Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:25:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111455 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #140 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 08:26:45 am »

Nguyễn Anh Biên (Nhà văn)
CÓ MỘT MÙA XUÂN

Từ bấy đến nay, mỗi khi mùa xuân đến, những sự kiện xuân Mậu Thân ấy lại trỗi dậy, tôi xúc động nhớ về mùa xuân oai hùng đã có trong đời mình... Sau thắng lợi trận pháo kích ở Plây Cu, đơn vị chúng tôi được lệnh chuyển vào miền đông Nam bộ. Ngày mồng một tháng chạp năm Đinh Mùi, bắt đầu hành quân. Mới đi được một ngày đường thì lại có lệnh quay trở ra. Một tuần sau, chúng tôi dừng lại trên đất Kon Tum. Đêm đêm đã nghe tiếng pháo 175 "Vua chiến trường”, ở Đắc Tô, Tân Cảnh bắn vu vơ vào rừng sâu.

Ngày 8 tháng chạp chúng tôi được lệnh triệu tập về tiểu đoàn bộ. Tiểu đoàn trưởng dùng cây le nhỏ làm cây chỉ bản đồ. Ngọn cây chấm vào một điểm đã được khoanh đỏ và nói: "Đây, nhiệm vụ tác chiến của chúng ta ở đây. Đắc Tô!"

Đắc Tô là một cứ điểm quan trọng của Mỹ trên cao nguyên Tây Nguyên. Đại đội tôi được giao nhiệm vụ đánh vào bộ chỉ huy cứ điểm. Đúng ngày 23 âm lịch, ngày ông táo chầu trời, mọi đơn vị phải hoàn tất việc chuẩn bị trận địa, ngày X đưa pháo vào chiếm lĩnh sẽ có lệnh sau.

Bộ đội được tổ chức ăn Tết Mậu Thân trước Tết. Chúng tôi lên hậu cần trung đoàn lĩnh về mỗi người được hơn một lạng thịt, cá khô, nghe nói là cá của Biển Hồ Cămpuchia, một lạng đường trắng. Có thế thôi, nhưng phải làm sao cho đơn vị ăn Tết được vui "ấm chân răng" một chút.

Đã lâu lắm rồi, chỉ có rau rừng và muối trắng thậm chí muối cũng còn phải ăn dè, năm nay lại đi đánh liên miên chưa được một lần nào về hậu cứ đi săn cải thiện, có nhiều đồng chí thiếu chất quá, đã phù rồi. Thương anh em quá không biết làm thế nào?

Tôi lên tiểu đoàn bộ gặp y sĩ Hiền. Hiền quê ở Nghệ An, vóc dáng nhỏ nhắn, tính vốn nhút nhát nhưng bao giờ cũng dũng cảm vượt lên trên bản thân mình. Hiền có mấy tay lưới ni lông mới gửi mua được ở đồng bằng lên. Chúng tôi rủ nhau đêm 13 ra sông Pô Cô đánh cá. Có cả đồng chí anh nuôi của đơn vị tôi đi theo. Súng đạn, nồi, xoong lưới gọn gàng. Nhìn la bàn, cắt rừng tiến ra sông Pô cô.

Đứng bên bìa rừng, nhìn thấy lòng sông lóng lánh bạc. Hiền thì thào bên tai tôi :

- Chưa chắc đã có cá, ông ạ !

- Không, có cá chứ! - Tôi cầm tay lưới, ào xuống sông. Tào anh nuôi nhảy theo. Một lúc sau, Hiền cũng rón rén xuống.

Rải xong ba tay lưới, chúng tôi lên bờ mắc võng chụm đầu vào nhau thì thầm chuyện tết quê hương... Dưới sông nghe cá quẫy nước lật phật, chúng tôi bật khỏi võng.

- Thấy chưa, các ông? - Tôi nói - Tết năm nay nhất định có cá, có thịt.

Khoảng 30 phút sau, một tiếng động lạ, rồi nhiều tiếng tiếp theo từ mép nước bên kia sông. Chúng tôi bấm nhau, súng cầm tay, lên đạn, men theo rừng tìm vị trí chiến đâu.

- Như có người vượt sông? - Tôi nghĩ.

Hơi thở gấp gáp của y sĩ Hiền kề bên. Tôi với tay lại phía sau, chạm vào người, thấy anh hơi run. Đồng chí anh nuôi Tào bám sát một cách vững vàng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #141 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 08:27:39 am »

Những vì sao xa xăm chiếu ánh sáng yếu ớt xuống rừng núi đen thẫm, lòng sông sáng mờ... Tiếng động càng đến gần chúng tôi. Rõ ràng có người vượt sông? Tôi khẳng định ý nghĩ của mình. Chợt thở phào: May quá! Tiếng động kia ở phía bên trên ba tay lưới. Cả ba anh em căng mắt căng tai theo dõi. Dần dần, tiếng động đã thấy mờ mờ thành hình khối trước mắt. Đồng chí Tào giương súng lên. Tôi giơ tay gạt xuống, bóp mạnh tay anh. Ngụ ý phải bắt sống!

Khối đen rõ dần, to dần... chuyển động từ mép nước lên bờ, cách chúng tôi chỉ năm mét, đứng lại. Thì ra đó là một chú nai to kềnh như một con bò. Tôi giương súng lên định bóp cò. Nhưng lập tức hạ súng xuống. Nghe tiếng động khoá chốt bất ngờ khô lạnh, chú nai vọt một phát tuồn cây ào ào chạy vào rừng.

"Uỵch", một cú đấm bất ngờ từ phía sau giáng xuống vai, làm cho người tôi lạng hẳn đi.

- Tại sao không bắn? - Tào gầm lên - Trời ơi ! Đồ ngu ! Làm mất tết của anh em rồi - Hai hàm răng Tào nghiến kèn kẹt, ngữ điệu trong câu nói giận giữ vô cùng, anh như muốn nuốt sống tôi.

Tôi xoa chỗ đau, vừa bực, vừa thương:

- Có cậu ngu ấy - Tôi sát lại, lời tôi phả hơi ra nóng mặt Tào, anh lùi lại một chút - Đây là vùng sát địch, phải bí mật nơi đóng quân nghe chưa.

- Đúng, đúng? - Y sĩ Hiền ủng hộ - Cậu Tào chỉ hồ đồ.

Cả ba im lặng dường như vẫn nghe tiếng con nai tuồn rừng chạy

- Nhưng mà... Tiếc quá, xin lỗi, xin lỗi - Tào ôm lấy ngang lưng tôi giải hoà. Rồi cả ba quay về chỗ tăng võng, ai cũng vẫn còn tiếc.

- Bây giờ ta xuống vớt cá nhé - Tôi nói.

Cả ba anh em đều vui lên, lại ào xuống nước, tay mỗi người cầm một đoạn dây dù để xâu cá. Thật bất ngờ, như được bù lại miếng ăn đã đến miệng khi nãy đành cho tuột mất. Cá mắc vào ba tay lưới nặng trĩu, những con cá thạch anh, gần giống cá chép, có con đến hai cân, ba xâu cá dài đẫy, mỗi xâu gần một yến, cứ thế khoác lên cổ, băng rừng mà về.

- Cá này thay cho cá chép, thế là ta có cá cho ông Táo cưỡi lên chầu Ngọc Hoàng rồi anh ạ - Anh nuôi Tào vui vẻ nói - Ta sẽ cúng ông Táo trước ngày hai mươi ba, không hiểu ông ấy có chịu không? 

Chúng tôi trở về đơn vị trước khi trời sáng rõ. Khỏi phải nói lính ta nhìn chúng tôi và những con cá bằng cặp mắt vui sướng như thế nào.

Sáng mười rằm tôi xuống bếp kiểm tra anh nuôi làm cỗ tết. Tào báo cáo có bốn món tất cả: cá rán, cá "bỏ lò", chả cá, măng xào thịt là món chủ lực, bởi anh nuôi lấy được rất nhiều măng.

Đối với chúng tôi, cỗ ngày tết ở chiến trường như thế đã là quý lắm rồi.

Đúng 13 giờ ngày 23 tháng chạp đơn vị chúng tôi đã hoàn thành trận địa chính, hai trận địa phụ và ba trận địa giả. Sau đó, tiếp tục phát triển giao thông hào, công sự cá nhân. Ngày 27, được lệnh tiếp nhận trận địa. Đúng 4 giờ sáng, tất cả các khẩu pháo đã yên vị, nòng chĩa về hướng cứ điểm Đắc Tô.

Tại điểm quan sát của trinh sát viên, bằng ống nhòm, thấy rõ vị trí địch, lính tráng, xe cộ vận chuyển nườm nượp. Căn cứ của chúng đã nằm trong tầm pháo của ta. Đơn vị ở xa, đơn vị gần, đơn vị ở sát nách địch, tất cả nòng súng hướng về mục tiêu chờ giờ G. Giờ G là giờ nào, ngày nào, không ai có thể biết, ngoài Bộ tư lệnh mặt trận, mà ở Bộ tư lệnh cũng chỉ có một đồng chí Tư lệnh trưởng biết mà thôi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #142 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 08:28:35 am »

Chiều 27 tết, khoảng 6 giờ 20, tổ trinh sát phía trước của chúng tôi bị trúng bom. Đồng chí Thuỵ trinh sát viên quê ở Hà Nội bị trọng thương, đưa ra chưa đến phẫu tiền phương thì đã hy sinh. Không khí đơn vị trầm hẳn xuống. Mãi đến 7 giờ tối, anh nuôi mới mang cơm ra trận địa. Tào miệng nói tay làm xởi lởi như chung quanh cậu ta là hậu cứ không hề có bom đạn, mặc dù bom đạn đang ùng oàng quanh mình.

- Con cú vọ (OV10) khốn kiếp nó không cho mình nấu, đào được cái bếp Hoàng Cầm lâu quá. Tất cả lại lĩnh cơm... Này! Vinh Kều, ăn dè thức ăn thôi nhá, ông là chúa ăn mặn. Vinh Lùn? Cơm tớ nấu dẻo lắm, đau dạ dày như cậu cũng không hề gì. Tiến Cử? Thế nào, đỡ run chưa, tớ biết tính cậu rồi khi đã nổ súng thì cậu coi trời bằng vung.

Cứ thế, Tào vui vẻ phát cơm, đọc tính cách và đặc điểm của từng anh em chiến sĩ...

Mãi chưa đến giờ G, chúng tôi sốt ruột vô cùng. Ở trên đời chưa có sự sốt ruột nào bằng sự sốt ruột của người lính chờ đợi giờ G, giờ được nổ súng vào quân thù. Đối với chúng tôi, đón xuân Mậu Thân năm ấy tức là đón giờ G.

Cú điện thoại vang động khác thường. Tôi vội vàng chộp lấy máy. Tiếng trong máy nghe rất rõ:

- Các đồng chí! - Giọng miền Trung nghe ấm áp thân quen của tiểu đoàn trưởng, tất cả chú ý nghe đài Hà Nội.

Tôi áp tai vào ống nghe. Tiếng pháo nổ đón giao thừa trên đài tiếng nói Việt Nam. Mắt tôi sáng lên, lòng dạ xao xuyến rộn ràng.

- Các đồng chí ơi! - Tôi gọi bộ đội - Hà Nội, Hà Nội, Hà Nội đang đón giao thừa.

Những đồng chí chung quanh nhấp nhổm muốn chạy đến, nhưng tôi giơ tay ngăn lại. Bởi vì tôi linh cảm như sau giao thừa chắc sẽ có mệnh lệnh gì quan trọng đây. Pháo giao thừa Hà Nội vừa dứt, đến Bác Hồ chúc tết và đọc bài thơ xuân gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Nước mắt tôi chảy tràn cho đến khi người đọc xong thơ, tiếp đến là mệnh lệnh chiến đấu của tư lệnh mặt trận. Giờ G! Giờ G! ... Tôi bình tĩnh lại nghe mệnh lệnh, rồi truyền đạt ngay cho đơn vị

- Tất cả vào vị trí chiến đấu! - Tôi dõng dạc hô.

Các pháo thủ chồm lên nhanh nhẹn khác thường. Giờ G, sức mạnh của giờ G thật là kỳ diệu.

- Hướng mục tiêu ..., góc bắn ... hướng bắn ...

Kế toán và các pháo thủ thao tác nhanh không thể tưởng được. Ngay sau khẩu lệnh của tôi, pháo thủ số một đã báo: xong!

- Một phát chuẩn bị... - Tôi ra lệnh.

Liếc nhìn quả đạn 120, các pháo thủ truyền tay nhau thoăn thoắt. Pháo thủ số hai lao quả đạn vào nòng, tiếng rít áp suất không khí trong nòng bị nén lại, một tiếng "kịch" quả đạn rơi xuống đáy nòng ngoan ngoãn nằm chờ lệnh. Ai đã là người lính từng chứng kiến giờ phút, này không ai không hồi hộp. Tôi nhận được lệnh tiếp theo:

- Bắn !

Trận địa nổi dậy, cả khu rừng rung chuyển. Mười hai khẩu pháo của tiểu đoàn chồm lên. Loạt đạn bắn đầu tiên, đạn xé không gian kêu vo vo... Cứ điểm giặc bùng lửa.

- Trúng mục tiêu rồi ... ồi ... ồi ... - Đài quan trắc thét lên. Sau đó, lệnh bắn cấp tập.

- Ba phát cấp tập bắn ...

- Năm phát cấp tập bắn ...

- Mười phát cấp tập bắn ...

Cứ điểm giặc chìm ngập trong pháo đạn của quân ta. Điện thoại reo liên tiếp. Chúng tôi nhận được điện khen của Tư lệnh bộ binh, của Bộ tư lệnh mặt trận.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #143 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 08:29:32 am »

Có tiếng pháo địch đánh trả. À!... Thằng Mỹ nhanh thật, tôi thầm nghĩ, thế là cuộc phản pháo bắt đầu... Đạn pháo chúng tôi tới tấp rơi xuống đầu chúng. Quan trắc báo về: Cứ điểm bốc cháy ngùn ngụt. Pháo "Vua chiến trường" của chúng đã chụp được khu vực trận địa của chúng tôi. Loại đạn cầy sâu dưới lòng đất, đất đá bay mù trời, loại đạn trên không chụp xuống, rừng bị bắn nát tơi tả, cây cành đổ ào ào.

- Pháo thủ số một bị thương! - Tôi nghe báo cáo.

- Số hai lên thay.

- Xong! sẵn sàng chờ lệnh!

Tôi chạy về trận địa khẩu đội:

- Có nặng không, Nhuế đâu rồi! - Tôi hỏi (Tên đồng chí pháo thủ số 1).

Đồng chí đã được anh em đưa vào hầm, nằm bất động. Tôi soi đèn pin thấy vết thương trên mặt đã được băng bó, nhưng vẫn tràn máu tươi ra.

- Ai đây? - Nhuế hỏi.

- Mình đây. Biên đây.

- Em chết mất. 

- Không !

Tôi ôm Nhuế vào lòng. Hơi Nhuế toả ra âm ấm. Tôi nghe một tiếng thở dài. .. người Nhuế nhũn đi trên tay tôi.

- Nhuế . Tôi lay gọi . Đồng chí đã hy sinh.

Tôi đặt Nhuế nằm xuống ngay ngắn, rồi chạy về hầm chỉ huy. Một quả đạn xuyên nổ bên cạnh, làm cho căn hầm chuyển động, một quả nổ trên mặt đất làm bay nắp hầm. Cùng lúc, tôi thấy người lâng lâng. Một đường ấm nóng chạy từ vùng bẹn xuống. Tôi soi đèn pin, máu đang tứa ra thấm đầy quần. Mảnh đạn bắn vào tôi nhanh, mạnh, ngọt, tưởng như không đau đớn, sau đó chỉ thấy tưng tức ở chỗ mảnh đạn chuồi vào. Tôi kêu lên:

- Tớ bị thương rồi! - Tức thì một người vọt ngay lại, cõng tôi chạy vào hầm. Nằm trên tấm lưng bè bè của đồng đội tôi đoán đấy là Tào.

- Tớ bị vào chân phải - Tôi nói.

Chẳng nói chẳng rằng, Tào nhanh tay cầm con dao gặm rạch một phát cắt bỏ ống quần, băng ngay vết thương lại. Lúc này pháo của địch đã chuyển làn.

- Cậu gọi trung đội phó đến đây 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #144 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 08:30:21 am »

Tào chạy đi, sau đó trở lại cùng trung đội phó Soạn.

- Đồng chí thay tôi chỉ huy chiến đấu, bây giờ cho củng cố công sự và trận địa - Tôi nói - Và chuyển Nhuế về tuyến sau.

- Rõ! - Soạn nhận lệnh, chạy đi.

Tôi nắm chặt tay Tào. .

- Ông bị thương nhẹ thôi, nhiều lắm cưa chân là cùng. Tào nói. - Mà có hy sinh cũng cóc sợ.

Ngay sau đó, tôi được đưa về quân y tiền phương. Tào chạy theo võng cáng tôi một đoạn, rồi cứ nắm chặt tay tôi. Nằm trên bàn phẫu, tôi bị trói chặt chân tay. Đã gây mê rồi mà không mê được.

- Đồng chí này khoẻ quá - Tiếng một nữ bác sĩ nói. - Phải tăng lượng thuốc mới được.

Bác sĩ bảo tôi đếm. Tôi đếm 1.2.3.4.5.6... Những bóng áo trắng quanh tôi nhoà dần, và kịp nhận ra mình đang líu lưỡi lại. Chết! Thoáng nghĩ đến cái chết, sau đó không biết gì nữa... Một giọng nói miền Bắc nhẹ nhàng mềm mại, xa xôi ấm áp trên mặt tôi. Tôi tỉnh dần. Mắt bừng mở, bâng khuâng. Ai đang áp vào mặt tôi thì thào:

- Anh ơi ...

Mắt tôi lại nhắm nghiền.

- Anh có khát nước không?

Tôi gật đầu, mệt mỏi. Ngay sau đó tôi được đỡ cao lên, tôi uống một ít nước đường.

Dần dần tôi mở mắt nhìn căn phòng. Đây là đâu? Tại sao mình nằm đây?... Một lúc sau, tôi nhớ lại tất cả. Hình như có ai đó đang ở trong căn phòng này.

- Ai đấy? - Tôi hỏi. Một người xuất hiện, trước mặt tôi là một cô gái mặc áo blu trắng, dáng thanh tú, đeo ống nghe, nhìn chằm chằm vào tôi, nở nụ cười thân yêu, hơi chút e thẹn. Hình như mắt cô ấy đang còn ngấn nước.

Trời ơi! Ai như... Chinh? - Tôi nghĩ - Không phải Chinh, sao mà Chinh lại ở đây được. Đúng Chinh rồi! Người bác sĩ ấy biết tôi đã nhận ra. Cô lao lại, ôm lấy tôi.

- Anh ơi! Em sợ quá, nhưng hết sợ rồi...- Anh sống rồi - Chinh áp mặt vào tôi, dòng nước mát ấm nóng chảy trên mặt tôi. Em sung sướng, em đau khổ gặp lại anh trong hoàn cảnh AC liệt thế này.

Hai ngày sau tôi đã ăn được cơm. Chinh mang đến cho tôi một cái bánh chưng tết. Qua câu chuyện náo nức của mọi người xung quanh tôi mới hiểu: mình đã được tham gia vào một trận đánh lịch sử: trận tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, trận Mậu Thân, trên chiến trường miền Nam .
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #145 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 08:31:18 am »

Đại tá Lê Xi
ĐƯỜNG CHẠY NGÀY

Mùa xuân năm 1971, Ních Xơn có một cố gắng mới nhằm chặt đứt đường chi viện miền Nam của nhân dân ta, phục vụ cho kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh của chúng. Bọn chúng phóng ra cùng một lúc hai ngón đòn hiểm độc: ở mặt đất, chúng mở cuộc hành quân Lam Sơn 714 với mưu toan cắt đứt trục đường chạy dọc Trường Sơn. Ở trên trời, chúng tung ra loại máy bay trinh sát điện tử vũ trang AC 130 nhằm săn đuổi, tiêu diệt các đoàn xe vận chuyển.

Tình hình thật khẩn trương. Trong các buổi giao ban hàng ngày, Bộ tư lệnh Trường Sơn luôn phải nghe những báo cáo không vui về số cán bộ, chiến sĩ hy sinh, về số lượng xe bị bắn cháy, về những kế hoạch vận chuyển thực hiện chậm trễ. Thủ phạm gây nên tai hoạ này là máy bay AC 130.

AC 130? Loại máy bay này có gì mà ghê gớm vậy?

Theo sự phân công của Bộ tư lệnh, tôi xuống binh trạm 32 đôn đốc việc vận chuyển vượt đường 9 và sông Xê Băng Hiên, rót hàng cho các binh trạm phía trong. Đây là một khu vực AC 130 hoành hành dữ.

Phụ trách binh trạm 32 lúc ấy có binh trạm trưởng Đặng Văn Ngữ và chính uỷ Phan Hữu Đại. Gặp hai anh,tôi hỏi luôn công việc:

- Mấy hôm nay làm ăn thế nào, hai anh? AC 130 còn làm dữ lắm không? Ta có cách gì trị được nó chưa?

Anh Ngữ đáp:

- Nó vẫn canh riết quãng từ đường 9 đến ngầm Tha Mé. Xe mình vừa dàn ra đường là nó đến, đánh thật AC một chập từ 7, 8 giờ đến 10 giờ, 11 giờ... Nửa đêm, nó lơi một chút, xe mình nhích được một đoạn thì nó lại đến, đánh dồn dập cho đến sáng. Chúng tôi đã làm đủ phép, vận chuyển có khá hơn trước một ít, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Còn mệt với thằng giặc này, anh ạ.

Ngừng một lát, ngẫm nghĩ, anh Ngữ nói tiếp:

- Nói vậy chứ tôi chưa chịu nó đâu. Mà kể ra tôi cũng đã lấn nó được một tí. Có thể nói chúng tôi đã làm chủ được đoạn đường từ Khu Kho Na Hang đến chân Phù Kiều.

Anh Ngữ cho biết: binh trạm đã sử dụng tiểu đoàn công binh của mình mở một đoạn đường bí mật từ Kho Na Hang đến Phù Kiều. Nhờ có rừng già che chở nên đường kín lắm. Xe có thể vào kho ăn hàng từ giữa trưa, rồi xuất kích giữa ban ngày ban mặt, ra tập kết ở chân Phù Kiều, đợi lúc chiều nhập nhoạng tối là tranh thủ vượt trọng điểm.

Tôi chăm chú nghe và cúi xuống tấm bản đồ trải rộng trên mặt bàn, dò theo con đường mới mở. Nhìn khu vực Phù Kiều tô màu xanh thẫm, tôi hỏi anh Ngữ:

- Đây là rừng già, đúng không anh?

- Vâng. Rừng già.

- Thế thì đoạn đường bí mật cho xe xuất kích ban ngàycó thể kéo dài qua Phù Kiều ra đường 9 được không?

- Vậy! Tôi cũng đang tính. Ngặt một nỗi là còn vướng cái bản sơ tán của dân. Dân người ta rời bản năm lần bảy lượt rồi; đến đây, vừa dựng xong cái nhà ở chưa ấm chỗ, vừa phát cái rẫy có bao nhiêu thóc giống đổ ra gieo cả; bây giờ lại đi nữa thì ăn ở sinh sống ra sao?

Chúng tôi im lặng nghĩ về những người dân Lào anh em ở hàng trăm bản làng rải rác dọc Tây Trường Sơn. Bom đạn giặc Mỹ đã gây cho bà con bao nhiêu đau khổ. Bà con đã dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, nguy hiểm, đã hy sinh cao cả vì tuyến đường chiến lược Trường Sơn. Vậy nên khi nghe anh Ngữ nói tới cái bản sơ tán trong rừng, thì tôi tạm gác câu chuyện kéo dài đoạn đường xuất kích ban ngày.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #146 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 08:32:45 am »

*
*   *

Buổi trưa hôm ấy, tôi xuống tiểu đoàn 102 xe hơi - một đơn vị anh hùng, gặp một số anh em cán bộ, chiến sĩ lái xe. Tôi nêu với anh em một câu hỏi:

- Máy bay AC 130 có những cái gì mạnh? Nó có chỗ nào yếu không?

Tiểu đoàn trưởng Quảng là một cán bộ dũng cảm, hăng hái, bộc trực và rất tự tin. Đứng trước cấp trên, chẳng hề rụt rè, lúng túng, anh quay về phía chiến sĩ nói bằng giọng mạnh bạo:

Cấp trên đã hỏi, các đồng chí ta cứ nói thật, nói hết, ta thấy sao nói vậy. Tôi xin nói trước. Anh em ở đây đều là những người đã được thử thách nhiều thì năm bảy mùa vận chuyển, ít ra thì cũng một vài mùa. Anh em không dao động, không sợ địch. Anh em nhìn thẳng vào thằng địch, thấy cái AC 130 này thật là lợi hại. Nó khác nhiều, AC ôn nhiều. Anh em gọi nó là thằng AC ôn, thằng xin thùng, thằng sập thùng mà ...

Quảng đã "gây men" cho anh em chiến sĩ sôi nổi phát biểu ý kiến, mỗi người một câu, một ý:

- Thằng AC 130 này cáo lắm. Nó quan sát tinh, bắn ác, lơ mơ là sập thùng với nó như chơi.

- Lạ lắm. Nó như nghe được tiếng động cơ xe mình. Anh em chúng tôi đã nhiều lần ú tim với nó. Nó lượn vè vè trên đầu, mình nằm im thì không sao cả. Hễ mình nổ máy, là nó xập xình, xập xình một tràng ngay. Mình tắt máy nó bắn thêm vài phát rồi bỏ đi. Mình thấy im ắng, mở máy chạy, chưa được bao nhiêu đường đất, nó lại lù lù dẫn xác tới rồi. Thế là mình đã đi mò đến cả đèn gầm cũng không mở? Như vậy, có phải là nó nghe được tiếng động cơ xe không?

- Có khi nó có máy phát hồng ngoại tuyến, xe cậu Tầm C3 rúc bụi nằm im ro rồi, chỉ còn hở cái đít, thế mà nó bắn trúng đấy.

- Thằng này bắn ác. Nó đã bắn không cháy xe cũng xẹp lốp ít khi trượt. Mà đã xẹp lốp giữa trọng điểm thì gay go rồi.

Nguy hiểm nữa là thằng này đánh mình bất thần, không thả pháo sáng, cũng không chờ máy bay trinh sát đi dò trước. Nó lại bám dai như đỉa đói, sao bụng nó chứa được lắm xăng, nhiều đạn thế không biết?

Tôi hỏi nhỏ tiểu đoàn trưởng Quảng:

- Anh em nói vậy có đúng không?

Quảng đáp:

- Thưa đồng chí, anh em nói đúng đấy. Xin thú thật là trước đây cán bộ chúng tôi chưa báo cáo thật đầy đủ với cấp trên, vì có ý ngại là cấp trên không hiểu anh em, đánh giá là dao động, sợ địch. Bây giờ thì xin báo cáo thành thật rằng: cho vượt ngầm Tha Mé giữa ban ngày trước mũi F4, anh em chúng tôi không ngại bằng chơi ú tim ban đêm với cái thằng AC 130 bất trị này.

Qua ý kiến anh em, tôi hiểu rõ thêm cái lợi hại của máy bay AC 130. Nói gọn lại, nó có ba chỗ mạnh:

- Một là nó có những trang bị tinh vi để bắt trúng mục tiêu di động trong đêm tối.

- Hai là nó có loại pháo 40 mi li mét bắn khá chính xác và công phá mạnh, mỗi viên đạn trúng đích đủ sức phá huỷ một chiếc xe hơi. 

- Ba là nó hoạt động được nhiều giờ. Chỉ cần vài ba chiếc thay phiên nhau có thể "canh" suốt đêm trên một khu vực rộng lớn.

(Sau này, các cán bộ kỹ thuật của ta nghiên cứu kỹ về máy bay AC 130, cho biết nó được trang bị nhiều khí tài điện tử: như máy phát tia hồng ngoại dò nhiệt có thể khuếch đại ánh sáng hàng chục ngàn lần; máy thu tiếng động cơ, phương tiện điều khiển đưa đạn tới mục tiêu. Mỗi chiếc AC 130 mang theo cả một đơn vị chiến đấu tinh nhuệ với 14 nhân viên bao gồm người lái, trinh sát, pháo thủ. AC 130 to xác, là một mục tiêu mà bộ đội cao xạ tài giỏi của ta dễ bám bắt. Tuy vậy, bắn hạ nó không thể dễ nó chỉ rơi khi trúng đạn vào chỗ hiểm. Trong trường hợp này, nó sẽ tự huỷ hoại hoàn toàn, để bí mật về cơ cấu của nó khỏi rơi vào tay đối phương).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #147 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 08:33:47 am »

Tôi ngẫm nghĩ, rồi đặt một câu hỏi :

- AC 130 có đúng là "bất trị" không? Chẳng lẽ nó không có chỗ nào yếu hay sao? Các đồng chí thử nghĩ xem...

Một chiến sĩ suy nghĩ lát lâu rồi nói:

- Thằng này đánh đêm thì tỉnh mà ban ngày xem ra nó - lơ mơ thế nào ấy. Chiều hôm nào xe ta leo lên Phù Kiều hơi sớm, nó chẳng bay trên đầu đấy thôi, tại sao nó không bắn? Hay là nó không thấy mình?

Một nhận xét nhỏ mà thật đáng quý! Nó gợi anh em nhớ lại nhiều trường hợp tương tự. Một chiến sĩ nói khẽ với người ngồi bên:

- Ừ, cái hôm cậu với mình về muộn, trời sáng rồi, nó còn "canh" trên đầu, sao nó không bắn?

Tôi thầm nghĩ: "Anh em nhận xét rất đúng". Chính tôi có lần đi công tác, xe chạy lấn sáng, gặp AC 130 lúc trời đã quang quẻ mà không thấy nó bắn.

Một chiến sĩ khác góp thêm:

- Cũng có lần nó bắn vào lúc sáng sớm, nhưng mà bắn không trúng. Như cái hôm ở bờ Bắc ngầm Tha Mé đấy.

Đôi mắt sắc của tiểu đoàn trưởng Quảng sáng lên. Anh cười vui vẻ:

- Không khéo thằng này là giống cú vọ, đêm thì tỉnh, ngày thì quáng!

Các chiến sĩ còn kể vài trường hợp máy bay AC 130 săn đuổi một đoàn xe, đến khi có một chiếc nào bùng cháy to thì nó bỏ đi.

- Như vậy có phải là thằng này kỵ ánh sáng không?

Trên đây chỉ là những nhận xét cảm tính. Chưa thể dựa vào đó để rút ra một kết luận chính xác. Dẫu sao, qua những điều mà những người đối mặt với địch quan sát được chúng tôi cũng có thể bước đầu đánh giá rằng AC 130 mạnh về ban đêm, kém khi trời sáng: Phải chăng đoạn đường kín, từ kho Nà Hang đến Phù Kiều đang phát huy tác dụng tốt cũng chứng minh điều đó? Phải chăng lúc này muốn đẩy mạnh công tác vận chuyển và giảm bớt thiệt hại, phải mau chóng kéo dài đoạn đường ấy? Và trong khi chờ đợi nên cho xe chạy từng tốp nhỏ, và khôn ngoan tranh thủ lúc sáng sớm, chiều tà.

*
*   *

Đêm ấy, tôi cùng anh Ngữ vào hầm chỉ huy theo dõi đoàn xe trên tuyến vận chuyển.

Sáu giờ tối. Trạm "Ba-ri-e" chân Phù Kiều báo tin đội hình xe đã lên đèo hết. Vùng trời yên ắng.

Tôi cúi xuống tấm bản đồ, và chốc chốc lại nhìn đồng hồ, thầm ước đoán đầu đoàn xe đã tới đâu, đuôi nó ở quãng nào?

Khoảng trước 8 giờ, trạm phía nam Phù Kiều báo tin một phần ba số xe đã vượt đèo an toàn. Chợt anh Ngữ ngước lên, nghiêng đầu, quay một bên tai về phía cửa hầm, nghe ngóng. .

- Đấy ? Nó đấy ? - Anh khẽ nói .

Tôi lên khỏi hầm, nghe rõ tiếng máy bay ì ì, có vẻ nặng nề, chậm chạp.

Nó vẫn bay ầm ì, rù rì lâu lâu. Rồi đột nhiên dậy lên chuỗi tiếng nổ thật đanh. Tiếng nổ nhịp đôi, như anh em vẫn nhại "xập xình" hay "sập thùng". Tôi cảm thấy lòng rát bỏng. Tôi nhớ lại những gương mặt tôi vừa gặp hồi trưa. Có gần anh em mới hiểu họ là những chiến sĩ đáng yêu quý biết chừng nào! Họ biết rõ địch thủ của họ thật nguy hiểm, thật đáng gờm. Trái pháo 40 ly của nó có thể bất thần phóng xuống và mấy tấn đạn trên thùng xe có thể nổ tung. Biết vậy, họ vẫn bình thản lao vào cuộc vật lộn một sống một chết để đẩy từng chuyến hàng lên phía trước. Mỗi chiều, một lần, sau bữa cơm ăn qua loa, họ xách theo một gói lương khô, một bi đông nước, nhẩy lên ca-bin, sập mạnh cửa, và rồ máy, quả quyết lao vào trận.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #148 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 08:34:38 am »

Lúc này đây, họ đang phơi lưng dưới làn đạn địch. Tôi là người chỉ huy của họ, tạo điều kiện cho họ chiến thắng kẻ thù, làm tròn nhiệm vụ. Tôi bước xuống hầm chỉ huy, nhắc anh Ngữ lệnh cho các trận địa cao xạ bắn mạnh hơn.

Một lúc sau, anh Ngữ thông báo tình hình:

- Toàn đội hình xe đã vượt Phù Kiều. Hai chiếc bị bắn hỏng, phải nằm lại lưng chừng đèo. Ba xe chở gạo đi đầu đội hình vượt ngầm Tha Mé, một xe bị bắn cháy, còn hai xe qua được ...

Anh Ngữ nói thêm:

- Thế là anh em giỏi lắm rồi đấy, anh ạ?

Tiếng "sập thùng" lại dậy lên.

Lòng tôi bồn chồn. Tôi nghĩ tới đoạn đường bí mật, từ kho Nà Hang đến chân Phù Kiều. Phải tìm cách kéo dài nó ra, sớm ngày nào hay ngày ấy! Tôi hỏi anh Ngữ binh trạm trưởng:

- Anh Ngữ này, ta có thể vận động nhân dân ở cái bản sơ tán giữa rừng rời đi lần nữa được không?

Anh Ngữ ngẫm nghĩ rồi thong thả đáp:

- Rời thì rời được ngay thôi anh ạ. Nhân dân ở đây tốt lắm. Chỉ cần nói một câu là xong... Nhưng mà...

- Anh sợ gây khó khăn cho nhân dân nhiều quá chứ gì?

- Vâng, dân đến đây vừa phát rẫy, trổ lúa xong. Bây giờ rời đi lần nữa, thì mai kia lấy gì mà ăn?

Tôi đã suy nghĩ kỹ nên quả quyết đáp:

- Thế này anh Ngữ ạ. Nếu cần bỏ ra 20 tấn gạo để đến bù cho dân bản đủ ăn đến mùa rẫy xong, chúng ta cũng không ngại. Miễn là mở được con đường an toàn đưa hàng ra mặt trận. Mà đem gạo nuôi dân, còn hơn là để cho thằng địch đốt cả gạo lẫn xe.

Anh Ngữ ngước nhìn tôi, nét mặt lộ vẻ mừng rỡ. .

- Nếu anh "quyết" cho như thế, thì coi như yên được cái chỗ bản ấy ?

- Còn chỗ nào mắc nữa?.

- Còn một chỗ... Một cái hẻm sâu giữa hai sườn núi dốc dựng đứng. Cán bộ công binh đi khảo sát về, báo cáo rằng không thể mở đường đi qua được:

Vậy là vẫn còn trở ngại. Công việc nối dài đoạn đường bí mật chưa thể bàn ngã ngũ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #149 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2010, 08:35:09 am »

*
*   *

Sáng hôm sau, tôi cùng anh Ngữ dự buổi giao ban hàng ngày .

Theo báo cáo của tham mưu trưởng, đêm vận chuyển vừa qua đạt hiệu suất thấp. Số đầu xe tới đích không nhiều. Số xe kín quay trở lại đơn vị càng ít. Có vài xe bị thiêu huỷ và một số xe hỏng phải nằm lại dọc đường. Có chiến sĩ hy sinh, mấy đồng chí khác bị thương. Mọi thiệt hại đều do AC 130 gây ra trên đoạn đường trống trải, xe ta chạy ban đêm.

Không khí trong Sở chỉ huy trạm thật nặng nề. Mọi người càng thêm lo lắng khi một sĩ quan thông tin mang đến bức điện hoả tốc, yêu cầu đưa ngay mấy chục tấn đạn pháo lớn cho một binh đoàn có nhiệm vụ đánh một cụm quân nguỵ ở khu vực số Nam đường 9.

Cuối buổi giao ban, tôi yêu cầu đồng chí cán bộ công binh báo cáo tỉ mỉ về cái hẻm núi mà đồng chí ấy cho rằng không thể mở đường vượt qua được.

Tức thì đồng chí Thụ, chủ nhiệm chính trị binh trạm 32 giơ tay xin nói:

- Tôi xin hỏi đồng chí công binh đã đến tận nơi, "chân đi mắt thấy, tay sờ" cái hẻm núi ấy chưa?

Đồng chí công binh lúng túng đáp:

- Tôi chưa đến, nhưng đã phái một cán bộ kỹ thuật đến xem xét đo đạc.

Chủ nhiệm chính trị Thụ nói bằng giọng gay gắt:

- Nếu anh chưa đến thì, xin lỗi, tôi chưa thể tin anh được Tôi đã theo xe đến tận chân Phù Kiều, rồi vào cái hẻm núi ấy xem có mở đường qua được không. Tôi không có chuyên môn, nhưng cứ như mắt tôi nhìn thì mở đường qua cứ được đi.

Để chấm dứt cuộc tranh cãi giữa Thụ và anh cán bộ công binh, tôi đề nghị cử một đoàn cán bộ đến tận nơi, nghiên cứu kỹ xem cố vạch cho được con đường bí mật vượt qua ngọn Phù Kiều.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM