Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:51:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 4  (Đọc 109885 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 01:02:50 pm »


Ở chiến trường Bạc Liêu - Cà Mau, trong cuộc phản công mùa khô lần thứ hai, tuy lực lượng địch không có gì thay đổi lớn1, nhưng chúng tăng cường sử dụng bom, pháo và chất độc hoá học để huỷ diệt, phát quang các căn cứ cách mạng, các xóm, ấp... kết hợp với dồn dân lập ấp đời mới và khu tập trung.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh uỷ, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bạc Liêu, Cà Mau đã sử dụng lực lượng vũ trang, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận, từng bước đánh bại các cuộc hành quân càn quét, dồn dân, lập ấp của địch.

Tại Bạc Liêu, đêm 24 rạng 25-12-1966, được nhân dân tại chỗ giúp đỡ, tự vệ thị xã đã bí mật tập kích vào trụ sở bình định của ngụy quyền tỉnh, diệt nhiều cán bộ xây dựng nông thôn và ác ôn. Thắng lợi này gây hoang mang tinh thần và làm gián đoạn việc triển khai kế hoạch bình định ấp, xã của địch trong một thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi cho ta củng cố cơ sở, chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc chiến đấu mới.

Ở Cà Mau, đêm 27-12, Tiểu đoàn U Minh II phối hợp với tự vệ mật tập kích diệt đồn Hoà Trung (ở đông nam thị xã Cà Mau). Đây là vị trí hiểm yếu bảo vệ thị xã. Xung quanh đồn Hoà Trung có hơn 100 gia đình giáo dân di cư vào khu gia binh của ngụy quân, ngụy quyền cùng hệ thống bảo vệ khá vững chắc của địch. Trong đồn, ngoài lực lượng quân sự, còn có đội cán bộ bình định vài chục tên, thường xuyên phối hợp với các cuộc hành quân bình định của quân chủ lực và bảo an. Do điều tra nắm chắc tình hình và tổ chức đánh vào thời điểm bất ngờ nhất, nên địch tuy đông, song không kịp trở tay. Sau vài giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt hoàn toàn một đại đội bảo an, một trung đội thám báo của địch, thu nhiều trang dụng, vũ khí... Tiếp đà thắng lợi, ngay đầu tháng 1-1967, Tiểu đoàn U Minh I đã giúp sức cho bộ đội huyện Châu Thành và du kích Hoà Thành tiến công diệt đồn Bùng Binh, sau đó đưa lực lượng luồn sâu vào ấp Tân Phong B, diệt tên trưởng ấp, vô hiệu hoá ngụy quân, ngụy quyền ở đây, tổ chức cho quần chúng nổi dậy phá ấp trở về đất cũ làm ăn. Sang tháng 2, Tiểu đoàn U Minh II lại phục kích tại Quản Diệm, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 32 chủ lực quân ngụy khi chúng hành quân càn quét tái chiếm ấp Sở Tại (Thanh Phú), giữ vững địa bàn.

Hoà chung khí thế với Cà Mau, trong những tháng đầu năm 1967, quân, dân các địa phương Bạc Liêu đã đẩy mạnh phong trào chống phá kế hoạch bình định mùa khô 1966-1967 của Mỹ - ngụy. Tại đây, lực lượng vũ trang đã hỗ trợ có hiệu quả cho phong trào phá ấp, giành quyền làm chủ của nhân dân ở các huyện, xã. Khu căn cứ và vùng giải phóng của ta ở Bạc Liêu ngày càng được mở rộng, củng cố.

Như vậy, bằng sự nỗ lực cao về mọi mặt, kiên quyết bám trụ đánh địch bằng nhiều hình thức, kết hợp nhiều loại vũ khí có trong tay, quân, dân Cà Mau - Bạc Liêu đã làm thất bại kế hoạch bình định của địch, góp phần cùng miền Nam đánh thắng cuộc phản công mùa khô 1996-1967 của Mỹ - ngụy.

Nhìn lại hoạt động của quân và dân miền Nam trong mùa khô 1966-1967, riêng trên mặt trận chống phá bình định, ta đã giành thêm được 390 ấp, xã; nâng số xã được giải phóng lên tới 700 xã, 6.750 ấp và dinh điền. Mỹ - ngụy chỉ thực sự kiểm soát được 5.400 ấp trên tổng số 16.293 ấp toàn miền Nam (số còn lại là ấp xã đang tranh chấp). Theo kế hoạch đặt ra năm 1967, Mỹ và Sài Gòn phải hoàn toàn kiểm soát được 3.500 ấp (có 1.076 ấp mới), nhưng thực tế chúng chỉ lập được 291 ấp mới (mà số ấp bị phá là hơn 300), đạt khoảng 13% kế hoạch. Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận rằng: “Những cố gắng ban đầu của Chính phủ Việt Nam cộng hoà nhằm định ra các chương trình bình định và phát triển nông thôn đã thất bại, vì đó là những chương trình đầu đuôi lẫn lộn được vạch ra một cách vụng về”. “Sau đó, những cố gắng của Mỹ nhằm giúp đỡ các chương trình bình định của Chính phủ Việt Nam cộng hoà lại phạm những sai lầm...”2 nên không tránh khỏi thất bại.

Khác với mùa khô 1965-1966, trong mùa khô 1966-1967, lực lượng hành quân phục vụ bình định không phải chỉ do quân ngụy đảm trách, mà quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ tham gia gánh vác một phần quan trọng, thậm chí ở nhiều địa bàn, quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ đảm nhiệm hoàn toàn; do vậy, sự thất bại trong gọng kìm bình định lần này đã khẳng định sự thất bại, thụt lùi của mọi cố gắng chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ.

Song song với thành công trong chống phá bình định, nhân dân hầu khắp các địa phương miền Nam đã xây dựng được hệ thống ấp, xã chiến đấu liên hoàn, vững chắc, mà điển hình là: Trà Vinh có xã An Trường; Bà Rịa có xã Long Tân, Long Điền, Đất Đỏ; Củ Chi có xã An Phú, Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây...; An Khê có xã Bắc, xã A1; Đắc Lắc có Khuê Ngọc Điền; Kon Tum có Đắc Uy; Quảng Ngãi có Hoà Bình; Quảng Nam - Đà Nẵng có Hoà Hải, Anh Dũng, v.v... Đây thực sự là những pháo đài vững chắc chống phá có hiệu quả các cuộc hành quân càn quét và bình định của Mỹ- ngụy.

Bên cạnh việc xây dựng làng, xã chiến đấu và chống phá bình định của Mỹ - ngụy, các vành đai diệt Mỹ ở Đà Nẵng (Quảng Đà), Chu Lai (Quảng Nam), An Khê (Tây Nguyên), Đồng Dù (Củ Chi), Rạch Kiến (Long An), Bình Đức (Mỹ Tho), Bến Cát (Sông Bé), v.v… hình thành và phát triển bao vây các căn cứ Mỹ, đánh dấu bước phát triển mới đầy sáng tạo và rất độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Như vậy, bằng sự nỗ lực toàn diện, lực lượng vũ trang ba thứ quân và nhân dân toàn miền Nam đã đánh thắng cả hai biện pháp chiến lược chủ yếu là tìm diệt và bình định của Mỹ và Sài Gòn trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967; làm cho cả lực lượng và hoạt động của chúng trên chiến trường lâm vào tình trạng mâu thuẫn, giằng co gay gắt giữa một bên là phân tán để thực hiện mục tiêu bình định và bên kia là tập trung tìm diệt chủ lực, cơ quan đầu não kháng chiến của ta, nên hiệu lực chiến đấu giảm sút, trong khi lực lượng cơ động không thay đổi và đẩy Mỹ - ngụy ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng không sao gỡ nổi. Với thắng lợi này, quân, dân miền Nam đã đánh thắng cơ bản chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

Thắng lợi to lớn của tiền tuyến lớn miền Nam này cùng với sự nỗ lực đóng góp sức người, sức của và trực tiếp đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ của quân và dân hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là những thắng lợi rất quan trọng để nhân dân ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang thời kỳ mới - thời kỳ tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.
_______________________________________
1. Ngoài số chuyên gia bình định Mỹ có 220 tên, lực lượng quân ngụy gồm có: năm tiểu đoàn thuộc các Trung đoàn 32, 33 của Sư đoàn 21 chiếm đóng tại thị xã Bạc Liêu, Cà Mau, 28 đại đội dân vệ và một số đơn vị địa phương quân các loại.
2. Tóm tắt tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, 12 – 13, bản đánh máy lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, số VL. 1266/83.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2010, 07:05:35 pm »


CHƯƠNG 18
MIỀN BẮC VỪA XÂY DỰNG VỪA CHIẾN ĐẤU, ĐÁNH THẮNG CÁC BƯỚC LEO THANG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA GIẶC MỸ, TĂNG CƯỜNG CHI VIỆN CHO MIỀN NAM
(1965 - 1967)


I- TIẾP TỤC SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRONG ĐIỀU KIỆN CHIẾN TRANH

Chống phá miền Bắc nhằm hỗ trợ cho nỗ lực quân sự ở miền Nam Việt Nam luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Song song với quá trình đưa lục quân Mỹ vào miền Nam, Mỹ dùng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc trên quy mô lớn với cường độ ngày càng dữ dội. Đây là một bộ phận khăng khít của chiến lược chiến tranh cục bộ mà Mỹ triển khai thực hiện ở Việt Nam từ năm 1965.

Chiến tranh lan rộng ra cả nước. Trong cuộc chiến tranh này một vấn đề đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là có thể tiếp tục công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc hay phải dừng lại? Và nếu tiếp tục thì phải bằng cánh nào?

Từ đầu năm 1964, trước âm mưu tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược của Mỹ, Đảng và Nhà nước ta đã sớm có kế hoạch và biện pháp chuẩn bị. Hội nghị phòng không nhân dân toàn miền Bắc được triệu tập đầu năm 1964 đã bàn biện pháp triển khai và tăng cường hệ thống phòng không nhân dân ba thứ quân, biện pháp thực hiện kế hoạch sơ tán, phân tán nhân dân và nhà máy, công xưởng sản xuất khỏi những vùng trọng điểm địch đánh phá.

Lực lượng vũ trang gấp rút chấn chỉnh biên chế, tổ chức và tăng cường về quân số. Các đơn vị được lệnh tổ chức báo động, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Quân chủng Phòng không - Không quân hoàn chỉnh phương án chiến đấu, triển khai lực lượng theo hướng tập trung hoả lực bảo vệ các mục tiêu chủ yếu, đồng thời hình thành lực lượng chiến đấu tại chỗ, rộng khắp. Quân chủng Hải quân từ tháng 7-1964 chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tăng cường tuần tiễu vùng biển ven bờ, tổ chức Bộ Tư lệnh tiền phương ở vùng biển Quân khu IV. Các quân chủng, binh chủng khác cũng gấp rút hình thành phương án chiến đấu, bảo đảm giao thông trong điều kiện chiến tranh lan rộng ra cả nước. Các địa phương tập dượt huấn luyện chiến đấu, phục vụ chiến đấu sơ tán, phân tán tài sản và nhân dân...

Vùng ven biển, vùng giới tuyến quân sự, vùng biên giới phía tây, lực lượng vũ trang nhân dân địa phương được phổ biến kế hoạch phòng chống bộ binh, máy bay, tàu chiến và pháo binh địch. Tại các vùng này, lực lượng vũ trang địa phương tăng cường tuần tiễu, bố phòng nhằm chống sự đột nhập, phá hoại của địch. Các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp với công an vũ trang, dân quân tự vệ triển khai kế hoạch phòng thủ. Vùng nội địa, các binh đoàn chủ lực tập kết tại những khu vực quy định, sẵn sàng cơ động chiến đấu ở các hướng cần thiết.

Nhờ công tác chuẩn bị trên đây, quân và dân miền Bắc đã làm thất bại các âm mưu phá hoại, khiêu khích của địch, đánh trả kịp thời máy bay Mỹ trong ngày 5-8-1964...

Như vậy, cuối năm 1964, đầu năm 1965, miền Bắc đã được chuẩn bị một bước căn bản, đã ở trong tư thế sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ.

Tháng 3 và tháng 12-1965, Ban Chấp hành Trung ương đảng họp hội nghị lần thứ 11 và 12 đã đề ra nhiệm vụ cho miền Bắc lúc này là: xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn, vững chắc của cách mạng miền Nam; bảo đảm đời sống cho nhân dân và đáp ứng nhu cầu tại chỗ; đánh thắng chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ; tăng sức chi viện chiến trường. Để hoàn thành được những nhiệm vụ trên đây, miền Bắc phải tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, trong những điều kiện mới, khi cuộc chiến tranh phá hoại đang lan nhanh ra cả nước, với cường độ ngày càng ác liệt, miền Bắc không thể tiếp tục xây dựng như trước đó. Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến nhằm bảo đảm cho miền Bắc tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh, bảo đảm cho miền bắc có đủ sức mạnh đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ và làm tròn vai trò, nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến là cả một quá trình gian khổ, khó khăn mà ở đó, biết bao vấn đề to lớn và phức tạp đặt ra, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải bình tĩnh và nỗ lực phấn đấu thực hiện. Ở đây, chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa được thiết lập, niềm tin mãnh liệt của nhân dân vào Đảng và chính quyền, năng lực tổ chức, điều hành thực tiễn của chính quyền các cấp... là những điều kiện quan trọng để thực hiện bước chuyển này của hậu phương miền Bắc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ: chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức, chuyển hướng xây dựng kinh tế và tăng cường lực lượng quốc phòng là trọng tâm của việc chuyển toàn bộ hoạt động của hậu phương miền Bắc từ thời bình sang thời chiến.

Chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức có ý nghĩa rất trọng yếu đối với toàn bộ các mặt công tác của miền Bắc lúc này. Vì vậy, Nghị quyết của Bộ chính trị Trung ương Đảng ra ngày 7-7-1965 cho rằng, trong điều kiện chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ ngày càng ác liệt, “cần xem xét các hình thức tổ chức hiện nay để đề ra những phương hướng chủ yếu về chuyển hướng công tác tổ chức cho phù hợp”. Phương hướng đó bao gồm việc xác định rõ vị trí, nhiệm vụ mới của từng cấp, từng ngành; cải tiến và kiện toàn sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, chỉnh đốn tổ chức nhà nước, động viên và sử dụng tốt lực lượng thanh niên, củng cố và tăng cường vai trò các tổ chức quần chúng, chuyển hướng mạnh mẽ lề lối làm việc, đặc biệt là công tác cán bộ.

Theo phương hướng đó, từ năm 1965, các cơ quan đảng, nhà nước gấp rút chấn chỉnh, sắp xếp, kiện toàn về tổ chức, sửa đổi lề lối và tác phong làm việc: thực hiện đúng chức năng, giản tiện hoá các thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2010, 07:17:00 pm »


Tháng 7-1965, Hội nghị cán bộ nghiên cứu về chuyển hướng chỉ đạo hai nhiệm vụ chiến lược do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập đã bàn bạc, thống nhất: các cấp uỷ đảng phải có sự chuyển biến mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm để vươn lên ngang tầm đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới. Ở các cơ sở hợp tác xã, phải chú ý xác định rõ phương hướng sản xuất. Huyện uỷ phải lãnh đạo và chỉ đạo thật sâu sát sản xuất nông nghiệp ở cơ sở. Tỉnh uỷ phải nắm chắc tình hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp địa phương và công tác bảo đảm giao thông vận tải trên địa bàn của tỉnh.

Tiếp đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra những chỉ thị thúc đẩy cuộc vận động xây dựng chi bộ bốn tốt, tăng cường sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, làm cho Đảng thực sự sâu sát quần chúng, nắm chắc tình hình để chỉ đạo kịp thời, gắn bó mật thiết với cuộc sống chiến đấu và lao động của nhân dân. Nhờ đó, trong những năm chiến tranh, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên các lĩnh vực công tác đối nội, đối ngoại, sản xuất, chiến dấu, chi viện chiến trường được kịp thời có hiệu quả.

Củng cố và tăng cường hiệu lực của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp là một trọng tâm của công tác chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức. Trong điều kiện chiến tranh, để kịp thời quyết định những vấn đề quan trọng và cấp thiết của đất nước, ngày 10-4-1965, Quốc hội ra nghị quyết giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyền quyết định kế hoạch nhà nước, xét và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách, ấn định các thứ thuế, phê chuẩn việc phân vạch địa giới cấp tỉnh và cấp tương đương, xét và quyết định việc triệu tập Quốc hội vào thời gian thuận lợi trong trường hợp Quốc hội không thể họp phiên thường kỳ. Nhằm đặt cơ sở cho công tác huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến trên cả hai miền, Chính phủ lần lượt công bố một số văn bản pháp quy điều chỉnh việc phân bố lại lao động như Điều lệ tạm thời huy động và sử dụng dân công thời chiến; Điều lệ về việc tăng cường lực lượng lao động trong các cơ quan, xí nghiệp; Điều lệnh về nghĩa vụ lao động trong chiến tranh. Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật quy định cụ thể việc bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân, giữa vững trật tự an ninh, quản lý thị trường, chính sách hậu phương quân đội... cũng lần lượt được ban hành.

Đồng thời với việc tăng cường pháp luật thời chiến, hoạt động của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, đặc biệt là hoạt động chỉ đạo và tổ chức thực hiện cũng được chuyển hướng cho phù hợp với điều kiện cả nước có chiến tranh. Dù chiến tranh ác liệt, biết bao công việc phải tập trung giải quyết nhưng các cuộc bầu cử hội đồng nhân dân địa phương vẫn tiến hành theo đúng định kỳ, hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp vẫn được giữ vững thường xuyên. Cơ cấu cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan nhà nước và trong một số ngành sản xuất được tổ chức, sắp xếp lại. Một số cán bộ trong các cơ quan dân sự được động viên vào lực lượng vũ trang hoặc chuyển sang công tác trên mặt trận giao thông vận tải. Các vùng trung du, miền núi được tăng cường thêm cán bộ từ miền xuôi lên.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - tổ chức tập hợp ý chí và nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam yêu nước tiếp tục được củng cố, mở rộng trên cơ sở khối liên minh công - nông vững chắc. Các tổ chức quần chúng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hoạt động của các tổ chức này, tiêu biểu là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Phụ lão, Hội Mẹ chiến sĩ, Đội Thiếu niên tiền phong.... trong những tháng năm bom rơi, đạn nổ có vai trò và tác dụng to lớn trong việc tập hợp, động viên người hậu phương đoàn kết, tương trợ nhau lúc gian khổ, khó khăn, hăng hái chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ra sức thi đua sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, học tập, công tác, động viên lớp lớp thanh niên lên đường ra trận... Đó là những nhân tố góp phần quyết định tạo nên sự vững vàng và ổn định của hậu phương miền Bắc những tháng năm có chiến tranh ác liệt.

Nhìn lại từ những ngày đầu và suốt những năm chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức đã được thực hiện có hiệu quả. Một miền Bắc bình tĩnh, tự tin bước vào cuộc đọ sức trực tiếp với máy bay, tàu chiến Mỹ; một miền Bắc ổn định, vững vàng trước bao thử thách khốc liệt của chiến tranh; một miền Bắc vươn lên đánh trả không quân, hải quân Mỹ, tăng sức chi viện cho chiến trường... đã chứng tỏ hiệu quả của sự chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức. Thành công đó là bảo đảm vững chắc để chuyển hướng nền kinh tế miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, bảo đảm cho miền Bắc tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thời chiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 02:40:43 pm »


Chiến tranh lan nhanh ra miền Bắc. Bom đạn địch đêm ngày đánh phá ác liệt khiến các địa phương đứng trước nguy cơ bị chia cắt mạnh, sự tiếp tế, chi viện của trung ương trở nên rất khó khăn. Trong điều kiện đó, chuyển hướng nền kinh tế miền Bắc từ thời bình sang thời chiến chẳng những nhằm tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất mà còn để mỗi vùng, mỗi địa phương tự cung, tự cấp được những mặt hàng thiết yếu, bảo đảm đời sống trong chiến tranh. Vì thế, trọng tâm của việc chuyển hướng nền kinh tế là xây dựng và phát triển kinh tế vùng, kinh tế địa phương. Chỉ thị tháng 6-1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: “Trong khi chuyển hướng các ngành kinh tế phải quán triệt sâu sắc các nguyên tắc và phương hướng sau: tập trung cao độ, tự cung tự cấp cao độ; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; bồi dưỡng sức dân để sản xuất và chiến đấu theo tinh thần tiết kiệm triệt để, chịu đựng gian khổ, sinh hoạt giản dị”1. Báo cáo của Hội đồng Chính phủ tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá III, tháng 4-1966, khẳng định: “Phát triển kinh tế địa phương với tốc độ nhanh hơn bình thường, đó là phương hướng cơ bản để làm cho bất cứ nơi nào cũng có thể phát huy được lực lượng của mình để đánh địch theo đường lối chiến tranh nhân dân”2.

Theo phương hướng trên, công tác quản lý kinh tế, quản lý kế hoạch, phân cấp quản lý và sử dụng nhân tài, vật lực hợp lý, làm cho mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương phát huy đầy đủ khả năng, tính chủ động và sức sáng tạo của mình trong xây dựng, chiến đấu và phục vụ chiến đấu có ý nghĩa rất quan trọng. Vì thế, trong chiến tranh phá hoại, công tác quản lý nền kinh tế quốc dân, trung ương chỉ nắm những khâu cơ bản và những vật tư chủ yếu. Các địa phương được trao quyền rộng rãi hơn, đặc biệt là quyền lập kế hoạch và ngân sách của cấp tỉnh. Nhà nước không đề ra kế hoạch dài hạn mà chỉ thực hiện kế hoạch hàng năm và hai năm để phù hợp với khả năng tổ chức, quản lý trong tình hình cả nước có chiến tranh; kế hoạch sản xuất mang tính mệnh lệnh, mục tiêu phục vụ nhu cầu chiến tranh và đời sống nhân dân được đặt lên hàng đầu.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, những yêu cầu đặt ra trước đây về căn bản vẫn không thay đổi. Giờ đây, yêu cầu củng cố và phát triển nền nông nghiệp hợp tác hoá cần phải xúc tiến với tinh thần khẩn trương theo phương hướng tập trung đẩy mạnh hai ngành sản xuất chính là trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt ở vùng trung du và miền núi, nhằm giải quyết vấn đề lương thực và thực phẩm để ổn định đời sống nhân dân, góp phần giải quyết vấn đề hậu cần tại chỗ cho cuộc chiến đấu chống không quân, hải quân Mỹ. Vì thế, từ năm 1965, Nhà nước chỉ đạo các địa phương thực hiện kế hoạch phân bố lại lực lượng lao động, dành số vốn thích đáng để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, cuộc vận động cải tiến công tác quản lý hợp tác xã triển khai từ những năm trước, giờ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp khoa học và kỹ thuật mới nhằm thâm canh tăng năng suất trên toàn bộ diện tích gieo trồng; việc phát động mạnh mẽ phong trào làm thuỷ lợi, phong trào làm phân xanh, phong trào cải tiến nông cụ, công cụ vận chuyển... cũng như việc phát triển các hình thức chăn nuôi tập thể quy mô phù hợp với điều kiện, khả năng của từng hợp tác xã... đã trở nên phổ biến ở nhiều vùng nông thôn đồng bằng, trung du.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cũng được chuyển hướng cho phù hợp với điều kiện thời chiến: chuyển hướng về chủ trương, quy mô, hướng xây dựng và biện pháp tố chức sản xuất cụ thể. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhất là những ngành then chốt, được khẩn trương sơ tán, phân tán, che chắn hoặc tăng cường lực lượng phòng không bảo vệ. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp và gian khổ, đòi hỏi ở giai cấp công nhân trí thông minh, sáng tạo, tài tổ chức thực hiện và sự bền bỉ, kiên cường... Từ những ngày đầu chiến tranh phá hoại, miền Bắc đã có kế hoạch cụ thể về các hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, xác định rõ những cơ sở nào phải phân tán, sơ tán, hoặc trụ lại tiếp tục sản xuất. Bởi thế. khi chiến tranh phá hoại lan dần ra cả nước, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm xí nghiệp, kho tàng của trung ương và địa phương với hàng chục vạn tấn máy móc, thiết bị, hàng triệu tấn hàng hoá, nguyên liệu được di chuyển đến những địa điểm mới, được bảo đảm an toàn. Hàng chục vạn công nhân, cán bộ đã rời nơi ở cũ quen thuộc, thuận lợi để đi theo xí nghiệp, nhà máy của mình đến nơi xa lạ, khó khăn, thiếu thốn. Tại những nơi sơ tán, phân tán, với sự cố gắng to lớn của đội ngũ những người thợ, sản xuất nhanh chóng được phục hồi. Trong khi đó, các xí nghiệp, nhà máy ở lại chỗ cũ, những người thợ ngày đêm bám máy, duy trì và giữ vững sản xuất trong điều kiện máy bay địch luôn luôn rình rập bắn phá, uy hiếp. Trong các xí nghiệp, nhà máy, công nhân thực hiện khẩu hiệu “tay búa, tay súng”, địch đến là đánh, địch đi lại tiếp tục sản xuất...

Bên cạnh việc giữ vững sản xuất có trọng điểm, duy trì và phát huy năng lực sản xuất của công nghiệp trung ương, miền Bắc đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển công nghiệp địa phương, xây dựng các xí nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ. Tổng số vốn đầu tư vào khu vực này, từ 1965 đến 1967, tăng gấp 33 lần so với tổng số vốn đầu tư của ba năm trước đó. Do vậy, cùng với các xí nghiệp sản xuất trung ương, một mạng lưới công nghiệp địa phương với hàng nghìn xí nghiệp quy mô vừa và nhỏ đã hình thành trong khói lửa chiến tranh...

Nhìn chung, kinh tế miền Bắc những năm chống chiến tranh phá hoại phát triển theo từng vùng, tạo điều kiện thuận lợi để từng địa phương tự bảo đảm được một phần quan trọng những nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Ngoài ra, việc chú trọng phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy khu vực này phát triển nhanh hơn tốc độ bình thường đã làm cho từng vùng phát huy được tiềm năng sẵn có của mình, đáp ứng hậu cần tại chỗ: vừa bảo đảm sản xuất, vừa bảo đảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu theo đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân của Đảng.
____________________________________
1. Những sự kiện lịch sử Đảng, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1982. t.4, tr. 235.
2. Viện Luật học: Sơ thảo lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb. Khoa học - xã hội, Hà Nội, 1983, tr. 142.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 02:43:26 pm »


Đi đôi với việc chuyển hướng nền kinh tế từ thời bình sang thời chiến, để giữ vững và đẩy mạnh sản xuất, Đảng, Nhà nước còn điều chỉnh một số chỉ tiêu trong xây dựng cơ bản để phù hợp với thời chiến và ban hành các chính sách có tác dụng động viên mạnh mẽ khí thế lao động, chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân hậu phương miền Bắc. Vì thế, mặc dù chiến tranh ngày càng ác liệt, nhưng khắp nơi trên miền Bắc, các tầng lớp nhân dân không hề nao núng quyết tâm, kiên trì bám ruộng đồng, nhà máy tiếp tục sản xuất ở nhiều vùng trọng điểm đánh phá của địch, mọi sinh hoạt của người dân đều ở dưới tầng sâu của hệ thống hầm, hào, địa đạo. Các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, ngư nghiệp... thành lập các tổ, đội xung kích bám ruộng đồng, bám biển sản xuất. Khắp miền Bắc, trên các cánh đồng Khu IV, Khu III và vùng trung du, Tây Bắc, Việt Bắc đều có hầm trú ẩn cố định và di động, xã viên đi cấy, gặt đều phải khoác áo rơm để chống mảnh bom đạn địch. Ngư dân khi ra khơi, vào lộng thường xuyên mang theo phao bơi, dây dòng phòng khi địch đánh, tàu thuyền bị vỡ, bị chìm. Những xã vùng ven biển, người già và trẻ em được rời sâu vào phía trong, lập xóm mới quanh các gò, đồi để tránh sự đánh phá, sát thương của hải quân địch. Bộ phận nam giới ở lại trụ bám làng cũ, duy trì sản xuất và sẵn sàng đánh địch bảo vệ quê hương. Một bộ phận dân cư sống ở đô thị sơ tán về nông thôn sinh sống, làm ruộng hoặc tham gia vào mạng lưới lưu thông-phân phối.

Duy trì và phát triển sản xuất, ổn định đời sống và sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân những năm chống chiến tranh phá hoại thực sự là kỳ tích lớn lao của hậu phương miền Bắc. Mặc dù ruộng đồng, làng mạc bị bom đạn Mỹ đánh phá liên tục, thiên tai thường xuyên uy hiếp, một bộ phận lớn lao động chủ chốt ở nông thôn gia nhập lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến và con số này ngày càng tăng theo nhịp độ của cuộc chiến tranh..., nhưng nền nông nghiệp hợp tác hoá miền Bắc, về cơ bản, vẫn được giữ vững và phát huy hiệu quả to lớn. Được như vậy do nhiều nguyên nhân, trong đó, các hợp tác xã không ngừng được củng cố là một nhân tố quan trọng. Nhận thức sâu sắc vai trò, tác dụng to lớn của nó, Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm sự nghiệp xây dựng, củng cố các hợp tác xã nông nghiệp. Tháng 8-1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc ở vùng núi - địa bàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi chiến tranh lan rộng ra cả nước. Đầu tháng 1-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Thái Bình - tỉnh đầu tiên trên miền Bắc đạt năm tấn thóc trên một hécta gieo trồng. Nói chuyện với bà con nông dân, Người chỉ rõ: “Các hợp tác xã nông nghiệp là đội quân hậu cần của quân đội chiến đấu ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã là chiến sĩ sản xuất, cần phải cố gắng như các chiến sĩ ngoài mặt trận1. Người nêu ra phương hướng củng cố hợp tác xã trong chiến tranh:

“- Đoàn kết chặt chẽ, giữa xã viên với nhau, đoàn kết giữa ban quản trị và xã viên.

- Thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều phải bàn bạc với xã viên, cán bộ không quan liêu, mệnh lệnh.

- Tài chính phải công khai, tuyệt đối chống tham ô, lãng phí.

Các hợp tác xã phải làm thế nào để các xã viên đều thấy rằng mình là người chủ tập thể của hợp tác xã, có quyền bàn bạc và quyết định những công việc của hợp tác xã”2.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn động viên to lớn, thôi thúc giai cấp nông dân tập thể miền Bắc vượt lên khó khăn, tăng cường đoàn kết, ra sức sản xuất, củng cố hợp tác xã và đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, năm 1965, toàn miền Bắc có 31.651 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, bao gồm 19.035 hợp tác xã bậc cao, 12.616 hợp tác xã bậc thấp, thu hút 22.065 hộ gia đình vào hợp tác xã, thì con số đó tới năm 1967, là 23.264 hợp tác xã, trong đó có 17.921 hợp tác xã bậc cao, 5.703 hợp tác xã bậc thấp, thu hút tới 29.896 hộ gia đình nông dân3. Trong gần bốn năm, kể từ năm 1964 tới 1967, số hộ nông dân miền Bắc vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp từ 84% lên tới 94,1%. Điều đó chứng tỏ rằng, trong chiến tranh, quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền Bắc được củng cố và tăng cường; các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới cả về quy mô, trình độ quản lý... Cùng với phong trào thi đua Hai giỏi4, “Phấn đấu đạt ba mục tiêu trong nông nghiệp”5, các phong trào Ba sẵn sàng6 trong thanh niên, Ba đảm đang7 trong phụ nữ, phong trào Ba quyết tâm trong giới trí thức và phong trào thi đua Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong lực lượng vũ trang phát triển sôi nổi, mạnh mẽ đã thổi vào nông thôn miền Bắc một luồng sinh khí mới, tạo đà cho giai cấp nông dân tập thể phát huy những mặt mạnh, tận dụng những điều kiện thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, ác liệt do bom đạn Mỹ gây nên, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu, làm tròn nhiệm vụ xây dựng hậu phương chiến lược và chi viện chiến trường. Trong điều kiện chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ, với lực lượng lao động chính trên ruộng đồng là phụ nữ, thì việc các hợp tác xã nông nghiệp với quan hệ sản xuất mới được củng cố, tăng cường suốt những năm chiến tranh là thành tựu đáng tự hào của nông nghiệp và nông thôn miền Bắc. Đó cũng là một trong những nhân tố căn bản tạo nên sức mạnh, tính bền vững của hậu phương miền Bắc trước bao thử thách ngặt nghèo và khốc liệt của chiến tranh. Vì rằng hợp tác xã, và chính bằng hình thức tổ chức sản xuất đó, nông dân, nông thôn, nông nghiệp miền Bắc - nguồn cung cấp sức người, sức của to lớn cho kháng chiến ở cả hai miền - mới có điều kiện để khắc phục sự thiếu hụt về nhân lực do hầu hết nam thanh niên được động viên vào quân đội, mới có thể vượt qua muôn vàn thử thách của chiến tranh và thiên tai, duy trì và giữ vững sản xuất cả về diện tích, năng suất, ổn định đời sống, động viên phần lớn lực lượng trẻ, khoẻ rời ruộng đồng, lên đường đánh Mỹ.
____________________________________
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 1996, t.12, tr. 193. 195.
3. Dẫn theo Thế Đạt: Nền nông nghiệp Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nxb. Nông nghiệp. Hà Nội, 1981. tr. 14.
4. Ngày 17-7-1965, nhân dịp quân, dân Quảng Bình bắn rơi 100 máy bay Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Quảng Bình Chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi. Người kêu gọi các địa phương khác thi đua với Quảng Bình. Từ đó, đã dấy lên phong trào thi đua Hai giỏi sôi nổi trên toàn miền Bắc.
5. Ba mục tiêu trong nông nghiệp là: năm tấn thóc, hai vụ lúa, hai con lợn trên một hécta đất canh tác.
6. Phong trào Ba sẵn sàng của thanh niên Hà Nội được phát động từ ngày 9-8-1964 đã nhanh chóng trở thành phong trào thi đua của tuổi trẻ miền Bắc những năm chiến tranh mà nội dung là: sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng nhập ngũ; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần.
7. Thoạt đầu, phong trào mang tên Ba đảm nhiệm. Đây là phong trào được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động ngày 19-3-1965. Phong trào này gồm ba nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác; đảm đang việc nhà; đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 02:44:48 pm »


Mặc dù vậy, nền nông nghiệp hợp tác hoá miền Bắc những năm chiến tranh vẫn được giữ vững và có bước phát triển trên một số mặt. Cho dù năng suất lúa thời kỳ này tăng chưa đều, chưa vững chắc nhưng khắp nơi trên miền Bắc đã xuất hiện hàng nghìn hợp tác xã đạt và vượt mục tiêu năm tấn thóc trên một hécta gieo trồng - điều trước kia mới chỉ là ước mơ, mà nền nông nghiệp miền Bắc chưa bao giờ đạt tới. Nếu năm 1965, toàn miền Bắc mới chỉ có 640 hợp tác xã thuộc bảy huyện đạt chỉ tiêu trên, thì đến năm 1967, con số đó tăng lên 2.628 hợp tác xã thuộc 30 huyện. Tỉnh Thái Bình, huyện Thanh Trì (Hà Nội), huyện Đan Phượng (Hà Tây)... là những đơn vị đầu tiên đạt năm tấn thóc trên một hécta gieo trồng trên toàn bộ diện tích cấy lúa của tỉnh, huyện. Các tỉnh khác như Hải Hưng, Nam Hà... đạt hơn bốn tấn thóc trên một hécta. Riêng Hải Hưng, hàng năm mức đóng góp của tỉnh cho Nhà nước đạt từ 17 đến 19 vạn tấn lương thực. Tính bình quân, mỗi người dân trong tỉnh đóng góp 31kg lương thực một năm. Nhờ đó, mặc dù diện tích canh tác bị thu hẹp do chiến tranh, nhưng bình quân lương thực đầu người trong những năm này vẫn được bảo đảm ở mức trên dưới 270 kg. Được như thế là nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới trong nông nghiệp. Chính những năm tháng dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, các phong trào làm thuỷ lợi, cải tạo ruộng đồng, đắp bờ vùng, bờ thửa, phong trào làm bèo hoa dâu, đưa các giống lúa mới vào gieo trồng... được giai cấp nông dân tập thể miền Bắc hưởng ứng mạnh mẽ. Trong những năm chiến tranh, hàng chục nghìn cán bộ, công nhân viên kỹ thuật được đào tạo tăng cường cho mặt trận nông nghiệp và nông thôn. Các năm 1965, 1966, 1967, nông nghiệp miền Bắc vẫn đạt kết quả về sản lượng lương thực và chăn nuôi như trước chiến tranh phá hoại. Sản lượng lương thực và chăn nuôi hàng năm của miền Bắc đạt xấp xỉ năm 1964; chỉ riêng chăn nuôi, đàn lợn năm 1968 tăng hơn năm 1964 là 70 vạn con. Diện tích trồng lúa bị giảm nhưng bù lại, diện tích trồng rau, hoa màu và cây công nghiệp phát triển hơn trước. Phong trào “Trồng cây, gây rừng” trong bốn năm từ 1965 đến 1968 đã đưa diện tích rừng trồng tăng gấp 2,5 lần so với bốn năm trước đó.

Suốt những năm chiến tranh, nhờ chủ trương chuyển hướng kinh tế kịp thời và đúng đắn, với những biện pháp có hiệu quả về tổ chức, bảo vệ, duy trì, phát triển sản xuất, đặc biệt, sự nỗ lực cao độ của giai cấp công nhân... cho nên sản xuất công nghiệp căn bản được giữ vững. Một loạt cơ sở sản xuất công nghiệp lớn kịp thời sơ tán, phân tán và nhanh chóng đi vào sản xuất, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế quốc dân, của đời sống nhân dân và một phần nhu cầu quốc phòng. Do chủ trương phát triển công nghiệp địa phương - một chủ trương đúng đắn trong điều kiện miền Bắc có chiến tranh phá hoại1, nên thời kỳ này, sản lượng công nghiệp địa phương ngày càng tăng. Công nghiệp địa phương hướng nỗ lực vào việc vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa đáp ứng các nhu cầu của đời sống nhân dân và của quốc phòng. Mức đầu tư trong hai năm 1966-1967 tăng gấp 1,5 lần so với kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961- 1965). Mỗi tỉnh trở thành một đơn vị kinh tế tương đối hoàn chỉnh, có thể tự cấp, tự túc đến mức cao nhất, bảo đảm hậu cần cho cuộc chiến đấu tại chỗ. Những năm này hình thành một mạng lưới cơ khí nông nghiệp. Nhiều tỉnh, công nghiệp địa phương đã vươn lên sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của nông nghiệp như máy công cụ, máy bơm, xà lan... Ở các tỉnh khu IV, dù bom đạn Mỹ đêm ngày dội xuống, nhưng mỗi tỉnh, hàng năm, con số các xí nghiệp công nghiệp địa phương vẫn tăng. Công nghiệp các tỉnh trung du, miền núi thời kỳ này cũng bước đầu phát triển, bao gồm cả công nghiệp hàng tiêu dùng, đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu thiết yếu của đông đảo nhân dân. Nhìn chung, trong chiến tranh, toàn ngành công nghiệp đã khắc phục muôn vàn gian khổ, khó khăn, duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Miền Bắc năm 1965 có 1.132 xí nghiệp, trong đó 205 xí nghiệp trung ương và 927 xí nghiệp địa phương. Đến cuối năm 1968, xí nghiệp công nghiệp phát triển lên 1.352, bao gồm 277 xí nghiệp trung ương và 1.075 xí nghiệp địa phương. Vì thế, tốc độ tăng bình quân hàng năm thời kỳ này về giá trị sản lượng công nghiệp trung ương giảm trong khi công nghiệp địa phương tăng so với thời kỳ trước chiến tranh. Nếu những năm từ 1961 đến 1965, công nghiệp địa phương tăng hàng năm là 8,5% so với 18,9% của công nghiệp trung ương, thì từ 1966 đến 1971, tỷ lệ đó là 5,8% và 3,8%. Cùng với nền nông nghiệp hợp tác hoá, nền công nghiệp, trước hết là công nghiệp địa phương, đã góp phần quan trọng bảo đảm đời sống nhân dân, bảo đảm hậu cần tại chỗ cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân và hải quân Mỹ.

Các ngành tài chính, ngân hàng, nội thương, ngoại thương thời kỳ này đều hướng trọng tâm vào phục vụ nhu cầu bức thiết của sản xuất, đời sống và của cuộc kháng chiến. Trong chiến tranh, dù ngân sách nhà nước có phần bội chi, sản xuất, phân phối có khó khăn và trở ngại, nhưng nhờ động viên được nguồn thu trong nước và sử dụng có hiệu quả viện trợ của các nước anh em, đồng thời với việc cải tiến, tăng cường công tác quản lý kinh tế, tài chính, giữ vững chế độ hạch toán, củng cố và tăng cường hệ thống thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã, nên giá cả thị trường ổn định, không có đột biến, thị trường có tổ chức vẫn được giữ vững, giá cả những mặt hàng thiết yếu không tăng... Đặc biệt, dưới bom đạn ác liệt của địch và trong điều kiện sản xuất, vận chuyển khó khăn, mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa được xây dựng 10 năm trước đó (1955-1965), tiếp tục được củng cố, phát triển bao gồm hàng chục nghìn cửa hàng bán buôn, bán lẻ, thu mua và ăn uống, dịch vụ phân bố ở khắp các thành phố, huyện lỵ, thị trấn và nhiều vùng nông thôn, đóng góp to lớn vào việc ổn định đời sống nhân dân và trở thành lực lượng hậu cần tại chỗ của quân đội trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Những năm tháng ấy, dù hàng hoá còn khan hiếm do việc cung ứng gặp nhiều khó khăn, nhưng các cơ sở thương nghiệp quốc doanh luôn giành sự ưu tiên cho các đơn vị bộ đội thuộc địa bàn phục vụ của mình. Khắp nơi trên miền Bắc, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm, trước, trong và sau mỗi trận đánh, bất chấp gian khổ, hiểm nguy, công nhân viên các cửa hàng bách hoá, cửa hàng ăn uống, giải khát tổ chức những đội xung kích mang hàng hoá tới phục vụ bộ đội ngay tại trận địa trực chiến. Đó thực sự là nguồn động viên, khích lệ tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến đấu chống máy bay, tàu chiến Mỹ.

Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế những năm chiến tranh phá hoại thực sự là mặt trận nóng bỏng. Những loạt bom đầu tiên dội xuống miền Bắc là nhằm cả vào những công trình văn hoá, những cơ sở giáo dục. Trường cấp I Xuân Giang (Hà Tĩnh) bị trúng bom Mỹ vào ngày 5-8-1964. Hai ngày sau, một số trường học ở thị xã Đồng Hới, thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) cũng bị đánh phá. Trong bốn năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965 - 1968 ), 1.558 trường học trên toàn miền Bắc, trong đó có bảy trường đại học, bị bom đạn Mỹ phá huỷ, nhiều thầy cô giáo và học sinh bị giết hại...
____________________________________
1. Trong điều kiện chiến tranh, nếu sự phát triển của công nghiệp trung ương và công nghiệp nặng bị hạn chế thì công nghiệp địa phương và công nghiệp nhẹ lại được phát triển nhanh hơn để thích ứng với tình hình nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và đời sống nhân dân cũng như của cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại. Trong thời kỳ từ 1966-1970, bình quân hàng năm, công nghiệp nặng chi tăng 0,5% thì công nghiệp nhẹ tăng 1,4%, công nghiệp trung ương giảm 1,8% thì công nghiệp địa phương tăng 3,6%.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 02:45:38 pm »


Từ ngày đầu chiến tranh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới sự nghiệp văn hoá, giáo dục và đã có những chủ trương kịp thời, đúng đắn nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp trồng người trong thời kỳ mới. Chỉ thị số 104 về công tác văn hoá, văn nghệ của Trung ương Đảng ngày 28-7-1965 chỉ rõ: “Hiện nay, cả nước ta đang ở trong tình trạng có chiến tranh, nhiệm vụ cấp bách của toàn dân ta là chống Mỹ, cứu nước... Trong tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới đó, công tác văn hoá, văn nghệ có một vai trò trọng yếu trong việc giáo dục lòng căm thù đối với bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai, cổ vũ tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bồi dưỡng khả năng sản xuất và chiến đấu của nhân dân, nâng cao sinh hoạt tinh thần của quần chúng, xây dựng một nền văn hoá xứng đáng với nhân dân ta, phục vụ sự nghiệp vĩ đại chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta hiện nay”1. Đối với sự nghiệp giáo dục, Chỉ thị ngày 5- 8-1965 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Phải chuyển hướng để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của mình và phù hợp với tình hình mới.

Duy trì và đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, hàng vạn lớp học với hàng chục vạn thầy, cô giáo và học sinh các cấp học, cũng như nhiều trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và đại học được sơ tán khỏi thành phố, thị xã, thị trấn tới vùng nông thôn đồng bằng, miền núi để tiếp tục học tập. Tại những nơi mới đến, với sự giúp đỡ tận tình của chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương cộng với sự nỗ lực của thầy, trò nhà trường, nơi ăn chốn ở và điều kiện trường lớp nhanh chóng ổn định để bước vào giảng dạy, học tập. Trong khi đó, ở mọi làng quê, trường lớp được phân tán vào trong dân; nhiều nơi, nhà dân thành lớp học. Xung quanh trường, lớp đều có luỹ đất bao quanh, có hệ thống hầm, hào, phòng tránh bom, pháo giặc. Giờ học được bố trí vào những lúc máy bay địch ít hoạt động hơn. Tại nhiều địa phương, ở các vùng trọng điểm, đặc biệt các tỉnh Khu IV, để tránh sự đánh phá ác liệt của máy bay, tàu chiến Mỹ, các lớp học được đào sâu xuống lòng đất và chuyển giờ học vào ban đêm. Chương trình giảng dạy và học tập cũng được cải tiến cho phù hợp với điều kiện mới. Công tác giáo dục chính trị, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, chí căm thù địch, củng cố niềm tin vào chế độ mới, vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ... được đẩy mạnh trong các trường học, các cấp học nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ có đủ bản lĩnh và tri thức bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Dù gian khổ và ác liệt, nhưng hậu phương miền Bắc những ngày đánh Mỹ luôn kiên cường trong lửa đạn và hướng tới tương lai, không bao giờ sao lãng sự nghiệp “trăm năm trồng người” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Vì ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của việc giáo dục, những năm tháng chiến tranh, học sinh đầu đội mũ rơm đều đặn đến trường học tập. Dù điều kiện trường lớp và đồ dùng giảng dạy, học tập, giấy bút, sách vở thiếu thốn trăm bề, nhưng vượt lên bao thử thách khó khăn, khắp nơi trên miền Bắc, phong trào thi đua Dạy tốt, học tốt vẫn dấy lên mạnh mẽ. Nếu năm đầu chống chiến tranh phá hoại - năm học 1964 - 1965, số học sinh phổ thông toàn miền Bắc là 3,5 triệu người thì những năm tiếp theo, dưới mưa bom bão đạn của quân thù, con số đó vẫn không ngừng tăng lên. Đến năm học 1967 - 1968, toàn miền Bắc có tới 4,7 triệu con em nhân dân lao động cắp sách tới trường. Hầu hết các huyện đều có trường phổ thông cấp III, các xã đều có trường phổ thông cấp I và nhiều xã có trường cấp II.

Bên cạnh giáo dục phổ thông, công tác bổ túc văn hoá những năm chiến tranh tiếp tục được duy trì nhằm không ngừng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, thanh niên xung phong... Từ năm 1966, đã hình thành hệ thống trường sư phạm chuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, giảng dạy bổ túc văn hoá. Ở các cơ quan dân - chính - đảng từ trung ương đến địa phương, các nhá máy, xí nghiệp, các đơn vị thanh niên xung phong... hệ thống trường, lớp bổ túc văn hoá được duy trì, mở rộng. Đặc biệt, những năm này, ở các tỉnh, thành miền Bắc, ngoài các trường bổ túc văn hoá cấp I, cấp II, cấp III, ta còn tổ chức các trường “ba đảm đang” dành riêng cho phụ nữ thuộc hệ bổ túc văn hoá, trường phổ thông lao động, trường thanh niên dân tộc, v.v... Hệ thống trường lớp này hàng năm thu hút hàng chục vạn học viên theo học. Năm học 1967 - 1968, trong số hơn một triệu học viên bổ túc văn hoá, có 44 vạn cấp II và 5 vạn cấp III.
____________________________________
1. Công tác văn hoá nghệ thuật trong những năm chống Mỹ, cứu nước (1965 - 1972). Văn phòng Bộ Văn hoá Hà Nội, 1974, tr. 67.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 02:48:28 pm »


Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải tiếp tục củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế. Vì thế, ngày 28-6-1966, Bộ Chính trị ra nghị quyết nêu rõ: “Phải tranh thủ trong một thời gian tương đối ngắn, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế đông đảo, vững mạnh, ngày càng hoàn chỉnh về trình độ và nghề nghiệp, vừa có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc, liên hệ chặt chẽ với công nông, vừa có trình độ khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ giỏi, nắm vững những quy luật của tự nhiên và xã hội, có năng lực tổ chức, động viên quần chúng, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế do thực tiễn nước ta đặt ra và có khả năng tiến kịp trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Phải có một kế hoạch dài hạn, mạnh bạo, thiết thực và toàn diện về lãnh đạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật”1. Bộ Chính trị đề ra 10 biện pháp thực hiện:

1. Củng cố, phát triển và sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

2. Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cải tiến chương trình và nội dung giảng dạy.

3. Coi trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh.

4. Cải tiến phương pháp đào tạo, gắn học tập với lao động sản xuất.

5. Kết hợp chặt chẽ các hình thức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.

6. Phát triển mạnh mẽ và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và bổ túc văn hoá, đặc biệt là bổ túc văn hoá cho công nhân và nông dân lao động, để tạo nguồn tuyển sinh tốt cho các trường đại học.

7. Tiếp tục cuộc vận động thi đua “hai tốt”.

8. Kết hợp việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong nước với việc đẩy mạnh đào tạo cán bộ ngoài nước.

9. Cải tiến công tác phân phối và sử dụng cán bộ.

10. Tăng cường lãnh đạo đối với các công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.

Đặt trong điều kiện miền Bắc lúc đó, khi chiến tranh đang diễn ra vô cùng ác liệt, nghị quyết trên đây của Bộ Chính trị Trung ương Đảng chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về các vấn đề trọng đại của nước nhà trong và sau khi sự nghiệp kháng chiến kết thúc. Tầm nhìn đó là nhân tố có ý nghĩa rất to lớn trong việc xây dựng và tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý để chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ mà còn chuẩn bị cho sự nghiệp xây dựng đất nước mười lần đẹp hơn khi chiến tranh kết thúc, như mong đợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù phải đối mặt với những thử thách khốc liệt của chiến tranh, giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp, cao đẳng vẫn luôn luôn được duy trì, giữ vững mục tiêu và chỉ tiêu đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Nhờ đó, từ 16 trường đại học năm học 1964 - 1965 phát triển lên tới 35 trường năm học 1967 - 1968, với đội ngũ giáo viên từ 2.750 (1965) lên tới 6.727 (1968 ). Năm đầu chiến tranh phá hoại, toàn miền Bắc có 29.800 sinh viên đại học và 42.600 học sinh các trường trung học. Đến năm 1968, con số đó tăng lên 58.200 và 118.500. Ngoài số sinh viên được đào tạo trong nước, những năm này, Nhà nước còn chọn cử một số ra nước ngoài - chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa - học tập. Đã có hàng vạn cán bộ tốt nghiệp đại học và trung học chuyên nghiệp lần lượt ra trường, đi tới mọi miền đất nước, phục vụ đắc lực cho các ngành kinh tế và cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết...

Mặc dù giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự, mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ2. Trong khói lửa chiến tranh, ngành giáo dục đã xuất hiện những điển hình “dạy tốt, học tốt” mà tiêu biểu là Cẩm Bình - một xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Trước cách mạng, cả xã chỉ có 17 người biết chữ, trong những năm chiến tranh phá hoại, xã xây dựng được hệ thống giáo dục phổ thông hoàn chỉnh và đến năm 1967, xã hoàn thành phổ cập trình độ cấp II. Noi gương Cẩm Bình, ngành giáo dục những năm này đã dấy lên phong trào “Cẩm Bình hoá”, “xoá xã trắng” về mẫu giáo và cấp I. Cũng những năm tháng ấy, xuất hiện phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt, chống Mỹ, cứu nước” thu hút hàng chục vạn học sinh các trường phổ thông cấp I, cấp II tham gia. Trong phong trào thi đua đó, nổi lên tấm gương quên mình cứu bạn của Nguyễn Bá Ngọc, học sinh lớp 4 Trường cấp I Quảng Trung, Quảng Xương, Thanh Hoá. Em đã lấy thân mình che chở cho hai em nhỏ khỏi sự sát hại của bom đạn Mỹ và anh dũng hy sinh, làm xúc động hàng triệu đồng bào và thanh, thiếu niên cả nước. Tấm gương Nguyễn Bá Ngọc được thiếu niên, nhi đồng cả nước học tập, noi theo. Mái trường xã hội chủ nghĩa chẳng những truyền thụ kiến thức mà còn trang bị cho lớp lớp học sinh những phẩm chất cao đẹp của con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các thế hệ nam, nữ thanh niên được giáo dục trong nhà trường đã lần lượt lên đường chiến đấu, công tác với vốn kiến thức vững và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp chống Mỹ.
____________________________________
1. Những sự kiện lịch sử Đảng, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1982, t. 4, tr. 255.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 12, tr. 402 - 403.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 02:48:52 pm »


Gắn bó chặt chẽ với thực tiễn chiến đấu, sản xuất đang diễn ra sôi động, khẩn trương trên mọi miền đất nước, các ngành văn hoá - nghệ thuật thời kỳ này có bước phát triển mới, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của sự nghiệp chống Mỹ. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, họa sĩ, phóng viên, quay phim... khoác ba lô đi vào thực tế chiến đấu, lao động của quân và dân vùng có chiến sự ác liệt, đặc biệt là tuyến lửa Khu IV để tìm hiểu, sáng tác. Các đoàn văn công, các đơn vị chiếu bóng, thư viện cũng vượt bom đạn, tìm mọi cách phục vụ kịp thời cho quân và dân các địa phương đang hàng ngày, hàng giờ đương đầu với máy bay, tàu chiến Mỹ. Chính sự gắn bó mồ hôi và máu xương với cuộc sống chiến đấu và lao động đầy thử thách, khó khăn của mọi miền quê trên đất nước, nên văn học, nghệ thuật thời kỳ này đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, thể hiện sâu sắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta ở cả hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam.

Trong chiến tranh ác liệt, luôn phải đối mặt với mất mát, hy sinh, người dân ở hậu phương cũng như bộ đội, thanh niên xung phong hoả tuyến đều lấy tiếng hát để động viên khích lệ tinh thần anh dũng, lạc quan tin tưởng. Bởi vậy, phong trào “tiếng hát át tiếng bom” xuất hiện và phát triển rộng khắp. Hầu hết các địa phương, các đơn vị quân đội, thanh niên xung phong, xí nghiệp, hợp tác xã, nhà máy, trường học, công sở... đều có những đội “văn nghệ xung kích” làm nòng cốt cho phong trào. Chưa bao giờ văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ và sôi nổi như thời kỳ này. Nam Hà - một tỉnh bốn năm liền (1965 - 1969) là lá cờ đầu của ngành văn hoá đã xây dựng được 1.081 đội văn nghệ, mở hàng trăm cuộc hội diễn với hàng chục nghìn tiết mục tự biên. Nghệ An, một trong những vùng trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ, năm 1966 cũng đã có tới 1.080 đội văn nghệ...

Đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân, nhiều tác phẩm văn học nước ngoài có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đã được chọn dịch sang tiếng Việt. Đồng thời, một số tác phẩm văn học và nghệ thuật Việt Nam cũng đã được giới thiệu với bạn bè quốc tế, giúp họ hiểu rõ, hiểu đúng sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Năm 1965, các nhà xuất bản trên miền Bắc đã cho ra mắt bạn đọc 1.887 đầu sách các loại với số lượng 22 triệu bản in. Năm 1968, xuất bản 1.471 đầu sách với 30 triệu bản in. Cùng với công tác xuất bản, mạng lưới phát hành và hệ thống thư viện cũng ngày càng được mở rộng, bất chấp sự đánh phá khốc liệt của kẻ thù.

Trong những năm tháng đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ và dồn sức cho tiền tuyến miền Nam, hậu phương lớn miền Bắc vẫn rất chú trọng tới việc bảo vệ, khai thác và phát huy sức mạnh của nền văn hoá truyền thống. Những vốn quý thuộc về di sản văn hoá các dân tộc sinh sống trên mọi miền đất nước được trân trọng bảo vệ, sưu tầm. Một số cuộc hội nghị khoa học về dân ca, về thời kỳ Hùng Vương được tổ chức ở trung ương, địa phương. Tháng 11-1965, khi Mỹ đang leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhân dân ta vẫn tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Đó là một trong những biểu hiện trình độ của một dân tộc văn minh, chứng tỏ tư thế của hậu phương lớn miền Bắc thời đánh Mỹ.

Trước đòi hỏi cấp bách của tình hình, công tác y tế miền Bắc nhanh chóng chuyển từ thời bình sang thời chiến và được tăng cường về số lượng và chất lượng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân, cán bộ, công nhân viên các cơ quan, xí nghiệp, trường học, ngành y tế chỉ đạo các địa phương chủ động việc phổ cập kinh nghiệm sơ cứu, cấp cứu trong các tầng lớp nhân dân, mở các khoá đào tạo ngắn ngày cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển thành một hệ thống sâu rộng. Hầu hết các bản làng, thôn xã và huyện đều có tổ y tế, trạm xá và bệnh viện. Từ 5.289 trạm xá, 475 bệnh viện, 7 cơ sở điều dưỡng năm 1964, đến năm 1968, toàn miền Bắc có 6.043 trạm xá, 981 bệnh viện và 50 cơ sở điều dưỡng. Tương ứng với sự gia tăng về số lượng các cơ sở y tế trên đây, đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành y cũng có bước phát triển mới. Năm 1965, toàn ngành có 67.200 người; đến năm 1967, chỉ riêng đội ngũ y, bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh cũng đã lên tới 60.000 người. Ngoài ra, tại thời điểm này, toàn ngành còn có 3.497 dược sĩ công tác ở các cơ sở y tế. Tận tuỵ với nghề, gắn bó khăng khít với cuộc sống gian lao của nhân dân và bộ đội, những người thầy thuốc, những cán bộ, nhân viên công tác trong ngành y tế thực sự xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Chính những năm tháng lao động và chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh đó, ở mọi địa phương trên miền Bắc, không hề xảy ra dịch bệnh; sức khoẻ và tính mệnh của người dân cũng như của cán bộ, công nhân viên vẫn được bảo đảm. Những người “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận thầm lặng cùng với những chiến công của họ đã góp phần không nhỏ vào sự ổn định, vững vàng của hậu phương miền Bắc trong những tháng năm đương đầu với không quân, hải quân Mỹ trên vùng trời,vùng biển.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2010, 02:50:01 pm »


II- TĂNG CƯỜNG LỰC LƯỢNG QUỐC PHÒNG,
KIÊN QUYẾT ĐÁNH TRẢ KHÔNG QUÂN, HẢI QUÂN MỸ

Đồng thời với việc chuyển hướng về tư tưởng, tổ chức và xây dựng kinh tế, nền quốc phòng miền Bắc cũng được gấp rút tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam.

Xuất phát từ quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố và tăng cường quốc phòng là sự nghiệp của toàn dân, Đảng, Nhà nước thường xuyên chú trọng công tác giáo dục, động viên chính trị trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Ngày 2-1-1965, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị về cuộc vận động cán bộ, nhân dân quán triệt tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, làm cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân “trên cơ sở nhận rõ tình hình, nhiệm vụ và yêu cầu của cách mạng mà nâng cao phẩm chất và đạo đức cách mạng, phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân”1, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tiếp theo chỉ thị này, trên miền Bắc diễn ra nhiều đợt học tập, thảo luận và quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các sinh hoạt chính trị đó có tác dụng nâng cao nhận thức, mài sắc ý chí, củng cố quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị này, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được phổ biến sâu rộng trong nhân dân, được nhân dân đón nhận và thực hiện tự nguyện, tự giác. Đó là cơ sở cho nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động lớn được dấy lên mạnh mẽ, thu hút mọi người, mọi ngành, mọi giới ở mọi miền đất nước tham gia.

Đảng thường xuyên chăm lo giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, giữa những ngày chiến tranh diễn ra quyết liệt, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động xây dựng chi bộ bốn tốt và đảng viên cơ sở bốn tốt. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “...từ nay các huyện uỷ, thành uỷ, tỉnh uỷ cần phải đi sâu đi sát các chi bộ, cần phải giúp đỡ các chi bộ một cách thiết thực và thường xuyên. Các tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ cần chỉ đạo riêng chi bộ để rút kinh nghiệm về xây dựng chi bộ “bốn tốt”. Các huyện uỷ cần được kiện toàn tốt theo chỉ thị mới đây của Trung ương để đẩy mạnh cuộc vận động chi bộ “bốn tố” và đảng bộ “bốn tốt””2. Người nhắc nhở: “... trong một thời gian vài năm, chúng ta phải làm cho mỗi địa phương và mỗi ngành ít nhất cũng có 60% chi bộ đạt bốn tốt như nghị quyết của Ban Bí thư đã đề ra. Các chi bộ khác đều phải đạt loại khá. Đó là điều bảo đảm chắc chắn nhất cho ta sản xuất tốt, chiến đấu tốt; bảo đảm cho ta nhất định đánh thắng giặc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”3.

Một thành công khác của công tác động viên chính trị những năm kháng chiến chống Mỹ, bao gồm trong đó thời kỳ chống chiến tranh cục bộ, là đã giáo dục sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tinh thần đoàn kết quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các nước trong thế giới thứ ba, làm cho mọi người hiểu rõ nhiệm vụ đối với cách mạng hai nước Lào, Campuchia. Nhờ đó, thời kỳ này, tình đoàn kết, chiến đấu giữa quân đội, nhân dân Việt Nam với quân đội, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và Lào vốn đã được khởi đầu, phát triển trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp nay càng trở nên bền chặt, khăng khít. Đối với Lào, con em miền Bắc chẳng những đánh giặc ở miền Nam mà còn tình nguyện chiến đấu ở Lào, hạt gạo “hai sương một nắng” của hậu phương miền Bắc không chỉ có mặt ở chiến trường miền Nam Việt Nam mà còn ở chiến trường Lào. Miền Bắc Việt Nam từ 1965 không chỉ là hậu phương căn cứ địa của cách mạng Việt Nam ở miền Nam mà còn là hậu phương của cách mạng Lào và tiếp đó là cách mạng Campuchia...

Tháng 1-1965, Hội đồng Quốc phòng họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị đã định ra phương hướng công tác quốc phòng miền Bắc trong tình hình mới là:

1. Tăng cường công tác phòng thủ, trị an và sẵn sàng chiến đấu cao.

2. Ra sức xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ và lực lượng hậu bị đúng với đường lối quân sự của Đảng, với truyền thống, kinh nghiệm và điều kiện thực tế của ta, đủ sức đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

3. Tích cực xây dựng, củng cố miền Bắc về mọi mặt, kết hợp yêu cầu kinh tế với yêu cầu quốc phòng, mở rộng cơ sở vật chất - kỹ thuật, tăng thêm tiềm lực kinh tế và quốc phòng của đất nước.
____________________________________
1. Những sự kiện Lịch sử Đảng, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1982, t. 4, tr. 217.
2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996. t. 12, tr. 79, 81.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM