Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:50:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng biên ải  (Đọc 81087 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:04:42 pm »

- Anh Pao xa quê núi lâu rồi chắc không nhớ - Thầy cúng A Đa liếm mép - Xưa, có hai người là Giàng Sì và Xì Gì, người Hmông ta, tài giỏi lắm. Hai người đi đây đi đó. Một hôm họ tới bờ biển nọ, thấy một con hạc làm tổ đẻ trứng. Họ liền rình lức hạc đi vắng, mới lấy trứng hạc, đục lỗ, hút hết lòng đỏ, lòng trắng, rồi lại đặt vào tổ hạc. Hạc không biết, cứ ấp. ấp mãi không thấy trứng nở liền bay đi lấy lá chát về dịt kín lỗ hổng. Bốn mươi ngày sau, trứng nở ra hạc con.

- Ui! Giỏi thế! - Lão Sếnh kêu.

- Giàng Sì và Xì Gì mới rình lấy thứ lá đó đem chữa cho con giun, con kiến chết, các con này sống lại hết. Hai người trở về quê. ở nhà, vợ con họ đã chết cả. Hai người bèn lấy lá thuốc chữa cho vợ con. Nhưng vì lâu rồi nên xương của vợ con họ đã tàn, thuốc không còn hiệu nghiệm nữa. Hai người buồn quá. Họ liền ném lá thuốc vào hang và bảo dân làng: Chúng tôi chết đây. Sau khi chết ba ngày chúng tôi sẽ hiện lên thành cô gái dạy các người cách cúng bái, chữa bệnh.

Lão Sếnh nhổm phắt dậy, búi tóc tuột thõng dài xuống mặt ghế:

- Sao tôi không biết chuyện này nhỉ?

- Đấy là cái gốc của cúng bái - Thầy cúng lia mắt về Pao, đầy ác ý - Cái lý người Hmông cũng vậy. Đừng có bỏ!

Pao nhột người như chạm vào sâu róm. Đó là cái phản ứng xấu đầu tiên Pao nhận được. Hố pẩu không để ý tới việc đó, lại nhấc chén vui vẻ.

- Nào mời bác - Hố pẩu nhìn ông già tam thất - Cháu Dín đâu, sao không thấy nó sang, bác? Thằng Pùa nhà tôi nó hay lên trại chơi, bác phải nghiêm với nó bác nhé. Đừng cho nó vào vườn nghịch.

- Dà, cái vườn tam thất thì chả ai vào được đâu - Ông già tam thất cười - Mà cháu Pùa nó ngoan. Nó còn giúp tôi canh trại mà. Vừa rồi có bọn lính rút qua hỗn quá, định vào cướp… Chà, cây tam thất bảy năm mới có được củ to…

Lão Sếnh nghển sang, tay búi lại tóc, lô la:

- Khó thế đấy! Làm ăn giờ khó thế đấy. Ngày xưa có người Hmông ta đi tìm được một cái nước gọi là Nước Sung Sướng. Đường đi khổ lắm. Qua một hẻm núi có hai đao phủ gác, muốn qua phải tự cắt đầu mình. Rồi lại phải đánh nhau với thuồng luồng, rắn lớn. Nhưng đến được thì sướng lắm. Gà ở đó ăn tiền nhé. Lúa, ngô chín, tự nó bay về. Bí chín, tự nó lăn về. Về sau, có người đàn bà lúc lúa chín không chịu quét kho, không chịu quét sân, lúa ngô, bí chê bẩn không tự về nữa.

Như tìm được dịp, Pao đặt bát rượu, bắt chuyện:

- Thế thì ta phải quét dọn cho sạch trong sạch ngoài, cụ ạ. Đường đi đến Nước Sung Sướng gian nan nhưng bền lòng đi phải tới. Tới thì ta bền nơi ở, bền nơi làm.

Đó là câu nói dài đầu tiên của Pao, kể từ lúc vào bữa rượu. Giọng Pao trẻ, nhưng âm vang sắc thái thuần thục. Thầy cúng A Đa cúi xuống húp soạt một thìa canh, le lé liếc trộm Pao.

Lúc ấy, đám đàn bà con gái ăn cỗ ở trong bếp đã lục tục ra về, ở mâm Pao ngồi ăn, câu chuyện đang đứng lại, thì chợt lão Sếnh đặt chân xuống đất đánh phịch, ngảnh ra sân, reo to: “Ông lý Giàng Súng!” và giọng thằng Pùa cất lên lanh lảnh ở hiên “Cha ơi! Anh Lử về...”.

Hố pẩu Giàng Lầu lập cập đứng dậy.

Bọn người tụ hội ở nhà lý trưởng Giàng Súng đã tan cuộc, đang bước vào sân. Giàng Súng áo ca pốt dạ, cắp ô đen, cao gầy, đi đầu. Theo sau là Lử và Seo Cấu.

- Mời ông lý! Mời ông lý - Hố pẩu vồn vã - Lử, con về đấy à? Mời anh Cấu, các anh...

Giàng Súng treo ô lên vách, xoa tay:

- Hố pẩu đừng gọi tôi là ông lý nữa. Đời mới đến rồi. Vả lại, quan là chức thôi, còn thì vẫn là dân. Như cháu Pao đây. Cháu Pao là quan to Việt Minh. Nhưng về tới làng thì lại là con cháu họ Giàng ta chứ. Mà đời mới thì ai cũng chẳng như ai. Có phải không, cháu Pao?

- Đúng quá rồi!

Seo Cấu gào, xấn tới ngồi chen vào giữa ông già tam thất và A Sinh. Lử lừ lừ đi vào, chẳng nói chẳng rằng, đặt đít xuống ghế, lưng chạm vào sườn lão Sếnh.

Mâm rượu bỗng phình to. Bà cô Doa bưng hai bát miến, một bát thịt tới tiếp thêm. Hố pẩu rót rượu vào mấy cái chén mới. Pao ngồi lui ra như để ngắm kỹ hơn mọi người và nhận thấy nhiều cái nhìn trộm chớp qua mặt mình. Không khí có gì như ngập ngừng, giống như tiết trời lửng lơ, không biết đi về đâu.

Mâm cỗ chia thành hai nhóm tức khắc. Nhóm dưới: Lử, Seo Cấu, Giàng Súng, lão Sếnh ăn uống sùng sục. Nhóm trên chỉ nhấp rượu như để nghĩ ngợi cho thêm phần sâu xa. Âm thầm vui sướng nhất lúc này là cha Pao. Cha ngồi, không nói, mắt hiền từ hết nhìn Pao lại nhìn Lử. Các con đã về. Vậy là sau bao năm loạn ly điêu linh tan tác, mỗi con một ngả, giờ hai con đã trở về làng quê.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:32:48 pm »

Nâng chén rượu, chòm râu rung rung, mắt hố pẩu nhoà lệ:

- Ông bà tổ tiên họ Giàng để phúc đức cho con cháu.

Nhấc chén theo hố pẩu, Giàng Súng nghề ngà:

- Nào! Rượu mừng!

Pao đứng dậy, đĩnh đạc:

- Cha, con có mấy lời trước khi uống chén rượu này. Con đã đi theo Cách mạng. Được Cách mạng dạy dỗ, giờ, Cách mạng bảo con về làng ta cùng mọi người đoàn kết xây dựng đời mới. Vậy, chén rượu này là chén rượu đồng lòng, chén rượu đoàn kết!

Mấy chén rượu cùng nâng. Những cái đầu cùng ngửa. Không khí hưng hửng vui, nhưng sự chan hoà vẫn có một vẻ gượng gạo thế nào. Vả, ở nhóm dưới đang chộn rộn bỗng bật lên một tràng cười thật thô lỗ. Seo Cấu bá vai lão Sếnh, ngả ngốn:

- Bây giờ, chỉ có ông Phơ-rô-pông và bọn đi theo ông ấy là sướng thôi.

Lão Sếnh vỗ vai Lử, cười hắc hắc:

- Vợ chồng đánh nhau không bỏ được cái giường. Anh em đánh nhau cũng không bỏ được  nhau đâu, ông Lử ơi!

Giàng Súng cầm đũa bới đĩa xào. Lão tìm cái gì? A! Tìm quả tim gà. Quả tim cắt đôi rồi. Lão gắp một miếng đặt bát Pao. Pao lặng lẽ nhón miếng tim bỏ ra rìa mâm. Vừa lúc, Lử ngồi thẳng dậy, thấy Giàng Súng vừa đặt vào bát mình nửa quả tim gà, liền xua xua tay, gắt: “Tôi không ăn tim đâu!”

Giàng Súng bật ngửa đầu, hể hả:

- Các cháu đi xa mà còn nhớ lý dòng họ đấy. Ngày xưa, họ Giàng ta ở cạnh nhà người Hán, hai nhà kết nghĩa thân gia. Một hôm, nhà họ Giàng ta mổ lợn cúng. Lúc múc thịt, không thấy quả tim, người anh mới hỏi người em. Người em nói không biết. Người Hán thấy vậy liền rỉ tai người anh: “Em anh nó ăn vụng đấy. Thật mắt tôi trông thấy mà!”. Người anh tức giận bắt em phải mổ bụng ra xem. Bụng em mổ ra, quả tim không thấy, chỉ thấy cái nấm. Tới lúc xong buổi cúng, múc hết chảo thịt mới thấy quả tim dính, cháy ở đáy chảo. Từ đấy họ Giàng ta kiêng ăn tim, giữ lời nguyền: không nghe lời kẻ ngoài dòng họ!

- Phải rồi, người ngoài họ tộc độc bụng lắm - Ông già tam thất nói.

- Chỉ có họ Giàng ta tin nhau thôi - Giàng Súng nhìn Pao - Cháu Pao à, bóng dù phải che cán dù chứ nhỉ?

- Na nủ Lồ cũng tốt chứ! Ngài cho ta con hổ - Lão Sếnh phồng mồm nhồm nhoàm nhai.

Seo Cấu lắc đầu, đập tay xuống bàn đánh thình:

- Không có na nủ Lồ gì hết! Họ Giàng ta, hổ xám là ông Giàng A Lử.

Cả mâm cỗ chỉ có Lử là im lặng. Hắn tợp một hụm rượu và cứ ngậm hụm rượu trong mồm. Mặt hắn tái nhợt, hắn đã nốc đầy bụng rượu ở buổi ăn thề lúc nãy rồi. Và bây giờ, cái răng sâu lại tấy nhức.

- Lử, ăn đi con... - Hố pẩu nhìn Lử, dịu giọng, xót thương.

Lử đưa tay cúi xuống nhổ ngụm rượu vào chân bàn và đứng dậy, tay vẫn ấp má. Seo Cấu đứng dậy theo. Chợt, ông già tam thất kêu: “Ơ, sao kéo cái túi tiền của tôi, ông Cấu”. Cấu buông tay, cười hí hí rồi đi theo Lử. Lử bước khật khưỡng.

Pao đứng dậy.Lử đang định đi đâu?  

Bỗng... huỵch... Lử vướng cái bậc cửa, ngã dập xuống, nửa người ở ngoài hiên. Seo Cấu kêu:

- Ông Lử bị ba chục chén rượu vật đổ rồi!

Hố pẩu cuống quýt chạy tới. Pao nâng Lử dậy. Hố pẩu sờ ngực Lử:  

- Vào cạnh bếp lửa đi! Đi đâu nữa bây giờ, con! Về ngủ bên bếp lửa nhà mình, con à.

Hai cha con khiêng Lử vào nhà. Lử bắt đầu mê man li bì...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:37:18 pm »

VI

- Dậy! Dậy, anh Lử!

Lử choàng dậy, hốt hoảng; nhưng khi thấy gương mặt thằng Pùa ở đầu thang, chợt hiểu ra hoàn cảnh mình đang sống, hắn lại nằm vật xuống. Mùi khói bếp quện trên gác và tiếng chảo nước đồ bột ngô sôi lục ục ở dưới nhà khiến hắn nhận ra, hắn đang ngủ trên cái gác nhà hắn, một căn nhà Hmông bình dị.

Lử ba mươi tuổi. Nhưng, chẳng ai tin hắn còn ít tuổi vậy. Ba mươi tuổi mà sao lại nhiều  thói xấu và tội ác đến như thế. Mười tuổi, ăn cắp trứng. Thêm tuổi nữa, trộm gà. Vào tuổi thanh niên, theo Seo Cấu đi cướp đường, vào Quốc dân đảng. Lử càng trở nên tồi tệ khi cơn ly loạn năm 1945 - Nhật đảo chính, Tàu trắng kéo vào, Việt Minh đánh lên, Pháp trở lại - như cơn bão lớn thổi đến vùng này. Khát khao tiền bạc, Lử còn ước muốn cả danh vọng. Để dục vọng sai khiến, hắn bán mình cho các thế lực phản động. Rồi hắn đăng lính, nhờ hung hãn mà leo dần lên chức quan một, đồn trưởng đồn pạc-ti-dăng Cán Cấu, sống những năm tháng cuồng phóng không giới hạn.

Chớp mắt, nằm ườn, Lử nhìn vệt nắng chênh chếch đầu hồi. Buổi sáng trong lành rộn rã. Dưới sân đàn vịt kêu cạc cạc vui vẻ. Con gà trống vỗ cánh, tiếng gáy thật cường tráng. Tiếng người phụ nữ gọi đàn lợn thả rông về ăn bữa sáng trong vắt, thiết tha. Và ngoài đường, bước chân của đoàn ngựa đi lên rừng chè nhộn nhịp cả xóm thôn.

Lử ngáp, thấy đói và buồn tênh! Những ngày xưa, khi Lử là quan một còn ở đồn binh, nào đã xa gì! Hôm qua, hôm kia gì đó thôi. Mở mắt dậy đã có cái bàn đèn ở bên cạnh và tên lính hầu đẩy cửa bưng vào một đĩa đầy những là xúc xích, lạp xường, bít tết... “Ông một chỉ một gang tay nữa là bằng na nủ Lồ bên Pha Linh thôi!”. Tên lính hầu láu cá cười nói vậy. Nó biết Lử cay Lồ. Lồ nổi tiếng hơn hắn, được người Pháp tin cậy hơn hắn. Lồ là quan hai hơn Lử một bậc. Nhưng, tên lính hầu chết rồi. Đồn Cán Cấu tan tành. Việt Minh như nước lũ tràn tới, chiếm Pa Kha, vượt qua Lũng Phìn, Xín Chải... tới tận Pha Linh. Và cơ nghiệp Lồ cũng đã thành tro bụi như cơ nghiệp Lử, nào có hơn gì!

Nằm thừ, ngọ nguậy cái lưỡi nhạt đắng ngọ nguậy, Lử nghĩ tới bữa tiệc ăn thề với Phơ-rô-pông, nghĩ sang những đứa con gái, rồi nghĩ tới cái răng sâu và con nhái cùng lúc nghĩ tới những lời dặn dò của viên quan tư... Hắn không quy tụ được ý nghĩ của mình.

- Dậy! Dậy, anh Lử! Cha bảo anh xuống đẩy cối chè với anh Pao.

Thằng Pùa lại ló mặt ở đầu thang, gọi. Mặt nó tròn, tai nó to, y hệt Pao. Nó không giống Lử. Gia hệ như dòng sông có hai nhánh, hoàn toàn khác biệt nhau từ hình vóc, diện mạo tới tính tình.

“Ừ, thì cứ tạm có chỗ ăn, chỗ ở đã. Tính sau!” - Lử nghĩ tỉnh táo, ngồi dậy, uể oải xuống thang.

Nắng sớm vàng như bột ngô.

Cái sân trước nhà sạch quang. Cái cối chè hôm làm đám bà cụ Xoá tháo ra, nay đã được lắp lại. Đó là một cánh tay đòn bằng cây sa mu bóc vỏ, dài đến sáu thước, gắn với một cái trục thẳng đứng ăn liền với hai bộ bánh xe răng khế bằng gỗ xương gấu, quay trong một cái cối gỗ chôn dưới đất. Chè tươi hái về cho vào đó vò. Rồi sau đó đem phơi, sao, sấy. Mấy năm nay, nhà hố pẩu có thêm nghề phụ này. Túng thiếu qúa, bốn năm miệng ăn mà có tay làm đâu!

Tháng này đang cữ vụ chè ba. Trên rừng chè nguyên thuỷ ông bà tổ tiên để lại, từ những cành nhánh thân chè cổ thụ, vào mùa này đã nảy những búp non tơ bụ nhựa vàng ánh. Làng đỏ bếp lò từ lúc trời đất còn tối mờ. Tảng sáng, người ngựa đã tới rừng chè. Buộc ngựa dưới gốc, người leo lên cây. Cây chè lão đại, thân to tày người ôm, tán xoè cả vòng đất rộng. Người bò trên cây, ăn uống ngay trên đó, hái cả ngày mới hết búp một cây.

Khoảng chín giờ là lúc đợt ngựa đầu tiên về. Nhạc ngựa roong roong trên các ngã đường thôn. Nhà hố pẩu có ba trăm gốc, vụ này được mùa, phải thuê người hái. Chè về từ bữa qua, còn rải trong bếp. Bà vợ kế hố pẩu và Pùa đang khiêng từng sọt chè ra sân. Con chim hoạ mi nhảy tanh tách trong cái lồng treo ở hiên.

Pao sửa lại cái chốt rồi đứng chống tay vào cần cối, đợi Lử. Nắng sớm hắt từ đầu hiên lại, mặt Pao đỏ hồng. Vóc cao lớn, cân đối, khuôn ngực nở, cái cổ rám nắng, rắn chắc nổi trên cái áo cộc tay màu rêu, cổ vuông. Pao khoẻ, một mình vác nổi con ngựa hai tuổi rưỡi, năm nào bị bọn Lử trói vào gốc cây vông, nhổ bật cả gốc vông lên trốn được, từ ngày đi làm cán bộ Việt Minh,. không biết đến viên thuốc. Trông vóc dáng Pao mà thèm. Bắp tay nổi múi thịt. Chân to, bàn chân dày, gai góc phải sợ. Vai rộng, đặt tảng đá lớn lên cũng vừa. Nhưng mặt Pao, vóc dáng Pao, thần thái Pao lại thuần phác, hiền từ.

Lử dụi mắt, bước xuống sân. Ngẩng đầu lên, mặt vừa chạm thân hình Pao, hắn liền sững lại.“A! Thằng Pao!”. Như lần đầu tiên nhìn thấy Pao, Lử hơi hoảng. Nhưng đó là nỗi hoảng hốt vì bất ngờ. Trấn tĩnh lại, ngáp một cái rõ dài, hắn vặn lưng khục khục rồi điềm nhiên bước tới.“Hứ, mày là con sói thì tao là con beo!”.

Thằng Pùa đổ chè vào cối, đứng dậy, hớn hở:

- Anh Pao một bên! Anh Lử một bên. Đẩy thi nào!

Lử chống tay vào đầu cần cối. Bên kia, Pao đã xoải chân, dún. Cái cần chuyển động. Trục cối quay. Và những bánh xe răng khế trong lòng cối quấn búp chè kêu khạp khạp nặng nề. Nặng! Nặng thật! Nhưng chỉ nặng mấy vòng đầu. Bắt đầu có đà khi những hàng răng khế đã khớp. Chè bị cuốn vào trục, quay, tả ra ở rìa cối, nhầu nhã, xanh thâm. Theo một vòng tròn, nước chè xanh đặc tứa ra, tụ lại, ri ri chảy.

Kịt kịt... cối vò chè quay.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:44:16 pm »

Lử ngửa mặt. Hắn có đẩy đâu. Hắn bám vào cần cối, chạy theo vòng quay nhờ sức của Pao. Pao tì cả hai tay vào cần cuối. Bàn tay Pao to đầy, tập trung sức lực của toàn thân.

Cần cối quay nhanh dần. Loáng qua mắt Pao căn nhà, cái chuồng lợn, tầu ngựa, cái quan tài, bóng thằng Pùa, bóng cha. Hình như có khách đến chơi, cha đang mời người đó vào nhà. Tiếng trẻ khóc trộn trong tiếng con hoạ mi hót. Khoảng trời xanh quay vòng trên đầu Pao khi Pao ngửa cổ nhìn lên. Hạ mắt xuống, mắt Pao vướng cái hình Lử ở đầu cối bên kia.

“Anh em không bỏ nhau được, thế đấy! Nhưng nó có còn anh em với mình? Nó hiếp chị dâu Pàng đến nỗi chị phải quyên sinh. Nó giúp thằng Seo Cấu cướp Seo Ly của mình. Nó trói mình vào gốc vông, định giết mình. Chưa kể nó đi theo con đường phản động. Còn đâu là anh em?”.

Lử cúi gằm. Tiếng cối rít nghiến vào óc hắn.

“Đ. mẹ thằng Pao! Tao còn nhớ cú đấm của mày vào ngực tao hồi nào. Mày bênh thằng Việt Minh. Tao tiếc đã để xổng mày. Định tiệc xong bọn tao sẽ xử mày mà mày đã nhổ cây vông trốn mất. Mày theo Việt Minh. Còn tao, tao thù Việt Minh cho đến lúc nào tao ở dưới ba tấc đất đen. Anh em đ. gì với mày!”.

Thằng Pùa bê một sọt chè nữa ra. Nó đặt sọt chè xuống đất, định bám cần cối bên Pao.

- Em sang giúp bên kia đi.

Pao bảo em, lại mắm môi, dồn hơi lấy sức đẩy. “Không có anh em với nó! Nó về đây rồi, thật lòng ăn năn thì không tính chuyện cũ. Nhưng, nó thế nào? Bụng nó trắng hay bụng nó đen?”.

Thằng Pùa vừa bám vào cần cối cạnh Lử liền kêu ối, rụt tay lại. Lử đã đánh vào tay nó, quay lại nghiến răng.

- Mặc tao! Mày theo bên kia thì theo đi!

Rồi Lử áp cả bộ ngực lép vào cần cối. Bây giờ, hắn dồn sức đẩy thực sự. Hắn nổi cơn điên. “Mẹ mày! Tao chưa thua mày đâu, hỡi thằng Pao kia!”.

Cần cối quay như cái chong chóng gió.

Khoảng sân náo động. Ngồi trong nhà, hố pẩu uống trà với ông khách mới tới - ông già tam thất, mắtnhìn ra sân mà lòng dạ nôn nức, không lời nào diễn đạt được. Có sáng nào đẹp như sáng nay. Cái cảnh con cái thuận hoà, một lòng một dạ vui vẻ làm ăn, ngày nào đã có, mấy năm rồi tưởng đã mất hẳn, chao ôi, nay đã trở về, hiển hiện ngay kia rồi. Sung sướng quá, các con đã trở về, trở về sau bao nhiêu mong đợi, khổ đau, tuyệt vọng, sau bao bất hoà, ly tán, thù hằn. Các con đã trở về với ngọn nguồn tổ tiên. Hãy trôi đi tất cả hận thù ngày cũ. Hãy trôi đi buồn tủi, đớn đau.

- Ối, anh Lử!

Ngoài sân chợt bật lên tiếng kêu của thằng Pùa. Hố pẩu vội đứng dậy, hấp tấp bước ra. Lử đã dồn sức. Hắn sôi máu hằn thù. Hắn muốn tỏ rõ bản lĩnh mình bằng sức đẩy cái cần cối. Nhưng lực hắn xổi, và vốn chỉ quen ăn không quen làm, nên được chục vòng quay, hắn đã mệt rã, buột tay, ngã giụi xuống đất.

- Đỡ nó dậy! Đỡ anh dậy, Pùa!

Hố pẩu kêu rối rít. Pao ghìm đà quay của cái cần. Pùa nhấc bả vai Lử. Ông già tam thất nhanh nhẹn bước tới, ngồi xuống định đưa tay đỡ Lử đứng dậy. Nhưng Lử gạt phắt. Đứng dậy, Lử đưa tay quệt mồm. Mồm hắn đỏ máu. Mắt hắn cũng đỏ máu. Cái khăn đội đầu lệch chéo, lộ cái đầu méo mó lởm chởm tóc. Hàng ria đen sì lấm đất, hắn nhổ phì phì.

- Đừng cố, con à. Lâu chưa làm, làm dần dần tí một đã.

Hố pẩu nhìn Lử, giọng ngập xót thương. Ông già tam thất cắn cắn môi, gật gù:

- Khí sắc cậu kém quá rồi, cậu Lử. Hôm nào cậu sang trại, tôi xem bệnh cắt thuốc cho. Hố pẩu à, giận dữ qúa, dễ hại gan lắm đấy!

Lử phắt đầu, liếc nhanh mặt ông già tam thất, rồi quay đi. Tưởng hắn lại đẩy cối. Nhưng không, nhổ phịt một bãi nước bọt, hắn chửi: “Đ. mẹ, ở đây làm kiếp ngựa thồ à!”, rồi không nói với ai một câu, đi thẳng ra cổng.

Hố pẩu ớ người, đứng như cái cột đá giữa sân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:49:08 pm »

*

Cái cần cối lại quay.

Bên kia là thằng Pùa. Nó đứng chỉ đến vai Pao, hơi còi và còm, nhưng nó nhoai người, gắng sức đẩy. Sức nó còn non, nhưng nó làm cho Pao vui thực sự với công việc. Bây giờ, không có Lử cái cần cối quay thật nhẹ nhõm. Pao vui. Có lẽ còn vì câu chuyện quay vòng theo cái cối chè của thằng Pùa.

Nhưng lát sau, cái cần cối bỗng dưng trượt khỏi sức đẩy của Pao. Thằng Pùa líu tíu: “Anh A Sinh! Anh A Sinh”. Pao ngẩng lên. Bên kia cần cuối, một chàng trai cao hơn Pùa nhưng nhỏ nhắn, ống tay áo chàm rách xơ, cắm cúi đẩy cần cạnh Pùa. Cái cần cối quay vu vu.

- Thôi nào, mấy anh em. Dừng cối để bốc chè nào!

Bà vợ kế hố pẩu bé nhỏ, vỗ cái mẹt, tươi cười nói. Hiên nhà đã đặt mấy cái lò sấy, khói than bốc nghi ngút.

Pao và Sinh hãm cần cối, đi lại gần nhau.

- Tôi chưa sang chơi nhà anh đấy, anh Sinh ạ.

- Nhà em ở gần ngay đây thôi - Sinh đáp rụt rè.

Pùa đang bốc chè nghển lên:

- Anh A Sinh là thầy khèn đấy, anh Pao à.

Vừa lúc, ngoài cổng có bóng một phụ nữ. Người này còn trẻ, trắng lốp, ngực to ụ. Quay lại phía sau nói với một anh bộ đội người to ngang, đeo cái xà cột da đỏ, giọng người phụ nữ lồ lộ chớt nhả:

- Nhà anh Pao đây, xong anh lại chơi nhà em không em giận đấy, anh nhé.

Pao bước ra cổng. Người bộ đội mở xà cột, lấy ra một bì thư, cười thật thà:

- Tôi là Na, bộ đội trên châu, đem công văn cho đồng chí. Dà, trông thì gần mà leo dốc toát mồ hôi mới lên tới đến nhà. May mà gặp cô gì đây...

- Seo Váy đấy! - Thằng Pùa nhanh nhảu.

Anh bộ đội cười hề hề, cầm mũ quạt rồi theo lời mời của Pao vào nhà uống nước. Hố pẩu vừa đi đâu rồi? Hương chè sấy nực thơm căn nhà. Pao đứng ở hiên, cạnh cái lồng chim hoạ mi, đọc công văn . Công văn chỉ định Pao làm chủ tịch lâm thời Can Chư Sử, hẹn  tết Hmông sẽ bầu cử Uỷ ban hành chính kháng chiến ở các xã mới giải phóng.

VII

Tết người Hmông.

Cứ đúng mười hai tháng, mỗi tháng tròn ba mười ngày không sai, cái tết lại tới. Đêm ba mươi, lại như thường niên, hố pẩu tắm nước nóng, thay quần áo mới, ngồi nghe tiếng chó sủa, chờ tiếng gà gáy để lấy khước. Gà gáy lần thứ hai, bà vợ kế dậy, vác ống nước ra khe lấy nước mới, trịnh trọng như lấy điều may mắn về nhà. Sáng mồng một, trên bãi đá Can Chư Sủ, phơi giữa thanh thiên, sặc sỡ các sắc màu của váy, áo, ô, dù. Hoa đào chưa rộ, nhưng vừa đủ hồng cho bãi đá thêm phần tươi ấm.

Quả núi sau làng vẫn là nơi mở hội leo núi chơi xuân. Trên ấy, ngất nghểu một ngọn nêu, đỉnh treo mặt ông trăng vàng thắm. Quả pa pao đuôi vải năm màu bay đi bay lại. Người quần tụ trong cái dây thừng làm ranh giới khu mở hội. Lấp ló dù xanh ô đỏ. Chơi vơi tiếng hát ai đó:

Ngày tận, tháng hết rồi
Cô mình ơi
Dòng suối vẫn trôi
Nhưng luống cày không mất
Tình đôi ta thẳng tắp như luống cày...


Vẫn như mọi năm, ông Giàng Súng giàu có đứng ra đăng cai mở hội. Nhà ông, từ tinh mơ, gái gầu phàng năm cô đã nấu xong chảo cháo to. Mấy ngày tết, ai đói cứ tới múc ăn. Ông Giàng Súng cười hở lợi:

- Đời mới rồi! Không còn đánh nhau! Không còn phân biệt, ai cũng bằng ai, vui quá!

Tết này là cái tết đầu tiên không có tiếng súng nổ. Lại thêm sự sum họp. Trai làng đi dõng hơn hai chục người đã về cả, kể từ Lử. Cái tết lại chập làm một với ngày hội bầu cử Uỷ ban. Chả mấy người biết chữ, nên phải bầu bằng giơ tay. Pao trúng chủ tịch. Hai phó chủ tịch là hố pẩu Giàng Lầu và ông nhà giàu Giàng Súng, nguyên lý trưởng Can Chư Sủ. Bà Doa là uỷ viên văn xã. A Sinh là uỷ viên quân sự. Cái vui khiến những thú vui đánh quay, trò chuyện quanh khay thuốc, hũ rượu của các cụ càng đậm. Cái vui khiến các trò chơi cổ truyền ngày tết như thi ngựa, đánh én, ném pa pao, múa khèn, chọi chim mi của cánh trẻ càng nồng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:53:18 pm »

Càng trưa, cái vui càng đậm đà, náo nức. Nhưng đông nhất, ồn nhất là đám chọi chim tổ chức ở sân nhà Pao. Trước hai cái bàn áp sát nhau làm nơi đặt lồng chim chọi, xếp một hàng ghế để các cụ ngồi. Lão Sếnh làm trọng tài.

Pao đi thăm các đám vui, quay trở về nhà thì đã quá trưa. Vừa lúc đến lượt con chim của Pao do thằng Pùa đăng tên vào hiệp đấu.

Lão Sếnh the thé:

- Giờ là con chim của chủ tịch Pao đấu với con Triệu Tử Long của ông Giàng Súng. Hế hế... Con Triệu Tử Long đã đánh bại chín con. Giờ, xem nhé - Chợt thấy mặt Pao ở sau đám đông, lão liền đổi giọng: - Con Triệu Tử Long biệt hiệu là Cướp vợ. Hế, nó từ đâu đến, đánh con chim chồng ở thung này, đuổi chim chồng đi, rồi cướp vợ... Hế!

Hai cái lồng áp vào nhau. Giàng Súng ngồi dịch lại cạnh bà Doa: “Con chim này tôi đổi một tạ thóc đấy. Thật là danh điểu, bà ạ”. Lão Sếnh giơ tay:

- Luật đánh như cũ nhé. Chạy là thua. Ba lần không xuống nghênh chiến là thua. Nào, mở áo lồng, rút then cửa chiến!

Người xem cùng a một tiếng khi hai tấm vải đỏ che lồng cùng mở. Con Triệu Tử Long đẹp thật, như một tráng sĩ, vừa hào hao, và uy vũ. Màu lông xám nhạt. Dáng củ đậu, lại to con. Mắt hoả nhỡn chu sa, đỏ rực. Chân thiết cước rắn chắc. Cạnh nó, lồng bên là cô chim mái nhỏ xinh, màu vàng tro. Rõ ràng con Triệu Tử Long là một trang công tử võ nghệ cao cường và quen với chiến trận. Cửa chiển vừa mở, nó liền liếc cô chim mái một cái, rồi phốc ngay xuống nghênh chiến, điệu bộ vừa táo tợn, vừa khoáng đạt.

Trong khi ấy, con chim của Pao còn đang nghênh mỏ ngơ ngác. Cạnh con Triệu Tử Long, nó chỉ là con chim mồi mộc mạc. Đã nhỏ con, lại xấu mã. Lông vũ kém mượt mà. Dáng dấp qủa vả. Chân gân hươu. Mắt vàng đục. Chỉ được cái vẻ gan lì và tự tin. Anh chàng chẳng để ý gì đến cô chim mái và lờ cả... địch thủ.

Thằng Pùa bồn chồn giục: “Xuống đi, xuống đi không là thua đấy!” Ba lần, nó mới sà xuống. Ngay lập tức, hai con chim như dính chặt vào cửa chiến.

Lão Sếnh reo khoái trá:

- Đánh nhau rồi! Ái chà! Lông tung như bươm bướm. A! Con Triệu Tử Long nó khoá. Hế! Thật xứng là đệ nhất danh điểu!

Mắt Pao nong nóng, khó chịu. Được thua cái trò này có ý nghĩa gì mà sao lại thế? Pao tự nhủ. Thằng Pùa nhấp nhổm sau cái bàn, như sắp khóc. Pao định bỏ đi. Nhưng đám đông reo ầm ầm. Con chim của Pao đã ra khỏi miếng khoá của con Triệu Tử Long, nhảy lên cái ngáng, chọc mỏ xuống ống nước uống, rồi sau đó ngẩng lên, búng cánh, xù lông, bất ngờ rúc lên một chuỗi dài líu lô.

Ngang chưa! Giờ thì Pao đã nhìn ra cái tướng lạ của nó. Máu rỉ ở cánh nó. Một ngón chân bị quẹo. Nó đã bị một đòn đau. Lông vũ xơ xác. Nhưng trông kìa, mắt nó vàng vậy mà ngước lên thì chuyển sang màu đỏ chói. Cái dị tướng ẩn giờ mới phát tiết ra ở cái vẻ điềm nhiên, không hề nao núng của nó. “Đời người cũng vậy thôi. Chớ ngã lòng và phải biết cách thoát khỏi các miếng khoá”. Pao nghĩ. Và con chim của Pao đã lập tức nhảy xuống bàn chiến, xông vào trận sống mái với con Triệu Tử Long lúc này sau hiệp đầu áp đảo địch thủ, vẫn ngạo nghễ đứng đợi.

Tiếng người lại ồn ồn:

- Hay quá! Hay quá! Kìa, nó khoá song sa!

- Thần điểu Triệu Tử Long quả là không ngoa nhé.

- Úi, nó khoá cổ, mổ phao câu!

Hai con chim ríu vào nhau. Con chim của Pao lại ở thế bất lợi. Hai chân nó lại bị khoá chặt. Mỏ con Triệu Tử Long thò sang, nhọn hoắt, hai mắt nó long lên, ác hiểm. Và Pao thấy nhói buốt mỗi khi con chim nọ cắm mỏ xuống, con chim của Pao lại ngửa cổ, nghiêng mặt tránh né. Điều an ủi duy nhất với Pao lúc này có lẽ chỉ là con chim cuả Pao không hề kêu rên một tiếng nhỏ. Nó gan góc chịu đựng các ngón độc thủ của con Triệu Tử Long.

Lão Sếnh gãi đùi, thích chí cười khành khạch:

- Nó sắp móc mắt con chim của chủ tịch Pao đấy nhé. Con Triệu Tử Long được uống rượu bắp với thuốc bắc cơ mà! Có phải không, Giàng ly trang?

Giàng Súng tủm tỉm cười, tay vân vê râu cằm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:57:37 pm »

Thằng Pùa lẻn đến bên Pao, ngước lên, mắt nhoáng nước: “Anh Pao ơi! Con chim khéo chết mất”. Pao im lìm. Pao chờ đợi điều gì? Và, thật đột ngột, cả đám người sành chơi chim bỗng đứng cả dậy, reo; chính Pao cũng “ô” lên một tiếng kinh ngạc. Giây phút tuyệt vọng đã chấm dứt. Con chim của Pao, con chim đã theo Pao đi vận động kháng chiến mấy năm qua, con chim đơn sơ mộc mạc như đời Pao, đã bất ngờ và khéo léo gỡ khỏi miếng khoá nữa của địch thủ, hơi lùi lại. Nó đã biết được sở trường của địch thủ là quen đánh xa, đánh tài tử và tàn bạo. Nó tìm cách đánh khác và chỉ trong nháy mắt, nó đã tìm được cơ hội, nó lao tới, bất ngờ vít được cổ con kia, kéo mạnh sang bên lồng này với một động tác quyết liệt gần như bóp cổ. Rồi khi con kia há mồm kêu choe choé sợ hãi thì nó thọc ngay cái mỏ nhọn như gai chanh vào trúng họng địch thủ. Đòn trả đòn mới ác liệt làm sao! Con Triệu Tử Long kêu choét một tiếng, được buông ra, rụt cổ về liền giúi giụi vào thành lồng, mỏ ho hó dính đầy máu đỏ.

- Đòn sáp hồng!

- Trời! Ngón đòn rút lưỡi, ác quá!

- Con chim cướp vợ hết đời rồi.

Tiếng người xôn xao kinh dị và bàng hoàng. Con chim của Pao nhảy lên sào, rũ lông, hót hai tiếng, chúc mỏ xuống uống nước, rồi nghển lên nhìn quanh, ngơ ngác. Chiến thắng cũng giản dị vậy thôi ư?

Thằng Pùa nhảy lên, reo. Lão Giàng Súng nhảy tới bên con Triệu Tử Long, mặt xám ngoét, lẩy bẩy mở cửa lồng.

Pao lảng ra chỗ khác. Lão Sếnh kéo tay anh, cười nịnh:

- Thật là linh điểu! Linh điểu, chủ tịch Pao à! Đáng đời con chim cướp vợ. Hế hế... Tôi đã đoán ngay mà. Trông nó dị tướng lắm. Mà nó còn đại lượng, chứ nó cho một đòn nữa thì con kia chết tươi. Thật xứng danh con chim của chủ tịch!

Pao giật khỏi tay lão Sếnh, tự dưng bần thần mặt. Giá đừng cho nó ra chọi thì có phải hơn không.

Pao đi lững thững. Cuộc vui đang đến độ. Đầu làng, cuộc thi ngựa đã kết thúc, về nhất là anh Giàng Seo Giống. Cạnh đó, có đám biểu diễn võ thuật. Pao ngó vào. Ông già tam thất đang múa võ. Hai tay ông nâng ngang ngực, vặn cuồn cuộn như ngọn lửa đang bốc, hai chân ông chuyển theo hình chữ chi lắt léo mềm mại, mắt ông quăng quắc mà tự nhiên, thật đẹp.

Ve ve... pặp pặp... tiếng khèn ở đám bên cạnh gọi Pao. Pao chen vào đám xem khèn. Bỗng thấy máy mắt, Pao quay lại. Sao, có ai nhìn Pao, ngóng Pao hay Pao đang phấp phỏng chờ đón ai? Cạnh Pao, sau Pao có ai? A! Có một cô gái mắt vời vợi. Và lão Sếnh. Lão Sếnh, lại lão Sếnh, đang múa tay, giọng nheo nhéo: “Úa! Cô Say đi tìm na nủ à! Đây, người này còn hơn na nủ Lồ nhiều”. Pao biết lão Sếnh chỉ Pao. Lát sau anh quay lại, cả lão Sếnh và cô gái đã biến đâu. Và Pao cũng quên ngay.

Giữa đám đông, A Sinh đang múa khèn.

Sinh múa đẹp quá. Pao đang nao nao mà cũng bị cuốn vào điệu múa. Khom khom lưng, miệng ngậm khèn, đầu gật gật, chân Sinh tập toè. Ngón tay Sinh nảy đều đều, tiếng khèn Sinh nhẹ tênh hơi gió. Lưỡi khèn hát, sáu ống trúc ngắn dài bó kết trong dây đai vang âm. Bài khèn kể chuyện chàng trai dũng cảm giết hổ năm mồm. Bài khèn nhắn nhủ người thân yêu. Có bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu khúc tình ca trong cây khèn của Sinh? Cây khèn thông thuộc. Cây khèn khôn ngoan. Nó biết nói tiếng người, nghe hệt tiếng người. Lão Sếnh ở đâu lại mò tới xem. Khèn Sinh nhảy lò cò tới. Khèn Sinh mắng lão già: “Mẹ mày nhé, mày không tốt”. Mọi người cười ồ. Lão Sếnh trợn mắt: “Thằng này là trứ kềnh rồi”.

Sinh là trứ kềnh là bố khèn. Không! Sinh còn giỏi hơn, Sinh phải là tồng play, ông thánh, ông thần kèn mới đúng. Khèn Sinh pặp pặp, ve ve, ba mươi sáu điệu. Nhạc khèn Sinh không đứt hơi, quyện vào bước chân người múa. Sinh dẻo như mây, thoăn thoắt đánh gót đập chân mà thanh thản, thoải mái như rong chơi. Sinh ngửa người, đầu chấm đất, làm điệu rồng uống nước. Sinh trồng cây chuối, đầu dựng trên đất, hai chân chổng ngược vẫy vẫy, khèn vẫn vu vu. Sinh cò một chân, quay tít người. Sinh nhảy trên ba cái cọc. Sinh lăn trên ba cái ngáng đặt trên chảo nước sôi.

Khèn Sinh vi vút, trong trẻo như hồn Sinh. Khèn Sinh tài hoa, cao nhã, làm mê mẩn người đời, bay vào rừng làm ngẩn ngơ muông thú, lượn trên các tầng mây làm động lòng trời. Ông trời bỏ dở ván cờ, vén mây, nhìn xuống. Ô! Khèn con tài tình thế ắt hẳn con là con nhà giàu sang, được tồng play dạy dỗ từ nhỏ. Thưa Trời, không phải. Nhà Sinh nghèo. Cơm là cám trộn rau. áo quần như giẻ lót nồi. Thuở nhỏ có được đi học dăm ba chữ, nhưng sau bỏ học vì không có bạc trắng, thuốc phiện nộp cho thầy, bị hoc trò con nhà giàu khinh rẻ, chỉ có bạn buồn bạn vui là cây khèn. Đời Sinh khổ từ nhỏ. Bố chết, mẹ bị lý trưởng Lũng Phìn ép duyên, ăn lá độc chết. Sinh ở với ông chú, là cái gậy chăn lợn cho ông chú. Bị ông chú bắt đi phu, buồn chán lang thang sang đây, bán công cho ông già tam thất. Đời khổ chỉ có khèn là tâm tình. Nhưng đời là một, khèn là một, đời khổ, khèn vui. Ông trời đừng nghĩ người nghèo chỉ quen than khóc ê a.

Khèn Sinh âm âm mãi tới tận chiều tà.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 04:00:32 pm »

Chiều xuống lửng lơ, tưởng như thời gian già đi. Bãi đá thưa người dần. Cây nêu còn lại khua khoắng theo gió. Gió nổi, rung cành đào, cành mận. Thu dọn các thứ xong, Pao nghĩ: “Mai họp Uỷ ban bàn công việc. Ngày kia, cho các thôn học tập chính sách”, rồi rời bãi chơi đi về.

Đường xuống làng thăm thẳm. Trời tối nhờ nhờ. Pao bước không thật chân. Sau ngày hội, ngày tết, sau phút vui ồn ã, bỗng rơi vào khoảng trống vắng lặng thế nào. Pao hiểu: đấy là Pao lo. Công việc chưa bắt đầu. Phải bắt tay vào việc thôi. Nhưng công việc dựng đời mới rồi sẽ sao đây? Giao thời mới cũ, lòng người còn lắm bâng khuâng.

Bỗng Pao dừng lại. Lối đi hẹp, vừa một người đi. Phía trước Pao có bóng một người con gái. Ngực Pao cộn lên. Tâm linh sao thật ứng nghiệm quá. Pao đang chờ ngóng. Pao đang muốn được trò chuyện, tâm tình.

- Seo Cả! - Pao thầm gọi khi bóng người kia còn cách xa. Không! Pao chưa nhận ra một nét nào quen thuộc cả. Nhưng Pao muốn thế và linh cảm của Pao báo hiệu thế.

Pao đã không nhầm. Người con gái đặt ông nước trên vai xuống, dường như chị đến đó để ngóng đợi Pao, và ngẩng lên. Pao hơi lùi lại. Thật rồi mà Pao thấy như mơ. Mặt Seo Cả in hệt nỗi nhớ của Pao. Gương mặt trái đào không có nét nào thật nổi, nhưng hoà hợp, ưa nhìn. Và Pao nhận ra chị dường như trẻ hơn Pao vẫn nghĩ, trẻ hơn cái hồi chị dẫn Pao đi đến nhà Seo Cấu buổi nó cưới Seo Ly để Pao cướp Seo Ly về. Từ đó, xa nhau đã bao năm. Hai người chưa nói với nhau lời yêu đương. Vậy mà cứ nhớ đến Seo Ly, Pao lại nhớ đến Seo Cả. Dần dà, anh hiểu: người sẽ có quan hệ với anh ở Can Chư Sủ chính là Seo Cả, chứ không phải ai khác nữa.

Thảng thốt như mê, Pao lại gọi:  

- Seo Cả!

Người con gái sửa lại khăn. Ngực chị căng như cái khung vải đang dệt. Ánh sao rơi vào mắt chị, toả ra một làn sóng huyền ảo trên hai gò má láng hơi nước. Pao nhìn cái ống nước dựa vào vách đá, như tỉnh hằn:

- Seo Cả vẫn ở nhà Giàng Súng à?

Người con gái ngước lên, khẽ gật đầu, bạo dạn và sung sướng. Chị thở nhè nhẹ:

- Pao vẫn khoẻ chứ?

- Khỏe, Seo Cả à.

- Pao sang Phéc Bủng thăm Seo Ly chưa? Nó khổ lắm, Pao à.

Tim Pao bỗng thắt lại. Pao lắc đầu. Anh bước sát lại gần Seo Cả, tiếng anh nặng nhọc và rời rạc:

- Ngày tết, ngày hội... sao không thấy Seo Cả... Mấy năm trời đi xa, Pao vẫn nhớ Can Chư Sủ, nhớ... Seo Cả.

Mắt Seo Cả chớp chớp. Nhưng chị vội ngoảnh về phía sau. Pao cũng nhìn về phía đó. Họ nghe thấy tiếng chửi tục tằn của Lử ở đầu con đường - dạo này Lử ăn ngủ ở nhà Giàng Súng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 04:05:13 pm »

VIII

Pao nói, giọng trầm vang:

- Thằng Tây thua chạy rồi. Nhưng mưu mô còn hiểm độc. Nó còn cắm gai, cắm chông đường ta đi. Nọc độc của nó vẫn còn. Trời đã yên, đất đã vững. Nhưng chưa thật yên, chưa thật vững. Hôm nọ, ông Sếnh có kể tôi nghe chuyện Nước Sung Sướng. Muốn đến đó phải qua hẻm núi có đao phủ gác, phải chịu đầu rơi máu chảy. Phải đánh nhau với thuồng luồng, rắn lớn. Đó là cổ tích. Chuyện đời chắc còn gian nan hơn.

Đó là câu mở đầu của Pao ở cuộc họp. Cuộc họp ở căn nhà ông Giàng Súng hôm nào còn là lý trưởng, hôm nay đã là phó chủ tịch. Mới, cũ còn chưa thật tỏ tường. Cũng như cuộc họp. Bảo là họp toàn dân, nhưng mỗi hộ chỉ có một người đến, y như họp nào tsồng (ăn ước hàng năm để bàn định việc chung của làng xóm) hàng năm. Cũng như cách họp. Họp mà người ngồi người đứng. Lại có cả cái bàn đèn đốt thuốc phiện ro ro. Và Pao nói thì cứ nói. Mọi người cứ bàn bạc, trò chuyện riêng với nhau.

Thành ra, căn gác cứ ồn ào.

Nó ồn ào rằng: chủ tịch Pao nói đúng. Không đánh nhau nữa thì làm ăn thôi. Mùa màng tới rồi, đừng mang cái tết ra ăn hết. Đoàn kết là phải. Vì từ khi người Hmông đặt chân đến đây, lưng đi trước, mặt ngoảnh sau, chân đi, tay đánh giặc, đã có bài học ấy. Vệ sinh sạch sẽ là cái lý đúng. Trồng ngô tháng ba chống đói cũng là cái lý phải nữa.

Nó ồn ào rằng: chủ tịch Pao nói sai. Thuốc phiện giảm bớt sao được. Thuốc phiện là hồn nàng ả Phiền. Nàng đẹp. Có đứa không lấy được nàng vu nàng có ma chài. Nàng héo hắt mà chết. Trước khi chết, nàng nguyền: Ta sẽ làm mọi người chết mê chết mẩn với ta. Mộ nàng mọc lên cây hoa tím. Hồn nàng nhập vào đó. ấy là cây thuốc phiện. Mà nghiệm ra không như chủ tịch Pao nói đâu. Thuốc phiện bổ kém gì tam thất. Thuốc phiện lại vui nữa. Không có nó thức đêm sao được. Mời thầy cúng, mời khách, không có nó, mời bằng gì? Bà goá càng cần thuốc này. Có thuốc phiện, có tất. Mà thuốc phiện một cục, một nắm, giắt đâu chẳng được, thật tiện. Một nén là mười lạng. Một lạng là mười đồng cân. Một đồng cân giờ những năm đồng bạc.

Căn gác cứ ồn ồn ào ào. Nhất là quanh cái bàn đèn. Cứ như không phải ở cuộc họp, không ai coi Pao ra cái gì. Lão Sếnh nâng bọc tẩu, bô bô:

- Mời cụ phó chủ tịch ạ. Bỏ thuốc phiện thì con mèo, con gián, con mối nhà tôi nó cũng phản đối đấy.

Giàng Súng lắc đầu, thở dài: “Chết con Triệu Tử Long mất thôi. Nó cũng ăn thuốc phiện. Hừ, cái chính phủ này hại ta rồi”.

Thầy cúng A Đa cười cợt:

- Ông sợ mất chức phó chủ tịch nên không dám hút. Nhưng thế không hợp mệnh trời đâu, ông Giàng Súng à.

- Làm gì có trời!

- Người xưa có câu: Hạc minh vu cử cao thanh vang vu thiên. Trời không có sao nghe được tiếng hạc? Lại nói: Thiên bộ gian nan. Trời không có sao có chân đi?

- Thế trời có họ không?

- Có chứ! Họ Giàng là con trời đấy!

Lão Sếnh nghệt mặt. Giàng Súng nghiêng xuống bàn đèn:

- A Đa à, tôi sợ đi vào cái cầu gãy mất thôi.  

- Ông muốn đi cái cầu khác à?

- Cầu nào nhỉ?

- Người Phăng-ki- đi rồi. Nhưng bài hát hết rồi lại không hết.

- Này, tôi thấy mặt na nủ rồi - Lão Sếnh chen vào - Ngài khác người thường...

- Gấu ăn phải củ ráy dại hay sao mà nói nhiều thế!

Giàng Súng gạt lão già nghiện, lim dim mắt: “A Đa nói thế là nó hiểu rồi. Nó là người thế nào? Không phải người của ông tư...”.

Khói thuốc phiện bay mờ mờ. Có một bóng ma đang lởn vởn trong khói thuốc. Có một hồn ma dật dờ rồi đậu xuống bàn đèn, nhập vào những người đang nằm bẹp như những cái bao tải rỗng quanh đó.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 04:09:05 pm »

Khói thuốc bay ra tận chỗ Pao ngồi, cạnh đám trai trẻ. Pao hắt hơi mấy cái liền, ngẩng lên:

- Các cụ bàn gì thế? Nói to lên nào! Bàn xây dựng đấy nhé!

Cái bàn đèn im phăng phắc. Cuộc họp rời rạc thế nào. Người biết nói đều bị hút vào cái bàn đèn. Đó là các cụ có máu mặt, có miệng ăn miệng nói và những người đi dõng mới trở về.  

Người khác, nghĩ được điều tốt lại không biết nói. Hố pẩu ngồi cạnh bà Doa mải nghĩ về Lử. Bà Doa còn mải xe lanh. Pao gõ bàn cộp cộp:  

- Mời các cụ, các ông, các bà bàn vào việc nào. Thứ nhất là đảm bảo đoàn kết, cả làng ta một lòng một dạ. Thứ hai là việc làm ăn, làm mặc. Mùa làm nương tới rồi. Việc bỏ dần thuốc phiện để lại, thôi không bàn nữa.  

A Sinh hít một hơi thuốc lào, hào hứng:

- Ý kiến nhé: dân quân du kích phải bảo vệ xóm làng, chống cướp, như hội chống cướp ở làng hồi xưa chứ!

Câu nói của Sinh cũng như của Pao lọt thỏm vào khoảng không mênh mông. Pao cười, thoáng nét buồn. Có gì vượt được thời gian. Chính Pao cũng như đang đứng trước một cái cửa chưa biết cánh mở thế nào.

Lúc ấy, bất giác Pao nhìn xuống cái sân trăng đêm mờ mờ. Gái gầu phàng nhà ông Súng vẫn qua lại cái sân, vẫn đang say ngô, thái chuối lợn, ngâm chàm. Pao không biết, Seo Cả đang đun bếp lò ở tầng dưới, mỗi  bận anh nói, chị lại lắng nghe.


IX  


Trăng đêm xuân tựa trăng chiêm bao.
 
Trên núi, những đám đốt nương khi chiều đã cháy lan thành những vòng cung lửa, hắt lên trời thành những chiếc vòng màu vàng cam. Những đêm xuân rạo rực mùa làm ăn, yêu đương đã tới rồi và đêm đêm đầu hồi nhà các cô gái đã nỉ non hơi đàn môi gợi tình.

Vất vả cả ngày, chân ở nhà, tay ở nương, gái gầu phàng chỉ còn có chút đêm xuân khuya vắng là của mình. Ối! Những đêm xuân ngắn ngủi mà phấp phỏng đợi chờ. Lại như bao đêm xuân của đời người: trăng mờ ảo, hoa thuốcphiện tím mong manh rười rượi sương giá, gió lách ô cửa và Seo Cả lại ngồi thêu. Đàn bà Hmông có chồng mỗi năm phải may, thêu cho chồng một bộ quần áo. Chồng Seo Cả là Seo Cấu độc ác. Chị bỏ nó, về đây làm phận gái dong. Đã năm năm. Giờ Seo Cả hăm ba. Hăm ba tuổi mà sao thấy đời đã dài. Đời dài vì đời gái dong vốn là vậy, dằng dặc, không đầu không cuối, mịt mùng. Vì chỉ biết cắm cúi hết địu nước, xay ngô lại giã gạo rồi ăn rồi ngủ, quên cả cái nghĩ rồi.

Seo Cả khác chị em. Mấy hôm nay chị càng khác. Các bạn gái dong kêu: “Seo Cả, mày sao thế?”. Chẳng ai biết mặt chị tại sao bỗng dưng hồng dậy, mắt chị tại sao bỗng lóng lánh. Chả ai biết cả: đã ba năm ba năm chị khước từ mọi cám dỗ, gan góc chống lại mọi dụ dỗ, doạ nạt, để chỉ nghĩ về Pao.

Giờ thì Pao đã về. Và những đêm xuân bỗng chứa chan bao ước vọng. Chị yêu Pao. Chị sẽ thêu cho anh một bộ áo đẹp, thật đẹp, thật đẹp.

Không! Đây chẳng phải là đường kim mũi chỉ vẫn thường thấy trên khăn áo người khác. Sắc đen này, màu đỏ này là cõi trần gian ấm áp mà Pao và chị đang sống. Đường sóng lượn mềm mại này là sóng nước reo vui đón chào hai người. Nét gấp khúc này là hình thế núi non quê hương họ. Những dấu chân óng ánh xà cừ chạy quanh các ô vuông này đánh dấu đường Pao đi. Hân hoan, nô nức con ốc xoay mình uốn múa, vỏ sò vỏ hến mở đôi cánh xinh là nỗi lòng hớn hở của chị.

Xôn xao, Seo Cả ngó qua ô cửa sổ. Ô cửa sổ chỉ có sương lăn tăn bay vào. Pao bận công việc đời mới nên Pao chưa đến. Pao chưa đến được thì mai, chị sẽ giấu cái khăn thêu, cái vòng bạc ở hốc đá hôm nọ hai người gặp nhau, rồi bảo anh: “Pao ơi, có một cô gái gửi cho Pao...”. Chị nhất định chiếm được Pao. Pao là của chị, của riêng chị. Vừa sôi nổi như thế chị lại buồn xỉu. Ôi, chị thấy mình mới hai mươi ba tuổi mà sao đã già thế, già như chị gái của Pao, như bà già.

Mặc những biến động bất thường trong tâm tình do cảnh sống kiềm toả ở nhà lý trưởng, những đêm xuân có trăng vẫn cứ là những đêm bồn chồn ao ước của Seo Cả. Bởi vậy đêm nay, khi khe liếp chợt có cái que lách khẽ chạm vào mình rồi tiếp theo tiếng ai đó thì thầm bên ngoài, chị liền ngừng tay thêu, thót lại, tim đập rộn rực, chĩu một bên ngực.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM