Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:00:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cách mạng Văn hoá liệt truyện - Tập 3  (Đọc 60763 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:33:26 pm »


5. Bước một nắm chắc quân đội

Hội nghị kết thúc, các ủy viên Bộ Chính trị phân công thực hiện như đã bàn. Sau sự kiện quảng trường Thiên An Môn, Mao Trạch Đông tuyên bố Diệp Kiếm Anh “Bị ốm” Trần Tích Liên chủ trì công tác hằng ngày của Quân ủy. Lúc này Trần Tích Liên cảm thấy cần phải mời Diệp Kiếm Anh đứng ra chủ trì công tác của Quân ủy, ông ta cũng không hỏi Hoa Quốc Phong, cũng không thỉnh thị Bộ Chính trị, mà chủ động đến nói với Diệp Kiếm Anh: “Thưa đồng chí Nguyên soái, quân đội vẫn phải do đồng chí chỉ huy mới được”. Diệp Kiếm Anh tủm tỉm cười, vui vẻ lên xe, đến khách sạn Kinh Tây. Các vị tướng soái tham dự Hội nghị Quân ủy thấy Diệp Kiếm Anh được phục hồi trông nom công việc, không ai không vui vẻ hân hoan.

Tại Hội trường khách sạn Kinh Tây những cán bộ lãnh đạo các Tổng cục của Quân ủy, các quân binh chủng, các đại quân khu đều ngồi kín, Diệp Kiếm Anh ngồi giữa bàn chủ tọa, uy nghiêm chắc chắn. Trần Tích Liên đứng dậy tuyên bố: “Thưa các đồng chí, đầu tiên xin tuyên bố với các đồng chí một tin vui, sức khỏe của Nguyên soái Diệp rất tốt. Bắt đầu từ ngày hôm nay, Nguyên soái Diệp sẽ lãnh đạo công tác quân đội của chúng ta. Bây giờ xin mời Nguyên soái Diệp nói chuyện!” Diệp Kiếm Anh đưa ánh mắt nghiêm trang nhìn khắp lượt các vị tướng soái ngồi bên dưới hội trường, chậm rãi mà nghiêm trang ra lệnh: “Các đồng chí bắt đầu từ hôm nay, công tác của Quân ủy vẫn do tôi chủ trì. Tôi ra lệnh, toàn quân lập tức bước vào tình trạng chuẩn bị chiến đấu cấp 1. Tôi ra lệnh Dương Thành Vũ giữ chức Quyền Tổng Tham mưu trưởng. Toàn quân phải đề cao cảnh giác hơn nữa, kiên quyết phục tùng sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương, phải giữ kỷ luật nghiêm minh...” Cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt tỏ rõ sự nhất trí với mệnh lệnh của Nguyên soái.

Tiếp đó, Trần Tích Liên truyền đạt tin Mao Trạch Đông tạ thế và quyết định của Trung ương, các vị tướng đều là những cán bộ cao cấp trong Đảng từ lâu đã biết việc Mao Trạch Đông không thể qua khỏi. Mặc dù vậy, khi họ nghe tin Mao Trạch Đông tạ thế vẫn không cầm được nước mắt. Nhưng quân nhân cuối cùng vẫn là quân nhân, họ hiểu gánh nặng mà họ đang phải gánh trên vai, biết bây giờ không phải là lúc khóc, sau khi tan họp, lần lượt từng người đến gặp Diệp Kiếm Anh để xin ý kiến về kế hoạch và sách lược toàn cục, Diệp Kiếm Anh cũng liên tục triệu tập các cuộc họp lớn nhỏ, điều chỉnh cán bộ, cải tổ cơ cấu. Nguyên soái Từ Hướng Tiền, Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn, cũng giúp Diệp Kiếm Anh gặp mọi người nói chuyện. Qua cuộc sắp xếp bố trí khẩn trương, được sự giúp đỡ của Từ Hướng Tiền và Nhiếp Vinh Trăn, Diệp Kiếm Anh đã nắm chắc được quyền lãnh đạo quân đội.

Thực ra Diệp Kiếm Anh vẫn nắm được quyền lãnh đạo quân đội, từ sau khi đứng ngoài rìa do “bị bệnh”, khi gặp việc gì Trần Tích Liên đều đến xin ý kiến ông, Dương Thành Vũ Quyền Tổng Tham mưu, liên tục đến Tây Sơn xin ý kiến báo cáo công việc. Các tư lệnh khu như Hứa Thế Hữu, Dương Đắc Chí, Lý Đức Sinh, Hàn Tiên Sở, cũng liên tục cử người đến Tây Sơn báo cáo tình hình công tác. Trước đó không lâu, mấy người này đã đến Bắc Kinh, Diệp Kiếm Anh đã gặp và nói chuyện với từng người. Trần Tích Liên biết các vị tướng ở các địa phương đều không phục ông ta, chi bằng chủ động mời Diệp Kiếm Anh trở lại làm việc, dù thế nào thì Mao Trạch Đông cũng đã qua đời, nên “bệnh” của Diệp Kiếm Anh đã đến lúc khỏi.

Sau khi họp, các tướng lĩnh đáp máy bay, tàu hỏa trở lại cương vị công tác của mình. Diệp Kiếm Anh mời Tư lệnh Quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu lưu lại cùng nói chuyện với Nhiếp Vinh Trăn và Từ Hướng Tiền một lần nữa.

“Tiểu Hứa”, Diệp Kiếm Anh hỏi Hứa Thế Hữu, “việc điều chỉnh sắp xếp ở Quân khu Quảng Châu ra sao rồi?” Hứa Thế Hữu, gật mạnh đầu, nói như đinh đóng cột: “Không có vấn đề gì, tôi đã nắm chắc bộ đội Đinh Thịnh vốn ở đó cũng chẳng có bao nhiêu thế lực”. Diệp Kiếm Anh nhìn Nhiếp Vinh Trăn và Từ Hướng Tiền, thấy cả hai đều gật đầu. Diệp Kiếm Anh vỗ vào đầu gối: “Được rồi, tôi hỏi thêm, bộ đội ở Quân khu Nam Kinh anh có còn chỉ huy được không?”

Hứa Thế Hữu ngần ngừ một chút, vấn đề này không dễ trả lời. Nói rằng bộ đội Quân khu Nam Kinh không nghe sự chỉ huy của mình là không nói thực, nói rằng họ không nghe sự chỉ huy cửa mình, chẳng phải là có chút nghi ngờ vượt quyền ư? Ngẫm nghĩ một lúc, Hứa Thế Hữu trả lời đúng sự thực: “Quân đoàn 60, là bộ đội cơ bản của Quân khu Nam Kinh, tất nhiên là tôi có quan hệ với họ khá sâu sắc”. Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn cùng cười hiểu ý. Từ Hướng Tiền cười nói: “Quân đoàn trưởng Quân đoàn 60 là Nhiếp Phượng Chí, Chính ủy là Ngụy Kim Sơn, một người là cảnh vệ, một người là thư ký của Tiểu Hứa, tất nhiên là họ nghe theo sự chỉ huy của Tiểu Hứa”.

Diệp Kiếm Anh lại vỗ đầu gối nói: “Được, bây giờ chúng ta xem tình hình bố phòng của quân đoàn này”. Tham mưu vào, trải tấm bản đồ lên bàn, Hứa Thế Hữu chỉ vào bản đồ mới: “Quân đoàn 60 hiện nay bố phòng trên tuyến Tô Châu, Vô Tích, Nam Kinh, toàn bộ có 10 vạn người”. Nói xong chỉ vào bản đồ giới thiệu số người, trang bị và tình hình bố phòng của các sư đoàn và bộ đội trực thuộc của Quân đoàn 60.

Nghe Hứa Thế Hữu giới thiệu xong, Diệp Kiếm Anh thở phào, ngồi xuống xa-lông nghỉ một lát, đột nhiên ông ngồi nhỏm dậy nói với Hứa Thế Hữu: “Tiểu Hứa, tôi giao cho đồng chí một nhiệm vụ”. Diệp Kiếm Anh ra lệnh. “Từ hôm nay, quân đoàn 60 do đồng chí chỉ huy, lập tức ra lệnh cho Nhiếp Phượng Chí cắt đứt mọi liên hệ chỉ huy với Quân khu Nam Kinh. Nhiệm vụ của quân đoàn 60 là giám sát Thượng Hải, ngăn chặn Thượng Hải xảy ra bạo loạn, nếu Thượng Hải có bạo loạn thì lập tức dùng biện pháp cương quyết và cần thiết trấn áp nó!” Hứa Thế Hữu hiểu tầm quan trọng của nhiệm vụ này, đứng dậy đáp lễ, nói to: “Xin các vị nguyên soái yên tâm, có Hứa Thế Hữu tôi, thì mấy đứa khốn kiếp ấy đừng hòng gây sóng gió”.

Đúng lúc này, Quyền Tổng Tham mưu trưởng Dương Thành Vũ đi vào, ông đến tìm Diệp Kiếm Anh ký vào mệnh lệnh toàn quân lập tức bước vào tình trạng chuẩn bị chiến đấu cấp 1. Diệp Kiếm Anh cầm mệnh lệnh xem một lượt, ký ba chữ “Diệp Kiếm Anh” vào tờ mệnh lệnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:34:15 pm »


6. Bước vào tình trạng chuẩn bị chiến đấu cấp 1

Trong phòng tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, lập tức sáng lên đèn cảnh báo, chuông điện reo vang, mệnh lệnh của Diệp Kiếm Anh được điện thoại vô tuyến, điện báo truyền đạt đến toàn quân. Việc liên lạc trong doanh trại quân đội, trên đường bộ, xe gíp, xe mô-tô đưa văn kiện mệnh lệnh không ngớt.

Lại một giờ phút then chốt của sự phát triển trong lịch sử Trung Quốc. Diệp Kiếm Anh đã quyết đoán trở lại cương vị thống soái toàn quân.

Sau khi Hội nghị Quân ủy kết thúc, Diệp Kiếm Anh nói với Từ Hướng Tiền và Nhiếp Vinh Trăn: “Tôi đến Tây Sơn, các đồng chí cũng thải cẩn thận một chút, không ngừng thay đổi chỗ ở, đừng để chúng bắt gọn cả bọn”.

Theo quyết định của Trung ương Đảng, ngày 11 tháng 9, bắt đầu cử hành lễ truy điệu. Thi hài của Mao Trạch Đông được quàn tại Đại lễ đường Nhân dân, nằm trong các vòng hoa, trên người phủ một lá cờ Đảng cỡ lớn, 8 chiến sĩ mặc lễ phục bảo vệ chung quanh thi hài. Ủy viên Bộ Chính trị chia thành các nhóm, mỗi nhóm 4 người, đứng túc trực bên linh cữu Mao Trạch Đông, số còn lại họp trong phòng họp ở gần đó.

Bây giờ phải thảo luận ai sẽ chủ trì lễ truy điệu Mao Trạch Đông, ai sẽ đọc điếu văn. Việc này có vẻ giản đơn, nhưng thực ra rất phức tạp, người đọc điếu văn phải là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ai đọc điếu văn thì địa vị cao nhất trong Đảng của người ấy được xác định.

Ai sẽ đọc điếu văn? Đúng ra phải là Hoa Quốc Phong, nhưng Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn đều muốn đọc. Vậy nhưng một số người không dám nói, anh nhìn tôi, tôi nhìn anh, lặng im. Diệp Kiếm Anh lại có sẵn ý định, tuyệt đối không thể cho bọn Thượng Hải đọc lời điếu, đây là việc lớn có liên quan đến Đảng, Nhà nước và dân tộc. Ông đã không do dự đề nghị: “Đồng chí Quốc Phong là phó Chủ tịch thứ nhất, tất nhiên đồng chí Quốc Phong phải đọc điếu văn, đồng chí Hồng Văn sẽ chủ trì buổi lễ truy điệu”.

Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều không bằng lòng, nhưng các Ủy viên Bộ Chính trị khác đã đồng thanh tán thành. Trương Xuân Kiều cười khẩy hai tiếng nhìn Hoa Quốc Phong nghĩ bụng, đừng có mừng quá sớm. Ông ta đẩy đẩy kính đeo mắt, chậm rãi hỏi: “Đồng chí Quốc Phong, đồng chí là Phó Chủ tịch thứ nhất, tôi xin hỏi đồng chí, thi hài của Chủ tịch đồng chí định như thế nào?” Hoa Quốc Phong đáp: “Chẳng phải là Trung ương đã quyết định rồi sao? Thi hài của Chủ tịch sẽ được bảo tồn vĩnh viễn, để sau này mọi người chiêm ngưỡng”.

Đôi mắt của Trương Xuân Kiều loé sáng một cách nham hiểm, hỏi vặn: “Nhưng tôi nghe chuyên gia nói, tất cả những thi thể không được xử lý chống thối rữa quá ba ngày thì không thể bảo tồn vĩnh viễn được. Đồng chí Quốc Phong chủ trì công việc, vì sao không dùng biện pháp xử lý chống thối rữa? Bác sĩ nói là thi thể của Chủ tịch đã biến chất, không có cách gì giữ được”.

Không bảo tồn được, tức là phải thiêu, Mao Chủ tịch lãnh tụ vĩ đại, sẽ mãi mãi không còn tồn tại nữa, thì hỏng to, Trần Vĩnh Quý, Ngô Quế Hiền bỗng khóc hu hu. Giang Thanh hiểu ngay ý của Trương Xuân Kiều, đứng phắt dậy chỉ vào mặt Hoa Quốc Phong mắng: “Hoa Quốc Phong, vì sao đồng chí muốn hủy thi hài của Chủ tịch, đồng chí có mưu tính gì? Việc này đồng chí phải nói rõ”. Trương Xuân Kiều căm giận đến cực điểm: “Đồng chí Quốc Phong, Chủ tịch tín nhiệm đồng chí như vậy, mà tình cảm của đồng chí đối với Chủ tịch lại nhạt nhẽo như thế. Thi hài của Chủ tịch vì đồng chí mà bị hủy hoại, Bộ Chính trị chúng ta biết giải thích thế nào với toàn Đảng và nhân dân cả nước, một sai lầm không thể tha thứ! Ngô Đức, Trần Tích Liên, Vương Hồng Văn, cũng theo nhau trách hỏi Hoa Quốc Phong, yêu cầu ông ta phải nói rõ rốt cuộc là chuyện gì.

Hoa Quốc Phong biết Trương Xuân Kiều là có ý của lão say không vì rượu, nhưng nói ra không phải dễ mà chỉ thành khẩn giải thích rằng vì bận quá mà nhất thời không nghĩ được chu đáo v.v… Vương Hồng Văn lại hỏi vặn: “Đồng chí đừng nói với chúng tôi những điều ấy, mời đồng chí hãy lên ti vi giải thích cho nhân dân cả nước”. Hoa Quốc Phong bỗng nổi giận, phút chốc bỗng nảy ra một kế, chi bằng lấy lùi để tiến. Ông ta đập bàn quát: “Trách nhiệm này tôi không đảm đương được, các đồng chí có ý kiến thì tôi sẽ từ chức”. Nói xong, ông ta đứng dậy xô ghế định bỏ đi. Diệp Kiếm Anh giơ tay ngăn ông ta lại: “Đồng chí không thể từ chức, đồng chí phải chủ trì công tác của Trung ương, đây là quyết định của Mao Chủ tịch, để tôi xem ai dám vứt bỏ quyết định của Chủ tịch?” Ông nhìn khắp lượt cử toạ, lập tức đè được Trương Xuân Kiều và đồng bọn.

Diệp Kiếm Anh nhìn Hoa Quốc Phong đang mồ hôi nhễ nhại: “Đồng chí cũng không nên căng thẳng, thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam, đã qua ba ngày sau, Bộ Chính trị của Đảng Việt Nam, mới quyết định bảo tồn, bây giờ chẳng phải là rất tốt hay sao? Huống hồ thi hài của Chủ tịch còn chưa đến ba ngày”.

Trương Xuân Kiều, Giang Thanh phút chốc há mồm cứng lưỡi không nói gì được.

Diệp Kiếm Anh phải đi túc trực bên linh cữu, Hoa Quốc Phong đưa ông ra. Diệp Kiếm Anh thấy bên ngoài không có người, liền nhắc Hoa Quốc Phong: “Phải lập tức thực hiện mọi biện pháp bảo vệ thi hài Chủ tịch, bây giờ có người muốn mượn vấn đề này để gây sự”. Hoa Quốc Phong cảm động nói: “Tôi sẽ hộ tống thi hài Chủ tịch đến bệnh viện, sau này mong được đồng chí giúp đỡ nhiều”. Diệp Kiếm Anh gật gật đầu: “Đồng chí yên tâm, ngoài mấy người ấy ra, chúng tôi đều ủng hộ đồng.chí. Sau này đồng chí phải cẩn thận hơn, chú ý an toàn”.

Uông Đông Hưng đã đến, ông hộ tống Diệp Kiếm Anh đi túc trực linh cữu. Diệp Kiếm Anh dặn Uông Đông Hưng: “Đông Hưng, đồng chí chú ý bảo vệ sự an toàn cho đồng chí Quốc Phong”. Uông Đông Hưng gật đầu: “Đồng chí yên tâm, tôi bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ”. Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Uông Đông Hưng bắt tay từ biệt. Trong khoảnh khắc bắt tay làm cho họ cảm thấy trách nhiệm của mình và cũng trong phút giây ấy giữa họ đã gây dựng được sự tín nhiệm bước đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:35:28 pm »


2
Tranh giành “di sản” Giang Thanh quả là đáo để
Quốc Phong, Diệp soái cùng hợp mưu bắt “bọn bốn tên”


1. Cuộc sống “bình tĩnh” của Đặng Tiểu Bình

Đặng Tiểu Bình sau lần cuối cùng bị đánh đổ cho đến khi trở lại nắm quyền, ông vẫn ở tại Bắc Kinh.

Nhà cách mạng lão thành này từ tháng 4 sau khi được “vinh thăng” làm “Tổng chỉ huy hậu trường của sự kiện Thiên An Môn”, trên cơ bản bị “giam lỏng” ở trong một khu nhà cũ tại một phố rộng thuộc Bắc Kinh. Mặc dù thói quen bơi lội đã có từ lâu phải ngừng lại, nhưng ông vẫn kiên cường khỏe mạnh, hằng ngày vẫn kiên trì đi bộ, tập bài thể dục do ông tự sáng tác. Mùa hè đã đến, cây cối trong vườn mọc um tùm cao hàng thước. Ông thấy hay hay bèn bảo con gái đi mua một chiếc liềm, ngày nào cũng cắt cỏ. Cuộc sống hằng ngày của ông vẫn đầy ắp sự hứng thú, ông vẫn xem sách trước khi đi ngủ, ăn cơm xong nghe con cái nói cười, ông lạnh lùng bình tĩnh, chí khí dồi dào đã xua đi những bóng đen trong cuộc sống của cả gia đình.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Trung Quốc trải qua một cuộc chấn động về chính trị “bọn bốn tên” có lẽ vì bận với việc tranh cướp quyền lãnh đạo nên đã chĩa mũi dùi chủ yếu vào Hoa Quốc Phong; có lẽ vì cho rằng Đặng Tiểu Bình đã bị “sụp đổ, tan nát” trở thành “con hổ chết” rồi nên có phần nới lỏng đối với một người mà bọn họ vẫn sợ hãi nhất.

Hôm ấy, sau khi ăn sáng xong, Đặng Tiểu Bình vẫn đi dạo quanh sân như cũ. Đột nhiên có mấy con chim khách bay đến đậu trên cành cây hót ríu rít.

Lúc này còn hót cái gì, chắc có người đến báo tin vui?

Quả nhiên ông trời đã cho toại nguyện, nhân viên công tác thông báo, có tướng Vương Chấn đến.

Vương Chấn là bạn chiến đấu cũ của Đặng Tiểu Bình, hồi mới thành lập nước, Đặng Tiểu Bình giữ chức Bí thư Cục Tây Nam, Vương Chấn giữ chức Bí thư Cục Tân Cương, họ đã có tình bạn sâu đậm trong công tác. Vương Chấn rất khâm phục tài năng làm việc của Đặng Tiểu Bình. Năm 1969, Vương Chấn lại cùng Đặng Tiểu Bình và Trần Vân bị đưa xuống nông thôn lao động ở Giang Tây. Vương Chấn sau khi được khôi phục công tác, đã từng lợi dụng lúc báo cáo công tác, ra sức giới thiệu Đặng Tiểu Bình trước mặt Mao Trạch Đông đã góp công lao to lớn vào việc đưa Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền.

Người chủ ngôi nhà lúc này đang sống cuộc sống “giam lỏng”, tin tức bị bưng bít, rất mong có một người quen đến trò chuyện, huống hồ đấy lại là người bạn cũ? Ông vui mừng ra mặt, đích thân ra tận cửa đón khách.

Theo lệ Vương Chấn cung kính cúi chào, thăm hỏi tình hình sức khỏe và đời sống của Đặng Tiểu Bình. Sau khi hàn huyên, chủ nhân lo lắng hỏi thăm tình hình “bên ngoài”, câu chuyện thay đổi, ông đột ngột hỏi thăm Diệp Kiếm Anh.

“Chỗ Diệp soái, gần đây đồng chí có đến không?”

“Thường xuyên đến”.

Đặng Tiểu Bình ngẫm nghĩ một chút rồi đưa ra một loạt câu hỏi: “Diệp soái hiện nay thường ở chỗ nào?”

“Sinh hoạt hằng ngày và hoạt động của đồng chí ấy được sắp xếp ra sao?”

“Sức khỏe thế nào?”



Vương Chấn cố gắng báo cáo chi tiết từng sự việc theo sự hiểu biết của mình. Ông kể lại tình hình trước và sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Diệp Kiếm Anh đã từ Tây Sơn xuống, thường xuyên ở Tiểu Tường Phượng.

Đặng Tiểu Bình gật gật đầu, không nói gì nữa.

Còn việc vì sao Đặng Tiểu Bình lại quan tâm đến Diệp Kiếm Anh như vậy, hỏi cặn kẽ như vậy, Vương Chấn không thăm dò, nên không biết dụng ý. Nhưng sau sự việc ông được biết, ngày hôm sau Đặng Tiểu Bình không gọi điện thoại mà một mình đến thăm Diệp Kiếm Anh.

Hôm ấy, Đặng Tiểu Bình chọn thời gian tốt nhất rồi đánh tiếng là “ra thăm phố” rất mạo hiểm lặng lẽ tới Tiểu Tường Phượng nơi ở của Diệp Kiếm Anh.

Hai nhà cách mạng lão thành gặp gỡ trong tình hình nghiêm trọng như vậy quả là không dễ dàng!

Sau khi Đặng Tiểu Bình bị cách toàn bộ chức vụ trong và ngoài Đảng và bị đánh đổ một lần nữa, Diệp Kiếm Anh tuy bị tuyên bố “bị bệnh” để đình chỉ công tác, nhưng ông đã lợi dụng quyền lực và ảnh hưởng do chưa chính thức “bãi quan”, tìm hết cách bao gồm cả sự giao thiệp qua lại của con cái cùng Đặng Tiểu Bình thông tin bí mật cho nhau biết, cố gắng hết sức bảo vệ Đặng Tiểu Bình. Kiên trì phản đối và ngăn chặn âm mưu của Giang Thanh và đồng bọn định khai trừ đảng tịch để bức hại hơn nữa đối với Đặng Tiểu Bình. Chính vì vậy hôm nay Đặng Tiểu Bình mới có thể “lủi” ra ngoài để gặp mặt Diệp Kiếm Anh. Hai nhà cách mạng lão thành ngồi trong thư phòng của Diệp Kiếm Anh ở Tiểu Tường Phượng bàn bạc.

Hai ông trao đổi về sự phát triển của tình hình đấu tranh và việc giải quyết vấn đề “bọn bốn tên” như thế nào, Đặng Tiểu Bình bị Mao Trạch Đông gọi là mở “công ty gang thép” trải qua trận cuồng phong chính trị, tuy trở nên thận trọng hơn, nhưng đối với việc Diệp Kiếm Anh người có thể “giải quyết tàn cục”, ông có một kỳ vọng rất lớn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:36:09 pm »


2. “Việc đến thăm” của tam lão tứ soái

Vào một hôm sau đó ít lâu, một vị lão thành cách mạng khác là Trần Vân cũng đến Tiểu Tường Phượng, ông cũng do Vương Chấn đến “xâu chuỗi”, Diệp Kiếm Anh đã cho xe đến đón ông đến. Người có công dựng nước này cũng mấy lần lên xuống, bị Mao Trạch Đông gọi là “lão cơ” (lão già cơ hội), “lão hữu” (lão già hữu khuynh), bị xếp vào một chỗ, bỏ rất lâu không dùng. Tuy ông mang cái hàm hàng đầu trong các vị Phó ủy viên trưởng ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, dưới con mắt của những kẻ bợ đỡ nịnh hót thì đã là không chức không quyền, không ai để ý. Nhưng trong lòng những người đảng viên cộng sản chân chính và nhân dân cả nước thì ông không hề bị lãng quên. Trái lại, ông càng bị đối xử lạnh nhạt, càng bị bọn Lâm Bưu và “bọn bốn tên” bức hại, mọi người càng quan tâm đến ông nhiều hơn, uy tín của ông trái lại càng cao hơn. Đây cũng là phép biện chứng của lịch sử.

Khi gặp mặt câu đầu tiên mà Trần Vân hỏi là “Tình hình này phải làm thế nào?”

Diệp Kiếm Anh luôn rất kính trọng nhà cách mạng lão thành này, coi ông là người lãnh đạo cũ. Diệp Kiếm Anh nhớ lại, trong thời gian Mao Trạch Đông bị bệnh nặng, Trần Vân đã cất công đến nhà mình trao đổi ý kiến về thời cuộc, ông cảm thấy rất bổ ích. Trước mắt, ông rất muốn nghe lại ý kiến của Trần Vân. Thế là ông trình bày tình hình đấu tranh hiện nay và những vấn đề hóc búa đang gặp phải: “Hiện nay tình hình các mặt rất phức tạp, có rất nhiều công tác phải làm, thời gian lại rất gấp, không cho phép kéo dài nữa”.

Trần Vân cũng có sự đồng cảm: “Đúng vậy! Thực sự là cuộc đấu tranh rất phức tạp, Chủ tịch vừa qua đời, bước ngoặt rất khó chuyển? Phải cố gắng tranh thủ giải quyết hợp pháp mới được. Chấn động phải nhỏ một chút”.

Làm thế nào chú ý đến tính hợp pháp của cuộc đấu tranh. Đây là vấn đề vô cùng khó khăn. Hai nhà cách mạng lão thành trao đổi ý kiến, nêu ra một số suy nghĩ. Trong tình hình các điều kiện còn chưa đầy đủ và thời cơ còn chưa chín muồi lúc ấy, thì đây cũng chỉ là những “suy nghĩ” mà thôi.

“Kiếm Anh, bây giờ chỉ có địa vị của đồng chí là “nửa hợp pháp”, rốt cuộc làm thế nào, chủ kiến lớn đều do đồng chí định đoạt, tôi tin tưởng là đóng chí sẽ giải quyết tốt”. Khi từ biệt, Trần Vân đã nói như vậy, làm cho Diệp Kiếm Anh cảm thấy gánh này càng nặng thêm...

Đặng Dĩnh Siêu cũng đến nhà Diệp Kiếm Anh.

Hôm đầu tiên, Diệp Kiếm Anh nhận được điện thoại nghe nói Đặng Dĩnh Siêu sẽ đến, lập tức ông bảo thư ký nói với Đặng Dĩnh Siêu là cứ ở nhà đợi, ông sẽ đích thân đến thăm bà. Đặng Dĩnh Siêu biết công việc của Diệp Kiếm Anh nhiều nên vẫn rời Trung Nam Hải đến Tây Sơn thăm Diệp Kiếm Anh.

Trong thời gian từ khi Chu Ân Lai mất, Đặng Dĩnh Siêu rất ít đi thăm thú, bà ở nhà một mình trong Tây Hoa Sảnh, Trung Nam Hải, đắm chìm trong nỗi đau thương to lớn kéo dài.

Diệp Kiếm Anh biết ý định đến nhà của Đặng Dĩnh Siêu, không đợi bà nói, ông đã nói tất cả ý kiến của mình về tình hình trong thời gian gần đây.

“Tương đối khó khăn là “diễn viên” ấy. Con người này rất biết diễn kịch, bà ta sẽ lợi dụng quan hệ với Chủ tịch để sắm vai. Bà ta còn biết lợi dụng tình cảm của quần chúng đối với Chủ tịch để đổ vấy, vu oan giá họa cho người khác!”, Đặng Dĩnh Siêu đã quá quen với trò diễn và kỹ thuật diễn của “diễn viên” này.

“Đúng, có điều đối phó với “ba giọt nước” này cũng không khó, muốn tháo chuông phải tìm người buộc chuông, chẳng phải là Chủ tịch đã từng nhiều lần phê bình nghiêm khắc bà ta ư? Chỉ cần công bố sự thực trước quần chúng thì màn kịch của bà ta sẽ không thể tiếp tục được nữa”. Diệp Kiếm Anh đã sẵn có mưu kế.

“Còn cái “kính” ấy, hắn lắm mưu nhiều kế, cũng rất khó đối phó”. Đặng Dĩnh Siêu lại nêu ra một thằng hề.

“Tú tài làm phản, ba năm chẳng thành”. Câu ngạn ngữ ấy phải giải thích lại. Diệp Kiếm Anh đáp: “Điều tôi lo là lực lượng vũ trang thứ 2” ở Thượng Hải, còn có Bộ chỉ huy dân binh ở Bắc Kinh. Đã biểu diễn một lần ở sự kiện Thiên An Môn. Có điều chỉ cần ba quân đứng yên không động đậy thì một chút “ngự lâm quân” sẽ chẳng làm nên trò trống gì”.

Đặng Dĩnh Siêu vô cùng khâm phục thao lược của Diệp Kiếm Anh. Có điều, bà vẫn chưa yên tâm về một việc, nên nhắc: “Diệp soái, đồng chí nói là cố tranh thủ hợp pháp, đó là thượng sách. Muốn hợp pháp thì trước tiên phải có một người đứng ra”.

Diệp Kiếm Anh biết “người” mà Đặng Dĩnh Siêu nói là ai, nên khẽ nói với bà: “Xin đồng chí cứ yên tâm, tôi đang tiến hành làm công tác với người này. Dự đoán khi tới lúc, sẽ đứng ra”.

Đặng Dĩnh Siêu cũng nói nhỏ với Diệp Kiếm Anh: “Từ hồi xảy ra động đất, lều chống động đất cùng ở trong một sân, nên tôi đã nói chuyện với ông ta rằng người ta đang quấy phá nên phải đề cao cảnh giác”.

Nói đến đây hai người bạn chiến đấu cũ nhìn nhau mỉm cười hiểu ý.

Ánh mắt của họ tập trung vào một nơi trước mắt hình như xuất hiện “bức tranh Chung Quỳ bắt ma”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:36:43 pm »


3. Tranh thủ Hoa Quốc Phong

Trải qua suy nghĩ chuẩn bị trong một thời gian dài, cùng các nhà lão thành cách mạng và các đồng chí cũ bí mật tiếp xúc và bàn bạc, Diệp Kiếm Anh đã thấy vững dạ, tăng thêm lòng tin đối với việc giải quyết “bọn bốn tên” đồng thời cũng ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình.

Nhưng, đập tan “bọn bốn tên” không phải là hành động riêng biệt của một ai, mà là một cuộc đấu tranh trong nội bộ tổ chức cao cấp nhất của Đảng.

Diệp Kiếm Anh cho rằng trong cuộc đấu tranh này, trước tiên phải có sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Quốc Phong. Đó là điều kiện tất yếu để cố gắng giải quyết hợp pháp “bọn bốn tên”. Thế là, Diệp Kiếm Anh lại gặp Hoa Quốc Phong một lần nữa, từ cuộc trao đổi ông đã phát hiện ra Hoa Quốc Phong cũng đang lúng túng khổ sở vì “bọn bốn tên”.

“Đồng chí Hoa Quốc Phong, hiện nay có mấy người đang cố đưa ra những vấn đề hóc búa, cản trở quá lớn, hội nghị của Bộ Chính trị có lúc không họp được, cứ tiếp tục như vậy thì không được, phải nghĩ cách thôi”. Diệp Kiếm Anh đặt vấn đề.

“Đúng vậy, nhưng Chủ tịch vừa qua đời, việc khắc phục hậu quả chưa làm xong”.

“Nhưng không thể đợi được nữa, chúng hoạt động càng ngày càng ghê gớm!”. Diệp Kiếm Anh nói toạc móng heo, vạch rõ thêm những âm mưu hoạt động gần đây của bọn Giang Thanh, đồng thời liên hệ đến những bài học kinh nghiệm của các cuộc đấu tranh trong Đảng và của Liên Xô sau khi Sta-lin qua đời: “Bây giờ, họ không chịu thua, gấp rút muốn cướp quyền lãnh đạo, Chủ tịch không còn nữa, đồng chí phải đứng ra, đấu với họ”.

Hoa Quốc Phong không tỏ thái độ ngay mà tiếp tục suy nghĩ.

“Gần đây tôi cứ nhắm mắt là nghĩ đến cảnh lúc Chủ tịch lâm chung...” Diệp Kiếm Anh với nỗi lòng đau đớn cùng Hoa Quốc Phong nhớ lại, khi còn sống Mao Trạch Đông đã nhiều lần phê bình “Bang Thượng Hải” và chỉ thị phải giải quyết vấn đề bọn chúng, tha thiết hy vọng Hoa Quốc Phong không phụ kỳ vọng của Mao Trạch Đông, đoàn kết mọi người đấu tranh với chúng, gánh vác trách nhiệm lãnh đạo cuộc đấu tranh này. Những lời nói của Diệp Kiếm Anh đã làm cho Hoa Quốc Phong vô cùng cảm động. Hoa Quốc Phong đã thành thực nói: “Đồng chí biết cơ sở của tôi, trước các đồng chí cũ, tôi là thế hệ sau, không phải là tôi không dám đấu tranh với mấy người ấy, nhưng chỉ lo các đồng chí cũ không ủng hộ”. Diệp Kiếm Anh nói một cách khẩn thiết: “Xin đồng chí cứ yên tâm, tôi ủng hộ đồng chí, các đồng chí cũ ủng hộ đồng chí, chỉ cần đồng chí đứng ra, mọi người sẽ đều ủng hộ đồng chí!” Hơn nữa còn khuyên Hoa Quốc Phong năng đến chơi nhà các đồng chí cũ, còn bảo với ông ta rằng muốn gặp ai thì báo trước.

Nghe những lời nói ấy, tinh thần Hoa Quốc Phong phấn chấn hẳn lên, ông ta bày tỏ, chỉ cần các đồng chí cũ ủng hộ thì sẽ dễ dàng. Cuối cùng ông ta nói: “Có điều, sự việc rất phức tạp, rốt cuộc làm thế nào, để cho ông ta nghĩ thêm chút nữa”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:37:39 pm »


4. Sự chuẩn bị tư tưởng của Uông Đông Hưng

Khướu giác của những kẻ có âm mưu thường rất thính. Để giám sát hành động của Diệp Kiếm Anh, trải qua một cuộc bày mưu tính kế bí mật ở lầu 17 tại Điếu Ngư Đài, quyết định cử Vương Hồng Văn người mới từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, một lần nữa vào ở Tây Sơn. Vị Phó Chủ tịch Đảng này đã chọn nhà số 25 có trình độ kiến trúc hiện đại rất cao, một mặt thể hiện sự cao quý của anh ta, mặt khác, điều quan trọng nhất là gần Diệp Kiếm Anh tiện cho việc tăng cường giám sát. Nhà số 25 nằm trên lưng chừng núi Tây Sơn, ở cách ngôi nhà số 15 mà Diệp Kiếm Anh ở mấy chục mét về phía Đông Nam. Vương Hồng Văn ở đây có thể lén lút quan sát hành tung của những người qua lại lên núi và quan sát động tĩnh của nhà số 15.

Diệp Kiếm Anh hiểu rõ ý đồ đến ở của anh ta, bảo với tham mưu cảnh vệ “Mã Đầu”: “Đồng chí chú ý điểm ấy nhé!”



5. “Hội nghị Thường vụ” của Giang Thanh

Ngày 2 tháng 9, Giang Thanh gọi điện cho Hoa Quốc Phong yêu cầu triệu tập họp Thường vụ khẩn cấp, Hoa Quốc Phong bị bà ta quấy rầy quá mức, bèn hỏi bà ta: “Vì sao phải họp Thường vụ khẩn cấp?” Tiếng nói hùng hổ qua điện thoại truyền đến:

“Vì sao họp không thể nói trước”.

“Vậy Hội nghị cần thảo luận vấn đề gì?”

“Vấn đề cần thảo luận nhiều, rất phức tạp... đồng chí mới vào Trung ương không lâu, đồng chí không hiểu, cũng không thể hiểu!”...

Giang Thanh giập điện thoại, nổi giận đùng đùng đi tới Đại lễ đường Nhân dân.

Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn đón bà ta như một vị “tôn thần” mời bà ta ngồi xuống ghế.

Hoa Quốc Phong mời bà ta phát biểu ý kiến.

Thế là, không phải “cuộc họp Thường vụ” của Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng theo luật định đã bắt đầu. Giang Thanh ngang nhiên làm ra vẻ “Chủ tịch Trung ương Đảng” diễn thuyết, nói trời nói đất, chẳng ra đầu đuôi xuôi ngược gì cả, nói một hồi, mới lộ ra cái ý chính là muốn giao văn kiện và sách vở của Mao Trạch Đông cho bà ta và Mao Viễn Tân chỉnh lý kiểm kê. Lý do ư, vì bà ta là vợ kiêm thư ký của Chủ tịch, vợ chỉnh lý bảo tồn, văn kiện, sách vở, bài viết của chồng là lẽ đương nhiên, hơn nữa trên ghế giới cũng đã có tiền lệ như tài liệu bài viết của Lê-nin đều do Cơ-rúp-skai-a chỉnh lý là chính!

Uông Đông Hưng nói: “Văn kiện của Chủ tịch, chẳng phải đã nói là niêm phong bảo tồn rồi hay sao? Bây giờ việc bảo tồn di thể còn chưa giải quyết, thì thời giờ đâu mà chỉnh lý!”.

Hoa Quốc Phong thấy mụ điên này sẽ gây chuyện không biết bao giờ mới kết thúc, đành phải tuyên bố tạm thời kết thúc hội nghị: “Hội nghị hôm nay, đến đồng chí Kiếm Anh cũng không tham gia, không thể coi là hội nghị Thường vụ. Đợi lần sau đồng chí ấy đến, đủ người, sẽ thảo luận”.

Ông ta muốn dùng thanh kiếm sắc của Diệp Kiếm Anh để trừ tà, ông ta nói tiếp: “Đồng chí Uông Đông Hưng đã theo Chủ tịch mấy chục năm, đối với mọi thứ của Chủ tịch đều rất quen thuộc. Theo quyết định của Trung ương trước đây văn kiện của Chủ tịch thuộc cơ mật quốc gia, phải do Văn phòng phụ trách chỉnh lý, rồi viết báo cáo cho Trung ương. Hiện nay mọi người đều bận việc tang lễ, không kịp chỉnh lý, tạm thời vẫn do đồng chí Uông Đông Hưng niêm phong bảo tồn”.

Giang Thanh ngớ người, không ngờ Hoa Quốc Phong còn có tài nghệ này? Bà ta đang định nổi cáu thì Trương Xuân Kiều đứng dậy giơ tay ngăn lại.

Xét cho cùng thì “quân sư” vẫn lắm mưu nhiều kế. Trương Xuân Kiều với giọng như một thầy phù thủy: “Theo tôi có thể như thế này được không, chúng ta không rảnh tay được, nên để Mao Viễn Tân giúp Tiểu Trương (Ngọc Phượng) đăng ký trước”.

Giang Thanh cảm phục sâu sắc chiêu tuyệt vời của “quân sư” lập tức nói: “Tôi cũng tham gia”. Sau đó lại khoác lác: “Mao Viễn Tân là thích hợp nhất, cậu ấy hiểu tư tưởng Mao Trạch Đông nhất, thường đến chỗ tôi hỏi điều này điều nọ. Tôi tin cậu ta”.

Hoa Quốc Phong không đồng ý.

“Hội nghị” tranh cãi mãi đến bốn năm tiếng đồng hồ, cuối cùng Hoa Quốc Phong vẫn kiên trì tất cả văn kiện, tài liệu và sách vở của Mao Trạch Đông đều do Uông Đông Hưng phụ trách tạm thời niêm phong bảo tồn.

“Cuộc hội nghị” phi pháp này, tuy Diệp Kiếm Anh không tham gia, nhưng sau đó Uông Đông Hưng đã báo cáo lại với ông. Diệp Kiếm Anh cảm thấy Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng đã đối chọi rất tốt, trên con đường chống lại sự quấy rầy của “bọn bốn tên” cuối cùng đã tiến thêm được một bước. Mặt khác, ông cũng thấy lo lắng và căm phẫn. “Bọn bốn tên” hung hăng, ức hiếp người khác quá đáng! Dám cưỡng bức Phó Chủ tịch thứ nhất của Đảng phải triệu tập “Hội nghị Thường vụ khẩn cấp”, dám gạt bỏ cả ông, một Phó Chủ tịch Trung ương Đảng và các ủy viên Thường vụ khác ra ngoài! Càng không thể khoan dung việc Giang Thanh còn khăng khăng đòi để bà ta và Mao Viễn Tân được tham gia “cuộc họp thường vụ” bao vây công kích Hoa Quốc Phong, bà ta đã trắng trợn coi mình cao hơn Trung ương Đảng! Như vậy đâu còn nội quy kỷ luật Đảng nữa? Diệp Kiếm Anh càng nghĩ càng thấy sự việc nghiêm trọng, nhất định phải nghĩ cách để giải quyết bọn phá hoại này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:38:22 pm »


6. Chen vai thích cánh trong cuộc “chiến tranh” cướp quyền

Tình hình vẫn đang phát triển, “cuộc đại chiến văn kiện” vẫn chưa thu quân.

Ngày 21 tháng 9, khi văn phòng Trung ương thanh tra văn kiện, phát hiện Giang Thanh và Mao Viễn Tân lấy danh nghĩa là “xem một chút” đã lừa lấy được hai văn kiện từ chỗ Trương Ngọc Phượng mà chưa trả lại. Một văn kiện là phụ bản ghi cuộc nói chuyện của Giang Thanh với một phóng viên nước ngoài, một văn kiện khác là bản ghi chép cuộc nói chuyện của Mao Trạch Đông với Dương Đắc Chí, Vương Lục Sinh ở Vũ Hán năm 1974. Đây là hai văn kiện mang tính chất cơ mật quan trọng, nhất định phải truy đòi lại.

Giang Thanh và Mao Viễn Tân ì ra không trả. Trải qua một “cuộc tranh giành”, Giang Thanh đành phải trao trả văn kiện và nói đây là một sự “hiểu lầm”, nhưng lại đưa ra một điều kiện: đòi sau khi Hoa Quốc Phong xem xong chính thức phê duyệt rồi chuyển cho Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều đọc. Bà ta viết một mẩu giấy gửi cho Hoa Quốc Phong, đưa ra yêu cầu này. Hoa Quốc Phong không trả lời bà ta, giữ văn kiện lại.

Kết quả là văn kiện trả lại đã bị Giang Thanh sửa chữa be bét. Một đoạn dài ghi những lời bà ta ca ngợi mình, công kích người khác khi nói chuyện với phóng viên nước ngoài đã bị xóa bỏ; một đoạn ghi chép cuộc nói chuyện khác đã được làm giả. Trong đó đã nói: Năm 1974 Mao Trạch Đông bảo Dương Đắc Chí và Vương Lục Sinh phải “giúp đỡ Diệp Quần”, người mà 3 năm trước đã chết vì rơi máy bay ở Ôn-đu-han v. v... và v.v… chẳng phải là những lời bịp bợm hay sao?

Kẻ xảo quyệt nhất cũng là kẻ ngu xuẩn nhất. Bọn Giang Thanh vốn cho rằng lừa lấy được văn kiện trong tay thì có thể bí mật sửa chữa, mưu đồ mượn tay Mao Trạch Đông để chỉnh cán bộ lãnh đạo quân đội, sau này bị buộc phải trả lại, lại cuống chân cuống tay lấy giả làm thật, đã sửa năm 1974, Mao Trạch Đông nói chuyện thành “năm 1976”. Càng vô lý hơn là Giang Thanh đã ghi thêm chú thích vào bản ghi chép và ký tên mình.

Sự mở đầu và kết thúc cuộc “đại chiến văn kiện này”, thư ký Trương Ngọc Phượng đã tố cáo như sau:

“Giang Thanh âm mưu lừa để lấy trộm bản thảo và văn kiện của Mao Chủ tịch. Sau khi Chủ tịch mất, Giang Thanh tỏ ra khác thường, hằng ngày đấn chỗ ở của Mao Chủ tịch tìm tôi. Nhiều lần muốn xem 9 bản thảo gốc cùng bản thảo đã sửa chữa và một số bút tích của Mao Chủ tịch. Tôi cảm thấy không thỏa đáng, vì nó không hợp với thủ tục của tổ chức. Sau khi Chủ tịch mất, Trung ương vẫn chưa quyết định văn kiện sẽ làm như thế nào, tôi không thể tùy tiện đưa cho bà ta, tôi thoái thác là bản thảo gốc không có ở chỗ tôi. Giang Thanh, Mao Viễn Tân thấy không thể lấy được văn kiện ở chỗ tôi, nên đã vu cho tôi tội: “lấy cắp văn kiện”, muốn dùng “biện pháp khẩn cấp” để bức hại tôi, nhằm đạt được mục đích lừa lấy trộm văn kiện. Sau lễ truy điệu, Giang Thanh lại tìm tôi để đòi, đòi rất gấp. Tôi rất khó xử. Sau khi Giang Thanh đi, tôi lập tức gọi điện thoại cho đồng chí Uông Đông Hưng, đề nghị cần phải giải quyết như thế nào, đồng thời mời đồng chí ấy đến. Sau khi đồng chí Đông Hưng đến, tôi báo cáo việc Giang Thanh đòi văn kiện và việc Giang Thanh, Mao Viễn Tân lấy danh nghĩa xem một chút để lừa lấy hai bản ghi cuộc nói chuyện của Mao Chủ tịch và Dương Đắc Chí cùng Vương Lục Sinh. Chủ nhiệm Uông Đông Hưng chỉ thị, phải đòi lại hai văn kiện này. Đồng thời truyền đạt cho tôi biết là Bộ Chính trị đã nghiên cứu chuẩn bị niêm phong văn kiện để bảo tồn”.

Đây là tội chứng của Giang Thanh lấy cắp bản thảo viết tay và văn kiện của Mao Trạch Đông.

Cuộc “chiến tranh” cướp quyền mà “bọn bốn tên” phát động không chỉ một nơi.

Đồng thời với cái gọi là tiến hành cuộc “đại chiến văn kiện” trong “Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị”, về mặt bảo vệ thi hài Mao Trạch Đông họ liên tục đưa ra những vấn đề hóc búa, gây trở ngại. Tối ngày 19 tháng 9 quyết định di chuyển thi hài Mao Trạch Đông; Giang Thanh và Mao Viễn Tân vốn nói là phải tham gia nhưng sau khi họ nghe nói việc bảo tồn thi thể về thời gian và kỹ thuật đều có vấn đề, nên đã kiếm cớ nói rằng, đã không để cho họ bảo quản văn kiện thì cũng không tham gia việc bảo tồn thi hài. Vì sao lại nhiệt tình với “văn kiện” như thế, còn với “thi hài” thì lại lạnh nhạt? Đó chẳng phải là điều đáng suy nghĩ hay sao? Không phải là độc nhất vô nhị, ngày 21 tháng 9, ngày niêm phong bảo tồn văn kiện, Vương Hồng Văn đã chuyển “chiến trường” lặng lẽ trở về Thượng Hải. Anh ta lấy tư cách là Phó Chủ tịch Trung ương Đảng, đồng thời với việc cố gắng tổ chức “lực lượng vũ trang thứ 2”, còn ra sức gây dư luận, rêu rao khắp nơi: “Việc bảo vệ thi hài Mao Chủ tịch không dễ dàng. Về vấn đề này, Giang Thanh, Xuân Kiều và tôi rất có ý kiến đối với sự sơ suất của một số người”. “Một số người” mà anh ta nói là chỉ Hoa Quốc Phong và một số người. Khi mọi người quan tâm hỏi làm thế nào thì anh ta đẩy toàn bộ trách nhiệm cho “Trung ương”, rằng “bước tiếp theo các đồng chí sẽ nghe sự sắp xếp thống nhất của Trung ương”. Đồng thời mượn cớ này để kéo dài thời gian của đơn vị tiếp nhận xử lý thi hài, nhằm mục đích hễ thi hài xử lý không tốt ảnh hưởng tới việc bảo tồn sẽ đem tội danh chống Mao Trạch Đông chụp lên đầu Hoa Quốc Phong và những người lãnh đạo khác. Đây là một mũi tên độc bắn từ chiến trường Thượng Hải, cũng có thể cói là “một mũi tên trúng hai đích”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:39:31 pm »


7. Quyết sách cuối cùng trong tình trạng khẩn cấp

Sự tiến sát từng bước của “bọn bốn tên” đặc biệt là sự quấy rầy về vấn đề niêm phong bảo tồn văn kiện và xử lý thi hài v.v... một cách vô lý, liên tục chống đối, làm cho Hoa Quốc Phong ăn không ngon ngủ không yên, ông ta hiểu sâu sắc rằng sự kiêu căng ngạo mạn chống Đảng của “bọn bốn tên” ngày càng dữ, không thể nhân nhượng mãi được nữa, đã đến lúc phải chống lại rồi.

Hoa Quốc Phong, người lãnh đạo chủ yếu của Đảng và Nhà nước này đã nghiêm chỉnh suy nghĩ về những ý kiến của Diệp Kiếm Anh, suy nghĩ đi suy nghĩ lại về sách lược đối phó như thế nào với “bọn bốn tên”.

Đúng, nên đến chơi các đồng chí cũ nhiều hơn. Ông đã đến gặp một số đồng chí cũ. Đặng Dĩnh Siêu, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng, Tô Chấn Hoa, Trần Tích Liên v.v… đều đã nêu ra một số kiến nghị với ông ta, hình thành nên kế sách lớn trị quốc an bang.

Tối ngày 21 tháng 9, Hoa Quốc Phong đi xe đến nhà Lý Tiên Niệm. Hoa Quốc Phong vào trong nhà, vẫn chưa ngồi xuống ghế đã vội vội vàng vàng nói, đằng sau có người theo dõi, chỉ có thể ngồi một lúc. Ông nói khái quát về những hoạt động điên cuồng cướp quyền lãnh đạo của “bọn bốn tên” và tình cảnh khó khăn của mình: “Xem ra một cuộc đấu tranh giữa chúng ta và họ là không thể tránh khỏi!” Lý Tiên Niệm cũng đang lo lắng sâu sắc về việc này.

Hoa Quốc Phong nghĩ tới việc lúc này ông ra mặt gặp Diệp Kiếm Anh sẽ không tiện lắm, liền đề nghị Lý Tiên Niệm thay mặt ông đi gặp: “Đồng chí Tiên Niệm, có lẽ đồng chí đến Tây Sơn một chuyến, nói lại với Diệp soái về ý kiến của tôi, nhất thiết phải mời đồng chí ấy tìm biện pháp giải quyết”.

Lý Tiên Niệm đã vui vẻ nhận sứ mệnh trọng đại này.

Tục ngữ có câu: “Không có sự trùng hợp thì không thành sách”. Cái sự “trùng hợp” này quá nửa là do người viết sách viết ra. Có điều nói ở đây thì hoàn toàn là thật. Lịch sử quả có sự trùng hợp ấy.

Gần như cùng một thời gian, Hoa Quốc Phong đến gặp Lý Tiên Niệm đề nghị ông đến nói lại với Diệp Kiếm Anh, thì Nhiếp Vinh Trăn cũng gặp Dương Thành Vũ và cũng đề nghị Dương Thành Vũ nói lại với Diệp Kiếm Anh.

Từ sau khi Mao Trạch Đông bị bệnh nặng, Nhiếp Vinh Trăn đã chuyển từ Tây Sơn vào ở trong thành. Trước khi xuống núi, ông đến từ biệt Diệp Kiếm Anh hẹn với nhau có tin tức gì thì thông báo và liên hệ nhiều hơn. Với nhãn quang của nhà chiến lược chính trị luôn luôn chăm chú theo dõi sự thay đổi của cục diện chính trị Trung Quốc, càng ngày ông càng cảm thấy “mấy cái đó” giày vò quá mức. Hôm ấy ông mời Quyền Tổng Tham mưu trưởng Dương Thành Vũ đến nhà, để nói trực tiếp về những biện pháp cần thiết. Dương Thành Vũ là chiến sĩ cũ của Hồng quân Mẫn Tây (Tây Phúc Kiến), sinh ra ở nông thôn vùng Trường Giang Phúc Kiến là nhà quân sự hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc, sau khi chiến tranh kháng Nhật bùng nổ, đã chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Nhiếp Vinh Trăn trong một thời gian dài, đã dẫn quân bắn chết viên tướng nổi tiếng có “Danh hiệu chi hoa” của quân Nhật. Sau khi thành lập nước 1949, trong một thời gian dài đã công tác ở Quân khu Bắc Kinh và Bộ Tổng Tham mưu, không những có tình cảm đặc biệt với Nhiếp Vinh Trăn mà cũng giữ mối liên hệ mật thiết với Diệp Kiếm Anh và các vị nguyên soái khác. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, vì quan hệ công tác, ông thường xuyên ở Tây Sơn, nên việc tiếp xúc với hai nguyên soái Diệp Kiếm Anh và Nhiếp Vinh Trăn nhiều hơn và chặt chẽ hơn. Sau khi Nhiếp Vinh Trăn không ở Tây Sơn, rất tự nhiên ông trở thành “liên lạc viên” của hai vị nguyên soái.

“Tôi rời Tây Sơn đã rất lâu rồi, tình hình ở đấy gần đây như thế nào? Diệp Soái có khỏe không?” Vừa thấy Dương Thành Vũ, Nhiếp Vinh Trăn đã vồn vã hỏi thăm.

Dương Thành Vũ vẫn ở nhà số 5 trong khu Tây Sơn, cách nhà số 15 nơi Diệp Kiếm Anh ở cũng chỉ vài chục mét, ông thường đi đường tắt tới thăm Diệp Kiếm Anh. Dương Thành Vũ đáp: “Hôm kia tôi có tới thăm đồng chí ấy, tinh thần rất tốt”.

Nhiếp Vinh Trăn vui mừng gật gật đầu, lại hỏi tiếp: “Người ấy đã đi chưa?” Ông thấy Dương Thành Vũ ngơ ngác, nên nói thêm ba chữ với vẻ khinh bỉ: “Vương Hồng Văn”

Dương Thành Vũ vỡ lẽ liền trả lời: “Người này lúc đến lúc đi, hành tung bất định”.

Nhiếp Vinh Trăn nói: “Cần phải cảnh giác! Mấy đứa ấy đều là bọn phản cách mạng. Việc gì xấu xa chúng cũng có thể làm, đề phòng chúng ra tay trước. Nếu chúng ám hại được Tiểu Bình, giam lỏng được Diệp soái, trừ bỏ được Hoa Quốc Phong, thì sẽ rất phiền. Ông ta dùng biện pháp thông thường đấu tranh trong Đảng để giải quyết vấn đề của chúng thì chẳng ăn thua gì, chỉ có chúng ta ra tay trước, dùng biện pháp cương quyết mới có thể phòng ngừa được bất ngờ”.

Tiếp đó Nhiếp Vinh Trăn dặn Dương Thành Vũ, nhanh chóng về Tây Sơn ngay, nói lại ý đó với Diệp Kiếm Anh và dặn đi dặn lại là phải giữ bí mật: “Ý này lần trước ở Tây Sơn tôi đã bàn rồi, việc không nên trì hoãn!”

Dương Thành Vũ từ biệt Nhiếp Vinh Trăn ngay đêm ấy lên Tây Sơn đến nhà số 15, Diệp Kiếm Anh nghe có “liên lạc viên” đến chuyển lời, ông sợ tai vách mạch rừng nên dẫn Dương Thành Vũ ra vườn hoa trước nhà, sau khi nghe xong báo cáo, ông vui vẻ: “Nghe rõ rồi, nghe rõ rồi”.

Đêm Tây Sơn, lặng lẽ thanh bình.

Diệp Kiếm Anh ngồi bên bể nước trong sân, nhìn những trái táo trĩu nặng trên cành cây trước mặt, tự nghĩ: Chín rồi, chín rồi, sắp chín rồi.

Một lúc sau, ông đến gần Dương Thành Vũ, trong mắt lóe lên những tia sáng khác thường, phấn chấn nói: “Đồng chí nói với đồng chí Vinh Trăn, xin đồng chí ấy yên tâm, đồng chí ấy và tôi đã cùng chung ý nghĩ rồi, có việc gì thì thông báo bàn bạc ngay bất kỳ lúc nào”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:40:13 pm »


Chiều ngày 24 tháng 9, trời thu trong xanh cao vút, trời nắng ấm, đúng là ngày đẹp trời. Nhà cách mạng lão thành Lý Tiên Niệm lấy danh nghĩa là đi thăm Vườn thực vật Tây Sơn đi xe về phía Hương Sơn, qua Di Hòa Viên, chùa Ngọa Phật, sắp sửa đến vườn Thực vật, ông khẽ bảo lái xe rẽ ngoặt về phía bắc đi thẳng vào Tây Sơn. Xe dừng lại ở Tượng Tỵ Tử Câu. Ông dặn những người đi cùng thông báo cho nhà số 15, có việc muốn gặp Diệp soái.

Tham mưu cảnh vệ nhận điện thoại, lập tức báo cáo thủ trưởng. Diệp Kiếm Anh cảm thấy rất đột ngột. “Chó săn đang rình mò ở bên cạnh. Có nên gặp không? Vốn không muốn gặp, nhưng lại thấy không thỏa đáng. Ông do dự. Sau khi Diệp Kiếm Anh bị tuyên bố “bị ốm” không lâu, Lý Tiên Niệm cũng bị “bọn bốn tên” theo dõi giám sát cũng “nghỉ vì bị ốm”. Ông đã mạo hiểm đến thăm Diệp Kiếm Anh, khuyên ông nên “dưỡng bệnh” ở Bắc Kinh không nên đi lại tuỳ tiện. Sau khi hai nhà cách mạng lão thành bí mật bàn bạc, Diệp Kiếm Anh bảo ông, sau này không nên đến nhà, cũng không nên gọi điện thoại, để tránh rắc rối. Từ đó về sau, trong một thời gian dài hai người chẳng có liên hệ gì.

Bây giờ đã bao nhiêu lâu Lý Tiên Niệm mới lại đến nhà, lại lên núi dưới sự giám sát của Vương Hồng Văn!

“Mã Đầu” lại đến báo cáo: “Thủ trưởng, đồng chí Tiên Niệm đã đến rồi ạ!”

Diệp Kiếm Anh ra đón.

“Trời ơi, cơn gió nào đã đưa anh đến đây?” Diệp Kiếm Anh ra đến hành lang đón hóm hỉnh hỏi.

Người hỏi người đáp rồi cùng đi vào phòng.

Diệp Kiếm Anh đoán người bạn chiến đấu cũ mạo hiểm đến đây hẳn là có chuyện gì quan trọng cần bàn, bèn trịnh trọng hỏi:

“Đồng chí đến đây thăm tôi vì quan hệ cá nhân hay vì vâng lệnh mà đến”.

“Vì cả hai”. Lý Tiên Niệm nhìn chung quanh vui vẻ nói.

“A, rõ rồi”. Theo thói quen Diệp Kiếm Anh quay người bật máy thu thanh, mở tiếng khá to, “Tiếng hát” của vở kịch “Chiếc đèn đỏ” oang oang.

Lý Tiên Niệm hạ thấp giọng, truyền đạt lại ý kiến của Hoa Quốc Phong, đồng thời nhắc đi nhắc lại: “Ý của đồng chí ấy là đề nghị đồng chí cân nhắc dùng phương thức gì và thời gian nào giải quyết mới tốt”.

“Hay lắm!” Diệp Kiếm Anh không kìm được niềm xúc động trong lòng. Ông chờ mong giờ phút này đã rất lâu rồi! Đòi hỏi ông phải hạ quyết tâm cuối cùng, giờ phút quyết định đã đến. Ông bực tức nói: “Cuộc đấu tranh giữa chúng ta với chúng là cuộc đấu tranh sinh tử, không có chỗ cho dàn xếp”.

Lý Tiên Niệm cũng nói dự đoán đối với tình hình, tán thành ý kiến của Diệp Kiếm Anh. Họ bí mật bàn bạc với nhau một lúc, cảm thấy sự việc trọng đại, cần có sự xử trí thỏa đáng, sắp xếp chu đáo, quả quyết dứt khoát. Mặc dù thời gian và hoàn cảnh không cho phép họ bàn nhiều, nhưng cuộc gặp gỡ trong giờ phút then chốt này có tác dụng quan trọng đối với việc thúc đẩy Diệp Kiếm Anh đưa ra quyết sách cuối cùng và thực thi.

Đưa tiễn Lý Tiên Niệm, Diệp Kiếm Anh mang theo tâm trạng phấn chấn xuống núi đến nhà số 2. Ở đây, ông đã triệu kiến riêng các vị tướng Túc Dụ, Tống Thời Luân. Thông báo cho họ biết: “Phải tăng cường canh phòng, trong lúc này mắt phải sáng, tai phải thính, miệng phải kín!”.

Hai hôm sau, Dương Thành Vũ phải xuống núi, trước khi đi, ông đến gặp Diệp Kiếm Anh. Diệp Kiếm Anh mỉm cười nói: “Đồng chí nói lại với đồng chí Vinh Trăn là Tiên Niệm đã đến đây. Tôi đang cân nhắc ý kiến mà đồng chí Vinh Trăn nói lần trước”. Đồng thời nói thêm một cách khôi hài: “Thỏ khôn phải có nhiều chỗ ở, tôi sẽ lập tức chuyển nhà, đồng chí nói với đồng chí Vinh Trăn cũng phải chú ý an toàn!”

Nhưng, cuối cùng phải dùng biện pháp gì để giải quyết “bọn bốn tên”, Diệp Kiếm Anh chưa định được ván cờ. Ông căn nhắc đắn đo, lật đi lật lại, từng người đối với “kính mắt” ba giọt nước v.v… Dựa vào tình hình khác nhau của từng người, tính toán các biện pháp khác nhau, đã tính tới việc “giải quyết chung” và cũng tính tới việc “xử trí cá biệt”, đã tính tới việc dùng biện pháp khẩn cấp, từ “cách ly để thẩm tra” đến việc bắt giam công khai, cũng nghĩ tới biện pháp quá độ, lần lượt điều họ khỏi Trung ương đến các tỉnh, rồi xem tình hình, từ từ giải quyết. Cuối cùng vẫn nghiêng về cách “vét sạch trong một mẻ lưới”.

Ông lại cho người mời “tham mưu liên lạc”.

Vương Chấn luôn luôn có mặt ngay sau khi có lệnh của Diệp Kiếm Anh. Đã đến là rất tận tuỵ.

“Anh Râu này, nhiệm vụ của anh vẫn chưa hoàn thành”.

“Vâng, tôi sẽ đi hát “Nhị tiến Cung”!”

Diệp Kiếm Anh khẽ nói với ông chuyện Lý Tiên Niệm vừa đến đây, sự việc không thể kéo dài dược nữa. Vương Chấn tức khắc đến nhà Trần Vân để xin ý kiến.

Trần Vân trầm ngâm hồi lâu, chậm rãi nói: “Cũng đành như vậy”. Tiếp đó lại bổ sung thêm một câu: “Chỉ có thể giải quyết như vậy một lần thôi!” Và dặn đi dặn lại là Diệp Kiếm Anh phải nhanh chóng hạ quyết tâm lấy chắc chắn làm thượng sách.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:41:33 pm »


8. “Bọn bốn tên” đại náo Bộ Chính trị

Cùng lúc này, “bọn bốn tên” ra sức củng cố “căn cứ địa” Thượng Hải.

Ngày 27 tháng 9, Trương Xuân Kiều đích thân xuất trận, đưa ra “chỉ thị ba điểm” cho Thượng Hải: 1) Phải cảnh giác Trung ương có chủ nghĩa xét lại; 2) Từ nay về sau Trung ương sẽ thực hiện lãnh đạo tập thể; 3) Không xuất bản “Mao tuyển” tập 5, nhưng có thể xuất bản bản in lẻ, đưa ra trước 5 điều kiện để chọn người nối nghiệp. “Lãnh đạo tập thể mà ông ta nói chính là lãnh đạo của “bọn bốn tên”, điều kiện của “người nối nghiệp” là điều kiện để “bọn bốn tên” lên cầm quyền.

Ngày 28 tháng 9, Trương Xuân Kiều không yên tâm, lại cử Tiêu Mộc nhắn miệng cho những người lãnh đạo Thành ủy Thượng Hải rằng: “Phải thường xuyên nghiên cứu tình hình đấu tranh giai cấp. Một mặt phải đề cao cảnh giác, một mặt phải nâng cao lòng tin... Tất nhiên phải nhìn thấy trắc trở, phải thấy được giai cấp tư sản vẫn còn lực lượng. Vấn đề là ai cầm đầu... Nói thực, Thượng Hải vẫn chưa trải qua thử thách nghiêm trọng thực sự, Lâm Bưu, Đặng Tiểu Bình muốn thực hiện ở Thượng Hải nhưng không thực hiện được. Nếu Lâm Bưu thực hiện được, Thượng Hải sẽ có thử thách lớn, phải giao chiến”.

Trương Xuân Kiều là một kẻ có âm mưu lớn, phù thủy ma quái, giỏi “nói lóng”. Ở đây đã mập mờ bảo Thượng Hải chuẩn bị sự “thử thách nghiêm trọng” thực sự, phải chuẩn bị “giao chiến”. Ông ta nêu rằng: “Vấn đề là ai cầm đầu?” Chính là ám chỉ vấn đề “cầm đầu”, muốn ra tay cướp quyền lãnh đạo cao nhất! “Lời nhắn miệng” này của Trương Xuân Kiều trên thực tế là tín hiệu của “bọn bốn tên” muốn dùng vũ trang cướp quyền, cũng là ra lệnh động viên cho đồng đảng ở Thượng Hải tiến hành bạo loạn vũ trang phản cách mạng.

Tối ngày 28 tháng 9, Trương Xuân Kiều lặng lẽ lủi đến nhà 201 nơi ở của Giang Thanh trong Trung Nam Hải. Trong “Tiêu Dao Cương” cao cấp, kết hợp giữa cổ sức cổ hương với thiết bị hiện đại phương Tây, một người đàn ông và một người đàn bà của bãi Thượng Hải năm xưa lại thầm thì to nhỏ, chuẩn bị phát động một “chiến dịch cướp quyền” mới.

Ngày 29 tháng 9, “chiến dịch” đã phát nổ trong sự ầm ĩ của cuộc đại náo Bộ Chính trị.

Tham dự cuộc họp này có Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng v.v... những người có mặt ở Bắc Kinh và một số ủy viên ở các nơi. Nửa đêm, đồng hồ báo giờ điểm 11 tiếng. Hội nghị vừa bắt đầu, không khí đã rất căng thẳng. Vấn đề mà người chủ trì là Hoa Quốc Phong muốn thông qua hội nghị giải quyết là việc “bọn bốn tên” ngày nào cũng cãi cọ gây rối, muốn đè bẹp sự ngang ngược của chúng. Trải qua sự chuẩn bị đầy đủ “bọn bốn tên” đại náo một trận, mưu đồ cướp cho được quyền lãnh đạo cao nhất của Đảng. Giang Thanh rất có lòng tin đối với việc này, bà ta tức giận đứng lên chống lại trước tiên, nêu thẳng thừng: “Mao Chủ tịch qua đời rồi, lãnh đạo Trung ương Đảng làm thế nào?” Công kích một cách láo xược Hoa Quốc Phong về cái gọi là “vấn đề bảo đảm ổn định” do dự không dám quyết định, không có năng lực. Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều kẻ xướng người hoạ, đòi tăng cường lãnh đạo tập thể, sắp xếp công tác cho Giang Thanh. Cái mà họ gọi là “sắp xếp công tác” chính là để Giang Thanh làm Chủ tịch Đảng. Đây là vấn đề lớn đầu tiên họ suy nghĩ chuẩn bị đã lâu sốt ruột muốn giải quyết từ sau khi Mao Trạch Đông qua đời. “Bọn bốn tên” hiểu rằng chỉ có phất ngọn cờ Giang Thanh mới có thể đè bẹp được Hoa Quốc Phong.

Nhưng họ đã đánh giá sai tình hình. Trong lòng đa số các ủy viên, trước đây ngại vì “đánh chuột vỡ bình” đã quan tâm và thông cảm với Giang Thanh, nhưng bây giờ tình hình đã khác rồi, “bọn bốn tên” giương ngọn cờ Giang Thanh, gây rối một cách vô lý, lẽ tất nhiên bị Diệp Kiếm Anh và Lý Tiên Niệm cùng đa số các ủy viên phản đối và phủ quyết.

“Bọn bốn tên” thấy phát súng đầu tiên không nổ, liền phá đám bằng cách nêu ra vấn đề Mao Viễn Tân có về Liêu Ninh hay không. Đây hoàn toàn là có mưu tính trước. Trước đó họ đã bày mưu cho Mao Viễn Tân gửi cho Hoa Quốc Phong một bức thư nói về việc này, nói Mao Viễn Tân với tư cách là “liên lạc viên” của Mao Trạch Đông, nay đã không còn việc gì để làm ở lại Bắc Kinh hay về Liêu Ninh? Nếu có việc, anh ta có thể ở lại. Bức thư này là để “dò đường”. Muốn thăm dò Hoa Quốc Phong, đòi ông tỏ thái độ, ý đồ đích thực của họ là muốn Mao Viễn Tân tiếp tục ở lại Bắc Kinh. Hoa Quốc Phong đã đọc bức thư của Mao Viễn Tân trong hội nghị, đồng thời nói rõ ràng là đồng ý để Mao Viễn Tân về Liêu Ninh. Việc này đã đập tan tính toán của “bọn bốn tên” họ vừa nghe đã nhảy dựng lên, tức giận kêu la: “Mao Viên Tân cần phải ở lại!”. Giang Thanh nói: “Mao Viễn Tân ở lại còn phải xử lý hậu sự của Mao Chủ tịch!”.

Hoa Quốc Phong cũng không chịu lép: “Chẳng phải là đồng chí đã nói là việc hậu sự của Mao Chủ tịch đồng chí không tham gia và Mao Viên Tân cũng không tham gia ư? Sao bây giờ lại nói Mao Viễn Tân ở lại tham gia hậu sự?”

Giang Thanh bị đuối lý, lập tức giở giọng đàn bà đanh đá, lớn tiếng cãi chày cãi cối, phủ nhận lời mình đã nói. Nhưng Giang Thanh đã quên là khi bà ta nói điều ấy thì Uông Đông Hưng, Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều cũng có mặt, nhưng bà ta vẫn cãi là bà ta không nói.

Uông Đông Hưng đã phải đứng ra làm chứng, còn Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều thì ngậm tăm! Giang Thanh lập tức khóc lóc ầm ĩ vu vạ: “Các anh muốn đuổi tôi đi, tôi không đi, tôi cứ ở lại đấy!”.

Hội nghị chìm trong không khí tẻ nhạt.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM