Với quyết tâm cao và bằng những biện pháp mới thiết thực, Đoàn vận tải chiến lược 559 đã vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Kết thúc mùa khô 1966-1967, tổng khối lượng hàng hoá nhận từ miền Bắc vận chuyển cho chiến trường miền Nam đạt 126% kế hoạch, tăng gấp ba lần so với mùa khô 1965-1966; cho chiến trường Lào đạt 227% so với kế hoạch đặt ra ban đầu. Nhờ đó, lần đầu tiên, các chiến trường tạo được lượng vật chất dự trữ tương đối lớn, chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến mùa khô 1967-1968. Đồng thời với việc vận chuyển hàng hoá, các binh trạm còn bảo đảm hành quân cho hàng chục vạn lượt người từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.

Vừa đánh thắng không quân, hải quân Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông, quân và dân hậu phương miền Bắc đồng thời vươn lên đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến lớn miền Nam. Dựa trên nền tảng của chế độ xã hội mới ưu việt được xây dựng trong 10 năm hoà bình (1954-1964), giải quyết mối quan hệ giữa chiến đấu và sản xuất, giữa nhiệm vụ trước mắt với nhiệm vụ lâu dài, giữa yêu cầu của Trung ương với yêu cầu của địa phương, giữa vùng trọng điểm bị địch đánh phá và vùng ít bị đánh phá..., Đảng, Nhà nước đã ban hành và chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện một số chính sách, chế độ nhằm phát huy mạnh mẽ và hiệu quả sức người, sức của phục vụ cuộc chiến đấu, bảo vệ hậu phương và làm tròn nghĩa vụ đối với cách mạng miền Nam, cách mạng Lào... Đi đôi với việc động viên sức người, sức của trong nhân dân, Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp thường xuyên chăm lo tới đời sống của nhân dân. Những năm chiến tranh, quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tiếp tục được củng cố, tăng cường, tạo nên sự cố kết của từng cá nhân, từng hộ gia đình, từng cộng đồng trong xã hội vì lợi ích chung là một trong những nhân tố quyết định sự ổn định, tính bền vững của hậu phương trong lửa đạn của cuộc chiến tranh.

Bên cạnh việc củng cố quan hệ sản xuất mới - với hai thành phần kinh tế chủ đạo quốc doanh và tập thể, thời kỳ này, miền Bắc còn thực hiện một số chế độ, chính sách về kinh tế, văn hoá, xã hội... theo hướng bảo đảm duy trì và ổn định đời sống của mọi tầng lớp nhân dân trong chiến tranh. Đối với cán bộ, công nhân viên trong biên chế, ngoài chế độ tiền lương, Nhà nước thi hành chính sách cung cấp theo định lượng, bán theo tem phiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu với thang giá khá ổn định và tương đối thống nhất. Với nông dân, Nhà nước chỉ đạo các địa phương, các hợp tác xã thực hiện chính sách phân phối theo định suất (mức ăn đã xác định cho từng nhân khẩu), căn cứ vào thu nhập của hợp tác xã. Đối với người già, trẻ em thì định suất được bán theo giá ổn định do Nhà nước quy định. Đối với bộ phận thị dân, Nhà nước bảo đảm cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu theo tem phiếu với giá cả phù hợp với thu nhập chung của mọi người. Ngoài ra, việc học hành, chữa bệnh cho toàn dân cũng được miễn phí, do Nhà nước bao cấp. Trong điều kiện chiến tranh, việc thực hiện chính sách phân phối thu nhập quốc dân như trên là cần thiết. Đây cũng là một trong những nhân tố góp phần quan trọng vào sự ổn định của hậu phương.

Ở các địa phương, các cấp bộ đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức quần chúng đề ra và thực hiện những biện pháp vì cuộc sống của nhân dân có hiệu quả, nên đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần hăng hái, truyền thống nhân ái đùm bọc, giúp đỡ “thương người như thể thương thân” trong toàn dân. Nó gắn bó mọi cá nhân trong tập thể, trong cộng đồng thành một khối vững chắc để có đủ nghị lực và sức mạnh đương đầu và đánh thắng kẻ thù. Cũng trong những năm tháng ấy, khi cuộc sống, chiến đấu và sinh hoạt căng thẳng và có nhiều xáo động, cũng là thời kỳ mà mọi người dân, mọi tổ chức, mọi địa phương... đều chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ bằng nhiều việc làm cụ thể đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình bộ đội neo đơn, gia đình có công với cách mạng, với kháng chiến. Ngoài việc phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia công tác “hậu phương quân đội”, Đảng và Nhà nước ban hành một số chế độ, chính sách đối với những vùng trọng điểm bị địch đánh phá, đối với đồng bào các dân tộc ít người, đối với con em cán bộ miền Nam tập kết...

Bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trước sự đánh phá ác liệt của máy bay, tàu chiến Mỹ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp, là công tác thường xuyên nhằm giữ vững sự ổn định của hậu phương. Cho nên, từ ngày đầu chiến tranh, ở các địa phương đã thành lập Hội đồng phòng không nhân dân để chuyên trách về công tác này. Hoạt động của Hội đồng phòng không nhân dân các cấp đi dần vào nền nếp, ngày càng có hiệu lực, đã tổ chức và huy động sức mạnh, khả năng, sự sáng tạo của nhân dân cũng như của các ngành, các cấp để triển khai thực hiện nhanh, gọn các đợt sơ tán hoặc phân tán, xây dựng và tăng cường hệ thống hầm hào, tổ chức hệ thống quan sát, báo động; tổ chức lực lượng khắc phục hậu quả sau mỗi lần địch đánh phá... Ngày đó, hầm hố trú ẩn trong nhà, ngoài vườn, hố cá nhân bên mép những con đường liên thôn, liên xã và công sở, trường học, nhà máy, xí nghiệp, sân kho hợp tác, trên các đường phố ở Thủ đô và các thị xã, thị trấn, dọc đường số 1, là hình ảnh quen thuộc của nhân dân miền Bắc. Tại tuyến lửa Khu IV, đặc biệt là Vĩnh Linh nhân dân đã đào hệ thống địa đạo sâu trong lòng đất cùng hệ thống hầm hào trú ẩn để trụ bám kiên cường, giữ vững sinh hoạt bình thường, vừa sản xuất, vừa đánh giặc1. Đặt trong điều kiện mỗi mét vuông đất nơi đây hầu như đều ghim đầy mảnh bom của Mỹ thì việc dựa vào lòng đất, duy trì cuộc sống lao động sản xuất và chiến đấu của người dân tuyến lửa Khu IV suốt những năm chống Mỹ là một kỳ tích anh hùng. Đó cũng là một trong những biểu hiện của ý chí và quyết tâm đánh Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của người hậu phương.
________________________________________
1. Vĩnh Mốc là một làng chài nhỏ thuộc Vĩnh Linh. Trước sự đánh phá dữ dội của địch, đầu năm 1966, đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã rời làng lên ngọn đồi phía sau, đào hệ thống địa đạo chìm sâu dưới lòng đất 20 đến 22m. Hệ thống địa đạo này gồm các trục chính với tổng chiều dài 2.800 m, chiều cao 1,7 m, chiều rộng 2m, trần khoét hình vòm bán nguyệt, không cần chống đỡ vì đất ở đây bị phong hoá đã trở nên rắn chắc. Từ trục chính, toả ra các nhánh ngang thông ra các cửa và hai bên đường nhánh, cứ cách 3m là một lõm khoét sâu vào tạo thành chỗ ở của một hộ gia đình. Các hộ gia đình được bố trí gần nhau theo đơn vị sản xuất, chiến đấu. Địa đạo có khu trung tâm gồm một hội trường đủ sức chứa 150 người dành cho hội họp, xem phim hoặc biểu diễn văn nghệ; có nhà hộ sinh, giếng nước, trạm xá, lớp học, nhà tắm công cộng. Trong những năm chiến tranh, đã có 17 em bé chào đời trong lòng địa đạo. Dựa vào địa đạo, nhân dân Vĩnh Mốc tiếp tục sinh hoạt bình thường vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Đây còn là hậu cứ của đảo Cồn Cỏ ngoài khơi. Từ nơi này, đã chuyển đi 11.500 tấn hàng cho Cồn Cỏ và 300 tấn khác cho chiến trường miền Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 07:38:56 pm »


Nhìn chung, những năm tháng chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, nhờ có đường lối, chính sách đúng, tổ chức thực hiện có hiệu quả, hợp với lòng dân và điều kiện cụ thể của tình hình lúc đó, nên Đảng và Nhà nước đã huy động được sức mạnh to lớn của nhân dân phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ. Suốt những năm này, khắp nơi trên miền Bắc, nhiều phong trào thi đua yêu nước phát triển sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, mọi thành phần xã hội tham gia. Đó là các phong trào thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”, công nhân “tay búa, tay súng”, nông dân “tay cày, tay súng”, trí thức “ba quyết tâm”1, thầy cô giáo và học sinh “hai tốt”... Đó là phong trào “năm tấn thóc, hai con lợn trên một héc ta đất gieo trồng”, là “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “thóc thừa cân, quân thừa người”... Từ những phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước của các địa phương trên miền Bắc, xuất hiện các điển hình trên từng lĩnh vực chiến đấu, sản xuất chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Hoà Xá thuộc huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây quê hương của “chiếc gậy Trường Sơn” nổi tiếng, một điển hình trong việc bồi dưỡng sức khoẻ và nuôi lớn lớp lớp thanh niên từ 18 đến 35 tuổi, tổ chức họ thành những “phân đội dự bị” luyện tập quân sự, mang vác nặng, hành quân xa, để sẵn sàng bổ sung cho quân đội. Những chiếc gậy do nhân dân Hoà Xá làm ra được lớp lớp thanh niên trong xã dùng để vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. “Chiếc gậy Trường Sơn” trở thành biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước và quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi cuối cùng của nhân dân miền Bắc - hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Nó có sức cổ vũ động viên lớp lớp thanh niên miền Bắc đi vào cuộc trường chinh đánh Mỹ.

Vì thế, dù chiến tranh gây ra nhiều tổn thất nặng nề về người và của, tác động lên toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng... nhưng nhân dân miền Bắc chẳng những đã đương đầu và trụ vững trong “mưa bom, bão đạn”, đánh trả có hiệu quả các bước leo thang của không quân, hải quân Mỹ, duy trì và giữ vững sản xuất, ổn định được đời sống mà còn vươn lên đáp ứng đầy đủ, liên tục nhu cầu về người và vật chất ngày càng tăng của cuộc kháng chiến, của chiến trường miền Nam. Hàng năm, miền Bắc dành ra gần 20% tổng sản phẩm lương thực cung cấp cho lực lượng vũ trang; động viên hàng chục vạn thanh niên trẻ, khoẻ, có lý tưởng và trình độ văn hoá lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Chỉ tính trong hai năm 1966 và 1967, hơn 360.000 người con của hậu phương miền Bắc đã được động viên vào quân đội thường trực, 149.037 cán bộ, chiến sĩ đã hành quân vào Nam chiến đấu. Ngoài ra, cũng trong hai năm đó, 44.000 thanh niên nam, nữ hậu phương vâng theo lời Đảng và Bác, hành động theo nhịp đập của trái tim, đã tạm biệt gia đình, tạm biệt mái trường và quê hương, gia nhập lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước. Cũng như bao bạn bè cùng thế hệ, họ đã có mặt trên khắp nẻo đường của Tổ quốc đang có chiến tranh ác liệt. Họ sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân tươi đẹp tràn đầy sức sống của mình cho Tổ quốc với một niềm tin sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước nhất định sẽ toàn thắng.

Đến năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam của đế quốc Mỹ đã bị quân, dân ta đánh bại một bước quan trọng, khiến cho nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng về chính trị và kinh tế, khủng hoảng về chiến lược quân sự và chính sách đối ngoại, không có cách gì khắc phục được. Trong nước, sự phân hoá giữa phái chủ chiến và chủ hoà, giữa các tầng lớp xã hội Mỹ với chính quyền liên bang... ngày càng trở nên gay gắt. Đó thực sự là một áp lực chính trị ngày càng tăng đối với chính quyền và đối với cá nhân Tổng thống Mỹ L.Giônxơn.

Trên thế giới, việc gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam khiến Mỹ ngày càng bị cô lập, ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ nhân dân Việt Nam. Ngày 15-11-1966, Toà án quốc tế Béctơrăng Rútxen xét xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam được thành lập theo sáng kiến của nhà bác học người Anh Béctơrăng Rútxen. Toà án họp chính thức lần thứ nhất từ ngày 02 đến ngày 13-5-1966 tại Xtốckhôm (Thuỵ Điển) với hơn 300 đại biểu đến từ các nước và đông đảo phóng viên báo chí, vô tuyến truyền hình quốc tế, và kỳ họp thứ hai từ ngày 20-11 đến ngày 1-12-1967 tại Côpenhagen (Đan Mạch). Với những bằng chứng thực tế và đầy sức thuyết phục, Toà án Béctơrăng Rútxen kết luận: Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác xâm lược chống nước Việt Nam, các Chính phủ Ôxtrâylia, Niu Dilân, Nam Triều Tiên là những nước đồng loã đã phạm những tội ác man rợ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Kết luận của Toà án Béctơrăng Rútxen có ý nghĩa về chính trị to lớn, có ảnh hưởng rộng rãi trong dư luận thế giới, nhất là dư luận ở nước Mỹ và các nước phương Tây.

Nhìn chung lại, qua ba năm leo thang đánh phá miền Bắc, các mục tiêu chiến lược mà Mỹ đề ra trong cuộc chiến tranh này đã không thực hiện được. Nhân dân miền Bắc vẫn bền tâm, vững chí, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa sản xuất, vừa đánh trả không quân, hải quân Mỹ, tăng sức chi viện toàn diện và mạnh mẽ cho cách mạng miền Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong khi đó, chính nước Mỹ đã bị rung động, xã hội Mỹ bị chia rẽ bởi những thất bại ngày càng lớn của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Điều này chứng minh một cách hùng hồn rằng một dân tộc chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản kiên cường, toàn dân đoàn kết, xây dựng được hậu phương chiến lược vững mạnh, kiên quyết kháng chiến, thì nhất định sẽ đánh thắng bất cứ kẻ thù xâm lược dù lớn mạnh và hung bạo đến đâu.
________________________________________
1. Nhằm động viên đông đảo trí thức vào công cuộc chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tháng 1-1966. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Trí thức Việt Nam chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị ra lời kêu gọi đội ngũ trí thức Việt Nam thi đua thực hiện phong trào “ba quyết tâm”: quyết tâm phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống; quyết tâm đẩy mạnh cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá; quyết tâm đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ ngày càng lớn mạnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 07:40:22 pm »


KẾT LUẬN

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược cực kỳ gian khổ, ác liệt, thì giai đoạn chiến tranh cục bộ là đỉnh cao của cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ. Vì đây là giai đoạn quân và dân ta phải trực tiếp đương đầu với đội quân viễn chinh Mỹ - một đội quân hùng mạnh chưa từng bị thua trận trong các cuộc chiến tranh trước đó và cũng là giai đoạn mà sức mạnh của cả nước Mỹ được huy động vào cuộc chiến tranh xâm lược đến mức cao nhất.

Khi đưa quân chiến đấu Mỹ vào Việt Nam, các nhà vạch chiến lược Hoa Kỳ tính toán rằng cùng lắm là dùng 175.000 quân là có thể giành chiến thắng. Nhưng đến cuối năm 1965, quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ đã vào miền Nam nước ta 200.000 tên với đầy đủ vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất, vượt xa mức dự kiến ban đầu. Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn theo lệnh của Tổng thống L.Giônxơn đã tung toàn bộ lực lượng trên vào cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất, ồ ạt đánh ra năm hướng trên hai chiến trường miền Đông Nam Bộ và Khu V. Mục đích cuộc phản công chiến lược của địch là tìm diệt chủ lực ta, phá chiến tranh du kích và căn cứ giải phóng, giành lại quyền chủ động chiến trường. Đế quốc Mỹ không ngờ là đội quân thiện chiến của chúng trong quá trình hành quân tìm diệt không sao gặp được chủ lực Quân giải phóng, nhưng chúng đi đến đâu cũng bị quân, dân ta đánh cho đại bại trên cả năm hướng. Quân, dân ta đã thắng Mỹ trong cuộc đọ sức đầu tiên. Thắng lợi này củng cố vững chắc niềm tin đánh thắng được Mỹ cho quân và dân ta, đồng thời khẳng định khả năng của ta có thể đánh thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai trong bất kỳ tình huống nào của cuộc chiến. Sau thất bại đầu tiên này, những người cầm quyền nước Mỹ cảm thấy họ đang chơi một cuộc chiến tranh đang thua và “không ai có thể bảo đảm với Tổng thống Mỹ rằng chúng ta (Mỹ), có thể đánh bại Việt cộng hoặc thậm chí buộc họ phải đến bàn hội nghị theo điều kiện của chúng ta (Mỹ), dù cho chúng ta triển khai đến mấy chục vạn quân đội da trắng ở nước ngoài đi nữa”1. Mối nghi ngờ và nỗi thất vọng về cuộc chiến của quân đội Mỹ lan tràn trong những người cầm quyền Oasinhtơn. Duy chỉ có tướng Oétmolen và Lốt còn tin tưởng Mỹ có thể chiến thắng trong cuộc chiến tranh, nhưng không phải số quân như hiện có mà phải tăng quân chiến đấu Mỹ ở Việt Nam lên 443.000 vào cuối năm 1966. Khi mùa Đông năm 1966 sắp qua đi, ta mở Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị, tạo ra hướng tiến công chiến lược mới, buộc quân Mỹ phải phân tán lực lượng, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng, thì Oétmolen lại xin tăng quân Mỹ lên hơn nửa triệu cho năm 1967. Cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của quân Mỹ mà tập trung là cuộc hành quân Gianxơn Xity đánh vào Chiến khu Dương Minh Châu bị thất bại nặng nề. Cùng với những thất bại ở miền Nam, cuộc chiến tranh phá hoại chống miền Bắc Việt Nam của Mỹ cũng phá sản. Mắc Namara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thấy rõ: “Các chính sách và chương trình của Mỹ ở Đông Dương đã phát triển theo một hướng mà chúng ta (Mỹ) đã không lường trước được... và sự thiệt hại về người, chính trị, xã hội và kinh tế là không thể tưởng tượng được. Chúng ta (Mỹ) đã thất bại”2. Đây không chỉ riêng đánh giá của Mác Namara, mà là ý kiến của đa số những nhà vạch chiến lược Mỹ - kể cả Tổng thống. Nhưng là một siêu cường dù bị thất bại nhưng đế quốc Mỹ không dễ chịu thua Việt Nam, chúng xoay sang vừa tăng cường quân sự, vừa tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua con đường ngoại giao với các nước lớn, nhằm “đạt mục tiêu vừa phải”, nhưng Mỹ phải ở thế mạnh. Càng ngoan cố lao sâu vào cuộc chiến tranh với nhiều biện pháp thâm độc xảo quyệt đế quốc Mỹ bị thất bại càng lớn và đến mùa Đông 1967, trên bình diện quân sự, quân Mỹ bắt đầu lùi dần vào thế phòng ngự chiến lược trên toàn miền Nam. Từ tiến công và phản công, đế quốc Mỹ phải chuyển vào phòng ngự bị động là thất bại lớn, đẩy chúng lâm vào “tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”3. Trong khi đó, cuộc kháng chiến của nhân dân ta phát triển theo chiều thuận càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng to khiến cho đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng bối rối và hoang mang, nhân dân tiến bộ thế giới vui mừng, khâm phục.

Đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược tìm diệt của quân viễn chinh Mỹ có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng là ta đã tạo ra tiền đề vững chắc để đánh thắng hoàn toàn chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.
________________________________________
1. Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. VNTTX phát hành, Hà Nội, 1971, t. 2. tr. 125.
2. Mắc Namara: Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 277.
3. Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 12- 1967.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 07:41:01 pm »


Nguyên nhân thắng lợi to lớn, toàn diện của quân, dân ta trong keo đọ sức đầu tiên này là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng bản chất và tham vọng của đế quốc Mỹ, dự kiến được chiều hướng phát triển của cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành, từ đó đề ra đường lối, phương pháp cách mạng và chiến lược quân sự đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh của cuộc chiến tranh; đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chuẩn bị trước mọi mặt, sẵn sàng đối phó thắng lợi nếu Mỹ leo thang, mở rộng chiến tranh. Sự chuẩn bị trước này bắt đầu từ trước năm 1960, đặc biệt khẩn trương trong những năm đầu thập kỷ sáu mươi. Quân và dân ta đã tập trung sức lực và trí tuệ xây dựng miền Bắc Việt Nam thành hậu phương chiến lược của cuộc kháng chiến, đồng thời với xây dựng các căn cứ hậu phương trực tiếp ở miền Nam. Trên miền Bắc, các mặt kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng và an ninh đều phát triển. Ở nông thôn và thành thị, các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp được thành lập, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được xác lập, tạo nên sự nhất trí cao về chính trị, tinh thần trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bảo đảm vững chắc sự phát triển của hậu phương chiến lược. Nhờ đó, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn cõi Việt Nam với hình thức và mức độ khác nhau, ta đã huy động hàng triệu thanh niên nam, nữ gia nhập lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, tự nguyện ra tiền tuyến giết giặc, cứu nước. Từ sau ngày 5-8-1964, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân chống miền Bắc Việt Nam, hòng làm lung lay ý chí của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, thì cả miền Bắc đã đồng tâm tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không, đánh thắng các bước leo thang chiến tranh phá hoại của Mỹ, đồng thời không ngừng tăng cường chi viện sức người sức của cho miền Nam liên tục tiến công và nổi dậy. Có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, biết thắng địch từng bước mà quân và dân ta lần lượt đánh bại các chính sách và chiến lược của địch từ áp đặt chủ nghĩa thực dân mới không có chiến tranh đến chiến lược chiến tranh đặc biệt rồi chiến tranh cục bộ, để duy trì chủ nghĩa thực dân kiểu mới Mỹ, đẩy chính quyền và quân đội Sài Gòn tay sai Mỹ đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ đã bị đánh bại, nhân dân ta đã xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc trên cả ba vùng chiến lược và đang ở thế thắng, sẵn sàng chiến đấu cao. Trong tình hình đó, đế quốc Mỹ vội vã đưa quân viễn chinh vào Nam Việt Nam để cứu chính quyền Sài Gòn và cứu chính bản thân Mỹ, hòng giành lại quyền chủ động chiến trường là sự bị động về chiến lược của chúng. Trong chiến tranh cũng như trong tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến đấu, bên nào nắm quyền chủ động điều khiển được đối phương theo ý định của mình thì bên đó nắm chắc phần thắng. Quân Mỹ nhảy vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ và dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, nhưng quân và dân ta từ Bắc chí Nam đều nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, tích cực chủ động tìm địch để đánh chứ không chờ đợi. Chính nhờ giữ vững quyền chủ động chiến lược chiến dịch, chiến đấu, quân, dân ta ở miền Nam đã tạo được yếu tố bí mật, bất ngờ trong quá trình chiến đấu, làm cho quân Mỹ và quân ngụy luôn luôn bị động, phân tán lực lượng đối phó, không tập trung và không phát huy được sức mạnh của vũ khí, kỹ thuật hiện đại (những thứ địch hơn ta). Ta chủ động tiến công vào lúc, vào nơi mà quân Mỹ chưa kịp phòng bị, khi chúng bắt đầu đối phó thì quân ta đã nắm thắt lưng Mỹ mà đánh rồi.

Thắng lợi này còn là kết quả của tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, trí thông minh sáng tạo, dám xả thân vì sự nghiệp chính nghĩa của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên khắp các chiến trường. Lênin đã từng nói: Trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào, thắng lợi suy cho cùng là do trạng thái tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường quyết định... Sự giác ngộ của quần chúng về mục đích và nguyên nhân của chiến tranh có ý nghĩa rất to lớn là điều bảo đảm cho thắng lợi. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trước khi ra trận đều được học tập kỹ về đường lối kháng chiến chống Mỹ xâm lược, về nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của cách mạng Việt Nam ở miền Nam. Người chiến sĩ nhận thức đầy đủ mục tiêu, lý tưởng mà mình phải chiến đấu hy sinh, không mơ hồ ảo tưởng như người lính Mỹ. Cho nên, trong các trận đánh dù ác liệt đến đâu, cán bộ, chiến sĩ của ta đã dùng “sự giác ngộ chính trị cao” để “giải quyết sự thiếu thốn về vật chất”, biết kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần dũng cảm với trí thông minh sáng tạo để tạo nên sức mạnh áp đảo kẻ thù trong từng tình huống, từng trận đánh, từng chiến dịch, từng thời cơ để giành thắng lợi về mình.

Qua hai mùa khô đọ sức trực tiếp với quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ ở miền Nam; đánh trả bước leo thang bằng không quân, hải quân trên miền Bắc, quân, dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc: đánh thắng hiệp đầu trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ và đã tạo ra được thời cơ chiến lược mới để chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 07:43:03 pm »


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Giô dép A.Amtơ: Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985.
2. Ba mươi năm kháng chiến của quân dân tỉnh Đồng Tháp, Ban chỉ huy quân sự Đồng Tháp, 1990.
3. Báo cáo tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (B2), Ban Tổng kết chiến tranh B2, 1979, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
4. Báo cáo tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường khu vực VI (cực Nam Trung Bộ - nam Tây Nguyên), t.3, Phòng Tổng kết chiến tranh Khu VI thuộc Ban Tổng kết chiến tranh B2, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
5. Bến Tre - 30 năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Ban Chỉ huy quân sự Bến Tre, 1990.
6. Bình Định - Lịch sử chiến tranh 30 năm, Ban Chỉ huy quân sự Bình Định, 1992.
7. Bình Thuận - 30 năm chiến tranh giải phóng, t.2, Ban Chỉ huy quân sự Bình Thuận, 1992.
8. Lý Thực Cốc: Mỹ thay đổi lớn chiến lược toàn cầu, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
9. Cuộc kháng chiến 30 năm của quân dân Tiền Giang, Ban Chỉ huy quân sự Tiền Giang, 1988.
10. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1987.
11. Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hà Nội, 1991.
12. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Những sự kiện quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hà Nội, 1988.
13. G.Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991.
14. Cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Tây Ninh, Ban Tổng kết chiến tranh Tỉnh uỷ Tây Ninh, 1984.
15. Cửu Long - 21 năm kiên cường đánh Mỹ, Nxb. Cửu Long, 1986.
16. Chiến tranh du kích trên chiến trường Bình Định (1945-1975), Ban Chỉ huy quân sự Bình Định, 1991.
17. Chiến trường Trị - Thiên - Huế trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Thuận Hoá, 1985.
18. Chiến thắng Plâyme - ba mươi năm sau nhìn lại, (Tài liệu hội thảo khoa học), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
19. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985.
20. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, 1985.
21. Lê Duẩn: Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.
22. Đoàn Đồng Xoài, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.
23. Đồng Nai - 30 năm chiến tranh giải phóng, Nxb. Đồng Nai, 1986.
24. Ilya V.Gaiduk: Liên bang Xôviết và cuộc chiến tranh Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1998.
25. Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững thành đồng, t.3, Nxb. Khoa học - Xã hội, Hà Nội, 1970.
26. Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững thành đồng, t.4, Nxb. Khoa học - Xã hội, Hà Nội, 1970.
27. Hồ Chí Minh: Với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975.
28. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
29. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
30. George C.Heering: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1988.
31. Hồi ký Giônxơn: Về cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam,VNTTX phát hành, Hà Nội, 1972.
32. Hậu Giang - 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Nxb.Tổng hợp Hậu Giang, 1987.
33. Kiên Giang - 30 năm chiến tranh giải phóng (1945- 1975), Ban Chỉ huy quân sự Kiên Giang, 1987.
34. Khu V-30 năm chiến tranh giải phóng, t.2, Bộ Tư lệnh Quân khu V, 1989.
35. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, t.2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
36. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, t. 1. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1990.
37. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắc Lắc, t.3, Đắc Lắc, 1994.
38. Lịch sử Đảng bộ huyện Hướng Hoá (1930-1975), Sở Văn hoá - Thông tin Quảng Trị, 1993.
39. Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Phổ (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
40. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, t.2, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
41. Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985.
42. Lịch sử Quân chủng Phòng không, t.2, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993.
43. Lịch sử bộ đội Đặc công, t.1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1987.
44. Lịch sử Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991.
45. Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn- Gia Định kháng chiến (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
46. Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân dân Phước Long, Ban chỉ huy quân sự Huyện Đảng bộ Phước Long, 1994.
47. Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện Thạnh Phú (1930-1980), Ban chấp hành Đảng bộ huyện Thạnh Phú, 1987.
48. Lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện Long Đất, Nxb. Đồng Nai, 1986.
49. Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
50. Lịch sử Khu VI (cực Nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên) kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
51. Long An - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
52. Long Thành - Những chặn đường lịch sử, Nxb. Đồng Nai, 1988.
53. Lực lượng vũ trang nhân dân Trà Vinh 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.
54. Lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1980.
55. Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985.
56. R.S. Mắc Namara: Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
57. Đỗ Mậu: Tâm sự tướng lưu vong, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1995.
58. Mấy vấn đề về chỉ đạo chiến lược trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.
59. Miền Đông Nam Bộ kháng chiến, t.2, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993.
60. Minh Hải, 30 năm chiến tranh giải phóng, Nxb. Mũi Cà Mau, 1986.
61. Nam Trung Bộ kháng chiến, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
62. 50 năm Quân đội nhân dân Việt Nam - Biên niên sự kiện, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
63. Những sự kiện lịch sử Đảng, t.1, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1982.
64. Những sự kiện lịch sử Đảng, t.3, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985.
65. Nghiên cứu văn kiện Đảng về chống Mỹ, cứu nước. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986.
66. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 12-1965, Tài liệu lưu lại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
67. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 1-1967, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
68. Pitơ A. Pulơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Rudơven đến Níchxơn, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1986.
69. Davit R. Panmơ: Tiếng kèn gọi quân, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987.
70. Phú Yên - 30 năm chiến tranh giải phóng, Ban Chỉ huy quân sự Phú Yên, 1993.
71. Phước An - xã anh hùng, Nxb. Đồng Nai, 1985.
72. Quân khu III - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
73. Quân khu IV - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
74. Quân khu IX - 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.
75. Quảng Ngãi - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975), Nxb. Tổng hợp Nghĩa Bình, 1988.
76. Quảng Nam - Đà Nẵng - 30 năm chiến đấu và chiến thắng, t.2, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1988.
77. Quảng Trị - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Thường vụ Đảng uỷ và Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, 1998.
78. Lê Quốc Sản: Cuộc đọ sức thần kỳ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991.
79. Sedg Wick Tourìson: Đội quân bí mật, cuộc chiến tranh bí mật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
80. Sông Bé - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm, Nxb.Tổng hợp Sông Bé, 1990.
81. Sơ thảo lịch sử nhà nước và pháp quyền, Nxb. Khoa học- Xã hội, Hà Nội, 1983.
82. Thái Bình chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Ban Chỉ huy quân sự Thái Bình, 1995.
83. Tuy Hoà - Những chặng đường đấu tranh cách mạng (1929 - 1975), Ban Lịch sử Đảng Tuy Hoà, 1988.
84. Trận đánh 30 năm (Ký sự lịch sử), t. 3, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1988.
85. Truyền thống huyện Vĩnh Thuận anh hùng, Ban Thường vụ Huyện uỷ Vĩnh Thuận, 1995.
86. Truyền thống huyện An Biên, t. 2, Ban Thường vụ Huyện uỷ An Biên, 1996.
87. Truyền thống cách mạng huyện Ngọc Hiển, Nxb. Mũi Cà Mau, 1990.
88. Thủ đô Hà Nội - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991.
89. Tài liệu mật Lầu Năm góc, TTTTKHKT dịch, Thư viện Quân đội sao lục.
90. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, VNTTX phát hành, Hà Nội, 1971.
91. Tây Bắc - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
92. Văn kiện lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, t.2, Nxb. Sách giáo khoa Mác - Lênin, Hà Nội, 1987.
93. Việt Nam - con số và sự kiện, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990.
94. Việt Bắc - 30 năm chiến tranh cách mạng, t.2. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992.
95. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

Hết!

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM