Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:09:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 4  (Đọc 109875 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 07:35:11 pm »


Hội nghị Trung ương 13 vừa kết thúc cũng là lúc địch bắt đầu tăng cường các hoạt động “dọn bãi”, đánh phá vòng ngoài để chuẩn bị đổ quân, thực hiện cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ vào Chiến khu Dương Minh Châu.

Ngày 2-2-1967, Mỹ đưa toàn bộ Sư đoàn bộ binh số 25 mở cuộc hành quân cấp sư đoàn mang tên Gaxđơn càn vào khu vực từ đường 22 đến sát biên giới Campuchia. Mục đích của cuộc hành quân là nhằm phá hoại các căn cứ của ta ở phía tây, chủ yếu phát hiện, dồn các lực lượng ta vào phía đông đường 22, tức khu vực trung tâm của cuộc hành quân Gianxơn Xity sau này, để tiêu diệt. Song chúng đã không đạt được mục đích. Ngược lại, sau gần 20 ngày (ngày 21-2-1967 kết thúc cuộc hành quân), địch bị loại khỏi vòng chiến đấu gần hai ngàn tên, 69 xe cơ giới bị phá huỷ, 13 máy bay bị bắn rơi.

Khi cuộc hành quân Gaxđơn chưa kết thúc, ngày 14-2-1967, chúng mở tiếp cuộc hành quân Tắcxơn với lực lượng của Lữ đoàn 2 và 3 thuộc Sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ càn vào khu vực Minh Thạnh, Dầu Tiếng, Bến Củi nhằm dọn đường và bảo vệ cho việc di chuyển lực lượng, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược và các phương tiện chiến tranh khác đến các vị trí xuất phát hành quân của chúng. Đến 21-2-1967, cuộc hành quân Tắcxơn cũng kết thúc với 334 tên địch, 29 xe cơ giới và 7 máy bay bị diệt. Mỹ cũng đạt được một số yêu cầu là đưa Bộ Tư lệnh dã chiến II của chúng lên Dầu Tiếng để chỉ huy hành quân. Các đơn vị bộ binh, dù của Mỹ triển khai được ở khu vực tập kết Minh Thạnh, Quảng Lợi, Trảng Lớn, Cần Đăng, Bến Củi... Trung đoàn 11 thiết giáp cũng vượt sông Sài Gòn lên vị trí xuất phát tiến công.

Ngày 22-2-1967, cuộc hành quân Gianxơn Xity của Mỹ bắt đầu. Ngay từ đêm 21-2, Mỹ dùng nhiều đợt máy bay B52 ném bom nhiều nơi ở phía bắc tỉnh Tây Ninh gần biên giới Việt Nam - Campuchia) để chuẩn bị bãi đổ quân.

6 giờ sáng ngày 22-2-1967, Lữ đoàn dù 173 nhảy xuống Cà Tum. Cùng lúc, địch đổ Lữ đoàn 1 và 2 của Sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ xuống các vùng An Khắc, Rùm Đuôn, Sóc Mới, hình thành tuyến ngăn chặn ta từ phía bắc. Trong lúc đó Lữ đoàn 1 của Sư đoàn bộ binh 25 được triển khai dọc đường 22 làm tuyến “kẹp sườn” phía tây. Hai lữ đoàn của Sư đoàn bộ binh 1 khống chế dọc đường số 4 làm tuyến “kẹp sườn” phía đông.

Sau khi đã bịt kín phía bắc và khép chặt hai cạnh sườn đông và tây, địch dùng lực lượng mạnh gồm một lữ đoàn của Sư đoàn bộ binh 25 và Trung đoàn thiết giáp số 1 đánh thọc từ phía nam lên trung tâm cuộc hành quân. Khác với hành quân Áttơnborơ, Oétmolen đã chỉ trích Đờ Xốtxuya về tội sử dụng lực lượng nhỏ giọt nên đã nướng quân vô tội và làm hỏng cả kế hoạch lớn của y, lần này Oétmolen rất hài lòng về cách bày binh bố trận “rất kín” của tướng Ximan, chỉ huy cuộc hành quân và Oétmolen hy vọng thành công. Nhưng thực tế diễn biến trên chiến trường qua từng ngày, niềm hy vọng của Oétmolen càng trở nên vô vọng.

Ngay trong ngày đầu tiên, khi Lữ đoàn dù 173 Mỹ còn lơ lững trên không, chúng đã bị lực lượng vũ trang địa phương thuộc hai huyện Cà Tum và Tà Đạt bằng những loạt đạn bắn chính xác, diệt 100 tên và nhiều máy bay trực thăng.

Tại Rùm Đuôn và An Khắc, du kích cơ quan Trung ương Cục cùng bộ đội địa phương huyện cũng liên tục tiến công địch diệt và làm bị thương 157 tên Mỹ, bắn rơi 9 máy bay, làm hỏng 2 chiếc khác.

Cánh quân đột kích chủ yếu từ phía nam lên (gồm Lữ đoàn 2, Sư đoàn bộ binh 25 và Trung đoàn 11 thiết giáp) bị trúng mìn ở Khe Đôn và Bàu Cỏ. Chúng cố hành quân tiếp đến Đồng Pan thì chia thành hai mũi: một mũi theo đường số 4 phát triển lên hợp điểm với cụm quân ở Cà Tum, Sóc Mới, Rùm Đuôn. Mũi thứ hai vu hồi sang phía tây thọc sâu vào vùng căn cứ thuộc hai huyện Tà Đạt và Sóc Ky. Các mũi tiến công của địch đều bị ta chặn đánh quyết liệt, chúng buộc phải dừng lại chống đỡ bị động. Tại Sóc Ky, du kích H19, công binh huyện Sóc Ky đánh diệt 9 xe tăng, 120 tên Mỹ. Ở Bàu Sen, một đại đội Mỹ, lọt vào trận địa phục kích của bộ đội Tà Đạt, bị tiêu diệt toàn bộ. Địch ở Rùm Đuôn tiến công vào khu vực Suối Mây cũng bị du kích cơ quan giao bưu và binh vận Trung ương Cục chặn đánh, diệt tại chỗ 5 xe thiết giáp và hơn 100 tên Mỹ, buộc chúng phải quay lại.

Như vậy, sau mấy ngày đầu của cuộc hành quân, các mũi tiến công của địch đều không phát triển được, đi đến đâu chúng cũng bị du kích, bộ đội địa phương đánh thương vong. Tinh thần sĩ quan, binh lính Mỹ rã rời. Hãng tin Pháp AFP ngày 22-2 đưa tin và bình luận: “Cuộc hành quân Gianxơn Xity được coi là một trong những hy vọng lớn của Mỹ trong giai đoạn trước mắt, cuộc hành quân có nhiều tham vọng nhất trong cuộc chiến tranh, nhưng kết quả thật đáng buồn, trong bốn ngày qua không thấy dấu vết nhà lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng đâu cả...Đài phát thanh Mặt trận Dân tộc giải phóng vẫn tiếp tục hoạt động mặc dù một trong những mục tiêu của cuộc hành quân là làm cho có câm đi...”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 07:35:42 pm »


Nhằm hỗ trợ cho các mũi tiến công, ngày 25-2-1967, Bộ chỉ huy dã chiến II của Mỹ quyết định đổ Chiến đoàn A thuỷ quân lục chiến quân đội Sài Gòn xuống trung tâm căn cứ ở khu vực Cà Bon. Song, hoang mang trước tình hình quân Mỹ bị “Việt cộng” tiến công, quân ngụy Sài Gòn cụm lại một chỗ không dám hành quân. Trước tình hình đó, ngày 28-2-1967, địch lại phái máy bay trực thăng đến bốc Chiến đoàn A về Trại Bí.

Trong lúc du kích và bộ đội địa phương các huyện kiên quyết bám trụ đánh địch ở khắp nơi, thì bộ đội chủ lực (Sư đoàn 9) thực hiện đánh nhỏ hai bên sườn và sau lưng địch, diệt gọn từng cụm quân. Ngày 26-2, một tiểu đoàn của Trung đoàn 1 sư đoàn 9 tập kích tại trảng A Lâu diệt 150 tên Mỹ, một bộ phận khác phối hợp với du kích cơ quan Trung ương Cục đánh địch ở Tà Xia, diệt gọn một đại đội Mỹ.

Ngày 28-2, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 16 phục kích một tiểu đoàn Mỹ ở đông nam Giếng Thí, bắn rơi ba trực thăng, diệt gọn một đại đội Mỹ. Táo bạo hơn, đêm 28-2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 16 tập kích vào tận vị trí xuất phát tiến công của địch tại suối Ông Hùng, diệt một chi đoàn xe cơ giới (31 chiếc) và 216 tên Mỹ. Đồng thời, ta pháo kích vào chỉ huy sở hành quân của địch ở Dầu Tiếng và căn cứ hành quân cấp lữ đoàn của Mỹ ở Tà Xia.

Những ngày đầu chiến dịch, bộ đội chủ lực và du kích các huyện đã phối hợp tác chiến tiêu hao nặng quân địch, bảo vệ được căn cứ, nhưng lực lượng chủ lực cơ động chưa đánh được những trận then chốt tiêu diệt lớn quân địch, trong đó nhiệm vụ đánh diệt xe tăng địch đạt hiệu quả chưa cao. Khắc phục những hạn chế trên, bước sang tháng 3, bộ đội chủ lực ta bố trí củng cố thế trận để đánh tiêu diệt lớn quân dịch; còn lực lượng vũ trang tại chỗ thì tăng cường sử dụng mìn tự tạo, súng chống tăng, tổ chức các đội săn cơ giới, săn máy bay. Tiêu biểu cho phong trào tìm, diệt xe cơ giới địch trong những ngày đầu tháng 3 này có thể kể đến du kích cơ quan binh vận Trung ương Cục (huyện Suối Mây) và du kích Phòng thông tin Miền (huyện Tà Đạt). Tại Suối Mây, du kích cơ quan binh vận Trung ương Cục đã diệt 27 xe khi địch tiến công vào khu vực của cơ quan. Tại Trảng Chiến, du kích huyện Tà Đạt cũng diệt 7 xe, loại khỏi vòng chiến đấu 152 tên Mỹ. Bên cạnh thành tích diệt xe cơ giới địch, du kích Xưởng thông tin S3 Phòng thông tin Miền, ngày 3-3-1967 với 19 tay súng dưới sự chỉ huy của Tiểu đội trưởng Đạt, đã đánh một trận xuất sắc đẩy lùi tám đợt xung phong của địch, diệt một đại đội Mỹ, đánh thiệt hại nặng một đại đội khác thuộc Lữ đoàn dù 173, thu 22 máy thông tin PRC25 và nhiều quân trang, quân dụng. Phía ta, một đồng chí hy sinh, ba đồng chí bị thương nặng. Với thành tích này, Xưởng thông tin S3 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Tiểu đội trưởng Đạt được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Cùng lúc với trận đánh của S3, tại huyện Bà Chiêm, du kích xóm Giếng Thí đã dũng cảm chặn đánh một đại đội lính dù Mỹ đang tiến công vào xóm. Đại đội lính dù Mỹ mới đến đầu xóm đã vấp phải mìn định hướng của ta, tiếp đó du kích dùng súng máy và lựu đạn đánh diệt gần hết đại đội Mỹ. Cũng tại Bà Chiêm, du kích xã H19 (thuộc Đoàn 69 pháo binh Miền) tổ chức bám đánh xe tăng và bắn máy bay trực thăng của địch. Kết quả, 5 xe tăng địch bị bắn cháy, 6 trực thăng bị bắn rơi. Cùng thời gian này, du kích bàu Lùng Tung chặn đánh một bộ phận quân Mỹ lùng sục vào địa bàn, phá huỷ 6 xe M41.

Những trận đánh liên tiếp của bộ đội chủ lực và du kích các huyện làm cho địch tổn thất khá nặng nề, chúng thú nhận: hành quân bị thất bại, tốn kém 25 triệu đôla, quân số hao hụt quá mức dự định, bệnh tật nhiều (từ 5% lên 12%, rồi đến 16%), tinh thần binh lính quá căng thẳng, chủ lực đối phương tránh né, chỉ để một bộ phận đánh du kích còn đại bộ phận luồn ra phía sau, các căn cứ phía sau bỏ trống, hành quân không đạt được tác dụng yểm trợ cho bình định và quân ngụy Sài Gòn vẫn bị đánh.

Địch phải tăng cường lên Tây Ninh một chiến đoàn lính thuỷ đánh bộ Sài Gòn để bù vào số quân Mỹ bị hao hụt.

Ngày 6-3, địch tiếp tục tiến công vào căn cứ, chính trong ngày này, chúng bị Trung đoàn 1 của ta pháo kích cụm quân Mỹ ở Tà Xia, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, phá hỏng 12 khẩu pháo. Liên tiếp trong các ngày 8 và 9-3, ta pháo kích chốt địch ở Bến Ra, chống càn ở Lôvia... Cùng lúc, du kích hoạt động mạnh, đánh hàng trăm trận, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Trong lúc địch còn đang loay hoay tìm cách đối phó thì đêm 10-3, quân ta tiến công các cụm quân Mỹ ở Đồng Pan và Bàu Cỏ.

Tại Đồng Pan, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) được tăng cường hai khẩu pháo 120mm của Tiểu đoàn 58 Đoàn 69, tập kích vào căn cứ xuất phát hành quân của một lữ đoàn Mỹ, diệt hàng trăm tên địch, phá hỏng 150 xe quân sự (có 50 xe bọc thép), 12 khẩu pháo. Cùng đêm, Trung đoàn 16 được tăng cường một khẩu 120mm của Tiểu đoàn 58 Đoàn 69, tiến công vào căn cứ hậu cần của cuộc hành quân Gianxơn Xity ở Bàu Cỏ, diệt 64 xe quân sự (có 24 thiết giáp), 9 khẩu pháo, 200 tên Mỹ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 07:36:10 pm »


Choáng váng bởi các đòn tiến công liên tiếp của Quân giải phóng, trong đó có cả những trận đánh vào hậu cứ cuộc hành quân của địch (như Đồng Pan, Bàu Cỏ...), ngày 13-3-1967, các cánh quân Mỹ bắt đầu rút khỏi căn cứ Dương Minh Châu. Đợt một của cuộc hành quân Gianxơn Xity đã bị đánh bại, 5.859 tên địch (đa số là Mỹ) bị loại khỏi vòng chiến đấu, 33 khẩu pháo và 497 xe quân sự (có nhiều xe tăng và thiết giáp) bị phá huỷ, phá hỏng, 90 máy bay các loại bị bắn rơi. Tướng Giônnathan Ximan chỉ huy cuộc hành quân bị cách chức. Đây là tổn thất lớn của Mỹ trong cuộc phản công chiến lược lần thứ hai.

Từ ngày 15-3, Bộ chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn triển khai giai đoạn hai cuộc hành quân Gianxơn Xity, lật cánh chuyển hướng tiến công chủ yếu sang phía đông căn cứ của ta.

Thủ đoạn của địch lần này là bao vây rộng, thọc sâu, tiến chắc, dùng không quân oanh tạc dữ dội, dọn sạch những chướng ngại phía đông căn cứ.

Về ta, phát huy thắng lợi đã đạt được, Bộ chỉ huy Miền chủ trương phải nắm chắc quả đấm chủ lực tập trung đánh cho được một đến hai trận tương đối lớn, tiêu diệt cho được cụm tiểu đoàn hoặc chiến đoàn địch, đồng thời động viên du kích cơ quan và bộ đội địa phương các huyện tiếp tục bám địch, đánh tiêu hao, tiêu diệt nhỏ, phối hợp với chủ lực đánh bại đợt hành quân thứ hai của địch vào căn cứ.

Bộ đội địa phương, du kích, tự vệ cơ quan được trang bị thêm súng chống tăng, súng máy cao xạ và tổ chức nhiều đội săn cơ giới, bắn máy bay, làm nhiều bãi mìn, chướng ngại, thực hiện đánh nhỏ rộng khắp kết hợp với đánh vừa, đánh lớn của bộ đội chủ lực.

Đội hình Sư đoàn 9 được bố trí lại, tạo thế cho trận đánh tiêu diệt lớn. Trung đoàn 2 về đứng chân ở khu vực Chà Dơ. Trung đoàn 16 về khu vực Suối Dây, ngã ba Sóc Xoài. Hai trung đoàn này có nhiệm vụ bám chặt cánh quân phía nam của địch, tạo thế, phối hợp đánh trận phủ đầu quân Mỹ dự kiến sẽ xảy ra ở Chà Dơ hoặc Đồng Rùm. Nếu địch không càn lên thì tập kích căn cứ hành quân của địch ở Đồng Pan hoặc Bàu Cỏ.

Trung đoàn 1 ở bắc Bổ Túc làm dự bị cho sư đoàn, sẵn sàng phối hợp với Trung đoàn 16 hoặc Trung đoàn 2, đánh địch trên trục đường Đá Đỏ, khu vực Bổ Túc hoặc sóc Con Trăn. Trung đoàn 3 tiếp tục đứng chân ở đông đường 13 đánh giao thông, hoặc tập kích vào các cụm cơ giới địch chốt trên đường 13.

Ngày 18-3-1967, đợt hai của cuộc hành quân Gianxơn Xity bắt đầu. Địch hình thành hai cánh từ hướng tây nam đánh lên và từ Hớn Quản (Bình Long) ở hướng đông đánh sang. Với ý định bao vây khu đông bắc khu B căn cứ Dương Minh Châu.

Cánh một gồm Lữ đoàn 3, Sư đoàn 4 và một tiểu đoàn của Lữ đoàn 173 hành quân từ Suối Đá, cầu Lộc Ninh theo đường lộ Kiểm lên Chà Dơ. Ngày hôm sau (19-3), cánh này phát triển lên, cụm lại tại Đồng Rùm. Cùng lúc dó Lữ đoàn 1, Sư đoàn 25 từ Minh Thạnh theo đường Trắng (Võ Tùng - Bà Chiêm) lên cụm lại ở Đồng Kền. Một cánh quân khác gồm Lữ đoàn 2, Sư đoàn 1 và một bộ phận của Trung đoàn 11 thiết giáp, Tiểu đoàn 36 biệt động quân từ Hớn Quản tiến theo đường Đá Đỏ, cụm tại sóc Con Trăn.

Ngày 22-3, một bộ phận của Trung đoàn 11 và Lữ đoàn 173 từ phía nam theo đường Trắng tiến lên chiếm Bàu Trâm, Bàu Cột, nối với sóc Con Tràn bằng một cụm cơ giới và pháo binh ở ngã ba Bà Chiêm.

Để yểm trợ cho các cánh quân trên, ngày 24-3, địch đổ thêm một tiểu đoàn Mỹ xuống Đồng Kền, đồng thời cho các đại đội biệt kích lùng sục xung quanh các khu vực chúng đóng quân. Ở Đồng Pan và trên đường số 4, chúng bố trí Lữ đoàn 196 giữ sườn phía đông cho khu vực hành quân.

Các cụm quân Mỹ bố trí thành vòng vây quanh một khu vực rộng đến 450 km2. Từ những cụm quân này, địch cho nhiều mũi đánh rộng ra nối với nhau thành một vòng vây khép kín. Ở giữa, chúng tung ba lữ đoàn dự bị (Lữ đoàn 3, Sư đoàn 1, Lữ đoàn 1, Sư đoàn 25, Lữ đoàn 1, Sư đoàn 9) đánh vào trung tâm để tìm diệt chủ lực và cơ quan lãnh đạo kháng chiến của ta. Song một lần nữa, Mỹ lại không thực hiện được ý đồ của chúng. Ngay từ những phút đầu cuộc hành quân, quân và dân vùng đông bắc Tây Ninh đã bám riết địch và giáng cho chúng những đòn chí mạng.

Ngày 18-3, địch vừa mới ra quân từ Suối Đá lên cầu Lộc Ninh đã bị du kích Đoàn 82 (huyện Bà Hảo) đánh mìn, diệt tám xe thiết giáp. Ngày 19-3, máy bay địch vừa hạ cánh xuống Đồng Rùm đã bị ngay một bãi mìn của du kích Đoàn hậu cần 82 bố trí sẵn, 8 máy bay và hơn 100 tên Mỹ bị diệt ngay tại chỗ. Cũng trong ngày này, trên đường 13, Trung đoàn 3 tập kích cụm bộ binh cơ giới của Lữ đoàn 1, Sư đoàn 9 ở Bầu Bàng, diệt 400 tên Mỹ, phá huỷ 92 xe (có 65 xe thiết giáp) và 9 khẩu pháo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 07:37:04 pm »


Đêm 20 rạng ngày 21-3, tranh thủ thời cơ địch vừa lên Đồng Rùm, còn lạ nước, lạ cái, Bộ chỉ huy Sư đoàn 9 quyết định sử dụng Trung đoàn 2 và Trung đoàn 16 đánh một trận quyết chiến trên khu vực ta đã dự kiến trước.

Trung đoàn 2 từ Chà Dơ đánh lên diệt cụm quân phía nam của địch, sau đó thọc vào Sở chỉ huy Lữ đoàn 3, Sư đoàn 4. Trung đoàn 16 từ phía bắc đánh xuống diệt gần hết cụm quân địch ở phía bắc. Kết quả, ta đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn pháo (18 khẩu), ba chi đoàn thiết giáp (72 chiếc), bắn rơi 10 máy bay, loại khỏi vòng chiến 1.220 tên địch. Địch vẫn còn một cụm cơ giới ở phía tây, ta không phát hiện được. Cụm quân này kết hợp với số còn lại của cánh quân phía bắc vừa chống đỡ quyết liệt vừa rút chạy, cuối cùng chúng được trực thăng cứu thoát. Ta bỏ lỡ cơ hội bắt sống tên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3.

Sau trận Đồng Rùm, cánh quân phía nam của địch bị thiệt hại nặng phải co lại. Lữ đoàn 3, Sư đoàn 4 phải chạy về Dầu Tiếng để bổ sung quân và củng cố lực lượng. Ngày 28-3, địch đưa một bộ phận Lữ đoàn 3 càn lên Bàu Trí. Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 16 chặn đánh diệt 200 tên, phá hỏng 23 xe tăng và xe bọc thép, buộc chúng phải lui về Đồng Rùm.

Trong lúc đó, cánh quân ở phía bắc từ Hớn Quản (Bình Long) sang cụm ở sóc Con Trăn và ngã ba Bà Chiêm. Chúng tổ chức đánh ra hai bên. Ngày 22-3, một tiểu đoàn địch nống ra phía bắc Sóc Tâm, liền bị du kích vây chặt. Ngày 26-3, chỉ huy Sư đoàn 9 điều Trung đoàn 1 và Trung đoàn 16 về khu vực Sóc Tâm với ý định đánh tiêu diệt tiểu đoàn Mỹ này. Song địch sớm phát hiện lực lượng ta di chuyển, chúng đưa trực thăng đến bốc tiểu đoàn này trước khi ta đến. Địch lại đổ một tiểu đoàn khác xuống trảng Ba Vùng (tây bắc cầu Suối Ngô 3 km). Bộ chỉ huy Miền lệnh cho Sư đoàn 9 phải tiêu diệt bằng được hai tiểu đoàn này, đánh bại cánh quân phía bắc của địch. Một mặt, ta cho du kích cơ quan bám địch, đánh kiềm chế; mặt khác, trinh sát chuẩn bị dẫn Trung đoàn 1 và Trung đoàn 16 đến tập kích.

Sáng 31-3, một tiểu đoàn địch ở Ba Vùng bung ra đánh thọc vào trận địa ta. Bộ đội ta phản kích quyết liệt, diệt hai đại đội địch. Chiều 31-3, địch tăng cường lực lượng đến Ba Vùng. Chúng đổ thêm một tiểu đoàn và bổ sung quân cho hai đại đội vừa bị ta tiêu diệt, hình thành hai cụm quân: một cụm ở đầu bắc và một cụm ở đầu nam Ba Vùng.

Đêm 31-3, Trung đoàn 1 và Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 16 tập kích diệt cụm phía nam, kiềm chế cụm phía bắc, đồng thời pháo kích vào cụm địch ở sóc Con Trăn, diệt 800 tên, bắn hạ 13 máy bay.

Bị đánh liên tục và thiệt hại nặng ở các hướng, ngày 1-4-1967, cánh quân Mỹ ở phía nam rút khỏi Đồng Rùm. Ngày 2-4, địch rút khỏi Cà Tum. Ngày 6-4, chúng rút cụm quân đóng ở Đồng Kền. Từ ngày 6-4 đến 9-4, địch ở các cụm trảng Ba Vùng, Bàu Cột, Bàu Trâm rút chạy về sóc Con Trăn, làm nao núng các cánh quân địch trên toàn tuyến chiến dịch. Đến 13-4, toàn bộ địch ở sóc Con Trăn rút khỏi Chiến khu Dương Minh Châu. Nhân lúc địch còn đang hỗn loạn tìm đường chạy khỏi khu chiến, Bộ chỉ huy Miền lệnh cho Trung đoàn 1 và Trung đoàn 16 vượt sông Sài Gòn, truy kích, chặn đường rút chạy của địch về Hớn Quản (đoạn Cần Lê - Bình Phú). Song, lực lượng địch còn khá đông, chúng lại rút từng bước bằng trực thăng và khéo nghi binh nên ta chỉ đánh được một số trận nhỏ. Ngày 15-5-1967, Oétmolen tuyên bố cuộc hành quân Gianxơn Xity chấm dứt.

Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu 14.233 tên địch (chủ yếu là quân Mỹ), phá huỷ, phá hỏng 992 xe (có 775 xe tăng và xe thiết giáp), 112 khẩu pháo từ 105mm trở lên, bắn rơi và bắn hỏng 160 máy bay (có 144 trực thăng). Đây là thất bại lớn nhất của Mỹ tính đến thời điểm đó. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận xét: “Cuộc hành quân Gianxơn Xity là một cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ vào vùng căn cứ bắc Tây Ninh lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao sự thất bại của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong âm mưu tìm diệt của chúng”1.

Thất bại của Mỹ trong cuộc hành quân Gianxơn Xity không chỉ ở chỗ chúng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra trong cuộc hành quân và sự thiệt hại lớn về lực lượng quân Mỹ, về binh khí, kỹ thuật, phương tiện chiến tranh hiện đại bị phá huỷ, mà điều quan trọng hơn, đó là sự bế tắc về chiến thuật, chiến lược của Mỹ ở Việt Nam.

Báo Tin nhanh, ngày 27-3-1967, dẫn lời một sĩ quan cao cấp của Mỹ thú nhận với nhà báo Pháp Frăngxoa Can rằng: “Ở Hoa Thịnh Đốn và ở Guam người ta luôn mồm nói đến leo thang, nhưng tôi tự hỏi người ta còn có thể làm gì hơn nữa. Chúng tôi không thể dùng máy bay B52 hay máy bay cường kích nhiều hơn nữa. Những máy bay này đã vướng víu lẫn nhau trong các hoạt động yểm trợ chiến thuật rồi, chúng phải chờ đến phiên mới được ném bom; súng M16 của chúng tôi không thể bắn nhanh hơn nữa. Đại bác của chúng tôi giã suốt ngày đêm rồi. Người ta còn có thể làm gì hơn nữa nếu không phải là lặp lại có thể hàng mấy năm nữa những cuộc hành quân theo kiểu Gianxơn Xity để rồi trong 10 cuộc thì thất bại chín”2. Sau thất bại trong cuộc hành quân Gianxơn Xity, các nhà chiến lược Mỹ, những nhân vật chóp bu ở Nhà trắng và Lầu Năm góc đã không giải đáp được câu hỏi: phải dùng bao nhiêu quân nữa, sử dụng vũ khí gì nữa để có thể làm xoay chuyển được tình thế của cuộc chiến tranh khi mà chỉ ở một vùng căn cứ nhỏ hẹp như Tây Ninh, Mỹ đã phải huy động tới 45 ngàn quân cùng một số lượng lớn máy bay, xe tăng, pháo binh nhiều chưa từng có mà vẫn không đạt được một kết quả nào.

Với thất bại này, về cơ bản, gọng kìm “tìm diệt” của Mỹ trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai đã bị bẻ gãy.
________________________________________
1. Xem: Chiến dịch phản công đánh bại cuộc càn Gianxơn Xity, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 7 - 8.
2. Xem: Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững thành đồng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, t. 4, tr. 130.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 07:37:33 pm »


Cùng với thắng lợi của quân dân ta ở Tây Ninh, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, các lực lượng vũ trang ta tiến công địch liên tục và đều khắp.

Ngay tại Sài Gòn, từ khi chuẩn bị chống cuộc càn Xêđa Phôn, Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định quyết định tiến công sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là một trong những căn cứ quân sự chiến lược lớn của Mỹ - nơi đóng quân của nhiều cơ quan đầu não quan trọng như Bộ Tư lệnh tập đoàn không quân số 7 Mỹ, Bộ Tư lệnh Không quân ngụy, Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ, Sở Chỉ huy của Oétmolen... Sân bay còn có nhiều kho tàng chứa nhiên liệu, bom đạn và có khoảng 400-500 máy bay đậu, sẵn sàng xuất kích đánh phá bất cứ khu vực nào khi cần thiết. Lực lượng tham gia đánh sân bay là Đoàn F100 đặc công biệt động của Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Đêm 3 rạng 4-12-1966, các chiến sĩ đặc công của ta dưới sự chỉ huy của hai mũi trưởng Nguyễn Văn Kiệp (Đồng Đen) và Bành Văn Trân (Năm Vững) đã lọt được vào sân bay. Mũi của đồng chí Kiệp đến đường băng số 2 thì bị địch phát hiện. Các chiến sĩ ta vừa phải chiến đấu với quân Mỹ, vừa phải chống trả lũ chó bécgiê hung dữ. Tổ ba người bị hy sinh hai, còn một đồng chí mình đầy thương tích vẫn tiếp tục chiến đấu. Trong lúc đó, một mũi khác lọt được vào kho bom, đặt mìn hẹn giờ. Một tốp vào khu để máy bay, dùng pháo tay phá từng chiếc, đồng thời dùng cối 60 đặt ngay trên đường băng bắn vào đài chỉ huy và khu nhà ở của phi công. Gần 2 giờ sáng ngày 4-12-1966, các mũi tiến công của ta đã diệt được một số mục tiêu trong sân bay, nhưng bị địch vây chặt. Địch đưa xe tăng, xe bọc thép đến hỗ trợ cho quân của chúng phản kích. Các chiến sĩ ta dũng cảm đánh bật các đợt phản kích của địch, song ta cũng bị thương vong lớn. Được sự phối hợp của đội nữ du kích Tân Sơn Nhì và sự giúp đỡ của cơ sở gần sân bay, các chiến sĩ còn lại mở đường máu phá vây thoát được ra ngoài. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch, phá huỷ một kho bom 200 tấn, đánh hỏng hơn 100 máy bay, bắn cháy 13 xe bọc thép. Trong trận đánh ác liệt này, ta hy sinh 31 đồng chí, 6 đồng chí mất tích và 26 đồng chí bị thương.

Một ngày sau, bốn chiến sĩ biệt động Sài Gòn (Đội 69) lại tiến công cư xá cố vấn chiến tranh tâm lý USOM của Mỹ ở đường Lê Văn Duyệt, loại khỏi vòng chiến đấu 30 tên, thu nhiều tài liệu quan trọng.

Ngày 23-2-1967, bộ đội địa phương huyện Củ Chi tập kích vào cụm quân dã chiến Mỹ đóng tại Cây Trắc, diệt nhiều Mỹ, phá huỷ 18 xe tăng, xe bọc thép, thu 70 súng.

Tại Biên Hoà, ngày 4-2-1967, ta tiến công căn cứ hậu cần Mỹ ở Long Bình, phá huỷ 40 kho dự trữ vũ khí, phương tiện chiến tranh và quân trang, quân dụng của địch. Ba ngày sau, ngày 7-2-1967 ta pháo kích sân bay Biên Hoà, phá huỷ 8.000 quả bom napan, đốt cháy 100 ngàn lít xăng. Gần hai tháng sau, ngày 2-4-1967, ta lại bắn súng lớn vào sân bay Biên Hoà và căn cứ Trung đoàn thiết giáp 11 của Mỹ, phá huỷ, phá hỏng 200 xe quân sự, 34 máy bay, 30 khẩu pháo.

Ở Thủ Dầu Một, ngày 16-2-1967, bộ đội phối hợp với du kích chặn đánh một đoàn xe cơ giới địch càn vào làng 18 (Dầu Tiếng), diệt 13 xe M113 và hai xe M41. Ngày 14-3, ta tiến công sân bay Phú Lợi, diệt hàng trăm tên Mỹ, phá huỷ sáu xe bọe thép và một số máy bay lên thẳng.

Tại Bà Rịa, ngày 16-2, ta diệt Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 52, Sư đoàn 10 ngụy tại Suối Cát thuộc quận Long Điền - Đất Đỏ. Quân Ôxtrâylia đến tiếp viện bị ta đánh diệt gần 100 tên, bắn hỏng 5 xe tăng và xe bọc thép.

Tại Bình Long, ngày 8-4, ta pháo kích vào quân Mỹ ở Bình Phú, cách thị xã Hớn Quản 12 km, diệt nhiều Mỹ, phá hỏng bốn khẩu pháo 105mm và 155mm.

Không chỉ có miền Đông Nam Bộ mà trên khắp các chiến trường miền Nam từ Quảng Trị - Thừa Thiên đến Khu V - Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân ta liên tục tiến công và nổi dậy gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên trong bốn tháng đầu năm 1967, ta đã loạt khỏi vòng chiến đấu hơn 21 ngàn tên địch, phá hỏng 624 xe quân sự, bắn rơi 195 máy bay. Trong các trận tiến công địch ở Trị - Thiên những tháng đầu năm 1967, nổi bật nhất là trận tiến công Chi khu quân sự Quảng Điền ngày 4-2, ta diệt 350 tên địch. Đặc biệt, ngày 7-3, pháo binh Quân giải phóng dùng súng cối và ĐKB 122mm bắn hơn 1.000 quả vào Điểm cao 241 thuộc huyện Cam Lộ, diệt và làm bị thương gần 1.000 tên Mỹ, phá hỏng 21 khẩu đại bác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 07:40:10 pm »


Đêm 5 rạng ngày 4-6-1967, các lực lượng vũ trang của Trị - Thiên đã giáng một đòn bất ngờ, mãnh liệt và chớp nhoáng vào căn cứ hậu phương của Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3, Sư đoàn 1 ngụy ở La Vang, Từ Hạ và thị xã Quảng Trị, diệt 1.700 tên dịch, phá hỏng 230 xe quân sự, đốt 8 kho dầu và vũ khí.

Các trận tiến công của pháo binh bờ bắc sông Bến Hải và lực lượng vũ trang Trị - Thiên đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ của Mỹ - ngụy trên đường số 1 (do Quân đoàn 1 phụ trách), uy hiếp mạnh hậu cứ của lính thuỷ đánh bộ Mỹ trên tuyến phòng thủ đường 9. Đồng thời nó chứng tỏ khả năng to lớn của ta trong việc đánh thọc sâu vào căn cứ hậu phương của Mỹ - ngụy.

Cũng trong ngày 6-4-1967, một đơn vị thuộc Sư đoàn 324 đánh thiệt hại một tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ đóng ở Gio An, bắn cháy 16 xe tăng, xe bọc thép, bắt một số tù binh. Những hoạt động mạnh mẽ và liên tiếp của ta trên hướng Trị - Thiên đã buộc địch phải đưa Sư đoàn 1 lính thuỷ đánh bộ Mỹ ra Trị - Thiên, không đưa vào Nam Bộ như dự kiến ban đầu của chúng. Ta giam chân được ba sư đoàn chủ lực Mỹ - ngụy ở đây, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường Nam Bộ, Khu V tiến công và nổi dậy.

Trên chiến trường Tây Nguyên, tháng 1-1967, lực lượng vũ trang Tây Nguyên liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân Sam Huttơn (Sam Houston) và Frăngxi Marion (Francis Marion) của Mỹ - ngụy ở phía tây Kon Tum và Gia Lai, loại khỏi vòng chiến đấu 4.000 tên địch, bắn rơi 45 máy bay. Ngày 5-4-1967, quân Mỹ buộc phải rút về căn cứ, chấm dứt các cuộc hành quân tìm diệt ở Tây Nguyên.

Ở Khu V thời gian này, hoạt động nổi bật của lực lượng vũ trang quân khu là trừng trị quân Nam Triều Tiên khét tiếng khát máu. Lực lượng này thuộc Lữ đoàn Rồng xanh. Chỉ trong vòng một năm, lính đánh thuê Nam Triều Tiên đã giết và làm bị thương hơn năm ngàn dân ở Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định. Cuối 1966, Lữ đoàn Rồng xanh được đưa từ Phú Yên ra Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) để thay thế cho các đơn vị lính thuỷ đánh bộ Mỹ. Tại đây, chúng tiếp tục những cuộc tàn sát đẫm máu. Có gia đình bị chúng lùa vào trong nhà rồi đóng cửa đốt. Chúng còn xua một lúc hàng chục người xuống hầm rồi phun hơi độc. Dã man hơn, chúng hãm hiếp phụ nữ rồi mổ bụng lấy gan ăn. Ở xã Bình Hoà (Bình Sơn) trong một buổi sáng (6-10-1966), lính Nam Triều Tiên đã tàn sát trên 400 người, thôn An Phước bị nặng nhất 295 người chết, trong đó có 21 phụ nữ đang mang thai, 22 em mới chào đời từ bảy ngày đến một năm tuổi. Căm thù, uất hận trước những tội ác dã man của quân Nam Triều Tiên, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã phát động phong trào “xé xác Rồng xanh, phanh thây giặc Mỹ”, kêu gọi các lực lượng vũ trang và bán vũ trang “hãy trút căm thù lên mũi lê, nòng súng, diệt thật nhiều giặc Mỹ, bọn ác ôn, lính đánh thuê để trả thù cho đồng bào bị chúng sát hại”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh uỷ, ngày 11-11-1966, Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 1 tiến công tiêu diệt một đại đội lính Nam Triều Tiên ở Trung Linh (Bình Sơn). Ngày 19-11-1966, Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 1 diệt một đại đội khác ở đồi Mả Tổ (Sơn Tịnh). Ngày 10 và 23-1-1967, ta diệt tiếp một đại đội ở An Điềm và Bình Lãnh. Trong hai ngày 29-1 và 1-2- 1967, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Quảng Ngãi đập tan hai cuộc càn của lính Nam Triều Tiên, diệt gọn hai đại đội, đánh thiệt hại nặng một đại đội khác ở Bình Phước và Tịnh Hoà. Chiến tranh nhân dân phát triển rộng khắp. Nhân dân cùng du kích các xã thuộc huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh làm nhiều hầm chông, bố trí tại các vị trí địch có thể càn vào, đồng thời tổ chức các trận địa phục kích, chờ địch. Bằng cánh này, ta đã diệt hàng trăm lính Nam Triều Tiên. Ở xã Bình Châu, trong một ngày chiến đấu, đồng chí Trần Bản, Xã đội phó đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục lính Pắc Chung Hy.

Ngày 15-2-1967, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 tiến công cụm quân Nam Triều Tiên ở đồi Quang Thạnh (xã Kim Sơn, huyện Sơn Tịnh) do Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Rồng xanh chiếm giữ. Trận đánh diễn ra quyết liệt do địch đóng trên đồi cao và phòng ngự có chiều sâu. Xung quanh cứ điểm, chúng bố trí nhiều hàng rào dây thép gai và mìn. Ta phải dùng súng phun lửa phụt vào hệ thống hầm ngầm của địch. Sau ba giờ chiến đấu, cứ điểm bị san bằng, trên 400 lính đánh thuê Nam Triều Tiên phải đền tội. Đây là trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao, có tác động mạnh đến tinh thần ý chí của lính Pắc Chung Hy, nên ngay ngày hôm sau (16-2) quân của chúng đóng ở Khánh Mỹ, Hòn Ngang, Hòn Dọc bỏ đồn tháo chạy.

Lữ đoàn Rồng xanh bị đánh quỵ, ngày 17-2-1967, Mỹ - ngụy tập trung chín tiểu đoàn mở cuộc hành quân mang tên Liên kết 81 đánh vào khu vực tây huyện Sơn Tịnh và huyện Tư Nghĩa. Sư đoàn 2 của ta cùng lực lượng vũ trang địa phương chặn đánh tiêu diệt Tiểu đoàn dù số 7 của ngụy, đánh thiệt hại nặng bốn tiểu đoàn khác, buộc quân địch phải rút quân. Trong lúc đó, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 tập kích căn cứ Mỹ ở Gò Hội (23-3-1967), diệt 400 tên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 07:41:04 pm »


Tại Bình Định, ngày 17-12-1966, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 vận động tiến công diệt bốn đại đội Mỹ và một tiểu đoàn chủ lực ngụy ở Long Giang, Lộc Giang. Đêm 25-12, Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 tập kích diệt cụm quân hỗn hợp gồm hai đại đội pháo binh và hai đại đội bộ binh Mỹ ở Xuân Sơn (Hoài Ân).

Ở Quảng Nam, ngày 26-1-1967, Tiểu đoàn 1 bộ đội địa phương tỉnh đánh tan một tiểu đoàn Mỹ ở bờ sông Lệ Trạch. Ba ngày sau, ta đánh một tiểu đoàn khác của Mỹ ở xã Điện Thọ (Điện Bàn) gây cho địch nhiều thiệt hại. Ngày 24-3-1967, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 tổ chức trận phục kích trên đường số 1 (đoạn Hương An - Bà Rén), đánh đoàn xe khoảng 200 chiếc của địch. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, ta diệt 143 xe các loại, và hàng trăm lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên đi trên xe, phá hỏng trên 200 tấn đạn và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Cùng với bộ đội chủ lực chiến đấu ở vòng ngoài, ngày 27-1-1967, bộ đội đặc công quân khu và các lực lượng pháo binh tập kích sân bay Đà Nẵng, phá huỷ và phá hỏng 100 máy bay các loại. Ngày 14-5, Quân giải phóng Khu V còn tiến công trận địa tên lửa Hốc ở núi Phước Tường, phá huỷ 12 dàn tên lửa.

Ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ, trong sáu tháng đầu 1967, quân và dân các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, và thành phố Đà Lạt đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 400 tên địch, bắn rơi 41 máy bay, phá huỷ, phá hỏng 13 xe M113. Đáng chú ý là các trận tiến công tiêu diệt cứ điểm Duồng (7-1-1967), trận tập kích địch ở thị trấn Phan Rí (27-1-1967) của Tiểu đoàn 840 bộ đội địa phương tỉnh Bình Thuận. Đêm 19 rạng ngày 20-2-1967, tiểu đoàn này lại tập kích vào lực lượng bảo an và các đoàn bình định của địch ở Tuy Tịnh (huyện Tuy Phong), đánh thiệt hại hai đại đội bảo an, hai đoàn bình định số 8 và 11. Ở Ninh Thuận, lực lượng vũ trang tỉnh đánh địch ở cảng Ninh Chữ, pháo kích sân bay Thành Sơn, đột nhập thị xã Phan Rang, diệt một đại đội quân cảnh Mỹ.

Tại Lâm Đồng, đêm 23-2-1967, một bộ phận của Tiểu đoàn 186 cùng lực lượng địa phương đánh diệt một trung đội dân vệ phụ trách ấp chiến lược số 5, đồng thời, tiểu đoàn tổ chức trận địa phục kích trên đường 20 (cách quận lỵ Di Linh từ 3 đến 5 km), kéo địch đến cứu viện để tiêu diệt. Sáng 24-2, nghe tin trung đội dân vệ ở ấp chiến lược số 5 bị diệt, địch đưa một đại đội bảo an đến cứu viện. Chúng lập tức bị ta tiêu diệt gọn. Trưa hôm đó, tên quận trưởng Di Linh cùng hai đại đội bảo an cơ động của chi khu mò đến cũng bị quân ta tiêu diệt. Địch cay cú đưa Tiểu đoàn biệt động số 53 từ Tiểu khu BLao xuống. Ta tiếp tục củng cố lại trận địa cũ, đánh diệt phần lớn tiểu đoàn này. Bọn địch còn lại ở Chi khu Di Linh hoảng hốt kêu cứu buộc quân Mỹ đang càn quét phải rút về tăng cường cho Di Linh. Với kết quả này, Tiểu đoàn 186 đã được Bộ Chỉ huy Miền Tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.

Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 1966-1967 tuy không phải là trọng điểm tìm diệt của quân Mỹ, song đây là vựa lúa của cả miền Nam, nơi cung cấp nguồn lực tại chỗ cho chiến tranh, mặt khác, để ngăn chặn hướng tiến công của ta từ phía nam, Mỹ vẫn tăng cường lực lượng triển khai dọc trục đường số 4 từ Long An đến Mỹ Tho.

Riêng tại Long An, cuối 1966, Mỹ đã có bốn lữ đoàn (hai lữ thuộc Sư đoàn 25, Lữ đoàn 199 và Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 9).

Ngày 23-12-1966, Mỹ lại đưa Lữ đoàn 1, Sư đoàn 9 về lập căn cứ tại Rạch Kiến (huyện Cần Đước). Đây là một trong những căn cứ được xây dựng khá kiên cố. Bao quanh nó là sáu lớp rào kẽm gai, ba tuyến mìn tự động và nhiều lô cốt tiền tiêu. Bên trong có sân bay trực thăng, trận địa pháo... Ngay khi quân Mỹ đặt chân đến đây, bộ đội các huyện Cần Đước, Tân Trụ cùng du kích các xã xung quanh đã liên tục tiến công tiêu hao nhiều sinh lực của địch mỗi khi chúng nống ra càn quét. Dần dần, một vành đai diệt Mỹ hình thành dưới sự chỉ đạo của tỉnh uỷ và tỉnh đội. Chỉ trong vòng ba tháng sau khi huyện phát động phong trào giành các danh hiệu diệt Mỹ, trên vành đai Rạch Kiến, hàng trăm tên Mỹ đã bị loạt, 16 trực thăng bị bắn rơi. Phong trào toàn dân đánh giặc ở Rạch Kiến phát triển đến đỉnh cao với nhiều hình thức phong phú. Cùng với Rạch Kiến, toàn tỉnh Long An phát triển chiến tranh nhân dân. Mùa khô 1966-1967, quân và dân Long An đã diệt và làm bị thương 3.000 tên Mỹ, bắn rơi 28 trực thăng.

Nếu ở Long An, Rạch Kiến được xem như một điển hình trong phong trào toàn dân đánh giặc thì ở Mỹ Tho xuất hiện một điển hình khác: vành đai diệt Mỹ ở Bình Đức (huyện Châu Thành). Tại đây, Mỹ xây dựng căn cứ lớn cho một sư đoàn bộ binh Mỹ (Sư đoàn 9). Căn cứ này được xây dựng từ tháng 2-1966, sau gần một năm mới hoàn thành. Oétmolen, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Việt Nam đặt tên cho căn cứ này là căn cứ Đồng Tâm. Theo Oétmolen “đồng tâm” là tượng trưng cho sự chung sức đồng lòng, hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn cùng nhau thực hiện một mục đích diệt trừ cộng sản.

Chuẩn bị cho Sư đoàn 9 Mỹ vào đóng tại căn cứ Đồng Tâm, Sư đoàn 7 ngụy cùng các đoàn bình định, các đại đội thám sát, bảo an liên tục càn quét các xã Bình Đức, Vĩnh Kim (hai xã nằm sát căn cứ). Chúng dùng không quân, pháo binh đánh phá suốt ngày đêm, gây nhiều thiệt hại cho đồng bào và cơ sở cách mạng của ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 07:42:08 pm »


Từ 9-1 đến ngày 7-2-1967, sau khi đã kiểm tra kỹ, thấy căn cứ tương đối hoàn chỉnh và an toàn, Oétmolen mới cho Lữ đoàn 2 Sư đoàn 9 chia làm ba đợt đổ quân xuống căn cứ và các vùng phụ cận. Ngay trong ngày đầu tiên, khi đổ quân xuống sân bay Thân Cửu Nghĩa (cách căn cứ khoảng 10 km), địch đã bị trung đội trinh sát tỉnh Mỹ Tho đánh phủ đầu bằng pháo, cối. Cùng ngày, tổ đặc công nước do Bảy Chịu chỉ huy đã đặt khối bộc phá 200 kg đánh chìm chiếc tàu cuốc Jamaicabat1, 200 lính và nhân viên Mỹ trên tàu chết và bị thương. Những đòn phủ đầu này đã làm quân Mỹ phải dè chừng. Hơn một tháng sau, ngày 14-12-1967, quân Mỹ ở đây mới bắt đầu bung ra lùng sục. Lực lượng ba thứ quân trên vùng vành đai phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, sáng tạo ra nhiều cách đánh diệt quân Mỹ rất độc đáo. Nhiều gương dũng sĩ diệt Mỹ xuất hiện không chỉ ở Bình Đức mà khắp toàn tỉnh Mỹ Tho. Ông Nguyễn Văn Tẩu (xã Long Hưng) một mình diệt 73 tên Mỹ. Lê Thị Hồng Gấm ba lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Em Hồ Văn Nhánh (16 tuổi) được du kích hướng dẫn cách tháo mìn, em đã gỡ được 450 quả. Em còn hướng dẫn lại cho bạn mình cùng đi gỡ. Riêng Nhánh đã 131 lần vào gỡ mìn trong hàng rào căn cứ Đồng Tâm, phục vụ du kích, bộ đội đánh 300 trận, diệt 130 tên Mỹ...

Tính đến tháng 8-1967, quân dân Mỹ Tho đã diệt 2.110 tên Mỹ, thu 63 súng các loại.

Tại Bến Tre, Đông - Xuân 1966-1967, ta mở đợt hoạt động trên hướng Bình Đại - Ba Tri, lấy Bình Đại làm hướng chính, Châu Hưng làm trọng điểm.

Đêm 4-1-1967, phân đội đặc công của Tiểu đoàn 261 chủ lực Khu VIII đã đánh diệt trung đội dân vệ Châu Hưng, một bộ phận của Tiểu đoàn 516 bộ đội tỉnh Bến Tre đánh đồn Giồng Quéo (Bình Đại). Địch vội điều Tiểu đoàn biệt động quân số 32 của Khu chiến thuật Tiền Giang đến cứu nguy. Tiểu đoàn 261 và 516 đã phối hợp tổ chức trận đánh tại Châu Hưng, diệt Tiểu đoàn biệt động quân số 32, đánh thiệt hại nặng một đại đội bảo an của chi khu Bình Đại, giết và làm bị thương 300 tên, thu 50 súng, bắn rơi một máy bay lên thẳng, bắn hỏng một máy bay C47.

Phối hợp với hướng chính, ta bắn pháo cối vào các trận địa pháo của địch ở cầu kênh Chẹt Sậy, thị trấn Giồng Trôm. Bộ đội địa phương huyện cùng du kích diệt đồn Vang Quới, bức địch rút 11 đồn khác, giải phóng hoàn toàn bốn xã Thạnh Tân, Phước Thuận, Thới Lai và Châu Hưng. Tại Ba Tri, bộ đội và du kích phục kích đánh diệt hai đại đội bảo an ở Giồng Trung xã Vĩnh Hoà, nhiều tề điệp ác ôn bị trừng trị, làm cho hai tiểu đoàn chủ lực ngụy, tám đại đội bảo an, 12 đoàn bình định đóng trên địa bàn này phải nằm im một thời gian dài không dám bung ra hoạt động.

Nhận thấy tình hình Bến Tre diễn biến phức tạp, ngày 6-1-1967, Mỹ vội vàng đưa quân đến mở cuộc càn lớn mang tên Sóng thần 5. Lực lượng địch sử dụng trong cuộc càn này có một lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ, một tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên với 57 tàu thuyền chiến đấu trên sông, 152 máy bay, một chi đoàn xe M113 (12 chiếc) và hàng trăm khẩu súng các loại. Địa bàn hoạt động của địch gồm các xã Thạnh Phong, Giao Thạnh, Thạnh Phú, An Nhơn, An Quy và An Thạnh (thuộc huyện Thạnh Phú).

Ngay khi địch vừa đặt chân đến Hồ Cỏ (xã Giao Thạnh), chúng đã bị Tiểu đoàn 518 và lực lượng vũ trang địa phương chặn đánh quyết liệt, làm hàng chục tên Mỹ chết và bị thương, hai máy bay bị bắn rơi, hai tàu bị bắn cháy.

Kết hợp với mũi tiến công quân sự, lực lượng chính trị khéo léo dựa vào thế hợp pháp, tổ chức bốn cuộc đấu tranh trực diện với quân Mỹ, đòi chúng không được bắn pháo, ném bom, phá huỷ nhà cửa của đồng bào. Những cuộc đấu tranh này đã làm chậm bước tiến của các cánh quân Mỹ trong nhiều giờ, ta có thêm thời gian chuẩn bị để đối phó.
________________________________________
1. Tàu nạo vét lòng sông, bờ biển loại lớn của Mỹ. Trên tàu trang bị bốn khẩu pháo và thường xuyên có 12 tàu nhỏ luân phiên tuần tiễu, bảo vệ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 07:43:58 pm »


Ngày 8-1-1967, Mỹ lại dùng trực thăng đổ quân xuống xã An Nhơn. Lực lượng du kích dựa vào trận địa bố trí sẵn bắn cháy bốn chiếc, làm ý đồ đổ quân của chúng không thực hiện được. Trong lúc đó, tại Giao Thạnh, tổ chiến đấu của công trường sản xuất vũ khí huyện Thạnh Phú khắc phục một quả bom lép, sửa lại đầu nổ, đặt tại một vị trí thuận lợi rồi tìm cách dụ địch vào, giật nổ diệt cả một trung đội địch. Với chiến công này, tổ được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba. Tại Cồn Lớn, Khâu Băng, Cồn Chim, Cồn Điệp... quân Mỹ và Nam Triều Tiên liên tục bị sụt hầm chông, vướng chất nổ và bị lực lượng vũ trang địa phương tiến công. Đêm đêm, ta pháo kích vào khu vực địch đóng quân làm chúng hoang mang, lo sợ. Suốt 15 ngày kiên cường bám trụ anh dũng chiến đấu, quân và dân Thạnh Phú bẻ gãy cuộc càn lớn của địch, diệt 235 tên Mỹ và lính Nam Triều Tiên, bốn máy bay trực thăng bị bắn rơi, hai tàu bị bắn chìm, nhiều phương tiện chiến tranh của chúng bị phá huỷ.

Một lần nữa, quân dân Bến Tre nói chung, quân dân Thạnh Phú nói riêng, chỉ bằng lực lượng vũ trang tại chỗ và thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp đã chiến thắng kẻ thù mạnh hơn gấp bội. Bến Tre cũng như Long An, Mỹ Tho có đủ cơ sở để khẳng định quyết tâm đánh thắng Mỹ.

Trong lúc các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Bến Tre và các tỉnh thuộc Trung Nam Bộ (Khu VIII) sôi nổi phong trào tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt, thì tại miền Tây Nam Bộ, Quân khu IX cũng mở đợt hoạt động Đông - Xuân 1966 - 1967, lấy Chương Thiện làm trọng điểm. Mục đích của đợt hoạt động này là mở mang vùng Giồng Giềng - Long Mỹ - Ngang Dừa, sau đó phát triển tiến công lên Cần Thơ - Rạch Giá.

Mở đầu đợt hoạt động tìm diệt Mỹ - ngụy, ngày 26-10-1966, Tiểu đoàn 306 tiêu diệt gọn đồn Cái Đuốc, sau đó rút về kênh Ba Quân, Ngã Cạy (cánh Vị Thanh 15 km về phía tây) bố trí trận địa đánh quân đến cứu viện. Tại đây, Tiểu đoàn 306 cùng một bộ phận của Tiểu đoàn 33 đã chiến đấu quyết liệt với lực lượng của Trung đoàn 33 Sư đoàn 21 ngụy đến ứng cứu, loại khỏi vòng chiến đấu gần 700 tên, bắn rơi 12 trực thăng. Với thắng lợi này, Tiểu đoàn 306 được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng và Bộ Tư lệnh Miền tặng thưởng Huân chương Quân công hạng hai.

Cùng thời gian này Tiểu đoàn 309 tiến công chi khu Ngang Dừa, diệt và bức hàng ba đồn. Các tỉnh trong quân khu cùng phối hợp hoạt động, tích cực đánh địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.

Đầu 1967, địch sử dụng một bộ phận Sư đoàn 9 và Sư đoàn 7 mở cuộc hành quân lớn mang tên Phi Long đánh vào Long Toàn, Cầu Ngang, Tiểu Cần tìm diệt lực lượng ta và dồn dân vào ấp Tân Sinh. Tiểu đoàn 306 phải chuyển sang hoạt động trên chiến trường Vĩnh - Trà (Vinh Long - Trà Vinh). Đêm 18-1-1967, một đại đội của Tiểu đoàn 306 bất ngờ tiến công tiêu diệt đồn Đập Ấu, một bộ phận đặc công của ta đánh sập cầu Mai Tức (nằm trên đường Vĩnh Long đi Trà Vinh). Địch vội vã điều Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 14 Sư đoàn 9 ngụy đến tái chiếm đồn và sửa cầu. Tiểu đoàn 306 phục kích đánh địch.

Cuộc chiến diễn ra ác liệt ngay trong đêm. Kết quả ta loại khỏi vòng chiến đấu 250 tên địch, thu trên 200 súng các loại. Chiến thắng đầu tiên của chủ lực quân khu trên chiến trường Vĩnh Trà đã được Bộ Tư lệnh Miền khen thưởng xứng đáng bằng Huân chương Quân công hạng ba.

Tháng 4-1967, Tiểu đoàn 306 lại cùng Tiểu đoàn 501 của Trà Vinh tập kích một cụm quân địch đóng ở Mường Khai, diệt trên 200 tên, bắn chìm 8 tàu. Đánh xong, ta rút về xã Hoà Bình (đông chi khu Tam Bình 7 km). Địch đổ một tiểu đoàn của trung đoàn 15 và 16, Sư đoàn 9 ngụy xuống địa bàn ta đóng quân. Tiểu đoàn 306 và 501 dựa vào công sự, trận địa, chiến đấu quyết liệt, đánh lui sáu đợt xung phong của địch, giữ vững trận địa.

Tính chung trên chiến trường Vĩnh Trà, trong năm 1967 ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 10.000 tên địch, gỡ trên 200 đồn, bốt, trong đó riêng Tiểu đoàn 306 diệt trên 5.000 tên.

Thắng lợi đó góp phần cùng quân và dân đồng bằng sông Cửu Long cũng như toàn Miền đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của Mỹ mùa khô 1966-1967.


*
*   *


Như vậy, trong mùa khô 1966-1967, thực hiện gọng kìm tìm diệt chủ lực quân giải phóng Mỹ - ngụy chẳng những không thực hiện được ý đồ tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận quan trọng lực lượng vũ trang ta, mà còn bị các lực lượng vũ trang ta đánh tiêu hao một phần lớn lực lượng của chúng. Tính chung sáu tháng mùa khô, quân và dân miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 175.000 tên địch (có hàng ngàn tên Mỹ, lính đánh thuê Nam Triều Tiên, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Philíppin), tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 49 tiểu đoàn và đơn vị tương đương, bắn rơi và phá huỷ 1.800 máy bay các loại, phá hỏng 1.783 xe quân sự, 340 khẩu đại bác, bắn chìm và bắn cháy 100 tàu xuồng, đánh sập và hỏng 270 cầu lớn nhỏ.

Đây là thất bại có ý nghĩa chiến lược đối với quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ trong cuộc phản công chiến lược lần thứ hai. Thất bại này đã làm cho tập đoàn cầm quyền nước Mỹ lâm vào tình trạng bế tắc về chiến lược; trên chiến trường, đội quân thiện chiến Mỹ luôn luôn bị động, lúng túng trong xử lý các tình huống dẫn đến thương vong ngày càng tăng, ý chí chiến đấu của binh lính giảm sút. Đối với ta, đánh thắng cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của Mỹ, khẳng định khả năng chiến thắng về quân sự của ta là tất yếu, ta đã tạo được thế và lực cũng như thời cơ để tiến lên chuyển cách mạng miền Nam sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định vào những năm tiếp sau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 12:50:20 pm »


III- LÀM THẤT BẠI GỌNG KÌM BÌNH ĐỊNH

Rút kinh nghiệm mùa khô lần thứ nhất do đặt công tác bình định không ngang tầm với tìm diệt nên bị thất bại nặng, trong cuộc phản công lần thứ hai, Mỹ và Sài Gòn xác định: tăng cường gọng kìm bình định, kiên quyết đẩy mạnh công tác bình định lên ngang hàng với công tác quân sự (tìm diệt) nhằm lập một hệ thống an ninh liên hoàn nối liền các căn cứ, các trung tâm giao thông, lấn chiếm vùng đông dân, giàu lúa gạo, lập bộ máy kìm kẹp ở những nơi đã càn quét. Theo đánh giá của Tổng thống L.Giônxơn: bình định trong cuộc phản công mùa khô lần này là một cuộc chiến tranh khác, là cuộc cách mạng thật sự chọi với chủ nghĩa cộng sản. Do vậy, công tác bình định trước đó do Toà đại sứ Mỹ điều hành, đến thời điểm này, chuyển sang Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Sài Gòn đảm trách, nên chương trình bình định sẽ được kết hợp chặt chẽ với những cuộc hành quân càn quét, đánh phá của các đơn vị quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ.

Ngay từ cuối 1966, địch đã tập trung một số lớn nhân tài, vật lực cho công cuộc bình định miền Nam. Về phía chính quyền Sài Gòn, lực lượng tham gia chương trình bình định gồm: 53 tiểu đoàn chủ lực, 177 đại đội địa phương, 5 đại đội cảnh sát dã chiến, 559 trung đội nghĩa quân, 552 đoàn cán bộ bình định. Riêng tại các địa bàn trọng điểm bình định ven đô Sài Gòn, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bình Long (thuộc Vùng chiến thuật III), Trị - Thiên, Bình Định, Tuy Hoà, Quảng Ngãi, Plâycu, Kon Tum (thuộc Vùng chiến thuật I và II), Vĩnh Long, Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Kiến Phong (thuộc Vùng chiến thuật IV), ngoài lực lượng quân ngụy, chúng huy động thêm 40 tiểu đoàn Mỹ, 1.500 chuyên gia bình định, một số đơn vị quân Nam Triều Tiên, Ôxtrâylia. Song song với việc tăng cường lực lượng, Mỹ đã nâng tổng ngân sách đầu tư cho công tác bình định từ 8 tỷ (tiền Sài Gòn) năm 1966, lên 14 tỷ năm 1967. Với sức mạnh được tập trung như vậy, Mỹ và Sài Gòn dự kiến đến hết năm 1967 sẽ củng cố và xây dựng được 3.500 ấp và trại tập trung, trong đó, xây dựng mới hoàn toàn là 1075 ấp, dồn được 1.315.000 dân. Đặc biệt, để phục vụ trực tiếp cho chương trình, Mỹ đã khẩn trương lựa chọn và đưa đi đào tạo đội ngũ cán bộ bình định của chính quyền Sài Gòn ở các trung tâm đào tạo trong và ngoài nước.

Dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh MACV, Hội đồng bình định và phát triển dân sự được thành lập theo hệ thống dọc từ trung ương đến quận, huyện ở Nam Việt Nam do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trực tiếp làm chủ tịch, bộ trưởng các bộ và cơ quan trung ương làm uỷ viên. Nhiệm vụ của Hội đồng Trung ương là soạn thảo nội dung, kế hoạch phối hợp, đặt mục tiêu... cho chương trình bình định hàng năm. Hội đồng chỉ huy mọi cơ quan trung ương, Bộ tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, tư lệnh các vùng chiến thuật, các tỉnh trong công tác bình định. Các vùng chiến thuật và tỉnh cũng thiết lập hội đồng như trung ương. Cán bộ, nhân viên của cơ quan bình định và phát triển dân sự được đưa xuống các vùng chiến thuật, các tỉnh, các quận để chỉ đạo, đốc thúc việc thực hiện chương trình. Thông thường, mỗi vùng chiến thuật có 150, mỗi tỉnh từ 30-70, quận từ 8-20 nhân viên bình định. Bên cạnh đó, các toán đặc biệt, các toán cố vấn lưu động được thường xuyên phái xuống phối hợp hành động và huấn luyện nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương về công tác bình định1.

Để trực tiếp yểm trợ cho bình định, trước tiên địch tập trung lực lượng và phương tiện mở các cuộc hành quân càn quét quy mô tuỳ thuộc vào địa bàn dự định hành quân rộng hay hẹp, vào lực lượng cách mạng ở đó mạnh hay yếu. Thông thường, các cuộc hành quân bình định gồm ba bước: Hành quân an ninh - tiêu diệt các lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng trong khu vực đã chiếm được, sau đó quân đội sẽ rút dần về các đồn bốt, nhường quyền cho các đội bình định và “chuyên gia dân sự” thực hiện “tái thiết nông thôn”.

Do mục đích chương trình bình định là phải phá cho được cơ sở hạ tầng, thủ tiêu hết các tổ chức và con người Việt cộng, nên địch đã triệt để sử dụng các nguồn tài liệu thu được từ các cơ quan tình báo quân sự và dân sự của cả Mỹ và Sài Gòn, từ khẩu cung lấy được qua thẩm vấn những người bị bắt, sau đó dùng cảnh sát đặc biệt, mật vụ điều tra thẩm định, đối chiếu với thẻ căn cước xác định. Tất cả Việt cộng bị bắt đều tập trung về các trại giam giữ và được phân ra làm ba loại: loại A là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; loại B là đảng viên; loại C là cơ sở quần chúng cách mạng.

Sau khi phân loại xong, địch đưa những người thuộc loại A, B về các trung tâm thẩm vấn ở tỉnh - đó là những địa điểm u tịch ít người qua lại... Tại đây, bọn công an mật vụ dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhất như: tra điện, đóng đinh vào các khớp xương... kết hợp với hỏi cung. Các chuyên gia CIA, chuyên gia bình định thường xuyên có mặt để thẩm vấn và trực tiếp tra tấn các phạm nhân. Nhiều người đã chết ngay trong quá trình bị thẩm vấn, tra tấn, bởi khẩu hiệu của chúng là “không có tội, đánh cho có tội”. Những người may mắn thoát chết sau thời gian thẩm vấn sẽ được đưa ra xét xử công khai và bị đầy đi các nhà lao trong tình trạng thân thể bị tàn phế. Tình hình này ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý, ý chí của cán bộ và đảng viên ở cơ sở và làm cho một bộ phận cán bộ phong trào hoang mang, dao động, nằm im không hoạt động, thoái thác nhiệm vụ trên giao.

Để răn đe nhân dân các địa phương, địch còn tổ chức các cuộc “khủng bố điển hình” do quân Nam Triều Tiên đảm trách. Trong các trận càn quét chúng như bầy thú, súng lăm lăm trong tay, chia thành nhiều mũi, tràn vào các làng xóm, bắt toàn bộ người già, phụ nữ, trẻ nhỏ tập trung lại từng cụm rồi dùng đại liên, tiểu liên sát hại không sót một người. Những cảnh tượng hãi hùng như chôn sống, mổ bụng, moi gan, chặt đầu bêu cọc, ném trẻ em và người già vào lửa hoặc xuống giếng... do quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ gây ra hàng ngày ở các địa phương miền Nam làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển cơ sở và cán bộ lãnh đạo phong trào của ta.
_______________________________________
1. Đến đầu năm 1967, tại Nam Việt Nam có 353 toán lưu động 114 toán phối hợp hành động.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM