Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:45:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111227 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #40 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2010, 02:07:51 pm »

- Con cọp? - Kan Ly thét thất thanh. Cô xông tới, không còn biết sợ nữa, vung gậy phang chí chát vào đầu con vật. Nó gầm lên dữ tợn, nhưng một chân trước vẫn đè chặt lấy mồi, một chân quờ lên chống đỡ. Với tất cả sức mạnh của tình thương xót cha, Kan Ly cứ nhè mặt con cọp mà đập túi bụi rất mạnh, rất nhanh, khiến cho con thú cứ nhe răng gầm gừ đỡ lại. Chiếc gậy đã toét cả đầu mà nó vẫn không chịu buông mồi, Kan Ly vừa đánh hổ vừa thét vang cả núi rừng.

Mấy đồng chí trinh sát có nhiệm vụ về bản, nghe thấy tiếng la, vội xách súng AK chạy đến. Các anh nhận thấy tình thế nguy hiểm quá. Nếu bắn trượt lập tức nó bóp chết ông già dưới chân rồi lao tới Kan Ly ngay.

Bỗng có vệt ánh sáng dèn pin từ phía làng Cà Lư. Kan Ly biết là bọn lính nguỵ kiểm tra làng tề đã đến, nghe thấy tiếng la đổ xô lên. Nguy hiểm quá. Chúng sẽ đụng các anh bộ đội. Kan Ly vẫn tới tấp đánh vào mặt con cọp vì chỉ ngừng tay một chút thôi là nó cắp cha mình lao tuột vô rừng.

Tiếng chân chạy rầm rập đến gần, ánh đèn pin đã soi vào cặp mắt con cọp đỏ rực như hai hòn lửa. Những ánh chớp từ phía tụi lính loé lên, và những tiếng đạn xiết không khí vọt qua đầu. Không để lỡ thời cơ một anh trinh sát dí thẳng súng vào mồm con cọp miết cò. Con cọp gầm lên một tiếng kinh khủng, bật nhẩy lên, lao thẳng xuống sườn núi.

Kan Ly không kịp ôm lấy cha, cô vội sấn lên, lấy người che ánh đèn pin loang loáng của quân nguỵ rọi tới để bộ đội kịp rút nhanh vào sâu trong núi. Một tên nguỵ hầm hè quát:

-  Đù mẹ! Đứa nào vừa nổ súng?

Kan Ly rũ rượi tóc, sụp xuống ông lấy ông già mình đẫm máu gào khóc :

- Trời ơi! Các ông quốc gia bắn cọp để nó bóp chết cha tui rồi ...

Bọn địch lúng túng trước tình huống rắc rối, vì lúc chạy, cũng có mấy tên trong bọn luống cuống để súng cướp cò nổ. Dân làng Cà Lư đã đốt đuốc chạy đến. Tiếng dân làng la ó bao quanh, đổ tại quốc gia bắn súng, cọp nổi xung tát chết ông già đi lấy nước rồi. Bọn ngụy ngán quá, chửi thề rồi kéo nhau về đồn.

Dân làng Cà Lư đã chôn cất ông già theo tục lệ mai táng người có công đầu trong bộ tộc. Mấy hôm sau, người đi rừng tìm thấy xác con cọp to nằm vật bên mép suối. Người ta làm thịt cọp, cử người đem phần lên núi cho bộ đội. Còn bộ vuốt cọp, một già làng đã đem đến tận nhà Kan Ly, đưa cho cô và nói:

- Con giữ lấy. Cha con chết cho cách mạng đó.

Kan Ly chọn ba cái vuốt to đẹp nhất, xe sợi dây vẫn dệt chăn rồi xâu lỗ dùi ở cuống vuốt. Cô đến tận chỗ trú quân của đơn vị trinh sát, quàng vào cổ cho hai anh đã nổ súng giết cọp, một cái tặng cán bộ. Rồi cô xin bộ đội giao việc cách mạng thay cha.

- Theo cách mạng cực lắm, có lúc phải hy sinh. Kan Ly chịu được không?

- Được!

- Có giữ đúng bí mật không?

- Được!

- Có nói bà con cùng làng báo tin thằng địch cho bộ đội được không?

- Được!

- Còn gùi hàng cho cách mạng, đưa thư cho cách mạng nữa.

- Được hết mà!

Từ đấy Kan Ly thành một cơ sở rất tin cậy, rất mưu trí của đội trinh sát. Kan Ly rất ham học chữ phổ thông và rất sáng dạ. Chỉ sau một mùa mưa, Kan Ly đã đọc thông viết thạo, viết được cả các báo cáo tình hình cho đội. Cơ sở làng Cà Lư và mấy làng bên cũng được củng cố vững chắc.

Khi đơn vị chuyển sang hướng tây thì Kan Ly cũng vừa có giấy của huyện Hướng Hoá gọi đi học. Học nhiều cái chữ mới làm cách mạng tốt hơn. Kan Ly nghe lời Đảng đi học nhưng vẫn buồn nhớ vì xa đơn vị.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #41 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2010, 02:08:42 pm »

*
*   *

Mùa khô năm 1962 .

Kẻ địch hối hả xúc tiến mạnh mẽ kế hoạch Xtalây- Taylo, cái xương sống của "chiến tranh đặc biệt".

Nhân dân miền Nam lại càng sôi sục chiến đấu kiên quyết đánh bại âm mưu của Mỹ - Diệm.

Nhu cầu chi viện cho chiến trường tăng vọt lên gấp bốn, năm lần mấy năm trước. Đặc biệt là phải bảo đảm khẩn cấp cho Khu 5, Nam Bộ một khối lượng lớn vũ khí để mở rộng lực lượng cùng với hơn một vạn quân đi vào chiến trường.

Đoàn 559 được Quân uỷ Trung ương cho thành lập thêm trung đoàn 71 và Bộ Chính trị cho sáp nhập "đường dây Thống nhất" vào tuyến 559. Bộ Tổng tham mưu còn phối thuộc cho 559 một số đơn vị tác chiến bảo vệ hành lang và các tiểu đoàn công binh để phát triển hệ thống đường trên tuyến phía tây.

Bộ chỉ huy Đoàn 559 chủ trương sử dụng trung đoàn 71 tiếp lục hoạt động ở hướng đông, còn trung đoàn 70 thì chuyển lên hẳn hành lang phía tây.

Có thể nói, tuyến hậu phương của ta lúc này, thực hiện chuẩn bị chi viện cho chiến trường đã bắt đầu vào nề nếp. Các đại đội xe của Tổng cục Hậu cần đã chuyển vào hậu cứ của các trung đoàn những mặt hàng ưu tiên. Năm nay, xe đạp thồ cũng được liệt vào loại hàng phải bao bì, áp tải, được đưa cấp tốc vào miền tây Quảng Trị.

Ở tuyến phía tây lúc này, các tiểu đoàn vận tải đã triển khai trên từng đoạn để sửa sang lại đường thồ sao cho đi thật êm, lướt dốc để nhận hàng ở tổng kho Sê Pôn tiếp chuyển sâu vào Pe Hai giao cho Khu 5.

Bắt tay vào nhiệm vụ, tiểu đoàn nào cũng quyết tâm củng cố đường, chuẩn bị mọi việc cần thiết thật chu đáo với niềm tin chắc thắng, chứ không bán tin bán nghi như hồi áp dụng phương thức "voi thồ ngựa cõng".

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những đoàn xe thồ tới nghìn chiếc, mỗi chiếc thồ từ một đến ba tạ, có xe thồ trên ba tạ. Vậy thì xe đạp thồ quả hơn đứt các loại vận tải thô sơ khác về mọi mặt.

Để chuẩn bị cho thắng lợi đợt đầu, trung đoàn 70 phát động phong trào học tập chiến sĩ xe thồ Điện Biên Phủ Ma Văn Thắng đạt kỷ lục thồ 337 kilôgam. Đại đội nào cũng có những chỉ tiêu cụ thể phấn đấu và có những biện pháp chia cung, tổ chức trạm sửa chữa trên đường, có kế hoạch kèm cặp tương trợ lẫn nhau ở từng tổ ba người... Khí thế ra quân thật sôi nổi, không âm thầm lặng lẽ như cái buổi ban đầu vai gùi, tay gậy.

Đúng ngày 1 tháng 3 năm 1962, tuyến xe thồ trên hành lang Trường Sơn bắt đầu hoạt động. Dưới những cánh rừng bạt ngàn, trong những bè âm thanh vang động của bầy ve rừng, thỉnh thoảng lại reo vui vài tiếng “kính coong", "kính coong" của anh “lái" trẻ nào đấy cố tình giấu chiếc chuông mang theo.

Đoàn xe thồ của tiểu đoàn 3 đoàn 70 ngày ngày đến Bản Keng, phía tây nam thị trấn Bản Đông để hút hàng đưa vào Mường Noọng. Đoạn đường dài gần 80 kilômét chia ra bốn cung. Đoạn ngoài từ Bản Keng vào Xa Đi thì còn bằng phẳng, chứ đoạn trong đường quá hẹp, lại nhiều dốc, lắm suối, lầy lội kinh khủng.

Trung đội trưởng Nguyễn Viết Sinh chuẩn bị cho đơn vị di chuyển vào cung trong. Hôm nay thì anh chẳng còn lo không theo kịp đơn vị. Anh đã cưỡi xe mà đi chứ không phải lóc cóc dắt bộ lẵng nhẵng như hồi nào.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #42 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2010, 02:09:14 pm »

Dạo ấy, đơn vị mới chuyển vào sân bay Tà Khống để tiếp nhận hàng từ hậu phương đưa vào, Sinh thấy đường băng sân bay bằng phẳng, lại rộng, liền này ra quyết tâm ban ngày thồ hàng về, đêm phải tổ chức tập cho nhiều đồng chí biết đi xe đạp. Cả ngày thồ hàng leo dốc, mệt đấy, nhưng không biết đi xe thì năng suất thấp lắm, sức đâu mà kéo dài cung. Nhưng muốn có phong trào, cán bộ phải làm gương.

Mấy ngày đầu ngã xuống, ngã lên xoành xoạch, chân Sinh bầm tím và sây sát khắp nơi, cùi tay, mu bàn tay trầy da, rớm máu sưng vù. Nhưng kết quả chỉ trong một tuần, cả trung đội Nguyễn Viết Sinh đều xoá sạch tình trạng "đi đẩy, về dắt". Hiệu suất thồ tăng lên gấp rưỡi, vì cung thồ được kéo dài ra. Sau đó trở thành một sáng kiến của đơn vị.

Thật ra thì việc tập xe đạp là thường, nhưng trên đỉnh Trường Sơn đã trở thành chuyện lạ - phong trào đó lan rộng ra cả đại đội 2 rồi toàn tiểu đoàn 5 biết đi xe đạp. Năng suất vận tải nhờ đó bứt lên xa các chỉ tiêu ban đầu

Nhưng tai hại nhất là ở đoạn Tà Bèng, Mường Noọng, La Hạp, các dốc nối nhau liên tiếp. Cái dốc mới qua dựng ngược như mái nhà rông đã làm anh em đẩy xe thồ mệt nhoài, lại phải vượt liền các dốc tiếp theo cũng không kém, làm mọi người kiệt sức. Cả đoàn thồ ùn lại dưới chân dốc, mọi người chạy đi tìm nước và nhiều đồng chí phải nghỉ lại lấy sức.

Sinh vội đến báo cáo với ban chỉ huy đại đội, xin cho đơn vị tổ chức nấu nước uống và bố trí lực lượng khỏe kèm những người yếu, dìu từng xe lên. Trung đội của Sinh nhờ tổ chức hợp lý, biết giữ sức cho anh em nên năng suất luôn dẫn đầu, đội hình đi đến nhanh và đủ nhất. Từ kinh nghiệm của Sinh và sau những lần ùn tắc này, ở chân dốc, các đại đội đều lập một trạm tiếp nước, chuẩn bị trái cây rừng giải khát cho đơn vị. Trung đoàn cũng điều lực lượng đến mở rộng đường, hạ bớt độ dốc để tăng tốc độ vận chuyển của xe.

Sức thồ của nhiều đồng chí lúc đầu chỉ 50 kilôgam, sau nâng lên 70, 80 kilôgam. Riêng Nguyễn Viết Sinh, từ chỗ trung bình mỗi chuyến chỉ được 90 kilôgam, sau nâng lên tạ hai, rồi tạ rưỡi, hai tạ...

Phong trào thi đua đuổi Ma Văn Thắng, vượt Ma Văn Thắng cứ nối nhau xuất hiện những kỷ lục xe thồ Trường Sơn. Nấc thang “hai tạ rưỡi" trở thành lạc hậu. Tiểu đoàn 3, tiểu đoàn 5 đã đưa lên "hai tạ bảy" rồi "hai tạ tám". Trong đợt vận chuyển lập thành tích chào mừng ngày sinh Bác Hồ, tiểu đoàn 1 đưa kỷ lục thồ lên "ba tạ bốn mươi lăm cân”, vượt kỷ lục của Ma Văn Thắng ở Điện Biên năm xưa được tám kilôgam.

Đến đợt thi đua nước rút "Vì miền Nam ruột thịt", chiến sĩ Nguyễn Điền, đạt danh hiệu kiện tướng xe thồ với kỷ lục 420 kilôgam.

Nhờ đạt hiệu suất vận tải mới, tranh thủ được thời cơ thắng lợi của cách mạng Lào, mở rộng được tuyến hành lang, trung đoàn 70 đã đưa vào các chiến trường gần một nghìn tấn hàng và cấp phát 140 tấn lương thực bổ sung trên dọc tuyến giao liên phục vụ gần một vạn quân đi vào các chiến trường.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #43 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2010, 02:10:09 pm »

*
*   *

Mùa khô năm 1962 là một mùa thắng lợi lớn của tuyến vận tải trên cung đường mới mở ở phía tây. Nhờ đường lối, quan điểm quốc tế đúng đắn của Đảng ta, nhờ sự phối hợp chặt chẽ trong chủ trương chỉ đạo của Đảng bạn và sự tận tình đùm bọc giúp đỡ của các lực lượng vũ trang và nhân dân Lào anh em, nhờ sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ đoàn 559, một tuyến vận tải phía tây đã hình thành và đầy hứa hẹn.

Khi đồng chí đoàn trưởng đoàn 559 đi kiểm tra tuyến về thì được điện của Bộ Tổng tham mưu gọi lên. Một vinh dự vô cùng lớn lao với Đoàn 559 là theo chỉ thị của Bác Hồ, đồng chí đoàn trưởng sẽ trực tiếp đến báo cáo với Bác về tình hình tổ chức của tuyến, về mọi mặt sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, cũng như nhân dân ta trên tuyến hành lang.

Bác Hồ chăm chú nghe báo cáo, Bác nhắc từng việc về chỉ đạo mở thêm đường, khôn khéo giữ bí mật, chống địch, bảo đảm an toàn lực lượng, bảo vệ cơ sở...

Khi nghe báo cáo tình hình đời sống của đồng bào Tây Nguyên bị giặc o ép sống khổ cực tới mức thiếu gạo, muối, đến nỗi mờ cả mắt, bạc tóc, phù thũng và các chiến sĩ của ta đi vận động cơ sở cũng đói ăn hàng tháng. Bác Hồ ứa nước mắt và bảo cần tìm ngay cách cứu trợ cho bà con và cán bộ, chiến sĩ ta. Trước mắt phải đưa ngay gạo vào, cố đưa lấy 30 tấn muối và mươi tấn vải vào cho bà con. Phải động viên mọi người đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.

Bác cũng nhắc phải đoàn kết với bạn, phải giữ kỷ luật. Bác khen ngợi cán bộ chiến sĩ đoàn 559 đã dũng cảm, kiên cường, chịu đựng gian khổ vì cách mạng miền Nam, rất xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của nhân dân.

Ngay hôm sau, Bộ chỉ huy và Đảng uỷ Đoàn 559 tổ chức cuộc họp để nghiên cứu biện pháp thực hiện những lời Bác Hồ căn dặn. Đảng uỷ đề ra nghị quyết tổ chức việc sản xuất lương thực, chăn nuôi ở từng 77 trạm giao liên, trạm thồ, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ "định cư" cho mỗi đơn vị. Các tổ chức dân vận được bổ xung người thạo tiếng dân tộc, phân công nhau đi sâu vào các bản làng vận động dân định canh và học văn hoá, học đường lối cách mạng ...

Đúng vào dịp kỷ niệm quốc khánh nước ta, trên ba chục tấn muối và hơn mười tấn vải hoa đã đưa đến tay bà con Tây Nguyên và bà con Lào Thơng. Cả một vùng rừng trên đỉnh Trường Sơn nhộn nhịp đón quà của Bác Hồ.

Kể từ đây, tuyến hành lang phía tây đã thực sự thành con đường chi viện chiến lược như nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã đề ra.

*
*   *

Các cán bộ chỉ huy của tuyến 3 họp với đoàn kiểm tra của Tổng cục Hậu cần nghiên cứu chỉ thị của Tổng cục điện vào về việc vận tải trên sông Sê Kông. Sông Sê Kông oằn oèo lượn khúc, chỗ phình ra, chỗ thót lại. Dọc hai bờ sông, từ Bản Bạc tới Pác Ca Don, cây cối rậm rạp, tre vầu giang nứa chen nhau vươn lên xoã ngọn phủ bóng xuống mặt sông. Lòng sông có nhiều đá ngầm, cứ khoảng từ tám đến mười cây số lại có một thác, dưới chân một vài con thác có những bãi bồi.

Dân vẫn đi lại trên sông được vì thuyền độc mộc, chở nhẹ. Còn ta, thuyền vận tải hàng nặng thì phải khảo sát lại. Cần dựa vào địa phương để tìm hiểu kỹ lòng sông và thác. Phải nghiên cứu loại thuyền vận tải nào có thể đi được. Thì ra việc vận tải trên sông vùng cao cũng có nhiều điều phức tạp thật. Chuyện này cần phải bàn với đoàn chuyên gia mới xong.

Ngay tối hôm đó, phái đoàn kiểm tra của Tổng cục cùng với cán bộ phụ trách tuyến 3 đến làm việc với các đồng chí chuyên gia quân sự Hạ Lào.

Đoàn chuyên gia liền cử một đồng chí có tên Lào là Bun Thoong đi giúp đỡ thuyền vận tải. Đồng chí Bun Thoong đã tìm được một ông già người bản Bạc, rất quen sông nước vùng này để giúp bộ đội đi khảo sát con sông và tìm chọn loại gỗ đóng thuyền vượt thác.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #44 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2010, 02:10:54 pm »

Ông già thuộc dân tộc Lào Thơng, gốc người Cha Kơi, chuyên sống bằng nghề cá, di cư đến bản Bạc độ mươi lăm năm, nên đoạn sông này ông thuộc từng mô đá, lạch nước, ông biết rõ cả vùng nước nào có xoáy, sâu bao nhiêu, hốc nào ăn thông với hốc nào. Vì cứ mươi lăm năm lại có một kỳ đại hạn. Dòng Sê Kông bị cạn khô, phơi lòng sông lổn nhổn đá đầu sư. Những vũng nước xanh bị tách khỏi nhau, nhung nhúc cá to tay xách nặng. Mùa cạn, ông già sống chủ yếu bằng nghề bát cá vũng.

Chiếc thuyền khảo sát của tuyến vận tải đến bản Băng Nam bên bờ một con thác rộng và to. Nếu từ dưới vực ngước lên, ngọn thác cao vút từ đỉnh núi đổ nước ào xuống, ở lưng chừng có tràn đá nhô lên, khiến cho cái mái nước bay tung lên rồi ập xuống chân thác, gầm reo dữ tợn.

Ông già chèo thuyền đến gần đỉnh thác, cho cập một vũng nước trong veo, ông thì thào:

- Đến thác của ma nước rồi. Đi không được nữa đâu.

Các ông già vẫn quen vượt thác đấy, nhưng vào mùa này thì không ai dám đi cả. Mặc dù kiếm ăn dưới vùng thác rất lắm nguồn lợi .
Bun Thoong nhờ cụ già dẫn đoàn khảo sát men theo bờ sông xuống dưới chân thác chờ mình. Cụ già tròn mắt:

- Cán bộ lao thác à?

- Lao chứ!

- Lúc này ma nước dữ đấy?

Bun Thoong lắc đầu cười:

- Việc cách mạng thì Giàng còn ủng hộ nữa là ma nước.

Đứng dưới chân thác nhìn lên, những đám bọt lúc nào cũng sủi lên ùng ục, vô vàn hạt nước li ti bốc mờ mịt. Từ trên đỉnh thác cao ngất, con thuyền của Bun Thoong hiện ra như chiếc lá tre. Nó vụt nhô lên khỏi đầu thác như mũi mác, loáng mắt đã cắm xuống, băng theo đà nước lao vun vút. Người đứng trên thuyền đưa con sào ngọ nguậy trông như sợi râu của con dế mèn chúa. Chiếc thuyền lướt đi trên khối nước, đột ngột bẻ mũi lao sang bên, tránh tảng đá nhô cao ở lưng chừng.

Mọi người nín thở, căng mắt dõi theo con thuyền lúc như bay trên mặt nước, lúc như bị nhấn chìm trong những đọt sóng chồm lên, ông già bỗng hét to: "Nó kia rồi” - Đối với ông đây là một thuyền lạ. Ma nước cũng phải sợ cách mạng rồi!

Trong bụi nước mờ ảo. Bun Thoong đang nhẹ nhàng đẩy con thuyền lượn theo những lớp sóng đuổi nhau trên vùng xoáy. Thoong từ từ đưa thuyền cập bờ sông. Anh bước mũi thuyền vào mỏm đá rồi bước lên và nói với đoàn khảo sát?

- Mình vượt được do quen sông nước vùng này thôi. Đây là thác Hải, nó dữ nhất, nếu cứ qua được vài lần, thì mọi con thác đều không đáng kể.

Làm sao để cho các thuỷ thủ cùng đi được chứ? Bun Thoong suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Xin trung đoàn cử công binh giỏi tới, dùng bộc phá đánh băng tràn đá như cái đập lù lù giữa dòng, thì không có gì gay go nữa.

Mọi người đều thấy có lý. Cùng nhau quan sát những chỗ cần phá, ước lượng thuốc nổ để đề nghị lên trên. Sau đó các anh lại đi tiếp, thực nghiệm cách vượt cả ba con thác hàm Sư Tử, thác Nhậy và thác Rồng. Lần vượt này thì tất cả mọi người ngồi trên thuyền, không ai đi bộ nữa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #45 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2010, 02:11:48 pm »

Từ Bạc tới Pác Ca Don đi mất nửa ngày, còn phải lội ngược lòng con suối nước chảy xiết chừng mươi kilômét mới đến chỗ bãi hàng. Đoạn này tuy ngắn nhưng phải mất một ngày ròng rã. Khi về, thuyền nhẹ kéo ngược thác chỉ mất ngày rưỡi là nhiều. Còn có thể rút ngắn hơn nữa.

Đoàn khảo sát về đến đơn vị thì cũng dự tính xong phương án vận chuyển. Thuyền ta đóng theo kiểu thuyền tam bản, tải trọng gần hai tấn, nhưng lúc xuống thác dễ bục đáy lắm. Thuyền mua của dân địa phương chịu được thác, nhưng sức tải chỉ được hơn bảy tạ. Nếu trung bình thực hiện được bốn đêm một chuyến, kể cả việc bồi dưỡng phương tiện, một tháng sẽ vận chuyển được bao chuyến. Trung đoàn hiện có bảy thuyền, mua thêm của dân bốn chiếc, nếu trót lọt, mỗi tháng làm gọn 56 đến 58 tấn. Như vậy chỉ ba tháng rưỡi chở hết 200 tấn hàng lên Pác Ca Don. Trường hợp tăng thêm phương tiện hoặc nâng được hiệu suất vận chuyển thì chỉ chở trong hai tháng.

Đợt bổ sung quân đầu năm, tiểu đoàn thuyền được ưu tiên chọn lựa những chiến sĩ người miền biển hoặc ở dọc sông. Các trợ lý quân lực cứ dựa theo qui định đó, dò từng tên lập danh sách. Phần đông thì đúng như thế, thanh niên nào ở gần sông, gần biển mà chẳng biết bơi lội, chèo thuyền.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Châu nhìn những chiến sĩ mới bổ sung mà sướng cả mắt. Anh nào người cũng chầm chẫm, da nâu bóng. Châu ngắm kỹ Trương Xuân Hoà, có bộ ngực nở, bụng thót, da đen trũi, chân tay gân guốc, thật đúng là dân miền biển, đúng là con nhà thuyền chài.

- Đồng chí người vùng nào?

- Báo cáo! Em ở Kỳ Lạc ...

Châu cười vui vẻ:

- Huyện Kỳ Anh chứ gì? Mình đã ở đó một thời gian. Trông tướng cậu chắc giỏi nghề đấy nhỉ?

- Dạ! Em thường đi hạ gỗ, lấy củi nên cũng biết nghề rừng ạ!

Châu bị hẫng, anh ngập ngừng một chút rồi hỏi:

- Nghề sông nước biết không?

- Quê em chuyên nghề nông thôi.

- Ấy thế cậu... cậu vào đội thuyền có khó khăn gì?

- Em không biết bơi .

- À khó thật. Thuỷ thủ mà không biết bơi thì làm thế nào. Chà? Trên đã điều cậu về tiểu đoàn này, nhiệm vụ là phải chèo thuyền, phải tập nghề sông nước. Cậu có thông suốt không? Có quyết tâm không?

Trương Xuân Hoà chớp chớp mắt nhìn tiểu đoàn trưởng. Không khí đang hồ hởi bỗng trầm lặng hẳn.

- Báo cáo! - Hoà hắng giọng - Em quyết tâm ạ? Không biết, em sẽ học.

Trên tuyến Trường Sơn mọi việc đều lạ lẫm, gian khổ, nguy hiểm, nếu không có quyết tâm thì khó lòng vượt qua nổi. Đây là tiêu chuẩn số một để giao việc, chọn người, Trương Xuân Hoà cũng được xét theo cách ấy để trở thành chiến sĩ lái thuyền trên sông Sê Kông.

Ngay sau khi nhận lớp chiến sĩ mới bổ sung, tiểu đoàn trưởng trực tiếp tổ chức việc tập bơi lội, ngụp lặn, chèo thuyền. Khi thành thạo các động tác cơ bản thì đồng chí Bun Thoong hướng dẫn cách vượt thác. Những anh em trong đơn vị đều biết bơi, chỉ tập cho giỏi hơn. Riêng Trương Xuân Hoà thì khốn khổ với môn học này. Đôi chân, đôi tay vốn to khoẻ, có thể nhấc bổng cả bị gạo non một tạ, vác cả khúc gỗ dài bốn thước, đường kính tới 30 phân đi một mạch từ cửa rừng về sân hợp tác, thế mà khi xuống nước, đã năm sáu bận tống đầy nước vào bụng vì chân tay không làm cách nào nâng nổi người lên. Phải mất hai tuần, được anh em giỏi bơi lặn kèm cặp, Hoà mới quen được bài học gian khổ đầu tiên đó.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #46 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2010, 02:12:57 pm »

*
*   *

Gần nửa tháng, đội công binh phá thác làm cật lực cũng chỉ mới đánh bật được mấy tảng đá nhô lên khỏi mặt nước, mở rộng được luồng lạch, nắn bớt chỗ quanh queo trên dòng thác, và đánh dấu luồng bảo đảm an toàn cho các thuyền trọng tải lớn đi qua. Nhưng về cơ bản thì những dòng thác vẫn còn nguyên tính dữ dội của chúng.

Các đội vận tải khi vượt thác, do tay nghề còn non nên hễ tránh được lật thuyền giữa thác thì lại bị nhảy thuyền lên cạn. Thuyền dân nhẹ tênh, nhảy lên bãi bồi thì hò nhau lôi ra rồi lại chèo đi. Thuyền vận tải mà nhảy lên đó là một tai hoạ.

Chiếc thuyền hai tấn của tổ Trương Xuân Hoà cũng một lần bị tai nạn đó. Không ai kịp nghĩ đến đau đớn, mà sợ hỏng mất thuyền, nhất là sợ con thuyền sau chồm tiếp tới thì chỉ toi mạng. Các anh vội cử người leo lên bờ, chạy ngược lên đỉnh thác làm dấu báo hiệu. Những người còn lại dùng xẻng đào cát thành lạch cho thuyền ra, dỡ hết hàng trên thuyền cho nhẹ, chặt cây làm đòn xeo, chặt tre vầu làm hòn lăn... Trầy trật mãi đến quá nửa đêm mới đưa được thuyền xuống nước. May quá, đáy thuyền không bục. Xếp hàng lên thuyền xong, hối hả chèo chống, đến Pác Ca Don thì trời vừa sáng. Đêm đó, tổ thuyền Trương Xuân Hoà không đạt chỉ tiêu.

Trung đoàn phải tiếp tục cải tạo cả giữa thác và ở chân thác .

Tây Trường Sơn vào tiết cuối mùa khô, cây hai bờ sông nở hoa rực rỡ. Những tán lá xanh rờn phủ kín cả lòng sông. Chim tu hú, bìm bịp suốt ngày ồn ã. Dân bên dòng sông Bạc say sưa buông lưới, gỡ sạp săn cá, hò hát. Đó là mùa nhộn nhịp tươi vui cả các bản ven sông.
Nhưng với nghề vận tải trên sông này thì lại là những ngày cực nhọc. Nước càng nhỏ, thác càng dữ, thuyền lớn càng dễ mắc cạn. Thuỷ thủ ngâm mình dưới nước hết ngày này qua ngày khác đến bợt cả da, bàn chân rách nát vì cạnh đá, lả đi vì đói mệt.

Mùa thu mới là mùa đẹp nhất cho nghề nghiệp. Vì trời Trường Sơn đã khô âm, thác dữ ghềnh đá bị khoả đi trong mặt nước mông mênh. Lúc đó không chỉ thuyền hai tấn, mà thuyền tám tấn cũng qua lại thật dễ dàng.

Tiểu đoàn thuyền được bổ xung thêm phương tiện.

Những chiếc thuyền ba tấn được hạ thuỷ. Mép nước lấn sâu tận rặng cây hai bên bờ. Đoàn thuyền lợi dụng được những tán cây che khuất, có thể cho thuyền nguỵ trang, đi lẻ tẻ ngay ban ngày.

Máy bay Mỹ cứ rà sát mặt sông nghiêng nghé. Những luồng gió dồn dập quạt xuống mặt sông, lật tốc cả những ngọn cây hai bên bờ. Chiếc thuyền hơn bốn tấn rưỡi đi gần đến Pác Ca Don liền bị phát hiện. Chúng ngoắt ngay lại, thả bom ồ ạt, bắn như vãi đạn dọc sông. Chiếc thuyền lớn vừa hạ thuỷ bị hỏng.

Trên Trường Sơn, tuy sẵn gỗ nhưng đóng được một chiếc thuyền lại rất công phu. Gỗ phải xin mua của dân, làm lễ "đuổi ma" rồi mới được đem đóng thuyền. Thợ và dụng cụ phải đưa từ Quảng Bình vào. Và mọi thứ cần thiết khác cho công việc đó thật vô cùng hiếm. Các thuỷ thủ tiếc ứa nước mắt và cay lắm. Họ quyết tâm đánh trả máy bay địch. Các thuyền đều được trang bị vũ khí, học tập cách bắn máy bay.

Thuyền Trương Xuân Hoà vừa đến đầu thác Hàm Sư Tử thì bị địch phát hiện. Chiếc máy bay trinh sát vũ trang của địch ngoặt lại, giở trò thủ đoạn quen thuộc, bay sát dùng sức gió đè rạp các ngọn cây xuống để tìm mục tiêu.

Hoà bắt được thời cơ, hô to:

- Bắn!

Các loạt súng đồng loạt nhả đạn. Chiếc máy bay không kịp ngoặt tránh, cũng không đủ sức ngóc đầu vọt lên nữa, lửa phụt ra trùm kín toàn thân nó đỏ rực và đâm sầm xuống bên bờ sông Bạc.

Phong trào học tập tổ Trương Xuân Hoà, hạ máy bay giặc bảo vệ thuyền hàng được phát động từ đó. Và, con đường thuyền năm ấy đã hỗ trợ hết sức đắc lực cho con đường thồ, đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản của chiến trường Khu 5.

Cũng từ đó, việc vận chuyển đường sông trên Trường Sơn được nghiên cứu hướng phát triển thành qui mô lớn. Đã có đồng chí nảy ra ý kiến táo bạo "dùng thuyền gắn máy đuôi tôm mà chạy đến tận thung lũng Mường Mây".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #47 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2010, 02:13:37 pm »

*
*   *

Mùa khô 1964, cuộc chiến đấu của lực lượng 559 bước vào thời kỳ mới. 

Đến đây cũng vừa kết thúc giai đoạn mở đầu của đường Hồ Chí Minh. Qua 2047 ngày đêm xây dựng và chiến đấu thực hiện các nhiệm vụ: giao liên, vận tải, mở đường, đánh địch, giúp bạn, xây dựng địa phương, củng cố địa bàn... trong điều kiện rất nhiều khó khăn, lại chưa quen đất quen trời, chưa có cả thời gian chuẩn bị.

Nhờ quyết tâm chiến lược hết sức chính xác của Bộ Chính trị, có sự chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ, sáng tạo của Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, lại được các cơ quan của Nhà nước và quân đội, của cả hậu phương lớn miền Bắc chăm sóc hỗ trợ, được cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương của ta và của bạn giúp đỡ, từ một con đường giao liên quân sự bí mật trở thành một tuyến vận tải chiến lược chi viện ngày càng lớn cho tiền tuyến đánh thắng.

Lực lượng 559 đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, với tinh thần dũng cảm, hy sinh chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, trong thời gian gần sáu năm đã đưa được hơn vạn tấn hàng vượt đỉnh Trường Sơn phục vụ những nhu cầu chiến đấu và xây dựng của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, hàng vạn quân bổ sung cho các chiến trường.

Một chiến sĩ, một khẩu súng, một hòm đạn với cách mạng miền Nam trong giai đoạn bắt đầu chuyển sang đấu tranh vũ trang mang ý nghĩa quan trọng: Nó nói lên quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, tấm lòng son sắt thuỷ chung của miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt.

Nhận thức rõ trách nhiệm to lớn, vinh quang của mình, lực lượng 559 đã không ngừng vươn lên ngày một lớn mạnh, triển khai ngày càng nhiều công trình đáp ứng cho một tuyến giao thông quân sự trải dài gần 2.000 kilômét trên dải Trường Sơn hùng vĩ. Mọi phương tiện, sức lực được huy động, mọi phương thức vận tải được tiến hành, từ gùi, vác, voi, ngựa thồ, đến sử dụng xe đạp, máy bay, cơ giới. 

Trong những tháng cuối năm của thời kỳ này, do mạnh dạn thực nghiệm hoạt động cơ giới trên Trường Sơn, đã đem lại hiệu quả xấp xỉ tổng khối lượng của bốn năm rưỡi (1959- 1963) vận tải thô sơ, tính theo tổng tấn cây số thồ tăng gấp 40 lần những năm trước cộng lại.

Những điều đó nói lên khả năng phát huy tính ưu việt của phương tiện cơ giới cả trên những dải núi hàng ngàn đời nay chưa được khai phá mở mang. Đấy là cái “mốc" đánh dấu giai đoạn lấy phương thức vận tải thô sơ là chính, "đi không dấu - nấu không khói - nói không tiếng" làm phương châm hoạt động, nhưng đã bắt đầu chuyển sang kết hợp với phương thức vận tải cơ giới, đặt viên gạch đầu tiên cho sự phát triển hệ thống vận tải quân sự chiến lược cơ giới sau này.
(Rút trong tập Đường mang tên Bác tập 1).
Nhà xuất bản QĐND, 1984

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2010, 04:15:21 pm »

Dương Thị Xuân Quý (Nhà văn)
MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
(Trích Nhật ký)

Ngày 9 tháng 5 năm 1968

Ly, con mẹ tròn 17 tháng. Một ngày đẹp và thân yêu làm sao Ly ơi, ngày hôm nay ở Mễ có nắng không? Con còn ở Mễ hay đã ra Hà Nội rồi? Mẹ đang ở giữa rừng, rừng tràn ngập ánh nắng và bừng sáng lên như chúc mừng con thân yêu. Mẹ nghĩ đến con ngay từ lúc mở mắt ra. Mẹ thầm nhủ một mình: Hôm nay con ta 17 tháng rồi. Con đã lớn lên một tháng mà mẹ không biết.

Một tháng qua con sống ra sao hở Ly? Con có khoẻ không? Có bị sốt, bị đi ỉa chảy không? Chắc con quên mẹ rồi. Mẹ cũng mong con chóng quên mẹ đi để con đỡ nhớ. Còn mẹ, lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con, nhớ con nhiều lúc tưởng như không chịu nổi.

Sáng nay có lần mẹ bỗng dưng hét to lên: "Hôm nay con tôi tròn 17 tháng đây! Đã lâu mẹ mới có được một ngày nắng tươi và khô ráo như thế này. Ở nơi con vòm trời có xanh biếc như nước biển thế này không? Ngày hôm nay đẹp trời quá. Đúng là hè đã tới.

Con sẽ sống ra sao trong mùa hè này? Năm ngoái mẹ thường vào màn từ 7 giờ tối ru con ngủ và quạt cho con suốt đêm. Năm nay bà ngoại có còn khoẻ mà quạt cho con không? Con có còn được tắm mỗi ngày một lần bằng nước âm ấm như mùa hè năm ngoái mẹ đã tắm cho con không?

Trời ơi, không sao nói hết được những điều mẹ lo nghĩ về con.

Ngày hôm nay mẹ dậy từ 5 giờ sáng, thu xếp gọn gàng chuẩn bị hành quân lúc 6 giờ. Nhưng 6 giờ năm phút, trạm trưởng ra tuyên bố cho nghỉ lại một ngày. Mừng quá. Ngày hôm nay được nghỉ lại thật có ý nghĩa biết bao. Trước hết là để chúc mừng con đấy Ly ơi. 

Ngày 13 tháng 5 năm 1968.
Trạm 14

Suốt đêm qua trằn trọc vì nhọt ở lưng sưng tấy nhức buốt. Không ngủ được mà cũng không suy nghĩ gì. được. Không nằm thẳng được, chỉ nằm nghiêng, mà nằm nghiêng lại đau khắp mình mẩy. Lắm lúc phải rung rung võng cho đỡ đau. Trong người ngột ngạt. Suốt từ hôm ở trạm Một đến giờ mình chưa tắm được. Trưa và chiều nay ở lại đây, 4 giờ sáng hành quân tiếp để vượt sông.

Mình quyết định đi tắm. Nước suối đục ngầu. Bộ đội nấu cơm bên suối đông nghịt. Phải xuống cuối nguồn nước. Giăng tấm ni lông vào hai ngọn cây thấp ven suối che được một bên rồi tắm. Gội đầu, tắm và giặt một loạt, 2 giờ kém mười lăm mới về đến bãi trú quân. Tắm xong nhẹ người. Lúc vác quần áo đi tắm, ai cũng kêu:. "Bộ đội đông lắm, phụ nữ không lắm được đâu”. Thế mà rồi cũng tìm cách tắm được tuốt. Tắm thoải mái là đằng khác. Về, lại lao vào nấu cơm ngay.

Mấy ngày nay mình ăn sút một cách rõ rệt. Mỗi bữa chỉ ăn một nắm nho nhỏ. Sáng nay các đồng chí nắm cho một nắm, mình chỉ ăn được một nửa mà rất ngắc ngư. Phấn đấu ăn mà khó thế. Thấy mình không ăn anh em lại động viên:

Cố ăn đi chứ. Không ăn thì đi sao được. Uống thuốc phòng đều vào kẻo ốm thì chết.

Ốm thì chết. Chao ơi, mấy tiếng đó đe doạ mình. Mình mệt lả đi và càng mệt hơn vì lo. Chỉ cần ốm một trận thế là bị rớt lại. Chỉ cần đau bụng một trận, thế là phải đi sau. Hôm qua khát kinh người, mình đã cầm bi đông nước lã múc ở suối lên miệng chực uống lại đấu tranh tư tưởng. Mình thoáng nghĩ tới một trận đau bụng. Mình thôi ngay. Không gì quý bằng sức khoẻ lúc này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #49 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2010, 04:16:06 pm »

Ngày 14 tháng 5 năm 1968

Dậy từ 2 giờ rưỡi sáng. Sáng trăng suông. Vượt sông Sê Pôn. Đi cầu phao. Những chiếc cầu phao gối vào ghềnh đá, đến ban ngày sẽ phải gập hết cả lại giấu đi.

Gặp một đoàn bộ đội đông, chờ cho họ vượt lên trước. Đêm qua giữa lúc trời mưa to họ đã phải vượt sông qua bên này để đỡ ùn lại bên kia quá nhiều người. Bộ đội bây giờ phải mang nặng lắm vì gần tới mặt trận, phải mang thêm đạn. Dưới ánh trăng mình thấy thấp thoáng chạy vụt qua những gương mặt măng trẻ nhễ nhại mồ hôi. Lưng vác một ba lô cóc đầy căng, lại súng trường, tiểu liên, trung liên, lựu đạn đeo bên sườn lóc xóc theo nhịp chân chạy. Gần đến mặt trận rồi. Họ đã đi ba tháng, toàn đi bộ. Những đơn vị hầu hết vào Khe Sanh nên họ không có mũ tai bèo, chỉ có võng ka ki và tăng nilông.

Ngày 16 tháng 5 năm 1968

11 giờ trưa nay sẽ lên đường đây. Sáng nay mình với anh Sác và Oanh đi hái rau lang. Một đám lang của trạm trồng trên bãi đất ven suối. Đó là đám lang duy nhất ở vùng này. Biết là của trạm nên các đoàn châu vào hái, ngọn đám lang đã cụt như bị xén. Tuy vậy lang vẫn không ngừng đâm chồi. Bọn mình ba người hái ba chét tay đem về.

Rau khoai của ai đấy? Của trạm à? Vậy cứ hái thôi.

Khổ cho đám lang thảm hại. Nhưng mình thật biết ơn ai đã trồng nên nó, trồng mà có lẽ chả bao giờ được ăn cả. Mình nghĩ đến một cô gái nào đó thầm lặng trồng những đám rau ven suối như thế cho các đoàn bộ đội hành quân qua. Ôi! Tấm lòng cô gái cũng trong lành tuyệt vời như dòng suối chảy kín đáo giữa rừng kia. Có thể mình sẽ viết một cái gì về điều này chăng?

Trên đường đi hái rau ở chân đồi, mình gặp một ngôi mộ mới của chiến sĩ ta. Ngôi mộ nằm khuất giữa những lùm cây, một nắm đất nâu đổ đắp hình chữ nhật thâm thấp. Đầu mộ gối lên phía đồi. Có một vòng hoa nhỏ hình bầu dục. Vòng hoa chỉ còn cái vành nứa với hai nan buộc chữ thập. Nhưng hai bông hoa cắt bằng giấy pơ luya trắng thì còn nguyên vẹn. Hoa kết khéo làm nghĩ đến một bàn tay con gái. Ôi, cô gái nào đã kết cho anh hai bông hoa đó hỡi chiến sĩ vô danh? Anh không có bia ghi tên, tuổi, ngày hy sinh. Mộ chỉ có hai bông hoa trắng đó. Cô gái trồng lang kia và cô gái kết hai bông hoa này?

Cô gái ơi, tôi sẽ đưa cô vào sáng tác của tôi nhé.

Thức nằm võng kể về bà dì ghẻ của cậu ta:

- Tôi đi, tôi nhớ, tôi thương bà ấy lắm, mẹ tôi chết hai năm thì thầy tôi lấy bà ấy. Bà ấy kém thầy tôi 10 tuổi chuyên môn đi ở từ thuở bé. Người đẹp, nhưng nghèo quá không ai lấy. Chúng tôi có ba anh em. Tôi, một em trai, một em gái, bà ấy lấy thầy tôi được một thằng em nữa, nhưng bà ấy thương tất cả. Chúng tôi đi, bà ấy khóc ghê lắm. Toàn chúng tôi may sắm cho thằng em chứ bà ấy chẳng may sắm gì đâu. Bán con lợn bốn trăm, bà ấy đưa cả cho tôi mua xe đạp. Chúng tôi về với bà như về nhà, muốn ăn gà tha hồ thịt. Chúng tôi gọi là dì, còn em gái tôi gọi là mẹ.

Người ta thường chỉ nói xấu dì ghẻ, nhưng mình chưa thấy ai ca ngợi dì ghẻ hết lời như Thức. Giá còn ở báo Phụ nữ, thế nào mình cũng đề nghị viết một bài về vấn đề này.

Mình nhắc tới Ly. Đầu Ly còn nhiều chấy không?... Mình lại khóc. Trăng chuyển về sáng, lạnh. Càng về sáng, càng lạnh. Đêm nào cũng vậy, lạnh không ngủ được. Hai đêm nay không buông màn, lấy màn đắp mà vẫn lạnh ghê gớm.

Hai cái nhọt ở lưng mình đã vỡ. Một cái lở loét ra, một cái nhờ Hường nặn. Hôm nay phải lấy băng dính băng lại sau khi rắc bột Suyn-pha-mít. Khổ thật, ba lô cứ cọ vào khiến mình đau bủn rủn cả người
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM