Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:59:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự lừa dối hào nhoáng  (Đọc 147498 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #30 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2008, 02:26:44 pm »

Philippines năm 1954 là mẫu mực hoàn hảo nhất của đế quốc Mỹ. Đã là một nước thuộc địa, nước này được độc lập vào năm 1946. Để thay thế, Hoa Kỳ được thuê dài hạn trong 99 năm 23 căn cứ quân sự, đặc biệt hải cảng Subic Bay và sân bay Clark. Những dịch vụ quân sự và thông tin tiếp tục hoạt động như phụ trợ cho người Mỹ. Chính phủ còn chống cộng sản hơn cả anh em Dulles và các hòn đảo cung cấp cho Hoa Kỳ một lực lượng nhân lực được huấn luyện để chiến đấu với phong trào cộng sản Châu Á.

Thế nhưng cách đây mấy năm, mô hình đó bị phá sản. Nông dân bất bình với chủ đất và cảm giác chung của nhân dân về sự sụp đổ của một chính phủ phản động đã gây nên sự nổi dậy của Hukbalahap do những người cộng sản lãnh đạo. Cuối năm 1949, những người Huk có đến 15000 chiến binh vũ trang và có một triệu người có cảm tình. Bộ chính trị của họ hoạt động bí mật ở ngay trung tâm Manila; ở hòn đảo chính Lucon, các xã trưởng và trưởng đồn cảnh sát đồng mưu với quân nổi dậy vì sợ hoặc do cảm tình; quân đội và cảnh sát không có hiệu lực; những cuộc bầu cử chỉ làm một trò hề gian lận và doạ nạt đến mức những người Huk công khai tuyên bố phải dùng súng đạn để thay đổi chính phủ chứ không phải những phiếu bầu. Họ báo trước sẽ chiếm tất cả các đảo trong quần đảo Philippines trong vòng hai năm.

Trong những thời kỳ khủng hoảng đó, Lansdale đã xây dựng biện pháp của mình. Ông là người xúc tác và hướng dẫn ở hậu trường các hành động cứu nguy. Ông nhận thấy Ramon Magsaysay là loại chỉ huy có phép màu và trung thực có thể tập hợp những ai không thích một chính phủ cộng sản nhưng đang không người dẫn dắt và mất định hướng. Con trai một chủ trang trại đồng thời là giáo viên, từ Thế chiến thứ hai Magsaysay bắt đầu làm việc hướng dẫn các đoàn ô tô chuyên chở cho những người bảo vệ Mỹ và Philippines ở Bataan. Cuối chiến tranh, ông ta cầm đầu mấy nghìn quân kháng chiến chống Nhật. Năm 1950 trong cao trào nổi dậy người Huk và lúc ấy vị trí không cao lắm, ông nhận làm bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Hướng tới các mô hình nước ngoài, có nghị lực dồi dào nhưng thiếu định hướng, đầu óc hiếu kỳ có ý thức về những vấn đề xã hội, ông cần có những cố vấn kinh nghiệm.

Đấy là vai trò của Lansdale. Trongg một chuyến đi qua các đảo với danh nghĩa sĩ quan thông tin của Không quân nghiên cứu về người Huk, ông nung nấu một số ý đồ trấn áp cuộc khởi nghĩa. Sau đó ông trở lại Philippines với vai trò của CIA. Là người nhã nhặn dễ kết bạn, Lansdale nhanh chóng gần gũi với bộ trưởng mới của bộ Quốc phòng. Họ ở cùng nhau trong trại binh Mỹ. Những buổi tối họ cùng nhau nghiên cứu những vấn đề hiện hành. Hai người hợp thành một kíp tuyệt vời và những người Huk phải hứng chịu hậu quả của một cuộc phản công xuất sắc. Với Lansdale là người hướng dẫn Magsaysay tổ chức một cơ quan tình báo giỏi, cải tổ quân đội và cảnh sát thành những tổ chức có kỷ luật về tinh thần và thực lực. Ông sa thải những sĩ quan lười và biến chất, bổ nhiệm những chỉ huy năng động biết thuyết phục dân chúng rằng quân đội có mặt để bảo vệ chứ không phải để tàn phá họ. Binh lính bắt đầu đối xử lịch sự và dễ chịu với dân chúng. Những người dân thường bị thương trong những cuộc đụng độ cũng được cứu chữa như quân nhân trong các bệnh viện nhà binh. Magsaysay cho phép nông dân bị bóc lột được đối xử công bằng trước tòa án và đề nghị các luật sư quân đội bào chữa cho họ trước các chủ điền. Bất cứ ai ở Philippines cũng có thể gửi thư khiếu nại lên bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và được xem xét. Ông giải thích với mọi người chính phủ chăm sóc họ. Ông áp dụng luật bầu cử và để cho công dân có quyền thay đổi chính phủ. Ông cũng tạo cho người Huk có một sự lựa chọn : đầu hàng để được ân xá hoặc chạy theo nguy cơ ngày càng lớn bị vào tù hoặc chết. Năm 1953 cuộc nổi dậy bị dập tan, những người nổi dậy bị phân tán thành những băng nhóm đơn độc nhanh chóng bị cảnh sát quét sạch. Năm ấy Magsaysay được bầu là tổng thống Philippines.

Lansdale trở về tổng hành dinh CIA ở Washington như một nhân vật quan trọng. Cục tình báo chưa bố trí ở những tầng nhà hiện đại ở Langley tại Virgina mà chiếm gần Bộ Quốc Phòng một ngôi  nhà cũ bằng gạch với một biển đề vô nghĩa ở cổng « Bộ Hải quân. Viện nghiên cứu y học ». Lansdale nổi tiếng làm ra những phép lạ, trở thành chuyên gia của CIA về chiến tranh du kích và lật đổ.

Ông được cử sang Việt Nam trong sự thất vọng sau khi Điện Biên Phủ sụp đổ, ngày 7 tháng Năm năm 1954. Trong một cuộc họp ở Washington bốn tháng trước đó, trước khi quyết định sẽ đi Sài Gòn, ông hỏi John Foster Dulles phải làm gì ở đấy. Ông Ngoại trưởng này đã trả lời «  Điều ông đã làm ở Philippines ». Lansdale được hưởng những ân huệ đặc biệt chính phủ dành cho những người làm ra phép lạ. Ông phải hợp tác với đại sứ Mỹ và tổng chỉ huy Phái đoàn viện trợ quân sự nhưng không phụ thuộc vào họ. Ông bố trí kíp riêng của mình và trực tiếp báo cáo với Washington thông qua CIA.

Đêm ông vừa đến, ngày 1 tháng Sáu năm 1954, Việt Minh tổ chức mừng chiến thắng quân Pháp bằng phá hủy kho đạn dược Tân Sơn Nhất, sau này báo chí viết là « làm rung chuyển Sài Gòn suốt đêm ». Không phải một bước đầu hứa hẹn đối với một người say đắm chiêm tinh học nhưng ông không xao xuyến trước nỗi buồn càng tăng của Sài Gòn. Khi người Pháp chấp nhận bỏ rơi miền Bắc cho Việt Minh tại Hội nghị Geneve ngày 21 tháng Bảy năm 1954, ông đã quyết định những biện pháp cụ thể để đạt mục đích và làm sống lại thành công của ông ở Philippines : ông cắm vào miền Bắc những nhóm kháng chiến cản trở cộng sản trong việc điều hành và xây dựng lại nửa đất nước và làm chậm việc can thiệp vào miền Nam. Đồng thời ông cố sức củng cố vị trí của Diệm.

Tháng Sáu 1954, CIA tác động Bảo Đại để đề nghị Diệm làm thủ tướng Chính phủ. Tuy cựu hoàng đã ra đi từ tháng Tư sang hẳn Cote d’Azurc, ông ta vẫn mang danh là quốc trưởng. Diệm được chính thức bổ nhiệm ngày 7 tháng Bảy năm 1954, 5 tháng sau khi Lansdale đến Việt Nam và hai tuần trước khi Hiệp định Geneve được ký kết. Chính quyền Eisenhower vội vàng tìm một nhà lãnh đạo Việt Nam có thể tin tưởng được trong lúc nước Mỹ trực tiếp can thiệp vào Việt Nam thay  thế người Pháp đã sa sút. Không có nhiều ứng cử viên và Diệm có vẻ là người thích hợp nhấ. Niềm tin tôn giáo cuồng nhiệt của ông đối với người Mỹ là một chứng chỉ chống cộng không chê được. Khác với phần lớn các nhà chính trị không cộng sản khác mà người Mỹ biết, ông được xem như một nhà yêu nước, không hợp tác với người Pháp vì không nhận chức vụ gì trong chính phủ Bảo Đại. Ông đưa lại cho những nhân vật Mỹ một cảm giác thật tốt : thượng nghị sĩ Mike Mansfield, giáo chủ Spellman, John Kennedy , bấy giờ là nghị sĩ bang Massachusetts, người cha có ảnh hưởng đến John, Joseph. Thẩm phán William O Douglas năm 1953 đã viết về ông : « Diệm là một anh hùng .. được người Việt Nam tôn sùng vì ông trung thực, độc lập và đã đương đầu với ảnh hưởng của người Pháp ». Một lời nhận xét như vậy là một đảm bảo. Người Mỹ không biết rõ đất nước này để có một tầm nhìn ít đơn giản hơn về hành động trước đây của Diệm. Dù họ có muốn nắm được nhiều hơn về ông cũng không được, thời gian không đủ để làm một cuộc điều tra : trong thời kỳ sôi động này hình như những người cộng sản chỉ tạm ngừng ít lâu để củng cố quyền lực ở miền Bắc trước khi chiếm toàn bộ miền Nam.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #31 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2008, 10:38:20 am »

Everest Bumgardner nhớ lại chuyến đi thắng lợi ở Tuy Hòa như một thử thách của Lansdale và kíp mình để biến Diệm thành một Magsaysay khác và Việt Nam thành Philippines. Bumgardner cũng đến Sài Gòn sau Điện  Biên Phủ không lâu. Tuy ông không thuộc ê-kíp của Lansdale nhưng thường gặp ông này vì thành viên Cơ quan Thông tấn Hoa Kỳ ( USIS) được tham dự các hoạt động là điều họ nhiệt tình thực hiên. Lansdale lúc nào cũng hoạt động, xúc tác và tổ chức như ông đã làm ở Philippines. Đôi khi ông bận đồng phục phi công nhưng không bao giờ mặc bộ quần áo trắng, cravát đen bắt buộc đối với những người chính quyền Pháp trước đây mà Diệm và các nhà ngoại giao thường mặc. Phần lớn thời gian ông mặc quần thể thao và sơ mi ngắn tay. Bumgardner nhận thấy người Việt Nam kính trọng ông vì ông lo về số phận của họ. Một trong những người Mỹ hiếm hoi nói về chiến tranh du kích và chống chiến tranh du kích, một người hành động đã đạt nhiều kết quả. Nếu ai muốn biết việc gì đã xảy ra hoặc cần việc gì bất thường, chỉ cần đến gặp Lansdale hoặc một người trong kíp ông, chẳng hạn như Lucien Conein, « con người cắng rắn » gốc Pháp, nhân viên CIA dưới vỏ bọc là thiếu tá bộ binh. « Lou » Conein từ Đức tới, nơi ông phụ trách điệp viên ở các nước phía Đông. Ông được chuyển sang Đông Dương để bố trí những mạng lưới kháng chiến ở miền Bắc. Lansdale đưa ông về vì là sĩ quan cũ duy nhất về nhiệm vụ đặc biệt còn hoạt động, đã đánh bại người Nhật ở Đông Dương với một đội đặc công thuộc địa Pháp và Việt Nam. Ông đã xây dựng một mạng lưới trong những người sau này trở thành những sĩ quan quân đội Pháp. Những thành viên khác của nhiệm vụ đặc biệt ở Đông Dương trong Thế chiến thứ hai đã làm việc cho cụ Hồ và Việt Minh tất yếu Lansdale không dùng.

Bumgardner gặp Lansdale lần đầu tiên ở Hải Phòng, hải cảng lớn của miền Bắc Việt Nam. Mùa hè năm 1954 ở đây bắt đầu cuộc di tản 900.000 người vào miền Nam. Việc di cư gần một triệu người rời bỏ miền Bắc được cộng sản gọi là một sự kiện chủ yếu về tương lai của Diệm và miền Nam Việt Nam. Lansdale là người xúi giục và phối hợp. Diệm đã cố xây dựng một tổ chức những người tị nạn mà nhanh chóng bị sa lầy vào tệ nạn quan liêu hội họp. Các Đại sứ quán Pháp và Mỹ chậm chạp vô ích. Lansdale nắm lấy mọi việc : dẫn dắt Diệm, quân đội Mỹ và những người Pháp cùng làm việc với nhau, nhận được của Hải quân Mỹ những phương tiện của Hạm đội 7 để chở một phần ba người tị nạn theo đường biển, vận động người Pháp ký một hợp đồng chở đường không của Công ty Vận chuyển hàng không dân sự. CIA lợi dụng dịp này để lén lút đưa vào miền Bắc những nhân viên mật với trang bị vũ khí theo kế hoạch của Lansdale. Lansdale cũng để thâm nhập những người tình nguyện Philippines do CIA trả lương. Bumgardner đặc biệt nhớ đến một giám mục Mỹ lai Philippines đã hình thành một tổ chức giúp những người tị nạn vượt qua hàng rào Việt Minh được ông cung cấp ăn uống ở Hải Phòng cho đến lúc họ được chuyển hết vào miền Nam. Ông ta sử dụng tiền giả Pháp và Việt Minh để mua thực phẩm cho họ và hối lộ những người cảnh sát miền Bắc muốn ngăn cản những người ra đi. Ông phá rối những người cộng sản đến mức họ bắn vào văn phòng ông ở Hải Phòng để cố ám sát ông.

Bumgardner được cử đến Hải phòng để khai thác tài liệu cho những bào báo, ảnh chụp, chứng minh những người bỏ miền Bắc ra đi, như Washington nói ,  « vì hoan nghênh Thế giới tự do và lên án những người cộng sản », không phải đều là người Công giáo. Không phải dễ dàng làm được điều ấy vì thực tế hai phần ba số đó, hơn sáu trăm nghìn người đúng là người Công giáo. Phần lớn ba trăm nghìn người khác có lý do đặc biệt để trốn chạy : gia đình sĩ quan, binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp thực dân cũ, những người Trung Hoa sợ Chính phủ cộng sản tịch thu tài sản buôn bán của họ, một số ít người dân tộc Nùng đứng về phía nước Pháp, những người Việt Nam quốc tịch Pháp. Những người Công giáo đứng về phía người Pháp thay vì phía tự do thuộc địa phận Giám mục đông nam đồng bằng sông Hồng. Phần đông họ sợ bị trả thù và muốn được che chở bởi chính phủ của một đạo hữu.

Lansdale dùng những biện pháp để những người Công giáo còn ngần ngừ chọn đi theo con đường ấy. Diệm được cử ra miền Bắc thuyết phục các giám mục. Các cha cố bắt đầu giảng đạo ở các giáo xử. Họ giải thích trong những bài thuyết giáo rằng Đức mẹ đã vào Nam và giáo dân phải đi theo. Lansdale tung ra một chiến dịch tuyên truyền bôi đen những điều kiện sống đang chờ họ dưới chế độ Việt Minh. Người của ông ta phân phối những truyền đơn có vẻ như của chính phủ cách mạng Hồ Chí Minh, loan truyền dư luận xôn xao và in ra những tờ lịch dân gian Việt Nam. Lansdale nói cụ thể trong báo cáo mật :  « Những nhà chiêm tinh Việt Nam nổi tiếng được mua chuộc để đưa ra những tiên đoán thảm họa sẽ xảy ra do trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Việt Minh ». Hôm sau ngày phân phối một tờ truyền đơn giả dối đặc biệt bi thảm, số lượng người đăng ký di tản tăng gấp ba lần. Theo một lời đồn cẩn mật, người Mỹ sẽ thả bom nguyên tử lên vùng Việt Minh sau thời hạn di chuyển người ấn định cuối cùng vào tháng Năm năm 1955 của Hiệp định Geneve. Những người di tản đến Hải Phòng với những tờ truyền đơn cho là do Việt Minh in, vẽ ba vòng tròn bị bom hạt nhân phá hủy trên mặt bằng thành phố Hà Nội.

Những tàu lớn của Hạm đội 7 chuyển đi cả toàn bộ nhiều làng. Tổng cộng, 65% người Công giáo miền Bắc di cư vào miền Nam. Chính phủ Hoa Kỳ dành 93 triệu đô la cho việc xây dựng nơi ăn ở của họ trong năm 1955 và 1956. Cuộc di cư này tạo cho Diệm một hạt nhân vững chắc những thuộc hạ cuồng tín. Những toán quân đầu tiên được tin cậy đưa vào bảo vệ phủ tổng thống Sài Gòn năm 1954 gồm toàn bộ cảnh sát Công giáo người Bắc Việt Nam.

Tác phẩm của Lansdale vào những năm 1954 và 1955 chứng tỏ tính cách và tầm nhìn của một con người có thể tác động cả quá trình lịch sử. Không có ông ta, cuộc phiêu lưu của Mỹ vào Việt Nam có thể bị nhận chìm ngay từ đầu. Cho dù Diệm có được Washington lựa chọn, ông ta cũng không thể tồn tại nếu không có Lansdale bên cạnh. Người Pháp bị bật ra ngoài. Họ không để lại được đội quân viễn chinh ở miền Nam dù Hoa Kỳ có đảm nhận về tài chính. Tinh thần của họ đã sa sút cùng cực và người Ả-rập ở Algieria trong đó có một triệu thực dân châu Âu sinh sống, bắt đầu nổi dậy năm 1954 lôi kéo nước Pháp vào một cuộc chiến tranh thuộc địa mới. Có vẻ như người Pháp tuân thủ những cam kết của h ọ ở Geneve sẽ tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam vào tháng Bảy năm 1956 để xác định giữa Chính phủ Sài Gòn được Pháp bảo trợ hoặc Chính phủ Hồ Chí Minh ở Hà Nội, ai sẽ lãnh đạo một đất nước Việt Nam tái thống nhất. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve nói rất rõ những thỏa thuận không có nghĩa một sự chia cắt vĩnh viễn đất nước và « giới tuyến tập kết ở vĩ tuyến 17 chỉ là tạm thời và không trường hợp nào được coi là một biên giới chính trị hoặc đất đai ». Không ai nghi ngờ những người cộng sản sẽ thắng trong cuộc tổng tuyển cử, hoặc hợp pháp hoặc gian lận khôn khéo hơn những đối thủ miền Nam. Thực tế họ có một tổ chức tốt hơn và dân số miền Bắc đông hơn. Eisenhower năm 1954 công nhận, nếu việc bầu cử tự do tổ chức ở cả hai miền, Hồ Chí Minh sẽ thắng với 80% phiếu. Dưới con mắt nhiều người Việt Nam ông đã là người cha của đất nước. (Dù sao thì đã không có và không bao giờ có những cuộc bầu cử trung thực trong một miền Việt Nam nào !) Một cuộc thắng lợi của cộng sản năm 1956 đã cho phép những người Pháp cứu vớt vẻ ngoài khi rút quân đội viễn chinh. Họ  mang theo những người quốc tịch Pháp và phần lớn những người Việt đứng về phía họ, Dù cuộc bầu cử năm 1956 không thành, nước Pháp chắc chắn cũng tìm được một lý do biện hộ để bỏ rơi miền Nam. Dù lối thoát có nặng nề đến đâu, Hoa Kỳ cũng không có sự lựa chọn nào khác là chấp nhận một nước Việt Nam thống nhất và cộng sản. Eisenhower đã quyết định không gửi quân đội Mỹ sang thay thế quân Pháp. Tướng Matthew Ridyway, tham mưu trưởng quân đội đã thuyết phục tổng thống không thực h iện một cuộc can thiệp với lý do của một đất nước và những vấn đề chính trị của nó sẽ khiến lính Mỹ mất hút trong một vũng bùn. Mặt khác cuộc chiến tranh Triều Tiên vừa mới kết thúc, dư luận Mỹ kịch liệt phản đối Hoa Kỳ nhũng tay vào một cuộc chiến tranh mới ở châu Á.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #32 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2008, 03:53:15 pm »

Lansdale ngăn cản việc tranh chấp ở Việt Nam kết thúc bằng thắng lợi hoàn toàn của Hồ Chí Minh vào năm 1956 hoặc sớm hơn nếu người Pháp bỏ đi trước đó. Miền Nam Việt Nam thực sự là một tạo dựng của Edward Lansdale. Ông ta lừa gạt những sĩ quan ủng hộ Bảo Đại của đội quân quốc gia Việt Nam khi họ định lật đổ Diệm năm 1954 và tổ chức bãi nhiệm họ. Ông điều khiển xuất sắc chiến dịch mùa xuân năm 1955 đè nát những đọi quân được người Pháp trả lương của hai phái tôn giáo Cao Đài, Hòa Hảo và những đội quân của xã hội tội phạm Bình Xuyên. Những toán này, trước là cướp trên sông, được miễn trừ ở Sài Gòn và không bị cảnh sát kiểm soát ; đổi lại họ cam kết làm chấm dứt nạn khủng bố của Việt Minh trong thành phố, điều  mà họ thực hiện có nhiều hiệu quả.

Tướng J.Lawton Collins, đại sứ mới nhận nhiệm vụ từ mùa thu 1954 đã nói với Diệm tiến lên từ từ và thỏa hiệp với các phe phái. Lansdale ngược lại, khuyến khích ông này theo xu hướng tự nhiên, tiêu diệt phe phái, khẳng định quyền lực của chính phủ trung ương, mua chuộc và lừa gạt để vô hiệu hóa một số thủ lĩnh, giết chết những người không lừa gạt hoặc mua chuộc được. Nhờ quan hệ đã có với các sĩ quan, Conein giúp Lansdale lôi kéo quân đội quốc gia Việt Nam về với Diệm. Lập luận của ông đơn giản và có sức thuyết phục trong tương lai chính Hoa Kỳ sẽ tài trợ và trang bị trực tiếp cho họ chứ không qua trung gian người Pháp nữa. Nếu muốn ở lại quân đội và được thăng câp, tốt nhất là đi theo Diệm và Lansdale, người được mọi cấp cao ở Washington nghe theo. Lòng can đảm của Conein và việc huấn luyện của ông về những công việc đặc biệt là chủ bài mấu chốt của toán hành động Lansdale cho ra đời nhân danh Diệm cho Bình Xuyên một số « đòn gãy gục ». Từ đầu tháng Ba năm 1955 đến tháng Năm, Lansdale hầu như hàng ngày ở phủ tổng thống và qua nhiều đêm với Diệm để khuyến khích ông này xây dựng kế hoạch hành động với tài năng chiến thuật ông đúc rút được trong chiến đấu với người Huk mà Diệm đang thiếu. Không có mưu mẹo của Lansdale, sự nhạy cảm làm những cú táo bạo và danh tiếng về « phép lạ » ở Philippines mà ông nhận được ở Washington, Diệm đã bị xóa sổ.

Việc ấy cũng dễ xảy ra. Đại sứ Collins cho Lansdale là một người tin vào trực giác lãng mạn và Diệm là một kẻ hoang tưởng. Tháng Tư năm 1955 ông bay về Washington gần như thuyết phục được John Foster Dulles loại bỏ hai người này, trở lại hợp tác với người Pháp vốn khinh ghét Diệm và Lansdale, khuyến khích các giáo phái và Bình Xuyên kháng chiến. Nếu ý kiến của Collins được coi trọng, có nhiều khả năng người Pháp đã theo diễn biến các sự kiện kết thúc bằng việc những người cộng sản nắm được miền Nam. Allen Dulles tổ chức một cuộc họp với người em John Foster, Collins và Frank Wisner chỉ huy các vụ hành động bí mật của CIA, cấp trên của Lansdale. Khi là sĩ quan về những công việc đặc biệt trong Thế chiến thứ hai, Wisner đã chứng kiến việc Hồng quân và cảnh sát mật của Stalin chiếm Romania. Kinh nghiệm kinh khủng ấy đã tạo ra một chiến sĩ chống cộng cũng kiên cường như Lansdale.

Collins giải thích Lansdale thật điên khi cho rằng có thể xây dựng một chính phủ vững chắc xung quanh Diệm. Diệm hoàn toàn không có kinh nghiệm cai trị, không có cảm tình với mọi người, từ chối đối xử hợp lý hơn với các phe phái và không mở rộng chế độ dựa vào những nhà chính trị khác. Triển vọng duy nhất đối với Mỹ là thay thế Diệm bằng một người khác không cộng sản mà người Pháp chấp nhận được và mong rằng ông này sẽ thành lập được một chính phủ nào đó. Khả năng thành công sẽ hạn chế theo dư luận hiện tại nhưng ít nhất cũng có một hy vọng. Với Diệm và Lansdale thì chẳng có gì.

Wisner bảo vệ Lansdale. Ông hầu như không biết gì về Việt Nam, không hề biết về châu Á nhưng người Mỹ đã thành công ở nơi khác, tại sao không có thể thành công ở Việt Nam ? Ông giải thích đã đến Philippines, gặp Magsaysay và thấy Lansdale đã hoàn thành tốt công việc ở đó. Triển vọng ở Việt Nam chắc chắn rất tốt ; Lansdale cũng xác nhận thế trong báo cáo. Dù sao cũng có một cơ may và Lansdale đã chứng tỏ tài năng, trực giác của mình trong những vấn đề người khác không giải quyết được. Vậy phải ủng hộ ông ấy.

John Foster Dulles không cùng chia sẻ lòng tin với Wisner. Ông gửi cho Đại sứ quán ở Sài Gòn một bức điện ngày 27 tháng Tư, chỉ thị cho người phụ trách phái đoàn tìm một người khác thành lập chính phủ. Ngày hôm sau, trước khi Đại sứ quán kịp hành động, Diệm được Đại sứ quán của mình ở Washington cho biết quyết định của Dulles, đã hỏi ngay Lansdale về tin ấy. Lansdale bảo đảm với ông, dù ông nghe được thế nào, Việt Nam cũng cần có một người lãnh đạo và Hoa Kỳ vẫn ở sau lưng ông. Ông ta thuyết phục Diệm ngay chiều hôm đó cho tấn công quân Bình Xuyên đã bắt đầu bắn súng cối vào phủ tổng thống và giết binh lính của quân đội Việt Nam. Nhưng 2.500 người của xã hội đen không đủ sức đương đầu với những tiểu đoàn Lansdale tập hợp được với sự giúp đỡ của Conein. Trong 9 giờ chiến đấu, quân Bình Xuyên trước đây chiếm giữ trung tâm Sài Gòn bị đánh tan tác phải trốn vào khu phố người Hoa ở Chợ Lớn. Sau trận thất bại này, các giáo phái không có vẻ đáng sợ nữa. Dulles vội vàng hủy bỏ chỉ thị và Đại sứ quán đốt bức điện. Từ lúc này, không còn bóng che vào sự tin tưởng ở Lansdale. Hoa Kỳ đã có sự lựa chọn. Như Dulles đã nói :”người ta nhào xuống nước” với Diệm.

Tháng Mười năm 1955, Lansdale đóng dấu ấn dứt khoát vào sự cam kết của Mỹ. Ông giúp Diệm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý gian lận để hạ bệ quốc trưởng Bảo Đại và bổ nhiệm Diệm làm tổng thống nước Cộng hòa mới Việt Nam. Vì đây là một lý do chính đáng, việc gian lận trong bầu cử có thể chấp nhận được ! Diệm thu được 98,2% phiếu bầu, hơn nhiều số phiếu Hồ Chí Minh đạt được ở miền Bắc. Và dù những nhóm kháng chiến gài lại ở Bắc Bộ bị Việt Minh quét sạch, Lansdale đã hoàn thành nhiệm vụ ở miền Nam. Ông củng cố vị trí của Diệm và gia đình, đưa ra một chính phủ trung ương bề ngoài có vẻ vững chắc. Chính sự thành công này đã gây ra cuộc chiến tranh thứ hai ở Việt Nam mà Vann phải chiến đấu 7 năm sau đó.

Mãi về sau này nhớ lại cuộc đón tiếp Diệm ở Tuy Hòa năm 1955, Bumgardner bỗng hiểu ra mình đã nhận thức sai lầm về cuộc trình diễn. Ông nhớ đám đông trên sân vận động hình như không chú ý lắm về những điều Diệm nói khi họ vỗ tay hoan hô. Những khuôn mặt tươi cười, thái độ ồn ào nhưng mắt nhìn trống rỗng. Ông hiểu ngay : đám đông không nghe gì cả.

Buổi lễ đối với người xem chỉ là một ngày nghỉ ngơi. Họ đã tập trung khá nhiều dưới thời Việt Minh trong cuộc chiến tranh thứ nhất để biết rằng khi cán bộ trong đám đông ra hiệu thì phải vỗ tay. Những người tổ chức mà Nhu, em trai Diệm đã cử, đứng lẫn trong đám đông ra hiệu. Những người nông dân ngoan ngoãn nghe theo. Thời kỳ ấy, người Việt Nam trung lưu cũng không biết rõ Diệm, người dân ở nông thôn hẻo lánh càng không. Họ đã chán cảnh những năm cách ly với bên ngoài, hân hoan vì chiến tranh đã chấm dứt. Việc một máy bay hạ cánh, đưa tới một nhân vật cao cấp nói chuyện với họ làm họ vui mừng như gặp ngày lễ. Họ xô đẩy Diệm và dẫm lên chân, dù ông là thủ tướng nước Nepal thì cũng vậy.

Phần lớn những người đến xem đó có quan hệ gia đình với những người nổi dậy đã ra miền Bắc. Khi bắt đầu cuộc chiến tranh thứ hai, vùng đồng bằng Tuy Hòa đã trở thành một căn cứ mạnh nhất của Việt Minh miền Nam mà nhân dân hoàn toàn chống lại chính quyền Diệm. Bumgardner nhận ra mình ngốc đến mức nào cũng như những người Mỹ khác khi nghĩ có thể dựng Diệm thành một anh hùng dân tộc so sánh được với Hồ Chí Minh. Không ai tán thành Diệm trừ những người công giáo và tính cách, thái độ chính trị, xã hội của ông ta không bao giờ có người ủng hộ. Việc cai trị của ông chỉ có thể là phá hoại.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #33 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2008, 05:42:10 pm »

Lansdale ở Việt Nam đã là nạn nhân của thành quả của ông ở Philippines. Những người thành công trong những đợt khủng hoảng lớn thường bị sa bẫy khi nghĩ rằng mình đã tìm ra một sự thật chung. Lansdale đã xây dựng định đề như phần lớn cấp trên của ông, kinh nghiệm Philippines cũng có giá trị ở Việt Nam. Kinh nghiệm ấy không là gì cả. Người Philippines, những người bạn của ông những năm 40, 50 , là một dân tộc độc nhất không điển hình như các dân tộc châu Á khác. Những người Philippines của Lansdale là những người Mỹ da màu. Ngoài một số chi tiết về thân hình họ cũng giống người Việt Nam như Lansdale vậy. Họ kỷ niệm ngày độc lập của họ vào 4 tháng Bảy như người Mỹ. Họ nói tiếng Anh sử dụng tiếng lóng Mỹ hơi sai lạc, thích nhạc Jazz và những dạng khác của văn hóa Mỹ. Người ta thấy những tên họ như đại tá “mike” Barbero, phó của Magsaysay về chiến tranh tâm lý mà người kế nhiệm là thiếu tá “Joe” Crisol, cả hai cùng làm việc với một sĩ quan khác “Frisco Johnny” San Juan. Những cuộc hành quân của họ chống người Huk mang tên mật như “Bốn bông hồng”, tên của loại rượu Whisky ưa thích hoặc “Omaha” kỷ niệm cuộc đổ bộ lên Normandie. CIA tuyển mộ những người Philippines vào những hoạt động của họ ở những nước châu Á khác chính vì họ có tư duy Mỹ. Khi người ta gặp một người Philippines trong một văn phòng hoặc một kho nguyên liệu, có nghĩa là CIA cách đấy không xa.

Lansdale đã tác động một dân tộc mà quan niệm sống được hình thành từ gần nửa thế kỷ Mỹ bảo trợ và bởi ảnh hưởng phương Tây hơn ba trăm năm thuộc địa Tây Ban Nha trước cuộc chiến tranh năm 1898. Gần 95% dân chúng là những người công giáo, Philippines là quốc gia công giáo độc nhất ở châu Á. Trong cuộc chiến tranh chống Nhật, người Philippines và Mỹ gắn bó khăng khít với nhau và sức mạnh chỉ có thể hiểu bởi những người cùng nhay đối đầu với cái chết trong chiến đấu. Có nhiều anh hùng người Philippines (65.000) hơn người Mỹ (15.000) trong việc bảo vệ bán đảo Bataan. Quá trình đi đến cái chết tiếp đó, 2.300 người Mỹ chết và người Philippines hơn ba lần ( giữa 5.000 và 7.500, người ta không biết con số chính xác). Khi những toán quân của tướng Mac Arthur đổ bộ từ sà lan lên vịnh Leyte ngày 20 tháng Mười năm 1944 để giải phóng các đảo, hai người lính của Sư đoàn 24 bộ binh, mỗi người phất một ngọn cờ lệnh trên bãi biển : lá cờ đầy sao và lá cờ xanh đỏ với mặt trời trong một tam giác trắng của Philippines. Ngọn cở Mỹ cũng gây xúc động cho người Philippines như cờ của họ vì họ thấy ở đấy tinh thần độc lập và sự giải phóng khỏi nền độc tài. Những người Philippines của Lansdale thấy họ muốn đạt  mục đích gì. Họ như 11 cầu thủ bóng đá rất giỏi nhưng không thành lập được một đội bóng vì thiếu huấn luyện viên. Lansdale là người huấn luyện viên ấy nhưng chỉ thắng khi những người khác thực hiện lối chơi như ông. Nghe Diệm nói với Lansdale ông ta đã chống lại người Pháp và xem chủ nghĩa cộng sản vô thần như một điều ghê tởm, định kiến của Lansdale dẫn đến những giả thuyết sai cũng như Vann sau n ày nghe Cao. Ông nghĩ hoàn toàn bình thường khi một nhà lãnh đạo Việt Nam được Hoa Kỳ trực tiếp bảo trợ và gắn bó với những người cấp cao Mỹ. Lansdale xem những người công giáo di cư từ miền Bắc là những người yêu nước đã “chiến đấu để giải phóng đất nước khỏi người Pháp” cho đến khi phát hiện ra họ bị lừa gạt và lôi kéo vào một âm mưu cộng sản; họ chạy trốn vào Nam để tạo dựng một “nước Việt Nam” tự do. Trong một báo cáo mật, ông viết Hải Phòng trong những tháng cuối cùng của việc di tản “nhắc lại thời kỳ những người mở đường Mỹ ở thế kỷ XVII”. Ông không thấy gì sai trong việc Hoa Kỳ chọn những người công giáo đề giúp đỡ họ. Ông thấy hoàn toàn đúng khi có một người công giáo làm tổng thống mà ông quan niệm là một “người Việt Nam tự do”.

Thiểu số người công giáo có một khuyết tật. Lansdale rất lo lắng làm cho họ phân biệt giữa những “thực dân” Mỹ và Pháp. Nhưng sự phân biệt hời hợt ấy không dựa vào một sự phân biệt sâu sắc. Bây giờ ông đối mặt với lịch sử Việt Nam chứ không phải Philippines. Quyết định dựa vào dân công giáo và chọn trong đó một chính phủ Sài Gòn đúng như ông thông báo cho những người Mỹ đến thay thế người người Pháp. Những người chuyển theo Thiên chúa giáo được người Pháp sử dụng như một đội quân thứ năm thâm nhập vào nước Việt Nam truyền thống và được quan chức thực dân khen thưởng. Nhân dân coi họ là một giáo phái có xu hướng ngoại lai. Sau khi người Pháp ra đi, lẽ tự nhiên họ tìm kiếm một người bảo trợ nước ngoài khác. Họ nói với Lansdale với cách họ nghĩ ông này muốn nghe.

Diệm không tin vào một chính phủ nghị viện tuy hai năm rưỡi lưu vong ở Hoa Kỳ ông học để hiểu được hệ thống nhà nước Hoa Kỳ khiến cho Lansdale có cảm giác ngược lại. Công bằng xã hội cũng không làm ông quan tâm. Ông không muốn điều chỉnh cơ cấu truyền thống người Pháp đã sắp xếp cố định. Diệm là một người phản động cực đoan, quyết định thành lập một triều đại gia đình mới trong một đất nước đã lỗi thời. Ở thế kỷ thứ X họ Ngô đã cai trị ít lâu. Diệm tự thấy mình cầm đầu một triều đại thứ hai thay thế họ Nguyễn mất tín nhiệm vì một Bảo Đại thoái hóa. Gia đình giúp ông cai trị theo truyền thống. Ông chỉ có một nhân nhượng với thời đại mới chấp nhận được gọi là “tổng thống”. Việc bất bình với Pháp thật dữ dội nhưng về những vấn đề nhỏ và yêu sách về chính trị bị gạt bỏ do việc bổ nhiệm ông làm thủ tướng của Bảo Đại. Diệm thừa hưởng của cựu hoàng một chính quyền đầy phản động và bè phái Việt Nam, một quân đội, cảnh sát và nạn quan liêu từ chế độ thực dân Pháp. Ông để cho Hoa Kỳ đưa ông ra thay thế. Điều đã thành công ở Philippines có tác dụng ngược lại ở Việt Nam; ở đây sẽ là không yêu nước nếu hợp tác với người Mỹ, đồng thời với chủ nghĩa thực dân, áp bức và không công bằng xã hội.

Ám ảnh về những hình ảnh của Cách mạng Mỹ, Lansdale không thể hình dung đã chọn sai địa bàn hay là trở thành phía thù địch trong một nước châu Á rầm rộ cách mạng dân tộc. Sức mạnh lý tưởng Mỹ cũng ngăn cản những người như Bumgardner và Vann hình dung khả năng ấy. Thế mà đó là những gì đã xảy ra ở Việt Nam. Một cuộc cách mạng dân tộc đang tiến hành ở đây và Hoa Kỳ không là gì cả. Nước Mỹ và đồng minh với bên sai trái khi cung cấp trang bị và tài chính cho người Pháp hòng lập lại chế độ thực dân trị của họ. Nước Mỹ lại lặp lại sai lầm ấy khi đưa Diệm và gia đình ra nắm quyền lực.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #34 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2008, 08:29:03 pm »

Tháng Giêng năm 1946, trung úy Alfread Kitts được chuyển đến Hải Phòng. Kitts là con trai một sĩ quan pháo binh, tham gia đội đua ngựac của Hoa Kỳ trong Đại hội Thể thao năm 1932 và 1936. Kitts vào quân ngũ năm 1943 khi vừa tốt nghiệp trung học, phục vụ ở Philippines rồi được cử sang Bắc Bộ Việt Nam. Anh cầm đầu một toán 26 lính phụ trách trả tù binh Nhật về nước chất trên những chuyến tàu Liberty. Kitts nói được một ít tiếng Pháp và có thể trò chuyện với những sĩ quan và binh lính Việt Minh kiểm soát thành phố. Người Việt Nam rất thân mật với người Mỹ. Không bao giờ họ nói về “chủ nghĩa cộng sản” và chỉ nói về mong muốn độc lập và hy vọng những người Mỹ giúp họ để đạt được điều đó. Thời kỳ ấy Hồ Chí Minh thu hẹp những xác tín cộng sản và vai trò của Đảng trong cuộc cách mạng dân tộc để xây dựng một mặt trận chính trị rộng rãi trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để tránh việc người Pháp quay trở lại.

Kitts chứng kiến ở Hải Phòng những chuyến ra đi đầu tiên của quân đội Pháp, ngày 6 tháng Ba năm 1946. Anh tưởng là quân đội Hoa Kỳ : mũ, quân phục, ủng, tất cả là Mỹ, kể cả sà lan vận chuyển, vũ khí hạng nặng và xe cộ Mỹ cấp cho nước Pháp tự do của De Gaulle để chống lại quân Đức và Nhật.

Sĩ quan và binh lính Việt Minh giận dữ khi thấy binh lính Pháp tới. Họ đã chấp nhận đội quân đồn trú Pháp ở Hải Phòng, Hà Nội và một số thành phố lớn khác ở lại tại chỗ để tự bảo vệ nếu bất chợt bị tấn công và đổi lại được hứa hẹn trả độc lập từng phần. Nhưng người Pháp nhanh chóng vi phạm lời hứa. Những sự kiện kèm theo tiếng súng nổ bắt đầu ngay. Những sĩ quan Việt Nam vẫn quan hệ thân mật với Kitts và những người Mỹ khác, chưa nói gì như sau này Việt Minh trách cứ họ đã trang bị súng đạn cho người Pháp. Hình như họ tiếp tục xem Kitts và lính Mỹ vẫn là đồng minh của họ, khác với quân đội thực dân. Họ tin vào lời tuyên bố của Hoa Kỳ về mục đích chiến đấu trong Thế chiến thứ hai và không quên việc đồng minh chống Nhật. Những hành động của Cục tình báo chiến lược OSS ( Office of Strategic Services : Cục tình báo quân đội có trước khi CIA được thành lập năm 1947) đã nhận thấy Việt Minh là nhóm kháng chiến duy nhất tổ chức khá và bám sát khắp đất nước để cung cấp thông tin về người Nhật, cứu phi công Mỹ bị bắn hạ và hoạt động quấy phá sau lưng địch. OSS đã cho một phái đoàn huấn luyện xuống giúp một trong những ban tham mưu bí mật của Hồ Chí Minh ẩn náu trong rừng phía bắc đồng bằng sông Hồng, chưa kể đã cung cấp hàng nghìn súng trường, tiểu liên và khí cụ khác trang bị cho các đội quân Việt Minh.

Những sĩ quan Bắc Việt Nam ra lệnh cho các toán quân của họ không lầm lẫn binh lính của Kitts với người Pháp, không bắn vào họ. Điều này ngày càng trở nên khó khăn đối với người lính Việt Minh vì số lượng người Pháp ngày càng tăng, yêu sách càng nhiều và sự va chạm xảy ra liên tiếp. Kitts tự nhủ : “ Làm sao nhận ra được một người Pháp hay một người Mỹ khi họ lái chiếc xe jeep như nhau và bận cùng đồng phục ?”. Một buổi tối anh cùng hai sĩ quan về trại, bị bắn từ một rào chắn. Họ kịp nhảy xuống đất nhưng chiếc xe bị hỏng nặng. Hôm sau Kitts đến tìm đại đội trưởng trẻ chỉ huy phân đội, trình bày rõ anh đến bến cảng trở về bằng những con đường nào và đề nghị đại đội trưởng bảo quân lính mình cẩn thận hơn trước khi bắn. Viên đại đội trưởng xin lỗi và hứa sẽ bảo người của mình lưu ý đoạn đường Kitts đi. Anh sẽ hướng dẫn kỹ hơn để về sau quân lính của mình không nhầm lẫn người Mỹ và người Pháp. Anh nói : “Nhưng anh biết đấy, người của tôi háo hức muốn đánh nhau!”. Kitts cười. Anh không một chút tình cảm nào với người Pháp. Người sĩ quan Việt Minh cũng cười.

Đến tháng Bảy năm 1946 những cuộc đụng độ trở nên thường xuyên đến nỗi giữ lại một toán quân Mỹ ở Hải Phòng rất nguy hiểm. Kitts và người của anh được lệnh chuyển giao cho người Pháp trách nhiệm đưa người Nhật về nước và rút đi. Kitts nhớ mãi mấy chữ những người Việt Nam biết tiếng Anh viết lên tường một ngôi nhà ở cảng “Chúng tôi muốn người Mỹ”.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #35 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2008, 10:45:07 am »

Nhưng nếu người Việt Nam muốn nước Mỹ thì nước Mỹ đã không muốn họ. Đối với Hồ Chí Minh, những năm 1945 và 1946 lặp lại những thất vọng và ức chế ông đã biết ngay sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Thời kỳ ấy tổng thống Hoa Kỳ là Woodrow Wilson; lần này là Hary Truman. Tên các ông ấy khác nhau, một cuộc chiến tranh mới nổ ra và một phần tư thế kỷ trôi qua nhưng thái độ của họ vẫn thế.

Khi Wilson tuyên bốn 14 điểm ngày 8 tháng Giêng năm 1918, ông Hồ coi trọng con người và bản tuyên bố ấy. Wilson đã nói các dân tộc bị lệ thuộc có quyền tự quyết định vận mệnh mình và trong luật lệ “của mọi tuyên bố thực dân … những quyền lợi của dân tộc bị trị phải có trọng lượng tương tự” như quyền lợi của thế lực thực dân. Dân tộc Mỹ phối hợp với nước Anh, Pháp và những nước Đồng Minh khác vì “cuộc chiến tranh cuối cùng cho nền tự do nhân loại”. Wilson đã xác định nguyên tắc bao gồm 14 điểm và đã được các lực lượng Đồng Minh tán thành :”Đấy là nguyên tắc công bằng cho mọi dân tộc và quốc tịch quyền được sống trong những điều kiện bình đẳng về tự do và an toàn giữa họ với nhau dù họ mạnh hay yếu”. Tổ chức xã hội các nước sắp thành lập sẽ chú trọng tới việc đối xử đúng đắn ấy với tất cả các dân tộc.

Ông Hồ rất xúc động, với số tiền ít ỏi kiếm được ở Paris bằng công việc sơn những đồ cổ Trung Hoa giả và chụp ảnh, đã thuê một bộ quần áo chỉnh tề ra mắt ỏ Hội nghị hòa bình năm 1919, Wilson và các nhà lãnh đạo các quốc gia đồng minh khác đến đấy bàn bạc về Hiệp ước Varsailless và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Ở Paris thời kỳ ấy, người  Việt Nam 28 tuổi ấy, đôi mắt đặc biệt lanh lợi, có vẻ vụng về trong chiếc áo đuôi tôm với cra-vát trắng bắt chước cách ăn mặc khác lạ của một người hào hoa phong nhã châu Âu. Ông mang tới một bản điều trần những tố cáo của người Việt Nam về chế độ thực dân Pháp. Ông bắt chước Wilson chia làm 8 điểm tạo cho người Việt Nam cơ may bù lại những thiệt thòi họ phải chịu. Ông không đòi độc lập nhưng tự trị trong lòng thuộc địa Pháp. Không một thành viên nào trong phái đoàn Mỹ hay một phái đoàn khác nhận tiếp ông. Ông hiểu việc tự quyết định của Wilson chỉ áp dụng cho người Séc, Ba Lan và những dân tộc da trắng khác ở Đông Âu dưới sự chiếm đóng của Đức và Áo – Hung nhưng không phải cho người da nâu, da vàng châu Á, càng không phải cho người da đen ở châu Phi. Điểm thứ Năm của Wilson về “những đồi hỏi đối với thực dân” chỉ đơn giản giải quyết việc phân chia giữa những người chiến thắng các thuộc địa của Đức ở châu Phi và châu Á.

Hai mươi sáu năm sau, ngày 15 tháng Tám năm 1945, ngày Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng, Hồ Chí Minh đề nghị Truman thực hiện đầy đủ những cam kết thời chiến và áp dụng những tuyên bố của tổng thống tiền nhiệm Franklin Roosevelt đã mất. Đại diện Việt  Minh ở Côn Minh, Trung Quốc đề nghị Hoa Kỳ “những người quán quân của nền dân chủ” biến nước Việt Nam thành một nước bảo hộ của Mỹ “với thể chế như Philippines trong một thời hạn không xác định” trước khi độc lập hoàn toàn. Hai tuần lễ sau, ngày 2 tháng Chín năm 1945, trong khi phái đoàn Nhật Bản cúi xuống chiếc bàn trải thảm xanh trên boong chiến hạm Missouri để ký các văn kiện đầu hàng không điều kiên, Hồ Chí  Minh đọc tuyên ngôn độc lập và công bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Ông phát biểu trước đám đông 50 vạn người tập họp trên quảng trường Ba Đình của Hà Nội. Ông bắt đầu bằng một câu trong bản Tuyên ngôn độc lập của mười ba thuộc địa Mỹ do Jefferson công bố ngày 4 tháng Bảy năm 1776:” Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng ..”. Trong lúc ông nói, trên bầu trời xuất hiện máy bay tiêm kích P.38. Viên phi công tò mò bổ nhào trên quảng trường và đám đông cho hành động ấy như biểu hiện chào mừng của nước Mỹ gửi tới đất nước Việt Nam.

Hồ Chí Minh không nhận được lời đáp nào của Hoa Kỳ về lời đề nghị bảo hộ nhưng những tuyên bố chung của Truman khuyến khích ông tiếp tục. Lời tuyên bố quan trọng đầu tiên về những vấn đề quốc tế, ngày 27 tháng Mười năm 1945 là 12 điểm hoàn toàn trong truyền thống Wilson. “Đường lối đối ngoại của Hoa Kỳ dựa trên những nguyên tắc cơ bản về quyền và sự công bằng”. Rồi ông đưa ra 12 điểm chủ yếu của đường lối ấy. Ba điểm trong số đó hình như áp dụng trực tiếp vào Việt Nam.

-   Chúng tôi nghĩ tất cả những dân tộc còn yếu trong tương lai sẽ tìm lại được chủ quyền và nền độc lập …
-   Chúng tôi nghĩ tất cả những dân tộc sẵn sàng tự lãnh đạo đất nước phải có quyền lựa chọn, tự do khẳng định đất nước mình không có một nguồn ngoại lai nào can thiệp. Điều đó đúng với Châu Âu, Châu Á, Châu Phi cũng như với tây bán cầu.
-   Chúng tôi không chấp nhận mọi chế độ chính trị do một lực lượng nước ngoài nào áp đặt.

Kết cục, Hồ Chí Minh phản đối Truman khi Hoa Kỳ quyết định nước Pháp đại diện cho Việt Nam, Lào, Campuchia ở Hội đồng Viễn Đông trong Liên Hợp Quốc vừa thành lập. Ông Hồ tuyên bố nước Pháp đã mất hết quyền về tinh thần hoặc pháp lý thống trị Đông Dương vì trong Thế chiến thứ hai, chính phủ Vichy “đã nhục nhã bán Đông Dương cho Nhật và phản bội Đồng Minh” từ năm 1940, hợp tác với người Nhật cho đến năm 1945 quân chiếm đóng gạt chính quyền thực dân Pháp và trực tiếp cai trị. Ngược lại, Việt Minh đã “đánh bại không thương tiếc phát xít Nhật” bên cạnh Hoa Kỳ. Ông Hồ gửi cho Truman và ngoại trưởng James Byrnes 11 bức điện và thư trong 18 tháng mà không nhận được trả lời. Ông cũng kêu gọi sự giúp đỡ của Clément AttLee, thủ tướng Anh, tổng tư lệnh Chiang Kaishel của Trung Hoa Dân quốc và Joseph Stalin của Liên Xô. Không người nào trả lời.

Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #36 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2008, 11:56:54 am »

Tháng Chín năm 1945, về quân đội Pháp chiếm đóng Bắc Bộ, Hồ Chí Minh chỉ có người trao đổi là bí thư thứ nhất Đại sứ quán Mỹ ở Paris. Ông đến đấy cố lần cuối cùng thỏa hiệp với những người Pháp đầy tự tin và luôn hiếu chiến, đề nghị người Mỹ biến Việt Nam thành “một vùng trù phú cho tư bản và xí nghiệp của họ”. Ông tỏ ý cho biết nếu Hoa Kỳ bảo vệ người Việt Nam chống người Pháp, ông để họ sử dụng Vịnh Cam Ranh, một trong những hải cảng đẹp, nước sâu nhất thế giới. Chỗ ấy sau này quân đội Mỹ bố trí một trong những cơ sở lớn nhất về không lực, hải quân và cung cấp trang bị cho cuộc chiến tranh thứ hai ở Việt Nam. Ngày 14 tháng Chín năm 1946 ông Hồ ký một tạm ước với nước Pháp và trở về Hà Nội.

Đến tháng Mười, người Pháp phản bội thỏa thuận, nắm lấy việc kiểm tra thuế quan và tài chính ở Hải Phòng. Họ muốn làm mất chủ quyền của Chính phủ Hồ Chí Minh. Tháng Mười một, trong việc kiểm tra hàng hóa của một thương nhân người Hoa, một cuộc tranh chấp nổ ra và hai mươi lính Pháp bị thiệt mạng. Tướng Pháp Jean Etienne Valluy quyết định dựa vào sự kiện này để cho “một bài học nghiêm khắc … và làm cho những nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rõ tình hình hơn” – Đại tá Debes mà phó tổng lãnh sự Mỹ ở Hà Nội đã xác định trong một báo cáo gửi về Bộ Ngoại giao là “nổi tiếng vì tham ô và tàn bạo” được lệnh ném bom Hải Phòng. Ngày 23 tháng Mười một năm 1946, pháo binh, tàu chiến Pháp và máy bay do Mỹ cung cấp bắn phá suốt ngày. Sáu nghìn thường dân Việt Nam chết. Việt Minh hiểu ngay bài học, Hồ Chí Minh trong năm cuối cùng này đưa tay ra với người Mỹ, tóm tắt bằng một lời cảnh báo: “Chúng ta đơn độc; chúng ta chỉ phải dựa vào bản thân chúng ta thôi”.

Vào 20 giờ 4 phút ngày 19 tháng Chạp năm 1946, biệt động đội Việt minh phá nổ nhà máy điện trung tâm của Hà Nội và thành phố chìm trong bóng tối hoàn toàn. Đấy là dấu hiệu tấn công qui mô lớn chống quân đồn trú Pháp ở tất cả các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Bây giờ không có gì ngăn được cuộc chiến tranh giành độc lập lần thứ nhất nữa.

Những thư từ và điện tín của Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã được xếp vào hồ sơ cho những nhà viết sử tương lai. Hoa Kỳ đã bỏ rơi người Việt Nam và những dân tộc Đông Dương khác cho người Pháp rất lâu trước khi ông Hồ tuyên bố độc lập ở quảng trường Ba Đình. Việc ông là cộng sản không liên quan gì đến việc này. Lịch sử muốn chính phủ Mỹ đối kháng với chủ nghĩa thực dân Châu Âu ởchâu Á. Đấy là một truyền thuyết gợi ra do sự huyênh hoang của Wilson, Roosevelt và ác cảm riêng của một số nhân vật lớn như Douglas Mac Arthur đối với chế độ thực dân kiểu cũ. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ nhân danh đất nước không cố làm sụp đổ những đế quốc thực dân Châu Âu vào cuối thế chiến thứ hai.

Franklin Roosevelt muốn giải phóng các dân tộc Đông Dương bằng một quá trình, bắt đầu bằng đặt nước thuộc địa dưới sự ủy nhiệm 25 năm sau chiến tranh. Tháng Giêng năm 1944 ông đã nói với bộ trưởng Ngoại giao Cordell Hull :”nước Pháp đã chiếm đất nước này gần một thế kỷ và hoàn cảnh 30 triệu dân ở đấy tồi tệ hơn cách đây 100 năm. Các dân tộc Đông Dương có quyền được hơn thế”.

Churchill và những người Anh có ảnh hưởng, họ không thể nhận thấy mặt trời cũng bắt đầu lặn trên đất đai của Rudyard Kipling. Họ sợ đặt Đông Dương dưới sự ủy nhiệm làm sụp đổ quyền lực của họ ở Ấn Độ và phần còn lại của đế quốc họ, đúng là điều Roosevelt đã có ý nghĩ. De Gaulle, bị tác động bởi thất bại năm 1940 và sự thông đồng của một bộ phận quân đội, của lớp trung, thượng lưu với chủ nghĩa và phát xít Nhật dưới chế độ Vichy, bị ám ảnh bởi tầm nhìn : khôi phục vinh quang của đế quốc Pháp, tiếp tục nhiệm vụ khai hóa của nước Pháp ở Đông Dương. Sự chống đối của người Anh và quyết tâm của De Gaulle dẫn Roosevelt đến bỏ rơi kế hoạch của mình. Ngày 5 tháng Giêng năm 1945 ông thông báo với Lord Halifax, đại sứ Anh ở Washington rằng ông không chống đối nước Anh đưa người Pháp trở lại Đông Dương. Ông chỉ mong không công khai công nhận việc Pháp chiếm lại đất nước ấy. Một tháng sau ở hội nghị Yalta, ông còn đi xa hơn chấp nhận chính thức một đề nghị của Bộ Ngoại giao có lợi cho Pháp đặt lại nền đô hộ.

Sau cái chết của Roosevelt, ngày 12 tháng Tư năm 1945, Hary Truman tạo điều kiện dễ dàng cho Pháp chiếm đóng lại. Tổng thống mới và các cố vấn có đủ lý do để hy sinh những người Việt Nam, Campuchia, Lào, theo quan niệm của người Pháp là gánh nặng của người da trắng. Hoa Kỳ tán tỉnh Liên Xô để họ giúp đập tan hoàn toàn nước Nhật; họ cũng không kém xem nước Nga là mối đe dọa tương lai. Averell Harriman, một trong những nhà xây dựng đường lối đối ngoại sau chiến tranh, lúc ấy là đại sứ ở Moscow, vội vã trở về Washington trong chiếc máy bay ném bom B-24 để báo động với Truman, nói với ông này họ có nguy cơ bị một “sự xâm chiếm dã man của châu Âu” đe dọa. Để kiến thiết châu Âu thời hậu chiến loại trừ được lực lượng Xô Viết và cắm chắc lực lượng Hoa Kỳ, Truman và các cố vấn cần có sự hợp tác của nước Pháp. Họ muốn sử dụng các hải cảng, sân bay và căn cứ quân sự của Pháp để chống lại cái gọi là sự đe dọa của Hồng quân Stalin. Họ công nhận chế độ thực dân Pháp kiểu thế kỷ XIX sẽ không thực hiện được trên thế giới thời hậu chiến. Về tinh thần họ cảm thấy không thoải mái khi đồng lõa với việc Pháp trở lại Đông Dương và lo lắng thấy nước Pháp sa vào một cuộc tranh chấp với thời gian và tốn kém không có giới hạn. Tuy thế Truman thừ nhận quyết định của Roosevelt. Tháng Năm năm 1945, bốn tháng trước khi chưa người nào biết ở Hà Nội sẽ có chính phủ loại nào, ông cho Georges Bidault, bộ trưởng Ngoại giao của De Gaulle biết Hoa Kỳ không bao giờ đặt lại vấn đề “dù ngầm ý, việc Pháp thống trị Đông Dương”. Truman đã theo Roosevelt, để người Anh đảm nhận việc người Pháp trở lại. Người Anh hoan hỉ làm việc đó, hy vọng thuộc địa của họ được vững vàng.

Viên tướng Sư đoàn Anh Douglas Gracey đến Sài Gòn ngày 13 tháng Chín năm 1945 với một lực lượng can thiệp hỗn hợp gồm người Gurkhas, lính Ấn Độ và lính dù Pháp. Ông giải phóng những quân lính Vichy bị quân chiếm đóng Nhật tước vũ khí và cầm tù trong tháng Ba sau bốn năm rưỡi hợp tác. Ông tăng cường đội quân bằng cách sáp nhập 17.000 lính Nhật nên việc giái giáp ở miền Nam Việt Nam chậm lại mấy tháng để có thể đánh nhau với người Việt Nam với mục tiêu duy nhất “Khôi phục trật tự”. Đầu tháng Mười những người lính Pháp khác đến, được chở trên những tàu Hải quân Hoàng gia kèm theo chiến hạm Richelieu và khu trục hạm Triomphant. Tướng Philipe Leclerc, người giải phóng Paris , bay đến Sài Gòn để chỉ huy đội quân viễn chinh. Với những đội quân Ấn Độ và Nhật giúp đỡ, ông đuổi quân Việt Minh ra khỏi thành phố và đi khá sâu vào đồng bằng sông Cửu Long, chiếm Mỹ Tho vào ngày 25 tháng Mười. Mấy ngày sau đó, Cần Thơ, tỉnh chính vùng đồng bằng cũng rơi vào tay quân Pháp. Vào đầu tháng Chạp năm 1945 Leclerc chỉ huy 21.500 lính Pháp ở miền Nam Việt Nam, trong đó có Sư đoàn 2DB và xe tăng Mỹ. Theo đề nghị của Anh, Truman cung cấp cho người Pháp 800 xe jeep và xe tải. Ông giải thích vì chuyển từ Việt Nam đi quá phức tạp. Người Pháp cũng nhận được những phương tiện đổ bộ đường thủy và tàu chiến để chinh phục lại đất nước này. Tàu sân bay đầu tiên, Dixmude bắn phá Bắc Bộ là một tàu chiến Mỹ và phi công lái máy bay ném bom Mỹ. Mùa thu năm 1945, Hải quân Mỹ chuẩn bị cho việc đổ bộ quân Pháp lên Hải Phòng, với sự giúp đỡ của các toán quân Nhật, đã tháo gỡ  bom mìn ở hải cảng chính họ đã phong tỏa thời kỳ chiến tranh để ngăn chặn quân Pháp của chính phủ Vichy và kẻ thù của họ là quân Nhật.

Tàu bay và khí cụ lấy của quân Đức bổ sung cho việc trang bị của Mỹ cho phép người Pháp có khá đầy đủ vũ khí để trụ vững cho đến cuối năm 1946. Ba tuần lễ sau khi cuộc chiến tranh ở Hà Nội bắt đầu trong tháng Chạp, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo với Chính phủ Pháp có thể mua tất cả các loại vũ khí của họ theo ý muốn “trừ việc dùng vào những hoạt động ở Đông Dương”. Như vậy có nghĩa thực tế nước Pháp có thể gửi toàn bộ khí tài hiện có ở châu Âu để rồi khôi phục lượng dự trữ bằng vũ khí mới của Mỹ. Năm 1947, Truman cho Pháp vay 160 triệu đô la để mua xe cộ, máy bay rõ ràng dùng cho Đông Dương. Cùng năm ấy nhiều trăm triệu đô la giúp đỡ theo kế hoạch Marshall bắt đầu lấy lại sinh khí cho nền kinh tế Pháp, giảm nhẹ gánh nặng cho một cuộc chiến tranh thực dân. Tất cả những thư từ, điện tín của Hồ Chí Minh cũng như bản ghi nhớ cuộc trao đổi cuối cùng của ông ở Đại sứ quán Paris đều được Bộ Ngoại Giao Mỹ xếp vào hồ sơ “Bí mật hàng đầu”. Những văn bản này chỉ được công bố sau 25 năm sau với những hồ sơ của Lầu Năm Góc.

Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #37 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2008, 02:41:58 pm »

do khác ít cao thượng hơn. Nghe những lời lẽ huyênh hoang của các tổng thống, những người da vàng, da nâu đã quên mất Hoa Kỳ là một sức mạnh thực tế và có quyền, có khả năng kỳ lạ biện  minh về một số xếp đặt quyền lợi cho họ. Việc họ trở thành lực lượng hùng hậu nhất thế giới sau chiến thắng ở Thế chiến thứ hai càng phát triển khuynh hướng thanh minh cách xử sự của họ thường với những lý do không đẹp. Ngoài ra những người châu Á lạc quan dựa vào Hoa Kỳ bảo trợ đã không hiểu người Mỹ tiêm nhiễm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đến mức tự họ không nhận thấy mình đang chơi trò hai mặt ở châu Á. Trên bậc thang các xưởng máy trong chiến tranh, người ta thường nghe hát bài :

Vừa làm vừa ca hát
Hitler chỉ đạt số không
Mussolini là kẻ lông bông
Người Nhật trông càng tệ hại


Người Nhật không tệ hại và người Đức là những kẻ thù nguy hiểm, quỷ quái nhất. Nước Nhật không bao giờ đủ tiềm năng quân sự để uy hiếp Hoa Kỳ. Nhưng Đức thì có. Việc phát triển bom nguyên tử trở thành cấp thiết khi các nhà bác học Mỹ và châu Âu định cư xác định có lẽ Hiler tiến hơn trong cuộc chạy đua “bom siêu việt” chỉ để cho Hoa Kỳ và Anh Quốc lựa chọn giữa việc đầu hàng hoặc bị tiêu diệt. Khả năng kỹ thuật của Nhật Bản bị hạn chế đến mức những khí cụ lớn không làm gì được trong những trận chiến ban đêm và thời tiết xấu vì việc phát triển ra đa và vũ khí hạt nhân ở ngoài tầm với của khoa học trong công nghiệp của họ. Bên cạnh hiệu quả tàn ác, phe phát xít sử dụng những phương tiện của một xã hội công nghiệp hóa để thủ tiêu 12 triệu người trong đó có 6 triệu người Do Thái trong các trại tập trung, những hành động hung bạo của Nhật, dù dã man, độc ác cũng chỉ là chuyện vặt.

Người Mỹ sợ và ghét hai kẻ thù ấy tỷ lệ nghịch với sự đe dọa của họ. Việc thăm dò của Bộ Tài chính cho thấy một chiến dịch quảng cáo dựa trên sự căm hờn đối với người Nhật bản được nhiều tín phiếu bảo vệ quốc gia hơn với người Đức. Những cuộc điều tra tỏ tõ người Mỹ trung lưu phê phán người Nhật là “báng bổ, vô nhân đạo, sức vật, xảo trá, bất nghĩa “. Sự quảng cáo tín phiếu vậy là dựa vào tính hung bạo của người Nhật. Cơ quan điều tra liên bang FBI đã bắt một số tên quốc xã gốc Mỹ nhưng những người Mỹ gốc Đức nói chung không lo ngại gì.

Sau trận Trân Châu Cảng, một làn sóng đồn đại kích động được báo chí và quân đội khuyến khích lan truyền ở California và các bang ven bờ biển Thái Bình Dương : những người Mỹ gốc Nhật liên lạc bằng dấu hiệu với tàu ngầm, gửi thông tin bằng làn sóng mật cho hạm đội xâm lược, lấy cắp vũ khí và vẽ bản đồ hướng dẫn quân Nhật sau khi đổ bộ. Chính phủ đề ra một chương trình tập hợp tình nguyện ở nội địa nhưng không ai tiếp nhận những kẻ nhập cư ấy. Câu trả lời của toàn quyền Idaho thật điển hình : “Những người Nhật sống như những con chuột, sinh sản như những con chuột, cư xử như những con chuột. Chúng tôi không muốn chứa chấp họ”. Mùa xuân năm 1942 quân đội tập hợp 150.000 người Mỹ gốc Nhật trong đó có 60.000 công dân sinh tại Mỹ, đưa họ vào các trại tập trung ở những vùng đất khô cằn ở phía tây. Tòa án tối cao xác nhận điều đó được xem là vụ vi phạm nhân quyền lớn nhất trong lịch sử nước Cộng Hòa.

Thế nhưng người ta không bao giờ phát hiện ra một hành động do thám hoặc phạm pháp nào của người Mỹ gốc Nhật Bản. Quân đội vẫn đòi hỏi Nisei – người ta gọi những người Nhật sinh ra ở Mỹ như vậy – ra mặt trận khi đến tuổi nghĩa vụ. Và gia đình của họ vẫn ở các trại tập trung suốt thời gian chiến tranh. Một nghìn hai trăn Nisei tình nguyện đi chiến đấu để chứng tỏ lòng yêu nước; những người khác để phiên chế vào các đơn vị không phàn nàn gì. Đoàn quân 4a42 của họ trở thành một trong những đoàn quân được khen thưởng nhiều nhất và được tổng thống tuyên dương bốn lần trong các mặt trận Ý và Pháp. Phương châm của đoàn quân do chính các chiến sĩ lựa chọn là :” Hãy nhớ tới Trân Châu Cảng “. Nhưng quân đội vẫn tách những người Nhật ấy khỏi lính chiến đấu da trắng, thực hiện việc phân tách như đối với những người da đen thời kỳ ấy.

Nếu người Việt Nam là những người châu Âu da trắng, Roosevelt và Truman không dễ dàng phó mặc họ cho chủ nghĩa thực dân hành hạ. Những nhìn nhận vể chủng tộc đã điều tiết những mệnh lệnh về chiến lược. Lời cảnh báo cao quí của Truman trong diễn văn tháng Mười năm 1945, trong đó ông khẳng định Hoa Kỳ từ chối “công nhận một chính phủ do lực lượng nước ngoài áp đặt cho một quốc gia” ( điểm thứ 12 trong bản tuyên bố của Wilson vốn đã kích thích Hồ Chí Minh kêu gọi ông bảo vệ chống người Pháp) chứng tỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có tính hai mặt của các nhân vật Hoa Kỳ không thay đổi từ thời Wilson. Lời tuyên bố của Truman hướng về Liên Xô đã áp đặt nền thống trị các quốc gia da trắng ở Đông Âu. Nếu Truman bối rối về những hành vi khắc nghiệt của họ ở đấy, xem ra ông không băn khoăn về những tàn khốc của người Pháp khi chinh phục lại Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long. Vả lại ông cũng chẳng quan tâm đến cuộc tàn sát trong tháng Mười một năm 1946, giết hại 6000 thường dân Việt Nam ở Hải Phòng khi quân Pháp tấn công miền Bắc Việt Nam.

Ông Hồ và Việt Minh cộng sản chỉ là một yếu tố ngẫu nhiên không đưa lại lợi ích gì cho những nhân vật Nhà nước Mỹ.

Ưu thê vượt trội của những người cộng sản cầm đầu cuộc cách mạng Việt Nam tạo lý do cho những người có trách nhiệm ở Hoa Kỳ tiến hành ở Việt Nam điều mà Washington dù sao cũng đã có ý định làm. Họ mau chóng quên đi những cảnh ngộ buổi đầu, tự biện minh việc bắt người Việt chịu những khổ sở của một cuộc chiến tranh còn kéo dài bảy năm rưỡi nữa là để ngăn chặn đế quốc Xô viết ( đúng hơn là Trung Hoa Xô viết) bành trướng ở Đông Nam châu Á. Các thế hệ những quan chức Mỹ nối tiếp nhau không ngừng phát biểu như vậy.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #38 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2008, 03:56:46 pm »

Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông trở thành cộng sản phải chăng do một bất ngờ về đường lối chính trị của Pháp ? Những vị quan lại ấy, các nhà nho Việt Nam là những nhà lãnh đạo tất nhiên của một dân tộc mà người nước ngoài luôn luôn muốn chinh phục và dẹp yên không được. Ở đất nước chúng ta hiếm có những tấm gương như thế : người Ireland trong số đó, người Việt Nam cũng vậy. Sức kháng chiến dữ dội của họ là cả một truyền thuyết. Và là lịch sử nhắc nhở những người sống không bao giờ được làm nhục người chết.

Hệ thống trị đất nước của người Việt Nam phỏng theo người Trung Hoa. Nước Trung Hoa do một hoàng đế cai trị dựa vào một hệ thống quan lại. Vua ở Việt Nam là hình ảnh thu nhỏ của “con Trời” ở Bắc Kinh; các quan lại là những người có học thức điều hành việc nước, được bổ nhiệm vì tỏ rõ sự uyên bác về triết học Khổng Tử do một khoa thi theo cách Trung Quốc lựa chọn. Cũng như ở Trung Quốc, các quan lại hình thành một tầng lớp xã hội; giới trí thức bàn giấy trở thành lớp quý tộc mà thực tế nông dân nghèo không với tới được.

Chế độ thực dân Pháp bẻ gãy hàng ngũ quan lại Việt Nam. Để bảo tồn vị trí họ bắt đầu phục vụ người Pháp, chuyển thành quan chức của nước ngoài và mất tính hợp pháp lãnh đạo đất nước. Họ cũng trở nên tha hóa trong xã hội. Nhà nước độc quyền bán rượu, thuốc phiện và những điều kiện bó buộc trong các đồn điền cao su cùng những lạm dụng khác biến thực dân Pháp thành một chế độ bóc lột. Những quan lại cùng hợp tác hàng ngày tham gia vào những tội ác chống dân tộc họ, lâu dần không cảm thấy tội lỗi nữa. Một số ít trong bọn họ không chịu cúi đầu trước những người Âu châu dã man. Sự chống đối lúc đầu đem lại nỗi sỉ nhục và cảnh đói nghèo cho họ để rồi về sau cứu với gia đình và đất nước. Dưới con mắt nông dân, qua những hình ảnh kháng chiến chống ngoại xâm, họ giữ được vai trò lãnh đạo tất nhiên trong xã hội Việt Nam. Họ tự cảm thấy và truyền lại cho con cháu nỗi sỉ nhục không nguôi chừng nào đất nước chưa  được giải phóng. Các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản phần lớn là con cháu của những gia đình quan lại ấy phân hóa dưới chế độ thực dân vì một số hợp tác với kẻ thống trị trong lúc những người khác vẫn theo con đường chính trực.

Những bậc tiền bối trong gia đình và đường lối chính trị của Hồ Chí minh là mẫu mực cho người Việt Nam noi theo. Bố ông Hồ, sinh ra ở Nghệ An, một tỉnh bắc Trung Bộ Việt Nam, nổi tiếng về hoạt động chống Pháp, là một nhà Nho môn đồ của Khổng Tử. Làm quan ở Bình Định, một tỉnh phía nam, ông bị sa thải vì ý thức yêu nước. Bối cảnh chính trị của nước chiếm đóng không khỏi ảnh hưởng đến số phận những người dân của nước bị chiếm đóng. Vì thế những người Philippines của Lansdale lấy nền dân chủ Mỹ làm khuôn mẫu, có hai đảng phái chính chống đối chế độ thực dân. Jawaharlal Nehru và phần lớn các nhà lãnh đạo vì nền độc lập Ấn Độ là những nhà xã hội Anh về đường lối. Lẽ tự nhiên khi Hồ Chí Minh ở Paris trong Thế chiến thứ nhất đã theo những người xã hội vì đây là nhóm chính trị độc nhất ở Pháp nghiêm túc bảo vệ nền độc lập của những nước thuộc địa.

Năm 1920 Đảng Xã hội Pháp bị cuốn hút vào một trong những tranh luận quan trọng nhất của lịch sử : ở lại Quốc tế thứ II được hình thành tại Paris năm 1889 hoặc đi theo tổ chức cách mạng hơn nhiều là Quốc tế thứ II do Lênin sáng lập ở Moscow năm 1919 để bảo vệ quyền lợi Bôn sê vích. Ông Hồ kể lại trong một bài báo đăng 40 năm sau đó, ông đã tham gia những cuộc tranh luận, rất chú ý lắng nghe, không hiểu hết những vấn đề nêu ra nhưng nhận thấy vấn để chế đột thực dân không được bàn đến. Mà điều ông muốn biết trước hết là “trong hai quốc tế, quốc tế nào đứng về phía nhân dân các nước thuộc địa ?”. Người ta nói với ông là Quốc tế thứ III. Vào mùa xuân, một người bạn Pháp đưa cho ông một bản sao báo cáo của Lênin in trong báo Nhân đạo ( L’Humanité) : “ Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Ông tả lại phản ứng của mình khi đọc bài ấy trong gian phòng nhỏ đang ở :” Trong luận cương có những danh từ chính trị khó hiểu. Cố gắng đọc đi đọc lại cũng nắm được vấn đề cấn thiết, tôi cảm nhận ở đây bao cảm động, nhiệt huyết, sáng tỏ và tin tưởng ! Tôi khóc lên vì vui mừng. Ngồi một mình trong phòng tôi kêu lên rất to như nói với đông đảo quần chúng :

Hỡi những người đau khổ, những đồng bào của tôi ! Đây là điều chúng ta cần ! Đây là con đường giải phóng của chúng ta ! ».
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #39 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2008, 04:19:35 pm »

Trong những cuộc tranh luận tiếp theo, ông Hồ không ngồi im lặng. Ông chế diễu những người chống đối Lênin bằng câu hỏi đơn giản này : « Nếu các ông không lên án chế độ thực dân, nếu các ông không đấu tranh bên cạnh các dân tộc thuộc địa bị áp bức thì các ông làm loại cách mạng gì ? ».

Ở hội nghị Tours tháng Chạp năm 1920, ông bỏ phiếu cho phía cực tả và trở thành một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp.

Đảng Cộng sản Pháp cử ông đi Moscow vào mùa hè năm 1923 tham dự Hội nghị quốc tế nông dân. Được bầu vào Ban chấp hành , ông ở lại Liên bang Xô viết một năm nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và những chiến thuật cách mạng ở Trường Đại học Phương Đông. Cuối năm 1924 ban chấp hành Quốc tế cộng sản cử ông đi Quảng Đông làm phiên dịch cho Phái đoàn chính trị và quân sự bên cạnh Đảng cách mạng dân tộc Trung Hoa, Đảng Quốc dân của Tôn Dật Tiên trong đó những người cộng sản Trung Quốc còn hợp tác với  nhòm Tưởng Giới Thạch. Ít lâu sau khi đến ông viết một báo cáo thông báo đã hình thành tổ chức cộng sản bí mật đầu tiên của lịch sử Việt Nam : Thanh niên cách mạng đồng chí hội, gồm ông và tám nhà yêu nước khác, đồng hương của ông sống ở Quảng Đông. Ông đi Hàng Châu, Thượng Hải và những thành phố khác để nói chuyện với những người Việt Nam xa quê hương, thuyết phục họ hình thành một tổ chức vững chắc vì quyền lợi dân tộc.

Âm vang những hoạt động của ông lan truyền về Việt Nam, nhiều nhà yêu nước trẻ tuổi tìm đến hội của ông. Những người chấp nhận quan điểm kinh tế xã hội của ông có cùng một lý do như đã làm ông đi theo Lênin. Qua những bài học ông trình bày về chiến lược và chiến thuật cách mạng Lêninít, họ hiểu : xã hội cộng sản là đích tối cao và phương pháp đạt tới phải qua nền độc lập dân tộc. Phần lớn những người thấy ở ông Hồ điều mình tìm kiếm ở Quảng Châu, Quảng Đông cũng như sau này ở Việt Nam, đều là con cái lớp quí tộc có học thức bị tước đoạt quyền lợi. Một trong những người đầu tiên theo ông ở Quảng Châu là một sinh viên 17 tuổi, Phạm Văn Đồng, bố ông là quan lại, thư ký riêng cho nhà vua trẻ Duy Tân. Bố ông Đồng bị cách chức khi người Pháp phế ông vua 18 tuổi đày ra đảo Réunion vì ông này xúi giúc một cuộc nổi dậy trong số những người lính Việt Nam Pháp tuyển mộ đi đánh nhau trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông Đồng trở thành một trong những người hợp tác thân cận nhất của ông Hồ, lãnh đạo phái đoàn Việt Nam ở Hội nghị Geneve năm 1954 và trở thành thủ tướng Chính phủ miền Bắc Việt Nam. Nhưng trước đó ông đã trải qua sáu năm trong tuổi thanh niên ở nhà tù Côn Đảo. Người Pháp đào ở đây những hầm nhốt tù dưới đất phía trên gắn song sắt ; những « chuồng cọp » này nổi tiếng trong chiến tranh mà người Mỹ dùng giam những người nổi dậy Việt cộng.

Một tổ chức của giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của tầng lớp quí tộc bản xứ hoàn toàn bất thường so với các đảng cộng sản. Alexander Woodside, nhà sử học người Canada chuyên về Việt Nam đã gọi đây là cuộc cách mạng của các « quan lại mác-xít ». Trường Chinh, nhà lý luận, Lê Đức Thọ, nhà thương lượng khôn khéo mà Henry Kissinger gặp ở bàn đàm phán Paris năm 1968 và Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo quân sự lớn của nước Việt Nam mới, tất cả đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc trí thức ấy. Những người lao động chân tay và nông dân đều không có mặt trong hàng ngũ ưu tú này. Trong số đó ngoại trừ có một trong những người bạn và cộng sự của tướng Giáp, ông Văn Tiến Dũng, chỉ huy một sư đoàn trong chiến tranh chống Pháp rồi tham mưu trưởng quân đội miền Bắc : một người công nhân cũ của một xưởng dệt ở Hà Nội. Năm 1963 Đảng chính thức thừa nhận đại bộ phận đảng viên xuất thân tầng lớp tiểu tư sản.

Hạt nhân không phá vỡ được này của tầng lớp quý tộc Việt Nam hoạt động theo tiếng gọi của đất nước. Ngày 8 tháng Hai năm 1941, khi Hồ Chí Minh vượt qua biên giới nam Trung Quốc sau 30 năm lưu vong, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra và sự cắt đứt quan hệ giữa các nước Đồng minh và chính quyền thực dân Pháp vốn hợp tác với quân đội Nhật hình như là dịp thuận lợi cho ông khơi nguồn một cuộc nổi dậy giành chiến thắng. Ban chấp hành trung ương ông triệu tập trong một xóm hẻo lánh ở Pắc Bó gồm những người sáng suốt và chín chắn trong chiến đấu. Họ chấp nhận thực thi chiến lược tinh vi ông đề nghị. Người ta giảm mục tiêu phấn đấu của Đảng về cuộc cách mạng xã hội để hình thành liên minh rộng rãi với những người không cộng sản vào một mặt trận dân tộc : Tổ chức mới gọi là Việt Nam độc lập đồng minh hội, từ đó được gọi tắt là Việt Minh. Nhiệm vụ của Việt Minh , như trong lời tuyên bố của ông Hồ, là tiến hành một cuộc chiến tranh « cứu nước, đuổi Nhật, Pháp và bè lũ phản động Việt Nam ».

Bốn năm tiếp theo những « quan lại cộng sản » thành công kỳ diệu trong việc chuẩn bị về quân sự. Truyền thống chung là một trong những lý do chủ yếu cho phép họ thực hiện được nhiều điều trong thời gian ít ỏi như vậy và cho họ sự gắn bó cần thiết để trong lịch sử nước mình vận dụng những nguyên lý mác xít – Lêninít vào cuộc cách mạng trong điều kiện đặc biệt của xã hội Việt Nam. Khác với những dân tộc nhỏ bé khác làn nạn nhân của những cường quốc láng giếng, người Việt Nam không chỉ có những người hy sinh vì lý tưởng. Noi theo ông cha và những gương sáng trong lịch sử kháng chiến thắng lợi chống xâm lược nước ngoài, họ cũng thành công như tổ tiên của họ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM