Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:46:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam  (Đọc 81763 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2008, 07:53:23 am »

-Trung tướng có cảm xúc gì khi đặt chân lên thành phố Huế?

-Như một giấc mơ. Một giấc mơ ba mươi năm trời đằng đẵng, mà trong tâm trí tôi lúc nào cũng nghĩ về quê hương, về Huế thân yêu! Khoảng 9 giờ đêm 26 tháng 3 năm 1975, sau khi chia tay với Bộ tư lệnh Quân đoàn 2, xe chúng tôi chạy về Huế. Cảnh vật hai bên đường đã bình yên trở lại. Nhân dân đã yên giấc ngủ. Xe tới cầu An Cựu, tôi thật vui mừng khi thấy đèn điện vẫn sáng. Chúng tôi đi thẳng vào đồn Bảo an ngụy vốn là trụ sở tình báo quân sự do anh Cao Pha phụ trách hồi Cách mạng tháng Tám, nay tạm thời là trạm hậu cần Quân khu Trị Thiên.


Suốt đêm tôi không tài nào ngủ được. Mở cửa sổ nhìn dòng sông Hương êm đềm, dịu dàng trôi lòng tôi miên man nghĩ về đồng đội ai còn ai mất, về công việc ngày mai, về các đoàn quân đang thẳng tiến vào Sài Gòn mà Trị Thiên-Huế trở thành hậu phương trực tiếp trên toàn miền Nam. Ngồi giữa cố đô Huế, tôi cứ ngỡ mình đang mơ. Một giấc mơ đánh đổi bằng biết bao gian khổ, hy sinh. Không chỉ những người con của Huế mà hàng triệu đồng bào Quảng Bình, nhất là Vĩnh Linh cùng chia sẻ. Không chỉ có nhân dân miền Nam mà hàng chục triệu đồng bào miền Bắc cùng chịu đựng, mất mát, hy sinh. Dường như không có gia đình nào ở miền Bắc không có con em vào Nam chiến đấu, cùng chia sẻ gian khổ, hy sinh để có ngày đại thắng của toàn dân tộc.


-Có thể nói bom mìn là một hậu quả kinh hoàng mà chiến tranh để lại. Mãi thời gian gần đây vẫn còn những vụ sát thương vô tình do bom, mìn gây ra. Sau giải phóng, Huế đã tiến hành giải quyết số bom mìn còn sót hay do đối phương cài lại như thế nào?

-Chúng tôi phát động cả một chiến dịch phá bom mìn, hy động dân quân du kích, bộ đội địa phương, kể cả bộ đội chủ lực cùng tham gia. Hai tháng đầu, đã thu gọn trên ba triệu quả bom, mìn. Dù vậy vẫn chưa thể rà hết. Nhất là vùng giáp ranh, nơi tranh chấp quyết liệt của hai bên từ khi có Hiệp định Paris cho tới ngày giải phóng.


-Thưa Trung tướng, trong đời binh nghiệp của mình, ai là đồng đội thân thiết của Trung tướng?

-Bạn chiến đấu làm sao kể hết. Tôi còn giữ nhiều kỷ niệm với anh Nguyễn Sơn, anh Lê Văn Tri ở Liên khu 4, rồi cả với anh Cao Văn Khánh khi trở trường lục quân và B5 (tức chiến trường đường 9-Bắc Quảng Trị).


-Về tướng Nguyễn Sơn, trung tướng còn giữ được kỷ niệm gì…

-Nguyễn Sơn thì tôi biết anh từ khi anh làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam, nhiều lần công tác qua Huế. Nguyễn Sơn là con người ngay thẳng, tài ba. Anh vốn được xem là một trong bảy mươi hai vị đại công thần được nhân dân Trung Quốc trọng vọng, dưới cái tên Hồng Thủy. Khi anh làm Tư lệnh khu 4, tôi ra học quân sự, gặp anh rất vui vẻ, cởi mở. Nguyễn Sơn hay bảo: “Này Đồng, tao có cái gì không đúng không?”. Con người tự nhiên, trực tính như thế! Tôi nói: “Tôi thì tôi chịu anh đấy!”. Anh nhìn tôi: “Ơ, cái thằng này!”. Đại hội tập toàn quân ở Khu 4 là một sáng tạo của tướng Nguyễn Sơn lúc đó. Tôi nhớ, anh luôn chạy nhanh, khỏe hơn cả trước hàng quân đang luyện tập. Thật khó có anh lính dưới quyền nào đánh được sự khỏe khắn, nhanh nhẹn của anh. Đại hội tập là dịp để nâng cao trình độ huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm và gắn liền giữa huấn luyện của Thanh Nghệ Tĩnh với cuộc chiến đấu đang diễn ra ở Bình Trị Thiên.


-Thời gian ở Trường kỹ nghệ thực hành Huế, Trung tướng có quan hệ với tướng Trần Văn Trà?

-À, anh Trà học trước tôi rồi ở lại dạy, từng làm thầy. Chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau. Anh Trà là một trong hai người xuất thân từ Trường kỹ nghệ thực hành Huế mà tôi phục. Về sau, chiến đấu khác chiến trường, chúng tôi ít có cơ hội gặp nhau. Chỉ thời gian ra Bắc, tôi có cùng anh sang Liên Xô đàm phán, nhờ bạn viện trợ xây dựng học viện quân chính năm 1956.


-Thưa Trung tướng, hết ở chiến trường lại về học viện quân sự, suốt đời gắn bó với binh nghiệp, bây giờ nhìn lại, có khi nào Trung tướng chợt luyến tiếc cho hạnh phúc tuổi thanh xuân của mình không?

-Hạnh phúc tuổi thanh xuân của tôi là được đứng vào hàng ngũ cách mạng, góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Tôi ít nghĩ đến hạnh phúc riêng tư cho mình. Tôi may mắn có được người vợ chung thủy, đảm việc nhà, nuôi dạy chu đáo con cái để tôi yên tâm trường kỳ đi đánh giặc.


-Trung tướng còn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên gặp bà nhà thời trai trẻ?

-Nhớ chứ! Chúng tôi quen biết và thương yêu nhau trên chiến trường thời đánh Pháp. Lúc mặt trận Huế vỡ, trên đường rút về chiến khu Hòa Mỹ, tôi hơi buồn. Tình cờ, tôi gặp một cô chủ tịch xã, tên Nguyễn Thị Kim Khánh, nguyên là nữ sinh trường Đồng Khánh. Trong tâm trạng ngổn ngang ấy, gặp được một người khác giới, đoan trang, nghị lực, biết cách chia sẻ, động viên, tôi dần phải lòng, nhưng cũng chưa dám nghĩ đến chuyện riêng tư. Mãi tới khi tôi ra Liên khu 4 học quân sự, cô ấy cũng ra học, chúng tôi mới ngỏ lời nói chuyện tương lai và tiến tới thành hôn với nhau. Lễ cưới tổ chức đơn sơ ở Hậu Hiền, Thanh Hóa. Anh Nguyễn Sơn-tư lệnh, anh Nguyễn Chí Thanh-bí thư Liên khu ủy, chị Lê Thị Quế,… đã đến sự và anh Nguyễn Sơn đứng ra làm chủ hôn.


-Trong kháng chiến bà nhà ở đâu?

-Vào chiến khu, làm công tác phụ nữ, rồi cũng vào bộ đội. Miền Bắc giải phóng, nhà tôi ra học văn hóa ở Hà Nội và tiếp tục vừa công tác vừa nuôi dạy con cái. Chứ còn tôi luôn đi xa, có ở nhà được mấy.


-Những lúc rỗi rãi trên chiến trường, có khi nào vì quá nhớ vợ mà Trung tướng mong sớm có dịp hội ngộ cùng gia đình?

-Vợ con ai mà không nhớ! Nhưng vì nhiệm vụ lớn trước mắt, giữa bao nhiêu mất mát hy sinh của anh em chiến sĩ, tôi lòng nào nghĩ đến chuyện riêng mình. Trong chiến tranh, việc phải xa vợ con năm mười năm biền biệt đối với người lính chúng tôi là chuyện thường tình. Năm 1948, sau kế hoạch dự Hội nghị rèn cán chỉnh quân tại Việt Bắc, tôi được cử ở lại học một khóa quân sự tại Thái Nguyên, sau dời lên Tam Đảo, do anh Trần Tử Bình và Lê Thiết Hùng phụ trách, rồi về ngay Khu 4 nhận nhiệm vụ.


Tôi vượt sông Hồng, qua Hà Đông, vào Thanh Hóa. Đây là con đường nhanh nhất, thuộc đường dây biệt động Hà Nội. Tôi được anh Nguyễn Sơn phân công về Trung đoàn 101. Anh bảo: “Cậu Đồng về Thừa Thiên phải cố gắng lên. Trong ấy đang gặp nhiều khó khăn đấy”. Như hiểu rõ tâm trạng của tôi, anh bảo thêm: “Cứ yên tâm mà đi. Còn cô Khánh thì phải sinh nở xong đã, sẽ tính sau”. Gần hai năm trời ở Việt Bắc, tôi ao ước trở lại chiến trường xưa. Giờ đã toại nguyện. Nhưng tôi không khỏi xao xuyến khi xa vợ trong lúc vợ đang bụng mang dạ chửa, ở nhờ nhà đồng bào cơ sở, không ai chăm sóc lúc sinh nở. Tuy nhiên, vợ tôi đã động viên tôi tranh thủ vào chiến trường sớm!


-Trước khi gặp bà nhà, có thiếu nữ nào ở Huế làm Trung tướng phải lòng không?

-(Cười hồn nhiên) Tất nhên là có rồi. Nhưng chuyện xa xưa nhắc làm chi. Anh em chúng tôi thời ở tù có một cô bạn gái rất thân, tôi muốn nói là bạn thôi nhé! Đó là Đào Thị Đính, em ruột học giả Đào Duy Anh. Sau này chị ấy có chồng, anh em chúng tôi gặp nhau hay đùa: “Sao con Đính hồi ấy nó không lấy mình nhỉ!…”.


-Theo cách nhìn chủ quan của Trung tướng, phụ nữ Huế có điểm gì đặc biệt so với…

-Cái này khó nói quá (cười). Mỗi nơi có mỗi cái nết. Nhưng theo tôi ở Huế, chung thủy là đức tinh truyền thống. Thứ hai là đảm việc nhà, nuôi con thương chồng, quí trọng bố mẹ. Ôi châu cha làm dâu ở Huế không đơn giản đâu anh ạ! Khó lắm. Không giống như làm dâu ở Hà Nội, Sài Gòn đâu. Cái may của bà nhà tôi là khỏi làm dâu, vì bố mẹ tôi bị mất sớm. Nói vậy, chứ bây giờ (ông hạ thấp giọng) bao nhiêu công việc mồ mả giỗ chạp bà ấy lo cả, tôi có lo được gì đâu. Bốn đứa con chúng tôi thì đều sống ở Hà Nội.


-Vì sao về hưu Trung tướng không ở lại Hà Nội với con cháu mà quay trở về Huế, thưa Trung tướng?

-Hoàn thành nhiệm vụ rồi thì trở về quê hương chứ ở Hà Nội làm chi! Tôi và nhà tôi muốn về Huế sống phần đời còn lại, giữa tình cảm bà con quê hương, tình đồng đội năm xưa. Tôi lại được anh em tín nhiệm đề cử làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trị Thiên-Huế. Thấy tôi về Huế, bắt đầu dựng nhà để ở, anh em cựu chiến binh tức cười. Cả đời tôi có nhà của gì riêng cho mình đâu! Tôi mới làm bài thơ đùa vui, trong đó có hai câu rằng:

Bảy mươi xuân mới làm nhà
Nặng tình non nước hỏi già chăng ai?

Câu chuyện đến đây thì trận đấu quyền Anh được truyền trực tiếp giữa Mike Tyson và Evander Holyfeld chuẩn bị bắt đầu. Lão tướng dạn dày trận mạc dán mắt vào truyền hình, hồi hộp thấp thỏm chẳng kém chúng tôi. Ông cười bảo: “Hồi trẻ tôi mê chơi quyền Anh lắm (Ông đưa nắm tay lên). Một tay đấm có hạng đây. Cả bóng đá nữa. Cũng nhờ chơi thể dục thể thao thường xuyên mà tôi mới giữ được sức khỏe tốt. Mắt không mờ. Tai không kém…”.


Tân Bình, tháng 7 năm 1997
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #31 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2008, 07:36:14 am »

Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Có những người chúng ta chưa từng gặp bao giờ nhưng hình ảnh, sự nghiệp, nhân cách của họ luôn sống động trong tiềm thức, quen thuộc đến mức ngỡ như người thân. Đối với tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những hình ảnh ấy. Là một tài năng quân sự lỗi lạc tên tuổi vang lừng thế giới, một Đại tướng Tổng Tư lệnh được tôn vinh như anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một nhà văn hóa, khoa học uyên thâm, và hơn hết ông là biểu tượng của một nhân cách sống! Trong hồi ký của Thống tướng Westmoreland, nguyên tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường Đông Dương, khi đề cập đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông ta nói rằng: Mọi đức tính tạo thành một thống soái quân sự lớn, như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp-một vị thống soái vĩ đại! Còn tướng Marcel Bigeard thuộc Học viện Quân sự quốc phòng Pháp, nguyên thiếu tá tham chiến mặt trận Điện Biên Phủ, cũng thán phục: Ông Giáp đã chỉ huy quân đội Việt Nam chiến đấu giành thắng lợi trong một thời gian đặc biệt lâu dài, trong suốt ba mươi năm, một kỳ tích chưa từng thấy! Vâng, không chỉ hom nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam!


Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng trẻ tuổi xuất thân từ nhà giáo Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp thành lập và chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với lực lượng ban đầu chỉ gồm ba mươi mốt người và một ít vũ khí: một khẩu tiểu liên, hai súng lục, mười bốn hoả mai, mười bảy súng trường. Chín năm sau, đội quân ấy đã lớn thành sáu sư đoàn bộ binh chiến lược, làm chấn động địa cầu khi buộc quân Pháp phải đầu hàng tại mặt trận Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954, dẫn đến việc ký kết Hiệp định Genève, một nửa đất nước được giải phóng. Rồi hai mươi năm tiếp theo, những sư đoàn bộ binh đã phát triển thành một đội quân hùng mạnh gồm đủ các quân binh chủng, đánh bại hoàn toàn quân viễn chinh Mỹ xâm lược, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 với sự đầu hàng vô điều kiện của Tống thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.


Đúng là một kỳ tích “chưa từng thấy”! Trong đó, phần đóng góp của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp rất to lớn. Tôi nhớ trong một buổi trò chuyện, khi đề cập đến vấn đề cá nhân trong lịch sử, Thiếu tướng-Viện sĩ Trần Đại Nghĩa có nói rằng: “Tất nhiên, tập thể quyết định sự thành bại của lịch sử. Nhưng cá nhân đóng vai trò hết sức quan trọng. Trận Điện Biên Phủ chẳng hạn, nếu như không có vai trò của anh Võ Nguyên Giáp thì tôi tin cục diện sẽ khác đi và chiến thắng không lừng lẫy như thế”. Vai trò ấy biểu hiện cụ thể ra sao?


Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết rằng đầu năm 1953, tướng Navare lập ở Tây Bắc một tập đoàn cứ điểm mạnh với mười hai tiểu đoàn tinh nhuệ, mà theo lời nhà báo Robert Guilain thì “ngay cả trong Chiến tranh thế giới thứ hai vừa qua, quân đội Pháp cũng chưa bao giờ dựng lên một hệ thống phòng ngự dã chiến lớn mạnh như ở Điện Biên Phủ”. Các nhà quân sự Pháp, Mỹ, Anh đến tận nơi thị sát và cũng cho rằng Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm!


Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập do Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm chỉ huy trưởng. Lực lượng gồm hai mươi bảy tiểu đoàn. Khí thế bộ đội rất cao. Mọi sự chuẩn bị tốt nhất cho trận đánh đã sẵn sàng. Ngày nổ súng được qui định là 25 tháng 1 năm 1954. Nhưng sau đó, do địch nghe trộm vô tuyến điện phát hiện được nên thời gian nổ súng hoãn lại hai mươi bốn tiếng.


Trước lúc lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Hồ Chủ tịch. Khi nghe Đại tướng đề cập đến sự trắc trở thông tin do mặt trận xa, sẽ khó thường xuyên xin được ý kiến của lãnh tụ tối cao và Thường vụ Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch đã tin tưởng ủy thác: “Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định”, rồi căn dặn: “Trận này quan trọng. Chắc thắng mới đánh”.


Suốt đêm 25 tháng 1, ở Sở chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không sao chợp mắt được. Nhớ đến lời căn dặn mà cũng chính là mệnh lệnh bất di bất dịch của Hồ Chủ tịch, vị chỉ huy trưởng như nằm trên đống lửa khi chưa tìm thấy yếu tố chắc thắng cho trận đánh. Mệnh lệnh nổ súng đã được phát đi, khó hoãn lại, vì ảnh hưởng đến tinh thần bộ đội. Vốn liếng của tám năm kháng chiến, tựu trung là các đại đoàn chủ lực, đều được huy động cho trận quyết chiến này. Nếu thất bại thì… thật khó lường. Đánh hay hoãn?


Mờ sáng hôm sau, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh triệu tập cuộc họp Đảng ủy Mặt trận. Ông quyết định hoãn cuộc tấn công, chuẩn bị lại theo phương châm”đánh chắc tiến chắc”. Quyết định khó khăn này được sự tán đồng của trưởng đoàn cố vấn quân sự nước bạn. Dù ai nấy ngạc nhiên đến sững sờ, nhưng sau hai cuộc họp, trước những ý kiến thuyết phục của Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp, cuối cùng Bộ chỉ huy chiến dịch cũng đã nhất trí hoãn cuộc tấn công. Các đơn vị bộ đội được lệnh kéo pháo ra, trở về vị trí tập kết, nhận nhiệm vụ mới lên đường hành quân chiến đấu. Sau đó, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận được thư của Tổng bí thư Trường Chinh cho biết, Hồ Chủ tịch và Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí rằng quyết định thay đổi phương châm chiến dịch là hoàn toàn đúng đắn và, sẽ động viên toàn dân dốc sức chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ giành thắng lợi.


Sau khi hoàn thành trận địa bao vây và tiến công, Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp ấn định ngày nổ súng là 13 tháng 3 năm 1954. Đúng giờ hẹn, mệnh lệnh được phát ra, cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nhanh chóng biến thành chảo lửa. Sau năm mươi lăm ngày đêm anh dũng chiến đấu, dưới sự chỉ huy tài tình của Chuẩn uý Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch, quân dân ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại, gây chấn động thế giới. Hơn mười sáu ngàn quân viễn chinh Pháp bị tiêu diệt và bắt sống. Tướng Chỉ huy trưởng De Castrie phất cờ trắng đầu hang. Chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc và cả nhân loại.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2008, 07:37:14 am »

Nói theo người xưa, Võ Nguyên Giáp thuộc hàng “Nhân tướng” quí hiếm, vốn xuất thân từ một “Nho tướng”. Thường được gọi bằng tên thân mật là Văn, ông sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 tại làng An Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình trung nông. Bố là nhà Nho có uy tín, dạy học trong vùng. Mẹ là cháu ngoại một lãnh binh Cần Vương. Bà thuộc mẫu người phụ nữ hiền lành, đảm đang, hết lòng vì chồng con, nhưng cũng có những ý tưởng mới lạ so với thời bấy giờ, như việc chọn vợ gả chồng cho con cái.
Thuộc hàng trung nông, được chia hai mẫu ruộng công, nhưng gia đình họ Võ sống trong cảnh năm đủ năm thiếu, thường phải đi vay thêm ở các nhà bá hộ giàu có. Những lúc mang thóc đi trả cho chủ nợ, Võ Nguyên Giáp phải ngồi giữ thóc trên thuyền đợi mẹ. Khi người nhà chủ nợ ra kiểm tra, họ thường gạt bỏ một phần ba vì cho rằng thóc lép, chỉ chịu nhận một phần thóc thật khô thật chắc. Sự bất công ấy như một nỗi đau hằn sâu trong ký ức tuổi thơ ông.


Võ Nguyên Giáp may mắn được nuôi dưỡng trong không khí những cốt truyện cổ đầy tính nhân văn của dân tộc mà bố thường đọc cho nghe như Phạm Công-Cúc Hoa, Thạch Sanh-Lý Thông, đặc biệt là bài vè yêu nước Thất thủ kinh đô. Đồng thời, ông còn được tắm mình trong những giai đoạn hào hùng về phong trào Cần Vương, về ông ngoại cùng nghĩa binh đánh Tây, hoặc chuyện chạy vào rừng trốn giặc,… do mẹ kể. Khi lên năm tuổi, Võ Nguyên Giáp được bố cho học chữ Nho, sách Ấu học tân thư in thời Duy Tân với nội dung hướng về cội nguồn dân tộc: “Ngô tổ Hồng Bàng thị-Triệu thủy Kinh Dương Vương”, “Chi Lăng tẩu Tống binh-Bạch Đằng phá Nguyên sư”. Tinh thần yêu nước thương dân của ông được nhen nhóm từ đó.


Năm 1925, mười bốn tuổi, Võ Nguyên Giáp thi và học trường Quốc học Huế, bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ phong trào đòi ân xá chí sĩ Phan Bội Châu và lễ truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh. Ông cùng những bạn học thân thiết như Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Hải Triều lập câu lạc bộ thơ văn yêu nước, vận động học sinh hàng tuần đến Bến Ngự nghe cụ Phan nói chuyện; rồi tìm đọc, chuyền tay nhau các sách báo bí mật như Le Paria, Việt Nam hồn, Bản án chế độ thực dân Pháp… cùng ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gởi về. Và tại nhà cụ Võ Liêm Sơn, một nhà giáo yêu nước bị bãi chức khỏi trường Quốc học, lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp được đọc tác phẩm Chủ nghĩa Mác bằng tiếng Pháp.


Một thời gian sau, Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội dạy học tại trường Tư thục Thăng Long, tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông mở lớp huấn luyện cho đoàn viên Thanh niên Dân chủ, viết báo Đảng và trở thành chủ tịch Hội nghị Báo chí Bắc kỳ thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương.


Giữa năm 1940, Hoàng Văn Thụ thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng viết thư giới thiệu hai cán bộ trí thức Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Và cuộc gặp gỡ lịch sử ấy đã diễn ra ở công viên Thúy Hồ nổi tiếng của thành phố Côn Minh. Trong hồi ký Từ nhân dân mà ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: “Nhớ đến lời anh Hoàn Văn Thụ nhắn trước khi ra đi là sang đây sẽ gặp đồng chí Vương, tôi cứ tin rằng đồng chí Vương là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Sang đầu tháng sau, một hôm anh Phùng Chí Kiên rủ chúng tôi đi Thúy Hồ. Dọc đường anh nói: Đồng chí Vương đã đến và hẹn gặp chúng ta.


Đến Thúy Hồ, tôi thấy anh Vũ Anh ngồi trong một chiếc thuyền với một người đứng tuổi, gầy gò, có đôi mắt sáng, mặc bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám, đội mũ phớt. Tôi nhận ra ngay đúng là đồng chí Nguyễn Ái Quốc mà tôi đã thấy trong ảnh ngày trước. Nếu so với ảnh thì trông Bác ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều”.


Tháng 5 năm 1941 tại rừng Pác Bó thuộc huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa I dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh. Võ Nguyên Giáp được cử phụ trách Ủy ban Quân sự Tổng bộ Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.


Ngày 22 tháng 12 năm 1944, cũng tại rừng Pác Bó, Võ Nguyên Giáp đã đứng ra tổ chức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông, ngay khi vừa xuất phát sau hai ngày làm lễ thành lập, đội quân non trẻ đã đánh thắng hai trận đầu tiên ở Phay Khắt và Nà Ngần thuộc Cao Bằng.


Giữa tháng 8 năm 1945, Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào (thuộc châu Tự Do, tỉnh Tuyên Quang) đã bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam gồm mười lăm thành viên do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Trần Huy Liệu làm phó chủ tịch. Thay mặt Ủy ban Quân sự của Ủy ban Dân tộc Giải phóng, Võ Nguyên Giáp đã ký mệnh lệnh tổng khởi nghĩa. Ngay chiều 16 tháng 8 bế mạc đại hội, dưới bóng đa cổ thụ Tân Trào một đơn vị Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy đã làm lễ xuất quân tiến về thị xã Thái Nguyên. “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”-lời Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc lâm bệnh nặng đã dặn riêng Võ Nguyên Giáp ở lán Nà Lừa trước Quốc dân đại hội, vừa là tình cảm thiêng liêng vừa là mệnh lệnh thôi thúc vị tổng chỉ huy quân đội trên đường hành quân tiến về giải phóng Hà Nội.


Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công. Tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt tại lễ tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lo ổn định an ninh trật tự, bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #33 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2008, 07:37:56 am »

Quân Pháp núp bóng quân Anh nổ súng tái xâm lược nước ta. Chúng âm mưu tiến về miền Trung và đánh chiếm Tây Nguyên. Bộ trưởng Bộ Nội vụvng được Chính phủ cử dẫn đầu phái đoàn lên thị sát Đà Lạt và cả Tây Nguyên-Nam Trung Bộ. Sau thành công cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trên cả nước, kỳ họp thức nhất Quốc hội khóa I khai mạc vào ngay 2 tháng 3 năm 1946 đã thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Võ Nguyên Giáp được cử làm chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội trực thuộc Chính phủ. Ngày 14 tháng 9 năm 1946, từ Hà Nội ông trở lên Đà Lạt với tư cách trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cùng phái đoàn Cộng hòa Pháp họp hội nghị trù bị, chuẩn bị cho việc ký kết một hiệp ước chính thức ở Paris.


Vì thực dân Pháp bám lấy dã tâm cướp nước ta một lần nữa, nên Hội nghị trù bị Đà Lạt không đạt được thỏa thuận nào, sau đó Hội nghị Fontainebleau bên Pháp cũng bị thất bại. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn ngoại giao ta do Bộ trưởng Phạm Văn Đồng dẫn đầu rời Pháp về nước, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh bằng quân sự.


Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Võ Nguyên Giáp tổ chức chỉ huy bộ đội vừa đánh trả vừa bảo vệ Hồ Chủ tịch và Chính phủ tạm thời rút lui lên chiến khu Việt Bắc để củng cố và xây dựng lực lượng trường kỳ kháng chiến. Ông được cử làm tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dq tự vệ.


Ngày 2 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ký sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng cho Tư lệnh Nam Bộ Nguyễn Bình và quân hàm Thiếu tướng cho tám vị chỉ huy quân đội khác. Một giờ chiều 28 tháng 5 năm 1948, lễ phong quân hàm cấp tướng đầu tiên được tổ chức trang trọng tại một hội trường dựng dưới tán cây rừng bên bờ con suối lớn ở chiến khu Việt Bắc.


Trong hồi ký Chiến đấu trong vòng vây (do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1995), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Bác và vụ Bùi Bằng Đoàn, trưởng ban Thường trực Quốc hội đứng hai bên bàn thờ, các thành viên Chính phủ đứng trước bàn thờ. Bác, tay cầm sắc lệnh gọi tôi lên. Bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…” rồi bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Giây phút đó làm cho cả hội trường vô cùng xúc động. Lát sau, Bác nói tiếp: “… Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm trong sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”. Bác trao cho tôi sắc lệnh. Cụ Trưởng ban Thường trực phát biểu chúc mừng, anh Phan Anh thay mặt Hội đồng Chính phủ phát biểu chúc mừng. Anh Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ Quốc phòng bày tỏ lời chúc mừng và lời hứa toàn thể bộ đội sẽ nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng. Tôi xúc động phát biểu mấy lời, từ đáy lòng vô cùng nhớ tiếc các anh hùng liệt sĩ, chân thành biết ơn bác, Quốc hội và Chính phủ đã dành cho tôi vinh dự cao cả. Tôi hứa sẽ đem hết tinh thần và nghị lực làm tròn nhiệm vụ, góp phần khiêm tốn của mình vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập và thống nhất của Tổ quốc”.


Vâng, lời hứa ấy bây giờ đã thành hiện thực. Không chỉ góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi bóng đen nô lệ ngoại xâm, giành độc lập tự do hoàn toàn cho Tổ quốc sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ, mà Võ Nguyên Giáp còn đóng góp nhiều công lao trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Dù ở cương vị nào, là ủy viên Bộ Chính trị khóa III và IV, Bí thư Quân uỷ Trung ương, là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội… hay khi không còn giữ chức vụ nào nữa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước sau như một luôn kiên định vững vàng trước mọi thăng trầm thử thách, hết lòng vì vận mệnh quốc gia, dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Một tài năng hiếm có. Một nhân cách càng hiếm có hơn!
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2008, 07:40:08 am »

Hà Nội đang tiết thu. Thi thoảng những cơn mưa ập đến làm vỡ bầu trời trong xanh. Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ V diễn ra tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh vào cuối tháng Tám vừa kết thúc. Bóng đá Tiger Cup’98 đang lên cơn sốt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bận rộn tiếp khách mừng sinh nhật lần thứ tám mươi bảy của mình. Nhờ sự giới thiệu của nhà văn Hữu Mai, sau ngày Quốc khánh 2 tháng Chín, tôi cùng bạn thơ Hữu Việt mới có dịp đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng. Đĩnh đạc bước ra phòng khách trong bộ quân phục Đại tướng, cùng phu nhân-bà Đặng Thị Bích Hà bên cạnh, ông vui vẻ bắt tay mời chúng tôi ngồi xuống bộ ghế mây, hồn hậu nói:

-Tôi xin cảm ơn Ban biên tập Kiến thức ngày nay về những lời chúc thọ tốt đẹp. Tôi vẫn đọc tạp chí của các bạn.


-Xin cảm ớn Đại tướng. Rất vui mừng khi thấy Đại tướng vẫn mạnh khỏe!

-Tập thể dục đều, giữ cho đầu óc thanh thản, không bị danh lợi chi phói, cố gắng mỗi ngày làm được một việc có ích cho xã hội, thì ai cũng có được sức khỏe tốt. Ở trong Nam giữa mùa Tiger Cup’98, anh thấy không khí bóng đá thế nào?


-Rất hào hứng, thưa Đại tướng. Nhất là sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Thái Lan 3-0 vào tối hôm qua (3 tháng Chín). Cả Hà Nội xuống đường. Chắc chắn ở Thành phố Hồ Chí Minh và những nơi khác trong cả nước cũng vậy.

-Thật đáng tự hào, phấn khởi. Chưa bao giờ khán giả lại hát Tiến quân ca mạnh mẽ, hào hứng như thế. Thắng lợi này còn chứng tỏ có những điều tưởng chừng không thể làm được mà lại làm được…

Chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước tình yêu bóng đá của bậc lão tướng. Niềm vui thắng lợi của đội tuyển Việt Nam vẫn còn rạng rỡ trên gương mặt phúc hậu của ông và người bạn đời lẫn các trợ lý thân cận… Xin phép Đại tướng được bắt đầu câu chuyện chính, tôi hỏi:


-Thưa Đại tướng, nhờ đâu mà người Việt Nam làm được những kỳ tích lịch sử, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Đặc biệt ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, đội quân xâm lược gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp thế giới thời Trung cổ, hoặc như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua?

-Nhờ vào sức mạnh của nền văn hóa truyền thống! Trên cơ sở đó, người Việt Nam đã biết kết hợp tinh thần quyết chiến giữ nước với tài thao lược sáng tạo, xây dựng nên một học thuyết quân sự độc đáo, học thuyết quân sự Việt Nam. Và cũng chính nhờ biết cách giữ vững và phát huy sức mạnh nền văn hóa truyền thống mà trải qua một ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, dân tộc Việt Nam đã không bị đồng hóa; ngược lại, còn tích trữ được lực lượng, chớp lấy thời cơ, vùng lên giành độc lập hoàn toàn cho nước nhà.


Bước vào thời kỳ lịch sử cận hiện đại, trong cuộc đụng đầu với quân đội hiện đại của chủ nghĩa đế quốc phương Tây thì dân tộc ta đã trải biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa thất bại bị dìm trong bể máu. Cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin đưa chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất và học thuyết quân sự của dân tộc đến một trình độ mới, chất lượng mới: chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đã đánh thắng hai đế quốc to.


-Nền văn hóa truyền thống ấy biểu hiện ở những nét cụ thể nào, thưa Đại tướng?

-Khác với các quốc gia dân tộc ở phương Tây, Việt Nam là một quốc gia dân tộc hình thành rất sớm. Nền văn hóa truyền thống thể hiện trước hết ở triết lý hành động của những cư dân bản địa đầu tiên trong công cuộc chống thiân tai, địch họa, thể hiện qua kho tàng ca dao, tục ngữ, truyền thuyết phong phú được lưu truyền trong dân gian. Về sau triết lý ấy mới được ghi vào lịch sử thành văn, dần dần xây dựng nên nền văn hóa Việt Nam mà hạt nhân là: Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, đấu tranh bất khuất vì độc lập tự do, đức tính lao động cần cù để làm chủ thiên nhiên, tinh thần nhân ái, đoàn kết thương yêu lẫn nhau, sống hòa bình hữu nghị với các nước láng giềng, và sự thông minh sáng tạo khá đặc biệt… Tóm lại, nó bao gồm toàn bọ những giá trị vật chất và tinh thần mà người Việt Nam chúng ta đã sáng tạo nên.


-Có lẽ xuất phát từ sự độc đáo và hấp dẫn của nền văn hóa truyền thống nên ngày càng có nhiều người nước ngoài, thậm chí có người vốn trước đây ở hàng ngũ kẻ thù, quan tâm nghiên cứu về Việt Nam, mà Hội nghị Quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất vừa qua ở Hà Nội là một minh chứng.
Thời gian qua có những nhân vật quan trọng đã quan tâm tìm hiểu Việt Nam và đã có những buổi tiếp xúc với Đại tướng, như cố Tổng thống Pháp F.Mitterrand hay cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ R.McNamara và mới đây là John John John Kennedy-chủ báo George Magazine và là con trai của cố Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy (JFK?). Điều gì làm họ quan tâm nhất khi gặp Đại tướng?


-Tổng thống Pháp trước đây, ông Mitterrand, khi sang thăm nước ta, trong một buổi chiêu đãi có hỏi tôi:

-Chúng tôi định lên thăm Điện Biên Phủ, có nên không?

Tôi đáp:

-Nên chứ, đó là một cử chỉ xây dựng.

-Lúc đó, tôi ở trong Đảng Xã hội, tôi chống cuộc chiến tranh Đông Dương.

-Tôi biết, thắng lợi của Việt Nam cũng là thắng lợi của những người Pháp yêu hòa bình!


-Còn với cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mc Namara thì sao, ông có tỏ chút ân hận nào không, thưa Đại tướng?

-Ông hỏi tôi về sự kiện vịnh Bắc Bộ ngày 2 tháng 8 và 5 tháng 8 năm 1964, tàu chiến ta đánh tàu chiến Mỹ ở hải phận quốc tế. Ông nói: “Hôm đó chúng tôi nhận được những thông tin không rõ ràng!” Trong cuốn hồi ký ông cho rằng cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là một sai lầm; Mỹ thất bại vì không hiểu lịch sử, không hiểu văn hóa Việt Nam. “Ngài viết cuốn sách đó là một sự dũng cảm”-Tôi nói với ông như vậy.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #35 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2008, 07:42:09 am »

-Có thể nói ông Mc Namara là đại diện cho quá khứ, thế hệ những người Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Còn John John Kennedy là đại diện cho hiện tại và tương lai, thế hệ những người Mỹ muốn khám phá sự kỳ bí của Việt Nam trên tinh thần xây dựng. Đại tướng đã tâm sự gì với người thanh niên trẻ này cách đây hơn mười ngày?

-Giữa tháng Tám vừa qua John trở lại thăm Việt Nam lần thứ hai, lên tận hang Pác Bó, ở lại trong hang một đêm, đi thuyền xuôi sông Bằng Giàng đến gần thị xã Cao Bằng, rồi đi thăm vịnh Hạ Long. Về Hà Nội, anh mong mỏi được gặp tôi và hy vọng hiểu biết thêm nhiều vấn đề, đặt ra nhiều câu hỏi mà tôi nghĩ rằng đó là những câu hỏi của nhiều người. Chẳng hạn: Vì sao trong hang Pác Bó tối tăm ấy mà Bác Hồ đã nghĩ ra con đường cứu nước, tin tưởng sẽ nhất định thắng lợi? Trong vùng đó hầu hết là dân tộc thiểu số, làm thế nào mà tổ chức được họ đứng lên chiến đấu giành độc lập?…

Điều John lấy làm lạ nhất là: Vì sao Điện Biên Phủ lúc quân Pháp mạnh nhất thì lại bị đánh bại? Vì sao sau này lúc quân Mỹ đông nhất, mạnh nhất thì lại bị thua?

Tôi trả lời vắn tắt những suy nghĩ khá cơ bản của John và nói: Lịch sử quan hệ giữa giữa hai nước chúng ta không chỉ có chiến tranh. Vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson, là người Mỹ đầu tiên tiếp xúc với người Việt Nam, khi còn là công sứ Mỹ ở Pháp, ông mong tìm được những giống lúa của xứ “Cochinchine” để nhập vào nước Mỹ. Rồi năm 1832, đã có những cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa phái đoàn ngoại giao Mỹ, do Tổng thống Andrew Jackson cử đi, với triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng.


-Vâng, phái đoàn ấy do Edmund Roberts dẫn đầu đến cập bến tại vùng biển Phú Yên và Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương cùng Tư vụ Lý Văn Phúc đã thay mặt triều đình Huế tiếp đón. Được biết đây cũng là phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ viếng thăm các nước Á Đông!
Và thưa Đại tướng, ai cũng biết rằng trước khi xảy ra vụ ám sát chính trị chấn động thế giới tại Dallas, Tổng thống JFK là người đã chủ trương xem Việt Nam như một chiến trường trọng điểm để tiêu diệt phong trào giải phóng dân tộc và ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tràn xuống các nước khác thuộc Đông Nam Á, theo thuyết Domino. Vậy John có đề cập gì về chủ trương ấy của cha mình không?


-Tôi có nhắc John về điều ấy. Tôi còn nói thêm, sau này nghiên cứu lịch sử được biết vào lúc đó Tổng thống Kennedy cũng đã kịp nhận ra rằng không thể đạt được mục đích với một chính quyền tay sai độc tài kéo lê máy chém khắp miền Nam, và đã suy nghĩ đến chủ trương chỉ can thiệp quân sự vào Việt Nam ở mức độ nào. Chính vào thời điểm ấy thì Tổng thống Kennedy bị ám sát. Lịch sử không cho phép đặt ra giả thiết nếu không xảy ra vụ ám sát ấy thì sự dính líu của Mỹ sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng, như chúng ta đã biết, hai vị tổng thống kế nhiệm sau đó, Johnson và Nixon đã đẩy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên những nấc thang mới…


-Thưa Đại tướng, Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ V vừa kết thúc, với hy vọng chuẩn bị lực lượng cho nền văn học nước nhà ở thế kỷ XXI. Một bộ phận lớn các đại biểu nhà văn trẻ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Họ không sống một ngày trong chiến tranh. Trong khi đó, thành tựu văn học viết về hai cuộc kháng chiến vừa qua vẫn chưa xứng đáng với tầm vóc lịch sử. Ngoài các tập hồi ký, hình tượng các tướng lĩnh ở “đầu sóng ngọn gió” vẫn chưa xuất hiện những nhân vật điển hình trong văn học. Phải chăng giữa các vị tướng và các nhà văn vẫn còn có một khoảng cách? Và theo Đại tướng, làm cách nào để trang viết của các nhà văn trẻ về chiến tranh có được sức sống mới, xứng đáng với tầm vóc lịch sử?

-Lịch sử dân tộc ta là dòng chảy liên tục từ cội nguồn cho đến ngày nay. Do đó, bên cạnh kiến thức về khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội hiện đại, lịch sử cách mạng. Chỉ có hiểu biết lịch sử sâu sắc, đặt mình vào hoàn cảnh của những nhân vật lịch sử, sống lại những giờ phút gian khổ và hào hùng của dân tộc thì trang văn các bạn mới phản ánh được trung thực và sinh động quá khứ.


Hơn thế, sự hiểu biết những gì ông cha ta đã làm được trong quá khứ sẽ giúp các bạn nhìn rõ được những vấn đề thực tại để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị đối với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.
Vấn đề cực kỳ quan trọng là làm sao cho người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, có sự hiểu biết sâu rộng nền văn hóa dân tộc mình, sống theo triết lý sống của dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam có thể coi là sự tổng hòa của nền văn hóa truyền thống, luôn luôn giữ vững và phát triển bản sắc, cốt cách dân tộc với sự tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa phương Đông và phương Tây, để hình thành một nền văn hóa có sức sống mãnh liệt, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển của đất nước. Nhà thơ Xô viết Osiv Maldenstam, từ năm 1923, khi gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy ở Người sự báo hiệu một nền văn hóa tương lai…


Nghị quyết Trung ương V mới đây nói rõ tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát động phong trào yêu nước, coi trọng sống có lý tưởng, có đạo đức.

Đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ… Các nhà văn trẻ cần góp phần cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp văn hóa Việt Nam.

Mỗi con người, mỗi thế hệ có một sứ mệnh lịch sử riêng mình. Thế hệ sau càng được thừa hưởng lại càng có nhiều trách nhiệm hơn đối với thế hệ trước. Tâm sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ có ích cho các nhà văn trẻ, mà còn là những gửi gắm chí tình của một bậc lão thành đối với cả thế hệ trẻ hôm nay. Đại tướng từng nói rằng: “Nước ta trước đây vốn là một nước không có tên trên bản đồ thế giới, đã trở thành một nước đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc. Khát vọng cứu nước thời trẻ của chúng tôi luôn cháy rừng rực như bó đuốc.


Khát vọng của tuổi trẻ ngày nay phải làm gì? Việt Nam có thể trở thành một nước giàu như các nước tiên tiến trên thế giới hay không? Khó, nhưng tôi chắc không có thanh niên nào trả lời không được. Tôi nghĩ thanh niên ngày nay cần phải thấy được nỗi nhục của một nước bị xếp vào hàng các nước chậm phát triển nghèo nhất thế giới. Từ đó mà có một mong muốn, mong muốn tột bậc là làm sao để đất nước thoát khỏi tụt hậu, phát triển thành một nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cũng theo Đại tướng, chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa xuân năm 1975 chính là chiến công của thế hệ trẻ. Điều quan trọng là làm sao ngày nay trong hòa bình xây dựng đất nước, bạn trẻ có thể làm nên những Điện Biên Phủ, những Đại thắng mùa xuân về kinh tế!


Trước khi chia ta, Đại tướng còn tâm sự với chúng tôi rằng: “Trong mỗi con người, yếu tố quyết định là đạo đức. Đức là gốc. Cần phải rèn luyện cho mình lối sống giản dị, lành mạnh, trong sáng. Mọi người đều cần làm giàu nhưng không vì lẽ đó mà trở thành nô lệ cho đồng tiên”. Mỗi phút mỗi giây được trò chuệyn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tất cả các bậc lão tướng từng vào sinh ra tử dưới mưa bom bão đạn, hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với tôi luôn là những giây phút sống động đáng quí, không một trường học nào có thể sánh bằng. Những vị chiến tướng chính là hiện thân tiêu biểu nhất, đáng kính trọng nhất của một đất nước phải trải qua mười bốn cuộc chiến tranh để được tồn tại!


Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 1998
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #36 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2008, 07:37:55 am »

Thiếu tướng Phan Khắc Hy

Được sinh ra và lớn lên trong vòng tay của người mẹ nghèo vùng gió cát Quảng Bình, cậu bé hiếu học Phan Khắc Hy sớm ý thức thân phận nô lệ của người dân mất nước, quyết đi tìm con đường cứu dân cứu nước. Ở tuổi hai mươi, Phan Khắc Hy đã là bí thứ Huyện ủy. Vào quân đội, ông trở thành cán bộ chính trị rồi quân sự cao cấp. Thời chống Mỹ, ông là chính uỷ Không quân nhân dân Việt Nam, phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn-559, trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đất nước thống nhất, hai mươi tám vạn quân được chuyển sang làm kinh tế, tướng Phan Khắc Hy sát cánh cùng vị chỉ huy than thiết là tướng Đồng Sĩ Nguyên lăn xả vào mặt trận mới. Ông được cử làm phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng kinh tế, phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và phó tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ông còn được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII. Năm 1973, Phan Khắc Hy được thăng quân hàm Đại tá, năm 1980 thăng Thiếu tướng. Cuộc đời vị tướng từng “thập tử nhất sinh” này là một cuộc đời học tập phấn đấu không ngừng, mang nhiều bước ngoặt và ẩn chứa bao điều kỳ thú.


-Cha tôi là một nhà Nho nghèo ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông từng đi thiếu tá tam trường, nhưng vì Nho học thất thế, ông chuyển sang học quốc ngũ rồi vào Quảng Bình vừa dạy học vừa làm thầy thuốc Đông y và gặp mẹ toi (Cởi mở và chân tình, Thiếu tướng Phan Khắc Hy đi thẳng vào câu chuyện, đúng tác phong của một nhà quân sự). Tôi tuổi Đinh Mão, sinh năm 1927 tại quê ngoại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Mẹ tôi mua bán trầu cau ở chợ, một tay bà nuôi sáu anh em tôi ăn học, tham gia cách mạng. Khi mẹ mất, tôi đọc điếu văn về cuộc đời gian truân của bà, ai nghe cũng khóc!

Còn cha tôi lại vào Quảng Ngãi có vợ khác. Năm 1946, ông về Hoàn Lão cất nhà cho con cái ở, rồi trở vào Quảng Ngãi. Năm 1951, ông bệnh mất. Mãi năm 1975, tôi mới về được Quảng Ngãi viếng mộ cha. Bà con ở đây gọi ông là Thầy Học. Cha tôi vẫn vừa dạy học vừa làm thuốc. Sau Cách mạng tháng Tám, ông còn làm Chủ nhiệm Việt Minh xã.


-Việc học hành của Thiếu tướng thời niên thiếu ra sao, thưa Thiếu tướng?

-Lúc nhỏ tôi học trường làng ở Bố Trạch, lấy bằng yếu lược. Sợ ở thị trấn lêu lỏng chơi bời, cha tôi đưa anh em tôi về Đức Thọ, Hà Tĩnh là vùng đất hiếu học, ở với bà mẹ lớn để ăn học. Hết tiểu học, đậu primaire, tôi ra Vinh học trung học. Ngoài chương trình ở nhà trường, học sinh chúng tôi hồi ấy rất ham hiểu biết. Chúng tôi góp nhau lập thư viện đủ loại sách văn học, triết học, chính trị… Tôi đọc rất nhiều về Khổng Tử, Lão Tử, Các Mác, chép sổ tay thơ Tố Hữu, Xuân Diệu cùng nhiều nhà thơ khác. Tôi cũng tranh thủ làm thêm để bớt gánh nặng cho gia đình. Năm 1943, nửa năm thứ hai trung học, tôi với một người bạn thân là Quách Xuân Kỳ trốn học, dự định xuất dương làm cách mạng nhưng không thành.


-Quách Xuân Kỳ là một nhân vật lừng lẫy ở Quảng Bình. Thiếu tướng với Quách Xuân Kỳ từng gắn bó…

-Chúng tôi như hai anh em ruột thịt, cùng học với nhau từ nhỏ, cùng tham gia cách mạng và vào Đảng một ngày, cùng trong ủy ban khởi nghĩa huyện. Trước Cách mạng, ủy ban khởi nghĩa hay họp ở nhà tôi, nhưng mẹ tôi không biết. Khi hay tin Việt Minh cướp chính quyền, mẹ tôi tưởng Việt Minh từ Hà Nội vào, nên chạy lên huyện xem, mới vỡ lẽ Việt Minh chính là… thằng Kỳ, thằng Hy và toàn những khuôn mặt hay lui tới nhà mình (cười).


Kháng chiến bùng nổ, chúng tôi cùng tập thể lãnh đạo huyện Bố Trạch, một huyện tạm bị địch chiếm đóng, thực hiện chủ trương “dân bám làng, cán bộ bám dân, toàn dân kháng chiến”, lăn lộn với nhân dân, xây dựng cơ sở, lãnh đạo đấu tranh, đưa phong trào kháng chiến lên cao với những làng chiến đấu nổi tiếng như Cự Mẫm, Hoàn Lão. Quách Xuân Kỳ trên các cương vị bí thư Thanh niên Cứu quốc, chủ nhiệm Việt Minh, bí thư Huyện ủy, với tinh thần dũng cảm, tác phong nhạy bén, sâu sát đã được nhân dân tin yêu, kẻ thù khiếp sợ. Cuối năm 1948, phong trào thị xã Đồng Hới gặp khó khăn, Tỉnh ủy Quảng Bình điều Quách Xuân Kỳ vào làm bí thứ Thị ủy. Tôi thay anh làm bí thư Huyện ủy Bố Trạch. Trong một thời gian ngắn, anh đã cùng tập thể Thị ủy khôi phục và phát triển cơ sở quần chúng, cơ sở Đảng trong thị xã. Một ngày đầu tháng 5 năm 1949, Quách Xuân Kỳ bị địch bắt khi vào công tác ở nội thị. Băng mọi thủ đoạn mua chuộc và tra tấn dã man, kẻ thù vẫn không khuất phục được anh. Biết địch không để mình sống nhưng anh vẫn lạc quan, vẫn học tập và đấu tranh không mệt mỏi.


Trước lúc bị địch xử tử vào tháng 7 năm 1949, từ trong tù anh gửi cho tôi một bức thư bằng máu, do cô người yêu của anh từ thị xã chuyển. Anh nhờ tôi chuyển lời chào vĩnh biệt và quyết chiến đến đồng chí và đồng bào thân yêu!


Quách Xuân Kỳ và cô bạn gái rất thương yêu nhau, nhưng chưa ai tỏ tình và hứa hẹn với ai. Có thể vì công tác cách mạng luôn đối mặt với hiểm nguy nên Quách Xuân Kỳ không muốn người mình yêu phải khổ. Tình cảm lứa đôi thế hệ chúng tôi trong chiến tranh thật đẹp thật lãng mạn!


-Sự lãng mạn ấy có gì khác thường không, thưa Thiếu tướng?

-Chúng tôi tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc người khác. Cuộc chiến đấu có thể phải hy sinh, ta không để cho người khác phải đau khổ vì minh. Như chuyện tình của Quách Xuân Kỳ, khi được tin anh bị bắt, người yêu chưa một lần tỏ tình của anh đã xung phong làm công tác phụ nữ, dấn thân vào nơi nguy hiểm cùng với người yêu.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #37 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2008, 07:39:19 am »

-Trở lại với hành trình cuộc đời Thiếu tướng, từ cán bộ dân chính Thiếu tướng chuyển sang quân đội lúc nào?

-Tháng 6 năm 1949, tôi được điều lên Tỉnh ủy Quảng Bình. Tháng 12 năm 1949 tôi thay Đồng Sĩ Nguyên làm chính trị viên Tỉnh đội, rồi phó bí thư Tỉnh ủy kiêm tỉnh đội trưởng. Đầu năm 1952, chuẩn bị tổng phản công, tôi nhận nhiệm vụ phó chính uỷ rồi chính uỷ Trung đoàn 18 hoạt động trên Mặt trận Bình Trị Thiên rồi Mặt trận Đường 9 và Trung Lào, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Kết thúc kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 18 tập kết về Đồng Hới thi hành Hiệp định Genève.


-Vì sao từ bộ binh Thiếu tướng lại chuyển sang không quân rồi trở thành chính uỷ của quân chủng non trẻ này?

Do đề nghị của anh Trần Quý Hai. Sau Hiệp định Genève, thực hiện Nghị quyết Trung ương thứ 12 khóa II, ta phải xây dựng quân đội chính qui, từng bước hiện đại hóa, trong đó có xây dựng hai quân chủng mới là không quân và hải quân. Ban Nghiên cứu sân bay-tiền thân của Cục Không quân được thành lập, do anh Trần Quý Hai làm trưởng ban, tôi được điều ra làm chủ nhiệm chính trị vào tháng 1 năm 1955.


Năm 1964, Quân uỷ Trung ương quyết định hợp nhất phòng không-không quân. Tôi được cử làm phó chủ nhiệm chính trị rồi chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân, còn anh Phùng Thế Tài là tư lệnh, anh Đặng Tính là chính uỷ và anh Lê Văn Tri là phó tư lệnh. Cho đến năm 1967, không quân phát triển, Bộ tư lệnh Không quân được thành lập, tôi về làm chính uỷ cùng các anh: Nguyễn Văn Tiên-tư lệnh, Hoàng Ngọc Diêu và Đào Đình Luyện-phó tư lệnh, Đỗ Long-phó chính uỷ. Tôi đặc trách công tác chính trị và tổ chức của không quân, tuyển chọn người đi học lái, xây dựng đội ngũ cán bộ không quân.


-Trên đây Thiếu tướng có nói rằng mình về không quân theo đề nghị của tướng Trần Quý Hai, nghĩa là thế nào?

-Anh Trần Quý Hai nguyên là đại đoàn trưởng Đại đoàn 325, mà Trung đoàn 18 do tôi làm chính uỷ vốn trực thuộc Đại đoàn 325, nên chúng tôi rất hiểu nhau. Lúc anh được điều về làm trưởng Ban Nghiên cứu sân bay, như tư lệnh không quân, đã đề nghị tôi từ Đồng Hới ra phụ trách công tác chính trị. Anh Trần Quý Hai là một trong những người chỉ huy đội du kích Ba Tơ, rồi chiến đấu ở các chiến trường Bình Trị Thiên, Trung-Hạ Lào, Đông Campuchia… Anh là một cán bộ quân đội dũng cảm, tài năng; về sau được đề bạt làm Tổng tham mưu phó, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thanh tra quân đội và được thăng quân hàm Trung tướng.


-Không quân Việt Nam vừa mới “chào đời” đã lập nên những kỳ công trong cuộc đối đầu với không lực Hoa Kỳ khi chúng ném bom phá hoại miền Bắc. Theo Thiếu tướng, đâu là yếu tố quyết định cho những chiến công đó?

-Hãy quay về lịch sử của không quân. Lớp phi công, cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật đầu tiên được tuyển chọn từ bộ binh đã trải qua chiến đấu, có sức khỏe, còn trẻ; tập trung lại bồi dưỡng văn hóa, rồi gửi đi đào tạo huấn luyện tại Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc. Đồng thời từng bước khôi phục, xây dựng các sân bay và cơ sở vật chất kỹ thuật mà khi quân Pháp rút chúng đã phá hủy và tháo gỡ hầu hết.


Ngày 6 tháng 8 năm 1964, trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên được tổ chức và huấn luyện bên Trung Quốc về nước, giữa lúc Mỹ gây hấn trong sự kiện vịnh Bắc Bộ. Tháng 10 năm 1964, Đại hội Đảng bộ hợp nhất hai Quân chủng Phòng không-Không quân ra nghị quyết về xây dựng, quyết tâm chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu đánh bại các bước leo thang đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ. Nửa năm sau, ngày 3 và ngày 4 tháng 4 năm 1965, trong trận xuất kích đầu tiên của hai phi đội do Phạm Ngọc Lan và Trần Hanh chỉ huy đã giành thắng lợi: bắn rơi hai máy bay của hải quân và hai máy bay của không quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng, gây chấn động thế giới.


Hãng thông tin Mỹ AP chua chát thừa nhận: “Ngày 4 tháng 4 năm 1965 là ngày đen tối nhất của không quân Mỹ, ngày đánh dấu một sự kiện bi thảm: những máy bay phản lực siêu âm F105 mạnh nhất, nhanh nhất, tốt nhất của không lực Hoa Kỳ đã bị máy bay MiG của Bắc Việt chọc tiết”.


Tại sao thành tích nhỏ của không quân ta lại làm cho quân thù hết sức kinh ngạc, bàng hoàng? Vì chúng không hiểu nổi sức mạnh nào đã khiến cho lực lượng không quân Việt Nam non trẻ, mà chúng coi là “đàn muỗi mắt”, những “máy bay cổ lỗ sĩ” lại hạ được những máy bay hiện đại nhất và những phi công lành nghề nhất của chúng. Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh mới chỉ có hai trăm giờ bay trên những máy bay cũ, lạc hậu đã chọc tiết những “thần sấm”, “chim ưng” của Mỹ do các phi công có trên hai ngàn giờ bay trên các máy bay hiện đại điều khiển. Thật phi thường!


-Vậy điều gì tạo nên chiến công phi thường ấy, thưa Thiếu tướng?

-Đó là nhờ sức mạnh tinh thần của quân đội ta, sức mạnh của những chiến sĩ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu, mang trong mình dòng máu anh hùng của dân tộc anh hùng, biết hy sinh vì độc lập tự do Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Những ý chí và tình cảm cách mạng đó giúp không quân ta nỗ lực không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, sáng tạo những cách đánh địch chưa tìm thấy trong sách vở và ở nhà trường nào; đã có phát huy cao độ uy lực của vũ khí trang bị có trong tay, để lấy ít thắng nhiều, lấy trang bị kém hơn địch thắng trang bị kỹ thuật hiện đại của địch, càng đánh càng mạnh.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác chính trị trong không quân đã góp phần quan trọng nang cao nhân tố chính trị tinh thần-sức mạnh vô địch của không quân ta.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #38 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2008, 07:42:17 am »

-Thiếu tướng có thể cho biết công việc cụ thể của công tác chính trị lúc đó ra sao?

-Từ thực tiễn, chúng tôi rút ra ba vấn đề của công tác chính trị trong chiến đấu của không quân: Thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân, căm thù địch sâu sắc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp thiêng liêng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Trên cơ sở đó, làm cho mỗi người hiểu rõ vị trí chiến đấu và trách nhiệm của mình, hướng dẫn hành động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đánh thắng địch.


Toàn thể bộ đội không quân thấm sâu lời dạy của Bác Hồ khi người đến thăm đơn vị trước ngày xuất trận: “Ngày xưa ta có đêm, có rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, các chú phải mở mặt trận trên không thắng lợi”. Ai ai cũng đinh ninh quyết tâm giành thắng lợi trận đầy, càng đánh càng thắng để không phụ lòng tin cậy của Đảng, của Bác, của nhân dân. Những khẩu hiệu “Sân bay là chiến trường, máy bay là vũ khí, người bay là đồng chí thay ta diệt thù”, “Lập trường tư tưởng vững, kỹ thuật nghiệp vụ giỏi, đoàn kết kỷ luật nghiêm” được viết lên trong hội trường, thao trường, nhà ăn nhắc nhở mọi người biết vị trí công việc và yêu cầu đối với mình.

Tôi có làm một bài thơ để động viên các phi công (ông đọc một cách hứng thú):

Cờ quyết thắng đỏ tươi dòng máu
Đảng của ta sữa mẹ ngọt ngào
Nuôi anh sức sống dạt dào
Tung anh bay bổng trời cao chín tầng
Lúa hớn hở như mừng được nước
Nhà máy cao tưởng được thêm trời
Tiếng chim vang dậy núi đồi
Ngày xưa tiếng quạ, nay trời phượng bay
Muôn người góp một bàn tay
Chim ơi chim quyết phanh thây quân thù
Một đi quyết thắng một về chiến công

Bài thơ không hay, nhưng có tác dụng động viên bộ đội không quân lúc bấy giờ rất lớn. Khi rời khỏi không quân, tôi cũng cảm thấy tự hào mình đã góp một phần nhỏ vào sự trưởng thành và chiến thắng của không quân ta.


-Thưa Thiếu tướng, vì sao đang làm chính uỷ không quân thiếu tướng lại rời Hà Nội vào Trường Sơn?

-À, do yêu cầu của chiến trường. Tháng 5 năm 1971, tôi được điều vào làm Chính uỷ Đoàn 470-phụ trách cung đường từ Nam Lào, Đông Bắc Campuchia đến Nam Bộ, với nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam. Vào đến Bộ tư lệnh Đoàn 559-Trường Sơn, tôi gặp lại anh Đồng Sĩ Nguyên vốn trước cùng anh chiến đấu ở Quảng Bình. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên giữ tôi lại, rồi điện đề nghị Quân uỷ Trung ương để tôi làm phó tư lệnh Đoàn 559 giúp việc cho anh. Thế là từ người làm công tác chính trị trong quân đội, tôi chuyển sang làm công tác chỉ huy quân sự. Có thể nói, tôi trưởng thành trong vai trò người chỉ huy quân sự là nhờ những bài học vỡ lòng đầu tiên của anh Đồng Sĩ Nguyên truyền đạt cho tôi khi giao nhiệm vụ ở Trường Sơn và qua tấm gương thực tiễn của anh, một người chỉ huy luôn sáng tạo, giỏi tổ chức.


-Nghe nói trong một lần đi thị sát chiến trường, Thiếu tướng đã bị thương rất nặng khi xe lọt vào bãi bom từ trường?

-Vâng. Đó là loại bom Model 3 hẹn giờ mới nhất lúc đó mà ta chưa kịp phát hiện. Nó khác với các loại bom từ trường của Mỹ trước đó: ngòi nổ tự động khi tắt khi mở. Khi nó tắt thì công binh phóng từ hoặc xe cộ đi qua cũng không nổ, nên rất khó phát hiện. Nhận nhiệm vụ phó tư lệnh Đoàn 559, tôi bắt đầu đi kiểm tra các cửa khẩu chuẩn bị bước vào mùa khô 1971-1972. Kiểm tra xong cửa khẩu Đường 12-Cổng Trời, tôi cùng Binh trạm trưởng Khúc Trường Thành sang Seng Phan, một điểm chết gồm một dãy núi đá trọc, bị địch đánh phá ác liệt đến thấp dần, là nơi xe vận tải của ta hay qua lại.


Xe chúng tôi vừa đến nơi thì địch cũng bắt đầu ném bom từ trường đánh phá. Xe bị bay mui. Kiểm tra xong, chúng tôi quay về binh trạm bộ Đường 12, thì lọt vào bãi bom từ trường Model 3. Xe lật tung. Anh Khúc Trường Thành hy sinh tại chỗ. Tôi với Chính trị viên tiểu đoàn công binh, anh vệ binh và tài xế bị thương nặng. Trong tình trạng hôn mê, tôi được đưa về Binh trạm 12 để phẫu thuật, rồi ra Bệnh viện Quân y 108 ở Hà Nội điều trị hai tháng. Hiện tôi là thương binh hạng 4/4. Vết thương cột sống đang bị vôi hóa.


-Cho đến nay vẫn âm vang nhiều câu chuyện về nữ chiến dịch Trường Sơn như những huyền thoại. Là một trong những vị chỉ huy trực tiếp cao nhất của họ, xin Thiếu tướng thổ lộ vài nét về những “bông hoa kiên cường” này.

-Bây giờ tôi nhìn con gái mình lớn lên, mới thấy hết sự phi thường của các cô gái Trường Sơn. Đúng là anh hùng vô song. Họ xứng đáng với tất cả mọi lời ca ngợi. Lực lượng nữ chiếm một phần ba trong số hơn mười vạn quân thuộc Đoàn 559. Họ có mặt nhiều nhất ở lực lượng thanh niên xung phong, bảo vệ giao thông, giao liên, hỏa tuyến, quân y và hậu cần. Để bảo đảm giao thông được xuyên suốt, các cô phải túc trực thường xuyên tại các điểm nóng. Mà nơi đây, máy bay Mỹ lại hay ném bom tọa độ bằng B52 rải thảm. Trong tích tắc, họ có thể biến mất theo mảnh bom, đất đá nát vụn. Tôi luôn chứng kiến tận mắt sự hy sinh anh dũng ấy!


-Điều kiện chiến trường ác liệt là thế, vậy điều kiện sinh hoạt bình thường của nữ chiến sĩ Trường Sơn ra sao?

-Hết sức khắc nghiệt. Thiếu thốn trăm bề. Mà với phụ nữ thì… tội nghiệp lắm anh ạ! Có những đơn vị toàn nữ, sống chiến đấu biệt lập, nên mỗi khi gặp được nam giới, họ rất mừng. Do điều kiện sống như thế, nên nhiều người mắc bệnh cười.


-Bệnh cười?

-Vâng. Lạ lắm. Thỉnh thoảng tự nhiên họ cười ngất. Chẳng nói gì, chỉ cười. Cứ thế. Hình như một căn bệnh về sinh lý. Chiến tranh kết thúc, nhiều nữ chiến sĩ vì lớn tuổi, không lập được gia đình. Bệnh cười vẫn không dứt.


-Vậy còn tình yêu lứa đôi của chiến sĩ Trường Sơn? Có khi nào Thiếu tướng trực tiếp xử lý những vụ liên quan tới quan hệ nam nữ ngay trên chiến trường?

-Hầu hết chiến sĩ nam nữ Trường Sơn là thanh niên, ngoài lý tưởng cao cả hiến dâng tuổi trẻ cho độc lập, thống nhất Tổ quốc, họ còn khao khát tình yêu, hạnh phúc gia đình-khát khao muôn thuở của con người. Nhà thơ của Trường Sơn là Phạm Tiến Duật từng viết:

Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn

Nhưng chiến tranh, cuộc chiến đấu một mất một còn với quân thù đã dồn nén khát khao đó của họ. Mỗi lúc có dịp gặp nhau qua trọng điểm, lúc dừng chân binh trạm giao liên, tiếng chào hỏi, tiếng hát, tiếng cười, những cái liếc mắt đưa tình hoặc câu đùa ghẹo là lúc biểu lộ khát khao đó của họ, để rồi kẻ ở người đi, dấn mình trong đạn lửa, mang theo một kỷ niệm êm đềm. (Vị tướng chợt hạ thấp giọng). Có khi trở lại chỗ cũ, họ đã khóc thầm cắm bông hoa sim tím lên mộ người yêu mà mình chưa kịp tỏ tình!... Và con người vẫn là con người, có lúc họ đã “cho nhau” để rồi chịu đựng những búa rìu của dư luận còn ảnh hưởng nặng nề đạo đức phong kiến và sinh nở nuôi con trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn!


-Với những trường hợp đặc biệt ấy, Bộ tư lệnh 559 có cách giải quyết cụ thể ra sao?

-Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị thấm nhuần tính nhân đạo, tìm cách an ủi động viên và tạo điều kiện cho chị em đó ra tuyến sau, tìm chỗ ở và công ăn việc làm ổn định. Khi chiến tranh đã qua rồi, nhiều chị em tuy bị thiệt thòi không có được tình yêu hôn nhân, nhưng lại cảm thấy hạnh phúc được làm mẹ, sớm hôm được nghe tiếng con thỏ thẻ bên mình.


-Vâng, có lẽ trên thế giới này không ở đâu người phụ nữ phải chịu nhiều mất mát hy sinh như thế. Họ xứng đáng được phong tặng danh hiệu cao quí nhất, được lịch sử tụng ca, cả những người lỡ lầm chịu “búa rìu dư luận”. Và thưa Thiếu tướng, nghe nói khi vào Trường Sơn, Thiếu tướng Đinh Đức Thiện cũng là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp rất quan tâm đến nữ chiến sĩ…

-Đúng như vậy. Là ủy viên Thường trực Quân uỷ Trung ương, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần nhưng anh Đinh Đức Thiện thấu hiểu và lo từng chi tiết, cả những đồ dùng cá nhân thầm kín cho đời sống, sinh hoạt nữ chiến sĩ ở chiến trường. Sự quan tâm ấy của anh Đinh Đức Thiện được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp hết sức khen ngợi.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #39 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2008, 07:43:39 am »

-Trong quan hệ cá nhân, Thiếu tướng có kỷ niệm đáng nhớ nào với vị tướng nổi tiếng bởi những cá tính đi vào huyền thoại này không?

-Anh Đinh Đức Thiện cùng với anh Trần Quý Hai và anh Đồng Sĩ Nguyên là ba người có tác động lớn trực tiếp đối với tôi. Tôi quen anh Thiện năm 1968 khi anh chỉ đạo Bộ tư lệnh Đoàn 550 làm nhiệm vụ vận chuyển giao hàng cho Đoàn 559. Có thể nói, Đinh Đức Thiện là một con người thực tiễn, dám làm, dám chịu trách nhiệm, rất thương yêu chiến sĩ, nhưng hay nổi nóng, chửi tục. Và anh còn đưa… tục vào cả trong thơ một cách tự nhiên! Anh không thành kiến với bất cứ ai, nên luôn được anh em quí trọng.


Tôi nhớ tháng 3 năm 1975, hai anh Văn Tiến Dũng và Đinh Đức Thiện được Trung ương cử vào chiến trường. Tôi thay mặt Bộ tư lệnh Đoàn 559 đưa anh Văn Tiến Dũng từ Quảng Trị vào Tây Nguyên. Vừa đến nơi, tôi lại nhận được điện của anh Đinh Đức Thiện gọi ra Quảng Trị đón anh. Tôi quay ra thì anh ấy đã lên đường trước một ngày. Anh dặn anh Đồng Sĩ Nguyên nói với tôi phải chạy theo… Không đi tuyến Đông Trường Sơn quen thuộc mà anh lại bọc sang phía Tây. Đuổi đến Thateng của Lao tôi mới bắt kịp anh. Tôi ngạc nhiên: “Tại sao anh đi đường này?”. Anh cười: “Tao đi đường này để thăm lại đất Lào và Đông Bắc Campuchia. Chuyến này giải phóng miền Nam rồi thì không có dịp trở lại!…”. Anh dự cảm đúng tình hình Campuchia khi Khmer Đỏ tiến vào Phnôm Pênh.


Miền Nam giải phóng, ngày 1 tháng 5 năm 1975 tôi với anh Đinh Đức Thiện cùng đi khảo sát thành phố Sài Gòn. Anh cũng trao đổi thống nhất với tôi rằng: cải cách Sài Gòn và miền Nam phải rút kinh nghiệm của miền Bắc, chứ không sẽ gặp lôi thôi về kinh tế…


-Hình như Thiếu tướng có quan hệ thân thiết với Trung tướng Nam Long và Trung tướng Nguyễn Đường?

Sau ngày đất nước giải phóng, chúng tôi mới có nhiều thời gian gần gũi khi là láng giêng của nhau ở Tân Sơn Nhất này. Anh Nam Long là lão tướng kỳ cựu từ thời thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, chỉ huy chi đội Nam tiến đầu tiên trong buổi đầu đánh Pháp tái xâm lược. Tôi làm việc và quen thân với anh Nam Long từ khi anh còn là tư lệnh Quân khu 4 phối hợp với bộ đội không quân mà tôi là chính uỷ. Anh là người dân tộc, sống rất chân tình, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, được mọi người quí mến. Những ngày cuối đời, anh ốm nặng, mỗi lần anh em đến thăm, anh đều cầm tay khóc. Chúng tôi rất xúc động khi các con anh tổ chức mừng thọ cho anh, giữa lúc anh ốm nặng nhưng cũng cố gượng dậy ra dự. Nghe con trai lớn của anh đọc lời chúc thọ Bố và hứa giữ gìn truyền thống của bố để lại, chúng tôi không ai cầm được nước mắt.


-Thế còn với Trung tướng Nguyễn Đường?

-Anh Nguyễn Đường nguyên là bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đầu tiên trong Cách mạng tháng Tám, sau đó làm chủ nhiệm chính trị Quân khu 5. Tôi quen anh khi anh là chính uỷ Đại đoàn 305 phối hợp không quân huấn luyện đơn vị bộ đội dù đầu tiên. Sau năm 1975, tôi cũng thường xuyên làm việc với anh khi anh phụ trách tài chính Bộ Quốc phòng rồi chuyển sang làm ủy viên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Anh Nguyễn Đường là một người điềm đạm, hiền lành, giàu tình nghĩa.


-Thưa Thiếu tướng, trở lại với thời điểm mùa xuân 1975, lúc đó nhiệm vụ của Thiếu tướng là gì? Bộ đội 559 đã có những đóng góp thiết thực nào trong Chiến dịch Hồ Chí Minh?

-Ngày 15 tháng 4 năm 1975, tôi được anh Đồng Sĩ Nguyên thông báo: anh Văn Tiến Dũng điện bảo tôi vào gấp Sở chỉ huy Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Anh Nguyên giao nhiệm vụ cho tôi nắm chắc lực lượng phía trước của Sư đoàn 470. Sư đoàn xe 471 và lực lượng phòng không để bảo đảm các yêu cầu của mặt trận và thường xuyên báo diễn biến tình hình ở mặt trận về Bộ tư lệnh 559.


Ngày 18 tháng 4, sau khi bàn giao xong những việc đang làm giở cho các đồng chí khác, tôi cấp tốc lên đường. Khác với lần đi cùng anh Văn Tiến Dũng vào chiến dịch Tây Nguyên phải theo đường Đông Trường Sơn, chuyến đi này xe bon bon chạy theo đường 1 vừa được giải phóng với không khí chiến thắng tưng bừng.


Đến chỉ huy sở Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh Văn Tiến Dũng giao nhiệm vụ cho tôi giúp anh Đinh Đức Thiện-chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh bảo đảm vận chuyển hậu cần và cơ động bộ đội cho mặt trận. Trong Chiến dịch Tây Nguyên tôi đã được Bộ tư lệnh 559 phân công đi cùng Đại tướng Văn Tiến Dũng vào chỉ huy sở tiền phương của Bộ. Biết tôi nắm vững tình hình đường sá và lực lượng của 559 nên anh Dũng đã điện cho tôi vào tham gia phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh.


Các anh cho biết do ta thắng lớn và thắng nhanh nên Bộ Quốc phòng và Nhà nước huy động được khối lượng vũ khí và vật chất lấy được của địch và phương tiện trong dân nên các mặt bảo đảm vật chất cho chiến dịch rất đầy đủ. Anh Đinh Đức Thiện đã nói đùa với Bộ chỉ huy chiến dịch rằng, đạn ta có bắn đến ba đời quân ngụy chưa hết! Các anh đã chỉ thị cho tôi trực tiếp kiểm tra đôn đốc khắc phục cầu Nha Bích, tổ chức đón tiếp đoàn xe Quân khu 5 chi viện cho mặt trận do anh Võ Thứ-Thiếu tướng phó tư lệnh quân khu trực tiếp chỉ huy.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM