Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:56:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cách mạng Văn hoá liệt truyện - Tập 3  (Đọc 60615 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:43:34 pm »


Một lúc sau, Trương Xuân Kiều kẻ giỏi nịnh lại đứng lên hoà giải: “Thế này vậy, để Mao Viễn Tân tạm thời ở lại đây, đồng chí ấy quen thuộc tình hình, những điều mà Chủ tịch viết chỉ có đồng chí ấy hiểu được”.

Giang Thanh tự biết mình đuối lý, liền lau nước mắt, thôi không đối đầu nữa, nói như vẹt: “Đúng đấy! Cứ giao văn kiện, tài liệu của Mao Chủ tịch cho Mao Viễn Tân. Làm như vậy, tôi yên tâm”. Diệp Kiếm Anh nghe tận tai nhìn tận mắt, ông vẫn quan sát sự biểu diễn của “bọn bốn tên”. Ông hiểu rất rõ: Mao Viễn Tân là một người tiếp xúc nhiều nhất với Chủ tịch trong thời gian Chủ tịch bị bệnh nặng, nắm rất nhiều cơ mật quan trọng, “bọn bốn tên” muốn giữ anh ta lại, để cùng gây sự, như vậy sao được? Huống hồ khi Mao Trạch Đông còn sống đã dặn Mao Viễn Tân không nên theo Giang Thanh, nhưng anh ta cứ theo Giang Thanh! Nghĩ đến đây, ông nói như đinh đóng cột: “Tôi đồng ý ý kiến của đồng chí Quốc Phong, Mao Viễn Tân nên về Liêu Ninh, văn kiện vẫn do văn phòng Trung ương phụ trách bảo quản”. Lý Tiên Niệm và mấy đồng chí ủy viên khác cũng đều đồng ý như vậy, đều ủng hộ Hoa Quốc Phong.

“Bọn bốn tên” tiếp tục gây rối, đưa ra đủ thứ lý do, kiên quyết giữ Mao Viễn Tân ở lại.

Hội nghị căng thẳng, từ nửa đêm đến sáng hôm sau, tranh cãi kịch liệt, gây rối vô lý, làm cho mọi người mệt mỏi vô cùng. Đột nhiên, Giang Thanh điên cuồng nổi giận, vừa khóc vừa gây sự, nói ầm ĩ: “Ừ, các đồng chí không muốn thảo luận nữa! Được, ai có liên quan thì ở lại, ai không có liên quan thì đi hết!” Bà ta hoàn toàn không coi người chủ trì hội nghị ra gì, nghiễm nhiên coi mình là “nữ hoàng”, để ra lệnh.

Ai “có liên quan”? Ai “không liên quan”? Nói cho rõ, trong con mắt của Giang Thanh chỉ có mấy người bọn họ là “có liên quan” còn những người khác đều “không có liên quan” sẽ đi hết. Chỉ còn lại Hoa Quốc Phong, họ sẽ dễ “bắt nạt”!

Tiếp đó mấy tên nam thần cũng phụ họa với “nữ hoàng”.

Hoa Quốc Phong bị ép buộc, đành phải nói: “Phó Chủ tịch Diệp, tuổi đã cao, đồng chí Tiên Niệm bị bệnh, hai đồng chí có thể về trước, các đồng chí khác không nên về”.

Giang Thanh không nhượng bộ một chút nào: “Không được”.

Vương Hồng Văn cũng dùng quyền uy của Phó Chủ tịch Đảng quát: “Những người không có liên quan đều về hết!”

Diệp Kiếm Anh thấy người chủ trì hội nghị đã rơi vào cảnh khốn đốn, hơn nữa đã tuyên bố là ông rút khỏi cuộc họp, nếu kiên quyết không về sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Hoa Quốc Phong và thế tất sẽ xung đột trực diện với bọn Giang Thanh. Hội nghị như thế này sẽ chẳng hay ho gì, nếu tiếp tục tham gia, sẽ chẳng có chút ý nghĩa nào. Xuất phát từ toàn cục ông đứng phắt dậy ra về, tiếp đó có mấy ủy viên khác cũng đứng dậy, hội trường chỉ còn lại sáu bảy người.

Hoa Quốc Phong bảo mọi người ngồi xuống tiếp tục họp.

Giang Thanh vẫn khóc ầm ĩ và giục mọi người về.

Để bảo vệ Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng ngồi yên không động đậy.

Hội nghị lại trở nên căng thẳng.

Một ủy viên ngồi đợi ngoài phòng họp một lúc thấy không có kết quả, lại vào hội trường, nói sức khỏe của Hoa Quốc Phong không tốt, hội nghị họp kéo dài không lợi, đề nghị giải tán.

“Bọn bốn tên” kiên quyết không giải tán.

Giang Thanh thấy Diệp Kiếm Anh và một số người quả là đã “bị đuổi” về, càng hí hửng đắc ý. Tiếp tục nói bừa bãi, thao thao bất tuyệt, lúc nói Mao Viễn Tân không thể đi, lúc nói cần Mao Viễn Tân giúp chỉnh lý văn kiện lưu trữ, tất cả văn kiện nên để bà ta bảo quản, lúc lại nói phải triệu tập hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương. Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn, theo giọng điệu của Giang Thanh, kẻ hô người ứng, phụ họa cho nhau. Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng v.v… vừa nói xen vào đã bị bà ta cướp lời, cắt ngang. Về sau, họ ngồi yên nhìn nhau, rứt khoát ngồi nghe đối phương nói, không hé răng. Đây đâu còn là Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nữa. Mà đây là hội nghị đấu tranh của “phái tạo phản” bao vây công kích “phái theo con đường tư bản chủ nghĩa” một trăm phần trăm.

Hoa Quốc Phong kiên nhẫn đợi “bọn bốn tên” nói đã mệt, không nói nữa, cuối cùng hỏi Giang Thanh: “Rốt cuộc thì đồng chí muốn làm gì?”

“Muốn thảo luận dự thảo Báo cáo chính trị của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3” Giang Thanh đã để lộ thiên cơ.

Phó Chủ tịch Diệp Kiếm Anh và một số ủy viên không có mặt, hoàn toàn không thể thảo luận vấn đề hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương. Cuối cùng Hoa Quốc Phong nói: “Dù Hội nghị Trung ương lần thứ 3 muốn có Báo cáo chính trị, cũng phải do tôi làm, phải do tôi chuẩn bị, còn việc sắp xếp nhân sự của Trung ương, phải do Bộ Chính trị thảo luận quyết định”. Nói xong đứng dậy tuyên bố giải tán.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:44:41 pm »


9. Hành động trước

Qua hội nghị này đã làm cho Hoa Quốc Phong cảm thấy hội nghị Bộ Chính trị không có cách gì giải quyết được vấn đề của “bọn bốn tên”. Vậy thì, triệu tập Hội nghị Trung ương sẽ như thế nào? Sau khi cân nhắc cẩn thận, ông đã từ bỏ ý nghĩ này. Có thể dùng biện pháp giản đơn công khai dùng vũ lực “bắt hết” có được không? Ông tìm gặp Diệp Kiếm Anh bàn bạc, cuối cùng hai người cho rằng biện pháp này cũng không thể dùng được. Rút cuộc phải làm thế nào? Diệp Kiếm Anh nghĩ đến hội nghị có liên quan mà ông đã tham gia xử trí Hoàng Vĩnh Thắng và “bốn đại kim cương”, sau khi Lâm Bưu phản bội Trung ương đã đợi 10 ngày, “bốn đại kim cương” ngoan cố chống lại đến cùng. Cuối cùng trong hội nghị đột ngột tuyên bố tội trạng của họ, kiên quyết xử trí. Đối với “bọn bốn tên” liệu có thể tham khảo kinh nghiệm đó hay không? Cuối cùng Diệp Kiếm Anh nói ý kiến của mình: “Lấy phương thức triệu tập hội nghị “mời” họ đến dự, tuyên bố thực hiện “cách ly thẩm tra” đối với họ, sau đó lập tức triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận quyết định.

Vậy, họp hội nghị gì? Hội nghị do ai chủ trì? Sẽ có những ai tham gia? Thời gian nào? Địa điểm ở đâu?...

Đối với một loạt vấn đề, Diệp Kiếm Anh và Hoa Quốc Phong đã nghiên cứu rất thận trọng tỉ mỉ, xác định là lấy danh nghĩa triệu tập, Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị, thảo luận quyển 5 “Mao Trạch Đông tuyển tập”, mời cả Diêu Văn Nguyên tham gia, đối với Giang Thanh sẽ xử trí riêng. Hoa Quốc Phong đích thân chủ trì hội nghị, Diệp Kiếm Anh ngồi chỉ huy, địa điểm tại Hoài Nhân Đường trong Trung Nam Hải. Cân nhắc tới Uông Đông Hưng là người tương đối am hiểu tình hình, lại nắm Văn phòng Trong ương và bộ đội cảnh vệ nên mọi việc có liên quan đều do Uông Đông Hưng phụ trách thực hiện, về thời gian, dự định là qua Quốc khánh chuẩn bị 10 ngày, xem tình hình sẽ quyết định sau.



10. Giai đoạn quyết chiến

Tháng 10 năm 1976, là một tháng 10 bão táp sôi động, một tháng 10 gươm súng sẵn sàng.

Trong tháng này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và “bọn bốn tên” bước vào giai đoạn quyết chiến.

“Ý định cuối cùng đã lộ rõ”. “Bọn bốn tên” mài dao mài kiếm, bố trí sắp xếp tiến hành vũ trang bạo loạn đã đâu vào đó.

Cương lĩnh “giết người”. “Làm thế nào để củng cố chính quyền” do Trương Xuân Kiều nêu ra sắp được thực thi. Theo lời của ông ta: “Lịch sử và hiện thực”, “cách mạng và chuyên chính”, “phê Đặng” và “trấn áp phản cách mạng”, “giết người”, thì hàng triệu cái đầu người sẽ rơi xuống đất. Diêu Văn Nguyên đã nói: “Vì sao không xử bắn một loạt phần tử phản cách mạng nhỉ? Chuyên chính xét cho cùng không phải là thêu hoa”. Vương Hồng Văn kêu gào: “Ở Thượng Hải tìm 100 con chó thì khó, nhưng bắt 1 vạn phản cách mạng thì dễ. Thượng Hải sẽ lựa chọn kỹ 10 vạn dân binh, cấp cho mỗi người 40 viên đạn”.

“Bọn bốn tên” thông qua bốn tuyến để truyền đạt “tinh thần của họ” đến Thượng Hải, luôn luôn giữ mối liên hệ ở mức “chuẩn bị chiến tranh cấp 1” với đồng đảng ở Thượng Hải. Mấy tháng nay “liên hệ đường dây nóng” giữa đồng đảng ở Thượng Hải với Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều có tới 146 lần.

“Bọn bốn tên” đã chuẩn bị thư gửi nhân dân cả nước, sau khi chính biến lập tức thông báo cho Đài phát thanh công bố ra toàn thế giới. Họ dựa vào “hậu thuẫn vững mạnh” là lực lượng vũ trang “dân binh” của Thượng Hải và Bắc Kinh, bắt đầu cuộc biểu diễn xấu xa của cuộc tranh cướp cuối cùng trên vũ đài chính trị.

Lép Tôn-xtôi đã nói: “Thượng đế muốn những kẻ nào chết thì trước hết làm cho chúng nổi cơn điên!”. “Bọn bốn tên” sắp diệt vong đã hoàn toàn điên cuồng rồ dại!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:45:21 pm »


11. Chúng đã nổ phát súng đầu tiên

Ngày 1 tháng 10, ngày lễ Quốc khánh. Giang Thanh đến Đại học Thanh Hoa nói chuyện, vu cáo Đặng Tiểu Bình “bức hại Mao Chủ tịch”, hò hét đòi khai trừ đảng tịch của Đặng Tiểu Bình, đồng thời thề “nhất định phải rèn luyện thân thể” để tiếp tục “đấu” với họ, phải đề cao cảnh giác.

Ngày 4 tháng 10, “bọn bốn tên” lấy danh nghĩa “Lương Hiệu” phát biểu bài viết chống đảng trên trang đầu dòng đầu “Quang Minh nhật báo” với tựa đề “Mãi mãi làm theo phương châm đã định của Mao Chủ tịch”, công nhiên đưa ra tín hiệu cướp quyền lãnh đạo cao nhất. Đây là sự kiện phản cách mạng mà họ đã rắp tâm từ lâu. Ngày 16 tháng 9, sau khi tung ra cái gọi là “làm theo phương châm đã định” in bằng chữ đen, ngày hôm sau 17 tháng 9, trong bản tin “Tham khảo nội bộ” của Tân Hoa xã phát đi toàn quốc đã nêu: ““Làm theo phương châm đã định” là lời dặn dò của Mao Chủ tịch lúc lâm chung”.

Bắt đầu từ hôm ấy, hầu như hôm nào Diêu Văn Nguyên cũng gọi điện thoại hoặc chỉ thị miệng cho Tân Hoa xã, nhấn mạnh phải tuyên truyền nhiều lần “không sợ lặp lại”, quy định xử lý các bài viết quan trọng và việc tỏ thái độ trong lễ truy điệu ở các tỉnh thành phố: “phàm có những câu này đều phải trích đưa vào bản tin, nếu bản nào không có thì phải có những lời tương tự”. Thế là các loại báo tạp chí như súng liên thanh công bố các bài viết quảng cáo rùm beng. Tính đến ngày 30 tháng 9, theo thống kê không đầy đủ chỉ trong 6 loại báo và tạp chí đã đăng 236 bài viết các loại tuyên truyền rộng rãi “làm theo phương châm đã định” chiếm 59% toàn bộ bản tin và bài viết về lễ truy điệu Mao Trạch Đông. Rất nhiều báo đã lấy “làm theo phương châm đã định” làm đầu đề suốt các cột báo, có báo coi là “Trích lời Mao Chủ tịch” để đăng lên đầu báo, có báo đăng thành áp phích lớn... làm cho người đọc đọc không xuể, để cho người đọc dễ hiểu, báo chí còn đăng những tiêu đề nổi bật để tuyên truyền, “làm theo phương châm đã định” là “kiên trì đường lối cách mạng vô sản và các chính sách của Mao Chủ tịch” là “phải kiên trì đấu tranh với phái theo con đường tư bản chủ nghĩa”, là “phải kiên trì học tập, đi sâu phê Đặng...”. Nói gọn một câu, “làm theo phương châm đã định” là làm theo phương châm của cách mạng văn hóa, là làm theo “cương lĩnh chung” của “bọn bốn tên”.

Hoa Quốc Phong nhanh chóng nhận ra âm mưu này của “bọn bốn tên”. Vào ngày 2 tháng 10, ông ta đã phê duyệt đặc biệt trên “Bài phát biểu của trưởng đoàn dại biểu Trung Quốc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 31” do Bộ trưởng Ngoại giao Kiều Quán Hoa trình: “Trong bài viết có dẫn lời dặn của Mao Chủ tịch, tôi đã đối chiếu có ba chữ sai so với những chữ viết tay của Mao Chủ tịch. Những chữ mà Mao Chủ tịch viết và những chữ tôi truyền đạt trong Bộ Chính trị đều là “làm theo phương châm trước đây”, để tránh truyền đạt sai sót thêm nữa, tôi đà xóa bỏ đi”. Không ngờ sự “xóa” này đã làm “bọn bốn tên” tức giận. Chúng khẩn cấp bàn mưu để Trương Xuân Kiều ra mặt ngăn cản việc truyền đạt chỉ thị của Hoa Quốc Phong, ông ta công nhiên phê trên văn kiện: “Việc phê chú của đồng chí Hoa Quốc Phong, kiến nghị không truyền đạt xuống cấp dưới để tránh gây nên sự tranh chấp không cần thiết”. Giang Thanh đích thân ra tay, bà ta gặp Trì Quân, Tạ Tĩnh Nghi, trực tiếp truyền đạt biện pháp cần thiết, tìm căn cứ trong sách kinh điển, nói bừa rằng: sau khi Mác qua đời, Ang-ghen trước sau không mệt mỏi kiên trì “phương châm đã định” của Mác. Còn sau khi Ăng-ghen mất, Lê-nin đã kiên trì “phương châm đã định” của Mác - Ăng-ghen, hài hước hơn là bà ta còn bảo người khác viết bài nói rằng sau khi Lưu Bang chết, Lữ Hậu đã kiên trì “phương châm đã định” của Lưu Bang như thế nào. Quả nhiên, ngày 4 tháng 10, bọn bồi bút “Lương Hiệu” theo ý chỉ của Trương Xuân Kiều và Giang Thanh nặn ra bài viết dài “Mãi mãi làm theo phương châm đã định của Mao Chủ tịch” đã nêu ở trên.

Diệp Kiếm Anh nhận ra “động cơ phía sau” của bài xã luận này, lộ liễu, độc ác! Đây không phải là bài “xã luận” bình thường không phải là “bài viết đen” thông thường, mà là một “bài hịch” chiến đấu mà “bọn bốn tên” đưa ra cho bọn lâu la lớn bé, cho bọn lính tráng của “lực lượng vũ trang thứ 2” và các thần dân trung thành với “nữ hoàng” một hiệu lệnh tiến quân khẩn cấp. Chúng đã nổ phát súng đầu tiên! Chúng ta phải làm thế nào?

“Bài hịch” này đã làm cho Hoa Quốc Phong kinh hãi. Ông ta đọc hết lần này đến lần khác, “Tên đầu sỏ xét lại”, mà bài đó nói là ai? Phải chuẩn bị cuộc đấu tranh đường lối hai mươi lần, ba mươi lần là đấu tranh với ai? Ông ta càng phát hiện ra rằng cuộc đấu tranh này đang xảy ra trước mắt và không thể tránh khỏi!

Mấy máy điện thoại ở nơi ở của Diệp Kiếm Anh, đỏ có, đen có, trắng có, reo vang liên tục, thư ký tham mưu, tùy viên tiếp không ngớt. Quá nửa số này là điện thoại của những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và các đồng chí cũ, hầu như chỉ có một câu: “Diệp soái đã xem xã luận hôm nay chưa?”

“Thủ trưởng đã thẩm tra bài xã luận này chưa?”

“Phó Chủ tịch Diệp có ý kiến gì về bài xã luận hôm nay”.



Câu cuối cùng của các cú điện thoại này đều là: “Chúc Diệp soái mạnh khoẻ sống lâu!”

Bài xã luận như một cơn gió lốc u ám trời đất, thổi khắp đất nước Trung Hoa. Những người lương thiện đã phải chịu đủ kiếp nạn trong 10 năm nay lại một lần nữa bị cuộc khủng bố tập kích.

Các nhà cách mạng lão thành và những người gặp nạn đang sốt ruột lo lắng, đang trăn trở suy nghĩ chuẩn bị sách lược ứng biến. Hàng triệu hàng triệu cán bộ và quần chúng vốn có đầu óc chính trị và tu dưỡng văn hóa dự cảm về một trận giông bão lớn hơn đang đến gần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:46:06 pm »


12. Chúng ta chơi trò “Khoa phụ đuổi theo mặt trời”

Hoàng hôn, ráng chiều lay động, Diệp Kiếm Anh ngồi vào chiếc xe Hồng Kỳ, quay lại phía sau nhìn mặt trời đang xuống thấp, nói nhỏ: “Chúng ta phải chơi trò “Khoa phụ đuổi theo mặt trời!”, nhắc lái xe tăng tốc, phải chạy thi với mặt trời đang lặn, đi tắt đến khu dân cư ở ngoại ô phía đông”.

Chiếc xe con nhãn hiệu Hồng Kỳ chạy như bay. Trước khi mặt trời khuất sau núi phải đến gần mục tiêu, cố ý rẽ ngoặt mấy chỗ tiến vào khu nhà số 8.

Đó là chỗ ở mới của Hoa Quốc Phong, đã từng là nơi ở cũ sang trọng của Xi-ha-núc.

Hoa Quốc Phong đi đi lại lại trong phòng khách rộng lớn, đang nhức óc vì chuyện “bọn bốn tên” phát động cuộc truy bức sau Quốc khánh. Diệp Kiếm Anh đột ngột đến đã xua tan bầu không khí bức bối, chủ nhà phút chốc thấy phấn chấn tinh thần.

“Nhìn thấy tín hiệu mà bọn chúng phát ra chưa?”

Sau khi chủ và khách cùng ngồi, hầu như cùng một lúc cả hai đầu nêu ra vấn đề ấy.

Thế là câu chuyện được bắt đầu từ đây. Diệp Kiếm Anh kể lại toàn bộ tin tức đáng tin cậy mà chính ông nhìn thấy và nghe thấy cũng như các tin tức qua các nguồn khác.

Hoa Quốc Phong tập trung toàn bộ tinh thần lắng nghe, thinh thoảng lại gật đầu, nói xen vào và nói lại tình hình mà mình hiểu cho Diệp Kiếm Anh biết, hai bên trao đổi ý kiến.

“Đồng chí Quốc Phong, xem ra sự phát triển của tình thế, không cho phép chúng ta chờ đợi thêm nữa. Cần phải quyết định ngay!”, “Đúng, vốn theo dự định còn mấy ngày nữa, nhưng e rằng không kịp”.

“Điều mà nhà quân sự tối kỵ là lỡ thời cơ. Bây giờ phải dựa vào tình hình thay đổi sự bố trí trước đây chúng ta phải “đánh trước để áp đảo đối phương, lấy nhanh đánh chậm”! Nếu không sẽ để mất cơ hội tốt, rơi vào thế bị động”. Diệp Kiếm Anh sợ đối phương chưa nghe rõ, lại nhắc lại lần nữa: “Phải lấy nhanh đánh chậm, nhanh đánh chậm!”

Rất rõ ràng, đây là sự bố trí chiến lược mới nhằm đập tan “bọn bốn tên”. Diệp Kiếm Anh đang thúc giục người lãnh đạo chủ yếu này thì thời gian cũng trôi đi nhanh chóng.

Trên mặt Hoa Quốc Phong để lộ nét nghiêm túc, trầm ngâm chốc lát rồi nói: “Diệp soái, đồng chí xem ngày nào ra tay tốt? Xin đồng chí quyết định!”.

“Theo tình hình chuẩn bị của chúng ta, tôi nghĩ chậm nhất là vào ngày kia phải ra tay, đồng chí thấy thế nào?”

“Vậy cứ như thế”. Hoa Quốc Phong vẫn không yên tâm lắm, ông nghĩ đến tình hình cuộc nói chuyện với Uông Đông Hưng cách đây không lâu, nói: “Nhưng không biết chỗ Đông Hưng chuẩn bị ra sao, không biết có kịp không?”

Đang nói thì, thư ký vào báo cáo, Tô Chấn Hoa muốn tới gặp. Diệp Kiếm Anh nghe xong đứng dậy: “Bây giờ tôi đến chỗ Đông Hưng”.

Uông Đông Hưng báo cáo với Diệp Kiếm Anh tình hình thực hiện công tác chuẩn bị. Cuối cùng qua trao đổi khẩn cấp, xác định là hành động vào 8 giờ tối ngày 6 tháng 10, trước thời hạn dự định. “Hội nghị” được Văn phòng Trung ương thông báo trước. Chủ yếu có hai vấn đề cần bàn: 1. Nghiên cứu bản in thử “Tuyển tập Mao Trạch Đông” quyển 5; 2. Nghiên cứu phương án nhà kỷ niệm Mao Chủ tịch và việc sắp xếp nơi ở cũ của Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Trung Nam Hải. Theo quy định, các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ tham gia, chỉ có Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh và Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, còn Diêu Văn Nguyên không phải là ủy viên thường vụ thì làm thế nào? Để cho ông ta tham gia với danh nghĩa là sửa chữa văn kiện, thông báo cho ông ta tham gia hội nghị. Diêu Văn Nguyên không ở Điếu Ngư Đài, ông ta ở trong thành thuộc phạm vi quản lý của khu Vệ Thú Bắc Kinh. Để đề phòng bất trắc, chuẩn bị cả hai tay, thông báo trước cho ông ta đến Hoài Nhân Đường họp. Đưa con cá sấu này đến Trung Nam Hải nhỡ không thành thì sẽ tạm thời thông báo cho lãnh đạo khu Vệ Thú phụ trách giải quyết tại chỗ. Đối với nhân vật đặc biệt Giang Thanh, cùng một số phần tử thuộc bè cánh của chúng, cũng đưa ra phương án xử trí đáng tin cậy.

Để chỉ huy “chiến dịch” cuối cùng giải quyết “bọn bốn tên”, để bảo đảm cho “chiến dịch” này toàn thắng, không xảy ra một sai sót nào, Diệp Kiếm Anh lại về Tây Sơn.

Ở đây, Vương Hồng Văn đang bận chụp ảnh chuẩn nên đã đi từ lâu.

Ở đây, thiết bị chuẩn bị chiến tranh ngầm dưới đất rất nghiêm ngặt và bí mật.

Ở đây đồi núi trập trùng, mây mù bao phủ, còn kín đáo hơn Ngọc Tuyền Sơn.

Ở đây Diệp Kiếm Anh đã gặp gỡ với Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lương Tất Nghiệp, báo cho Lương Tất Nghiệp biết là gần đây ông đã bàn với Hoa Quốc Phong và một số người khác về tình thế trong nước có phần căng thẳng, cơ quan Tổng cục Chính trị phải đề cao cảnh giác, giữ vững ổn định, đồng thời phải tăng cường giáo dục quản lý bộ đội.

Lương Tất Nghiệp “thằng nhóc đỏ” từ khi còn ở khu Xô viết Trung ương đã quen với Diệp “tham tọa” trong Quân đoàn 1, nhất là trong thời gian công tác ở Cục Chính trị Dã chiến quân thứ 4, thường xuyên gặp Diệp Kiếm Anh và nghe ông chỉ thị.

Hôm nay trong giờ phút then chốt này, ông lại được nghe sự chỉ báo trực tiếp và nhận nhiệm vụ. Hiện nay trên thực tế ông là người chủ trì công tác của Tổng cục Chính trị chịu đủ những đòn kín và ức hiếp của Chủ nhiệm “danh nghĩa” Trương Xuân Kiều, nóng lòng mong muốn gạt bỏ ngay “bọn bốn tên”. Nghe Diệp Kiếm Anh nói ông đã hiểu ý đồ, cảm thấy trách nhiệm vô cùng nặng nề, ngay lập tức ông bày tỏ là sẽ đem hết sức kiên quyết quán triệt chấp hành.

Ở đây Diệp Kiếm Anh lại một lần nữa mời Dương Thành Vũ đến nói chuyện.

Vừa gặp, ông đã quan tâm hỏi thăm tình hình của Nhiếp Vinh Trăn, sau đó nói: “Đồng chí có thể nói với đồng chí Nhiếp Vinh Trăn là đã bàn bạc xong xuôi, mong đồng chí ấy cứ yên tâm”.

Dương Thành Vũ còn muốn hỏi thêm một số chi tiết nữa, nhưng chưa kịp hỏi thì Diệp Kiếm Anh đã đặt ra một loạt câu hỏi:

“Hiện nay cơ quan Tổng Tham mưu thế nào?”

“Việc chuẩn bị chiến đấu của quân đội ra sao?”

“Không có vấn đề gì”. Dương Thành Vũ trả lời một cách rất chắc chắn.

“Đồng chí nên cùng bàn bạc riêng với một số đồng chí đáng tin cậy, nắm chắc ba Tổng cục, Lục quân, Không quân và Biên phòng, nhất thiết phải thực hiện tốt việc chuẩn bị chiến đấu, dù thế nào cũng phải bảo đảm quân đội không có vấn đề”.

Như tiếp nhận mệnh lệnh chiến đấu, Dương Thành Vũ đứng dậy: “Xin Diệp soái yên tâm, quân đội mãi mãi nghe lời Đảng, nghe chỉ huy của Quân ủy!”.

Ở đây, Diệp Kiếm Anh đã cầm điện thoại đích thân nói chuyện với cấp dưới đáng tin cậy có liên quan đến công việc.

Một người lãnh đạo Không quân, đêm khuya trong phòng ngủ đột ngột nhận được điện thoại của Diệp Kiếm Anh, nghe giọng nói thân thiết của ông, đã bày tỏ một cách kiên quyết: “Đề cao cảnh giác, nghe theo mệnh lệnh, phục tùng chi huy”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:47:30 pm »


13. Ngày 6 tháng 10 ngày tận thế của Vương, Trương, Giang, Diêu

Ngày 6 tháng 10, thứ 4. Trời râm sau chuyển nhiều mây. Sức gió cấp 2 cấp 3. Nhiệt độ cao nhất 180C. Hướng gió bắc chuyển nam. Đây là một ngày bình thường trong cuốn lịch.

Nhưng lịch sử đã chọn cái ngày bình thường này.

Ngày hôm ấy tất cả đều bình thường.

Chủ nhân của ngôi nhà số 9 Ngọc Tuyền Sơn giống như mọi ngày, ngủ dậy ăn sáng, đi dạo, xem báo, đọc sách... tất cả đều tiến hành tuần tự.

10 giờ sáng, các thư ký lên núi lần lượt báo cáo, đưa công văn để phê duyệt. Động thái của Trung ương, của Quân ủy, của các Tổng cục, trong nước và nước ngoài và các bản tin vắn...

Diệp Kiếm Anh rất quan tâm đến động thái quân sự, chăm chú lắng nghe, phê duyệt tỉ mỉ.

Buổi trưa, đến lượt báo cáo về động thái quốc tế của “Teacher” (thầy giáo), Diệp Kiếm Anh vừa ăn cơm vừa nghe. Sau khi ăn, như mọi khi ông lại mời thầy dạy tiếng Anh.

Văn kiện đã xử lý xong, ngoại ngữ cũng đã học, hình như không còn việc gì nữa? Không, Diệp Kiếp Anh còn một việc, một việc kinh thiên động địa! Ông đang đợi điện thoại thông báo. Nhưng chiếc máy điện thoại màu đỏ trên bàn vẫn nằm im phăng phắc. Một tiếng đồng hồ trôi qua, rồi hai tiếng đồng hồ trôi qua...

3 giờ 30 phút, điện thoại đột ngột đổ chuông.

“8 giờ tối, Bộ Chính trị họp Thường vụ, mời Phó Chủ tịch Diệp đến Hoài Nhân Đường trước một tiếng”.

“Mã Đầu” nhận điện thoại, lập tức báo cáo với Diệp Kiếm Anh. “Được, chuẩn bị cho tốt!” Diệp Kiếm Anh hạ lệnh.

Cả buổi chiều, Diệp Kiếm Anh chờ đợi ở nhà số 9, tâm trạng rất không yên, nhưng lại tỏ ra rất bình tĩnh. Đó là sự bình tĩnh trước trận “quyết chiến”! Ông đã sớm nhận được báo cáo của Uông Đông Hưng tất cả đều theo sắp đặt tiến hành bình thường. Kết quả ra sao? Chỉ có thể chờ đợi. Ông nghĩ tới một câu danh ngôn của Na-pô-lê-ông: Sẽ thấy rõ trên chiến trường. Đúng, chỉ vài tiếng đồng hồ nữa sẽ thấy rõ ràng. Đó sẽ là cảnh tượng như thế nào? Kẻ phải đối phó tuy chỉ có mấy người, nhưng nó có liên quan đến hàng trăm triệu nhân dân, quan hệ đến vận mệnh của Đảng và Nhà nước! Mỗi khi nghĩ đến đây, Diệp Kiếm Anh thấy lo lắng, làm sao có thể yên lòng được?

6 giờ 15 phút tối, Diệp Kiếm Anh thay quần áo thường phục màu xám, đem theo cảnh vệ thư ký ung dung xuất phát.

Chiếc xe con nhãn hiệu Hồng Kỳ màu đen, đi ngược với phương mặt trời lặn ở phía Tây Sơn, lao thẳng về phía Trung Nam Hải.

Ráng chiều rọi khắp bầu trời, gió vàng mát rượi. Chiếc xe Hồng Kỳ lao như một mũi tên.

Trên xe, với dáng vẻ nghiêm nghị, Diệp Kiếm Anh nhắc cảnh vệ tham mưu và lái xe Triệu chuẩn bị ứng phó kịp thời. “Mã Đầu” lập tức nắm chặt súng, phát hiện ra rằng tối nay có chút gì đó khác thường, tinh thần có chút căng thẳng, nhưng không biết sẽ xảy ra chuyện gì.

“Trên đường đi, các đồng chí phải lưu tâm để ý, xem có động tĩnh gì không!”

Đôi mắt Diệp Kiếm Anh nhìn thẳng ra ngoài xe nhắc nhở cảnh vệ tham mưu và lái xe Triệu. Xe sắp đến sân bay Tây Giao (sân bay quân sự ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh - N.D.), Diệp Kiếm Anh lại nhắc: “Mã Đầu” xem số máy bay trên sân bay có gì thay đổi không?” Lái xe Triệu cho xe chạy chậm, đến nơi, cảnh vệ và thư ký nhẩm đếm từng chiếc báo cáo: “Có 19 chiếc trên sân bay, trước đây vốn có 20 chiếc, nhưng gần đây bị rơi hỏng một chiếc”.

Xe mở hết tốc lực, đi qua Ngũ Khỏa Tùng, lại thấy Diệp Kiếm Anh hỏi: “Có thay đổi gì không? Trước mặt đến Mộc Tê Địa phải đặc biệt chú ý!”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:48:24 pm »


Vì sao phải chú ý đến Mộc Tê Địa? “Mã Đầu” và lái xe Triệu cảm thấy hơi khó hiểu.

“Không có gì khác thường”.

Diệp Kiếm Anh vươn dài cổ, hai mắt luôn nhìn về phía bắc. Đến đường tiếp giáp với Mộc Tê Địa, lại dặn: “Nhìn kỹ, phía bắc có xe đi tới không?”

“Không thấy”.

Diệp Kiếm Anh thở phào: “Được rồi, chúng ta đi tới phía trước”. Hóa ra “phía bắc” mà ông nói là Điếu Ngư Đài, điều ông quan tâm là xe của Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn có đuổi kịp hoặc vượt qua mình hay không.

Chiếc xe Hồng Kỳ chạy vào đại lộ Tây Trường An, giám tốc độ chạy chầm chậm, tiếp tục quan sát không thấy gì khác thường. Đến Lục Bộ Khẩu thì theo hướng bắc đi thẳng vào cửa tây Trung Nam Hải.

““Mã Đầu” đồng chí am hiểu Hoài Nhân Đường lắm phải không? Gần đây có thay đổi gì không?”

“Mã Đầu” được điều từ Cục Cảnh vệ Trung ương tới, anh rất thuộc Hoài Nhân Đường. Trước đó ít lâu, anh đã đến đây, chẳng thấy gì mới, liền báo cáo vắn tắt cho Diệp Kiếm Anh nghe, nhưng anh vẫn không hiểu vì sao thủ trưởng lại nêu ra vấn đề này.

Đang nói chuyện thì xe đã tới Trung Nam Hải. Trời đêm rất đẹp, trời cũng thuận theo ý người. Đêm thu Trung Nam Hải còn đẹp hơn cả cảnh xuân. Vầng trăng đầu trung tuần tháng 8 xuyên qua đám mây xám soi tỏ cả nhân gian.

Trong giờ phút đẹp đẽ này, ở nơi “đất thánh” trang nghiêm sẽ xảy ra một cuộc chiến đấu đặc biệt ư? Đúng như thế! Trên chiến trường ầm ầm tiếng súng năm ấy. Diệp Kiếm Anh đã từng cùng Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức bày mưu tính kế, quyết thắng ở ngoài ngàn dặm, tối nay lại đích thân ra tiền tuyến. Có điều ông không đem theo thiên binh vạn mã, cũng không chuẩn bị để tiêu diệt đại quân của địch, mà chỉ là để xử trí mấy tên nhãi ranh, trừ hại cho dân, một lần nữa lại đến chiến trường. Đây là một chiến trường rất đặc biệt. Ở đây không có chiến hào, không có tiếng pháo, không có dàn quân của hai bên, nghiêm túc trang trọng, lặng lẽ thanh bình, điện đèn rực rỡ. Dưới ánh trăng mờ ảo chỉ có số ít nhân viên chấp hành nhiệm vụ đặc biệt, đảm nhiệm cảnh vệ. Tất cả đều hài hoà, yên tĩnh, bình thường.

7 giờ tối, chiếc xe Hồng Kỳ mà Diệp Kiếm Anh ngồi dừng trước cửa Hoài Nhân Đường.

Diệp Kiếm Anh xuống xe, nói với các nhân viên tùy tùng: “Các đồng chí không nên đi lại tùy tiện, nghe chỉ huy!”. Ông nhìn tòa Hoài Nhân Đường trang nghiêm lặng lẽ và đi nhanh vào cửa, hai sư tử đá đứng cung kính hai bên cửa vẫn oai phong lẫm liệt, rất sống động.

Nhân viên cảnh vệ đến chào Diệp Kiếm Anh, đồng thời ngăn “Mã Đầu” không cho vào trong. Lúc này các tùy tùng mới cảm thấy tình hình không bình thường. Trên mặt nước hồ lặng lẽ của “Thái Dịch Trì” hơi lăn tăn sóng. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?

Theo lệ thường, tham mưu cảnh vệ cầm cặp tài liệu, phải đưa thủ trưởng vào phòng họp rồi mới ra ngoài. Đây vừa là bảo vệ an toàn cho thủ trưởng cũng là bảo vệ an toàn cho văn kiện. “Mã Đầu” cầm cặp văn kiện màu đen, tiếp tục theo sát thủ trưởng đi vào. Trưởng phòng cảnh vệ đột ngột “ngăn lại”, nói thế nào cũng không cho vào. “Mã Đầu” không biết làm thế nào, đành vội vàng đưa cặp văn kiện cho thủ trưởng. Đang giằng co, Diệp Kiếm Anh sốt ruột, sợ trễ thời gian, buông cặp văn kiện, một mình đi vào. Trưởng phòng cảnh vệ thấy cặp văn kiện rơi xuống đất mới để cho “Mã Đầu” cầm lên, bước nhanh theo Diệp Kiếm Anh, đồng thời nói nhỏ với “Mã Đầu” đưa đến phòng chính thì lập tức ra ngay, đó là kỷ luật.

Diệp Kiếm Anh một mình đến phòng chính Hoài Nhân Đường, Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng đã ở đó. Họ gặp nhau, dùng mắt ra hiệu, không nói năng gì nhiều. Phòng chính Hoài Nhân Đường, đây là bảo điện mà Từ Hy Thái hậu thời Thanh đã dùng rất nhiều bạc trắng xây dựng nên.

Từ khi nước Trung Hoa mới ra đời, đến nay trở thành nơi nghị sự quan trọng của Đảng và Nhà nước, tất cả bàn ghế trong phòng đã được dọn đi hết nên gian phòng trở nên trống trải, chỉ có hai chiếc ghế xa-lông có tựa cao đặt ở giữa gian phòng. Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh đã ngồi ở đó. Giờ phút này Diệp Kiếm Anh nghiễm nhiên là một vị đại tướng quân ngồi chỉ huy, đã có sẵn kế hoạch trong đầu. Uông Đông Hưng và các cảnh vệ nấp phía sau bức bình phong ở giữa phòng theo dõi phía cửa, phụ trách sự an toàn của “Hội nghị”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:48:55 pm »


Trong phòng chính im phăng phắc. Kim đồng hồ chỉ hướng 8 giờ. Coi như đúng giờ, Trương Xuân Kiều cắp cặp nghênh ngang bước vào. Vừa vào cửa, hình như ông ta cảm thấy sự việc không bình thường, miệng không ngớt hỏi: “Có chuyện gì vậy?” Chỉ một mình Hoa Quốc Phong đứng dậy nghiêm nghị thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố với ông ta: “Trương Xuân Kiều, ông đã phạm tội không thể tha thứ”. Tiếp đó đọc quyết định “cách ly để thẩm tra” đã được viết sẵn và lập tức chấp hành ngay, đôi chân Trương Xuân Kiều run rẩy như người sàng gạo, tay sờ lên kính đeo mắt, không có bất cứ một phản ứng gì, nhân viên giám hộ đưa ông ta đến nơi chờ thẩm vấn. Người đến tiếp sau là Vương Hồng Văn. Nhân vật lớn “văn võ toàn tài” này từ trên chiếc xe hơi sang trọng đậu ngoài cửa Hoài Nhân Đường bước xuống, hai tay đút túi áo, vênh váo tự đắc bước vào cửa. Ngoài dự đoán của anh ta, một người phụ trách của tổ hành động dẫn mấy vệ sĩ từ phía bên đi tới. Tên lưu manh chính trị thấy tình hình không bình thường, lập tức lên mặt Phó Chủ tịch Trung ương Đảng, nói với giọng nghiêm khắc: “Tôi đến họp, các anh muốn gì?” Tiếp đó dùng ngay sức lực toàn thân của vị tư lệnh phái tạo phản, tay đấm chân đá, liều chết chống cự, nhưng cuộc đấu võ của anh ta xem ra không phải con nhà nghề, nên nhanh chóng bị khống chế. Lần này “lực lượng vũ trang thứ 2” và bọn đàn em ở Thượng Hải không giúp được một chút gì cho “tư lệnh”, quả là đáng tiếc! Các nhân viên cảnh vệ đưa anh ta vào phòng chính. Từ chỗ cách đó mấy mét, anh ta nhìn thấy Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh đang ngồi ở đó, dự cảm thấy ngày tận số đã đến, hai mắt anh ta bắn ra nhiều tia lửa căm hờn, như một con mãnh thú điên cuồng lao đến. Nhân viên cảnh vệ đẩy anh ta ngã xuống đất. Đợi lúc anh ta bò dậy, đại khái là đã tỉnh lại từ giấc mộng tít trời xanh, mất hết uy thế, đành ngoan ngoãn đứng đó nghe Hoa Quốc Phong tuyên bố tội trạng và quyết định “cách ly để thẩm tra”.

Đối với tên nhãi ranh vô lại, kẻ đầu cơ chính trị, Diệp Kiếm Anh chỉ có thể nhìn với con mắt khinh ghét còn biết nói gì được! Nhưng cho đến lúc này, bọn chống Đảng chống chủ nghĩa xã hội vẫn không chịu thua. Vương Hồng Văn chỉ hối hận một điều đó là đã “ra tay” muộn, nếu sớm một bước thì màn kịch ở Hoài Nhân Đường hôm nay sẽ đảo ngược lại, người đóng vai chính ở đây là chính anh ta mà không phải là người khác. Lúc anh ta bị dẫn đi chờ thẩm vấn rời khỏi phòng chính, nhân viên cảnh vệ nghe thấy anh ta khe khẽ than thở: “Không ngờ lại nhanh đến thế!”. Đáng tiếc, đến bước này thì nhanh cũng thế mà chậm cũng thế, đối với anh ta chẳng ăn thua gì nữa. Điều này chỉ có thể chứng minh ngược lại một chân lý, đó chính là dùng phương châm chiến lược “lấy nhanh đánh chậm” để đối phó với chúng là thích hợp và chính xác biết nhường nào.

Lúc đưa Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn đi, kim đồng hồ đã chỉ 8 giờ 15 phút.

Vẫn chưa thấy Diêu Văn Nguyên đến. “Con cá sấu” vì sao chưa mắc câu? Những người ngồi đợi trong phòng chính thấy sốt ruột. Phải chăng khu Vệ Thú đã giải quyết rồi? Hay là các mặt khác đã xảy ra trở ngại gì? Sự việc không thể chậm trễ, tạm thời quyết định gọi điện thoại lại thông báo cho Diêu Văn Nguyên đến họp. “Mời” ông ta nhanh chóng đến Hoài Nhân Đường dự họp Thường vụ Bộ Chính trị...

Thực ra, Diêu Văn Nguyên đã sớm muốn đến họp, “vị đại bút” này của “bọn bốn tên” đã ngứa tay từ lâu rồi. Từ sau khi tung ra “kiệt tác”: “Mãi mãi làm theo phương châm đã định của Mao Chủ tịch”, ông ta dương dương tự đắc, trong một bài viết khác quan trọng hơn do ông ta sửa chữa ba lần và trên đó có ghi: In trang đầu “Nhân dân nhật báo” số ra ngày 9 tháng 10. Hôm nay là ngày 6, ông ta đương chờ đợi mọi người thưởng thức “kiệt tác” này. Hôm nay đến chậm rốt cuộc là có “trở ngại” ở chỗ nào; cũng chẳng cần truy cứu ông ta nhận được điện thoại, miệng văng tục: “Làm cái chó gì, kéo dài mãi không họp, đáng lẽ phải họp từ lâu rồi!”. Miệng thì nói như vậy nhưng trong lòng lại càng vội. Cái đầu hói của ông ta, thông thường khi ra ngoài, đều phải đội mũ, nhưng hôm nay nghe nói mời ông ta họp, vội quá nên đã quên không đội, cũng quên cả gọi cảnh vệ chỉ cắp chiếc cặp chạy ù lên xe, vội vội vàng vàng đến Trung Nam Hải.

Ơn trời ơn đất! Tự xưng là “vua không vương miện” Văn Nguyên cuối cùng đã xuất hiện ở Hoài Nhân Đường. Không biết có phải vì ông ta đến muộn mà “bị phạt” hay vì nguyên nhân gì, nên đã xử trí hạ một cấp đối với ông ta: Thứ nhất: Không để ông ta vào phòng chính mà chỉ ở phòng đợi lớn tại hành lang phía đông chờ lệnh. Thứ hai, không do Hoa Quốc Phong tuyên bố quyết định “cách ly thẩm tra” mà là qua thỉnh thị, do một Cục phó Cục Cảnh vệ Trung ương tuyên bố. Đến khi Diêu Văn Nguyên nghe “quyết định” vỡ lẽ là chuyện gì thì cái “gậy vàng” lập tức mềm nhũn, gục đổ xuống đất. Không biết làm thế nào, một người phụ trách tổ hành động đành dẫn mấy vệ sĩ vực ông ta dậy rồi đưa đến nơi phải đến.

Tên bồi bút trà trộn vào văn đàn Trung Quốc này thật xứng đáng là đứa con trai của tên phản bội, tên đặc vụ Diêu Liên Tử và là đứa con nuôi của tên đầu sỏ đặc vụ Quốc dân Đảng Từ Ân Tăng đã từng cúc cung tận tuỵ phục vụ cho hai tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu và Giang Thanh bao nhiêu năm nay, là kẻ nổ súng và tổ chức dư luận phản cách mạng.

Trong nhật ký của ông ta đã từng bày tỏ với Giang Thanh: dùng “cái gậy” của ông ta để “tham chiến 10 năm” quét sạch tất cả! Đây là hung thủ luôn “dùng dao mềm” để giết người. Xét cho cùng thì ông ta là một văn nhân, “cái đầu điện tử” của ông ta cũng rất linh nghiệm: đủ 10 năm kết thúc cuộc đời hai tay buông xuôi!

Đúng lúc “hội nghị” ở Hoài Nhân Đường khẩn trương, thì một tổ hành động chấp hành nhiệm vụ như vậy tới phòng 201 Vạn Tư Lang ở Trung Nam Hải. Có một điểm khác là tổ này đặc biệt được sắp xếp có hai nữ cảnh vệ.

“Vị nữ hoàng” sống trong cung điện hào hoa, mấy hôm nay chuẩn bị lễ “lên ngôi”, thực quả là quá bận, quá phấn chấn và cũng quá mệt. Lúc này bà ta mặc bộ đồ ngủ bằng lụa, dựa vào xa-lông dài bọc bằng vải mỏng, vừa xem băng ghi hình nhập ngoại vừa giở một tập “bản in thử” dày về tình hình vừa đưa đến hôm nay, dương dương tự đắc, chìm đắm trong giấc mộng nữ hoàng đẹp đẽ.

Đột nhiên, mấy vị khách không mời mà đến không xin phép, xuất hiện trong gian phòng rộng sang trọng.

“Nữ hoàng” liếc mắt ra phía cửa, dò xét mấy người khách, nói gay gắt: “Các anh làm cái gì?”

Có điều, thần uy của bà ta lúc này không hiệu nghiệm nữa. Một vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương phụ trách tổ hành động và một cán bộ khác dẫn mấy cảnh vệ đã vào trong phòng, đọc quyết định “cách ly để thẩm tra” cho bà ta nghe.

Chẳng đợi đọc hết, “nữ hoàng” phút chốc đã hiểu ra chuyện gì, bỗng đứng bật dậy cao giọng quát: “Các người ra ngay!” Tiếp đó gọi liên tục: “Người đâu! Người đâu! Các người ở đâu?”

Nhưng mụ cô độc cô quả, từng tác oai tác quái đã bị mọi người xa lánh, tất cả những nhân viên công tác ở 201 đã bỏ mặc bà ta. Mặt “nữ hoàng” tái mét, phút chốc nằm lăn ra đất gào khóc: “Xác Chủ tịch còn chưa lạnh”...

Quả thực nhân viên tổ hành động chẳng có lòng dạ nào để thưởng thức cái trò khôi hài: “Giấc mộng kinh hoàng trên long sàng” này nên đã mời bà ta nhanh chóng chấm dứt và thay đổi chỗ ở khác. “Nữ hoàng” không thể không rời khỏi “ngôi báu” đi theo nhân viên cảnh vệ đến nơi bà ta phải đến. Các nhân viên phục vụ hàng ngày phải chịu đựng tính khí xấu xa của “mụ yêu tinh” lúc này trừng mắt thở phào, vỗ tay thích thú, người nhổ nước bọt, người ném giấy tống tiễn ôn thần!

Đến đây, Trung ương Đảng đứng đầu là Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh không mất một viên đạn, không đổ một giọt máu đã đập tan được “bọn bốn tên”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:49:57 pm »


3
Mười cái cũi sắt giam tù bộ mặt xấu xa lộ rõ
Lịch sử phán xét thẳng thừng tội chết vẫn còn dư


1. Trại giam Tần Thành

Ở huyện Xương Bình ngoại ô Bắc Kinh có một kiến trúc kiểu thành cổ nhỏ rất đặc biệt. Hai cánh cửa sắt nặng nề vẫn thường đóng chặt, một hàng gạch xám xây vòm cửa càng làm cho nó thêm uy nghiêm. Bốn chung quanh cảnh vệ gác nghiêm ngặt, thiết bị đề phòng đầy đủ.

Đó là trại giam Tần Thành nổi tiếng ở Trung Quốc, nổi tiếng bởi là nơi giam những phạm nhân đặc biệt nặng. Hiện nay trại giam Tần Thành là nơi giam những thủ phạm chính của hai tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh.

Nhưng từ năm 1967 đến năm 1971, trại giam nổi tiếng được coi là nhà ngục mẫu mực này đã trở thành nơi diễn ra những thảm kịch lịch sử. Ngô Pháp Hiến một trong những thủ phạm chính của tập đoàn Lâm Bưu từng là uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Không quân, là người phụ trách trại giam này. Theo thống kê, trại giam này đã từng giam hơn 500 cán bộ cao cấp, trong đó có 30 người bị đánh đến chết, hơn 30 người bị hành hạ làm cho thần kinh không bình thường, còn hơn 30 người bị đánh thành thương tật.

Lịch sử quả thực có lúc làm cho người ta không thể hiểu. Ngô Pháp Hiến nằm mơ cũng không thể nghĩ là mấy năm sau mình sẽ vào nơi này.

Sau “sự kiện 13 tháng 9” năm 1971, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khâu Hội Tác bị bắt, đầu tiên họ bị giam tại một doanh trại quân đội ở huyện Thuận Nghĩa, Bắc Kinh, tháng 12 năm 1976, bị giải đến giam tại trại giam Tần Thành. Bây giờ Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên cũng bị giải đến giam ở đây. Ít lâu sau, mấy chục phạm nhân của “hai án” cũng lần lượt được đưa vào đây.

Chế độ của trại giam Tần Thành rất nghiêm khắc, mặc dù nhà giam đã được thông báo trước đưa phạm nhân ra thẩm vấn, nhưng vẫn được nghiêm khắc kiểm tra từng ly từng tý. Các sĩ quan tổ dự thẩm hai án khi bước xuống xe phải trình chứng minh thư cho phòng trực ban. Sau khi kiểm tra xác minh, mới thông báo cho cảnh vệ đưa phạm nhân ra. Tổ dự thẩm không được phép vào trong ngục, chỉ có thể đợi tại phòng thẩm vấn được thiết bị riêng. Người được dự thẩm viên đưa ra hỏi đầu tiên là Hoàng Vĩnh Thắng. Hoàng Vĩnh Thắng vẫn tỏ ra ngạo mạn không coi ai ra gì, không thèm để ý đến người sĩ quan thẩm vấn ông ta, tính cách như thầy phù thuỷ, hơn nữa còn quát tháo: “Trại giam của Đảng Cộng sản là để giam phản cách mạng, không phải là nơi giam những cán bộ cao cấp quân đội đã từng đổ máu để chiến đấu. Các anh về đưa cho Trung ương...”

Hoàng Vĩnh Thắng không những có tài năng quyết đoán quân sự nhất định, cũng là tay già đời trong chính trị... Đứng trước tổ dự thẩm hai án, nhiều lần ông ta mưu đồ quy tất cả mọi tội lỗi mà ông ta đã phạm trong cách mạng văn hóa cho vấn đề đường lối. Ông ta hiểu rất rõ, nếu chỉ là sai lầm về vấn đề “đường lối” chưa biết chừng sẽ có ngày có thời cơ trở lại!

Lý Tác Bằng không ngoan cố như Hoàng Vĩnh Thắng nhưng cũng gắng gượng một hồi rồi mới chịu nhận tội.

Ngô Pháp Hiến ở trong trại giam rất khôn khéo, vào cửa là kêu “báo cáo”, gặp ai là gọi “thủ trưởng”, trong tất cả các thành viên của tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, ông ta là một kẻ có thái độ tốt nhất.

Khâu Hội Tác cũng giở trò giống như Hoàng Vĩnh Thắng, cứ nói vòng vo với dự thẩm viên, tìm mọi cách để nói tội ác của mình là phạm sai lầm. Có điều, rất nhanh chóng thực thà bộc lộ hết tội lỗi của mình, đồng thời viết rõ từng ly từng tý những việc xấu xa, kể những tội ác tàn bạo nhất mà ông ta đã làm.

Trong thành viên “Hạm đội liên hợp” của Lâm Lập Quả, Giang Đằng Giao, Lý Vĩ Tín thừa nhận mình có tội, Vương Duy Quốc, Trần Lệ Vân v. v... gồm 12 bị cáo cũng thừa nhận mình có tội, nhưng lại nhấn mạnh bị mắc mưu Lâm Bưu, hơn nữa còn khóc vì hối hận. Vương Phi khi ký vào lệnh bắt thần kinh đã bất thường, ngây ngây ngô ngô không nói được một lời.

Đến đây, toàn bộ tội ác của tập đoàn Lâm Bưu đã điều tra rõ ràng, gồm hơn 630 bản chứng cứ. Tội ác của tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh cũng cơ bản điều tra rõ ràng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:50:44 pm »


2. Bố trí xét xử hai án

Ngày 3 tháng 9 năm 1979, Đặng Tiểu Bình rời phòng làm việc, đi đến phòng họp để họp Thường vụ Trung ương, chuẩn bị cùng các ủy viên thường vụ khác nghe tổ trưởng Tổ “hai án” Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Diệu Bang báo cáo về việc xét xử “hai án”.

“Hai án” tức là án của tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, và án của tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh. Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào tháng 12 năm 1978 rất coi trọng việc xây dựng pháp chế, dân chủ. Tai hại lớn của cách mạng văn hóa trong 10 năm đem lại bài học đau đớn, bất chấp đạo trời phép nước, quá sâu sắc. Nhân dân Trung Quốc đã phải chịu nhiều tai họa đang đòi hỏi dân chủ và pháp chế. Hội nghị Trung ương 3 khóa 11, đã thuận theo yêu cầu của nhân dân. Tuyên bố một cách trang nghiêm: Để bảo đảm dân chủ cho nhân dân, cần phải tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, làm cho dân chủ được chế độ hóa, pháp luật hóa, làm cho uy quyền của chế độ và pháp luật này ổn định, liên tục và lớn nhất. Hội nghị Trung ương đã đề nghị tới Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên đưa công tác lập pháp vào chương trình nghị sự, hoàn thiện các bộ luật, làm cho mọi người có thể dựa vào pháp luật.

Theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 3 khóa 11, Trung ương quyết định nghiêm khắc xét xử theo trình tự pháp luật đối với vụ án tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu và tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh, kiên quyết xóa bỏ phương thức xây dựng bản án của tổ chuyên án tách rời sự giám sát của Đảng và nhân dân, tách rời trình tự pháp luật trong đại cách mạng văn hoá. Do các phạm nhân chủ yếu của “hai án” này đều từng giữ chức vụ cao cấp trong Đảng, cho nên Trung ương đã chỉ định ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương vừa được thành lập tiến hành thanh lý và thẩm tra hai án này trước. Vì thế, Trung ương thành lập riêng hai tổ xét xử hai án, Tổ trưởng do Hồ Diêu Bang, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng đảm nhiệm.

Qua 9 tháng làm việc, Hồ Diệu Bang đã có thể báo cáo tình hình xét xử hai án cho Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Sau khi báo cáo xong, các ủy viên thường vụ đều nhìn về phía Đặng Tiểu Bình mời ông cho ý kiến.

Đặng Tiểu Bình vừa hút thuốc vừa nói ý kiến của mình: “Trong những người phải định hình phạt thì tội ác lớn nhất phải phạt tù chung thân, định hình phạt bao nhiêu, phạt mấy người, phải xem tội lỗi. Hoàng, Ngô, Lý, Khâu, riêng Trần Bá Đạt có thể coi là một án. Vương, Trương, Giang, Diêu làm một án. Coi nó là án của tập đoàn cướp quyền lãnh đạo của Đảng, âm mưu chính biến để xử lý; không định hình phạt cho từng người, mà theo tập đoàn, bản cáo trạng viết những tội lỗi của chúng. Lúc xét xử, tội ác của chúng định là tội ác hại nước hại dân là được, những tội ác nhỏ khác không nhất thiết phải kể chi tiết. Không có tội nhỏ mà là ở tội hại dân hại nước, âm mưu chính biến, cướp quyền của Đảng”.

Chủ tịch Đảng Hoa Quốc Phong chủ trì hội nghị lo lắng nói: “Khi xét xử, những người này có thể quấy rối. Ví dụ Giang Thanh, bà ta nói với anh là Mao Chủ tịch nói hoặc đấy là ai nói. Thậm chí có thể công kích một số đồng chí Trung ương”. Đặng Tiểu Bình nói một cách dứt khoát: “Giang Thanh cãi liều, có thể viết cụ thể là bà ta đã làm tổn hại đến Mao Chủ tịch như thế nào”.

Thường vụ Bộ Chính trị còn nghiên cứu một số vấn đề sẽ gặp phải khi xét xử, sắp xếp việc xét xử đối với hai án.

Sau hội nghị này, việc thanh lý và xét xử đối với hai án được đẩy nhanh rất nhiều. Sau khi điều tra xét hỏi kết thúc, ngày 28 tháng 9 năm 1980, Hội nghị lần thứ 16 của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 5 đã quyết định: xét xử thủ phạm chính là hai tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu và Giang Thanh. Hội nghị dựa vào kiến nghị của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao “Quyết định thành lập Cục Kiểm sát Đặc biệt thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Đặc biệt thuộc Tòa án Nhân dân tối cao xét xử tội phạm chủ yếu của tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh”. Bổ nhiệm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Hoàng Hỏa Thanh kiêm Cục trưởng Cục Kiểm sát đặc biệt; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao kiêm Chánh án Tòa án Đặc biệt. Quyết định Tòa án đặc biệt lập hai tòa xét xử: Bổ nhiệm Tăng Hán Chu làm Thẩm phán trưởng Tòa xét xử thứ nhất, Ngũ Tu Quyền làm Thẩm phán trưởng Tòa xét xử thứ hai. Quyết định phán quyết của Tòa án Đặc biệt là phán quyết chung thẩm.

Cuộc xét xử thủ phạm chính của tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu Giang Thanh bắt đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:51:34 pm »


3. Đội xe áp giải rầm rộ.

Chiều ngày 18 tháng 11 năm 1980, một đoàn xe gồm 16 chiếc rầm rộ chạy về hướng tây bắc thành Bắc Kinh, trên đường đi qua các ngã tư đều là đèn xanh. Cách một đoạn lại thấy cảnh vệ hoặc bộ đội vũ trang đứng bên đường.

8 giờ tối, với sự bảo vệ nghiêm ngặt, đoàn xe chạy tới một kiến trúc kiểu thành cổ nhỏ ở huyện Xương Bình.

Sau khi làm xong thủ tục, đoàn xe đi vào trại giam. Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Khâu Hội Tác, Lý Tác Bằng đã ăn xong cơm tối, nhận được mệnh lệnh ra tòa họ thu dọn một số đồ dùng cá nhân và thay quần áo rồi lên xe.

Đội xe ra khỏi trại giam, chạy về hướng thành phố với tốc độ 50 km/giờ. Xe dẫn đường đi trước, xe chỉ huy ở giữa, đi cuối cùng là hai xe: một xe cơ động và một xe cấp cứu, xe của Hoàng, Ngô, Khâu, Lý ngồi đi phía trước và phía sau xe chỉ huy, mỗi tốp xe trước và sau có một xe cảnh giới.

Đội xe qua Sa Hà, Thanh Hà, Trung Quan Thôn, đi thẳng vào thành, trên đường toàn đèn xanh, dọc đường tiêu binh xếp thành hai hàng cảnh giới. Xe cảnh sát và xe quân dụng chở bộ đội vũ trang đỗ trên những đoạn đường quan trọng, bất kỳ lúc nào cũng có thể hành động. Xe tuần tra bật đèn cảnh báo, kéo còi suốt dọc đường đi. Tướng Đồ Môn chỉ huy áp giải can phạm ngồi trên xe chỉ huy, hết sức chăm chú chỉ huy đội xe hành tiến. 8 giờ 35 phút tối, đội xe đến Học viện Không quân ở Tây Giao an toàn, Tướng Đồ Môn cho điện đài báo tín hiệu “đến mực tiêu an toàn”, việc áp giải đã kết thúc thắng lợi.

Học viện Không quân nằm cách xa trung tâm thành phố, tiện cho việc cảnh giới, vì thế được chọn làm nơi mở phiên tòa xét xử thứ hai của Tòa án Đặc biệt. Tòa được mở trong lễ đường lớn của Học viện. Để bảo đảm an toàn, trước đó ba tòa nhà lễ đường, nơi giam phạm nhân và nhà ở của nhân viên công tác đã được kiểm tra tỉ mỉ nghiêm ngặt, sau đó tiêu binh vũ trang phong tỏa mấy tòa nhà này cùng toàn bộ khu doanh trại. Một đơn vị bộ đội vũ trang tinh nhuệ đi vào, nhiệm vụ của họ là bảo vệ công tác xử án, ngăn chặn việc cướp phạm nhân, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị xử lý các sự biến bất ngờ.

Ngày hôm sau, sau khi ăn cơm chiều, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khâu Hội Tác và sau này thêm Giang Đằng Giao được đưa từ trại giam Tần Thành đến bằng hai chiếc xe con của cảnh vệ vũ trang, họ được đưa đến một ngôi nhà hẻo lánh ở trung tâm thành Bắc Kinh. Một lúc sau đội xe vũ trang cũng đưa Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn, Trần Bá Đạt cùng đến ngôi nhà này.

Sau khi 10 phạm nhân xuống xe, bị cảnh vệ vũ trang dẫn vào ngôi nhà nhỏ. Cửa ngoài của ngôi nhà có gắn số 1A phố Chính Nghĩa là một ngôi nhà của Bộ Công an Trung Quốc. Tòa án đặc biệt xét xử hai án được lập trong Hội trường của khu nhà này.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM