Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 01:41:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111413 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #90 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:19:03 am »

Trong chiến đấu, vấp phải gian khó, vất vả là chuyện thường tình. Từ hội nghị Đại Trạch này, phải tạo ra một bước ngoặt, lật những trang sử sáng ngời, bước ra khỏi những lúng túng ban đầu vừa qua.

Muốn thế, phải có những bước chuyển biến quan trọng trong tư tưởng, có quyết tâm thật cao. Phải chuyển biến sâu sắc trong phương thức vận chuyển mới, trong tổ chức, trong hiệp đồng binh chủng... Phải có một kế hoạch khoa học, một cách chỉ huy mới đối với tuyến chi viện chiến lược với phương thức vận chuyển cơ giới ngày càng quy mô, to lớn.

Trong cuộc hội nghị quân chính Đại Trạch, mọi người đều cố tìm cách gỡ sao cho thanh thoát các vấn đề với hàng đống khó khăn chồng chất như: mưa lũ khắc nghiệt, túi nước mênh mông sẽ tiếp diễn hàng năm; địch đánh liên miên, thủ đoạn ngày càng thâm độc, xảo quyệt, bom đạn, chất độc hoá học rải dầy đặc, ác liệt; khối lượng đất đá mở đường quá lớn. Mỗi thước đường vươn dài trên Trường Sơn để ô tô chạy được, không chỉ đổi bằng tiền của, công sức mà bằng máu nữa. Thiếu đói liên miên, sốt rét ác tính, phù thũng, đau ốm... Một mùa đã thế, kéo dài hàng năm vận chuyển sau này thì đối phó sao đây?

Nhưng từ khó khăn, những suy nghĩ mới, phương pháp nhìn nhận sự vật theo cách mới mẻ, biện chứng đã xuất hiện.

Hãy dứt khoát với nhau, mùa khô vừa qua, Đoàn 559 không hoàn thành nhiệm vụ, công sức bỏ ra nhiều mà hiệu quả ít. Nhiệt tình cách mạng trên tuyến không ai phủ nhận được. Mỹ giàu thật, nhiều phương tiện hiện đại thật, nhưng nó gây cho ta thiệt hại, đánh trúng xe, đánh trúng đường một phần vì ta dở. Đường sá gì mà cứ như cái ngõ hẹp. Mở toang đường, mở thật rộng, vươn thật dài mà đi? Địch đánh mạnh ư? Hãy tổ chức đánh trả! Sao cứ hết phòng lại tránh? Phòng tránh suốt thì nhích lên phía trước làm sao? Chiến tranh tất phải có hy sinh tổn thất. Lao động xây dựng mà vụng dại còn tổn thất, huống hồ đánh Mỹ. Lịch sử không quay lại thời đồ đá nữa thì Đoàn ta không thể quay lại cảnh gùi thồ triền miên mãi. Gùi thồ cũng hy sinh, tổn thất dù có kém chi?

Ở hội nghị Đại Trạch, cuộc đấu tranh giữa những tư tưởng tích cực và tiêu cực, giữa những nhận thức có phần đơn giản và nông cạn với tầm nhìn, sự đánh giá đúng mức, khá gay gắt. Với tinh thần thảo luận thấu đáo vì việc chung, đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đoàn 559 tranh luận, phân tích hết nhẽ để tìm biện pháp, kế hoạch ưu việt nhất cho mùa vận chuyển sắp tới.

Sau hội nghị cán bộ ở Đại Trạch, đầu tháng 6 năm 1960, đại tá Hồng Kỳ được Bộ tư lệnh Đoàn 559 cử ra báo cáo với Quân uỷ Trung ương về tình hình làm ăn của Đoàn.

Dịp này, Quân uỷ Trung ương đang họp để bàn về chuẩn bị các cuộc tiến công chiến lược mùa khô 1966- 1967.

Đồng chí Đinh Đức Thiện, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần thân mật nói với đại tá Hồng Kỳ:

- Cậu chuẩn bị báo cáo để Quân uỷ Trung ương nghe đầy đủ nhất về con đường vận tải của chúng ta. Phải nói cho thật hết những khó khăn, thuận lợi, càng cụ thể được nhiều thì càng tốt. Nhưng, con đường vận chuyển thì sẽ phải tính sao làm to, làm mạnh lên.

Ngừng một lát, đồng chí chậm rãi tâm sự:

- Nghề hậu cần của ta hiện nay té ra lại phải mò mẫm. Kẻ địch mới, tình hình mới mà? Năm vừa qua, công sức bỏ ra nhiều mà kết quả thu được chưa cân xứng. Keo tới phải có cung cách làm ăn mới?

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #91 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:19:12 am »

Vài hôm sau, đồng chí Hồng Kỳ được vào gặp Quân uỷ Trung ương.

Đại tá Hồng Kỳ đã báo cáo về đường vận chuyển cơ giới ở Trường Sơn.

Trên đường vận chuyển cho chiến trường miền Nam, địch ngăn chặn rất gắt gao. Bom đạn ác liệt, thủ đoạn đánh phá của chúng chủ động, thâm hiểm và xảo quyệt. (Đại tá nêu ra những con số về các trận địch đánh phá tiêu biểu ở đường 9, ở Tha Mé, Tà Beng, La Hạp, Tha-pa-chôn, Pác Pha Năng...).

Tuy nhiều bom đạn nhưng địch cũng bị hạn chế. Không lực Hoa Kỳ bắt đầu hoang mang trước một "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Ta mở nhiều đường xe chạy, địch càng bị phân tán mục tiêu. Địa hình Trường Sơn phức tạp, rừng núi trùng điệp, địch khó thấy, chúng tốn nhiều bom đạn mà hiệu quả ít. Ngay những trọng điểm nếu có hầm hố phòng tránh tốt, ta vẫn khắc phục nổi khi đường bị tắc, bất kể ngày hay đêm.

Bộ đội Trường Sơn chưa hoàn thành nhiệm vụ, vì chưa có kinh nghiệm, ban đầu lúng túng, nay đã tìm cách khắc phục được nhiều, có thể bảo đảm được vận chuyển bằng cơ giới. Cán bộ phần đông chưa được học tập cơ bản, thiếu những kiến thức về nghệ thuật vận tải quân sự, về cuộc chiến đấu trên mặt trận mới này. Nhưng nghiêm khắc về mặt tư tưởng tiến công. Lực lượng vận chuyển cơ giới đánh giá địch quá cao, không tìm mọi cách để đánh địch mà đi, mở đường mà tiến.

Đại tá cũng trình bày kỹ về những gương chiến đấu sáng đẹp, về tinh thần chịu đựng dũng cảm, quên mình, vượt mọi gian khó của anh em bộ đội, thanh niên xung phong.

Về một số cán bộ có ý kiến muốn trở lại đường vận chuyển bằng gùi thồ, lấy phương tiện chính là xe đạp, dại tá Hồng Kỳ tường trình rõ sự việc và con số:

Nếu chuyển bằng xe đạp, để được số hàng tương đương của một đại đội xe ô tô như năm 1965 - 1966, thì sẽ phải huy động tới 60.000 chiếc xe đạp. Chỉ tính việc lắp xe thôi, thì bao giờ mới lắp cho đủ... Đường thồ có an toàn hơn thật, nhưng làm sao đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của chiến trường.

Sau khi nghe đại tá Hồng Kỳ báo cáo. Quân uỷ Trung ương kết luận. Qua thực tế chiến trường càng làm sáng tỏ thêm quyết tâm chiến lược của Đảng. Càng phải kiên quyết tiếp tục tiến hành làm đường vận chuyển bằng cơ giới sao cho thật tốt hơn nữa. Phải mở đường vươn sâu vào phía trong để việc chi viện cho các chiến trường ngày càng thêm ổn định và vững chắc.

Đây là một bước ngoặt vô cùng to lớn của lịch sử con đường mang tên Bác, chuẩn bị bước vào một mùa vận chuyển thắng lợi rực rỡ, góp phần chuẩn bị tích cực cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt năm 1968 của quân và dân miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh cục bộ ác liệt nhất của đế quốc Mỹ.
(Rút trong tập Đường mang tên Bác, tập I NXB QĐND, 1984)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #92 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:20:05 am »

Thượng tá Hoàng Xuân Điền
VƯỢT SÔNG BẠC MÙA XUÂN 68

Lúc bấy giờ tôi vẫn làm binh trạm phó binh trạm 34 chuyên trách giao liên. Mỗi tháng về Binh trạm bộ dăm ba ngày họp hành, tôi cứ bám riết phòng trực ban để hỏi anh em vận tải cốt tranh thủ cao nhất chở gạo cho các trạm giao liên. Tôi tự nhủ mình kiêng nghe điện thoại. Có ai gọi gì cho mình đâu mà nghe! Nếu giao liên gọi về đã có đồng chí trực ban rồi. Chẳng có gì chán bằng việc cầm ống nói lên nghe mọi người cứ hỏi về xe cộ, xăng dầu, hàng họ, cầu đường mà mình chẳng hiểu mô tê gì để trả lời.

Nhưng vào cái ngày đầu tháng 11 - 1967 tôi đang ngồi chơi ở nhà anh Quỳ (anh ấy xuống phòng trực ban) đọc mấy tờ báo thì tiếng điện thoại reo lên. Tôi định phớt lờ nhưng lại nghĩ:

- Ừ thì nghe một tí xem đã sao. Nhỡ ai hỏi việc gì cần thì mình cứ xưng là cần vụ và xin ghi lại báo cáo cho thủ trưởng Quỳ là trôi chảy hết.

Tiếng chuông gắt gỏng đợt ấy vừa dứt thì tôi cầm máy, vừa áp vào tai đã nghe có tiếng nói rất nhanh: "Thủ trưởng làm việc gấp với 601".

Tôi giật bắn người, 601 là anh Đồng Sĩ Nguyên tư lệnh trưởng 559. Anh rất gần gũi với chúng tôi và tôi rất thích thú mỗi lần gặp anh. Nhưng chết nỗi, cái anh binh trạm phó giao liên có biết gì về tình hình vận tải đâu mà trả lời 601 được. Mà gọi gấp thì chỉ hỏi tấn tạ, cầu đường, xe cộ mà thôi?

Tắt máy đi thì cũng dở, cầm thì chán ngán vô cùng: ăn làm sao nói làm sao về những điều mình ù ù... cạc cạc đây. Tôi nhẩm lại các vấn đề chính của giao liên, chọn ngay việc xin thêm thuốc và thực phẩm cho bộ đội hành quân.

Đầu kia có tiếng anh Nguyên nói tới rõ ràng và lộ nhiều phần sốt ruột - "A lô!”.

- Tôi là Điền đây ạ !

- A, anh Điền mới ở đường giao liên về phải không?

Giọng anh chuyển sang nhẹ nhàng, có phần thân thiết vui lòng. Chúng tôi biết rõ tính tư lệnh lắm. Lúc nào nói điện thoại mà gọi ai bằng: "đồng chí" là lúc không vừa lòng rồi. Còn lúc gọi "Anh...” gọi "Cậu..." là lúc thoải mái. Tôi vui hẳn lên. Nhưng vẫn sẵn sàng chờ đón một cuộc tấn công. "Tư lệnh quyết thắng" của chúng tôi chẳng bao giờ gọi điện nói chuyện phiếm. Mỗi lần 601 gọi thì anh nào cũng nhận được hàng đống nhiệm vụ ngập đầu.

Tôi sợ quên nên cứ nhẩm lại việc thuốc xin thực phẩm cho giao liên, đợi 601 nói xong là phản công lại liền. Phải chọn câu chữ thật ngắn rõ mới được?

Nhưng anh Nguyên chưa nói. Tiếng khịt mũi cứ phát ra liên tục đầu máy 601. Anh Nguyên đau mũi lâu năm, chữa mãi chưa khỏi. Chúng tôi rất thương anh mỗi lúc thấy anh đau mũi khó thở, phải khịt nhiều mà anh làm việc liên miên, xông xáo khắp nơi, ngày nói điện thoại liên tục, đêm phải bám chắc gần 40 binh trạm và bao cơ quan, đơn vị để chỉ huy toàn lực hàng chục vạn quân rải rộng khắp mấy ngàn kilômét Trường Sơn giành giật thắng lợi ở từng mét đường, từng tạ hàng, từng người lính hành quân, từng hạt gạo viên đạn chi viện chiến trường!

Anh khịt mũi vì đau mũi. Nhưng qua làm việc nhiều lần với anh, chúng tôi còn khám phá ra có lúc anh giữ thói quen đó để cân nhắc suy nghĩ thêm, để tự kiềm chế những tình cảm, ý nghĩ bột phát, để xem xét thêm cho chín.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #93 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:21:01 am »

Tôi cầm máy nghe tiếng khịt mũi kéo dài, liền đoán mò tếu: Mình bị tư lệnh túm gáy là chuyện mình bất ngờ. Còn tư lệnh gọi điện cho ông Quỳ hẳn có việc gấp lắm, nhưng lại vớ phải mình, chắc còn bị bất ngờ hơn nữa. Bóng đang ở chân tư lệnh, nhưng trái giò thế này, chưa biết sút ra sao đây? 601 khịt lâu là để nghĩ một mẹo gì nói cho hợp ý mình, ừ 601 biết mình mù tịt về vận tải. Để xem "Tư lệnh" sẽ xử trí với mình ra sao?". Tôi thích thú như đứa trẻ con đang làm một chuyện tinh nghịch.

Bỗng 601 nói tiếp:

- Anh Điền có giấy bút không?

- Dạ, tôi đã có sẵn.

Anh Nguyên nói thong thả, nhẹ nhàng như giao việc đã cân nhắc tính toán sẵn từ trước để nói với Anh.

- Anh ghi cho tôi cái điện này nhá:

“Gửi đồng chí Lê Đa và đồng chí Giới.

Tôi cử anh Điền, binh trạm phó BT34, đến chuyển đạt các đồng chí năm điều:

1. Các đồng chí lập tức nối điện thoại thật tốt giữa tiền phương 34 với binh trạm 35.

2. Hai đồng chí phải trực tiếp hiệp đồng với nhau hàng ngày hàng giờ chặt chẽ, chi viện cho nhau bằng mọi giá vượt sông Bạc cho được ít nhất 10 ngày - ưu tiên đưa gạo ra phía trước.

3. Nhất thiết phải đoàn kết. Không được đun đẩy cho nhau, để đổ lỗi cho nhau, cãi nhau. Có việc gì thì đồng chí gặp nhau giải quyết, không được kiện lên Đoàn.

4. Tôi sẽ nối gấp điện thoại tải ba vào các đồng chí. Lúc đó các đồng chí phải báo cáo thẳng về Đoàn mỗi ngày hai lần. Gặp trở ngại thì gọi ngay cho tôi biết.

5. Anh em phía trứớc và B2, B3 đang yêu cầu gấp nhiều hàng - nhất thiết phải vượt được Bạc.

Ký tên 601".

Tôi đọc lại bức điện gay gắt này để anh Nguyên duyệt từng chữ. Nghe xong anh dặn:

- Tôi gọi điện xuống kho K50 ở cách binh trạm bộ dăm kilômét theo đường chim bay dặn anh em giữ lại cho tôi hai chiếc xe tải trong đội hình đang nhận hàng đêm đó đi vào kho Đ nơi anh Lê Đa ở.

Tôi xuống bếp báo cơm ăn gấp rồi đi ra suối gọi đồng chí công vụ đang mò cá về chuẩn bị đi công tác. Tôi sang nhà trực ban báo anh Quỳ biết lệnh của 601. Mấy cậu trực ban nghe chuyện, đấm nhau cười. Cả phòng cười thoải mái vì rất hiểu nhau. Mỗi chúng tôi đang ôn lại trong trí nhớ những cái lệnh bất ngờ kiểu như vậy mà 601 đã nhiều lần giao cho cấp dưới.

Việc tôi đi làm sĩ quan liên lạc như thế này còn là rất nhỏ. Có những nhiệm vụ to lớn gay go quyết liệt mà tư lệnh trưởng cứ giao nhẹ nhàng như không. Có khi nửa đêm dựng dậy giao việc và giục làm ngay. Thường những lúc đó chúng tôi rất vui. Chúng tôi tin rằng Bộ tư lệnh 559 không giao việc tuỳ hứng mà theo yêu cầu của chiến trường và đã tính kỹ khả năng, nhất là cân nhắc năng lực thi hành của người cán bộ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #94 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:21:48 am »

Những biện pháp tổ chức, kỹ thuật rất cụ thể được chỉ đạo chặt chẽ, lực lượng, vật tư, thiết bị được đưa đến tận nơi đầy đủ vì vậy các nhiệm vụ đều được hoàn thành dù bất ngờ và đột xuất đến đâu. Đó là một phong cách đã thành truyền thống của 559.

Trách nhiệm với đồng bào đồng chí miền Nam trong nước sôi lửa bỏng, lòng tin tuyệt đối của Bộ tư lệnh quyết thắng Trường Sơn, lòng tin ở đoàn quân gang thép, lòng tự hào được giao nhiệm vụ ... tất cả những cái đó luôn được củng cố qua chiến đấu đã ăn sâu trong tâm tư tình cảm chúng tôi. Tiếng cười vang lên của tất cả chúng tôi chỉ thay lời mà nói với nhau như vậy.

- Anh đi đi thôi? Mình sẽ nhắc giữ xe tốt lái tốt cho? Nhớ lấy hộp sữa và cân lương khô nhé!

Anh Quỳ nói xong bắt tay tôi chặt.

Mặt trời lặn không khí chuyển lạnh se se xuống rất nhanh. Hơi nước từ khe suối bốc lên đọng thành những làn sương trắng nhẹ quấn quanh những rặng cây lúc hoàng hôn làm cho cảnh rừng thêm huyền ảo. Khi xe đến suối Ba Khe, xe dừng lại lấy nước, tôi vục cả mũ xuống múc nước còn âm ấm sức nóng ban ngày giội lên đầu cho hết bụi bậm.

Hôm đó là ngày cuối tháng âm lịch trời không trăng. Sao sáng lạ lùng, toả ánh long lanh như muôn viên ngọc. Sao hôm càng nổi bật như "kim cương chúa" trên nền nhung, ánh sao cho phép nhìn thấy người ở cách vài ba chục mét.

Khi chúng tôi đến đỉnh dốc 20 thì máy bay cành cạch B26 đến thả pháo sáng ở phía sau và cứ bám lấy quãng dốc 19 mà bắn dai như đỉa đói. ánh đèn dù từ phía sau dọi tới càng giúp xe chúng tôi nhìn rõ đường hơn và tăng tốc độ. Qua Lục Tùng Pế, chúng tôi vượt chiếc xe cuối của đội hình tiểu đoàn 54. Nửa đêm tới cổng kho Đ, tôi dừng lại vào ba-ri-e nói điện thoại với anh Lê Đa.

"Thôi cụ Điền ơi, vào đây mà nghỉ thôi. Đêm nay cụ không sang nổi chỗ ông Giới đâu mà dặn anh em đi theo tiểu đoàn trả hàng rồi về luôn”. Một đồng chí cảnh vệ ra đón và dẫn tôi vào binh trạm tiền phương.

Anh Lê Đa gặp tôi tay bắt mặt mừng, liên hoan với nhau cốc sữa trộn lương khô. Anh Bang tham mưu phó Binh trạm 34 đang ngủ, nghe chúng tôi nói chuyện ồn cũng mò dậy. Tôi đọc nguyên văn điện của Anh Nguyên cho anh Lê Đa nghe và ghi vào sổ. Tôi không thêm một lời, chỉ hẹn anh Đa muốn báo cáo gì cho 601 thì mai viết thành điện hoặc nói miệng với tôi, tôi sẽ chuyển nhanh về đoàn. Tôi nói:

- 601 bảo đêm nay phải gặp cho được anh và anh Giới. Đường tối nên tôi mới làm xong một nửa công việc. Hoàn cảnh này thì đành chịu ngủ lại. Nhưng liệu đêm mai có chắc thông đường không anh Đa? Nhất thiết tôi phải gặp anh Giới để đọc bức điện của 601.

- Chịu! Làm sao mà biết đâu mai có thông đường hay không. Nếu tôi nắm chắc thì 601 khỏi phải điện.

- Đã vậy thì sáng mai tôi đi bộ vào chỗ anh Giới, chắc có đường tắt đi sang.

Anh Đa với anh Bang bàn tính mấy phút rồi cho tôi biết:

- Phía Tây có đường giao liên nhưng nó đi chéo xuống cách xa nơi anh Giới ở. Phải hai ngày mới tới được bằng đường này. Khắp nơi đều núi cao, dốc đứng, khe sâu không đi bộ được. Nếu đi bộ thì chỉ còn có cách theo đường ô tô mà đi. Đường ô tô lượn theo bình độ các sườn núi dựng đứng, mới mở rộng được 3 mét - 4 mét chỉ đi được một xe. Đường vắt vẻo trên lưng chừng trời, nhìn lên thì bờ đất thẳng đứng cao vòi vọi, nhìn xuống thì khe sâu thăm thẳm. Ban ngày máy bay địch cứ nhè các đoạn cheo leo nhất mà đánh bom, tạt đất xuống cả nghìn thước khối, ở kilômét 88, 92, 96, 100, 101, 103, 105, dốc chó, dốc Đèo ngang v.v... OV2 lượn từ sáng đến tối, bom đạn chúng ném tuỳ thích.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #95 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:22:41 am »

Tôi nói :

- Anh Đa ạ, tôi nhận lệnh phải gặp anh và anh Giới đêm nay. Đường tắc thế này thì chậm một đêm là cùng. Vì vậy sáng mai tôi sẽ đi bộ. Tôi có đồng chí công vụ đi cùng. Đề nghị anh cho anh Bang và một đồng chí cảnh vệ biết đường đi cùng. Anh Bang sẽ giới thiệu với tôi tình hình dọc đường và sẽ thay mặt anh bàn bạc với anh Giới việc thi hành điện của 601.

Anh Đa đồng ý và giao anh Bang chuẩn bị để mai đi sớm.

Bảy giờ sáng lên đường. Từ tháng 9 trở về trước BT35 còn phụ trách đến Lục Tàng Bế, Kho Đ là một căn cứ lâu năm của BT35 được xây dựng rất công phu. Khi anh Nguyên vào kiểm tra, anh hạ lệnh cho anh em giao lại cho BT34, chuyển vào kilômét 18 nam đèo Bản Long xây dựng cơ nghiệp mới. Mặt đường ở đây được sửa sang rất bằng phẳng, vì ít xe chạy nên vẫn giữ được vẻ đẹp.

Chốc lát tôi đã tới trọng điểm 88. Ta luy dựng đứng. Cây từ lưng chừng đỉnh bị bom hôm qua đánh đổ xuống đường đã được công binh cưa chặt và đánh thuốc nổ gãy ra từng đoạn lớn, và kéo ra cạnh đường. Đất vàng tươi cả mảng dài vài trăm thước theo sườn dốc chạy dài ra.

Hết đoạn trọng điểm lại đến vài kilômét đường bình an vắng lặng, cây cao dăm bảy mét toả cành rộng che hai bên đường mát dịu. Càng đi thì đường càng cheo leo, vực càng sâu thăm thẳm. Trọng điểm 100 103 càng rộng lớn hơn. Anh Bang chỉ cho tôi một chiếc xe nằm ngửa bốn bánh lên trời như xác một con rùa lớn

- Xe ấy chở thuốc nổ, đã đến bờ sông Bạc không sang được phải quay lại kho nên mới trật bánh lao xuống đấy anh ạ. Mất tất cả! Hai ngày mới đưa được thi hài đồng chí lái xe về nghĩa trang

- Đã vào đến sông Bạc sao còn quay về anh? Đi gần 25 kilômét, quay về 20 kilômét để lao xuống vực như thế này thì tắc tị thật anh Bang ạ?

- Không quay về thì đứng vào đâu anh? ở lại thì sáng ra máy bay địch nó phát hiện và đánh ngay.

“Đứng vào đâu?" câu hỏi của anh Bang cứ xoáy vào óc tôi như một bài toán khó. Tôi hỏi:

- Nếu có chỗ cho xe đứng, không trở về thì tốt hơn phải không anh? 

- Tội gì mà về anh! Tốn xăng, hại xe, mất sức, mất thời gian, nguy hiểm mà chẳng nên công cán gì. Nhưng biết đứng vào đâu?

Đi khỏi kilômét 103 tôi dừng lại ở một đoạn đường vài trăm mét có ta luy cao chỉ hơn một mét, có nhiều cây tre, nứa mọc tươi tốt.

- Ta đào ta luy lấn vào ba mét nữa, kéo ngọn các cây tre tươi ở đây lại với nhau nguy trang. Cứ mỗi cái hốc đó dài mươi mét ta giấu một ô tô có được không?

Bốn anh em chúng tôi chặt một đoạn tre làm thước, đo thử một đoạn đường vạch hình dáng một cái hầm giấu ô tô lên mặt ta luy. Tất cả đều thấy có thể làm và để xe được.

- Ở vài trăm mét đường, chỗ này cứ làm chỗ chứa xe thưa ra cho an toàn cũng đủ chứa năm bảy xe anh Bang nhỉ?

Anh Bang vui vẻ nói giọng Quảng Trị:

- Tốt hung chứ thủ trưởng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #96 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:23:37 am »

Trong đầu tôi đã loé ra một lối thoát cho việc vượt bến Bạc. Ý nghĩ đó cứ lớn dần lên trong óc tôi. Chúng tôi vượt cao điểm 105 là nơi địch đánh ác nhất. Hôm qua ở đây tụt gần ngàn thước khối đất, công binh gỡ cả chiều đến gần hết đêm thông đường thì xe không còn đủ thì giờ mà chạy kịp nữa.

Cảnh ở đây thật là hùng vĩ. Trông về phía nam theo hướng một đường dốc nay không còn dùng tới nữa, sông Bạc đã thấp thoáng xa xa. Anh Bang cho biết đó là đường xuống một bến thuyền, bến phà cách đây hai năm. Anh chỉ một dãy núi dài chạy song song với con đường chúng tôi đang đi nhưng cách xa đến ba bốn kilômét, giữa dãy núi chúng tôi đứng với dãy núi ấy là một cái vực sâu. Đứng trên cao điểm 105 nhìn xuống các ngọn cây đại thụ dưới vực chỉ còn là một thảm xanh lô nhô gợn sóng. Anh Bang nói:

Thủ trưởng nhìn kỹ ngọn núi thứ hai. Đó là đỉnh dốc 12 cua. Đường 128 vào đến Lục Tùng Pế, gặp ngã ba ở đầu rừng thông. Một đường sang đây, còn một đường trung đoàn Bình Minh mở chéo sang đó. Từ chỗ đó tụt xuống bản Bạc có hàng trăm mét cao mà sườn núi cứ dựng đứng đúng 60 độ - 70 độ, anh em phải quanh đi quặt lại ở sườn hướng đông 12 lượt mới tụt xuống suối được. Vì vậy, có tên 12 cua. Xe chạy được ít lâu thì Mỹ nó phát hiện đánh tơi bời. Nó đánh ta sửa, ta đi, cứ thi nhau đẽo mãi vào sườn núi. Hết mùa khô năm ngoái, cái sườn bên đông đó bị đẽo, bị chấn động bom, đã tụt dài một mảng cả trăm mét suốt từ đỉnh đến chân, còn lại như một vách đứng. Công binh hết cả chỗ bấu víu để làm đường. Mùa mưa nước xói nhẵn thín người đi không được mà có lẽ mèo nhảy cũng tuột dài xuống khe sâu. Mất đường 12 cua ta chỉ đi đường này nên chúng nó túm lại đánh miết. Chúng đánh đường ngang, đánh cầu phà bản Bạc nên ta bị tắc liên tục anh ạ?

Cách trọng điểm 105 ba bốn trăm mét, tôi phát hiện một cái hầm đào vào ta luy, nguỵ trang khéo léo để một đầu máy húc. Xem dấu vết chúng tôi đoán chắc là công binh trạm 35 đã từng giấu máy ở đây để gạt đất sụt mỗi lần địch đánh phá. Ở gần như vậy, khi địch ngừng đánh mươi phút ta đã có thể dùng máy ủi san, làm xong là giấu được ngay.

- Anh Bang ạ, ai mà chịu đi lại trên đường thì cũng sẽ nghĩ ra mẹo này thôi. ô tô mà giấu thế này cũng ổn anh nhỉ?...

Khoảng hơn ba giờ chiều chúng tôi đến bến phà Bạc.

Đại đội 3 cầu phà này cũng như đại đội 1 công binh ở đường của trạm 35. Lần đầu có một chỉ huy phó binh trạm bạn đến thăm nên anh em niềm nở đón tiếp.

Đại đội trưởng còn đi chuẩn bị phà và ghép cầu. Chính trị viên đón tôi về C bộ. Đó là một cái hầm chữ A, ngồi khéo thì lọt bốn người. Hầm làm khuất dưới bóng một cây lớn còn sót lại sau các vụ đánh phá. Từ đây nhìn thẳng ra bến chưa đầy 100 mét. Đây là một túi bom, một trận tuyến quyết liệt giữa những người chở phà bắc cầu và máy bay Mỹ. Giặc Mỹ đã tung vào đây mọi loại máy bay hiện đại kể cả B52, F4, đủ các kiểu bom lớn, nhỏ, nổ nhanh, nổ chậm, từ trường. Ta chỉ có một số 12 ly 7 và 37 ly đánh trả. Còn vũ khí chính là lòng dũng cảm và trí thông minh.

Tôi nhìn anh em thản nhiên vui đùa, đánh bài, chêm thuốc, mài dao, nấu cơm, pha chè Trường Sơn ở cái trọng điểm này mà lòng cảm thấy bình yên vô cùng. Tổ đánh cá khiêng về một chú cá bò béo lẳn hơn chục ki lô treo ở gốc cây. Chính trị viên đề nghị tôi nghỉ ngơi chút ít rồi sẽ cho người chở thuyền đưa qua sông. Tôi nói:

- Chúng mình có việc gấp phải sang anh Giới, các cậu giúp mình sang sông. Nếu có điện thoại sang BT35 thì cho mình nói chuyện.

- Chúng tôi chỉ nói điện thoại được với anh Đa và với tổ công binh bên kia bờ thôi. Chúng tôi sẽ có thuyền chở thủ trưởng sang sông. Nước hiện nay có chỗ còn sâu hơn hai mét, sông rộng gần 200 mét, lội không được đâu. Bây giờ trời quá sớm thuyền chưa đi được. Thủ trưởng cuốc bộ suốt ngày đêm nên nằm nghỉ một tí, uống ít nước sâm rễ cau rồi chốc nữa ăn cơm cá bò với chúng tôi đã. Vội cũng chẳng được.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #97 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:24:29 am »

Vừa đặt lưng xuống chiếu, tôi thiếp đi ngay. Lúc tỉnh dậy đã có cơm ăn, cá bò thơm và béo ngậy. Chúng tôi xuống thuyền và sang bên kia sông lúc nhọ mặt người. Tôi cuốc bộ hai cây số, gặp một trung đội xe gát 63 của BT35 ra ba-ri-e để chờ bắc cầu xong sang sông lấy hàng.

Ba-ri-e có điện thoại nên tôi nói chuyện được với anh Giới. Theo lệnh của anh, một xe gát chở chúng tôi vượt đèo Long về kilômét 18. Kể ra cũng đã thấm mệt nên tôi ngủ gà ngủ gật trong xe, đập cả đầu vào thành cửa đau điếng.

Tám giờ tôi tới binh trạm Bộ. Anh Giới ở ngay gần đường cái. Đó mới là cái lán tạm. Binh trạm 35 bỏ cả cơ ngơi đồ sộ ở Pác Ca Don, Pác Ca Dinh vượt Bạc về Đèo Long vào kilômét 18 được chưa đầy tháng. Tất cả làm lại từ đầu. Chỉ huy sở BT35 mới có một cái lán bốn gian làm ngay lên nóc một hầm chữ A lớn. Giữa đường ra vào lán là một cái bàn có hai điện thoại, một đồng hồ báo thức, một đèn bão, vài đèn pin và mấy quyển sổ.

Sau khi chào anh Giới và quen với ánh sáng trong nhà, tôi mới nhận ra cả ban chỉ huy binh trạm có mặt ở đây, còn có anh Ngữ phó phòng công binh của đoàn 559 và nhiều anh em do Bộ tư lệnh 559 phái vào. Trước hết tôi xin phép đọc điện của 601.

Anh Giới vặn to đèn, mọi người nghe kỹ và ghi hết từng câu từng chữ - "Tôi chỉ là liên lạc viên, đem điện tới các anh là hết nhiệm vụ. Tôi cũng không biết gì mà nói thêm. Xin binh trạm cho một chiếc xe đưa tôi trở lại kho Đ đêm nay, nếu cầu đường thông suốt" . Một giọng nói bực bội cắt ngang ngay:

"Cầu bắc đã xong trước lúc anh đến đây, thế mà chỉ có hơn chục xe gát của ông Giới anh gặp ở Ba-ri-e là vọt được sang sông ngay. Có lẽ chúng nó đi được quá kilômét 100 vào đoạn an toàn rồi. Còn xe ông Lê Đa giờ này ở tận đẩu đâu. Cầu thông rồi mới gọi xe, xe ậm ạch đi gần 30 km mất ba giờ đồng đồ. Cầu thất nghiệp cứ phơi thân ra mà chịu trận, máy bay nó thả pháo sáng như vậy, anh tính cái cầu phao gần 200 mét nằm thườn thưỡn ra thế kia làm sao Mỹ nó không đánh đúng. Mới nửa tháng chúng tôi đã mất mấy bộ khoang, cộng theo cái số bị đắm cuối mùa khô trước, dưới đáy sông có mấy chục khoang thuyền. Ít bữa nữa nước cạn rồi tha hồ mà múc. Cái số công binh lắm lúc cực như con chó. Rồi anh xem, cầu cứ đợi, xe không qua. Đến khi xe mò gần tới, nó đánh mất cầu thì ùn cả lại. Rồi lại chửi cầu đường không thông xe, xe sẽ cuống lên, chạy trở về kho, mất cả một đêm ê ấm. Cãi nhau, chửi nhau là vì vậy anh ạ!" 

Giọng anh Ngữ đượm tính khôi hài, miệng nói, tay múa, mắt nháy. Lời anh Ngữ như một chiếc chìa khoá mở ra cho tôi một hướng mới. "Mình cứ tưởng không bắc nổi cầu té ra cầu bắc được lại không có xe mà đi. Nếu bắc xong vọt qua ngay thì mỗi giờ cũng qua sông được ba chục chiếc là ít?" Tôi nghĩ thế và liên hệ ngay với những điều tai nghe mắt thấy suốt một ngày lội bộ. "Đứng vào đâu?" câu hỏi của anh Bang sáng nay đã được bốn anh em tìm ra cách trả lời cụ thể. Lời đáp cho bài toán hóc búa đang làm Bộ lư lệnh 559 lo lắng sốt ruột, thế là đã rõ ràng: Làm hầm giấu xe ở gần bến vượt. Xe phục sẵn đấy, cầu bắc xong là vọt qua. Nếu xe đi hết thì tháo cầu sơ tán luôn khỏi bị đánh hỏng và đỡ mệt công binh.

Hết một ngày hai đêm làm tròn nhiệm vụ liên lạc, tôi trở về với cái gậy Trường Sơn lội trên tuyến giao liên.

Đó là chuyện tôi nên duyên với sông Bạc vẻn vẹn có 36 giờ, nhưng thật sâu sắc. Cho nên giờ đây được trên giao nhiệm vụ vào tiền phương chỉ huy vượt Bạc, tôi cảm thấy như trở về nơi quen thân, đầy hấp dẫn. Anh Quỳ nói:

“Binh trạm sẽ cho D54 ở tiền phương với anh. Chân hàng sẽ lập ở kho A. Xe binh trạm và của Đoàn sẽ đưa thẳng hàng vào đó. Khi vào được quỹ đạo rồi, anh có một đại đội kho. Công binh sẽ cho anh đủ nhu cầu. Chỉ cần làm sao vượt được bến Bạc. Hai tháng qua ế ẩm lắm, không sao đạt được mức tối thiểu. Điện thoại tải ba thông rồi. Tôi sẽ để anh Bang tham mưu phó ở lại với anh...”
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #98 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:25:14 am »

Tôi họp lại với anh Bang nghe lại cách bố trí lực lượng, những quy ước hợp đồng với chỉ huy sở cơ bản và binh trạm T35, quy luật hoạt động của máy bay địch, biệt kích tình hình chân hàng, xăng dầu, những khó khăn khúc mắc. Tôi hỏi xem anh Bang có kiến nghị gì? Anh chỉ cười:

“Tôi cứ mong làm được như đã nhất trí với anh dạo tháng 11 vào chỗ anh Giới". 

“Tôi cũng dự định như thế, khỏi phải bàn nhiều về chủ trương, phương hướng nữa”.

Tôi phân công luôn:

“Tôi ở nhà đón anh em kho và d54 vào. Mai tôi đi xem và giao việc cho xe và kho tại chỗ và sắp xếp mọi việc. Còn anh thì đi xuống Bạc, đem theo một b công binh để làm ngay các chỗ giấu xe ở cách đầu cầu một vài kilômét. Làm thế nào mỗi khi bắc cầu xong, bắn hai phát súng báo hiệu là tất cả lái xe đều nghe rõ và xuất kích luôn. Trong 5 ngày anh làm cho được mười chỗ giấu xe. Hôm tôi và anh đi lượt qua đã ước tính với nhau đủ chỗ. Anh có thể tìm thêm quá về phía đông đầu cầu và bản Bạc cũ, hoặc về đường 12 cua. Nếu giấu xe vào hai nơi đó thì phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, tức là nguỵ trang vết bánh xe. Xe đi vào đường cụt, máy bay thấy vết bánh nghi ngờ thế nào cũng đánh thăm dò, vô phúc không phải đầu lại phải tai. Đường cũ vào 12 cua anh hết sức giữ nguyên dạng, tôi có một ý đồ ở đó, hôm nào ta đi xem rồi sẽ bàn sau. Anh ghé vào C1 công binh và C3 cầu phà của binh trạm 35 thăm hỏi, hiệp đồng cho tốt. Anh cho làm thử một cái hầm rút kinh nghiệm, huấn luyện thành thạo rồi hãy cho làm nhiều cái”.

- Bao giờ anh đi được nè?

- Tối ngay tôi đi ngay thôi!

- Thế thì hay quá ?

Sáng hôm sau chỉ còn lại mình tôi và hai cậu trợ lý kế hoạch. Tôi sang kho A, cùng mấy cán bộ kho và xe xem xét phân công cho từng bộ phận. Các kho này BT35 làm rất công phu, có chỗ đẹp như công viên. Tuy không xa kho Đ nhiều, chỉ dăm kilômét thôi mà không khí dễ chịu hơn hẳn. Cuối kho còn một ngọn núi cao, trên đó tiểu đoàn công binh đặt đài quan sát nhìn được khắp cả vùng từ Lục Tùng Pế cho đến các hướng ra 12 cua và ra om 105. Chỉ 3 ngày đã có hướng cho anh em hoạt dộng.

Anh Bang ngày nào cũng gọi điện cho tôi, toàn nói tin mừng. Anh đã làm được gần đủ số chỗ giấu 10 xe và khả năng còn có thể làm thêm nữa. Tôi cho đơn vị chọn một đại đội vững, giải thích rõ cho từng lái xe biết những khó khăn phức tạp nguy hiểm của con đường và cái mẹo đang dự tính thực hiện. Chiến sĩ cán bộ đều sôi nổi bàn bạc góp ý vào từng việc nhỏ, nhất là việc giấu xe ở gần đầu cầu. Đồng chí đại đội phó cùng một tổ thợ, hai anh nuôi quân được cử xuống đó săn sóc anh em nếu phải đậu lại ban ngày.

Một trung đội xe xung kích được chọn thì điểm. Xe được chuẩn bị kỹ, bốc hàng từ chiều. 5 giờ 30 chiều thường máy bay không hoạt động, trung đội xuất kích 10 chiếc. Tôi cùng đi với xe thứ hai. Dẫn đầu có đồng chí Hoa chính trị viên tiểu đoàn xe.

Chúng tôi xuống hết đường ngang thì gặp anh Bang đón. Mới trao đổi với nhau vài câu, chưa kịp giấu xe đã nghe hai tiếng súng thông cầu, trung đội nối đuôi nhau vượt Bạc với quyết tâm sẽ trở về ngay trong đêm. Tôi và anh Bang đi bộ lại đầu cầu. C3 công binh phấn khởi vô cùng vì cầu được sử dụng ngay.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #99 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:26:15 am »

Chúng tôi gọi cả hai trung đội xe còn lại ở kho A tiếp tục chạy. Gần 11 giờ đêm anh em cũng vượt qua trót lọt. Gần sáng trung đội mũi nhọn đã trở lại qua sông và vượt lên về tận nhà. Còn bốn xe của đội hình sau cũng qua được sông lúc tờ mờ sáng phải giấu vào các chỗ anh Bang đã chuẩn bị. Vài xe đi sau phải giấu ở bờ Nam.

Đêm đầu tiên đã chứng minh một điều là giấu xe ở đây được thì ta có thể xuất phát ngay từ kho A lúc sắp tối và dừng xe lúc tang tảng sáng. Xe ít thụ động vì cầu mà cầu cũng bớt bị động vì xe.

Tin thắng lợi làm anh em BT34 và BT35 đều phấn khởi. Mấy anh em chúng tôi hôm đó rúc trong cái hầm chữ A, co chân mà ngủ khoái vô cùng. Ngày hôm sau chúng tôi đi xem ngầm sớm. Nước còn ngập mông đít. Đá toàn loại đầu ông sư, xe chưa đi nổi. Anh em phải tôn vòng lên thượng lưu thành hình cánh cung cho nông bớt những hòn đá vừa trơn vừa tròn, đôi lúc trượt chân lọt vào khe đá đau điếng người. Nước chảy còn khá mạnh nên cứ phải cúi người giữ thăng bằng và đi hơi ngang ngang.

Chúng tôi động viên công binh cố gắng làm ngầm cho tốt để thôi hẳn bắc cầu, chỉ mươi lăm ngày nữa nước cạn thêm ta sẽ đi ngầm được. Chúng tôi dặn kỹ nhất là cách xếp đá để cắm cọc chuẩn hai bên thật rõ, chứ cái kiểu đường cánh cung này, lái xe lạ đường có hôm lao vào hố sâu uống no nước.

Anh Bang dẫn tôi lên vùng bản Bạc cũ và nói:

- Chỗ này sát ngay bờ sông gần trọng điểm, cây cối tốt tươi rậm rạp. Trừ những quả bom đánh những năm trước, còn gần đây không có vết quả bom nào rơi vào đây. Nếu anh đồng ý tôi sẽ giấu cả đại đội xe vào đây.

- Được thôi. Trước mắt anh cứ giấu cho tôi một C vào đây Anh em càng sợ lộ bao nhiêu, càng tự giác giữ bí mật. Dù có ở xa trọng điểm đi nữa nếu không giữ được bí mật thì Mỹ cũng chẳng tha. 

Đêm đó trên đường về chỉ huy sở lòng tôi rạo rực vô cùng. Thế là con đường vượt Bạc này dài khoảng 50 kilômét từ kho D đến binh trạm 35, hẹp chỉ vừa đi lọt một xe, cheo leo hiểm trở lại bị địch đánh ác liệt ở hàng chục điểm, nay đã có thể cắt ra làm đôi. Ta đã có chỗ đứng khúc giữa, cạnh trọng điểm khó vượt nhất, giành được thế chủ động nhất định để tạo thế tiến công.

Đêm đó, đại đội xe bị chặn đánh phá ác liệt chỉ hai chiếc hỏng nhẹ phải giấu ở kilômét 8 chân đèo Long còn toàn bộ đã tới BT35 gọn gàng.

Sáng hôm sau đồng chí Nghênh gặp tôi rất sớm. Anh cùng một tổ khảo sát đưa tài liệu tìm đường tránh các trọng điểm:

- Ở trọng điểm 88 chúng tôi có thể làm một đường tránh, không dài chỉ 300 m thôi, độ dốc có thể cho xe chở hàng đi được. Khối lượng đào đất đợt đầu là làm khoảng 2.000 mét khối rồi củng cố dần. Ở hai trọng điểm 92, 96 chỉ có thể mở đường tránh nghi binh chia bom bớt cho trục chính. Còn trọng điểm 100, 103, 105, ta luy âm dựng đứng, thẳng tuột cho đến vực sâu chẳng có chỗ nào mà làm đường tránh.

Tôi nhất trí với anh Nghênh và kéo anh sang tiểu đoàn công binh bàn việc điều đơn vị và máy húc để làm xong những đường tránh anh Nghênh đề xuất trong năm ngày. Sau đó tôi giao luôn việc mới cho anh Nghênh:

- Anh Nghênh ạ, nhất thiết ta phải mở lại đường đi hướng 12 cua. Chỉ một đường độc đạo hiểm trở như hiện nay thì chạy một, hai đại đội cho thông suốt cũng vất vả lắm rồi. Chờ nhau, tránh nhau đã mệt, chưa nói địch đánh là tắc. Phải làm cho được hai đường anh ạ. Một đi, một về thì mới phân tán lực lượng địch ra thêm nữa. Ta chỉ đi một chiều thôi, đường nào tốt thì ta đi vào, đường khó thì xe đi ra. Lúc đó ta có thể kéo hàng trăm xe đi liên tục mà không lo. Yêu cầu chiến trường gấp lắm, lớn lắm, ta phải tranh thủ mở đường này bằng mọi giá. Anh với tổ khảo sát đi xe ra Lục Tùng Pế rồi xuống đi bộ theo đường cũ ra 12 cua. Dọc đường đó, anh đi ban ngày xem có bom mìn gì không, có chỗ nào sụt lở không. Đến 12 cua, anh xem liệu có khôi phục được không? Nếu khôi phục thì nắn thế nào giảm bớt cua, tuỳ anh quyết định. Nếu chắc chắn không làm được thì anh bỏ ngay 12 cua, tìm một đường khác, dù khó làm và khó đi nhưng cho xe đi một chiều được là cũng quyết tâm làm. Nếu tìm ra đường thì anh cho phác dấu đường và tính khối lượng ngay. Khi ước tính xong khối lượng thì anh xuống Bạc gọi điện thoại cho tôi. Tôi đưa anh cái bản đồ 1/100. 000 bắt được của giặc lái, anh có thể xem xét. Tôi đã dặn quản lý chuẩn bị cho anh đủ gạo, thịt hộp, ruốc bông, sữa, lương khô ăn một tuần. Anh nhớ mang theo thuốc cấp cứu, đủ súng đạn, võng, tăng, màn. Xe gát sẽ chở anh em đi lúc bốn giờ sáng để tới Lục Tùng Pế lúc năm giờ để đủ thì giờ cho xe trở về an toàn.

Tôi bắt chặt tay anh lâu hơn thường lệ. Mắt anh chớp chớp xúc động nhưng không nói gì, anh gấp bản đồ, tay run run cho vào xà cột. Chắc anh đang xúc động nghĩ tới việc anh sắp làm có thể đem lại một chuyển biến như thế nào cho cả vùng bến Bạc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM