Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:43:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111480 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #150 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2010, 10:44:26 am »

*
*   *

Sau bữa cơm sáng, chúng tôi lên xe. Ngoài anh Ngữ và tôi còn có chủ nhiệm chính trị Thụ và đồng chí cán bộ công binh.

Chiếc xe con chạy khá nhanh theo con đường kín đáo binh trạm vừa mở. Đường rộng ba mét mặt. Nền đường rắn, phẳng, chưa bộc bụi, chưa lún vệt bánh xe. Hai bên đường, vô số thân cây lớn nhỏ san sát như hai bức vách dài ghép bằng gỗ. Bên trên lá xanh rì. Tôi có cảm giác như xe đang chạy trong một con đường hầm dài hun hút. "Con đường hầm" không tối tăm, bức bối mà sáng sủa, thoáng mát mẻ, có bướm bay, có chim hót, có phong lan rủ những giò hoa rực rỡ như muốn dâng tặng những người chiến sĩ chúng tôi.

Được chạy xe như thế này thật thoải mái, thú vị vô cùng, ước gì có thể kéo dài con đường này, kéo dài vô tận, kéo ngang kéo dọc Trường Sơn, tới các chiến trường xa xôi nhất.

Trong chốc lát, chúng tôi như trút được những lo âu nặng trĩu trong lòng. Đầu óc nhẹ nhõm, thảnh thơi. Chúng tôi trò chuyện râm ran.
Bỗng đâu vòm lá rừng rung chuyển ào ào như có cơn gió mạnh lướt qua. Rồi tiếng rít, tiếng rít chói óc.

Theo phản ứng tự nhiên, đồng chí lái xe của tôi đạp phanh đột ngột. Chiếc xe rùng mình sững lại. Mọi người chúi đầu về phía trước. 

Anh Ngữ nhắc:

- Mặc nó. Cứ đi. Lũ "ép" này chỉ hùng hổ thế thôi, chứ gà mờ lắm, chẳng thấy quái gì đâu.

Quả thật, lán lá rừng dày lắm, chúng bay tưởng như sát sạt trên đầu mà chúng tôi không thấy chúng, thì chúng lại càng không thể thấy chúng tôi.

Vậy là chúng tôi có dịp để "khảo sát" kỹ lưỡng và thấy rõ tác dụng của "đoạn đường xuất kích ban ngày" của binh trạm 32.

Khoảng 10 giờ, xe đèn chân Phù Kiều. Chúng tôi xuống đi bộ luồn rừng, bám theo những cái cọc cắm sẵn cho con đường dự định mở.

Đến cái bản sơ tán giữa rừng, chúng tôi dừng lại nghỉ chân. Tiện thể, chúng tôi nói chuyện, thăm dò ý kiến mấy ông già trong bản:

- Xin hỏi các cụ: từ ngày giặc Mỹ đánh phá, bản ta phải rời đi mấy lần rồi?

Mấy cụ hỏi nhau và lẩm nhẩm tính toán một lúc rồi mới đáp:

- Lần này tám. Tám lần rồi.

- Bộ đội mở đường qua vùng này làm dân bản ta vất vả khó nhọc nhiều quá đấy!

Một cụ xua tay nói vội:

- Không! Không phải mà. Ta biết bộ đội tốt nhiều mà! Không phải tại bộ đội mà? Tại thằng Mỹ đấy thôi.

Một cụ khác tiếp lời :

- Thằng Mỹ đánh nước Việt, nước Lào. Người Lào, người Việt phải đoàn kết lại đánh nó chứ. 

Ông cụ thứ ba:

- Người Lào giúp bộ đội Việt Nam làm được cái đường to cho cái xe to chở súng đạn đánh cho thằng Mỹ thua to, thế là mình ưng, mình vui cái bụng rồi?

Bằng những lời mộc mạc, mấy ông già Lào tỏ rõ mối tình đằm thắm với bộ đội ta. Các cụ cũng tỏ ý sẵn sàng rời bản đi lần nữa:

- Rời đi chín rừng, mười núi, dân bản ta chẳng sợ. Có đánh Mỹ xong mới được yên, được no, được vui mà!
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #151 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2010, 10:45:13 am »

Không xa chỗ chúng tôi ngồi, dưới chân một khóm mai rừng, hai cô gái bản Lào đang quay xa se sợi. Rời bản luôn như thế, chỉ lo làm rẫy lúa lấy lương ăn đã vất vả lắm biết các cô làm thế nào để trồng được bông dệt vải? Trông các cô thật tươi tắn và vô tư. Không biết các cô có nghĩ ngợi gì khi nghe chúng tôi bàn với các cụ già chuyện rời bản thêm lần nữa? Chỉ thấy các cô chỉ trỏ anh lái xe và mấy cán bộ trẻ, rồi ghé vào tai nhau thì thầm, khúc khích cười. Leo trèo, luồn lách trong rừng rậm độ một giờ nữa, chúng tôi đến cái khe núi đã từng là duyên cớ cuộc tranh cãi hồi sáng giữa anh cán bộ công binh và đồng chi chủ nhiệm chính trị binh trạm.

Quả là cái khe rất hiểm. Hẹp và sâu. Hai bên sườn núi đổ xuống gần như thẳng đứng. Tôi không nhớ ai đó thốt lên:

- Hừ! Chỗ này chỉ có lao cái cầu bê-tông là gọn.

Anh cán bộ công binh đưa mắt nhìn mọi người như có ý phân bua "Đấy! Tôi đã bảo anh em như thế nào, khảo sát rồi mà!".

Thụ, anh chủ nhiệm chính trị, từ nãy đã vượt lên trước mọi người, chạy đi xem xét lại địa hình. Lúc này, anh từ dưới khe sâu bám từng gốc cây, bụi cỏ leo lên, nói trong hơi thở hổn hển:

- Đề nghị các anh... đi xuôi xuống dưới này... Một quãng... Tôi xin chỉ cái chỗ có thể mở đường ra được.

Tất cả chúng tôi đi theo Thụ. Chịu lăn lộn xem xét kỹ địa hình dọc con khe. Thụ đã tìm được một phương án tốt. Anh vạch con đường đi xuôi theo bờ khe một quãng dài, đến một chỗ thuận nhất mới cho nó vắt sang bờ bên kia, đi ngược lên. Như vậy, đường vượt khe núi là một cái "cua" gấp, kiểu "cua tay áo" như anh em quen gọi. Mọi người trầm trồ:

- Được đấy!

- Năm điểm cộng.

- Phương án tốt.

Anh Ngữ cười, thân mật vỗ vai Thụ:

- Cho thôi chức chủ nhiệm chính trị, sang chủ nhiệm công binh được đấy.

Tôi quay sang hỏi anh cán bộ công binh:

- Đồng chí thấy thế nào? Cuối cùng thì đồng chí vẫn là người chịu trách nhiệm mở con đường này, vậy thì mở được qua đây hay không, đồng chí cứ thẳng thắn phát biểu ý kiến.

Anh cán bộ công binh hơi đỏ mặt:

- Thưa đồng chí chỗ này dứt khoát là mở đường qua được. Đúng là tôi có thiếu sót, tôi tin vào ý kiến anh em, mà chưa điều tra nghiên cứu kỹ...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #152 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2010, 10:46:10 am »

*
*   *

Đi nghiên cứu thực địa về, ngay buổi tối hôm ấy tôi bàn với anh Ngữ, anh Đại việc điều động lực lượng công binh mở gấp đoạn đường kín vượt ngọn núi Phù Kiều.

Việc di chuyển cái bản giữa rừng được thực hiện nhanh chóng, ổn thoả. Bộ đội ta giúp dân bản mấy tấn gạo và mấy chuyến xe chở người và mọi thứ đồ lề cần thiết.

Các cán bộ kỹ thuật cầu đường nhanh chóng đo đạc, vạch tuyến đường, tính toán khối lượng công việc từng khúc đường

Từng phần đường được phân chia hợp lý cho các đại đội trung đội bộ đội công binh. Các đơn vị lập tức hành quân gấp, rải quân dài theo tuyến đường. Các chiến sĩ đặt ba lô, xuống, đào hầm hố chống bom đạn, dựng cái lán ở tạm, roi nhanh chóng bắt tay vào việc.

Các chiến sĩ công binh của chúng tôi thật tài giỏi. Làm đường kín không được phép dùng thuốc nổ, vì cần giữ bí mật, cần bảo vệ tán rừng che phủ mặt đường. Anh em chỉ có trong tay cây cuốc, lưỡi xẻng, mũi choòng, con dao rừng... vậy mà công việc cứ chạy băng băng. Từng khoảnh sườn núi được xẻ ra, được san bằng. Từng khúc đường hình thành và kéo dài ra hai phía. Dần dần hàng chục khúc nối liền lại thành đoạn đường dài.

Các chiến sĩ làm việc mỗi ngày 10 giờ hoặc lâu hơn nữa, đạt năng suất bình quân từ 7 đến 10 mét khối một ngày công.

Gặp những quãng thưa cây, anh em phải để nhiều công sức vào việc nguỵ trang, không để lộ màu đất mới đỏ như son. Anh em bứng cây rừng trồng dặm thêm vào những đoạn đường dài hàng mấy trăm mét. Đất mới khô, trời nắng, muốn cho cây sống tốt tươi, phải gánh nước từ dưới khe sâu lên tưới, vất vả vô cùng! Lại còn những quãng không thể trồng cây, anh em có sáng kiến chăng dây, treo những sọt cây ổ quạ.

Đồng chí cán bộ công binh có thiếu sót trong việc khảo sát tuyến đường đã tỏ ra rất cố gắng trong việc thi công tuyến đường. Đồng chí đã bám sát đơn vị, chỉ đạo tốt kỹ thuật mở đường. Đặc biệt là ở cái khe hiểm nói trên, đồng chí đã có sáng kiến thu nhặt hàng chục chiếc thùng phuy hỏng dùng thay ống cống tiêu nước, giải quyết nhanh chóng khúc đường vượt qua khe.

Chẳng bao lâu, đoạn đường 20 kilômét được mở thông, nối liền với đoạn đường kín gần 60 kilômét trước đây. Thế là binh trạm 32 đã có gần 80 kilômét đường kín từ kho Nà Hang đến gần đường số 9.

Mọi người đều mừng rỡ, nhất là cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn xe hơi.

Xe tiểu đoàn 120 chuyển sang chạy ban ngày. Sáng sớm, đoàn xe lấy hàng ở kho Nà Hang và xuất phát, hành quân thưa, từng tốp ba chiếc một. Khoảng trưa, xe giao hàng ở cụm kho gần đường 9, rồi quay mũi trở về. Chiều về tới đơn vị anh em sửa chữa, củng cố xe cộ xong xuôi, còn kịp tắm giặt sạch sẽ trước khi ngồi vào bàn ung dung ăn bát cơm nóng với canh rau rừng, thịt hộp. Buổi tối, anh em có thì giờ nghe tin tức, đọc sách báo trước khi ngủ một giấc no mắt.  

Các chiến sĩ lái xe khoẻ và trẻ ra trông thấy. Mà hiệu suất vận chuyển thì tăng vọt, ngày nào cũng vượt mức quy định. Người và xe được an toàn tuyệt đối. Đến cả những tai nạn đâm đổ, sút mũi, bẹp tai, gãy nhíp... cũng giảm đi rõ

« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tư, 2010, 06:53:01 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #153 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2010, 10:47:02 am »

Con đường kín đã tỏ ra sức mạnh bất ngờ của nó. Có thể nói nó đã thắng máy bay trinh sát điện tử vũ trang AC 130 một hiệp đầu tiên. Nó đã làm cho thứ vũ khí cực kỳ tinh xảo của "chất xám" Hoa Kỳ bị giảm hẳn uy lực.

Tôi đánh điện về Bộ tư lệnh Trường Sơn, báo cáo về chiến công mới của cán bộ, chiến sĩ binh trạm 32.

Nhận được điện, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên lập tức đến tận nơi nghiên cứu và hết sức vui mừng. Chúng tôi cùng nhau bàn bạc, đánh giá lại hiệu quả vận chuyển trên đường kín, khẳng định tác dụng rõ rệt của nó, dự đoán triển vọng lớn lao của nó. Chúng tôi nhất trí là phải nhanh chóng kéo dài đoạn đường kín đã có, trước mắt làm thêm 80 kilômét từ khu vực đường 9, vượt sông Xê Băng Hiên vào binh trạm 33.

Nhiều tiểu đoàn công binh được điều động gấp để thực hiện nhanh chóng kế hoạch này. Một đơn vị đang mở đoạn đường vòng tránh ngầm Tha Mé được lệnh chuyển hướng làm theo phương án mới: trước định mở đường 6 mét bề mặt, nay rút xuống 3 mét bề mặt. Kinh nghiệm mở đoạn đường kín đầu tiên cho thấy: muốn giữ bí mật tốt, chỉ nên làm đường rộng 3 mét cho xe chạy một chiều. Trên đoạn đường mới, chỗ gay cấn nhất là bến vượt sông Xê Băng Hiên. Sông khá rộng, làm thế nào cho xe qua lại ban ngày để phát huy hiệu quả của con đường kín.

Các cán bộ, chiến sĩ đơn vị làm bến vượt đã cùng nhau bàn bạc, và tìm được cách giải quyết bằng kỹ thuật xây dựng bến và tổ chức, chỉ huy các đoàn xe vượt sông.

Về mặt kỹ thuật, trước hết chọn khúc sông đôi bề không quá thưa cây cối, bãi sỏi đá dưới lòng sông sẵn có những đám cây rù rì um tùm. Khi làm đường xuống bến, chỗ nào thưa cây phải trồng dặm thêm, hoặc làm thêm "giàn mướp" che kín mặt đường.

Về tổ chức, chỉ huy chạy xe: hai đầu bến cầu có các đài quan sát phòng không, các trận địa cao xạ, các trạm chỉ huy giao thông. Các trạm này kiểm tra các xe xuống bến, bắt nguỵ trang lại khi cần thiết; cho xe vượt sông từng tốp 3 chiếc một, tốp trước qua sông lên bờ rồi, tốp sau mới được xuống ngầm. Xe đang ở giữa sông thình lình máy bay địch ập đến, thì phải đỗ lại ngay, ẩn mình vào những đám cây rù rì.

Thế là con đường kín lặng lẽ vươn dài vào binh trạm 33. Tiểu đoàn 102 đã có ít kinh nghiệm chạy ngày lại có dịp thọc sâu hơn, đẩy nhanh một khối lượng lớn hàng hoá lên phía trước.

*
*   *

Với thành công trên, Đảng uỷ binh đoàn Trường Sơn đã có cơ sở để hạ quyết tâm mở đường kín trên toàn tuyến.

Trong hội nghị toàn tuyến tổng kết mùa khô 1970- 1971, việc làm đường kín được đưa ra bàn bạc sôi nổi .

Một câu hỏi lớn: Có thể mở đường kín trên toàn tuyến Trường Sơn được không?

Trường Sơn bao la không phải nơi nào cũng có rừng già làm địa hình lý tưởng cho những con đường kín. Những cánh rừng non, rừng xăng lẻ, rừng tre nứa... tuy không có tán lá dầy, nhưng khéo nguỵ trang, thì vẫn có thể làm đường tương đối kín. Còn những cánh rừng thưa, những đồi cây lúp xúp, những trảng cỏ gianh..., nào có gì che phủ lên trên để mà làm đường kín? Và càng đi sâu vào phía Nam, càng gặp nhiều sông rộng, nước sâu, liệu có thể tổ chức cho các đoàn xe đi phà sang ngang giữa ban ngày?

Những kinh nghiệm làm đường kín và chạy xe ban ngày trên cung đường binh trạm 32 - binh trạm 33 đã đóng góp nhiều vào cuộc bàn cãi trong hội nghị.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #154 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2010, 10:47:49 am »

Trên 150 kilômét đường kín ấy, đâu phải không có những chỗ địa hình trống trải. Nhiều quãng lúc đầu có làm giàn mướp nguỵ trang, được ít lâu thì giàn cây bị đổ hoặc khô héo, anh em công binh chưa kịp làm lại, nhưng các đoàn xe không thể ngừng hoạt động vẫn cứ chạy ban ngày và chạy an toàn. Có vài ba quãng đường không thể nguỵ trang, thì giải quyết bằng cách tổ chức chỉ huy chạy xe thật chặt chẽ, cũng coi như một bến vượt Xê Băng Hiên chẳng hạn.

Kinh nghiệm bến vượt Xê Băng Hiên cũng có thể vận dụng cho nhiều dòng sông lớn hơn một chút như Xê Na Nông, Xê Tề Loan... và nhiều sông khác. Riêng mấy khúc hạ lưu Xê Kông, Xê Xan, sông rộng nước sâu, các đoàn xe bắt buộc phải sang ngang bằng phà hoặc bằng cầu phao, thì có thể tổ chức vượt sông vào đêm tối hoặc buổi sáng mù sương. Chỉ còn vấn đề sắp xếp giờ giấc và cung độ thế nào, để các đoàn xe khỏi ùn ở các bến này vào giữa ban ngày.

Hội nghị đi đến nhất trí là có thể mở hệ thống đường chạy ban ngày ở khắp Trường Sơn song song với hệ thống đường hở chạy ban đêm. Gọi là đường chạy ban ngày cho chính xác vì hệ thống đường mới này bao gồm đường kín, đường tương đối kín, và đường nửa kín nửa hở.
Hội nghị cũng bàn việc phân công giữa các lực lượng trên toàn tuyến: bộ đội công binh và các binh trạm được giao làm các đoạn đường hướng về binh trạm phía trước; các trung đoàn công binh trực thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn tập trung vào xây dựng tuyến đường trục dọc quan trọng nhất.

Nhận thức đúng đắn về tác dụng của đường chạy ngày, tất cả các lực lượng công binh trên toàn tuyến ra sức phấn đấu để mau chóng tạo nên một thế trận mới trên hệ thống đường Trường Sơn, bao gồm đường chạy ngày mở thêm kết hợp với đường chạy đêm sẵn có.

Binh trạm 31 đã tập trung lực lượng làm nhanh và tốt đoạn đường từ cửa khẩu Mụ Giạ đường 12, chạy song song với đường 129 xuống Mường Phin.

Binh trạm 14 mở đoạn đường từ cụm C trên đường 20 xuống Na Hang, nối với đoạn đường kín đầu tiên đã nói ở trên.

Binh trạm 32 nán lại và hoàn chỉnh đoạn đường từ Na Hang vào binh trạm 33, trước đây mở gấp, chưa thật tốt.

Binh trạm 33 mở tiếp đường vượt sông Xê Nang Nông chạy dài theo đường 22 và La Hạp - Đoạn đường này địa hình phức tạp, khó làm, nên làm suốt mùa mưa qua mùa khô, đến tháng 3-72 mới hoàn thành.

Binh trạm 34 phụ trách đoạn đường từ La Hạp vào binh trạm 35, tiếp tục củng cố đường hở chạy đêm trong khi nghiên cứu, khảo sát chuẩn bị mở đường chạy ngày.

Binh trạm 35 mở tiếp vào binh trạm 36 và binh trạm 44

Từ binh trạm 36 vào binh trạm 47 địa hình phức tạp, phải sử dụng đường hở trong khi chờ đội khảo sát đường kín.

Binh trạm 47 làm đoạn đường vào binh trạm 37.

Binh trạm 37 phụ trách nghiên cứu đường từ Phi Hà vào. Bắt đầu (miền Đông Nam Bộ) và B3 (Tây Nguyên).

Hai trung đoàn công binh chủ lực 10 và 98 tập trung làm tuyến đường chạy ngày hoàn toàn mới và hoàn chỉnh không phụ thuộc vào đường hở, kéo từ Nam đường xuống Khe Nam (phía Nam bản Bạc). Đường này làm hai tuyến song song kiểu đường đôi, tuyến này cho xe chạy vào, tuyến kia cho xe chạy ra, các đường xe lớn ra vào thuận tiện, nhanh chóng, không bị ùn tắc. Đây là đoạn đường kín khá dài - hơn 500 kilômét - làm trên địa hình tương đối thuận lợi, được khảo sát tốt, được thi công vừa nhanh chóng vừa bảo đảm kỹ thuật. Nó đã phát huy tác dụng lớn trong nhiều mùa vận chuyển.

Với những cố gắng trên, đến đầu mùa khô 1971 - 1972, binh trạm Trường Sơn đã đưa vào sử dụng thêm nhiều đoạn đường chạy ngày với chiều dài hàng ngàn kilômét, nhanh chóng nâng cao khối lượng hàng đưa vào các chiến trường.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #155 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2010, 10:48:57 am »

*
*   *

Không thoả mãn với những thành tích trên, Bộ tư lệnh Trường Sơn một mặt chỉ đạo việc bảo quản, củng cố và sử dụng tốt hệ thống chạy ngày đã có, một mặt đôn đốc việc khảo sát, xây dựng thêm những tuyến mới, nhằm tạo nên một hệ thống đường chạy ngày hoàn chỉnh.

Các đoàn xe chạy ngày đạt được hiệu suất cao hơn lúc chạy đêm. Tuy vậy, đôi khi chỉ một trắc trở chậm giải quyết có thể làm các kế hoạch vận chuyển bị ngừng trệ nhiều ngày.

Đầu tháng 11 năm 1971, chúng tôi tổ chức nhiều trung đoàn xe hơi chạy ban ngày đi thẳng vào khu vực Bạc. Từ Mụ Giạ đến khu vực đường 9, các đoàn xe chạy với tốc độ khá. Nhưng trước sông Xê Băng Hiên, cả đoàn xe non nghìn chiếc phải nằm lại. Mới từ mùa mưa chuyển sang mùa khô, nước sông còn đầy, mấy cái "ngầm" đều chưa sử dụng - Xe phải dùng phà sang sông vào ban đêm. Thế là AC 130 lại mò đến đánh, có ba chiếc phà đều lần lượt bị đánh chìm, có chiếc dìm luôn cả xe xuống đáy sông.

Tôi được Bộ tư lệnh phái tới điểm nóng này nghiên cứu việc bảo đảm vượt sông. Tôi cũng thấy bí, ruột gan nóng như lửa đốt. Anh em có người bảo tôi:

- Sốt ruột cũng chẳng được anh ạ. Anh cứ ở đây, ta đi kiếm chim cu xanh tẩm bổ lấy sức, mấy hôm nữa nước xuống, ta lại mở nước rút...

Bấy giờ, dọc sông Xê Băng Hiên có từng bầy cu xanh bay đi tìm những đám si đầy quả chín. Mùa này chim cu xanh rất béo. Nhưng chúng tôi còn lòng dạ nào để thưởng thức sự ngon ngọt của thứ chim rất quí này?

Tôi cùng anh Phan Hữu Đại đi dọc sông xem xét tình hình các bến phà, các đường ngầm. Gặp anh Tô Đa Mạn, trung đoàn phó trung đoàn công binh 98 cũng đang đi nghiên cứu địa hình, chúng tôi hỏi:

- Có chỗ nào làm được bến kín đáo không? :

Anh Mạn mừng rỡ: :

- Có một chỗ đẹp lắm. Mời anh đi xem.

Chúng tôi đi theo bờ sông, lúc luồn rừng, lúc bám mép moóc, ngược dòng chảy chừng 5 kilômét. Giữa một vùng cây cối rậm rạp, có một khúc sông sâu, hẹp. Và thật lạ lùng, có một chỗ hai bên bờ đều có những phiến đá cực lớn chìa ra, như hai mố cầu thiên nhiên. Khoảng cách giữa hai mô đá ước chừng 25 mét. Chỉ cần những thanh dầm 30 mét là có thể lao cầu vượt sông. Vùng rừng quanh đây, không thiếu loại cây vừa cao to vững chắc. Chúng tôi quyết định cho bắc cầu và mở gấp hai nhánh đường kín ở hai đầu cầu.

Quyết định trên được anh Tô Đa Mạn đôn đốc bộ đội thực hiện nhanh chóng. Hai hôm sau những chiếc xe đầu tiên lăn bánh qua cầu, bon nhanh về phía Nam.

Đến đêm hôm sau nữa thì cả ba trung đoàn xe hơi đã sang sông để chạy tiếp trên đường 24 là trục đường kín rất đẹp mà hai trung đoàn công binh 10 và 98 có công xây dựng.

Được tin này, anh Đồng Sĩ Nguyên hết sức vui mừng.

Mấy hôm sau, tôi có dịp gặp anh, anh tươi cười hỏi:

- Anh làm thế nào mà tài thế.

Tôi thành thật đáp:

- Tôi có tài gì đâu! Anh em người ta tài đấy thôi.

Tôi kể lại chuyện phó công binh Tô Đa Mạn đã tìm ra chỗ bắc cầu với hai mố cầu thiên nhiên, chính anh là người đầu tiên nảy ra ý định bắc cầu, và tôi chỉ là người biết ủng hộ cái ý định ấy, tạo điều kiện cho nó trở thành hiện thực và phát huy tác dụng.

Trong những năm công tác ở Trường Sơn, tôi gặp rất nhiều trường hợp tương tự: anh vấp khó khăn, tưởng chừng bế tắc, nhưng nếu anh không đầu hàng, anh lao đi tìm cách vượt qua, thì đông đảo cán bộ, chiến sĩ sẽ hăng hái đem sức lực và trí tuệ giúp anh giành thắng lợi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #156 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2010, 10:50:33 am »

*
*   *

Đến tháng 2-1972, đường kín đã vươn tới Khe Nam ở phía Nam bản Bạc .

Theo những đoàn xe chạy ngày, hàng chục nghìn tấn hàng dồn đến khu vực này và ứ lại.

Phía trước là một vùng rừng khọoc, cây cối thưa thớt, nhiều đồng chí cho rằng không có đất cho đường kín. Các đoàn xe vẫn phải chạy đêm trên đường hở, và AC 130 lại lồng lộn săn đuổi, hầu như đêm nào cũng có một số xe bị bắn cháy.

Tôi được cử đến đây xem xét tình hình. Tiếp xúc với một số cán bộ, tôi nghe được một ý kiến cho rằng có thể mở đường nửa kín nửa hở cho xe chạy ngày dọc theo bờ bên phải sông Xê Kông. Ý kiến này bị một số đồng chí tự cho là "thổ công triền sông Xê Kông" bác bỏ. Vậy là đúng hay sai? Có nên cất công nghiên cứu lại không? Nếu như đây là một ý kiến đúng đắn, tích cực mà chúng tôi bỏ qua, thì lỗi lầm ấy không thể tha thứ được ?

Tôi bàn với anh Tiệp, Cục trưởng Cục cầu đường, hai chúng tôi cùng nhau đến xem tận nơi.

Đi hết đoạn đường kín đến Huội Cỏ, chúng tôi tạm dừng, chặt thêm cành lá tươi nguỵ trang xe thật kỹ. Đợi đến khoảng trưa - thường là thời gian máy bay địch thưa hoạt động - chúng tôi đi tiếp theo đường hở đến Bản Phồn. Quả là địa hình ở đây trống trải. Càng đi tới càng thấy giảm bớt hy vọng đưa con đường chạy ngày đi sâu xuống vùng phía Nam.

Vùng rừng ven đường rất thưa cây, và hầu như chỉ có một thứ cây khọoc, mùa này đang bắt đầu rụng lá. Cả một quãng đường dài tới vài chục kilômét, xe của chúng tôi cứ phơi lưng chạy giữa trời quang. Nắng trưa mùa khô chang chói, và con đường đất gập ghềnh bốc bụi đỏ mịt mù như thách thức lũ giặc trời.

Trừ đồng chí lái xe, anh Tiệp, tôi và các đồng chí cùng đi chia nhau quan sát mọi phía, đề phòng máy bay địch thình lình ập tới.

Chợt thấy xa xa phía trước cuộn lên một cơn lốc đỏ.

- Cái gì vậy?

- Bom à? Chạy chầm chậm lại xem sao đã !

Đồng chí lái xe thận trọng cho xe tạm dừng dưới một lùm cây.

Đám bụi nâu dịch lại gần, trông dữ dội hơn. Rồi chúng tôi nghe rõ dần từng tiếng động cơ xe hơi.

- Lái xe đơn vị nào mà táo tợn vậy?

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #157 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2010, 10:50:40 am »

Trước mắt chúng tôi, hiện rõ dần bóng dáng một chiếc Din (zil) 130 đồ sộ. Chiếc xe đậu lại dưới bóng một cây dầu, cách chúng tôi vài chục mét. Cửa buồng lái bật mở ra. Một chiến sĩ lái xe nhẩy xuống đường, bật reo lên:

- Ối anh Xi, anh Xi! Anh chạy lại nắm chặt tay tôi.

- Các "cụ” đi đâu mà đi giữa trưa thế này, không sợ nó cù à?

- Xe bọn mình nhỏ con, chúi đâu chẳng được. Thế còn cậu xe to như thế mà dám chạy ngày giữa đường trống?

Đồng chí lái xe con của chúng tôi xen vào:

- Ông bạo "phổi" thật đấy!

Anh lái xe Din 130 cười:

- Chẳng bạo cũng chẳng được. Quãng này chạy đêm cũng dễ "sập thùng" với thằng AC 130 lắm. Mà chỉ có quãng này là trống nhất chứ vào phía trong lại đỡ hơn. Cho nên tôi mới tính: tranh thủ lúc giữa trưa thằng địch nó ngủ, thì ta chịu khó thức mà "vù” đi một cái; chiều nay lại tha hồ tắm rửa, nghỉ ngơi, rồi đêm nay lại đi chuyến khác...

Đồng chí lái xe dũng cảm này vốn là chiến sĩ đơn vị cũ của tôi. Từ chuyện công tác, anh chuyển sang hỏi han tình hình sức khoẻ, tin tức hậu phương. Cuối cùng, trước lúc chia tay, anh hỏi một câu thân mật mà như có ý trách móc :

- Sao cấp trên chưa cho mở đường kín vào sâu phía trong này? Anh em lái xe chúng tôi mong lắm. Chạy ngày đỡ mệt cho lính lái xe chúng tôi nhiều lắm?

Anh ta nói tiếng mệt bằng một giọng đặc biệt, khiến người nghe không chỉ là cái mệt thể xác và tinh thần, đây còn là cái mệt xương máu nữa! Tôi hỏi lại:

- Địa hình này có mở được đường kín không?

Anh đáp bằng giọng quả quyết:

- Đường thật kín thì chẳng có ở địa hình này. Nhưng đường nửa kín nửa hở từ Bản Phồn vào sâu trong kia tôi thấy dứt khoát là mở được. Mà theo tôi cũng chẳng tốn nhiều công sức lắm đâu. Hiện giờ nếu cấp trên cho chạy ban ngày, thì anh em chúng tôi chỉ "chờn" cái đoạn từ Bản Phồn đến Huội Cỏ thôi. Nếu mở được đường nửa kín nửa hở tránh đoạn này, thì chạy ngày tốt đấy.

Ý kiến của những người thực sự lăn lộn chiến đấu thật đáng quý. Một lần nữa chúng tôi lại gỡ được bí. Tôi và anh Tiệp đi tiếp qua bản Phồn, vào sâu phía trong. Đúng như lời đồng chí lái xe, đoạn đường này không thật kín nhưng rõ ràng là chạy ngày được. Nhìn sang hai bên đường thấy có những dải rừng cây khá dài, chúng tôi lại càng mừng.

Trở về chúng tôi phái người đi khảo sát đoạn đường từ đỉnh Phù Trường đến một điểm trên đường 16, nằm giữa Tha Teng và Bản Phồn. Đoạn này sẵn có con đường cũ từ thời Pháp, bỏ lâu ngày, chìm ngập trong cây cỏ. Khảo sát xong, chúng tôi điều động một tiểu đoàn công binh làm suốt đêm ngày: dọn sạch mặt đường, sửa sang những quãng sụt lở, bắc cầu hoặc làm ngầm qua khe, qua suối...

Chỉ hai ngày sau, đoạn đường này đã thông xe. Và các đoàn xe bắt đầu chạy ngày từ Phù Trường sang đường 16, rồi theo đường 16 dọc bờ Tây sông Xê Kông xuống At-tô-pơ cả cung đường này dài khoảng 200 kilômét. Nó nối liền với các con đường kín các binh trạm khu vực này đã mở từ mùa mưa theo kế hoạch chung, đi hai hướng chiến trường B3 (Tây Nguyên) và B2 (đông Nam Bộ).

Nhờ vậy từ tháng 2-1972 cho đến mùa khô, các đoàn xe lớn rầm rập chạy ban ngày, có khi chạy suốt ngày đêm, đã chuyển được một khối lượng lớn vũ khí, khí tài, lương thực, quân trang thuốc men... phục vụ tết cuộc tổng tiến công mùa xuân 1972 ở Kon Tum (B3) và Lộc Ninh- An Lộc (B2).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #158 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2010, 10:51:23 am »

*
*   *

Thế là sau hai năm nỗ lực phấn đấu, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được một hệ thống đường chạy ngày dài hàng ngàn kilômét. Song song với hệ thống đường hơn chục ngàn kilômét xây dựng trong mươi năm trước. Hai hệ thống đường ấy kết hợp với nhau đã tạo nên một thế trận mới trên tuyến vận tải chiến lược, bảo đảm cho các đoàn xe lớn mạnh hoạt động hiệu quả hơn hẳn trước, tăng nhanh tốc độ và hiệu suất vận chuyển.

Những năm trước, các đoàn xe Trường Sơn hành quân theo đội hình đại đội hoặc tiểu đoàn, chạy từng chặng ngắn từ binh trạm này qua binh trạm kia, giao hàng xong lại quay về vị trí xuất phát ban đầu. Bây giờ thì khác hẳn: nhiều trung đoàn xe hơi nhận hàng ở "vùng cửa rừng" Tây Quảng Bình, chạy nhiều ngày liên tiếp theo hệ thống đường kín, để rồi giao hàng ở "cửa khẩu” của một chiến trường. Hàng hoá không phải qua nhiều lần dỡ xuống, xếp lên, được đưa nhanh tới mặt trận với khối lượng lớn, nguyên vẹn, đồng bộ, phẩm chất tốt.

Hệ thống đường chạy ngày còn bảo đảm cho các đơn vị thiết giáp và pháo hạng nặng hành quân đến các chiến trường được an toàn. Ở đây, xin mở một cái ngoặc để kể thêm rằng lũ giặc trời Mỹ rất hám săn xe tăng của chúng ta.

Khi nhận thấy đạn pháo 40 milimét của máy bay AC130 không đủ sức diệt xe tăng, chúng lập tức nghĩ tới một thứ pháo mạnh hơn, và chỉ ít lâu sau đã thấy xuất hiện một số máy bay AC 130 bắn pháo 100 milimet. Thế nhưng lúc ấy các đơn vị thiết giáp của chúng ta đã vào đường kín để giữ gìn lực lượng và bí mật, bất ngờ thọc sâu vào các chiến trường.

Hệ thống đường kín đã phát huy tác dụng to lớn.

Bấy giờ, để giữ bí mật, chúng tôi gọi đường kín là đường ca (K). Còn đường không kín - đường hở - thì gọi là đường hát (H).

Nói vậy không ngoa. Đây quả là một thời kỳ thắng lợi rực rỡ của tuyến vận tải chiến lược. Chưa bao giờ như những ngày này, những đoàn xe lớn mạnh - hai trăm, ba trăm, năm trăm chiếc - chất hàng ngàn tấn hàng trên lưng, đi thành đội hình đàng hoàng giữa ban ngày ban mặt, chạy thẳng từ hậu phương lớn tới cửa ngõ miền Đông Nam Bộ.
Đặng Hồng Liên ghi
(Rút trong tập Đường Hồ Chí Minh)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #159 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2010, 03:20:24 pm »

Dân Hồng (Nhà văn)
NÚI ONG, SUỐI MẬT

Đầu năm 1975, trong một chuyến đi dọc "đường mòn", tôi có dịp ghé thăm quân y viện 46. Đây là một trong những quân y viện lớn ở Trường Sơn. Có thể gọi đây là một cái "chốt" mà các chiến sĩ quân y cắm vào giữa vùng Ba biên giới, nổi tiếng là "cái rốn của bệnh sốt rét ở Đông Dương".

Tôi đến đây một buổi chiều tà. Đặt chân tới cổng viện, bỗng có ngay một cảm giác yên tĩnh và thư thái.

Tôi theo chân một chiến sĩ gái tìm vào viện bộ. Đường vào là một lối mòn xuyên giữa rừng già, râm mát và quang quẻ Mặt đường đỏ như son, lốm đốm những chấm nắng vàng. Nó gợi lên trong lòng tôi nỗi nhớ một làng trung du nơi hậu phương xa vời vợi.

Tôi tự hỏi đây vẫn là rừng, sao có gì khác mọi nẻo rừng tôi đã đi qua? Tiếng suối reo đâu đây nghe thật êm đềm. Tiếng chim rúc rích trên vòm lá nghe ấm áp làm sao. Và tiếng gió rừng nơi đây cũng hiền dịu lắm 

Gió rừng vuốt ve mái tóc mềm mại của cô chiến sĩ rồi mơn trớn làn má nhớp mồ hôi, bụi bậm của tôi. Và thật bất ngờ, một làn hương ngan ngát dội vào khứu giác tôi. Tôi hít căng lồng ngực. Đúng một làn hương thơm ngát.

Không có lẽ cô chiến sĩ có khuôn mặt tròn như trăng rằm kia lại sức nước hoa thường ngày ư? Qua câu chuyện tôi được biết cô vốn là học sinh lớp 9, quê một làng biển Thanh Hoá. Cô vào Trường Sơn đã ba năm, ví như lúc lên đường cô có mang trong ba lô một lọ nước hoa nho nhỏ, thử hỏi làm sao cô còn giữ được đến hôm nay?

Hay đây là hương thơm của một loại hoa rừng nở sớm. Tôi ngước lên vòm lá trên đầu. Tìm mỏi mắt, không thấy một cánh hoa. Cũng chẳng thấy chút màu gì khác, ngoài màu xanh thẫm của tán lá rừng già. Tán lá dày tầng tầng lớp lớp. Nhòm lên cao, không thấy một mảnh da trời! Tôi bỗng thấy ngạc nhiên là làm sao vẫn còn một vài giọt nắng lọt được xuống mặt đất rừng?

Bây giờ tôi đã thật tin là chưa có thứ hoa rừng nào nở. Đang tiết đông lạnh lẽo thế này, còn lâu hoa rừng mới nở! Thế thì làn hương thoang thoảng kia bay từ đâu tới?

Tôi chưa kịp tìm ra câu trả lời. Cô chiến sĩ đã chỉ một ngôi nhà bên đường.

- Nhà ban chỉ huy đây, anh ạ.

Tôi chào cô chiến sĩ, rồi đứng lặng ngắm ngôi nhà gỗ ba gian khá khang trang. Lát sau tôi mới leo mấy cái bậc đất bước lên thềm.

Trong nhà, một người đang cắm cúi trên bàn viết, chợt ngước lên:

- Ồ nghe nói có nhà báo đến, tưởng ai hoá ra ông - Anh chạy ra, đỡ chiếc ba lô của tôi.

Tôi cũng kịp nhận ra bạn cũ, khẽ reo:

- Anh Hải. Anh vào đây lâu chưa? Có khoẻ không? - Anh xiết tay tôi chặt đến nỗi tay tôi đau điếng. Có lẽ đó là cái cách anh trả lời câu hỏi thăm sức khoẻ. Thấy tôi nhăn nhó, anh nới tay ra, mỉm cười:

- Thế ông tìm đến khu rừng âm u của chúng tôi, có "âm mưu” gì đấy?
- Nghe nói quân y viện của anh chẳng những không âm u mà lại rất ấm cúng kia. Cho nên tôi tìm đến.

- Thế thì trước hết xin nói ngay là không phải "của tôi”. Không, còn lâu mới là "của tôi". Tôi mới đến thay viện trưởng cũ. Tôi chưa làm được trò vè gì cho quân y viện này. Thật tiếc cho anh, anh Song vừa chuyển đi. Anh ấy là kỳ cựu ở viện này. Một viện trưởng mẫu đấy! Anh ấy đóng góp nhiều công lao xây dựng viện gần một chục năm nay. Những anh chị em cùng với anh Song xây dựng viện từ buổi đầu, nay cũng đã chuyển đi gần hết. Thật tiếc cho anh? Nhưng không sao, tôi sẽ giới thiệu với anh mấy đồng chí kỳ cựu đang còn ở lại đây. Anh chị em sẽ kể cho anh nghe về cái thời oanh liệt của viện này. Chứ bây giờ thì mọi cái đã thành khuôn, thành nếp, tôi cứ thế tôi làm. Công việc của tôi thường thôi, chẳng có gì đáng nói với anh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM