Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:49:32 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111461 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #180 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 08:45:25 am »

Tháng 6-1973, anh Lan còn là trợ lý phòng công trình Bộ tư lệnh thông tin. Trong chuyến đi khảo sát đường dây năm ấy, anh Lan đã gặp con gái của mình sau 19 năm xa cách.

Sau đình chiến 1954, anh bộ đội Võ Xuân Lan về Đại Lộc quê anh và lấy vợ. Mấy tháng sau, anh lại chia tay vợ, ra Bắc tập kết. Không ngờ những ngày cuối cùng ấy lại là ngày bắt đầu cuộc đời của Huệ, con gái anh. Huệ lớn lên không ở với mẹ. Mẹ đã bị ép bỏ chồng, lấy ác ôn. Ở với ông bà đến tuổi thanh niên, Huệ đã tham gia cách mạng và từng ra tù vào tội. Năm 1973, Huệ ra vùng giải phóng. Đúng lúc này, anh Lan tới TM công tác.

Vì hai cha con không biết mặt nhau, nên tại trạm khách, Huệ nhìn mấy người trong đoàn không biết ai là cha mình. Cô cứ mếu máo bấm tay mọi người: "Chú ơi! Ba cháu đâu?". Người bị Huệ nắm tay cuối cùng chính là anh Lan. Không đủ sức kéo dài cảnh tượng ấy nữa, anh Lan oà khóc. Đi với đường dây “thống nhất", những người thân bị chia lìa bởi bao năm xa cách đã gặp nhau.

*
*   *

Không ngờ lúc đang hăng hái làm việc, tôi lại bị sốt. Có lẽ vì nóng quá. Đúng như câu "Nắng bến Giàng, ruồi vàng Đắc Péc". Sau buổi chiều ở tuyến về, tôi thấm mệt, ăn cơm xong thì người ran lên. Trèo vào võng, thấy người bải hoải, choáng váng. Đầu óc tôi nhói buốt. Càng vào sâu Trường Sơn càng lạ lẫm, khắc nghiệt. Liên tiếp mấy ngày, tôi chỉ ăn cầm hơi. Đêm không sao chợp mắt. Thiếp đi lúc nào cũng toàn mộng mị.

Giữa lúc cơn mơ tỉnh chập chờn, tôi nhớ Lộc da diết. Lộc! Bây giờ em ở đâu? Tại sao chuyện ấy lại xảy ra như thế. Tưởng dứt khoát, ra đi sẽ thanh thản hơn, nhưng năm tháng trôi qua, có lúc nào tôi nguôi thương nhớ Lộc. Lộc quên chưa bao kỷ niệm của một thời đi học đẹp như hoa? Những tự trọng kiểu học sinh chỉ làm khổ nhau thôi. Có đêm buột mồm, tôi gọi mẹ. Mẹ có thể nào hình dung ra con trai của mẹ đang nằm mê man trên con thuyền võng trôi bồng bềnh bên con sông Giàng xa lắc này không? Cầu xin mẹ cho con sức mạnh.

Chỉ một tuần, người tôi rũ như tầu lá. Tôi không bước nổi. Các bạn phải chặt cho tôi hai cây gậy chống. Từ củ sắn lùi đến nắm rau má, các bạn săn sóc tôi bằng tình người chân thực. Những túi thuốc bé xíu của y tá đại đội không dẹp nổi cơn hoả hoạn đang cấu xé thân tôi.

Chuyến xe cấp cứu đưa tôi tới phân viện F471. Vào viện, tôi vẫn sốt liên miên rồi mê man dần.

Người trực tiếp săn sóc tôi là y tá Vụ quê Nam Hà. Nhờ tận tâm và có kinh nghiệm. Vụ đã đưa tôi qua cơn hiểm nghèo. Tôi tỉnh dần. Thật buồn cười, cái trưa tôi vui mồm, lẩm nhẩm hát vài câu tiếng Nga, anh hết hoảng chạy vào ngỡ tôi bị biến chứng ác tính.

Khoẻ hơn một chút, tôi muốn ra viện ngay. Nghe mong manh quân ta nhổ chốt Đắc Péc của địch, tôi càng sốt ruột. Ở ngoài, anh em biết tôi ốm, nhân chuyến xe vào ai cũng hỏi thăm. Phong gửi cho tôi hai lọ thuốc bổ gan. Cầm hai lọ thuốc lọt thỏm, tôi lặng đi. Hồi còn đi học, tôi không ưa Phong lắm. Do xốc nổi tuổi trẻ, chúng tôi đã từng to tiếng với nhau. Cùng đi bộ đội, cùng vào Trường Sơn cuộc sống lính đã kéo chúng tôi lại gần nhau.

Ở chiến trường lạ lắm, chỉ cần gặp nhau một quãng là thành bè bạn tri kỷ. Chỉ cần kề võng một đêm là có thể trút hết tâm sự. Trong chiến tranh, kẻ thù tàn phá đất đai nhưng không sao ngăn được tình cảm nẩy nở giữa những con người. Càng gian khổ, càng thương nhau.

Tham mưu phó Hiệu gặp tôi. Chính anh là người trao quà của Phong cho tôi. Anh nói giọng Huế khẽ khàng: "Công tác với nhau, lúc đầu mình cũng chưa hiểu Kha. Qua anh em và thời gian công tác mới rồi, mình đã hiểu hơn. Đúng là phải có thời gian, Kha nhỉ!".

Tôi biết nếu chưa hiểu tôi, anh Hiệu có thể buông lời hỏi thăm khách sáo với tư thế cấp trên. Những lời trên khác thế. Nó được cất lên từ đáy lòng. Tôi tin như vậy. Lòng tôi như có một đợt sóng xô dậy. Một cảm giác gì cứ lâng lâng mãi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #181 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2010, 11:14:37 am »

*
*   *

Chiến dịch Đắc Péc nổ ra. Chúng tôi được lệnh, tạm dừng khảo sát về phía Nam. Rời công việc khảo sát đo đạc, sau ít ngày dưỡng bệnh cho lại sức, tôi xuống theo dõi thi công ở các đơn vị.

Nếu có sức thần mà bay một mạch, rà soát các nóc rừng của khối Trường Sơn bắc, ta sẽ thấy bên cạnh những mạch đường đỏ au đặc biệt là đường 14, có một vệt đường thứ hai nhỏ mảnh hơn, ngoằn ngoèo bám xoắn xuýt con đường 14 như dây leo, như anh em sinh đôi, là kỳ tích con đẻ của mẹ Trường Sơn. Rà sát chút nữa, ta sẽ thấy những sợi dây lờ mờ kẻ qua vực sâu, núi cao. Những sợi dây óng ánh dưới nắng. Anh sẽ nghe tiếng rìu chặt cây, tiếng cây đổ ầm ầm, tiếng dô hò dựng cột và tiếng nói cười lay động suốt khoảng rừng.
Đó là trận tuyến đường dây.

Độ này, đang giữa mùa khô. Nắng chói chang. Nắng gắt. Xế chiều đột ngột trút cơn mưa. Trời vẫn trong veo. Như đàn ong xây tổ, các chiến sĩ đường dây cần cù thi công. Dọc đường 14, xe vật liệu đi về như thoi. Đảm bảo công việc này có tiểu đoàn 8 và đại đội 13. Vật liệu được lấy ở kho thuộc đại đội 9 đảm bảo. Còn bệ cột và bệ dây thì lấy ngay trên công trường của đại đội 8. Ở những nơi có đường nhánh, xe được đẩy vào sâu hơn. Đến chỗ không thể cơ giới được nữa, những tấm lưng bắt đầu gánh vác.

Công việc đầu tiên là chuyển vật liệu. Tuy khá mảnh nhưng mỗi thước cột sắt cũng nặng 9 cân. Các chiến sĩ phải đỡ trên vai 54 cân khi vác cây cột 6 mét. Nhìn thanh cột rập rình trên vai người vác, chẳng tin nó nặng đến thế. Phức tạp hơn là công việc gùi bệ cột. Cuộc vật lộn thật quyết liệt. Những khối bê tông vuông cứng, nặng gần 50 cân được buộc vào dây võng, bao tượng gạo. Lính cõng nó trên lưng. Nhìn những chàng trai bé nhỏ lom khom gùi bệ lên dốc, tôi nao nao nhớ những ngày còn ở đơn vị.

Những ngày gùi vật liệu thế này thật căng thẳng. Tôi ngỡ như ngực tôi đang run lên trong hơi thở gấp gáp của những người đang bước lên dốc tức. Gùi nhiều, khi tắm cho nhau, xoay lưng kỳ cọ thường còn gặp vết máu rớm đọng khô. Gùi bệ cũng thế kia, lâu ngày sẽ thành chai ở cuối lưng.

Cuộc chiến đấu của những người lính đường dây trên Trường Sơn thầm lặng nhưng gian khổ, chẳng kém gì chiến sĩ dưới đồng bằng. Gian lao qua từng ngày chậm chạp. Chiều về, hì hụp tắm suối như một bàn tay mềm mại xoa dịu bớt những bụi bặm và mồ hôi. Giấc ngủ đêm như vị thuốc tiên khiến con người trở nên tỉnh táo mỗi ban mai.

Nhưng có lúc, dòng suối và giấc ngủ cũng không mầu nhiệm nữa. Khi mệt quá, sáng rồi mắt không muốn mở. Nhất là buổi trời mưa. Nằm vắt tay lên trán tự đấu tranh với thân thể mệt mỏi của mình. Lên tuyến hay không lên tuyến? Những người lính nghĩ đến nhau. Chia sẻ cùng đồng đội chính là niềm vui vô tận. Tôi đã thắng lại nhiều sớm suy tư với lý lẽ đó. Giờ đây, tôi hiểu những người bạn trẻ này cũng thế. Mang gùi lên dốc, họ như những nốt móc đơn đang lướt nhanh giai điệu lạc quan trên Trường Sơn.

Vật liệu vào tuyến khi lỗ cột đã đào xong. Tay người cầm choòng đục đã rớm máu nắm tay người gùi vật liệu nóng bỏng. Vai chai, tay chai và chai ở cuối lưng, những người lính đường dây lại xúm vào lắp ghép dựng cột. Bài dô ta thô trần và đôi mắt thường của lính đã nâng dậy hàng cột thẳng tắp. Ngày nắng, ngắm nhiều hoa mắt muốn ngất xỉu. Ngày mưa tối trời căng mắt ngắm vẫn mờ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #182 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2010, 11:15:22 am »

Đến với những đơn vị đang dựng cột, tôi hình dung ra những đoạn tuyến mình đã đo đạc. Sức người thật là kỳ diệu. Từ một đoạn đường "chuột chạy" mờ mờ rúc trong rừng sâu đã mở ra đứng dậy hiên ngang một đường cột. Các cây cột dang tay đỡ dậy. Rồi dây được căng lên như những sợi dây đàn của cây đàn Trường Sơn.

Làm xong cột tuyến ngắn, các chiến sĩ lại dỡ lán trại hành quân. Cuộc sống lưu động khiến lính đường dây nhanh nhẹn và đơn giản. Tất cả chỉ gọn gàng trong chiếc ba lô. Xây dựng "đường dây thống nhất", các đơn vị thi công thực hiện khẩu hiệu "Đại đội làm cơ khí, kéo dây theo đội hình tiểu đoàn".

Thực hiện khẩu hiệu ấy, có nghĩa là trong một khoảng tuyến khá rộng, chỉ có một đơn vị kéo dây. Nhờ vậy mà các mối hàn chia lẻ giảm đến mức tối thiểu. Do đó, điện trở trên đường dây thấp xuống. Điều kiện thông thoại được tăng lên. Cách làm ăn lớn như thế chưa phải đã được chấp nhận ngay. Phải có kế hoạch thật xít sao về thi công cơ khí thì mới có tuyến giao đúng ngày cho bộ phận kéo dây đến sau. Không thể tuỳ tiện được. Mặc dù biết anh em thi công rất mệt, nhưng gặp những hiện tượng vi phạm, chúng tôi vẫn kiên quyết đấu tranh. Dần dần quen đi, mọi việc trôi chảy trong guồng máy lớn.

Cuộc đời lưu động làm cho tâm hồn lính đầy phóng khoáng. Tôi nhớ mãi câu ca dao vô danh khá hay:

Vai mang nặng cuộn dây đồng
Lưng thì còng xuống mà lòng bay lên.


Đến với lính, ngồi túm tụm hút thuốc lào, tôi lại nhớ bóng dáng của trung đoàn phó Trúc. Người lính già ấy mặc tóc bạc trắng vẫn cùng anh em vượt Trường Sơn. Vừa chỉ huy vừa làm thơ, lúc nào anh cũng ung dung thanh thản. Tiếc ràng vì bệnh dạ dày quá nặng, anh chỉ làm đoàn trưởng Lam Sơn được một thời gian ngắn.

Nhưng chính cuộc đời khắc nghiệt này đã đào thải bao con người lùi bước. Cái sàng lọc nghiêm khắc của cuộc sống không ưu tiên một ai dù người ấy là chính uỷ, là đoàn trưởng. Sao có thể chỉ huy đoàn được khi không dám quyết tâm nhận nhiệm vụ của trên. Năm nay, bước vào kỳ thi công quyết liệt, một ban chỉ huy gần như hoàn toàn mới được ổn định.

Với sức mạnh mới, con tàu thi công có chiếc đầu tầu khoẻ đã băng qua nhiều quãng hiểm nghèo. Vượt qua những đỉnh Động Giao vời vợi, ngọn Mẫu Đơn thăm thẳm, cao điểm Động Tri ác liệt toàn đoàn mạnh mẽ tiến về phía trước. Ở đâu tôi cũng gặp các cán bộ chỉ huy xoay trần công tác với anh em. Ngoài 50% giờ quy định công tác thực tế, 50% giờ còn lại, anh em dùng làm kế hoạch, đôn đốc kiểm tra, lo toan đời sống cho anh em. Gian khổ có nhau, trên đường dây, không có khoảng cách giữa cán bộ và chiến sĩ. Họ cùng tựa vững vào nhau để tạc nên chân dung lính đường dây.

Dọc đường đến các đơn vị thi công, tôi gặp Liễn ở tiểu đoàn 86 và Tăng ở tiểu đoàn 9. Các bạn tôi đang từng ngày bám sát, giải quyết những tồn tại do chỉ đo đạc một lần, chúng tôi không sao tránh khỏi. Đến với nhau một đêm, chúng tôi tâm sự không muốn ngủ. Mới có nửa năm, đứa nào cũng cảm thấy mình lớn hẳn giữa cái guồng máy cuốn đi như nước.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #183 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2010, 11:16:13 am »

Ra cơ quan đoàn bộ, tôi gặp Phong. Phong đưa tôi xem tập thiết kế vừa làm xong cùng 4 cán bộ trung cấp thiết kế. Tôi lật lật xem kỹ từng phần. Tôi run lên vì nhiều kết luận mới mẻ và tính toán tỉ mỉ. Đặt tập thiết kế vào tay Phong, tôi nói :

- Đây là một tập thiết kế khá hoàn chỉnh. Mình chưa nghĩ là các cậu làm được như thế ở Trường Sơn.

Phong chậm chạp đáp lời:

- Chúng mình mò mẫm mãi. Tất cả các mẫu thiết kế cũ đều quá sơ sài Công trình này đòi một tập thiết kế có tầm cỡ lớn hơn. Cố gắng hết cỡ nhưng cũng còn vướng nhiều lắm.

Tôi gật đầu:

- Mình cũng thấy vậy. Nhưng phải có thời gian nhỉ.

Phong loay xoay tập sách trong tay:

- Chỉ tiếc là ít tài liệu quá. Giá chúng mình có đầy đủ thư viện như Hà Nội.

Tôi im lặng. Nhìn cặp mắt thiếu ngủ của Phong sáng lên, tôi muốn ghì ôm bạn.

Anh Bàn cũng gầy nhiều. Gặp tôi, anh chậm chậm nói về sơ suất vừa qua. Do kiểm tra thiếu tỉ mỉ, các anh đã tính sai đào cho 12 cây số 800 mét, tức là vừa tròn một khu nguyên. "Sai một li, đi một dặm", các anh đã phải lặn lội đến hàng chục cây số để sửa lại sai sót.

Dẫu có thành công, thất bại nhưng cả tiểu ban kỹ thuật đều thấy mình trưởng thành một bước. Nề nếp làm việc của một tiểu ban thực tế đã hình thành. Tại cây số HSS đường 14, chúng tôi lao vào cắt tranh chặt nứa, làm nhà ở Sở chỉ huy mới của đoàn. Làm kỹ thuật đã thế, xoay ra làm nhà cũng chẳng kém. Sau một tuần nhọc mệt, chúng tôi đã có một căn nhà khang trang. Nhà dựng ở sườn núi, có cầu thang đi lên. Trước nhà có một cái hành lang khá rộng. Lính lạ thật. Lúc thật lúi xùi, lúc thật đàng hoàng. Cả cơ quan đoàn bộ khen nhà của tiểu ban kỹ thuật. Lần đầu tiên, giữa Trường Sơn, chúng tôi dựng được một căn nhà nghiêm chỉnh.

*
*   *

Càng đến kỳ nước rút, nhịp độ thi công càng cuốn nhanh như lốc .

May mắn, năm nay mưa có vẻ muộn hơn. Nhưng chưa mưa được thì nắng càng gắt. Gặp nhau trên tuyến, mặt ai cũng đen nhẻm. Duy có nụ cười chẳng làm sao đen được cứ nở trắng như hoa. Giữa lúc cả tiểu đoàn bấn lên vì bao nhiêu công việc thì việc bàn giao tuyến đoạn từ Khe Sanh đến A Sầu bị bế tắc. Đoàn nghiệm thu không làm được biên bản nghiệm thu vì chỉ tiêu điện không đạt. Tuyến xấu hay vì lý do gì? Câu hỏi cần được trả lời.

Tiếp xúc với nhiều đơn vị thi công, tôi hiểu khá rõ đời sống vất vả của anh chị em. Sáng ăn chính xong, những người lính khoác quần áo công trình mà họ thường gọi là "đồ bay" lên tuyến. Cơm chính lèo tèo chút thịt hộp. Chủ yếu là ruốc mặn. Làm quần quật đến trưa, ăn một nắm cơm nguội lạnh, có khi với muối trắng. Chiều về, lại điệp khúc ruốc mặn, mắm kem. Căng lên một thước đường dây, công sức sao kể xiết. Chỉ cần một kết luận chưa khách quan về tuyến thì công sức của anh em, quyết tâm của đảng uỷ đơn vị đánh giá thế nào? Để giải quyết nâng cao chất lượng và đánh giá thực chất đoạn tuyến này, tôi và anh Từ cùng một trung đội nhanh chóng lên đường.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #184 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2010, 11:16:57 am »

Anh Từ nguyên là cán bộ đại đội lên làm trợ lý tham mưu. Trước khi vào bộ đội, anh đã là công nhân bưu điện nên nắm kỹ thuật khá tốt. Dừng lại ở một tổ đường dây, chúng tôi ngủ qua đêm. Ngay từ sau bữa cơm chiều, anh Từ đã gọi tôi ra và nói:

- Ngày mai, ta sẽ đến tuốt Khe Sanh. Sau đó cùng lính đi kiểm tra từng gốc cột nhé.

- Ấy chết! Làm thế làm gì - Tôi vội cướp lời.

- Thế ông định thế nào? - Anh Từ hỏi lại tôi.

- Tôi đề nghị tiến hành đo từng đoạn. Đoạn nào tốt thì thôi. Đoạn nào chưa tốt, ta sẽ kiểm tra như thế. 

- Liệu như vậy được không?

- Được quá đi! Chất lượng điện khí cả tuyến đo từng đoạn quyết định. Làm thế này, vừa bớt sức, vừa nhanh, vừa khoa học chứ.

- Ồ thế thì hay quá. Mình cứ nghĩ... - Anh Từ vừa nói vừa cười vỗ vai tôi: "Kỹ sư có khác". Tôi cũng buồn cười vì việc này đơn giản quá. Anh Từ quá khen thôi.

Ngay hôm sau, chúng tôi tiến hành công việc. Đúng như dự kiến, chỉ có một đoạn tuyến không đạt sau khi đo thử. Chúng tôi xộc thẳng vào đoạn tuyến đó. Thì ra do phát cây sơ sài, anh em đã không triệt khử bụi lau. Qua nắng mưa, lau lại tốt lên, trùm vào đường dây. Ở một số đoạn khác, các dây leo vươn khá mãnh liệt cũng vươn xoắn xuýt vào dây.

Giải quyết xong, chúng tôi tiến hành đo thử toàn tuyến. Còn gì sung sướng hơn khi đứng dưới cột đầu cuối nghe chuông điện ở các máy lẻ cùng reo vang trên các đồi dây. Còn gì vui hơn khi các kim đo ở đồng hồ đo chỉ thị các trị số đều đạt và vượt tiêu chuẩn. Chỉ sau một tuần, vấn đề đã được hoàn thiện gọn ghẽ. Chúng tôi ký kết biên bản bổ sung ngay tại cột cuối ở thung lũng A Sầu đúng ban trưa nắng sáng. Lại một thử thách đi qua.

Chưa kịp nghỉ ngơi, tôi lại cùng cả tiểu ban lên tuyến tổ chức nghiệm thu đoạn tuyến A Sầu - Bến G... Do quyết tâm của toàn đoàn, một đoạn tuyến vài trăm cây số đường dây được hoàn thiện trong chín tháng. Ở bến G... một nhánh đường bằng cáp đã kéo tới làng R... chỉ huy sở mặt trận B1. Năm ấy, mệnh lệnh đã bay qua vạn dặm Trường Sơn vào chiến trường. Năm ấy, qua đường dây, nhiều cán bộ miền Bắc vào Nam công tác đã khóc khi nghe qua tổ hợp tiếng nói của người thân, của trung ương sau mười mấy năm xa cách.

Mùa mưa dẫu đến muộn cũng đã bắt đầu trút nước xuống nóc rừng. Đường dây "thống nhất" xuyên Trường Sơn kéo qua "Dốc Quảng Nam, gan cộng sản" có thời cơ thử thách mình. Toàn đoàn trụ quân tại Quảng Nam. Các đơn vị lục tục kéo về, lục tục cắt tranh chặt nứa làm nhà. Chính lúc ấy, cuộc tấn công chống lấn chiếm đã mở ra khắp mặt trận B1. Hướng Thượng Đức, ngày đêm vọng về tiếng pháo.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #185 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2010, 11:17:49 am »

*
*   *

Với vỏn vẹn ít sách và chút vốn liếng không đồng đều của từng người, cả tiểu ban kỹ thuật bắt tay vào thiết kế toàn bộ công trình đường dây. Bàn bạc với mọi người, anh Bàn nói:

- Đường dây đã dựng ở Trường Sơn. Nhiệm vụ của chúng ta mùa mưa này là chứng minh tại sao nó có thể xuyên Trường Sơn được. Mong các đồng chí dốc hết vốn vào công việc này, dẫu hoàn cảnh thật khó đối với chúng ta.

Trong toàn bộ nhiệm vụ thiết kế, tôi được giao phần tính toán cơ và điện khí. Ngồi giữa tiếng mưa điệp khúc Trường Sơn, ban ngày ban tối đều phải thắp đèn bão, chúng tôi lần mò những phương trình, những con số.

Từ năm 1965 ngay sau khi chính thức thành lập đoàn Lam Sơn, tiểu ban kỹ thuật cũng được hình thành. Lực lượng chủ công ban đầu là một vài đồng chí sơ cấp kỹ thuật. Năm 1968, tiểu ban được bổ sung thêm khá nhiều trong số 20 đồng chí trung cấp kỹ thuật về công tác tại đoàn. Cho đến năm 1974, những người có mặt từ ngày đầu ở đoàn, đều công nhận lực lượng hiện tại là hùng hậu nhất. Nhưng ngay từ buổi đầu, các tập thiết kế đã ra đời.

Lần này, tuy làm thiết kế trong Trường Sơn và vấn đề đường dây cột sắt hình U là vấn đề mới nhưng lẽ nào không làm được. Chúng tôi đã thừa kế kinh nghiệm của những người đi trước. Đó là cuộc vật lộn với vùng U Bò - Ba Rền sáng mãi một thời đường dây "quyết thắng". Đó là cuộc chiến đấu táo bạo kéo đường dây dã chiến ở Trường Sơn Tây năm xưa. Mỗi hoàn cảnh mỗi khó khăn mới. Nhưng sẽ có cách giải quyết mới. Đó là điều chắc chắn.

Cứ ngồi trước bàn làm việc là đầu tôi lại vởn lên bao vấn đề mà chín tháng qua, tôi thường để tâm suy nghĩ. Tôi nhớ những khi đứng bên cạnh cây cột vừa trồng bên ngọn núi. Một cơn lốc ào đến. Nhìn cây cột thanh mảnh rung rung, nghe tiếng dây reo rào rào, thấy cây cột thật nhỏ nhoi giữa Trường Sơn hùng vĩ. Hiện tượng gió, địa hình dốc núi và vật liệu kết cấu. Ba vấn đề xoắn xuýt này tạo thành một thế lực ngăn bước đường dây. Hiểu nó và chế ngự nó, đường dây sẽ hiên ngang đạp Trường Sơn đi Thực tế đường dây đã đi rồi. Vấn đề thực chất đã chín mọng như trái vả treo lơ lửng trên cành cây giữa suối Tôi làm sao hái được nó đây?

Tình cờ qua cuốn sách khí tượng, tôi lọc ra được một chi tiết khá quan trọng. Liên tiếp leo qua một phần địa hình phức tạp nhất của dãy Trường Sơn, đường dây phải chịu một áp lực gió lớn hơn quy định. Việc thay thế giữa các khối không khí nóng và lạnh tạo ra loại gió "phơn" thật đặc biệt. Gió "phơn" quần ở thung lũng tạo nên biến dạng, gây ra gió giật, giông tố. Tác dụng đột ngột ấy, trực tiếp phá hoại đường dây. Phải lấy trường hợp ấy làm điển hình trong tính toán.

Một cây cột bình thường nhưng trồng trên núi cao khác với khi trồng ở đồng bằng. Nó tựa như ngọn của một cây cột cao mà các phần thân dưới được làm cứng bằng nhiều tầng dây co. Tôi đem vấn đề ra thảo luận trong tiểu ban. Mỗi người góp một ý. Vấn đề càng thêm phong phú. Tất cả đều nhất trí hướng tính như thế. "Phương pháp tính tương đương cột cao" hình thành. Phương pháp này khác xa với phương pháp tính cột trung gian trong quy định bưu điện.

Vấn đề mới quyến rũ tôi như một người yêu. Tôi chìm trong say mê và mỏi mệt. Những rây rớt của cơn sốt thường xuyên ám ảnh. Có khi đang làm việc, tôi thấy ớn lạnh, vội vã lăn ra giường. Quay tròn như chong chóng một lúc, lại hổn hển ngồi dậy, cắm đầu viết.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #186 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2010, 11:18:27 am »

Cuộc chiến đấu thầm lặng của cả tiểu ban như bếp lửa âm ỉ cháy. Nhìn ai cũng thấy chút xanh xao, nhưng đôi mắt thì ráo hoảnh, lỉnh táo. Làm việc mệt, lại rủ nhau lang thang vào rừng. Quên sao cảnh mấy đứa vất cho nhau những chùm dâu da ngọt lịm. Có lúc, cưa đổ cây chôm chôm, chúng tôi hái quả về ngâm rượu. Rượu chôm chôm thơm và nhẹ. Nhưng uống vào cũng thấy người thoáng say.

Ở Quảng Nam có quả "lười ươi" thật độc đáo. Đem về ngâm nước, quả đang héo bỗng nở phồng như thạch. Chúng tôi quen gọi là quả "thạch". Quả thạch ngâm nước trộn với đường ăn không khác gì các hàng thạch giải khát ở Hà Nội. Đặc biệt là măng. Rừng núi Quảng Nam vào đầu mùa mưa ngút ngàn măng nứa. Măng xào thịt hộp. Măng ngâm chua, măng luộc chấm muối vừng. Măng nấu canh cá. Măng ngâm ớt chỉ thiên. Điệp khúc măng quay tròn trong các bữa ăn. Có buổi nắng, măng được xé nhỏ phơi khô. Mưa thì đưa vào lò sấy.
Sống với "măng cùng nứa" nhưng chúng tôi không thiếu "bạn cùng". Có tình bạn nào bền như tình đồng đội. Thô trần và vạm vỡ như tình đồng đội. Tình đồng đội! Đó là niềm thôi thúc không nguôi trong lòng lính Trường Sơn .

Tính được cột rồi, tôi xoay sang cái bệ cột bướng bỉnh. Làm sao tính được cái bệ cột cắt nhỏ làm hai, có khi làm ba khúc lại có thể đảm bảo giữ vững cột như bệ cột liền. Tôi lại lục tung các chồng sách cũ và ít ỏi. Lần này, tôi chẳng thấy sự tình cờ nào trong các tranh sách. Càng đọc sách, càng bế tắc. Chẳng lẽ bó tay ư?

Có lúc mệt quá, tôi chặc lưỡi. Thôi, hết mức rồi. Lỗi tại mình đâu? Lỗi là vì ít sách quá, là vì làm thiết kế trong hoàn cảnh khó khăn quá. Ranh giới giữa sự đầu hàng và sự làm việc hết mức của công tác kỹ thuật chẳng rõ ràng. Không ai có thể buộc tội tôi khi tôi không làm điều này. Nhưng tôi chẳng sao xua được cái mớ bòng bong ấy ra khỏi óc.

Một hôm sau cơn mưa, vừa đi vừa miết hai lòng bàn tay vào nhau, tưởng tượng đó là hai mặt giáp nhau của hai khúc bệ cột, tôi trượt ngã. Lồm cồm bò dậy lấm bê bết, tôi ngoái nhìn một vệt giầy lê dài trên đất. Ta lông giầy mòn hết rồi. Đế giầy không còn đủ ma sát giữ tôi đứng vững nữa. Chính lúc ấy có một điều rực lên như cây lá đổ giữa ngàn xanh ngăn ngắt.

Quên quần áo còn dính bùn, tôi lao vào bới tìm các chồng sách. Cuốn vật lý đại cương đây rồi. Tôi lật nhanh đến phần lực ma sát. Các dòng chữ như chạy vào mắt tôi. Đây rồi. Muốn làm hai bệ cọc đè chắc lên nhau thì trọng lực khúc bệ cột phải thắng ma sát trượt giữa hai mặt tiếp giáp. Ôi! Sao vấn đề đơn giản thế. Tôi ân hận bao nhiêu sự học tập không đến nơi đến chốn những năm đầu đại học. Muốn nhận ra điều đơn giản ấy, tôi đã phải vấp một thực tế khá đột ngột.

Cắm cúi mãi vào sách, tôi ngẩng lên đã thấy mọi người vây quanh. Nhìn tôi ngơ ngác, tất cả cười phá. Tôi đi nhanh ra suối. Tiếng cười rộn ràng như nâng bước chân tôi.

Vấn đề chính nhất là vấn đề điện khí, tôi làm sau cùng. Với cách nhìn các thung lũng như bể điện phân, tôi thấy số liệu điện áp tạp âm cũ như bưu điện thường dùng lại không thích hợp. Một số liệu khác thích hợp được chọn. Đây là số liệu chỉ áp dụng tính cho trường hợp thời tiết lạnh và có tuyết ở một số nước phương Bắc. Nhưng với Trường Sơn, nó lại thích hợp. Tuyết thì không có nhưng sương mù phủ dày gần như quanh năm trong các thung lũng ấy.

Phần tính toán của tôi cũng kịp xong với các phần khác của ban thiết kế. Chúng tôi hoan hỉ tập hợp sắp xếp và nghiên cứu thông qua. Lính thi công dũng cảm kéo đường dây. Lính kỹ thuật chứng minh sự dũng cảm ấy là cần thiết. Sự dũng cảm đến kinh ngạc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #187 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2010, 11:19:18 am »

III

Bộ tư lệnh chính thức giao nhiệm vụ năm 1975 cho đoàn Lam Sơn. Lập tức, kế hoạch được triển khai. Để có một đương dây xuyên Trường Sơn phục vụ chiến dịch đúng ngày N + 1 trong tháng hai 1975, phải có một phương án thật tỉ mỉ. Lính thật nhạy cảm. Ngay từ khi huấn luyện, thấy trong giáo án có phần cột gỗ, các "tham mưu con" đã xì xào suy đoán. Chúng tôi cũng nóng lòng mong mỏi. Bây giờ thì trần lưng ra mà làm.

Muốn rút ngắn thời gian khảo sát đo đạc để bộ đội nhập tuyến sớm, cần tung ra ngay trong tháng mười một 1974 tám mũi đo đạc cùng một lúc. Được cử phụ trách tiểu ban, tôi băn khoăn mãi. Người lên tuyến thì có, nhưng anh em có kinh nghiệm chỉ còn có Hiệu và Bổng. Liệu anh em mới có đảm đương được không?

Buổi triển khai nhiệm vụ trong tiểu ban thật sôi nổi. Tôi phân công dặn dò công việc khá tỉ mỉ. Sáu đồng chí trung cấp kỹ thuật được bổ sung vào tám mũi đo. Vì cán bộ trung cấp kỹ thuật không đủ nên có hai mũi phải giao cho hai đồng chí sơ cấp kỹ thuật; Sông và Lộc làm mũi trưởng.

Lo lắng về hai mũi này một phần, tôi còn lo đồng chí Điền khó đảm đương mũi trưởng. Trong số bốn đồng chí trung cấp kỹ thuật mới về, Điền yếu chuyên môn nhất. Thời gian gấp gáp nên bồi dưỡng thêm không là bao. Nhưng chẳng còn cách nào hơn cả.

Đồng chí Quyết tuy là cán bộ trung cấp kỹ thuật có kinh nghiệm nhưng mới đi viện về, sức khoẻ còn yếu nên được phân công đi coi hậu cứ và tăng gia sản xuất. Cuộc họp gần như có thể kết thúc được thì Quyết xin có ý kiến. Sau cái đằng hắng quen thuộc, Quyết nói chậm rãi, anh chàng này định nói gì mà kỳ vậy? Tôi thoáng nghĩ... Quyết đột nhiên nghiêm nét mặt:

- Không! Tôi cám ơn các đồng chí thật sự. Bệnh của tôi chết thì chết rồi. Tôi còn sống tức là còn nhập tuyến được. Tôi yêu cầu được nhập tuyến.

Ngạc nhiên quá. Từ khi về tiểu ban, tôi thường nhìn Quyết như một anh chàng hơi lập dị. Làm ăn tạm được nhưng hay buông những câu ngang phè, châm chọc. Có lần, chỉ vì nhắc nhở Quyết không nên dậy muộn, Quyết đã to tiếng với tôi. Sau lần ấy, giữa chúng tôi như có một khoảng trống ngăn cách. Việc Quyết đi viện khiến tôi nhẹ nhõm hẳn. Thế là thoát nợ. Ai dè một đêm mưa, Quyết trở về như ma hiện. Việc Quyết trở về đơn vị không tránh khỏi làn sóng ngầm dư luận. Có người khen Quyết khôn biết đánh lớn định quay vào để "dính dáng". Có người chê Quyết lẩm cẩm. Giấy tờ Quyết đem về thì hợp pháp nhưng nhìn tạng người gầy nhom của Quyết, tôi nghĩ chỉ có việc coi hậu cứ và tăng gia sản xuất là hợp, tuy nhiên, Quyết lên tuyến được thì vẫn tốt hơn.

Suy nghĩ rất nhanh, tôi vẫn giữ ý kiến ban đầu. Để anh em làm cố sau này mang tiếng lắm. Tôi nói:

- Đồng chí Quyết có tinh thần, tiểu ban hoan nghênh. Nhưng làm ăn còn lâu dài. Đồng chí cứ yên tâm chấp hành.

Tôi chưa nói dứt câu, Quyết đã đập bàn đứng phắt dậy:

- Cứ cho tôi là chống lệnh cũng được, nhưng tôi không ở nhà. Tôi cần lên tuyến. Tôi không phải là thứ bỏ đi như các anh tưởng.

Toàn thân tôi như bị xối nước lạnh. Tôi không ngờ Quyết lại quyết liệt đến thế. Lần trước, tôi muốn anh làm việc, anh cũng cáu tôi. Lần này, tôi muốn anh nghỉ ngơi, anh lại nổi nóng. Nhìn Quyết, tôi bỗng cảm động nghẹn ngào. Không dễ gì nhìn thấy cái đáy sâu thẳm trong lòng người lính. Những đánh giá chủ quan không được thời gian kiểm nghiệm đều không sao nhận ra điều ấy. Mới thấy làm chỉ huy không dễ.

Thế là Quyết cùng đoàn khảo sát lên đường. Ngày nào, cơ yếu cũng giao cho tôi bức điện báo cáo tình hình. Nhìn những con số ghi trên điện, lại nhìn căn nhà trống trải còn độc mình tôi, tôi thương và nhớ anh em biết bao.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #188 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2010, 11:20:06 am »

*
*   *

May sao, chỉ nửa tháng sau, tôi được cùng phó chính uỷ Nghiêm Xuân Linh và đoàn cán bộ nhập tuyến lên đường Bộ phận tham mưu ngoài tôi, còn có hai trợ lý tham mưu là Tô và Kiều.

Thời hoàng kim của đường 14 không còn nữa. Nhiều đoạn ta luy đường sập lở. Nhiều đoạn, bùn lầy còn lết bết. Ở các ngầm lớn, nước sông đánh phá mạnh. Anh Linh quyết định đi bộ.

Vượt dốc B... chúng tôi nhanh chóng tụt xuống bến G... Trở lại con sông Giàng mùa mưa, nước mênh mang. Mũi tên màu đỏ trên ngã ba đường chỉ thẳng đường vào Tây Nguyên như niềm thúc giục. Phải đi khá vất vả chúng tôi mới theo kịp phó chính uỷ. Không ngờ với cái dáng nhỏ bé nhất đoàn, phó chính uỷ lại đi nhanh như thế. Vừa đi anh vừa đùa dí dỏm. Rất ít mồ hôi trên khuôn mặt anh. Đi suốt từ sáng đến trưa, anh vẫn chưa hề nhấp nước. Anh đi vững chãi. Trông dáng bền bỉ ấy, đủ hiểu anh quen thuộc chiến trường chừng nao.

Là con một gia đình cố nông, anh sớm phải đi ở cho địa chủ. Những đòn roi, đói rét đè nặng suốt tuổi thơ anh làm thân hình anh chậm phát triển. Cách mạng tháng Tám thành công, anh bỏ nhà địa chủ, về với mẹ. Bố anh đã chết trong những tháng năm tha phương cầu thực kiếm ăn. Năm 1949, anh nhập ngũ và trở thành chiến sĩ dây trần của đại đội 303. Bao nhiêu tuổi quân là bấy nhiêu tuổi gắn bó với dây trần, anh là chính uỷ duy nhất trưởng thành từ chiến sĩ đường dây. Suốt lúc ấy chỉ có tiểu đoàn dây trần dọc ngang khắp mọi nơi chằng dây, toả mạng.

Sau khi đoàn Lam Sơn thành lập, năm 1967, anh theo đoàn vào chiến trường. Lúc ấy, anh còn làm chính trị viên đại đội 3. Đại đội trưởng đại đội 3 bấy giờ chính là anh Phạm Luân. Giữa anh và anh Luân có một kỷ niệm thật sâu sắc. Sau khi kéo dây phục vụ tổng tấn công Mậu Thân 1968, đại đội 3 rút ra thì bị địch vây ở thung lũng A Sầu - A Lưới. Không thể phí toàn bộ lực lượng vào lúc này được, ban chỉ huy đại đội quyết định chỉ để lại một bộ phận nhỏ thu hút địch, còn đại bộ phận thì rút ra phục vụ thông tin hướng khác.

Giữa anh và anh Luân ai cũng giành phần ở lại. Khi ấy, anh Luân đã có ba con trai, còn anh Linh thì mới có một con gái. Với suy nghĩ thương bạn bè, anh Luân dùng quyền đại đội trưởng quyết định anh Linh phải rút ra. Sau này, anh Luân có nói về chuyện ấy như sau: "Mình đã có ba con trai, lão ấy thì độc một mống con gái. Biết sống chết thế nào. Lão ấy ở lại nhỡ có bị làm sao thì mình ân hận suốt đời...".

Chính anh Luân từng tham gia vào hội làm mai, làm mối cho anh Linh. Khi ấy anh Linh còn là một chiến sĩ ít nói. Đóng quân tại một vùng xe tơ, dệt lụa, cô gái xinh nổi tiếng làng ấy vừa xe tơ, vừa im lặng quan sát các anh bộ đội đóng ở nhà mình. Anh chàng ít nói, lam làm Nghiêm Xuân Linh đã lọt vào mắt xanh của cô.

Cô gái mang tên Huệ trắng và thơm tinh khiết đã trở thành vợ Linh. Có với nhau một mụn con, chị Huệ bồng con lên quê chồng ở với mẹ chồng để chồng an tâm vào chiến trường. Vùng đồi Hà Bắc nằm kề nhánh nhỏ con sông Thương đã che chở túp lều xiêu vẹo với hai người đàn bà và một mụn con gái bao năm tháng anh đi.

Mặc dù tuổi đã cao, năm nay anh Linh vẫn ở Trường Sơn, vẫn chung thuỷ với đường dây. Ít khi anh tâm sự với ai về chuyện riêng nhà mình. Nhưng những chiến sĩ gần nhà anh đã kể cho bè bạn về hoàn cảnh gia đình của chính uỷ kính mến. Chuyện gia đình anh thành lời động viên lẫn nhau trong chiến sĩ. Muốn khuyên bạn đừng băn khoăn về chuyện nhà cửa, có chiến sĩ đã nói: "Nhà cậu khó khăn bằng nhà chính uỷ không? Cậu còn trẻ mà chính uỷ thời già. Chính uỷ cũng băn khoăn như cậu thì liệu đoàn ta có vững được không?".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #189 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2010, 11:20:47 am »

Anh nổi tiếng về sự liêm khiết và gương mẫu trong công việc. Năm 1972 lúc đường dây dã chiến được kéo đến Thừa Thiên cũng là lúc tiểu đoàn 86 ở rất xa đường vận chuyển lương thực. Chính trị viên Nghiêm Xuân Linh không vắng mặt bao giờ trong những ngày gùi hàng gian khổ. Ai cũng kính nể anh về phương pháp làm việc. Khi còn làm việc thì thoải mái. Khi đã thành nghị quyết thì chỉ có chấp hành. Anh là người gương mẫu chấp hành đầu tiên và triệt để nhất.

Dọc đường đi, gặp những đoạn có đường dây vượt qua, anh nhận xét ưu, nhược điểm rất đúng. Trong đoàn có trợ lý tham mưu Kiều có dáng dấp lắm. Người Kiều tầm thước đầu to, trán hói. Đi công tác chuyến này, Kiều lại mang theo khẩu K 59 xinh xắn. Một lần, Anh Linh và Kiều đi trước để tìm chỗ nghỉ đêm. Chúng tôi đến sau tìm mãi không ra. Quay lại hỏi đồng chí coi kho gần đấy đồng chí chỉ tay vào một khe suối:

- Chính uỷ đầu hói của các anh cùng ông công vụ hơi già đi sâu vào trong kia kìa.

Chúng tôi bấm nhau không nhịn được cười. Đêm ấy Kiều bị chúng tôi trêu cho một mẻ. Anh Linh chỉ cười:

- Thời đại khoa học kỹ thuật. Vài năm nữa là các ông chỉ huy thật đấy. Tôi cũng mong đến ngày ấy để thấy quân đội mình trưởng thành. Có làm lính cho các ông cũng mát mặt.

Trời đã vào kỳ rét. Tuy vậy, chúng tôi cố gắng hành quân sớm. Lính thì thầm mùa khô tới, sẽ nhổ Kon Tum trước. Có chỗ lại đồn đánh Plây-cu xong mới vây Kon Tum. Đánh chỗ nào thì bí mật quá rồi. Nhưng chuẩn bị thế này không thể không đánh lớn được. Một đêm, nghỉ lại căn nhà công binh bỏ trống, người giữ kho vừa khơi lửa cùng chúng tôi ngồi sưởi vừa chặc lưỡi:

- Ghê thật, các bố là thánh lắm. Cứ đường dây đi tới đâu y như rằng mình "xơi" đến đó. Đây! Đắk Péc rồi Thượng Đức đấy. Mùa khô này, không biết các bố xơi đến đây. Lính nức lòng lắm.

Nét vô tư của người lính giữ kho khiến chúng tôi vui lên. Chúng tôi thần thánh gì đâu. Tất cả nằm trên ý đồ trên cả. Ngay cả việc mở đường của các anh cũng thế. Không có con đường sao có đường dây được. Nhưng thường ai làm nghề gì thường quên khuấy tầm quan trọng của người đó.

Từ giã những thước dây cuối cùng, chúng tôi đến với những ngọn núi đầu tiên của Tây Nguyên. Để lại đằng sau hàng trăm cây số đường dây vững vàng qua thử thách mùa mưa, chúng tôi tiếp tục đưa đường dây vươn tới.

Đến sân bay V... chúng tôi đã qua 200 cây số đường 14. Dừng lại trạm giao liên, nơi trú quân của đại đội 10 đo đạc chúng tôi nắm tình hình và bàn bạc cách triển khai tiếp. Qua những đâu, anh em cả tám mũi đo tỏ ra làm ăn khá tốt.

Nhờ có sự tham gia của Quyết, không những mũi đo của Quyết sớm được giải quyết, Quyết còn sang giúp mũi đo của Sơn tức là mũi đối đầu với mũi của Quyết. Tôi nhờ anh em đại đội 10 chuyển cho Quyết 200 viên ca vét mà khi ra đi, tôi không quên mang theo. Ở phía trước, nhận được món quà này hẳn Quyết sẽ vững tâm làm việc hơn. "Người đau dạ dày gặp ca vét khác gì cá gặp nước". Anh Mộng chính trị viên đại đội 10 vừa nói vừa đưa gói ca vét vào xắc cốt.

Dựa vào công binh, mũi đo qua căn cứ Đắc Pék đã bảo đảm an toàn. Khi giao trách nhiệm này cho Chuẩn, tôi rất tin. Tuy mới ra trường nhưng Chuẩn là một đảng viên tỏ ra tháo vát và hăng hái lao vào thực tế.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM