Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:27:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111221 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #170 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:31:29 pm »

Nhiều anh chị em nhân viên xin hiến máu. Bây giờ bác sĩ viện trưởng lại phải xem xét sức khoẻ của từng người và đắn đo, cân nhắc: ai là người có thể cho một lúc 100cc máu? Lại vẫn y sĩ Ánh ư? ánh đã hiến máu nhiều lần, và bác sĩ Song thấy khổ tâm vì không kiếm đâu ra thực phẩm nhiều chất bổ để bồi dưỡng lại cho người hiến máu. Nhưng một lần nữa, anh buộc lòng phải chỉ định Ánh, Ánh vẫn là người có sức lực hơn các anh chị em khác. Và anh chị em khác rồi sẽ lần lượt được nhận vinh dự đó: từ mai, họ sẽ thay nhau hiến cho người bệnh mỗi ngày 50cc máu tươi! Cần phải hết sức dè xẻn máu tươi vô cùng quý hiếm ở vùng khí hậu khắc nghiệt này, bù vào đó, bác sĩ sẽ cho lệnh xuất kho mấy chai huyết thanh, dù rằng thứ thuốc đó cũng phải tính đến từng chai.

Suy tính xong, viện trưởng Song ghi mệnh lệnh điều trị cho ngày thứ hai và mấy ngày sau: "Truyền máu tươi 50cc. Tiếp huyết thanh, một chai".

Suốt mười ngày, anh chiến sĩ ấy được nuôi sống bằng máu tươi và huyết thanh.

Anh đã có vẻ tỉnh táo lên một chút. Đôi mắt đã có sinh khí, nhìn những người đến chăm sóc như muốn ngỏ một lời trìu mến.

Các cô y tá trực đêm không còn lo anh sẽ ngừng thở ngay trong tay mình, mà mình không hay biết. Cô Mỹ, người được giao chăm sóc riêng Huân, không khóc nữa. Cô là người dễ xúc động. Cô có một người em chiến sĩ ở Tây Nguyên, hễ trông thấy Huân là cô lại nhớ đến em. Bây giờ thì cô bắt đầu tin là Huân không chết. Cô càng yêu thương Huân, khi nghĩ rằng trong tĩnh mạch của anh có một phần máu của cô. Đối với cô, Huân đã thực sự trở thành một đứa em.

Theo lệnh của viện trưởng Song, cô Mỹ bắt đầu cho Huân ăn một thứ nước súp nhẹ.

Bây giờ thanh niên trong viện có phong trào "nuôi gà thương binh, bệnh binh". Mỗi nhóm nhân viên xây dựng một chuồng gà. Mỗi người có nghĩa vụ đóng góp ít nhất hai con gà trong một năm. Ngoài ra mỗi người còn có nghĩa vụ góp 15 ki lô gam rau xanh một tháng.
Gà ấy, rau ấy là thực phẩm quý, hiếm dành cho những anh em đau yếu nặng, chỉ được sử dụng theo mệnh lệnh của thầy thuốc.

Hôm ấy, cô Mỹ đã xin phép được giết con gà mái tơ mà chính cô chăm nuôi từ lúc nó vừa mổ trứng chui ra. Cô bớt vài miếng củ cải mập nhất trong luống rau tăng gia của mình. Cô hầm nhừ củ cải xắt miếng với thịt gà băm nhỏ, rồi lọc lấy nước.

Mỹ đổ cho Huân thứ nước xúp ngọt lịm ấy. Đổ dần từng thìa, từng thìa. Cứ vài giờ một lần hâm nóng lại, và đổ mấy thìa. Và theo dõi, nghe ngóng xem bụng dạ người ốm có chịu được không?

Có lẽ bụng dạ đứa em cũng không nỡ phụ lòng người chị gái. Nó chịu thu nhận những thìa nước ngon ngọt mà người chị nấu nướng với biết bao thương mến.

Huân khá dần lên.

Cô Mỹ thay đổi dần món ăn, từ lỏng đến đặc, từ nhẹ đến nặng.

Các bác sĩ cũng cho thay thuốc: từ các loại thuốc tiêm đến rượu sâm pha mật ong, rồi những viên cao động vật luyện mật ong.

Đến đầu mùa khô năm ấy thì Huân đã trở dậy được. Tiết trời nắng ráo, dễ chịu. Cô Mỹ dìu Huân ra sân, cho anh tập đi từ gốc cây này sang gốc cây kia. Huân đi còn run rẩy. Người anh vẫn gày còm, tóc mọc lơ thơ da còn xanh tái.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #171 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:31:37 pm »

Năm ấy có một đội văn công xung kích của Việt Bắc vào phục vụ tuyến lửa Trường Sơn. Đội có ghé qua Quân y viện 46. Sau buổi biểu diễn chung cho toàn viện, các chiến sĩ văn nghệ đòi đến tận giường bệnh thăm hỏi và hát làm quà cho những anh em đau nặng. Ngờ đâu vừa bước vào phòng bệnh nặng của ban 3 các cô gái Việt Bắc đã trào nước mắt. Các cô không thể cầm lòng, trước dáng ốm o, còm cõi của Huân và các đồng chí cùng phòng. Các cô không hát, cũng không nói nổi một lời thăm hỏi.

Hôm ấy, Mỹ phải dỗ dành, an ủi các cô bạn gái Việt Bắc. "Kìa, nín đi các em ! Các em đừng lo. Rồi các đồng chí ấy sẽ qua khỏi hết". Mỹ cố dằn lòng để khuyên nhủ các bạn, chứ thật tình cô cũng muốn khóc oà lên. Và tối hôm ấy, lúc đi nằm, cô đã khóc thầm. Cô thấy thương Huân và các đồng chí ốm đau hơn bất cứ bao giờ. Cô cảm thấy tiếng nức nở của các cô văn công Việt Bắc là những lời trách móc đối với cô! Có lẽ cô còn nhiều thiếu sót đối với Huân, đối với anh em đau ốm nói chung. Cô phải săn sóc họ chu đáo hơn nữa.
Huân đã bưng được bát cơm ăn.

Cô Mỹ lại lo chạy thức ăn để Huân ăn ngon miệng.

Thực phẩm khan hiếm. Thịt rừng không phải lúc nào anh Phù cũng kiếm được. Gà nuôi không dễ, cần phải gây giống lâu lâu mới được giết một con. Lấy gì cho Huân ăn? Mỹ nghĩ tới con suối nhỏ dưới chân đồi. Trong hộp khâu của cô còn hai chiếc kim, cô lấy một chiếc nhờ anh em uốn lưỡi câu. Cô xe chỉ làm dây câu. Đêm ấy, trong phiên trực, cô thả câu, thỉnh thoảng lại chạy ra nhấc. Một đêm đầu, cô kiếm được một con cá chạch bằng chiếc quản bút, một con cá bò bằng cái chuôi dao: Đem nấu với lá bứa, cũng được một bát canh chua.

Canh chua lạ miệng, Huân ăn khoẻ gấp đôi mọi bữa. Cô Mỹ mừng không tả được. Và cả ban 3 đều mừng cho hai chị em.

Mấy anh bệnh binh đã khoẻ ủng hộ việc làm tốt đẹp của Mỹ. Họ nảy ra ý hay: đan giúp cô một cái đó, để đặt dưới lòng khe suối. Từ hôm có đó, Mỹ kiếm được nhiều cá hơn. Có bữa không chỉ riêng Huân mà cả phòng bệnh nặng được ăn canh cá.

Tháng 12 năm ấy, Huân khoẻ hẳn. Anh đi lại nhanh nhẹn, vững chãi. Mặc đã có sắc máu, má đã bầu ra. Thử lại máu, hồng cầu lên tới 2 triệu 800.000. Anh được ra viện để về một đoàn an dưỡng phía sau nghỉ ngơi cho khoẻ hẳn.

Hôm Huân lên đường, cô Mỹ đeo ba lô đưa xuống tận chân đồi. Họ chia tay nhau như hai chị em ruột. Cả hai người rưng rưng nước mắt. Họ khóc vì mừng vui xen lẫn nhớ thương lưu luyến.

Sùng kể xong câu chuyện, vừa lúc hai chúng tôi về tới khúc suối hôm nào, khúc suối mà ông già Lào để lại một cái tổ ong làm mẫu. Chúng tôi ngâm chân rửa dưới làn suối mát lạnh, và xem những con ong mật đi về tấp nập. Tôi chợt nghĩ rằng cả những chú ong bé bỏng này có lẽ cũng dự vào câu chuyện "hai chị em" cô y tá Mỹ và anh chiến sĩ Huân.

Anh Sùng, người phụ trách cũ của ban 3 đã chọn kể một trường hợp tiêu biểu khiến tôi không thể quên. Và tôi cũng hiểu rằng cái quân y viện đáng quý này không chỉ có một ban 3 lại càng không phải chỉ có một cô y tá Mỹ, và một anh bệnh binh như chiến sĩ Huân. Ai tính được ở đây đã từng có bao nhiêu chiến sĩ được hồi sinh, và bao nhiêu cuộc lên đường bồi hồi, lưu luyến?
(Rút trong tập Đường Hồ Chí Minh)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #172 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 08:37:59 am »

Nguyễn Thuỵ Kha (nhà văn)
XUYÊN TRƯỜNG SƠN

I

Trong đoàn, tôi là người đầu tiên đến đơn vị. Tôi được phân công về trung đội 3 thuộc đại đội 6. Đại đội 6 là đơn vị anh hùng đầu tiên của đoàn thông tin Lam Sơn nhờ thành tích phục vụ tổng tấn công Mậu Thân. Đón tôi về trung đội 3 là trung đội trưởng Đỗ Hồng Khiết. Quê ở Hà Bắc, nhập ngũ vào trung đoàn từ 1966, Khiết nhiều năm là chiến sĩ thi đua. Qua đào tạo, anh về làm trung đội trưởng trung đội 3 của đại đội 6. Khiết nở nụ cười hiền hậu đón tôi :

- Ông chuẩn bị ba lô rồi ta cùng về. Bê 3 của chúng ta cách đây ba tiếng nữa.

Tôi gấp võng vội vàng, khoác ba lô theo Khiết. Đến một khe nhỏ, Khiết bảo tôi giải lao. Hơi lạnh khe sâu làm dịu lại buổi trưa. Khiết cởi túi cơm đeo cạnh sườn, bẻ đưa tôi nửa nắm:

- Ông ăn tạm. Trai thành phố biết ăn cơm nắm chưa?

Cơm ai nắm rất khéo và mịn. Tôi vừa ăn cơm vừa thổ lộ

- Cơm ngon quá. Tôi cứ nghĩ vào Trường Sơn là thiếu lắm. Hoá ra cũng đàng hoàng. 

Khiết lại cười, nụ cười dễ mến:

- Có lúc cũng thiếu lắm. Nhưng lúc nào đàng hoàng thì rất đàng hoàng. Lính là thế đấy ông ạ.

Tôi và Khiết lại tiếp tục đi. Một bãi bằng mở ra bất ngờ.

- A! Trung đội trưởng về. Lại thêm ông khách nào nữa.

Anh em một lán gần đấy, chạy ra. Rồi các lán khác chạy ra. Chỉ một lát bao nhiêu khuôn mặt hồ hởi đã vây quanh tôi. Chợt có tiếng ai reo:

- Anh Kha. Đúng anh Kha rồi. Có nhớ Quý không? Quý ở Ngô Xá đây.

Một anh chàng cao cao, tóc cắt cua, rẽ đám đông tiến vào Tôi ngờ ngợ. Đúng rồi. Đúng là Quý, con ông chủ nhà lớp tôi mượn làm nhà ăn hồi sinh viên sơ tán ở Ngô Xá, Phú Thọ. Quý lớn nhiều nhưng nét mặt vẫn như trước. Làng Ngô Xá là một làng giáo dân. Thanh niên còn lạc hậu, ít chịu tham gia nghĩa vụ quân sự. Thế mà tôi lại gặp Quý ở Trường Sơn. Nhiều điều đã đổi khác qua năm tháng. Khiết ra hiệu cho tất cả im lặng:

- Định giới thiệu thì ông Quý làm trước rồi. Xin vắn tắt thế này nhé. Đây là đồng chí Kha, kỹ sư thông tin, nhập ngũ 1971, được điều về làm chiến sĩ B ba chúng ta. Đồng chí Kha sẽ về sinh hoạt ở A bảy. Đồng chí Quý đưa đồng chí Kha về A bảy nhé.

Quý đỡ ba lô kéo tôi về phía lán của tiểu đội 7. Chỉ vào một người mặt dài, cởi trần, quần đùi còn ướt rượt. Quý nói:

- A trưởng Việt đấy. Kìa "thủ trưởng em" lôi thôi quá. Ra mà nhận "lính mới" này.

Việt hơi đỏ mặt nhìn tôi:

- Ông thông cảm. Chúng mình đang be bờ tát cá "cải thiện". Ông theo Quý về lán nhé. Mình tắm qua một chút rồi anh em nói chuyện sau.

Tối hôm ấy, tôi dốc ba lô còn bao thuốc "'Tam đảo" và gói kẹo "Làm lễ nhập gia" với anh em. Xa Hà Nội gần một tháng nhưng với anh em, tôi còn hộp lắm. Tôi luôn mồm trả lời, giảng giải, kể lể, mọi chuyện ngoài Bắc. Trong câu chuyện, tôi không còn xa lạ. Tôi như người nhà mới đi xa về Những giây phút ấm áp đầu tiên với đồng đội ở Trường Sa, bao giờ tôi quên được?
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #173 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 08:38:58 am »

Thực sự thành chiến sĩ đơn vị, tôi lao vào công việc mới mẻ say mê. Mới hôm nào ra sông Tà Riệt kéo cáp, hôm nay đã áp đường 70 giải phóng kho vật liệu. Bám theo đồng đội, tôi lặng lẽ học tập như một học sinh muộn mằn.

Ban ngày công tác mệt nhọc, đêm về, chúng tôi cười đùa không ngớt. Tôi bập bẹ đánh bài "tiến lên", một loại bài một trăm phần trăm giải trí của lính. Các từ ngữ vui vẻ như: "cối", "toạ độ", ba thằng "trái gió", "Nam Lào", "Cam Pu Chia", v.v... đều được gọi lên trong ván bài. Làm lính Trường Sơn thì phải sốt rét và đánh "tiến lên". Vừa đánh vừa trêu đùa nhau khiến đêm qua mau. Trước giờ ngủ, cả lán thường có nửa tiếng "Kể chuyện đêm khuya". Qua nửa tiếng quý giá ấy, tôi nhận biết bao tâm tư thầm kín của anh em. Càng hiểu nhau, càng gắn bó nhau hơn.

Mùa hè Trường Sơn, tiếng ve sầu ngân da diết. Tiếng ve gợi bao kỷ niệm buồn vui. Tiếng ve gọi mùa hè tuổi thơ lang thang hè phố, thuở học sinh hồi hộp kỳ thi, thuở ban đầu yêu đương nồng thắm. Tiếng ve rừng ngân trong tôi một giao điệu mới. Giai điệu về cuộc sống vô tư của lính Trường Sơn không dứt.

*
*   *

Lúc ấy, chiến dịch vào kỳ giòn giã. Ta giải phóng Đông Hà rồi thị xã Quảng Trị. Lòng chúng tôi cồn cào bứt rứt. Làm thằng lính mà lúc này còn chui tít xó rừng. Nhiệm vụ thật mà cứ ấm ức thế nào.

Một bữa, đại đội trưởng Văn Đình Lộc đến trung đội 3 phổ biến tình hình. Chúng tôi sung sướng bao nhiêu khi nghe bộ chỉ huy mặt trận khen ngợi mạng thông tin. Nhờ có nó mà mệnh lệnh chỉ huy xuyên qua dằng dặc Trường Sơn kịp thời và bí mật tới mặt trận. Đại đội trưởng nói tiếp:

- Căn cứ vào nhiệm vụ của trên, đại đội giao cho "bê ba" nhiệm vụ nâng cao chất lượng để đường dây có thể phục vụ tốt hơn. Các đồng chí cố gắng thực hiện ngay.

Mờ sáng hôm sau, sau bữa ăn vội vã, các lán gỡ tăng, từng người xếp ba lô. Khi ở thì bồn chồn muốn đi. Khi gỡ hết mái tăng ra, các lán hầm trống trải như lòng người lúc ấy Một chút gì lưu luyến cái góc rừng không tên thoáng lên nhè nhẹ trong mắt.

Chúng tôi bắt đầu băng những chóp núi ngất trời. Nơi ấy cao hơn chóp núi là cột đường dây đứng vươn tay như dũng sĩ. Chúng tôi cắt những dây leo xoắn vào đường dây, căng lại độ trùng cho những khoang dây bị võng. Đường dây có chỗ đi thẳng băng, có chỗ đi ngoằn ngoèo như thân rắn. Có nơi, đường dây lấy thân cổ thụ làm cột.

Thật kỳ lạ. Nếu còn ngồi trong nhà trường, tôi chẳng sao hình dung nổi đường dây xuyên Trường Sơn. Đồng đội tôi, những cậu Quý lém lỉnh, cậu Báu gan góc, cậu Bảng lầm lì, tiểu đội phó Đức,với cây đàn ta lư vui tính. Họ là những người lính bình thường đã sinh ra đường dây và tận tâm săn sóc nó.

Theo sách vở, để tổ chức thông tin và nhiều đường bằng máy tải ba, đường dây yêu cầu nhiều điều kiện ngặt nghèo. Câu chuyện tranh luận của người tư lệnh trưởng với anh em kỹ sư thông tin đã lan xuống đơn vị. Khi đề ra việc kéo đường dây xuyên Trường Sơn, có kỹ sư nghi ngại với điều kiện rừng rú, các đôi dây thông tin sẽ bị xuyên nhiễu rất nặng. Tư lệnh trưởng đã lấy ví dụ đơn giản và bất ngờ, ông nói:

- Ta ví Trường Sơn như một căn nhà. Trong căn nhà ấy mỗi đôi dây của máy tải ba là một người. Nếu có nhiều người la to trong nhà cùng một lúc thì mới sợ nhiễu chứ. Đằng nè, ta chỉ để một người thôi. Hẳn có la váng trời cũng chẳng ảnh hưởng sang ai hết. Các kỹ sư hiểu chứ? Thực tế đó. Với dung lượng bộ tổng yêu cầu, ta sẽ kéo đường dây một đôi cho tải ba, một đôi cho bảo vệ. Lợi dụng cây rừng làm cột hỉ? Nhất trí thì khẩn trương cùng đoàn thông tin Lam Sơn thực hiện.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #174 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 08:39:56 am »

Thế là từ Mậu Thân 1968, những đường dây dã chiến như vậy xuyên dọc, đâm ngang Trường Sơn. Mưa đổ, địch phá, ta lại làm lại. Công trình ấy đang trải ra trước mắt tôi.

Để làm đường thông tin Lam Sơn đã thi công cả mùa mưa. Tiểu đội phó Đức hai lần lên cơn sốt AC tính trong mùamưa ấy. Hai lần đồng đội gạt nước mắt trói anh bằng chính sợi dây lưỡng kim hôm nay tải lên mình tiếng nói.

Theo đường dây thầm lặng, chúng tôi tới những thung rực nở, lừng hương. Vặn cột đường dây, men theo lèn đá; chúng tôi sững sờ trước đàn bướm trắng chập chờn trông như quả cầu di động. Chúng tôi gặp bãi rày của đàn voi đêm lồng ngược Ta Păng, xuýt làm sập phòng máy cơ vụ 434. Trong tiếng vượn hú, chim ríu ran, chúng tôi đi theo dấu chân nai lỏn chỏn ven bờ suối, con sóc bay chuyển cành chập tối, tiếng tắc kè buông thõng chiều hôm. Theo đường dây chúng tôi đi trong hoang dã Trường Sơn.

Ngay trong góc đại ngàn âm u xa lắc, kẻ thù vẫn ngày đêm nhòm ngó, phá phách điên cuồng. Những thước dây lại đứt tả tơi sau trận bom toạ độ. Chúng tôi từng băng qua hiểm nghèo để căng lại dây giữa lúc hơi bom còn khét lẹt. Chúng tôi từng nghẹn ngào trước những bản hoang sau trận bom tàn phá. Mấy cây cột nhà đen cháy đứng trơ trơ. Những nền nhà cỏ đã um lên. Nơi ấy bản đã hiến mình cho con đường xuyên qua, cho đường dây băng qua.

Có lúc, ngay chính chúng tôi nằm trong toạ độ điên cuồng. Sau trận bom, rũ đất vùi gọi nhau đến lạc giọng. Đến khi bới nổi nhau lên thì ôm ghì nhau, rơi nước mát. Có nơi, chúng tôi đến thì bom vừa rải thảm. Nhìn dòng suối lờ đờ cuốn trôi bao mái tóc của các cô thanh niên xung phong, lòng đắng lại không sao khóc nổi.

Chiều qua, để nối lại một đoạn cáp đứt giữa sông Sen, đồng chí Dược của chúng tôi đã vấp mìn vướng giữa lúc lội sông tìm mối đứt và đã ra đi thầm lặng như bao thước dây đứt.

Một lần, tôi cùng Yệt và đại đội trưởng Lộc đi chữa dây qua suối La La. Vừa ra đường 9, một chiếc O.V.10 rẹt qua, quấn lấy. Ba anh em chạy chữ chi dọc đường 9. Chiếc OV 10 bám riết. Vừa chạy, vừa thở, ba anh em nhảy ào vào một căn hầm ven đường. "pụp", một quả pháo khói bốc nghi ngút ngay tại đấy. Chiếc O.V.10 quay đi. Dày dạn kinh nghiệm, đại đội trưởng Lộc dắt chúng tôi ra ngay:

- Phải mau chóng rút xa. Bê 57 đến ngay đấy.

Ba anh em nhanh nhẹn lách vào rừng le phía bắc đường Chỉ vài phút sau, đã nghe bom quỳnh quỳnh rung mặt đất. Yệt cười:

- Mẹ kiếp, thằng "O vê mờ” mách lẻo nhạy thật.

Mùa mưa bắt đầu đe doạ. Dưới đồng bằng, các lực lượng bộ binh kiên cường chốt Quảng Trị. Đường dây cũng ngày đêm phục vụ. Những phiên trực căng như đường đạn. Sau mỗi trận mưa nguồn, nước sông dâng nhanh. Tôi đã có ngày bì bõm suối khe đến trọng điểm Cha Ly nhận gạo, có chiều vượt dòng Xê Băng Hiên xiết dữ để lĩnh muối.

Giữa lúc cuộc hành quân theo đường dây còn tiếp tục, tôi bị sốt. Không thể nằm lại được. Lính Trường Sơn sốt 39 độ hay 40 độ vẫn là thường. Tôi cắn răng bám theo anh em, chống lại từng thước dốc, chống lại từng con vắt, chống lại phút giây mềm yếu .

Anh em chặt cho tôi cây gậy chống khá chắc. Sau mỗi buổi hành quân, đồng đội len lỏi rừng tìm chất tươi cho tôi. Bữa thì nấm mối xào thịt hộp. Bữa thì cua đá nấu lá đay rừng. Tôi ốm thể xác mà tinh thần khoẻ. Chẳng lúc nào tôi cô độc buồn chán. Thỉnh thoảng anh em lại đùa:

- Thế nào, liệu kỹ sư "chết" chưa? 

- Có anh em, tôi khó chết lắm. Đùm bọc lẫn nhau, chúng tôi đứng chân vững vàng trên Trường Sơn, ngay bên đường dây.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #175 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 08:40:45 am »

Một chiều, đang ngồi khoả chân dưới suối, tôi thấy một đoàn cán bộ đi qua. Lát sau, Quý đến ghé tai:  

- Đoàn tham mưu của Bộ và đoàn đến đấy. Chuyến này khảo sát tuyến mới nghe đâu lớn lắm anh ạ.  

Chỉ tối hôm đó, chúng tôi nhận lệnh ngay. Nhiệm vụ của trung đội 3 là cùng bộ phận khảo sát của đoàn khảo sát tuyến mới để xây dựng đường dây hiện đại xuyên Trường Sơn. Hai mũi đo đạc được hình thành từ tiểu đội 7 và tiểu đội 8 của trung đội 3.  

Sớm hôm sau, ra khỏi rừng năm phút, chúng tôi vượt ngay một dốc tức thở. Vượt qua nhiều chặng dốc lắm vắt của một đường dây cũ được tận dụng làm đường mới, chúng tôi bươn lên chót vót đỉnh núi. Gió lồng lộng. Một cảm giác mới như men rượu bừng lên. Xa kia, qua nhấp nhô sóng núi, đồng bằng hiện mờ mờ một vệt nhiều màu. Giao tuyến với chân trời là biển xanh nhô cong. Bãi cát kẻ một vệt dày màu trắng và trong là màu xanh của cánh đồng. Gần nửa năm, tôi mới thấy đồng bằng. Có gì như sóng trào lên. Tất cả đoàn khảo sát im lặng dừng lại. Rồi lại đi như nhanh hơn qua khoảng rừng lộng gió.

Công việc đo đạc tiến hành chậm trễ vì tuyến quá dốc. Người phụ trách hướng tuyến là Hiệu, nhân viên kỹ thuật của đoàn bộ. Hiệu lành, ít nói. Đôi khi cười mỉm dễ thương. Làm được một đường dây, kỹ thuật tuy có hạn nhưng công sức thì vô giá. Chúng tôi thường đi sớm về muộn. Sào ngắm thì vót bằng nứa nên không sao thẳng được. Hăm hở ra đi thế mà qua mấy ngày, chúng tôi thấm mệt.

Mũi đo của tiểu đội 8 ở phía làng Chân Hinh đã phải cho người về tiếp tế gạo. Chúng tôi cũng chẳng còn bao nhiêu. Đành chia đôi vậy.
Trước mắt mũi đo đạc tiểu đội 7 là đỉnh Động Long. Ngày thứ nhất đo được 500 mét thì trời xẩm tối. Ngày thứ hai đo được 400 mét thì trời xập mưa. Ngày thứ ba các dao quắm được mài sắc, nắm cơm phụ to hơn, bi đông đầy ắp nước. Chúng tôi quyết tâm chinh phục Động Long. Vào tuyến, chỉ nghỉ ngơi ít phút, cặp phát cây đầu băm bổ ngay. Những đường dao vun vút. Lách lau đổ ràn rạt.

Qua hai trăm mét đầu vấp phải một bãi gai khá dài. Chơi "du kích" với loại cây này khá mệt. Đã hai cặp phát tuyến thay nhau, mà mũi đo vẫn chưa chích là bao.

Đến một vách đứng nhân khe suối nhỏ, tiểu đội phó Đức ra lệnh nghỉ trưa. "Thợ mài dao" Báo tranh thủ liếc dao lần nữa. Nửa tiếng sau, chúng tôi tiếp tục mở đường. Hiệu vươn lên trước tìm hướng. Dao quắm lại vung lên. Những bụi cây rũ xuống. Mồ hôi đầm đìa áo lính. Những bụi nứa bị chẻ toác hốc hoác.

Xế chiều sau khi chặt nốt một cây con, thấy đỉnh trời sáng ra trên đầu. Chúng tôi đã chiếm lĩnh Động Phong. Cả bọn reo cười giữa cơn mưa bất thần ập đến. Tất cả hò nhau rút theo "con đường chuột chạy".

Không quen đường tôi tụt lại sau lúc nào không hay. Đến một chỗ, thấy mất tăm dấu vết, tôi hoang mang quá. Trên đầu, sấm dội ì ầm. Lưng trời chớp nháy nhì nhằng. Mưa quất chéo vào mặt. Mất phương hướng, tôi vạch lối chạy lung tung. Lo sợ quá, tôi cất gọi ầm ĩ, gọi khản cả giọng. Chẳng ai đáp lời tôi ngoài cái vách núi lạnh lùng trêu cợt. Người tôi rũ ra. Bao niềm vui vừa thoáng đến, rơi đâu mất.

Bỗng tôi tụt hẫng. Tảng đá xốp đánh lừa tôi. Tôi trượt trôi đến 200 mét. Lưng tôi đau dần. Đầu tôi ù lên, rối bời. Thà ra trận bắn thẳng kẻ thù cho bõ giận. Làm lính mà cứ chui rúc thế này, cực quá. Tức muốn khóc.

Trời dần tối. Tôi hoang mang tột độ. Đã tính đến chuyện ôm bụng đói, ngủ rừng. Đến một khe cạn có bãi bằng, mùi ngai ngái khó chịu, tôi ngồi xuống định thần nghe tiếng gọi:

- Kh...a... ơi! ở đâu thì hú lên. Đứ...c đ..â...y.

Mừng quá, tôi hú một hơi dài. Năm phút sau, Đức và Báo ập đến. Đức hổn hển:

- Ông định loay hoay đứng đấy cho hổ vồ à.

Tôi lạnh gáy chưa hiểu sao, Đức nhảy đến trước mặt:

- Ông có thấy vết chân hổ đầy ra đây không? Mình đi trước không để ý. Quay lại thì ông mất tăm. Mà ông rúc sao tài dữ. Lần theo vết đến mệt.

Cả hai phá lên cười khi nhìn tôi lấm láp. Đức vỗ vai:

- Lần sau bám sát nghe "nội". Mất "ông nội" chúng tôi hết hơi đấy, tuyến dốc quá, trên ra lệnh rút rồi.

Tôi vừa ngượng ngùng vừa băn khoăn. Tiếc công quá. Nhưng tuyến dốc thật. Để có một tuyến đường dây khá, đâu có dễ. Chỉ đổ sức ra chưa xong được. Tôi lững thững lê tấm thân đau dần theo Đức, Báo.

Mưa rừng lạ thật, ào xuống đấy rồi lặng phắt ngay. Trăng non nhú lên. Trong một vũng nước đọng, trăng rơi vào ngơ ngác.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #176 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 08:42:18 am »

II

12 giờ ngày 23-1-1973, hiệp định Pa ri được ký kết. Chúng tôi nhảy khỏi giường. Không ai ngủ trưa nữa. Tất cả vây quanh chiếc đài Li Đô. Tiếng người phát thanh viên như giòng suối ngọt ngào cứ chảy mãi vào không gian. Bài hát "đường chúng ta đi" khơi lửa mãi trong rung cảm chúng tôi.

Về mặt chiến lược, hiệp định hạn chế đến mức tối thiểu sự có mặt của Mỹ trong giai đoạn mới. Để có một cú đấm quyết định cần chuẩn bị đầy đủ và khẩn trương. Dưới giáp ranh, ta giành giữ từng điểm chốt. Địch nhổ cờ cắm sang đất ta, ta đẩy lùi địch về vùng quy định.

Trên Trường Sơn đã thuộc vùng giải phóng, các lực lượng hùng hậu của công binh, thanh niên xung phong thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn tràn ra mở đường, Đường 14 (tức đại lộ Hồ Chí Minh) được mở rộng, hoàn thiện mặt bằng, nâng cấp. Cầu cống được làm mới hoàn chỉnh. Không còn bom đạn, các đoàn xe thoả sức ra vào. Lốc bụi ùn lên suôt ngày đêm. Tiếng nói cười huyên náo. Những doanh trại mọc như phố xá hai bên đường. Chưa bao giờ, Trường Sơn đông vui đến thế.

Lấy trục đường 14 làm xương sống, chấp hành chỉ thị của Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh thông tin quyết định giao cho đoàn thông tin Lam Sơn kéo một đường dây chiến lược mang tên là "Đường dây thống nhất" xuyên Trường Sơn. Đường dây này xây dựng bằng cột sắt hình U mang được nhiều đôi dây, truyền tải được nhiều đường tải ba.

Còn lại tôi, Phong, Tăng, Liêm được bổ sung về tiểu ban kỹ thuật của đoàn bộ. Với bốn chúng tôi, vị trí công tác bắt đầu thay đổi. Từ một anh lính thông tin, chúng tôi trở thành người trợ lý kỹ thuật của đoàn.

Phụ trách tiểu ban kỹ thuật là anh Kim Quang Bàn. Anh Bàn cùng ra khoá 1971 như chúng tôi nhưng ở trường đại học quân sự. Anh Bàn nhập ngũ 1963. Trước khi nhập ngũ, anh đã là cán bộ trung cấp thuỷ lợi. Vào bộ đội, anh công tác khá lâu ở đơn vị pháo mặt đất và đi học ở đấy. Chúng tôi chóng quen nhau.

Ngoài năm kỹ sư, tiểu ban kỹ thuật còn có mười cán bộ trung cấp, đã công tác tại đoàn từ 1966 như Phạm Nhật Sáng, từ năm 1968 như Quý, Quyết, Hiệu, Huệ, Hưng, Sử, Đinh, Bổng. Đấy là những đồng chí khá dày dạn kinh nghiệm.

Sau khi thành lập hai tiểu đoàn, Tăng và Liêm được điều trở lại làm trợ lý kỹ thuật tiểu đoàn. Tiểu ban kỹ thuật chính thức còn ba kỹ sư và mười trung cấp. Tham mưu phó Trần Duy Hiệp và tham mưu trưởng Đế Kim Tiêu cũng đều là kỹ sư. Lực lượng chưa nhiều nhưng thế cũng tạm ổn. Điều cần thiết nhất trong kỹ thuật là sự thống nhất quan điểm phương pháp công tác thực tế.

Tháng 10-1973, giữa mùa mưa Trường Sơn, đại đội mười đo đạc mới thành lập cùng các đồng chí: Huệ, Sử, Hiệu, Bổng đi trước khảo sát tuyến bắt đầu từ cơ vụ A, một cơ vụ nằm giữa khối Trường Sơn Bắc. Chỉ hơn hai tháng sau, cuối tháng 12-1973, toàn đoàn Lam Sơn rầm rập vào tuyến.

Trong hai tiểu đoàn xây dựng đường dây thì tiểu đoàn 9 mới thành lập. Tiểu đoàn 86 nhờ thành tích phục vụ thông tin cho chiến dịch 1972 nên được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang. Thành tích ấy càng nức lòng toàn đoàn.

Để mở màn một công trình có tầm cỡ chiến lược lịch sử, tư lệnh trưởng cùng đoàn công tác của Bộ tư lệnh thông tin cũng kịp đến kiểm tra và động viên đoàn Lam Sơn ra quân. Một tiểu đoàn xe thuộc Bộ tư lệnh thông tin cũng được tăng cường cho đoàn Lam Sơn.

Từ đấy dọc đường 14, người ta thấy xuất hiện những đoàn xe mang hiệu mới chở đầy lính, đầy hàng vào sâu vào sâu
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #177 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 08:42:59 am »

Mùa xuân 1974 đã về trên thung lũng A So. Nơi quê hương anh hùng Kan Lịch bao năm giành giật với kẻ thù, nay đã yên vui một vùng giải phóng. Buổi sớm, nắng kẻ những đường chéo cát ngang dải núi còn phủ kín sương mù. Những đường kẻ dần vạch hết màn sương. Nắng ùa vào lòng thung tưới đẫm đồi tranh, ương màu vàng huyền diệu. Đồi tranh khiến ta nhớ khôn nguôi những vụ mùa đồng quê bông tranh trắng lắc lay lòng ta rười rượi.

Năm ấy tôi và Sáng, Hiệu, Huệ, Sử, Bổng với tham mưu phó Hiệp cùng đại đội 10 ăn Tết tại thung lũng. Chưa bao giờ vùng rừng núi hoang vu lại bừng say cuộc sống đến thế. Bạn bè gần xa đi thăm nhau. Đồng hương đồng ngũ đi thăm nhau. Ở đâu cũng thấy nụ cười cũng nghe tiếng hát. Xa quê hương đi xẻ dọc Trường Sơn, những người lính quần áo màu rừng quây quần gia đình lớn. Bên cạnh những mất mát, cuộc chiến tranh giải phóng làm nẩy sinh thêm bao tình cảm mới, lớn lao.

Chúng tôi tổ chức đón xuân thật vui. Chỉ có bảy anh em cũng làm một đội bóng chuyền giao hữu với đại đội 10. Rồi hai đội ghép làm một đi giao hữu với các đơn vị công binh trong khu vực. Người trong sân lăn lộn tận tình, người ngoài sân say sưa hò reo, không khí cứ xao lên không ngớt.

Đường thông suốt, chúng tôi cảm động nhận quà từ Hà Nội gửi vào. Lần đầu tiên ở Trường Sơn ăn Tết có su hào, bắp cải, cà chua. Chính uỷ trung đoàn cũng kịp băng 200 cây số đường kịp đón giao thừa với mũi xung kích trong đội hình toàn đoàn.

Tối giao thừa, tổ chức "hái hoa dân chủ”. Cánh lính trẻ rất hăng. Cậu lên độc tấu, cậu hát dân ca, ngâm thơ liên tiếp. Những tràng vỗ tay rôm rả. Cây ghi-ta của cậu Thông tuy vỡ phải dán băng dính dọc ngang nhưng vẫn là nhạc cụ quan trọng của đêm biểu diễn. Lâu không cầm đàn, khẽ dạo một hợp âm quen, lòng tôi xốn xang lạ. Tốp ca nam của tiểu ban kỹ thuật hát một bài tôi vừa kịp viết mấy ngày trước Tết, âm nhạc "cây nhà lá vườn" thật hợp với những đêm thế này.

Anh Viễn chủ nhiệm quân y và anh Kiên phó chủ nhiệm chính trị, cùng đi với chính uỷ đã hóm hỉnh rủ nhau lên múa bài "mí đồ đồ" từ thời đầu hoà bình. Tất cả lăn ra cười, cười hết cỡ.

Đám rẫy trước mặt ai đốt từ ban chiều có cây khô bén lửa. Gió khuya thổi hắt từng đợt. Cây khô bắn tàn tung toé như pháo hoa.
Ra Tết, chúng tôi lên đường ngay. Anh em các mũi đo đạc chuẩn bị sáu cây sào ngắm sơn trắng đỏ thẳng băng. Còn tôi thì vót lại cây bút chì cho sắc. Đấy là cây sào thứ bảy của mũi đo đạc.

Sau buổi giao nhiệm vụ, nhận địa bàn và bản đồ từ tay tham mưu phó Hiệp, tôi không khỏi băn khoăn. Là kỹ sư thông tin nhưng môn đường dây tôi chỉ học có một trăm tiết. Một trăm tiết ấy lại không hề có tiết nào học bản đồ địa bàn. Tôi chỉ láng máng hiểu địa bàn qua bài tập đọc lớp 3 và kiến thức bản đồ qua môn địa lý lớp 5. Tuy có đi đo đạc nhưng chưa bao giờ tôi phụ trách hướng tuyến. Chính điều này, thường là mối nghi hoặc của anh em trung cấp kỹ thuật. Dẫu tôi thật lòng nói hết, anh em vẫn chưa tin. Có lúc đã nghe loáng thoáng dư luận: "Ôi dào! Mấy ông kỹ sư chỉ lý thuyết. Cứ một bản đồ địa bàn xuyên sơn, thằng nào làm được biết ngay".

Chẳng để ý gì đến nét sâu xa của sự việc, tôi chỉ biết là tôi không thể lùi bước. Anh em đang hăm hở thế kia. Đã làm nghề đường dây không biết khảo sát đo đạc sao được. Tôi tự nhủ: "Cứ đi rồi học thêm vậy. Miễn là đừng giấu dốt. Khi đã làm hết khả năng, vấp váp cũng sẽ vượt qua tất".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #178 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 08:43:53 am »

*
*   *

Ngày đo đạc đầu tiên. Mũi đo đạc của tôi đấu lưng với mũi đo đạc của Huệ. Chúng tôi chia tay nhau tại hợp điểm ở cây số X. Cao điểm 905 mang tên A Dớt trùng tên với thần Dớt thiêng liêng. Đối với tôi, nó cũng bí ẩn như thần linh. Tôi sẽ xoay sở ra sao với tấm bản đồ ALT sơ sài chỉ có mạch núi, chưa có đường bình độ. Lóng ngóng cầm địa bàn, tôi cùng Huệ chọn hướng tuyến.

Số phận đường dây men cao điểm 905 đã được định đoạt. Hướng Tây Nam. Tạm biệt đường 14 mũi đo của tôi tụt hoắm vực của ta luy âm đường. Những thước rừng đầu tiên bị khoét rỗng. Dọc "con đường chuột chạy" các cọc mốc viết chữ số bằng sơn đỏ lần lượt được đóng xuống. Tôi còn như chưa tin là mình đang đo đạc.

Từ bữa ấy, đo đạc về là tôi lúi húi ghi nhật ký công tác

Lặng lẽ đi qua những ngày đo đạc đầu tiên, tôi đã phải trả bao dằn vặt, cầm cự khá quyết liệt. Sau bỡ ngỡ buổi đầu, đêm về giở bản đồ tôi loay hoay mãi với chiếc địa bàn. Trên tấm bản đồ chằng chịt nhiều nét và chiếc địa bàn thô sơ bí hiểm có gì tôi chưa hiểu nổi. Xoay đi, xoay lại chỉ cốt tìm cho được hướng tuyến hôm sau đo tiếp. Lúc nào thật bí, tôi mới hỏi trung đội trưởng Diệm đã là cán bộ trung cấp kỹ thuật lâu năm. Diệm chân thực và tận tình chỉ bảo khiến tôi sáng dần ra. Mọi việc nhờ thế mà trôi chảy.

Ở cao điểm mùa lạnh trời buốt giá ghê sợ, buốt đến tức ê ẩm cả ngực. Vì hành quân bộ nên tôi mang nhẹ. Tuy đã ngủ chung với anh em mà nửa đêm vẫn thấy cóng rét. Không ngủ được trở mình toàn nghĩ chuyện đo đạc. Mày mò, học hỏi mỗi ngày thêm chút ít. Sau thất bại bẻ góc ba lần, tôi càng tỉnh táo hơn. Đến cú cắt đường ở cây số 1, tôi đâm bạo dạn. Càng làm càng ham. Rừng núi đã bớt bí hiểm với tôi.

Đo đạc về, ngày nào anh em cũng "cải thiện" thêm. Có bữa ít hoa chuối rừng thái mỏng trộn vừng rang. Có bữa rau dớn sào thịt hộp. Một hôm bắt được con rùa đang có trứng. Thịt rùa đem sào với củ chuối rừng. Lần đầu tiên tôi ăn trứng rùa ngon, không nghẹn bằng lòng đỏ trứng gà.

Anh em mũi đo đạc phần lớn là lính trẻ luôn tin tưởng tôi, dẫu có lúc sơ suất làm anh em vất vả. Được anh em ủng hộ tôi càng vui, càng cố gắng.

Mau chóng kết thúc bước một của giai đoạn một, các mũi đo đạc tụ tập về trạm giao liên A Tép.

Chúng tôi lại tập trung tiến hành bước hai, hợp điểm sắp tới giữa mũi đo của tôi và Hiệu là bờ bắc sông B, một nguồn sông khá lớn đổ về đông bắc khu năm. Để hợp điểm giữa hai mũi đo, chúng tôi cứ đo độc lập đến khi gần tới hợp điểm. Lúc ấy hai mũi đo mới liên hệ với nhau và quy định hợp điểm. Tín hiệu hợp điểm có thể là tiếng súng hoặc tiếng hú.

Lần này, để chủ động và khoa học, chúng tôi tính toán kỹ lưỡng trên bản đồ và quy định hợp điểm. Nếu sử dụng và kết hợp tốt bản đồ với thực địa, hai mũi đo sẽ hoàn toàn chủ động gặp nhau. Hợp điểm quy định là điểm giữa hai khe suối chảy ra từ bờ sông B...

Mùa hè đã ngấp nghé trở về rừng núi. Khoét rừng dưới sức hun hầm hập của mặt trời, có hôm khát vô kể. Những cây dao quắm vừa mở đường vừa tìm chặt những đốt nứa để lấy nước uống. Chúng tôi thường gọi đó là “mạch nước thân cây".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #179 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 08:44:34 am »

Nắm chắc bản đồ địa bàn, tôi sinh chủ quan. Một hôm đo đạc đã xế chiều, anh em yêu cầu tôi tìm đường về. Tôi quả quyết cứ đo một đoạn nữa, thế nào tuyến cũng ra kề đường. Càng đo, trời càng nhanh tối. Không tới được chỗ kề đường. Tôi loay hoay mãi mà chẳng thấy hướng ra. Cảnh âm u của rừng chiều khiến có gì cứ nặng trĩu vào lòng. Không tự chủ được nữa, tôi dắt anh em vạch lối lung tung. Gai cào, cành níu, chúng tôi hoàn toàn không còn phương hướng nữa. May sao, dẫm xuống một lòng khe, vất vả men theo lòng khe, anh em phải kiếm nứa khô đốt đuốc mới khỏi trơn ngã. Vừa đi vừa nghe tiếng thở dốc của lính trẻ, tôi trách mình quá lắm. Từ sau lần ấy, tôi luôn nhắc mình phải cẩn thận.

Đo đạc xuyên rừng, có chỗ chúng tôi gặp vết tích nhà hầm cũ, bãi khách cũ. Một hôm, đang hăm hở lao qua góc rừng già, bỗng cặp phát cây lùi lại. Tôi chạy lên vội vã. Một cảnh tượng đầy xúc động hiện ra trước mắt. Các bộ xương đã có mối đùn xung quanh. Giữa hai đầu bộ xương là hai đầu võng sờn mòn mưa nắng buộc vào hai gốc cây. Từng nghe anh em mặt trận bốn kể chuyện, bây giờ chúng tôi đã chứng kiến.

Sau Mậu Thân 1968, kẻ thù điên cuồng trả thù. Chúng vây ráp, lùng sục, bắt bớ và cắt chặt hết các ngả đường tiếp tế lên chiến khu. Cả chiến khu BI lúc ấy sống cơ bản nhờ gạo từ đồng bằng chuyển lên. Gạo miền Bắc chưa chuyển vào được nhiều. Đường tiếp tế bị đứt, nhiều đơn vị sống trong tình trạng hết lương thực. Có đồng chí trong khi đi tìm rau hoang quả dại biết mình không sống nổi đã khẽ khàng buộc võng và nằm thiếp đi.

Chúng tôi nghẹn ngào vun kín đất lên dấu vết xác xơ của người đồng chí vô danh. Các đồng chí đã ra đi nhường cho chúng tôi hôm nay. Các đồng chí giống cái bệ cột đường dây. Đỡ đứng cả một cây cột cao nhưng toàn thân bộ cột thì vùi sâu lòng đất

Càng lấn dần tới hợp điểm, tôi càng hồi hộp. Liệu niềm tin kỹ thuật có đổ vỡ không? Tôi đã bám sát khá tốt như tính toán. Một chiều, sau khi bẻ góc cuối cùng, mũi đo đạc lao nhanh đến một khoảng hang bằng bặn. Bỗng nghe nước đổ ầm ầm đâu đây. Tôi chạy lên trước. Sông B... đây rồi. Tôi muốn hét bật tung niềm vui giữa không gian.

Tôi chạy ngược chạy xuôi như điên theo bờ Bắc. Tôi phát hiện ra ngay hai con suối ghi trên bản đồ. Lòng tôi có con chim nhảy nhót. Sung sướng quá. Tôi đã làm chủ được những điều trước đây không bao xa tôi còn lo lắng, sợ sệt nó. Men theo bờ Bắc sông, chúng tôi ùa ra đường tìm mũi đo của Hiệu. Ở một sân bóng của đơn vị công binh bên kia đường thấy lố nhố toàn người quen.

Kia rồi, Hiệu đang búng bóng với anh em đo đạc. Thì ra mũi đo của Hiệu chỉ còn ngày mai là cũng tới hợp điểm. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Chúng tôi hình thành nhanh chóng một đội bóng. Trận đấu sôi nổi với đơn vị công binh chiều ấy hân hoan như một cuộc vui mừng thắng lợi.

Chưa bao giờ thấy xe vào nhiều như mùa khô 1974. Ngày nào cũng như ngày nào. Không ngớt những đoàn xe vào, xe ra. Bụi cuốn, lốc xoáy suốt Trường Sơn. Những thước đường nhanh chóng trườn lên phía trước. Những đường ống dùi lòng núi vươn về phía trước. Bên cạnh dường dây, các trạm quân bưu, các xe thông tin với ăng ten cao ngất cũng rải suốt trục đường. Thực tế đó dấy lên trong lòng lính nhiều dự cảm. Dự cảm về một điều lớn lao, mới mẻ thì thầm trong câu chuyện, trong công việc.

Chúng tôi hăm hở đến bến G. Từ lòng thung lũng hẹp này, cảm thấy gần Đà Nẵng rồi. Xuôi theo sông là vùng TM, giáp ranh địch ta. Giữa lòng bến G bật lên cây phượng xoè hoa đỏ chói. Nhìn màu hoa như lửa, tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ của cha con anh Võ Xuân Lan, đoàn trưởng đoàn Lam Sơn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM