Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Tư, 2024, 07:55:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111528 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #80 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2010, 07:03:18 pm »

Bước sang những tháng đầu mùa khô 1965-1966, tiểu đoàn 41 đã mở thêm một đường tránh ở Đèo Long và từ đó có hai đường ô tô vượt qua đoạn hiểm nghèo nhất được gọi là Đèo Long A và Đèo Long B.

Địch biết ta quyết tâm bảo đảm cho ô tô vượt bến Bạc và vượt Đèo Long, vì chỉ có một đường duy nhất đó để đi vào phía trong, nên chúng dùng nhiều thủ đoạn đánh phá quỷ quyệt

Lần đầu tiên, chúng dùng các loại mìn sát thương khá tinh vi như mìn sỏi, mìn pháo sáng thả dốc ông Bạc, dùng mìn lá gan thả trên các con đường ô tô và đường giao liên. Chúng còn cho các máy bay trinh sát suốt ngày đêm theo dõi, đuổi đánh từng chiếc xe, gây tâm lý ngại và sợ bom đạn địch. Sau đó, chúng thả các loại bom định giờ, bom bi nổ chậm và bom từ trường hòng kéo dài thời gian tắc đường của ta.

Tiểu đoàn 41 đã bám trụ ở Đèo Long, phá mọi thủ đoạn đánh phá của địch, chịu đựng hàng nghìn tấn bom đạn trong suốt mùa vận chuyển và đã gỡ được thế đường độc đạo ở Đèo Long, tạo nên phong cách làm ăn hiệp đồng tết cho mùa vận chuyển sau.

Cùng lúc này, tiểu đoàn 1 trung đoàn 98 mở đường vào đến tận biên giới Cam-pu-chia, thuộc tỉnh Xtung-treng. Một lực lượng khác mở đường vận chuyển ở vùng ba biên giới nhằm hút hàng đặt nhờ trên đất bạn Cam-pu-chia chuyển ra chiến trường Khu 5.

Thế là dù vấp phải muôn vàn trở ngại do khách quan và chủ quan, do giặc Mỹ gây ra, do chưa hiểu biết những bí ẩn của dãy Trường Sơn hùng vĩ, và do cả những bỡ ngỡ ban đầu không sao tránh khỏi, một con đường chạy dọc suốt Trường Sơn đã hình thành. Đó là những tháng năm lịch sử vô cùng tự hào, mở đầu cho mùa khô vận chuyển cơ giới đáng ghi nhớ suốt đời đối với các chiến sĩ Trường Sơn.

*
*   *

Quân Mỹ vẫn tiếp tục đổ vào miền Nam ngày một nhiều. Giôn-xơn đã thông báo quyết định đưa 44 tiểu đoàn Mỹ vào Việt Nam và chấp nhận chiến lược "tìm diệt" của Oét-mo-len. 

Để chủ động phá chiến lược "tìm diệt" của quân Mỹ, một đối tượng tác chiến mới mẻ, bên cạnh quân nguỵ là những sư đoàn Mỹ được trang bị hiện đại, ta đã nhanh chóng tập trung chủ lực tương đối lớn, nhằm phối hợp với các lực lượng địa phương tiến hành tác chiến trên một khu vực rộng ở miền Đông Nam Bộ và Khu 5.

Chiến trường miền Nam hơn lúc nào hết đang đòi hỏi cấp thiết khối lượng vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm tối thiểu để đáp ứng với sự phát triển nhảy vọt của lực lượng chủ lực và trước tình hình cuộc chiến đấu ngày càng mở rộng, quyết liệt.

Nhằm đẩy nhanh hàng vào cho các chiến trường. Tổng cục Hậu cần điều trung đoàn xe số 3 giao hẳn cho tuyến 559. Trung đoàn xe số 1 đưa vào hoạt động từ nam Thanh Hoá đến Vĩnh Linh, dồn hàng vào tổng kho R.

Hàng ở tổng kho đã lên tới gần vạn tấn, nhưng sức chuyển lên tây Trường Sơn vẫn rất ỳ ạch. Khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại lên vĩ tuyến 20 thì không chỉ việc vận tải lên tuyến 559 mà cả tuyến vận tải hậu phương từ Nghệ An vào cũng bị trắc trở, chậm chạp. Nguyên nhân cơ bản của tình hình đó là vì công tác tổ chức vận tải không phù hợp trước yêu cầu mới.

Tháng 9 năm 1965, Tổng cục Hậu cần mở hội nghị quân chính quyết định cải cách tổ chức vận tải chiến lược chi viện miền Nam. Từ nam vĩ tuyến 20 trở vào đến Quảng Bình - Vĩnh Linh, hình thành ba binh trạm 9, 10, 12 (sau thêm binh trạm 14, 16). Mỗi binh trạm là một tổ chức hợp thành các lực lượng xe, kho, công binh, bộ binh đảm nhiệm công tác vận chuyển trên một địa bàn nhất định. Tất cả đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Cục vận tải Tổng cục Hậu cần.

Các trung đoàn xe số 1 và số 2 giải thể, biên chế thành bốn tiểu đoàn xe và các đại đội sửa chữa, giao hẳn xuống cho các binh trạm. Các đội công trình xây dựng cũng chuyển giao trực thuộc các binh trạm để thiết lập những khu vực kho mới. Đồng thời Tổng cục Hậu cần bổ sung lực lượng xe để tăng cường khả năng vận tải cho Đoàn 559. (Các đội ô tô của cục vận tải đường bộ bàn giao cho Tổng cục Hậu cần). Một số đội thanh niên xung phong được chuyển thành những đơn vị công binh thuộc biên chế các binh trạm.

Mặc dù hàng loạt công việc mới mẻ, dồn dập, các binh trạm đã nhanh chóng ổn định tổ chức, và trước mắt làm sao đẩy nhanh hàng lên phía trước.

Tuyến vận tải từ hậu phương vào, mặc dù địch đánh phá ngày càng ác liệt, đã nhanh chóng khắc phục, bảo đảm vận tải thông suốt. Riêng tuyến phía tây Trường Sơn vẫn chưa vượt được ra khỏi những trở ngại bế tắc do hậu quả mưa lũ để lại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #81 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2010, 07:04:19 pm »

*
*   *

Khoảng tháng 10, trời đã tạnh. Bắt đầu mùa vận tải 1965-1966. Cần sửa đường, mở đường để hoàn thành kế hoạch vận chuyển. Đường "rông đanh" bây giờ lại hoá thành trở ngại. Sau mùa mưa, các "rông đanh" xộc xệch, rời rã, ngổn ngang nằm chỏng chơ trên đường, khiến mặt đường gồ ghề, đầy chướng ngại.

Lái xe ô tô trên đường "rông đanh" thật đủ nỗi đoạn trường. Xe nhảy tâng tâng, khi tung lên, khi khựng lại. Tay lái, chân ga xử lý liên tục, mắt căng ra hết mức. Bánh xe lăn, lật xật, khó chịu. Nhanh không nổi, chậm cũng không xong. Thà thụt xuống ổ trâu, ổ gà, ổ voi vẫn còn dễ chịu hơn. Đằng này, xe trườn lên từng khúc, bị chặn đứng trước các cây gỗ lớn, các "rông đanh" tuột chằng xô thành đống. Máy gầm réo, xe lắc lư, nửa giờ chỉ đi được bốn năm kilômét trên đường lát gỗ khấp kha khấp khểnh.

"Rông đanh" tạo những trường hợp phá xe đến xót ruột. Xe nhảy cẫng lên, tung hứng như xiếc. Gãy díp, vỡ thùng, lệch bệ như chơi. Còn loại "rông đanh" tuột khỏi cây nẹp, bật ra bên đường, ghếch các đầu cây lên; khi xe đi qua, đầu cây quật gãy ống dẫn ga, ống dẫn xăng, đứt hết dây điện, thậm chí đập vỡ luôn cả cầu. Lái xe mới bổ sung, chưa qua mùa mưa 1965, nổi khùng:

- Mấy cha công binh mở đường, định phá vỡ hết xe hay sao mà cứ chặt cây vứt đầy đường thế này?

Nắng lên, bùn ứ đầy, các ổ trâu quánh khô và tơi vụn như bột bánh khảo. Nhìn xa, lái xe tưởng là mặt đường phẳng. Xe lao tới, bánh thụt xuống quay tròn tại chỗ không đi được. Kiểu này anh em lái xe gọi là "pa-ty-nê" khan.

Các tuyến phải huy động lực lượng cơ quan đơn vị công binh, bộ binh kể cả vận tải, ra đường lột "rông đanh". Thường thì người ta nói phá dễ làm khó, nhưng lột "rông đanh" thì còn khó hơn cả lúc đặt. Thân cây lúc đầu đặt còn nổi trên đường, đến hết mùa mưa, cây lún chìm vào trong bùn, mút tịt luôn vào đất, chôn chặt trong đó. Đào không được cậy không ra, mà không để sót cây nào ở lòng đường được. Đã đào phải đào hết. Có cây sức người lôi không xuể phải buộc cáp vào xe mà kéo.

*
*   *

Thời kỳ này hậu phương bổ sung cho 559 khá nhiều lực lượng, phương tiện vận tải.

Ô tô vào Trường Sơn có nhiều loại: Rô-buya, Pra-ga, Gát 63, Giải phóng... có máy chạy xăng, máy chạy dầu ma dút. Loại Gát 63 gọn nhẹ, Pra-ga thì to đùng. Lái xe ngại cái tướng lù lù của loại xe này (tuyến 559 mới nhận được thêm 100 xe Pra-ga). Cái dáng xe kềnh càng ấy qua trọng điểm thì khác gì phơi mình làm mồi cho giặc lái Mỹ. Các tiểu đoàn phải chọn những chiến sĩ lái xe giỏi, trong đó có người từng lái xe phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ để chạy loại xe này; cũng có một số lái xe tuyển từ các trường của Bộ Giao thông.
Được huy động vào tuyến, các chiến sĩ lái xe, mỗi người một vẻ, nhưng đều là những chiến sĩ tình nguyện, rất hăng hái. Ai cũng tự hào được vào Trường Sơn đánh Mỹ.

Có anh vốn là lái xe tưới nước chống bụi đường thành phố, vào Trường Sơn vẫn quen cứ tà tà cài số một chậm rì, đi khệnh khạng ở giữa đường, không chịu tránh ai và cho ai vượt ... Các tay lái xe gấu, xe bò tót ở vùng than Quảng Ninh thì cứ nghênh ngang giữa đường mà đi. Những anh em này phải nhiều tháng sau mới quen nhập được theo các quy tắc chạy đường Trường Sơn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #82 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2010, 07:04:54 pm »

Tuy Đoàn 559 được bổ sung phương tiện vận tải cơ giới gấp hơn hai lần năm trước, nhưng bao nhiêu hậu quả của mùa mưa lũ để lại vẫn chưa gỡ xong, hiệu quả vận chuyển vẫn thấp, mà tổn thất về người và của ngày một đậm so với những năm trước. Từ đó nảy sinh các vấn đề: Đánh giá địch, ta tại đây thế nào? Chủ trương, phương châm hành động ra sao là thích hợp? Cơ cấu tổ chức với quy mô nào là đúng? Biện pháp, hành động từ trên xuống dưới cần sửa chữa, đổi mới ra sao? v.v.

Những nguyên nhân chủ quan, khách quan chưa được phân tích đánh giá đầy đủ và kịp thời giải quyết, nên đã gần hết mùa khô rồi mà vẫn chưa đạt được nửa kế hoạch Bộ giao, trong lúc đó, trên chiến trường, quân và dân miền Nam đang giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công, bẻ gãy cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất của Mỹ, ngày càng đòi hỏi sự chi viện cho nhu cầu tác chiến ngày càng quyết liệt.

Trước yêu cầu phải bảo đảm khẩn trương cho các chiến trường miền Nam, tháng 3 năm 1966. Tổng cục Hậu cần tổ chức một đoàn xe đặc biệt, mang tên Đoàn 100, đi thẳng vào phía trong, với biên chế tương đương gần một trung đoàn xe. Chỉ huy là các đồng chí Thăng Phúc, Nguyễn Ngọc, Phạm Luận. Mật hiệu của đoàn vận chuyển này được đặt là "Mũi tên xanh". Tổng cục chủ trương lấy số học sinh lái xe vừa đào tạo xong của cục quản lý xe, thực hiện nhiệm vụ mày.

Đoàn 100 đi từ Hà Nội, theo kế hoạch sau một tuần lễ sẽ vượt đường 9, xuống Mường Noọng. Đây là một đợt vận chuyển khá cấp bách. Mùa khô 1965 - 1966 chỉ còn một tháng nữa là kết thúc. Xe chạy thẳng một mạch không theo các cung độ. Các chiến sĩ trẻ hăng hái nhận nhiệm vụ. Nhưng, vì chưa quen chiến trường, tay lái mới, nên họ để xe đổ, xe rệ nhiều.

Mặc dù việc tổ chức chỉ huy dọc đường được các binh trạm phối hợp hỗ trợ, hộ tống qua các trọng điểm, thậm chí còn chi viện cho hàng chục tay lái kỳ cựu để vượt các đoạn đường hiểm hóc như ở binh trạm 12, nhưng dọc đường hành quân, địch phát hiện đánh vào đội hình xe, thiệt hại khá nặng, những chiếc xe còn lại, khi quay ra bị đánh thêm một vài trận nữa. Đoàn 100 gần như mất sức chiến đấu, phải tập trung củng cố lại.

Vào những tháng mùa khô 1966, giặc Mỹ đánh có tính chất vừa ngăn chặn, vừa đánh vào lực lượng bảo vệ vận chuyển. Đã có những trận đụng độ khá ác liệt giữa lực lượng pháo cao xạ và không lực Hoa Kỳ.

Tiểu đoàn 20, đơn vị cao xạ được thành lập từ chiến dịch Điện Biên Phủ, có truyền thống chiến đấu giỏi. Suốt năm 1965, tiểu đoàn 20 đã độc lập chiến đấu hơn 100 trận với trên 600 lần chiếc máy bay Mỹ. Riêng ở bến Thà Khống, tiểu đoàn đã bắn rơi 34 chiếc, bắn bị thương 35 chiếc.

Trong ngày 24 tháng 2 năm 1965, bám trụ ở Thà Khổng, các pháo thủ của tiểu đoàn 20 đã chiến đấu quyết liệt suốt cả ngày với hàng chục đợt máy bay Mỹ đến đánh phá vào trận địa, bắn rơi tại chỗ một chiếc F.4H. Nhiều chiến sĩ bị hất khỏi công sự lại vùng dậy trở về bám pháo. Các chiến sĩ bị thương không ai rời khỏi vị trí. Lửa đạn trùm suốt một dải đường bên dòng sông Sê Pôn. Bụi đất, khói bom bốc lên mù mịt. Mặt các chiến sĩ bị đất bám đầy, đen xạm... Cho đến tối, tiểu đoàn bắn rơi thêm hai chiếc F.4H nữa.

Sau này, trong lực lượng cao xạ Trường Sơn, tiểu đoàn 20 được tuyên dương đơn vị anh hùng sớm nhất, cùng với đại đội 4, súng 12,7 milimét. Đại đội 4 từng tham gia gùi lương thực, thực phẩm vào chi viện cho công binh và thanh niên xung phong mắc kẹt giữa các túi nước; trong mùa khô 1965, đại đội có kỳ tích đưa pháo lên đỉnh núi bắt máy bay địch phải nâng tầm cao không dám xà xuống mặt đường, ném bom kém hiệu lực.

Nhưng nói chung, nhiều đơn vị pháo cao xạ lúc này còn lúng túng trong phương pháp đánh địch bảo vệ tuyến đường vận chuyển. Hiệu quả chiến đấu chưa cao, còn bị tổn thất cả người lẫn pháo.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #83 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2010, 07:05:43 pm »

Bước đầu chuyển hướng vận chuyển chiến lược sang cơ giới với bao lúng túng bỡ ngỡ. Cả thiên nhiên và giặc Mỹ đã gây cho tuyến vận tải 559 những trở ngại tưởng không sao vượt nổi. Tổn thất hơn tất cả những năm vận chuyển thô sơ trước đây cộng lại. Hiệu quả vận chuyển sút kém, khó khăn chồng chất đã gây ra tâm lý bi quan dao động, từ một vài người, vài bộ phận rồi tràn lan ở nhiều đơn vị trên khắp tuyến.

Tuy nhiên, từ những bài học ban đầu nhưng rất sâu sắc ấy, ta đã dần tìm được phương hướng mới, cách làm ăn mới. Niềm lạc quan mới cũng nhen lên từ đây. Do đó nảy sinh hai quan niệm, hai luồng tư tưởng đấu tranh với nhau. Một bên cho rằng không thể vận chuyển cơ giới qui mô lớn ở Trường Sơn được. Một bên khẳng định rằng, chỉ có vận tải bằng cơ giới ngày càng lớn mới đáp ứng nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, mặc dù trước mắt có những tổn thất.

Phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm vận dụng sáng tạo những nguyên tắc chỉ đạo của trên, tổ chức hiệp đồng cho tốt, thì nhất định hoàn thành được nhiệm vụ. Cuộc đấu tranh này khá phức tạp, dai dẳng, kéo dài mãi đến hội nghị Đại Trạch mới có hướng giải quyết tốt.

Túi nước rút đi, những người mở đường Trường Sơn đã sớm hiểu ra, đã hình dung được những việc cần làm, việc phải tránh. Ý định dù tốt đẹp đến mấy nhưng chưa nắm được quy luật vận động của sự vật thì còn vấp phải thất bại. Đường vào Trường Sơn bao la, vấp phải những túi nước, thì phải tìm cách mà tránh. Làm công tác vận chuyển, càng nhiều đường càng tốt. Tắc đường nọ sẽ dùng đường kia. Thiên nhiên, giặc Mỹ, dù gây mọi trở ngại khó khăn, nhưng với trí tuệ tập thể, nhất định ta sẽ có cách khắc phục được.

Với lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật khá hùng hậu. Bộ tư lệnh Đoàn họp quyết định triển khai thực hiện ngay chủ trương: mở đường vượt khẩu mới, tránh hẳn túi nước Seng Phan - Pác Pha Năng, ngay khi trời vừa dứt hạt mưa. Chủ trương mở con đường này đã được Bộ Tư lệnh Đoàn dự kiến từ trước và ngay từ khi làm đường 128, đồng chí Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã giao cho viện thiết kế của Bộ khảo sát và đã lập được phương án thiết kế thi công.

Đến nay thì tính chất cấp bách phải xây dựng con đường này được đặt ra. Không chỉ vì yêu cầu vận tải chiến lược phải có ít nhất hai đến ba đường từ hậu phương lên các đơn vị tuyến 1, mà còn vì lý do thực tiễn, khẩn thiết trước mắt phải lựa chọn là "làm lớn hay nhỏ, sống hay chết?".

Trên thực tế nếu chỉ còn con đường 12 để vận chuyển, thì sẽ bị "trời đánh, địch đánh, ma bệnh đánh, cái đói rách đánh”. Tuyến vận tải chiến lược có nguy cơ không thể tồn tại được.

Đoàn khảo sát viên thiết kế đã leo đèo lội suối cả tháng trời để tìm hướng tuyến, nhất là tìm điểm "khai khẩu” hợp lý về chuyên môn, lại bảo đảm yêu cầu bí mật quân sự. Các cán bộ, chuyên viên kỹ thuật đã lập ra mấy phương án để chọn lấy cái tối ưu, song chẳng có phương án nào thoả mãn chỉ tiêu thời gian hoàn thành trong bốn đến sáu tháng một con đường đèo núi dài ngót ba trăm kilômét.

Nghe các đoàn khảo sát báo cáo xong, đồng chí Phan Trọng Tuệ trao đổi và giao cho đồng chí Võ Bẩm, người vốn có kinh nghiệm mở đường quân sự làm gấp, lại quen thuộc địa hình vùng này, trực tiếp đi kiểm tra để quyết định đoạn mở cửa khẩu, chọn hướng tuyến ngắn nhất.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #84 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2010, 07:06:30 pm »

Đồng chí Võ Bẩm cùng anh em khảo sát đi xem xét những điểm chính, khi về quả quyết: "điểm khai khẩu” ở đoạn rừng phía tây bắc làng Phong Nha là đúng nhất và theo con đường mòn dân đi đến đỉnh U Bò, bám vách núi lên đèo A Ki là ngắn nhất. Đường này, hồi năm 1960, đồng chí Võ Bẩm đã cùng một số cán bộ đi nghiên cứu để mở đường giao liên quân sự.

Lúc đó, những người mở đường có thể lựa chọn mấy phương án.

- Hướng thứ nhất, mở cửa chọc thủng vách núi Phu La Nhích sừng sững trước mặt, tạo ra một cung đường ô tô cheo leo trên vách đá chừng bảy kilômét, xuyên qua một đồi núi trung bình liên tiếp ở vùng giáp ranh.

- Hướng thứ hai, theo lối mòn của dân bản vùng này, mở đường qua Ba Dơi, Cù Mẹ, Cù Con, vào U Bò, tránh những dãy núi cao. Hướng này vòng xa, lâu mới xong đường, rất tốn kém, nhưng có thể giữ bí mật được lâu hơn.

Cuối cùng, Bộ tư lệnh đã chọn phương án thứ nhất. Mạnh dạn xuyên rừng, bạt đèo, thọc qua dãy núi đá. Đoạn đường về tới Lùm Bùm sẽ ngắn, dù có những đoạn đường phải mở chênh vênh trên những đèo cao.

Điều mọi người lo ngại là, sức người qua trận mưa lũ đã thấm mệt, thời gian còn lại quá ít. Hơn nữa, tuy làm đường đá thì ngắn, nhưng còn lệ thuộc nhiều thứ, thuốc nổ, kỹ thuật mặt bằng, độ dốc cho phép v.v. Số cán bộ giao thông được cử vào cũng chưa có kinh nghiệm bao nhiêu về làm đường trên sườn núi đá cheo leo.

Một hội nghị về khoa học kỹ thuật được triệu tập ngay. Một ngày tranh luận sôi nổi, mọi người đều nhất trí với phương án Bộ tư lệnh đã chọn. Để chuẩn bị kỹ số liệu khảo sát thi công, dự trù nguyên vật liệu. Đoàn 559 tổ chức một đoàn gồm những cán bộ công binh 559, cán bộ của Bộ tư lệnh công binh và chuyên viên Bộ Giao thông vận tải đi nghiên cứu và tính toán ngay tại thực địa. Với phong cách chính xác ấy, con đường đã được xét duyệt, thoả mãn những yêu cầu quân sự và kỹ thuật.

Nhưng, để có được con đường này, phải huy động một khối lượng rất lớn vật chất kỹ thuật và cần nhiều nhân lực. Riêng Đoàn 559 thì không thể làm nổi, ngay chỉ riêng quân đội lúc này cũng vô cùng khó khăn. Đồng chí Tư lệnh nói:

- Tôi sẽ đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ triệu tập một cuộc họp liên tịch bàn về loại công binh trên hạng ngạch này. Anh Võ Bẩm chuẩn bị kỹ phương án đã chọn, báo cáo trong hội nghị.

Cuộc họp liên tịch gồm có đổng chí Nguyễn Duy Trinh đại biểu Thường vụ Hội đồng Chính phủ, đồng chí Tố Hữu thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Phan Trọng Tuệ đại biểu Bộ Giao thông vận tải, đồng chí Võ Bẩm đại diện Bộ tư lệnh 559. Vì tính chất quan trọng của cuộc họp, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đến dự.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã trình bày về ý nghĩa khẩn thiết, quy mô và điều kiện phức tạp của trục đường sẽ mở, được đặt tên là đường 20; đồng chí Võ Bẩm báo cáo kỹ phương án thiết kế và khái quát về kế hoạch tiến độ thi công.

Hội nghị làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao, cân nhắc mọi khía cạnh và cuối cùng đã tán thành phương án đề đạt. Hội nghị bàn tập trung vào vấn đề huy động lực lượng, phương tiện cho việc mở con đường vượt khẩu mới.

Cuối cuộc họp, đồng chí Lê Duẩn cho nhiều ý kiến quan trọng, đặc biệt nhắc nhở cần phải mở đường nhanh đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng miền Nam và giao trách nhiệm về huy động người. Ban Bí thư sẽ chỉ đạo Đoàn thanh niên lao động vận động, tổ chức các đội thanh niên xung phong đưa vào; việc huy động vật chất kỹ thuật. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng phối hợp cùng lo. Cần bàn tính thật cụ thể.

Hội nghị liên tịch đã kết thúc - bản khai sinh trục đường 20 bắt đầu từ đấy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #85 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2010, 07:07:25 pm »

*
*   *

Đội khảo sát thi công về đến Sở chỉ huy, quần áo bùn đất loang lổ, mặt đen sạm vì nắng gió nhưng người nào cũng tươi rói. Đồng chí Cục trưởng công binh 559 báo cáo với Bộ tư lệnh: Phương án thi công từ hai đầu dồn lại hoàn toàn thích hợp. Đội khảo sát đã cắm tuyến xong. Nhưng tính toán cụ thể thấy phải dùng nhiều bộc phá. Những đồng chí có kinh nghiệm khảo sát, đã chọn tuyến thi công từng đoạn, so sánh gạn lọc mãi vẫn không thể nào giảm được con số 400 tấn bộc phá phải chi cho con đường này.

Bộ tư lệnh cho biết là Tổng cục Hậu cần và Bộ Giao thông vận tải đã duyệt tất cả những yêu cầu Đoàn. Anh em khảo sát thở phào nhẹ nhõm.

- Thế thì làm gì mà không vượt nổi dốc Ba Thang, dốc U Bò. Chỉ cần bốn đến năm tấn thuốc nổ là bay cả thành đá ấy đi

- Này! - Đồng chí Tư lệnh nhắc - Phải hết sức tiết kiệm và chú ý yếu tố bảo mật cho con đường.

Thế đấy! Chiến tranh là sự chạy đua giữa hai bên địch và ta. Trên con đường dài đầy thử thách ấy, phần thắng cuối cùng sẽ thuộc về những con người gan góc, dẻo dai và mưu trí.

Lệnh mở "cửa khẩu” mới được phát ra.

Các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật hối hả hành quân đến vị trí tập kết. Rừng núi hoang vu từ động Phong Nha đến Ba Thang, Cà Roòng, Lùm Bùm bỗng bừng lên cuộc sống náo nhiệt khác thường. Nhất là khu dốc Đồng Tiền, sườn núi Trà Ang, lên Ba Thang. Hai đạo quân lớn từ hai phía đông, tây giao ước sẽ cùng tiến lại gần nhau, thông đường vào ngày 19 tháng 5 lấy thành tích chào mừng ngày sinh Bác Hồ kính mến cũng là kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 559.

Nhiều đơn vị bộ đội kịp thời bổ sung cho Đoàn 559 vào làm đường 20.

Ở phía tây, lực lượng gồm có trung đoàn 10 công binh và hai đội thanh niên xung phong cùng tiểu đoàn 25 công binh vừa mở đường 128 về làm nòng cốt, đứng chân ở lèn Cốc Mạc, tiến quân mở đường từ Lùm Bùm ra phía Phu La Nhích.

Mũi phía đông có một trung đoàn công binh và hai trung đoàn bộ binh 4 và 5, cùng với lực lượng thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến. Tổng số nhân lực lên tới hàng vạn người được phân chia thi công đồng thời trên nhiều công đoạn, theo bản thiết kế mở đường từ cửa rừng Phong Nha, qua Ba Thang, Cà Roòng vào A Ki, tiến lên tới sông Ta Lê.

Bộ tư lệnh cử đồng chí Tường Lân trực tiếp chỉ huy chung toàn công trường. Các đội kỹ thuật, cùng với các đơn vị công binh, thanh niên xung phong, các loại xe cơ giới mở đường được điều động về hai đầu con đường mới sẽ mở. Khí thế bừng bừng trên các công trường. Rừng Phong Nha, rừng U Bò, vách đá Phu La Nhích bị sức tiến công của sức người, máy móc và thuốc nổ, loang ra từng vệt lớn.

Khi mở đường qua các vách đá trùng điệp, xuất hiện nhiều cua gấp kiểu chữ A được gọi là các cua "A lớn" và “ con". Suốt những năm vận chuyển chiến lược, con đường này có một loạt trọng điểm địch đánh phá hết sức ác liệt như Cửa Rừng, kilômét 32, A Ki, kilômét 62... nhưng dữ dội nhất là cụm trong điểm Cua chữ A - Ta Lê - Phu La Nhích (sau gọi là cụm trọng điểm ATP). Nhiều đơn vị, cá nhân chốt giữ trọng điểm này đã trở thành anh hùng, chiến sĩ thi đua, nêu những tấm gương chiến đấu bền bỉ, giành chiến thắng với giặc Mỹ hết keo này đến keo khác, bất chấp mọi gian khổ hy sình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #86 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2010, 07:08:02 pm »

Máy bay địch vẫn rà bám phía đường 128, đường từ Phong Nha về Ho. Chúng chưa phát hiện ra hàng vạn con người, dưới rừng già um tùm đang làm chuyện long trời lở đất. Giữa nền xanh hùng vĩ Trường Sơn, đã hằn lên những vạch đường mới. Từng đoạn, từng đoạn đang nối lại với nhau, vươn dài ra, xuyên qua các thung lũng và sườn núi. Hai phía đông và tây đang xích lại gần nhau. Mây mù Trường Sơn đã che mắt bọn địch, ủng hộ những con người đang lao động vì sự nghiệp cao cả chống Mỹ, cứu nước.

Trung đoàn 4 gồm phần lớn chiến sĩ quê ở Hà Bắc. Được tỉnh uỷ, tỉnh đội Hà Bắc tuyển lựa những thanh niên ưu tú gửi vào chiến trường, trung đoàn 4 được vinh dự mang tên đồng chí Ngô Gia Tự.

Với khí thế đi chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, trung đoàn đã vượt qua chặng đường dài khá gian khổ từ Đình Bảng (Hà Bắc) vào tới đường 20. Dù mới đến, còn mệt nhọc sau chặng đường hành quân dài, song các chiến sĩ, các đơn vị đều hăng hái bắt tay vào công việc.
Tiểu đoàn 5 được chỉ định làm đường từ Cửa Rừng vào dốc Ba Thang. Tiểu đoàn 6, từ Ba thang vào A Ki. Tiểu đoàn 4 từ A Ki vào Ta Lê.
Trung đoàn 10 vào Trường Sơn từ tháng 12 năm 1965, thành mũi mở đường từ trong ra. Đoạn này ngắn hơn nhưng lại vấp phải vách đá, đèo núi phức tạp. Tuy rất bỡ ngỡ, nghiệp vụ chưa nắm được bao nhiêu, cán bộ chỉ huy đã bám ngay địa bàn, quyết lập những thành tích tốt ngay từ những thước đường đầu tiên; làm đà cho cả những ngày hội san núi, lát đường sau này.

Các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong náo nức thi đua giành những đỉnh cao năng suất. Các chiến sĩ gái cũng như trai, ai cũng muốn xung phong nhận những việc khó, trụ đứng ở những nơi quyết liệt nhất. Có những đoạn, các chiến sĩ phải treo mình trên vách núi, chạc cây mà đục đá. Có trung đội đã nổ mìn liên hoàn, đánh sập hàng chục, hàng trăm mét khối đá sau một lần điểm hoả. Khối mìn lớn nổ rung chuyển cả núi rừng. Đất đá bay mù mịt.

Những chiếc máy húc, máy gạt, lầm lũi xông lên trong lớp bụi dày đặc đến nghẹt thở, đi trước dọn cây, dọn đá, gạt mặt bằng, vạch ra con đường mới. Theo sau máy húc, các chiến sĩ mở đường với chiếc xẻng đã nhanh chóng hoàn thiện những thước đường ở những đoạn khó khăn và cheo leo nhất này.

Hàng ngày rừng Trường Sơn ẩm ầm rung chuyển như cơn động đất. Núi đá toác ra, núi đất bị gạt băng từng mảng xuống thung lũng. Những tấn thuốc nổ đã được sử dụng tập trung bóc toang các các-xtơ đá vôi lởm chởm như hàng nanh sói đứng chặn lối. Ở những đoạn đèo, tưởng không tài nào mở đường đi qua được, tay choòng, tay búa đã bạt hàng trăm tấn đá rắn tạo thành những cua gấp uốn lượn khá đẹp mắt.

Hướng phía nam đá chọc thủng Phu La Nhích. Tác nghiệp bên sườn núi, máy húc đứng khá chênh vênh, có pha máy nghiêng chừng nín thở. Các cô gái thanh niên xung phong cũng đã thành thục các công việc phá đá, nổ mìn, bạt dốc, xẻ rãnh, đào hào thoát nước, kê, chèn đá hộc làm nền cho con đường.

Gương lao động của tiểu đội Nguyễn Bá Xuyến đã được biểu dương và phổ biến ở nhiều đơn vị. Năng suất của riêng anh là đạt tới mức cao nhất ở đoạn đường mình phụ trách: làm đá đạt 2,5 mét khối một ngày, làm đất đạt 10 mét khối một ngày. Tiểu đội Xuyến luôn có mặt ở những chỗ khó khăn nhất. Anh em thường đùa: ăn thịt còn được miếng nạc miếng xương, chứ làm đường thì toàn nhằm chỗ xương xẩu mà gặm. Tuy nói thế, họ vẫn xung phong đến chỗ vách núi cao, phá đá, vạch đường.

Dốc Ba Thang đã bị địch phát hiện và bâu lại đánh phá. Tiểu đội Xuyến lại tới. Họ cũng nêu gương về phát huy những sáng kiến về kỹ thuật. Phá rậm, tiểu đội biết đốt rừng âm ỉ để rừng cháy kỹ, loang nhiều diện tích. Sáu cái xe trượt đầu tiên xuất hiện ở kilômét 32 đã khiến bạn bè sửng sốt về năng suất, về tài đóng xe của họ.

Với một kẻ địch giàu, có nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, việc giữ bí mật con đường mới mở chỉ có thể được một thời gian nào đó.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #87 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2010, 07:08:43 pm »

Cuộc chiến đấu với máy bay Mỹ đã bắt đầu trên con đường này ngay từ khi chưa đưa vào sử dụng. Thế nhưng sự ác liệt của bom đạn không ngăn nổi con đường ngày một vươn dài.

Ngoài khó khăn do kẻ địch gây ra, thì thời tiết khí hậu, điều kiện lao động ở Trường Sơn cũng là một vấn đề. Bệnh sốt rét đã làm hao hụt quân số ra mặt đường rõ rệt. Sau này, có ngày đại đội chỉ còn khoảng ba tiểu đội đi làm được, còn toàn sốt rét không đi nổi. Ghẻ lở, ù tai chẳng mấy chốc cũng thành các bệnh phổ biến. Một số anh em trẻ đã bị bệnh teo cơ. Chất dinh dưỡng không đủ. Bệnh phù thũng, thiếu sinh tố được dịp lan tràn. Có chiến sĩ sau một đêm ngủ, sáng mai không tài nào đứng dậy được đành phải cáng lên trạm xá.

Nhưng vui nhộn vốn là bản tính của lớp trẻ. Tiếng hát vẫn vang lên hàng đêm từ các lán. Nụ cười giữa trận sốt rét vẫn làm cho bạn vui thêm. Giữa vùng trọng điểm, thấy xe con vào, anh em vẫn ngăn lại để hỏi chuyện hậu phương, chia vui trong khói thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo...

Dù khó khăn rất lớn, các đơn vị công binh, các trung đoàn 4, trung đoàn 10 và hàng nghìn thanh niên xung phong, hàng trăm cán bộ kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

Tính đến hết mùa khô năm 1965 - 1966, một cửa khẩu mới của đường vận chuyển quân sự xuyên Trường Sơn đã được khai thông.

Tiếng súng thông đường ở những nơi hiểm trở như A Ki, Ta Lê, Phu La Nhích, đón đoàn xe chạy thử nghiệm từ Phong Nha vào Lùm Bùm trước một mùa mưa Trường Sơn đang ập đến, là những tiếng súng báo hiệu thắng lợi mở đầu những mùa vận chuyển gian khổ, gay go, quyết liệt trước thử thách của thiên nhiên và kẻ thù.

Tuy nhiên, phải đến cuối mùa khô 1966 trở đi, đường 20 với cụm trọng điểm ATP nổi tiếng suốt mười năm, mới thực sự phát huy tác dụng mạnh mẽ.

*
*   *

Những thể nghiệm đầu tiên từ vận chuyển thô sơ sang cơ giới gây nên những sai sót trục trặc ban đầu không thể tránh khỏi, nhiều khi dẫn đến những tổn thất không nhỏ. Điều này không đáng lo. Sợ nhất có chăng là những tư tưởng dao động, tiêu cực từ đó cũng dễ nảy nở. Nhiều cán bộ sơ cấp, trung cấp, trước những thử thách lớn đều muốn trở lại vận chuyển theo lối gùi thồ như những năm cũ. Bao nỗi băn khoăn nặng trĩu trong tâm tư nhiều cán bộ. Tình hình đã khó càng khó thêm. Nhiều ý kiến trái ngược nhau trong các cuộc hội nghị, trong bữa cơm, trên đường đi làm, lai rai suốt từ 1965 sang đến đầu năm 1966, chỉ xoay quanh chuyện gùi thồ hay cơ giới.

Theo chỉ thị của Quân uỷ Trung ương, một đoàn kiểm tra của Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Chính trị, do các đồng chí Đinh Đức Thiện chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và Phạm Ngọc Mậu phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu vào xem xét và cùng với Bộ tư lệnh Đoàn 559 phân tích đánh giá đúng những tình huống đã xảy ra, nhằm xây dựng, tổ chức công tác vận chuyển hàng một cách bài bản và trước hết là khai thông đoạn đường từ hậu phương miền Bắc đến đường 9.

Đoàn gồm các cán bộ có năng lực của nhiều thành phần cơ quan, binh chủng, nhằm đi sâu tình hình từng mặt, tìm biện pháp tối ưu cho hiệp đồng vận chuyển, kể cả việc xem xét những nhu cầu vật chất thiết yếu nhất, những đề đạt cụ thể của riêng từng binh chủng hợp thành, quyết đưa công tác vận chuyển cơ giới thắng lợi đáp ứng kịp yêu cầu của chiến trường sắp tới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #88 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2010, 07:09:27 pm »

Đã vào khoảng tháng 2 năm 1966. Người mới, người cũ vào Trường Sơn xem ra đều đã thấm mệt. Mặc dù cũng đã làm được một loạt công việc quan trọng, nhưng bê bối cũng không phải ít. Khâu mở đường còn khá, chứ khâu vận chuyển, quả là ì ạch. Thua thiệt, lúng túng suốt cả mùa.

Xe chạy nhiều ít đều chưa đạt kế hoạch, chưa vào bài bản. Có lúc năm xe, ba xe cũng chạy, công tác vận chuyển luôn luôn phải đối phó và bị động. Cán bộ bấn lên vì xe, vì đường, kế hoạch khập khiễng, không ăn khớp, không chỉ huy nổi.

Việc bảo đảm giao thông của công binh chưa thật nền nếp. Có khi chỉ vài ba hố bom bên đường mà suốt đêm không khắc phục nổi. Xe đành nằm lại. Không có phương tiện thông tin liên lạc mà báo về cho cán bộ binh trạm. Xe đi không biết lúc nào về. Lái xe cứ hết chuyến này, nối chuyến khác, không có cả thì giờ học tập, rút kinh nghiệm.

Tổ chức bảo dưỡng, tiểu tu, trung tu xe chưa thành chế độ. Xe nhiều chủng loại, các phụ tùng thay thế thường không đủ. Có chiếc xe chỉ hỏng bộ phận nhỏ cũng đành nằm lại. Đề nghị xin thêm xe được chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần trả lời thẳng thắn: Xe đưa vào như thế không phải là thiếu, chỉ do cách quản lý, sử dụng chưa phát huy được hiệu quả cao.

Pháo cao xạ đánh chưa hay, trừ một số đơn vị chịu khó tìm tòi cách bố trí, cách đánh bảo vệ đường, bảo vệ xe. Các kho tàng chưa mở nhiều đường ra vào, khi có xe đến, chờ nhau quá nửa đêm mới bốc hết hàng, trở ra lại nhỡ cung độ v. v.

Đoàn kiểm tra của Quân uỷ Trung ương cử vào, đã thăm ngay một số đơn vị, binh trạm, xem xét đường sá, kho tàng, công trường, làm việc khẩn trương với các cán bộ lãnh đạo, nghe báo cáo về những khó khăn, những trở ngại. Mặt khác, cho rà soát, tính toán lại kế hoạch. Vì mùa khô đã mất đứt bốn tháng. So với chỉ tiêu được giao, Đoàn 559 thực hiện chưa được một nửa. Thời cơ đã bị lỡ, tình hình vận chuyển rất căng thẳng.

Những tháng còn lại, Đoàn 559 sẽ phải chuyển:

- 3.400 tấn gạo đến Bạc.

- 2.000 tấn xăng dầu, vũ khí, lương thực xuống Tạt Xẻng.

- 2.500 tấn viện trợ cho chiến trường C (Lào).

- Bảo đảm gạo hành quân, nuôi dưỡng lực lượng nội bộ và xăng dầu vận chuyển.

Cùng với Bộ tư lệnh 559, Đoàn kiểm tra nắm ngay số hàng đang để rải ở các kho (khoảng 500 tấn vũ khí). Đoàn xe N.90 với ngót 100 xe Gát 63 và đoàn xe N.100 gồm hơn 300 xe các loại, hai đoàn xe tăng cường này chở hàng từ Hà Nội, chạy thẳng đến chiến trường, nhưng dọc đường địch phát hiện, đánh liên tục, xe bị cháy quá nhiều, hàng rải rác mỗi nơi một ít, tồn tại từ khu vực La Hạp đến bắc Bạc .

Đến lúc này mùa mưa sắp ập tới, mà kho đã cạn, gạo không mang vào được, toàn tuyến đang đói. Bộ tư lệnh lại phải cho dỡ các xe chở vũ khí xuống, quay ra chở gạo phục vụ cho các đơn vị làm đường, và công tác bảo đảm hành quân. Tình hình càng thêm căng thẳng.
Đoàn kiểm tra của Quân uỷ Trung ương đánh giá cao nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 với tinh thần xả thân vì miền Nam ruột thịt. Đồng thời, đoàn cũng xác nhận: mọi mặt sinh hoạt của bộ đội, thanh niên xung phong quá thiếu thốn, cực khổ. Không khẩn cấp khắc phục sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Đoàn chỉ rõ: sự lãnh đạo, chỉ huy của các cấp còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn vận tải cơ giới; tổ chức chưa sát hợp, cồng kềnh, nặng nề, lắm cấp; tư tưởng chỉ đạo chiến thuật chưa rõ nét, hình thức chiến thuật còn rối, chưa ra manh mối nào; phương tiện thông tin chỉ huy quá kém; lực lượng tác chiến bảo vệ công việc vận chuyển chiến đấu quá mỏng, không đủ sức đánh bật địch bảo vệ khu vực mở đường, tập kết, bảo vệ kho và còn lúng lúng trong việc đánh địch bảo vệ vận chuyển.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #89 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2010, 07:10:19 pm »

Địch phá hoại đường bằng các phương tiện hiện đại, rải đô la trên mặt đường không tiếc, ta chống địch ngăn chặn không thể chi phí bằng cái cuốc, cái xẻng và chút ít thuốc nổ. Phải sửa đổi gấp từ tư tưởng chỉ đạo, tổ chức đến cung cách làm ăn, nhằm động viên mặt tích cực, khắc phục mặt tiêu cực nảy sinh trong bước đường đi lên. Không thể chỉ ngồi phê phán mà làm sao giúp cho các cơ sở, đơn vị nhận thức đúng và hành động đúng; như thế sẽ tránh được tình trạng lãnh đạo quan liêu.

Kết luận tới những vấn đề nào, đoàn kiểm tra lại trao đổi kỹ với Bộ tư lệnh Đoàn 559 đề ra những phương hướng giải quyết ngay. Những ý kiến này cũng được trao đổi với các cán bộ chỉ huy các tuyến, các đoàn chuyên viên quân sự

Đoàn kiểm tra gửi báo cáo đầy đủ về Quân uỷ, đồng thời điện ra Tổng cục Hậu cần, nhân có đoàn xe vào chiến trường, chuyển theo những thứ cấp thiết bổ sung cho tuyến 559 như: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho bộ đội Trường Sơn. Tổng cục Hậu cần cũng bổ sung xe ba cầu, hai cầu theo phương án tổ chức mới. Cục vận tải đào tạo gấp lớp lái xe ngắn hạn, từ 45 ngày đến ba tháng, đưa thẳng vào Trường Sơn, đi kèm với các tay lái cũ chuyển hàng cho chiến trường.

Đoàn đề nghị Bộ Tổng tham mưu nâng tổng quân số Đoàn 559 theo yêu cầu mới; tăng lực lượng cao xạ pháo, bộ binh bảo vệ hành lang; cử các tiểu đoàn thông tin đưa dây, đưa máy vào, thiết lập ngay mạng thông tin tải ba, thông tin hữu tuyến dây bọc cho 559 để sao cho Bộ Tổng tư lệnh có thể trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ chi viện chiến lược, Bộ tư lệnh 559 có thể trực tiếp chỉ huy các binh trạm, binh trạm trực tiếp chỉ huy đến từng trọng điểm, đến các trạm điều chỉnh xe trên đường, đến các kho tàng, bến bãi. Đồng thời đoàn kiểm tra đề nghị Tổng cục Chính trị điều động thêm cán bộ trung, sơ cấp thuộc các bộ phận kỹ thuật, chuyên môn, cán bộ chỉ huy cho 559.

Riêng với nội bộ 559, đoàn khẳng định việc bỏ cấp tuyến, lập các binh trạm, do Bộ tư lệnh trực tiếp chỉ huy là đúng. Mỗi binh trạm cần có tỷ lệ cân đối giữa lực lượng vận tải, công binh, cao xạ, bộ binh, các binh chủng kỹ thuật (xe máy, thông tin...).

Đoàn đề nghị Bộ tư lệnh 559 củng cố tổ chức ngay, kiên quyết điều chỉnh hợp lý một số cán bộ. Những cán bộ chủ trì phải là những đồng chí có trách nhiệm chính trị cao, quán triệt quan điểm cách mạng tiến công của Đảng, có trình độ tổ chức chỉ huy hiệp đồng các binh chủng để tiến hành nhiệm vụ.

Về mặt tư tưởng, đoàn nhấn mạnh: Nguồn gốc của tình hình dao động do các phương thức vận chuyển chưa thích hợp, do công tác giáo dục và lãnh đạo thiếu chặt chẽ, chưa khẳng định rõ mặt ưu việt và tính tất yếu của vận tải chi viện chiến lược bằng con đường cơ giới ngày càng mở rộng quy mô. Khó khăn gian khổ đến mấy cũng phải kiên trì với phương thức vận tải cơ giới, với phương hướng đi lên đó, tuyệt nhiên không thể quay lại vận chuyển thô sơ. Cán bộ lãnh đạo còn chưa nhạy bén trước những nhân tố mới, chưa phát huy những biện pháp sáng tạo, đúng đắn để thuyết phục quần chúng. Cần khắc phục ngay lối làm việc bảo thủ, cũ kỹ này.

Hội nghị cán bộ toàn Đoàn 559 được triệu tập về Đại Trạch (Cự Nẫm), một khu trung chuyển quan trọng, một ngã ba đường ra quốc lộ số 1 và vào cửa ngõ đường Trường Sơn để tập huấn. Nội dung xoay quanh vấn đề là đường đã mở rồi (tuy chưa tốt lắm) xe đã chạy rồi, hàng đã đến chiến trường rồi, nhưng tại sao chưa được bao nhiêu? Vì sao bị hạn chế đến vậy? Cần bàn cho hết nhẽ ở hội nghị này...

Trong hội nghị, đồng chí Võ Bẩm, phó tư lệnh đã xúc động nói lại những lần ra báo cáo với Quân uỷ Trung ương lần nào cũng đều được Bác Hồ giành cho anh thời gian báo cáo với Bác. Mỗi lần gặp, Bác đều thân ái hỏi: "Thế nào đường vận chuyển của các chú tiến đến đâu rồi?". Sự quan tâm của Bác như vậy mà bộ đội Trường Sơn làm ăn chưa tốt thì biết ăn nói thế nào đây với Trung ương Đảng, với Bác ...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM