Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:02:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111496 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #200 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2010, 01:28:03 pm »

Giữa đồng bằng Bắc Bộ, cái xóm nhỏ thuộc xã Đông Lỗ huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc Hải Hưng) là nơi tôi đã từng sinh sống từ hồi còn tuổi thơ ấu. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi có cái may mắn là có nhiều thời gian được tham gia chiến đấu trên giải đất đồng bằng và vùng duyên hải Bắc Bộ. Nói chung, không nơi nào không gắn gũi với cảnh sắc của làng mình. Nghe một tiếng ru con, một câu dân ca chèo hay nhìn thấy một cánh cò lướt trên thảm lúa xanh rờn, lòng tôi cũng dịu đi bao niềm thương nỗi nhớ. Nhưng cuộc ra trận lần này tôi sẽ tới một vùng đất hoàn toàn khác với cảnh sắc quê hương.

Tuy vậy, là người cán bộ quân sự của Đảng tôi biết phải tìm ra cái gì để mà yêu, mà gắn bó với vùng đất mình sẽ chiến đấu cho nó. Từ hôm nhận được quyết định công tác ở Tây Nguyên tới nay, như có một tình cảm tự nhiên vừa hình thành, hễ đọc những tài liệu về Tây Nguyên tưởng như chính những tài liệu ấy đang nói với tôi những lời tâm tình về một vùng đất xa xôi mà tôi sắp đặt chân tới.

*
*   *

Từ Hà Nội chúng tôi đi ô tô thẳng tới Bộ tư lệnh quân khu 4 ở nơi sơ tán thuộc địa phận huyện Nghĩa Đàn. Cùng đi chiến trường với tôi lần này còn có đồng chí Dương Trọng Khoan bí thư của tôi khi còn công tác ở Học viện và một vài đồng chí phục vụ, cảnh vệ. Anh Vũ Lăng tư lệnh quân khu 4, được Bộ thông báo đã chuẩn bị sẵn sàng để giúp đỡ chúng tôi vượt qua chặng đường tuyến lửa khu 4.

Đó là những ngày mưa dầm dề, nước các triền sông dọc miền Trung đang dâng lên cuồn cuộn. Tuy thời tiết xấu nhưng máy bay địch vẫn hoạt động rất tích cực. Có nơi chúng đánh phá trực tiếp vào các công trình thuỷ lợi hay những nơi đang bị nạn lụt đe doạ. Để đảm bảo cho đoàn chúng tôi đi lại thuận lợi Bộ tư lệnh quân khu 4 đã điều hẳn cho chúng tôi một chiếc xe lội nước. Thế là bất chấp mưa gió, lụt bão, chúng tôi vội vã chào tạm biệt các đồng chí trong Bộ tư lệnh quân khu 4 rồi khẩn trương lên đường ngay.

Đối với tất cả các cán bộ và chiến sĩ đã từng một lần đi đánh Mỹ ở miền Nam đều không thể quên được những kỷ niệm về tuyến lửa khu Bốn. Là một cán bộ nghiên cứu quân sự, mặc dù đã có lần đi nghiên cứu tình hình địch đánh phá ở quân khu và thường vẫn được thông báo về những hoạt động của không quân và hải quân Mỹ dọc các tuyến đường khu 4 nhưng tôi vẫn bị bất ngờ trước mức độ tàn phá ác liệt của bom đạn Mỹ, và, tôi càng bất ngờ hơn trước sự chịu đựng kiên cường, bền bỉ của nhân dân các tỉnh khu 4 trước sức tàn phá dã man của bom đạn Mỹ.

Phải có một niềm tin thật vững bền mới có thể trụ vững trên những vùng lửa đạn này. Sách báo, phim ảnh đến nay đã cung cấp cho chúng la những lượng thông tin đáng kể để hiểu biết toàn bộ quy mô của cuộc chiến tranh phá hoại mà đế quốc Mỹ đã tiến hành ở các tỉnh khu 4 trong những năm tháng này. Nhưng ngày nay, đọc những tư liệu đó nếu không có những kinh nghiệm trực tiếp, những ấn tượng cụ thể cũng khó mà hình dung nổi vì sao mà nhân dân ta lại có thể vượt qua được, trụ vững được và để rồi hoàn toàn chiến thắng?

Đi suốt chặng đường tuyến lửa khu 4 trong những ngày quyết liệt đó tôi đã có dịp để hiểu thêm ý nghĩa rộng lớn của chiến tranh nhân dân và thấy rõ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược giành độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta. Tôi tự hỏi, ở mặt trận, người lính của chúng ta có trách nhiệm nặng nề biết mấy khi đối mặt với kẻ thù?

Tới khu vực làng Ho (Quảng Bình) chúng tôi đã chấm dứt chặng đường hành quân bằng các phương tiện cơ giới. Tất cả những gian truân, nguy hiểm khi hành quân từ Hà Nội vào tới đây hoá ra chỉ là "trò đùa" so với chặng đường dài dằng dặc ngàn dặm núi non sắp tới.

Thật khó mà tả hết nỗi vui mừng của tôi khi qua được ngày trèo dốc đầu tiên. Đôi chân chưa đến nỗi "phản bội" tôi, dĩ nhiên so với các đồng chí cùng đi tôi được ưu tiên hơn cả, nghĩa là được miễn mang vác nặng. Tuy vậy, qua được cái dốc đầu tiên mồ hôi vẫn cứ ướt đẫm áo, mắt hoa đầu váng, tôi tưởng khó mà có thể hoàn thành được cuộc hành quân.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #201 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2010, 01:30:13 pm »

Nhưng rồi qua ngày thứ hai, thứ ba trở đi, chân dường như có "dẻo" hơn thật. Vả lại, càng đi vào đường giao liên càng đông vui. Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp một đoàn cán bộ chiến sĩ từ các chiến trường đi ngược chiều. Đôi khi hai bên cùng dừng lại chuyện trò thăm hỏi lẫn nhau. Người đi ra hỏi thăm tình hình hậu phương, người vào sốt ruột muốn biết tình hình chiến trường nên chuyện lập tức nở như ngô rang.

Một lần chúng tôi gặp một đoàn các em dũng sĩ diệt Mỹ trên đường hành quân ra Bắc. Chúng tôi lập tức dừng lại các em quây chúng tôi đòi kể chuyện miền Bắc, kể chuyện Bác Hồ. Nhìn các em nhỏ tuổi mà đã vượt Trường Sơn cũng lưng đeo bòng vai vác gạo, gậy chống tay, lòng tôi rưng rưng xúc động. Tôi cố gắng kể cho các em nghe đôi điều về thủ đô Hà Nội, về Bác Hồ, về thiếu nhi miền Bắc. Còn các em, bằng giọng nói thơ ngây các em căn dặn chúng tôi đủ điều, từ cách đi tìm rau rừng, cách chống muỗi vắt đến cách tránh lũ trực thăng đi soi đường ban đêm và tránh pháo bầy như thế nào.

Với chiến trường có lẽ tôi quả là “lính mới" so với những chiến sĩ tý hon này. Không có thể ngờ ở tuổi như các em mà lại biết nhiều điều về chiến tranh, về kẻ thù đến thế. Ở những nước xã hội chủ nghĩa không có chiến tranh, lứa tuổi các em được hưởng biết bao niềm vui hạnh phúc. Vậy mà ở nước ta, các em đã biết đánh giặc. Nghĩ vậy, tôi bỗng thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề, làm gì để góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước, mang lại hạnh phúc cho các em?

Cuộc gặp gỡ các em nhỏ chiến sĩ đã động viên chúng tôi rất nhiều. Trường Sơn chẳng có gì ghê gớm nếu như những chú bé tí hon này đã có thể vượt qua bằng những đôi chân nhỏ xíu của mình? Tôi bỗng thấy mình bước đi khoẻ khoắn hơn, lưng bớt đau hơn và chặng đường như ngắn lại.

Ở một trạm giao liên gần sông Bạc, chúng tôi đã may mắn gặp được anh Ba, anh Nguyễn Lang và anh Nguyễn An (nay là Tổng cục phó Tổng cục hậu cần) các anh phụ trách các binh trạm của tuyến đường Trường Sơn. Qua các anh tôi biết thêm một số tình hình chiến trường. Tình hình chiến trường cũng đang có nhiều biến động. Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho những bước phiêu lưu quân sự ở Tây Nguyên để quyết giành lấy thế chủ động trên chiến trường quan trọng này.

Tôi chú ý đến hoạt động của bộ đội chủ lực Tây Nguyên và rất vui mừng khi biết tin các đơn vị chủ lực bộ đội Tây Nguyên đã biết đánh Mỹ và thắng Mỹ. Anh Nguyễn An trước kia trong thời kỳ đánh Pháp đã công tác và chiến đấu với tôi ở Hải Phòng Kiến An. Nay gặp nhau ở trên đường 559 trong khung cảnh bom đạn AC liệt, nhưng rất vui 

Anh An... kể cho tôi nghe về những trận đánh hay trong chiến dịch Plei-me nổi tiếng diễn ra mùa khô năm ngoái (1965). Khi còn ở học viện, chúng tôi đã thảo luận rất sôi nổi về những trận đánh diễn ra ở Plei-me dưới chân núi Chư Pông và ở thung lũng Ia-drăng. Tôi cho rằng đó là những trận đánh rất quan trọng của bộ đội Tây Nguyên, cho phép chúng ta rút ra nhiều kinh nghiệm hay khi tác chiến với quân Mỹ ở chiến trường rừng núi hiểm trở. Giờ đây tôi càng nao nức trong lòng, chỉ muốn đi được thật nhanh vào chiến trường, để trực tiếp được gặp những đồng chí, đồng đội đã làm nên những chiến công tuyệt vời đó.

Nhưng đường vẫn còn dài. Càng đi vào khó khăn càng nhiều. Tôi đã được nghe nói nhiều về đường giao liên Trường Sơn nhưng đến bây giờ mới thật hiểu hết những nỗi gian lao mà những người chiến sĩ đường dây phải vượt qua. Đường giao liên không chỉ thơ mộng như trong những bài thơ, bài hát mà trên thực tế đó là con đường đầy chông gai, thử thách. Bom đạn, biệt kích, muỗi vắt và cái đói là những kẻ thù thường xuyên của bộ đội Trường Sơn.

Chúng tôi dù sao cũng chỉ là "khách qua đường" tuy cũng được hưởng đầy đủ "mùi vị" của đường giao liên Trường Sơn nhưng thấm đâu so với nhĩmg chiến sĩ Trường Sơn, hết năm này qua năm khác gắn bó với tuyến đường này. Có đồng chí có mặt trên đường dây này từ khi con đường mòn chưa hình thành, từ khi còn phải vạch lá mà đi, đi tới đâu xoá dấu vết tới đó không để lộ một dấu chân. Nhiều đồng chí đã nằm lại đây đó trên những nẻo đường rừng heo hút và bị sốt rét, bị trúng bom đạn Mỹ hay có khi hy sinh chỉ vì cây đổ hay nước lũ cuốn đi bất thần. Những người chiến sĩ vô danh đó hiến thân để làm nên con đường đi giải phóng Tổ quốc.

Đi trên đường Trường Sơn, tôi càng thấm thía hơn nữa lời thề quyết tâm đánh Mỹ của Đảng của Bác. "Nếu có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do..." Đã có lần Bác kêu gọi chúng ta như vậy. Ngày nay câu nói "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đã trở thành câu nói cửa miệng của mỗi người ra trận. Trên con đường này, các thế hệ đánh giặc cứu nước đã gặp nhau. Từ lớp chúng tôi, thế hệ đã từng được tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp đến các chiến sĩ tí hon mà chúng tôi vừa gặp hôm qua trên đường Trường Sơn đều có chung một nguyện vọng, một lý tưởng. Có lẽ vì thế mà chúng ta gặp nhau là hiểu nhau ngay, phải không đồng đội của tôi?
Người ghi: Nguyễn Văn Hùng

HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM