Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:47:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 4  (Đọc 109884 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 06:38:18 pm »


Đầu tháng 2-1966, ta bất ngờ nổ sung tiêu diệt cứ điểm Tuy Đức. Sau đó ta chuyển lực lượng sang tiêu diệt cứ điểm Bu Prăng, tiến công phá vỡ hệ thống kìm kẹp của địch, giải phóng đoạn đường 14 từ tây nam Đức Lập đến sát Kiến Đức. Vùng giải phóng Phước Long được nối liền với vùng giải phóng tây Quảng Đức. Ở Bình Thuận, ngày 21-2, Tiểu đoàn 482 cùng lực lượng vũ trang huyện Hàm Thuận phục kích diệt gọn một đại đội bảo an và một đại đội dân vệ. Ngày 4-3, ta lại chặn đánh tiêu diệt đại đội bảo an số 443 tại Tầm Hung. Du kích xã Hồng Thái (Bình Thuận) chống càn diệt 46 tên Mỹ. Lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Thuận san bằng cứ điểm Nha Tiên Lễ, diệt một đại đội bảo an.

Ở Trị - Thiên, sau khi đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 324 của quân ngụy trên vùng núi Trị - Thiên, lực lượng vũ trang Trị - Thiên được tăng cường Sư đoàn bộ binh 325 tiến công diệt cứ điểm A Sầu (11-3), giải phóng một vùng rộng phía tây tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị (trừ một số cứ điểm dọc quốc lộ 9). Tiếp theo, ta mở đợt hoạt động đánh địch ở bốn huyện đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị), Phong Điền, Quảng Điền (Thừa Thiên) hỗ trợ cho nhân dân hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng và các xã Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà (Thừa Thiên) nổi dậy giành quyền làm chủ. Du kích vành đai diệt Mỹ ở Phú Bài (Thừa Thiên) liên tục bắn tỉa, đánh xe Mỹ dọc đường số 1, phá ống dẫn dầu, làm cho giao thông của địch luôn bị ách tắc.

Đầu năm 1966, để chuẩn bị đánh lớn ở Quảng Trị, ta tập kết các loại đạn pháo lớn, kể cả tên lửa không giật A12, H12 ở một quả đồi thấp đầy sim, mua và cỏ tranh thuộc làng Chanh, xã Tân Kim, huyện Cam Lộ. Đồi không có tên nhưng dưới chân đồi có con suối La La “nước trong xanh hiền hoà chảy quanh”. Để bảo vệ kho đạn, một tiểu đội ghép được thành lập gồm 10 người từ các đơn vị pháo binh mặt trận hợp lại. Trung đội phó Bùi Ngọc Đủ được giao nhiệm vụ trực tiếp làm tiểu đội trưởng. Cả tiểu đội khẩn trương xây dựng công sự hầm hào chiến đấu và hạ quyết tâm chốt giữ bảo vệ kho đạn đến cùng.

Địch phát hiện được ta, liền cho một tiểu đoàn lính Mỹ có phi pháo yểm trợ đánh lên đồi không tên. Suốt từ bảy giờ sáng ngày 28-2-1966, địch tiến công lên trận địa 15 lần nhưng đều bị tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đẩy lui. Nhiều đợt đánh giáp lá cà diễn ra ngay tại mép chiến hào. Đến tối, địch phải rút quân, bỏ lại trận địa gần 200 xác. Tiểu đội hy sinh hai chiến sĩ là Nguyễn Nhân Nhe và Nguyễn Văn Chính.

Trước chiến công vang dội “một thắng 20” của các dũng sĩ trên “đồi không tên”, nhạc sĩ quân đội Huy Thục đã viết bài hát: Con suối La La để ca ngợi. Bài hát thường xuyên được phát trên sóng phát thanh, góp phần động viên khí thế chiến đấu của quân và dân cả nước. Đồi không tên từ đó được bộ đội ta gọi là đồi “Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ”1.

Trước sức phản công và tiến công liên tục của ta trên các chiến trường, cuối tháng 4-1966, Bộ Chỉ huy Mỹ buộc phải kết thúc cuộc phản công chiến lược quy mô lớn đầu tiên sớm hơn kế hoạch dự định hai tháng.

Kết quả mùa khô 1965-1966, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 67.000 tên địch, trong đó có hàng vạn lính Mỹ, đánh thiệt hại 9 tiểu đoàn Mỹ, 7 tiểu đoàn ngụy, bắn rơi, phá huỷ 940 máy bay (hầu hết là máy bay lên thẳng), phá huỷ và phá hỏng 6.000 xe quân sự (có 300 xe tăng, xe bọc thép).

Để phối hợp chặt chẽ với cuộc phản công của quân Mỹ ở miền Nam, ngăn chặn triệt để nguồn tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam, ngày 31-1-1966, Giônxơn ra lệnh cho không quân, hải quân đánh phá miền Bắc ác liệt hơn, đánh vào nhiều loại mục tiêu, nhưng chủ yếu vẫn là đánh phá giao thông.

Do kết quả hạn chế của cuộc ném bom miền Bắc, nên từ ngày 16-4-1966 Chính phủ Mỹ phải tổ chức cuộc họp ở bang Uylitlây kéo dài ba tháng dưới sự bảo trợ của Phân viện Jắcsơn thuộc Viện phân tích quốc phòng. Thành phần hội nghị gồm 47 nhà khoa học ưu tú nhất nước Mỹ trong lĩnh vực kỹ thuật. Mắc Namara trực tiếp theo dõi, hướng vào nội dung nghiên cứu khai thác những khả năng kỹ thuật có liên quan đến hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam.

Các nhà khoa học được nghe các quan chức cao cấp Mỹ từ Nhà Trắng, Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao, Cục Tình báo Trung ương đến trình bày những nội dung tối mật, tuyệt mật. Sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu biện pháp mới, cuối cùng hội nghị này rút ra kết luận:

- Chiến dịch ném bom mở rộng hoàn toàn không có khả năng ngăn cản Hà Nội thâm nhập người và hàng vào miền Nam như tốc độ hiện nay hoặc cao hơn nữa.

- Cần có giải pháp thay thế, đó là xây dựng một hàng rào điện tử qua khu phi quân sự bằng những công cụ mới được phát minh.

Đây là biện pháp thực hiện tích cực nhất mục tiêu chiến lược là ngăn chặn triệt để nguồn tiếp tế của đối phương. Chính phủ Mỹ cam kết sẽ tập trung lớn nhất về tài chính, vật tư kỹ thuật và lực lượng vào kế hoạch trên.

Với việc đánh phá miền Bắc bằng không, hải quân và việc xây dựng hàng rào điện tử ở phía Nam giới tuyến có thể Mỹ sẽ gây cho ta khó khăn và thiệt hại. Nhưng với lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo của quân và dân ta nhất định kẻ địch không thể ngăn cản được sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam ngày càng tăng.

Thất bại về quân sự của Mỹ trong cuộc phản công mùa khô lần thứ nhất là thất bại có tính chiến lược, vì những mục tiêu đề ra trong cuộc phản công của chúng không thực hiện được, trong đó mục tiêu “đánh gẫy xương sống Việt cộng” bị thất bại nặng nhất. Thất bại đó đã không hỗ trợ mà còn gây ra nhiều khó khăn trở ngại cho kế hoạch bình định giành dân có trọng điểm trong năm 1966 của địch.
_____________________________________
1. Bùi Ngọc Đủ sinh năm 1939, quê xã Quảng Lộc, Quảng Xương, Thanh Hoá. Năm 1964 nhập ngũ vào Binh chủng Pháo binh rồi đi chiến trường. Sau trận thắng lịch sử đầu năm 1966, Bùi Ngọc Đủ ra Bắc học đào tạo sĩ quan pháo binh rồi lại vào chiến trường tham gia chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1971 với cương vị tiểu đoàn phó và tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
    Năm 1977, với quân hàm đại uý tiểu đoàn trưởng, anh xung phong đi tăng cường xây dựng cấp huyện ở Tây Nguyên. Anh làm cán bộ nông nghiệp huyện Mang Bang, rồi lần lượt làm Bí thư Đảng uỷ các xã Ayun, K’tang. Kon Tầng. Anh đã chỉ huy dân quân du kích đánh gần 20 trận truy quét Phunrô, gọi về hàng chục tên, góp phần cùng nhân dân xây dựng cuộc sống mới.
    Cuối năm 1995, Bùi Ngọc Đủ về hưu, nhưng vẫn đảm nhiệm chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kon Tầng.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 07:02:35 pm »


II. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI MIỀN NAM KHI QUÂN MỸ VÀO VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ
CỦA NHÂN DÂN TA CHỐNG LẠI SỰ ĐÀN ÁP, NÔ DỊCH CỦA MỸ - NGỤY

Sự có mặt ngày càng đông của những tên linh viễn chinh Mỹ đã làm thay đổi lớn trong đời sống xã hội và làm đảo lộn mọi sinh hoạt của nhân dân miền Nam, nhất là ở thành thị.

Để lôi kéo được nhiều thanh niên Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chính quyền Mỹ dành cho họ nhiều ưu đãi về vật chất. Lương tháng của một binh nhất Mỹ là 90 đôla, sau tăng lên 95 đôla, bằng thu nhập bình quân của một người dân Sài Gòn trong một năm. Ngoài lương ra, nhờ mua đi bán lại hàng được Chính phủ Mỹ trợ giá (PX), thu nhập của lính Mỹ tăng lên gấp nhiều lần lương chính thức.

Hàng hoá của Mỹ và các nước đồng minh (Nhật, Nam Triều Tiên) được nhập tràn lan hoặc được tuồn từ các cửa hàng PX của quân viễn chinh Mỹ, vừa rẻ, vừa có chất lượng tốt đã bóp chết nhiều ngành sản xuất truyền thống ở miền Nam. Quân Mỹ lại bắt đầu triển khai xây dựng nhiều công trình hậu cần bằng việc mua vật liệu và thuê mướn nhân công đã làm ảnh hưởng đến sản xuất tại chỗ. Hai mặt hàng xuất cảng chính là gạo và cao su ở Nam Bộ bị ngừng trệ, làm cho ngân sách của ngụy quyền ngày càng thâm hụt. Nếu năm 1963, 1964 ngân sách của chính quyền Sài Gòn thâm hụt 16 tỷ đồng (miền Nam) thì trong hai năm 1965, 1966 khi Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ, ngân sách thâm thụt lên tới gần 40 tỷ. Con số đó cứ leo thang theo chiều hướng phát triển của cuộc chiến tranh.

Sự thâm hụt ngân sách của ngụy quyền còn có nguyên nhân nữa là do quân Mỹ vào miền Nam đông, nhưng chúng không dùng đồng đôla mà dùng tín phiếu, gọi là đồng “đôla đỏ”. Trước đây mỗi đôla Mỹ đổi được 60 đồng tiền miền Nam. Nhưng khi đổi từ đôla sang tiền miền Nam thì ngoài 60 đồng theo quy định còn cộng thêm khoản “phụ cấp hối suất” thành 73 đồng rưỡi. Mỗi “đôla đỏ” đổi được 118 đồng miền Nam, thì ngụy quyền Sài Gòn phải trả thêm cho lính Mỹ 58 đồng miền Nam một đôla. Theo báo Chính luận (14-2-1966), vào cuối năm 1965, đầu 1966, mỗi tháng lính Mỹ tiêu ở thị trường miền Nam chừng 10 triệu “đôla đỏ”, thì ngụy quyền Sài Gòn phải trả thêm cho chúng 580 đến 600 triệu đồng tiền miền Nam.

Để bù vào chỗ thâm hụt đó, chính quyền Sài Gòn chỉ còn cách là in ra nhiều giấy bạc. Khối tiền giấy lưu hành ở miền Nam ngày càng tăng lên, cuối năm 1965 là 18 tỷ, đến tháng 7-1966 đã lên đến 57 tỷ. Giấy bạc in ra nhiều tất yếu dẫn đến lạm phát ngày càng nghiêm trọng (báo chí gọi là lạm phát phi mã).

Để đối phó với tình hình lạm phát, ngày 17-6-1966, với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban hành pháp Trung ương, Nguyễn Cao Kỳ ký sắc lệnh về những “biện pháp kinh tế để ổn định nền kinh tế” bằng cách phá giá đồng bạc miền Nam, tăng giá hàng lên 100%. Với việc làm này, chính quyền Sài Gòn nhằm đánh vào hàng nhập khẩu qua viện trợ Mỹ, vì số này chiếm 75 đến 80% tổng giá trị hàng nhập khẩu. Người tiêu thụ phải còng lưng gánh chịu giá cả tăng vọt, đời sống càng thêm khó khăn. Biện pháp kinh tế này của Mỹ - ngụy không làm cho nền kinh tế tài chính miền Nam ổn định được mà ngày càng lâm vào cảnh suy thoái trầm trọng. Người làm công ăn lương và người tiêu thụ bị biện pháp kinh tế này làm ảnh hưởng đến đời sống.

Tình hình trên dẫn đến sự phân hoá trong xã hội miền Nam ngày càng sâu sắc. Giữa lúc đại đa số nhân dân lao động phải vật lộn hết sức khó khăn với đời sống hàng ngày, thì một bộ phận trong dân cư trở lên giàu có nhanh chóng. Đó là bọn tay sai Mỹ trong chính quyền và quân đội Sài Gòn và những người sống bằng nghề phục vụ cho các nhu cầu ăn ở, đi lại, chơi bời của lính viễn chinh Mỹ. Họ đã làm giàu bằng con đường tham nhũng, buôn bán ma tuý, tổ chức mại dâm hoặc bằng những thủ đoạn gian lận về tài chính và thương mại mà các đường dây hoạt động lan toả ra khắp cơ cấu xã hội1. Tất cả những việc làm đó đều được sự thông đồng vào bảo hộ của chủ Mỹ.

Trong năm 1966, để xoa dịu dư luận, Nguyễn Cao Kỳ đã có một quyết định độc đáo “xử bắn tất cả bọn tham nhũng”. Sự thật của quyết định đó là chỉ để làm yên lòng người Mỹ đang đe doạ cắt giảm viện trợ, còn nạn tham nhũng vẫn lan tràn ở mọi cấp. Mỗi công chức hành chính hay quân sự đều phải nộp một phần thu được do tham nhũng cho cấp trên, là được bề trên che chở.
___________________________________
1. Sự phân hoá về kinh tế trong xã hội đã được nhân dân quyền Nam khái quát thành câu: “Thứ nhất làm sở Mỹ, thứ nhì là gái đĩ, thứ ba bọn ma cô, thứ tư tướng tá ngụy”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 07:03:50 pm »


Để phục vụ cho đạo quân viễn chinh Mỹ vui chơi, chính quyền ngụy còn cho phép mở nhiều cửa hàng Snách ba, phòng tắm hơi, hộp đêm, tiệm nhảy và nhà chứa. Quân Mỹ đi đến đâu thì nghề mại dâm lan tràn đến đó. Nó chẳng những chỉ có ở các đô thị mà còn xuất hiện ở những nơi có cư xá của Mỹ. Theo thống kê của ngụy quyền, chỉ riêng Sài Gòn đã có khoảng 29.000 đĩ điếm chuyên nghiệp; chưa kể những phụ nữ do thất nghiệp, sa cơ lỡ vận, buộc lòng chạy theo đồng tiền lao vào cái nghề “bẩn thỉu” để kiếm sống. Từ tháng 9-1965, Nguyễn Cao Kỳ cho thành lập một công ty mại dâm lớn ở Sài Gòn. Trần Ngọc Liễn, Tổng trưởng Bộ Xã hội nhận xét nghề gái điếm đã phát triển tới mức trở thành một trong những nghề có tổ chức nhất. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã biến các đô thị miền Nam thành những nhà chứa khổng lồ. Đi cùng với nạn mại dâm, nạn du đãng cũng phát triển trong thanh, thiếu niên. Ngày 20-8-1966, Bộ Xã hội ngụy đã tiết lộ trong các thành thị miền Nam có hơn 20 vạn thiếu niên du đãng. Riêng ở Sài Gòn năm 1965, có 16.000 thiếu niên phạm pháp bị bắt.
 
Trên hè phố của các đô thị, đi đến đâu cũng thấy nhan nhản những trạm gác được quây bằng bao cát của lính Mỹ và đầy rẫy những đống rác, vỏ chai, vỏ hộp... Sự mất vệ sinh đó đã phát sinh nhiều thứ bệnh hiểm nghèo. Do thiếu tiền, thiếu thuốc, các bệnh dịch hạch, thương hàn, bệnh đậu mùa... trở thành các thứ dịch lan tràn ra khắp các trung tâm dân cư. Năm 1966, ước tính đã có 4.500 trường hợp bị bệnh dịch hạch. Đi đôi với việc thiếu được chăm sóc về y tế, việc học hành của trẻ em cũng gặp nhiều khó khăn, trắc trở, vì thầy giáo bị thiếu nghiêm trọng. Hội đồng giáo dục chính quyền Sài Gòn (tháng 10- 1966) cho biết số giáo viên thiếu khoảng 18.000 người “vì các giáo chức phải đi lính quá nhiều”.

Về văn hoá, khi quân Mỹ ồ ạt vào thì văn hoá đồi trụy kiểu Mỹ càng được phát triển tột độ. Các loại sách báo, phim ảnh, ca nhạc... đều phục vụ cho cái triết lý “sống hôm nay không cần biết ngày mai”, gieo rắc tâm lý sống gấp để đánh lạc hướng thanh niên tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, sa vào những lối sống đĩ điếm, du đãng, giết người. Tại Sài Gòn, bên cạnh những phim “con heo”, báo ảnh chuyên in hình phụ nữ khoả thân bày bán công khai trên vỉa hè các đường Lê Lợi, Công Lý... Các hiệu sách ở trung tâm thành phố, người ta thấy nhan nhản những tiểu thuyết yêu miêu tả lối sống thác loạn và những truyện khiêu dâm, bạo lực...

Tất cả những sự sa đoạ, trụy lạc ấy đã: “Gây ra biết bao thảm cảnh gia đình, bao nhiêu đổ vỡ hạnh phúc, bao nhiêu chuyện bi đát thương tâm. Qua các báo hàng ngày, không ngày nào là không có những vụ án mạng vì tình, những vụ tự tử, đâm chém, bắn giết lẫn nhau vì giành nhau một người đẹp…”1.

Tình hình ở thành thị thì như vậy, còn ở các vùng nông thôn miền Nam, Mỹ - ngụy cũng ráo riết triển khai công tác bình định. Chương trình này được tiến hành trong điều kiện ở miền Nam đã có mặt trên 20 vạn quân Mỹ, quân các nước phụ thuộc hỗ trợ cho 50 vạn quân ngụy bình định gây cho nhân dân miền Nam nhiều khó khăn chồng chất. Cuộc đấu tranh này gay go, ác liệt không kém các cuộc chiến đấu ngoài mặt trận. Tuy nhiên, chương trình bình định được Mỹ - ngụy dồn sức thực hiện trong khi chiến tranh đặc biệt đã thất bại, quân dân miền Nam đang ở thế chủ động, nên chúng khó có thể thu phục được trái tim và khói óc của người dân, vì họ đã có ấn tượng sâu sắc cảnh đánh phá dồn dân vào ấp chiến lược trước đây. Do đó, để lừa bịp nhân dân, lôi kéo được những người nhẹ dạ cả tin, Mỹ - ngụy đã đổi tên chương trình bình định thành chương trình “phát triển cách mạng quốc gia”, “tái thiết nông thôn”, “chống nghèo đói” và ấp chiến lược đổi thành “ấp đời mới”, “ấp Tân Sinh” v.v... Tại Hội nghị Hônôlulu đầu năm 1966, giữa Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Nguyễn Đức Thắng, Tổng trưởng “phát triển cách mạng” của ngụy đã trình bày kế hoạch xây dựng nông thôn gồm tám chương trình: “Huấn luyện cán bộ”, “Xây dựng ấp tân sinh”, “Giáo dục nông thôn”, “Tự lực cánh sinh”, “Công chính nông thôn”, “Phát triển canh nông”, “Chiêu hồi” và “Định cư người tị nạn cộng sản”.

Với chương trình bình định mới, kẻ địch hy vọng sẽ tách được nông dân ra khỏi cách mạng, bằng cách tiêu diệt và đẩy lùi dân quân, du kích và các tổ chức cách mạng ra khỏi ấp, xã. Chúng tổ chức lại bộ máy ngụy quyền ở cơ sở, lập các tổ chức phản động để kìm kẹp nhân dân để thực hiện bắt lính, bắt phu, vơ vét của cải một cách dễ dàng.

Sau khi đã cân nhắc thận trọng, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đề ra phương châm cho chương trình bình định mới là: “Phải tiến chậm, giữ chắc, có trọng điểm, cần tới đâu làm tới đó tạo thành thế liên hoàn, theo vết dầu loang”. Uỷ ban đặc biệt trực thuộc toà Đại sứ Mỹ, do Phó Đại sứ làm Trưởng ban, hai Phó ban là Tổng trưởng Nguyễn Đức Thắng và Lênxđên2 trực tiếp chỉ đạo công tác bình định. Nhưng về sau chỉ huy mọi công việc bình định chuyển từ toà Đại sứ sang Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn.
___________________________________
1. Trích phát biểu của nhà giáo Phan Thị Của tại Sài Gòn, ngày 26-6-1966, lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh.
2. Lênxđên là viên tướng của CIA - người đã đưa Ngô Đình Diệm lên nắm quyền ở Sài Gòn hồi năm 1954. Lênxđên trước đây cũng đã từng giúp cho Tổng thống Philippin là Mắc Xây Xây đánh phá phong trào nông dân Philíppin sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 07:04:29 pm »


Để phục vụ cho chương trình mới, Mỹ - ngụy tổ chức hai trường đào tạo cán bộ bình định. Trường ở Vũng Tàu đào tạo cán bộ hoạt động ở vùng đồng bằng. Trường ở Plâycu, đào tạo cán bộ chuyên cho miền núi. Thời gian học tập của mỗi khoá là 13 tuần lễ. Người được tuyển chọn đi học ở các trường này phần lớn là bọn ác ôn, có nợ máu với nhân dân. Sau khoá học, số học viên ra trường được tổ chức thành từng “đội bình định” để đưa về các thôn, ấp. Mỗi đội có một đội trưởng, hai đội phó và từng nhóm phụ trách các công việc như “ấp tân sinh”, “tình báo tác chiến”, “tân tuyển”, “biệt chính nhân dân”... Phương thức hoạt động chủ yếu của các “đội bình định” ở thôn, ấp là phân loại quần chúng, tuyên truyền xuyên tạc kháng chiến, cổ vũ cho Mỹ - ngụy, trấn áp tinh thần nhân dân, truy tìm các tổ chức và lực lượng vũ trang cách mạng...

Ngoài các “đội bình định”, địch còn tổ chức các đội “chuyên gia dân sự”. Sau khi được “đội bình định” xác định đã có an ninh ở thôn, ấp thì các đội này bắt đầu xuống hoạt động. Mỗi đội “chuyên gia dân sự” gồm các chuyên gia về trồng trọt, chăn nuôi, y tá, giáo viên... Mỹ và Sài Gòn hy vọng bằng một số biện pháp kinh tế, văn hoá nhất thời này có thể mua chuộc được nông dân, làm cho họ đi theo chúng, chống lại cách mạng.

Để tiến hành bình định, trước tiên địch dùng biện pháp quân sự tàn bạo, huy động chủ lực, bảo an, dân vệ mở các cuộc càn quét, đốt phá, bắn giết, đuổi nhân dân ra khỏi thôn, ấp đưa về các trại tập trung của chúng. Từ khi chiến tranh cục bộ bắt đầu, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã mở hàng ngàn cuộc hành quân bình định. Chỉ nêu một trong những tỉnh điển hình đánh phá của địch là tỉnh Bình Định ở khu V, từ giữa năm 1965 đến giữa năm 1966, địch đã mở 1.412 cuộc càn, hàng ngàn cuộc ném bom, bắn pháo, giết 6.148 người, đốt cháy 37.512 nóc nhà, cướp, đốt 3.505 tấn gạo, phá hàng ngàn tấn hoa màu, hàng vạn cây ăn quả, bắt 150.000 người vào các khu dồn dân. Tỉnh Kiên Giang ở miền Tây Nam Bộ, địch đưa về nhiều đơn vị sừng sỏ đánh phá ác liệt, xúc dân vùng giải phóng đưa vào các “khu định cư”, chúng tuyên bố “xé nát” các căn cứ cách mạng, v.v…

Dù cho kẻ thù dùng nhiều mưu ma chước quỷ để lừa bịp, đàn áp, nô dịch đồng bào ở thành thị và nông thôn, chúng cũng không thể dập tắt được phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam. Sự có mặt của quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam đã xâm phạm thô bạo chủ quyền độc lập, tự chủ của nhân dân, nó khuấy động mạnh mẽ tinh thần dân tộc của mọi tầng lớp đồng bào, nhất là với thanh niên và phụ nữ, những người phải chịu hậu quả tàn khốc của chiến tranh nặng nề hơn ai hết. Do đó, phong trào đấu tranh chính trị chống Mỹ - ngụy trong thời kỳ chiến tranh cục bộ không hề giảm sút, mà phát triển ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt ngay trong điều kiện quân viễn chinh có mặt ngày càng đông ở miền Nam.

Đứng trước ảnh hưởng tai hại của văn hoá đồi trụy, các tầng lớp nhân dân ở thành thị miền Nam đã tổ chức đấu tranh công khai, hợp pháp. Trên mặt trận báo chí, đã có nhiều bài ở nhiều tờ báo, công khai tố cáo chính sách văn hoá nô dịch, công kích văn hoá đồi trụy của Mỹ nhập cảng vào miền Nam. Ngay từ khi mới lên cầm quyền, Thiệu, Kỳ đã ra lệnh đóng cửa tất cả các tờ báo tiếng Việt. Tháng 6-1965, bốn tổ chức báo chí công khai ở Sài Gòn: Hội đồng báo chí Việt Nam, Hội chủ báo Việt Nam, Nghiệp đoàn ký giả, Hội ái hữu ký giả tuyên bố phản đối lệnh cấm độc đoán ấy. Sau đó, tại một địa điểm ở Sài Gòn - Gia Định, có một cuộc họp không công khai của 50 chủ nhiệm, thư ký toà soạn... để ủng hộ cuộc đấu tranh của giới báo chí. Giữa năm 1966, bốn tổ chức báo chí trên và Hiệp hội báo chí sinh viên lại lên tiếng đòi bãi bỏ kiểm duyệt, đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận. Cuộc đấu tranh này được 117 nghiệp đoàn công nhân Sài Gòn với 300.000 đoàn viên, tuyên bố ủng hộ.

Hoà nhịp với cuộc đấu tranh của giới báo chí, tháng 4-1966, 79 văn nghệ sĩ, giáo sư, luật sư đã tổ chức cuộc họp ở Sài Gòn để thành lập Ban vận động đại hội văn hoá dân tộc và ra bản tuyên ngôn kịch liệt lên án nền văn nghệ lai căng đồi trụy, phim ảnh, tân nhạc, tiểu thuyết, báo chí đầu độc tinh thần thanh, thiếu niên... Bản tuyên ngôn đòi nhà cầm quyền phải có biện pháp chống văn nghệ phẩm đồi bại, phải thực hiện tự do sáng tác, biểu diễn, xuất bản, bãi bỏ chế độ kiểm duyệt, đưa nền văn hoá ra khỏi tình trạng khủng hoảng. Sau cuộc họp trên, nhiều cuộc hội thảo về các đề tài: “Văn hoá dân tộc, thế nào là văn hoá dân tộc”; “những hiện tượng dâm ô đồi trụy trong văn nghệ”; “vai trò của các nhà giáo trong công cuộc phát huy tinh thần văn hoá dân tộc”... đã liên tiếp diễn ra. Cùng thời gian này, một số chị em phụ nữ ở Sài Gòn là nhà giáo, luật sư, văn sĩ và ký giả, những người làm việc xã hội quyết định thành lập Uỷ ban nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ Việt Nam. Hoạt động của hội được xác định trước hết là tuyên truyền cho phụ nữ có ý thức đấu tranh bảo vệ thanh, thiếu nhi và bảo vệ văn hoá dân tộc. Cuộc hội thảo đầu tiên do hội tổ chức bàn về “chống nạn mại dâm” có 500 người dự. Trong hội thảo, một luật sư đã buộc tội nhà chức trách Mỹ phải chịu trách nhiệm, vì những người gây ra tình hình đĩ điếm, phần lớn đều là quân nhân Mỹ. Những người dự hội thảo đã thông qua nghị quyết đòi chính quyền phải từ bỏ việc lập các ổ kinh doanh gái điếm, đòi bỏ nạn mại dâm và thủ tiêu nền văn hoá đồi trụy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 07:07:42 pm »


Cùng với cuộc đấu tranh liên tục, đều khắp chống nạn mại dâm và văn hoá đồi trụy, các cuộc đấu tranh của công nhân lao động đòi dân sinh, dân chủ chống các công ty tư bản Mỹ, chống ngụy quyền đã nổ ra ở các thành thị miền Nam. Để phục vụ âm mưu tăng cường và mở rộng chiến tranh, từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ ra sức xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự dọc theo bờ biển, xây dựng và mở rộng các quân cảng, sân bay. Thông qua bọn chủ thầu RMK-BRJ1 và các công ty tư bản khác, đế quốc Mỹ và tay sai đàn áp và bóc lột nặng nề hàng vạn công nhân làm việc ở các công trường xây dựng quân sự. Không cam chịu hành động bóc lột, hành hạ và thái độ miệt thị dân tộc của bọn chủ, công nhân đã vùng lên đấu tranh quyết liệt.

Những tháng cuối năm 1965, hàng ngàn công nhân ở sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), công nhân xi măng Hà Tiên, hàng vạn công nhân ở căn cứ quân sự Cam Ranh, Đà Nẵng đã đấu tranh đòi tăng lương, cải thiện đời sống, chống áp bức, bóc lột. Sang năm 1966, phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng phát triển mạnh. Ngay những tháng đầu năm, công nhân ở Vĩnh Long, Cam Ranh, Quy Nhơn, Chu Lai, Đà Nẵng, tổ chức nhiều cuộc bãi công chống lại bọn chủ. Tháng 4-1966, công nhân xây dựng cảng mới cho Mỹ ở Sài Gòn bãi công chống chính sách kỳ thị chủng tộc và thái độ đối xử tàn tệ của người Mỹ đối với người Việt Nam. Cuộc đấu tranh của công nhân xây dựng cảng kéo theo cuộc tổng bãi công của 5.000 công nhân người Việt ở hãng thầu xây dựng RMK - BRJ ở Sài Gòn, bao gồm thợ máy, thợ mộc, thợ đúc, thợ nguội, lái xe, ở khắp các cơ sở của hãng này. Cuộc đấu tranh đã làm ảnh hưởng đến tốc độ xây dựng nhiều công trường bậc cao2 của Mỹ ở khu vực Sài Gòn, Biên Hoà.

Sôi nổi nhất trong thời gian này là phong trào đấu tranh chống Thiệu - Kỳ của các tầng lớp nhân dân Huế, Đà Nẵng.

Tháng 6-1965, khi êkíp Thiệu - Kỳ lên cầm quyền, lập tức sinh viên và Phật giáo Huế, Đà Nẵng biểu tình phản đối việc bắt lính trong sinh viên. Cuộc đấu tranh có lúc bột phát, lúc âm ỉ kéo dài mãi đến đầu năm 1966 sau khi Hội đồng quân sự do Thiệu - Kỳ cầm đầu cách chức Nguyễn Chánh Thi - Tư lệnh Quân đoàn I3. Đây là cái cớ để Phật giáo châm ngòi nổ. Sau 24 giờ Thi bị cách chức, hàng ngàn sinh viên xuống đường biểu tình đòi trả lại chức cho Thi, phản đối chính quyền Sài Gòn. Nguyễn Chánh Thi và phe cánh của y ở Huế, Đà Nẵng được phong trào sinh viên hỗ trợ, đã tuyên bố ly khai, chống lại Thiệu - Kỳ. Những ngày sau, hàng ngàn Phật tử nổi dậy cùng sinh viên biểu tình trên các đường phố Đà Nẵng, Huế. Sinh viên và phật tử chiếm Đài phát thanh Huế liên tục viết bài tố cáo chính quyền Thiệu - Kỳ trên sóng phát thanh. Các khẩu hiệu chống Mỹ viết bằng tiếng Anh xuất hiện trên các đường phố Huế, Đà Nẵng. Các tăng ni, phật tử mang bàn thờ, tượng Phật ra chắn các ngả đường, cản trở giao thông. Một cuộc bãi công lớn làm tê liệt thành phố Đà Nẵng. Lợi dụng mâu thuẫn trong các phe phái trong nội bộ địch, đảng bộ các địa phương phát động quần chúng đứng lên chống Mỹ, Thiệu - Kỳ.
___________________________________
1. RMK-BRJ: Hãng thầu lớn nhất của tư bản Mỹ ở miền Nam, độc quyền xây dựng các công trình quân sự cho Mỹ, phụ trách trên 100 công trình và thuê mướn trên 400.000 công nhân, có cả công nhân từ các nước phụ thuộc Mỹ đến.
2. Một đường băng mới cho máy bay phản lực và máy bay vận tải hạng nặng dài 3.045m ở sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hoà; một cơ sở thí nghiệm phim ảnh trinh sát; một trung tâm tình báo và một trung tâm hành quân chiến thuật ở Tân Sơn Nhất; một công trình khai thác trên đường Sài Gòn - Biên Hoà; một toà nhà mới cho sứ quán Mỹ; một bệnh viện dã chiến. Bến số 1 cảng mới Sài Gòn; Một cơ sở chính của RMK-BRJ.
3. Thiệu - Kỳ - Thi từ tháng 6-1965 được xem là bộ ba cầm quyền. Thiệu, Kỳ ở “triều đình”, Thi ở “biên ải”. Theo tổ chức của ngụy quân, ngụy quyền lúc này thì viên tư lệnh một quân đoàn đồng thời là đại biểu chính phủ ở vùng chiến thuật đó. Nguyễn Chánh Thi vừa là Tư lệnh Quân đoàn I ngụy vừa là người cầm đầu ngụy quyền ở năm tỉnh Trung Trung Bộ từ Quảng Ngãi ra đến Quảng Trị bao gồm cả thành phố Huế. Do mâu thuẫn nội bộ, Thiệu, Kỳ muốn kéo Thi khỏi Vùng chiến thuật I như điệu hổ khỏi rừng.
    Ngày 10-3-1966, được sự đồng ý của Mỹ, Kỳ ra quyết định cách chức Nguyễn Chánh Thi, chỉ định tướng Nguyễn Văn Chuân lên thay và đòi Thi về Sài Gòn. Thi cưỡng lại lệnh của Kỳ và nhân đó bắt đầu cuộc ly khai của năm tỉnh Vùng chiến thuật I. Từ đó đến hết tháng 6, ngụy quyền Sài Gòn không còn nắm được Vùng chiến thuật I nữa. Trước tình hình trên, tướng Chuân ngả về phía ly khai. Kỳ phái tướng Tôn Thất Đính ra thay Chuân, vì tưởng rằng Đính vốn người vùng này, có thể xoay xở được. Nhưng ra Huế, Đính cũng đứng về phía Thi, Chuân lên tiếng công kích Thiệu, Kỳ. Kỳ bèn sai tướng Trần Văn Cao ra thay Đính. Cao tới Đà Nẵng ba ngày thì mất chức vì không dám làm gì. Hoàng Xuân Lãm ra thay Cao. Thi, Chuẩn, Đính cùng nhiều tướng tá và một số người khác nữa lập Uỷ ban dân sự và quân sự nhằm kiểm soát phong trào và nhằm vận động cho Mỹ tán thành việc lật đổ Thiệu - Kỳ.
    Nhưng Mỹ vẫn đứng về phía Thiệu - Kỳ nên Kỳ vừa đưa quân từ Sài Gòn ra Đà Nẵng - để đập tan phong trào ly khai và họp Đại hội chính trị toàn quốc để xoa dịu dư luận chống Thiệu - Kỳ. Nhóm Nguyễn Chánh Thi sau khi được biết Mỹ vẫn ủng hộ Thiệu - Kỳ thì bỏ phong trào ly khai trở lại thoả hiệp với Kỳ và chịu số phận “đi chữa bệnh” ở nước ngoài.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 07:08:46 pm »


Tại thành phố Huế, cuộc đấu tranh đã hình thành phong trào liên minh hành động giữa nhân dân lao động và Sư đoàn 1 ngụy, đòi ly khai khỏi ngụy quyền Sài Gòn. Cán bộ hợp pháp của ta lồng vào bộ phận lãnh đạo đoàn thanh niên phật tử và các tổ chức sinh viên, học sinh. Thanh niên Huế lập Đội sinh viên quyết tử, học sinh lập Đội xung kích, giáo chức tổ chức lực lượng chống đàn áp. Hàng trăm thanh niên được điều động đi học quân sự, các tiểu thương chợ Đông Ba, nữ sinh trường Đồng Khánh đi làm cứu thương tiếp tế cho quyết tử quân... Hàng trăm binh lính, sĩ quan ngụy bỏ hàng ngũ, lập lực lượng vũ trang ly khai, lấy tên là chiến đoàn Nguyễn Đại Thức1 để làm lá cờ hiệu triệu binh lính tham gia đấu tranh.

Ở Đà Nẵng, quần chúng xuống đường ủng hộ Nguyễn Chánh Thi, chống Thiệu - Kỳ, chống Mỹ, thành lập Hội đồng nhân dân tranh thủ cách mạng và các đoàn thể Tranh thủ cách mạng của công nhân, công chức, học sinh, lao động tự do, phụ nữ các chợ... Cán bộ hợp pháp của ta được bố trí vào bộ phận phụ trách đài phát thanh, ban lãnh đạo Tỉnh hội Phật giáo và lực lượng Nhân dân tranh thủ cách mạng do cánh Nguyễn Chánh Thi tổ chức.

Hình thức đấu tranh của nhân dân Huế, Đà Nẵng bắt đầu là mít tinh, biểu tình nhỏ (12-3), rồi tiến lên bãi công, tổng bãi công, bãi chợ, bãi khoá, làm tê liệt thành phố. Ngày 19-3, Tổng hội sinh viên Huế cử người vào cùng sinh viên, học sinh Đà Nẵng tổ chức một cuộc hội thảo về hai vấn đề: 1. Tác hại của đồng đôla đỏ; 2. Bán nước hay cứu nước. Ngày 30-3-1966, hơn 10 vạn nhân dân Đà Nẵng xuống đường tuần hành thị uy với khẩu hiệu “Thiệu - Kỳ từ chức”, “Mỹ phải rút quân về nước”. Ngày 2-4, gần một nửa số dân thành phố Huế, trong đó có một vạn rưỡi binh lính Quân đoàn I và công chức chính quyền Sài Gòn tuần hành. Ngoài các khẩu hiệu chung nói trên, mỗi giới và đoàn thể đều có yêu sách riêng của mình. Ngày 30-4, nhân dân Đà Nẵng biểu tình lớn. Bộ máy cai trị của ngụy quyền ở Đà Nẵng tê liệt. Nhân dân làm chủ nhiều phố phường, chiếm trụ sở ngụy quyền, đài phát thanh, đập phá Phòng thông tin Mỹ, vây bắt ác ôn. Lực lượng thanh niên lập ra Uỷ ban nhân dân cách mạng giữ gìn trật tự thành phố. Công an, cảnh sát ngụy không hành động. Hàng vạn nông dân ngoại thành kéo vào Đà Nẵng, ủng hộ nhân dân thành phố đấu tranh. Đặc biệt, ngày 3-4, hơn 6.300 quân của Sư đoàn 1 mặc quân phục diễu hành sau đội quân nhạc qua các đường phố Huế, hô to khẩu hiệu đòi lật đổ chính phủ Thiệu.

Ngày 4-4-1966, Thiệu - Kỳ đưa ba tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Nam Việt Nam ra Đà Nẵng hy vọng sự phô trương lực lượng đó sẽ làm cho nhân dân và lực lượng ly khai Đà Nẵng chịu lùi bước, tiếp sau là Huế! Nhưng lúc lính thuỷ đánh bộ ngụy tiến vào căn cứ không quân Đà Nẵng, thì lực lượng ly khai của Thi gồm 2.000 quân do đại tá Đàm Quang Yêu chỉ huy cũng tiến vào căn cứ không quân. Tướng Mỹ Walt phải dàn xếp với đại tá Yêu là không được tiến công căn cứ không quân Đà Nẵng nếu lính thuỷ đánh bộ Sài Gòn không tiến vào Đà Nẵng. Lực lượng ly khai Quân đoàn I ngụy vẫn chĩa đại bác vào căn cứ không quân Đà Nẵng. Tướng Walt đã phải cử đại tá Giôn Sexông (John Chaisson) ra ngăn chặn. Trong khi Sexông nói chuyện thương lượng với Yêu thì máy bay ném bom chiến đấu của hải quân Mỹ lượn trên bầu trời thị uy và đại bác của lính Mỹ cũng chĩa vào các lực lượng ly khai, cùng với việc một tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ triển khai chiếm lĩnh các vị trí hoả lực sẵn sàng hành động. Tình hình căng thẳng như sợi dây đàn, nhưng cuối cùng chúng cũng dàn xếp được với nhau. Nhưng cuộc đấu tranh chống Thiệu - Kỳ của nhân dân thành phố Huế, Đà Nẵng lại phát triển cao hơn và lan ra Quảng Trị, Hội An, Quảng Ngãi, v.v...

Trước làn sóng đấu tranh của nhân dân, Thiệu - Kỳ phải xuống thang xin lỗi nhân dân Đà Nẵng. Chúng bày trò “đại hội chính trị”, ra bản Thông cáo 10 điểm và ra Sắc lệnh tuyển cử quốc hội nhằm làm cho quần chúng yên lòng và tạo ra một cái cớ cho phái Phật giáo phản động Thích Tâm Châu hô hào chấm dứt đấu tranh, hợp tác với chính quyền. Xoa dịu, lừa bịp không xong, lại được Mỹ đồng ý, Thiệu - Kỳ bèn ra mặt đàn áp bằng súng đạn. Ngày 15-5, địch điều sáu tiểu đoàn quân chủ lực thuộc lực lượng dự bị chiến lược ra Đà Nẵng. Chúng dùng cả máy bay, xe bọc thép đánh chiếm lại các vị trí trong thành phố, phá huỷ nhiều chùa chiền, đánh đập sư sãi, bắt bớ, giết chóc hàng ngàn người đã biểu tình chặn quân ngụy, cản xe thiết giáp Thiệu - Kỳ. Máy bay Thiệu - Kỳ ném bom xuống Vĩnh Điện nhằm chặn đường và giải toả các đơn vị ly khai không cho kéo về Đà Nẵng.

Qua 76 ngày đêm đấu tranh, phật tử, sinh viên và các tầng lớp nhân dân Huế, Đà Nẵng đã làm cho lực lượng địch suy yếu, mâu thuẫn nội bộ địch càng thêm gay gắt. Phong trào quần chúng thu hút và tập trung được nhiều tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh chống Mỹ, Thiệu - Kỳ. Cơ sở cách mạng trong thành phố Đà Nẵng có điều kiện phát triển vững chắc hơn. Đánh giá sự kiện này, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta nêu rõ: “Cuộc nổi dậy của đồng bào Đà Nẵng chống Thiệu, Kỳ từ tháng 3 đến tháng 5-1966, tuy không đem lại thắng lợi, nhưng đã cho ta một bài học bổ ích về lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch. Lúc đầu cuộc nổi dậy đó không phải do ta chủ động, mà nhân cơ hội nội bộ địch chống đối lẫn nhau, ta đã biết tập họp, phát động quần chúng đứng lên làm chủ thành phố.
___________________________________
1. Nguyễn Đại Thức, thiếu uý thuộc Sư đoàn 1 ngụy bị địch bắn chết trong phong trào ly khai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 07:09:40 pm »


Mặc dù cơ sở đảng mỏng và lực lượng cách mạng trong thành phố không nhiều, các đồng chí ở Đà Nẵng đã làm được việc đó. Thiếu sót ở đây là đảng bộ thành phố chưa tập trung lực lượng lãnh đạo chặt chẽ cuộc đấu tranh, nên đã bỏ lỡ cơ hội giành thắng lợi...”1.

Phối hợp với cuộc đấu tranh của Đà Nẵng, Huế, ngày 28-3-1966, sinh viên Viên đại học Đà Lạt cùng học sinh các trường trung học Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Bồ Đề bãi khoá đòi dân chủ, cải thiện đời sống, biểu tình kéo đến chợ Đà Lạt kêu gọi đồng bào bãi thị. Ngày 1-4-1966, trên 3.000 quần chúng mít tinh ở khu vực triển lãm Hoà Bình với khẩu hiệu “Mỹ phải tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam”, “Hoà bình ở Việt Nam phải được giải quyết”. Đoàn biểu tình kéo đến Phòng thông tin Mỹ trao tuyên bố đòi Mỹ rút khỏi Đà Lạt và đến toà thị chính đòi thị trưởng Đà Lạt giải quyết ba yêu sách:

1. Đài phát thanh và xe thông tin của chính quyền phải thông báo tin tức cuộc đấu tranh cho nhân dân biết.

2. Cấp một trụ sở để hoạt động.

3. Bảo vệ an toàn cho lực lượng đấu tranh.

Đoàn biểu tình chiếm đài phát thanh để truyền đi các tin tức đấu tranh, phát bản tuyên bố Việt Nam mười muốn, mười không (muốn hoà bình, độc lập, tự quyết... không muốn bị đàn áp, bóc lột, không muốn làm lính đánh thuê...). Địch huy động lính và cảnh sát chiếm lại đài phát thanh. Lực lượng đấu tranh được quần chúng ủng hộ, kiên quyết chống lại mãi đến ngày 4-4 mới đốt đài phát thanh rồi rút lui. Chợ Hoà Bình bị nhân dân chiếm giữ, địch phải huy động cảnh sát dã chiến, lính biệt động đến đàn áp mới giành lại được. Ngày 21-4, bọn ác ôn bắn chết bốn học sinh, lập tức hàng vạn quần chúng xuống đường biểu tình tuần hành. Thanh niên, học sinh tổ chức “những đêm không ngủ”, “đốt lửa trại để nhìn rõ mặt kẻ thù”, tổ chức toà án xử tội phạm chiến tranh... ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Đà Lạt, nhân dân các thị xã Blao, Buôn Ma Thuộc, Phan Thiết, Phan Rang tổ chức bãi công. Ở Nha Trang, thanh niên, học sinh biểu tình đòi lật đổ Thiệu - Kỳ, phản đối ngụy quyền bán Cam Ranh cho Mỹ.

Ngay từ giữa tháng 3-1966, khi cuộc đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng, Huế diễn ra đã được sự ủng hộ, phối hợp đấu tranh của nhân dân Sài Gòn. Cùng Huế, Đà Nẵng, nhân dân Sài Gòn tổ chức liền “sáu đêm không ngủ”, mỗi đêm hàng vạn người tham gia, đỉnh cao là đêm 7-4-1966, hàng chục vạn người Sài Gòn bất chấp lệnh cấm và lệnh giới nghiêm kéo đến bao vây nơi làm việc của Nguyễn Cao Kỳ, đòi Thiệu - Kỳ phải từ chức. Nhiều ngày liên tiếp có biểu tình, có xung đột với cảnh sát. Trong chín, mười đêm, lực lượng biểu tình ném đuốc vào cảnh sát, quân cảnh ngụy, chặt cây, lật xe cản đường, dựng rào giữa phố, đốt lửa chặn ôtô địch.

Như vậy, những tháng đầu năm 1966 phong trào đấu tranh chống Mỹ, chống Thiệu - Kỳ ở các thành thị miền Nam diễn ra quyết liệt, sâu rộng nhất từ trước tới lúc này. Phong trào ấy phát triển đều khắp với đủ mọi giới đồng bào tham gia, kể cả binh sĩ và nhân viên ngụy quân, ngụy quyền. Một mặt trận liên hiệp chống Mỹ và bọn tay sai đã hình thành mà nòng cốt là phong trào đấu tranh của công nhân các thành thị.

Cùng với cuộc đấu tranh của đồng bào thành thị, cuộc đấu tranh chống địch bình định của nhân dân nông thôn miền Nam diễn ra giằng co quyết liệt. Bình định và chống bình định thực chất là cuộc đấu tranh giữ dân, giữ đất chống lại âm mưu cướp dân, lấn đất của địch. Cuộc đấu tranh chống phá kế hoạch bình định của Mỹ - ngụy trong mùa khô 1965 - 1966, tuy mới là khởi đầu, nhưng đã diễn ra phức tạp và vô cùng ác liệt. Bài học nắm dân, nắm đất, nắm lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp, chống tố cộng, diệt cộng, chống dồn dân, lập ấp chiến lược trước đây, đã được phát huy và nâng lên một trình độ mới trong đấu tranh chống bình định của địch.

Quảng Nam là một trong những tỉnh trọng điểm bình định của địch ở khu V. Địch tập trung quân ra sức đánh phá các vùng nông thôn đồng bằng với thủ đoạn càn quét đốt sạch, phá sạch, giết sạch. Khi quân Mỹ - ngụy càn quét đánh phá ác liệt hai xã Lộc Hưng, Lộc Phong (Đại Lộc) mở rộng phạm vi chiếm đóng ra các vùng xung quanh, thì nhân dân ở đây một số bị địch xúc vào các khu dồn, số khác chạy ra ngoài để tránh bom đạn. Vùng giải phóng trở nên thưa dân, trắng đất. Cán bộ, du kích bật sang vùng B Đại Lộc và Duy Xuyên. Tình hình nhiều nơi trong tỉnh gặp khó khăn.
___________________________________
1. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 181.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 07:14:24 pm »


Để đối phó với thủ đoạn mới của địch, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp nhận định địch sẽ ra sức thực hiện từng bước kế hoạch bình định, đánh phá ra ngoài để lập ấp kìm dân. Hội nghị quyết định: kiên quyết trụ bám đánh địch, giành giữ dân với phương châm: “Đảng bám dân; dân bám đất; bộ đội, du kích bám địch”.

Phương châm đó được quán triệt xuống tận cán bộ cơ sở và quần chúng nhân dân. Những cán bộ, du kích bị bật ra ngoài đã quay về địa phương, đào hầm bí mật, xây dựng, củng cố làng chiến đấu, khôi phục lại phong trào, kiên quyết giữ vững vùng giải phóng.

Cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân kiên trì thực hiện phương châm ba bám: Đảng bám dân1 ; dân bám đất; bộ đội, du kích bám địch. Thực hiện phương châm này, lực lượng ta chẳng những không bị địch đánh bật ra khỏi cơ sở, mà còn phát huy được phong trào toàn dân đánh giặc, giữ được đất, được dân.

Nhân dân huyện Hoà Vang dấy lên phong trào “một tấc không đi, một ly không rời”, tổ chức “lễ ăn thề” sống chết có nhau, quyết không rời bỏ quê hương. Đồng bào xã Hoà Liên bị địch xúc vào khu dồn đã đoàn kết đấu tranh quyết liệt, phá lán trại bung về làng cũ. Du kích xã Hoà Hiệp ngày đêm lăn lộn với phong trào địa phương, nhiều khi phải chôn mình trong cát bỏng để ngụy trang phục kích bám đánh địch, vận động nhân dân trở về dựng lại nhà ở, đào hầm hào, bám ruộng đồng sản xuất.

Tỉnh Long An là tỉnh trọng điểm bình định của địch ở Nam Bộ. Mỹ - ngụy đã huy động nhiều máy bay, xe bọc thép, mở các cuộc hành quân chà đi xát lại nhiều vùng trong tỉnh, đốt hàng vạn nóc nhà, bắt đi hàng vạn dân, tàn sát không biết bao nhiêu người dân vô tội. Tại Đức Huệ, mùa nước nổi (1966), nước ngập cả quận, chỉ có những gò cao và lùm cây ló trên mặt nước, đồng bào phải đeo bám vào đó. Thừa cơ, địch cho máy bay sà sát mặt nước đuổi bắn từng con trâu, chiếc xuồng. Máy bay lên thẳng xúc hàng trăm đồng bào vào trại tập trung. Khó khăn như vậy nhưng Đức Huệ vẫn kiên cường đánh địch, đồng bào bị xúc lần lượt trốn về, dân bám làng mà sản xuất, quân bám địch mà đánh, cán bộ bám dân mà hoạt động. Long An được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tuyên dương là tỉnh gương mẫu phá càn quét, bình định của địch.

Cùng với đấu tranh quân sự chống lại các cuộc càn quét, bình định, mũi đấu tranh chính trị, trực tiếp giáp mặt với kẻ địch cũng được phát triển. Ở Thủ Dầu Một, hàng trăm đồng bào hai xã An Sơn, An Thịnh kéo lên đấu tranh trực diện với tên tỉnh trưởng chống rải chất độc hoá học, đòi chúng không được bắn pháo bừa bãi, kêu gọi binh lính địch quay súng trở về với nhân dân. Ở Củ Chi, quân Mỹ bắt mọi người ký vào văn bản “mời Mỹ ở lại ba năm”, đồng bào lập tức trả lời: Mỹ mới vào có ít ngày mà đã tan nát làng xóm, nếu Mỹ ở lại ba năm thì dân chết hết, nên bà con không ký. Nhân dân các xã Phước Hiệp, Phước Vĩnh An, tay không chặn đầu từng đoàn xe ủi đất, xe bọc thép, xe tăng địch đi càn. Ở xã Trung Lập, một đoàn xe M113 tiến vào cánh đồng lúa đang chín, mấy chục nông dân dang tay nhau cản đầu đoàn xe. Súng địch bắn uy hiếp, đoàn người vẫn xông lên, buộc địch phải dừng lại.

Ở Phước Long, vào giữa năm 1966, đội công tác miền núi Bà Rá được thành lập. Phạm vi hoạt động của đội gồm các xã Phước Hoà, Phước Tín, Sơn Giang, Tú Hiền và thị xã Phước Long. Nhiệm vụ chính của đội là xây dựng cơ sở đảng, cơ sở chính trị trong quần chúng cách mạng, phát động nhân dân diệt ác, phá kìm kẹp... Nhờ biết tin tưởng vào đồng bào các dân tộc, biết dựa vào dân, vì dân mà sống chết hoạt động, từng bước đội đã xây dựng được những căn cứ trong lòng dân. Từ vùng yếu, các địa phương trên đã phát triển thành vùng có cơ sở mạnh. Các chi bộ đảng, các cơ sở quần chúng trung kiên đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc đứng lên đấu tranh với địch đòi dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, chống lập vành đai trắng, đòi phá ấp trở về làng cũ. Ngoài ra, đội công tác cùng các cơ sở đảng bí mật xây dựng được nhiều cơ sở binh vận trong hàng ngũ địch ở Sơn Giang, Sơn Trung, Phước Bình, Nhân Hoà, Tự Lập, An Lương. Nhờ đó, khi lực lượng ta đánh vào, bọn dân vệ nhanh chóng tan rã vì có cơ sở nội ứng mạnh.

Tại Bến Tre, địch mở Trung tâm huấn luyện Hưng Điền, cách thị xã 2km về phía đông bắc. Chúng tập hợp về đây hơn 400 tên dân vệ, bảo an và lực lượng “xây dựng nông thôn” để huấn luyện về bình định. Do làm tốt công tác binh vận, ta đã xây dựng được hai cơ sở vào trong lực lượng này. 24 giờ ngày 13-4-1966, sau khi đã bắt được liên lạc với cơ sở bên trong, các trận địa cối của ta ở phía tây huyện Châu Thành, Giồng Trôm, thị xã Bến Tre bắn kiềm chế pháo địch. Bộ đội ta (gồm Tiểu đoàn 516 được tăng cường một đại đội trợ chiến, một đại đội đặc công) nhanh chóng nổ súng xung phong. Sau hơn một giờ chiến đấu, ta đã diệt gần 300 tên, bắt sống 98 tên khác, thu 200 súng và gần hai tấn đạn dược, phá huỷ ba xe quân sự. Diệt Trung tâm huấn luyện Hưng Điền, ta đã đánh trúng vào lực lượng nòng cốt bình định của địch ở nông thôn.
___________________________________
1. Chi bộ bám dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 07:15:36 pm »


Cùng với thắng lợi to lớn trên mặt trận quân sự, công tác chống phá bình định cũng thu được kết quả bước đầu rất quan trọng. Kế hoạch bình định năm 1966 của địch là bình định 900 ấp, củng cố 1.900 ấp. Nhưng đến tháng 6, quân dân ta ở Nam Bộ đã phá sạch 2.668 ấp. Khu VI phá 238 ấp trong tổng số 360 ấp, giải phóng 203.345 dân trong tổng số 744.400 dân; Khu V, Tây Nguyên và Trị - Thiên vùng giải phóng các tỉnh được mở rộng, liên hoàn với 2.125.000 dân đã giành được quyền làm chủ 233.000 dân còn trong vùng tranh chấp giữa ta và địch. Ngay những vùng địch tập trung lực lượng để bình định như Long An, Củ Chi, Quảng Nam, Quảng Ngãi những làng xã chiến đấu cũng mọc lên liên hoàn. Tuy nhiên, do những biện pháp thâm hiểm của địch, ở một số địa phương còn lúng túng không có biện pháp hữu hiệu để chống lại có kết quả kế hoạch bình định của địch.

Cuộc chiến tranh ở miền Nam thực chất là cuộc chiến tranh giành đất, giành dân giữa ta và địch, nên cuộc chiến đấu chống địch bình định tiếp theo sẽ còn diễn ra gay go, quyết liệt. Đây là một mặt trận thể hiện cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa nhân dân Việt Nam yêu nước chính nghĩa với đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai.

Phong trào đấu tranh chính trị ở thành thị và nông thôn chống Mỹ - ngụy đã góp phần tăng thêm uy thế cho lực lượng cách mạng, thúc đẩy hàng vạn binh lính ngụy đào, rã ngũ và lôi cuốn được nhiều sĩ quan và binh sĩ địch ngả về phía nhân dân, hỗ trợ tích cực cho các cuộc tiến công quân sự của lực lượng vũ trang giải phóng đạt hiệu quả ngày càng cao.

Nhìn tổng quát, trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966, kẻ địch đã tập trung hầu như toàn bộ lực lượng cơ động của Mỹ, Việt Nam Cộng hoà và quân các nước phụ thuộc Mỹ, huy động tối đa cơ sở vật chất và binh khí kỹ thuật, sử dụng mọi thủ đoạn, biện pháp đánh phá dã man tàn bạo nhất hòng làm xoay chuyển cuộc chiến tranh có lợi cho chúng. Nhưng diễn biến trên chiến trường ngược lại với tham vọng của Mỹ, làm cho giới lãnh đạo ở Nhà Trắng, Lầu Năm góc và chính quyền Sài Gòn sững sờ, bối rối, vì chúng không thực hiện được những mục tiêu đề ra. Đó là:

- Không tiêu diệt được một đơn vị nhỏ nào của Quân giai phóng.

- Không diệt và phá được phong trào du kích chiến tranh và căn cứ của ta.

- Không làm cho chính quyền Thiệu ổn định.

- Không cắt đứt được đường mòn Hồ Chí Minh.

- Không làm cho ý chí của Hà Nội lung lay...

Càng leo thang chiến tranh, chiến tranh càng ác liệt, đế quốc Mỹ càng bị sa lầy. Nhà Trắng, Lầu Năm góc Mỹ cũng nhận thấy: Đến giữa năm 1966 tình hình đã trở nên rõ ràng là sức mạnh quân sự của Mỹ không thể nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Hy vọng không lực Mỹ sẽ làm tê liệt Việt Nam hoặc đập tan ý chí của các lãnh tụ cộng sản Việt Nam cũng phai nhạt dần1. Trong khi đó, nội bộ chính quyền Mỹ có sự phân hoá ngày càng rõ rệt xung quanh chính sách tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam trong nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới ngày càng phát triển rộng rãi. Những cuộc biểu tình của nhân dân Mỹ chống chính sách chiến tranh của chính quyền Oasinhtơn diễn ra liên tục trên 15 thành phố nước Mỹ, lôi cuốn nhiều nghị sĩ quốc hội (khoảng 70 nghị sĩ) tham gia. Các nhóm chống chiến tranh ở Mỹ lập ra Uỷ ban phối hợp toàn quốc nhằm thống nhất hành động đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược. Đi đôi với những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, đòi chính quyền Mỹ rút quân Mỹ về nước, đòi không ủng hộ Thiệu, thanh niên, sinh viên Mỹ đốt thẻ quân dịch, không đi lính sang Việt Nam. Rôgiơ Lapóctơ và Noócman Morixơn tự thiêu trước trụ sở Liên hợp quốc và Lầu Năm góc để phản đối chính quyền Mỹ gây nên cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam đã làm xúc động sâu sắc lương tri nhân loại. Cùng với tình hình trên đây, nước Mỹ bắt đầu lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, đồng đôla sụt giá, đời sống nhân dân Mỹ giảm sút. v.v.. đã làm xáo động tình hình chính trị nước Mỹ. Nhưng Tổng thống Mỹ L.Giônxơn và phe hiếu chiến trong giới lãnh đạo ở Nhà Trắng, Lầu Năm góc và Quốc hội Mỹ vẫn ngoan cố, bất chấp tất cả lẽ phải, bất chấp thất bại ở Việt Nam và mặc cho làn sóng phản đối của nhân dân Mỹ và nhân dân tiến bộ thế giới, chúng càng lao sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với hy vọng sẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Điều đó đã làm cho cuộc chiến tranh ngày càng trở nên ác liệt.


*
*   *


Đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất của Mỹ và làm phá sản kế hoạch bình định của địch ở miền Nam, cùng với chiến thắng oanh liệt chống chiến tranh phá hoại của Mỹ của quân dân ta trên miền Bắc, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng là đã đánh thắng hiệp đầu chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ. Chiến tranh nhân dân Việt Nam đã tỏ rõ tính ưu việt của nó, có đủ khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ dưới bất cứ hình thức, quy mô nào.
___________________________________
1. Tóm tắt Tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, bản đánh máy, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, VL1266/83, t. IV, tr. 1 - 2.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 09:08:43 pm »


CHƯƠNG 16
GIỮ VỮNG THẾ CHỦ ĐỘNG TIẾN CÔNG ĐỊCH,
MỞ MẶT TRẬN ĐƯỜNG 9 - BẮC QUẢNG TRỊ


I- MỞ CUỘC TIẾN CÔNG HÈ - THU 1966,
PHÁ KẾ HOẠCH CHUẨN BỊ MÙA KHÔ CỦA ĐỊCH


Bị thất bại nặng nề trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất 1965 - 1966 trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai càng lâm vào thế bị động lúng túng. Từ chủ trương chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm “bẻ gẫy xương sống” của “Việt cộng” là quân chủ lực Mặt trận dân tộc giải phóng, nhưng sau thất bại liên tiếp trên chiến trường, buộc chúng phải thừa nhận “cuộc chiến tranh ở Việt Nam là lâu dài và khó khăn chưa thể lường hết được”1.

Với tham vọng làm bá chủ thế giới, đế quốc Mỹ rất ngoan cố, dính líu ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng bàn mưu, tính kế chuẩn bị cho bước phiêu lưu quân sự mới. Trong cuộc họp ở Hônôlulu cuối tháng 4-1966, nhiều ý kiến của giới quân sự hàng đầu nước Mỹ sau những ngạc nhiên trước cường độ tiến công của lực lượng vũ trang giải phóng vẫn quả quyết rằng: muốn đánh bại quân chủ lực “Việt cộng”, quân Mỹ và đồng minh cùng quân lực Việt Nam cộng hoà phải làm hai việc: một là, tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện nhiều hơn nữa đánh phá mạnh mẽ, triệt để cơ quan đầu não Mặt trận Dân tộc giải phóng ở miền Đông Nam Bộ và một số tỉnh trọng điểm ở miền Trung Trung Bộ, Tây Nguyên; hai là, tiến hành đồng bộ, toàn diện “chương trình bình định mới” ở các vùng nông thôn nhằm “tái thiết hương thôn”, thực hiện “cuộc cách mạng xã hội - kinh tế”, kiên quyết “chống đói nghèo, bệnh tật, dốt nát”. Đó chính là chương trình “chiến tranh trên hai mặt trận” do Lầu Năm góc vạch ra được Bộ chỉ huy Mỹ - ngụy ở Sài Gòn thực thi triệt để. Vào đầu mùa mưa, mặc dù tình hình chính trị ở Nam Việt Nam không ổn định, các hoạt động quân sự chống “Việt cộng” giảm từ 50% đến 70%, nhưng Oétmolen vẫn tập trung thực hiện ba mục tiêu của Kế hoạch năm điểm do y vạch ra hồi đầu năm 1966 là:

- Bình định giành dân có trọng điểm, đánh phá hậu cần dự trữ của đối phương.

- Ổn định tình hình chính trị, củng cố ngụy quân, ngụy quyền.

- Khai thông hệ thống giao thông giữa các căn cứ, các khu vực và vùng lãnh thổ...

Mỹ và Sài Gòn tin rằng, nếu các “binh đoàn hùng hậu” của quân Mỹ và đồng minh đang đứng chân ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, Khu V và Tây Nguyên thực hiện tốt việc củng cố xây dựng hệ thống căn cứ đồn bốt (hệ thống phòng thủ), bình định nông thôn có hiệu quả; đồng thời quân Mỹ được tăng cường theo yêu cầu. thì mùa mưa này chúng hy vọng sẽ giành được quyền chủ động trên chiến trường, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc phản công mùa khô 1966 - 1967.

Để thực hiện mưu đồ trên, khi chấm dứt cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất, quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ lo củng cố nhiều vùng chiến lược quan trọng nhất là các vùng dọc theo các tuyến quốc lộ 1, 4, 13, 19, 21, nhằm hỗ trợ cho quân đội Sài Gòn mở các cuộc hành quân càn quét, hành quân bình định, gom dân, lập ấp chiến lược. Chiến thuật phòng ngự cụm cứ điểm liên hoàn kết hợp với càn quét và bình định vùng chung quanh căn cứ, địch không chỉ có âm mưu ngăn chặn ta đánh lớn, buộc ta phải phân tán lực lượng, đẩy chủ lực ta lên rừng núi, mà còn nhằm tạo ra khoảng không gian bảo đảm an toàn cho quân Mỹ. Do đó, bước vào mùa mưa, không quân Mỹ mỗi tháng trung bình ném xuống các làng xã, đường hành lang của ta 50.000 tấn bom mà 213 số đó là ở miền Nam, xấp xỉ số bom đạn Mỹ đã ném xuống Triều Tiên trong ba năm. Các tỉnh Long An, Tây Ninh, Gia Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, đặc biệt vùng đất thép Củ Chi, máy bay địch đánh phá liên tục có đợt kéo dài 20 ngày liền. Nhiều làng xã miền Nam trở thành vùng trắng, đồng bào ta phải sinh hoạt, chiến đấu trong lòng đất bằng hệ thống hầm hào, địa đạo. Song song với việc ném bom, bắn phá triệt hạ xóm làng, cày xới ruộng, vườn, quân đội Sài Gòn được Mỹ hỗ trợ càn quét liên miên hòng phá các căn cứ du kích và diệt chủ lực Quân giải phóng.

Cùng với việc mỏ hàng trăm cuộc hành quân càn quét, gom dân lập ấp chiến lược, đế quốc Mỹ dồn dập đưa vào miền Nam Việt Nam Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 3 (12-1966) thuộc Sư đoàn bộ binh số 9; Lữ đoàn 2 (8-1966), Lữ đoàn 1 (10-1966) thuộc Sư đoàn bộ binh số 4, cùng hàng chục vạn tấn phương tiện chiến tranh hiện đại. Tháng 8 và tháng 11, hai lữ đoàn bộ binh nhẹ 196, 199 đến Nam Việt Nam chiếm đóng Hội An và Long Bình. Tháng 10-1966, Sư đoàn không quân 834 đến sân bay Tân Sơn Nhất. Các phi đoàn máy bay chiến đấu chiến thuật 31, 35, 336; Phi đoàn vận tải 483 hạ cánh xuống các sân bay Tuy Hoà (Phú Yên), Phan Rang (Ninh Thuận), Đà Nẵng (Quảng Nam - Đà Nẵng), Cam Ranh (Khánh Hoà). Vào thời điểm cuối năm 1966, tổng quân số Mỹ có mặt ở Nam Việt Nam lên tới 390.000 tên, đông gấp hai lần năm 1965.

Đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh quy mô ngày càng lớn, làm cho cuộc chiến ở miền Nam diễn biến phức tạp và rất ác liệt.
________________________________________
1. Xem: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và Hồ Chủ tịch... thi đua lập công quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Tạp chí Quân đội nhân dân, số 8-1966.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM