Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:09:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng biên ải  (Đọc 81098 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #140 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2010, 09:44:56 am »

*
Lùng chùi tay vào ống quần, xịt nước bọt: 

- Na nủ! Tôi đã khử thằng đàn ông. Gặp ông Mần nó cứ lảm nhảm xin tha. Còn con bé, đó là quà tặng ông Mần. 

- E hèm - Mần cởi khuy cổ, cầm khăn tay lau cái cổ ụ - Cám ơn các anh đã cho tôi món quà lạ khi tôi vừa đặt chân xuống đất này. Con bé rất kháu chỉ tiếc cái bụng đã phinh phính rồi. Còn thằng đàn ông... hà, nó đâu như là vệ sĩ của đảng trưởng Quốc dân đảng Ố-nàn (An Nam) hồi năm bốn lăm. Nó bảo nó quen tôi, nó xin tôi tha chết! Hừ... ở đây nóng bức quá nhỉ. 

Lồ quay mặt đi. 

Dẫu thô sơ thế nào Lồ cũng hiểu, mà hắn có không hiểu thì rồi đời cũng làm cho hắn hiểu, cạnh hắn đã có A Linh, người của các thế lực Vân Nam, cạnh hắn đã có Lùng, vốn cai khố đỏ, được Tây cho đi học phái về, thực sự là kẻ ăn cơm Tây, phục vụ Tây, giờ đây lại thêm Mần. Mần, sĩ quan quân đoàn 99 Tưởng Giới Thạch từ cái thuở 1945, lúc Hoa quân nhập Việt giải giáp quân phát xít Nhật, đã có mặt ở đất này. Quê hắn ở Thu Ón, Quảng Tây. Từ năm 1937 đã là sĩ quan tình báo sư 52 Quốc dân đảng. Và khi sang đây hắn đã cưới Thị Cọt, con gái yêu của thổ ty Nông Vĩnh Yêng đất Mường Cang. Một cuộc hôn nhân giữa cô gái sơn cước với một chàng trai văn võ toàn tài, trí dũng có thừa, thông thạo mười ba thiên binh pháp của Tôn Tử, thuở ấy người ta nói vậy. Còn bây giờ, hắn đến đây làm gì? Sao hắn lại dính vào công việc của Lồ?

A Linh bê một hòm rượu tới. Lùng xọc lưỡi dao nhọn, bẩy nắp. Rượu tràn bốn cái cốc lớn.  

A Linh cười:

- Thôi, chẳng phải phân ngôi chủ khách nữa nhé. Túc hạ từ xa đến chắc mệt. Chúng tôi ở đây cũng ba đào đủ mọi nhẽ. Vậy, cùng nâng cốc rượu tẩy trần! Nào anh Lồ. 

Lồ quay lại. Mần đã cởi cái áo Tôn Trung Sơn dạ xám, dáng no nê béo tốt hằn lên cả nếp áo sơ mi kẻ sọc và cái dải đeo quần màu ngũ sắc. Mặt tròn, mũi nhọn, mắt lồi, cằm xệ, hắn cười, răng như răng lợn lòi. 

- Thật là vạn hạnh cho tôi. Chúc mừng na nủ! Anh Lùng! Cô Linh! Thật là một cuộc quần anh tụ kiệt! 

Lồ nhấc cốc. Cả bọn, trừ A Linh, nốc cạn ngay cốc rượu đầy. 

Khà một hơi, Mần thọc tay vào dải đeo quần, vui vẻ: 

- Gặp các anh tôi rất mừng. Gia bần tri hiếu tử. Quốc loạn thức trung thần. Người như các anh đối với quốc gia lúc này như cột kèo vững chắc. 

“Hắn nói quốc gia nào nhỉ?” - Lồ nghĩ, lại nhấc cốc rượu, Lùng vô tư: 

- Chúng tôi tài sơ trí thiển thôi. 

- Không. Chúng ta sẽ phải có một Xích Bích vĩ đại, lưu truyền muôn thuở. 

Lùng gãi cổ:

- Có một số lính chúng tôi nó đang muốn về nhà. 

- Làm người chỉ huy nên thấy trước mặt thôi. 

- Anh nói sao? - A Linh đang rót rượu, chen vào. 

- Chỉ nên thấy trước mặt, tức là việc gì phải làm cứ làm đi: Có phải không, anh Lồ?  

Lồ nhíu mày: “Nó nói thế tức là thế nào?” 

- Na nủ nghĩ thế nào - Mần đay lại - Giờ ta phải tổ chức lại lực lượng ở rừng đây đi.  

Lồ ngáp, mệt mỏi: 

- Tôi muốn về Lao Pao Chải. 

- Lui binh à? 

- Không - A Linh lại chen vào - Binh pháp dạy phải hưng binh, lui binh hư hư ảo ảo chứ. Đất Lao Pao Chải hiểm trở, bá nghiệp dễ thành đấy. 

Lùng phều phào : 

- Việt Minh nó chiếm Lao Pao Chải rồi còn gì? 

Mần nhằn nhằn cái môi dưới:

- Không lo. Lăn vào cái chết để tìm cái sống chứ. Cuối cùng ta sẽ lại về bên Vân Nam đất rộng tha hồ. Nào, ta họp bàn đi, na nủ Lồ!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #141 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2010, 09:50:25 am »

*
Khuya, rời cuộc họp của ban tham mưu, Lồ mò về ngách nhỏ trong hang đá. Nơi đó là “nhà” của hắn, nới đó có Seo Say nồng nàn và tận tuỵ chờ hắn. 

Nghe tiếng chân bước trên đá lịch kịch, Say vội ngồi dậy. Nàng vấn lại tóc. Nàng biết Lồ đã về. Lồ cầm cái đèn pin, chúc ánh sáng xuống đất rồi hất dần lên vách hang, nóc hang và cái hốc đá để khẩu tiểu liên mát. Trong ánh sáng phản hồi, con mắt chột của hắn hõm sâu, đen ngòm. 

- Anh đã về đấy à? 

Seo Say trìu mến gọi. Nàng ngồi dịch vào vách đá. Cái đệm trải lá khô ngắn và hẹp, y như cái giường của vợ chồng ở nhà người Hmông. 

Lồ ngồi xuống, thào một hơi lạnh giá: 

- Về rồi. 

- Anh rét à? Em đốt lửa anh sưởi nhé. 

- Không cần. 

Seo Say khép nép. Nàng lấy làm lạ. Trước nay, chưa bao giờ Lồ tỏ ra lạnh nhạt với nàng cả. Lồ là cơn giông bão. Ái lực của hắn như vô tận. Lăn xả vào cuộc ái ân thô lỗ, Lồ say sưa đắm đuối, dù cái chết có kề bên. Và chỉ có nàng, chỉ có nàng mới có thể là con ngựa, mới có sức chịu đựng của con ngựa để hắn cưỡi, hắn phi thoả sức thôi. Còn nàng, nàng cũng vậy, ngay từ cuộc ân ái đầu tiên, thật sự mãn nguyện vì đã hiến thân triệt để, trọn vẹn cho người mình thờ phụng.

Nhưng sao hôm nay kẻ mà nàng tôn sùng lại thờ ơ, nhạt nhẽo với nàng? Hay là chồng nàng buồn vì nhớ Pha Linh, vì đời sống phiêu giạt, bất ổn thế này? Nàng cũng nhớ đời sống yên hàn lắm. Hôm qua đi hái rau bờ suối, nàng trông thấy những ruộng lúa trổ đòng mà lòng bỗng xôn xao nỗi nhớ làng bản, công việc. Nàng nhớ quê lắm. Nhưng có Lồ thì nàng có thể quên tất, bỏ qua tất cả. Nàng nhớ có một đêm trở về, Lồ cũng ngẩn ngơ từa tựa thế này. Nàng cũng đã lo lắng. Nhưng hóa ra Lồ vui. Lồ bảo người Tây sẽ tổ chức lại nghĩa binh, sẽ được phát quần áo Ma-rốc, đội mũ đỏ có dải vải đuôi ở phía sau, lính sẽ có lương hai trăm tám mươi đồng, cai thì bốn trăm, còn đội trở lên, lương hai nghìn đồng, Lồ không nói lương Lồ, Lồ chỉ thoáng suy nghĩ rồi lại vùi đầu vào cuộc truy hoan với nàng.

Đêm nay chắc cũng thế chăng? Nàng nghĩ vậy vì biết hôm nay có máy bay tới thả dù, lại có một người quan to nữa xuống.

Nàng chắc mẩm Lồ sẽ trở lại là Lồ mọi khi nên đã khoả thân hoàn toàn và bây giờ ngồi dậy tung cái chăn len, trải xuống mặt đệm. Và nhìn Lồ vung vẩy cây đèn pin, nàng liền mỉm cười, vì nhớ tới cảnh này đêm đầu tiên được chung đụng với Lồ. Nhưng, đúng lúc ấy thật bất ngờ, Lồ sững lại và chĩa thẳng ngọn đèn pin vào mặt nàng: 

- Say! Thằng Phừ... thằng Phừ nói gì với cô!

Say sững sờ, mắt loá sáng. Chưa bao giờ người nàng sùng kính lại có cái giọng gắt gỏng, quát tháo như thế với nàng. Nàng cúi mặt, ngồi im, tay thu thu trước khuôn ngực trần, sợ hãi.

- Nó nói gì? Hả? 

Lồ đay, gay gắt hơn. Say ngúc ngoắc cái cổ. Phừ nói gì nhỉ? Nàng chẳng hiểu thật rõ ràng một sự việc nào cả. Đời nàng với Lồ chỉ là sự sung sướng hài lòng một cách ngây dại thôi. Nàng mang máng nhớ có lần Phừ nói, chính Lồ đã bắn chết thằng bé em chồng nàng. Nhưng nàng chẳng bao giờ tin mà rồi nàng cũng chẳng nhớ. 

- Nó nói gì? 

- Không! Em không tin lời nó. 

- Mày ăn quả đào vàng, mửa ra quả chua chát hả? 

Lồ đã đổi giọng, đổi cả cách xưng hô. Say đờ mặt. Rồi chợt hiểu ra sự tình, nàng bỗng ôm đầu, lắc lắc và thét to: 

- Không phải! Em không bao giờ thế! 

- Mày thế! Thằng Phừ bỏ tao, mày buồn! 

- Không! Không! 

- Mày là cây lau nở hoa hai lần 

- Không! Không phải. 

- Thằng Phừ phản tao...

Trời! Say đứng dậy, run lẩy bẩy, nàng gục xuống vì một cái tát như nhát chém của Lồ. Nàng dập mặt trên ổ lá, nàng khóc nức lên vì oan ức, và hiểu rằng từ đây thế là chấm dứt cái thời nàng được tôn sùng và quý chuộng lại rồi. 

Máu điên vẫn chảy giần giật, Lồ đứng ngẩn vì nghe tiếng khóc của Say. Hắn đã mất tự chủ. 

Vừa lúc ấy ngoài cửa hang nổ liền hai băng đạn dài. Tiếng súng nổ tiếp sau loạn xạ ập vào lòng hang. Cả khu rừng bên sông Chảy bàng hoàng thức dậy. 

Say co rúm người trong vách đá. 

Lồ ngồi im.

Lát sau, lòng hang có ba ánh đèn xanh mét. Lùng, Mần  và A Linh mặc áo mưa bước vào. Chúng báo cho Lồ biết vừa phát hiện một tên mò đến ăn trộm lương ăn. Bắn, tên ấy chạy.

Có thể đó là Giàng A Lử, vì đây gần Can Chư Sủ. Cũng có thể là trinh sát Việt Minh, vì tên gác nói thấy, hai, ba bóng đen, chứ không phải chỉ có một. Vậy phải bàn cách đối phó ngay. 

Lồ không nói. Hắn như đứng giữa khoảng trống. Và lại như bị bao vây bốn phía. Bản đồ giúp cho việc thoát thân đã ra tro. Các thế lực ngoại tộc o ép hắn. Cái gia đình nhỏ, nơi trú ngụ của linh hồn hắn như cây trong gió lớn.

Nhưng, ngay lúc đó, thật bất ngờ, Lùng, Mần, A Linh há hốc mồm. Lồ với khẩu súng tiểu liên đặt trên hốc đá, nghiêm nghị và dứt khoát: 

- Theo tôi đi! Việt Minh vào đây thì nó chết! Thằng Lử vào đây, thằng Lử chết! 

Hắn lại nhập ngay vai thủ lĩnh, nhất quyết không nhường ai.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #142 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2010, 09:57:18 am »

VII
 

Pao nói nhẹ nhõm lúc sắp kết thúc cuộc họp. 

- Số phỉ trên rừng rút dần rồi. Hai mươi, rồi mười, rồi tám, sáu, năm, hai. Giờ còn có một, ấy là Lử. Bà con mình đã tin Cách mạng chưa? Thanh bình rồi. Giờ phải lo làm ăn. Lúa chín rồi, phải gặt đi không lợn rừng, khỉ nó phá hết. Có no thì mới yên ổn được.  

Bà cụ Doa hưởng ứng: 

- Chủ tịch Pao nói phải đấy. Có người chưa muốn gặt vì nghe người xấu nói, sợ phải nộp thuế. Nghĩ bên trái phải biết nghĩ bên phải. Rộng nghe thì sáng. Chính phủ này có phải chính phủ ngày xưa đâu. Cứ xem cán bộ Chính bị thương mà không hằn thù, cứ xem Cách mạng cải tạo người lầm đường, mở đường hiếu sinh cho anh em thì biết. Đấy, ai nói bộ đội ở đây mãi để cai trị mình thì giờ đã thấy chưa, bộ đội rút cả rồi. 

Lão Sếnh gật đầu, lập lờ: 

- Phải đấy! Giờ nước mưa chảy hết đi rồi. Chỉ còn lại ta sống với nhau. 

A Sinh đứng ở cửa, vai khoác súng, trừng mắt: 

- Ông Sếnh nói với ai thế? 

- À, cái mồm này nói thôi mà. Mẹ cái mồm này nhé!

Lão nghiện vả bộp một cái vào má mình. Người người cười ồ. Rồi đứng cả dậy. Ngoài cửa bỗng lố nhố mấy bóng đàn ông. A Sinh quay lại: “Các anh đã về đấy à?” Người tuông ra cửa. Bà cụ Doa kêu: “Giống, mày đã về đấy ư!”.

Pao đi ra cửa. Thì ra hai chục anh em ở lớp cải tạo ngoài châu về. Về để gặt lúa cho nhà. Về để cày ruộng làm vụ đậu tương. 

Pao kéo Sinh ra đầu hiên. Mặt Pao nãy tươi tỉnh, giờ lại khó đăm đăm. Bộ đội cán bộ rút cả rồi. Mặt Pao là mặt người lo việc. 

- A Sinh à, thằng Lử còn một mình, nó có thể liều được lắm đấy. Có cách nào nhổ cái gai ấy đi không? Hay là bảo Giống, bảo Seo Cả đưa du kích lên vây rừng. À, nhưng nó chẳng còn ở đấy đâu. Thôi, tập trung vào gặt và làm đất đi. Thiếu đói cũng dễ sinh ra giặc giã đấy - Pao nói, bần thần cả người.

*

Tháng mười. Mùa làm ăn. 

Trên những nương cao, mạch ba góc mùa thu chín đỏ sậm. Trong lũng nhỏ, lúa vàng chói chang, bồng bồng như bọt nước. Bếp nhiều nhà thành lò rèn, chí chát đêm ngày tiếng búa đập. Chè trên núi lại sắp vào vụ mới, búp tơ đã nhu nhú. 

Can Chư Sủ dậy sớm. Mặt đất chưa sáng, lửa các bếp lò đã réo ù ù, chảo nước đồ bột ngô sôi lục ục. Ngựa cậm cạnh chân trên sàn gỗ đòi đi, khiến con trâu cũng khua sừng lịch kịch vào gióng chuồng. Cứ thế, cứ thế, tiếng động to dần, to dần, tới lúc người oà ra đường thôn, líu ríu con cái vợ chồng bồng bế, dắt díu nhau lên rừng, ra nương, xuống ruộng. 

Cảnh làm ăn thật tình lâu lắm mới lại thấy, dù chưa thật hết phấp phỏng vì máy bay Pháp vẫn rì rì lượn qua lượn lại mỗi ngày, vì tiếng súng thỉnh thoảng lại thình lình nổ đánh đùng làm giật mình con trẻ. 

Trong nhà hố pẩu, Pùa là người dậy sớm nhất. Chú là sức sống tươi trẻ,  nhẹ nhõm nhất nhà. Bà mẹ kế, hai đứa em và cô bé Din còn ngủ, Seo Cả mới thức dậy châm đèn, Pùa đã nhảy ra sân tập thể dục, hô inh ỏi một, hai, ba... rồi một mình quay cái cối chè mới lắp vù vù. Hố pẩu ngồi uống trà nhìn ra, kinh hãi không hiểu nó quay thế làm gì, thì Pùa đã bỏ vào nhà, giội nước ào ào.

Ngày nối ngày, tháng nối tháng, Pùa đã thực sự là một chàng trai, mặt bắt đầu nổi mụn trứng cá. Công việc sớm hoàn thiện thể chất của con người. Cái dáng lẻo khẻo đã mất. Bắp tay to ra. ống chân mườn mượt một lớp lông nâu. Vai rộng, cái cổ to và thẳng. Một ngày nào lão Giàng Súng đến chơi, kêu: “Húi! Tao cứ tưởng thằng Pao!”. Pùa vênh mặt: “Thì đã sao nào?”. Lão cười he hẹ, xỏ xiên: “À, Thế thì phúc cho họ Giàng!” 

Pùa thật là em Pao rồi, non trẻ hơn, nhưng linh hoạt, ngộ ngĩnh hơn. Đây là nói về tính tình, dáng vóc. Chứ còn về việc làm thì không thua Pao.

Pùa vác cái cày lên vai. 

Cái cày to, bắp cày vòng cánh cung ôm ngực. Cái mũ đội chom hỏm trên đầu, áo cũn cỡn, quần rộng ống gấp lên tận đầu gối, trông Pùa cứ như chàng hiệp sĩ trong truyện cổ.  

Con trâu ra tới ruộng, được bắc ách là đi. Ngựa kén người cưỡi, trâu chọn người cày đấy, đừng tưởng nó ngu. Ruộng bậc thang the le lưỡi trai. Sá cày uốn éo. Pùa nhảy bên trái, nhảy bên phải luống cày. Cái cày chúc mũi, ngửa mũi, khi chạy thẳng, lúc rạp nghiêng, lộ cái lưỡi cong vêu vỏ đỗ. Cày nương khó vì đá ngầm đá nổi. Mắt Pùa tinh, tay Pùa khéo, lưỡi cày đi từng đường gọn như xén. Cày ruộng cũng không dễ, mặt ruộng ngắn hẹp, tay phải khoẻ để nhấc cày luôn. 

Pùa không biết mệt. Đi cày, hét oang oang. Trơ! Con  trâu đi. Trua! Con trâu quay. Hoả! Con trâu đứng. Y như vị chỉ huy với người lính của mình. 

Nắng lên. Trên cao, diều hâu lượn, dang đôi cánh cứng. Nó ngắm Pùa. Pùa giơ nắm đấm. Pùa vung tay ném. Cút đi, thằng giặc! Rồi cởi phăng áo giật cày, giục trâu đi phăng phăng. Mái núi bấy giờ ngập nắng, ồn ã tiếng thúc trâu. 

- Nghỉ tay đã Pùa ơi! Cho trâu nó nghỉ mới chứ! 

Nghe tiếng A Sinh gọi, Pùa cười hì hì, tháo ách trâu, cắm cái cày, đi lên ruộng trên.

Ruộng trên là ruộng của Giống. A Sinh đang ngồi cạnh ba khẩu súng gác dựng vào nhau, tay cầm cái điếu còn vương khói. Giống cũng vừa ngồi nghỉ. 

- Pùa, mày có thích đi học không? 

Pùa ngồi xuống bờ, bứt ngọn cỏ, nhai nhai, nhè ra: 

- Học cái gì? 

- Học chữ, học tính ấy. 

- Không thích! Mà ai người ta cho đi. 

- Thằng này lạc hậu. Hay là... 

- Hay là cái gì? 

Mắt A Sinh nhấp nháy, hất mắt xuống ruộng dưới: 

- Vì cái bướm kia kìa! 

- Hứ, đừng nói tục nhé. 

Mặt Pùa bỗng đỏ rừ. Ruộng dưới có một cô bé vừa đến. Cô bé Seo Dín! Pùa lúng túng, bứt một ngọn cỏ nữa, chạy xuống. Dín ra dáng con gái rồi. Nắng phớt trên má. Vòng cổ hai cái, một cái hố pẩu cho, một cái chị Seo Cả tặng. Chân quấn xà cạp xoáy chôn ốc, thon thon. Mắt lóng lánh, bẽn lẽn. Tay đưa cho Pùa cái túi cơm ngô, cái ống nước mà mặt lại cúi gằm. 

Pùa hít hít:

- Có cá nướng à? Dín ăn chưa?

- Cá bắt ở sông đấy. Tôi mang cơm cho chị Seo Cả gặt lúa ở nương đây.

- Dín đi nhé!

Pùa ôm túi cơm, xách ống nước chạy lên. Pùa bỗng nhảy lên reo: “Anh Tếnh ơi”. Sinh đứng dậy. Ruộng dưới có bóng ba người. Đó là Đắc, Phừ và chiến sĩ Tếnh. Họ đi tìm dấu vết Châu Quán Lồ, rẽ qua đây muốn gặp Quang Ngọc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #143 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2010, 10:03:01 am »

VIII
 

Ngày như dài ra. Thời gian giãn rộng để chứa được nhiều công việc. Hay sắc lúa vàng trên nương toả ra một nguồn sáng ngất ngây phản quang lên bầu trời rộng bao la làm say lòng người? 

Seo Cả sục liềm vào trong khóm lúa. Lúa chạm nhau, hạt nặng như hạt vàng. Vào công việc, chị trở lại với niềm vui. Vả chăng, chị cũng thấy lòng yên tĩnh dần. Lử  mất hút và đã có lúc nó chẳng còn là hình ảnh ma quái ám ảnh chị nữa. Đêm, chị yên giấc. Ngày, chị tất bật với công việc. Giờ đây lại là ngày mùa. Đã tưởng gieo cay gặt đắng. Ngày chị đi gieo hạt mảnh nương này, Lử đang nổi loạn, kéo quân đi đánh Pa Kha. Lúc ấy chị mới thành vợ Lử. Chị gieo hạt mà nước mắt rơi còn nhiều hơn hạt. Có ngờ đâu buổi gặt lại đẹp trời và lòng dạ yên ả thế này. 

Cảnh và đời đều đẹp cả. 

Lúa vàng. Cây chua chát mặc quần áo mới. Gà rừng te te gáy, thanh trong, mỡ màng. Lão bìm bịp đệm nhịp trầm trầm cho sơn ca líu tíu, đàn sáo huyên náo giọng thanh cao và cô gõ kiến nghịch ngợm gõ nhạc mõ đều đều. 

Trong nhộn nhịp buổi ngả chiều, kì lạ thay, tựa như từ trời cao thả xuống một tiếng sáo êm đềm. Ôi, tiếng sáo Hmông buông lúc chiều đang xuống. Sau bao nhiêu đắng cay, tủi cực, cứ tưởng không còn bao giờ lại được nghe, lại biết nghe tiếng sáo đằm thắm quen thân ấy nữa.

Pừ lê lê, pừ từ từ... 
Pừ pừ pừ.. Pừ lế lế...
 

Sáo ai vậy? Chẳng của ai cả. Sáo của trời đất, của lòng mình, của linh hồn Hmông vĩnh cửu từ thuở khai thiên.

Mãi tới lúc ngừng tay gặt nghỉ, Seo Cả mới nhận ra tiếng sáo ấy cất lên ở ngay dưới chân nương lúa nơi chị đang gặt và người thổi sáo lại chính là anh bộ đội Quang Ngọc quen thuộc với bản làng.

Trên nương lúa vàng cao bát ngát 
Vọng xa tiếng suối reo, nghe rì rào 
Bên khóm cây có từng đàn chim hót mừng 
Lúa chín vàng
Đồi nương cao 
Có đoàn cô gái áo chàm 
Nhanh tay gặt bông lúa thơm

(Bài hát của Nhạc sĩ Ngọc Quang – Lao Cai)

Đó là tiếng sáo của Quang Ngọc. 

Say mê âm nhạc cổ truyền Hmông, Ngọc đã xin ở lại Can Chư Sủ. Âm nhạc, tốc ký của tình cảm, phải được tiếp thu ở ngay tại nơi sinh ra nó. ở lại Can Chư Sủ, Ngọc làm anh cán bộ dân vận, tuyên truyền. Có cái tai thẩm âm, có giọng hát dẻo, Ngọc tập nói tiếng Hmông nhanh đến nỗi chỉ mấy tháng trời đã có thể nói chuyện tâm tình với dân bản ỏ đây như một người Hmông thật sự. Anh làm quen với nền âm nhạc của dân tộc này, học nhập tâm từ bài Khua kê, thiên thần thoại, trang tự sự lớn trình bày nguồn gốc lịch sử của dân tộc Hmông đến những điệu hát ru, khúc hát mồ côi, bài hát tình yêu, bản nhạc gậy tiền, tiếng nẩy của cái đàn môi, những câu đố, thành ngữ, tục ngữ thông minh, vui nhộn, được chọn lọc qua thời gian, dưới sự chở che của bầu trời thị tộc, còn đang sống trong ký ức của mọi người.

Vượt qua cái thời kỳ mô phỏng dân ca, sáng tác những bản nhạc phục vụ kịp thời như bản “Toàn dân tiễu phỉ”, Ngọc đã phát hiện ra một ngành rộng lớn của dân ca và anh bị khuynh hướng đó, khuynh hướng trữ tình lôi cuốn, không sao cưỡng lại được.

Trực giác bừng thức, cảm hứng trào dâng và giục giã, Ngọc bỏ liềm gặt, nâng cây sáo, bồi hồi.  

Tính tính tính tang tang tình 
Tang tang tang tính tính tính tang 
Trên nương lúa vàng cao bát ngát 
Vọng xa 
Tiếng suối reo 
Nghe rì rào...  


Môi Ngọc bật mở. Mắt Ngọc đăm đăm. Tim Ngọc thổn thức. Tiếng sáo Ngọc ngân nga.

Seo Cả dừng tay gặt.Chị bỏ khăn, lau mồ hôi mặt. Tràn vào lòng chị một cảm giác thảnh thơi, thư thái. Trong giây lát, chị thấy mình trở lại với cuộc đời thuần hậu, ấp iu, dịu dàng. Trong giây lát, chị cảm thấy mình trong sạch như cánh hoa thơm và lòng yêu đời lan toả khiến chị lặng đi trong ngẩn ngơ. 

Chị mải mê ghe sáo, nghe lòng mình biến động, không hay biết có một con thú mang mùi hôi và mưu mô độc ác đã đến trong bụi cây gần chị. 

- Cả! Mày không nghe tao gọi à?

- Cả! Con chó cái khốn nạn! Mày bỏ đói bỏ khát tao! Mày không cho tao ngủ với mày! Mày dám quên tao à! 

- Cả! Mày mải vui gì thế, con khốn khiếp! À mày nghe sáo của thằng bộ đội, hả! 

Con thú rung bụi cây, Seo Cả ngoảnh lại, chị buông rơi cái liềm, hụt hơi: “Lử! Trời! Lử” Ma quỉ hiện hình giữa ban ngày! Chị để rơi cái khăn, lao xuống dốc nương, người lạnh ớn và cất tiếng gào thất thanh: 

- Bà con ơi! Lử! Lử!... 

Nương đồi rộng, không ai nghe tiếng chị. Mọi người cũng đang mải mê nghe khúc sáo chiều. 

Lúc ấy tiếng sáo bỗng tắt phụt. Có tiếng đạn nổ sượt qua bên tai và Seo Cả bật thét kinh hoàng:

- Trời ơi! Bộ đội Quang Ngọc! 

Ngọc nằm úp mặt dưới đất nương, lưng thẫm loang một khoang máu. Cái liềm ở cạnh sườn. Cây sáo nằm dưới đất. 

- Thằng Lử! Thằng Lử giết anh Quang Ngọc rồi! 

Mọi người chạy đến. Cũng là lúc Đắc cùng chiến sĩ Tếnh và gã thiếu niên Phừ  đi tới. Đắc đến chậm quá. Chính vừa gọi điện vào, bảo anh thu xếp cho Ngọc trở ra tỉnh để đi học ở Nhạc viện Trai-cốp-xki Liên Xô.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #144 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2010, 02:05:53 pm »

IX
 

Thôn xóm sáng trưng đèn đuốc, Pùa, A Sinh và đội du kích sục vào rừng tìm Lử. Pao trào nước mắt, nghiến răng ken két. Lễ truy điệu Ngọc theo yêu cầu của Đắc, làm rất nhanh, gần sáng xong, Tếnh, Phừ khiêng thi thể nhạc sĩ ra trấn để chôn trong nghĩa trang liệt sĩ. Bà cụ Doa đi theo, khóc Ngọc như khóc con trai mình. 

Chỉ một đêm, thôn xóm đã lại như có trận bão vừa quét qua. Mặt người đang hớn hở lại u ám, ngơ ngẩn. Nhưng, nhạc sĩ chết mà không mất. Pao, trong đau thương, linh cảm thấy điều đó. Cái chết của Ngọc lưu lại ở nơi đây một cái gì huyền diệu lạ lùng, ở ngay trong anh. Anh đi trong thôn, cảm thấy chân minh châng lâng. Thấy bóng một lão già, anh quát: “Ông Sếnh!”. Không ngờ, lão Sếnh thật. Lão khúm núm. Anh chưa hỏi lão đã lắp bắp thưa: Lão sợ quá, thề có Phật Quan âm, lão không dính vào chuyện này, lão hứa từ nay làm ăn chăm chỉ, không như con chó chạy theo Giàng Súng, lão bảo Giàng Súng là con rắn nằm trong hang, độc lắm. Pao nghe, cứ ngờ ngợ, không nhập tâm.

Trở về nhà lúc sâm sẩm, Pao thấy cha đang ngồi trong bếp và Seo Cả ở trong buồng. Nhà nguội lạnh, cơm tối không nấu. Pao bỏ ra trụ sở, tự thấy không thể nói gì với cha anh và Seo Cả lúc này. Hai người này đang ở tột đỉnh của cơn phân tâm. 

Ngôi nhà vắng lạnh như mồ hoang.

Ngôi nhà đã trở thành ngôi mồ chôn hai con người đang hóa kiếp là hố pẩu và con dâu của ông thật. Hố pẩu có cảm giác rõ rệt là như thế. Bởi vì, ngoài Pao ra còn có ai tới nữa đâu. 

Ngồi lặng trong căn nhà không đèn đóm gần như suốt đêm, hố pẩu tưởng cứ ngồi như thế, không cử động, rồi sẽ chết, chết dần dần, từ cái chân trở lên. 

Nhưng, vào lúc hai cái chân đã chết, ông bỗng thấy có cảm giác gai gai người. Ông mở mắt, lờ đờ. Không nhận ra rõ rệt một cái gì, ông chỉ thấy một bóng hình chờn vờn trước mắt, rồi sau đó là một tiếng cười gai góc và một giọng nói quen quen: 

- Hà hà... sao không thắp đèn lên, hố pẩu? Chà, lạnh như hang đá thế này... 

- ... 

- Dà, đang vui lại buồn, rồi lại vui. Đời cứ như bàn tay lật. 

- ... 

- Khổ! Anh em đi cải tạo về, ai cũng kêu đói. Mà hố pẩu này, ác giả ác báo thôi. Nghe nói Việt Minh giết một đứa trể con vùi xác trên núi Chè, nó tha về xóm đấy. Thằng Giống bảo Châu Quán Lồ giết. Tôi phải bịt mồm nó ngay. 

- ... 

- Hố pẩu lo buồn làm gì. Lử chẳng có tội gì hết. Chính phủ có lí của chính phủ. Mình có lí của mình chứ. Giữ lấy cái gốc thôi.

- ... 

- Chà, lạnh quá! Để tôi thổi lửa nhé. 

Ngọn lửa thoi thóp bừng lên. Mặt hố pẩu ê lạnh rắn câng. Hai mắt hố pẩu nặng như hai hạt đá. 

- Kìa! Sao mặt hố pẩu nhợt như mặt gà mái đẻ thế! 

- Ông Giàng Súng! 

Hố pẩu thầm kêu. Trời! Hố pẩu không chết. Chân hố pẩu sống lại rồi. Đôi chân dựng hố pẩu đứng lên. Hố pẩu bước chệnh choạng. Giàng Súng vội đứng dậy:  

- Hố pẩu sao thế?  

Hố pẩu cứ bước, như pho tượng biết đi. Rồi, bất ngờ, khi lão Giàng Súng lùi ra tới cửa, ông bỗng vung tay:

- Đi! Đi khỏi nhà tôi ngay! 

Loạng choạng, hố pẩu đưa tay vịn vào cửa, mặt tối sầm như trúng gió độc. Ông cố lê ra cái quan tài thì gục xuống, không còn hay biết gì hết.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #145 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2010, 02:10:01 pm »

*
Hố pẩu ốm liệt. 

Một đời người, hơn sáu chục năm trường, chưa bao giờ ốm nặng như thế. Cơm không một hạt, nước không một hớp, thuốc bà Doa cho uống lại nôn ra, ông cứ nằm xẹp, không động đậy, không mấp máy môi, không mở mắt. 

Bảy ngày bảy đêm toàn như thế. 

Trong giấc mê lịm, ông toàn thấy ác mộng, hết thuồng luồng, rắn rết lại gặp những chuyện đời đau đớn, cảnh Pao trói Lử, cảnh đám cưới Lử lấy Seo Cả, cảnh Seo Cả nằm chết ngất trong vũng máu, cảnh cán bộ Chính bị Lử bắn. Mê lịm nhưng hố pẩu chưa chết được. Đời còn níu giữ ông để ông làm trọn điều ông chưa làm. Để ông đi tới cái nơi ông phải đi tới. 

Ngày thứ mười một, hố pẩu chui ra khỏi đám mây mù mê hoảng. Ông chép miệng cay đắng: con cái còn như thế, chết chưa được. Ông nghe thấy dần dần những tiếng động quen thuộc. Ông nghe tiếng Seo Cả gọi, tiếng bà Doa nói, tiếng lão Sếnh khóc mếu, tiếng Pùa hô tập thể dục. Rồi ông nghe thấy tiếng một đám đông ồn ào. Có người nào đó chửi Giàng Súng. Một bà mẹ nói: “Được rồi! Bây giờ về gặt nốt đi đã. Không là đói đấy. Còn công, nợ, ân oán thế nào sẽ có chính sách, tính toán sau với nhau”.  

Hố pẩu trở lại với đời dần dần từng giờ, từng phút.

Ngày thứ mười ba - lạ thế, hệt như chuyện hổ hóa người, phải nằm đủ mười ba ngày dưới lòng hố trải lá han - hố pẩu mở mắt ra thì thấy Pao đứng bên giường. 

Ôi chao! đi mãi, đi mãi trong mê sảng, giờ gặp Pao! Mắt Pao thâm quầng. Môi Pao khô nẻ.

Chưa đến ba mươi, sao tóc Pao xác xơ. “Con ơi! Cha hiểu, con đã khổ quá nhiều rồi!”. 

Hố pẩu định nói một lời yêu thương với Pao. Nhưng khi ông quờ quờ tay, định tìm tay Pao thì Pao quì xuống, giọng nghẹn ngào: 

- Cha ơi, cha đừng ngã lòng, thối chí, đừng đi lạc sang đường rừng núi. Đời con cần có cha. Cha hãy giúp con. Việc của con, việc của dân tộc mình còn ngổn ngang. Cha cùng con, cùng các đồng chí của con, xếp sắp lại, dọn dẹp lại cha nhé. 

Hố pẩu mở hai con mắt nhìn Pao. Pao đã đứng dậy. Giờ, ông mới thấy thật rõ Pao. Quần áo lanh đã rách nát cả rồi. Mấy năm nay không ai may mặc cho, giờ Pao mặc quần áo bộ đội. Nhưng ông không lạ. Pao vẫn là Pao, là con ông, là người Hmông họ Giàng, từ trong tấm lòng, trong nghĩa tình với ông.

“Pao, con, sao con rộc rạc người thế! Khéo ốm đấy con”. Ông định nói, nhưng Pao đã quay đi. Và mắt ông chắt ra hai dòng nước nhỏ ấm nóng. Từ đó, ông tỉnh. Ông gọi Seo Cả: 

- Cả à, tối rồi, thắp đèn lên con. Sáng thì ma quỉ nó mới sợ, con à.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #146 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2010, 02:14:33 pm »

*
Seo Cả châm lửa bếp vào ngọn đèn. Gió quá, chị cầm cây đèn ra đóng cửa. Nhưng, tay chị vừa quài ra kéo cánh cửa gỗ thì bị một bàn tay lạnh như sắt nguội bập chặt. 

- Im, mày kêu, tao giết! 

Chị lui lại, đưa tay che cổ. Con dao sáng, lạnh hơi thép dứ trước mặt chị. Chị rùng mình, thều thào: 

- Lử... Lử... 

Bóng đen áp sát lại gần. Mùi hôi, tanh, lờm lợm phả vào chị. Nó là Lử? Nó thật rồi. 

Nó, cái răng nanh hổ ác, tên trùm phỉ, thằng tay sai thờ phụng Pháp làm bố mẹ, kẻ sát nhân độc ác, đứa phá phách đời Seo Cả. Trong nó có cả máu thằng lính dõng, máu lưu manh, máu thổ phỉ, máu thú dữ. 

Nó đã về đây, đúng căn nhà gia đình. 

Thật ra, nó đã hết chỗ nương thân.

Bọn theo nó lần lượt về làng. Cản chẳng nổi, doạ không xong, nó còn trơ một thân. Đói khát, nó đi cướp lương ăn của bọn Châu Quán Lồ thì bị đánh đuổi. Nó chạy. Nó ăn quả rừng, uống nước suối. Nó tìm cách gọi tàu bay bố mẹ, nhưng điện đài không có. Nó muốn đốt ba đống lửa lại sợ lạy ông tôi ở bụi này với du kích. Nó chờ lão quản ma thì lão quản ma đã chuồn. Nó chờ Giàng Súng thì Giàng Súng lảng. Nó bấu víu vào Seo Cả thì Seo Cả buông rơi. Nó căm hờn. Nó điên dại. Nó bắn, nó giết bất kể ai. Nó không biết sẽ sống thế nào. Sang với Lồ thì không được. Nó đành ở một mình với rừng.

Nhưng rừng chẳng cho nó tạm trú nữa. Nó gây sự, nó được đòn thù. Du kích, sau cái chết của Quang Ngọc, sục từng bụi cây, hốc đá. Thú rừng chạy loạn cả lên. Nó phải chạy.

Nhưng chạy đi đâu được? Cuối cùng nó tìm về với cha nó và vợ nó. 

Nó đây. Nó ghé sát mặt người phụ nữ, thở dốc: 

- Cả! Con khốn nạn! Mày bỏ tao à? 

- Tại sao mày không đem gạo, đem ngô cho tao ăn? Tao giết mày! 

Người phụ nữ lui lại. Trong bóng đêm, mặt chị nghiêm lạnh, không nét sợ hãi.

- Lử! Anh không biết nghe lời tôi. 

- Hả? 

- Anh phải theo con đường sáng - Giọng chị nhâng cao, nhức nhối - Anh về, dù sao tôi cũng là vợ anh... Khổ thân tôi... nhưng tôi sẽ bảo đảm cho anh. 

- Đ. mẹ, câm mồm! 

Đáp lại sự chân thành chua xót của người vợ, tên trùm phỉ ngoan cố xô tới. Nó định đánh chị. Nhưng, từ trong nhà, một bóng người vừa nhanh nhẹn bước ra. Hố pẩu! 

- Lử - Giọng ông già khàn re - Mày có phải con tao không? 

- Tôi... tôi họ Giàng con cha... Tôi là... - Lử lắp bắp... 

- Là con tao thì phải nghe lời tao. Tội mày cao bằng núi. Về hàng đi con. Về làm con, làm chồng, sống có anh có em. Lử, tao là cha mày, tao...

Tên phỉ không đáp, tọt ngay vào nhà. Ngoài đường thôn có nhiều tiếng chân người chạy. Tiếng A Sinh ráo riết: “Vây chặt khu này lại. Có người bảo nó vừa chạy vào đây đấy!”. 

- Cho tao mượn cái váy, Cả! 

Tên phỉ rít. Nó xộc vào buồng, rồi quay trở ra, cổ chui vào cái váy, một tay thả váy, một tay cầm khẩu súng ngắn. 

- Đừng đi, Lử! 

Người cha bước lại, giữ tay nó. Nó vằng ra, nhưng nhìn thấy ánh đèn ở ngoài đường thì hiểu rằng, ra bây giờ là nguy hiểm, nên sững lại. 

- Cho tôi nấp, cha. Để tôi lên gác nhé. Cha nói, con Cả nói, tôi giết chết! 

Nó định quay vào. Nhưng ông già đã lại nắm tay nó, thì thào gấp gáp: “Không! Không! Trên ấy không kín. Theo tao!”. Giọng ông đầy vẻ thương hại. Tên phỉ theo ông ra hiên. Và bất ngờ quá, ông ghé xuống cái quan tài. Seo Cả hiểu ý ông, cúi xuống, đỡ ông một tay. Lòng quan tài đen ngòm hiện ra. 

- Nằm vào đây! Trốn ở đây... kín... kín nhất! 

Lử rên một tiếng hài lòng, bò vào.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #147 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2010, 02:29:51 pm »

*
Pùa dẫn A Sinh và hai anh du kích vào nhà mình. Hố pẩu và Seo Cả đang khơi to bếp lửa. 

- Cha, chị Seo Cả. Lử có vào đây không? - Pùa hỏi. 

- Hứ! Có mùi nó hay sao ấy! - A Sinh nhăn mũi.

Hai anh du kích dịch vào đống lửa, hơ tay, hơ áo quần. Rét quá. Pùa vớ cái điếu hút sục sục, dáng từng trải, dộng ống điếu xuống đất, cau mặt: 

- Một mình nó làm khổ bao nhiêu người! 

Căn nhà vẫn không một lời đáp. Hố pẩu mím môi như sắp bật khóc, mặt ông ứ máu. Nhưng, bỗng hố pẩu đứng dậy, thật khoan thai: 

- Nghỉ ngơi xong chưa nào? 

- Cha! - Pùa đứng phắt dậy, kêu ngờ vực. 

- Ra đây! Ta chỉ chỗ bắt thằng Lử! 

Ông già bước đi ra  phía cửa. Pùa, A Sinh bước theo. Đoàng! Pùa chỉ kịp kêu một tiếng, đã hoảng hốt cùng A Sinh nhảy vọt ra sân. Hố pẩu đã khụyu ngay xuống ngưỡng cửa vì viên đạn của Lử từ trong quan tài bắn ra. Hai anh du kích vội vàng leo lên gác. 

A Sinh và Pùa nằm bò sau cối chè.

- Thằng Lử! - A Sinh quát - Mày nghe tao nói chính sách đây: mày mà hàng thì... 

A Sinh không nói hết câu, Pùa đã đứng dậy, mắt đỏ nọc, người căng vì giận dữ, chĩa mũi súng vào cái quan tài, nổ liền ba phát. 

- Thằng này không cần giải thích nữa! 

Pùa gắt. Cái quan tài vỡ toác. Trong buồng Seo Cả, có tiếng thét thất thanh.


X
 

Người Pháp không tiếc của. 

Người Pháp không tiếc sức. 

Máy bay Phơ-rô-pông không mệt mỏi bay lượn, thả dù tiếp tế. Lũ tàn quân Lồ, từ Pha Linh chuyển về đây, ngày ngày tiếp nhận thêm bọn còn tản mát trong rừng và những  kẻ từ trên trời rơi xuống, bọn đi học biệt kích mới trở về, đã lại thành một căn cứ mới. 

Đoàn “nghĩa binh” lại có cơ hưng thịnh. Lại tổ chức lại các a, b, c. Các sảo quán giờ trang bị trung liên. Điện đài nhỏ loại tay đánh miệng nói, điện đài to phát tiếng tích tà tích te, ngày ngày thu phát tin tức trực tiếp với sở chỉ huy tận Hà Nội. 

Lồ thoắt vui. Tính khí hắn vốn vậy. Giữa chốn rừng thẳm bên bờ sông Chảy, nơi không có tiếng chó, không mùi phân gà, Lồ vui vẻ hát:

Việt Minh là nước chảy
Người Hmông ta là núi đá 
Nước đi, đá ở lại 
Ta là người trời 
Việt Minh mày phải thua.


Ngày nối ngày qua đi. Đêm nối đêm qua đi. 

Lồ không biết rằng lịch sử đã điểm chuông báo hiệu những ngày tàn lụi của hắn đã bắt đầu. Không ai chọn lịch sử ra đời. Nhưng lại được quyền chọn chỗ đứng trong cuộc đời. Lịch sử sẽ dắt tay anh đi, nếu anh đứng đúng chiều hướng. Và lịch sử sẽ kéo lê anh, đày đoạ, chôn vùi anh nếu anh cưỡng lại nó.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #148 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 07:42:11 am »

Cái mầm tuyệt vọng của Lồ trong những ngày này, hiện hình ở ngay sự phát triển cá tính của hắn, trong các quan hệ của hắn với đồng loại, với cả người vợ trung thành của hắn. 

Seo Say đã yêu hắn mê mệt. Nhưng hắn dùng thói hoài nghi để đáp lại mối tình si chân thật của nàng. Đa nghi, thiển cận, độc địa, giờ đây rốt cuộc Châu Quán Lồ, trang hiệp sĩ hào hoa trong mắt Seo Say, chỉ còn là kẻ đại diện cho những bản năng tầm thường vậy thôi ư? Bên cạnh sự gan góc liều lĩnh, những thiên bẩm, Lồ tựu trung vẫn là kẻ dễ bốc đồng, dễ dao động, ngã lòng. Thêm cái lối sống bội bạc tàn nhẫn, lúc thất thế, hắn càng trở nên cực đoan trong quan hệ với những kẻ khác. Vả chăng, khi đã manh nha hiểu rằng, từ quan thầy Phơ-rô-pông đến A Linh, Xì Xám Mần đều là những kẻ rắp tâm lợi dụng hắn để chỉ huy hắn, thì tính đa nghi đố kị của hắn lại trở nên có lí và cần thiết.

Sự kiện gã vệ sĩ Phừ bỏ hắn và sau đó nỗi nghi ngờ Seo Say phản bội do A Linh gieo rắc đã khởi đâù cho cách sống dè chừng, luôn có ý thức phòng ngừa của Lồ. Ngủ với Say, từ đó không chỉ trụt một ống quần, hắn còn đeo súng. Hắn bắt nàng bỏ hết các đồ trang sức khi gần gụi hắn. Trong yêu đương, hắn vẫn giữ một khoảng cách với nàng. Và giờ đây, trừ lúc giao hoan với nàng, hắn ở một mình  một hang. Nơi hắn ở có lính gác. Ai muốn vào, phải qua khám sét kĩ lưỡng và để hết vũ khí ở bên ngoài. Điều lệnh ấy, không trừ một ai. Đến nỗi một bận đến cửa hang bị giữ lại, A Linh vừa phát khùng thì tên lính gác vốn cũng họ Châu đáp: “Thời buổi này, ông Lồ bảo: đại gian tựa đại tín mà...”.

Seo Say lặng lẽ quan sát những biến động trong đời sống của Lồ. Nàng buồn rầu vì thấy cái hình ảnh bấy lâu nàng vẫn chiêm ngưỡng tôn kính đã bắt đầu biến dị.

Một sớm mai, ánh nắng từ nóc hang rót xuống một vệt sáng hồng, nàng trở dậy muộn vì thao thức cả đêm qua. Cầm chiếc lược hình vành trăng thong thả trượt trên suối tóc, nàng lặng lẽ ngắm Lồ đang ngủ và bứt rứt không nguôi: ừ thì đêm đêm hắn vẫn đến với nàng đấy, nhưng cuộc ái ân còn đâu nữa những mặn nồng, vồ vập, quấn quýt của hai linh hồn đồng cảm thiết tha!

Lơ đãng, nàng buột rơi chiếc lược. Cái lược sừng chạm đá phát ra một tiếng động nhỏ. Nàng vừa cúi xuống nhặt lược thì vội ngửng lên, hãi hùng vì Lồ vừa bất thần chồm dậy. Hắn ngồi trên cái ổ lá, tay sờ sờ khẩu súng. Con mắt độc nhất của hắn nhớn nhác. Đó là con mắt của kẻ có ác mộng, của kẻ sực tỉnh vì mê thấy có người kề dao vào cổ mình.

- Cái gì thế? 

Lồ hỏi, mồm há hốc. Thấy nàng buông tay thu tóc, đứng dậy, hắn liền nhảy đến trước nàng: 

- Đù a! Mày là tinh hổ... Mày là con hổ định ăn thịt tao à! 

Say quay mặt đi, mắt ứa lệ. 

- Mày là tinh thằng bé Chia trên núi Chè. Mày... ui dà... thằng bé... Mày theo tao để... hại tao. 

Lồ hổn hển, mặt mất hết thần sắc. Đêm qua hắn lại mê thấy cảnh hắn bắn chết thằng bé. Hắn đã giết nhiều người. Nhưng, có ba người chết vì tay hắn mà cứ thỉnh thoảng lại sống lại trong cơn mê của hắn: đó là chủ tịch Seng, bộ đội Tích và thằng bé Chia vô tội. Đêm qua, thằng bé hiện về. Nó là đứa bé ám ảnh hắn dai dẳng nhất, hồn nó, đứa bé dưới 13 tuổi, không về được quê tổ, người ta bảo vậy.

Nghe những lời ấy của Lồ, Say thõng tay, người rung lên bần bật. Mắt nàng trợn ngược như chỉ còn lòng trắng. Chao! Nàng nhớ lại câu chuyện gã vệ sĩ Phừ kể với nàng về cái chết của em chồng nàng buổi nào. Hóa ra người mà nàng kính ái bấy lâu đâu có phải là trang nam nhi hào hiệp; hắn cũng đê hèn, xảo trá, gian ác như những kẻ nàng đã thấy nhan nhản ở cõi đời này thôi. Niềm tin của nàng thế là đã bị đánh tráo rồi.

Tuyệt vọng, nàng khuỵu xuống, ôm đầu, gục trên một phiến đá. 

Lồ vùng chạy ra cửa hang. 

Bấy giờ súng tiểu liên vừa nổ một băng dài ở bên kia sông Chảy.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #149 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 07:48:16 am »

*
Đó là trận tập kích đầu tiên của bộ đội huyện do Đắc chỉ huy đánh vào cái ổ phỉ mới hình thành cuả Lồ. 

Bộ đội chủ lực đã đi. Đại đội độc lập châu Pa Kha vừa xong kì huấn luyện. Trưởng ban cán sự Đắc máu mê con nhà lính, vả lại không thể cứ để yên cho cái ổ phỉ của Lồ bành trướng mãi được, nguy hiểm lắm, nên đã cùng chiến sĩ Tếnh, giờ là đại đội trưởng, dẫn quân đi. 

Sức chưa đủ, cũng là trận đầu thử lửa nên bộ đội châu chỉ quấy rối, tiêu hao quân địch thôi. Sau trận chống trả, Lồ họp ban tham mưu. Vừa vào họp, Xì Xám Mần nói:

- Tôi thấy nó bắn xong một đợt lại gọi loa. 

- Gọi gì? - Lồ xẵng 

- Gọi na nủ về hàng! 

- Hàng cái l. mẹ nó. Bây giờ chỉ có đánh lại nó thôi. 

Lồ quả quyết. Mần, A Linh, Lùng cùng cười. Ừ, phải đánh. Nhưng đánh ở đâu? Đánh Pa Kha hay Can Chư Sủ? Cả bọn nhất trí phải mở rộng thanh thế, địa bàn lên Can Chư Sủ, trên ấy có núi Chè, vượt sang nối với Lao Pao Chải ở bên kia, thành thế liên hoàn được. Nhưng ai sẽ dẫn quân đi đánh? Xì Xám Mần từ chối vì chưa quen thung thổ. Lùng nói: Tôi còn phải chỉ huy điện đài.

- Anh Lồ đi là phải đấy. 

A Linh kết luận. Phải lúc khác, không cần nói, Lồ gánh vác ngay việc này. Mà lại còn hào hứng là khác. Nhưng bây giờ thì Lồ khôn rồi. Thì lì mặt, Lồ nghĩ: “Mẹ chúng mày, xui ông chui vào hang hùm để hại ông” rồi đập bàn: 

- Không ai đi thì thôi! 

Trận tập kích thứ hai của bộ đội địa phương xảy ra tuần lễ sau. Lần này có cả du kích Can Chư Sủ xuống phối hợp. Cối 60 của ta nổi uỳnh oàng vang rừng, không ngờ rơi trúng nơi Lồ đặt điện đài. Được tin ấy, Lồ hoang mang lắm. Nhưng, điều đáng sợ hơn lại liên tiếp xảy ra: bộ đội, du kích hình thành thế bao vây khu rừng. Họ thi thoảng mới nổ súng. Nhưng lại tỏ ra thật hăng hái trong cuộc tranh cướp dù máy bay Pháp thả xuống với bọn Lồ. 

Thoạt đầu, Lồ nghĩ: bọn Việt Minh đói khát như thằng Lử dạo nào. Nhưng sau đó hắn hiểu ngay rằng, sự tình không đơn giản như thế. Đắc thầm nhuần chủ trương nhân đạo sáng ngời của Chính: đánh tan chứ không đánh tiêu diệt, quyết định bằng mọi cách cắt đứt nguôn tiếp tế của phỉ. Bộ đội được lệnh bắn máy bay. Các ám hiệu giả mọc lên khắp nơi. Một cái dù rơi xuống, du kích lập tức bắn xua địch rồi xông ra kéo dù về.

Một tháng trôi qua. 

Du kích, bộ đội vẫn bám sát vòng vây. Đắc tranh thủ huấn luyện chiến thuật phục kích cho anh em. “Phỉ ở vào cuối trào rồi! Thế nào chúng cũng rút chạy thôi”. Anh nghĩ. 

Đắc đã phán đoán đúng. 

Một tối, họp ban tham mưu. Lồ nói: 

- Bây giờ, tập trung ở đây là không lợi. Mỗi người chúng ta phải đi một nơi. 

Ý kiến ấy gây xáo động. Mần, A Linh phản đối. Lùng ừ hữ. Lồ hiểu rằng bọn này đều sợ.

Chúng không có nơi nương tựa. Chúng chỉ quen dựa vào Lồ. Dựa vào Lồ, nhưng Lồ lại không thể tin được chúng. Chi bằng lúc này tách ra khỏi chúng.  

A Linh rầu rầu nói: 

- Trong cái thắng lớn, có cái thua nhỏ, na nủ à!

Lồ cười nhạt. Những lời khuyến dụ của ả không còn gây hiệu quả như xưa, cái thời Lồ mới lập nghiệp nữa rồi. Lồ đáp thẳng thừng: 

- Thua, thắng gì chưa biết, nhưng ở đây thì không có cái ăn nữa. 

- Chia ra là mắc kế Việt Minh - Xì Xám Mần càu nhàu. 

- Kế gì?

- Kế khu hồ thân lang, đào hầm đợi cọp, chứ còn kế gì! 

- Thế thì anh tự tìm lấy cái ăn đi! 

- A, anh mời tôi xuống đây tôi mới xuống chứ! 

- Ai mời anh? 

- Đồ đểu!

- Câm ngay! 

Cả hai tên đều rút súng. A Linh len vào giữa dàn hoà: 

- Các anh đừng nóng nảy, để bàn cho ra nhẽ. 

Bàn gì nữa! Chúng ngồi quanh đống lửa trong hang, không nhìn mặt nhau, mặt đứa nào cũng hầm hầm. 

A Linh ứa hai hàng nước mắt. Đó là lần đầu tiên trong đời ả khóc. Những mộng ước lớn mà ả đã để cả tuổi trẻ vào đấy sao lại có thể kết cục bi thảm thế này? Ừ, thì chia ra rồi lại hợp lại, hợp lại rồi lại chia ra, đó là cái mệnh đề triết học cổ Trung Hoa. Nhưng, trong cuộc vần chuyển ấy, thiệt thòi vẫn là thuộc về những cá thể không có những ưu thế riêng.

Ả với Lồ là hai kẻ còn lại cuối cùng bên đống lửa khuya. Nhưng rồi, Lồ cũng đứng dậy, đi. 

- Anh Lồ!

Ả kêu. Và nhao tới Lồ khi hắn vừa quay lại. 

- Anh quên A Linh rồi ư? Anh chê tôi rồi ư? 

Ả ập vào người Lồ. Những mong bấu víu vào hắn. Không có hắn, ả sống ra sao? Ả cảm thấy người Lồ lành lạnh. Tay hắn xoa vuốt lưng ả. Tưởng hắn xiêu lòng, nhưng khi tay hắn lần tới eo lưng ả bỗng rụt lại, ả có một khẩu súng nhỏ ở đó, thì ả hiểu: đâu có phải hắn vuốt ve âu yếm ả, hắn sờ nắn, khám xét vũ khí trên người ả đó thôi. 

- Ờ, rồi ta sẽ gặp nhau, A Linh à. Cái thuở nào nhỉ, còn khó hơn nữa chứ... 

- Anh Lồ! Anh Lồ!

Ả gọi tha thiết. Nhưng Lồ đã buông ả, đi vào trong hang.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM