Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:03:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự lừa dối hào nhoáng  (Đọc 147499 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #40 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2008, 10:40:46 am »

Người Việt Nam đã phải mất một nghìn năm nổi dậy và hy sinh để giành được nền độc lập đối với Trung Quốc vào năm 938 sau Thiên Chúa giáng sinh. Trong 900 năm tiếp đó cho đến lúc người Pháp đến vào năm 1850, mỗi triều đại mới lên cầm quyền ở Trung Quốc đều sang xâm lược Việt Nam. Từng thời kỳ buộc phải đẩy lùi quân phương Bắc và tình trạng chiến tranh liên miên với những nước láng giềng ít đe dọa hơn họ phải đối mặt trong việc bành trướng xuống phía Nam bán đảo, thêm một nhiệm vụ quân sự vào nền văn hóa Việt Nam. Văn minh Trung Hoa không ưa chuộng người lính. Trung Quốc đào tạo ra những tri thức đồng thời là những người hành động, những quan lại cai trị học trò của Khổng Tử. Họ xứng đáng được noi theo về kiến thức và giá trị đạo đức trong xử thế. Người lính chiến được xem là người hạ đẳng, được dung nạp khi cần thiết nhưng không bao giờ được ca ngợi. Về căn bản không có gì tốt trong nghệ thuật chiến tranh. Lý tưởng Trung Hoa có thay đổi trong xã hội Việt Nam. Người anh hùng trở thành người tri thức và người hành động cũng là một người lính được tôn trọng, vị quan lại chiến đấu. Người Việt Nam ít người hùng hiền lành như Lincoln. Những anh hùng của họ, như có thể thấy các tượng nhỏ trang trí trên các giá sách, trên bàn, là những người đàn ông cưỡi ngựa hoặc voi, bận áo giáp cầm gươm. Nữ anh hùng truyền thuyết cũng thế, hai chị em bà Trưng nhảy xuống sông tuẫn tiết năm 43, không chịu hàng quân Tàu khi thua chạy. Lòng can đảm rất được mến chuộng trong văn hóa Việt Nam. Lê Lợi giải phóng đất nước dưới 20 năm bị Trung Hoa đô hộ qua một cuộc chiến tranh 9 năm trong thế kỷ XIV, lập một triều đại mới có một nhận định thường được lặp đi lặp lại « Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có ». Những cuộc chiến tranh với cường quốc phương Bắc cũng đưa người Việt Nam đi đến xây dựng lý luận cơ bản của học thuyết quân sự của họ : một lực lượng rõ ràng nếu được lãnh đạo đúng có thể đánh thắng một lực lượng mạnh hơn. Khái niệm độc nhất ấy trong truyền thống quân sự đã trở thành động lực cho lý thuyết của họ. Việc rèn luyện quân đội Việt Nam, dựa vào lịch sử, giải thích rằng để chiến thắng phải tiêu hao dần dần , làm cạn kiệt sức kháng cự của quân địch. Những lực lượng Việt Nam phải sử dụng cách rút lui nhanh sau cuộc tấn công chớp nhoáng, những hoạt động làm chậm chễ, những cuộc phục kích, quấy rối bằng các toán quân du kích. Quân địch bị lôi kéo vào những cạm bẫy trong rừng, đồi núi và những vùng đáng sợ khác tiêu hao hết sinh lực, còn người Việt Nam sử dụng chính những nơi ấy để ẩn náu và khôi phục lực lượng. Cuối cùng khi đối phương kiệt sức và rối loạn, cuộc chiến được kết thúc bằng những đòn phản công mạnh mẽ nhưng nhanh nhẹn, bất ngờ và dồn dập tối đa. Vị tướng giỏi nhất thời xưa, Trần Hưng Đạo, đã dùng chiến thuật ấy chống quân Mông Cổ tràn từ sa mạc Gobi làm kinh hoàng thế giới châu Á và chinh phục nước Trung Hoa, xâm lược Việt Nam năm 1284 rồi năm 1287. BINH THƯ YẾU LƯỢC của Trần Hưng Đạo viết cho binh tướng trở thành một giáo huấn cho nền quân sự Việt Nam. Một trăm năm mươi năm sau Lê Lợi cũng dùng những biện pháp ấy đánh đuổi hết tướng tá quân Minh.

Ba thế kỷ rưỡi sau bài học vẫn không mai một. Năm 1789 năm Cách mạng Pháp, một viên tướng được ông Giáp và ông Dũng đặc biệt thán phục là người giỏi nhất về hành quân chớp nhoáng và tấn công bất ngờ, đập tan cuộc xâm lược cuối cùng của Trung Hoa, lần này do triều đình nhà Thanh tiến hành. Nguyễn Huệ, sau này trị vì với danh hiệu hoàng đế Quang Trung, thần tốc theo dọc bờ biển Việt Nam lên đến châu thổ sông Hồng Hà không vì tính chất thiêng liêng của lễ Tết, ngày đầu năm âm lịch mà cả người Việt Nam và người Trung Quốc đều tôn trọng. Ông ta bất ngờ đánh tan đội quân xâm lược vô cùng mạnh hơn đang dựng trại chỗ gần Hà Nội bây giờ. Ông tấn công vào nửa đêm ngày mồng năm của lễ hội trong lúc quân Thanh đang ngủ say sau những bữa yến tiệc ban ngày. Từ đó người ta tổ chức lễ chiến thắng hàng năm vào ngày mồng năm Tết như là một chiến tích lẫy lừng trong lịch sử Việt Nam. Năm 1968 cũng là một ngày như thế.

Những võ công và truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm là một bộ phận tất yếu của lịch sử nước Việt Nam trước thời kỳ thuộc địa. Nó thấm vào văn học nghệ thuật truyền thống và tâm tính của tầng lớp nông dân đồng thời là di sản của tấng lớp quan lại. Những điền trang - trại  lính là một yếu tố quyết định sự bành trướng của phần bắc Việt Nam đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc « Nam tiến » ấy là một thiên anh hùng ca khác của lịch sử Việt Nam kéo dài trên 450 năm, từ đầu thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XVIII. Việc thờ cúng tổ tiên những người nông dân tiến hành cùng với niềm tin ngưỡng vật linh và Phật giáo bao gồm lòng tôn kính linh hồn những chiến tướng – quan lại nhiều đền thờ được xây dựng tôn vinh họ ở những vùng trung tâm nông nghiệp và lễ thờ cúng là một phần trong đời sống nông dân ; trách nhiệm lễ bái họ cho là một vinh dự thiêng liêng. Một người nước ngoài thấy người nông dân Việt Nam còng lưng trên ruộng có thể nghĩ hình như họ cam chịu, nhưng không nên xem sự dè dặt và chăm chỉ làm lụng của họ là sự phục tùng. Khi họ vùng lên vì quyền lợi và được chỉ đạo tốt, họ là những người chiến đấu đáng sợ, chỉ cần ít lâu để trở thành người lính. Cuộc sống vất vả trên đồng ruộng chuẩn bị cho họ về những khắt khe của một trại lính và kỷ luật tập thể cần thiết cho việc cày cấy ruộng ngập nước chuẩn bị cho họ làm quen với luật lệ tập thể ở chiến trường. Họ cứng rắn và khôn ngoan trong chiến đấu và lòng can đảm được đề cao trong văn hóa truyền thống thúc đẩy họ tự chứng minh sự dũng cảm để được bạn bè kính trọng.

Người Pháp đã có thể đè bẹp dân tộc này ở thế kỷ thứ XIX với một tổ chức Châu Âu cùng kỹ thuật, vũ khí hiện đại hơn, vào thời kỳ nền văn minh Việt Nam cũng như Trung Quốc đang trong tình trạng đình trệ. Nhưng đã không thể xóa bỏ lịch sử của họ. Những cuộc nổi dậy liên tiếp nhau chứng tỏ người Pháp không bao giờ bẻ gãy được nghị lực của dân tộc này. Những biểu tượng, và gương sáng của quá khứ tiềm ẩn Trần Hưng Đạo, Lê Lợi và Nguyễn Huệ chờ đợi một thế hệ mới hồi sinh, phát động đất nước vùng lên chống lại.

Khi Hồ Chí Minh và các học trò của mình khơi dậy quá khứ nối liền với hiện tại, nhân dân Việt Nam có thể đối mặt với kẻ thù do học tập lịch sử. Người Pháp không phải là một giống người châu Âu thượng đẳng mà chỉ là một kẻ xâm lược khác từ ngoài vào, vậy là có thể đánh thắng. Nhóm quan lại và những nhóm xã hội khác hợp tác với người Pháp không còn là những người có đặc quyền người ta phải phục tùng mà cũng là những « quân lang sói » như Hồ Chí Minh gọi tên, đã từng là những con tin của quân Tàu chiếm đóng. Bao giờ cũng có những quan lại sẵn sàng cuồng tín vì kẻ xâm lược nước ngoài hoặc vì tiền, vì thuộc các nhóm phiến loạn không phục tùng hoặc vì họ nghĩ việc chinh phục sẽ kéo dài, tốt nhất là bám vào để có vị trí cho mình và gia đình trong trật tự mới ấy. Lịch sử Việt Nam không thiếu những « tên phản động bán mình » theo cách nói  của những người cộng sản. Những nông dân và dân nghèo thành thị trong tổ chức mật thám, cảnh binh và quân lính thuộc địa tra tấn, giết hại đồng  loại vì người Pháp. Người Tàu cũng đã tuyển mộ loại này để bổ sung vào hàng ngũ tay sai. Không khí tệ hãi xã hội, mưu mô xảo trá và sự thối nát lan tràn ở Huế, ở triều đình Bảo Đại và các quan chức cấp cao là dấu hiệu muôn thuở của một triều đại xuống dốc không thể bảo vệ đất nước nữa và phải bị quét sạch bởi những chiến sĩ – quan lại yêu nước.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #41 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2008, 02:47:18 pm »

Trong Thế chiến thứ hai, những người này sống trong rừng núi ven biên giới Trung Quốc phát triển tổ chức Việt Minh để vận động một phong trào toàn quốc. Nhớ lại công cuộc di trú anh hùng, Hồ Chí Minh gọi cuộc tiến về các làng xã, ruộng đồng vùng đồng bằng là « tiến xuống phía Nam ». Những cơ sở rừng núi được mệnh danh Lê Lợi, Quang Trung và những anh hùng khác của cuộc kháng chiến xưa kia. Cuối năm 1944, Việt Minh đã có nửa triệu người tham gia mà ba phần tư là người miền Bắc và miền Trung. Họ do một Đảng Cộng sản lãnh đạo lúc ấy không quá năm nghìn đảng viên. Lời kêu gọi vẫn nhấn mạnh vào lòng yêu nước và một số yêu sách xã hội nhằm tập hợp nông dân mà không làm những điền chủ giàu có yêu nước lo sợ.

Mùa xuân năm 1945, người Nhật đánh giá đúng người Pháp Vichy đã đổi hướng, trở thành những « người Pháp tự do » trong lúc nước Nhật đang thất bại trong cuộc chiến. Những cú đánh mạnh của quân đội Thiên Hoàng khắp Đông Dương ngày mồng 9 tháng Ba lúc hai mươi mốt giờ ba mươi không những thủ tiêu chính quyền thực dân và giải giáp quân đội mà còn đánh một đòn sinh tử cho chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Nỗi sợ hãi của nhiều người Việt Nam đối với những ông thầy châu Âu tan biến khi thấy họ bị bắn, bị đánh bại và kéo lê ở các trại lính còn vợ con họ bị những người lùn da vàng làm nhục. Áp lực của chính quyền trung ương đột nhiên biến mất còn những vùng nông thôn Bắc Bộ lâm vào nạn đói tệ hại nhất trong lịch sử. Giữa cuối năm 1944 và mùa hè năm 1945, từ bốn trăm nghìn đến hai triệu nông dân và vợ con chết đói. Người ta không thể biết con số chính xác vì chính quyền không làm được thống kê nữa và người Nhật đã bỏ nông thôn lui về thành thị. Nạn đói là hậu quả của việc người Pháp thu vét lúa gạo theo lệnh người Nhật để làm chất đốt cho các xưởng của quân đội Thiên Hoàng hoặc gửi sang Nhật. Các chủ điền đại bộ phận ở miền Bắc lúc đầu bị phá sản rồi trải qua nạn đói, không thể mua hạt giống để gieo cấy cũng không có thực phẩm cho gia đình nữa. Việc thu gom lúa gạo do các lý trưởng, chánh tổng, cấp cai trị thấp nhất của chính quyền thuộc địa, có cảnh binh giúp đỡ thực hiện. Những người Việt Nam ấy tiếp tục tịch biên lúa gạo cho người nước ngoài trong lúc chính đồng bào của họ chết đói cho thấy một ví dụ lạ lùng về sự tha hóa đạo đức của chế độ thực dân.

Khi các tổ chức Việt Minh thâm nhập vào nông thôn, nạn đói đã nhấn chìm nông dân vào mức độ tột cùng của thất vọng và căm hờn. Việt Minh bèn ra một lệnh cũng quan trọng như về độc lập dân tộc « Phá các kho thóc để cứu đói ». Các chiến sĩ cách mạng phá những kho tích lũy gạo của các điền chủ đem phân phát cho dân. Đổi lại, nông dân giúp họ bắt giữ các lý trưởng, chánh tổng. Những người này bị thay thế bởi chính quyền Việt Minh trong các « Hội đồng nhân dân » được các đơn vị tự vệ gồm những người nông dân vũ trang bằng dao, bổ cào và liềm hái. Khi nước nhật đầu hàng ngày 15 tháng Tám năm 1945, ông Giáp có hơn 5000 chiến sĩ phần lớn được trang bị vũ khí Mỹ do OSS cung cấp ; họ được đa số tầng lớp nông dân miền Bắc phục tùng không điều kiện.

Rồi như các đợt sóng vỗ bờ : ngày 17 tháng Tám, « Hội đồng khởi nghĩa » phất cao ngọn cờ cách mạng Việt Minh, ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ trong một cuộc tập  hợp lớn. Mít tinh tổ chức ở nhà hát thành phố Hà Nội do các công chức Việt Minh dựa vào sự ủng hộ của chính phủ bù nhìn Bảo Đại được người Nhật dựng lên. Người lên diễn đàn đầu tiên vừa cất lời thì những lá cờ Việt Minh phất lên trong gian phòng đầy ắp người và trên diễn đàn. Một chiến sĩ cách mạng, được những người bảo vệ có súng ngắn bao quanh, giật lấy micro kêu gọi khởi nghĩa « giành lại đất đai của tổ tiên ». Cảnh binh có nhiệm vụ bảo vệ cuộc mít tinh ngả theo họ và buổi họp biến thành một cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ Việt Minh, tiếp đó là cuộc diễu hành suốt đêm trên đường phố. Những ngày tiếp theo, nhiều nghìn nông dân đổ ra thành phố. Đại diện của Bảo Đại chạy trốn. Đội quân đồn trú bảo vệ thành phố bị cầm tù và vũ khí được phân phát cho những người khởi nghĩa. Ba mươi  nghìn lính Nhật đóng ở Hà Nội từ chối bảo vệ chế độ bù nhìn. Họ chỉ đành giữ gìn những ngôi nhà của Nhà băng Đông Dương và binh trại của họ.

Cuối tháng Tám năm 1945 Bảo Đại thoái vị tại thủ đô hoàng gia Huế trong một buổi lễ tầm vóc đáng kể đối với người Việt Nam. Hoàng đế, nhân danh quốc gia cho đến khi người Pháp bẻ gãy biểu tượng, chuyển giao quyền hành hợp pháp cho các đại diện của Hồ Chí Minh. Mặc áo bào nhà vua, chít khăn vàng, ông đứng trên tường thành cửa Ngọ Môn của hoàng cung giữa thành phố Huế. Bảo Đại trao lại cho phái đoàn Việt Minh ấn tín triều đình và thanh kiếm nhà vua. Ngọn cờ vương quốc hạ xuống từ cột cờ đồ sộ trên cồng thành và lá cờ đỏ sao vàng của Cách mạng được kéo lên thay thế. Nhà vua cuối cùng của triều Nguyễn trở thành công dân Vĩnh Thụy, được phong làm « cố vấn chính trị tối cao » của chính phủ Hồ Chí Minh cho đến lúc ông ta rời đất nước vào đầu năm 1946.

Trái với  những xác định sau này của các quan chức Hoa Kỳ, những Đảng Cộng sản khác không giúp đỡ gì người Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Pháp của họ. Người Trung Quốc còn bận rộn trong cuộc chiến với Tưởng Giới Thạch. Những đồng minh Pháp buổi ban đầu cũng bỏ rơi họ. Với hy vọng thắng lợi trong những cuộc bầu cử năm 1945 và 1946, Đảng Cộng sản Pháp thực ra đang lo tránh mọi hành động mất lòng dân và im lặng về lời tuyên bố lịch sử để các thuộc địa độc lập. Những đồng chí cũ của Hồ Chí Minh khuyên không nên chống lại việc chính quyền thực dân quay trở lại vì một cuộc chiến tranh giành độc lập trở ngại cho đường lối ngoại giao của Liên bang Xô Viết.

Những người Việt Nam không nhận được của Moscow một sự giúp đỡ nào vì Stalin chẳng có lợi gì để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng của họ. Ông không chia sẻ hy vọng về thắng lợi bầu cử của những người cộng sản Pháp vì ông sáng suốt hiểu rằng Hoa Kỳ không bao giờ cho phép có một chính phủ cộng sản ở Paris dù được bầu hợp pháp hay không. Tuy vậy ông mong Đảng cộng sản Pháp tranh thủ được quần chúng vì lợi ích chính trị có một pháo đài cộng sản mạnh ở nước Pháp. Ông cũng muốn các nhà chính trị cánh tả không chú ý khi ông đang củng cố sự chi phối của Xô viết ở Đông Âu, con đường xâm nhập vào nước Đức giữa hai cuộc tranh chấp và là mối bận tâm hàng đầu về an ninh đối với Stalin.

Trên thực tế, những người cộng sản Pháp còn vượt quá sự từ chối giúp đỡ. Họ đồng tình với việc chinh phục lại thuộc địa. Maurice Thorez, tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp là phó chủ tịch Hội đồng chính phủ ba phái tiến hành chiến tranh chống Việt Minh năm 1946. Ông chú tâm để các thành viên Hội đồng dân tộc không cản trở việc bỏ phiếu tiến hành những biện pháp khẩn cấp và chi phí quân sự cho cuộc chiến tranh Đông Dương.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #42 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2008, 03:46:25 pm »

Những điều kiện ấy thay đổi vào năm 1949 với cuộc chiến tranh lạnh và các đội quân của Mao Trạch Đông tiến xuống biên giới Bắc Việt Nam. Trong bốn năm đầu của cuộc chiến tranh chống Pháp, người Việt Nam, như ông Hồ, nói « hoàn toàn đơn độc ». Việc xây dựng quân đội của họ là một sáng kiến quân sự xứng đáng với những chiến công của tổ tiên họ. Họ đã có những tiến bộ đáng kể khi ông Hồ mất hết hy vọng thỏa thuận một tạm ước với người Pháp, đã cho phá vỡ trung tâm Hà Nội vào đêm 19 tháng Chạp năm 1946. Trong một năm bốn tháng tiếp theo cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945, ông Giáp và các phó của ông đã biến đội quân nhỏ bé 5000 người thành một lực lượng mười vạn người giá trị chiến đấu không đồng đều, từ những toán du kích ở đồng bằng sông Cửu Long đến những tiểu đoàn thường trực ở Bắc và Trung bộ Việt Nam. Việc trang bị của họ lẫn lộn các loại vũ khí : súng Pháp già cỗi với các cỡ đạn khác nhau, súng Nhật tước của quân đội Thiêh Hoàng, súng Mỹ do Trung Hoa Dân quốc bán giấu giếm. Họ cũng sử dụng những khẩu các-bin Mỹ và Steven Anh sản xuất thô thiển trong những xưởng thủ công với máy móc của các xưởng máy Pháp cũ hoặc các xưởng nghành đường sắt. Thậm chí họ cử thợ lặn xuống tìm vũ khó và trang bị trong các tàu Nhật bị đắm ở vịnh Bắc Bộ. Nhiều nghìn sĩ quan binh lính và kỹ thuật viên Nhật Bản đào ngũ thay vì được đưa về nước là bộ khung cán bộ của các xưởng và huấn luyện viên cho các chiến sĩ tương lai. Những người đào ngũ Nhật Bản do ông Giáp và các thủ trưởng Việt Minh khác lãnh đạo, những người này đã được rèn luyện trong Hồng quân Trung Quốc hoặc đào tạo ở học viện quân sự đệ tam quốc tế xây dựng ở Hoàng Phố năm 1925. Người Việt Nam đã có một quân đội quốc gia. Người Pháp phải đánh nhau 3 tuần mới kiểm soát được Hà Nội và phải gần ba tháng mới giải phóng hết những cơ sở đồn trú bị vây hãm.

Việc tuyển mộ và tập luyện quân không ngừng tăng tiến sau đêm quyết định ở Hà Nội. Vũ khí nhiều hơn và chất lượng tốt hơn tước được của quân Pháp hoặc mua ở Tàu và Thái Lan. Các tướng Tàu quốc dân ở miền Nam Trung Quốc hoặc ở đảo Hải Nam sẵn sàng vì tiền đổi súng đạn Hoa Kỳ cung cấp chọ họ đánh cộng sản. Việt Minh duy trì cho đến thời kỳ chiến tranh Triều Tiên một phái đoàn thường trực mau súng đạn ở Bangkok trên cùng đường phố với cơ quan thông tin Mỹ. Tiền không có mùi vị chính trị đối với người Thái. Vũ khí được đưa về trên lưng vật nuôi, trên xe đạp hoặc xe bò kéo đến cơ sở Việt Minh trong vùng biên giời phía Bắc. Nhiều loại được chở lậu bằng thuyền và tàu đánh cá từ Hải Nam đến vô số các vũng nhỏ bở biển phía bắc hoặc trên 350 cây số Việt Minh kiểm soát, đúng vào chỗ mấy năm sau đó Bumgardner chứng kiến Ngô Đình Diệm đến thăm vùng « giải phóng ». Ông Giáp đã bắt đầu tổ chức các chiến binh miền Bắc thành đơn vị cỡ Sư đoàn trước khi những người cộng sản Trung Quốc bố trí quân ở biên giới vào cuối năm 1949, mở ra triển vọng một sự giúp đỡ tăng tiến. Con người sống bằng nghề dạy học môn lịch sử ở một trường trung học Hà Nội, đã giảng dậy ở đây vể cuộc cách mạng Pháp và những trận đánh của Napoléon, đã chứng tỏ là một vị tướng trí thức nổi tiếng, có khả năng sử dụng chiến lược truyền thống Việt Nam chống lại người Pháp.

Từ cuối năm 1949 đến mùa thu năm 1950, ông Giáp tiêu hao quân Pháp trong những núi rừng bao quanh đồng bằng sông Hồng. Tướng Marcel Carpentier mất phương hướng, hốt hoảng và phạm vào sai lầm người Việt Nam đã dự kiến. Ông ra lệnh thoát ra cấp tốc khỏi các tỉnh biên giới vào năm 1950. Các đoàn quân Pháp đi vào con đường số 4 ngoằn nghèo giữa những núi đá vôi và rừng vùng biên giới. Quân của ông Giáp đã chờ họ ở đấy và con đường của đế quốc Pháp là con đường kết thúc thảm hại của nền đế quốc ấy. 6000 binh lính đội quân thực dân Pháp biến mất tại đây. Việt Minh chiếm đủ khí giới, quân nhu, xe hơi, xe bọc thép và thiết bị các loại để trang bị cho toàn bộ một Sư đoàn. Đây là thất bại tệ hại nhất của đế quốc Pháp ở hải ngoại. Chiến thắng này của ông Giáp là màn mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cú sốc tâm lý của thảm bại này có lẽ sẽ đẩy nhanh những cuộc thương lượng để chấm dứt chiến tranh nếu nước Pháp bị bỏ mặc với những nguồn lực của mình. Nhưng chính quyền Truman vừa giao ước đóng góp một sự giúp đỡ quân sự trực tiếp và hào phóng đã khuyến khích người Pháp tiếp tục cuộc chiến.

Từ năm 1950, nhiệm vụ của ông Giáp và các sĩ quan chủ yếu là trang bị cho quân đội dày dạn của họ bằng xe pháo Xô-viết, những súng phòng không và khí cụ hạng nặng khác nhanh chóng đưa tới cùng những huấn luyện viên Trung Quốc để nâng tổ chức lên thành một lực lượng chiến đấu hiện đại. Cần nhiều năm để đạt tới điều đó, đánh dấu bởi những sai lầm và thất bại. Nhưng điều chủ yếu đã được thực hiện vì quân đội được thế giới chú ý năm 1954 và viết nên thiên anh hùng ca mới trong lịch sử Việt Nam được xây dựng từ rất lâu trước khi chiếc xe tải đầu tiên chở vũ khí Xô-viết vượt qua biên giới Trung Quốc.

Việc lãnh đạo cuộc chiến tranh giành độc lập do Hồ Chí Minh và các học trò của ông lãnh đạo đã in đậm hình ảnh nhân dân trong trí những người Việt Nam và cụ thể hóa một số vấn đề cơ bản của cuộc sống chính trị. Cả toàn dân tham gia từ những trẻ em vừa lớn lên đi do thám và đưa tin đến những bậc ông bà có thể khôn khéo biện bác với tư cách những người già. Những người Việt Nam có ba thái độ lựa chọn : gia nhập hàng ngũ những người cộng sản để giải phóng đất nước, hợp tác với người Pháp vì những lý do khác nhau hoặc không tham gia vào cuộc tranh chấp này về đạo đức và chính trị quan trọng nhất thời đại ấy như một số ít người làm, đặc biệt là Ngô Đình Diệm. Cuộc chiến tranh làm ông Hồ trở thành người cha của nước Việt Nam mới : do vậy một người yêu nước là một  người cộng sản hoặc một người có cảm tình. Người đứng về phía Pháp là một kẻ hợp tác, như những người phe Pétain ở Vichy. Người nào từ chối tham gia, như Diệm, bị loại trừ khỏi cuộc đấu tranh và lối sống chờ thời dẫn đến hư không.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #43 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2008, 04:28:28 pm »

Những người có trách nhiệm ở Hoa Kỳ tỏ ra không thể chấp nhận những thực tế ấy ở Việt Nam. Tuy ông Hồ không kêu gọi trực tiếp người Mỹ nữa, ông đã cẩn thận để ngỏ cửa, hy vọng một ngày nào đó có một sự thỏa thuận. Đầu năm 1949, Geogre Abbott, nhà ngoại giao đã có cuộc nói chuyện thống thiết với ông Hồ ở Paris tháng Chín năm 1946, cố gắng lưu ý Dean Acheson với ý tưởng ông Hồ có lẽ là một Tito châu Á. Việc cắt đứt giữa Tito và Stalin bấy giờ đã thành chính thức và năm 1949, Washington chấp nhận tình trạng thù địch gần với cuộc tranh chấp vũ trang giữa Liên Xô và Nam Tư. Abbott đã nêu lên một nét đặc biệt trong thái độ của những người cộng sản Việt Nam :

« Chế độ cộng sản Việt Nam có nét đặc biệt là rất ít tuyên truyền chống Mỹ. Dĩ nhiên điều đó không phải do đường lối chính thức của đảng không biết. Đây nhìn bề ngoài là dấu hiệu Hồ Chí Minh còn giữa hy vọng nhận được hỗ trợ của người Mỹ đối với một chính phủ Việt Minh dưới quyền ông hoặc ít nhất cũng được họ chấp nhận nếu họ không giúp đỡ ».

Dean Acheson nhân danh bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Truman đã đưa vấn đề Đông Dương vào đường lối chính trị của Hoa Kỳ ngay từ đầu. Nhận xét của Abbott không kích thích ông sửa đổi cách phân tích của ông. Đối với Truman và các nhân vật khác của hai đảng, sự việc đã được xác định tất cả mọi phong trào cộng sản là những con tốt của một đất nước tập quyền tối cao do Kremlin lãnh đạo và Joseph Stalin là một Hitler mới tiến tới chinh phục thế giới. Mặc dù thái độ hiển nhiên của Tito, họ không tin được một thủ lĩnh cộng sản có thể có mục tiêu chính là nền độc lập của nước mình. Người Mỹ giúp đỡ Tito nhưng không thoải mái, xem ông là một biến dạng. Họ không trân trọng sự hiện diện của một chủ nghĩa cộng sản quốc già và không hiểu rằng Stalin dù quái gở đến mấy, trong đường lối ngoại giao cũng có những mục tiêu hạn chế. Việc nhận định sai lầm này hình như do không nhận thức được hoàn cảnh phức tạp của thế giới. Nếu Tito, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông là những người quốc gia đồng thời là những người cộng sản, nếu những nền văn hóa, lịch sử khác nhau có thể dẫn những nước cộng sản phát triển theo những hướng khác nhau thì thế giới vô cùng phức tạp hơn những người Mỹ ấy hình dung. Xu hướng tự nhiên đẩy họ đến chỗ hình dung một toàn cầu phân biệt rạch ròi một cách đơn giản với một bên Thiện một bên Ác.

Acheson có ý định tìm một giải pháp thay thế chống cộng sản đối với ông Hồ. Ông xác định sai lầm cơ bản của đường lối chính trị Pháp xuất xứ từ chế độ thực dân kiểu cũ. Nếu nước Pháp thiết lập một chính phủ bản xứ và tuyên bố nền độc lập cho Việt Nam, những nhà lãnh đạo mới sẽ có cơ may tranh thủ được sự gắn bó của quấn chúng tương đương hoặc cao hơn đối thủ Hồ của họ. Thực tế Acheson muốn người Pháp áp dụng thể chế Mỹ vào Đông Dương. Việc tìm kiếm một giải pháp thay thế chống cộng ấy càng tăng nhanh khi lực lượng Mao Trạch Đông bắt đầu thắng trong cuộc chiến tranh Quốc – Cộng ở Trung Quốc. Chính phủ Truman bèn nhử mồi nước Pháp bằng lời hứa giúp trực tiếp về kinh tế và quân sự cho cuộc chiến nếu họ bỏ lề lối cũ của thế ký XIX để áp dụng một đường lối hợp lý. Kết quả sáng kiến Mỹ ấy biến cuộc tranh chấp thuộc địa thành một cuộc chiến tranh chống cộng sản mà giải pháp là Bảo Đại.

Bảo Đại trở về Việt Nam năm 1949 su một thời gian lưu vong ở Hồng Kông để nắm lại ngôi vua dưới sự bảo trợ của người Pháp và người Mỹ. Đối với một ông vua đã mất tín nhiệm và đã thoái vị không phải dễ dàng xem như không có việc gì xảy ra và được quần chúng ủng hộ, đặc biệt với tính cách như Bảo Đại. Tuy vậy ông ta không kể đến buổi lễ năm 1945 đầy biểu tượng với người Việt Nam khi ông giao lại những vật tượng trưng quyền lực của mình cho các đại diện của ông Hồ. Ông cố gắng không chính thức đòi lại ngôi vua. Ông dùng danh từ « Quốc gia » Việt Nam để phân biệt với « Vương quốc » và lấy danh hiệu chính thức là Quốc trưởng. Ông nói chính phủ của ông thực tế là người kế nhiệm nền Cộng hòa Việt Nam mà ông Hồ đã công bố năm 1945.

Truman và Acheson công nhận chế độ Bảo Đại là chính phủ hợp pháp của Đông Dương vào đầu năm 1950. Acheson tuyên bố ông Hồ là « kẻ thù sinh từ của nền độc lập Đông Dương » và Bảo Đại đại diện cho « tinh thần quốc gia thực sự ». Nhưng nhà lãnh đạo quốc gia này có những khó khăn trong ngôn ngữ bản xứ. Được các gia sư Pháp dạy dỗ ở Huế và ở Pháp ba năm thời niên thiếu, Bảo Đại không thể nói, đọc và viết đúng tiếng Việt Nam. Tháng Năm năm 1950 Acheson chính thức thông báo sự giúp đỡ kinh tế, quân sự như đã hứa với người Pháp để đổi lấy Bảo Đại.

Quốc trưởng mới vội vã bán nhượng quyền một tổ chức cờ bạc, đĩ điếm và thuốc phiện ở Chợ Lớn cho ông bạn Bảy Viễn, trùm xã hội đen Bình Xuyên để nhận phần trăm tiền lãi. Ông ta cũng bổ nhiệm Bảy Viẽn làm tướng đội quân quốc gia Việt Nam người Pháp thành lập và người Mỹ trang bị cho Bảo Đại. Kẻ « xa hoa bạc nhược » ấy , như một nhà báo Pháp định danh còn ý thức về vai trò của mình trong cuộc sống hơn Acheson nhiều. Một hôm người ta cho ông ta biết người thân tín của ông, một cô gái to béo tóc vàng ông đem theo từ bờ biển Azur ( Bờ biển phía Nam nước Pháp) đang trác táng công khai với người Pháp. Ông trả lời « Vâng, tôi biết. Cô ấy chỉ hành nghề của mình. Nhưng trong hai người, kẻ thực sự đĩ điếm là tôi ».
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #44 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2008, 09:44:49 am »

Không có một giải pháp có thể nào chống được cộng sản ở Đông Dương. Từ năm 1930 người Pháp và thất bại của những người dân tộc đã dọn đường cho Hồ Chí Minh. Sau một cuộc nổi dậy không thành, Sở mật thám Pháp đã tróc tận gốc đảng dân tộc không cộng sản lớn nhất, Quốc dân đảng theo kiểu Trung Quốc. Các lãnh tụ bị lên máy chém, những người sống sót chạy trốn sang Trung Quốc. Những người không cộng sản không khôi phục lại phong trào trước sự đàn áp của thực dân Pháp vì họ đều thuộc tầng lớp tinh hoa của thành thị, không quan tâm đến những đổi thay xã hội cần thiết để được dân chúng ủng hộ. Những người cộng sản thời kỳ ấy cũng bị đánh khắc nghiệt sau một cuộc nổi dậy tổ chức chưa tốt, kết thúc bằng cuộc tàn sát nông dân của đội quân Lê dương nước ngoài. Một cuộc nổi dậy của nông dân lần thứ hai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vào tháng Mười một năm 1940 cũng bị nhấn chìm đặc biệt độc ác do những nhà cầm quyền Vichy. Những người cộng sản từ đó rút bài học kinh nghiệm vì mối quan tâm của họ về mục tiêu xã hội bao giờ cũng đưa họ dựa vào cơ sở của sự bất bình.

Hồ Chí Minh lên nắm quyền ở Hà Nội chấm dứt giai đoạn là những người dân tộc không cộng sản. Xung quanh ông là những người cứng rắn và được tôi luyện : Phạm Văn Đồng không phải người duy nhất nếm trải những nhà tù Pháp ; người vợ trước của ông Giáp, cũng là cán bộ tích cực của Đảng, chết trong một nhà tù Pháp năm 1943. Thời kỳ tiếp theo Thế chiến thứ hai, những người Quốc dân đảng sống sót và những đảng phái tương tự cố hình thành một tổ chức ở Bắc Bộ chống lại Việt Minh. Ông Hồ bèn tiêu diệt họ. Hàng trăm những người có trách nhiệm trong các đảng phái này bị bắt và hành quyết. Từ tháng Tám năm 1945 những người cộng sản tổ chức một phong trào ám sát có lựa chọn. Khoảng bốn chục nhân vật chính trị bị giết. Trong số đó có Ngô Đình Khôi, anh trai cả của Diệm phụ trách về công giáo và thủ hiến tỉnh Quảng Nam cho đến lúc người Pháp bãi chức vì âm mưu với người Nhật chống lại họ.

Những người cộng sản không tìm cách loại bỏ tất cả những kẻ chống đối chính trị. Họ giết những đối thủ hăng hái nhất hoặc những người họ nghi ngại sẽ hợp tác với người Pháp. Khái niệm về dân chủ còn xa lạ ở Đông Dương và hai bên đối địch tiêu diệt lẫn nhau. Diệm thường kể lại với người Mỹ, cộng sản đã ám sát anh ông ta như thế nào. Ông quên nói anh ông đã mưu mô với người Nhật để ám sát các nhà lãnh đạo Việt Minh.  Những người cộng sản biết được, vội giết ông ta và con trai trước khi ông hành động. Ngoài những cuộc hành quyết có kế hoạch ấy, những người nông dân Việt minh tàn sát hàng nghìn người bị nghi ngờ có cảm tình với người Pháp, đặc biệt ở Sài Gòn và vùng đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc chinh phục lại thuộc địa năm 1945 – 1946.

Những người dân tộc không cộng sản sống sót sau đợt tàn sát của chế độ thực dân và những người cộng sản được Truman và Acheson khuyến khích hợp tác với người Pháp thông qua Bảo Đại thể hiện sự sa sút đáng khinh. Trong nhiều năm các nhà báo Mỹ và quan chức Đại sứ quán tiếp tục trân trọng những vỏ bọc trống rỗng ấy. Những người lãnh đạo các phe nhóm không cộng sản có nhiều tham vọng và biết khôn khéo khoa trương thanh thế. Nhưng không một phe nhóm chính trị nào đại diện cho điều mà người Pháp gọi là « một tá các ông ».

Hoa Kỳ cũng chịu trách nhiệm như những người Pháp về những đau khổ của cuộc chiến tranh thứ nhất dù thỉnh thoảng họ định phủi tay về sự cứng đầu và ngu ngốc của người Pháp. Trong 9 năm ấy có khoảng 250.000 đến 1.000.000 dân Đông Dương bị tiêu diệt, 200.000 đến 300.000 Việt Minh bị giết trong chiến đấu, kéo theo cái chết của 95.000 lính thuộc địa người Việt Nam, Algeria, Maroc, Senegal , Campuchia, Lào, Đức và những người Tây Âu trong đội quân Lê dương. Thời kỳ Điện Biên Pủh, khi Eisenhower vào Nhà Trắng, Hoa Kỳ chi 80% tài chính cho cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Những người trong chính phủ Mỹ không bao giờ công nhận trách nhiệm của họ trong cuộc tàn sát này. Sự khôn khóe trút mọi sai lầm cho người Pháp miễn trừ cho họ gánh nặng tinh thần chất lên người.

Sau khi Hoa Kỳ và Edward Lansdale ủy nhiệm cho Ngô Đình Diệm khoản còn lại của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, ông này truất phế Bảo Đại nhưng sử dụng cho nền cộng hòa lá cờ hoàng gia có ba sọc đỏ trên nền vàng. Ông thải hồi cảnh sát trưởng Bình Xuyên và giữ nguyên sở Cảnh sát và An ninh quốc gia ấy. Những đổi thay ông đưa lại không phải là những việc làm tốt nhất. Con người Lansdale đưa lên là người lãnh đạo « nước Việt Nam tự do » đã gây ra cuộc chiến tranh thứ hại của Việt Nam.

Trong 4 năm tiếp theo Hiệp định Geneve năm 1954, ông Hồ và các cộng sự cộng sản đối mặt với nhiều vấn đề ở miền Bắc không giải quyết được : xây dựng lại một đất nước bị tàn phá, nuôi sống số dân 14 triệu người trong vùng thiếu hụt và bị cắt lúa gạo  nhập truyền thống từ miền Nam, thiếu kỹ thuật viên và một nền công nghiệp cũ kỹ mà họ muốn phát triển và hiện đại hóa. Đồng thời họ phải tiến hành một cuộc cách mạng xã hội biến miền Bắc thành một quốc gia mác-xít.

Những sai lầm họ mắc phải càng làm họ bận bịu thêm. Trường Chinh, tổng bí thư của Đảng không kiểm soát nổi lòng cuồng nhiệt trong cải cách ruộng đất. Hàng nghìn địa chủ lớn nhỏ chết, trong số đó có một số lượng đáng kể đảng viên là nạn nhân của những cuộc thanh trừ hoặc xử tử trước tòa án sai lệch của nhân dân thời kỳ ấy. Hồ Chí Minh tự kiểm điểm về những sai lầm ấy, hủy bỏ các tòa án, ra lệnh tất cả những người bị giam giữ phải được thả ra và phát động một « chiến dịch sửa chữa sai lầm » để ổn định tinh thần quần chúng. Trường Chinh bị rút khỏi nhiệm vụ tổng bí thư của Đảng. Võ Nguyên Giáp xác nhận trong những « sai lầm, chúng ta đã hành quyết quá nhiều người trung thực ... và nhìn thấy kẻ địch khắp nơi, chúng ta áp dụng lối khủng bố, mở rộng ra quá xa ..Tệ hơn nữa, nhục hình cuối cùng được xem như một việc làm bình thường ».

Chính quyền Eisenhower có ý định duy trì việc chia cắt nước Việt Nam, biến giới tuyến tạm thời tập kết ở vĩ tuyến 17 do Hiệp định Geneve qui định thành một biên giới quốc tế. Hội đồng an ninh Hoa Kỳ bí mật quyết định phá hoại những thỏa thuận ở Geneve ngay sau khi vừa ký. Washington sử dụng Ngô Đình Diệm vốn nhiệt tình hợp tác để ngăn cản tổng tuyển cử trong cả nước Việt Nam như lời tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve ấn định vào tháng Bảy năm 1956. Nhưng nếu Diệm lo càn trở một cuộc tuyển cử mà ông biết mình sẽ thất bại thì không một trong hai bên Việt Nam nào từ bỏ đòi hỏi sự thống trị trên cả nước. Vả lại ba băng đỏ trên lá cờ của Bảo Đại rồi của Diệm là hình ảnh ba miền Việt Nam : Bắc, Trung và Nam. Liên Xô cũng dự họp ở Geneve với Anh quốc nhưng cuối những năm năm mươi, Khrusev theo đuổi đường lối « cùng tồn tại hòa bình ». . Để hòa giải với Hoa Kỳ, ông từ chối hậu thuẫn cho những yêu cầu của Hà Nội đòi tiến hành tổng tuyển cử. Trong một cuộc bàn luận ở Hội đồng Bảo an đầu năm 1957 sau khi người Mỹ đòi kết nạp miền Nam Việt Nam vào Liên Hợp Quốc, đại biểu Xô viết đề nghị giải quyết vấn đề bằng chấp nhận cả miền Bắc và miền Nam vì ỏ Việt Nam có hai quốc gia riêng rẽ.

Hồ Chí Minh phản kháng không quyết liệt lắm. Những biến động trong nước quá bận rộn và ông rất phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Liên Xô để xây dựng lại miền Bắc nên hình như đành để đất nước bị chia cắt, dù sao vẫn là tạm thời. Người ta thấy một chứng cứ, có lẽ rõ hơn ông muốn, trong bức thư công khai năm 1956 cho 130.000 quân lính và cán bọ chính quyền Việt Minh tập kết ra miền Bắc cùng gia đình sau Hội nghị Geneve, Đảng đã bảo họ có thể trở về sau cuộc tổng tuyển cử năm 1956. Ông Hồ cố giải thích vì sao không thế : « Đường lối của chúng ta là củng cố miền Bắc chiếu cố miền Nam ». Diệm sẽ giải quyết vấn đề tiến thoái lưỡng nan của Hồ Chí Minh.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #45 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2008, 03:55:40 pm »

Jean-Baptiste Ngô Đình Diệm ( người Thiên Chúa giáo thường đặt một tên Pháp thêm vào tên họ Việt Nam) đã 53 tuổi. Ông cũng lạ lẫm như Lansdale về thực tiễn chính trị và xã hội của đất nước sau 4 năm lưu vong trở về ngày 7 tháng Bảy năm 1954. Nhưng việc không biết là do ông muốn thế. Đây là một người mê muội về ảo tưởng quá khứ của vương triều. Ông vào Sài Gòn một cách đặt biệt, ngồi trong chiếc xe kéo phủ rèm và không một người Việt Nam nào tập hợp dọc đường để nhìn vị thủ tướng mới có thể thấy ông ta và bản thân ông cũng chẳng quan tâm để thấy họ. Một thành viên trong gia đình một hôm nói về ông : « Ông đến từ một hành tinh khác ».

Ông nói với người Mỹ gia đình ông thuộc dòng dọi quan lại cao cấp từ thế kỷ XVI. Thực ra ông nội ông xuất thân từ gia đình bình thường, một người làm nghề đánh cá như một số người cho biết, có nghĩa là Diệm nói quá lên để tô vẽ thành hình ảnh quan lại. Gia đình phất lên nhờ ông bố của Diệm, Ngô Đình Khả được đoàn truyền đạo của Pháp lựa chọn đưa lên làm linh mục và học tiếng Pháp trong một trường tôn giáo ở Malaysia. Trong lúc Khả ở bên ấy hầu hết những người trong gia đình ở Đông Dương bị nhốt vào một nhà thờ và thiêu sống. Cuộc tàn sát này đưa lại hậu quả những cuộc chém giết giữa các đoàn truyền đạo và không theo đạo dẫn đến việc can thiệp của Pháp năm 1858 và một cuộc chiến kéo dài 29 năm cho đến khi thành lập Liên bang Đông Dương.

Nước Pháp lợi dụng Thiên chúa giáo có hệ thống hơn nhiều các nước Châu âu khác để mở rộng thuôc địa. Những đoàn truyền giáo đến Việt Nam vì vinh quang của Chúa trời và của nước Pháp, những cải hóa mới của họ đóng một vai trò chủ yếu trong việc chinh phục đất nước này. Khi các ông vua hành quyết những người theo đạo mà họ coi là một bộ phận xâm lược của nước ngoài, nước Pháp biện minh việc can thiệp quân sự của họ là cần thiết để buộc tôn trọng « sự tự do tín ngưỡng ». Việc can thiệp càng kéo theo những cuộc tàn sát nhiều hơn, tạo điều kiên can thiệp mạnh hơn và cuối cùng là sự chiếm đóng vĩnh viễn. Phần lớn những người theo đạo đầu tiên vốn có đất đai bị tàn phá nghèo hèn đi và những người mới từ nguồn gốc thấp kém. Người Pháp đến là dịp họ bước lên trên bậc thang xã hội. Và do sợ hậu quả nếu Pháp thất bại, họ bắt tay phục vụ người nước ngoài. Những người chiếm đóng mới tuyển mộ họ vào quân đội, lấy những người có học nhất làm phiên dịch, và do có thể tin cậy vào họ, bổ nhiệm họ vào những vị trí quan lại, nhất là những người hạn chế về nho học. Các linh mục trong những tu viện giúp chính quyền thực dân cung cấp những viên chức hăng hái. Về mặt cá nhân, những giáo dân chống lại người Pháp với lòng yêu nước như những người Việt Nam khác nhưng cộng đồng tôn giáo cho thái độ ấy là chống đối, nói chung gây cho giáo dân một trạng thái bất ổn và phụ thuộc vào nước ngoài. Theo tập quán dân gian, các nhà thờ và đại giáo đường phải được xây dựng dựa vào tiền của, đất đai lấy của những người yêu nước và những người bị hành tội. Những giáo dân đặc biệt bị các gia đình trí thức bị tước quyền lợi như gia đình ông Hồ phỉ nhổ. Trong bản buộc tội nổi tiếng của ông chống chế độ thực dân, « Bản án chế độ thực dân Pháp », xuất bản ở Paris năm 1925, Hồ Chí Minh mô tả các linh mục Thiên chúa giáo Việt Nam như những chim săn mồi cướp đất.

Làm lễ rửa tội ở Nhà thờ thánh và việc biết tiếng Pháp đưa lại cho bố ông Diệm một chiếc áo quan lại sau khi từ Malaysia trở về. Sau đó ông được thăng chức thượng thư bộ Lễ ở Huế rồi về thị vệ đại thần của vụa Thành Thái. Khi người Pháp phế truất ông vua họ nghi có âm mưu chống lại họ vào năm 1907, ông Khả buộc phải rút lui nhưng nhờ quan hệ của ông đối với triều đình và nhà thờ, ông đảm bảo được tương lai cho các con trai trong chính quyền thuộc địa. Khôi được bổ nhiệm tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam, một người anh khác của Diệm, ông Thục được phong linh mục và cuối Thế chiến thứ Hai trở thành giám mục tỉnh Vĩnh Long, giáo phận quan trọng nhất ở miền Nam. Thái độ hai mặt của gia đình đặc trưng bởi việc Thục từ chối không hợp tác với ba giám mục khác trong nước khi những ông này ủng hộ bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh năm 1945 trong nhiệt tình yêu nước buổi ban đầu.

Diệm là một trong những người đầu tiên tốt nghiệp trường hành chính Pháp ở Hà Nội và bắt đầu sự nghiệp làm quan huyện. Năm 1930 là tỉnh trưởng một tỉnh nhỏ miền Trung, ông ta bắt đầu giúp người Pháp tàn sát cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nông dân do Đảng Cộng sản phát động. Diệm bỏ công nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin mà luận thuyết về cách mạng xã hội và chủ nghĩa vô thần tác động đến ông như một sự rút phép thông công, một thể hiện chống Thiên chúa giáo. Năm 1933, mới 32 tuổi , quá trình làm việc cứng rắn, tính lương thiện và sự nhạy bén chính trị được xác lập đến mức người Pháp chấp nhận bổ nhiệm ông làm thượng thư bộ Lại của Bảo Đại lúc ông vua này 18 tuổi. Nhà vua trẻ chưa phải một kẻ sa đọa, quan tâm đến Diệm đang muốn cải tổ hệ thống quan lại suy đồi và thuyết phục người Pháp cho triều đình tự chủ hơn để cai trị đất nước với đám viên chức có hiệu quả, trong sạch. Người Pháp từ chối thay đổi bất cứ điều gì về nguyên trạng họ đã hoàn toàn hài lòng. Bảo Đại bèn quên ngay những cải cách để lao vào hưởng lạc. Điều đó kéo theo việc Diệm từ chức, nổi tiếng về sự thiếu mềm dẻo mà bởi nó thời niên thiếu ông thường bị bố đánh.

Trong 21 năm tiếp đó, ông không giữ một vị trí xã hội nào hoặc một công việc hưởng lương nào. Cho đến những năm cuối của Thế chiến thứ hai, ông sống bằng lợi tức tài sản khiêm tốn của gia đình, dành thời gian đi săn, cưới ngựa, chụp ảnh và chăm nom vườn hồng. Ông vẫn sống độc thân, đi lễ, sáng nào cũng cầu nguyện, viết và nói về chính trị nhưng không bao giờ tham gia một hoạt động nào. Những đảo lộn của Thế chiến thứ hai đưa ông trở lại con đường chính trị nhưng vẫn ở ngoài rìa. Ông mặc cả với người Nhật không có hiệu quả để làm thủ tướng chính trị bù nhìn Bảo Đại, trốn tránh Việt Minh đã bắt và cầm tù ông, từ chối đề nghị của Hồ Chí Minh vào trong chính phủ liên hợp và trở lại trốn tránh. Ông lại mặc cả không có kết quả với Bảo Đại và người Pháp, cuối cùng đi sống lưu vong năm 1950, lúc đầu ở Hoa Kỳ rồi Bỉ và Pháp vì ông sợ Việt Minh mà người Pháp từ chối bảo vệ ông. Hai mươi mốt năm chờ đợi càng thể hiện những đặc điểm trong tính cách của ông, cố chấp và bó mình vào tầm nhìn phản động của một quá khứ đế chế chưa bao giờ có ở Việt Nam, trừ một nhóm nhỏ những người quốc gia chống chính quyền, ông ngày càng chìm vào quên lãng cho đến khi Hoa Kỳ kéo ông ra vào năm 1954.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #46 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2008, 12:33:23 pm »

Ngô Đình Nhu, người em trẻ nhất của Diệm được bổ nhiệm làm cố vấn tổng thống. Đây là một tri thức có tư tưởng thanh trừng, mảnh mai, cao ráo hơn Diệm vốn béo tròn, bước đi như vịt. Ông ta ham thích quyền lực và mưu mô đôi khi gần như mê mệt. Ngoài việc hút thuốc điếu nhiều như anh, ông còn thường xuyên hút thuốc phiện. Làn da ông có màu vàng đặc biệt mà người Việt Nam xác định là đặc điểm của những người nghiện. Người ta nói, nếu chích da ông, thuốc phiện sẽ tóe ra. Nhưng không ai dám liều chích da của Nhu. Ông là lực lượng mạnh thứ hai trong nước nhờ 13 tổ chức thông tin và cảnh sát ông tạo dựng và giám sát để bảo vệ gia đình. Những cơ quan này có toàn quyền bắt, bỏ tù và hành quyết không xét xử. Nhu học trường Des Chartes ở Pháp và làm việc ở Viện lưu trữ hoàng gia ở Huế cho đến năm 1945. Năm 1950 ông ta lao vào chính trị chống cộng sản bằng cách thành lập  một nghiệp đoàn Thiên chúa giáo. Đây là vấn đề chủ yếu của gia đình Ngô Đình : khi mất hy vọng vào Bảo Đại không bao giờ có thể là giải pháp chống cộng đối với Hồ Chí Minh, CIA chuyển lại cho Nhu những cơ sở cần thiết để Diệm trở thành thủ tướng.

Nhu chịu trách nhiệm về mớ hỗn độn, thay thế những kỹ thuật phát xít và cộng sản mà chế độ dựa vào. Ông ta say mê chế độ độc tài. Thời kỳ ông học ở Pháp, người ta thấy ở đấy có nhiều môn đồ của Mussolini, Hitler và những tổ chức phát xít thịnh hành dưới chế độ Vichy. Nhu đã trở thành một người thán phục Hitler. Sau khi Lansdale ra đi vào tháng Chạp năm 1956, Lou Conein ở lại Sài Gòn, là người liên lạc của CIA bên cạnh Bộ nội vụ của Diệm. Ông mệnh danh Nhu « con người cười nửa miệng » do nụ cười thường xuyên nhăn nhó của ông này, nhất là khi ông chế diễu những người khác. Khi họ cùng nhau bay dọc đất nước, Nhu ba hoa về uy tín tuyệt vời của Hitler trong việc động viên dân tộc Đức và làm họ luôn luôn phấn khởi. Nhu cũng đọc Marx và Lê nin như Diệm và thèm muốn nếp kỷ luật của những người cộng sản và khả năng huy động quần chúng của họ. Tóm lại, Nhu vay mượn lẫn lộn những hình thái độc tài khác nhau từ cực tả đến cực hữu. Đảng chính trị chính của chế độ ông ta thành lập là một hội kín, đảng Cần lao với mục đích bí mật thâm nhập vào tầng lớp sĩ quan, cơ quan hành chính và các trung tâm kinh doanh và trí thức. Trong buổi lễ kết nạp, những thành viên mới phải quỳ xuống và ôm hôn bức chân dung của Diệm.

Nhưng một quốc gia thực sự phải có một tổ chức quần chúng và Nhu thành lập « Đoàn thanh niên Cộng hòa » cho dù phần lớn thành viên là công chức, không phải bao giờ cũng rất trẻ. Ông ta theo mẫu « đoàn quân áo nâu » của Hitler như cho bận màu xanh, sơ mi, mũ bê rê và quần. Về cách ăn mặc, ông ta cũng học theo một nguồn cảm hứng khác, tổ chức Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, năm 1930 thành lập tương tự theo gợi ý của các cố vấn quân sự Đức. Nhu cố dụng « những sơ mi xanh như Hitler đã làm với các xung tập kích, như một cơ quan không chính thức nhằm tạo ra lòng trung thành của những người xung quanh, để do thám và duy trì trật tự. Ông say sưa tổ chức những cuộc mít tinh lớn của Đoàn thanh niên Cộng hòa ở Sài Gòn và các tỉnh lớn theo sự đồng ý của Diệm cho phép ông đóng vai trò lãnh tụ của tổ chức này. Ông long trọng vào sân vận động hoặc sân bóng trên chiếc máy bay lên thẳng nhỏ Alouette mà gia đình mua cho ông. Trước khi ông đọc diễn văn trên khán đài, những đoàn viên « Sơ mi xanh » quỳ một chân xuống biểu hiện sự phục tùng, giơ cánh tay chào lối phát xít và hô to khẩu hiệu tôn vinh lãnh tụ.

Vợ Nhu, bà Nhu hoặc có vẻ triều đình hơn : bà Ngô như bà thích được gọi như thế, chi phối chồng và ông anh chống. Phỏng vấn bà trong lâu đài tổng thống, người ta biết cả thế giới tinh thần và vật chất của gia đình. Bà nổi tiếng về sắc đẹp thời trẻ trong một gia đình giàu có. Bố bà, Trần Văn Chương, một địa chủ lớn và luật gia dưới thời thuộc Pháp, đã là bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ bù nhìn thân Nhật ngắn ngủi. Bà có những nét táo bạo sau những năm trưởng thành, say mê tìm kiếm quyền lực và thái độ có phần giả tạo. Bà cón hết sức quyến rũ và thích chứng tỏ điều đó, bước vào phòng khách có cuộc phỏng vấn bận chiếc áo dài lụa mở rộng hình chữ V trước ngực thay vì bó sát cổ như thói thường, đi giày gót nhọn để có vẻ cao lớn hơn. Bà ngồi trong một chiếc phô tơi phủ gấm và diễn giải dài dòng về sự cần thiết chấp nhận những hy sinh để chiến thắng cộng sản. Vừa nói, những ngón tay tô móng vừa mân mê cây thánh giá khảm kim cương đính vào sợi dây vàng đeo ở cổ ( Bà cải giáo từ đạo Phật sang đạo Gia tô sau khi cưới Nhu). Thỉnh thoảng một người đầy tớ đưa trà vào hoặc trả lời một mệnh lệnh gì đó. Đầy tớ toàn đàn ông. Họ bước vào cúi đầu xuống, chân lướt nhẹ trên sàn, cúi xuống thấp hơn nữa và trả lời mệnh lệnh bằng tiếng « Dạ ạ ạ » kéo dài, là tiếng đáp « vâng » quỵ lụy của đầy tới các gia đình quý tộc cổ, rồi họ quay ra , lưng vẫn còng xuống.

Ngoài xã hội, bà Nhu tự khẳng định như một phụ nữ đầy ấn tượng. Bà thành lập một tổ chức tương tự như của chồng. PHONG TRÀO PHỤ NỮ LIÊN ĐỚI, trong đó bà cũng đóng vai trò lãnh tụ và dùng các bà để do thám và duy trì trật tự. Những phụ nữ trẻ nhất được tổ chức thành đội tự vệ trang bị súng tay Mỹ. Bộ đồng phục màu xanh giống đồng phục các đoàn viên của chống bà tuy mũ đội có ấn tượng hơn : một chiếc mũ xanh rộng vành thay vì chiếc bê-rê. Bà Nhu tự phong mình là người kiểm duyệt nền đạo đức ở miền Nam Việt Nam. Trong một nước tình trạng đa thê vốn thường tình, bà làm cho Quốc hội dễ bảo của Diệm biểu quyết một « Luật gia đình » cấm việc ly dị và qui định những đứa con của vợ hai hoặc vợ lẽ là không hợp pháp. Bà cũng cho áp dụng một « Luật bảo vệ đạo đức », cấm những điệu nhảy, những bài hát tình « bất cứ ở đâu », cấm thuyết duy linh và khoa học huyền bí loại thịnh hành ở giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài và những dạng khác phần lớn người Việt Nam đang thực hiện ; việc sử dụng thuốc ngừa thai được xem như một tội trọng bị phạt 5 năm tù giam cho trường hợp tái phạm. Một dân biểu có tham vọng làm mình nổi lên thậm chí gợi ý luật pháp phải cấm đàn bà Việt Nam mang vú giả nhưng các bạn đồng sự nhận xét như vậy tạo ra một vấn đề phức tạp vô ích buộc phải tuyển thêm những cảnh sát viên bổ sung. Nỗi oán giận bà chuốc vào mình thường thể hiện bằng những lời bàn tán thô bỉ. Những người đàn bà Việt Nam rêu rao những đĩ điếm ở các quán bar Sài Gòn áp dụng lối mặc áo hở cổ hình chữ V không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Còn những chuyện ngồi lê đôi mách về quan hệ xác thịt của bà với ông anh chồng thì không có một chứng cớ gì. Bà trở thành mục tiêu thích thú của sự tuyên truyền cộng sản, luôn gọi bà theo tên con gái, theo phong tục Việt Nam là một cách chửi rủa người đàn bà có chồng. Tên khai sinh của bà là Trần Lệ Xuân, có nghĩa là « những giọt nước mắt mùa xuân ».
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #47 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2008, 02:19:05 pm »

Họ Ngô Đình áp đặt vào miền Nam Việt Nam những thành viên xa lạ trong phe cánh của họ ; các giáo dân, những đồng hương miền Trung hoặc những người hợp tác với họ ở miền Bắc. Những người dân miền Bắc không theo đạo Gia-tô nhưng di cư vào miền Nam vì đã chiến đấu bên cạnh người Pháp, liên minh với giáo dân để thừa hưởng lợi lộc của chế độ. Tất cả những người tin cậy ấy được Diệm và gia đình đưa hàng loạt vào hàng ngũ sĩ quan, chính quyền và cảnh sát. Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long bị dưới quyền những người xa lạ miền Bắc, nói chung kiêu ngạo và biến chất được bổ nhiệm đứng đầu các tỉnh, huyện. Nhưng Diệm còn đi xa hơn. Ông ta bãi bỏ chính thể đứng đầu thôn ấp gồm những nông dân xuất sắc luôn đảm nhiệm việc thu thuế, giải quyết tranh chấp và thực hiện chức năng hành chính cơ sở. Những người nông dân nghèo nói chung không thích họ nhưng ít nhất cũng biết rõ họ và những người quản lý cộng đồng này biết mình có thể đi đến đâu. Năm 1956 cố ngăn cản những người có cảm tình với Việt Minh và những kẻ chống đối khác, bí mật kiểm soát các hội đồng thôn ấp, Diệm ra sắc lệnh các thành viên hội đồng sẽ do các tỉnh trưởng, quận trưởng chỉ định. Như vậy những người xa lạ thuộc phe pháo của gia đình bắt đầu thâm nhập đến thôn ấp, đặt ra cho nông dân miền Nam những yêu sách bạc đãi chưa từng có. Lansdale ngây thơ biết bao khi cho rằng ông xây dựng các ê-kíp giáo dân miền Bắc hoạt động với tính chất công dân để tuyên truyền chống Việt Minh trong nông dân miền Nam. Ông hoàn toàn thất vọng vì không thành. Nhưng ông còn bối rối hơn khi phát hiện thất, đúng lúc trước khi trở về Hoa Kỳ vào cuối năm 1956, Diệm càng ngày càng củng cố được địa vị thì càng hành động trái ngược với những lời khuyên của ông về các vấn đề xã hội và chính trị.

Tiếp đó Diệm tấn công vào ruộng đất. Trong các vùng Việt Minh chiếm đóng phía nam vĩ tuyến 17 trước Hiệp định Geneve, suốt 350 cây số miền Trung và những vùng đất đồng bằng sông Cửu Long họ trưng thu những đồn điền lúa gạo của Pháp và ruộng đất của những « kẻ phản động Việt Nam » cấu kết với chế độ thuộc địa. Ruộng đất ấy đã chia lại cho dân cày không có ruộng. Nông dân cũng tự mình làm cuộc cải cách ruộng đất trong đại bộ phận phần còn lại trong nước, kể cả những vùng dưới sự thống trị của các phe phái. Phần lớn các chủ điền bỏ đồng ruộng chạy trốn vào các thành phố. Nông dân phân phối lại ruộng đất hoặc không trả tiền thuê đất nữa. Trong một nước 85% dân số sống ở nông thôn và lợi tức dựa vào ruộng đất, khó tìm được một vấn đề nhạy cảm về mặt xã hội kinh tế và chính trị lớn hơn đất đai.

Lansdale và những người Mỹ khác có trách nhiệm làm áp lực với Diệm, để ông ta đưa ra chương trình cải cách ruộng đất của mình nhằm cắt cỏ dưới chân những người cộng sản, chấm dứt những bất công về điền địa ở miền Nam. Ý muốn ấy của người Mỹ lúc đầu có vẻ là một bài toán khó hiểu đối với Diệm, vốn chống đối mọi sửa đổi cơ cấu xã hội truyền thống. Ông muốn trả lại cho các điền chủ càng nhiều đất đai để họ bảo trợ cho chế độ của mình. Nông dân vẫn phải là nông dân. Cuộc hành trình về Tuy Hòa năm 1955 dạy cho ông thích về nông thôn, dù đi bộ. Ông cần có một nghi thức nào đó và chú tâm để mọi việc đi vào trật tự trong tương lai. Ngoài những bài diễn văn chính thức, ông nói chuyện thân mật với các nhóm chủ trang trại. Không bao giờ ông đặt những câu hỏi nghiêm túc để biết nguyện vọng của họ. Ông cho rằng nhiệm vụ của mình là nói với họ phải làm gì và nhiệm vụ của họ là vâng lời. Ông giải quyết bài toán khó hiểu bằng tuyên bố một kế hoạch cải cách ruộng đất vừa hành động ngược lại.

Diệm lấy lại của nông dân tất cả ruộng đất Việt Minh đã chia cho họ, thủ tiêu quyền sở hữu người ta đã cấp cho họ. Ông tịch thu tài sản thuộc về người Pháp phân phối lại cho những người di cư công giáo miền Bắc thay vì dân cày miền Nam. Phần còn lại trả cho các điền chủ cũ đã hợp tác với người Pháp hoặc bất cứ ai là chỗ dựa của chế độ có điều kiện mua. Cuộc cải cách của Diệm quy định trần cao nhất là 100 hecta mỗi đầu người nhưng họ Ngô Đình khuyến khích chính quyền làm ngơ trước những mánh lới bất kể. Càng dễ dàng vì bộ trưởng phụ trách cải cách cũng là một điền chủ. Để tránh khó khăn, chỉ cần chia đất thành lô theo tên các thành viên trong một gia đình. Chính quyền cũng tịch thu những đất đai nông dân bỏ lại để trả cho chủ cũ. Một số ít dân cày miền Nam may mắn được giữ lại ruộng đất bỗng thấy họ phải trả tô hàng năm tuy trước đây Việt Minh bảo thuộc về họ một cách hợp pháp. Nhưng nỗi căm giận của họ không là gì so với những chủ ruộng khác bây giờ trở thành tá điền nhờ vào « cải cách »/. Năm 1958, Diệm đạt được mục tiêu của mình. Triệt để dựa vào lực lượng quân đội và cảnh sát ông ta lập lại ở đồng bằng sông Cửu Long đã dẫn đến việc trước chiến tranh, 2% chủ ruộng chiếm 45% đất đai, còn lại một nửa dân cày không có gì.

Sự lộn xộn kéo theo mất mát tài sản. Ngu dốt và bận tâm vào giữ gìn quyền lực loại trừ mọi việc. Diêm hoàn toàn không chú ý đến quân bảo an và cảnh sát. Năm 1954 khi trở lại nắm quyền, Diệm nghĩ không cần đến bộ binh và thay bằng máy bay chiến đấu – ném bom. Cho đến cuối cùng ông không ngừng khuyến cáo những cuộc ném bom bừa bãi và van nài người người Mỹ cung cấp máy bay và trọng pháo nhiều hơn. Cuộc chiến chống Bình Xuyên và các phe phái dạy cho ông giá trị một đội quân thường trực để bảo vệ chế độ. Vì vậy ông hết sức chú tâm đến lực lượng Quân đội cộng hòa nặng nề mà các tướng lĩnh Hoa Kỳ đang xây dựng cho ông qua cơ quan hỗ trợ quân sự với lập luận thiếu thuyết phục là Việt Minh sẽ tiến đánh vượt vĩ tuyến 17 như kiểu Triều Tiên. Diệm không nghĩ rằng những tổ chức địa phương vững chắc cũng quan trọng để tồn tại. Ông để cho các lực lượng được giam đảm bảo an ninh địa phương trở ngược lại là nguồn mất an ninh chính của dân chúng nông thôn, hàng ngày chứng tỏ « sự vô chính phủ thất thường » của chế độ, như một quan sát viên Mỹ đã nói thời kỳ ấy. Các tỉnh trưởng có chăm lo một ít vì họ cần đến những đội quân bảo an tuy trang bị kém và hiếm được trả lương. Họ dùng súng để cưỡng đoạt dân chúng thay lương. Còn lính cảnh sát được đối xử tệ hại đến mức trông có vẻ quân trộm cắp. Họ không ngừng lấy cắp, hãm hiếp phụ nữ và đánh đập nông dân nếu có gan chống cự. Nhân dân thôn quê luyến tiếc nhớ lại, lần cuối cùng họ biết được nền an ninh và một chính quyền đúng đắn là thời kỳ Việt Minh hoặc chính trị thần quyền của các giáo phái.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2008, 10:18:22 am »

Đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc chiến tranh chống Pháp, nhân dân miền Nam có thể thích nghi một thời gian với họ Ngô Đình nếu mùa hè năm 1955, được Hoa Kỳ khuyến khích và giúp đỡ, Diệm không tung ra một chiến dịch chống cộng sản.

Sau Hiệp định Geneve, Việt Minh không tập kết tất cả ra miền Bắc. Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cộng sản để lại miền Nam tám đến mười nghìn cán bộ quân sự và dân sự bí mật. Cơ quan thông tin Mỹ gọi họ cùng danh từ Lansdale dùng để gọi những kẻ hoạt động chống cộng ông ta đưa vào thâm nhập miền Bắc « những người nằm vùng ». Nhiều người trong số họ là đảng viên của Đảng. Họ cất giấu vũ khí nhưng được lệnh không dùng bạo lực và không xúi giục nổi dậy chống Diệm. Ngược lại họ phải giữ vỏ bọc nông dân và những người chịu trách nhiệm ở thôn ấp, những người làm công ở thành phố, phu kéo xe hoặc giáo viên. Đồng thời họ bí mật vận động nhân dân đòi tổng tuyển cử trong cả nước vào năm 1956. Họ phải tiến hành cuộc « cuộc đấu tranh chính trị » như Hồ Chí Minh nói trong bức thư tháng Sáu năm 1956.

Ev.Bumgardner đã có thể xác nhận năm 1955 các hội viên Việt Minh thực sự bỏ những căn cứ của họ trong vùng đầm lầy và rừng núi và thôi đấu tranh vũ trang. Năm ấy trong lúc ông đi xe Jeep về Sài Gòn với một người bạn, họ bỗng quyết định làm một cú táo bạo, trở lại một trong những căn cứ vững vàng nhất của Việt Minh, chiến khu C trong rừng núi phía bắc tỉnh Tây Ninh. Chỉ với một tấm bản đồ cũ, họ đi vào con đường dẫn đến căn cứ ngay trước khi tính đến hành động thiếu khôn ngoan của họ. Kinh nghiệm cuối cùng ngạc nhiên hơn lo ngại. Bumgardner đã sợ rừng là nơi ẩn náu của những người nổi dậy, tự nhủ họ sẽ để hai người đi qua vì chiến tranh đã kết thúc. Ông thấy một chỗ hoàn toàn hoang vắng nhưng còn mọi dấu hiệu chứng tỏ Việt Minh vừa ở đó. Những chiếc cầu sắt bị phá hủy, các tấm thép vứt xuống sông để cản trở bước tiến của các đoàn quân Pháp. Đang là mùa khô, Bumgardner có thể trên chiếc xe bốn bánh di động quay quanh những chiếc cầu qua được bên kia sông. Những con đường chứng tỏ đây là một căn cứ du kích đi sâu vào rừng, bóng những cây gỗ tếch, gỗ gụ cao 20 mét ngăn cản ánh sáng lọt xuống đến cây bụi. Bumgardner và anh bạn suốt cuộc hành trình không thấy một người nào.

Mười nghìn cán bộ được tin cậy nhận lệnh ở lại miền Nam không riêng những Việt Minh tại chỗ. Đất nước đầy đàn ông, phụ nữ phối hợp chiến đấu trong làng xóm, làm việc trong các tổ chức địa phương hoặc là những người đưa tin, liên lạc bên cạnh những lực lượng cách mạng. Trong đó cũng có những người cảm tình, nói chung là gia đình và thân thuộc của những cán bộ tập kết ra Bắc hoặc hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Những người ấy không phải cộng sản nhưng là bộ phận lớn đi theo cộng sản vì chủ nghĩa dân tộc. Ngoài ra danh từ « Kháng chiến » được gọi để tưởng nhớ những chiến sĩ chống phát xít của nước Pháp bị chiếm đóng, luôn nhuốm màu thi vị. Vì vậy đêm cuối cùng trước khi Điện Biên Phủ bị thất thủ, Việt Minh truyền đi trên loa Bài ca các chiến sĩ của cuộc Kháng chiến Pháp để chê trách những người bị bao vây lần này chiến đấu vì một lý do bất công. Cả những tay anh chị Bình Xuyên trước đây tàn sát Việt Minh, nghe những bài hát về Kháng chiến trong các sòng bạc của họ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếng gọi « Việt Minh » có một sức truyền cảm huyền bí đầy tự hào và lãng mạn. Những người Việt Nam còn dè dặt vì thiếu can đảm bỗng nhớ lại họ đã là những « người chiến đấu trong Kháng chiến ». Khó lòng không cảm thấy tự hào sau nỗi nhục nhã đồng bào của họ từ lâu phải chịu vì những ông chủ Châu Âu.

Diệm không hiểu nếu truy hại Việt Minh, ông cũng đánh vào khối quần chúng Việt Nam rộng lớn không cộng sản luôn nghĩ về quá khứ với nỗi xúc động yêu nước. Ông cũng không gây được sự quay ngoắt lại với Việt Minh ở những người vẫn coi họ là những người yêu nước. Trong suốt cuộc chiến tranh chống Pháp, ông Diệm ẩn mình hoặc sống lưu vong nên không chia sẻ những tình cảm ấy – những thành viên khác trong gia đình ông cũng thế. Với lòng tị hiềm cộng sản, tất cả những gì là Việt Minh đều xấu. Những ai không phải đảng viên cũng bị lây nhiễm. Như bà Nhu nói họ đã bị « đầu độc ». Những cán bộ « nằm vùng » sẽ khuấy động để đòi tổng tuyển cử năm 1956 và tương lai có thể xúi dục chiến tranh du kích. Như vậy phải điểm danh họ, bắt giam và hạ sát họ. Những người có vẻ hối hận đã cấu kết với cộng sản được phép thú nhận tội lỗi với dân chúng. Còn lại sẽ đưa cách ly trong những « trại cải huấn »   cho đến khi trí óc bị tiêm nhiễm của họ hoàn toàn xóa sạch mọi ý nghĩ chống đối. Còn những người có cảm tình hoặc đã biết hoặc đang bị nghi vấn như gia đình những cán bộ tập kết ra Bắc hoặc bị giết, hoặc phải cách ly với những thành phần không bị mua chuộc trong dân chúng và được giám sát kỹ để không có khả năng gây rối loạn.

Chính phủ Mỹ cũng nóng lòng như người thay thế họ ở Sài Gòn « quét sạch » theo lối nói của Lansdale, những « cán bộ nằm vùng » Việt Minh và khủng bố những người có cảm tình khác cho đến khi họ vĩnh viễn quy phục. Lập luận của Mỹ cũng giống như lập luận của họ Ngô Đình. Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo Việt Minh, dĩ nhiên mọi cán bộ Việt Minh là cộng sản. Những người không phải bị đảng viên là những người « bị lừa gạt », phải đối xử như đồng lõa. Trong việc phân tích tình hình thời kỳ ấy, CIA và toàn thể các cơ quan thông tin Mỹ thừa nhận cán bộ Việt Minh ở miền Nam xử sự đúng đắn. Một trong những báo cáo nói cụ thể « những người cộng sản miền Nam  nói chung có thái độ yên lặng. Họ bỏ qua không khai thác vô số dịp chống đối chế độ Diệm ». Tuy vậy thái độ hòa bình ấy của « cán bộ nằm vùng » không được kể đến trong lập luận Mỹ. Một báo cáo khác giải thích « Việt Minh , dù yên lặng tương đối, là mối đe dọa lớn tiềm tàng đối với Diệm ». Những ý đồ Mỹ sau đó thể hiện trong giọng điệu đơn giản sử dụng để mô tả những hành động bạo lực. Hoa Kỳ cần « một chính phủ chống cộng sản mạnh và vững chắc » ở Sài Gòn. Một trong những « vấn đề cơ bản » để đạt mục tiêu ấy là « đập tan mọi phương pháp hoạt động quân sự và dân sự của Việt Minh ở miền Nam ».

Một ê-kíp chuyên gia của CIA đưa sang giải quyết « những vấn đề cơ bản » ấy đến Sài Gòn vào tháng Sáu năm 1955. Họ là tổ chuyên gia dân sự đầu tiên của chế độ Diệm, được cử đi dưới vỏ bọc một nhóm của trường Đại học quốc gia Michigan hiển nhiên được tài trợ bởi cơ quan Quản lý hợp tác quốc tế sau này trở thành AID (Cơ quan phát triển quốc tế). Nhiệm vụ của họ dạy cho cảnh sát và các cơ quan thông tin Việt Nam những phương pháp Mỹ có hiệu quả hơn để « vạch mặt và triệt tận gốc những người cộng sản ».
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #49 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2008, 11:53:19 am »

Ê-kíp chuyên gia của CIA không cần dạy cho thành viên ngành cảnh sát thường trực, bảo an và các tổ chức an ninh khác của Nhu thực hiện việc đàn áp như thế nào. Họ đã được người Pháp huấn luyện rất kỹ. Với sự tàn bạo cuồng tín và sự vụng về, họ hoàn toàn có thể nhầm mục tiêu, bắt những người vô tội và để sổng những người cộng sản chính cống. Vả lại người Mỹ không thuyết phục được họ nắm hồ sơ chính xác và trao đổi thông tin với những cơ quan khác để xây dựng một hình thái tổng thể về tổ chức Đảng cộng sản ở miền Nam. Nhưng những cánh sát viên Việt Nam rất biết hành hạ. Những phụ nữ bị bắt nói chung đều bị hãm hiếp và tra tấn, vì việc hãm hiếp được xem như món tiền thưởng của đao phủ. Nhờ tra tấn người ta khai thác được tên họ. Tên họ trở thành những con người, đến lượt bị bắt và tra tấn. Lại có những tên họ của nạn nhân tương lai, cứ thế theo cấp số nhân. Tất cả những người bị bắt không phải bị tra tấn tất cả. Đao phủ không có thì giờ khai thác hết. Mỗi người đều có nguy cơ nhận một viên đạn vào đầu. Thực tế Diệm cho phép các tỉnh trưởng bắn bỏ những người  tình nghi không cần xét hỏi. Một số có may mắn vào trại tập trung. Việc trả tự do là một ngoại lệ vì đã bị bắt bớ có nghĩa là phạm tội.

Không ai biết bao nhiêu cán bộ cộng sản thực sự hoặc tình nghi thuộc về Đảng bị giết hại còn chiến dịch được gia tăng mạnh vào nửa cuối năm 1955 để đạt đỉnh cao bạo lực năm 1956 và 1957. Những kẻ giết người không có thói quen nêu con số chính xác về nạn nhân của họ và sau một thời gian nào đó nhịp độ gia tăng đến mức không ai tìm được con số cụ thể nữa. Nhưng mức độ tàn sát chắc chắn được tính đến rất nhiều nghìn người. Việc bắt bớ thường tiến hành về đêm. Cảnh sát mặc thường phục có quân bảo an hoặc cảnh sát đi theo, bao vây ngôi  nhà và bắt trói những người đàn ông, đàn bà họ đi tìm kiếm. Nếu nạn nhân phải hành quyết ngay, là trường hợp thường gặp, người bị kết tội được dẫn ra đường cái hoặc một con đường gần làng để hạ sát. Xác người để tại chỗ để hôm sau gia đình đến tìm. Là một cảnh cáo đối với những người khác.

Ít nhất cũng có 50.000 người may mắn hơn được đưa tới các trại tập trung. Đây là con số chế độ chính thức thừa nhận đã cầm tù để « cải huấn » vào cuối chiến dịch năm 1960. Thiếu con số thống kê đáng tin cậy, người ta không bao giờ biết được bao nhiêu chục nghìn người được đưa tới sau hàng rào dâp thép gai và bao nhiêu trong số đó bị hủy hoại trong các trại. Cảnh sát và những cơ quan khác của chế độ đã phục vụ người Pháp, áp dụng một cách tự nhiên phương pháp thử lòng trung thành như trước đây. Tất cả những ai chống đối người Pháp đều bị nghi ngờ phản bội Diệm.

Những buổi lễ từ bỏ lỗi lầm Nhu phỏng theo những « tòa án nhân dân » của cộng sản được tổ chức khắp nơi đồng thời với bắn giết và đưa đi trại tập trung là một biên pháp tâm lý chứng tỏ sự khoan dung của chế độ đối với những người xứng đáng. Trong thôn ấp, những người nông dân, đàn ông và đàn bà có hoạt động Việt Minh trước đây, được phép sám hối để cứu mình theo ý thích bất thần của tỉnh trưởng hoặc quận trưởng. Để việc chối bỏ của họ gây xúc động hơn, người ta thường bắt họ lặp lại những việc đã làm. Chòm xóm tập trung nghe họ kể những hành động hung bạo họ phạm phải vì Hồ Chí Minh và những ma quỷ cộng sản. Người ta bảo họ xin tổng thống Diệm nhân từ tha thứ, dẫm chân lên và vứt vào lửa lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đối với họ thời chiến tranh chống Pháp là biểu tượng của một nước Việt Nam hồi sinh. Ở các thành phố, những buổi lễ hình thức lớn hơn với những chối bỏ tập thể. Những bức ảnh của Hồ Chí Minh, những giấy tờ tuyên dương, hình thức khen thưởng trong các đơn vị chiến đấu Việt Minh và tất cả những kỷ niệm khác về cuộc kháng chiến đều bị đốt cháy. Tháng Hai năm 1956 ở Sài Gòn các viên chức và gia đình họ bị tập trung hàng loạt tham dự một buổi lễ sám hối tập thể của hai nghìn Việt Minh cũ.

Bumgardner nhớ lại thời kỳ ấy Cơ quan thông tấn Mỹ (USIS) phát hiện danh từ « Việt Minh » có một nghĩa mở rộng là yêu nước và Diệm đã phục vụ cho cộng sản khi gọi tất cả những người Việt Minh là « bọn Đỏ ». Vì vậy những chuyên gia Mỹ về chiến tranh tâm lý sáng tạo ra chữ « Việt cộng », viết tắt của những người Việt Nam cộng sản và thuyết phục báo chí Sài Gòn dùng chữ ấy. Họ nghĩ rằng danh từ mới này có nghĩa xấu vì trong từ điển của họ « chủ nghĩa cộng sản » đồng nghĩa với « xấu ». Nhưng Diệm sử dụng danh từ này với thái độ dè dặt. Không phải chỉ riêng ông có khó khăn trong việc áp dụng mưu mẹo này của USIS. Mùa xuân năm 1959 trung tướng Samuel Myers thể hiện sự hài lòng về chiến dịch chống cộng sản của Diệm trước một cuộc họp thượng nghị viện về quan hệ quốc tế. Ông khoe khoang « quân nổi loạn Việt Minh ... bị gậm nhấm liên tục đến mức không còn là một mối đe dọa lớn của Chính phủ nữa ». Chỉ đến đầu năm 1960, nhờ những nỗ lực của Bumgardner và đồng sự mà danh từ « Việt cộng » được dùng thông thường trong cộng đồng người Mỹ và chính phủ Sài Gòn. Nhưng cũng như bao thao tác giải phẫu thẩm mỹ người Mỹ đưa ra, điều đó không thay đổi được lịch sử của người Việt Nam. Người ta gọi họ như thế nào tùy thích, Việt Minh vẫn luôn là Việt Minh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM