Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:08:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111450 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #110 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 09:49:29 am »

Tang tảng sáng hôm sau, thức dậy tôi thấy một cảm giác lạ. Có tiếng ì ì và có ánh chớp nhoáng. Nhà chúng tôi đào nửa chìm nửa nổi, cột tre, tranh nứa. Hai thành vách hai đầu có trổ cửa ngách thông vào hai căn hầm chữ chi, thành ghép bằng gỗ to theo kiểu hầm chữ A. Trong đó cũng có giường nằm bàn làm việc và điện thoại, ngày cũng như đêm, đều thắp sáng bằng ắc qui. Nằm trong ấy bí hơi quá nên tôi bỏ lên nằm ở giường, trên cao. Tôi đang ngồi xổm trên giường, bèn lao ngay vào hầm tránh máy bay. Đã thấy khắp xung quanh rung chuyển ầm ầm. Đồng chí cần vụ chạy vào hớt hải nói với tôi:

- B52, thủ trưởng ạ.

- Ừ thì B52, kệ nó, đồng chí vào hầm ngay!

Một loạt bom chấm dứt trong khói, đất, đá, lá cây rơi tứ tung mù mịt. Kinh nghiệm, một tốp B52 thường đánh ba đợt. Đây mới là đợt đầu, chờ cho hai loạt sau nổ tiếp. Đợt thứ ba vừa chấm dứt, tôi cầm dây nói gọi điện thoại cho các nơi. Mới thò đầu ra một tí, đã thấy nhà cửa đổ sập hết, và lại có tiếng ù ỳ, chớp nhoáng nhoáng. Nó tiếp tục đánh nữa. Tôi lao vào hầm.

Sáng hôm ấy, nó đánh đến 27 đợt, chín lần tốp. Mỗi tốp 3 chiếc, cách nhau rất đúng giờ. Nó dội bom vào khu chỉ huy sở Bộ tư lệnh tiền phương, đánh trùm sang khu vực kho S4, S5. S4 và S5 nằm hai phía đông bắc và nam La Hạp.

B52 đánh xong, tôi đi kiểm thị trấn lại toàn bộ khu vực Bộ tư lệnh. Ta hy sinh một đồng chí.

Người đầu tiên tôi tìm đến là anh Sum. Anh cũng vừa ở hầm lên. Nhà anh không bị bom phá đổ. Nhà tôi bị đổ. Tôi và anh Sum ở cách nhau khoảng 50 mét. Cái nhà cũ tôi ở ngay cạnh nhà anh Sum, thì bay biến đi đâu mất. Thấy anh Sum và anh em nguyên vẹn, tôi mừng quá.

Tôi bỗng sực nhớ ra là còn mấy đồng chí khách, tối qua tôi mời nghỉ trong cái căn nhà cũ của tôi. Nhà bay rồi. Trong số khách có đồng chí Lê Nghĩa Sĩ, đồng chí Nguyễn Ngọc Kỳ và mấy đồng chí nữa.

Đồng chí Lê Nghĩa Sĩ đã đến đây cùng tôi ba bốn ngày nay. Chiều qua, đồng chí Sĩ định lên trạm giao liên ở để đi vào tôi cố giữ lại.
Nhà tôi ở cũ cùng là nhà hầm, hai đầu nhà cũng có hai cái hầm chữ chi. Một quả bom trúng giữa nhà, nhà ụp xuống. Tôi gọi mãi không thấy ai thưa.

Tôi hốt hoảng quá bảo:

- Có lẽ chết cả rồi!

Tôi gọi mấy đồng chí vệ binh lấy dao cuốc chặt đỡ cái nhà ụp ra xem có ai bị thương, may ra còn cứu được. Anh em vừa nhảy vào đống nứa tranh, bắt đầu băm băm, chặt chặt, thấy ở dưới, có tiếng gọi, rất bé. Chúng tôi dỡ hết tranh tre ra, vất hết đồ đạc ra ngoài, thì thấy cả 3 đồng chí lục đục từ trong hầm chữ chi chui ra. Chẳng có ai việc gì. Có nhiều nhà khác cũng giống hệt như vậy, quả bom trúng ngay giữa nhà, những cái hầm "râu tôm" hai đầu vẫn an toàn .

Sau trận B52 mở màn chiến dịch này, làm xong việc chôn cất liệt sĩ, anh em chia nhau đi các ngả, dọn lại cây cối nhà cửa, trở lại cuộc sống bình thường. Đồng chí bác sĩ bị thương gãy vai, đã được khiêng đi cấp cứu bên trạm giao liên. Ở đó địch chưa đánh đến, tôi ra lệnh cho toàn bộ cơ quan, ăn cơm trưa xong chuyển hết sang trạm giao liên. Tôi cùng đồng chí Sum đi kiểm tra khu vực kho xem thiệt hại ra sao.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #111 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2010, 09:50:11 am »

Khu vực kho bị đánh tương đối lớn. Bom rải ra trên một vùng rất rộng. Hàng hoá bị đánh bay, đánh hỏng mất một ít, nhưng không nhiều lắm. Về người, kể cả cơ quan, cả lực lượng kho, hy sinh bảy đồng chí, bị thương vài đồng chí. Có một kho xăng bị cháy, anh em ta xông vào dập lắt. Thiệt hại hơn hai chục phuy, vì đạn dược, xăng, chúng tôi phân tán ra mỗi nơi một ít, cho xuống hầm, để rất xa nhau, nên không mất nhiều.

Chúng tôi xử lý mọi việc mất nửa ngày. Trạm xá của Binh trạm 42 ở đây, cũng đã tiếp nhận sáu bảy đồng chí bị thương. Tất cả đều cho di chuyển sang trạm giao liên. Trạm này đóng trên một cái dốc rất cao. Đi đến đấy phải leo từ La Hạp leo lên, đến đỉnh dốc cao nhất con đường bộ là đến trạm. Chúng tôi tạm thời đóng quân lại đó để xem xét tình hình. Mặt khác, cũng sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Ngay mười giờ sáng hôm đó, tôi đã họp được với đồng chí Chước, binh trạm trưởng kiêm Chính uỷ binh trạm 34, và mấy đồng chí cán bộ phụ trách cả 2 kho ở S4, S5, chúng tôi bàn công việc đối phó với tình huống xấu nhất.

Trong cuộc họp, đồng chí Chước hỏi tôi:

- Nó đã phát hiện kho, làm sao mà giữ được? Mà giữ như thế nào, giữ đến bao giờ?

Tôi trả lời :

- Nó đánh vào kho lúc này là đánh đúng quả tim cấp máu cho chiến trường khu 5, ta thua keo này là nó thắng. Địch sẽ đánh ta với tất cả khả năng của nó. Các đồng chí phải quyết tâm đánh để giữ. Người có thể mất, nhưng không thể bỏ kho. Tôi nêu chỉ tiêu bảo vệ cho các đồng chí là nếu để nó phá mất 70% thì là ta thua nó. Mất một nửa là hoà. Nếu nó chỉ phá nổi 30% là ta thắng. Các đồng chí cứ quyết chiến đi. 

Mãi sau này, đồng chí Chước, khi đã về hưu, đến thăm tôi ôn lại chuyện cũ nói: lúc đó có hai điều thú vị: một là tôi cho tất cả các đồng chí già yếu và các đồng chí nữ ra phía sau. Việc giản đơn có vậy, nhưng tác động rất lớn đến tâm lý, tư tưởng mọi người, vì ai cũng thấy, đã đến lúc quyết chiến. Hai là, tôi nêu chỉ tiêu bảo vệ kho nếu mất 50% là hoà, mất 20 - 30% là thắng. Khi nó ném B52, anh em thấy khói lửa rực trời, làm sao mà giữ trọn vẹn các kho này. Nhưng, tư lệnh đã nói, mất 50% là hoà. Anh em tin không thể mất đến 50%. Còn nói mất 30% vẫn được coi là thắng, đó là một chỉ tiêu có thể đổ xương máu ra mà thực hiện bằng được. Xương máu, anh em không tiếc, nhưng trước khi hy sinh, anh em muốn biết rằng mình có thể chiến thắng hay không.

- Chính do cái quyết tâm rất cụ thể, rất thích đáng đó đã làm cho chúng tôi quyết chiến, quyết thắng.

Hội nghị tan. Các đồng chí ra về đúng lúc 12 giờ. Đến 13 giờ hơn vài phút gì đó chúng tôi đã nghe thấy tiếng vè vè của máy bay trực thăng. Đài quan sát trên cao báo cáo xuống cho biết là có hàng đàn trực thăng đang bay về phía La Hạp, lúc đông nhất, đếm được 36 chiếc. Bầu trời La Hạp lúc đó rung lên trong tiếng gầm rít của máy bay. Tầng trên là phản lực, tầng dưới là trực thăng. Tiếng kêu dai dẳng của trực thăng xen lẫn tiếng gầm thét như xé tai của phản lực, tạo thành một âm thanh nhức nhối. Nhưng dưới mặt đất anh em ta vẫn bình tĩnh chờ đợi.

Tôi gọi dây nói cho đồng chí phụ trách kho:

- A lô, S5 đâu? Như vậy là kẻ địch có thể đổ bộ bằng trực thăng xuống đánh khu kho. Mỗi bước xử trí, ta đã bàn bạc thống nhất với nhau rồi. Các đồng chí cứ thế mà làm. Cần kiểm tra lại xem việc sẵn sàng đánh quân đổ bộ trực thăng của các bộ phận ra sao? Chu đáo chưa, có gì chưa tốt thì bổ sung gấp.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #112 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2010, 01:07:50 pm »

Độ 8 giờ sáng nay, tôi đã điều về đây, tăng cường cho kho thêm một đại đội súng máy phòng không 12 ly 7. Anh em bắt đầu xuất quân, dời vị trí cũ ngay sau khi được lệnh, nên hiện đang trên đường đến S5. Đó là đại đội C4, đơn vị anh hùng đầu tiên trên tuyến. Đại đội đã lập nhiều chiến công xuất sắc ở ngoài cửa khẩu. Tôi rất tin tưởng ở đại đội này về khả năng sử dụng súng máy phòng không, bắn máy bay tầm thấp khá giỏi. Đánh đổ bộ trực thăng chắc cũng vậy thôi. Nhất định đại đội sẽ lập chiến công oanh liệt.

Tôi còn điều thêm về một đại đội bộ binh. Đơn vị này được điện gọi cùng lúc với đại đội 4, 12 ly 7, nhưng ở xa chưa thấy đến. Lại có thêm một trung đội công binh nữa, tôi cho hết về đây tham chiến. Việc đảm bảo giao thông, sau khi địch thua rút chạy xong, sẽ lo sau.
Lúc những chiếc trực thăng hình quả chuối của Mỹ bắt đầu mò đến chựng lại, thả thang thì anh em trong kho đã nhất loạt nổ súng. Anh em bắn máy bay trực thăng, bắn máy bay phản lực bay hộ tống trên cao, còn bắn cả những toán lính đổ bộ xuống đất.

Thấy lực lượng địch đổ bộ khá đông, tôi lệnh cho bộ phận trên trạm giao liên thu gọn các tổ chức lại. Rút bớt người sang các tổ đội, cắt thêm một trung đôi, chỉ định trung đội trưởng, trung đội phó, cán bộ tiểu đội, chạy xuống S5 chi viện cho lực lượng chiến đấu ở đây. Ngay đồng chí liên lạc của tôi, tôi cũng cho đi nốt. Rồi bảo anh em trong cơ quan:

- Các “cậu” cứ xuống dưới ấy, cùng anh em mà đánh giặc, lập công. Còn ở đây, tôi với anh Sum với súng tiểu liên và dăm quả lựu đạn, chúng tớ sẽ chiến đấu đến cùng.

Tôi đã bàn kỹ với anh Sum là: Người có thể hy sinh, thương vong lớn, nhưng không thể để địch chiếm hoặc phá được kho ta.

Suốt chiều hôm đó, chúng tôi quần nhau với địch trên không. Hầu như chưa chiếc trực thăng nào đổ quân được xuống đất ở vùng kho an toàn. Cứ dùng dằng địch thả thang chỗ này, bị ta bắn rát, chúng lại nhấc bổng máy bay, để cả cái thang lòng thòng chuyển sang chỗ khác, mãi vẫn không đổ bộ quân được, chúng lảng sang các mỏm đồi ở xa hơn, để cho phản lực ném bom, bắn rốc két, phá nát cả cánh rừng rồi mới trút xuống được mấy chuyến quân. Ta đánh trả thật mạnh mẽ. Chúng cũng nhảy xuống khu kho được một số.

Khoảng 3 giờ chiều, tôi đã nghe đạn cối cá nhân, đạn liên thanh AR 15. Còn cả tiếng cối 60, cối 82, B40, tiếng các loại đạn trung, tiểu liên của ta khắp nơi nổ dồn dập. Có lúc nghe "ục ục" như nồi cơm sôi. Xung quanh tôi, mảnh bom và các viên đạn cuối tầm rơi xuống còn khét khói và quay xèo xèo.

Đồng chí Sum không lúc nào rời các máy điện thoại. Đơn vị giao liên đã tập hợp xong, có cả đồng chí cần vụ của tôi. Các đồng chí đều thay quần áo. Anh nào anh nấy mặc quân phục mới nhất, quần túm ống gọn gàng. Có vài đồng chí đã lớn tuổi, còn lại nói chung rất trẻ. Lính giao liên chuẩn bị ra trận chiến đầu đánh quân đổ bộ trực thăng, trông rất hào hùng. Tôi bước đến trước trung đội, một viên đạn xèo vèo rơi xuống trước mặt tôi, quay tít thò lò. Hàng ngũ có hơi xúc động. Đồng chí liên lạc của tôi từ trong hàng đầu chạy ra, úp vội cái mũ sắt lên đầu tôi nói:

- Thủ trưởng còn phải sống để chỉ huy chúng em!

- Đạn hết tầm rồi, chả sợ.

Và tôi lại chụp cái mũ lên đầu đồng chí ấy, nói với trung đội :

- Các đồng chí xuống vùng kho. Ở giữa dốc có cán bộ tác chiến đón các đồng chí. Tôi không đi với các đồng chí được Mỗi đồng chí cố diệt hộ phần tôi một thằng.

Và tôi hô:

- Bên phải quay! Đi đều bước! Chúc các đồng chí chiến thắng. 

Các đồng chí nhanh nhẹn bước đi. Nửa giờ sau, đã nghe súng bộ đội ta nổ ran dưới chân dốc.

Đã có một số võng thương binh lên tới trạm trong đó có một giao liên. Đồng chí này bị cối cá nhân địch bắn gãy mất một cổ chân.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #113 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2010, 01:08:47 pm »

Khoảng 5 giờ chiều, máy bay địch tản đi đâu hết. Không khí yên ắng lạ thường. Tôi gọi dây nói cho đồng chí phụ trách kho.

- A lô, S5 đâu. Đồng chí từ dưới dốc đi lên, tôi từ trên này xuống, gặp nhau ở đâu, ta sẽ hội ý ở đấy. Đồng chí báo cáo rõ tình hình tôi nghe. Và sau đó ta bàn cách tiếp tục chiến đấu, quyết tâm bảo vệ kho.

Gọi điện xong, tôi cùng hai thiếu tá trợ lý tác chiến đi ngay. Từ dưới đồi lên là đồng chí thượng uý chỉ huy kho. (Sáng hôm sau anh hy sinh trong trận B52 oanh tạc xuống vùng kho).

Chúng tôi gặp nhau giữa dốc, ngồi trao đổi với nhau dưới một lùm cây khuất. Từ chỗ này hầu như quan sát được toàn bộ vùng kho S4. Qua trao đổi chúng tôi biết là tình hình khá gay go. Chúng đã đổ bộ xuống chừng một tiểu đoàn, có cả thuỷ quân lục chiến Mỹ. Bộ phận nhảy xuống chủ yếu là Mỹ, còn một số ít là nguỵ. Bị ta đánh mạnh, đã rơi đến 5 máy bay trực thăng. Hiện nay có thể nó đã rút đi một số, còn khá nhiều chạy vào rừng.

Chúng chiếm một số điểm cao xung quanh vùng kho, đang tổ chức lại lực lượng. Ta đã cho những bộ phận đi sục sạo, còn đại bộ phận lực lượng ta đang củng cố lại vị trí chiến đấu. Mục tiêu của địch thì rõ ràng là tìm cách đánh vào, phá huỷ bằng được khu kho của ta, vì chúng biết toàn bộ khu kho này là để phục vụ cho những tập kích lớn của quân dân khu 5 trong một ngày gần đây sẽ giáng xuống đấu chúng những đòn sấm sét. Vào khoảng ba ngàn rưỡi, bốn ngàn tấn hàng chi viện chiến lược đang nằm trong khu kho này'

Sau khi nghe toàn bộ tình hình, tôi nói:

- Trận đầu thế là ta với thằng địch biết nhau rồi đó. Dự đoán nó có thể đánh căng hơn chút nữa, nhưng chắc chắn là ta giữ được. Các đồng chí tranh thủ phát thêm vũ khí cho anh em. Phải có nhiều đại liên và trung liên đại đội để bắn trực thăng. Đem mìn định hướng chặn, huy động mọi lực lượng ở trong kho ra đánh, nó không làm gì nổi ta đâu, ta cố bắt lấy một số tù binh.

Các đồng chí khác đều phát biểu ý kiến, không có thắc mắc gì vì mọi việc đều rõ ràng.

Đêm đó, chúng rải một đợt B52, 9 chiếc đánh đúng Sở chỉ huy cũ. Sau đó có vài tốp F4 bay qua, quăng bom theo toạ độ vào giữa khu kho. Như vậy là chúng tôi đã biết chắc, số địch đổ bộ xuống bố trí ở phía nào rồi. Vì hướng đó chúng không dám ném bom, bắn phá gì cả. Đêm đó chúng tôi không ngủ. Tôi và anh Sum ngồi trong hầm nghiên cứu bản đồ và bàn đối phó với âm mưu địch.

Sáng hôm sau, khoảng 5 giờ 30, lại một loạt B52 nữa. Ba chiếc rải ba loạt bom xuống, đúng vùng kho. Dây nói đứt. Tôi cử một đồng chí trung tá xuống xem xét tình hình. Một lúc sau, tôi được nghe báo cáo toàn bộ ban chỉ huy kho đã hy sinh. Tôi lặng người đi một chốc. Tôi ra lệnh:

- Đồng chí Úy, trung tá, thay các đồng chí đã hy sinh làm chỉ huy trưởng khu kho. Các đồng chí thông báo cho đơn vị biết, tôi sẽ cử hai đại uý đến làm cấp phó cho đồng chí. Bí thư Đảng uỷ khu kho, do đồng chí kiêm nhiệm. Chú ý làm tốt công tác tử sĩ. Cán bộ tăng cường cho đồng chí sẽ lên đường sau 5 phút.

Tôi đưa máy nói cho anh Sum và ra điều động cán bộ xuống tăng cường cho kho.

Đúng 7 giờ, sau đó vài phút, đã nghe có tiếng phành phạch. Chỉ một loáng sau, bầu trời lại đầy trực thăng và không gian tràn tiếng rú của máy bay phản lực. Anh em ta lại bước vào một ngày nữa quần nhau với địch. Khoảng hai giờ sau, anh em ta bắn rơi một chiếc F4. Xác nó rơi ở xa, ngay cạnh đường trục vận chuyển.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #114 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2010, 01:10:09 pm »

Còn một chiếc H34 (trực thăng) bị bắn rụng như một quả chuối thối khổng lồ, rơi lăn kềnh ra ngay trong khu kho, xuống đất, chiếc cánh quạt còn dốc hết hơi tàn ra quay rè rè một chốc rồi mời è è đứng lại. Trong máy bay có khoảng hai chục thằng nguỵ Sài Gòn, mặt mũi non choẹt, nhớn nhác. Hai thằng Mỹ mặt đỏ gay râu tóc xồm xoàm ngồi trong buồng lái. Hai khẩu “côn" thu lu trong những cái bàn tay lông lá cứ gầm ghè bắn ra, nhưng không dám mở cửa kính ra, vì sợ ăn đạn. Chúng quát như say rượu. Bọn lính nguỵ sau khi máy bay dừng khựng lại, nhảy lóc cóc xuống. Thằng nào thằng nấy mắt trước mắt sau hốt hoảng vừa chạy vừa bò, lom khom tìm chỗ ẩn nấp quanh chân máy bay. Có một thằng bị các bánh xe kẹt ngang người, nằm vật vã trên mặt đất, giãy giụa la oai oái như con chó bị chọc tiết. Mấy thằng khác đang chạy lên, nằm sụp xuống, giơ cả tay súng lên trời. Chúng vấp phải một tràng súng máy réo qua tai, vài thằng ngã vật xuống giãy giụa, còn thằng nữa ẹp xuống vạt đất máy bay hạ cánh.

Đồng chí chỉ huy súng máy, nhảy ra khỏi công sự, quát to:

- Giơ tay hàng thì sống! Bỏ súng xuống!

Chúng nó vứt súng xuống đất loạch xoạch như vất những que củi mục, hai tay giơ lên trời như tế sao. Miệng há hốc, chân run lập cập.

- Chúng em... Xin hàng... Các anh tha cho.

Nhiều thằng chưa bị một viên đạn nào mặt đã trắng nhãn, như xác chết. Chúng đứng tại chỗ, ngay trước chiếc máy bay, chờ mình tới bắt làm tù binh, không dám tiến lên một bước nào, cũng không dám quay đầu chạy vì sợ ăn đạn. Mình cho anh em bộ binh và pháo thủ ra tóm gọn cả lũ 18 thằng. Đây là toán tù binh đầu tiên. Chúng nó kêu la, van lạy "Các anh giải phóng, tha tội chết cho chúng em, chúng em bị động viên ép buộc". Ta cho trói dẫn chúng đi và ra lấy hết đầy đủ vũ khí chúng vất bỏ lại, toàn AR 15 và cối cá nhân.

Thật là vất vả với cái “của nợ" này, xô vào hầm nào chúng cũng chỉ sợ B52 quẳng trúng đầu. Cái giống lính ở đâu mà nhát như thỏ. Mình đành phải cho người áp giải chúng nó ra phía sau. Rắc rối quá! Đơn vị nào cũng bị thương vong không có người cầm súng đánh giặc, lại phải cắt cử người ra trông coi chúng nó.

Thằng nguỵ Sài Gòn bị kẹt dưới bánh xe cứ nằm nhắm mắt ở đấy, miệng kêu đã rát, chỉ còn ư ử như sắp chết.

Trong đội hình chiến đấu chống quân trực thăng đổ bộ của Mỹ nguỵ hôm đó lại xuất hiện con người mà xưa nay tôi từng cảm mến: Đào Lương.

Đào Lương tình nguyện tham gia kế hoạch này cho nên, đến lúc cuộc chiến đấu chống quân đổ bộ đường không diễn ra, anh vẫn cùng chiếc xe tải nằm lại trong vùng kho S5. Anh tham gia vào đội hình đánh máy bay như một chiến sĩ bộ binh thực sự.

Thấy tên nguy binh vật vã, la hét thảm khốc dưới bánh xe trực thăng Mỹ, Đào Lương đến dưới càng trực thăng lấy một chiếc xà beng để bẩy cái bánh xe máy bay ra, định cứu tên nguỵ đã kiệt sức kia. Hai tên giặc lái Mỹ, mặt đỏ như say rượu, nham hiểm nhoài người ra khỏi cửa kính buồng lái, nhằm đúng thân hình Lương đang cúi lom khom bậy bánh xe cứu tên lính nguy.

- Đoàng!

Tiếng súng từ tay tên Mỹ phát ra khô khốc. Tên Mỹ rụt đầu khỏi cửa kính, đóng sập cửa lại, mặt vừa lấm lét, vừa sợ hãi, loay hoay như con chim trong lồng bị lửa đốt, muốn bay ra, nhưng không bay ra nổi. Đào Lương bị trúng đạn vào lưng xuyên ra bụng, nằm vật ra một bên. Anh em xúm lại khiêng ra ngoài, đi cấp cứu. Hai tên Mỹ vẫn hầm hè cố thủ trong buồng lái trực thăng. Sự việc này được báo cáo kịp thời lên Bộ tư lệnh. Anh Sum gọi điện nói cho tôi. Tôi uất lắm, gọi đồng chí thiếu tá trực chiến hôm ấy, bảo:

- Đồng chí xuống đó xem tình hình ra sao. Gọi hàng bắt sống cho được hai tên giặc Mỹ này. Nếu nó vẫn ngoan cố tôi cho phép sử dụng một phát B40 nhè cho trúng, thiêu sống chúng luôn với cả chiếc máy bay trực thăng, không lôi thôi gì cả.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #115 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2010, 01:11:18 pm »

Các đồng chí xuống một lúc thì tôi nghe thấy tiếng nổ “rầm" của phát B40. Mà kể ra, cũng không có cách gì xử lý khác hơn được. Vì từ khi có chiếc trực thăng rơi xuống đây nó gọi máy bay phản lực F4 cứ bay quần đi quần lại xung quanh, đánh bom phá vung vãi khắp cả, rất là nguy hiểm. Sau khi phá huỷ xong chiếc trực thăng, phản lực Mỹ mất mục tiêu cũng hết đường bắn phá.

Còn đồng chí Lương, sau khi được khiêng về trạm xá, được các đồng chí quân y ở đây cứu chữa rất tận tình, tiếp máu mấy đợt mà vẫn hôn mê, mạch thoi thóp hơi thở có lúc như ngừng hẳn, huyết áp tụt xuống không vực lên được nữa. Vết thương vào vùng ruột khá nặng, đã cắt hai đoạn ruột, nhưng sau đó lại viêm phúc mạc, rất khó phương cứu chữa. Nhưng khi tỉnh, thì đồng chí vẫn tươi cười hỏi nhiều về cuộc chiến đấu, về chiếc trực thăng; nhất là về chiếc xe của đồng chí.

Tôi nghe tin Đào Lương như vậy, tôi thương lắm. Sáng hôm sau, chiến sự đã tạm yên tôi tranh thủ xuống trạm xá, đi thăm anh em một lượt rồi vào chỗ Đào Lương. Lúc đó mới khoảng năm giờ rưỡi sáng.

Tôi sờ vào trán Đào Lương, trán lạnh và ướt đẫm mồ hôi. Tôi hỏi đồng chí bác sĩ.

- Thế nào, đồng chí bác sĩ, còn tia hy vọng nào không? Đồng chí này anh dũng lắm đấy.

- Báo cáo thủ trưởng, bị viêm phúc mạc cấp tính khó cứu lắm.

- Tôi đề nghị các đồng chí quân y, bằng mọi cách cứu bằng được đồng chí đó.

Tôi quay sang phía đồng chí Lương, tôi gọi.

- Đào Lương, Đào Lương. Có biết tôi là ai không?

Lương mở khẽ hé đôi mắt nhìn tôi, gật đầu, nhếch mép. Tôi hỏi:

- Thế bây giờ Lương có muốn nhắn ai cái gì không?

Giọng yếu ớt như nói trong cổ họng, Đào Lương nói chậm rãi :

- Quê em ở Vĩnh Phú, cùng quê với anh hùng Nguyễn Viết Xuân. Nếu sau này, có ai về gần đấy, đề nghị thủ trưởng bảo cho mẹ em biết rằng em đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển cũng như trong chiến đấu.

Điều băn khoăn của Lương là Lương chưa biết sẽ lấy ai làm tiểu đội trưởng tiểu đội lá cờ đầu của anh. Tôi an ủi:

- Lương cứ yên tâm. Cấp cứu đây cho ổn rồi sẽ chuyển về hậu phương chữa, không lo lắng gì cả.

Tôi ngừng một lát rồi hỏi tiếp:

- Thế bây giờ Lương thấy còn vấn đề gì nữa không?

Anh ngập ngừng đáp:

- Xưa nay, tôi rất thích nghe hát chèo. Giá bây giờ có ai hát cho tôi nghe một bài!

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #116 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2010, 01:12:16 pm »

Tôi quay ra hỏi đồng chí bác sĩ: ở đây còn có cô nào biết hát không đồng chí? Trước đây, tôi đã có một cuộc vơ vét, dồn hết chị em nữ ra phía sau. Nhưng không hiểu sao trong trạm xá này lại còn lọt lưới lại ba cô y tá. Có một cô tên là Nguyệt. Vì là nữ y tá không có người thay nên các cô ở lại. Trong trận B52 vừa qua, các cô này đã chiến đấu, phục vụ, cấp cứu người bị bom, đạn rất dũng cảm. Đồng chí bác sĩ gọi ba cô vào giới thiệu:

- Đây là đồng chí Nguyệt văn nghệ giỏi lắm. Bây giờ cô hát một bài cho đồng chí thương binh nghe nhé.

Cô Nguyệt và hai cô kia cất tiếng hát se sẽ "Bài ca hy vọng”.

“Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng
Cánh chim, xao xuyến gió mùa thu…”

Đào Lương lim dim đôi mắt nghe - Nghe xong anh nhếch mép cười, yếu ớt nói:

- Giá được nghe bài "Dương liễu một cành".

Tôi vẫn băn khoăn chưa hiểu sao có những chiến sĩ ta mê hát chèo như vậy. Tôi quay sang hỏi mấy cô y tá:

- Vậy ở đây có đồng chí nào biết hát bài "Dương liễu một cành" không?

Cả ba cô đều lắc đầu. Một lát sau cô Nguyệt ngượng ngùng đáp:

- Về dân ca, em chỉ biết có mỗi một bài "Ai xui là xui cây lúa chín" theo điệu gì, em cũng không biết nữa, nhưng mà em thích lắm.

- À điệu "Sắp qua cầu", thế thì hay lắm, hát đi.

Nguyệt bắt đầu cất tiếng hát, giọng dìu dịu, nghẹn ngào, chứng tỏ là cô đang xúc động.

"Ai xui là xui bông lúa chín
À lúa a nặng trĩu ỳ ý bông ý ỳ y y ỳ ỳ...
À lúa y bông, nặng trĩu, em mong anh về, a là về”.

Đào Lương không nghe được hết bài hát, anh khẽ trở mình, rồi đôi mắt đờ đẫn, đôi tay quờ quạng anh thở hắt ra.

Các cô y tá bỏ hát, nhào lại bên giường lay mạnh:

- Anh Lương ? Anh Lương !

Người Đào Lương đã mềm nhũn, cánh tay để cạnh băng ca bỗng rơi xuống, tôi cầm tay đồng chí đặt lên, bàn tay anh lạnh ngắt, tôi nắm bàn chân đồng chí, bàn chân cũng lạnh ngắt, và màu da đã chuyển sang vàng. Đào Lương đã vĩnh biệt chúng ta như thế. Trong tiếng khóc sướt mướt của mọi người, chúng tôi giàn giụa nước mắt, lặng lẽ vĩnh biệt anh. Đào Lương quê ở Vĩnh Phú; là đảng viên dự bị. Tôi cứ nghĩ mãi về mấy dòng lý lịch quá đơn sơ ấy. Đến phút cuối cùng, điều băn khoăn duy nhất của anh là lo cho đơn vị, lo cho công việc mình đang làm dở.

Tôi sực nhớ ra một trường hợp khác giống như vậy. Hồi tôi đi ở đường 9, gặp một cái cáng cấp cứu thương binh đi qua. Tôi mở chăn đắp ra, thấy đồng chí đại đội trưởng kho mà tôi quen biết. Đồng chí ấy ngước mắt nhìn tôi, mấp máy đôi môi như muốn chào. Tôi hỏi: “Đồng chí có muốn nhắn lại gì không?". Đồng chí ấy chỉ thều thào nói:

- Đề nghị thủ trưởng cử đồng chí chính trị viên thay tôi làm trưởng kho. Còn đồng chí đại đội phó thì còn non yếu, chưa làm đại đội trưởng được. Đề nghị cấp trên bổ sung cho một đồng chí chính trị viên khác.

Cái chết của đồng chí đại đội trưởng kho cũng ung dung thư thái như cái chết của Đào Lương lúc này. Trước cái chết của các đồng chí ấy, mọi người, trong đó có tôi đều thấy mình lớn lên nhiều.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #117 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2010, 01:12:52 pm »

*
*   *

Ngày thứ ba, địch tiếp tục hạ trực thăng xuống nhiều. Lực lượng của ta lúc đó có vẻ mệt mỏi. Tôi bàn với anh Sum, chủ trương vét tất cả lực lượng cuối cùng. Các khẩu 12 ly 7, chỉ để hai người, một người lắp đạn, một người bắn. Còn lại cầm súng trường, chuẩn bị đánh bọn biệt kích. Mấy đồng chí anh nuôi, tôi cũng cho đi đánh địch nết. Còn lại một tiểu đội bảo vệ chỉ huy sở, chúng tôi huy động lực lượng, đánh một ngày hôm đó nữa, khá ác liệt.

Ngày hôm trước, chúng vừa bị chúng ta choảng cho một mẻ, ta bắn rơi một số máy bay, chúng chết tại trận một số, một số bị bắt làm tù binh. Hôm sau lại bị xơi luôn mấy cái trực thăng nữa. Đến khoảng 2 giờ chiều ta đã bắt được hơn 100 tù binh. Đây là đám lính trực thăng đổ bộ xuống, anh em ta vây đánh, nó hoảng sợ bỏ chạy, rúc hết vào một cái khe đá. Anh em ta đến, bắt hết được ngay cả lũ
Kinh nghiệm, nếu tụi lính mà đã vứt súng bỏ chạy thì chẳng cần đuổi, mất công. Chúng tôi tập trung hoả lực vào mấy cái trực thăng, bắn rụng trực thăng, cháy trực thăng, tan xác trực thăng, thì chúng nó không làm gì được. Cứ thấy súng bắn tới tấp, mấy thằng xuống đất tan xác thì lũ trên trời chỉ có mà chuồn.

Khoảng hơn một tiếng sau, anh em ta lại xoay vào bao vây một chiếc trực thăng vừa đặt càng xuống đất. Chiếc này thật ra là trúng đạn và rơi. Máy bay bị bắn bốc cháy. Hai thằng Mỹ ở trong nhảy ra, anh em bắt được. Vậy là trong đám tù binh, nay lại có thêm hai vị "khách nước ngoài" thuộc quân đội "Huê kỳ", thuỷ quân lục chiến chính cống!

Ngày thứ ba kết thúc với thắng lợi giòn giã!

Chiều tôi cho các trận địa, các kho và đơn vị phối hợp củng cố lực lượng, rút kinh nghiệm các trận đánh ba ngày qua, nghỉ ngơi và sẵn sàng tiếp tục chiến đấu.
(Rút trong tập Đường Hồ Chí Minh)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #118 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2010, 05:33:23 pm »

Đại tá Nguyễn Việt Phương
ĐƯỜNG CỔNG TRỜI

Đến cuối tháng 11 năm 1970 thì âm mưu chiến lược của "Nhà trắng" bị lộ rõ. Vì sau khi. Mỹ xâm lăng Cămpuchia thất bại, thì cuộc chiến tranh giải phóng của ta và bạn càng lên mạnh. Nichxơn vội quyết định mở chiến dịch tấn công lên đường Hồ Chí Minh để hòng cứu vãn bọn nguỵ miền Nam. Nhưng kẻ địch vẫn giữ kín hướng tấn công chủ yếu. Máy bay địch tăng cường độ đánh gấp 2 - 3 lần vào các đường vượt khẩu bằng các thủ đoạn mới, rất khốc liệt.

Đường 20, kẻ địch bỏ khu vực Ta Lê, B52 tập trung đánh suốt ngày đêm vào dốc Chà Là. Cứ cách 1 giờ đến 1 giờ 45 phút chúng đánh một trận trên đoạn dốc kéo dài 7km. Cắt ở chỗ này thì tất cả mọi đường vòng tránh khu vực Ta Lê, Phu La Nhích trở nên vô nghĩa.

Đường 12, kẻ địch bỏ khu vực 050 sau khi đã có đường tránh mới. Nó tập trung B52 và phản lực đổ bom đạn xuống con đường chạy trong thung lũng Seng Phan. Hai đầu khoá bằng bom từ trường. Muốn đi tránh cái túi lửa, hai bên núi đá dựng đứng thì phải vòng xa trên 70km.
Đường 16 máy bay Mỹ cứ nhè vào khu vực ngã ba đường 9 - đường 16 mà đổ ào bom các loại.

Đường 18, đi trong lòng sông "M". Nó bắt đầu từ đoạn đường tránh chân đèo lên đỉnh ngàn linh một quặt sang phải, đi vào lòng ngọn rào rồi bắt sang lòng sông "M".

Hai đội khảo sát đã lặn lội mấy tháng vừa tìm hướng vừa khảo sát mới tìm được con đường đi từ lòng nhánh sông này bắt sang lòng nhánh sông khác, quanh queo luồn mạch dưới chân hệ thống núi đá vôi đi ngược mãi lên, hướng ra đường 9. Một trung đoàn công binh làm suốt cả mùa khô năm trước mới dọn được đá, phá thác làm thành mặt đường dưới dòng nước chảy sâm sấp. Con đường này hoàn toàn bịt được mắt địch. Nhưng do vụ cháy xăng trên dòng sông, kẻ địch bắt đầu chặn đánh một vài chỗ. Thời gian này nó cứ nhè vào đấy mà đổ bom đạn.

Như vậy là tất cả mọi trục, mọi hướng vượt khẩu đều bị địch đánh mạnh. Các binh trạm dồn dập báo cáo về Sở chỉ huy Bộ tư lệnh những thông tin không vui.

Ngày 05 tháng 12, B52 đánh đỉnh đèo Y đường 16, sụt 3 nghìn khối, tắc đường, bị thương 7 đồng chí. Cùng ngày, B52 đánh 8 trận vào dốc Chà Là, 4 đồng chí hy sinh, 8 bị thương.

Ngày 6 tháng 12, B52 đánh đường 18, tắc suốt đêm.

Địch đánh B52 vào đường 12 cháy 5 xe, hy sinh 4 đồng chí.

Ngày 7 tháng 12 ...

Tình hình thương vong, tổn thất xe máy, súng, pháo cứ tăng mãi lên. Tình hình vận chuyển các cửa khẩu rất căng thẳng.

Binh trạm 27 tắc 5 ngày, binh trạm 14 tắc 7 ngày chưa thông được một xe nào.

Binh trạm 12 đã tắc 9 ngày, các binh trạm khác đều không đi được. Binh trạm 12 tổ chức cho 1 trung đội xe đì đường tránh qua bản Đủ - bản Xiêng Đao - Khe Lét vòng trở lại đường 128, vượt qua Pắc Pha Năng. Nhưng 6, 7 ngày không gọn một chuyến, mà chẳng nắm được tình hình đơn vị.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #119 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2010, 05:34:41 pm »

Anh Long phó tư lệnh trực chỉ huy, cả đêm bám máy điện thoại gọi đi các hướng kiểm tra, gợi ý đôn đốc thực hiện. Nhưng đến buổi giao ban, nghe báo cáo, anh cứ như ngồi phải lửa, rít khe khẽ trong miệng:

- Chết thật! Làm thế thì sao được? Không chỉ huy thì vận chuyển gì? Chà chà... 

Chiếc đầu tròn, tóc cắt ngắn bạc phếch của anh cứ day qua day lại, cất giọng chát chúa:

- Thông tin gì, tệ hại quá... cao xạ đánh chẳng ra quái gì. Thủ trưởng các cục phải đi xuống thôi, cần thiết phải nắm lấy mà chỉ huy...

Tôi chưa mấy khi thấy không khí buổi giao ban nặng nề đến thế. Sau cuộc họp, tôi về phòng làm việc. Nhìn vào bảng kế hoạch do các đồng chí trợ lý đã lên những dãy số chỉ tiêu tiến độ mà ngại. Phải có biện pháp cụ thể thế nào chứ không thì...

Tôi chớp mắt. Không dám nghĩ nốt. Vì những hàng chữ số đó đây không phải do suy nghĩ giản đơn mà nó đã được thông qua bao nhiêu cuộc bàn cãi, cân đối giữa nhiều ngành, tham khảo ý kiến của đơn vị thực hiện, căn cứ vào khả năng thực tế nhất là dựa theo yêu cầu tối đa và tối thiểu của các mặt trận... Thế mà bây giờ gạch đi cắt xén bớt đi ư!

Hồi chuông điện thoại réo lên cắt ngang dòng suy nghĩ, tôi ngẩng đầu với tay cầm máy. Tiếng anh Mai Trung:

- Mời anh lên chỗ Bộ tư lệnh.

- Chuyện gì gấp thế? Ai hỏi?

- Tôi cũng chưa rõ. Anh Nguyên bảo gọi anh.

Tôi suy nghĩ một chút, rồi đứng lên đeo xà cột mang súng, đội mũ, chống gậy đi lên đồi chỗ đồng chí tư lệnh trưởng vừa ở vừa làm việc.

Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên thấy tôi ăn mặc khác mọi ngày thì cười nói:

- Hôm nay cậu nai nịt cẩn thận thế!

- Báo cáo anh! Vào giờ này được lệnh gọi bất thường thì chỉ có đi công tác đột xuất.

Đồng chí Nguyên cười khe khẽ thành tiếng thật dễ chịu:

- Ừ! Thế đồng chí nghe nhiệm vụ rồi đi.

Đồng chí Nguyên nói lại chủ trương của thường vụ Đảng uỷ họp bất thường. Vẫn kiên trì quyết tâm thực hiện bằng được những chỉ tiêu không giảm yêu cầu, ngược lại vẫn chuẩn bị tư thế khi có thời cơ thì tăng lên. Kẻ địch hung hăng thế, nhưng do ta còn kẽ hở trong tổ chức chỉ huy. Khắc phục điểm đó sẽ thắng lợi.

Bộ tư lệnh chủ trương tăng cường chỉ huy trực tiếp cơ sở. Đường 20 là hướng chủ yếu, đồng chí Hoàng Thế Thiện phó chính uỷ trực tiếp đến kiểm tra chỉ đạo có cán bộ vận tải tác chiến công binh đi theo. Khu vực binh trạm 32, đồng chí Quang Bích phó tư lệnh trực tiếp chỉ đạo tác chiến ở đây. Binh trạm 27, do đồng chí Phan Hữu Đại cục phó chính trị xuống trực tiếp làm binh trạm trưởng kiêm chính uỷ. Đường 12, cử tôi là cục phó vận chuyển đến đây giúp các đồng chí binh trạm gỡ khâu vận tải, đánh địch. Cần chọn ai đi cùng thì bàn với cơ quan.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM