Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:48:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cách mạng Văn hoá liệt truyện - Tập 3  (Đọc 60616 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 10:00:07 pm »


3
Mao Trạch Đông ốm nặng bảo với Giang Thanh:
“Kẻ cầm đầu tập đoàn phản cách mạng là tôi”
Chu Ân Lai nhân thời cơ cứu sống nhiều người


1. Cấp cứu Mao Trạch Đông

Con người ta rồi cũng phải già, vất vả quá độ, sinh hoạt không có quy luật, ăn uống tùy tiện, tất cả những cái đó làm cho Mao Trạch Đông ngày càng già yếu.

Năm 1965, một nhà văn nước ngoài An-đơ-rê Ma-rô sau khi được Mao Trạch Đông tiếp kiến đã rất lạnh lùng viết rằng:

Từ khi bắt đầu nói chuyện, Mao chỉ đưa điếu thuốc lá vào miệng hoặc để trên chiếc gạt tàn, ngoài ra không có một động tác gì khác. Đợi đến khi cuộc nói chuyện kết thúc, Mao uể oải phẩy tay, rồi hai tay vịn  vào tay vịn của chiếc ghế đứng dậy. Thân thể ông ta thẳng hơn tất cả chúng ta, giống như một khối đá lớn. Theo sau ông ta là một nữ y tá, đi từng bước từng bước, cứng đờ như không có khớp gối.

Đây không phải là bệnh tật, mà là sự già yếu và còn khó chịu hơn cả bệnh tật.

Năm 1972, Mao Trạch Đông bị ốm nặng, vào trước ngày Tổng thống Ních-xơn đến thăm Trung Quốc, một ngày tháng giêng. Do vất vả quá mức, Mao Trạch Đông đã bị bệnh. Vì bị ốm đột ngột, các nhân viên công tác, bác sĩ, y tá bên cạnh ông đều không ngờ tới. Do bệnh phế tâm thiếu dưỡng khí nghiêm trọng, nên Mao Trạch Đông bị sốc. Sau khi Ngô Húc Quân đang trực ban phát hiện, lập tức mở toang cửa kính vốn vẫn đóng kín, gọi thất thanh: “Nhanh lại đây!”.

Lúc này, nữ thư ký Trương Ngọc Phượng đang ở phòng trực ban của cán bộ cảnh vệ, nghe thấy tiếng gọi, mấy người cùng chạy đến phòng khách của Mao Trạch Đông (lúc ấy đã trở thành phòng ngủ và phòng chữa trị) bác sĩ cũng đến ngay để khám bệnh cho Mao Trạch Đông.

Mao Trạch Đông nằm nghiêng trên giường như “đang ngủ say”, Ngô Húc Quân vội xem mạch cho Mao Trạch Đông. Cũng không rõ là vì nóng ruột hay vì căng thẳng nên Ngô Húc Quân nói với bác sĩ có mặt trong phòng rằng “không sờ thấy mạch”.

Đây là lần đầu tiên trong đời Trương Ngọc Phượng nhìn thấy người bị bệnh nặng phải được cấp cứu. Bác sĩ chữa chính lập tức thực hiện biện pháp cấp cứu, nói những thứ thuốc tiêm và dược liệu ứng dụng. Y tá trưởng Ngô nhắc lại tên các dược liệu rồi vào phòng tiêm lấy thuốc, tiêm cho Mao Trạch Đông hết lần này đến lần khác.

Lúc này, Mao Trạch Đông đã hoàn toàn hôn mê, không khí căng thẳng trong phòng, ông không hề hay biết tí gì. Khi cấp cứu, Ngô Húc Quân chuyên gia tim mạch đỡ Mao Trạch Đông dậy, đấm vào lưng ông theo từng nhịp và liên tục gọi: “Mao Chủ tịch, Mao Chủ tịch”. Trương Ngọc Phượng cũng gọi: “Chủ tịch, Chủ tịch”...

Sức sống của Mao Trạch Đông quả là ngoan cường, qua cấp cứu căng thẳng, ông từ từ mở hai mắt. Nhìn thấy tất cả, ông hơi ngạc nhiên và khó hiểu như muốn hỏi: Các anh đang làm gì vậy? Bởi việc vừa xảy ra. Ông không hay biết một tí gì.

Những người có mặt trong phòng lúc ấy vô cùng vui mừng vì Mao Trạch Đông đã yên ổn tỉnh lại. Mọi người đều có ý thức tỏ rõ sự nhẹ nhõm, sợ ông căng thẳng. Khi Mao Trạch Đông biết vừa rồi ông bị sốc, với dáng vẻ khoan thai ông nói: “Hình như tồi vừa ngủ một giấc”.

Mao Thạch Đông bị ốm nặng, hơn ai hết Chu Ân Lai thấy nặng nề, sốt ruột. Sau này cảnh vệ kể lại, khi Chu Ân Lai biết tin Mao Trạch Đông bị nguy kịch, ngồi trên xe từ Tây Hoa Sảnh nơi ở của ông đến Du Vịnh Trì, rất lâu ông không xuống được xe. Khi ông đến phòng cấp cứu, mọi người đều có thể thấy tình cảm của ông, cái gánh nặng mà ông phải gánh...

Sau lần Mao Trạch Đông bị bệnh nặng, Trung ương quyết định bốn vị lãnh đạo là Chu Ân Lai, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Uông Đông Hưng phụ trách công tác điều trị của Mao Trạch Đông. Nhưng, Giang Thanh lại không bằng lòng với kết quả cấp cứu, chụp mũ cho những bác sĩ hội chẩn là tập đoàn đặc vụ phản cách mạng, đồng thời đưa ra ví dụ “Âm mưu áo choàng trắng” ở Liên Xô để đe doạ, vụ án này đã đăng trên tờ “Sự Thật” ngày 13 tháng 1 năm 1953:

Trước đây không lâu, ngành An ninh quốc gia đã phát hiện một tập đoàn khủng bố do các bác sĩ tổ chức thành, họ thông qua cách chữa trị có hại để đạt tới mục đích rút ngắn sinh mệnh của một số nhà lãnh đạo Liên Xô nào đó.

Lúc ấy có 5 bác sĩ bị bắt.

Lúc này, Giang Thanh người vợ đã không sống chung Mao Trạch Đông nhiều năm đã là “nhân vật lớn” đứng trên đỉnh cao quyền lực lãnh đạo chính trị của Nhà nước, nên câu nói này của bà ta đủ để cho các bác sĩ rơi đầu.

May mà Mao Trạch Đông biết việc này, ông yếu ớt cựa mình, chỉ vào Giang Thanh hỏi: “Cô nói những bác sĩ này là tập đoàn đặc vụ phản cách mạng à? Cô có biết tên cầm đầu cái tập đoàn ấy là ai không?”

Giang Thanh há hốc mồm, không dám trả lời:

“Tôi biết”. Mao Trạch Đông bỗng chỉ vào mũi mình, “Chính là tôi!”.

Một câu nói đã cứu mạng các bác sĩ hội chẩn, làm cho bi kịch của các bác sĩ Liên Xô không diễn lại ở Trung Quốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 10:02:38 pm »


2. Mao Trạch Đông nói: Án Hạ Long là giả

Bắc Kinh đã biến đổi, tháng 12 năm 1972, thanh tra lại tập đoàn Lâm Bưu, đã sửa lại những án oan, án giả, án sai do “cách mạng văn hóa” gây nên trong thời kỳ đầu, công tác thực hiện chính sách cán bộ cuối cùng đã được đưa vào chương trình nghị sự.

Trong thư phòng của Mao Trạch Đông ở Trung Nam Hải, một cuộc nói chuyện có liên quan đến vận mệnh của hàng chục triệu người đang tiến hành.

Mao Trạch Đông đập bàn đứng dậy: “Xem ra án của đồng chí Hạ Long là giả. Làm sao lại đánh đổ nhiều cán bộ như thế? Tôi cũng vô tình đánh đổ họ!”

Chu Ân Lai nắm chắc thời cơ kiến nghị với Mao Trạch Đông: “Xem ra có một vấn đề là phải thực hiện chính sách cán bộ”.

Mao Trạch Đông gật gù, hạ quyết tâm: “Đúng vấn đề này do đồng chí tổ chức thực hiện thôi!”

Chu Ân Lai tuyên bố, thực hiện công tác chính sách cán bộ, Trung ương do Ban Tổ chức Trung ương phụ trách, thực hiện chính sách cán bộ từ Thường vụ Tỉnh ủy trở lên, Quốc vụ viện do Văn phòng Thủ tướng phụ trách thực hiện chính sách cán bộ từ thứ trưởng trở lên. Quân đội do Tổng cục Chính trị phụ trách, thực hiện chính sách cán bộ từ cấp quân đoàn chính quy trở lên.

Chu Ân Lai còn quy định “báo cáo thẩm tra cán bộ giải phóng” đều phải gửi lên Bộ Chính trị thảo luận quyết định cuối cùng.

Hồi đầu “cách mạng văn hóa” trong quân đội có mấy trăm cán bộ từ cấp quân đoàn trở lên bị đánh đổ và bị giam cầm. Cấp bậc cao nhất là hai Nguyên soái Bành Đức Hoài và Hạ Long. Tổng cục Chính trị suy xét đến lời của Mao Trạch Đông là án của đồng chí Hạ Long là giả. Thế là cử Cục trưởng Cục bảo vệ Tưởng Nhuận Quan cầm thư giới thiệu đến Văn phòng 1 Tổ chuyên án Trung ương lấy hồ sơ của Nguyên soái Hạ Long.

Người phụ trách Văn phòng 1 của tổ chuyên án đáp: “Đồng chí Hạ Long phải được sửa lại án sai. Nhưng Mao Chủ tịch và Chu Thủ tướng không nói đến án của đồng chí Hạ Long để Tổng cục Chính trị các anh sửa lại án sai”.

Tưởng Nhuận Quan giải thích: “Chúng tôi cân nhắc đồng chí Hạ Long là Nguyên soái, Phó Chủ tịch Quân ủy nên việc của Nguyên soái Hạ Long, Tổng cục Chính trị chúng tôi phải làm”.

Người phụ trách kia lại nói: “Đồng chí Hạ Long không chỉ là Nguyên soái, đồng chí ấy còn là một ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện. Trung ương không nói đến án của Hạ Long để cho các anh sửa lại án sai, nên tài liệu không thể giao cho các anh”.

Cục trưởng Cục bảo vệ lúc đi thì cao hứng nhưng lúc về lại thất vọng. Thực hiện chính sách cán bộ bắt đầu từ chỗ nào đây?

Đúng lúc này, Chu Ân Lai đã đích thân chọn đột phá khẩu cho họ. Một ngày đầu năm 1973, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Điền Duy Tân đang tham gia một cuộc họp ở khách sạn Kinh Tây, nhận được điện thoại của Văn phòng Thủ tướng Chu Ân Lai nói là Thủ tướng có việc muốn gặp. Điền Duy Tân vội vã đến Đại lễ đường Nhân dân.

Chu Ân Lai lại nói: “Hôm nay tôi mời đồng chí đến để bàn về vấn đề cán bộ, chỉ nói với một mình đồng chí thôi thì không hay, đồng chí tìm thêm một đồng chí nữa thì tốt”.

Ngay lúc ấy, Điền Duy Tân lập tức dùng điện báo gọi Cục trưởng Cục cán bộ Tổng cục Chính trị Nguỵ Bá Đình đến ngay.

Chu Ân Lai nói với họ: “Mời các đồng chí đến để bàn vấn đề của đồng chí Trần Tái Đạo và đồng chí Chung Hán Hoa”.

Thượng tướng Trần Tái Đạo và Trung tướng Chung Hán Hoa đã từng giữ chức tư lệnh và chính ủy thứ 2 của Quân khu Vũ Hán, bị đánh đổ bởi cái gọi là “sự kiện 720” vào năm 1967, đã phải hàm oan 6 năm.

Dựa vào tinh thần cuộc nói chuyện với Chu Ân Lai, sau khi Điền Duy Tân và Ngụy Bá Đình trở về Tổng cục Chính trị, qua điều tra xem xét, đã viết báo cáo, đưa Bộ Chính trị thảo luận. Khi thảo luận, tranh luận rất gay gắt, tuy Giang Thanh và đồng bọn chụp một đống mũ, nhưng lại không có một căn cứ xác thực nào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 10:03:02 pm »


Sau khi Thượng tướng Trần Tái Đạo được “giải phóng” nếu lại quay về làm Tư lệnh quân khu Vũ Hán thì sẽ tương đối khó khăn. Cân nhắc sắp xếp cho ông một chức vị tương đương với cấp cũ, nhưng lúc ấy chức trưởng loại một ở các đại quân khu đã có người, vậy là gặp khó khăn. Điền Duy Tân liền thỉnh thị Chu Ân Lai, cuối cùng kết luận: Đành phải để Trần Tái Đạo đi đường vòng, sắp xếp vào chức vụ Phó Tư lệnh một quân khu.

Tướng Điền Duy Tân gọi điện thoại cho một tư lệnh đại quân khu, xem xét để Trần Tái Đạo đến làm Phó Tư lệnh Quân khu ấy. Tư lệnh đáp: “Đồng chí ấy là cấp trên cũ của tôi đấy!”. Tuy chỉ có một câu, nhưng ý thì rất rõ ràng. Để một cấp trên cũ làm phó thì việc triển khai công tác sẽ không tốt lắm. Nhưng, chỗ khác cũng khó sắp xếp. Điền Duy Tân lại gọi điện cho vị Tư lệnh này, vị Tư lệnh này nói một cách dứt khoát: “Đồng chí Điền ạ, dù sao cũng không nên đưa đồng chí ấy về đây”. Thế là, tìm đi tìm lại cuối cùng tìm được Tư lệnh Quân khu Phúc Châu Hàn Tiên Sở.

Lúc ấy Hàn Tiên Sở là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng kiêm Tư lệnh Quân khu Phúc Châu, Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy tỉnh Phúc Kiến. Ít thấy thái độ trong sáng ở ông: “Hoan nghênh Trần Tái Đạo đến Phúc Châu. Vậy mới coi là giải quyết được một vấn đề khó”.

Sau này Trần Tái Đạo còn đảm nhiệm cố vấn của Quân ủy Trung ương. Tư lệnh bộ đội Đường sắt.

Chung Hán Hoa sau khi được “giải phóng” lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó Chính ủy Quân khu Quảng Châu, Chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp và Chính ủy Quân khu Thành Đô.

Năm 1955, khi Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc phong quân hàm, có 57 vị tướng được phong quân hàm Thượng tướng. Thượng tướng là quân hàm cấp thứ ba sau 10 nguyên soái và 10 đại tướng. Những vị tướng có thể tiến lên hàng thượng tướng đều là những tướng tài đứng đầu ba quân, có thể một mình đảm đương một mặt công tác.

Đầu những năm 70, đã có mấy vị trung tướng đảm nhận Tư lệnh Đại Quân khu. Nhưng Quân khu Phúc Châu lại tập hợp đến 4 thượng tướng. Quân khu Phúc Châu quả là một mảnh đất thần tiên.

Số là sau khi Thượng tướng Trần Tái Đạo đến nhậm chức Phó Tư lệnh Quân khu Phúc Châu không lâu, thì Thượng tướng Vương Kiến An cũng được “giải phóng”, và cũng phải đối mặt với vấn đề sắp xếp công tác. Cũng giống như Tướng Trần Tái Đạo, tư cách của Vương Kiến An cũng là bậc lão tướng. Ông là Phó Tư lệnh Quân khu Tế Nam, bị đánh đổ vì cái gọi là “thực hiện chủ nghĩa xét lại”. Tư lệnh các Quân khu đương nhiệm rất nhiều người là cấp dưới của ông. Gặp phải vấn đề khó như vậy, Điền Duy Tân lại phải xin ý kiến của Chu Ân Lai. Chu Ân Lai bảo: “Đồng chí hãy nói chuyện với Hàn Tiên Sở một lần nữa”.

Điền Duy Tân lại nói chuyện với Hàn Tiên Sở “ở đây tôi đã có một đồng chí cũ rồi, cũng có thể sắp xếp vào các quân khu khác mà”.

Lại gặp trắc trở, Điền Duy Tân nửa nói đùa: “Đồng chí Hàn ạ, tôi trưng cầu ý kiến đồng chí, nhưng đây là Thủ tướng bảo tôi trưng cầu ý kiến đồng chí đấy”.

Hàn Tiên Sở vẫn không bằng lòng.

Điền Duy Tân cảm thấy rất gay go, lại báo cáo tình hình với Chu Ân Lai. Chu Ân Lai trầm ngâm một lúc: “Vẫn cứ xếp vào chỗ Hàn Tiên Sở, khi họp tôi sẽ nóichuyện với đồng chí ấy”.

Mấy ngày sau Hàn Tiên Sở được lệnh về Bắc Kinh. Điền Duy Tân trông thấy Hàn Tiên Sở liền vẫy gọi “Đồng chí Hàn, lần này Thủ tướng nói chuyện với đồng chí, đồng chí có thể không nể mặt Thủ tướng chăng?”

“Gặp thủ tướng, tôi vẫn cứ có khó khăn”. Hàn Tiên Sở nói: “Vương Kiến An là cấp trên cũ của tôi! Các đồng chí cũ nhiều, tôi cũng sẽ khó làm việc”.

Điều mà Hàn Tiên Sở nói là thực lòng. Thời kỳ Hồng quân, Vương Kiến An là Chính ủy quân đoàn, còn Hàn Tiên Sở lúc ấy là Sư đoàn trưởng. Ai ngờ sau khi gặp Chu Ân Lai nói chuyện, Hàn Tiên Sở đã vui vẻ đồng ý. Thế là Quân khu Phúc Châu lại thêm một Thượng tướng Phó Tư lệnh.

Thượng tướng Lý Chí Dân giữ chức Chủ nhiệm Cục chính trị thời kỳ Hồng quân, sau khi được trở lại công tác, cũng đến Quân khu Phúc Châu làm Chính ủy Quân khu.

Bốn vị Thượng tướng đã cùng đến với nhau là như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 10:09:39 pm »


3. Chu Ân Lai khéo léo điểm tên các tướng lĩnh.

Lúc ấy, trong tình hình chính trị tế nhị, công tác “giải phóng” các tướng lĩnh cao cấp trong quân đội trên cơ bản là Chu Ân Lai điểm tên người nào thì giải quyết người ấy. Cách điểm của Chu Ân Lai luôn rất khéo léo.

Một lần, Bộ Chính trị họp, Chu Ân Lai đột ngột hỏi Lý Đức Sinh và Điền Duy Tân một vấn đề: “Dương Dũng và Liêu Hán Sinh bị đánh đổ như thế nào?”

Lý Đức Sinh và Điền Duy Tân đưa mắt nhìn nhau, hai người cũng chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, đành phải thú thật: “Không biết”.

“Các đồng chí đi điều tra đi”. Chu Ân Lai bảo. Đó là nghệ thuật lãnh đạo của Chu Ân Lai, điểm tên đó nhưng không bao giờ vạch ra khuôn mẫu, kết luận do các đồng chí làm công tác cụ thể thông qua điều tra nghiên cứu đưa ra.

Tổng cục Chính trị lập tức cử người đi điều tra.

Thượng tướng Dương Dũng và Trung tướng Liêu Hán Sinh đang giữ chức tư lệnh và chính ủy Quân khu Bắc Kinh, đầu thời kỳ cách mạng văn hoá không hiểu vì sao lại bị đánh đổ. Được Chu Ân Lai điểm tên, công việc “giải phóng” hai vị tướng này tuy có vấp váp nhưng cuối cùng cũng được giải quyết.

Sau khi Liêu Hán Sinh được phục hồi lần lượt đảm nhiệm Chính ủy Viện Khoa học Quân sự, Chính ủy thứ nhất Quân khu Nam Kinh, Chính ủy thứ nhất Quân khu Thẩm Dương, còn đảm nhiệm Phó ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Phó chủ tịch Quốc hội - N.D.)

Tướng Dương Dũng sau khi được phục hồi, cũng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Quân khu. Do sự rộng lượng của ông, làm cho kết luận về ông phải lật đi lật lại, nhưng từ đó cũng thể hiện tấm lòng yêu quý cán bộ của Chu Ân Lai.

Khi tướng Dương Dũng bị đánh đổ, Lâm Bưu và đồng bọn thổi phồng thành vấn đề đường lối chính trị, thậm chí lấy cả những chuyện của tham mưu, trưởng phòng, những người dưới quyền của Dương Dũng gắn vào tội của Dương Dũng.

Sau khi kết luận về việc thẩm tra Dương Dũng của Tổng cục Chính trị đưa ra, Chu Ân Lai đã phê: “Đề nghị đồng chí Điền Duy Tân nói chuyện với đồng chí Dương Dũng, trưng cầu ý kiến của bản thân đồng chí Dương Dũng đối với những kết luận này”.

Điền Duy Tân đích thân đến nơi ở của Dương Dũng, trưng cầu ý kiến của Dương Dũng đối với các kết luận. Dương Dũng nói một cách rất độ lượng: “Kết luận của Tổng cục Chính trị, tôi không có ý kiến”. Điền Duy Tân nói: “Kết luận là do chúng tôi nêu ra, nhưng chúng tôi không hiểu rõ lắm về tình hình của anh, nên Thủ tướng bảo tôi trao đối với anh, anh có ý kiến gì, Thủ tướng sẽ rất coi trọng!” Dương Dũng vẫn nói: “Kết luận của Tổng cục Chính trị tôi không có ý kiến”.

Sau khi đưa ra kết luận, Dương Dũng phải đợi nửa năm, mới được điều đến làm Phó Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương. Ít lâu sau, Trung ương lại điều Dương Dũng đến làm Tư lệnh Quân khu Tân Cương. Sau khi Dương Dũng nhậm chức, trên kết luận đối với Dương Dũng, Chu Ân Lai một lần nữa lại ghi: “Đồng chí Điền Duy Tân, kết luận của chúng ta đối với Dương Dũng hình như hơi nghiêm quá, đề nghị đồng chí trưng cầu ý kiến đồng chí Dương Dũng một lần nữa”.

Mặc dù lời phê của Chu Ân Lai rất êm dịu nhưng Điền Duy Tân cảm thấy rất rõ trọng lượng của nó. Một lần nữa ông lại cùng một trưởng phòng của Tổng cục Chính trị đến thăm Dương Dũng ở khách sạn Kinh Tây. Không ngờ Dương Dũng vẫn nói là không có ý kiến gì. Điền Duy Tân lại phải thuyết phục hồi lâu, Dương Dũng mới nói, trong kết luận có nói đến một vấn đề, là một trưởng phòng làm nhưng mình là người có trách nhiệm lãnh đạo. “Viết sự việc này lên đầu tôi cũng được”.

Trung tướng Ngô Khắc Hoa là chiến sĩ hồng quân cũ tham gia cách mạng từ năm 1929. Vào đầu thời kỳ cách mạng văn hóa, ông bị đánh đổ khi đang là Tư lệnh Pháo binh và mất tích.

“Ngô Khắc Hoa đi đâu rồi?” Chu Ân Lai hỏi, khi Bộ Chính trị thảo luận về việc thực hiện chính sách cán bộ.

Tổng cục Chính trị căn cứ vào chỉ thị của Chu Ân Lai, lập tức triển khai điều tra. Nhưng cán bộ của Bộ Tư lệnh Pháo binh và một số nhóm tạo phản đều nói là không biết. Về sau có một trợ lý nói: “Ngô Khắc Hoa bị giam bí mật dưới một hầm ngầm”.

Biết được manh mối, nhưng lại có một vấn đề khó được đặt ra, làm thế nào để đón Ngô Khắc Hoa an toàn? Vì Tổng cục Chính trị không nắm được chứng cứ trực tiếp. Nhỡ bọn giam giữ Ngô Khắc Hoa biết tin sẽ từ chối không giao hoặc chuyển chỗ giam, như vậy sẽ làm cho vấn đề trở nên phức tạp.

Lý Đức Sinh nghe báo cáo xong, bỗng nảy ra sáng kiến, ông viết ngay một mệnh lệnh: “Đưa ra xét hỏi Ngô Khắc Hoa” và ra lệnh cho cục Bảo vệ Tổng cục Chính trị ngay đêm ấy phải đi đưa Ngô Khắc Hoa về. Bọn giam giữ Ngô Khắc Hoa, vừa thấy lệnh viết tay của Lý Đức Sinh, cho là Tổng cục Chính trị có cùng quan điểm với họ, thoải mái dẫn Ngô Khắc Hoa ra giao cho chiến sĩ bảo vệ.

Người đã được đưa đến, nhưng lại có chuyện hiểu lầm.

Chiến sĩ bảo vệ đưa Ngô Khắc Hoa đến một phòng khách ở khách sạn Kinh Tây, báo với Chủ nhiệm Lý Đức Sinh và Phó Chủ nhiệm Điền Duy Tân đang ngồi trên ghế xa lông: “Báo cáo thủ trưởng, Ngô Khắc Hoa đã được dẫn tới”.

Lý Đức Sinh khoát tay ra hiệu: “Biết rồi!” Chiến sĩ bảo vệ liền đi ra. Lý Đức Sinh nhổm người ra xa-lông: “Đồng chí Ngô Khắc Hoa mời ngồi”.

Tướng Ngô Khắc Hoa nghe nói lại phải “đưa ra xét xử” cho là mình lại bị hỏi cung, ông không hề nhận ra sự thay đổi trong khẩu khí và sử dụng từ của Lý Đức Sinh nên không dám ngồi.

Lý Đức Sinh biết Ngô Khắc Hoa hiểu lầm, liền giải thích: “Đồng chí Ngô Khắc Hoa, chúng tôi theo lệnh của Thủ tướng Chu Ân Lai đến tìm đồng chí nói chuyện”.

Ngô Khắc Hoa vẫn không dám tin sự thay đổi to lớn đầy kịch tính này. Từ “đưa ra xét hỏi” bỗng biến thành cuộc nói chuyện giữa các đồng chí. Mấy năm cách mạng văn hóa bị phê phán bị đấu tố, bị lừa quá nhiều, nên nhất thời ông phản ứng không kịp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 10:10:00 pm »


Thấy đêm đã khuya, lại thấy Ngô Khắc Hoa rõ ràng là chưa thể thích ứng với sự biến đổi đột ngột trái ngược hẳn nhau trong một thời gian ngắn. Lý Đức Sinh đành phải chờ đợi, ông mời Ngô Khắc Hoa ăn cơm tối, rồi nghỉ ngơi, sau đó sẽ nói chuyện... Trải qua mấy lần trắc trở, cuối cùng Ngô Khắc Hoa đã được “giải phóng”. Sau khi được phục hồi, ông đã lần lượt nhận chức Tư lệnh bộ đội Đường sắt, Tư lệnh Quân khu Thành Đô, Tư lệnh Quân khu U-rum-xi (Ô Lỗ Mộc Tề - N.D.) và Tư lệnh Quân khu Quảng Châu.

Lại có cuộc họp của Bộ Chính trị, Chu Ân Lai hỏi: “Tần Cơ Vĩ, Lý Thành Phương đi đâu rồi?”.

Tần Cơ Vĩ và Lý Thành Phương đều là chiến sĩ cũ của Phương diện quân thứ 4, đều đã đảm nhiệm chức vụ Quân đoàn trưởng của Đại quân Lưu (Bá Thừa) Đặng (Tiểu Bình) và bộ đội chí nguyện quân, đều được phong quân hàm Trung tướng năm 1955. Thời kỳ đầu cách mạng văn hóa Tần Cơ Vĩ là Tư lệnh Quân khu Côn Minh, Lý Thành Phương là Chính ủy.

Sau khi Nguyên soái Hạ Long bị hãm hại, Tần Cơ ẫi và Lý Thành Phương lập tức bị bắt giam.

Tần Cơ Vĩ là một dũng tướng, chiến công hiển hách, chiến dịch Thượng Cam Lĩnh trong thời kỳ kháng Mỹ viện Triều là do ông chỉ huy.

Để đánh đổ dũng tướng Tần Cơ Vĩ, Lâm Bưu và đồng bọn rêu rao khắp nơi rằng Tần Cơ Vĩ là người của Hạ Long.

Nếu cố lôi ra một quan hệ gì đó giữa Nguyên soái Hạ Long và Tướng Tần Cơ Vĩ thì đó là sau khi chí nguyện quân về nước, Tần Cơ Vĩ lần lượt nhậm chức Phó Tư lệnh Quân khu Vân Nam, Phó Tư lệnh Quân khu Côn Minh, Tư lệnh Quân khu Côn Minh, mà quân khu Côn Minh là một trong hai quân khu sau khi xóa bỏ Quân khu Tây Nam vào thời kỳ đầu mới dựng nước để xây dựng thành hai quân khu (một quân khu khác là Quân khu Thành Đô) do Nguyên soái Hạ Long làm Tư lệnh Quân khu Tây Nam.

Điền Duy Tân báo cáo tình hình điều tra với Chu Ân Lai khi nói đến tình hình Tần Cơ Vĩ và Lý Thành Phương bị đánh đổ, Chu Ân Lai chỉ rõ: “Vậy là cả một nồi, Quân khu có 6 người lãnh đạo chủ yếu đều bị cách chức”.

Điền Duy Tân báo cáo: “Theo tình hình điều tra mà chúng tôi nắm được thì Tân Cơ Vĩ bị giam ở Hồ Nam, do Quân khu Quảng Châu phụ trách. Tình hình cụ thể vẫn chưa rõ lắm”.

Chu Ân Lai chỉ thị ngay: “Điều đồng chí ấy về!”.

Sau khi Tần Cơ Vĩ về tới Bắc Kinh, ở trong chiêu đãi sở thứ nhất của kho vận tải biển Kinh Đông. Lúc ấy lầu phía sau chiêu đãi sở này trở thành nơi ở của các tướng lĩnh vừa được “giải phóng”. Các tướng lĩnh đã được trả lại tự do, có thể đi chơi đây đó, thăm người thân, bè bạn.

Một hôm, Chu Ân Lai thông báo cho Điền Duy Tân biết, ông muốn gặp Tần Cơ Vĩ. Lúc này Tổng cục Chính trị chưa có kết luận về Tần Cơ Vĩ, việc sắp xếp công tác cho Tần Cơ Vĩ vẫn chưa định. Trong ấn tượng của Điền Duy Tân, Chu Ân Lai hẹn gặp một vị tướng vẫn chưa có kết luận thì chỉ có một mình Tần Cơ Vĩ.

Sau khi nhận được chỉ thị của Chu Ân Lai, Điền Duy Tân lập tức gọi điện thoại đến chiêu đãi sở, nhân viên phục vụ ở lầu phía sau đáp là Tần Cơ Vĩ đi dạo. Điền Duy Tân bảo nhân viên phục vụ: “Đồng chí đi tìm ngay Tư lệnh Tần bảo đồng chí ấy gọi điện thoại ngay cho tôi, Thủ tướng muốn gặp đồng chí ấy”.

Một lúc sau, điện thoại của Tần Cơ Vĩ gọi đến. Ông nghe nói Thủ tướng Chu Ân Lai muốn gặp ông, nên rất xúc động, nói trong điện thoại: “Thủ tướng muốn gặp tôi, tôi mặc quần áo gì?” Điền Duy Tân đáp: “Mặc quân phục”. Tần Cơ Vĩ hỏi: “Vậy tôi có đeo phù hiệu không?” Điền Duy Tân đáp: “Tất nhiên là đeo”.

Quân trang và nhất là phù hiệu là tiêu chí của một quân nhân. Nhưng Tần Cơ Vĩ bị bức hại 7 năm trong cách mạng văn hóa bị tước mất quyền đeo phù hiệu 7 năm. Lúc này ông vừa mới được khôi phục tự do nhưng vẫn chưa được khôi phục công tác. Vì vậy ông không thể không hỏi việc này.

Điền Duy Tân sau khi đưa Tần Cơ Vĩ vào văn phòng của Chu Ân Lai liền đi ngay. Chu Ân Lai và Tần Cơ Vĩ nói chuyện riêng rất lâu.

Sau khi thực hiện chính sách, Lý Thành Phương được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cơ giới thứ 5. Tần Cơ Vĩ lần lượt giữ chức Tư lệnh Quân khu Thành Đô, Chính ủy thứ hai, Chính ủy thứ nhất rồi Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, sau này là Bộ trưởng Quốc phòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 10:17:55 pm »


4. “Bọn bốn tên” chống lại

Việc “giải phóng” các tướng soái cũ, trên đại thể có một trình tự làm việc.

Bước thứ nhất, do Tổng cục Chính trị thẩm tra phân biệt các kết luận mà trước đây đã làm khi đánh đổ các tướng lĩnh cũ, xác nhận những điều gì là bịa đặt, điều gì là đảo lộn trắng đen, điều gì là quy chụp chính trị.

Sau đó, Tổng cục Chính trị đưa ra kết luận thẩm tra, còn phải được ý kiến nhất trí trên đại thể của đơn vị cũ nơi vị tướng ấy bị đánh đổ.

Khâu khó nhất là Bộ Chính trị, theo quy định, mỗi một tướng lĩnh được “giải phóng” cuối cùng đều phải được Bộ Chính trị thảo luận thông qua.

Hội nghị Bộ Chính trị thường họp từ 7 giờ rưỡi tối, mỗi lần họp thông thường thảo luận kết luận thẩm tra về 4 tướng lĩnh. Mỗi một vị tướng đều có một tập hồ sơ bao gồm quá trình của bản thân, tình hình bị đánh đổ, xem xét giám định tốt xấu, kết luận thẩm tra của Tổng cục Chính trị. Cá biệt còn phụ thêm tài liệu chứng minh cần thiết. Những tài liệu này đều phân phát cho mỗi ủy viên Bộ Chính trị đến dự hội nghị một bản, trước khi thảo luận phải đọc trước một lượt. Cho nên mỗi lần Bộ Chính trị thảo luận về việc “giải phóng” các tướng lĩnh cũ, Điền Duy Tân đều phải xách một gói lớn đem vào hội trường.

Hồi ấy, các cuộc họp Bộ Chính trị đều do Chu Ân Lai chủ trì. Sau khi tài liệu phát xong, Chu Ân Lai tuyên bố: “Mọi người đọc trước tài liệu”.

Khi Điền Duy Tân nói về các tài liệu, những người chống lại đều là “bọn bốn tên”, ghê gớm nhất là Giang Thanh và Trương Xuân Kiều.

Thế là, Hội nghị bắt đầu họp từ 7 giờ rưỡi tối, thường thường đến 12 giờ đêm cũng không kết thúc được, thường sau bữa ăn đêm thảo luận mãi cho đến 3 giờ sáng mới kết thúc.

Điền Duy Tân nhớ lại: “Trong Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận vấn đề giải phóng các tướng lĩnh cũ tranh luận rất gay gắt, thời gian dài dằng dặc, quả thật là đã làm cho người ta khó mà chịu đựng. Về sau tranh luận với Giang Thanh nhiều lần rồi cũng quen, không sợ nữa, chẳng qua cũng chỉ thêm mấy cái mũ thôi”.

Trong ký ức của các vị tướng lĩnh cũ, Chu Ân Lai chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị như vậy, nói rất ít, chỉ nói một hai câu ở chỗ then chốt. Có điều chỉ với một hai câu ông nói ra, Giang Thanh và đồng bọn không thể cãi lại được, sự việc đã được định đoạt. Chu Ân Lai tuy nói không nhiều, nhưng thái độ đối với từng người rõ như mười đầu ngón tay. Một vấn đề nào đó, ông cảm thấy cần ai ủng hộ, liền kịp thời điểm tên “Kiếm Anh ý đồng chí thế nào?”

Chu Ân Lai chưa bao giờ công khai tranh luận với Giang Thanh trong hội nghị. Nhưng nếu Giang Thanh vu cáo quá mức, mũ chụp quá nhiều thì Chu Ân Lai kịp thời đứng ra nói. Ông thường dùng lời lẽ ngắn gọn sáng sủa, nói lại đầu đuôi ngọn ngành của sự việc một lượt, sau đó hỏi lại một câu: “Việc này có thể chụp cái mũ này được không?” Mỗi khi Chu Ân Lai hỏi lại, Giang Thanh thường ngậm tăm không nói.

Nếu gặp một cán bộ nào được “giải phóng” mà thực sự có khuyết điểm sai lầm, thì Giang Thanh và đồng bọn, nhân cơ hội để quy chụp. Lúc này Chu Ân Lai thường nói mấy câu: “Đây không thể coi là sai lầm được, đây là vấn đề trong công tác, ai cũng sẽ có vấn đề như vậy”. Vài câu nhẹ nhàng, đem những chiếc mũ lớn của Giang Thanh và đồng bọn ung dung hất trả lại bọn chúng.

Đến khi ý kiến của mọi người đã phát biểu hòm hòm, Chu Ân Lai còn hỏi thêm một câu: “Các đồng chí còn ý kiến gì không?” Nếu không có người phát biểu ý kiến Chu Ân Lai mới tuyên bố: “Việc này sẽ như thế”. Sau đó lại chuyển sang thảo luận vấn đề “giải phóng” của vị tướng tiếp sau.

Do sự chống đối của Giang Thanh và đồng bọn, việc “giải phóng” cho 175 vị tướng khi thảo luận trong Bộ Chính trị chẳng có mấy người được thuận lợi. Trong ký ức của Điền Duy Tân, tướng Nhan Kim Sinh là một người tương đối thuận lợi, nhưng cũng phải vượt qua ba cửa ải do Giang Thanh dựng lên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 10:18:14 pm »


Thiếu tướng Nhan Kim Sinh là người huyện Trà Lăng tỉnh Hồ Nam, năm 1932 tham gia Hồng quân công nông Trung Quốc. Sau khi thành lập nước, đã lần lượt đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Pháo binh của Quân khu Tây Bắc, Chính ủy Quân đoàn Quân chí nguyện nhân dân Trung Quốc, Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu Vũ Hán, không lâu trước khi cách mạng văn hóa bắt đầu, ông chuyển ngành làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa Quốc vụ viện.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa sao lại do Tổng cục Chính trị thẩm tra để “giải phóng”.

Điền Duy Tân giới thiệu trong Hội nghị Bộ Chính trị: “Nhan Kim Sinh là cán bộ quân đội chuyển ngành, thời gian công tác ở Bộ Văn hóa không nhiều, không có sai lầm gì”.

Lý do chỉ có một câu, thời gian đến công tác ở Bộ Văn hoá không nhiều. Thực ra, hệ thống Bộ Văn hóa lúc ấy, bị khống chế trong tay Giang Thanh và đồng bọn. Điều Nhan Kim Sinh ra khỏi hệ thống Bộ Văn hóa, do quân đội sắp xếp như vậy là thoát khỏi nanh vuốt của Giang Thanh và đồng bọn. Đây là một nước cờ tuyệt vời trong việc “giải phóng” các tướng lĩnh của Chu Ân Lai.

Giang Thanh vừa nghe thấy đã chống lại: “Nhan Kim Sinh có sai lầm, ông ta đã thực hiện đường lối văn nghệ tư sản”.

Điền Duy Tân nói: “Nhan Kim Sinh là cán bộ công nông, chữ biết không nhiều, không thể đưa ra một đường lối văn nghệ gì được”. Câu nói ấy có căn cứ. Trên tài liệu phát cho các ủy viên Bộ Chính trị viết rõ ràng: Nhan Kim Sinh, sinh năm 1918, năm 1932, 14 tuổi gia nhập Quân đội Nhân dân, ông ta có thể học được mấy năm?!

Nguyên soái Chu Đức vừa nghe thấy Giang Thanh gây sự một cách vô lý, nói một cách từ tốn: “Nhan Kim Sinh chẳng biết mấy chữ to đâu”. Tổng tư lệnh nói vài câu cho tướng lĩnh, một lời bằng chín đỉnh, Giang Thanh bỗng câm bặt.

Có thể thấy là cửa này đã qua, Điền Duy Tân lại giới thiệu: “Chuẩn bị cử đồng chí Nhan Kim Sinh đến Thiểm Tây...”

Chưa dứt lời, Giang Thanh đã phản đối: “Đồng chí để cho Nhan Kim Sinh đến Thiểm Tây thuộc Phương diện quân thứ 2, để kết bè kéo cánh hẳn. Không nên cử ông ta đến Tây Nam, nên cử ông ta đến Đông Nam”.

Bản thân Giang Thanh kết bè kéo cánh, nên đã lấy việc “kết bè kéo cánh” để đánh giá người khác.

Để đối phó với lòng dạ đố kỵ đó, Điền Duy Tân nói: “Tư lệnh Quân khu Thiểm Tây, Hoàng Kinh Dược là Phó tư lệnh Quân khu tỉnh Hắc Long Giang được điều đến đây”.

Lý Đức Sinh nói: “Hiện nay tình hình đã có sự thay đổi rất lớn, các đồng chí thuộc Phương diện quân thứ 2 ở Thiểm Tây đã không còn nhiều”.

Trải qua một hồi giải thích như vậy, việc đi Tây Bắc của Nhan Kim Sinh mới được thông qua.

Giang Thanh lại phản đối một lần nữa: “Ông ta phạm sai lầm lớn như vậy, giữ chức trưởng là không thích hợp”. Đây là lần thứ ba Giang Thanh chống đối.

Điền Duy Tân nói: “Quân khu Thiểm Tây vốn có một chính ủy. Cử đồng chí Nhan Kim Sinh đến Thiểm Tây là tính đến việc cử đồng chí ấy quan lý các xí nghiệp quân sự. Hiện nay đang chuẩn bị đối phó với chiến tranh. Xí nghiệp quốc phòng ở Quân khu Thiểm Tây rất nhiều”.

Nguyên soái Diệp Kiếm Anh cũng phát biểu: “Hiện nay phải chuẩn bị đối phó với chiến tranh, đạn, pháo đều rất thiếu, cần phải khẩn trương nắm thật tốt”.

Cuối cùng Chu Ân Lai tỏ thái độ: “Tôi thấy việc điều đồng chí Nhan Kim Sinh rút khỏi Bộ Văn hóa đến Thiểm Tây làm Chính ủy quản công nghiệp quân sự là thích hợp”.

Có tiếng nói quyết định của Chu Ân Lai, nên việc của Nhan Kim Sinh coi như trót lọt.

Trải qua hơn một năm làm việc gian nan căng thẳng, 175 vị tướng lĩnh cao cấp bị đánh đổ trong toàn quân cuối cùng đã được “giải phóng” toàn bộ, lại trở lại cương vị lãnh đạo. Chu Ân Lai đã dốc hết tâm huyết vào việc này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 10:22:14 pm »


5. Tôi đã mời các vị lãnh dạo cấp trên của các đồng chí trở về

Ngày 12 tháng 12 năm 1973, Mao Trạch Đông chủ trì cuộc hội nghị Bộ Chính trị. Hội nghị họp tại thư phòng kiêm phòng khách của Mao Thạch Đông.

Mao Trạch Đông đề nghị các ủy viên Bộ Chính trị có mặt hát “Ba điều kỷ luật, tám điểm chú ý”.

Thế là, các ủy viên Bộ Chính trị cùng hát: “Mỗi một quân nhân đều phải nhớ kỹ, ba điều kỷ luật tám điểm chú ý, thứ nhất, tất cả mọi hành động phải nghe chỉ huy, hành động nhất trí mới có thể thắng lợi...”

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 2 khóa 9, khi họp hoặc tiếp kiến cấp dưới, Mao Trạch Đông không chỉ một lần, cùng những người lãnh đạo Trung ương và địa phương hát bài này. Mao Trạch Đông hy vọng toàn Đảng hành động nhất trí, trước tiên là Bộ Chính trị phải nhất trí. Thực ra ở thời kỳ rối loạn ấy, đừng nói đến toàn Đảng hành động nhất trí mà hành động của Bộ Chính trị cũng khó mà nhất trí mặc dù trước mặt Mao Trạch Đông cùng hát, nhưng chỉ nhất trí trên ca từ mà thôi.

Hát xong, Mao Trạch Đông lại nói: “Trâu bò mọc sừng để làm gì? Chẳng qua là để húc nhau!”. Mao Trạch Đông chủ trương đấu tranh triết học.

“Một người làm việc lâu ở một nơi thì không được. Làm lâu rồi sẽ ranh mãnh!” Đó là nói về Tư lệnh của Đại quân khu. Ông cho rằng một người ngồi trấn lâu ở một chỗ, đến 20 năm, sẽ xuất hiện nhân tố tiêu cực.

Dừng lại trong chốc lát, Mao Trạch Đông tuyên bố quyết định quan trọng. Ông chỉ vào Đặng Tiểu Bình vừa mới được phục hồi. “Bây giờ, mời một quân sư, tên là Đặng Tiểu Bình. Ra một thông báo làm ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Quân ủy, Bộ Chính trị quản lý tất cả Đảng, chính quyền, quân đội, dân chúng, học sinh, Đông Nam Tây Bắc giữa. Tôi muốn Bộ Chính trị thêm một Tổng thư ký, đồng chí không cần danh nghĩa này, vậy thì làm Tham mưu trưởng vậy”.

Các ủy viên Bộ Chính trị lặng lẽ ngồi nghe, từ nét mặt của họ, hình như không thấy có biểu hiện gì khác nhau về quyết định mà Mao Trạch Đông vừa công bố, nhưng trong lòng họ thì có người vỗ tay thích thú, có người lại giậm chân tức giận.

“Bây giờ chúng ta mời một Tham mưu trưởng. Về đồng chí này, có một số người sợ đồng chí ấy, nhưng đồng chí ấy làm việc tương đối quyết đoán. Cuộc đời của đồng chí ấy đại khái là ba chìm bảy nổi. Là cấp trên của các đồng chí, tôi đã mời về. Bộ Chính trị đã mời về, không phải là một mình tôi mời về”.

Mao Trạch Đông lại quay người nói với Đặng Tiểu Bình: “Đồng chí thế nào, người ta hơi sợ đồng chí, tôi tặng đồng chí hai câu, trong nhu có cương, trong tơ mềm phải có kim nhọn, bề ngoài mềm mỏng một chút, bên trong là công ty gang thép. Khuyết điểm trước đây sửa chữa dần dần”.

Câu này chẳng thà nói là phê bình còn hơn nói là ca ngợi.

Mao Trạch Đông nói chuyện thường là mạn đàm, đề tài câu chuyện rất rộng, nhưng luôn luôn quán xuyến quan điểm và tư tưởng mà ông muốn nói rõ. Bây giờ ông lại đổi sang đề tài khác.

“Bây giờ nhiều người coi thường đoàn nhi đồng, tôi cũng từ đoàn nhi đồng đến, các đồng chí cũng thế”. Mao Trạch Đông vừa nói vừa nhìn khắp lượt những người có mặt, “thời kỳ thanh niên ấy của các đồng chí mười mấy tuổi, hai mươi mấy tuổi đã tài giỏi như thế, tôi thì không tin”. Ông nhấn mạnh không nên coi thường lớp trẻ.

Căn cứ vào quyết định của Bộ Chính trị, Trung ương triệu tập Hội nghị tư lệnh 8 đại quân khu chuyển đổi lẫn nhau. Ngày 20 tháng 12 năm 1973, Mao Trạch Đông đã tiếp kiến toàn thể tướng lĩnh cao cấp tham gia hội nghị.

Mao Trạch Đông ngồi giữa thư phòng, ngồi bên trái là Tổng Tư lệnh Chu Đức, ngồi bên phải là Đặng Tiểu Bình vừa tham gia công tác quân ủy, Chu Ân Lai, Giang Thanh, v.v... và mấy ủy viên Bộ Chính trị lần lượt đứng sau phía bên phải Mao Trạch Đông. Vương Hải Dung đứng phía sau bên trái làm “phiên dịch” cho Mao Trạch Đông, dịch những câu phương ngôn ra tiếng phổ thông.

Cuộc tiếp kiến bắt đầu, Mao Trạch Đông vỗ vai Chu Đức: “Đây là vị Tư lệnh giỏi, đây là vị Tư lệnh đỏ của chúng ta, không phải là Tư lệnh đen”.

Sau khi Mao Trạch Đông nói mấy câu ngắn gọn, liền nắm tay trò chuyện với bốn vị tướng lĩnh cao cấp Tiêu Kình Quang, Trần Sĩ Củ, Điền Duy Tân và Mã Ninh.

Người thứ nhất là Đại tướng Tiêu Kình Quang, Tư lệnh Hải quân, Mao Trạch Đông bắt tay Tiêu Kình Quang hỏi: “Khỏe không?”


Khi bắt tay Thượng tướng Trần Sĩ Củ, Mao Trạch Đông hỏi: “Sức khỏe thế nào”. Trần Sĩ Củ đứng nghiêm đáp: “Nhờ phúc của Chủ tịch, sức khỏe vẫn tốt”.

“Những người từ tỉnh Cương Sơn về không còn nhiều nữa”. Mao Trạch Đông cảm thán.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 10:22:39 pm »


Người thứ ba Mao Trạch Đông bắt tay là Thiếu tướng Điền Duy Tân Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Mao Trạch Đông hỏi: “Đồng chí Điền Duy Tân, đồng chí là người ở đâu?”

“Người Đông A, Sơn Đông”. Điền Duy Tân đáp.

“Tào Thực chôn ở chỗ nào?” Mao Trạch Đông lại hỏi.

“Ngư Sơn ạ!” Điền Duy Tân vừa trả lời, vừa nghĩ Chủ tịch có chuẩn bị!

Mao Trạch Đông lại hỏi: “Bên trái có cái hồ, là hồ gì?”

Điền Duy Tân ngẫm nghĩ đáp: “A, nói đến hồ, thì cách Ngư Sơn còn xa, là hồ Đông Bình ạ!”

“Ồ, vậy thì đúng rồi!” Mao Trạch Đông hỏi thử xong, lại chuyển sang ý khác: “Tổng cục Chính trị sẽ giao cho đồng chí phụ trách!”.

Nghe Mao Trạch Đông nói, Điền Duy Tân không có một chút chuẩn bị nào, cảm thấy rất đột ngột. Có điều ông vẫn nhanh chóng có phản ứng: “Đồng chí Đức Sinh đi rồi, Tổng cục Chính trị chỉ còn một mình tôi là Phó Chủ nhiệm, để tôi tiếp tục ở lại công tác ở Tổng cục Chính trị là cần thiết. Xin Chủ tịch cử chủ nhiệm”. “Không, đồng chí sẽ phụ trách!” Mao Trạch Đông nói với một giọng rất rõ ràng.

Điền Duy Tân nói: “Quá trình công tác và kinh nghiệm của tôi đều không đủ, vẫn mong Chủ tịch cử một chủ nhiệm!”.

Mao Trạch Đông không trả lời nữa, bắt đầu bắt tay và nói chuyện với vị tướng thứ tư, Tư lệnh Không quân Mã Ninh.

Sau khi nói chuyện một cách dí dỏm với Mã Ninh, Mao Trạch Đông lại một lần nữa bắt đầu nói chuyện với mọi người. Ông hỏi Hứa Thế Hữu ngồi ở hàng đầu: “Tôi bảo đồng chí đọc “Hồng Lâu mộng”, đồng chí đã đọc chưa?”

“Đọc rồi ạ!” - Hứa Thế Hữu trả lời rất dứt khoát.

“Đọc mấy lần rồi?”

“Đọc một lần ạ!”

“Một lần chưa đủ, phải đọc ba lần”. Mao Trạch Đông thuận miệng đọc một đoạn dài trong Chương thứ nhất của “Hồng Lâu mộng”.

Từ khi khi Mao Trạch Đông yêu cầu Hứa Thế Hữu đọc “Hồng Lâu mộng”, hầu như các tướng lĩnh có mặt đều đã đọc bộ tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng này. Nhưng, bất kể là người công tác quân sự, hay người công tác chính trị, chẳng có ai có thể đọc một đoạn dài trong “Hồng Lâu mộng”. Vậy mà Mao Trạch Đông đã 80 tuổi vẫn đọc thuộc một đoạn dài trong “Hồng Lâu mộng”, làm cho các tướng lĩnh ai ai cũng phải thán phục.

Đọc xong “Hồng Lâu mộng” Mao Trạch Đông còn bảo Hứa Thế Hữu học Chu Bột. Chu Bột là một danh tướng dưới quyền của Lưu Bang trong những năm đầu thời Tây Hán là cột trụ diệt Lữ Hậu giữ yến cho họ Lưu sau khi Lưu Bang chết.

Sáng hôm sau, hội nghị chia tổ thảo luận.

Điền Duy Tân được chia vào tổ có Chu Ân Lai. Tham gia thảo luận ở tổ này có Kỷ Đăng Khuê cùng Tư lệnh và Chính ủy ba đại quân khu Bắc Kinh, Nam Kinh, Thẩm Dương cùng với Đường Văn Sinh, Vương Hải Dung và Mao Viễn Tân v. v...

Khi thảo luận kết thúc, Kỷ Đăng Khuê ủy viên Bộ Chính trị chủ quản công tác tổ chức lúc ấy hỏi Chu Ân Lai: “Mệnh lệnh viết thế nào?” Chu Ân Lai chỉ vào Điền Duy Tân: “Đồng chí hỏi Điền Duy Tân”. Nói xong đi ngay.

Điền Duy Tân bảo: “Tôi cũng chưa trải qua việc chuyển đổi tư lệnh các đại quân khu”.

“Vậy sáng mai hội ý ở phòng Hà Bắc”. Kỷ Đăng Khuê nói.

Sáng hôm sau, Kỷ Đăng Khuê, Quách Ngọc Phong (Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng), Điền Duy Tân v.v… đến phòng Hà Bắc tại Đại lễ đường Nhân dân khởi thảo mệnh lệnh chuyển đổi các tư lệnh 8 đại quân khu.

Buổi chiều hôm ấy, Bộ Chính trị họp thảo luận việc bổ nhiệm và miễn nhiệm. Mặc dù trước đó Mao Trạch Đông đã tỏ thái độ. Chu Ân Lai chủ trì công việc hằng ngày của Bộ Chính trị và Diệp Kiếm Anh chủ trì công tác Quân ủy Trung ương đều đã ủng hộ Điền Duy Tân giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tại hội nghị. Nhưng Giang Thanh và đồng bọn kiên quyết phản đối, đồng thời đề cử Trương Xuân Kiều là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ngày 5 tháng 1 năm 1975, Văn kiện số 1 (1975) của “Trung ương Đảng bổ nhiệm Đặng Tiểu Bình làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Tổng Tham mưu trưởng, bổ nhiệm Trương Xuân Kiều làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 10:16:16 am »


Chương II
CUỘC CHIẾN SỐNG MÁI



1
Chu Ân Lai biến mất, Mao Trạch Đông trở mặt
Cuộc gặp đặc biệt làm Trương, Vương hớn hở vui mừng


1. Thủ tướng đột ngột biến mất

Mặt trời lặng lẽ chiếu những tia nắng ấm áp vào khu nhà Tây Hoa Sảnh yên tĩnh và cũ kỹ trong Trung Nam Hải. Gió đã ngừng từ lâu, mây cũng ngừng trôi. Tựa hồ như vạn vật không sinh mệnh đều có linh tính lo ngại cho chủ nhân Tây Hoa Sảnh chưa bao giờ biết mệt mỏi nhưng đã rất mệt mỏi ấy.

Ông đã già, gày gò, hốc hác. Tóc mai của ông đã bạc, trên mặt, trên tay đã sinh ra rất nhiều chấm đồi mồi của người già. Cuộc “đại cách mạng văn hóa” dây dưa mãi không xong đã làm ông cạn kiệt hết tâm sức, làm tâm lực ông mệt nhọc quá độ. Giai điệu của cuộc đời ông đã gần đến phần cuối. Ông bị bệnh ung thư.

Đầu năm 1972, có lẽ là còn sớm hơn một chút, Chu Ân Lai đi ngoài ra máu. Từ đó, Chu Ân Lai càng ra sức làm việc ngày đêm. Mỗi ngày ngủ nhiều thì ba bốn tiếng, ít thì hai ba tiếng, thậm chí mấy chục tiếng đồng hồ không chợp mắt.

Bác sĩ khuyên ông đi kiểm tra toàn diện, nhưng ông không nghe. Ông nhìn bác sĩ với ánh mắt buồn rầu lặng lẽ, mang chút đăm chiêu và nỗi buồn man mác khẽ cầu khẩn: “Các đồng chí chớ vội, hãy để cho tôi qua thời gian bận bịu này đã. Hơn nữa, tìm ra bệnh ung thư thì cũng có cách gì chữa đâu. Tuổi tôi đã cao rồi, có thể làm việc được thêm ít ngày, giải quyết thêm được một số việc là được rồi”.

“Hãy để cho tôi qua thời gian bận bịu này đã”.

Thế nào là “hết bận bịu” thế nào là “một thời gian”...

Hôm ấy, Chu Ân Lai đã hơn 30 tiếng đồng hồ chưa được chợp mắt. Rốt cuộc đã xử lý được bao nhiêu văn kiện, tiếp được bao nhiêu người? E rằng thư ký cũng không rõ. Hơn 1 giờ đêm, hình như ông muốn nghỉ một chút, thư ký xem đồng hồ nhắc: “Thưa Thủ tướng, còn 14 phút nữa”.

“Ô, các đồng chí chuẩn bị, tôi đi cạo râu”. Thân thể ông hơi động đậy, rồi nhanh chóng hồi phục lại với những bước đi nhanh nhẹn vốn có. Một vệ sĩ khi mới đến làm nhiệm vụ ở bên cạnh Chu Ân Lai, Đặng Dĩnh Siêu luôn dặn một câu: “Ân Lai đi nhanh, các đồng chí nên chú ý, đừng rớt lại sau nhé”. Đúng như vậy, ông đi bộ thường làm cho người ta liên tưởng đến hành động quân sự khẩn cấp. Trước hết là vì sự sắp xếp hoạt động của ông hằng ngày đều rất chặt chẽ xít xao, thời gian tính từng giây từng phút. Khi một việc bị lỡ, sẽ liên quan tới mấy việc thậm chí mười mấy việc. Bây giờ Chu Ân Lai cạo râu, chứng tỏ có hoạt động ngoại vụ ông chú ý dáng vẻ gọn gàng sạch sẽ. Ông coi đó là sự lễ phép. Thời gian còn lại không nhiều, xem ra không kịp ăn cơm. Nhân viên công tác liền gọi điện thoại cho Lý Duy Tín người phụ trách công tác chiêu đãi.

Trước đây, hễ Chu Ân Lai không kịp ăn cơm, nhân viên công tác thường gọi điện cho Lý Duy Tín đề nghị anh ta chuẩn bị một cốc cháo bột ngô hoặc mấy chiếc bánh bao chay để ăn trên đường đi. Lần này do tình hình sức khỏe của Chu Ân Lai, họ đề nghị Lý Duy Tín làm một bát mì sợi. Tất nhiên, Chu Ân Lai ăn cơm uống trà ở bên ngoài đều trả tiền. Sau khi thành lập nước, những người lãnh đạo trung ương và các nhân viên công tác bên cạnh họ ở Trung Nam Hải đều đã từng nhiều lần kiểm điểm về các vấn đề này, nhưng Chu Ân Lai và những nhân viên công tác bên ông đều không có bất cứ một hiện tượng vi phạm nào.

Gọi xong điện thoại trở về, phòng ngoài phòng trong rối tung: Thủ tướng Chu đã “mất tích!”, mọi người khẩn trương tìm kiếm, bỗng có người nói: “Ôi giời, chẳng phải là Thủ tướng bảo phải cạo râu ư?”

Mọi người lập tức vào phòng rửa mặt, vừa mở cửa mọi người đều sững lại: Tay trái ông buông thõng, còn cầm chiếc khăn mặt, tay phải hơi khuỳnh, trong tay vẫn cầm hờ chiếc chổi bôi xà phòng và bàn cạo râu; ông không nói cũng không động đậy, hình như đã ngừng thở, ông đã ngủ nghiêng bên chiếc gương!

Khuôn mặt khôi ngô của ông đã từng làm cho mọi người Trung Quốc tự hào, bây giờ gày hóp vàng xạm, đôi môi vẫn lộ ra sự hiền lành nhân ái, nhưng hai mắt ông đã trũng sâu...

Đừng lên tiếng, mọi người đưa mắt nhìn nhau ra hiệu. Nhưng máu trong người họ cuộn trào, dâng lên tắc nghẹn nơi cổ họng. Họ chỉ có thể để cho những giọt nước mắt lăn trên gò má.

Phút chốc, đôi vai Chu Ân Lai động đậy, đôi mi nhấp nháy miệng bật ra một tiếng “Ôi chà!”, Chu Ân Lai đứng thẳng dậy sờ mặt rồi đi vội ra ngoài, vừa giơ tay xem đồng hồ, vừa lẩm bẩm: “Hỏng rồi, sao tôi lại ngủ được nhỉ, đến muộn mất rồi, đến muộn rồi, lần này là do tôi...”

“Thưa Thủ tướng!” Vệ sĩ vừa gọi vừa đuổi theo, nhưng không dám đến trước mặt mà chỉ theo sau, vì nước mắt anh đang chảy.

Đến Tân Lục Sở nơi tiếp khách, khuôn mặt vàng xạm của Chu Ân Lai đã như một kỳ tích biến thành hồng hào tươi vui của tuổi thanh xuân. Các nhân viên công tác từ lâu đã phát hiện ra một điều bí mật: chỉ có công việc mới làm cho Chu Ân Lai trẻ trung. Cuộc hội đàm bắt đầu. Đó là cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng từ 2 giờ sáng đến lúc mặt trời mọc...

Như vậy là, với tâm trạng cực kỳ bình tĩnh đón cái chết đến gần. Thực ra, có lẽ cái chết đối với ông là một sự giải thoát. Mấy chục năm làm việc không ngừng, trong sự rối loạn hết năm này qua năm khác, phải sống trong tình cảnh hiểm nguy phức tạp không có lấy một chút thư giãn con người, sự đả kích ngấm ngầm và công khai ở bên trong tầng lớp lãnh đạo cao nhất và lời phê bình không phải là ác ý nhưng lại làm cho người ta khó tiếp thu của người lãnh đạo cao nhất. Áp lực nặng nề về tinh thần chỉ có thể nhẫn nhục gánh chịu mà không có chỗ nào có thể thổ lộ tâm trạng đau khổ của mình... Tất cả những cái đó, đều sẽ theo chiếc thuyền của cuộc sống đi đến bờ bên kia và biến đi tất cả, đến lúc ấy ông có thể nghỉ ngơi yên tĩnh. Ông quá cần được nghỉ ngơi. Ông đã nợ sinh mạng mình quá nhiều, quá nhiều sự nghỉ ngơi. Nhưng ông lại yêu quý quyến luyến vô hạn đất nước và nhân dân mình, ông không sao có thể rời xa. Điều làm cho ông không thể yên tâm mà ra đi với nỗi lo lắng như thiêu như đốt là đất nước đang từng bước đi tới sự sụp đổ. Ông cố hết sức chống đỡ thân thể mình, chống đỡ đất nước đang rối loạn. Điều làm ông cảm thấy thư thái là Mao Trạch Đông đã dùng lại Đặng Tiểu Bình, đồng thời có ý dùng Đặng Tiểu Bình để thay thế ông. Ông gửi hy vọng vào Đặng Tiểu Bình. Nhưng sự phát triển của tình hình sau này đã không giản đơn như ông dự đoán.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM