Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:43:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ông cha ta viễn chinh - Lịch sử những lần xuất binh ra ngoài biên giới nước Việt  (Đọc 40562 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
NguoiTotbung
Thành viên
*
Bài viết: 77


« vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 03:41:45 pm »

Cuộc chinh phạt Ung Châu của Lý Thường Kiệt - Tiên hạ thủ vi cường!

Bài viết của một mem trong một diễn đàn khác, lấy nguồn từ các Tài liệu : 1. Lý Thường Kiệt – Hoàng Xuân Hãn tặng tất cả những người hy sinh cho Tổ Quốc; 2. Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim; 3. Đại cương lịch sử Việt Nam - tập 1; 4. Lịch sử thế giới Trung đại; 5. Lịch sử Trung Quốc 5000 năm - tập 2






Từ đời Tần, mỗi lúc có một họ thống nhất Trung Hoa, họ ấy liền nghĩ đến việc chiếm các nước nhỏ xung quanh. Tần có Nhâm Hiêu, Triệu Đà; Hán có Lộ Bác Đức, đều đã đạt mục đích là diệt họ đang cầm quyền ở đất Việt.

Sau trong khoảng độc lập hoàn toàn trở lại ở nước ta, những cuộc xâm lăng bắt đầu từ đời Tống, dưới triều Tống Thái Tông, tướng Tống tưởng lấy nước ta dễ, đã khinh cử, nên thất bại hoàn toàn bởi tay Lê Hoàn.

Lần thứ hai, dưới triều Tống Thần Tông, thế vua Tống và Tể tướng Vương An Thạch rất to, nên sự xuất quân được dự bị một cách cẩn thận và đầy đủ: quân hơn 10 vạn, sửa soạn một năm, tướng tá tinh nhuệ, kế hoạch định rõ từng chi tiết.

Đáng lẽ nước ta lúc ấy bị đổi thành châu quận của Tống. May ! Đương thời, có một vĩ nhân cầm quyền, có đủ óc chính trị, biết kết thúc nhân tâm, có cao tài lợi dụng thời cơ, có kinh nghiệm điều binh khiển tướng.

Bậc ấy là Lý Thường Kiệt.

Bằng một trận tấn công chớp nhoáng, Thường Kiệt phá các căn cứ địch, trước khi Tống khởi việc động binh; rồi rút về, cương quyết cố thủ trên sông, ngăn cản xâm lăng xuống đồng bằng. Khí hậu nóng, lam chướng độc, địa thế hiểm, thêm vào sự bất lực của tướng Tống, sự bất hoà giữa các kẻ cầm quyền chung quanh Tống Thần Tông, khiến cho trận tấn công vĩ đại của Tống phải ngừng trước cửa Thăng Long, gần nơi lăng tẩm nhà Lý và trước cánh đồng phì nhiêu ở trung nguyên nước ta.

Thường Kiệt hiểu thời cơ, chịu tạm nhường về thể diện, khiến Tống lui quân và ta bảo toàn binh lực. Sau đó, Thường Kiệt biết dùng ngoại giao dựa vào binh lực ấy làm hậu thuẫn, mà đòi được đất đã mất. Cuối cùng không những Tống không dám dòm ngó nước cõi ta, mà bắc thuỳ của nước Việt lại được khuếch trương và củng cố.

Đó là kỳ công của Lý Thường Kiệt.

Đối với một anh hùng dân tộc bậc nhất trong lịch sử nước ta, sử sách ta tuy có ghi công, nhưng chép sự nghiệp một cách sơ sài và sai lạc. Lại thêm các nhà văn phụ hoạ; làm cho ngày nay chúng ta rất mơ hồ về đoạn sử oanh liệt nhất của tiền nhân.

Trong hồi năm 1943, vì tránh máy bay oanh tạc Hà Nội, tôi đã phải theo trường học vào Thanh Hoá. Trong khi nhàn rỗi, tôi đã để ý tìm tòi cổ tích, mà tôi biết có nhiều ở trong vùng. Tôi đã may mắn tìm thấy bốn tấm bia còn rõ chữ, trong đó có ba bia ghi công Lý Thường Kiệt đối với các chùa. Tôi đã sắp công bố sự phát giác kia liền. Nhưng tôi nghĩ đối với các vũ công của Lý Thường Kiệt, sử sách há lại không có đâu chép kỹ càng, để ta có thể soạn lại một sách kể lại toàn bộ sự nghiệp sao ?

Sau khi tìm tòi cẩn thận, tôi đã thấy một bộ sách đời Tống để lại, là Tục tư trị thông giám trường biên. Tuy nay đã mất lỗ một vài phần, nhưng trong năm trăm hai mười quyển còn nguyên, ta có thể lượm lặt những sự có liên quan đến việc bang giao Tống Lý.

Nhờ đó ta biết được một cách tường tận việc Lý Thường Kiệt đánh Tống, việc Tống xâm lăng nước ta, việc ta điều đình đòi đất. Những chi tiết vụn vặt rất nhiều, khiến ta có thể sống lại, hàng ngày, những phút của vua tôi nhà Tống lo việc đánh nước ta, và nhờ đó, biết công lao của Lý Thường Kiệt.

Tham khảo với các sách cũ khác, soạn bởi người Tống hay người ta, tôi dọn xong quyển sách này. Tuy nhan đề Lý Thường Kiệt, nhưng thật ra là bang giao với Tống của nước ta về thế kỷ thứ XI, trong triều Lý.

Chắc độc giả sẽ trách sự chênh lệch trong cách chép chuyện Tống và chuyện Lý : chuyện Tống đã kỹ càng mà chuyện Lý đơn sơ. Tác giả cũng lấy điều đó làm ân hận. Nhưng lỗi là tại dân tộc ta, hoặc đã ít biên chép việc đương thời để di truyền lại đời sau, hoặc không biết giữ những vết tích xưa; cho nên nay rất hiếm tài liệu của ta về việc ta. Tôi cũng biết rằng, muốn tránh sự chênh lệch, còn có thể bớt phần nói đến các việc Tống. Nhưng những việc vụn vặt ấy, trải qua chín trăm năm còn truyền lại, khiến ta như còn thấy trước mắt; há lại lược đi nhiều. Và chỉ giữ đại cương hay chọn những chi tiết, nó càng rõ ràng bao nhiêu, lại làm ta, đoán bấy nhiêu hành động của người nước ta, mà sử ta không biết bảo tồn.

Những việc tôi kể trong sách, hoàn toàn là có chứng và được dẫn chứng. Cũng trong các hạng chứng, tôi chỉ để ý đến những chính xác mà thôi.

Không bịa đặt, không thiên vị, hết sức rõ ràng : đó là những chuẩn thằng mà tôi đã theo, trong khi viết cuốn sách này.

Tuy sách chưa được hoàn bị, vì cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc ta, không cho tôi những phương tiện khảo cứu thêm; nhưng chính cuộc tranh đấu ấy đã giục tôi đưa bản thảo hiến độc giả.

Mong ai nấy thấy rằng lòng dũng cảm, chí quật cường của dân tộc ta ngày nay có cội rễ rất xa xăm.

Mong ai nấy thấy một cách rõ ràng, cụ thể, sự nguy hiểm của một cuộc ngoại xâm, nhận thấy sự lo việc nước không phải chỉ ở đầu lưỡi, mà cần hết cả lòng hi sinh, trí sáng suốt để xếp đặt, tính toán.

Đọc xong đoạn sử này, độc giả sẽ thấy, cách đây ngót nghìn năm, cha ông ta đã đủ tài năng, nghị lực để gây dựng, tổ chức và giữ gìn khoảnh đất gốc cuội của Tổ quốc ta ngày nay; độc giả sẽ nhận thấy huyết quản của chiến sỹ bây giờ vẫn chan hoà dòng máu nóng tổ tiên, máu nóng mà không lẽ có người lại không mang một giọt. Dẫu trong nhất thời, có kẻ lỡ lầm làm hại nước, hoặc con dân một nước có ý tưởng dị đồng, trước nạn bại vong, giọt máu ấy cũng đủ gây nên chí quật cường, lòng tương ái.

Vẫn biết sống về tương lai; nhưng dĩ vãng là gương nên ngắm lại.

Vẫn biết tương lai là thế giới đại đồng; nhưng trước lúc ấy, nước mình phải là một nước thật.

Vẫn biết chớ vin vào phân tranh đời trước mà gây oán thù đời sau, nhưng biết rõ sự tranh đấu đời xưa, sẽ làm cho các nước càng kính nể nhau thêm, và mới hiểu vì sao mà phải cộng tác ngang hàng.

Đó là những ý tưởng và nguyện vọng của tác giả, trong khi viết bài tựa này. Tưởng cũng không lạc đề đối với vấn đề Lý Thường Kiệt.

Hoàng Xuân Hãn
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Tư, 2008, 10:24:42 am gửi bởi NguoiTotbung » Logged
NguoiTotbung
Thành viên
*
Bài viết: 77


« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 03:42:31 pm »

I. Ung Châu và Khâm Châu

Nước Việt thời Lý hoàn toàn tiếp đất Quảng Tây - tức là Quảng Nam tây lộ, một trong hai lộ đông tây của vùng Quảng Nam cực nam nước Tống.

UNG CHÂU là châu thuộc Quảng Tây và tiếp nước ta, viên quan coi Ung Châu có chức An phủ đô giám, coi tất cả việc binh lương, luyện tập phòng ngự ở biên thuỳ ( sau ta sẽ gặp Tô Giàm mang chức đó khi quân Lý sang đánh). Ngoài ra các trại tiếp nước ta còn đặt chức Tuần phong sứ hoặc đô giám. Về quân, thì Ung Châu gồm hai đoàn, gọi là hai “ tướng”. Mỗi tướng có 5000 quân. Giữ biên thuỳ Đại Việt, có một tướng lại chia làm hai phần : 2000 đóng ở thành Ung, 3000 chia đóng ở 5 trại tiếp giáp ta : Hoành Sơn, Thái Bình, Vĩnh Bình, Cổ Vạn, Thiên Long.

KHÂM CHÂU và LIÊM CHÂU cũng thuộc Quảng Tây, sát biển ( tiếp giáp Quảng Ninh và Lạng Sơn ngày nay), đặt viên Phòng biên tuần sứ cai quản đoàn quân gọi là Đằng Hải, quân này hợp với quân của hai viên tuần kiểm, không quá 500 người, đóng ở hai trại : Như Tích giáp biên thuỳ châu Vĩnh Anh nước ta và Để Trạo ở cửa sông Khâm Châu.

Quân số chính thức ở Ung, Khâm, Liêm kể trên chỉ là quan quân chính qui của triều đình. Ngoài ra còn nhiều thứ quân địa phương : dân quân và đặc biệt là quân khê động ( tức là quân các động miền núi, không thuộc ta và cũng không thuộc Tống), về sau ta sẽ thấy quân khê động đóng vai trò rất lớn trong những trận tiến công của Lý.

II. Những chính sách biên thuỳ của Tống.

Tống lúc đó dưới thời của Tống Thần Tông ( 1068-1085) và tể tướng Vương An Thạch, vua thì chí cao quật cường, tôi có cao tài kinh tế. Địa giới Tống về phía Bắc kề Vạn Lý trường thành có Liêu và Hạ là hai nước mạnh, nên chính sách bành trướng ban đầu của Tống chủ yếu hướng về phía Nam và phía Tây. Mấy trăm năm trước Tống Thái Tông đã đem quân đánh nước ta và đã bị bại về tay Lê Đại Hành (981), sau này Liêu và Hạ quá hung hăng quấy nhiễu biên thuỳ, nên vua tôi Tống bắt buộc phải dồn toàn bộ tâm trí cho mặt Bắc thuỳ, ít để ý đến phương Nam, vì vậy quân ở phía Bắc là chủ lực và rất thiện chiến, ngay cả cuộc xâm chiếm của Quách Quỳ sau này vào Đại Việt cũng lấy quân tướng từ mặt trận Liêu Hạ cả.

Khi Tống Thần Tông lên ngôi, Vương An Thạch chấp chính đưa ra cuộc cách mạng Tân pháp (1) rất lợi hại, bấy giờ mới muốn đem quân về phía Nam xâm chiếm Đại Việt, mục tiêu là mở rộng bờ cõi và gây thanh thế với các nước Liêu, Hạ ở phía Bắc. Tuy nhiên khi đó chính sách mới không được lòng quan lại thủ cựu trong triều, lắm người oán thán, binh lực lại chưa sẵn sàng. Vì phải đối chọi mặt trong, đối với phương Nam, vua tôi Tống thực hiện một số chính sách kiềm chế, hoà hoãn, khiêu khích…được thể hiện qua một loạt các hành động như sau :

1. Chính sách kiềm chế.

Trong khi chờ đợi thời cơ thuận tiện để mở mang bờ cõi miền nam, vua tôi Tống đều muốn lợi dụng man dân ở các miền khê động châu Ung, vừa là để giữ biên thuỳ công hiệu, vừa có thể trở thành quân tiền phong uy hiếp ta khi hữu sự. Tuy nhiên hiệu quả lại tuỳ thuộc vào những viên chức Tống ở Quế Châu và Ung Châu, vì thế quân khê động lúc có lợi, khi lại gây hại cho biên thuỳ phía nam.

Nguyên khi xưa chức quan cai quản việc quân ở Quảng Tây là kinh lược an phủ sứ được đóng ở Quế Châu. Sau này Tống Thần Tông muốn dời ti kinh lược này từ Quế Châu xuống Ung Châu để tiện việc áp sát Đại Việt. Tuy nhiên trong thời gian này, vua tôi Tống cũng chưa dám lộ rõ ý định xâm lăng Lý, mà chỉ dừng lại ở những đợt tăng quân nhỏ và thu phục nhân tâm trong lẫn ngoài triều.

2. Chính sách hoà hoãn.

Những quan lại Tống ở biên thuỳ vẫn dâng thư về hiến kế đánh ta. Đại loại đều nói rằng “ Giao Chỉ bị thua ở Chiêm Thành, quân không có nổi một vạn. Có thể tính ngày đánh lấy được…”. Quan coi Ung Châu là Tiêu Chú trước bị cắt chức (vì đã khiêu khích nước ta ) chỉ vì tâu : “ …Giao Chỉ có thể lấy được…” mà sau này được phục chức, lại bổ coi Quế Châu và kiêm luôn Kinh lược an phủ sứ Quảng Tây. Tuy nhiên khi về đến Quý Châu, Tiêu Chú ra sức hỏi han tình thế núi sông, lực lượng của Đại Việt, thấy rằng trong 10 năm nước ta đã giàu mạnh lên nhiều. Chú biết rằng chưa thể đánh ta, nên mỗi lần có kẻ dâng kế đánh Giao Châu, y đều đốt thư đi.

Tống Thần Tông cũng làm ra vẻ không để ý lắm đến biên thuỳ phía Nam. Khi quân của tù trưởng khê động là Lưu Kỷ dẫn quân Lý vào Quy Hoá (đất của Nùng Tôn Đán (2) mới nộp cho Tống ), Tống Thần Tông bảo Tiêu Chú đừng làm thành chuyện lớn (1071).

3. Chính sách khiêu khích.

Tiêu Chú biết rằng thế lực nước ta bấy giờ rất mạnh nên mới chù chừ không dám quyết mưu sự đánh ta, vua tôi Tống cũng dị đồng trong vấn đề này. Tuy nhiên khi vua Lý Thánh Tông mất (1072), Nhân Tông còn bé, hai thái hậu Thượng Dương và Ỷ Lan tranh quyền, trong triều Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành hiềm khích nhau. Tống Thần Tông và Vương An Thạch bắt đầu quyết tâm sửa soạn cuộc Nam chinh.

Tống Thần Tông bấy giờ triệu Tiêu Chú về hỏi tình hình Giao Chỉ, Chú lại bảo khó đánh. Vua Tống gặng hỏi, Tiêu Chú đáp : “ Xưa tôi cũng có ý đấy ( chỉ việc đồ Giao Chỉ). Bấy giờ quân khê động một người ta có thể địch được mười, khí giới sắc và cứng; người thân tín thì tay chỉ, miệng bảo là điều khiển được. Nay hai điều ấy không như trước; binh giáp không sẵn sàng, người tin chết quá nửa. Mà người Giao Chỉ lại sinh tụ, giáo hối đã mười lăm năm rồi. Bây giờ, nói quân Giao Chỉ chưa đầy một vạn thì sợ sai”.

Lúc đó quan hình bộ lang trung là Thẩm Khỉ ( Khởi) nói quả quyết : “ Giao Chỉ là đồ hèn mọn, không lý gì không lấy được”. Vậy là vua Tống cho Khỉ thay Chú làm Quảng Tây kinh lược sứ ( 1073). Từ khi Thẩm Khỉ nhậm chức, y ra sức lôi kéo các tù trưởng khê động về phía mình. Tháng 4 ( 1073) Khỉ xin lấy động đinh (dân trong các động) trong các động thuộc Ung Châu để kết thành bảo giáp ( tức là dân binh) và sai quan dạy kiểm tra, vua Tống bằng lòng. Lại bắt các thuyền dọc bờ biển chuyên chở muối để tập thuỷ chiến. Thẩm Khỉ lại cấm người nước ta sang buôn bán ở đất Tống vì sợ lộ những hành động ấy.

Cũng tháng 4 ( 1073) tăng chức cho Nùng Tôn Đán và Nùng Trí Hội (tù trưởng đã từng bỏ Lý theo Tống, Trí Hội lại là con Nùng Trí Cao năm xưa), Tôn Đán làm đô giám Quế Châu và Trí Hội coi châu Qui Hoá. Thẩm Khí lại sai người đến dụ Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên ( một tù trưởng lớn, đang theo Đại Việt ). Cuối 1073 lại có bọn Nùng Thiện Mỹ ở châu Ân Tình (thuộc Bắc Cạn ngày nay) đem mấy trăm bộ hạ xin theo Tống.

4. Chính sách do dự

Tống Thần Tông đã quyết định đánh ta, nhưng biên thuỳ phía Bắc còn lôi thôi, việc đánh Thổ Phồn còn dai dẳng, Liêu lại đòi nhường đất. Cho nên bề ngoài đối với ta, Tống còn dè dặt.
Bấy giờ vua Tống trách Thẩm Khỉ vì tội tự tiện nhận bọn Nùng Thiện Mỹ mà không hỏi, lại không đồng ý cho Lưu Kỷ nhập Tống vì sợ vua tôi Lý giành lại ( những việc đã kể ở trên). Chính vì vua Tống sợ Thẩm Khỉ gây sự với ta không đúng lúc bèn phế Khỉ, cho Lưu Di lên thay, tiếp tục ước kết khê động.

Như vậy ta thấy rằng tuy bên ngoài có nhiều chính sách khác nhau, nhưng thực ra vua tôi Tống đã quyết ý đánh Đại Việt, và việc chuẩn bị hay gây sự cũng đều phải kín đáo, đúng thời cờ vì sợ ta biết được ý đó. Công việc quan trọng nhất của Tống trong giai đoạn này là cố gắng lôi kéo các tù trưởng khê động, nhưng về vấn đề này Lý có lợi thế hơn nhiều.

5. Tình hình nghiêm trọng.

Về phần Đại Việt, Lý Thường Kiệt rất lo lắng vì chính sách khiêu khích của Vương An Thạch. Lại thêm năm Tống Hi Ninh 6 (1073) có người Tống là Từ Bá Tường viết thư báo tin Tống sửa soạn đánh ta và xui ta nên đánh Tống trước. Thường Kiệt đã tập nhiều quân ở biên giới, lộ vẻ đánh vào đất Tống.

Vua Tống được tin ta tụ binh, báo gấp cho Tô Giàm là viên coi Ung Châu dặn rằng nếu Giao Chỉ phạm đến Ung Châu thì phải kiểm quân cố thủ, không được khinh địch (1074).
Đầu năm 1075, Vương An Thạch cắt đất cho Liêu, Bắc thuỳ Tống tạm yên, vua tôi Tống quay sang Đại Việt, lệnh cho Lưu Di tăng cường binh lực. Lưu Di theo y như chính sách của Thẩm Khỉ xưa, sai các quan lại vào các khê động bắt thổ dân tập trận. Đóng chiến hạm, dùng thuyền muối để tập thuỷ binh…y cũng cấm người nước ta sang buôn bán để tránh sự thám thính.

An phủ đô giám ở Ung Châu là Tô Giàm thấy thế rất lo, khuyên Di không nên vọng động, khiêu khích giặc, nhưng Lưu Di trách Giàm bàn nhảm và cấm không cho nói đến biên sự nữa.

Tình hình đang găng, Lý Thường Kiệt lại gửi biểu tới triều Tống đòi lại bọn Nùng Thiện Mỹ (thủ lãnh châu Ân Tình đã theo Tống) và bộ thuộc. Vua Tống bảo xét việc ấy, ta lại dâng biểu đòi, Lưu Di không chịu chuyển biểu, cuối cùng Tống vẫn không trả bọn Thiện Mỹ cho ta. Ý định chiến tranh bên Tống ngày càng rõ, quân ta ở biên thuỳ cũng sẵn sàng chống lại.

Châu Quảng Nguyên bấy giờ do tù trưởng Lưu Kỷ chiếm giữ, là nơi yếu địa. Ngày trước Quảng Nguyên là do Nùng Trí Cao giữ, sau khi Trí Cao nổi loạn thất bại, bộ hạ của y đều về theo Lưu Kỷ. Thanh thế Kỷ rất lớn, bình thường vẫn theo Đại Việt, tuy nhiên cũng có lần bị Thẩm Khỉ dụ nhưng lúc đó Tống Thần Tông lại không đồng ý cho Kỷ nhập Tống. Ta sẽ thấy sau này Lưu Kỷ là một lực lượng rất lớn khi Lý Thường Kiệt tấn công phủ đầu vào đất Tống.

Nguyên Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên thường qua các khê động mua ngựa, một lần bị con của Trí Cao là Nùng Trí Hội ở châu Qui Hoá (đã theo Tống) ra cản đường, Kỷ phục thù đem 3000 quân sang đánh đất Ung. Trí Hội chống lại, Kỷ lui quân về. Lưu Di được tin Kỷ và Hội đánh nhau lập tức tâu về triều, đại ý nói rằng Trí Hội chưa chắc đã theo Tống, nên để Hội và Kỷ đánh nhau, bên nào thua thì Tống cũng có lợi.

Tống muốn lợi dụng việc này để gây thanh thế ở Nam thuỳ nên không đồng ý với Lưu Di, Vương An Thạch nói rằng : “ Nếu Trí Hội chưa hẳn theo ta thì nhân cơ hội này mà mua chuộc nó. Vả lại, Càn Đức (chỉ Lý Nhân Tông) còn bé, nếu Lưu Kỷ đánh được Trí Hội, rồi lấy Giao Chỉ, thì đó sẽ là cái hoạ cho ta. Ta nên giúp Trí Hội để chế lại Lưu Kỷ, làm cho nó không rỗi tay đánh Giao Chỉ. Thế thì mới lợi cho ta ”. Tống lại chiếu cho ti Kinh lược Quảng Tây sai sứ thần vào các khê động mộ đinh tráng để làm thanh viện cho Trí Hội. Lưu Kỷ phải dựa vào Đại Việt để chống lại, khi Lý tấn công Tống, Kỷ mang quân cả châu Quảng Nguyên đi theo.

Lúc đó Lưu Di càng được dịp sửa soạn chiến tranh, Lý Thường Kiệt bức thế đem quân đánh trước.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Tư, 2008, 10:25:33 am gửi bởi NguoiTotbung » Logged
NguoiTotbung
Thành viên
*
Bài viết: 77


« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 03:43:58 pm »

III. Địa thế biên giới Tống - Việt.

Nhìn trên bản đồ ngày nay, nước ta tiếp giáp Trung Hoa từ Đông sang Tây ở các tỉnh : Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu. Đất Cao Bằng bây giờ ứng với Quảng Nguyên khi xưa, mà Quảng Nguyên khi xưa lại do các tù trưởng khê động nắm giữ, trước là Nùng Trí Cao, sau là Lưu Kỷ. Các vùng khác về phía Tây Bắc thì biên giới cũng chưa định rõ, các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu ngày nay cũng không phải đất của nhà Lý, cũng không thuộc Tống. Như vậy có thể thấy vùng biên giới mà Tống và Lý trực tiếp giao nhau thời đó là Ung Châu gồm các trại Thiên Long, Cổ Vạn tiếp giáp Vĩnh An, Tô Mậu (Quảng Ninh); trại Vĩnh Bình tiếp một phần Quang Lang (Lạng Sơn, Lạng Châu) và một phần Quảng Nguyên (Cao Bằng); các trại Thái Bình và Hoành Sơn tiếp Quảng Nguyên. Khâm Châu sát trại Thiên Long và tiếp Vĩnh An của ta ở cửa Để Trạo. Đại khái nhìn trên bản đồ bây giờ, ta có thể thấy biên giới nước ta thời đó ôm Ung Châu và Khâm Châu của Tống bằng một phần tư đường tròn ở hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh ngày nay, mà tâm đường tròn là thành Ung Châu của Tống.

Đường từ ta sang Tống, thuỷ bộ đều được. Thuỷ thì từ sông Lục Đầu ra tới Bạch Đằng rồi men biển tới cửa Đồn Sơn (Hạ Long) ở Vĩnh An theo hướng Đông Bắc đi độ 1 đến 2 ngày là đến vịnh Khánh Châu thuộc châu Khâm của Tống. Đường bộ thì đường chính vẫn là đường ngày nay dùng, tức là từ Thăng Long qua sông Hồng tới Hà Bắc, rồi Quang Lang (Lạng Châu) vào trại Vĩnh Bình, mất khoảng 4 ngày. Nếu đi từ Quang Lang qua Quảng Nguyên vào Thái Bình thì mất 6 ngày. Còn một đường nữa là đi qua Thái Nguyên, Bắc Cạn đến Quảng Nguyên rồi vào, đường này hiểm trở, mất độ 12 ngày. Ngoài ra ta còn có đường đi từ Tô Mậu (Quảng Ninh) qua Tư Lăng và vào trại Cổ Vạn, Thiên Long. Đó là những đường chính đi lại giữa ta và Tống.

Khi tấn công Tống, nếu ta lấy được Khâm Châu thì theo đường Khâm Châu đến Ung Châu là gần hơn cả. Trong chiến lược tấn công Tống, Lý Thường Kiệt sử dụng cả thuỷ bộ binh, lợi dụng triệt để các quân khê động một cách cực hiệu quả.

Tóm lại các hướng mà từ đó ta có thể đánh vào đất Tống cụ thể là : đường thuỷ đi từ Vĩnh An đến thẳng Khâm Châu, đường bộ có nhiều hướng : từ Quảng Nguyên vào trại Thái Bình, Vĩnh Bình, Hoành Sơn; từ Tô Mậu vào Cổ Vạn, Thiên Long; từ Quang Lang (Lạng Châu) vào Vĩnh Bình. Vậy là có thể tấn công cả 5 trại của Ung Châu, uy hiếp từ nhiều phía.
IV. Lực lượng và chiến lược tấn công của Lý.

Chính sách phủ dụ và thu phục nhân tâm các vùng khê động của nhà Lý đã có từ lâu, xuất quân lần này ngoài quân chính qui tinh nhuệ, còn có rất nhiều các tù trưởng đem quân đi theo.

1. Quân đội triều đình.

Thời Lý dùng dân quân là chính, ngụ binh ư nông, quân khi vô sự thì về nhà cày cấy trồng trọt để tự cấp, khi hữu sự lại gọi ra lính. Quân số thời Lý không nhiều, Đại Việt sử ký toàn thư ước độ 7 vạn, chủ yếu tập trung ở hạ du. Ngoài ra còn có cấm binh bảo vệ cấm thành và nhà vua (thiên tử binh), khoảng vài ngàn, đợt tấn công này chắc không có cấm binh vì nhà vua còn nhỏ. Tổ chức quân đội thời đó khá qui củ và tài tình, Tống sử ghi : " ...Thái Duyên Khánh là tri châu ở An Nam, bắt chước qui chế chia ra làm từng bộ phận, chia chính binh, cung tiễn phủ nhận mã đoàn làm chín phủ. Hợp trăm đội chia làm tả, hữu, tiền, hậu 4 bộ. Mã đội có trú chiến, thác chiến khác nhau. Tướng nào cũng có lịch bộ, quân kị, khí giới.Vua Thần Tông ( Tống ) khen phải ".

Quân đội như thế phải nói là tinh nhuệ, vả lại thời Lý, chinh chiến liên miên, bình Chiêm dẹp loạn, đi đâu cũng thắng, lần này đánh Tống lại tập trung quân cả nước, lại thêm Lý Thường Kiệt là tướng tài bậc nhất bấy giờ chỉ huy, thanh thế rất lớn.

2. Quân khê động (thổ binh).

Từ khi mới lập nước, các vua Lý luôn chú trọng đến việc ước kết nhân tâm các tù trưởng miền núi, cả ràng buộc hôn nhân (gả công chúa cho các tù trưởng, lấy con gái của họ làm phi tần...) lẫn biện pháp trấn áp quân sự đều được sử dụng một cách hài hoà. Mấy chục năm trước, họ Nùng ở Quảng Nguyên nổi loạn, Nùng Tồn Phúc bị dẹp, con là Trí Cao lại làm loạn, vua Lý tha cho nhiều lần, rồi sau đánh cả sang Tống, mãi mới bị đại tướng Tống là Địch Thanh phá. Đến thời Lý Thường Kiệt, các tù trưởng đều thần phục Lý, tiêu biểu có Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên, phò mã Thân Cảnh Phúc ở Lạng Châu, Vi Thủ An ở Tô Mậu.

Cùng theo quân Lý tiến công vào Tống lần này, quân số khê động không biết là bao nhiêu, chỉ biết rằng thổ quân đi trận, mang cả vợ con đi theo. Có người nói với Vương An Thạch : "...Khi Giao Chỉ vào cướp, quân có sáu vạn, trong đó có nhiều đàn bà, trẻ con .Man dân kéo hết cả nhà di theo, chỉ để một vài người ốm yếu ở nhà..." đó là chỉ quân khê động.

Tổng số quân lần này sang Tống, mỗi sách chép một khác, Tống thì bảo 6-8 vạn, sử ta chép 10 vạn, nhưng vì số phu phen thường không cố định, nên ta ước chừng 8-10 vạn người. Lương thảo thì ta đoán quân khê động không cày cấy gì, đi tới đâu ăn cướp tới đó, quân triều đình chắc cũng phải chuẩn bị gạo lương đầy đủ. Binh khí thì có cung nỏ, tên tẩm thuốc độc, máy bắn đá, đặc biệt có nhiều voi.

3. Chiến lược tấn công của Lý.

Lý Thường Kiệt đánh Tống chia làm hai đường, thuỷ và bộ binh.

Bộ binh tức là quân khê động ở Quảng Nguyên và dọc biên giới cho tới Tô Mậu : gồm có Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên, Thân Cảnh Phúc ở Lạng Châu, Vi Thủ An ở Tô Mậu. Những đạo binh này ban đầu sẽ lần lượt kéo vào trong đất Tống, và chỉ quấy rối gần biên thuỳ mà thôi. Chủ ý đánh lạc hướng làm cho Tống tưởng rằng quân ta sẽ do đường bộ kéo vào dánh Ung. Sau đó thổ binh sẽ phá các trại Hoành Sơn, Thái Bình, Vĩnh Bình, Cổ Vạn là những đồn che chắn cho Ung. Quân Tống khi đó sẽ dồn quân cả về phía Tây và Tây Nam để cứu, và mặt Đông Nam (phía từ Khâm đến Ung) sẽ hở và thuỷ quân ta sẽ đánh vào đó.

Thuỷ quân là đại quân do Lý Thường Kiệt chỉ huy, từ châu Vĩnh An men biển đến Khâm châu, mục đích là chiếm Khâm châu một cách chớp nhoáng, rồi đi đường bộ đến đánh Ung Châu. Như thế hai mặt thuỷ bộ phối hợp hài hoà, tạo thành gọng kìm vào Ung. Nếu Tống bỏ thành Ung đem hết quân xuống cứu các trại phía Tây và Tây Nam, thì Ung sẽ mất ngay. Còn nếu họ để nhiều quân giữ thành Ung, thì thổ binh của ta sẽ tiến dễ dàng. Trong chiến lược này, Ung châu chắc chắn sẽ bị vây.

Điều quan trọng trong chiến dịch là phải đánh nhanh, làm cho Tống không kịp trở tay để điều binh tiếp viện, ta sẽ thấy Lý hoàn toàn đạt được mục đích này.



« Sửa lần cuối: 03 Tháng Tư, 2008, 10:28:12 am gửi bởi NguoiTotbung » Logged
NguoiTotbung
Thành viên
*
Bài viết: 77


« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 03:45:01 pm »

V. Dấu chân Đại Việt viễn chinh đất Tống.

Khoảng thượng tuần tháng 9 năm Ất Mão (1075) bắt đầu những cuộc tiến quân của Lý theo chiến sách đã được đặt ra : khôn khéo, bất ngờ và táo bạo.

1. Phá biên giới và đánh úp Khâm, Liêm.

Ngày 15-9 (Âm Lịch) tức ngày 27-10 năm 1075. Quân của Vi Thủ An từ Tô Mậu vào đánh Cổ Vạn, chiếm được trại Cổ Vạn dễ dàng, nhưng trận này có lẽ chỉ để thăm dò. Tin tức đến triều đình Biện Kinh của Tống mất gần tháng rưỡi, tức là đến tận trung tuần tháng 11 (ÂL), vua Tống mới biết Cổ Vạn đã mất rồi. Nhưng vua tôi Tống mới chỉ nghĩ là những việc cướp nhỏ mà thôi, Thần Tông còn bảo Lưu Di kể tên những người có chiến công và giúp đỡ những người có nhà bị cướp và bị đốt.
Không thấy Tống có động tĩnh gì lớn, Lý Thường Kiệt lệnh quân tràn vào đất Tống. Bộ binh ở các châu dọc biên giới kéo đến chiếm các trại Vĩnh Bình, Thái Bình; quân từ Quảng Nguyên và châu Môn ( của tù trưởng Hoàng Kim Mãn) chiếm trại Hoành Sơn; quân từ Lạng Châu vào lấy những châu Tây Bình rồi kéo vào Cổ Vạn…Tướng Tống và chúa các trại ở Ung châu tử trận rất nhiều : chúa trại Hoành Sơn là Lâm Mậu Thăng, viên quản hạt Vĩnh Bình là Tô Tá, viên quản hạt Thái Bình là Ngũ Cử, viên giáp áp trại Thái Bình là Quách Vĩnh Nghiêm… đều chết. Biên giới Ung châu gần như đã bị bỏ ngỏ.

Bấy giờ là vào khoảng thượng tuần tháng 11 (ÂL) tức là cuối tháng 12-1075, Đôn quốc thái uý Đại tướng quân Lý Thường Kiệt thống lĩnh đại quân từ Vĩnh An men biển tiến quân vào đánh úp Khâm châu và Liêm châu. Đường bể đi mất khoảng vài ngày là vào đến Khâm, đồng thời bộ binh đóng gần biên giới Khâm châu cũng kéo vào các trại Như Tích và Để Trạo. Quân Tống hoàn toàn bị bất ngờ, ngày 20 tháng 11 (ÂL) tức 30-12-1075 Khâm châu bị chiếm. Ba ngày sau (2-1-1076), Liêm châu cũng mất, chúa các trại Như Tích và Để Trạo đều tử trận. Viên coi Khâm Châu là Trần Vĩnh Thái trước đó đã có người báo cho là Giao Chỉ sắp vào đánh, nhưng Thái không tin, đến khi chiến thuyền của Lý đã tới đến nơi, Thái vẫn còn bày rượu uống. Quân Lý đột nhập vào thành không mất người nào, bắt Vĩnh Thái và bộ hạ, lừa lấy của cải rồi đem giết hết. Về sau này người Khâm châu lập đền thờ Vĩnh Thái nhưng vẫn chê cười Vĩnh Thái là ngu muội.

Ở Liêm châu, vì đã biết tin Khâm châu mất nên có phòng bị đôi chút. Song lúc đó quân Lý ào ạt kéo vào, quân số lại đông gấp bội nên chiếm Khâm dễ dàng, bắt tới 8 ngàn tù binh dùng để đưa đồ vật lấy được xuống thuyền rồi cũng đem giết sạch. Viên coi Khâm châu là Lỗ Khánh Tôn và bộ hạ như bọn Lương Sở (tri huyện Hợp Phố), giáp áp Chu Thông Thích, chỉ sứ Ngô Tông Lập… cũng đều tử trận.

Như vậy chiến lược của Lý Thường Kiệt bước đầu thành công hoàn toàn, trong một thời gian ngắn đã phá tan biên giới Ung và chiếm được hai châu Khâm, Liêm. Đường đến thành Ung đã được mở rộng cả hai phía : từ Khâm Liêm đánh vào và cả từ các trại phía Tây Nam của Ung đánh vào. Bấy giờ tuy quân Tống đã tan tác hết, nhưng Lý Thường Kiệt vẫn sợ dân Tống oán thù mà gây bất lợi chăng ? Thường Kiệt mới sai làm Phạt Tống lộ bố văn, yết dọc đường để lấy danh nghĩa và gây thanh thế.

Phạt Tống lộ bố văn có đoạn viết : “ Có những dân Giao Chỉ làm phản rồi trốn sang Trung Quốc. Các quan lại dung nạp và dấu đi (chỉ vụ Nùng Thiện Mỹ ở châu Ân Tình). Ta đã khiến sứ sang tố giác các việc ấy, quan coi Quế Châu không chịu trả lời (chỉ việc Lưu Di không chịu chuyển biểu). Ta lại sai sứ vượt bể sang tố cáo với Quảng Châu, quan coi Quảng Châu cũng không chịu báo. Vì vậy ta tới đuổi bắt dân trốn ấy…” ; ý nói quân Lý sang đánh chỉ là tự vệ : “ Quan coi Quế Châu đã kiểm điểm dân các động và đã tuyên bố rõ rằng muốn sang đánh Giao Chỉ”; lại muốn dụ dỗ dân Tống : “ Trung Quốc dùng các phép thanh miêu, trợ dịch, làm dân khốn khổ. Nay ta đem quân tới cứu…”

Bia của Nhữ Bá Sỹ thời Tự Đức nhà Nguyễn chép về Lý Thường Kiệt có đoạn chép : “…dân Tống thấy lời tuyên cáo, vui mừng đem trâu rượu ra khao quân ta, lại bảo dân Tống thấy hiệu Lý Thường Kiệt ở đàng xa, thì nói đó là quân của cha họ Lý người nước Nam; rồi cùng nhau bày hương án phục ở bên đường”…e rằng sai sự thật. Theo ý của người chép, thì Ung Châu gần vùng khê động, ở các trại biên giới dân các động rất nhiều nên ảnh hưởng của vương triều Tống chưa rõ rệt. Khi thổ binh của ta tràn vào, dân ở đấy chắc theo gương mà hàng và cũng không chống cự nhiều, sự tiến quân do đó dễ dàng. Vả lại quân Lý đi đến đâu, giết người không nương tay tới đó, khiến dân Tống rất sợ hãi. Sau này vào sâu nội địa, quân dân Tống càng chống cự hăng thêm, điển hình là trận vây thành Ung Châu khốc liệt.

2. Tiến sâu vào nội địa, vây Ung Châu.

Quân Lý thừa thế tấn công, thổ binh của các tù trưởng tràn qua các trại phía Tây của Ung : Thái Bình, Vĩnh Bình, Thiên Long, Cổ Vạn đều mất. Ngày 10 tháng chạp, các đạo quân này kéo thẳng đến vây Ung Châu (18-1-1076).

Mặt Đông Nam, đại quân Lý Thường Kiệt chia làm hai đạo, một đạo từ Khâm châu đánh thẳng lên phía Bắc vào thành Ung, một đạo từ Liêm Châu tiến lên phía Đông Bắc để chặn viện binh từ phía Đông tới cứu Ung Châu. Đạo quân thứ hai chiếm châu Bạch, châu Dung, giết một loạt các viên đô tuần kiểm ở đó như Phạm Nhược Cốc, Vương Đạt rồi dừng lại đợi viện binh Tống…Còn đạo quân thứ nhất vượt 120 cây số đường bộ và dãy núi Thập Vạn đến hội quân với Lưu Kỷ, Tôn Đản, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An đang chuẩn bị vây thành Ung châu.

Trong khi quân ta vây thành Ung, đến tận ngày 20 tháng Chạp (28-1-1076), tin Khâm châu mất mới về được triều đình Tống. Vua tôi Tống hoang mang, cả triều náo động. Quảng Nam tây lộ kinh lược sứ cấp tốc xin 2 vạn binh, 3 ngàn ngựa và một tháng lương, cùng với khí giới, đồ dùng và xin điều động quân khê động; ti kinh lược Quảng Tây cũng dời đến thành Tượng, gần phía Bắc Ung Châu để tiện việc điều quân chống lại ta. Tống Thần Tông nghe theo, lại sai người tới ti kinh lược Quảng Tây để chuẩn bị tướng lệnh. Lúc đó Tống lại sợ ta nhân thể men biển tiến nốt vào chiếm cả Quảng Châu, vua Tống lệnh cho các quan coi Quảng Châu phòng bị cẩn mật, lại dụ các tướng ở Quảng Tây phải cố thủ, giữ các nới hiểm yếu, không được khinh địch.

Hai ngày sau, được tin Liêm châu mất nốt, cả triều Tống thêm lo sợ và bối rối. Tống Thần Tông dặn ti kinh lược Quảng Tây : “Nếu xem chừng có quân Giao Chỉ tới đâu mà không đủ quân giữ, thì chỉ giữ mấy chỗ hiểm yếu mà thôi…” sau đó lại dặn lại : “Nếu quân bỏ thành mà đi chỗ khác, thì lo rằng lòng dân rối sợ. Hãy bảo các quan ti đều phải trở lại thành mình”, hai đạo chiếu trái ngược nhau.

Tống Thần Tông một mặt cắt chức Quảng Tây kinh lược sứ Lưu Di, cho Thạch Giám lên thay; một mặt khẩn cấp điều binh lương và mộ đinh tráng quanh đó đem tới Quế Châu. Tống còn định đem quân Hà Bắc xuống miền Nam để ti kinh lược Quảng Tây dùng, mục đích ngăn chặn quân Lý tiến lên phía Bắc. Quan trọng hơn cả, Thần Tông và Vương An Thạch sai Triệu Tiết làm An Nam đạo hành doanh mã bộ quân đô tổng quản, kinh lược chiêu thảo sứ, chuẩn bị đem quân sang đánh trả thù.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Tư, 2008, 10:27:45 am gửi bởi NguoiTotbung » Logged
NguoiTotbung
Thành viên
*
Bài viết: 77


« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 03:48:01 pm »

3. Triệt hạ Ung Châu.

Thành Ung rất chắc chắn, lại có An Phủ đô giám Tô Giàm là tướng lão luyện, dũng cảm đã từng nhiều lần đánh nhau với quân khê động, ngày trước can Thẩm Khỉ và Lưu Di đừng nên khiêu khích gây chiến với ta mà không được. Bấy giờ quân Lý kéo theo hai ngả tới thành Ung vào khoảng trung tuần tháng Chạp (cuối tháng 1-1076), mấy vạn quân của Lý Thường Kiệt, Lưu Kỷ và các tù trưởng khác vây thành Ung vài vòng kín như bưng.

Tô Giàm ban đầu tin rằng Ung cách Quế Châu có 14 ngày đường, nên viện binh thế nào cũng sẽ đến kịp cho nên đóng cửa thành cố thủ. Kiểm điểm binh lương, trong thành Ung lúc ấy chỉ có 2.800 quân. Dân thành Ung tất cả được gần 6 vạn người bấy giờ sợ hãi đạp nhau mà chạy. Tô Giàm đem hết của cải trong thành bày ra rồi dùng lời phủ dụ dân chúng, lại dọa giết những người chạy trốn, chúng mới chịu ở lại. Trước đó con Giàm là Tử Nguyên làm quan ở Quế Châu đem gia đình đến thăm cha, lúc sắp trở về thì Ung bị vây, Tô Giàm lại bắt Tử Nguyên để vợ con ở lại chỉ được về Quế Châu một mình mà thôi. Xem thế thì biết lần này Giàm hăng hái quyết tâm chống lại quân ta, mà lại được lòng quân dân lắm.

Quân Lý vây thành ráo riết, Giàm mộ hơn 100 quân cảm tử, trèo thuyền trên sông Ung đến đánh quân ta, giết được 10 voi lớn và hai tướng. Lại dùng thứ cung thần tí bắn được một phát nhiều tên giết lính rất nhiều, ta dùng máy bắn đá bắn vào thành sát thương dân và quân Ung. Hai bên kèn cựa nhau đến gần một tháng trời, không làm sao phá được thành.

Bấy giờ tin Ung bị vây đã về đến Quý Châu, Kinh lược sứ Lưu Di sai đô giám Trương Thủ Tiết đem quân đi cứu. Thủ Tiết nghe quân ta đông gấp bội nên sợ không dám đến ngay, lại trú quân ở đường để xem Giàm chống cự với ta thắng thua thế nào. Ung Châu bị vây gấp quá, Tô Giàm cho người mang lạp thư (tức là thư viết vào giấy rồi bọc trong nến mà ngậm vào miệng) phá vòng vây ra cấp cáo với Trương Thủ Tiết. Tiết bất đắc dĩ kéo quân đi, đến giữ ải Côn Lôn giữa Tân châu và Ung châu, cách Ung 40 cây số. Lý Thường Kiệt được tin chia quân đón đánh, chỉ một trận phá tan quân cứu viện, giết chết Trương Thủ Tiết và bắt nhiều tù binh.

Thành Ung bị vây hơn một tháng không xong, ta dùng vân thê là một thứ thang mây bắc vào thành cho tù binh trèo lên trông vào, Tô Giàm sai bắn hoả tiễn đốt cháy thang. Ta lại đào đường hầm định chui vào thành, Giàm biết, để ta đến gần rồi phóng hoả đốt hết các huyệt. Cầm cự nhau mãi, quân hai bên cùng thiệt hại rất nhiều, quân Lý mất đến vạn rưởi người, voi chết cũng nhiều. Ta lại dùng hoả công bắn vào thành, thành Ung thiếu nước không dập tắt được cháy, nhưng vẫn không sao phá được.

Vây đến hơn bốn chục ngày, Thường Kiệt sắp phải kéo quân lui về, thì có người hiến kế dùng phép thổ công, lấy đất bỏ vào bao bì, xếp chồng vào nhau thành bực thềm để lên thành. Vậy là bao đất chất đầy hàng vạn dưới chân thành Ung, quân Lý trèo vào thành đông như kiến, Ung châu mất. Bấy giờ là ngày 23 tháng giêng tức 1-3-1076. Lý Thường Kiệt khởi binh từ tháng 11 năm trước đến tháng Giêng năm sau mới phá được Ung Châu sau 42 ngày vây hãm.

Lý Thường Kiệt làm cỏ xong thành Ung, lại lấy đá lấp sông ngăn cứu viện rồi định đem quân lên phía Bắc lấy Tân Châu. Nhưng được tin vua Tống sắp đưa quân vào cõi, Thường Kiệt sợ bị đánh úp, vả lại quân ta chinh chiến lâu cũng đã mỏi mệt, ông rút quân ca khúc khải hoàn.

Như vậy trong hơn 3 tháng trời, Lý Thường Kiệt cùng binh khê động tâm phúc các nơi tiến quân vào đất Tống, phá hết các cứ điểm của Tống mà có thể dùng để đánh ta, phá thành Ung, Khâm, Liêm; đốt các trái Vĩnh Bình, Thái Bình, Cổ Vạn, Thiên Long, giết người vô số rồi rút quân về, chuẩn bị đợi Tống sang.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Tư, 2008, 10:28:59 am gửi bởi NguoiTotbung » Logged
NguoiTotbung
Thành viên
*
Bài viết: 77


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 03:52:08 pm »

Lạm bàn

Ngày nay, có người cho rằng, Lý đánh Ung, Khiêm ấy là đánh trộm, đánh để rồi lại phải chạy về mà giữ lấy Như Nguyệt, chẳng bằng không đánh còn hơn.

Nhưng ngẫm lại, ta sẽ thấy:

Từ xưa đến nay, người Việt mà sang đánh đất Bắc chỉ có Lý Thường Kiệt. Có người chê trách Lý Thường Kiệt lạm giết người vô số, nhưng Lý Thường Kiệt là vũ tướng, ra quân lấy xã tắc làm trọng. Mục đích là được việc cho nước nhà thì thôi. Thường Kiệt nếu không giết người, không đốt thành, không phá kho tàng, cướp của cải thì sau này, kho tàng đó, sức người đó, của cải đó lại dành để đánh sang Đại Việt, diệt cỏ tận gốc, binh đao vô tình, quân Lý đã chết đến hàng vạn, thì Tống mất tới 6 vạn người cũng không là quá.

Cuộc chinh phạt của Lý vào đất Ung, Khiêm :

- Trước hết, mục đích của cuộc xuất binh là dĩ công vi thủ, mục đích là đánh - phá - diệt chứ không phải là đánh - chiếm - giữ, từ hai mục đích khác nhau cơ bản này mà việc chuẩn bị hậu cần, binh lực khác hẳn nhau!

Nhân khi xuất kỳ bất ý, đánh phá cho địch thiệt hại, rồi rút về bảo toàn lực lượng, ấy là biết mình biết người!

Nếu như đánh -chiếm - giữ : Đòi hỏi binh lực phải lớn, thiện chiến, thạo viễn chinh, quen thủy thổ, hệ thống cung cáp hậu cần mạnh, hệ thống tướng lĩnh am hiểu văn hóa, thổ nhưỡng điạ phuwowng phải cao, lợi thế về binh khí áp đảo!

Lực của Lý ta lúc ấy đâu có đủ như vậy!
Mới chỉ có thành Ung với một lượng quân binh vừa phải, đã vất vả tới 42 ngày, hao hơn vạn binh mới hạ nổi, nếu chiếm đóng, sẽ là :

- Lòng dân không theo - thù hận dân tộc!
- Binh sĩ xa nhà, mỏi mệt - không chuẩn bị trước về tinh thần viễn chinh chiếm đóng!
- Quân số giới hạn, đã hao hụt một phần!
- Chiến tuyến quá xa, không đảm bảo hậu cần!
- Lính thông hợp phong thủy, ắt sinh bệnh tật!

Vậy, tham cái lợi trước mắt, cắt quân đồn trú, chẳng phải là chuốc cái họa bại vong ư?
Logged
huyphuc1981_nb
Thành viên
*
Bài viết: 788



« Trả lời #6 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2008, 12:30:28 pm »

Khổ thân chú Vương An Thạch, chú là người tài vĩ đại mà thiếu chữ Phúc. Cải cách Vĩ Đại mà sao Vong ngồi lù giữ lá Tử Vi.
Lúc bí giờ, hủ nho đã khốn nạn nắm rùi, nhà ta lúc nào phải bàn kỹ về lũ hủ nho này. An Thạch muốn làm như Thương Ửơng, nhưng hủ nho lại giỏi võ mồm hơn, làm An Thạch bại. An Thạch muốn tìm quân công dể củng cố chính trị, nhìn quanh có mỗi Đại Cồ Vịt hiền lành nhất, còn Kim Liêu Tây Hạ đều đang gấu cả, vậy là đi bắt nạt Vịt cho oai, lấy chiến công dọa Tư Mã Quang. Bài này 1 ngàn năm sau Đặng Tiểu Bình cũng dùng, đánh Liên Xô không xong quay ra đánh Vịt, để tìm việc làm cho lính-vốn là bè phái, hòng giữ thế lực. Nhưng diễn biến sau đó khác nhau. Thạch đại bại và dự án vĩ đại thất bại, vốn hết sức tiên tiến về chính trị, "Biến Pháp" đáng ra đã cải cách Tầu, không đến nỗi mất nước vào tay lũ man rợ sau đó, đó cũng là đặc tính của nước Tầu, phần lớn thời gian lịch sử của họ là bị những người họ gọi là "man rợ" đô hộ giết chóc, chỉ vì hủ nho ngu si. Còn Đặng 1000 năm sau rút kinh nghiệm, lèo lá nhảy ngay sang phái "hiện đại hóa", đẩy đám đệ tử vào thế hết thuốc chữa.

Khổ cho Vương An Thạch, sau có người biết đến biến pháp, dựng bia chửi Tư Mã Quang, lại thành một chuyện cười nữa. Hủ nho giỏi mỵ dân, cái thằng thợ khắc chữ nó mới làm thế này, nó xin đừng khắc tên nó vào lạc quản như phong tục, làm như cái bia đó thúi tha lắm.  Grin Grin Grin Grin Grin

Hủ nho ngu 3 đời Huh?? 3 gì, 3 ngàn năm thì có. Câu chuyện vương An Thạch và hủ nho cho thấy độ thối tha bền chắc của hủ nho nó khủng khiếp như vậy. Từ đó, dân tầu yên hưởng trong thi nhạc của hủ nho, kể cả mất nước, bị tàn sát khủng khiếp. Trong các cuộc chiến thời Tống với Tây Hạ, Kim, Liêu, Mông Cổ... có khoảng 20-30 triệu đệ tử của khổng hủ chết, to bằng mấy thế chiến 1 900 năm sau đó. Dân tầu vưỡn ôm sách khổng hủ tự hào là văn minh, trong khi rên xiết dưới ách đô hộ của lũ man di. Cái hài nhất của hủ nho trong đoạn này có lẽ là, Tống gọi Liêu là đệ, nhưng hàng năm phải biếu đệ, thay cho chữ cống.
Logged

Ờ, ừ, thì ký.
huyphuc1981_nb
Thành viên
*
Bài viết: 788



« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 11:17:53 pm »

Vương An Thạch bị Tư Mã Quang đánh về chính trị tơi tả, không thực hiện được biến pháp, không cải cách đượng kinh tế-chính trị, nước tầu lâm nguy. Nhà Cải Cách Vĩ Đại (và hẩm số) liền nghĩ ngay ra chước. Nếu thắng một trận đại chiến thì củng cố được uy tín và nhiều tướng lĩnh lên chức. Dân Tầu ngu si đang nghe Tư Mã Quang mỵ, sẽ sáng mắt ra mà nhìn thấy lợi ích của biến pháp.

Quá siêu. Grin Grin Grin Grin Grin

Nhìn quanh Tầu thấy có, Tây Hạ, Kim, Liêu. Thổ Phồn (Thanh Hải ngày nay) và Triều Tiên thì thời ấy còn xa Tầu. Nhưng cả Tây Hạ, Kim, Liêu đầu đầu gấu. Họ đánh Tống bại liên tiếp. Đến đoạn Tống mỵ dân bằng cách ký hiệp định hoà bình, hàng năm biếu (chứ không phải cống), để Liêu gọi Tống bằng anh  Grin Grin Grin Grin. Dân Tầu thấy Tống oai (anh mà), chứ không thấy tiền cống (à quên, biếu), vui vẻ cả nhà. Rồi cắn thêm 16 châu Vân Yên (có cả chỗ là Bắc Kinh ngày nay).

Có mỗi chú Đại Cồ Vịt thường xuyên cúi sợ Thiên Triều. A, tẩn, tẩn, tẩn. Thế là có chiện này.

Mấy chục năm sau thì  Tây Hạ, Kim, Liêu, Thổ Phồn cả Tống đều táng vào miệng Mông Cổ tất, còn mỗi chú Vịt hiền lành năm nào. Thế bới biết, trông mặt khó bắt hình dong.
Logged

Ờ, ừ, thì ký.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2008, 06:34:33 pm »

  "Từ thuở mang gươm đi mở cõi
  Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long."
  Tôi rất thích câu thơ này của Huỳnh Văn Nghệ, nhưng tôi được biết trong lịch sử ta có 2 lần xuất binh ra khỏi biên giới: 1 lần vào thời nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy tập kích một số châu quận cuả nhà Tống giáp biên giới phía Bắc nước ta; 1 làn nữa là xuất quân qua Cambodia để truy quét bọn diệt chủng Pônpốt. Và cả hai lần nói trên đều là với mục đích tự vệ, "tiên hạ thủ vi cường", đâu có phải là 'mở cõi' mà chỉ là giữ cõi thôi. Ngoài 2 lần trên ra thì còn lần nào nữa, vào thời gian nào? Bác nào biết rõ xin chỉ giáo.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2008, 06:53:57 pm »

Còn nhiều lắm, thời nước Việt vẫn chưa có cái gọi là "biên giới Tây Nam" Grin
Logged
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM