Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:55:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111222 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #60 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:36:35 am »

Vẫn khó khăn là không có cối giã. Một đồng chí đề nghị: "nhà bếp ngâm gạo rồi phát về cho các tiểu đội giã". Bắt đầu từ đó, cứ bữa nào sắp ăn bánh xèo là trong đơn vị diễn ra cảnh giã bột tập thể rất vui. Anh nào vớ được cái gì thì giã bằng cái ấy: bát sắt, mũ sắt, ca uống nước, tiếng "cong cong"... "cục cục" cứ vang lên khắp từ đầu đến cuối doanh trại. Cuối cùng lại chở ống đèn dù ra Nghệ An đổi lấy bốn chiếc cối xay bột. Thế là ổn. Bây giờ chúng tôi có thể làm được đủ loại bánh: bánh xèo, bánh cuốn, bánh đúc, bánh dợm, bánh đa... Và bún nữa. Có đồng chí đã làm thơ ca ngợi bún:

Bún mồng năm mẹ nấu
Chan với nước cua đồng
Hôm nay ở chiến trường.
Ăn bún chan canh thịt.
Lòng em càng da diết
Nhớ mẹ và nhớ quê ...


Kể những chuyện vặt vãnh ấy với anh, chẳng phải vì tôi muốn tô vẽ cho cuộc sống ở Trường Sơn. Không, cần gì phải làm thế. Ai không biết cuộc sống Trường Sơn là gian khổ, là máu lửa, là hy sinh.

Trên đường vào đây, chắc anh còn nhớ chúng ta đã đi qua nghĩa trang. Hàng trăm nấm mộ. Rặt một lứa tuổi mười chín, hai mươi, người già nhất cũng chỉ mới hai mươi bốn. Trong số những anh chị cùng lên tàu, cùng hát với tôi ở Nam Hà dạo ấy, nhiều người đã ngã xuống và ở lại đó mãi mãi.

Cách đây vài hôm chúng tôi vừa vĩnh biệt Lý, cô Lý chim chích" đã có lần suýt bị gạt lại vì chưa đủ tuổi. Năm nay cô ấy mới bước sang tuổi mười chín. Cả Nguyễn Thị Liệu nữa, cũng hy sinh rồi. Nghĩ đến đồng chí nào đã hy sinh tôi cũng thấy lòng mình đau quặn lên, riêng với Liệu, bên cạnh nỗi đau còn có một chút gì như là sự hối hận. Liệu xinh đẹp, tươi trẻ, hồn nhiên, đôi lúc tôi cứ nghĩ như trời sinh cô ấy là cốt để làm cho cuộc đời chúng ta đẹp thêm.

Không phải chỉ trong đội 25, trên cả tuyến đường 20, nhiều người biết và quý mến Liệu. Cô là người con gái đầu tiên trong đơn vị chúng tôi nổ mìn phá đá, cũng chính cô đã đi đầu trong việc phá quả bom nổ chậm. Liệu hát hay, đặc biệt là hát chèo. Tiếng hát của cô - tiếng hát mà có anh nhạc sĩ nhận xét là “nguyên vẹn màu sắc dân ca" từng vang lên ở Ta Lê, ở cua chữ A, ở Pu-la-nhích, những trọng điểm nổi tiếng ác liệt ở Trường Sơn.

Anh Đồng Sĩ Nguyên đã có lần ghi tiếng hát của Liệu vào máy ghi âm, hễ có dịp là anh lại mở cho mọi người nghe và không quên ca ngợi người con gái ấy. Nhưng chúng tôi, hay nói cho thật đúng, một số người trong chúng tôi chưa thật tin yêu Liệu như cô đã tin yêu chúng tôi và tin yêu cuộc sống. Hồi còn ở Nam Hà, vì vướng chút lý lịch, cô suýt bị để lại. Vào đến Nghệ An, lại một lần nữa có người nêu việc ấy ra. Chiến công của Liệu làm những người ấy phải im lặng, song hình như trong đáy sâu lòng họ, những thành kiến xưa cũng chưa bao giờ biến mất.

Nếu "thanh niên xung phong là một trường đại học" như có đồng chí thường hay nói thì đối với tôi nó là trường đại học dạy ta biết yêu thương tin tưởng con người. Tình yêu ấy, lòng tin ấy - nếu tôi không nhầm đã là cội nguồn sức mạnh, là nền tảng tạo nên chủ nghĩa anh hùng, liệu có phải thế không anh?...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #61 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:37:14 am »

III


Ngày 20 tháng 10

Ngày thứ tám tôi ở đại đội sáu. Vẫn mưa. Suốt ngày đêm lúc nào cũng nghe mưa dội ồn ào trên thảm rừng và dòng suối lũ phía sau nhà gào thét đầy vẻ giận dữ, hung hăng, ánh sáng thiếu, giữa buổi trưa vẫn phải thắp đèn, vành mũi đen thui vì khói ma-dút.

Khắp thế giới xôn xao về chuyện Tổng thống Giôn-xơn của nước Mỹ sắp ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc. Trong năm ngày đại sứ Mỹ ở Sài Gòn Bân-cơ bốn lần gặp Thiệu. Hăm-phơ-ri, Ních-xơn, Go-tơn đều đã lên tiếng. Ở đây bom vẫn nổ, và hình như rơi nhiều hơn lúc nào hết. Không nghe tiếng máy bay chỉ nghe tiếng bom rít trong từng không và tiếng nổ. Bom "toạ độ", cứ đều đặn mỗi giờ một loạt. B.52 đánh về đêm đánh bổ sung như cách nói của anh chị em ở đây.

Đường vẫn tắc. Mức ăn đã rút xuống: ra đường năm lạng, ở nhà ba lạng. Thức ăn thiếu. Rau muống trồng bên kia suối, không sang hái được, rừng dang, rừng nứa ở xa. Mỗi bữa quản lý Long chỉ xì ra hộp thịt hoặc vài lạng muối mặn. Nhà bếp chỉ còn một cách hoà các thứ ấy vào nồi nước lã, cho thêm ít muối và đun sôi lên. Thứ nước đó, anh nào thích ăn mặn thì gọi là canh, anh nào thích ăn nhạt thì gọi là nước mắm. Sáng nay có chuyện ở trung đội hai, tiểu đội nữ chỉ nhận hai phần ba suất cơm, phần còn lại xẻ sàng cho tiểu đội nam. Đại đội trưởng Danh khi kể lại chuyện đó với tôi đã rơm rớm nước mắt.

Chập tối B.52 ném bom gần lán, quả gần nhất cách nhà tiểu đội trưởng 300 mét. Ngồi trong hầm, cứ mỗi lần chớp bom loé lên lại trông thấy cặp mắt to đen láy và trong veo của cô Thu. Mười chín tuổi, Thu thuộc lớp thanh niên xung phong thứ hai vào Trường Sơn, hiện làm công tác thống kê của đại đội. Giữa đám bạn gái cục mịch, sạm đen vì nắng gió và sốt rét, trông cô hơi lạc lõng: vóc người thon thả, da trắng hồng, cặp môi đỏ mọng lúc nào cũng như đang chúm chím một nụ cười... Đã có lúc tôi thoáng nghĩ cô gái này chẳng qua cũng chỉ là một thứ hoa lá, nhưng hoàn toàn không phải thế. Khi loạt bom B.52 cuối cùng vừa dứt, Thu bỗng quay về phía Danh.

- Anh còn nhớ cái hôm trong hang đá không nhỉ?

- Nhớ chứ, quên làm sao được - Danh đáp.

Và anh kể lại rằng đêm ấy anh ngồi trên máy ủi C100 cùng với thợ lái Nguyễn Phong Lưu, còn Thu thì đi phía trước, cô cầm một tấm dù trắng đi làm cữ cho Lưu lái máy. Chợt thấy bom chớp loé khắp xung quanh. Ba người nhào tới một cái hang đá bên cạnh đường. Bom tiếp tục rơi, có những quả nổ trước cửa hang và ngay trên đầu họ. Đá bị sức nóng của bom nung thành vôi bay tạt vào hang, làm mái tóc rất dài của Thu hôm ấy phủ một lớp vôi trắng toát. Thì ra Thu đã từng làm cữ cho máy ủi C100 suốt nửa năm trên trọng điểm. Cô chỉ về làm thống kê sau khi bị sức ép của bom B.52 quật hộc máu phải đi bệnh viện.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #62 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:37:56 am »

Ngày 21 tháng 10

Gần sáng mưa có dịu hơn. Danh bảo tôi:

- Mai nắng anh ạ.

- Thật không?

- Thật chân tôi quết lắm.

Chả là năm trước Danh bị thương vì giẫm phải mìn lá của Mỹ rắc trên đường. Vết thương đã lành nhưng mỗi khi tiết trời thay đổi, các khớp ngón và khớp bàn chân lại nhức buốt. Thu vẫn gọi cái chân của Danh là "phong vũ biểu”. Hải nói:

- Mai nắng thật đấy. Chân cậu Danh thì chỉ "để tham khảo” thôi, vợ chồng con chim thủ thỉ thù thì kia mới đáng tin, anh không nghe chúng nó đang kêu ngoài rừng à.

Tôi lắng nghe. Quả là có tiếng chim thủ thỉ thù thì kêu thật, từng chuỗi âm thanh mơ hồ, lẫn trong tiếng mưa và tiếng suối, nghe như giọng nói thầm.

Dầu cả chân Danh và tiếng chim đều không phải là những bằng cớ xác thực, tôi vẫn cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn. Nửa tháng lên Trường Sơn, chưa trông thấy mặt con đường 20, chỉ suốt ngày quanh quẩn trong hầm, nhìn mưa và nghe bom rơi, đôi lúc thấy nặng nề, tưởng như đầu óc mình cũng đang sũng ra.

B.52 vẫn đang dội bom một nơi nào đó bên kia núi. Từng chuỗi tiếng nổ bị các vách núi dội đi dội lại, kéo dài rền rĩ hồi lâu. Nằm gác chân lên tôi, Hải kể chuyện về mẹ anh. "Bà cụ thì buồn cười lắm anh ạ" - thỉnh thoảng Hải lại đệm vào một câu như vậy. Nhưng câu chuyện thì chẳng có gì đáng cười cả, giọng Hải đôi lúc trầm xuống, ngắt ra từng quãng, tưởng như anh đang phải nhớ lại các chi tiết một cách khó khăn.

Quê Hải ở Ninh Bình, một làng vùng chiêm trũng giống như tất cả mọi làng vùng chiêm khác. Mẹ sinh Hải năm mẹ đã bốn mươi sáu tuổi - đứa con thứ tám và cũng là đứa con duy nhất còn sống sót. Hải lên ba thì xảy ra trận đói năm Ất Dậu. Nhà còn lưng thúng thóc, bố để lại cho mẹ con rồi cắp bọc quần áo ra đi. Bố nói đi kiếm ăn, ít lâu sau nghe nói bố nằm chết ở quãng đường số một phía đầu thị xã.

Mẹ yêu con, quý con đến mê muội, y như một tín đồ ngoan đạo yêu quí chúa Giê-su. Năm Hải mười lăm tuổi, đã lên học cấp hai của trường huyện, chiều chiều mẹ vẫn ra đón ở đầu làng. Nhà ở kề đường sắt, thỉnh thoảng vẫn còn những con tàu chở đầu bộ đội chạy qua để đi mãi về phía Nam. Những anh bộ đội còn rất trẻ, vừa hát vừa vẫy tay với Hải, với bất cứ ai họ trông thấy bên đường. Những tiếng hát, những cái vẫy tay và ánh mắt tươi vui của họ dần dần trở thành nỗi ám ảnh, luôn luôn làm Hải phải trằn trọc, suy nghĩ. Hải ngỏ ý với mẹ muốn được đi bộ đội. Mẹ im lặng. Nhưng ban chỉ huy xã đội không ghi tên cho Hải vì lý do anh là con một.

Rồi Hải ghi tên đi thanh niên xung phong. Mẹ buồn nhưng mẹ cũng không nói một lời nào. Biết con sắp đi xa, mẹ nhốt gà, đổ thóc nếp vào xay, làm mấy mâm cơm cúng bố, mời chú bác cô dì cùng các bạn của con. Khi Hải lên đường mẹ không khóc, không đưa tiễn, mẹ chỉ theo ra đến ngõ rồi lặng lẽ quay vào nhà. Hải cũng không dám quay lại, bởi vì theo như lời anh nói, nếu anh quay lại và trông thấy mẹ thì có thể chân anh sẽ khuỵu xuống mất.

Cùng với đơn vị thanh niên xung phong đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, Hải vào thẳng Trường Sơn. Thoạt đầu đi thồ hàng bằng xe đạp trên đường 16, rồi chuyến tải ở dốc Khỉ, sau sang phía Tây Trường Sơn ở đường mới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #63 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:38:32 am »

Giữa năm 1968, sau một trận sốt rét ác tính. Hải nằm bệnh viện suốt gần ba tháng, anh được chuyển về đơn vị này. Đầu năm ngoái, nhân một chuyến đi họp ở Hà Nội, Hải có ghé về nhà. Mới qua hai năm mà mẹ anh đã già đi nhiều quá: tóc bạc trắng, lưng còng gập xuống, chân bước đã run run. Hải dừng lại đầu ngõ, đứng nhìn mẹ đang tưới rau trong vườn. Nếu như ngày trước mẹ thường xách nước từ dưới ao lên một cách nhẹ nhàng thì bây giờ vẫn chiếc xô ấy, anh thấy mẹ nhấc hai lần không nổi.

"Mẹ ơi", Hải gọi to, rồi anh khóc oà lên và chạy ùa vào ôm chầm lấy mẹ. Ông chú ruột anh làm phó bí thư đảng uỷ xã kể lại rằng cứ hễ tết đến là mẹ lại ra đứng ở cổng làng, đợi con. Đợi suốt ngày ba mươi, suốt ngày mồng một, sang mồng hai mới làm lễ cúng gia tiên và mời họ hàng đến ăn uống.

Hải ở nhà với mẹ được ba ngày, chỉ vừa đủ thời gian lợp lại cái chái nhà bị bão làm sụp thăm hỏi bà con, bạn bè trong làng. Mẹ nhắm cho Hải một cô gái cùng làng, muốn anh đến chơi, nhưng anh từ chối vì lý do anh còn đi xa, đi lâu, chưa biết đến bao giờ mới trở lại. Mẹ cũng không nài ép. Rồi Hải lại đi Mẹ cũng chỉ đưa anh ra đầu ngõ...

Chiếc máy điện thoại im tiếng từ vài hôm nay, có lẽ vì đứt dây, chợt đổ một hồi chuông dài, vẻ gắt gỏng. Danh nhổm dậy cầm lấy tổ hợp. Hải bật lửa châm đèn. Nhìn đôi môi hơi mím lại và những đường gân nổi rõ trên vầng trán còn quá trẻ của đồng chí đại đội trưởng trong lúc nghe điện thoại, tôi đoán hình như có điều gì nghiêm trọng. Vẫn không thay đổi nét mặt, Danh vừa đặt tổ hợp vào máy vừa quay lại nói với Hải:

- Ông chịu khó đi gọi các trung đội trưởng dậy ta bàn chút việc. 

- Có chuyện gì thế? - Hải hỏi.

- Việc mới toanh - Danh nói chậm rãi - Anh Châu ra lệnh toàn đại đội hôm nay đi gùi xăng.

- Gùi xăng thế nào...? - Tôi hỏi.

- Là cõng xăng trên lưng ấy, mỗi người cõng một can hai chục lít.

- Từ trước đến nay đã có lúc nào phải làm như thế chưa?

- Chưa - Danh lắc đầu - Lần này mới là một. Nó đánh ác quá, trong này xăng cạn sạch mà ngoài kia xe không vào được.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #64 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:39:03 am »

Ngày 24 tháng 10

Được thêm một ngày nắng. Mới sáng ra một lúc đã thấy nắng vàng ửng trên ngọn cây xăng lẻ. Nhìn qua khoảng hở hiếm hoi giữa hai vòm lá, bắt gặp một mảng trời xanh, thỉnh thoảng trôi lướt qua gợn mây trắng. Mặt rừng đã xe. Đêm qua nghe gió nổi ào ào như gió tây tháng sáu. Sáng nay, cụm phong lan vẩy rồng trước lán nở được chùm hoa - những cánh hoa mỏng manh, vàng rực như ánh nắng mùa hạ. Đầu óc tự nhiên nhẹ hẳn ra. Cả gà, chó, lợn cũng phởn phơ. Anh gà trống tía đầu đàn chốc chốc lại nhảy lên chiếc cối xay bột đứng nhìn lũ gà mái và gà con rồi cất tiếng gáy thật dõng dạc.

Không lúc nào ngót tiếng máy bay. Lũ phản lực ném bom, bắn rốc két xong, cút đi thì những chiếc OV 10 lại mò đếm dòm dỏ. Mờ sáng có tiếng phành phạch của máy bay lên thẳng ở phía núi bên kia. Danh đoán nó đi tìm cứu giặc lại bị bắn rơi. Hải lại quả quyết là nó đổ biệt kích xuống một mỏm núi nào đó.

Trong nhà hầm chi bộ đang để bàn kế hoạch thông xe và kết nạp Phúc vào đảng. Phúc là người độc nhất trong đại đội đã có vợ. Thấp, đậm, khuôn mặt vuông, lốm đốm tàn nhang và mái tóc húi móng lừa, dáng người Phúc toát lên vẻ chắc nịch cần mẫn.

Ở đây, người ta kể cho tôi nghe khá nhiều về chuyện Phúc: Phúc một mình lấp hố bom, Phúc trèo lên ta-luy lấy lửa napan đang cháy để đốt mìn phá bom nổ chậm, Phúc dập lửa cứu xe, Phúc là "kiện tướng" rau rừng... Khi tôi hỏi Phúc về những chuyện đó, anh chỉ cười: "thì anh bảo tôi còn có việc gì để làm ở đây nữa, vào Trường Sơn là để lấp hố bom, để phá bom nổ chậm, để cứu xe, để cứu hàng..."

Vẻ mặt và câu nói của Phúc làm tôi nghĩ đến Châu. Khi tôi hỏi Châu về chuyện anh đã cùng với Vũ Tiến Đề ngồi trên xe ủi C100 gạt bom nổ chậm xuống vực, Châu cũng cười như thế.

Có một điều không ai nói mà chính Phúc thổ lộ với tôi: đã có một thời gian anh bị xếp vào loại "chậm tiến". Điều ấy xét ra cũng chẳng có gì là khó hiểu. Phúc sinh ra trong một gia đình đạo gốc, ở một làng công giáo. Có thể nói bầu không khí anh thở hít hàng ngày đặc sệt những lễ nghi và sự sùng tín. Lên mười tuổi, Phúc thuộc lầu kinh bổn. Mười lăm tuổi, anh trúng giải nhất trong một cuộc thi đọc kinh của xứ. Cha mẹ Phúc từng nuôi mộng gửi con vào chủng viện để sau này thành kẻ "thay mặt chúa" trên thế gian. Nhưng mộng ấy không thành.

Hồi còn đi học, Phúc yêu một cô gái học cùng lớp nhưng tình yêu tan vỡ vì chính anh không chịu nổi sự ràng buộc của gia đình. Phúc bỏ học về đi cầy và theo sự sắp đặt của bố mẹ, cưới một cô vợ cùng làng, người trong bổn đạo.

Vào thanh niên xung phong, Phúc vẫn giữ lối sống cũ: khép nép giữ gìn, làm việc cầm chừng, không gần gũi bất cứ ai. Có lần hầm bị bom vùi, trong lúc mọi người hối hả lo đào với tự cứu mình thì anh chúi vào một xó ngồi khóc và lẩm nhẩm cầu kinh... Cuộc chiến đấu trên mặt đường đã biến Phúc thành một người khác. Sự biến đổi ấy bắt đầu từ lúc nào, anh cũng không biết nữa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #65 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:40:02 am »

*
*   *

Một cô gái ngồi xổm trên tảng đá, hai tay khoanh trước ngực cúi xuống mặt suối, chắc cô đang mải nhìn đàn cá bơi ngược dòng nước. Tôi nhận ra Hồng cô y tá của đại đội.

- Cô Hồng làm gì đấy? - Tôi hỏi.

- Ối anh - Hồng quanh phắt lại, hai má đỏ ửng - Anh làm em hết cả hồn. Em... em chẳng làm gì cả, em đang chuẩn bị sốt rét.

Câu nói nghe thật ngộ. nhưng nét mặt cô gái không tỏ ra đùa bỡn một chút nào. Chắc sợ tôi không tin, Hồng nói thêm :

- Thật đấy mà, chúng em mới vào Trường Sơn, bọn chúng nó sốt rét cả rồi, nay đến lượt em.

- Tưởng là y tá thì vi trùng sốt rét nó phải sợ chứ?

- Anh cứ nói thế, đến bác sĩ nó còn chả sợ nữa là; hôm nọ ở phân viện sáu có anh bác sĩ mới chết vì sốt rét ác tính đấy . Anh ấy ở Hà Nội vào...

Đúng là Hồng đang sốt rét. Sau phút ngượng nghịu, dáng đỏ trên hai gò má lặn mất, để hiện lên nguyên vẹn một làn da nhợt nhạt. Cả đôi môi cũng tái đi. Tôi khuyên Hồng nên vào hầm nghỉ. Cô lắc đầu:

- Em mà nằm thì rồi anh Danh anh bắt phải ở nhà. Tối nay mở đầu chiến dịch thông xe, em phải ra đường, nhỡ ra có việc gì.

Hải đã có lần nói với tôi về cô y tá vui tính này. Một đêm - theo lời Hải, xe đã vào hết, các tổ xung kích được lệnh rút khỏi mặt đường. Đang đi, họ nghe ba tiếng súng - tín hiệu cấp cứu. Hồng và Tiến: hai người đi sau cùng tự động quay lại. Họ trông thấy một chiếc xe bị máy bay AC 130 bắn cháy giữa đường, cả hai người lái đều bị thương. Mẫn, người bị thương nhẹ đã cõng được Nhân, người bị thương nặng ra khỏi xe. Hồng bảo Tiến dìu Mẫn về, còn cô, sau khi băng bó các vết thương ở ngực, ở bụng cho Nhân, cô cõng anh vào một căn hầm trú tạm bên lề đường, cách chỗ xe cháy vài trăm mét. Trời mưa vừa dứt, hầm đầy bùn. Hồng ngồi lên một mẩu gỗ, bế người bị thương trong lòng.

Phát hiện ra chiếc xe cháy, máy bay Mỹ bay đến, chúng thả đèn dù, rải bom bi nổ chậm tạo thành một vòng vây chung quanh rồi lao xuống giội bom và bắn rốc két.

Nhân tỉnh lại. Anh hỏi Hồng:

- Đây là đâu hả đồng chí?

- Đây là K68.

- Đồng chí là ai?

- Tôi là Hồng, y tá ở đại đội sáu thanh niên xung phong .

- Cám ơn đồng chí.

Nhân im lặng. Mấy phút sau anh tắt thở. Hồng vẫn cứ bế anh trong hai cánh tay, ngồi như vậy cho đến sáng. Khi các đồng chí vượt qua vòng vây của bom nổ chậm, tìm đến hầm và đỡ các xác lạnh ngắt của Nhân đem đi, Hồng không đứng dậy nổi. Chân tay, mình mẩy cô như đã cứng lại.

Hồng chợt hỏi tôi :

- Anh quê ở đâu nhỉ?

- Ở Hà Nội.

- Phố nào hở anh?

- Phố Hàng Chiếu. 

- Ồ thế thì gần chợ Đồng Xuân. Hồi ở nhà thỉnh thoảng em vẫn đi với u em ra chợ Đồng Xuân bán rau, bán chuối. ~

- Thế quê Hồng, ở đâu?

- Em ở Phú Thọ, từ Hà Nội lên thì đi lối bến xe Kim Mã ấy.

- Hôm ra đi u có khóc không?

- Không, u em chỉ lo thôi. U bảo: "Mày đần lắm, tao chỉ sợ đi ra rồi mày làm hỏng việc chính phủ”.

Cả hai chúng tôi đều bật cười, tiếng cười vang to làm đàn cá đang lội thảnh thơi trong lòng suối cũng phải giạt ra...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #66 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:41:03 am »

*
*   *

Hàng một, các tổ xung kích nối nhau rời doanh trại tiến về phía mặt đường. Cũng là lính đi vào trận, nhưng vũ khí của họ, không phải là súng. Xẻng, cuốc, xà beng và những quả mìn đeo quanh thắt lưng. Một số người vác trên vai những khúc gỗ đã đóng thành các vì kèo. Với các vì kèo ấy, họ dựng những chiếc hầm dã chiến ngay bên cạnh đường, sát chỗ làm việc.

Cuộc chiến đấu bây giờ đã quyết liệt tới mức phải giành giật với máy bay địch không phải từng giờ mà từng phút một. Tuy thế Thức vẫn không quên "quẩy theo đầu xà beng chiếc đàn măng-đô-lin và chiếc mõ phường chèo". Thỉnh thoảng mặt đàn quệt vào lá cây bên đường, vang lên những tiếng bum bum nghe ngộ nghĩnh, vui vui.

Bố Thức là nghệ nhân chạm đồ gỗ, anh tiếp thu được phần nào cái khéo léo, tinh vi ấy. Chiếc đàn măng-đô-lin là do Thức tự làm lấy, hộp đàn bằng gỗ thùng mìn, khoá lên dây bằng sắt máy bay, còn dây đàn thì nhặt nhạnh ở kho thông tin. Thức đánh đàn, viết các bài hát chèo, hát chầu văn, soạn các vở kịch nhỏ cho tổ văn nghệ "cây nhà lá vườn”. Ngoài ra anh còn làm thơ. Ở đây anh chị em thường gọi Thức là "Thức thơ" để phân biệt với Thức tiểu đội trưởng và Thức "thuốc lào".

Nắng còn vàng rực trên ngọn núi xa nhưng dưới tán rừng đã thấy hơi sương bay lâng lâng như những làn khói mỏng. Máy bay Mỹ vẫn lồng lộn điên cuồng trên trọng điểm, bom nổ hết loạt này đến loạt khác, các làn sóng chấn động làm ngọn cây rừng rung lật phật. Có lẽ chúng đang cố dội thêm thật nhiều bom trước khi trời tối.

Con đường mòn chỉ vừa lọt hai bàn chân lượn ngoằn ngoèo giữa các mô đá, các gốc cây xù xì, vẫn còn rải rác đôi vũng nước và các quãng lầy. Thình lình có ai ngã phía trước, một chuỗi cười giòn giã, khoẻ khoắn với nhiều thứ giọng thanh trầm, trong trẻo và chua loét bật rộ lên.

- A, hoan hô đồng chí Trầm, mở đầu giòn giã quá.

Tiếng Trầm chao chát:

- Chưa ngã, mới suýt chạm đất thôi.

Một giọng con trai khác:

- Chắc là có ai nhắc?  

- Thì "người ta" ở bên kia đèo chứ còn ai nữa.

- Chứ sao - Vẫn tiếng Trầm - Yêu nhau mà lại không nhắc à.

- Hoan hô, dũng cảm lắm!

- Xứng đáng là "thanh niên xung phong" lắm.

Phía sau tôi là Lý và Đằng, hai cô gái dường như quên hết mọi người xung quanh đang mải mê tranh cãi về con lừa và con la. Nghe đâu tháng trước người ta vừa dẫn đi qua đây một đàn lừa hoặc la gì đó dùng để thồ hàng.

 Danh bỗng tách ra khỏi hàng, cúi nhặt một cái gì đó trong vũng bùn.

- Đây thằng này đây, suýt nữa tôi mất toi bàn chân với nó đây - Anh vừa nói vừa đưa cho tôi một quả mìn lá rỗng ruột.

Không biết những người sản sinh ra thứ vũ khí này gọi tên nó là thế nào, còn ở đây mọi người đều gọi nó là “mìn lá". Hình thù nó, giống như một chiếc lá, cùng màu xanh, cũng có những đường gân, chỉ khác là dày hơn và nặng hơn. Những "chiếc lá" này đã được máy bay Mỹ thả hàng triệu, hàng triệu quả xuống dọc các con đường, các cánh rừng. Tiếng nổ của nó ngang chiếc pháo đùng và sức công phá chỉ vừa đủ làm nát bàn chân. Không phải vì sức công phá yếu như vậy mà nó không nguy hiểm. Nhà khoa học Mỹ nào đó khi nghiên cứu ra nó đã tính toán kỹ lắm. Một người nát bàn chân, phải thêm hai người khiêng, nghĩa là tức thời có ba người bị loại khỏi vòng chiến, là một bàn chân phải cưa, xã hội phải cáng đáng thêm một người thương tật. Nguy hiểm lắm chứ!

Để cản bước một dân tộc quyết tâm đi tới Độc lập và Thống nhất, đế quốc Mỹ đã ném vào cuộc chiến đấu này không phải chỉ một nền kinh tế, một lực lượng vũ trang mà cả một tiềm lực trí tuệ hùng hậu, hiện đại bậc nhất trên thế giới. Đủ kiểu máy bay, từ những chiếc AD6 cổ lỗ đến pháo đài bay B.52 và cánh cụp cánh xoè F111. Từ những quả bom cỡ tấn đến những quả mìn bé và nhẹ như chiếc lá.

Năm 1966, bom bi Mỹ chỉ một loại hình quả dứa, bây giờ có bom bi quả ổi, bom bi nổ chậm, bom bi khi nổ phóng ra cả những mũi tên thép... Năm 1966, Mỹ thả xuống dọc đường những chiếc máy điện tử tự động thu phát to như chiếc hòm thợ cạo và trắng lồm lộm, bây giờ chiếc máy đó biến dạng thành "cây nhiệt đới" - bằng chất dẻo, trông hệt như một cái cây thật... phải hiểu hết mức kẻ thù mới đánh giá được tầm cao trong tiếng cười vô tư lự của những người ra trận hôm nay.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #67 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:43:01 am »

*
*   *

Đường 20 - đường Quyết thắng!

Thật ra cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa được đặt chân mình xuống mặt đường. Tôi chỉ đứng trên một điểm cao để nhìn nó.. Không thấy đường. Dưới sức nổ của hàng nghìn tấn bom và hơn nửa tháng mưa, cả một đoạn đường dài mấy cây số đã biến mất. Hố bom và hố bom... một màu đỏ ngổn ngang, dữ dội, nhìn nhức nhối tròng mắt. Lác đác những đốm đen, đó là những thân cây bị băm vàm, đất cháy dở dang, những khung xe méo mó chổng ngược lên chới với.

Xa mặt đường hơn một chút rừng cây bị phạt đổ, bị đánh bật gốc, bị đốt cháy... cả những ngọn núi đá cũng bị bom bạt đi, trơ ra từng mảng sườn đá trắng hếu, trông đến lạnh người. Chỗ này lên là trọng điểm 68. Phía ngoài là đèo Pu-la-nhích, phía trong là sông Ta-lê và cua chữ A. Cả ba nơi đều bị máy bay địch phá dữ dội. Có người gộp chung lại gọi là “vùng trọng điểm ATP".

Danh chỉ một cái cây có bộ rễ quều quào chổng ngược lên trời, bảo tôi:

- Chúng tôi phải đảm nhận từ đó cho đến cái khung xe cháy kia, chỉ độ nửa cây số thôi. Phần còn lại do bên công binh. Cố gắng thông xe trước tám giờ.

Lúc này đã hơn 5 giờ, tôi thật không hiểu những người này sẽ làm cách nào để con đường lại hiện lên cho xe chạy ra tiền tuyến. Nhưng tôi không kịp hỏi. Một quầng lửa sáng rực chợt bùng lên, nhiều quầng lửa khác cũng sáng rực như thế nối nhau kéo thành một vệt dài chạy vun vút ở phía bên kia trọng điểm. Tiếng nổ xé tai, tưởng chừng như cả những ngọn núi đá lầm lì kia cũng đang rung lên.

- B.52!

Hậu, anh chiến sĩ trinh sát chuyên làm nhiệm vụ đếm bom và đánh dấu bom nổ chậm trên trọng điểm vội xô tôi và Danh vào hang. Loạt bom thứ hai nổ gần hơn, chớp lửa loé sáng vào tận trong hang, mùi khói bom khét nghẹt. Danh hỏi bâng quơ, chừng như anh không để ý gì nhiều đến các loạt bom ấy.

- B52 hôm nay ra sớm nhỉ?

- Thay đổi qui luật mà lại - Hậu từ phía chòi quan sát ngoài cửa hang nói với vào - Thế mà không khéo lại thuận lợi cơ đấy. 

- Thuận lợi thế nào? - Tôi hỏi.

Danh trả lời: 

- À là .. nó chưa đánh B52 thì mình còn nơm nớp, nó đánh rồi thì cứ việc mà làm một lèo cho đến lúc thông xe.

- Nó vẫn có thể đánh đợt khác chứ?

- Thì đã đành, cơ mà bom đạn thằng Mỹ cũng không phải là vô tận đâu anh ạ. Thường thường thì sau một đợt B52 giội bom, ít ra bốn năm tiếng nữa nó mới đánh lại.

Hết loạt bom thứ sáu, chúng tôi chờ thêm mười phút nữa rồi ra khỏi hang, đi về phía hầm "hộ tống", nơi tập kết lực lượng xung kích sửa đường.

Chiếc xe ủi đất C100 to xù một cách cổ quái vì những mảng nứa ốp xung quanh và mang đầy lá nguỵ trang đã nổ máy. Người lái trông đã đứng tuổi mặc áo giáp, ngồi lên chiếc mũ sắt, lưng tựa vào một gốc cây bị bom cắt cục, mấy ngón tay to lù, đen đủi đưa qua đưa lại dưới chiếc cằm nhọn, râu lởm chởm như một chiếc bàn chải. Các chiến sĩ xung kích ngồi rải rác trong căn nhà hầm lớn, một đám tú-lơ-khơ đang đánh trong đường hào. Hải đưa tay về phía người lái C100.

- Giới thiệu với anh đây là anh Nguyễn Phong Lưu.

Một cái tên nổi tiếng trên đường 20. Tôi từng nghe đồng chí Chu Đức Châu nói nhiều về anh. Lưu đứng dậy bắt tay tôi. Chiếc áo giáp và có lẽ cả bàn tay đầy dầu mỡ làm anh lúng túng. Khuôn mặt anh trông dữ nhưng nụ cười lại rất hiền. Một anh chàng có cái mũi hếch tướng nghịch ngợm, mặt đầy trứng cá ngồi dưới hào nói với lên, giọng giả bộ nhè nhè:

- Các cụ đặt tên bác là Phong Lưu, nhưng cái nghề bác ấy thì vất vả lắm anh ạ.

Những tiếng cười rộ lên. Bỗng một hồi kẻng gắt gỏng từ phía bắc dội về. Chiếc xe rùng mình, chồm qua một gồ đất, tiến về phía trọng điểm. Các tổ xung kích nối nhau đi theo vệt bánh xích...

Khi toán thanh niên xung phong cuối cùng ra khỏi cửa nhà hầm, tôi chợt thấy hiện ra một tấm bảng đen kê trên bộ chân làm bằng cánh bom từ trường. Các hàng chữ phấn trên bảng đá bị một tấm lưng nào đó làm nhoè đôi chỗ nhưng tôi vẫn đọc được: “Thứ... ngày... tháng 9- 1968" "giảng văn" "Kiều bán mình".

Không hiểu những cô gái, những chàng trai này - những người đang làm chủ vận mệnh mình, đang đánh thắng một kẻ thù hùng mạnh nhất trong thời hiện đại nghĩ gì về thân phận nàng Kiều?
Quảng Bình tháng 1 - 1969
Hà Nội tháng 11 - 1979
(Rút trong tập Đường Hồ Chí Minh)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #68 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:21:46 am »

Ngô Văn Phú (Nhà văn)
MỞ ĐƯỜNG LỚN XUYÊN TRƯỜNG SƠN

Năm 1965

Khi Giôn-xơn thắng cử tổng thống Mỹ, tình hình ở miền Nam đang hết sức biến động. Mười bốn cuộc đảo chính của phe quân sự do các tướng đầu bò tiến hành, liên tiếp xảy ra. Phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ ở các thành phố miền Nam phát triển mạnh mẽ. Chiến tranh du kích phát triển rộng khắp cùng những chiến thắng An Lão, Bình Giã, đông-xuân 1964-1965, đã làm thất bại những cố gắng lớn của Mỹ trong âm mưu tiến hành chiến "chiến tranh đặc biệt".

Trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của ngụy quyền miền Nam, Giôn-xơn đã lao sâu thêm vào bước đường trực tiếp xâm lược nước ta. Một mặt, đế quốc Mỹ tăng cường lực lượng quân sự Mỹ trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, mặt khác leo thang cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

Tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, đế quốc Mỹ nhằm mục đích cơ bản là cứu vãn tình thế thất bại của Mỹ - nguỵ trong chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, chúng mưu đồ ngăn chặn mọi sự chi viện của bầu bạn năm châu vào miền Bắc và sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam; phá hoại tiềm lực quốc phòng, tiềm lực kinh tế và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở hậu phương miền Bắc.

Dựa vào ưu thế về tiền của, về vũ khí, về các phương tiện kỹ thuật, chúng tìm mọi cách uy hiếp tinh thần, làm lung lay quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đạt được các mục tiêu chiến lược đó, Mỹ hy vọng sẽ củng cố được tinh thần quân nguỵ, ổn định được nguỵ quyền, đồng thời còn răn đe được phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đang phát triển ở nhiều nước khác.

Trước tình hình đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 11 và ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Hội nghị nhận định:

"... Với những âm mưu và hoạt động mới của đế quốc Mỹ, tình hình một nửa nước có chiến tranh, một nửa nước hoà bình đã biến thành tình hình cả nước có chiến tranh với hình thức và mức độ khác nhau ở mỗi miền; trong cuộc chiến tranh cách mạng yêu nước của nhân dân cả nước chống đế quốc Mỹ, miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn, nhưng nhiệm vụ của miền Bắc là vừa xây dựng, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam...".

“Những âm mưu và hành động mới của địch trước mắt là nhằm cứu vãn tình hình nguy ngập của chúng ở miền Nam; vì vậy, về phần ta, cách tích cực nhất để làm thất bại âm mưu và hành động ấy của địch là tập trung lực lượng của cả nước, tiến công địch và đánh bại địch ở miền Nam...".

Những giờ phút gay go, quyết liệt, những năm tháng thử thách cực kỳ nghiêm trọng lại đến với quân và dân cả hai miền Nam, Bắc nước ta. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Trung ương Đảng và Bác Hồ, quân dân miền Bắc đã sôi sục khí thế cách mạng sẵn sàng đánh bại mọi bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ và tiếp tục chi viện miền Nam.

Công cuộc chi viện cho tiền tuyến lớn để thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối chống Mỹ, cứu nước của Đảng, trước những tham vọng liều lĩnh của một kẻ địch có nhiều tiềm lực kinh tế và quân sự, không thể tính bằng những chiếc gùi và những đôi vai, những đoàn xe đạp thồ lặng lẽ đi trong rừng sâu Trường Sơn, trên những con đường mòn được nữa! Nhiệm vụ lịch sử đòi hỏi phải có một tuyến vận tải chiến lược với quy mô lớn bằng cơ giới, để chi viện nhiều hơn nữa cho miền Nam ruột thịt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #69 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2010, 11:22:24 am »

Từ Hà Nội trở vào, con đường vận chuyển bằng cơ giới vốn có sẵn từ trước, đang đứng trước những thử thách quyết liệt. Địch không ngừng đánh băm nát đường giao thông; chúng còn đánh huỷ diệt, các thị xã, thị trấn đông dân (Yên Bái, Đồng Hới, Phủ Lý), đánh vào các làng xã Khu 4 hết sức tàn bạo.

Tuyến giao thông từ biên giới, từ các bến cảng, cửa khẩu, đến vĩ tuyến 17, sau những ngày giặc Mỹ leo thang, dẫu gặp muôn vàn khó khăn, cuối cùng vẫn khắc phục được dần dần, nhưng còn tuyến vận tải cơ giới vượt Trường Sơn thì quả còn gặp rất nhiều trở ngại. Sau mùa mưa năm 1964, các con đường mới mở bị nước lũ phá hỏng nặng nề, nhiều đoạn không còn có thể chạy ô tô được nữa.

Chấp hành nghị quyết của Quân uỷ Trung ương, ngay đầu năm 1965, toàn tuyến 559 phải tập trung khả năng trí tuệ vào việc khôi phục đường cũ, mở đường mới, thực hiện bằng được quyết tâm của Bộ Chính trị, xây dựng khẩn cấp tuyến vận tải cơ giới trên Trường Sơn.

Nhiều cuộc tranh luận về chọn tuyến cụ thể và xác định thứ tự ưu tiên thi công cho từng tuyến đã nổ ra trong đội ngũ cán bộ vận tải, cán bộ kỹ thuật giao thông. Người thì nói nên tập trung vào khôi phục nâng cao chất lượng đường 128, người thì nói nên thực hiện song song cả hai trục đường 128 và 129.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến táo bạo hơn. Có người cho rằng, để rút ngắn đoạn đường đi thẳng vào đường 9, không phải chạy vòng thúng theo trục đường 128 và 129, nên khảo sát đoạn đường 15 phía nam Long Đại, điểm bắt đầu từ Thạch Bàn - Ho - Dốc Khỉ, đặt tên là đường 16, tắt ra Bản Đông rồi chạy vào đường 9. Cũng có ý kiến đề xuất nên mở đường cơ giới từ tây động Phong Nha bám theo hệ thống núi đá vôi qua dãy Cô Pông Ha vào Lùm Bùm, rồi xuôi đến bắc đường 9...

Kết thúc cuộc tranh luận. Bộ chỉ huy Đoàn 559 chủ trương: Khôi phục nâng cấp và tiếp tục mở thêm đường 128 kéo dài, mở đoạn đường từ Kim Cương - Na Pê đến Tà Xẻng, mở đường 20 và đường 16, khôi phục đường 129.

Căn cứ vào chủ trương của Bộ sẽ tăng viện lực lượng và kỹ thuật cho tuyến Trường Sơn. Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Đoàn 559 hạ quyết tâm thời gian hoàn thành và thông đường như sau: đường 128 đến 30 tháng 8 năm 1965; đường đi Tà Xẻng đến 30 tháng 10 năm 1965; đường 20 đến 30 tháng 12 năm 1965, đường 16 đến 30 tháng 8 năm 1965 .

Bộ Chính trị và Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã chỉ thị và giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải cùng Tổng cục Hậu cần, bằng mọi nỗ lực trước mắt triển khai nhanh chóng tuyến vận tải quân sự cơ giới. Đồng chí Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp làm Tư Lệnh kiêm Chính uỷ Đoàn 559, đại tá Vũ Xuân Chiêm, phó chính uỷ, thượng tá Võ Bẩm, Phó tư lệnh và thượng tá Vũ Văn Đông, tham mưu trưởng,

Quân uỷ Trung ương xác định quyền hạn Bộ tư lệnh 559 tương đương cấp Quân khu. Đoàn 559 tổ chức các cơ quan chỉ huy tương đương cấp cục cấp dưới trực tiếp gọi là tuyến. Toàn Đoàn chia làm ba tuyến, tương đương quyền hạn sư đoàn. Ngoài ra còn có ba công trường làm đường và bốn trung đoàn công binh trực thuộc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM