Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:23:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111208 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #160 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:21:02 pm »

Tôi hôm ấy, bác sĩ Hải tổ chức một cuộc họp mặt thân mật. Hầu hết những người anh gọi là "kỳ cựu” đều đến dự. Anh lần lượt giới thiệu từng người. Bác sĩ Phiệt, viện phó, gần năm mươi tuổi, là người lớn tuổi nhất viện. Y sĩ Sùng, trưởng ban y vụ, có thân hình cân đối, vững chãi của một vận động viên. Trợ lý quân nhu Mão, mang danh hiệu "nhà vô địch việt dã toàn viện". Y sĩ Ánh, người dân tộc Tày, vẻ hiền lành, phụ trách ban 3, được anh em gọi đùa là ông trưởng thôn 3... Cuối cùng là cô y tá Mỹ, con gái đất quan họ, bẽn lẽn như một nàng dâu mới.

Mọi người quây quần chung quanh cái bàn lớn ở gian giữa nhà chỉ huy viện. Uống những chén nước chè rừng chan chát. Chia nhau vài điếu thuốc lá hiếm hoi.

Và mỗi người góp một câu, cùng nhau ôm lại những trang vẻ vang của quân y viện.
 
Tiền thân Viện 46 là một đội điều trị cơ động của Cục quân y. Tên gọi tắt: ĐT 13. Đội thành lập vào những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Lập xong, bắt tay ngay vào việc cấp cứu thương binh, phục vụ chiến đấu ở khu vực phía Tây Nam Hà Nội .

Sang năm sau (1966), đội vượt chặng đường dài đầy bom đạn vào vùng Bắc sông Gianh. Ở đây, cuộc chiến đấu để giữ gìn các bến vượt trên dòng sông lớn này diễn ra ác liệt. Anh chị em từ bác sĩ đến y tá cầm dao lên rừng chặt tre, đốn gỗ làm cả chục dãy lán để đón thương binh. Giặc đánh ngày càng ác. Tính mệnh thương binh bị đe doạ. Anh chị em lại cầm choòng đục đá, sửa sang mấy cái hang động lớn, đón thương binh vào ở cho được an toàn.

Mùa xuân Mậu Thân (1968), mặt trận đường 9 sôi sục trong khí thế tổng tiến công của cả miền Nam. ĐT 13 được lệnh vào trụ trên đất lửa Vĩnh Linh phục vụ thương binh của các đơn vị chiến đấu ở khu vực phía Đông Quảng Trị. Những tổ phẫu thuật xung kích của đội áp sát bờ sông Bến Hải để có thể mau chóng cứu chữa thương binh. Một số chiến sĩ quân y ĐT 13 đã bị thương, hy sinh. Họ đổ máu của chính mình, để cầm giữ cho dòng máu đào của thương binh mau ngừng chảy.

Tháng 5 - 1968, ĐT 13 được bổ sung thêm một số bác sĩ y tá trở thành một đội ngũ vững mạnh trên 100 người và bắt đầu cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào vùng Ba biên giới.

Mảnh đất đầu tiên được lựa chọn để xây dựng cơ ngơi của Quân y viện 46 là khu rừng Lâm Tôn, xã Đak Beng, thuộc huyện 40, tỉnh Kông Tum. Lúc bấy giờ mùa mưa Tây Nguyên đã bắt đầu. Bác sĩ, y tá, nhân viên, tất cả siết chặt dây lưng vào cái bụng lép kẹp, đội mưa đi đốn gỗ, cắt lá dựng cửa nhà. Mấy chặng thử thách ở Bắc Giang, ở Vĩnh Linh chẳng phải là vô ích. Nó đã giúp cho những bàn tay chuyên cầm dao mổ và ống tiêm kịp làm quen với dao rừng, cưa, đục... Lần này đến Lâm Tôn, họ chỉ cần mười lăm ngày đã làm xong hơn ba chục căn nhà ấm cúng.

Nhà tạm xong, vừa lúc thương binh ngoài mặt trận dồn về ở góc rừng xa xôi, mọi cái đều thiếu thốn, công việc điều trị không ít khó khăn. Nhưng cái đáng lo hơn cả là chuyện chạy ăn. Chiến trường Tây Nguyên luôn luôn thiếu lương thực, mùa mưa ấy lại thiếu gay gắt nhất. Khẩu phần của cán bộ, chiến sĩ mỗi đơn vị rút xuống còn 100 gam gạo mỗi ngày. Riêng thương binh, bệnh binh được hưởng tiêu chuẩn 400 gam. Các đơn vị đã chắc chân ở đây còn có thể trông cậy phần nào vào các nương rẫy tăng gia. Viện 46 vừa chân ướt chân ráo đến nơi, chưa trồng tỉa được một hạt gì. Đành chỉ còn một cách đi hái rau, bới củ trong rừng, cố kiếm một chút gì thêm thắt vào bát cơm vơi của thương binh, bát cháo loãng của nhân viên trong viện.

Trong cảnh rau cháo ấy, có những chuyện thật cảm động về tình đồng đội.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #161 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:21:43 pm »

Có một đơn vị bộ đội địa phương Kông Tum đóng gần Viện 46. Các chiến sĩ thương cảm trước cảnh đói thiếu của anh em quân y, bàn nhau đem tặng cả một cái rẫy mấy nghìn gốc sắn. Viện cử hai chiến sĩ Đinh và Lâm ra coi rẫy, hàng ngày dỡ sắn chuyển về. Dù ở riêng biệt xa đơn vị nằm giữa đống sắn ngồn ngộn, hai anh em vẫn thắt bụng chịu đói, không ăn thêm ăn nếm một củ nào. Hai anh ăn đúng như anh em ở nhà, nhưng công việc thì cố làm thêm. Hễ thấy quanh vùng có nương sắn nào dỡ xong là hai anh tìm đến. Hai anh kiên nhẫn bới từng luống đất, nhặt nhạnh từng củ sắn rơi vãi đem về, từng mẩu sắn gãy, gom lại, gửi về đơn vị.

Viện trưởng Song là một trong những cán bộ sống mẫu mực nhất. Anh em thương anh làm việc ngày đêm vất vả, thường dành cho anh bát cháo đầy hơn. Anh không nhận, hay là nhận một cách miễn cưỡng để rồi lại sẻ bớt cho anh em khác.

Có hôm anh đến một bản xa nửa ngày đường chữa bệnh cho dân. Lúc về, dân tặng nải chuối, anh đeo lủng lẳng ở đầu gậy, vác trên vai. Về đến nhà, anh cắt nửa nải tặng lại mấy anh em thương binh, bệnh binh mệt nặng. Còn nửa nải, đâu sáu bảy quả, anh đem xắt tư, xắt năm chia cho anh em nhân viên chung quanh mỗi người một khúc: "Coi như mỗi người uống một viên sinh tố, các đồng chí ạ!" - Anh nói. 

Lại có lần anh Song đi họp về, tay xách một con chim cu xanh, thứ chim bổ béo nhất rừng Trường Sơn. Anh nhờ một chiến sĩ: "Làm lông, mổ ruột sạch sẽ rồi băm hộ mình. Băm rõ nhỏ nghe!". Ai cũng tưởng anh muốn nấu món gì ăn cho lại sức sau mấy ngày đi đường mệt nhọc. Chẳng ngờ khi thịt xương con chim nhỏ đã được băm nhừ, anh tự tay bưng đổ vào nồi cháo của đơn vị.

- Những lát chuối, những vụn thịt chim ấy chẳng làm chúng tôi béo được chút nào, nhưng đã làm chúng tôi khoẻ lên nhiều lắm. Khoẻ tinh thần. Khoẻ trong tình đồng chí, tình đơn vị. Chúng tôi đứng vững trong mọi khó khăn.

Y sĩ Sùng nêu một nhận xét về ý nghĩa những hành động “nhường cơm xẻ áo" nho nhỏ ấy. Rồi anh kể tiếp về những năm tháng gian khổ.
Viện 46 đứng chân ở Đak Beng được nửa năm. Nhà cửa sửa sang dần, vừa ấm chỗ. Vườn rau tăng gia vừa được hái lứa đầu tiên. Mùa khô đã đến, gạo hậu phương vào nhiều, nạn đói qua đi. Anh em bưng bát cơm đầy, vui vẻ bàn chuyện phát rẫy trồng ngô trồng sắn dự trữ cho mùa mưa năm sau. Nhưng mùa khô đến, thì lưỡi cuốc của anh lính công binh Trường Sơn cũng bổ mạnh hơn: một con đường mới được mở vào Khâm Đức, nó chạy sát sau lưng viện.

Cần phải tìm một chỗ yên ổn hơn cho thương binh, bệnh binh. Viện 46 đành lòng rời bỏ khu rừng Lâm Tôn đã bén hơi người.

Viện trưởng Song nhận thêm một chức mới: chỉ huy trưởng công trường. Anh dẫn đội quân lao động gồm bác sĩ y tá dược sĩ, chị nuôi - vào một khu rừng rậm. Họ lại chặt tre, đốn gỗ, cắt lá, đào hầm hố và thùng nhà âm... Họ đặt những kỷ lục mới trong công việc thổ mộc: đào đất chín mét khối một công; đốn gỗ từ hai đến bốn công cho một khung nhà. Họ làm mọi việc để xây cất trong rừng cả một cái làng một trăm năm chục ngôi nhà. Một cái làng văn minh, có đường đi lối lại phong quang, có nhà họp kiêm nhà hát, có nhà bếp, nhà ăn tập thể với những cái giếng khơi trong vắt, có nhà tắm và bến tắm bên bờ con Thanh.

Con sông nhỏ có cái tên thật dễ thương. Mà quả là nó dễ thương biết chừng nào. Nó tắm mát cho người. Nó tưới xanh những vạt rau trồng hai bên bờ. Nó dồn cá về cho tổ chài lưới đánh bắt mỗi sớm, mỗi chiều. Nó còn nhử bẫy nai rừng, bầy lợn cỏ... ra uống nước cho các chiến sĩ thợ săn phục bắn. Mọi người thích nhắc đến "thời kỳ sông Thanh" ấy? Một thời kỳ no ấm. Bữa nào cũng có rau xanh, có cá tươi Và vài ba hôm lại có bữa thịt rừng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #162 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:22:20 pm »

Anh Phù, người xứ Lạng, là tay thợ săn cừ khôi. Một năm ấy anh hạ được hơn trăm con thú, đem lại cho viện hàng mấy tấn thịt rừng. Phù quanh năm suốt tháng luồn rừng đi tìm thú khắp một vùng đầu nguồn sông Thanh. Một chiến sĩ nuôi quân đi phụ với Phù. Hễ Phù săn được thú là anh nuôi xả thịt, ướp muối hoặc sấy khô, rồi mang về viện. Lại có một anh dược tá đeo chiếc nồi hấp trên lưng, lẽo đẽo theo Phù. Hễ thú mổ xong, là anh ta thu lấy bộ xương, bắc nồi, nổi lửa nấu cao. Với cái nồi hấp hiện đại ấy anh chỉ cần hai ngày là nấu xong một mẻ cao. Một năm đi theo Phù, anh dược tá nấu được non tạ cao động vật tổng hợp. Cao ấy dùng làm thuốc bổ cho thương binh, bệnh binh.

Thời kỳ ấy mọi người trong viện đều được nuôi dưỡng tốt và công tác điều trị thương binh, bệnh binh cũng đạt nhiều thành tích.

Cái tết năm ấy là một cái tết phong lưu. Cấp trên cho nhiều lợn. Tổ săn của anh Phù hạ liền ba con nai vào mấy ngày giáp tết. Gạo nếp cũng dư dả, phần thì hậu phương gửi vào, phần là nếp rẫy tăng gia. Tiêu chuẩn tết của mỗi người trong viện lên tới 3 ký thịt, 3 tấm bánh chưng! Thật là rôm rả!

Nhưng cái tết ấy lại là một cái tết đau thương. Đúng giữa trưa mồng một, máy bay Mỹ ập tới, dội bom xuống viện. Ba người bị thương. Một chị y tá hy sinh. Và mọi người bỏ cả tết để lo chuyển thương binh, ra ngoài vòng nguy hiểm. Tiếp đó lại lo tìm đất mới, lo xây dựng lại tất cả từ đầu ..

Đến đất mới chưa được ba tháng, chưa ấm chỗ, thấy lũ giặc trời dòm ngó nhiều, lại đành phải chuyển đi...

Địa điểm thứ tư khá kín đáo, tưởng như có thể ở yên lâu lâu. Không ngờ lũ giặc trời lại đến, lần này chúng liều lĩnh dùng một đàn máy bay lên thẳng vũ trang đổ quân đánh phá một điểm nút giao thông không xa viện 46. Nhiều chiếc máy bay địch rà sát sạt ngọn cây rừng xả đạn vung vãi. Đến nước ấy thì không thể ngồi im. Các cô y tá dìu hoặc cõng anh em thương binh xuống hầm. Còn những anh em khác giương súng máy và súng AK lên bắn máy bay. Một chiếc máy bay giặc loé lửa, tụt xuống thấp, mất hút mé cuối rừng. Hôm sau thấy từng bầy quạ kéo về, ầm ĩ khoảng rừng bên ấy. Đi dò theo bóng quạ trời, mới biết “con quạ Mỹ" hôm trước đã treo xác trên một cái cây cao nhất rừng. Trong bụng con quạ sắt ấy có hai xác lính Mỹ.

Lần ấy Viện 46 được cấp trên khen thưởng về thành tích bắn rơi máy bay. Viện nhận điện khen cùng với lệnh di chuyển sang địa điểm mới.

Thế là một lần nữa viện trưởng Song lại dẫn dầu đội quân bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, y tá... mang cuốc, xẻng, dao rừng, cưa, đục... đi xây làng mới.

Cán bộ, chiến sĩ trong viện ngày càng quen với lối sống "du cư". Du cư mà không tạm bợ, đến đâu cũng xây dựng cơ ngơi đàng hoàng. Muốn xây môi người phải có bàn tay thợ. Trước khi sử dụng ống tiêm và dao mổ, người thầy thuốc ở Trường Sơn phải nắm cho chắc cây cuốc và cây dao rừng. Hãy làm nhà âm cho thương binh ở. Hãy đào đắp cho hầm mổ thật vững chắc để đường dao mổ được hoàn toàn chính xác, mặc bom rung, đạn rít bên ngoài? Nhưng thế vẫn còn chưa đủ. Người thầy thuốc ở Trường Sơn còn phải biết trồng rau bắt cá... để nuôi dưỡng thương binh. Và khi cần thiết thì dám lấy máu của chính mình tiếp thêm sức sống cho thương binh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #163 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:23:26 pm »

*
*   *

Buổi chuyện trò hôm ấy đã giúp tôi hiểu những nét lớn về chặng đường gần mười năm của Quân y Viện 46. Nó cũng chuẩn bị cho tôi có thể nhìn rõ hơn bộ mặt của viện hôm nay.

Sáng hôm sau y sĩ Sùng dẫn tôi đi thăm khắp nơi trong viện.

Hai chúng tôi đi trên con đường đất đỏ, luồn dưới rừng cây mù sương, im ả. Sương tan dần. Nắng hửng lên. Và tôi lại ngửi thấy làn hương ngan ngát như chiều hôm trước.

- Này anh, có mùi gì thơm quá nhỉ? - Tôi hỏi Sùng.

- Hoa rừng đấy.

Tôi ngước nhìn lên tán lá trên đầu:

- Chẳng thấy cánh hoa nào!

- Không thấy được đâu. Thứ hoa này tôi cũng không biết tên gọi là gì. Nó nhỏ li ti, nhỏ hơn hoa cau nữa. Nó lại mọc trên ngọn cây cao, trên đầu những cành lá rậm. Làm sao mà nhìn thấy được? Chỉ có bầy ong tìm thấy nó thôi.

Sùng bước chậm lại. Rồi anh dừng trước một gốc cổ thụ bên đường.

- Anh xem cái tổ ong này - Sùng chỉ một mảnh ván gỗ rộng bằng cái quạt nan, táp vào cái hốc ở thân cây, chỗ ba chạc. Giữa mảnh ván có một hình hoa mai vẽ bằng vôi trắng. Chỗ nhuỵ hoa là một cái lỗ nhỏ, chốc chốc lại có một chú ong chui ra, vỗ cánh bay vù đi. - Ong chúng tôi nuôi đấy. Nuôi theo cái cách nhân dân ở đây dạy chúng tôi. 

Sùng cho biết đây là một triền núi cao khoảng 1200 mét, thuộc huyện Đak Chung, tỉnh Tà Vèn Oọc, trong vùng giải phóng của nước Lào anh em. Một ngày đầu mùa khô, đoàn cán bộ Viện 46 chiếu bản đồ đến chân núi này dò tìm nơi kín đáo để xây dựng viện. ông già đầu bản đã đeo dao, xách nỏ dẫn anh em lên núi.

Leo một thôi dài, lên đến cánh rừng già thâm nghiêm này, ông cụ bảo anh em ngồi nghỉ bên bờ dòng suối nhỏ trong vắt, nước mát lạnh như nước đá. Ông cụ hỏi: "Rừng này, suối này đã vừa ý các con chưa?". Ông cụ vục nước vỗ lên khuôn mặt hồng hào, rồi ngồi lặng ngắm rừng bằng cặp mắt đầy vẻ âu yếm.

Lát sau, ông cụ đưa bàn tay gân guốc quệt chòm râu bạc lơ thơ, quay lại phía anh em, chậm rãi: "Núi này là núi Ong, suối này là suối Mật của dân bản ta đây. Chính ông cố bẩy đời của già là người tìm ra ngọn núi này. Cố có trí khôn hơn người đã nghĩ ra cách nuôi ong và dạy cho dân bản. Mấy đời nay, nguồn mật núi này đã đem lại phúc lành cho dân bản. Nhờ nó mà trẻ nhỏ mau lớn, người đau chóng lành, người già trẻ lâu, sáng lòng tinh mắt. Núi này con ong thích về xây tổ, làm mật, là đất lành đây. Cho nên dân bản ta muốn nhường cho bộ đội Việt Nam, bộ đội Cụ Hồ. Dân bản ta muốn nguồn mật núi này, sẽ thay máu cho người đau, cho người bị thương mất máu...".

Nghe ông già bản Lào nói vậy, anh em cán bộ viện 46 có ý phân vân. Họ e ngại đưa viện lên núi này, sẽ làm dân bản thiệt mất nguồn ong quí giá. ông già bảo họ: "Các con không phải lo. Ta thuộc núi rừng này như lòng bàn tay ta. Ta biết tìm nhiều khoảnh rừng khác cho dân bản nuôi ong, lấy mật" .

Thế rồi ông già Lào bày cho anh em cán bộ xây tổ cho ong về làm mật.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #164 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:24:21 pm »

Hàng năm, vào khoảng đầu mùa khô, khi người dân vùng Mặt trời mọc (Tà Vèn Oọc) này mài dao sửa soạn đi phát rẫy, thì những chú ong trinh sát cũng bay khắp các nẻo rừng tìm nơi xây tổ. Người đi phát rẫy phải lặn lội vất vả mới tìm được miếng đất tốt. Chú ong đi tìm chỗ ở cũng nhọc nhằn không kém; chú mơ một cái hốc thoáng rộng mà cửa thì nhỏ xíu, bày ong bé bỏng ra vào thuận tiện, những lũ chim ác không dễ chọc mỏ vào. Chỗ ở cần phải kín đáo, lũ gấu tham ăn và hung hãn không dễ sục vào cướp mật, lại còn phải tiện lối đi về những cánh rừng lắm loài hoa ngọt.

Những người phát rẫy hiểu nỗi khó khăn của bày ong. Họ nảy ra ý định giúp chúng một tay. Sẵn con dao sắc, họ chặt một khúc gỗ thơm, vạc ra thành những mảnh ván mỏng, trắng phau. Trên các thân cây rừng, thiếu gì những cái hốc, những chỗ lõm? Tuỳ chỗ mà đẽo mảnh ván cho khớp, táp chặt khít vào. Đục thêm một cái lỗ cửa xinh xinh. Thế là xong một "căn nhà" cho một bày ong.

Sẽ có một chú ong trinh sát bay tới. Mảnh ván trắng phau thu hút sự chú ý của chú. Chú đáp xuống đó. Chú bò chậm trên mặt gỗ thơm thơm. Chú tìm ra cái lỗ tròn và chui tọt vào trong. Chú dò xét khắp các góc nhà, và chắc hẳn là chú phải hài lòng thốt lên: "Chà? Tuyệt! Tuyệt". Thế rồi chú vội vã bay về trình với chúa ong. Bày ong sẽ dọn tới nhà mới không chậm trễ. Ở đây hoa rừng nở sớm, nở từ cuối mùa đông lạnh lẽo, và nở rộn lên vào lúc xuân sang. Rặt những hoa nhỏ li ti, mà chứa cơ man là nhuỵ ngọt thơm. Suốt mùa, bày ong chăm chỉ hút nhuỵ hoa và luyện mật. Đêm cuối xuân, các tầng mật đã ứ đầy. Mật quí ấy bầy ong đem trả ơn những người đã xây cho chúng căn nhà vững chãi, ấm cúng. .

Y sĩ Sùng chấm dứt câu chuyện nuôi ong, và dừng bước trên nhịp cầu gỗ bắc qua dòng suối nhỏ chảy róc rách

- Đây hôm ấy ông cụ cùng với đoàn cán bộ viện chúng tôi nghỉ chân ở khúc suối này đây.

Anh chỉ cái tổ ong trên một thân cây bên bờ suối.

- Còn đây chính là cái tổ ong mà ông già Lào đã làm cho chúng tôi xem. "Bài mẫu” ông cụ làm để dạy chúng tôi xây tổ nuôi ong.

Sùng đứng lặng hồi lâu, nhìn theo dòng nước chảy, như để nhớ lại bóng dáng ông già Lào, có tấm lòng cao cả. Cụ ở dưới chân núi này. Cứ theo dòng nước này đi xuôi xuống là tới cái bản nhỏ heo hút của ông cụ.

Sương tan hẳn. Rừng sáng lên. Những mảng trắng vàng lấp loáng trên mặt suối. Chim chóc bỗng hót rộn lên, dường như lúc này chúng mới tỉnh giấc và cất tiếng chào ánh bình minh. Gió rung cây xào xạc. Vài chiếc lá vàng bay, rơi rất chậm liệng qua liệng lại, trước khi thả mình trên mặt suối .

Chợt Sùng đưa tay quệt tóc tôi, rồi ngửa lòng bàn tay, chìa ra trước mặt tôi.

- Đây chính nó đây, thứ hoa mà bày ong ưa thích, ông cụ gọi là hoa gì, cái tên khó nhớ, tôi quên mất. Nào ai biết có lúc gặp nhà văn, nhà báo các anh. Các anh chúa là hay hỏi tận ngành tận ngọn...

- Thôi được! Ai mà biết hết tên cây cỏ Trường Sơn. Nhưng ông già Lào đã gọi nơi này là núi Ong, suối Mật, thì tôi cũng cứ tạm gọi hoa này là hoa mật. Được không nhỉ?

Tôi nói để Sùng khỏi băn khoăn vì không nhớ tên hoa. Và tôi ngửa lòng bàn tay đón bông hoa từ tay anh trao sang. Bông hoa nhỏ xíu, tựa dáng hoa xoan, cánh trắng muốt nhuỵ là một chấm tím hồng. Nó bé bỏng quá chừng. Một mình nó không đủ gây mùi thơm, dù tôi đã đưa lên tận mũi, ấy vậy mà nó đã góp phần tạo ra nguồn mật quí của suối Mật này.

- Anh vào ban dược với tôi. Anh sẽ được thấy những chai mật chúng tôi dành dụm từ vụ hoa mùa xuân năm trước.

Sùng dẫn tôi đi men theo bờ suối, ngược dòng nước chảy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #165 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:25:52 pm »

Đây một chòm năm nóc nhà quây quần bên suối. Sùng chỉ từng nhà. Nhà bào chế sáng sủa với những ô cửa sổ căng giấy nhựa trong suốt như kính. Nhà nhân viên gọn xinh. Nhà kho vững chãi trên miếng đất cao. Nhà cất rượu, nấu cao... đứng hơi tách ra một chút, bên kia dòng suối nhỏ.

Tôi leo qua một thân cây lớn nằm vắt ngang lối đi.

- Cây đốn làm nhà hay làm hầm mà to vậy? - Tôi hỏi Sùng .

Sùng cười:

- Không phải, cây thuốc đấy. Cây ngũ gia bì. Cây này ở đây không hiếm, nhưng không thể đốn bừa bãi được vì lẽ phải bảo vệ cây rừng và giữ bí mật chỗ đóng quân. Anh em ban dược vừa xin phép ban chỉ huy viện cho đốn một cây để bóc lấy vỏ ngâm rượu bổ. Ô, uống rượu này thì tha hồ ngủ ngon, có thể gọi là giấc ngủ thần tiên. Cho nên anh em gọi là rượu ngủ li bì.

Chúng tôi bước vào ngôi nhà nhỏ vừa là chỗ ngủ vừa là nơi làm việc của trưởng ban dược. Nhà vắng. Trên mặt chiếc bàn gỗ mộc, một cuốn sách dày cộp mở rộng: một cuốn dược học, có nhiều hình vẽ các loại cây thuốc.

Lát sau từ bên phòng bào chế, một người lật đật chạy về. Nom dáng người cao cao, mảnh khảnh, xanh xao, tôi đã đoán chắc là dược sĩ Trúc. Trong câu chuyện đêm trước, nhiều anh em đã nhắc tới anh, như một điển hình về người cán bộ giàu nghị lực, tận tuỵ. Anh có bệnh đau dạ dày, không mùa đông nào không có những cơn đau dữ dội. Cái dạo đơn vị hành quân vượt Trường Sơn, anh lên cơn đau, ngày ngày chỉ húp cháo loãng mà vẫn chống gậy, leo dốc, bám sát anh em.

Buồn cười là anh hành quân vào, mà lúc đến trạm, lắm người cứ ngỡ là cán bộ ốm đi ra Bắc nghỉ ngơi, chữa bệnh. Anh em trong viện ai cũng lo ngại cho sức khoẻ của anh. Mọi người khuyên anh nên dùng nhiều mật ong và cao động vật. Tất nhiên là anh hiểu hơn ai tác dụng của những thứ thuốc quí này đối với bệnh của anh. Anh lại là người nắm quyền phân phối các thứ thuốc ấy. Nhưng chính vì vậy mà anh càng dè xẻn khi phải dùng tới chúng. Ngay cả chỗ mật rút ra từ cái tổ ong chính tay anh gây dựng, anh cũng chỉ dùng một phần ít ỏi.

Anh Trúc là người mà sức sống lắng chìm vào bên trong. Bề ngoài có vẻ khô khan, lạnh nhạt. Anh nói năng nhỏ nhẹ, dè xẻn từng lời. Về cái kho thuốc rừng phong phú mà anh say mê khai thác, anh chỉ nói với tôi vài câu ngắn gọn.

Theo yêu cầu của tôi, anh Trúc dẫn tôi đi xem lướt qua cái “xưởng thuốc rừng" của anh.

Trước hết, chúng tôi sang bên kia sông, bước vào căn nhà nhỏ, ấm hơi lửa và nồng hơi rượu. Một cái nồi cất rượu đang sôi ùng ục. Anh dược tá trẻ bới một nồi cơm men đang ủ mé góc nhà, chỉ cho tôi xem những miếng sắn lát trộn lẫn một thứ cơm nát. Anh giải thích:

- Chúng tôi cất rượu bằng sắn tăng gia và gạo mục vét trong kho nuôi quân.

Anh lại chỉ đống vỏ cây xù xì màu nâu, có một ít đã được băm nhỏ:

- Đây là vỏ cây ngũ gia bì, chúng tôi băm nhỏ, chuẩn bị nấu cao để pha chế rượu bổ.

Đến kho thuốc dự trữ, anh Trúc chỉ cho tôi xem những chai mật ong vàng óng và những thùng sắt, hộp sắt chứa đựng đủ thứ thuốc rừng: nào những củ hà thủ ô, những hạt mã tiền, những rễ sâm cau thái lát, sao vàng, những thỏi cao động vật, cao thực vật bọc cẩn thận trong túi pô-ly-ti-len... Nhìn vào kho thuốc, thấy ngay trưởng ban dược là người biết lo xa, và sẵn sàng bám trụ lâu dài ở Trường Sơn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #166 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:26:41 pm »

Qua phòng bào chế, tôi gặp lúc cô dược tá đang đóng gói thuốc bổ huyết thành những túi năm mươi viên, một trăm viên. Y sĩ nhón tay lấy mấy viên thuốc đưa cho tôi:

- Anh xem. Thuốc trông xấu xí thế này mà quí đấy. Cao động vật, cao hà thủ ô luyện với mật ong. Nếu không phải ở Trường Sơn thì những thứ này đâu có dễ kiếm?

Tôi xóc xóc trong lòng bàn tay những viên thuốc tựa tựa những hạt hồ tiêu, màu nâu đen, chẳng được tròn trĩnh lắm, nhưng thơm thơm mùi mật ong rừng.

Y sĩ Sùng nói thêm :

- Thứ thuốc này, anh em bác sĩ, y sĩ chúng tôi "mê tín" lắm. Nó giúp chúng tôi lấy lại sức lực cho những thương binh, bệnh binh bị suy kiệt vì mất máu, và sốt rét. Cho nên ban dược sản xuất bao nhiêu chúng tôi cũng chẳng cho là đủ. Chúng tôi luôn luôn kéo nhau lên làm tình làm tội "ông chủ hiệu thuốc" này, đến nỗi ông ấy không sao béo lên được nữa.

Anh Sùng mỉm cười thân mật nắm lấy cái cổ tay khẳng khiu, trắng xanh của dược sĩ Trúc. "Ông chủ hiệu thuốc" không cười, và cũng không nói gì thêm về công việc của lình.

Giữa Sùng và Trúc có những nét trái ngược.

Sùng có dáng người vững chắc, tính tình vui vẻ, hoạt bát. Anh có vẻ thích thú, hào hứng khi nói về cái quân y viện thân yêu của anh và anh nói về nó với một giọng vô tư; nói về nó mà quên hẳn mình đi, nhưng lại nhớ tỉ mỉ từng việc hay, ý tốt của anh chị em trong viện.
Trúc thì ngược lại, hình như anh tiếp tôi một cách miễn cưỡng. Có lẽ anh cho đó là một chuyện phù phiếm, không ích lợi gì. Anh muốn dành thời gian và sức lực cho những trang sách dược học, cho những bài thuốc thiết thực phục vụ thương binh, bệnh binh trong viện.

*
*   *

Ban dược còn gọi là "xóm ông Trúc", có thể ví như một xóm nhỏ nằm trong cái "thôn viện bộ". Từ đây, y sĩ Sùng dẫn tôi đi vòng một lượt ba thôn khác, tức là ba ban điều trị 1, 2 và 3 .

Thôn này cách thôn kia chừng nửa giờ đi bộ. Đường "liên thôn" phảng phất bóng dáng những con đường ở các vùng trung du với màu đất đỏ thân thương, tán lá xanh hiền hậu và những nhịp cầu gỗ nhỏ bắc qua dòng suối không lúc nào ngừng reo hát.

Mỗi thôn mỗi vẻ. Thôn 1 trải dọc một đồi cây dài và hẹp. Thôn 2 nằm gọn trong cái lõm giữa hai nếp núi, có khe nước chảy róc rách, cây cối um tùm cao vượt hẳn vùng chung quanh. Thôn 3 ẩn mình trong khoảnh rừng trên sườn một ngọn núi nhô cao.

Cả ba thôn giống nhau ở những nếp nhà xinh xắn mái nứa, mái gianh, ở những lối đi nhẵn nhụi, rẫy sạch cỏ gai, ở những mảnh sân mà chiếc chổi nào vừa quét sạch lá rừng, đem vun quanh những gốc cây cổ thụ.

Các thôn còn giống nhau ở cách chia chòm chia xóm.

Thôn nào cũng chia bốn xóm khá rành rọt. Xóm Giữa ở nơi thuận tiện đường qua, lối lại, có nhà điều trị, nhà thuốc, nhà mổ, nhà câu lạc bộ và nhà họp kiêm luôn "nhà hát".

Kề bên xóm Giữa thường là xóm thương binh, bệnh binh. Xóm này đông đúc nhất, có chừng mười tám căn nhà nho nhỏ, xếp thành hàng lối.

Xóm nhân viên thưa nhà hơn. Ở đó rất dễ nhận biết một ngôi nhà nữ duyên dáng, có những lá rèm nhẹ nhàng, thanh thoát treo trên cái khuôn cửa sổ.

Cuối cùng là xóm chị nuôi, hơi tách xa ra một chút, đứng trầm ngâm bên bờ suối, thả lên lá rừng một làn khói mỏng như sương.

Có nhìn tận mắt những thôn, xóm ấy, mới hình dung được phần nào khối lượng công việc đồ sộ phải làm để xây cất một ngôi làng. Vậy mà năm nào cán bộ, chiến sĩ viện này cũng nhổ làng cũ, xây làng mới. Và họ luôn phấn đấu để làng mới bao giờ cũng đẹp hơn làng cũ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #167 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:27:32 pm »

Ở cái làng trên vùng núi Ong, suối Mật hôm nay còn có một công trình vượt qua ngoài khuôn khổ của một làng: đó là con đường xe hơi nối cái làng chon von đỉnh núi này với hệ thống đường Trường Sơn. Phải xếp nó vào cỡ đường huyện, đường tỉnh gì đó. Nó chỉ dài hơn 5000 mét nhưng đây là 5000 mét đường núi, có vách dựng đứng và vực sâu thăm thẳm, có dốc đèo và cua chữ S quanh co, cua tay áo gấp khúc, có cầu gỗ bắc qua khe và đường ngầm xếp đá băng qua suối.

Hôm đến viện, tôi đi một con đường tắt. Hôm nay tôi mới đi "xem mặt" con đường xe hơi 5000 mét này, và tôi bỗng hiểu thêm rằng cán bộ, chiến sĩ viện 46 không chỉ thạo xây cất nhà cửa, họ còn giỏi xẻ núi mở đường như những tay công binh chính cống. Họ đã quyết đổ công sức ra để mở con đường. Bởi vì họ đã tính toán kỹ, thấy nó sẽ làm lợi cho hàng chục ngày công đáng lẽ phải dùng vào việc gùi gạo. Ấy là chưa kể một cái lợi không thể hạch toán được: rút ngắn thời gian đón thương binh vào viện (trước kia cáng thương binh đi bộ mất 1 giờ 30 phút; nay đưa thương binh lên xe hơi đi chỉ mất 30 phút).

Sau khi "xem mặt" con đường xe hơi, chúng tôi đã khép kín cuộc hành trình vòng quanh viện. Vừa hết nửa ngày. Đi ngang một quãng rừng thưa, thấy mặt trời lên giữa đỉnh đầu. Rừng ấm nóng, và cùng một lúc tiếng ve bỗng ran lên khắp nẻo.

Chúng tôi quay về viện bộ.

Nửa đường, đến một khe nước, tôi chợt phát hiện những ống bương nối dài dẫn nước vào sâu hút một vùng bãi đầy lau lách.

- A! Một đường ống? - Tôi hỏi Sùng.

- Đúng! Một công trình thuỷ nông - Sùng vui vẻ đáp.

Chúng tôi xắn quần, rẽ lau lách, đi theo đường ống bương dẫn nước. Đi hết bãi hoang, chúng tôi khoan khoái đặt chân vào một khu vườn xanh mát mắt.

Sùng cho biết đây là vườn rau của ban 3, vườn rộng chừng ba ngàn mét vuông, chung quanh có rào chống thú rừng. Đất màu nâu đen tươi xốp và ẩm mát. Ống bương nước chạy vào chính giữa khoảng vườn. Nó chia nước cho bốn cái máng nhỏ rót vào những cái rãnh đào giữa các lô đất ống nước chảy suốt ngày đêm, tưới mát khu vườn, lại còn tuôn đầy ắp những cái hố trữ nước. Các lô đất, tất cả sáu lô được đánh thành những luống vuông vắn. Hầu hết trồng rau cải củ. Một vài luống trồng hành và mấy thứ rau thơm.

Sùng nói, trồng tỉa, tưới tiêu như thế này cũng có thể gọi là văn minh đấy chứ. Phải không anh?

Không đợi tôi trả lời anh nói tiếp:

- Mỗi ban của chúng tôi đều có một vườn rau tương tự thế này. Tuy vậy vẫn quá ít so với nhu cầu của thương binh, bệnh binh, nhân viên còn phải trông cậy nhiều vào rau rừng. Rau rừng ở đây xếp vào loại rau cao cấp, dành cho những bữa tươi. Lứa rau này chúng tôi có ý chuẩn bị để ăn Tết đấy.

Cũng chẳng còn mấy ngày nữa đâu...

Phải! Chẳng còn mấy ngày nữa là đến Tết, sang xuân. Và ngay lúc này, tôi đã thấy màu xuân, màu Tết ở những luống rau, hành xanh mơn mởn!

Tôi nhìn xa ra phía cuối vườn. Ở đó màu xuân càng rực rỡ. Mấy hàng cây cải già đã trổ những vồng hoa vàng ối và vô vàn bướm trắng bay liệng chung quanh, làm sáng cả khu rừng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #168 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:28:28 pm »

*
*   *

Hôm sau, Sùng lại dành một buổi dẫn tôi đi thăm ban 3, vốn là nơi làm việc cũ của anh, trước khi anh chuyển lên ban y vụ.

Ban 3 là nơi tập trung điều trị nhiều chiến sĩ sốt rét lâu năm, thiếu máu nặng, sức lực suy kiệt.

Y sĩ Ánh, cán bộ ban 3 đưa chúng tôi vào một nhà đầu dãy, dành cho những anh em yếu mệt nhất.

Nhà làm trên sườn dốc. Khi san nền, những người xây dựng đã khéo lợi dụng vách đất đồi làm "bức tường" sau lưng nhà và một phần của hai "bức tường" đầu hồi. Như vậy nhà ấm cúng và vững chãi, được che chắn bom đạn ở ba phía.

Nhà hướng đông, vài tia nắng sớm lọt qua tán lá rừng, len tận vào góc trong cùng. Hai dãy giường, mỗi dãy bốn chiếc, đều có người bệnh. Mấy người hơi khoẻ ra ngồi hóng nắng trên chiếc ghế tre ở trước nhà. Ba người còn mệt nặng, thân hình gầy còm, xanh mét, nằm ẹp lại giường.

Một trong ba chiến sĩ ấy nhìn tôi bằng cặp mắt mỏi mệt. Cặp mắt quá to so với khuôn mặt khô héo, trắng bệch. Thân hình mỏng dính, như dán xuống mặt giường. Chân tay teo tóp. Trông anh vừa nhỏ như một đứa trẻ lại vừa nhăn nheo, cằn cỗi như một ông già.

Đứng trước anh chiến sĩ ấy, tôi bùi ngùi, xót xa, không dám nhìn lâu. Tôi cũng không dám hỏi chuyện sợ làm anh thêm mệt. Để giấu nỗi xúc động, tôi cúi đọc tờ bệnh án.

Họ và tên: Nguyễn Văn Viết
Sinh ngày... tháng... năm 1951
Quê quán: Nam Cường - Tiền Hải - Thái Bình.
Đơn vị: tiểu đoàn 5 - Mặt trận B3
Sốt rét ác tính, thể hôn mê.
Thiếu máu nặng.

Y sĩ Ánh nói nhỏ, vừa đủ cho tôi nghe:

- Đồng chí này hôm nay đã khá lắm rồi. Hai tháng trước, lúc vào viện, đồng chí ấy ở tình trạng hôn mê kéo dài, người lạnh ngắt, mạch rất yếu. Chúng tôi chữa sốt rét, tiêm huyết thanh, tiếp máu tươi... Bây giờ thì đã qua thời kỳ nguy kịch rồi. Đồng chí ấy đã ăn được cháo. Hồng cầu trong máu trước kia ở mức 1 triệu, nay đã lên gần 2 triệu (so với 4 triệu ở người bình thường).

- Đồng chí ấy còn yếu lắm.

Ánh:

- Vâng. Yếu lắm. Lại còn những vết loét ở lưng, ở mông nay vẫn chưa khỏi hẳn. Chả là đồng chí ấy nằm liệt lâu quá. Nằm mấy tháng ở đơn vị rồi mới được đưa tới đây. Bây giờ điều quan trọng là phải nâng sức khoẻ lên. Đồng chí ấy đang dùng viên bổ huyết, cao động vật, mật ong. Chế độ ăn uống đặc biệt. Mỗi khi mổ lợn, chúng tôi dành cho đồng chí ấy gan, tim, thịt nạc... Nếu không có thì dùng trứng gà tươi hoặc thịt gà của chi đoàn thanh niên trong ban đóng góp.

Ánh người dân tộc Tày, vóc người dong dỏng cao, rắn chắc. Nước da rám nắng, đỏ như da cây lim. Nghe nói anh xốc vác trong mọi công việc nặng nhọc và hết lòng đối với thương binh, bệnh binh. Cái trận bom Tết năm nào, anh đã chạy như con thoi từ các lán thương binh ra hầm, cõng hơn chục anh em đau yếu ra khỏi chỗ nguy hiểm.

Ánh ít nói, gợi chuyện anh thật là khó. Về trường hợp bệnh binh Nguyễn Văn Viết, anh chỉ nói bấy nhiêu. Tôi sẽ chẳng hiểu bao nhiêu về Ánh, nếu không có Sùng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #169 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:29:51 pm »

Trên đường từ ban 3 về viện bộ, Sùng nói:

- Cái cậu Ánh ấy chỉ làm chứ chẳng nói gì đâu? Đối với chúng tôi cậu ấy cũng chẳng chịu nói, nữa là với anh còn lạ lẫm... Cái ca đồng chí Viết, tôi có theo dõi, tôi biết cứu chữa được chẳng phải là dễ đâu. Có thể nói Viết sống được là nhờ cậu Ánh. Chăm sóc, nâng giấc từng li từng tí đã đành, lại còn cho máu nữa. Anh em trong ban đều lần lượt hiến máu cho những đồng chí bị suy kiệt như Viết, nhưng Ánh là người hiến máu nhiều hơn cả.

Nhắc đến Viết, tôi lại thấy băn khoăn:

- Đồng chí ấy còn yếu quá!

Sùng nói:

- Anh yên tâm. Đồng chí ấy qua khỏi rồi. Chỉ ít lâu nữa là sẽ khá lên. Chúng tôi đã có kinh nghiệm điều trị nhiều ca như thế này từ thời kỳ ở Đak Beng, ở Sông Thanh.

Dạo ấy chúng tôi nhận một lúc cả trăm anh em từ mặt trận 4 ra. Anh em bị thương mất máu, sốt rét mãn tính, lại gian khổ, đói thiếu lâu ngày nên thiếu máu nghiêm trọng, sức lực suy kiệt. Dạo ấy, thử máu cho nhiều anh em thấy hồng cầu ở mức 1 triệu, chúng tôi còn ngờ là xét nghiệm đếm sai, không chịu tin. Sau bắt xét nghiệm đếm đi đếm lại thấy chỉ xê xích ít nhiều. Rồi lúc nâng sức khoẻ người bệnh lên, thử máu thấy hồng cầu cũng tăng dần lên 1 triệu rưỡi , hai triệu ... Bấy giờ chúng tôi mới thật tin là xét nghiệm làm không sai hoặc chỉ sai chút ít. Và bấy giờ mới hiểu được tình trạng thiếu máu ở những anh em đó nghiêm trọng đến mức nào. Chúng tôi dồn sức vào việc điều trị những anh em đó. Anh Song Viện trưởng xuống ban 3 nằm với tôi chỉ đạo điều trị thí điểm rồi rút ra thành bài học kinh nghiệm, gần như là qui tắc điều trị các ca suy kiệt.

Qua chuyện rủ rỉ của Sùng tôi dần dần hiểu cái qui tắc ấy. Nó chẳng khô cứng chút nào. Có thể gọi đó là qui tắc của những tấm lòng yêu thương cao quí, của tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng.

Một điểm hệ trọng nhất của qui tắc đó là sẵn sàng hiến máu. Anh Song, anh Phiệt, anh Ánh, anh Sùng, cô Lan, cô Mỹ... hầu hết cán bộ, nhân viên Viện 46 này đều đã từng rút máu của mình để hiến cho những chiến sĩ suy kiệt sức lực. Dòng máu nóng hổi, đỏ tươi ấy đã đưa những đồng chí chín phần chết một phần sống trở lại với cuộc sống thực. Để rồi sau đó từng thìa nước súp từng miếng cháo trứng, từng chén canh cá, canh rau... dần dần trả lại thịt da cho họ. .

Trong câu chuyện Sùng hay nhắc tới Huân. 

Huân là một chiến sĩ trẻ, người Thái Bình, nằm viện này đến ba bốn tháng. Anh chị em trong viện yêu thương Huân như đứa em ruột thịt.
Không thể quên cái buổi Huân được đưa đến viện. Mở tấm chăn ra, nhìn anh lính trẻ ốm o, không một ai cầm lòng được. Huân bé quắt bé queo, chỉ còn da bọc xương, đầu rụng hết tóc trơ sọ trọc lốc. Mặt nhăn nheo, trắng bệch. Hai mắt đờ đẫn, mở thao láo mà dường như chẳng hay biết ai. Hơi thở yếu. Đôi môi tái nhợt mấp máy, nói không thành tiếng.

Có đến mười ngày, Huân nằm bẹp trên giường, chân tay không nhúc nhắc, con ruồi bâu lên mặt không buồn đuổi! Châm kim lên đầu ngón tay lấy máu, không thấy anh nhăn mặt, dường như mất cả cảm giác đau. Và kết quả thử máu thật đáng sợ: hồng cầu 900.000! Người ta thử đổ cho người bệnh sữa và nước cháo loãng. Cơ thể như đã mất chức năng tiêu hoá, nó thải các thứ đó ra ngoài gần như nguyên dạng!

Người chiến sĩ ấy chưa chết, nhưng sức sống đã kiệt rồi. Giống như ngọn đèn đã cạn dầu, lụt bấc, chỉ còn một đốm lửa hiu hắt. Người tiếp dầu, khêu bấc nếu không biết nương nhẹ có thể làm đốm lửa ấy tắt luôn.

Bác sĩ Song ngồi rất lâu bên người bệnh, và cuối cùng ghi vào mệnh lệnh điều trị: "Truyền máu tươi 100cc".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM