Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:00:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111223 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #50 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2010, 04:17:34 pm »

Ngày 18 tháng 5 năm 1968

Trời nắng, đường trống không có cây che. Da dẻ như cháy sém đi và mình lả ra. Đầu gối và hai cổ chân nhức nhối. Bắt đầu từ trạm 15 sang trạm 16, mình bị đau khớp xương ở đầu gối bên trái. Không thể nào chạy được mà mình lại đi chậm, nếu không chạy thì không bao giờ bám sát được đội hình .

Chiều 16 tháng 5 mãi hơn 12 giờ trưa mới đi, 8 giờ tối thì đến trạm 16. Mình đi khập khiễng, lắm lúc chỉ còn lê được chân trái, qua đường Chín lúc 6 giờ chiều. Tất cả nữ và ông già, người yếu lên đầu để vượt đường Chín. Mình đi thứ hai, sau ông Thăng. Chỉ là chạy qua đường, nhưng phải rất nhanh vì máy bay Mỹ liên tục lượn. Con đường Chín lượn một cua vòng hiện ra. Đường trắng loá trong nắng hè và lổn nhổn những viên đá xanh. Nom thoáng, đường rất phẳng và hiền lành. Thế là mình đã được thấy đường Chín, con đường đang đi vào lịch sử anh hùng của dân tộc.

Vượt qua đường Chín, trời đổ một trận mưa rào. Cái nóng lại càng như nung người lên. Ông Thăng đi trước giục rối rít. Lúc chưa vượt đường, ông ấy đã bảo bọn con gái:

- Không được cười đấy nhé. Đi cho nhanh vào.

Ông thường phàn nàn: "Chúng nó cười gì mà cười lắm thế. Chúng nó sung sướng lắm đấy. Mở mắt dậy là thấy cười. Lúc sáng sớm, người ta phải tập trung tư tưởng để nhớ xem phải bỏ vào ba lô những gì, đằng này chỉ cười. Chúng nó sung sướng quá đấy mà”

Anh Hữu phản đối nhẹ nhàng: "Chúng nó trẻ thì chúng nó cười. Cười mới vui, mới khoẻ, mặc chúng nó. Hồi còn trẻ, ông cũng thế chứ?...".

Ông Thăng sợ địch rải máy thu tiếng động, và tiếng cười nói của bọn con gái sẽ bị thu vào? Chả biết bọn Mỹ có rải cái thứ máy quái quỉ ấy thật không, mà nếu có, cứ để cho nó thu được tiếng cười phơi phới của bọn con gái cũng tốt.

Sau khi vượt đường Chín, bọn mình ăn cơm rồi bắt đầu đi trong bóng tối.

Rừng đen dày đặc. Người đi trước nhắc người đi sau như truyền lệnh.

- Có cây bên trái nhá.

- Xuống dốc có bậc nhá.

- Lên dốc nhá.

- Hết tay vịn nhá.

- Đừng có vịn mà hụt đấy.

Nước chảy dưới cầu lóc cóc. Chợt nhớ đến Kim Lan hôm đưa Ly từ nơi sơ tán về Hà Nội. Thỉnh thoảng hình ảnh Ly vẫn thường vụt xen vào những giây phút mệt nhọc như thế.

- Con gái tôi ấy mà, mới 12 tháng mà ăn Pô-li-vi-ta-min nó đã biết lấy cái sọ chua ra đấy.

- Bà Quý ơi - Tiếng anh Vinh trưởng đoàn ở đằng trước réo lên - Bà lại nhắc đến con dâu tôi đấy à?

Những tiếng gọi nhau để bám sát đội hình lại át đi.

- Trường ơi, Trường đâu?

- Đây cứ đi thẳng.

- Anh Thức ơi!

- Quý ơi. Bà Quý đâu? Bám vào ba lô anh Tam mà đi. Bước cao chân lên không ngã chết đấy.

Mình cứ nhắm mắt đi. Có lúc đâm vào bụi cây, xước cả mặt.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #51 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2010, 04:17:42 pm »

8 giờ tối mới tới nơi. Anh Nhật đi tiền trạm ra đón, nhưng lại quên luôn bãi trú quân cho đoàn, hì hục tìm mãi mới thấy. Trăng vẫn chưa lên. Mấy ông tiền trạm nấu một nồi cháo to. Lần nắp hăng-gô ra, mình múc đầy một nắp nước cháo húp ực một hơi hết. Cháo lõng bõng chỉ toàn nước.

Rồi mò mẫm trong đêm mắc tăng. Quen rồi, cũng mắc được. Mắc vừa xong tăng và võng, ông Nhật rủ:

- Bà Quý có ra suối rửa chân không?

- Gần không?

- Gần thôi.

Mình theo mấy anh đi. Lạc lung tung vì tăng bộ đội chăng đầy rừng.

- Ấy đừng vịn vào tăng.

- Ấy khéo đứt dây tăng.

Mặc, bọn mình cứ thế mà luồn mà chui dưới dòng võng bộ đội.

- Trời ơi, sao lại mắc tăng giữa lối đi thế này hở trời?

Mình thốt luôn miệng "trời ơi...". Bộ đội nhao nhao: 

- Việt minh nữ chúng mày ạ.

- Việt minh nữ hả?

Mình chui qua võng. Một lão hét lên: .

- Ấy đổ ba lô tôi bây giờ  - Lão phát mạnh vào mông mình, rồi kêu lên: - À à, chết cha,. phụ nữ. Nguy quá, trời ơi, nào ai biết có nữ.

Chui qua một loạt tăng võng, lại tiếp tục đi, mãi mới tới một lạch nước nhỏ rửa mặt rửa chân xong lại quay về. Mình vấp ngã lia lịa. Lần đầu tiên mình đã chảy nước mắt vì thấy khổ quá! Mình mếu máo:

- Trời ơi, biết thế này thì tôi chả đi rửa mặt nữa, ức quá.

- Ức ai mới được chứ? - Anh Cường ở chi 3 cười, hỏi.

Mình xách ba bi đông nước về. Anh Cường túm hộ một túm ni lông nước bằng nắm tay. Lại vấp, lại ngã là dằn bi dông xuống đất. Ngã là nước mắt lại dào ra, và lại kêu. Chưa bao giờ mình kêu nhiều như thế. Mình không ghìm nổi lòng mình nữa. Mình luôn tự nhủ: "Khóc trước khó khăn xấu lắm. Xưa nay mình có khóc trước khó khăn bây giờ đâu”. Nhưng mình không thể cưỡng lại được Mình gắt gỏng một cách vô cớ. Mãi hơn 10 giờ đêm mới về được đến tăng. Anh em ngủ cả. Nghe mình phàn nàn, Thức bảo:

- Thì ai bảo bà đi!

Mình im lặng, đổ túm nước ra rửa chân lại, xin anh Tách ở chi 3 một hăng-gô nữa rửa thêm. Trèo lên võng, vừa định lật tấm đắp vào thì võng ụp người xuống đất

- Trời ơi, ngày hôm nay là ngày gì thế?.

Quần, chân lấm bê bết. Hết nhẵn nước. Lấy khăn mùi xoa lau chân rồi nằm ngủ. Nửa đêm lạnh quá, phải lấy thêm áo mặc, 6 giờ sáng hôm sau lại lên đường.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #52 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2010, 04:18:30 pm »

Ngày 28 tháng 5 năm 1968

Hôm nay nghỉ lại ở trạm 32 sau bốn ngày đi mệt mỏi và chật vật.

Hôm qua mình đi như bò giữa rừng. Anh em nghỉ giải lao mình vẫn đi. Vừa thủng thẳng bước, vừa nghe suối reo quanh núi. Rừng le trùm bóng mát lên lối mòn. Rừng le, cái tên lạ lùng sao! Bây giờ mình mới biết cây le. Giống cây trúc nhỏ nhắn mà rắn rỏi, nhưng mộc mạc và khắc khổ hơn trúc. Từng bụi le nối tiếp nhau, lá trắng úa trút xuống đầy rừng.

Bọn mình khẽ cúi đầu luồn qua những ngọn le uốn cong kết thành vòm. Mùa này le rụng lá nhưng sau mùa mưa le sẽ nảy chồi xanh um. Lá le giống lá tre. Nó cũng là anh em nhà tre nứa, nhưng nó khác tất cả. Le bé nhỏ mà cứng cỏi, gầy gò nhưng chắc nịch, cái chắc nịch không gì bóp nát được.

Vừa đi vừa nghĩ ngợi miên man. Rừng le ơi, sẽ có lúc mình tả rừng le vào trong sáng tác. Nhìn xuống cái gậy cầm tay, thì ra mình vẫn chống gậy le từ hôm nào mà không biết. Chiếc gậy nhỏ như một ống sậy nhưng rất vững chắc. Nó đã đưa mình qua sông Bạc chiều hôm nọ. Gậy le, sông Bạc. .. ôi, những hình ảnh mới gợi làm sao!

Đi một mình giữa rừng le, cảm thấy mình bé nhỏ và yếu đuối nhưng cũng có lúc lại thấy mình vụt lớn lên và rắn rỏi. Nhìn đằng trước, đằng sau vắng lặng, chỉ có một lối mòn vút về phía trước, nhưng không sợ, phía trước ta có anh em và phía sau ta có anh em. Anh em ta đang cùng ra mặt trận.

Mình đặt ba lô ở đầu dốc ngồi nghỉ. Một đơn vị bộ binh đi qua, vẫn đơn vị quê Thái Bình.

- A, kiện tướng trèo núi đã ngồi đây rồi!

- Tặng nhà báo cái quạt.

Đồng chí bộ đội ấy đưa cho mình cái quạt nan nhỏ rồi bước vượt lên, mất hút. Mình không còn nhớ mặt và cũng chả biết tên tuổi, quê quán của đồng chí ấy. Nhưng đồng chí ơi, tôi sẽ giữ chiếc quạt này trong suốt cuộc hành quân.

Nếu mình không đi chiến trường, làm sao biết được những tình cảm trong trẻo tuyệt vời đó. Giá mình biết làm thơ... Thôi mình sẽ ghi, ghi tất cả và nhất định sau cuộc chiến tranh này, cũng có thể chỉ sau chặng đường hành quân vượt Trường Sơn này, một cuốn sách sẽ ra đời

Ngày 29 tháng 5 năm 1968

Gặp một đoàn người ba cháu đi bộ từ Gia Lai ra đã một tháng rưỡi rồi. Các cháu bé loắt choắt, đeo chiếc ba lô nhỏ xíu, chạy lon ton giữa rừng khiến mình cảm động quá. Đoàn có bốn cháu gái và chín cháu trai. Bé nhất là một cháu người Thượng có mái tóc cứng và xoăn, cổ tay cổ chân gầy ngoẵng như ống sậy, đeo chiếc túi đen. Cháu mới 11 tuổi. Cháu trưởng đoàn cũng chỉ 14 tuổi.

Các cháu ra Bắc học. Nhưng hôm còn ở đường dây giải phóng, các cháu phải mang gạo đủ ăn từng chặng 5 ngày và tự nấu cơm lấy bằng hăng gô. Được cái võng của các cháu bằng nilông nên bớt được chút ít. Tất cả đều là con em cán bộ trong ấy ra Bắc học. Các cháu đi rất khá, vượt các chú thương binh và ít nghỉ.

Trời ơi, đất nước ta, dân tộc chúng ta anh hùng quá. Ly ơi, mẹ nghĩ rất nhiều đến con. Sau này, khi con lớn, mẹ sẽ kể cho con nghe về các anh các chị con mà mẹ gặp hôm nay. Thì ra không chỉ có những bàn chân bộ đội vượt Trường Sơn không phải chỉ có những người phụ nữ vượt Trường Sơn mới đáng ca ngợi, mà chính các cháu, với đôi chân bé xíu, phải xa ba má vượt Trường Sơn ra Bắc mới là những tấm gương chói sáng và trong trẻo.
(Rút trong tập Trường Sơn, thơ văn chọn lọc, văn học 1979)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #53 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2010, 04:19:21 pm »

Nguyễn Sinh (nhà văn)
ĐƯỜNG 20

- Còn nhớ không?

Anh nhào tới, vừa hỏi vừa đưa thẳng cánh tay về phía trước, những ngón tay to, sần sùi, thô cứng như gỗ của anh chộp lấy bàn tay tôi nắm lại. Anh nhìn tôi, một con mắt hơi nheo lại như bị chói nắng, miệng tủm tỉm cười.

Người này là ai nhỉ? - Tôi tự hỏi, mắt nhìn anh, cố lục lọi mọi ký ức. Một khuôn mặt to, vuông chữ điền với vầng trán rộng, đôi mắt hiền, thoáng rất hóm. Đầu tóc anh hãy còn đen nhánh, nhưng có một chùm nhỏ phía trên vành tai bên phải không hiểu sao lại bạc trắng như có một đốm nắng rọi vào

Đời người phóng viên - một chuỗi dài những cuộc gặp gỡ có biết bao dáng người, biết bao bộ mặt đã đi qua và để lại những hình ảnh chồng chéo, lộn xộn trong trí nhớ của tôi? Riêng anh, anh có một cái gì đó rất khác, một cái gì không thể quên, không thể lẫn. Tôi biết chắc thế nhưng chưa nghĩ ra. tôi đã gặp anh ở đâu? ở Gốc Khỉ, ở Cha Lo, ở ngã ba Lùm Bùm hay ở Khe Ve?

Đột nhiên từ miệng tôi buột ra một câu hỏi: 

- Anh Châu phải không?

Anh cười phá lên - một dáng cười không đẹp nhưng thật đáng yêu: miệng há to, mắt nhắm tít lại, đầu ngửa hẳn ra phía sau, đôi vai lực lưỡng rung lên từng đợt.

Cùng lúc ấy tôi cảm thấy bàn tay mình càng bị xiết chặt trong những ngón tay gân guốc của anh. Như có một cơn xoáy lốc vừa cuốn đi lớp bụi thời gian, đã hiện lên lồ lộ trước mắt tôi cuộc gặp gỡ với anh ở ngã ba Khe Ve mùa đông năm trước. Thật ra đó chỉ là cuộc gặp ngắn ngủi và hết sức tình cờ.

Một đêm tháng mười không mưa, trời trong và ấm... Anh từ La Khê vào, tôi từ đèo Mụ Giạ xuống, đến đó gặp bom bi nổ chậm chặn đường, phải ngồi chờ. Ở mặt trận, con người ta sống với nhau dễ dãi và cởi mở, chỉ mới gặp một lúc chúng tôi đã tíu tít mời nhau hút thuốc, uống nước chè đặc pha sẵn trong bi đông, rồi tự giới thiệu, và các câu chuyện cứ thế tuôn ra một cách thoải mái, tự nhiên.

Nhìn người kể chuyện, không hiểu sao mấy mẩu chuyện vặt của Châu thu hút sự chú ý của tôi hơn cả, có lẽ vì nó rất hợp. Ngồi cạnh nhau ngót ba tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ trông rõ mặt nhau khoảng mười phút, lúc máy bay Mỹ thả hú hoạ một chuỗi đèn dù ngay trên đầu. Trước lúc chia tay, anh bấm đèn pin ghi vội vào cuốn sổ của tôi một cái tên và địa chỉ: "Chu Đức Châu. Đội 25 thanh niên xung phong. Đường 20 - Cà Roòng".

Đường 20, một con đường trong hàng chục những con đường chằng chịt của tuyến vận tải Trường Sơn đối với chúng tôi, những người ở Quảng Bình, nó thường gợi lên một hình ảnh gần gũi, thân thương nhưng cũng phần nào mang màu sắc thần kỳ.

Con đường xuyên Trường Sơn, vắt chéo từ phía đông sang phía tây, chạy giữa một vùng núi đá và rừng đại ngàn hiểm trở - có thể nói không ngoa là hiểm trở vào loại bậc nhất trên thế giới, được mở ra khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước sang thời kỳ quyết liệt nhất.

Đêm đêm từ vùng ven biển Quảng Bình nhìn lên phía tây, tôi vẫn thấy từng dãy đèn dù chăng dài, loạt nọ gối loạt kia, cháy sáng từ lúc mặt trời lặn cho đến lúc mặt trời mọc - y hệt như có một thành phố vừa dựng lên ở đó. Cũng từ con đường ấy thỉnh thoảng vọng về những chuỗi tiếng nổ kéo dài, nghe âm âm như tiếng trống rung trong lòng đất - các loạt bom rải thảm của máy bay B52 ..
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #54 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2010, 04:20:11 pm »

Từ lâu tôi đã ao ước đi một chuyến lên đường 20. Sau lần gặp anh Châu và hẹn với anh, niềm ao ước càng giục giã. Nhưng rồi, hàng núi những công việc của một anh phóng viên báo hàng ngày thường trú ở tỉnh cứ làm chuội đi hết dự định này sang dự định khác. Một năm đã trôi qua. Lần này, lần thứ hai gặp anh Châu ở BT 14 cũng lại là gặp tình cờ. Vẫn nắm chặt bàn tay tôi, anh hỏi, vẻ trách móc:

- Sao chờ mãi chẳng thấy anh lên?

- Thì đang lên đây, họp kỳ này xong tôi đi với anh một thể.

Tôi tưởng rằng sau câu nói ấy, anh Châu sẽ vồ vập với tôi hơn, nhưng ngược lại, vẻ tươi cười trên mặt anh cứ nhạt đi nhạt đi rồi biến mất, nhường chỗ cho sự lúng túng đang hiện lên mỗi lúc một rõ ràng hơn. Anh buông bàn tay tôi, ngoảnh mặt sang phía khác. Một vài giây sau anh quay lại hỏi tôi, vẻ dè dặt, khác hẳn với thái độ bộc trực, bỗ bã vốn có của anh. 

- Anh định lên thật à? 

- Vâng, liệu có gì trở ngại không?

- Không, nhưng mà... có lẽ để một dịp khác thì hay hơn.

- Vâng, tuỳ anh...

Tôi không căn vặn gì thêm nữa, cố giữ vẻ mặt bình thường nhưng trong thâm tâm cảm thấy hơi khó chịu. Tôi đoán rằng anh muốn giữ bí mật hoặc giả anh không thích bọn nhà báo chúng tôi đến quấy rầy. Làm phóng viên báo Đảng nhiều năm, quen với sự săn đón chiêu đãi của các cấp uỷ các cơ quan, đôi lúc tôi cũng cảm thấy mình là “nhân vật quan trọng".

Chiều hôm ấy, trong khi ngồi họp, tôi nói điều thắc mắc của mình với anh L một cán bộ cấp tá công tác ở Bộ tư lệnh đoàn 559. Anh L cười, lắc đầu:

- Không phải đâu, Châu nó thật lắm, đừng nghĩ thế mà oan cho nó.

Ngừng một lát, anh ghé sát vào tôi, nói khẽ:

- Đang đói tợn, có đơn vị ăn bữa cháo rồi, chắc là Châu nó không muốn đón tiếp cậu trong một hoàn cảnh lúi xùi cực khổ quá đó thôi.

Tôi tin là anh L. nói đúng. Tưởng là có lý do gì khác chứ đói thì tôi cũng đã biết mùi. Từ sau ngày tuyên bố “ngừng ném bom hạn chế” (tháng 3-1968) Giôn Xơn dồn bom đạn dốc vào một số nút chặt hiểm yếu trên các tuyến đường ra trận như ngã ba Đồng Lộc, cầu Cổ Ngựa, bến Phà Gianh bến phà Long Đại v.v.

Chiến thuật mới này của địch cộng với các trận mưa lũ về sớm và dữ dội đã tỏ ra khá nguy hiểm. Hàng vào được rất ít so với thời gian trước. Trong khi ở phía bắc ngã ba Đồng Lộc kho tàng đầy ứ thì ở Quảng Bình xe ô tô không có xăng chạy và các kho gạo gần như trống rỗng.

Các cơ quan tỉnh, huyện thoạt đầu ăn mỗi ngày một bữa cơm, một bữa cháo, về sau cả hai bữa đều ăn cháo. Tôi và anh Quốc Vinh, cũng là phóng viên báo Nhân dân, đã phải đi hái rau tàu bay, bắt ốc suối về ăn thêm.

Sau bữa cơm chiều tôi đến tìm anh Châu.

- Chắc là kho gạo của đội 25 cạn rồi nên anh mới không muốn tôi đến chứ gì? - Tôi hỏi.

Anh sững ra một lúc rồi đưa tay gãi gãi vào chùm tóc bạc, trả lời ngập ngừng:

- Kể ra thì cũng chưa đến nỗi cũng kiệt, cơ mà... giá anh đến lúc khác thì đàng hoàng hơn.

- Ngày mai, tôi sẽ đi cùng với anh. Tôi cần biết trong những tháng này các anh sống thế nào.

- Đồng ý - Anh Châu nắm lấy tay tôi - Không có gì trở ngại đâu, chỉ hơi khổ một chút thôi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #55 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:33:05 am »

II

Anh Chu Đức Châu kể.

Mở một con đường - con đường theo nghĩa đen hay con đường theo nghĩa bóng đều là công việc mới mẻ và hết sức khó khăn. Mở đường qua Trường Sơn lại càng khó khăn hơn. Hãy nhắm mắt lại mà tưởng tượng: giữa một vùng toàn là núi đá, rừng đại ngàn hoang vu đến ghê người lên như vậy, sức vóc con người phỏng có nghĩa lý gì. Ấy thế mà dám san núi đi, mở một con đường lớn cho xe chạy. Chỉ nguyên ý định ban đầu đã là một sự táo bạo có tầm vóc lịch sử rồi.

Con đường sau khi làm xong đó lại chỉ dài 82 cây số. Nhưng tính ra có tới 904 cua ngoặt, nghĩa là từ đầu chí cuối không có đến một đoạn thẳng vài trăm mét. Đường cong và hiểm trở đến mức lúc đầu, bom Mỹ thả xuống đều trượt ra ngoài hết. Về sau, chúng phải bỏ chiến thuật, dồn bom đạn vào những khúc hiểm yếu nhất, đánh bạt đi cả núi lẫn đường. Mà không phải mở đường trong hoàn cảnh bình yên, thư thả, phải làm việc dưới bom đạn, lại phải làm gấp.

Tôi còn nhớ rất rõ cái hôm đi nhận phần đường của đơn vị mình. Anh Hồ Huyên đưa tôi và anh Lâm, anh Dụ đến trước một cái dốc và hất hàm: 

- Đường đấy nhận đi. 

Tôi nhìn ngọn núi đá sừng sững trước mắt, thấy ngợp cả người. Anh Huyền nói tiếp:

- Dốc này gọi là dốc Đồng Tiền. Ngày xưa thằng Nhật cũng định mở con đường chạy dọc Trường Sơn, nó đã làm được một quãng bốn cây số. Nhưng rồi vấp phải dốc Đồng Tiền, thế là cu cậu đành bỏ.

Tôi định bước đi nhưng anh vội nắm lấy xà cột của tôi níu lại:

- Bỏ cái này ở nhà, có cần ghi chép gì đâu mà phải mang theo sổ sách, vướng lắm.

Nghe lời anh, ba chúng tôi quay về lán cất xà cột.

Vị trí con đường, anh em khảo sát đã đánh dấu bằng cách chém bập vào các thân cây, chúng tôi cứ theo đó mà lần. Đã từng chiến đấu ở Tây Bắc, tôi chẳng lạ gì núi đá. Nhưng so với núi đá Trường Sơn thì núi đá Tây Bắc quả là không thấm vào đâu. Dưới chân, các gò đá nhọn hoắt, phủ đầy rêu trơn tuồn tuột. Trên đầu thảm lá dày đen kịt, tưởng chừng như đã hàng ngàn, hàng vạn năm nay chưa hề có một giọt ánh sáng mặt trời lọt xuống. Mọc chen giữa các cây sến, cây chò, cây săng lẻ... cổ thụ, những khóm mây song và các bụi dây leo vây bủa chằng chịt.

Ba anh em nối nhau, người nọ giẫm lên dấu chân người kia, lần bước một cách thận trọng. Càng lên cao, đá càng nhọn và cây rừng càng rậm rịt. Lúc đầu đi lom khom, về sau chúng tôi phải dùng cả hai tay, bò như vượn. Đến lúc này mới thấy thấm thía lời khuyên của anh Hồ Huyền.

Phần đường của đội 25 chỉ có bốn cây số, hôm ấy chúng tôi đi về mất đúng một ngày. Ra khỏi rừng, anh nào anh nấy trông như vừa trải qua một trận ẩu đả. Mặt đầy mồ hôi, quện với đất, rêu, lá mục và các vệt máu, có vệt đã khô, có vệt hãy còn chảy ri rỉ. Quần áo ướt sũng như nhúng nước, rách lỗ chỗ.

Vừa bước chân vào đến ngõ đã thấy anh Hồ Huyền và mấy cán bộ ngồi chờ trong lán.

- Thế nào? - Anh Huyền hỏi.

Tôi vớ lấy ấm nước lá uống một hơi hai bát rồi mới trả lời:

- Chà chà, đường với xá... Anh cứ trông tôi thì đã biết.

Anh Huyền cười:

- Mình đã đi mấy lần rồi, còn lạ gì nữa. Điều mình muốn hỏi các cậu là liệu có làm được không?

Tôi chỉ im lặng nhìn anh. Dĩ nhiên chẳng đời nào tôi trả lời "không làm được". Con đường bây giờ đã là lý tưởng, là lẽ sống của chúng tôi. Muốn độc lập, tự do, thống nhất đất nước phải đánh thắng Mỹ, muốn đánh thắng Mỹ phải có đường... Mỗi một con người tự nguyện đứng vào trận tuyến là tự nguyện chấp nhận cái lôgích ấy rồi. Nhưng tôi cũng không thể trả lời "làm được". Nói thế là nói liều. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi đã làm đường bao giờ đâu. Làm thế nào để mở được con đường, cho đến lúc này chính tôi cũng chưa biết.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #56 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:33:49 am »

*
*   *

Một ngày đầu tháng 1 năm 1966 làm lễ khởi công. Hôm ấy trời nắng. Mặt trời lên sớm, mới tám giờ sương đã tan hết, nắng vàng rực. Bầu trời xanh biếc, loáng thoáng vài lọn mây trắng muốt. Toàn đội tập họp dưới chân dốc Đồng Tiền. Sau buổi lễ ngắn gọn, trừ một số người lo việc nổ mìn, từng đại đội tản ra ngồi chờ bên bờ suối. Được ngày nắng chim chóc hót vang rừng, nét mặt con người trông cũng như tươi mới hẳn ra. Các cô gái nhởn nhơ đi hái hoa, bắt bướm, nhặt các hòn cuội trắng trong lòng suối, một số người hát...

Chợt một hồi kẻng vang lên. Năm phút sau, những tiếng nổ rung chuyển núi rừng. Khi khói tan hết, nhìn lên phía dốc Đồng Tiền, chúng tôi thấy sườn núi bị bóc đi một mảng lớn. Những cây lim, cây sến, cổ thụ cũng bị đánh bật gốc và hất băng xuống vực. Quãng sườn núi bị phá, đã có hình một khúc đường, sáng trắng lên một cách ngạo nghễ trong ánh nắng ban mai.

Mọi sự nghiệp ở đời, dù lớn dù bé, khúc mở đầu bao giờ cũng quan trọng nhất. Con đường từ trong ý nghĩ, trên bản đồ đã trở thành hiện thực, không còn có lý do gì để hoài nghi, ngần ngại. Chúng tôi đã lao vào với tất cả sức mạnh và tình cảm hăng say của tuổi trẻ, lao động cật lực không tính ngày tính giờ, vượt qua mọi gian khổ hy sinh...

Tháng 5 năm 1966, đoạn đường của đội 25 vượt núi Đồng Tiền, vượt dốc Ba thang, nối với phần đường của các đơn vị bạn từ phía Tây tiến sang. Đường 20 - đường Quyết thắng - đã mở thông. Trong những đêm mùa khô năm ấy, chúng tôi đã thức suốt từ đầu hôm đến sáng để ca hát và đón chào những chuyến xe đầu tiên chạy trên con đường của chúng tôi đi từ phía Đông sang phía Tây Trường Sơn.

Cùng đi trên chuyến xe đầu tiên, tôi còn nhớ có một đoàn các nhạc sĩ. Một trong những người ấy đã viết bài ca Đường Quyết Thắng với đoạn mở đầu như sau: "Chọc thủng Trường Sơn đi mở đường thắng lợi. Đường Quyết thắng - chí ta thề quyết thắng". Bài ca ấy ngày nay được coi như bài ca chính thức của đội 25 chúng tôi . .

Kẻ địch dĩ nhiên không để yên. Nếu như trong những ngày chúng tôi làm đường, chỉ có những chiếc máy bay trinh sát bay lượn thì bây giờ khi con đường bắt đầu hoạt động đã đến lúc những chiếc con ma thần sấm mang đầy bom mò đến. Bom nổ ở Cà Roòng, ở A Ki, ở cây số 59...

Trước đó, không ít người nuôi hy vọng làm xong đường sẽ được đi học, được về nhà, ít ra cũng là một chuyến đi nghỉ phép chừng nửa tháng mươi ngày. Phải tạm gác sang một bên những hy vọng ấy, hãy xông ra lấp hố bom, sửa đường cho xe chạy. Và cứ thế, chúng tôi gắn bó với con đường cho đến tận bây giờ.

Tôi sẽ không kể với anh chúng tôi đã làm đường như thế nào. Cho dù ý chí cách mạng cao đến đâu đi nữa, người ta cũng không thể dùng tay cào cấu đá Trường Sơn để làm đường. Phải có phương tiện và kỹ thuật, mà phương tiện và kỹ thuật thì ở đâu cũng thế thôi. Máy móc và mìn - hàng trăm tấn mìn - nhân dân hậu phương và các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã cung cấp đầy đủ. Có người tính toán thế này: Nếu toàn là tiền một đồng thì với số bạc giấy chi phí cho con đường có thể dùng để dán kín mặt đường từ đầu đến cuối. Một con tính có vẻ đùa nhưng rất thật đấy.

Điều tôi muốn nói với anh là chúng tôi đã sống như thế nào, trong những năm tháng chúng tôi ở Trường Sơn. ăn bữa cơm đầu tiên đã biết là gian khổ. Gạo để lâu trong hang đá, vừa mục, vừa ẩm, hạt cơm nhạt thếch, bốc lên thứ mùi hôi găn gắt. Thức ăn chỉ độc một món, mắm ruốc Quảng Bình. Giá có hành mỡ chưng lên thì còn khá, đằng này chỉ ăn sống. Các cô gái Nam Hà vừa ngửi mùi là đã nôn thốc nôn tháo ra rồi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #57 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:34:31 am »

Tháng chín, mùa mưa bắt đầu. Các con suối cạn biến thành thác lũ cắt hết mọi ngả đường. Gạo không chuyển về được. Thoạt đầu rút bớt cơm, sau hạ xuống bữa cơm bữa cháo, rồi hai bữa cháo. Đơn vị bạn ở bên kia suối đã liều mạng cho người chuyển gạo sang nhưng sức nước mạnh quá cuốn băng cả người lẫn gạo. Cũng may khi chúng tôi vét đến những cân gạo cuối cùng để nấu cháo thì cũng là lúc trời tạnh. Thật hú vía!

Hết mùa mưa tiếp ngay đến mùa khô. Cái khối nước khổng lồ trời trút trong mấy tháng vừa qua biến mất tăm vào các hang động, các suối ngầm chằng chịt trong lòng núi đá. Khe suối cạn khô, thiếu nước ăn, nước tắm giặt. Hàng ngày các đại đội phải cử người đi xa năm sáu cây số để gánh nước ăn. Thậm chí có lúc phải chặt chuối rừng, hứng lấy nước mà uống.
Rồi bệnh sốt rét hoành hành, hầu như không một ai tránh khỏi.

Và thiếu thốn đủ mọi thứ: thiếu thức ăn, thiếu quần áo thiếu giấy, thiếu găng tay bảo hộ lao động, thiếu xà phòng, thuốc đánh răng, bồ kếp gội đầu, vải xô vệ sinh cho các cô gái... Những cô gái ấy lúc ở nhà, dầu chưa lấy gì làm sung sướng, họ cũng đã lớn lên trong một cuộc sống mới, bắt đầu tiếp xúc với văn minh, họ cảm thấy khổ sở biết bao khi cả nửa năm trời không có một mẩu xà phòng, một quả bồ kếp để gội đầu.

Có lần được cấp phát năm cân xà phòng bột, tôi phải gọi các ban chỉ huy đại đội lên và tuyên bố dứt khoát: "Chỉ dành cho phụ nữ, anh đàn ông nào mà đụng đến thì phải chịu kỷ luật”

Lại còn cả những khó khăn mà suy cho đến cùng chỉ tại chúng tôi, những cán bộ lãnh đạo gây ra. Tất nhiên không ai cố ý, chẳng qua vì tầm nhìn quá hẹp quá cũ kỹ mà thôi. Có đồng chí nặng về động viên, thích dùng những lời hô hào trống rỗng hơn là quan tâm tỉ mỉ đến đời sống vật chất và tinh thần của người chiến sĩ.

Lại có những đồng chí quá khắt khe, hẹp hòi, thành kiến bất cứ ai không phải là nông dân. Họ thích dùng những từ ngữ nặng nề như "mất lập trường", "tiểu tư sản", "hữu khuynh”, “tả khuynh" chụp lên đầu những người có ý kiến trái ngược với mình. Cách sống ấy đôi khi tạo ra trong đơn vị một không khí nặng nề, người này giữ kẽ với người kia, hạn chế rất nhiều sự hăng say của tuổi trẻ.

Có lần anh L. Và anh M. đã xảy ra một cuộc tranh cãi kịch liệt về chiếc kèn ác-mô-ni-ca của đồng chí Lượng. Anh M ra lệnh cấm không được thổi lên vì lý do phải giữ bí mật. Anh L cãi: "Thế nào, anh định biến tất cả thanh niên ở đội 25 này thành cụ già cả hay sao? Không hát, không thổi kèn, còn gì là thanh niên nữa?". Anh M chụp luôn. "Chính vì những suy nghĩ lệch lạc như thế cho nên ở đại đội bốn mới xảy ra lắm chuyện rắc rối". Anh L ức quá chạy đi tìm tôi để phân giải.

Quả thật ở đại đội bốn, một đại đội gần phần nửa là thanh niên thị xã cho nên sinh hoạt có phần nào lỏng lẻo và thường xảy ra nhiều chuyện rắc rối hơn ở các đại đội khác. Chẳng hạn như đồng chí K nhân lúc di chuyển mìn đã bẻ mía của đồng bào về ăn, hay đồng chí S trong bữa ăn trưa vì tức đồng chí N đã đá tung cả xoong cơm của tiểu đội xuống suối.

Nhưng chuyện sôi nổi nhất ở đại đội bốn lúc đó là các “cụ tổ ông già".

Đồng chí Th trước đã học đến năm thứ ba trường Đại học Bách Khoa, không biết vì lý do nào mà bị đuổi khỏi trường. Về nhà, Th sống bám gia đình một thời gian rồi ghi tên đi thanh niên xung phong. Th tốt bụng rộng rãi với mọi người và lao động hăng, nhưng anh ta sống lập dị: để tóc dài, râu dài, không hề nói chuyện với phụ nữ, xong các buổi làm việc là ngủ, đánh tú lơ khơ. Các bạn cùng tiểu đội gọi anh là ông Men-đê-lê-ép vì anh có bộ râu rậm, cặp mắt sâu, hơi giống nhà bác học Nga đã phát minh ra bảng tuần hoàn các nguyên tố, và vì anh cũng đã từng học khoa hoá.

Tập họp xung quanh Th có một số đồng chí đã học hết cấp ba như M, P, Q, T v.v... Họ cũng để tóc dài, để râu, không giao thiệp với phụ nữ và tự nhận là "tổ ông già". Anh M nhiều lần nhắc tôi phải có thái độ cứng rắn với các đồng chí ấy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #58 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:35:28 am »

Một hôm nhân ngày nghỉ tôi xuống đại đội bốn. Cả đại đội vào rừng lấy củi, chỉ có Thu Hương, một cô gái thấp, bé vừa dứt cơn sốt ở lại trông nhà. Tôi hỏi Thu Hương về chuyện "tổ ông già". Cô ta nói ngay:

- Em thấy hình như các anh nêu vấn đề lên to quá, chuyện có gì đâu, họ vẫn lao động hăng, vẫn sinh hoạt đều còn như tính nết thì mỗi người một vẻ...

Thấy tôi gật đầu, cô nói thêm:

- Em nghĩ nếu họ là người không tốt họ đã bỏ trốn từ hồi ở Nghĩa Đàn rồi, đã đem nhau vào đây là người tốt cả rồi các anh ấy sẽ thay đổi anh ạ.

Khi tôi mang ý kiến của Thu Hương nói lại với anh M, anh cau mặt:

- Thế là anh "theo đuôi quần chúng", chúng ta phải có lập trường dứt khoát, không thể lơ mơ như vậy được.

Chính lúc đó anh Đồng Sĩ Nguyên, tư lệnh đoàn 559 đến thăm đơn vị. Anh đi xem nhà bếp, lán trại, hầm trú ẩn và nói chuyện với các chiến sĩ rồi về làm việc với ban chỉ huy đội. Nhìn vẻ mặt anh, tôi thấy hình như anh có điều gì không vui. Tôi mở cuốn sổ tay ra định báo cáo tình hình nhưng anh Nguyên vội đưa tay ngăn lại:

- Xin lỗi, tôi muốn hỏi đồng chí, có điều gì khác với những điều mà các đồng chí đã báo cáo hàng tuần, hàng tháng không?

- Dạ không ạ - Tôi trả lời.

- Vậy thì thôi, tôi biết cả rồi, đừng nhắc lại làm gì mất thì giờ. Tôi xin phép được phát biểu với các đồng chí một vài cảm tưởng của tôi sau khi đi thăm đơn vị.

Anh ngừng lại, nhìn chúng tôi như có ý thăm dò rồi nói tiếp:

- Nói chung là tôi rất phấn khởi. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ mọi thứ mà anh chị em lao động được đến thế là giỏi lắm rồi, không thể phàn nàn vào đâu được Thế hệ trẻ của chúng ta thật tuyệt vời. Tôi chỉ hơi buồn...

Một lần nữa anh Nguyên đưa mắt nhìn liếc qua chúng tôi.

- Các đồng chí chúng ta ngồi đây này, các đồng chí ít tuổi hơn tôi mà xem ra già hơn tôi nhiều. Các đồng chí chỉ huy thanh niên nhưng hình như các đồng chí ít hiểu thanh niên. Các đồng chí bắt chiến sĩ ở trong những cái lều xiêu vẹo lụp xà lụp xụp trông nhếch nhác quá. Đời sống vật chất đã vậy, sinh hoạt văn hoá tinh thần cũng hết sức nghèo nàn. Tại sao không tổ chức các tổ văn nghệ, không ca hát?

Tôi trả lời dè dặt:

- Báo cáo anh, có lệnh ở trên là không được làm nhà to không được ca hát ầm ĩ vì sợ lộ bí mật ạ.

- Cấp trên nào ra lệnh như vậy? - Anh Nguyên cau mày - Tào lao hết. Thật là hết sức ngây ngô. Các đồng chí nổ mìn phá đá, làm đường ầm ầm như vậy thì không lộ bí mật, còn thanh niên múa hát thì lộ? Kỳ cục quá! Các đồng chí rất thích nói đến lý tưởng cao đẹp, rất thích cái câu "Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước là trường đại học". Nói thế cũng được nhưng nói ít thôi. Hãy để tâm hơn vào cuộc sống hàng ngày của thanh niên. Khi hoàn cảnh bắt buộc phải chịu khổ, ta sẵn sàng chấp nhận, nhưng đừng tôn thờ cái khổ, coi như nó là động lực tinh thần của chúng ta. Nghĩ thế là sai, là bậy, là trái với chủ nghĩa Mác-lênin. Hãy để cho thanh niên làm nhà đẹp mà ở, làm hội trường mà múa hát... Chớ có nhìn thanh niên bằng cặp mắt hẹp hòi, luôn luôn xét nét...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #59 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2010, 10:35:58 am »

Sau chuyến về thăm của anh Đồng Sĩ Nguyên, tình hình đơn vị bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tốt. Một mặt thì việc cấp phát dần dần đi vào nền nếp có hiệu quả hơn, mặt khác trong cách nhìn, cách sống của chúng tôi xem ra đã có một cái gì mới. Một loạt nhà to đẹp được dựng lên, thay cho những cái lán xiêu vẹo, thấp tè ngày trước. Gỗ, nứa Trường Sơn nhiều, mà tài hoa cũng không thiếu. Mỗi tiểu đội một nhà, mỗi nhà một kiểu với những chấn song, những cửa sổ tròn, cửa sổ bầu dục, những giàn phong lan... Đêm nào máy bay Mỹ cũng thả đèn dù nở trắng rừng, các cô vốn là thợ may, thợ thêu Nam Định, Phủ Lý tha hồ mà trổ tài trang trí. Đẹp nhất là hội trường các đại đội, có sân khấu với phông, màn, cánh gà, ghế ngồi cho hàng trăm người...

Phong trào ca hát bốc lên rất mạnh. Điều lý thú là ở đại đội Bốn, "tổ ông già" lại trở thành hạt nhân văn nghệ. Với cây đàn ghi ta, vài cây sáo trúc, vài chiếc đàn bàn "tự trang lự chế", mấy tay hát đơn ca, đồng ca, họ làm đội 25 nổi danh trên khắp tuyến đường Quyết Thắng.
Thoạt đầu chỉ "tự túc", về sau các tổ văn nghệ chúng tôi còn đi phục vụ đơn vị bạn, phục vụ các đoàn xe ra trận trong mùa chiến dịch.

Một đồng chí lái xe ở tiểu đội 54 anh hùng bị thương mù cả hai mắt, gần đây viết thư vào cho chúng tôi nói: "Trước khi vượt khẩu rồi bị thương tôi đã được nghe một cô gái Nam Hà trong đơn vị các đồng chí hát điệu chầu văn. Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ nghe hát mà lại xúc động đến thế. Xin gửi lời cám ơn các đồng chí; cám ơn cô gái hát chầu văn. Nhờ các đồng chí nói hộ với cô ấy rằng, tiếng hát cô ấy giờ đây vẫn là nguồn sức mạnh giúp tôi chiến thắng thương tật" .

Theo đà ấy, cuộc sống vật chất mỗi ngày một khá hơn. Bữa ăn bắt đầu có rau xanh, từ món đơn giản nhất là cây chuối rừng, tiến dần lên. Bây giờ trong bản danh mục rau rừng của chúng tôi đã có đến hàng chục thứ. Bình thường có chua me đất, môn thục, rau má, rau tàu bay, lá mua chua... "cao cấp" hơn là rau giớn ăn ngon như giá đậu, lá lưỡi bò rất ngọt, nấu canh không cần mì chính, là măng nứa, măng giang. Đặc biệt nhất là món rau sống do các cô vốn quê vùng Kim Bảng gần chùa Hương tìm ra. Tất nhiên những tìm tòi ấy đều phải trả giá cả. Đại đội Năm đã có lần ăn rau ngót rừng, bị ngộ độc một lúc hơn bốn chục người, phải gọi đơn vị bạn sang khiêng đi bệnh viện. Và rừng Trường Sơn bây giờ không nơi nào không có bom, mìn của Mỹ, rau xanh có lúc đã phải đổi bằng máu đỏ.

Một hôm có đồng chí cán bộ ở Trung ương Đoàn Thanh niên vào công tác, thấy ống đèn dù để la liệt khắp nơi, đồng chí ấy nói: "Của này mà đem ra ngoài ấy thì giá trị phải biết" . Lập tức trong đầu tôi, nảy ngay ra một ý định. Nhân có chuyến xe đi Nghệ An lấy hàng, tôi chở ra mấy chục chiếc ống đèn dù. Lần ấy đổi được đàn gà hơn chục con và một chú lợn giống khoảng chục cân. Trên đường về đồng chí Đài nhốt lợn vào bao tải, khi mở ra thì thấy nó đã chết còng queo. Lần sau lại chở ống đèn ra, đổi được hai lợn. Các đại đội thi nhau chăn nuôi. Đèn dù Mỹ thả xuống càng nhiều gà lợn càng tăng nhanh. Đã có lúc mỗi đại đội nuôi thường xuyên mười lăm, hai mươi con lợn và hàng trăm gà mái đẻ.

Khi người ta lưu tâm và chịu khó suy nghĩ thì rồi mọi sự khó khăn cứ được gỡ ra dần dần. Tỉ như cái việc chế biến món ăn. Lúc đầu chỉ độc hai món: người khoẻ ăn cơm, người ốm, người mệt ăn cháo. Mà nấu cháo bằng thứ gạo để lâu trong hang đá thì chao ôi! Người khoẻ còn không muốn nuốt nữa là người ốm. Về sau cô Đào cấp dưỡng nghĩ ra cách giã bột quấy hồ. Anh Hồ Huyền thấy vậy gợi ý: "ta thử làm bánh xèo xem sao". Thế là thêm được một món.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM