Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:16:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam  (Đọc 81768 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2008, 05:52:49 am »

Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng


Từ một cậu bé đánh cá, đưa đò lam lũ trên sông Hương, đi kiếm sống rồi tham gia cướp chính quyền ở thành phố biển Nha Trang trong Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Dưỡng đã trở thành một vị tướng với hàm Chuẩn đô đốc, phó tư lệnh Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Từ lính bộ binh chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên suốt thời đánh Pháp, Nguyễn Dưỡng đã học tập, phấn đấu thành một trong những chỉ huy cao cấp của quân chủng hải quân có mặt ở những điểm nóng thời đánh Mỹ rồi đánh Pol Pot. Từ thuở đầu xanh cho đến khi tóc bạc, cả đời ông gắn bó với chiến trường. Với tư cách là chỉ huy trưởng Căn cứ 2 Hải quân, ông là một trong những “nhân chứng sống” trực tiếp của sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964. Rồi năm 1979, trên cương vị chỉ huy trưởng Vùng 5 duyên hải, ông đã chỉ huy lực lượng hải quân phối hợp với các quân binh chủng trên bờ góp phần giải phóng Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Trong ngôi nhà đối diện với Xí nghiệp Liên hợp Ba Son ở quận Một, Thành phố Hồ Chí Minh được nghe Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng kể chuyện chinh chiến, tôi cứ ngỡ như đang nghe “thủy tướng” Yết Kiêu thời Trần kể chuyện Sát Thát năm xưa. Vâng, lịch sử không những là một sự liên tục mà còn là sự kế tục.


Điều mà Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng hết sức trăn trở, ân hận là sau ba mươi năm rời gia đình ruổi rong chính chién trả nợ nước, khi hồi hương lại không có được một ngày phụng dưỡng cha mẹ để báo hiếu đáng sinh thành dưỡng dục. Cha mất đã lâu. Mẹ vĩnh viễn nằm xuống ở tuổi chín mươi vào tháng 3 năm 1975, đúng hai tháng trước khi ông đặt chân trở lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn ở làng Tân Thủy thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế.


Tuổi Mậu Thìn, Nguyễn Dưỡng sinh ngày 10 tháng 4 năm 1928. Giống như Chử Đồng Tử trong truyền thuyết, thời ấu thơ nắng lửa mừa dầu của Nguyễn Dưỡng trôi qua trên dòng Hương xanh đến vô tình của đất Thần kinh đầy biến động. Lưới cá không đủ nuôi một gia đình tới mười người con, nên mới mười hai tuổi đầu Nguyễn Dưỡng phải rời con đò tuổi thơ lên tàu vào Nha Trang tìm kế sinh nhai. Cậu thiếu niên xứ Huế cùng một người anh trai học và làm nghề thợ may.


Mùa thu năm 1945, Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Như bao thanh niên khác, Nguyễn Dưỡng hòa vào dòng thác dân tộc, hăng hái tham gia lực lượng địa phương đi cướp chính quyền, giành độc lập tự do cho nước nhà. Từ đó, ông bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng. Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng tâm sự:

-Khi ấy tôi còn trẻ lắm, mới mười bảy tuổi. Tôi cùng một đội vũ trang địa phương tấn công nhà máy đèn do quân Nhật chiếm giữ. Vừa leo lên tường thành, thấy một thằng Nhật giương súng nhắm vào mình, tôi lập tức nhảy xuống. Nó bắn vào tường thành. Mặc dù có tổn thất nhưng cuối cùng ta cũng chiếm được nhà máy đèn và các cơ quan, công xưởng khác do quân Nhật còn chiếm giữ. Đó cũng là trận đánh đầu tiên trong đời tôi. Trong số những người tham gia cướp chính quyền ở Nha Trang, tôi còn nhớ mãi hình ảnh cô Hòa, cô Hơp là hai cô gái hăng hái nhất, dũng cảm nhất, luôn xung phong đi đầu!


-Vì lý do nào sao đó ông lại rời Nha Trang để trở về cố đô, thưa Chuẩn đô đốc?

-Chỉ một thời gian ngăn sau ngày nước nhà độc lập, quân Pháp tái xâm lược. Tôi tham gia chiến đấu ở mặt trận Nha Trang cùng với anh Hà Văn Lâu. Đây là mặt trận đầu tiên ở Nam Trung Bộ được mở để ngăn chặn bước tiến quân Pháp. Nhưng cuối cùng mặt trận vỡ, tôi mới về Huế nhập vào bộ đội chủ lực Trung đoàn Trần Cao Vân chiến đấu bảo vệ Huế. Lúc này Trung đoàn Trần Cao Vân gọi là Trung đoàn 101 do anh Hà Văn Lâu làm trung đoàn trưởng, anh Trần Quý Hai làm chính ủy, về sau trực thuộc Sư đoàn 325. Rồi mặt trận Huế cũng bị vỡ, lực lượng rút vào chiến khu Hòa Mỹ. Tiểu đoàn 18 của tôi lên đóng ở Đồng Truồi, ngọn núi cao chót vót từng đi vào ca dao:

“Đồng Truồi ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu”.

Tiểu đoàn tôi lúc lên chiến khu còn khoảng bảy mươi người nhưng vì quá đói khát, chết dần hết mười bốn người, chôn cất quanh một gốc cây dâu cổ thụ, không biết bây giờ thân nhân đã đem được hài cốt về chưa? Tôi nhớ một lần Chính ủy Trần Quý Hai từ bên Hòa Mỹ cùng một anh liên lạc khiêng sang Đồng Truồi một đùi nai ướp muối vừa bắn được. Anh em mừng vô kể. Sau này hễ mỗi khi có miếng thịt ăn thì tôi nhớ tới nghĩa cử của anh Trần Quý Hai.


Thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, khoảng năm 1965 anh Trần Quý Hai lúc đó là phó tổng tham mưu trưởng đi qua sông Gianh để vào Nam. Đang là chỉ huy ở Căn cứ 2 hải quân, nghe tin tôi liền trực tiếp lấy canô đưa anh sang. Anh ôm tôi nói: “Dưỡng ơi! Mình tổng kết công tác chiến tranh, thấy từ Bắc chí Nam ở đâu cũng cực, nhưng cuối cùng thấy Đồng Truồi đúng là quá cực!”.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2008, 05:55:17 am »

-Nói đến chiến trường Bình Trị Thiên trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp, các cựu binh hay nhắc về trận Hộ Thành và trận Đất Đỏ sau khi thành phố Huế bị thất thủ. Chuẩn đô đốc có trực tiếp tham gia hai trận đánh này?

-Có. Trận Đất Đỏ diễn ra vào ngày 29 tháng 3 năm 1947, do Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu và Chính ủy Trần Quý Hai trực tiếp tổ chức chỉ huy. Đây là trận thắng đầu tiên của quân dân Thừa Thiên-Huế. Tuy nhỏ, nhưng kết quả trận Đất Đỏ đã xây dựng được niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, là cái mốc chuyển từ lối đanh phòng ngự thụ động, rút chạy… sang lối đánh du kích chủ động tấn công, kết hợp lợi thế địa hình núi rừng Trường Sơn mà tổ tiên ta ngày xưa đã từng biết tận dụng: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”!


-Ngoài trận Đất Đỏ thì những trận đánh vào thời gian này để lại dấu ấn sâu sắ trong cuộc đời binh nghiệp của Chuẩn đô đốc?

-Thu đông năm 1949, để phối hợp với Chiến dịch Lê Lợi trên chiến trường Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Mặt trận Bình Trị Thiên mở Chiến dịch Lê Lai. Bắt đầu chiến dịch, Trung đoàn 95 gồm các tiểu đoàn 227, 302, 310 trên đường cơ động ra Nam Quảng Bình đã liên tục đánh tiêu diệt địch ở các trận Thanh Lê, Dốc Miếu, Bồ Bản. Ngày 25 tháng 12 năm 1949, Trung đoàn 227 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lê Thuyết và Chính trị viên Kinh Kha đã tấn công Thạch Xá Hạ.


Lực lượng Tiểu đoàn 227 gồm ba đại đội: Đại đội 9 do tôi làm đại đội trưởng, Đại đội 117 do anh Trần Văn Trân làm đại đội trưởng, đại đội 120 do anh Hoàng làm đại đội trưởng đã diệt gọn đoàn xe chi viện giải vây cho Vạn Xuân, tiêu diệt và bắt sống 162 tên địch, phá hủy 15 ô tô và xe bọc thép. Viên chỉ huy là Thiếu tá Bruge cũng bị bắt sống. Đây là trận đánh giao thông vây điểm diệt viện đầu tiên trên chiến trường Bình Trị Thiên thu thắng lợi lớn, hiệu suất chiến đấu cao. Cách đánh này đã được binh đoàn chủ lực cơ động trên chiến trường vận dụng làm cơ sở tác chiến.


Gần một năm sau, nhằm kết thúc Chiến dịch Phan Đình Phùng, Bộ Tư lệnh Mặt trận Bình Trị Thiên tổ chức trận đánh đoàn tàu lửa chở vũ khí của địch ở đồi Như Sơn-Mỹ Chánh vào ngày 24 tháng 10 năm 1950 do anh Lê Thuyết chỉ huy chung, Trung đoàn 227 do Tiểu đoàn trưởng Huỳnh Đình Thảo dẫn đầu được phân công trực tiếp tấn công đoàn tàu lửa, với sự phối hợp vây đồn chặn viện của các dv bạn do anh Lê Văn Tri và anh Triệu Huy Hùng chỉ huy. Kết thúc trận đánh, bộ đội thu được toàn bộ vũ khí, trong đó có một khẩu bô-pho do Đại đội 9 chiếm được. Đây là lần đầu tiên bộ đội Bình Trị Thiên thu được pháo địch còn hoàn chỉnh.


-Suốt chín năm chống Pháo, Chuẩn đô đốc chỉ gắn bó với Bình Trị Thiên hay có chiến đấu ở chiến trường khác không?

-Năm 1954, có một thời gian tôi cùng đơn vị được điều ra chiến đấu ở chiến trường Bắc Bộ, địa phận Hà Nam Ninh, để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ. Còn chủ yếu là chiến đấu ở Bình Trị Thiên trong lực lượng chủ lực cơ động trên khắp chiến trường.


-Trong quá trình xây dựng và chiến đấu, theo Chuẩn đô đốc, thời điểm nào đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của các lực lượng vũ trang Bình Trị Thiên?

-Vào tháng 3 năm 1952, Chiến dịch Nam Đông kết thúc. Để giải phóng địa bàn Quảng Trạch giáp giới vùng tự do Liên khu 4, Đại đoàn 325 đã tập trung hai trung đoàn 95 và 18 tiêu diệt các vị trí Sen Bàng, Ba Đồn, Mỹ Hòa, Cửa Phủ, Hang Bò và đánh chặn viện kéo ra Quảng Trạch. Sau khi trung đoàn 95 tiêu diệt Sen Bàng, được giao tiếp tục đánh Ba Đồn. Trung đoàn có hai tiểu đoàn xung lực, trong đó Tiểu đoàn 227 lúc này do tôi làm tiểu đoàn trưởng, đã hoàn toàn làm chủ khu đồn chính của thị trấn Ba Đồn vào đêm 31 tháng 5 năm 1952.


Qua đợt hoạt động chiến đấu này, Đại đoàn 325 chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương đã thu thắng lợi lớn, phá vỡ phòng tuyến kiên cố nhất của địch trên vùng Bắc Quảng Bình, mở rộng hành lang chiến lược bắc nam, tiêu diệt và bắt sống gần một ngàn tên địch, san bằng mười một đồn bót, giải phóng hoàn toàn huyện Quảng Trạch. Từ đó, vùng tự do Liên khu 4 được mở rộng, lực lượng vũ trang và bán vũ trang trưởng thành vượt bậc, góp phần làm cơ sở đưa kháng chiến đến toàn thắng.


-Vì sao từ bộ binh, Chuẩn đô đốc lại chuyển sang hải quân? Chuẩn đô đốc lần lượt đảm trách những nhiệm vụ gì trong quân chủng non trẻ này?

-Sau Hiệp định Genève 1954, tôi được chọn đi học ở Việt Bắc, bổ sung về Sư đoàn 350 tiếp quản và bảo vệ thủ đô Hà Nội. Năm 1956, tôi lại đi học bồi dưỡng văn hóa ở Kiến An, Hải Phòng đến năm 1959 thì về làm việc ở cơ quan tham mưu Cục Hải quân. Năm 1964, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân trên cơ sở Cục Hải quân. Tôi được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Căn cứ 2 Hải quân, phụ trách vùng biển thuộc Khu 4, từ giáp giới Thanh Hóa cho tới giới tuyến 17. Cuối năm 1969, tôi được đề bạt làm tham mưu phó Bộ Tư lệnh Hải quân, ba tháng sau thì lên làm tham mưu trưởng.


Năm 1977, bọn Pol Pot xua quân xâm phạm lãnh thổ và giết hại đồng bào ta ở biên giới Tây Nam, tôi được Bộ Quốc phòng điều vào làm chỉ huy trưởng Vùng 5 duyên hải sát biên giới Campuchia. Sau khi giải phóng nước bạn khỏi ách diệt chủng, tôi được đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, rồi năm 1980 về làm phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, hàm Chuẩn đô đốc tức Thiếu tướng. Cuối năm 1990, bệnh nhồi máu cơ tim phát nặng, tôi được Bộ Quốc phòng đồng ý cho nghỉ dưỡng bệnh.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2008, 05:57:15 am »

-Thưa Chuẩn đô đốc, căn cứ vào đâu mà lấy ngày 7 tháng 5 năm 1955 làm ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam?

-Ngày 7 tháng 5 năm 1955 là ngày thành lập Cục Phòng thủ bờ biển trực thuộc Bộ Quốc phòng-Tổng tư lệnh. Tuy nhiên, ngay từ thời cách mạng còn trong trứng nước, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chiến sĩ quyết định số 125/QĐ ngày 19 tháng 7 năm 1946 “Thành lập trong Quân đội quốc gia một ngành Hải quân Việt Nam”. Đến ngày 10 tháng 8 năm 1950, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã ký quyết định thành lập Đội Thủy binh 71 đặt tại làng Cò phố Giàn thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Tên thường gọi lúc đó là Thủy quân Sông Lô.


-Vậy còn ngày truyền thống 5 tháng 8 năm 1964, thời điểm xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ?

-À, đây là ngày Mỹ phát động chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nước ta, dùng máy bay đánh vào các cảng ven biển, trong đó chủ yếu là nhằm vào lực lượng hải quân. Hải quân ta đã cùng nhân dân miền Bắc đánh trả có hiệu quả: bắn rơi máy bay, bắt giặc lái… Đây là trận thắng có ý nghĩa lớn cả về chính trị lẫn quân sự, cổ vũ mạnh mẽ khí thế quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ của quân và dân ta, có tiếng vang lớn trên thế giới. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp theo dõi trận đánh đã khen ngợi: “Tôi rất tự hào về tinh thần chiến đấu của hải quân ta. Chiến thắng của các đồng chí có nhiều ý nghĩa to lớn…”. Cho nên hải quân lấy ngày 5 tháng 8 năm 1964 làm ngày truyền thống của quần chủng.


-Nghĩa là lịch sử và truyền thống hải quân Việt Nam đã có từ trước, ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, thậm chí có thể kể đến truyền thống xa xưa, từ thời Ngô Quyền phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, từ Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu, Trần Khánh Dư, Nguyễn Huệ cho đến Nguyễn Trung Trực…

-Đúng vậy. Tôi nhớ hoài một sự kiện đặc biệt, là vào ngày 24 tháng 8 năm 1955 sau khi vừa thành lập quần chủng được mấy ngày, đã xây dựng được hai thủy đội canô là Sông Lô và Bạch Đằng, tiến hành duyệt binh lần đầu ngay trên sông Cấm, với sự có mặt của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Phó tổng tham mưu trưởng  Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm Tổng cục Nguyễn Chánh, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mười. Canô 514 chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đại biểu đi trên ba chiếc canô, duyệt đội ngũ các thủy đội. Khu vực sông Cấm nay giáp với cửa Nam Triệu của sông Bạch Đằng, nơi anh hùng Ngô Quyền lập nên chiến tích ngày xưa.


-Theo Chuẩn đô đốc, từ khi chính thức được thành lập đến nay, quân chủng hải quân đã lập nên những kỳ tích tiêu biểu nào?

-Hải quân là một quân chủng được thành lập sớm, đã phục vụ hết sức đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hải quân phụ trách một vùng biển dài trên ba ngàn kilômét, lãnh hải rộng hàng triệu cây số vuông; bảo vệ có hiệu quả vùng biển, hải đảo và bảo đảm cho nhân dân đi lai làm ăn sinh sống an toàn trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng. Đó là một kỳ tích.


Hải quân đã kịp thời hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển, trong lúc đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn phát triển chưa vào tới các tỉnh cực Nam, nhất là những đầu đánh Mỹ. Đã cấp bách vận chuyển người cùng hàng vạn tấn vũ khí, quân trang vào các chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển lực lượng vũ trang, đẩy mạnh tác chiến tập trung, đánh bại chiến tranh đặc biệt Mỹ ngụy, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp thống nhất đất nước.


Hải quân cũng sáng lập nên lực lượng đặc công nước, một binh chủng đặc biệt mà không quốc gia nào có, hiệu quả chiến đấu về tiêu diệt và phá hủy tàu địch không một hạm đội nào của thế giới sánh bằng. Đặc công nước đã góp phần to lớn vào việc giải phóng hệ thống đảo năm 1975, trong đó gồm các đảo Trường Sa.


Ngoài ra, hải quân còn phối hợp với các quân binh chủng và lực lượng trên bờ góp công lớn giúp đỡ cách mạng Campuchia giải phóng đất nước thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot năm 1979.


-Trong lần gặp gỡ gần đây giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với McNamara, cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, người được xem như một trong những kiến trúc sư cho cuộc chiến xâm lược Việt Nam, đã có đề cập tới sự kiện vịnh Bắc Bộ ngày 5 tháng 8 năm 1964. Khi ấy, với tư cách chỉ huy trưởng Căn cứ 2 Hải quân, là nhân chứng sống trực tiếp của sự kiện lịch sử trên. Chuẩn đô đốc còn nhớ gì về diễn biến tình hình lúc ấy?

-Năm 1964, Mỹ đưa quân vào miền Nam, vì muốn ngăn chặn sự tiếp viện từ miền Bắc, nên chúng âm mưu mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân, hải quân của các hạm đội. Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chưa một nước nào dám đụng đến lực lượng hạm đội Mỹ, khi chúng dàng làm lợi khí cho hành động sen đầm quốc tế. Mở đầu Mỹ cho tàu Maddox của Hạm đội 7 ra khống chế uy hiếp xâm phạm vùng biển vịnh Bắc Bộ, cách bờ từ năm đến bảy hải lý. Chúng nghênh ngang vượt vĩ tuyến 17-Quảng Trị ra tận vùng đảo Biển Sơn, Thanh Hóa.


Được sự chuẩn y của Bộ Tổng tham mưu, ngày 2 tháng 8 năm 1964 Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã sử dụng một phân đội tàu phóng lôi đánh đuổi tàu Maddox ra khỏi vùng biển miền Bắc. Hải quân bắn bị thương tàu Maddox, làm hư hỏng một số thiết bị; đồng tờhi bắn rơi một máy bay hộ tống, làm bị thương một chiếc khác. Quân ta có bốn cán bộ chiến sĩ hy sinh, sáu bị thương, hai tàu bị hỏng. Đây là trận đánh đầu tiên của hải quân sau mười năm xây dựng. Trận đánh diễn ra trong tình hình Mỹ đang xúc tiến âm mưu mở rộng chiến tranh trên cả hai miền Nam Bắc, nên kết quả của nó đã cổ vũ mạnh mẽ quyết tâm đánh Mỹ của quân dân cả nước. Sau trận đánh tôi nhớ anh Nguyễn Chí Thanh đã khen ngợi và nói: “Nhân dân ta, quân đội ta dám đánh Mỹ và biết cách đánh Mỹ, bất cứ binh lực nào và từ đâu đến…” và “Bờ biển của ta chứ không phải ao nhà của chúng…”!


Ngày hôm sau, 4 tháng 8 năm 1964, Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, khi loan tin hai tàu khu trục của chúng bị hải quân Bắc Việt tấn công lần thứ hai ngoài hải phận quốc tế! Lấy cớ đó, ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ huy động máy bay hải quân mở cuộc hành quân Pierce Arror (Mũi tên xuyên) đánh phá năm điểm ở miền Bắc: Hòn Gai, Bãi Cháy (thuộc Hồng Quảng), Lạch Trường (Thanh Hóa), Cửa Hội (Vinh-Nghệ An) và cảng Gianh (Quảng Bình). Toàn là các cảng hải quân, trong đó có các điểm thuộc Căn cứ 2 do tôi trực tiếp phụ trách. Cùng phối hợp với các quân binh chủng khác, bộ đội hải quân đã chiến đấu anh dũng, góp phần quan trọng giành thắng lợi trong trận đầu ra quân đối địch với không quân và hải quân Mỹ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2008, 05:59:06 am »

-Chuẩn đô đốc có thể cho biết một trong những chiến công tiêu biểu nhất của hải quân trong kháng chiến chống Mỹ?

-Mỹ đã thả hàng chục vạn tấn bom hong phong tỏa, làm tê liệt vùng biển, hải cảng, sông ngòi… miền Bắc. Thực tế trong quá trinh chiến tranh, giao thông đường thủy có gặp nhiều khó khăn, nhưng ta vẫn có cách khác phục để tàu thuyền tiếp tục đi lại làm ăn. Đến khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom, thì chỉ sau hai mươi bốn giờ cửa Nam Triệu vào cảng Hải Phòng-cửa biển lớn nhất đã thông luồng. Sau bốn mươi tám giờ hầu hết các cửa sông ven biển tàu thuyền đi lại an toàn. Trong khi đó, nhiều nhà quân sự am hiểu về hiệu xuất và thiệt hại của bom từ trường và thủy lôi cho rằng: phải hàng chục hay hai ba chục năm sau tàu thuyền mới có thể đi lại trên các luồng lạch, cửa cảng, bờ biển miền Bắc Việt Nam! Điều này, cả Mỹ cũng bất ngờ…


-Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, hải quân có vai trò ra sao? Nhiệm vụ cụ thể của Chuẩn đô đốc lúc bấy giờ trên cương vị chỉ huy trưởng Vùng 5 Hải quân?

-Chỉ ba ngày sau khi miền Nam được giải phóng, tức ngày 3 tháng 5 năm 1975, bọn Pol Pot-Iêng Sary đã xua quân xâm phạm vùng biển, hải đảo nước ta, mà trước tiên là tấn công đảo Phú Quốc. Ngày 10 tháng 5 chúng lại ngang nhiên nổ súng đánh đảo Thổ Chu, tàn sát bắt bớ trên ba trăm dân. Phía đất liền, vào tháng 4 năm 1977 tập đoàn Pol Pot dùng nhiều sư đoàn vượt biên giới tấn công các tỉnh Tây Nam. Chúng tàn sát một cách dã man hàng ngàn người dân vô tội. Nhiều tàu thuyền, nhà cửa, làng mạc bị tàn phá.


Bên cạnh đó, đứng trước nguy cơ dân tộc Khmer bi diệt chủng. Ngày 2 tháng 12 năm 1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã ra lời kêu gọi trong đó có đoạn: “… Thiết tha kêu gọi nhân dân và Chính phủ các nước… hãy tích cực ủng hộ và giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân chúng tôi”!


Trước tình hình ấy, buộc chúng ta phải đánh trả để tự vệ và giúp cách mạng, nhân dân Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng của tập đoàn phản cách mạng Pol Pot-Iêng Sary. Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, chuẩn bị hiệp đồn quân binh chủng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân quyết định tập trung lực lượng toàn quân chủng chuẩn bị tốt ở hướng Bắc hướng Đông, nhanh chóng kiện toàn các đơn vị phía Nam, để khi chiến đấu là giành thắng lợi.


-Quân chủng hải quân được giao những mục tiêu cụ thể nào? Trình tự diễn tiến cơ bản các trận đánh ra sao?

-Ngày 5 tháng 1 năm 1979, các đơn vị hải quân bước vào chiến đấu đợt hại dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Giáp Văn Cương và Phó tư lệnh Hoàng Hữu Thái. Lực lượng sử dụng gồm: Vùng 5 Hải quân do tôi làm chỉ huy trưởng, anh Nguyễn Văn Lắm làm chỉ huy phó chính trị, Hạm đội 171 do anh Phạm Quang Nho làm chỉ huy trưởng, anh Nguyễn Văn Trọng làm chỉ huy phó chính trị, cùng Lữ đoàn 126, trung đoàn bộ binh phối thuộc của Quân khu 9 và một đơn vị không quân…


Ngày 6 tháng 1 năm 1979, dưới sự chi viện hỏa lực của Vùng 5 và Hạm đội 171, Lữ đoàn 126 đã đổ bộ lên Tà Lơn, chuyển hướng tiến quân về cảng Réam và Kompongsom. Lực lượng Vùng 5 và Hạm đội 171 tiếp tục vận chuyển chi viện hỏa lực cho Trung đoàn 101 (thuộc Vùng 5) đổ bộ lên cảng Réam và Kompongsom, đồng thời tổ chức các hải đội tàu chiến đấu tấn công vào tàu và cảng địch. Đến ngày 10 tháng 1, hải quân hiệp đồng với Quân đoàn 2 bộ binh tiến quân trên đất liền ven biển, đánh chiếm hoàn toàn cảng Réam và Kompongsom. Quân ta đánh chiếm nhiều tàu địch, thu toàn bộ kho tàng, vũ khí, bắt một số tù binh, số còn lại chạy tán loạn lê thị xã Kô Kông giáp biên giới Thái Lan.


Trong thời gian này, một hải đội thuộc Hạm đội 171 cùng Đoàn 962 của Quân khu 9 tiến quân theo đường sông, đã có mặt tại Phnôm Pênh vào ngày 7 tháng 1, yểm trợ hiệu quả cho bộ binh đổ bộ vượt sông giải phóng hoàn toàn thủ đô nước bạn.


-Như vậy Chuẩn đô đốc không trực tiếp tiến vào giải phóng Phnôm Pênh?

-Không, nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục tiêu diệt hải quân và các lực lượng phòng thủ vexn biển của địch co cụm trên các đảo phía Bắc Kô Kông, trước khi tiến vào giải phóng thị xã Kô Kông. Ngày 16 tháng 1, đợt tấn công lần thứ hai bắt đầu. Trong đợt này đã tập trung toàn bộ lực lượng Vùng 5, Hạm đội 171, Lữ đoàn 126, Trung đoàn 66 bộ binh của Quân đoàn 2. Hải quân huy động hơn 120 tàu thuyền chiến đấu, vận tải. Quân chủng Không quân sử dụng các loại máy bay C130, F5, A37 chiến đấu trung bình bốn mươi lần chiếc chiếc mỗi ngày…

Vâng. Đây là trận đánh hợp đồng quân binh chủng qui mô. Từ trên tàu chỉ huy sở Quân chủng Hải quân, theo sự chỉ định của Tư lệnh Giáp Văn Cương, tôi với tư cách là chỉ huy trưởng Vùng 5 được máy bay trực thăng chở đến trực tiếp chỉ huy lực lượng hải quân đổ bộ lên bờ chiến đấu. Mở đầu, không quân và hải quân tập trung hỏa lực tiêu diệt các mục tiêu trọng yếu, dọn bãi đổ bộ quân. Tiếp đến, quân đổ bộ lên bờ chiếm đầu cầu, tiến đánh chiếm các đảo và đỉnh cao 237. Cuối cùng, chia quân phong tỏa truy quét các nơi.


Tuy gặp nhiều khó khăn trước sự chống trả của địch, nhưng sau hai ngày đêm liên tục chiến đấu quân ta đã chiếm thị xã Kô Kông vào ngày 18 tháng 1 năm 1979. Vùng biển, hải đảo Campuchia hoàn toàn giải phóng đến giáp biên giới Thái Lan. Sư đoàn 164 hải quân và Sư đoàn 101 phòng thủ bờ biển của Pol Pot bị xóa sổ. Quân tình nguyện thu giữ toàn bộ vũ khí, tàu thuyền, lương thực thực phẩm… ở các đồn trú; đồng thời tìm kiếm tập trung và hướng dẫn hàng chục ngàn người dân địa phương lánh nạn diệt chủng trở về với gia đình, quê hương. Nhiều người trốn tận rừng sâu. Chúng tôi giúp đưa họ trở về chủ yếu bằng tàu đổ bộ của hải quân.


Kết thúc đợt chiến đầu này, Quân chủng Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế và có bước trưởng thành. Sau đó, hải quân ta còn phải giúp xây dựng lực lượng hải quân Campuchia để bảo vệ vùng biển, hải đảo và tiếp tục tiêu diệt tàn quân diệt chủng Pol Pot-Iêng Sary còn sống sót.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #24 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2008, 06:01:18 am »

-Thưa Chuẩn đô đốc, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Chuẩn đô đốc có nhiều dịp gặp làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh?

-Tôi rất may mắn là thời gian phục vụ ở Sư đoàn 350 tiếp quản bảo vệ thủ đô lẫn khi chuyển sang hải quân đều được gặp Bác. Tháng 9 năm 1969, tôi lại được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cử làm trưởng đoàn đại biểu với hơn một trăm cán bộ chiến sĩ hải quân lên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội tiến bác đi xa.


-Sinh thời, những kỷ niệm nào của lãnh tụ đối với hải quân còn in đậm trong ký ức Chuẩn đô đốc?

-Hồ Chủ tịch đến thăm và dạy bảo cán bộ chiến sĩ Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam nhiều lần. Chẳng hạn, ngày 15 tháng 3 năm 1961 Bác đến thăm Bộ tư lệnh quân chủng ở Hải Phòng. Sau khi nghe Tư lệnh Nguyễn Bá Phát báo cáo tình hình, Bác khen ngợi: “Các chú có nhiều cố gắng thế là tốt. Hiện giờ tàu bè vũ khí của ta chưa nhiều, ta phải từng bước từng bước xây dựng. Trước mắt, ta phải giữ gìn tốt những thứ sẵn có, để có thể đánh địch khi cần thiết”.


Trên đường từ cảng Hải Phòng ra vùng biển Đông Bắc, khi tàu đang đi trên sông Bạch Đằng, Bác xúc động nói: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng hải quân của nhân dân Việt Nam chứ không phải hải quân của thế giới”.


Tàu đưa Bác đến thăm hang Đồ Gỗ, nơi trước đây Trần Hưng Đạo đã cho quân vót cọc cắm dưới lòng sâu Bạch Đằng để diệt giặc Nguyên Mông. Vừa đến nơi, Bác quay sang chúng tôi ân cần bảo: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày có trời có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy”.


Ngày 13 tháng 11 năm 1962, bộ đội hải quân lại được vinh dự đón Bác ở Vạn Hoa trong dịp Đoàn 135 tàu phóng lôi, đơn vị 200 tàu săn ngầm, trung đoàn pháo binh bờ biển… tổ chức luyện tập. Chúng tôi vô cùng xúc động khi Bác đến thăm và được nghe Người kể chuyện Trần Khánh Dư, một danh tướng nhà Trần ở thế kỉ XIII đã dùng mưu đánh chiếm đoàn thuyền lương thực của giặc. Bác căn dặn chiến sĩ hải quân phải ra sức phát huy truyền thống đánh giặc của cha ông: “Là chiến sĩ hải quân, các chú phải biết yêu quí đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu vừa đẹp, vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho đất nước”.


-Chuẩn đô đốc còn nhớ thời điểm Hồ Chủ tịch tự tay lái tàu đưa German Titov, anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô, đi thăm vịnh Hạ Long?

-Nhớ chứ. Đó là thời khắc hết sức đặt biệt, cùng vào năm 1962, mà cán bộ chiến sĩ hải quân chúng tôi luôn nhớ và chiêm ngưỡng. Từng là một thủy thủ dày dạn đi biển, Bác đã chỉ dẫn cho anh em thủy thủ các động tác cập nhật như: quăng dây, buộc, mở lúc tàu rời, cặp bến thế nào cho thật đúng, thật tốt. Đặc biệt, trong chuyến thăm ấy có lần Bác còn đội mũ hải quân, tự tay cầm lái tàu đư German Titov đi thăm thắng cảnh Hạ Long. Lúc tàu đến đảo Cồn Cát, trước vẻ kỳ thúc hiếm có của thiên nhiên, Bác cho tàu dừng lại để chiêm ngưỡng và tắm biển. Titov cũng hết sức thích thú. Sau đó, Bác đề nghị cho đảo này mang tên Titov.
Bác đã vĩnh viễn đi xa nhưng những lời Bác ân cần dạy bảo, hình ảnh Bác trong trang phục hải quân trực tiếp lái tàu đi biển là vô giá, là bất diệt. Nó sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm những người lính Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, vang vọng mãi với non sông đất nước, lưu truyền mãi cho con cháu mai sau.


-Là một cán bộ kỳ cựu của hải quân, trong tâm khảm Chuẩn đô đốc, tài năng những nhà lãnh đạo nào của quân chủng thực sự làm cho Chuẩn đô đốc khâm phục?

-Có nhiều anh, trong đó có các anh Nguyễn Bá Phát, Giáp Văn Cương, Tạ Xuân Thu… đều từng là tư lệnh quân chủng, đã có nhiều công lao trong việc xây dựng và phát triển lực lượng hải quân cũng như quân đội ta.


-Hình như Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát là tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Hải quân?

-Anh Nguyễn Bá Phát nguyên là tham mưu trưởng  Liên khu 5, năm 1955 được Bộ Quốc phòng gọi về Cục Tác chiến phụ trách bộ phận chuyên trách theo dõi vùng biển, sau đó trở thành cục trưởng Cục Phòng thủ bờ biển, rồi tư lệnh Quân chủng Hải quân. Tôi rất kính trọng anh Nguyễn Bá Phát và xem như anh em ruột thịt. Khi xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ, tôi là chỉ huy trưởng Căn cứ 2 Hải quân thuộc Khu 4, từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh, được đón Tư lệnh Nguyễn Bá Phát dẫn đầu đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân vào kiểm tra tình hình Căn cứ 2.


Ngày 5 tháng 8 năm 1964, đang lúc kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tàu thuyền tại bến cảng sông Gianh thì địch bất ngờ tấn công. Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đã cùng chúng tôi trực tiếp chỉ huy bộ đội hải quân đánh địch. Hành động đó của tư lệnh quân chủng đã làm tinh thần cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, tự tin, dũng cảm chiến đấu đạt hiệu suất cao! Không chỉ là một người tốt, mà anh Nguyễn Bá Phát còn được đánh giá là nhà chỉ huy quân sự tài giỏi mưu lược.


-Thưa Chuẩn đô đốc, trong ngành hải quân, phụ nữ hoạt động chủ yếu ở các bộ phận nào?

-Thông tin, rađa là hai bộ phận rất hợp với phụ nữ. Hải quân hoạt động ngoài biển, cần sự theo dõi chặt chẽ tàu thuyền và quản lý vùng biển, nên công tác thông tin, rađa rất quan trọng, đòi hỏi sự kiên nhẫn, chính xác. Mà những đức tính này là ưu thế của chị em. Ngoài ra, ngành hậu cần chị em cũng quán xuyến lắm!


-Bà nhà có cùng hoạt động trong ngành hải quân?

-Không phải hải quân nhưng cũng liên quan đến biển (cười). Bà ấy nguyên là cán bộ nữ công của Tổng cục Đường biển.


-Nhờ vậy mà ông bà đến với nhau?

-Đâu có, tôi gặp bà từ khi còn chiến đấu ở Bình Trị Thiên. Bà ấy là người Nghệ An, gánh đạn vào tiếp tế chiến trường, chúng tôi quen nhau. Đến khi tôi tập kết ra Bắc, mới gặp lại, hứa hẹn làm bạn đời với nhau. Nhưng phải đợi bốn năm sau (1959), khi tôi học ở Trung Quốc trở về thì mới tổ chức đám cưới. Chúng tôi có hai đứa con gái, hiện có thêm hai con rể và bốn cháu ngoại. Con gái và con rể tôi đều làm trong Quân chủng Hải quân. Đã về hưu rồi, nhưng bà nhà tôi vẫn rất “hăng”. Bà lãnh đủ thứ chức, từ tổ dân phố đến cấp ủy và cả cán bộ phường, hội họp tối ngày. Đến nỗi hàng xóm ai cũng lấy làm lạ, sao cái bà này say mê công việc đến thế!


-Chuẩn đô đốc có bực bội không?

-Ồ, sao lại bực? (Cười lớn) Tôi luôn động viên khuyến khích nữa đấy chứ. Mỗi lần bà đi họp, tôi đều chở bà đi, có khi mười một giờ đêm lên phường đón bà về. Nhờ vậy mới có hàng chồng giấy khen là đôi vợ chồng hạnh phúc trên phường tặng cho (lại cười khà khà). Thực tình, tôi nhiều tuổi, thấy bà còn có thể làm được việc gì có ích cho xã hội, cho đồng đội, bà con là tôi mừng, tôi khuyến khích. Bà là một người phụ nữ tốt, đảm việc nhà việc nước, hết lòng thương yêu con cháu.


-Vâng, hình ảnh ông bà thật đúng như hai câu thơ Huy Cận đã viết khi nhà thơ cũng vừa bước vào tuổi tám mươi: “Cây cổ thụ không về hưu với đất-Bậc cao niên không hưu trí với đời”. Đối với việc giáo dục con chá, ông bà chú trọng đến khía cạnh nào?

-Chúng tôi chí nói ít thôi, nhưng may là các con tôi nhanh hiểu được lòng ba mẹ. Tôi từng nói rằng, các con đã khôn lớn, định làm gì thì làm, nhưng trước hết phải gìn giữ truyền thống gia đình, thay thế dần công việc ba mẹ còn để lại, để khi nhắm mắt ba mẹ được yên lòng. Muốn được là người phụ nữ đức hạnh thì trước hết phải hiểu đức hạnh là sự nghiêm trang của người phụ nữ. Luôn nghĩ và làm những việc đúng việc tốt, tránh xa những cái xấu chưa được cải tạo xã hội.


Trong đời thường, ví như muốn ăn mặc đúng thời trang thì phải hiểu rằng, thời trang là biểu hiện đạo đức của con người. Chứ thời trang không phải là ăn mặc hở hang, kiểu cọ diêm dúa. Ông và mình nói “đẹp như tiên” chứ có ao nó “đẹp như người tiền sử” đâu! Hãy nhìn những bức tranh tiên, dù có đang bay trên mây trên gió thì tiên vẫn luôn hết sức dịu dàng, kín đáo. Áo dài, áo tứ thân của phụ nữ ta mặc đàng hoàng cũng là tiên đấy chứ! Trong những cuộc thi thời trang quốc tế, trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam luôn được thế giới ca ngợi và đặt ở vị trí trang trọng, ta phải lấy đó làm tự hào và phát huy. Thời gian gần đây, tôi rất có ấn tượng khi nhìn thấy nhiều chị em mặc áo dài truyền thống trong lúc làm nhiệm vụ trên màn ảnh nhỏ truyền hình và một phần trên các sàn diễn. Họ thật đẹp, đẹp như tiên!


Tâm sự của Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng thật đáng để hậu thế suy nghĩ. Cách sống, cách ăn mặc của mỗi con người là biểu hiện đạo đức thẩm mỹ, mà cũng là một trong những chuẩn mực biểu hiện Tri-bi-xốp thức và bản sắc văn hóa. Lão tướng cùng bao thế hệ đi trước không tiếc tuổi xuân, xương máu chiến đấu cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, cũng chính là chiến đấu vì sự tồn vong của nền văn hóa truyền thống dân tộc trước sự “xâm lược” bành trướng không ngừng của các thế lực văn hóa ngoại bang. Chẳng phải ngẫu nhiên, trong một kỳ họp Quốc hội gần đây, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định: “Nếu để mất bản sắc dân tộc thì sẽ mất tất cả”. Không gì đau khổ bằng một con người không có cội nguồn, không có quê hương và nhất là không có một nhân cách văn hóa riêng mình.


Tân Bình, tháng 8 năm 1999
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #25 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2008, 07:45:01 am »

Trung tướng Lê Tự Đồng

Nói đến chiến trường Trị Thiên là người ta nghĩ ngay đến chiến trường giáp ranh ác liệt, với những trận đụng độ nảy lửa diễn ra thường xuyên thời đánh Mỹ. Từ chiến trường này, nhiều anh lính binh nhất binh nhì đã trở thành tướng lĩnh. Một trong những vị tướng “trụ” lâu nhất ở chiến trường Bình Trị Thiên thời chống Pháp và Trị Thiên thời chống Mỹ là trung tướng Lê Tự Đồng. Trở thành chỉ huy quân sự đầu tiên của thành phố Huế từ Cách mạng tháng Tám, Lê Tự Đồng cũng là người chỉ huy trực tiếp cuối cùng khi kết thúc chiến tranh trên cương vị tư lệnh kiêm chính ủy Quân khu Trị Thiên. Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1974, Trung tướng năm 1982 và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đúng mười lăm năm sau ngày đất nước thống nhất, hoàn thành trọng trách phó giám đốc Học viện Quân sự cao cấp, tướng Lê Tự Đồng liền rời Hà Nội, đưa người vợ thân yêu trở về cố đô, thảnh thơi sống quãng đời còn lại giữa thiên nhiên núi Ngự, sông hương, giữa tình quê hương và đồng đội cùng những kỷ niệm thiêng liêng thời chinh chiến.

-Tôi không được cùng công tác với anh Nguyễn Chí Thanh một thời gian nào cả, nhưng suốt quá trình hoạt động cách mạng tôi gắn bó khá chặt chẽ với anh. Ở trong tôi, Nguyễn Chí Thanh như người anh ruột quí mến, người đồng chí mà tôi gửi trọn niềm tin, người thầy dày dạn kinh nghiệm, người bạn chân tình và cởi mở. Tiếc là anh ra đi quá sớm.


Nhân dịp Trung tướng Lê Tự Đồng vào Thành phố Hồ Chí Minh họp Hội Cựu chiến binh Việt Nam và dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, qua sự giới thiệu của Trung tướng Lê Văn Tri, tôi đã đến nhà khách Bộ Quốc phòng tìm gặp ông. Tướng Lê Tự Đồng mở đầu câu chuyện bằng ký ức về vị tướng đồng hương. Khuôn mặt vốn rất cương nghị của vị tướng ra chiều trầm ngâm. Lúc này tôi mới có dịp nhìn rõ ông hơn: mặt hơi vuông; trán ngang; mắt nhỏ; tóc bạc, sợi lớn như cước, chải ngược.


-Tình cảm của Trung tướng thật sâu nặng. Trung tướng vui lòng cho biết cụ thể vài ấn tượng của mình về Đại tướng được không, thưa Trung tướng?

-Khi kháng chiến toàn quốc bắt đầu, quân Pháp từ Đà Nẵng kéo ra giải vây cho đồng bọn ở Huế. Mặt trận Huế vỡ. Quân ta rút về chiến khu Hòa Mỹ. Một số cán bộ hoang mang dao động. Trong một hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên, anh Nguyễn Chí Thanh đã dõng dạc tuyên bố: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta quyết không để mất dân! Cán bộ, bộ đội về đồng bằng quyết tâm bám đấn, bám dân chiến đấu”. Phương sách ấy có tác dụng mạnh. Quân ta nhanh chóng tiêu diệt hai đồn Hộ Thành và Đất Đỏ trong vòng một tuần cuối tháng 3 năm 1947, gây tiếng vang lớn, củng cố niềm tin, đưa kháng chiến tiến lên một bước mới.


Khi quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam, ban đầu ta còn bỡ ngỡ về cách đánh. Sau khi thị sát chiến trường, anh Thanh đã kết luận: “Cứ đánh đi khắc sẽ có cách đánh tốt”. Từ đó, vành đai diệt Mỹ và phong trào bám thắt lưng Mỹ mà đánh nở rộ khắp nơi. Câu nói này làm tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Napoléon Bonaparte được đưa vào sách kinh điển quân sự: “Hãy cứ xung trận đi rồi sẽ có cách đánh thôi”.


-Chắc Trung tướng đọc được nhiều binh thư.

-Tôi đọc và nghiên cứu nhiều vào thời gian học tại Học viện Quân chính Lenin ở Moskva, cũng như lúc làm chính ủy Trường Sĩ quan lục quân ở Sơn Tây, rồi phó giám đốc Học viện Quân sự cao cấp. Thời học ở Liên Xô tôi thường nói với bạn đồng học từ các nước rằng, mặc dù học được rất nhiều nhưng khi về nước nhất định tôi sẽ chỉ vận dụng những điều phù hợp với thực tế hoàn cảnh Việt Nam. Bởi chiến tranh ở nước ta không thể dựa hoàn toàn vào binh hùng tướng mạnh, vũ khí hiện đại để giành thắng lợi. Chúng ta không có đủ điều kiện như Liên Xô hay các nước châu Âu. Mà chúng ta tiến hành chiến tranh nhân dân, dựa vào sức mạnh nhân dân. Có lần khi nghe tôi nói “du kích Việt Nam đi đánh giặc nhưng ăn cơm nhà, mặc áo vợ” thì một vị tướng nước bạn cứ trố mắt kinh ngạc. Họ cho đó là điều kỳ lạ!


-Về cách dùng binh xưa nay, Trung tướng thích phương pháp của các tướng soái này ở Việt Nam lẫn thế giới?

-Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi có nghệ thuật chiến tranh kiệt xuất. Quang Trung thì đặc biệt ở thần tốc. Còn thế giới thì tôi thích nghệ thuật chỉ huy của Bành Đức Hoài-Trung Quốc, Kutudov-Nga và Clauvik-Đức.


-Thưa Trung tướng, nói thẳng theo kiểu nhà binh, thì ngoài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trung tướng mến mộ tài năng của những tướng lĩnh Việt Nam nào qua hai cuộc kháng chiến?

-Điều này thật khó nói. Nhưng tôi rất quí phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và có lẽ các anh Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Hữu An cũng là những nhà chiến lược nổi bật.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #26 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2008, 07:46:00 am »

-Trở lại bản thân Trung tướng, Trung tướng có thể vui lòng cho biết vài nét “lý lịch trích ngang” của mình…

-Tôi tuổi Mùi, sinh năm 1919 tại làng Kim Long thuộc thành phố Huế, là con thứ ba trong một gia đình có năm anh chị em. Cha tôi là viên chức sở canh nông, bị mất sớm. Mẹ tôi tảo tần làm ruộng, bán buôn nuôi con. Nhưng đến năm 1947 thì mẹ tôi cũng mất. Chúng tôi tự bươn chải mà sống mà học. Anh tôi là Lê Tjư Nhiên sớm hoạt động cách mạng, sau trở thành ủy viên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, rồi ủy viên Thường vụ khu ủy Trị Thiên, đã hy sinh. Tôi vừa học vừa làm thợ may kiếm sống. Chuẩn bị vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Huế, tôi cũng tham gia công tác bí mật vận động thanh niên. Tôi bị địch tống giam ở nhà lao Thừa Phủ, bị kết án năm năm tù khổ sai, sau tăng lên mười năm nữa, tức tổng cộng mười lăm năm, rồi lao đày Buôn Mê Thuật từ năm 1940-1945. Trong đợt chúng tôi bị bắt có anh Lê Chưởng, người được Xứ ủy Trung kỳ giao phụ trách thành phố Huế.


Thời gian ở tù tại Buôn Mê Thuật, tôi được anh Trương Văn Lĩnh truyền đạt những kiến thức cơ bản về quân sự. Anh Lĩnh từng là sĩ quan quân đội Tưởng Giới Thạch khi anh ở Trung Quốc. Chúng tôi được anh dạy cả lý thuyết lẫn thực hành, đặc biệt chú ý tới đội hình chiến thuật,cách giàn đội hình, các động tác tiến thoái trong phạm vi một tiểu đội. Tôi được chỉ định làm tiểu đội trưởng. Nhà tù trở thành huấn luyện quân sự. Cách mạng tháng Tám thành công, tôi là ủy viên Quốc phòng Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Thừa Thiên-Huế.


-Theo Trung tướng, tình hình ở Huế có gì đặc biệt so với các nơi khác trong Tổng khởi nghĩa?

-Huế là kinh đố nhà Nguyễn và là nơi đặt cơ quan Trung ương Chính phủ thân Nhật bù nhìn Trần Trọng Kim. Quân Pháp đã chạy. Nhưng Nhật vẫn còn 4.500 quân, sẵn sàng bảo vệ nội các Trần Trọng Kim làm thủ tướng do Nhật dựng lên cùng ông vua bù nhìn Bảo Đại. Trong khi quân ta súng ống chẳng có chi. Nên chủ yếu dựa vào sức mạnh quần chúng để cướp chính quyền. Anh Hoàng Anh được cử đi tiếp xúc với các bộ trưởng của Chính phủ Trần Trọng Kim, làm công tác “ngụy quyền vận”. Còn tôi phụ trách “binh vận”.


Nhờ anh Tôn Quang Phiệt, một trí thức yêu nước có uy tín, tôi móc nối với Phan Tử Lăng-chỉ huy trưởng Bảo an Trung Kỳ của Chính phủ Trần Trọng Kim. Tôi cử người vào các đồn bảo an vận động binh lính. (Một thời gian sau khi theo ta, anh Phan Tử Lăng được trọng dụng làm phó tư lệnh quân sự Trung Bộ). Chúng tôi cũng đặt cơ sở và “cách mạng hóa” anh em học viên Trường Thanh niên tiền tuyến. Bề ngoài là trường của chính phủ Trần Trọng Kim. Nhưng thực chất bên trong ta đã nắm hết. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của anh Phan Tử Lăng, sinh viên võ bị thanh niền tiền tuyến đã góp công đáng kể vào việc giành chính quyền tại thành phố Huế. Nhiều người ở trường này đã trở thành tướng lĩnh mà tôi vừa gặp trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày mất anh Nguyễn Chí Thanh, như: Pham Hàm, Phan Hạ, Đoàn Huyên, Võ Quang Hồ, Mai Xuân Tấn…
Đồng thời lúc đó, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, nhiều sĩ quan Nhật là đảng viên Cộng sản đã tìm gặp cách mạng. Qua họ, chúng tôi nắm được tình hình quân Nhật và khuyên họ ở đâu nằm yên ở đó, không nên can thiệp bất cứ vấn đề chi. Phía triều đình Huế, do ông Phạm Khắc Hòe làm liên lạc, chúng tôi cũng đã thuyết phuc vua Bảo Đại thoái vị. Nghĩa là Huế đã hội đủ điều kiện để giành lấy chính quyền, chỉ còn chờ sự chỉ đạo của Trung ương.


-Được biết, sau khi ông Tố Hữu mang chỉ thị khởi nghĩa của Trung ương về Huế truyền đạt, Ủy ban khởi nghĩa đã được thành lập mà Trung tướng là một thành viên, rồi sau đó, Trung tướng cũng được bầu vào Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời. Xin Trung tướng cho biết vài nét tình hình cố đo lúc đó, nhất là thành phần cơ cấu chính quyền non trẻ để lãnh đạo một nơi vốn có nhiều trí thức, quan lại…

-Tôi nhớ khi vừa về, anh Tố Hữu xé chiếc áo đang mặc, lấy ra tờ chỉ thị cuộn tròn như con sâu kèn. Chúng tôi như nắng hạn gặp mưa rào. Ngay tức khắc, Ủy ban Khởi nghĩa được thành lập do Tố Hữu làm chủ tịch với các ủy viên: tôi, anh Hoàng Anh, anh Lê Khánh Khang và một anh nữa. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức một cuộc biểu tình lớn ăn mừng việc Nhật trao trả Nam Kỳ cho triều đình Huế, do Bộ trưởng thanh niên Phan Anh đứng ra đề xướng và tổ chức. “Tương kế tựu kế”, chúng tôi quyết định lợi dụng thời điểm này tiến hành khởi nghĩa vào lúc 12 giờ trưa, biến hàng vạn quần chúng do chính phủ bù nhin huy động biểu tình thành lực lượng cách mạng hùng hậu tham gia cướp chính quyền.


Trước khởi nghĩa, vấn đề nhân sự của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được bàn bạc, cân nhắc rất kỹ, chúng tôi đề cử cụ Hồ Tùng Mậu và anh Nguyễn Duy Trinh, hai người có trình độ kiến thức, tuổi tác vừa phải lại là những chính trị phạm mới được tự do. Tuy nhiên, viện cớ không phải người địa phương, cả hai đều từ chối. Chúng tôi lại đề cử anh Tố Hữu. Anh liền chối: “Không được, mình là một anh học trò nghèo lại còn non choẹt thế này thì làm sao được. Làm bí thư thì được chứ làm Chủ tịch thì tôi xin chịu”. Cuối cùng, chúng tôi mời anh Tôn Quang Phiệt làm chủ tịch. Là một nhà trí thức từng đứng ra thành lập Hội tân Việt Nam thân Nhật, nhưng sau đó nhận ra sai lầm, Tôn Quang Phiệt đã giải tán tổ chức này và cộng tác và giúp đỡ chân thành, tích cực anh em Việt Minh chúng tôi. Ngoài Chủ tịch Tôn Quang Phiệt, Ủy ban còn có Phó chủ tịch Hoàng Anh, Ủy viên Nội vụ Trần Thanh Chữ, Ủy viên Quốc phòng Lê Tự Đồng. Kể từ đó, tôi trở thành một quân nhân thực sự.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #27 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2008, 07:47:27 am »

-Nghe nói sau Cách mạng tháng Tám, Trung tướng được giao nhiệm vụ tổ chức đưa Hoàng thân Suphanuvong từ Huế về nước…

-Vâng, chủ tịch Ủy ban nhân dân Trung Bộ bấy giờ là anh Trần Hữu Dục, một hôm gọi tôi lên Trung Bộ phủ, giới thiệu: “Đây là ngài Hoàng thân Suphanuvong”. Tôi cúi đầu chào. Hoàng thân vui vẻ bắt tay tôi. “Ngài Hoàng thân phải về nước gấp. Nhờ anh tổ chức một trung đội bảo vệ và hộ tống ngài”. Nhận chỉ thị của anh Dực, tôi liền quay về bàn với anh em tổ chức ngay một đơn vị bảo vệ với trang bị vũ khí gọn nhẹ, chờ lệnh. Trước khi lên đường, Hoàng thân đã đến bắt tay cảm ơn tôi. Một thời gian sau, qua đài phát thanh, tôi được biết Hoàng thân Suphanuvong được bầu làm chủ tịch Mặt trận Pathet Lào.


-Theo cảm quan của Trung tướng, Hoàng thân là một con người thế nào?

-Cởi mở, giản dị và cũng rất chân thành, phóng khoáng. Hoàng thân là trung tâm đoàn kết của các bộ tộc Lào anh em. Tôi nhớ sau khi đi dự hội nghị tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ trở về, trời đang mùa mưa lũ, tôi cùng anh Lê Nam Thắng đi trên một chiếc xe Jeep đến Nho Quang-Ninh Bình thì phải xuống đẩy xe vì nước ngập gần hết bánh xe. Trên người chỉ còn độc cái quần đùi. Chợt phía sau có một chiếc “com-măng-ca” chạy tới. Đây là loại xe Gát 69 do Liên Xô viện trợ đợt đầu tiên, mà chỉ cán bộ “cỡ bự” mới được dùng. Mưa càng nặng hột. Nước càng dâng cao. Được một đoạn, cửa chiếc xe mở toang. Từ trên xe một người to béo, cũng trần trùng trục như chúng tôi nhảy xuống. Té ra đó là Hoàng thân Suphanuvong! Chúng tôi ôm nhau cười và tiếp tục cùng đẩy xe… Tôi và anh Nam Thắng thầm bảo rằng “Hoàng thân cũng giản dị thật! Có lẽ thời gian sống bên Hồ Chủ tịch, ngài Hoàng thân đã tiếp thu được phong cách của Người”.


-Ngoài trường hợp Phan Tử Lăng cùng một số binh lính thân Nhật mà trên đây Trung tướng đã nói tới, còn có nhiều sĩ quan và binh lính trong quân đội Pháp đã đi theo cách mạng…

-… trong số đó có nhiều người trở thành cán bộ quân sự trung cao cấp (ông cắt ngang và tiếp lời tôi. Hùng Sơn là một ví dụ. Anh tên thật là Trần Tiễn Hải, nguyên sĩ quan quân đội Pháp, sau khi Nhật đảo chánh, đã chạy sang Trung Quốc. Cách mạng tháng Tám thành công, anh rời hàng ngũ địch, về nhà gần thành phố Huế. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp thuyết phục, mời anh ra cộng tác. Hùng Sơn được cử làm Tham mưu trưởng Liên khu 4, sau đó làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 77 Thanh Hóa. Đầu năm 1948, mãn khóa học ở Trường Quân chính liên khu, tôi được phân công về làm chính ủy Trung đoàn 77, cùng với Hùng Sơn.


-Thưa Trung tướng, từ Huế Trung tướng bắt đầu sự nghiệp oai hùng của mình. Vậy ngoài Huế ra, Trung tướng còn trải qua những đâu trong đời binh nghiệp?

-Chủ yếu vẫn là Bình Trị Thiên-Huế. Khi Khu 4 được thành lập, anh Lê Thiết Hùng rồi anh Nguyễn Sơn thay nhau làm khu trưởng, anh Trần Văn Quang là chính ủy, tôi được giao nhiệm vụ đặc phái viên quân sự ở Huế. Ra chiến khu Hòa Mỹ, tôi làm chính ủy Trung đoàn 101, phó chính ủy Đại đoàn 325, chính ủy Đại đoàn 316. Tập kết ra miền Bắc, tôi được cử sang Liên Xô học ở Học viện Quân chính Lenin từ năm 1956-1961. Cùng học có các anh: Đặng Vũ Hiệp, Vũ Chí Đạo… Về nước, tôi làm chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây cho đến cuối năm 1968 thì vượt sông Bến Hải vào chiến trường Trị Thiên. Năm 1973, sau Chiến dịch Quảng Trị, tôi nhận nhiệm vụ tư lệnh kiêm chính ủy Quân khu Trị Thiên, rồi kiếm bí thư Khu ủy. Miền Nam giải phóng, tôi được điều ra Quân khu 4 làm tư lệnh kiêm chính ủy quân khu. Đế năm 1977 thì ra Hà Nội làm phó giám đốc Học viện Quân sự cấp cao cho tới khi về hưu năm 1990. Cuộc đời tôi hoặc là ở chiến trường hoặc là ở nhà trường.


-Thời ở chiến khu, những lúc rảnh rỗi Trung tướng thường thư giãn bằng cách nào?

-Đọc sách, chơi bóng bàn hoặc chăm sóc phong lan. Bây giờ vườn nhà tôi ở Huế, hoa phong lan cũng phong phú lắm.


-Trong đời cầm quân, có khi nào Trung tướng gặp thất bại không?

-Đánh nhau, thắng bại là lẽ thường. Nhất là trong buổi đầu cầm, quân ta chưa có kinh nghiệm, trình độ tác chiến, vũ khí chưa được trang bị mấy.


-Trung tướng có thể cho biết một ví dụ cụ thể được không?

-Mùa xuân 1950, thực hiện chủ trương của cấp trên, hai trung đoàn 95 và 101 vào hoạt động ở vùng sâu Quảng Điền. Để chỉ huy thống nhất cả hai đơn vị, Bộ chỉ huy Phân khu Bình Trị Thiên chỉ định anh Lê Bá Vận làm chỉ huy trưởng, tôi làm chính ủy. Tháng 9 năm 1950, quân ta mở Chiến dịch Biên giới. Chúng tôi được lệnh tích cức phối hợp với chiến trường chính, giữa lúc trời đang mưa lũ. Hồi ấy đường xe lửa Đà Nẵng-Huế bị đánh liên tục, còn đoạn Huế-Quảng Trị thì địch chưa bị ta chặn đánh bao giờ. Vì vậy, chúng tôi đã bất ngờ phục kích đoàn tàu quân sự của Pháp tại Như Sơn-Bến Đá và giành thắng lợi lớn: đốt các toa tàu, thu toàn bộ vũ khí, đặc biệt trong đó có khẩu bô-pho 40 ly với trên 3.000 viên đạn. Chúng tôi mừng như bắt được vàng!


Sau đó, Trung đoàn trưởng 101 được giao nhiệm vụ vừa chủ động tác chiến bảo vệ mùa màng, vừa phối hợp với chiến dịch Trung Du ở chiến trường chính. Cụ thể là “công đồn diệt viện” nhằm phá vỡ một mảng trong hệ thống đồn bót địch, đẩy mạnh phong trào kháng chiến lán sát vào thành phố Huế. Diệt viện thì không lo, nhưng công đồn thì quá mới mẻ. Kinh nghiệm thực tế chưa có. Vũ khí mạnh duy nhất chỉ có khẩu bô-pho lấy được trong trạn Như Sơn-Bến Đá. Tuy vậy chúng tôi vẫn hăm hở đi nghiên cứu thực địa, quyết định diệt đồn Phổ Lại vào đêm ba mươi Tết Nguyên đán. Lệnh cho bộ đội hành quân đến mục tiêu, bố trí xong các mũi tiến công, tôi kiểm tra lai khẩu bô-pho. Do lúc tháo gỡ trên lô cốt thép quá vội vã, khẩu súng không còn máy ngắm, giờ đành phải ngắm qua nòng. Thấy ngọn đèn le lói trong lô cốt địch, chúng tôi nghĩ chắc ăn rồi. Tôi ra lệnh phát hỏa. Khẩu bô-pho gầm lên. Một phát. Hai phát. Lô cốt vẫn sừng sững, đạn bên trong lại vãi ra như mưa. Bô-pho gầm lần thứ ba. Đạn cũng bay đâu mất! Từ trong lô cốt và các đồn bót gần đó, địch cứ nhắm vào hướng có tiếng súng bô-pho mà vãi đạn. Bộ đội lúng túng. Tôi nghĩ không xong, liền ra lệnh rút lui…


Trời không trăng, không sao. Mưa phùn lạnh thấu xương. Bụng đói. Tôi và anh Lê Văn Tri-trung đoàn phó Trung đoàn 101 cùng bước bên nhau, mặt mày buồn thiu. Anh Tri bất thần bị tụt xuống vũng lầy. Càng cựa quậy anh càng bị tụt sâu hơn. Rất nguy. Chẳng biết làm sao, tôi liền nằm sấp bám vào bờ ruộng, kéo từ từ anh lên (cười)!
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #28 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2008, 07:48:45 am »

-Thời đánh Mỹ, Trung tướng là một trong những chỉ huy chủ chốt của chiến trường Trị Thiên (B5), chiến trường giáp ranh hết sức ác liệt. Trong chiến dịch đường 9-Nam Lào, lực lượng B5 giữ một vai trò quan trọng? Trung tướng còn nhớ gì về diễn biến chiến dịch này?

-Đông xuân 1970-71, theo phán đoán của ta, địch có thể hoạt động trên hai hướng. Một là, chúng tấn công đường 9, cắt đứt đường chi viện miền Nam, cô lập Trung-Hạ Lào và Campuchia. Hai là chúng sẽ đánh ra phía Nam Quân khu 4. Để khỏi bị động, chúng tôi đã lập ba phương án tác chiến khác nhau. Và ngày 30 tháng 1 năm 1971, trực thăng địch liên tục bay về hướng tây. Thế là đúng với phương án một, tức nếu địch đánh ra đường 9 nhằm cắt đôi Đông Dương ta nhất thiết phải sử dụng bộ đội chủ lực Bộ với sự phối hợp của B5. Bộ tư lệnh Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (Mặt trận 702) do anh Lê Trọng Tấn làm tư lệnh, anh Lê Quang Đạo làm chính ủy, đã tổ chức một cuộc họp. Tôi được mời tham dự. Nhiệm vụ B5 là phối hợp với hướng chính diện, tiêu diệt quân Mỹ trên đường Đông Hà-Khe Sanh và cắt đường không cho chúng rút lui. Mỹ có mười ba tiểu đoàn bộ binh và tám tiểu đoàn bộ binh cơ giới, bố trí thành ba tuyến dọc đường 9, đại bộ phận đóng ở Khe Sanh. Vì đánh sang đất Lào, nên quân Mỹ không dám vượt qua biên giới, mà chỉ đứng phía sau yểm trợ quân ngụy. Lực lượng quân ngụy huy động rất hùng hậu: ba sư đoàn (một sư đoàn dù, một sư đoàn thủy quân lục chiến và sư đoàn 1 bộ binh mà chúng xem là “sư anh cả”) cùng ba lữ đoàn bộ binh, sáu thiết đoàn, mười lăm tiểu đoàn pháo bộ binh, trên một ngàn máy bay các loại, trong đó có bốn mươi máy bay B.52…


-Lực lượng B5 do Trung tướng chỉ huy đã tác chiến như thế nào?

-Giữa lúc hướng chính chủ lực Bộ đánh địch ở Bản Đông, thì B5 tấn công quân Mỹ ở Sa Mưu-Tân Lâm-Khe Sanh, rồi tung đơn vị dự bị đánh ngang sườn địch khi chúng rút chạy khỏi Bản Đông. B5 đã tiêu diệt gần 2.000 tên địch, nhưng nhiệm vụ cắt đường rút lui của chúng thì không đạt. Địch dùng hình thức luồn rừng để thoát thân. Hơn nữa, chúng tôi cũng không thể làm chủ đường 9 được thường xuyên.


-Trên phương diện toàn bộ chiến dịch thì sao?

-Ngoài số bị diệt, ta bắt sống hàng ngàn tên, có cả Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến. Gần sáu trăm máy bay bị bắn hạ và hỏng hóc nặng. Hơn bốn mươi tàu chiến và xà lan bị đánh chìm. Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào là thất bại nặng nề nhất của địch trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Đồng thời, nó cũng cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương về dự kiến tình hình chính xác, chuẩn bị triển khai lực lượng chu đáo, kịp thời.


-Vậy còn chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè 1972 mà quân đội Sài Gòn gọi là “mùa hè đỏ lửa”? Trung tướng đánh giá thế nào về thắng lợi cũng như tổn thất trong chiến dịch này?

-Thắng lợi Chiến dịch Đường 9-Nam Lào đã mở ra khả năng thực tế đánh bại hoàn toàn âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Nhận định lực lượng cách mạng ba nước Đông Dương ngày một lớn mạnh, diễn biến tình hình trong đó có lợi cho ta, Trung ương đề ra nhiệm vụ tập trung triển khai cuộc tấn công chiến lược năm 1972. Mục tiêu làm tiêu hao phần lớn sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới. Đối với B5 thì mục tiêu lớn nhất: nếu điều kiện cho phép, sẽ giải phóng toàn bộ Trị Thiên-Huế. Quân ủy Trung ương thành lập một Bộ tư lệnh chiến dịch đủ mạnh, do anh Lê Trọng Tấn làm tư lệnh, anh Lê Quang Đạo-chính ủy, anh Cao Văn Khánh-phó tư lệnh và tôi-phó chính ủy. Tôi cùng anh Giáp Văn Cương được phân công trực tiếp chỉ huy cánh Nam.


11 giờ 30 ngày 30 tháng 3 năm 1972 tiếng súng chiến dịch bắt đầu. Đến ngày 4 tháng 4 năm 1972, mọi đồn bót thuộc hệ thống phòng ngự từ đông sang tây mà địch xây dựng trên 20 năm đã bị đập nát. Địch thua đau, co cụm cố thủ ở Đông Hà, Ái Tử. Ngày 27 tháng 4 năm 1972, quân ta mở đợt tấn công thứ hai tiêu diệt Đông Hà, Ái Tử. Cánh Nam đánh xuống cắt đường số 1. Cánh Đông cho cơ giới vượt sông Cửa Việt đánh vào. Ngày 2 tháng 5 năm 1972, Quảng Trị giải phóng. Địch chạy sang phía Nam cầu Mỹ Chánh, phá sập cầu, cố thủ. Quân ta cũng thấm mệt, tạm dừng. Cánh Nam trở thành tiền phương của Bộ tư lệnh chiến dịch. Đợt tấn công thứ ba bắt đầu ngày 20 tháng 6 năm 1972. Lúc này địch phản công quyết liệt. Sức tấn công của ta lại không đủ mạnh. Sau sáu ngày, cuộc tấn công phải chững lại.


-Vì sao khoảng cách giữa đợt tấn công thứ hai với thứ ba lâu như vậy?

-Nó có mấy vấn đề cơ bản như sau. Khó nhất là vượt sông bằng cơ giới. Khi đánh du kích thì tất cả đều trên vai chiến sĩ, giờ đánh lớn nếu không có xe chở vũ khí, lương thực thì đừng hòng đánh chác gì. Cái khó thứ hai là đường sá cho cơ giới. Đường không có thì xẻ đường bạt núi mà đi, chứ còn sông thì không thể qua được nếu không có cầu, phà. Bắc cầu phao, bị máy bay bắn hỏng. Do đó phải tìm bến vượt, đắp ngầm cho xe sang. Năm ấy gặp lúc “tiểu mãn”, mưa như thác đổ, nước sông dâng cao lênh láng. Con đường 15 N mở sau giải phóng Quảng Trị, chủ yếu dựa vào lòng khe suối, đã bị nước tràn, tắc nghẽn. Trong lúc đó, quân trang quân dụng chuẩn bị chỉ nhỏ giọt. Bộ đội đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. Lợi dụng thời gian, địch ra sức củng cố lực lượng để đối phó, đặc biệt chúng dùng phi pháo để ngăn chặn, gây khó khăn cho ta. Tôi nghĩ, sau khi giải phóng Quảng Trị khoảng sáu đến mười ngày mà không tiếp tục tấn công, thì thời cơ đã mất. Nếu như thấy mở đợt tấn công vào sâu chưa thể được, thì chuyển hẳn sang chiếm lĩnh địa bàn, bố trí lại lực lượng, xây dựng công sự,… tạo thế đứng vững chắc. Sau đó, mới chuẩn bị đợt tấn công mới, cũng không muộn. Nhưng tiếc là ta đã không làm thế!


-Quân giải phóng chiếm giữ thành cổ Quảng Trị được bao lâu?

-Tám mươi mốt ngày đêm. Ngày 28 tháng 6 năm 1972, địch mở cuộc phản công bằng hai sư đoàn cơ động Lao Cai. Sư dù tiến ra theo phía tây đường 1. Sư đoàn thủy quân lục chiến tiến dọc phía đông. Chủ yếu chúng dùng bom, pháo đánh mạnh vào các trận địa của ta. Theo số liệu thống kê, mỗi ngày chúng dội vào đây 24 tấn bom đạn trên một cây số vuông. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, trước khi chúng tôi rời thành cổ Quảng Trị lùi về phía bắc sông Thạch Hãn. Tuy nhiên, phần lớn đất đai được giải phóng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân ta.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #29 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2008, 07:51:02 am »

-Nghe nói trong cuộc giằng co ác liệt này, Trung tướng cùng Sở chỉ huy suýt nữa bị trúng bom B.52, có đúng không, thưa Trung tướng?

-Đúng. Có một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi và viên phi công nhảy dù ngay trong khu vực sở chỉ huy chúng tôi. Máy bay địch quần đảo, lùng sục hòng cứu viên phi công bị bắt. Đặc biệt, máy bay trực thăng rà lượn khắp nơi. Lán trại chúng tôi ẩn dưới các lùm cây tung bay như gặp bão. Bị lộ, chúng tôi tức tốc di chuyển nơi khác. Đi ban chiều thì B52 dội bom ngay tối hôm đó. Tôi không bao giờ tin vào sự may rủi, nhưng điều ngẫu nhiên này làm tôi phải suy nghĩ. Rõ ràng, nếu nấn ná vài tiếng đồng hồ nữa thôi thì cả sở chỉ huy đã bị bom B52 cày nát. Chúng tôi bảo nhau: “Thế nào Mỹ cũng khoe khoang rùm beng vừa phá nát một sở chỉ huy Việt Cộng”.


-Năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị, Trung tướng có tiếp xúc với Fidel?

-Có. Lúc đó, cơ quan chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng tại Quảng Trị. Ủy ban Quốc tế giám sát bốn bên và các đoàn ngoại giao cũng đến đây. Chủ tịch Fidel dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Cuba đến thăm Quảng Trị đầu tiên. Chúng tôi ra đón tại Vĩnh Linh. Tôi nhớ mãi hình ảnh Fidel đạp chân lên khẩu đại bác 175 ly nằm bên vệ đường, cười nói với tôi: “Vua chiến trường” mà còn bị các đồng chí bắt sống, thì địch còn biết lấy vua gì nữa để mà chống đỡ các đòn tấn công sắp tới!”. Anh Trần Nam Trung đại diện chính phủ Cách mạng lâm thời tặng Chủ tịch Fidel một chiếc xe M48. Tôi đại diện Quân khu Trị Thiên tặng một khẩu 106,7 ly. Sau đoàn Cuba là đoàn Đảng cộng sản Pháp do Tổng bí thứ Marse dẫn đầu đã đến thăm Quảng Trị giải phóng.


-Thưa Trung tướng, lần đầu Trung tướng được gặp Hồ Chủ tịch vào lúc nào? Ấn tượng nào của Người đã để lại trong lòng Trung tướng?

-Năm 1948, sau một thời gian làm chính ủy Trung đoàn 77, tôi được cử tham gia Đoàn đại biểu Liên khu 4 được đưa đi gặp Hồ Chủ tịch. Trước đó khi nghe được tin, chúng tôi hồi hộp lắm, sung sướng lắm, đứng ngồi không yên! Lần theo một con đường rừng, chúng tôi đến một cái vườn rộng, thấy một ngôi ngà sàn có ánh đèn. Bác ngồi đợi sẵn. Đập vào mắt tôi trước tiên là hình ảnh một cụ già quắc thước, mắt long lanh, trán cao, chòm râu dài lưa thưa; trong bộ quần áo nâu giản dị, không cài cúc, để lộ chiếc may ô cũ đã ngã sang màu vang đục. Bác vui vẻ bắt tay từng người, rồi bảo: “Còn chú nào chưa bắt tay thì đến, kẻo bác quên!”. Giọng nói của Bác không trầm, không thanh và vang xa, nghe rất ấm. Đề cập đến việc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào nước ta, cuối buổi gặp gỡ Bác nói: “Một thằng Mỹ chứ mười thằng Mỹ cũng đánh. Phải đánh và phải thắng”… Rồi Bác quay sang Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ngày mai lên hội trường chú phải giải thích việc này cho mọi người rõ, kẻo có người còn lơ mơ”. Gần bốn mươi năm trôi qua, những lời đanh thép ấy của bác vẫn luôn văng vẳng bên tai tôi. Nhất là những lần xung trận, hình ảnh và lời dặn của Bác như một niềm thôi thúc tiến lên mạnh mẽ!


-Với kinh nghiệm ba mươi năm dày dạn trên chiến trường, theo Trung tướng, điều cốt yếu của tướng cầm quân khi ra trận là gì?

-Điều cốt yếu của tướng cầm quân là trận đầu phải thắng. Đó là tiền đề nâng cao tinh thần chiến sĩ, sớm hoàn thành những nhiệm vụ tiếp theo. Tôi lấy ví dụ, trong Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, với trận đầu Buôn Mê Thuật thắng lợi, dẫn đến giải phóng “nóc nhà” Tây Nguyên, tạo bàn đạp thuận lợi cho toàn chiến trường miền Nam. Quân địch suy sụp nhanh chóng. Quân ta càng đánh càng mạnh.


-Đại tướng Văn Tiến Dũng từng nói rằng việc giải phóng thành phố Huế và toàn bộ Trị Thiên đã “giáng một đòn nặng vào âm mưu co cụm chiến lược của địch”. Là vị chỉ huy trực tiếp giành thắng lợi này, xin Trung tướng cho biết rõ hơn?

-Tiến trình gồm hai giai đoạn. Thứ nhất là khi mặt trận Tân Nguyên mở màn thì Trị Thiên cũng bắt đầu nổ súng phối hợp cả ở vùng giáp ranh lẫn đồng bằng. Chúng tôi mượn đường của dân sự để bí mật chuyển quân từ trên núi xuống. Và 11 phân chi khu của địch bị diệt gọn trong số 30 phân chi khu bị tiến công. Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 18 tháng 3 năm 1975. Ta phán đoán địch sẽ đưa Sư đoàn 1 từ Huế vào Đà Nẵng tổ chức phòng thủ từ đèo Hải Vân trở vào. Lúc này, Quân đoàn 2 do anh Nguyễn Hữu An làm tư lệnh, anh Hoàng Đan làm phó tư lệnh, anh Lê Linh làm chính ủy và anh Giáp Văn Cương-phó tổng tham mưu trưởng được Quân ủy Trung ương biệt phái vào trợ giúp quân đoàn,đã phối hợp với Quân khu Trị Thiên. Tôi bàn và thống nhất với anh Nguyễn Hữu An là phải táo bạo thọc qua tuyến phòng thủ bên ngoài của địch, áp sát Huế, cắt đứng đường số 1, tiêu diệt Sư đoàn 1 bộ binh để chúng không kéo được về Đà Nẵng thực hiện ý đồ co cụm phòng thủ chiến lược.


Trên Đài phát thanh Huế, tướng ngụy Ngô Quảng Trưởng, tư lệnh Quân khu 1, không ngừng lớn tiếng tuyên bố: “Tôi sẽ chết trên đường phố Huế. Việt Cộng phải bước qua xác tôi mới vô được cố đô này”. Ngày 19 tháng 3 tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Ngày 22 tháng 3, chúng tôi chia cắt chiến tranh tại phía nam Huế, các cánh quân của ta từ ba hướng bắc, tây và nam bao vây Huế. Sư đoàn 1 bộ binh và Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến ngụy bị đánh tan tác. Đường số 1 bị đứt ở Mũi Né-Bái Sơn. Quân địch thực sự bắt đầu hỗn loạn. Nhiều vị trí không đánh đã bỏ chạy. Anh Nguyễn Hữu An gọi điện cho tôi trao đổi rằng, sẽ có bộ đội chia làm hai cánh tấn công Huế và cửa Thuận An, bao vây không cho địch thoát chạy bằng đường biển và lừa chúng vào giữa vòng vây của ta mà tiêu diệt. Anh còn đề nghị tôi cho lực lượng xuống từ phía tây Huế để hợp vây giải phóng Huế. Ý định của anh hoàn toàn ăn khớp với tối!


Địch bị cắt đường số 1 chỉ còn lối thoát duy nhất là rút chạy bằng cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Chúng tôi nắm rõ ý đồ đó, liền cho pháo tầm xa bắn ra biển, khống chế tàu địch vào đón đoàn quân rút chạy. Đặc công thả mìn phong tỏa cửa biển. Bọn ngụy chỉ còn cách quay lưng cố đạp lên nhau thoát thân mà thôi. Đúng 10 giờ 20 ngày 25 tháng 3, cờ quân giải phóng được kéo lên trước Ngọ Môn. Huế hoàn toàn thuộc về ta. Sư đoàn 1 bộ binh ngụy từng được ca ngợi là sư đoàn thiện chiến bị nhanh chóng tan rã. Huế giải phóng, tướng ngụy Ngô Quảng Trưởng chuồn thẳng vào Sài Gòn giả bệnh vào quân y viện. Tinh thần quân địch hoang mang cực độ. Mấy ngày sau thì Đà Nẵng cũng thuộc về ta. Nghĩa là chỉ trong một thời gian ngắn, hai thành phố chiến lược quan trọng đã được quân ta đánh chiếm một cách thần tốc, táo bạo, bất ngờ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM