Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:05:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng biên ải  (Đọc 80969 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #120 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2010, 10:25:49 am »

Đúng là giọng Vận, hình vóc Vận thật. Mặt hóp hép, tóc mai chờm xuống má, mắt trũng sâu, trong đáy đồng tử teo lét một chấm lửa vàng. Mùi thuốc phiện từ mồm Vận phả ra ngai ngái, hôi hôi.  

- Làm tí, ông Khả - Vận nhấc lại cái dọc tẩu - Sợ cái đếch gì. Này làm tí. Pập pập... hít cho hõm má, nuốt trọn khói, ông sẽ thấy hồn lên tiên.  

- Ông Vận... Đừng, đừng...  

- Thử tí đi, ông. Tội gì mà đạo đức giả. Anh Hmông sẵn thuốc phiện, nhưng đ. biết hút. Cứ hết một ngao ba mươi điếu mới nạo sái, còn gì là ngon. Này, làm tí. Ông Khả ơi, đạo đức thì quyền cao chức trọng cũng chẳng đến với ông đâu!  

Cánh cửa buồng có tiếng chạm đánh cạch. Cô đầm líu lô ở ngoài cửa. Chồm dậy, Vận như vồ lấy Khả:  

- Khá khá. Ông bắt rễ vào con mèo này hả. Khớ đấy. Vợ bé của thằng Phơ-rô-pông đấy. Ông ơi, ả đang khát nước lắm. Mỗ đây đã được ả mời rồi. Bướm gái Hmông này mụp mạp lắm nhé.  

Quái tởm quá! Khả rụng rời. Nhưng Khả còn khiếp đảm hơn. Vì đúng lúc ấy có tiếng quát lớn ở ngoài sân.  

- Bà con ơi! Thằng Việt Minh nó cưỡng hiếp con gái Hmông!  

- Bắt! Bắt thằng Kinh, anh em ơi! Bắt!

Khả xô cửa. Ba bốn cái bóng như nấp sẵn ở đâu đó đâm sầm vào. Cô đầm kêu xoe xoé. Vận vung tay đấm. Một cái đầu gậy sượt qua vai Khả. Khả đâm bổ ra sân, miệng ú ớ:  

- Không... Không... Tôi không có gì...  

Anh vùng ra tới cổng thì gặp thằng Pùa. May quá, Pùa đẩy anh ra sau mình, chắn ngang khẩu súng:  

- Không được đánh cán bộ!  

Hai cái bóng bị ngăn chặn, quay vào. Ở sân, Vận đang trổ tài quyền Anh để thoát khỏi vòng vây.



VIII
 

Lão Sếnh nghiện phồng má, trợn mắt.  

- Ái dà, lúc ấy có súng tôi bắn thằng ấy rồi.  

- Thằng nào thế?

- Lại còn hỏi thằng nào. Cái thằng đã đến nhà tôi ấy. Hừm, thời suy quỷ lộng, nó định cộng vợ cộng chồng đây mà.  

- Hầy, ông cũng thế thôi! La lối om sòm làm gì!  

- Hớ hớ...

Ồn ào trong trụ sở. Gần chục cái ghế băng đã kín chỗ. Người đại diện các hộ đến sau, ngồi tràn cả ra hiên. Câu chuyện bắt đầu từ mồm lão Sếnh. Cứ xem khẩu khiếu của lão thì biết công việc trong thôn thuận, nghịch thế nào. Dạo này lão quên chuyện na nủ Lồ, đi đâu cũng lô loa, huyên thuyên chuyện cán bộ hiếp con gái Hmông. A Sinh cáu: “Chỉ có con chuột mới đi rúc các xó xỉnh như ông thôi, ông Sếnh”. Lão chun mũi: A, số tôi là cái cành đa trên mặt giăng, xuống trần phải đi lang thang mà. Từ mồm lão Sếnh câu chuyện được đà lan sang chuyện khác. Chỉ mấy hôm, góc thôn nào cũng thầm thì: Việt Minh miệng nước bụng lửa đấy. Đừng cho nó ba cùng. Nó ba cùng để điều tra bắt thuế đấy. Nó nói khoan hồng, nghĩa rằng là: trước là khoan, sau là hồng, là huyết, là máu. Pháp có tàu bay, bay cao nom thấy cả cái hoa bí nở trên nương. Bom nguyên tử Mĩ nổ thì con kiến cũng chết, Việt Minh thua là cái chắc.

Nhìn sang Pao ngồi ở cạnh cái bàn trong góc nhà, thấy Pao mặt nặng bình bịch chẳng nói, A Sinh đâm ra bực cả với Pao. A Sinh đập cánh cửa đánh thình:  

- Này, ông Sếnh, cái mồm không có răng để gió lọt nhiều quá đấy.  

Bấy giờ ngoài cửa có bóng một phụ nữ. Pao liền đứng dậy, nhẹ nhõm: “Mời bà, bà Doa, mời bà vào đây!”

Bà Doa đã đến. Bà bế thằng Quang Duy, theo sau là Quang Ngọc đeo cây ghi-ta. Váy áo mới, nét thêu sặc sỡ, rủng rẻng vòng cổ, xà tích bạc, và trẻ ra đến hai chục tuổi, rạng rỡ, hồng hào, tự nhiên và có phần trịnh trọng. Bà tự biết cái thế bà cô đang được kính nể của bà trong dòng họ hay sao? 

- Chào các bà, các ông, các cháu. 

Bà vừa bước vào cái ghế Pao dành riêng. Thằng Quang Duy trên tay bà quay ra cửa nhìn bố, miệng hẹ hẹ. Ngọc dựng cây đàn ghi-ta ơ cửa, tặc tặc lưỡi với con. Mấy hôm nay, nghe Na kể về bà cụ Doa, Ngọc hay đến chơi với bà, nghe bà hát dân ca. 

Ngoài cửa, đã thấy hố pẩu và Giàng Súng đi sóng đôi với nhau, cả hai đều một thái độ lãnh đạm giống nhau, cùng bước vào. 

Khó khăn rồi. Mặt hố pẩu đã nói lên tất cả điều đó. Pao đứng dậy, cảm thấy khó nhọc quá vì phải cất lời.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #121 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2010, 10:39:53 am »

*
Bồm bộp tiếng vỗ tay sau khi Pao vừa nói xong. Ai vỗ? Ông Giàng Súng! Thật thế! 

Nhổm ngay dậy, ông lý trưởng thời cũ, xắng xở: 

- Chủ tịch Pao nói đúng! Đúng quá! Có người nói: Chính phủ Việt Minh tốt gì mà lấy thuế nhiều quá, tốt gì mà cán bộ lại làm hại đời con gái Hmông. Nhưng tôi nói: Chính phủ này tốt. Đấy, như cháu Pao. -
Hạ giọng, lão giáng Pao xuống hàng con cháu – Cháu đến nhà tôi, bảo bây giờ dân đang đói, bác cho dân vay ăn đi. Tôi còn ít ngô, ít thôi, nhưng cũng bằng lòng ngay. Chỉ lấy lãi hai mươi phân thôi. Thiệt tôi một tí, nhưng lại lợi nhiều. Lợi là Chính phủ không phải đem ngô, gạo đến cho dân. Lợi là tôi chết có người đi đưa đám. 

Súng vừa dứt, lão Sếnh bật dậy: 

- Hôm nay họp để kể khổ á? Thế thì người Hmông ta khổ nhiều đấy. 

- Nói xây dựng, ông Sếnh nhé - Giàng Súng đế. 

Lão Sếnh gật đầu: 

- Khổ thật chứ. Xương người Hmông còn phơi trắng ở Hầu Thào kia kìa. 

- Ồ! Nói thế là lệch ra một bên đấy.

- Ừ, thì nói công bằng. Công bằng là ai cũng tốt, ai cũng xấu. Na nủ Lồ cũng tốt. Na nủ Lồ cũng xấu. Con gái trên giời một vú, na nủ Lồ một mắt. Thế là xấu chứ. Lử cũng có cái xấu. Nó đạp tôi vào sườn. Răng nó bị sâu cắn. 

Căn nhà ào lên tiếng cười. 

Mặt Pao ê ê. A Sinh đập hai bàn tay vào nhau: 

- Hai ông cứ như gà trống thi nhau gáy thế. Để mọi người nói với chứ. 

Lão Sếnh hếch mặt: 

- Ấy, nói hay nói tốt lại bị đi làm cán bộ đấy, các bà ạ. 

Sinh tím mặt: 

- Ai cũng biết nói cả đấy. Đừng doạ người ta! 

- Mày doạ tao đấy à? Mày chỉ là cái cọc rào thôi, A Sinh à. 

- Im đi, Tôi là chủ ở đây. 

- Á. 

Giàng Súng quài tay, xua xua, miệng kêu ài ài: 

- Thôi, tôi can. Ông Sếnh đúng. Mà A Sinh cũng không sai. Người Hmông ta có câu: Đàn bà tựa như cái chõ đồ cơm ngô. Có phải không, hố pẩu?

Tất cả các con mắt đều dồn về hố pẩu. Mặt hố pẩu như mặt pho tượng, vô cảm, hai mắt nhìn thẳng đi đâu, đôi môi mim mím. Những lúc người nói đông, kẻ nói tây thế này, hố pẩu là đại diện cho sự mực thước, chín chắn, hố pẩu phải lên tiếng chứ. Vậy mà hố pẩu lại im.

Pao hiểu rằng bất đắc dĩ cha anh mới đến dự cuộc họp này. Cũng như anh, anh cũng phải dằn lòng để có mặt ở Can Chư Sủ những ngày này. Nhưng, chính điều ấy lại khiến Pao nhận ra một cách sâu sắc rằng: Đời bây giờ cần phải có Pao. Pao đã xuất hiện giữa cơn dông bão tròng trành của đời để thay thế tất cả những kẻ đại diện cho dân tộc Pao từ trước tới nay. Còn đớn đau riêng thì Pao phải cắn răng mà chịu thôi! 

Vậy thì Pao phải bước vào cuộc tranh luận.

Nhưng, Pao chưa kịp đứng lên, Pao đã bị bất ngờ. Bà Doa đưa thằng bé Quang Duy cho Quang Ngọc, đứng dậy, xà tích thả lóng lánh một sợi dài, vuốt hai mép, chắp tay, khoan thai: 

- Ông Sếnh nói vậy là chưa công bằng. Thật là Hmông ta khổ đấy. Ta nhìn cũng thấy chứ. Đánh nhau chỉ có người Hmông, người Kinh chết, chứ có thấy xác thằng Tây, thằng Mĩ đâu. Thằng Tây nó xui ta hại nhau đấy, bà con à. 

- A! Cái lý hay đấy!

A Sinh vỗ tay bộp bộp. 

- Nó xui thằng Lử gây phỉ - Bà Doa nói tiếp - Nhưng trời của thổ phỉ đã tối rồi còn đâu nữa. Để tôi chuyện này hầu các cụ, các ông, các bà... 

Bà Doa nhìn quanh. Bà kể lại việc bộ đội Na đã cứu cháu gái bà khỏi bị bỏng lửa. Giọng bà hơi rướn lên, rồi lại hạ xuống, trầm bổng, mượt mà. Lời bà như lời bài hát. Bà bảo: Có lý nào người không muốn làm người lại chui rúc trong hang làm con thú. Bà bảo: Chính phủ đánh Tây, Tây thua, sợ gì kẻ gây phỉ mà không cho quân lính đi bắn chết hết. Nhưng, chính phủ thương dân, muốn con người đã hóa hổ được trở lại thành người. 

- Tôi kể câu chuyện hóa hổ cho bà con nghe nhé - Bà hạ giọng, thì thầm - Xưa, có một tên vua ác độc... 

Căn nhà im lặng, phập phồng. 

Lời bà Doa như ngọn lửa nhỏ.

Pao nghiêng đầu. Chuyện xưa vận vào đời nay hợp quá. Tên vua làm người em khổ quá hoá hổ. Anh đi cứu em, phải giết cả bọn hổ thật. Em muốn trở nên người phải đào hố, lót lá han, nằm liền mười ba ngày... 

Pao muốn reo to khi bà Doa vừa ngừng lời. Nhưng Pao đã tắc nghẽn tiếng reo. Hố pẩu vừa hất mặt lên. Cái cằm nhọn hếch như chọc vào mặt Pao: 

- Hừ, thằng Lử thành hổ ác rồi. Nó có tội. Ừ, nó có tội. Nhưng chỉ có tội với dòng họ Giàng thôi. Không phải có tội với Việt Minh các người!

Pao như bị một cái tát tối tăm mặt mũi. Quanh Pao lặng tờ. A Sinh bước ra cửa, mặt lầm lì bực bội.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #122 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2010, 10:50:54 am »

IX
 

A Sinh dằn từng tiếng: 

- Cô Seo Váy! Uỷ ban tiễu phỉ thanh bình hội gọi cô đến đây là để hỏi tội cô. Chính cô đã gây rối, cản trở Cách mạng. 

Căn nhà rỗng, nhân tiếng nói của A Sinh to gấp đôi. Nắng ngoài sân ong óng vàng. Xa xa, xôn xao tiếng người quát trâu, đuổi ngựa. 

A Sinh cố làm cho tiếng nói thật đanh thép. Thầy khèn điều khiển lưỡi khèn tài, tiếng nói của mình cũng điều khiển được. Nhưng mặc A Sinh cất tiếng nói đanh thép, cô đầm Seo Váy vẫn ngồi vắt vẻo trên cái ghế đẩu, hai tay đặt trên đùi, im trơ. 

- Thế nào, không nói hả? 

đầm ngúc ngoắc. Cái cổ hai ngấn thịt của cô rịn mồ hôi. 

- Này, đừng có lấy im lặng tủi thân làm mủi lòng tôi! Không nói hả? Vậy tôi sẽ có cách.

Đi tới cái máy điện thoại, A Sinh gõ cọc cọc: 

- Đây là cái máy thần. Nó biết hết mọi chuyện. Tôi sẽ hỏi nó. Lúc ấy tội cô sẽ to thêm đấy.

đầm quay lại. A Sinh thõng tay, chưng hửng. Sinh ngốc quá. Nó là vợ thằng Tây Phơ-rô-pông, nó còn lạ gì cái máy điện thoại mà doạ nó. 

- A! Hay là thằng chồng Tây nó xui cô! - Chợt nghĩ ra, Sinh dồn. 

Cô đầm ngẩn ngơ cái mặt trắng bứ. 

- Nói đi chứ! 

- Em oan.

- A! Oan, oan cái gì? 

- Cán bộ Khả nó nghịch em. 

A Sinh giật nẩy người: 

- Nghịch! Đừng có láo! 

- Thật! 

- Thật thế nào? 

- Nó vuốt má, nó bóp tí em. Nó bảo tí em to. Nó đòi cho nó... 

A Sinh bộp tay xuống bàn. 

- Láo! ở đây cấm nói chuyện bậy bạ. Tôi không bao giờ bị lừa nữa đâu. Nói đi, ai xui cô?

Cô đầm gục mặt xuống bàn. Sinh sịt mũi:

- Gọi đến uỷ ban là phải ngồi ngay ngắn. Ngẩng lên. Tôi hỏi, ai xui cô vu oan giá hoạ cho cán bộ Khả? Ai xui? Hả? Nói! Có phải lão Giàng Súng chủ mưu không? 

đầm ngẩng lên, hai con mắt chớp chớp liên hồi, rồi bất thình lình gọn thon lỏn: 

- Em xui em ạ. 

- Sao lại thế? 

- Vì em ghét cán bộ Khả. Em yêu anh, anh A Sinh ạ. 

Ôi trời! Sinh đứng thẳng người lên. Bằng sét nổ giữa trưa. Và còn hơn cả tiếng sét nữa, cô đầm nhổm ngay dậy, chồm tới A Sinh, vít cổ Sinh, áp cả bộ ngực phốp pháp vào anh, quấn riết lấy anh: 

- Anh thầy khèn tài hoa của em ơi, em yêu anh từ đã lâu rồi. Giờ, em mới được gặp anh. Anh ơi, em cho anh hưởng đặc quyền đặc lợi ở em đấy. 

Mặt nóng hực, Sinh giãy ra. Rồi đẩy cô đầm ra gần cửa, Sinh cúi xuống. Chà, sao lúc này Sinh bé nhỏ mà lại khỏe thế. Sinh bế bổng cô đầm lên và có cảm giác như ném một bao tải ra sân. 

- Chung cào nả! Mày lừa ông được lần nữa, ông với con bò đực là một. Này đặc quyền với chả đặc lợi. Ăn nói kiểu Tây hay ho gớm nhỉ. Cút mẹ mày theo thằng quan tư dê cụ chồng mày đi.  

Sinh giơ nắm đấm dứ dứ, rồi quay vào trụ sở, đóng sập cửa lại. 

Lúc ấy đã ngả chiều. Ngả chiều lại có tiếng nổ súng đì đọt trên rừng, trong thôn.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #123 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2010, 10:57:45 am »

X  


Súng nổ đì đọt trên rừng, trong thôn xóm, lúc ở chỗ này, khi ở chỗ khác. Súng của bọn Lử về gây rối, dọa dân, ám sát cán bộ, bộ đội. Súng bộ đội bắn lại bọn Lử.

Súng nổ như điểm canh cho đến tận sáng, vào lúc hố pẩu trở dậy, uống trà. Lâu nay ông già sinh ra cái nếp uống trà sớm thay cho thuốc phiện. Trà nhà sẵn, loạn lạc không đem bán được. Lại thêm ông cũng muốn tìm sự yên tĩnh trong hương trà. Nhúm chè tuyết bỏ trong chiếc ấm trà da lươn đặt trong cái bát lớn. Nước sôi vừa đúng độ, rót vào trong ấm ngoài bát. Ôi, cái hương trà thanh tao, thêm vui lúc vui, giải buồn khi buồn, thâm trầm sâu sắc thêm khi cần suy tưởng, thoáng cái đã toả hương thơm ngan ngát. Giữa cơn xoáy lốc tâm tư đời người, hương trà thấp thoáng một tiếng gọi con người về nơi cao khiết, thanh tịnh, để con người thoát khỏi những ý tưởng hư nhược, khinh bạc, những thói đời xấu xa. Chén trà lúc này là với hổ pấu là cái bóng cây trầm mặc trong cuộc đời dằng dặc những buồn đau của ông.  

Rưng rưng, hố pẩu nhấc chén. Nhưng những tưởng sẽ gặp phút sảng khoái thần tiên, ông già bỗng nhăn mặt đưa tay giữ chặt cổ họng. Cây chè mọc trên núi cao tận mây xanh tuyết phủ, hấp thụ anh khí của trời đất, lá quăn như mỏ chim, mà sao như nhiễm trọc khí trần ai!

Hay đây là mẻ trà ngày nào hai anh em Pao - Lử đẩy cối trà, vò nước chát. Và như vậy là trà đã nhiễm phải tất cả những đắng cay của cõi đời này?  

Thật sự là hố pẩu đã mệt lắm rồi. Nỗi khổ này giày vò hơn cả nỗi khổ áo cơm, làm mòn cả chân tóc, chân râu. Chiến tranh, phân liệt ở ngay từng mỗi căn nhà. Đến mức giờ đây, ông không đủ sức để phản bác Pao, bênh vực Lử. Ông thất vọng về Lử, nhưng ông lại nghi ngờ Việt Minh. Dần dần thấy họ cũng hiền lành thôi, nhưng chấp nhận họ mà ông khóc thầm: khổ thay, người Hmông ta, quốc gia, cương thổ chẳng có, chỉ đi ăn nhờ ở đậu đất nước người! Thân phận khác chi cái cồ đá bị làm hòn kê!  

Hôm qua, Pao tạt về nhà. Lâu  lắm  hai cha con mới gặp mặt nhau. Pao muốn nói gì đó mà ngắc ngứ. Còn ông, lòng thật buồn khổ, ông nói: Thôi, Lử nó đi con đường của nó. Con  đi con đường của con. Cha đi con đường của cha. Hoài nghi,vô vọng, đó là tâm trạng ông, một người thấy mình đã bất lực hoàn toàn.  

Hôm nay, ngồi ở bàn trà, bên bếp lửa suốt từ lúc bình minh cho tới chiều tà, lúc Seo Cả đeo cái địu đến, ông mới ngẩng dậy. Nhờ sự săn sóc của Dung, Cả đã qua khỏi cái chết, đã phục hồi sức lực. Chị nhìn ông, lo ngại và dò xét:  

- Cha à... Ông Súng bảo phải góp thóc, ngô... Ông bảo con đem lên rừng...  

Lúc ấy, ngoài trời bỗng đổ mưa bụi. Mưa từ rừng chè đổ xuống, lành lạnh. Và có hai bóng người nhanh nhẹn từ ngoài cổng đã bước vào sân. Cái bóng nhỏ là thằng Pùa. Nó nhảy lên thềm, rồi quay lại dóng thật to:

- Anh Chính ơi! Cha em có nhà đấy!  

Hố pẩu vội cúi xuống, chất thêm củi vào bếp. Lửa làm cho người ta can đảm lên.

*

Lần này thì không thể lẩn tránh được nữa. Cũng không thể ẩn giấu mình sau cái câu chi pâu ề quen thuộc được nữa. Hình tích lộ rồi, tránh lẩn làm sao!  

Hố pẩu quyết định đối mặt với anh cán bộ đứng đầu tỉnh này. Đang bải hoải, ông liền đông cứng ngay lại như một tảng đá.  

Thằng Pùa nhanh nhảu đặt siêu nước, súc ấm, pha trà. Chính ngồi xuống ghế, lấy khăn tay, lau tóc ướt:

- Mưa quá. Tôi đi xem ruộng mùa, thấy chưa cày được bao nhiêu, bác ạ - Chính nói, tự nhiên, điềm đạm - Phải bảo bà con nhanh tay lên một tí, không là đói to đấy, bác Lầu.  

Đặt chén trà trước mặt Chính, hố pẩu im lặng nhìn ra ngoài trời.  

Chính nhấc chén trà, tiếp:

- Tôi và em Pùa vừa đi xem rừng chè Can Chư Sủ về.  

Thằng Pùa chen ngang:  

- Búp chè già rồi, không ai dám đi hái cả, là thế nào, cha?  

- Sao mà không dám đi? - Hố pẩu quay lại lừ lừ mắt nhìn cậu con út.  

- Ai đó laị nói là có hổ về!  

Chính nhẹ nhõm, như bâng quơ:

- Nếu vậy thì bảo các anh bộ đội, du kích. Có súng còn sợ gì hổ. Mất một lứa, phí đi. Hái xong còn  phải đốn, phải làm cỏ. Thành cây rừng hoang còn gì là chè nữa!

Thành cây rừng hoang, thì còn gì là chè nữa! Người này nói vậy, ý tứ là thế nào?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #124 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2010, 11:03:27 am »

Lửng lơ, hố pẩu nhìn ra ngoài sân tối mờ. Rồi thu ánh mắt lại khi Pùa đã đặt cái đèn dầu hoả nhỏ lên bàn. Mắt hai người cùng nhìn ngọn đèn rồi ngẩng lên, chạm vào nhau. Thôi thế là họ đã hiểu nhau rồi đấy. 

Sự tồn vong của dân tộc là nỗi khắc khoải của bao thế hệ người Hmông nối tiếp nhau, cho tới tận hố pẩu đây. Chính biết vậy nhưng Chính cũng nhận ra: Làm sao một ông già như hố pẩu ngay bây giờ lại có thể hiểu ra rằng chỉ có liên minh với những người bạn chân thành, những người lao động của các dân tộc anh em, dân tộc Hmông mới có sự đảm bảo an toàn cho sự tồn tại và phát triển của bản thân mình. Dân tộc này, trước hết là những Pao, Pùa, A Sinh phải vươn lên những nấc thang trí tuệ cao hơn bản năng nhiều lần. Trí tuệ phải sâu sắc thì mới không hoài nghi, vô vọng, mới đảm bảo cho sự phát triển của chính họ. Còn ông già? Làm thế nào để ông già tự vượt ra khỏi con người mình được? Ông là nạn nhân, lại chính là thủ phạm của cuộc khủng hoảng này.

- Bác à - Chính hơi cúi xuống - Chúng tôi, những người Cách mạng đến đây không phải để thống trị dân tộc Hmông. Bác hiểu cho lòng chúng tôi. Còn một người khổ cực, còn một người đói rét, còn một người bị áp bức, đau khổ, lòng chúng tôi còn chưa yên.

Mặt hố pẩu ngây ngây. Ông bị bất ngờ ư? Không! Ông ngồi thẳng dậy. Dự cảm bằng kinh nghiệm sống là đang gặp phải sự dối lừa, ông trở lại thái độ khăng khăng ngay lập tức.

Chính nhìn thẳng vào mặt ông già, chân thành và khúc chiết:

- Cách mạng như mọi việc, cũng có lúc lầm lỡ. Trong đàn con, cũng có đứa hư. Cách mạng biết đó là lỗi lầm của mình. Chúng tôi thành thật xót xa vì đã mắc những sai lầm. Tôi, bí thư tỉnh uỷ tỉnh này xin chân thành xin lỗi bác, xin lỗi dân làng Can Chư Sủ.

Lần này thì ông già chớp mắt liên tiếp. Qua hai hàng mi, ông nhìn Chính. Khác hẳn điều ông dự đoán, Chính không đưa ra một tương lai hào nhoáng để thuyết phục ông.

Nhưng đúng vào lúc ấy, có một tiếng súng nổ vang như sét đánh từ phía sau nhà. 

- Đoàng!

Hố pẩu vập người vào cạnh bàn, ấm trà rơi xuống đất vỡ toang. Chính hơi nảy lên và gục ngay xuống bàn. Vai phải Chính xối máu. 

- Trời ơi! 

Hố pẩu kêu, khản đặc. Càng ghê rợn hơn khi sau nhà có tiếng A Sinh thét: 

- Thằng Lử! Thằng Lử! Bắn chết nó đi! 

Pùa vùng ra khỏi nhà. Súng nổ đoang đoác trong thôn.


XI
 

Can Chư Sủ bừng thức. 

Chính nằm ở nhà hố pẩu. Dung từ Phéc Bủng vội trở về xem vết thương của Chính. May, viên đạn vào phần mềm. Khả cuống quýt vào ra, việc nọ lẫn việc kia. Pao đến nhà, đúng lúc Seo Cả về, mắt gườm gườm, không cần che giấu sự khinh miệt. 

Hố pẩu ngồi ở bếp cám, đuôi mắt chúc, âm thầm một nỗi đau buồn tái tê. Căn nhà này sao chứa đựng nhiều điều khủng khiếp thế! Giờ đây mới thật là đau buồn và lo sợ. Tình ngay lý gian, ai hiểu cho ông? 

Trời sáng mờ mờ thì Giàng Súng đến. Áo ca pốt dạ không khuy lượt thượt, lão chạy xộc vào nhà: 

- Cán bộ Chính làm sao rồi! 

Pao kéo tay lão ra cửa, đẩy khẽ lão một cái: 

- Này, ông Súng. Uống rượu không giấu được hơi ở mồm đâu. 

- Ơ ơ...

Pao sầm sầm bỏ đi.

Giàng Súng lần vào nhà, đến cạnh bếp khách, mặt cau có: 

- Hố pẩu! Cái thằng Pao hỗn hào quá!

Hố pẩu lặng im, quay mặt đi. Đó là lần đầu tiên, ông tỏ ra lạnh nhạt với con người này.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #125 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2010, 11:07:55 am »

Ngoài sân, bỗng có tiếng người véo von: 

- Nào, sao chim cắt lại dám mổ đại bàng nào! 

Bà Doa! Theo sau bà là Pùa. Pùa đeo cái túi lanh đựng các củ thuốc, lá thuốc. Giàng Súng đứng ở cửa, xoắn hai bàn tay, xắng xở: 

- Dà dà... Tay bà là tay tiên, lòng bà là lòng Phật...  

Lão Sếnh từ đâu chạy vào sân, hai tay áo xắn cao, hùng hùng hổ hổ: 

- Đứa nào dám vuốt đuôi hổ thế nhỉ? Láo thật! 

Pùa quát: 

- Im đi, ông Sếnh! 

Bà Doa bước vào nhà. 

Hố pẩu ngước lên, van vỉ: 

- Bà ơi, bà ra tay cứu giúp... 

- Ơn oán cả dòng họ đấy, hố pẩu ơi! 

Bà đi nhanh lại phía giường Chính nằm.

Hố pẩu ngồi tê dại. Ơn chưa thấy đâu, chỉ thấy oán. Con làm cha chịu. Lử giết ông già tam thất, ông mang tiếng xấu. Lử hại Pao, dẫu sao cũng là tội với người trong nhà. Giờ thì đâu phải thế nữa. Đâu có phải chỉ là việc Lử đi cướp phố, gây chuyện động loạn ở cái thị trấn ngoài kia. Giờ Lử hại người chính phủ ngay ở căn nhà này. Tội Lử rành rành. Hỡi ơi, sao bữa nọ hố pẩu lại nói Lử chỉ có tội với bà con trong họ Giàng! 

Khi Quang Ngọc hay tin, đến nhà hố pẩu với Chính thì trời đã khuya.

Anh rón rén bước vào cái sân ẩm ướt và dừng lại ở trên thềm. Vẳng từ trong nhà ra tiếng hát của bà cụ Doa. Bà cụ Doa, sau khi đã bó thuốc lá cho Chính, đang ngồi hát bên bếp lửa như để ru Chính ngủ. Khúc hát ru dân ca Hmông rải đều trên âm giai năm cung trầm lắng, rất gợi nhớ gợi thương.

Tù ní cù tu à  
Sang cù tu trề cùa ề  
Sang cù nả dúa mông ua, nào ờ cú tu trí cùa ơ  
Trời ơi, con trai mẹ à.  
Ngoan nhé, đừng khóc mẹ yêu.


Trong cái đêm sâu thẳm này, điệu hát ru có một âm hưởng sâu xa thật lạ. Ngọc đã mê thích dân ca Hmông, nhưng những ngày ở thị trấn, tiếp xúc với nó, anh vẫn có cảm giác như chỉ đọc những trang sách dịch. Về đây, Ngọc tìm thấy nguyên bản. Ngọc đi đến cái cội nguồn, khởi thuỷ của nó, ấy là cuộc đời. Cuộc đời chăng chéo dĩ vãng và hiện tại, những lo toan vất vả, những phân ly, sum họp, những số phận cay đắng, những máu và nước mắt mà vẫn thơm ngát tình đời, một tình đời giản dị mà sâu nặng khôn cùng.

Rụt rè bước vào nhà, ghé lại nhìn Chính đang mê mệt, Quang Ngọc khe khẽ ngồi xuống cạnh giường, chỉ sợ một tiếng động nhỏ cũng làm Chính giật mình. 

Không hay biết gì, bà cụ Doa vẫn khe khẽ cất tiếng hát. Miệng hát, tay se lanh. Bài hát nọ gọi bài hát kia, mê mải. 

- Ơ, cán bộ Ngọc đấy à? Mày viết cái gì đấy? 

Lát sau, nhận ra Ngọc, bà cụ mới ngừng hát, quay lại. 

Ngọc rời mắt khỏi trang sổ tay: 

- Con chép bài hát của mẹ. Mẹ hát hay quá! 

Trong Ngọc vừa có một cuộc giải thoát và xuất hiện một trạng thái hưng phấn thầm kín rất kỳ lạ. Đã giũ ra khỏi nỗi u hoài uỷ mị và hoài nghi, những trớ trêu của cuộc sống, giờ đây, trở về Can Chư Sủ, thực sự sống trong cuộc đời, anh hiểu cuộc sống sâu sắc hơn, và tin yêu hơn. Trong anh vừa có sự tái sinh. Những tia sáng bất chợt của trực giác đang đòi hỏi bước nhảy vọt: những tích tụ giai điệu và hình tượng cuộc đời đang khát khao kết hợp thành một thực thể thống nhất. 

Ngọc rơi vào cơn cảm hứng sáng tạo bất thần. 

Anh ghé xuống bên cạnh bếp. Lửa xanh nhấp nhoáng trên khuôn nhạc nguệch ngoạc.

... Gần sáng hố pẩu đi đâu về, ngồi nói chuyện với bà cụ Doa thì Ngọc đứng dậy: 

- Mẹ ơi, bác ơi, con hát thử bài này cho mẹ nghe, bác nghe nhé !

Dân làng ơi!
Người Hmông mình bao đời sống lầm than 
Vì loài hổ ác dạ tham tàn 
Hội thanh bình ta mau đoàn kết lại 
Nước Sung Sướng! Ta không sợ gian nan.
...  


Giọng Ngọc còn thô. Nét nhạc còn đơn sơ. Lời ca chưa trau chuốt. Tất cả đang ở dạng phác thảo. Nhưng Ngọc lặng người sung sướng vì tiếng kêu hoan hỉ của bà cụ Doa:

- Mày hát theo điệu người Hmông ta à, cán bộ Ngọc? Mày tài quá. 

Bà cụ nhập tâm hát theo Ngọc. Chính tỉnh dậy đúng vào lúc ấy.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #126 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2010, 02:13:15 pm »

XII
 

Dân làng ơi! 
Người Hmông mình bao đời sống lầm than 
Vì loài hổ ác dạ tham tàn.  


Tiếng hát giập giờn trong làng, bập bùng đó đây như những ngọn lửa đỏ. Đó là tiếng hát của các tổ nhân dân họp hành, học tập chính sách sản xuất và gọi người còn lẩn trốn trên rừng về làng. Sau khi Chính bị Lử bắn trộm, tựa như có cái gì bột phát, cái hàng rào cách bức giữa Việt Minh và người trong làng đã được nhổ đi nhiều khúc. Mối quan hệ hai bên đã bắt đầu trở nên gần gụi thân tình. 

Nghe tiếng hát ấy mà Seo Cả khóc. 

Là bởi vì khi sự cách trở giữa mọi người và Việt Minh đã giảm bớt thì cái hố sâu chia cách giữa chị và Pao lại rộng thêm.

Pao bỗng trở nên lạnh lùng với chị. Cái thai không còn, chị tự thấy mình chẳng còn mối liên hệ nào nữa với Pao. Mọi người xa lánh chị. Đau đớn quá, chị là vợ Lử. Vì dẫu thế nào chị cũng đã là vợ nó, nó đã cưới chị, chị thuộc về nó. Chị trở thành cái điểm để người ta trút oán hận. Chị có cảm giác như thế. Chị đứng ngoài tất cả các hoạt động của xóm thôn. Họp chị em phụ nữ ngay trong nhà hố pẩu, bà Doa nói: chị em ta phải gọi chồng con về. Đừng để lâu là nó hóa thành hổ dữ hết. Tôi sẽ gọi thằng Giống về. Gọi về cho nó làm người. Chị nghe những lời ấy mà khóc dòng dòng. Người ta gọi chị là vợ con hổ dữ rồi. Chị khóc, chị lo sợ vì thấy mình bơ vơ đứng giữa hai bên, bên nào cũng khinh miệt, ghét bỏ chị. 

Chao ôi! Chẳng còn bao giờ chị được sống bình yên nữa rồi. Ra khỏi cái chết sau lần bị Lử đánh trụy thai, nhưng giờ chị lại sống vất vưởng như bóng ma. Thể xác chị tiều tụy. Lòng chị tả tơi.

Dân làng ơi! 
Người Hmông mình bao đời sống lầm than.
 

Tiếng hát vẫn ngân nga trong khi chị ì ạch đeo địu gạo, leo lên dốc cao. Chân chị không muốn bước mà cứ phải bước. Đã chót ăn lầm cơm ma, chót lạc bước tới quê ma, chót uống lầm nước ma, trở lại không được nữa rồi.

Khốn khổ! Cái nghĩa vợ chồng là cái gì mà nó ràng buộc quá thế. Đã hai lần chị mang gạo lên cho Lử. Nhận gạo, thoả mãn xác thịt xong, nó đuổi chị về. Nó có yêu thương chị đâu. Lão Giàng Súng thỉnh thoảng lại ghé tai chị: “Tô pồ ua mào. Tô giở ư ua nào. Đàn bà làm cơm. Đàn ông ngồi ăn. Cái lý người vợ phải thế, cháu Cả à”. Ôi chao! Khi đã kiệt sức, khi không còn nơi nương tựa thì chỉ có mỗi cách sống là phó mặc đời mình cho số phận thôi.  

Leo tới đỉnh núi, tai chị ù ù. Chân vấp đá chị cũng không biết đau. Chị đến trước một cái hang từ lúc nào không biết nữa. 

“Chị lại lên đấy à?”. Một cái bóng đen to lù lù ra cửa hang dắt chị vào. Tiếng nó nói nghe quen quen. Chị liền bật gọi: “Anh Giống!”. Nhưng cái bóng quay lại, xua xua tay:

- Vào xứ ma xứ quỷ đừng nói to thế! 

Giờ thì quanh chị nhộn nhạo toàn ma! Chúng giằng cái địu, lục lọi. Có đứa vốc cả nắm gạo ập vào mồm, nhai rào rạo. Sợ quá chị nhắm tịt hai mắt. Nhưng Lử đã đến trước chị.

Lử đấy! Dẫu sao, chị vẫn nhận ra hắn. Hắn ngày càng xa giống người. Tóc hắn dầy như lông gấu. Mặt hắn là mặt khỉ. Mồm hắn phả hơi tanh lợm vào mặt chị. 

Chị lui lại. Hắn tiến thêm. Hắn nổi cơn thú vật. Những con ma khác reo à à. Hình như chúng vật nhau. Một con kêu the thé: “Đ. mẹ thằng Giống nhé!".

- Thế nào, mày lên đây, có đứa nào biết không? Đ. mẹ, làm phản thì ngắn hai, dài một nhé. 

- Tôi không biết! - Chị lắc đầu 

Lử hất hàm: 

- Thằng Việt Minh đầu sỏ thế nào? 

- Tôi không biết. 

- Nó bị tao bắn, chết cha nó rồi chứ? 

- Tôi không biết. 

Chị lùi. Bấy giờ sấn đến trước mặt chị sao mà nhiều bóng ma thế. Mắt chúng hau háu. Mồm mũi chúng thở phì phò. Chúng thèm khát chị. Chị bủn rủn. “Ta sẽ chết mất thôi!” Chị thở hắt ra. 

Nhưng Lử bỗng quay phắt về phía sau. Lũ ma cũng rời chị. Việc gì thế? A! Chúng đánh lẫn nhau. Thế là chị quay đầu, đâm sầm ra cửa hang.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #127 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2010, 02:17:28 pm »

*
Seo Cả chạy. Chân chị có mắt hay sao mà chị vượt qua được khu rừng u tối ấy. Và bây giờ chị đã xuống tới lưng núi, chị giụi xuống, mệt rã. Nhưng chị lại chống tay đứng dậy. Hình như chị vừa thành một người khác. Chị vừa nảy ra một ý nghĩ quyết định: “Ta không bao giờ trở lại đấy nữa”.

Chị tỉnh táo và bỗng giật thót mình. Cạnh chị, con chim ừ ăn đêm vừa vụt bay ra từ một cái bụi rậm. Và phía trước chị có tiếng chân người. Chị thấy thèm sống quá. Chị lao vào bụi rậm thay con chim ừ, nằm im. 

Trên đường mòn, có ba người đeo súng, lưng khoác nồi gang. Người đi đầu còn dáng thiếu niên. Người thứ hai to ngang. Người đi sau, dong dỏng, dẻo dai. 

- Khéo mìn đấy, Pùa. Đi chậm lại! Chân nhấc cao lên! Bọn nó hay gài mìn ở những đoạn bên đường có bụi rậm, nhớ nhé. 

Người thứ hai kéo tay người đi đầu và dấn lên. 

- Anh Na, gặp mìn có sợ không? 

- Biết thì không sợ. Hồi đánh Pa Kha, đồng chí Tích trung đội trưởng đi trinh sát, gỡ hơn năm chục quả mìn. Lần trong đất, thấy nó, cho cái kim băng vào gài chốt lại là yên trí. 

- Giỏi nhỉ.

- Đồng chí Tích có một lần vướng mìn chuối mà thoát mới giỏi. Quả mìn nảy lên, ngang lưng người là nổ liền. Xưa nay, không ai thoát. Thế mà đồng chí Tích cầm cái gậy gạt phắt đi rồi nằm ập xuống. 

Người đi sau rốt nhấc khẩu tiểu liên qua vai, buông thõng: 

- Thế mà chết vì tay đồng chí của mình! 

Người tên Na quay lại: 

- Đồng chí Tếnh! Tôi đã nói rồi! Thằng Vận không phải đồng chí. Nó là con rắn độc lọt vào hàng ngũ chúng ta! 

- Thế sao lại thả nó? Chính vì nó mà anh Seng tôi chết. Thằng ấy phải bắn. Vừa rồi nó lại buôn lậu ở Can Chư Sủ, quan hệ với con Seo Váy, gây bao tiếng xấu... Hừ! 

- Đang lùng nó đấy, Tếnh ạ. 

Người thiếu niên quay lại: 

- Phải tìm cả lão quản ma nữa, anh Na ạ. Lão ấy mất tăm đi đâu. Em nghi là nó lên với Lử. Biết thế em bảo các anh bắt nó từ hôm nó cắt dây điện thoại. 

- Chưa bắt được! 

- Sao? 

- Bắt ông quản ma, hố pẩu nghĩ thế nào? Anh Chính bảo thế.

- Cha em hồi này thế nào ấy. Cả chị Seo Cả cũng thế. 

- Hai người ấy thật khổ. Cái khổ ấy thằng Lử gây nên. Em Pùa này... thế còn em?

- Lử không còn là anh em nữa. Em chỉ có anh Pao. 

Ba người đi qua cái bụi rậm Seo Cả ẩn mình. Chị nín thở. Chị hiểu đó là ba chiến sĩ tuần tra. Họ đi rồi, chị mới ngồi dậy. Tâm trí chị bỗng dưng xao động quá. Thằng Pùa thì dứt khoát rồi. Còn chị? 

Chị vừa định chui ra khỏi bụi rậm lại vội thụt vào. Có tiếng chân nhiều người đang đi ngược lại. Chị vội nằm co, im thin thít như con cuốn chiếu ngủ. 

Ba chiến sĩ vừa nãy đã quay lại cùng với một người nữa, tay cầm một cái khăn trắng. Họ dừng lại ở cạnh bụi cây Seo Cả nằm.  

Người tên Na cười, vỗ vai người cầm khăn trắng.  

- Sao lại biết cầm khăn trắng? 

- Tôi đi lính từ hồi Tây... 

- Bây giờ còn sợ Việt Minh không? 

- Không. Mẹ tôi nhắn tôi về. Mẹ tôi bảo bộ đội chính phủ tốt. Về làm người. Tôi bảo Lử thế, nó định giết tôi. Tôi đánh nhau với nó rồi chạy về. 

- Súng đâu? 

- Để ở đằng kia.

Người tên Tếnh bước tới: 

- Này, anh Giống, về thế là tốt. Vụ mùa đến rồi đấy. 

- Các anh trói tôi đi, phạt tôi đi. 

- Trói, phạt anh làm gì? 

- Tôi có tội to. 

Người tên Na cười hì hì, lại vỗ vai Giống: 

- Này, anh Giống biết chỗ ở của bọn Lử chứ? 

Trong bụi rậm, Seo Cả cựa mình. Chị có cảm giác anh bộ đội hỏi chị, cũng câu hỏi ấy.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #128 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2010, 02:22:27 pm »

XIII

Vết thương nhức tấy, Chính sốt li bì. 

Nhưng, dường như cả về mặt cơ thể, anh cũng được cấu tạo bằng những chất liệu đặc biệt. Sức lực của anh vẫn còn khoản dự trữ dồi dào để chế ngự cơn đau. Anh vẫn nhận biết được những gì đang xảy ra xung quanh. Anh biết sau khi anh bị ám sát, hố pẩu lo đến xanh xám mặt mày. Ông đã định trốn đi và xóm làng xôn xao lo sợ về một cuộc trả thù của Việt Minh.

Ngày thứ ba, Chính tỉnh dậy, đúng lúc Khả tới. 

- Báo cáo anh - Khả lập cập - Báo cáo anh, Pha Linh giải phóng hoàn toàn rồi! 

Chính mở choàng mắt. Khả mừng rỡ, láu táu:

- Báo cáo anh, anh Đắc gọi điện về sáng nay. Đã đập tan sào huyệt phỉ của Châu Quán Lồ. Theo đúng chỉ thị của anh, đánh tan chứ không đánh tiêu diệt. Anh Đắc xin ý kiến anh để triển khai công tác phát động quần chúng. Còn ở Can Chư Sủ đây, báo cáo anh, quần chúng đã chuyển mạnh. Các hiện tượng chống phá, như phao tin đồn nhảm, cắt điện thoại, đe dọa người tốt đã giảm hẳn. Các gia đình đang nô nức đi gọi chồng con về. Tên phỉ về hàng đầu tiên là cậu Giống, con bà cụ Doa. 

- Hiện Giống ở đâu? 

- Báo cáo anh, anh Na đưa cậu ấy đến trình diện uỷ ban xong lại đưa cậu ấy về gia đình. 

- Dặn các đồng chí tuyệt đối không được truy chụp, trù ép. Nếu cậu ấy thiếu thốn, phải giúp đỡ. 

Thấy Chính chống tay, Khả đã định đỡ. Nhưng không, Chính chỉ đẩy người lên cao chút ít, rồi lại nằm xuống, đầu ngửa, chân duỗi dài và đôi mắt hơi khép lại, lim dim vừa mệt mỏi vừa sung sướng. Cuộc sống đã khẳng định niềm tin của anh. Không, còn hơn thế nữa, cuộc sống đã xác minh những điều anh dự tính. Sai lầm đã xảy ra, sẽ còn xảy ra, một khi người lãnh đạo không nắm bắt, vận dụng được quy luật của cuộc sống. Có điều là, phải biết dũng cảm nhận sai lầm và trăn trở, sửa chữa. Phải dám nhận và kiên quyết sửa chữa bằng được, nếu như đã mắc lỗi lầm. 

Chính bỗng mở bừng mắt.

- Ông cười gì thế, ông Khả? 

- Dạ - Khả ấp úng, gãi gãi gáy - Dạ, để báo cáo anh vài việc nữa ạ. Tên Vận, tôi đã có công văn truy nã. Tả Van Chư, Lũng Phìn đang vào bước một. Dạ, Lử và tàn quân của nó hiện đóng trong một cái hang. Còn một việc quan trọng nữa là Trung ương có điện mời anh về báo cáo... Hừ... anh vất vả quá - Khả thở một hơi dài, chép miệng, trở lại câu hỏi của Chính  

- Anh vừa hỏi, tôi có cười gì đâu! Nhưng anh cho phép nói thì tôi xin bộc bạch. 

- Ông nói đi. 

- Quả thật, mấy hôm rồi, tôi rối ruột rối gan. Ngộ nhỡ, anh có mệnh hệ nào thì thật vừa ân hận, vừa đau uất. 

- Sao lại thế? 

- Hừ, chẳng lẽ chỉ vì vài ba cái thằng phỉ vớ vẩn mà mất một cán bộ cỡ...

- Không đúng! - Chính chồm dậy, như quên cả vết thương, - Đổi một bí thư tỉnh uỷ lấy cả một phong trào, không đắt đâu, ông ơi. Vả lại, cũng không nên tính toán như vậy. Ông Khả ạ, cuộc sống đầy các sự kiện mà mỗi sự kiện gợi cho ta nhiều suy nghĩ quá. 

Chính ngồi hẳn dậy. Cái vai đau đã biến đi đâu. Hai con mắt thắp sáng hai đốm lửa lung linh. Tựa như có một nguồn sáng rực rỡ vừa bật lên, soi rọi toàn bộ những ý nghĩ, tư tưởng của anh, gọi chúng lại và hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh, tràn ngập những tình cảm nhiệt thành.

- Ông Khả ạ. Có lẽ điều phát hiện lớn lao nhất của thế hệ mình là cái vai trò, sức mạnh của nhân dân. Nhân dân! Có từ nào kỳ diệu hơn cái từ ấy, hả ông? Có ai đó ngày xưa nói: dân là giặc đó mà. Ông nghe có sởn gai người không? Gạt những thứ gọi là quan điểm đi, mệnh đề ấy cho ta một ý niệm về sức mạnh của dân. Dân có thể là lực lượng phá phách. Dân có thể là lực lượng xây dựng vô tận. Điều hiển nhiên ấy, sao ta không thấy? Là người lãnh đạo, sao ta để dân phật ý? Sao ta chưa hết lòng săn sóc dân? Sao ta lại có lúc để dân dưới quyền những kẻ như tên Vận? Nhân dân, đó mới là những người ta phải phụng sự, phải trân trọng. Chứ không phải chúng ta. Tôi cứ áy náy mãi: các cơ sở Đảng, chính quyền của ta vừa qua có quán triệt cái ý tưởng ấy không? Có hiểu rằng việc chúng ta đang làm đây là biến một bộ phận dân đang lầm đường theo giặc, thành người của ta không? Dân, vừa là đối tượng phục vụ, vừa là đối tượng tác động của ta. Ông có hiểu ý tôi không?

Khả ngẩng lên. Anh không ngờ bí thư tỉnh uỷ nói say sưa và dài như thế. Trời, thì ra mấy ngày nằm liệt vừa qua lại là những giây phút suy ngẫm căng thẳng nhất của Chính. Chính không ngưng nghỉ. Vết đau không chạm đến nhân cách của Chính. Những riêng tư không bợn cợn trong lo nghĩ của Chính. 

- Ông Khả này, tay mình còn đau. Nhờ ông viết hộ mấy cái chỉ thị gửi cho anh Đắc và các cơ sở... 

Khả luýnh quýnh mở cặp bìa: 

- Báo cáo anh, xin sẵn sàng. 

- Mình nói, ông viết thành văn nhé. 

- Dạ, anh yên trí, việc này tôi quen tay lắm. 

Hình như vết thương vừa tấy nhói, Chính hơi nhăn mặt. Khả hốt hoảng đứng dậy, kêu: “Anh Chính”. Nhưng Chính xua tay: 

- Không sao! Ông viết đi. Chỉ thị cụ thể về đối sách trong từng trường hợp với thổ phỉ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #129 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2010, 02:29:12 pm »

*
Khả trịnh trọng: 

- Anh để tôi đọc lại đoạn này xem có đúng ý anh không ạ. E hèm... “Khi gặp phỉ bắt dân nộp gạo, xâm phạm tính mạng của dân thì vây bắt, tước súng. Nếu chúng không có vũ khí thì kêu gọi hàng, bắt; bắt xong giải thích rồi thả. Nếu phỉ chạy thì đuổi bắt, bắt không được thì bắn dọa, bắn dọa thôi. Với đầu sỏ phỉ, nếu nó chống cự, du kích  địa phương có yêu cầu thì mới bắn chết...”. Có đúng tinh thần của anh không, anh Chính! 

Khả nói thật to, Chính đang nằm im lìm như ngủ. Tưởng là Chính mệt thiếp đi, nhưng Chính đã mở mắt, nhăn nhăn trán: 

- Ông cần nhấn thật mạnh vào tinh thần của vấn đề. Cái hồn của chính sách là thế nào, cần nói cho rõ. Tôi sẽ xem lại. Ông ghi tiếp nhé... 

Mải mê làm việc, Chính và Khả không biết hố pẩu Giàng Lầu đã về từ lúc nào. A Sinh và chiến sĩ Tếnh cũng tới tìm Pao. Pao bàn với họ việc cấp phát vải cho những người nghèo trong thôn. Hội ý ở ngay sân. 

Xong việc, Pao đi vào nhà. Pao đứng lại trong gian bếp cám. Cạnh bếp, hố pẩu ngồi. Góc bếp, Seo Cả mặt úp vào tường, tay vịn vách, chân đặt trên phiến gỗ, dưới là một khúc gỗ tròn đang lăn trên một tấm lanh mới nhuộm. Chị đang là vải.

Tĩnh mịch, buổi trưa mùa hạ, ở rất xa ve kêu từng chặp nhịp ba lanh lảnh. Tiếng Chính, Pao nghe rất rõ. Có lẽ cả hố pẩu cũng nghe thấy. Ông cụ mím mím đôi môi, mặt căng căng. Khi Pao đi tới bếp, ông cụ ngẩng lên bảo Pao ngồi xuống uống trà. Pao thấy mắt ông cụ rơm rớm nước. Sau hôm Chính bị bắn, làng xóm nhao nhác lo sợ về một cuộc trả thù. Có người sợ, chạy trốn lên lều nương. Hố pẩu nói: “Cho tôi chịu hình phạt”. Lúc ấy, Pao gắt mà đau xót: “Người cộng sản không thế đâu. Người cộng sản không ưa gây đổ máu, gây đau thương cho người khác đâu, cha à! ” 

Tư tưởng ấy của Chính, Pao biết. Pao cũng như vậy. Pao về làng, Pao tận tụy hết lòng với công việc không phải vì mối thù riêng, để trả thù riêng. Mối tình của anh với Seo Cả làm anh tê dại cả cõi lòng, nhưng không phải chỉ vì chuyện ấy mà anh căm uất Lử, lão Giàng Súng... 

Pao hiểu điều đó ở Chính. Nhưng Pao không thể ngờ rằng Chính đang kiệt sức vì vết thương nặng, lại có thể biểu hiện lòng nhân hậu cao quý một cách sáng suốt, tỉ mỉ, cụ thể, không một chút định kiến, hằn học như thế. Con người ấy dường như được cấu tạo bằng một chất liệu khác thường, khác với Pao.

*

- Anh Chính!  

Pao bước nhanh tới giường Chính. Khi ấy, Khả đã về, hố pẩu lật đật bê ấm trà tới đầu giường Chính. Pao nắm tay trái Chính. 

Đây là lần đầu tiên, kể từ ngày Chính bị thương, hai anh em gặp riêng nhau. Mắt Pao đầy trắc ẩn. Xúc động làm Pao rối bời: 

- Anh Chính à, dân tộc Hmông có lỗi với anh.

- Pao! 

Chính khẽ kêu, rụt tay khỏi tay  Pao: 

- Dân tộc Hmông không có lỗi! 

- Thế thì tôi có lỗi. Đã có lúc tôi muốn bỏ đây đi. Tôi còn tự ái. Lúc thấy Vận nó sai, lúc chưa thông chính sách, tôi cứ im lặng. Tôi chưa phải là người Cộng sản hoàn toàn. 

- Đừng có dằn vặt mình thế, Pao. Kìa, đừng thế Pao. 

Pao cúi xuống rồi lại ngẩng lên. Mắt Chính đầy vẻ khích lệ. Cuộc sống là như thế. Ai có thể tiên liệu được tất cả? Có điều là phải luôn nhạy cảm và năng động, cố gắng để làm chủ được sự vật, làm chủ được mình. Phải, làm chủ được mình trong cả những trường hợp éo le nhất.

Hai người cùng im lặng. 

Trong gian bếp, hố pẩu nói cái gì đó với Seo Cả. Hình như ông cụ nhắc đã đến lúc làm vụ mùa, làm cỏ lanh. Seo Cả không đáp. Cái bàn lăn vải vẫn chuyển động, phát ra một âm điệu dịu dàng...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM