Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:12:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111213 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #70 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:23:02 am »

Tuyến 1, phụ trách từ Mụ Giạ đến bắc đường 9. Chỉ huy gồm các đồng chí Vũ Toàn, Nguyễn Chúc, Dương Văn Hoà. Trong khu vực tuyến 1 có công trường 128 làm đường từ Lằng Khằng đi Noọng Cà Đen và công trường 20 làm đường từ Phong Nha, giáp đường 15 vào đến Lùm Bùm. Những công trường này đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh 559 và sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.

Tuyến 2 có phạm vi từ bắc đường 9 (S1) vào bắc Bạc (S5). Chỉ huy gồm có các đồng chí Nguyễn Lang, Đặng Ba, chịu trách nhiệm chỉ huy mở đường B.45 đi xuống tây Trị - Thiên và đường ô tô từ nam đường 9 vào Bạc.

Tuyến 3, từ Bạc vào Tà Xẻng, do đồng chí Nguyễn An chỉ huy, có hai trung đoàn công binh 98 và 279, chịu trách nhiệm xây dựng hoàn chỉnh đoạn đường Bạc vào Tà Xẻng, đường C4 (gọi là B.49) từ Hi Hà đến Tà Ngâu, đường thồ B46 từ Chà Vằn đi Nậm Công.

Còn công trường 16 làm đường thồ từ Ho đi Bản Đông, gồm lực lượng thanh niên xung phong và dân công Quảng Bình, trực thuộc sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh 559.

Tất cả các tuyến phải nắm chắc phương châm chỉ đạo là: "Kết hợp mọi phương tiện cơ giới, thuốc nổ và thủ công, khai thác sử dụng nguyên liệu tại chỗ, tập trung lực lượng hoàn thành dứt điểm mục tiêu, nhiệm vụ đúng thời hạn".

Yêu cầu chủ yếu phải đạt là: các đường mới mở phải bảo đảm kéo được moóc (Rơ-moóc: thùng xe chất hàng. Các trung đoàn công binh của Bộ được điều vào làm nòng cốt cho các công trình.) và chạy được cả mùa mưa (nhưng trên thực tế không bao giờ đạt được yêu cầu này ở Trường Sơn. Mãi sau này cán bộ lãnh đạo tuyến 559 mới rút được kết luận chính xác về khả năng khắc phục sự cản trở của thiên nhiên Trường Sơn). Tu sửa đường cũ, nâng cấp và chống lầy tích cực để vận chuyển sớm sau mùa mưa. Vì vậy, mưa cũng mở đường, để chi viện trước mắt cho Khu 5, Tây Nguyên và Trị - Thiên.

Việc triển khai một loạt công tác tổ chức, khảo sát thiết kế, thi công được chỉ đạo chặt chẽ với những biện pháp cụ thể và khẩn trương. Miền tây Quảng Bình sôi động khác thường với các công trường lớn nhỏ nối nhau mở ra. Bộ tư lệnh 559 rút một bộ phận quan trọng từ các trung đoàn giao liên, gùi thồ, tổ chức nhanh chóng thành các đại đội và tiểu đoàn công binh. Một số các tiểu đoàn bộ binh bổ sung cho các chiến trường đang trên đường hành quân vào được lệnh dừng lại, tăng cường cho 559 mở đường cơ giới Trường Sơn.

Cả miền Bắc dành sự quan tâm cho con đường.

Những phương tiện, vật chất, nguyên liệu, xe, pháo, thuốc nổ, dụng cụ làm đường được chuyển ngay vào nam Khu 4. Ở các địa phương bộ phận tuyển quân cùng cán bộ cục quân lực thành lập nhanh hoặc điều động những đơn vị tăng cường biên chế vào Đoàn 559, trong đó có những đồng chí từng làm công tác vận tải từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Những kỹ sư tốt nghiệp khoa cầu đường của Bộ Giao thông vận tải, trường Đại học Bách khoa được lệnh gọi nhập ngũ, lên đường gấp vào tuyến lửa...

Các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh lần lượt thành lập các đội quân "Ba sẵn sàng", bắt đầu lên đường tiến thẳng vào Trường Sơn.

Bộ Giao thông vận tải cử đồng chí Nguyễn Tường Lân, Thứ trưởng, đồng chí Lê Nam Hải, Viện trưởng Viện thiết kế, và một số cán bộ chủ chốt, khẩn cấp vào triển khai những công việc trước mắt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #71 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:23:57 am »

Những máy húc lớn C100, ĐPH được điều từ Bộ Nông trường vào cùng với những người lái, những thợ máy có nghề nghiệp vững, tình nguyện đi chiến trường. Những đội quân tiên phong khai phá núi đèo rất tự hào, hiên ngang tiến về phía trước, mở lối, đón các phương tiện máy móc tiến sâu vào các khu rừng rậm rạp, những vách núi hùng vĩ dựng đứng.

Những đoàn quân chân dép lốp, tay choòng, tay búa, nườm nượp tiến vào các khu vực công trường. Những dấu chân các chiến sĩ mở đường đã ngày một lấn sâu vào ruột rừng già.

Lán trại giăng khắp nơi. Tiếng người đã xua tan cảnh hoang vu nghìn đời của đại ngàn.

Máy móc phát động. Những làn khói xăng phả trộn với sương trời hoang dã.

Quân chủng Phòng không - Không quân và Quân Khu 4 được Quân uỷ Trung ương giao cho việc điều phối các đơn vị cao xạ vào ngay các tuyến, đánh địch bảo vệ lực lượng mở đường, bảo vệ đoàn ô tô chở những chuyến hàng đột xuất.

Tất cả đều hội tụ vào tuyến tây Trường Sơn.

*
*   *

Trường Sơn - dãy núi dài, nằm dọc biên giới Việt - Lào, chạy suốt từ Bắc đến Nam. Nước Lào gọi Trường Sơn là Phu Luông (núi Lớn). Trong dãy núi cao hùng tráng như bức bình phong khổng lổ hứng gió biển Đông, có ngọn cao xấp xỉ 3.000 mét.

Phu Luông và Mè Khoỏng (sông Mê Công) là biểu trưng của đất nước Lào duyên dáng và tươi đẹp.

Dọc Trường Sơn có nhiều thung lũng rộng, những dãy núi vôi cao thấp lởm chởm, núi rạn tự nhiên, khoa địa chất gọi là các-xtơ. Thung lũng, đèo, các-xtơ là những ẩn số của các bài toán hóc búa luôn thử thách, kích động, gợi sự tìm hiểu, trí sáng tạo của những người mở tuyến Trường Sơn ngay giờ phút này và mãi cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Bởi cũng từ đây, những túi nước sẽ được hình thành trong mùa mưa và lá khô cháy bỏng sẽ xuất hiện trong mùa nắng, đấy là một trở ngại lớn, có khi không khắc phục nổi.

Khí hậu Trường Sơn chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa mưa lũ kéo dài tới sáu tháng, sau đó là mùa khô hạn.

Vùng giáp ranh, vùng đệm, cắt ngang bởi những dải núi đá lô xô, thời tiết quanh năm ẩm ướt. Các ngọn đèo trong những ngày mưa liên miên không dứt, sẽ biến thành những đoạn đường rất lầy trơn, nguy hiểm đối với vận chuyển cơ giới". Mỗi kinh nghiệm, thường thường phải đổi bằng máu.

Thiên nhiên có quy luật riêng ở rừng Trường Sơn không chỉ từng mùa, mà còn khác biệt giữa đông và tây giữa nam và bắc. Mọi hình thức hoạt động, chiến đấu ở đây đều phải dựa vào đó, nhất là trong vận chuyển quân sự. Có khi phải tranh thủ đến từng ngày nắng cuối cùng hoặc tuần đầu, tháng đầu khi mùa mưa vừa chấm dứt hơi sớm ở tuyến trước hoặc tuyến sau, để chạy xe.

Đường Trường Sơn, con đường vận chuyển cơ giới được bắt đầu từ quốc lộ 12. Theo các bình độ thấp, qua các đèo La Trọng, Y Leng, Bản Dinh, Cổng Trời, bám ngay sườn Cha Lo vượt đèo Mụ Giạ mà sang đất Lào.

Trên một trục đường dài hàng trăm kilômét, hàng vạn con người mở đường. Có tới sáu trung đoàn công binh. Bất chấp mưa to gió lớn, rừng già gào thét đe doạ, họ đã chiếm lĩnh các khu vực mình phụ trách. Các tiểu đoàn pháo 37, 14,5 và 12,7 milimél, chốt trên các đỉnh núi cao dọc tuyến đường sẵn sàng đánh máy bay địch. Bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật, cán bộ giao thông, ở chen chúc trong các lán, "người đông như kiến", súng ống máy móc "dầy như củi" (Thơ Nông Quốc Chấn)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #72 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:24:42 am »

Mở đường qua những dãy núi Trường Sơn này quả thật là khó. Những thứ thiết yếu nhất cho những người làm đường như bản đồ hình thể, bản đồ địa chất, dân cư, tài liệu số liệu lưu trữ, ở đây đều thiếu.

Có chút vốn kinh nghiệm hơn các đơn vị bạn, có chăng là tiểu đoàn 25 công binh. Tiểu đoàn này thuộc Quân khu 4, được biệt phái sang Lào từ 1963. Họ làm một con đường cấp phối miền núi để chở hàng giao cho bạn ở hai tỉnh Khăm Muộn và Sa-va-na-khét. Tiểu đoàn 25 đã lăn lộn ở cung đường cheo leo, chằng chịt sông suối này từng thời gian ngắn, phục vụ các chuyến hàng định kỳ và đột xuất. Khi Đoàn 559 thành lập thì tiểu đoàn 25 được chuyển hẳn cho Đoàn và được giao sửa, mở rộng đoạn đường 128 chọc thẳng xuống đường 9. Đoạn đường đã mở cũ còn hẹp, mặt đường lồi lõm, gập ghềnh, thỉnh thoảng lại vấp phải nhiều đoạn lầy thụt nặng, cây cối đổ ngổn ngang.

Công trường lớn mở ra. Khối lượng phương tiện cũng lớn. Chất nổ, thuốc men, lương thực còn ở kho ngoài thì phía trong, các lực lượng mở đường đã triển khai việc thi công đã bắt đầu tiến hành. Những đoạn đường mở rộng chạy quanh co giữa rừng già đang khích lệ mọi người. Những đoạn có bàn tay bộ đội, công nhân, có máy móc tác động đến trông khác hẳn những đoạn đường cũ. "Ráng một lèo cho đường mở rộng thênh thang để đón xe vào tuyến" - Ai cũng thầm hứa như thế. Nhưng công việc đâu có thuận chiều. Khó khăn ban đầu cùng biết bao trở ngại mới không lường được đã thực sự thử thách ý chí con người.

Những trận mưa đầu mùa đã giội xuống. Thiên nhiên báo hiệu những rắc rối mới. Những cơn sốt rét run bắn người đến với tuổi mười tám, đôi mươi. Những bàn tay phồng rộp. Những giấc ngủ lịm sau ca làm việc quá sức mình. Những bữa cơm hụt dần thức ăn, rồi hụt đến rau, đến gạo. Trong chương trình hoạt động của đơn vị được ghi thêm nhiều tiết mục mới: lấy rau rừng, vác gạo ở kho X, kho Y, giọi mái nhà dột...

Bọ cạp đã cắn mấy anh chàng vạm vỡ khiến họ không lết chân được. Chỗ bị cắn nhức buốt vô cùng, người bị cắn nằm liệt ở trạm xá hàng tuần. Ruồi vàng để lại hàng loạt mụn loét ở bắp chân trắng mịn của các cô gái.

Giữa đêm, có tiếng hét rú lên như thể... hổ về. Nhưng có gì đâu chuột Trường Sơn đã cắn tung màn, nhảy vào gặm chân một cô thanh niên xung phong trẻ.

Sau đêm mưa, đường vào công trường nhớp nháp. Vắt vươn lên hàng nghìn chiếc vòi nhọn hoắt, từ lá, từ cỏ mục, từ vỏ cây. Chúng búng mình nhảy bật bám vào người để cắn đến dễ sợ. Thấy ngứa ở nách, ở mang tai, ở kẽ chân, sờ đến, y như đã có chú vắt nằm gọn ở đấy rồi!

*
*   *

Trên dọc tuyến Trường Sơn, hàng vạn người lao động khẩn trương. Nhiều công trường đá, công trường khai thác gỗ đã mở. Tiếng chặt cây, đẵn gỗ rền vang trong các khu rừng. Tiếng bộc phá, tiếng nổ mìn nối tiếp nhau, suốt từ mờ sáng cho đến tối mịt.

Trường Sơn đang thực sự bị chẻ dọc. Hàng ngày, trên một trục khá dài xuyên các khu rừng già, những cây thân vừa người ôm lần lượt bị ngả xuống. Những thước đường cũ được mở rộng ra. Những đoạn đường mới được nối tiếp.

Đất sụt xuống, đá tách ra. Trường Sơn đang bị rạch một vệt dài sâu vào trong ruột rừng già, vào những nơi chưa có vết chân người. Nai, thú rừng gặp người còn ngơ ngác.

Tuyến 1 được chia thành nhiều công trường nhỏ. Công trường 12 chạy dài từ Hoà Tiến đến 050. Đoạn thi công đường từ 050 đến Thà Khống được gọi là công trường 128.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #73 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:25:14 am »

Mùa mưa ngấp nghé ở phía sau. Mặc! Những ngày nắng ngắn dần. Những đám mây mùa hè tụ lại ngày một nhiều.

Phía ngoài được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, nên làm nhanh. Nhiều đoạn ngầm vượt sông, lát đá khá công phu, dựa theo dòng lượn và thế đất khá phức tạp.

Tiếng cuốc liên hồi, tiếng mìn rền rền. Tiếng hát át tiếng bom.

Những máy húc với năng suất mở rừng khá cao, đã trở thành những mũi đột phá lợi hại. (Hậu phương chi viện cho Đoàn 559 rất hùng hậu: 40 máy húc, 10 máy khoan và 6 máy ép hơi).

Sáu đội thanh niên xung phong của Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Hà có mặt ở đây. Họ mở đường, lát đường, đào rãnh, xẻ ta luy theo đúng kỹ thuật làm đường ô tô dã chiến. Họ lát những quãng ngầm bằng đá khá dầy và dài, từ Khe Tang, Khe Dinh, Khe Ve trở vào. Mặt đường được lát đá hộc, chèn đá dăm, bảo đảm quy cách.

Riêng về mặt kỹ thuật, trước khi làm đã có những cuộc thảo luận khá sôi nổi. Mở đường nhanh nhưng phải tính làm sao cho xe chạy an toàn, ổn định. Theo chỉ thị của Bộ tư lệnh Đoàn 559, ban chỉ huy các tuyến đều nhất trí phải làm đạt tiêu chuẩn cho một đường vận tải quân sự chiến lược. Mặt đường phải rộng từ năm đến sáu mét. Tất cả những cua gấp nhất cũng mở sao cho xe chạy an toàn, lái xe kịp xử lý những trường hợp địch đánh phía sau, phía trước và tắc đường.

Một đoàn cán bộ giao thông gồm các đồng chí Lê Nam Hải, Viện trưởng Viện thiết kế Bộ Giao thông vận tải, đồng chí Thuần, Cục trưởng Cục quản lý đường bộ, đồng chí Phan Trầm và một số cán bộ kỹ thuật vào chi viện cho tuyến.

Tuy nhiên, công trường bị trải dài. Do chạy đua với mùa mưa đang tới, phải dồn sức chính lo mở trục, nên đường ô tô nhiều đoạn vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Đường 12 tuy có những đoạn đường rải đá cũ còn dùng được nhưng nhiều đoạn bỏ lâu, cây rừng mọc lấn, mới làm lại rất hẹp, vừa vặn xe đi. Xe tránh nhau vô cùng khó khăn, thường chạy con thoi từng đoạn. Chỉ cần vài chiếc xe của các đơn vị pháo đóng quân tại chỗ, chạy ngược chiều với nó thì đường đã ùn tắc, rất căng thẳng.

Những chiếc cầu làm gấp cho kịp thời gian vận tải đã phải áp dụng cách xếp gỗ theo kiểu “cũi lợn" làm trụ cầu. Mặt cầu lát toàn gỗ tròn, kích thước không đều nhau, cây cong cây thẳng, buộc ghì bằng dây sắt. Xe chạy qua chẳng bao lâu đã lôi bật từng khúc gỗ lát ra. Mặt cầu xộc xệch, chỗ liền, chỗ trống. Anh em lái xe phải kiếm dây mây mang theo, thấy chỗ nào dễ tụt bánh thì nhảy xuống, giàn gỗ buộc lại rồi mới đi.

Đường vào ngầm, vào cầu, đường xuống suối, xuống bến thì vừa trơn, vừa dốc. Hiếm có những lối xuống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật giao thông. Mạo hiểm đấy, nhưng xe vẫn cứ phải băng qua. Có khi vừa lên dốc, xe lao ngay xuống mặt cầu rung bần bật, gỗ lát cầu tung mất, trống trơn. Xe mắc kẹt giữa chừng, phải dừng lại tự sửa lấy cầu, cài số chân, rồi đi dần từng chiếc. Đoạn giáp biên giới Việt - Lào, các nếp nhăn của núi nhiều, sông suối chảy ngoằn ngoèo quanh co. Qua lại vùng này, ô tô vận chuyển khá trầy trật.

Phải tranh cướp với trời, những khoảnh khắc tạnh mưa, nắng ráo. Trong tháng cuối cùng của mùa khô, nhiều quãng đường đã được mở rộng. Mọi người đang hy vọng những dự định sẽ được hoàn thành. Buổi ban đầu, nào ai đã lường tính hết. Cơn bão số 5 của mùa mưa năm 1965 đổ bộ vào Khu 4, đã tràn qua Trường Sơn kéo theo một trận mưa lũ chưa từng thấy. Thiên nhiên vô tình đã ngăn trở quyết tâm lớn của hàng vạn con người. Trận mưa lũ đã thực sự để lại những dấu ấn khắc nghiệt, sâu sắc trong tâm trí những cán bộ, chiến sĩ đang lao vào cuộc chiến đấu vô cùng khẩn trương trong những năm tháng ấy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #74 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:25:55 am »

Những cơn mưa hè của Trường Sơn tiếp theo, ngày càng dày thêm. Ngày vài trận, ngày năm sáu trận. Về đêm mưa càng nhiều hơn. Ở những đoạn đường tiếp giáp như Pha Nộp, Seng Phan, lượng mưa tới hàng trăm milimét, mưa rỉ rả, mưa sầm sập như thác trút, sấm chớp liên hồi, dữ dội. Thiên nhiên lên tiếng thách thức đoàn chiến sĩ mở đường. Không có lấy một ngày nắng trọn vẹn. Mùa mưa Trường Sơn ào đến tưởng như không có sức nào ngăn nổi.

Mưa. Mưa tiếp ngày này sang ngày khác. Mưa như thác nước từ trời đổ xuống. Mưa không nhóm nổi bếp, không có cơm mà ăn. Mưa xoá hết những công trình đang dở dang, dìm mọi thứ vào túi nước. Mưa làm tăng bao nhiêu nỗi khổ cực cho những con người dũng cảm đang vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Trước đây, các con suối nhỏ lội ngập bàn chân. Vài tiếng đồng hồ, toàn bộ khu vực công trường chìm nghỉm trong nước. Tiếng mưa, tiếng nước xối từ các đỉnh núi xuống. Tiếng lũ, tiếng thác réo ầm ầm.

*
*   *

Phương châm vận chuyển trên tuyến 1 lúc này vẫn theo nguyên tắc sơ tán đội hình, bảo đảm phòng tránh an toàn tuyệt đối là chính. Xe nhận hàng xong được chiếc nào, chạy chiếc đó. Cung độ khá dài. Chạy một mạch từ Hoá Tiến vào tận Na Hi, kế hoạch là bốn đêm một chuyến, nhưng biết bao chuyện trục trặc xảy ra trên cung đường dài ngót 300 kilômét này. Phương tiện thông tin chưa có, trạm điều chỉnh xe cũng không có, xe hỏng, ùn tắc ở đâu, người chỉ huy không nắm được. Xe chạy đến đoạn nào, phía trước hay phía sau cũng không biết.

Ở các trọng điểm quan trọng, dẫu có pháo cao xạ bố trí, nhưng khi xe qua, không báo trước được với các pháo thủ để họ sẵn sàng đánh địch, bảo vệ đoàn xe. Khi bị địch đánh vào đội hình, xe nào không trúng đạn, cứ việc phóng đi cho thoát, xe nào bị hư hỏng, các lái xe xúm vào, giúp nhau sửa chữa rồi tiếp tục co kéo nhau đi. Xe bị trúng bom đành bỏ đấy, chỉ tìm cách cứu được thương binh, đưa được liệt sĩ ra là tốt.

Vì vậy, mặc dù tuyến 1 đã có ba tiểu đoàn xe, hai tiểu đoàn cao xạ, bốn đại đội súng máy, cùng hai tiểu đoàn công binh bảo đảm giao thông mà không thực hiện được chỉ tiêu vận chuyển. Ngược lại, tỷ lệ tổn thất, hy sinh tăng lên khá lớn.

Trong hoàn cảnh bê bối ấy, những dấu hiệu mùa mưa năm nay sẽ đến sớm càng làm rối ruột những con người đang ngày đêm vật lộn với bao trở ngại, khó khăn để đưa từng tấn hàng lên phía trước.

Dọc Trường Sơn đã rộ lên tiếng rìu hạ cây phát nương, đây đó rừng rực ngọn lửa đốt rẫy. Rồi đột nhiên những trận mưa đầu mùa ào tới.
Các cầu lớn lần lượt bị cuốn trôi.

Các con sông Băng Phai và Băng Hiêng dâng nước lên mênh mông, không kém gì những dòng sông lớn nhất của đồng bằng Bắc Bộ.
Những thung lũng nằm giữa các nếp đá, các các-xtơ đá vôi nước tụ lại thành hồ, con đường vừa làm xong bị cắt ra thành nhiều đoạn dài, ngắn, như con rồng khổng lồ bị chặt ra thành nhiều khúc - bộ đội Trường Sơn gọi đó là những túi nước.

Đường 128 chìm trong nước; đường 129 cũng bị túi nước ngốn gọn đoạn từ Xóm Péng vào đến Mường Phin. Đứng trên cao nhìn xuống, thấy hàng chục các hồ lớn, nước đầy ắp. Đường vận chuyển chìm ngập trong những hồ nước ấy. Mọi hoạt động vận chuyển trên tuyến 1 đang hy vọng làm ăn lớn bị ngưng đọng lại đột ngột.

Mưa lũ kéo dài hết tháng này qua tháng khác, rồi mới ngớt dần.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #75 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:26:29 am »

Bộ tư lệnh 559 chủ trương không chờ lũ rút hẳn, phải tranh cướp thời gian với thiên nhiên khôi phục đường để vận chuyển được sớm, không ngồi chờ đến lúc đường khô hẳn. Đoạn Mụ Giạ - Pắc Pha Năng - Lùm Bùm - Thà Khổng - đường 9, bùn lầy nước đọng ngập ngụa.

Những quãng đường có túi nước bị sụt lở nghiêm trọng. Xe chỉ chạy một quãng ngắn, bánh đã quay tròn, bùn tung toé, không tài nào nhích lên được. Hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, được huy động chống lầy cho hàng trăm kilômét đường qua các túi nước. Khu này hiếm núi đá, toàn rừng già. Lượng thuốc nổ cần thiết để khai phá đường còn chưa đủ, nói gì đến chuyện có đá lát rải chống lầy.

Nghĩ mãi, tính đi tính lại bao lần, những con người lăn lộn với đường lầy mới chợt nghĩ đến cách làm đường "rông đanh" trước đây. Thế là lại khấp khởi hy vọng.

Đường “rông đanh" tức là đường lát ngang bằng những cây gỗ nhỏ tròn để khắc phục những chỗ lầy thụt. Không còn cách nào khác. Các tiểu công trường "đường lát gỗ" được mở ra. Cây được chặt hạ ngay để cứu đường. Những cây gỗ thân thẳng, đường kính trên dưới 15 xăngtimét, không vấu không gạc được hạ hàng loạt, xếp liền xít bên nhau trên những đoạn lầy thụt, rồi đặt những cây gỗ lớn nẹp dọc hai bên và giữa đường. Rừng tuy nhiều nhưng chặt mãi, không còn gỗ đủ tiêu chuẩn ở gần, phải dẫn cả các cây gỗ cong, cây bằng bắp đùi, bằng cổ chân, khá hỗn độn.

Toàn bộ công việc mở đường, vận tải của tuyến 1 bị ngừng hẳn. Ban chỉ huy tuyến quay ra lo đối phó chống lầy khắc phục mưa lũ để cứu hàng bị ứ đọng rải rác trên đường và, cấp bách hơn là lo... cứu đói.

Lao động vô cùng cực nhọc. Người bê bết bùn, mồ hôi hoà vào mưa. Cái rét, cái nóng khi lui, khi tới, xói mòn sức lực con người đang bị nạn đói, nạn thiếu chất dinh dưỡng nuôi cơ thể.

Sau những tuần mưa, lương thực, thực phẩm đã dần cạn. Nhưng cũng có cái may, mưa lũ phá phách rồi, kéo đi, để lại cho các chiến sĩ làm đường một mùa cá. Cá nhiều vô kể. Cá trong hố bom, cá ở khe cạn, ở các vũng lầy. Cá róc rách quẫy dọc vệt bánh ô tô. Chiến sĩ ta rủ nhau mò bắt cá cải thiện. Khi đi làm họ mang theo xô, thùng, đó tre, bao tải để đựng cá. Chỉ cần bắt một lúc thì cả đại đội có thể luộc cá ăn trừ bữa, ăn chán thì thôi. Bứa và tai chua ở rừng không hiếm. Canh cá lóc nấu chua là những món ăn nhớ mãi sau cơn lũ. Rồi cá nướng, cá luộc chấm mắm kem, cá kho ớt rừng, tha hồ mà xoay xoả đù món ăn cho khỏi chán.

Nhờ có 50 kilômét đường "rông đanh" mà một số xe Din ba cầu, xe Gát có đầu tời có thể chở gạo muối tiếp sức cho các công trường, trận địa. Sự tiếp viện này thường chỉ có ở những nơi đường còn chạy từng đoạn ngắn. Nhưng cũng chẳng được lâu dài, đợt nước lũ tiếp theo lại ập đến. Những chuyến xe cứu đói, tiếp viện bị mắc cứng giữa các túi nước, lái xe đành đánh xe bò lên các sườn đồi cao để... nằm chờ nước rút.

Gạo, thực phẩm, muối đã hiếm càng hiếm. Nguồn cá không còn bắt được dễ dàng nữa. Lũ lại xuất hiện không kém phần dữ dội, nước vừa rút xong, lại khép vòng vây, chia cắt đội quân làm đường. Tình hình trở nên căng thẳng và bức bối.

Hàng chở tiếp, mắc cứng trên các đoạn đường. "Kho dã chiến" được dựng tạm bên bờ các túi nước. Gọi là "kho" nhưng thực ra là các hòm đạn trên xe dỡ xuống, che phủ tạm, khỏi bị gió mưa làm hỏng, phí mất bao công sức mới chở được tới đây.

Mức gạo ăn hàng ngày giảm xuống chỉ còn bốn lạng, rồi hai lạng. Muối cũng không đủ ăn. Người ta lại phải vắt óc tìm phương kế mới để cứu sống lấy nhau. Từ Pha Nốp, Lằng Khằng đến 050, anh chị em công nhân, thanh niên xung phong, bộ đội đều bị sốt rét, ăn đói, quần áo rách mướp, người xọp đi, gầy trông thấy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #76 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:27:16 am »

Bộ tư lệnh 559 vội điều ngay năm đại đội thồ hàng vào gấp phía trong cứu đói khẩn cấp. Đi đến đâu đội quân "cứu đói" cũng chứng kiến cảnh sống đói, khổ nhưng vẫn chịu đựng và lao động quên mình của các đơn vị. Họ vẫn nói vui: "Thiếu gạo, thiếu thịt nhưng ở đây ăn măng trên mức tiểu táo...". Khi nhận các đồ tiếp tế nhiều người đã khóc vì xúc động. Dù hàng hoá, lương thực không được bao nhiêu nhưng mọi người đều hiểu sự chăm sóc ân cần của tuyến ngoài với vùng túi nước đang gặp trở ngại như thế nào...

Tiểu đoàn công binh 25 trong mưa lũ vẫn tỏ ra bền bỉ, dẻo dai hơn cả. Nhiều năm lăn lộn ở đoạn đường xung yếu này, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã thuộc tính nết từng khúc sông, từng ngọn đèo. Tuy thế, họ cũng phải kinh ngạc trước trận lũ chưa từng thấy. Nhưng vốn sống của những năm chống chọi với lũ của họ, đã giúp họ, ngay giữa túi nước mênh mông, họ kịp nhớ ra những quãng nào không ngập, đoạn nào có thể bắc cầu.

Tiểu đoàn 25 đã làm được hàng chục cầu ngắn từ năm đến mười mét ngay trong khi nước còn bao vây bốn phía. Không những thế, tiểu đoàn còn lo đến chuyện làm cầu dự trữ, giấu sẵn, phòng khi dùng đến.

Cán bộ chỉ huy tiểu đoàn còn phát hiện ngay trên sông Băng Phai, ở đoạn Khe Nhú, là một khúc sông hẹp, nước chảy xiết. Được cái lợi, bờ sông cây cối khá rậm rạp, có thể làm bến xuống cầu rất kín. Ban chỉ huy liền cho bắc cầu này song song với việc củng cố các cầu khác để kịp cho mùa khô tới. Nhờ cấu tạo địa chất thuận lợi, lòng sông toàn là cát pha đá, không có đá tảng, việc tạo thế làm trụ không khó khăn gì. Công binh làm bốn năm ngày xong cầu. Thế nhưng, lũ ập đến...

Nỗi khổ tâm của chiến sĩ mở đường Trường Sơn lúc này là chiến trường đang đòi hỏi chi viện lớn mà khó khăn và thiên nhiên đã ngăn cản những nỗ lực của hàng vạn người trên tuyến. Bao nhiêu công sức bỏ ra trong một thời gian ngắn tưởng chừng như đổ xuống sông, xuống suối cả...

Nỗi dày vò ấy đang lan rộng trong mọi người.

Phải làm sao giải thoát được số hàng mắc kẹt ở vùng Lằng Khằng - Pác Pha Năng - Lùm Bùm này để đẩy lên phía trước. Tư lệnh Đoàn 559 và tham mưu trưởng đích thân đến Seng Phan đôn đốc.

Người ta nghĩ đến dùng thuyền để chuyển tải qua từng túi nước một, và có thể tận dụng đi trên những đoạn sông thuận lợi.

Theo cách của bộ đội vượt sông, những người có trách nhiệm trên tuyến nghĩ ngay đến một loạt thuyền dã chiến. Ở khu vực chân dãy Phu Ác mở ngay một công trường làm thuyền, những anh lính thợ đóng thuyền được điều động vào cả một số thợ Quảng Bình lên. Mọi người hối hả làm. Chỉ trong tháng 8, loại thuyền vượt túi nước đã xuất hiện. Một kế hoạch chuyển tải trên nước được vạch ra ngay.

Những hàng ứ đọng do túi nước chặt khúc ra ở rải rác các đoạn đường lập tức chuyển theo các phương án được hoạch định. Cứ dựa đường "mặt nước" mà đẩy hàng lên phía trước. Từ các túi nước Pac Pha Năng, Seng Phan, hàng được chuyển đến Noọng Cà Đen, rồi đến bắc đường 9. Chỗ đường nào còn chạy được ô tô thì cứ chạy, lầy thụt lát “rông đanh" mà chạy.

Các công trường gỗ, rèn đinh mở ra. Thuyền dã chiến được làm gấp. Khung tre đan thưa, với những nan tre cật lớn uốn hình thoi, dùng vải bạt bọc hàng bịt kín thành một loại thuyền "nan" đặc biệt, sức chở từ ba đến năm tạ.

Những xưởng may quân đội được giao kế hoạch cấp tốc may vải bạt làm thuyền.

Những hy vọng giải toả hàng mắc kẹt trong túi nước lại nhen lên.

Với những thuyền nan dã chiến này, người chở thuyền chỉ việc trải bạt ra, xếp hàng rồi buộc chặt không cho nước vào và chở đi hoặc thả trôi trên những đoạn sông cho phép.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #77 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:27:57 am »

Những chiến sĩ phục vụ kế hoạch đột xuất này làm với tất cả nhiệt tình. Họ làm thuỷ thủ. Họ ra đón hàng tận bến dưới. Họ còn "sáng kiến" thả trôi cả thùng xăng theo dòng nước, người hộ tống đi trên mảng như một người chăn trâu nước vậy. Về sau không cần người hộ tống nữa, hàng được thả từ trên đầu nguồn, chỉ cần bố trí người ở phía dưới túi nước để vớt hàng lên.

Lùm Bùm là nơi tập trung đón hàng dồn đến. Sau mùa mưa, ở các bến, những khung thuyền vót lên, chất hàng đống ở chân núi, xa trông như những xác con vật thời tiền sư.

Có sống những năm tháng mưa lũ này mới thấy nỗ lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559. Họ cứu trọn vẹn từng bao gạo, từng phuy xăng; kê cao, giữ gìn chu đáo từng hòm đạn. Các đơn vị dẫu đói vẫn không dám vi phạm đến tiêu chuẩn của chiến trường. Mặt khác, họ vẫn luôn luôn suy nghĩ khắc phục khó khăn, không bó tay chờ nước rút. Và, 100 tấn hàng vượt túi nước kịp chuyển ra chiến trường lúc ấy thật vô cùng quý giá.

Khi mùa mưa 1965 kết thúc, các công trường thuộc tuyến 1 nhanh chóng tiếp tục mở đường.

Việc mở đường thông tuyến xuyên suốt đến lận phía trong, tiếp giáp vào chiến trường Khu 5, vẫn là mục tiêu khẩn cấp của công tác vận chuyển. Người chuyển tải, cứ chuyển tải. Người mở đường, cứ mở đường.

Đất sau mùa mưa sũng nước, làm thủ công thuận tiện. Bạt ta luy, đào rãnh, tay mai, tay xẻng tăm tắp. Vách cao dồn xuống vực sâu, đất đá bạt được cũng nhanh. Ở nơi cao, vùng đất đỏ sa thạch, nước rút nhanh hơn, cơ giới tranh thủ làm dấn. Máy giấu trên đồi cao bò xuống mặt đường. Làm đường bằng cơ giới cần trinh sát đường hướng cho kỹ. Chủ quan, có khi lộn tùng phèo cả máy xuống vực.

Người chỉ hướng cho máy móc khá quan trọng. Máy cao lênh khênh, sương loà nhoà, người lái nhận hướng chủyếu nhằm vào người chỉ đường đứng ngoài trời phía trước.

Ban chỉ huy tuyến chỉ đạo sát sao. Đường làm đến đâu phải bảo đảm chất lượng, phải rộng, sao cho xe chạy hai chiều, tránh nhau thoải mái.

Vừa trải qua một mùa mưa thiếu đói, quần áo không đủ mặc, liệu có hoàn thành nhiệm vụ không? Đấy là nỗi lo của những người lãnh đạo. Không những phải lo làm kế hoạch, lo bảo đảm hậu cần, chăm lo sức khoẻ, mức sinh hoạt cho cán bộ và chiến sĩ; điều đáng lo hơn là phương tiện kỹ thuật quá thiếu, lại hay hỏng nhiều. Ban chỉ huy một mặt điện xin chi viện ở trên, một mặt phát động toàn công trường phát huy sáng kiến, đẩy mạnh năng suất làm thủ công.

Nòng cốt của công trường 128 là tiểu đoàn 6, gồm nhiều công nhân đường bộ có tay nghề vững, được chuyển vào tuyến. Tiểu đoàn không những mở đường nhanh, lát đường bảo đảm chất lượng, mà còn hướng dẫn các đại đội thanh niên xung phong kỹ thuật xẻ rãnh, lát đá hộc, chèn đá ba, đá dăm, việc nào cũng cẩn thận. Dù đoạn đường lớn hay nhỏ, tiểu đoàn cũng đề nghị tổ chức nghiệm thu đàng hoàng, làm ăn hết sức nghiêm túc.

Tiểu đoàn đã có sáng kiến đổ đá, cho xếp đá trên thành ta luy cao, lợi dụng địa hình sườn dốc của núi, chỉ cần một số lao động dùng xẻng hoặc bừa gạt mà hất xuống xe, năng suất tăng gấp ba bốn lần. Cung cách làm ăn đó được phổ biến rộng rãi cho toàn tuyến, thành phong trào thi đua đuổi vượt các chỉ tiêu tiên tiến.

Ở các đơn vị thanh niên xung phong, năng suất cũng tăng rõ rệt. Ban chỉ huy bố trí đại đội khá kèm đại đội yếu. Họ giao ước thi đua với nhau. Kế hoạch tác nghiệp hàng tuần được xây dựng chi tiết đến từng tiểu đội. Công việc làm ăn ngày càng vào nền nếp.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #78 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:28:35 am »

Do vận chuyển chưa kịp, những chiến sĩ làm đường lúc này mới chỉ được bốn, năm lạng gạo một ngày, rất đói. Rau hiếm. Thỉnh thoảng mới chạy được một con lợn chia đều mỗi đơn vị một ít. Anh em phải phát động phong trào "đi có về có". Lúc đi choòng, búa, ky, xẻng, lúc về rau, củ rừng trên vai, trên tay. Lao động mệt nhọc, ăn uống kham khổ, nhưng công trường 128 vẫn bảo đảm năng suất, làm việc có kỹ thuật, có kỷ luật.

Những cơn mưa cũng thưa dần. Tháng 9, bầu trời không còn vẩn đục những đám mây sũng nước nữa. Nhưng việc vượt những khó khăn về sinh hoạt vẫn chưa thể chấm dứt.

Chỉ sau một mùa mưa, các chiến sĩ Trường Sơn đã thấm thía về sự khắc nghiệt của thời tiết. Dù có thuốc phòng bệnh nhưng 90 phần trăm thanh niên, dân công, bộ đội bị sốt rét. Nạn ghẻ lở khá rầy rà.

Cực nhất là những cô gái. Chân tay lao động xước sứt, muỗi, vắt, ruồi vàng bu vào đốt càng nhiều. Chị em phải xẻ hết quần áo cũ để bọc chân tay, làm khăn che kín cả mặt mũi. Cứ "bọc giẻ" như thế mà dầm mưa, ngâm nước, lội bùn suốt ngày, suốt buổi. Quần áo chưa cấp phát kịp, thiếu thốn.

Mưa liên miên. Mồ hôi ra trộn với nước, ngấm vào thớ vải, loang đều trên áo hết ngày này qua ngày khác. Chiều đi làm về, chờ cơm và cả sau bữa cơm, chị em cứ xúm đông quanh bếp Hoàng Cầm, bếp củi trong hang mà hơ quần áo. Có người chỉ còn độc một bộ, ngày mặc lao dộng, đêm lại cởi ra hong trên đống than bếp. Dù khô, dù ướt, sáng hôm sau cứ phải mặc đi làm. Bệnh phụ khoa khá phổ biến. Những gương mặt hồng hào không còn nữa. Da dẻ các cô đều xám tái, xỉn dần, môi thâm xịt lại. Nhưng ai nấy đều ráng chịu.

Đời sống vất vả, sức khoẻ giảm sút, quân số ra mặt đường vẫn bảo đảm đến mức tối đa. Chỉ những ai không gượng dậy được mới chịu nghỉ. Sốt rét ghê gớm nhưng dứt cơn sốt, anh chị em lại vùng dậy đi làm.

“Tất cả vì miền Nam ruột thịt", khẩu hiệu ấy đã thấm sâu vào tình cảm mỗi người.

*
*   *

Tuyến 2, tuyến 3 ở phía trong, nhờ có đường 128 cũ, tình hình có đôi chút thuận lợi hơn. Trong năm 1964, tiểu đoàn 1 công binh của tuyến 2 đã mở thêm đường cho ô tô chạy Bản Đông - Mường Noọng. Các đoạn ngầm sông Sê Pôn, Sê Băng Hiêng, ngầm Thà Khống, đều do tiểu đoàn đảm nhiệm. Tuyến 3 được tăng cường thêm tiểu đoàn 2 trung đoàn 98, tiếp tục mở bến phà sông Bạc và đoạn đường Đèo Long.

Những sự kiện đáng ghi nhớ trong những năm này là việc mở đoạn đường từ Đèo Long vào vùng ba biên giới và công tác bảo đảm vượt sông ở khúc sông Bạc.

Việc làm phà ngầm sông Bạc do đại đội 39 đảm nhiệm. Chỗ vượt này thuộc sông Sê Kông, một con sông lớn ở Nam Lào. Bởi chỗ đó có bản Bạc, nên khúc sông này cũng gọi là sông Bạc. Đứng từ đỉnh Phu Luông nhìn xuống, trong những tháng mùa khô, dòng sông hắt nắng, trông như một dải băng uốn lượn rực sáng lấp loáng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #79 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:29:13 am »

Sông Sê Kông chỗ này thắt eo lại, tuy thế vẫn còn khá rộng. Nước chảy xiết, bờ sông dựng đứng. Vách đá quanh co lồi lõm, đa dạng. Do đó phà Bạc rất khó triển khai. Muốn hạ độ dốc cho xe lên xuống được, không có cách nào khác là phải xẻ một con đường xuống bến, hai bên ta luy cao như vách thành dựng đứng. Xe còn phải chạy theo một đoạn đường chênh vênh ở mép sông, bên vực, bên thành đá, khá hiểm trở.

Ban đầu, phà Bạc được ghép bằng những khoang sắt DLP. Chở xe qua, không có máy đẩy, phải chèo tay, hoặc dùng dây cáp lôi, khá vất vả. Gần một tiếng đồng hồ mới được một chuyến phà.

Ngay trong năm 1965, hết mùa mưa, vào mùa khô, phà Bạc đã được thay bằng ngầm và cầu nổi. Địch đánh thủng phao, thủng thuyền, anh em làm ngầm. Địch đánh tan ngầm, không kịp tôn hàn, anh em bắc cầu nổi. Đại đội 39 đã kiên cường bám trụ, đối đầu với giặc Mỹ. Hết các vật liệu của trên cung cấp, anh em tự xẻ gỗ làm dầm, lấy thùng phuy làm phao, tìm mọi cách để có phà, có ngầm, có cầu đón xe qua...

Trong những trận vật lộn với sông nước, đối phó với bom đạn địch, Chu Văn Vịnh đã lập được những thành tích đặc biệt. Ngay trong lúc địch đánh, sông nước to mùa mưa, tự mình anh đã ghép được cả một chuyến phà. Khí tài có cái nặng hàng tạ, hai ba người khiêng mới nổi, nhưng trong tình huống cả đơn vị xô đi cứu đường, một mình anh loay hoay tìm mọi cách, xeo đẩy, lôi trượt, đưa được bằng hết xuống sông. Vịnh dũng cảm, thông minh, tháo vát làm nổi một việc mà khi bình thường, đội ghép phà 15 người được phân công rất tỉ mỉ và hiệp đồng hết sức chính xác mới bảo đảm không làm thủng khoang, méo mép, lật úp phà.

Hàng đêm bến phà bị địch đánh rất căng. Ngoài việc đánh bom phá, chúng còn thả bom bi để xăm thủng phà và sát thương thuỷ thủ. Có lần phà bị thủng tới trăm lỗ, Vịnh cùng đồng đội trước còn dùng giẻ rách để bịt hàn, sau giẻ cũng không có đủ, anh nghĩ ra cách lấy củ chuối rừng cắt ra từng thỏi to, nhỏ khác nhau, phà thủng chỗ nào thì thì nút ngay chỗ đó. Anh em gọi voi là cách "khắc phục bằng vật liệu mềm". Địch thả bom bi nổ chát chúa ở dưới sông, anh em vẫn bám thuyền, cứu người, vẫn đẩy phà sang sông an toàn .

Các tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 2 công binh thuộc trung đoàn 98, do ở xa hậu phương nên vấp phải khá nhiều khó khăn trong việc bổ sung và sửa chữa dụng cụ. Các đại đội, tiểu đoàn phải mở lấy lò rèn, cho người đi tìm kiếm các vỏ bom bi, các thanh thép, nhíp xe ô tô hỏng để tự tạo lấy dụng cụ. Thiếu thuốc nổ, các đơn vị công binh phải đi tháo các quả bom nổ chậm, lấy thuốc nổ phá đá mở đường.

Các đồng chí công binh ở tiểu đoàn 1 đã có cách "cắt" bom rất tài tình để lấy thuốc. Họ đặt giữa thân bom từ 200- 300 gam thuốc dưới dạng thỏi. Tính lượng thuốc sao cho khi điểm hoả, thuốc nổ đủ sức cắt đôi quả bom ra mà không kích thích quả bom nổ. Làm thử một quả. Bom bị bổ đôi như ta bổ quả dưa.

Chưa hết nguy hiểm đâu, muốn lấy được thuốc phải gõ vào vỏ bom cho thuốc long ra, trong khi kíp đồng hồ hẹn giờ vẫn có thể gây nổ được. Nhưng rồi anh em cũng biết cách làm thật an toàn. Các đại đội đã tự xoay xở lấy hàng tấn thuốc nổ bằng cách này.

Cuộc chiến đấu vật lộn mở đoạn đường từ Đèo Long vào ba biên giới khá gay go. Đường ở đây phải xuyên qua những dãy núi cao dựng đứng, chạy dọc theo sông Sê Kông. Riêng đoạn Đèo Long, đường quanh co, độc đạo, chênh vênh một bên vách núi, một bên là sông, có nhiều cua khá gấp như "cua bóng đèn" , "cua tay áo" ... Địch đã nhằm vào đoạn đường này để đánh phá. Do đó hầu như suốt cuộc chiến tranh trên mặt trận giao thông vận tải ở Trường Sơn, đoạn đèo này nổi tiếng là đoạn chịu bom đạn ác liệt nhất, và cũng hay bị ùn tắc nhất.

Tiểu đoàn 41 công binh được đặc trách mở đoạn đèo này và lo bảo đảm thông xe.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM