Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:24:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111467 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #30 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2010, 08:21:53 am »

*
*   *

Cuối năm 1961 đến năm 1965 chiến tranh bước sang một thời ký quyết liệt và khẩn trương hơn. Đế quốc Mỹ đã ào ạt đưa viện trợ vũ khí kỹ thuật và cố vấn vào miền Nam nhưng chúng vẫn không cứu nổi chiến tranh đặc biệt khỏi bị phá sản. Liều lĩnh lún sâu vào vũng bùn thất bại, chúng đã đưa quân chiến đấu vào miền Nam, làm cho tính chất cuộc chiến tranh từ "đặc biệt" chuyển tới một cuộc chiến tranh có tính chất cục bộ. Bọn nguỵ ra lệnh tổng động binh để tăng nhanh số quân nguỵ, mặt khác chúng tích cực dồn quân bắt lính, củng cố, xây dựng lại dân vệ, thanh niên chiến đấu; tiếp lục thực hiện quốc sách ấp chiến lược ở mức độ khốc liệt hơn. Cùng với cố gắng chiến tranh ở miền Nam, chúng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc và đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh để gây áp lực, hòng làm giảm sức tấn công của ta ở miền Nam và hạn chế sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Cũng trong suốt thời gian đó, lực lượng cách mạng miền Nam cũng vươn lên rất nhanh. Việc vận dụng phương châm "hai chân, ba mũi, ba vùng" đã nâng đến đỉnh cao. Lực lượng vũ trang tập trung từ những tiểu đoàn phân tán (1963) đến nay toàn miền đã có nhiều trung đoàn tập trung, nhiều tỉnh có một đến hai tiểu đoàn địa phương, huyện có từ một đến hai đại đội địa phương; hầu hết các xã ở vùng ta làm chủ và vùng giải phóng đã có các đội du kích có thể phối hợp tác chiến với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực. Các lực lượng cách mạng đã tiến công mạnh mẽ vào địch năm ngày liền đã làm phá sản chiến thuật thiết xa vận của địch.

Tình hình trên đã tác động lớn vào đoàn 559 và con đường Hồ Chí Minh. Khối lượng vận tải lớn phình ra gấp hai ba lần năm trước và tất nhiên lực lượng đơn vị cũng lớn phình ra rất nhanh thì mới bảo đảm được nhiệm vụ. Về tổ chức đoàn 559 như một quân khu trực thuộc Quân uỷ Trung ương, phụ trách các tuyến đường R-SL, SI-55 và S5-S9, do thiếu tướng Phan Trọng Tuệ làm tư lệnh trưởng kiêm chính uỷ. Đại tá Vũ Xuân Chiêm phó chính uỷ, tôi là tư lệnh phó. Các cơ quan của đoàn 559 được tổ chức lại. Các trạm nâng lên cấp binh trạm.

Theo chỉ thị của Quân uỷ trung ương, đoàn 559 vừa có nhiệm vụ củng cố đơn vị vừa mở thêm đường. Chưa bao giờ công tác của trưởng đoàn đến cán bộ cơ quan phân công nhau môi người gánh một khối lượng công việc quá với sức mình mà vẫn không hết việc. Anh Phan Trọng Tuệ phụ trách chỉ đạo chung toàn đoàn và trực tiếp chỉ đạo làm con đường 128 từ Lằng Khằng nối với đường 9. Đường 128 làm trong vòng hai tháng đã hoàn thành. Tôi phụ trách việc củng cố những binh trạm phía nam Lào và mở tiếp đoạn đường từ Bạc đi Tà Xẻng.

Trong lúc làm đường 128, anh Tuệ với cương vị là Bộ trưởng Bộ giao thông đã giao bên viện thiết kế của Bộ giao thông khảo sát chuẩn bị mở đường số 20. Dự định điểm mở được lựa chọn trong khoảng từ động Phong Nha (tây Quảng Bình) dịch về phía bắc và chạy dài tới Lùm Bùm (Sa-va-na-khét, Lào). Yêu cầu của cấp trên đề ra phải mở khẩn trương không được kéo dài quá 4 tháng.

Khoảng được lựa chọn của đầu tuyến đường để nối với đường 15 gặp toàn núi đá. Anh em cán bộ viện thiết kế giao thông đã khảo sát và tính toán các phương án, đều thấy không phương án nào có thể đạt được yêu cầu đã đề ra mà ít nhất cũng phải hàng năm mới xong được.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #31 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2010, 08:23:04 am »

Tôi đang công tác trên đoạn đường vùng hạ Lào được lệnh phải về ngay Sở chỉ huy (ở tây Quảng Bình).

Ý anh Tuệ muốn gọi tôi ra để trao cho tôi việc tổ chức nghiên cứu mở tuyến đường 20. Trong một cuộc hội ý của Bộ tư lệnh, anh Phan Trọng Tuệ nói với tôi: 

- Với thời gian khẩn cấp như vậy, ông là người có kinh nghiệm về mở đường quân sự và quen thuộc địa hình ở vùng này, việc mở đường 20 nên làm từ chỗ nào cho nhanh? 

- Chỉ có đi theo con đường mòn từ động Phong Nha lên là gần nhất. Ở đó có con đường mòn của dân đi lại từ lâu rồi, đến nay có cây rừng đã chùm lên nhiều đoạn. Hồi năm 1960 tôi đã đi tìm đường trên đoạn ấy rồi, xem khá kỹ, chỉ có con đường của dân đi là con đường ngắn nhất. 

Anh Tuệ bảo tổ chức một đoàn cán bộ gồm cán bộ công binh của đoàn 559, cán bộ công binh của Bộ tư lệnh công binh và các chuyên viên của Bộ giao thông đi khảo sát theo phương án đó. Sau khi khảo sát thấy con đường mòn từ động Phong Nha lên là gần nhất, các đồng chí trong Bộ tư lệnh đồng ý với phương án đó.

Anh Tuệ bảo tôi:

- Làm con đường này phải huy động lớn về nhân công và kỹ thuật, riêng đoàn 559 không thể làm nổi, tôi sẽ đề nghị chính phủ cho một cuộc họp liên tịch. Anh chuẩn bị kỹ thêm phương án đó để có thể báo cáo trong cuộc họp sắp tới.

Cuộc họp liên tịch đó đã được triệu tập đầu năm 1965. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đại biểu cho thường vụ Hội đồng chính phủ, đồng chí Tố Hữu thay mặt cho Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Phan Trọng Tuệ đại biểu Bộ Giao thông và quân đội. Vì tính chất quan trọng của cuộc họp cho nên đồng chí Bí thư Lê Duẩn cũng đến dự.

Theo chương trình làm việc, hội nghị nghe anh Tuệ báo cáo tình hình chung của việc mở đường 20.

Anh Tuệ báo cáo xong tôi trình bày phương án cụ thể . Tôi nói:

- Thưa các đồng chí, tôi thấy bây giờ mới bàn đến việc mở con đường cơ giới này là muộn...

Đồng chí Lê Duẩn nói: 

- Đúng! Muộn ba năm rồi.

Câu nói đó như cổ vũ những suy nghĩ táo bạo của tôi trong phương án sắp được trình bày. Tôi phấn khởi nói tiếp dòng suy nghĩ của mình:

- Trong hoàn cảnh gấp vội, không thể làm theo quy trình của đường giao thông thường. Để bảo đảm tính chất quân sự của con đường, việc lựa chọn đường đi ngắn nhất mà an toàn nhất: điểm bắt đầu của con đường tốt hơn là từ động Phong Nha, nhưng bắt đầu từ đó thì phải phá dốc Ba Thang, đòi hỏi khối lượng lớn bộc phá, xe máy, kỹ thuật và người. Nếu có đủ người và cơ sở vật chất theo yêu cầu của phương án tôi trình bày dưới đây thì chắc chắn có thể đảm bảo thực hiện trong thời gian ngắn nhất...

Đồng chí Lê Duẩn hỏi: 

- Bốn tháng có thể xong không? 

- Dạ. Nếu chính phủ tăng cường người và cung cấp đủ những yêu cầu chúng tôi nêu dưới đây thì tôi tin tưởng có thể xong.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #32 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2010, 08:24:05 am »

Tôi tiếp tục báo cáo vào nội dung phương án. Khi tôi vừa dứt lời, đồng chí Lê Duẩn nói luôn:  

- Tôi đồng ý với phương án đó. Về huy động người, Ban Bí thư sẽ chỉ đạo đoàn thanh niên vận động tổ chức thanh niên xung phong, còn việc huy động vật chất kỹ thuật thì ta bàn kỹ thêm xem phân công giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông như thế nào?

Các đại biểu mỗi người phát biểu thêm một ý kiến xoay quanh vấn đề huy động người và cơ sở vật chất sao cho hợp lý và các mối liên quan đến việc mở đường. Cuộc họp liên tịch ngắn gọn trong vòng vài tiếng đồng hồ đã nhất trí thông qua việc mở đường 20.

Bộ tư lệnh đoàn 559 phân công cho tôi chỉ đạo việc tổ chức thi công con đường ấy.

Bộ phận khảo sát của công binh trở về, trên mình người nào nấy đều lấm đầy bùn đất và nhựa cây rừng, trung tá Diêu đã đến gặp tôi. Tôi hỏi:

- Thời gian mở đường khẩn trương như thế nào anh rõ rồi đó. Anh đi khảo sát xong rồi anh thấy thế nào?  

- Phải chịu tốn bộc phá. Tôi tính sơ sơ cũng phải ngốn vào đó năm sáu tấn bộc phá, đi đôi với bộc phá là xe ủi gạt loại nặng, cái loại đó ở đoàn ta chưa có.

- Anh yên tâm, việc làm con đường này được Trung ương chi viện rất lớn, chỉ cần chúng ta có kế hoạch rõ ràng và hợp lí.

Anh Diêu cười khà khà:

- Thế thì làm gì mà không vượt qua được dốc Ba Thang!

Theo kế hoạch thi công sẽ chia ra hai công trường làm từ hai đầu đường dồn lại. Một công trường ở phía đông Trường Sơn khoảng một vạn người. Một công trường ở phía tây Trường Sơn ít hơn. Bộ đội tham gia việc mở đường có trung đoàn 10 công binh, trung đoàn 4, trung đoàn 5 bộ binh; số còn lại là thanh niên xung phong.

Sau khi khảo sát xong, các lực lượng làm đường đã hành quân đến vị trí tập kết. Rừng núi hoang vắng từ động Phong Nha đến Lùm Bùm bỗng bừng lên cuộc sống náo nhiệt khác thường, nhất là khu vực động Phong Nha, nơi đột phá chủ yếu hầu như cả ngày đêm, lúc nào cũng ồn ào như một cơn lốc.

Chỉ trong vòng hơn một tháng tôi trở về lại thăm công trường đã thấy hình thù con đường như con trăn gió màu xám trắng đã chếch cái đầu của nó sát lên đỉnh dốc.

Chiến tranh là sự chạy đua giữa hai bên địch và ta. Trên con đường dài đầy thử thách ấy, cuối cùng vẫn là: ai là người gan góc, ai là người dẻo dai, ai là người mưu trí thì sẽ thắng. Âm mưu của giặc Mỹ ngăn chặn vận tài chiến lược của ta, chúng tập trung vào đánh phá những đoạn đường độc đạo. Đoạn đường Mụ Giạ - Lằng Khằng cái cửa khẩu độc nhất vắt qua Trường Sơn ấy khó tránh khỏi sự ngăn chặn ác liệt của chúng. Biết trước được điều đó chúng ta mở thêm con đường 20 không những phá bỏ được thế độc đạo mà còn mở ra con đường có thể cho xe chạy ít bị thời tiết hạn chế nhất.

Sự cố gắng của hàng vạn thanh niên xung phong và bộ đội, của các cán bộ kỹ thuật của bộ giao thông đã hoàn thành đường 20 đúng như kế hoạch dự định, là một thắng lợi mới góp phần quan trọng vào việc mở rộng đường vận tải bằng cơ giới trên đường chiến lược Trường Sơn .

Ngày đầu tiên thông đường tôi gặp các anh Hồng Kỳ, anh Diêu và một số cán bộ kỹ thuật, chúng tôi sống trong không khí chiến thắng vui mừng. Đi đến đâu cũng có tiếng reo hò ca hát. Chúng tôi lên đỉnh dốc ngắm nhìn bức tranh rộng lớn tuyệt đẹp có chút công sức của mình đóng góp. Con đường mới giống như dòng suối trắng xám uốn khúc chảy xuống hai triền núi; đầu phía tây của nó mất hút vào trong rừng rậm, còn đầu phía đông của nó nối liền vào đường 15 đỏ sẫm chạy về hướng bắc.

Đại tá Hồng Kỳ là người trực tiếp chỉ đạo mở đường đã qua nhiều ngày đêm cùng anh em đơn vị khắc phục khó khăn. Anh tỏ ra tâm đắc với kết quả đã đạt được. Anh nói:

- Khi con người đã có quyết tâm cao lại được tổ chức lại thì có sức chỉ sông sông cạn, chỉ núi núi tan. Đây các anh xem cái gậy thần ấy của chúng ta đã vạc đi một góc quả núi đá cho con đường trèo qua.

Anh Diêu nói tiếp thêm vào câu anh Hồng Kỳ vừa nói:

- Phải có cả kỹ thuật cao nữa chứ.

- Anh cứ làm như là người ta sắp quên công lao của công binh ấy.

Tất cả chúng tôi cùng cười sảng khoái
Triều Đông ghi
(Theo tài liệu của Ban khoa học hậu cần)
(Rút trong tập Đường Hồ Chí Minh NXB Tác Phẩm Mới, 1982)

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #33 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2010, 08:25:38 am »

Đại tá Nguyễn Việt Phương
Trung tá Trọng Khoát
NGỰA, VOI, XE ĐẠP, THUYỀN... TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

Trục đường Vàng Vàng vượt qua đỉnh 1001 đến Bản Đông được xác định. Đảng uỷ Đoàn 559 chủ trương tích cực dồn lực lượng vận chuyển lên hướng tây, đi thẳng tới La Thạp, Tà Riệt giao hàng cho khu 5, Tổng cục Hậu cần sẽ cho ô tô chở hàng vào tận Làng Ho. Trung đoàn 70 phải làm gấp đoạn đường kéo dài từ ngã ba Chà Lý vào Làng Ho, chân núi Vít Thù Lù, cho xe ô tô ra vào thuận lợi.

Làm đường xong, chỉ sau một tháng, các đại đội xe đã chuyển đến khu căn cứ trung đoàn 70 trên 500 tấn hàng. Nhưng vận chuyển từ đấy vào khu vực bắc đường 9, phải vượt qua dải núi "ngàn hai trăm năm mươi" là một trở ngại lớn nhất. Nếu dùng sức người gùi, thì một tiểu đoàn có đủ quân số vận chuyển liên tục một tháng cũng chỉ được chín đến mười tấn, đạt mười phần trăm kế hoạch.

Trong cuộc họp bàn phương hướng khắc phục, có ý kiến đề xuất "nên dùng ngựa thồ". Một số rất nhiệt tình ủng hộ, một số lại đưa ra nhiều ý kiến cần phải thận trọng. Mấy đồng chí trước kia đã làm công tác hậu cần ở Tây Bắc, tham gia chỉ huy đoàn thồ chuyển vũ khí tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó lại qua nhiều năm dùng ngựa để tiếp tế từ Mường Thanh lên các đồn biên phòng hẻo lánh, khẳng định dứt khoát:

- Có đâu cheo leo, khí hậu khắc nghiệt bằng đường lên Tây Bắc? Xe thồ chịu, người gùi cũng chịu, vậy mà ngựa leo được, nó leo được cả núi đá. Không cần người đi kèm từng con. Cả đàn, chỉ cần túm lấy con bướng bỉnh nhất, ghìm cương dắt đi đầu, thế là những con khác theo răm rắp.

- Lấy đâu thóc cho nó ăn trong rừng Trường Sơn?

- Không có thóc thì ngô, khoai, sắn cũng được. Mỗi con, một ngày chỉ cần ba ki lô gam lương thực, nó còn ăn lá tre, ăn cỏ.

Mọi người nghe cũng xuôi xuôi. Tính ra mỗi con ngựa thồ bằng ba người gùi, năng suất vận chuyển sẽ tăng. Điều kiện ở Trường Sơn hoàn toàn có thể sử dụng được ngựa thồ và tận dụng được cả sức chở của voi nữa. Ngựa sẽ chuyển hàng từ Làng Ho vào chân đèo Vàng Vàng, còn vượt qua đỉnh "một ngàn hai trăm năm mươi" sẽ do voi chuyển tiếp.

Nhưng tìm voi, ngựa ở đâu? Quảng Trị thì chẳng làm gì có. Phải ra Tây Bắc nhưng cũng khó khăn. Đưa được một đàn ngựa, mấy thớt voi cách xa gần ngàn kilômét vào đây đâu phải dễ?

Rồi mọi lo lắng đều được giải quyết. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xét duyệt cho Đoàn 559 đủ số bạc hoa xoè để mua voi, ngựa. Bộ tư lệnh Quân khu 4 cử người sắm giúp cho đoàn ba thớt voi, lại tuyển cho ba quản tượng là Cầm Bá Ẹt, Nguyễn Trùng Dương, Lò Văn Côi, người Thượng Sơn - Thanh Hoá.

Chỉ mấy ngày sau, Đoàn 559 cử cán bộ lên Quân khu Tây Bắc liên hệ nhờ mua cho đàn ngựa hai chục con thuần giống ở Lào Cai, chở bằng xe lửa vào Hàm Rồng. Từ đó, bảy đồng chí quen nghề xe ngựa do Lý Văn Thọ làm đội trưởng, dẫn về khu căn cứ của trung đoàn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2010, 08:26:26 am »

*
*   *

Một buổi sáng cuối năm sương mù, nhân dân vùng Ho chợt thức giấc vì tiếng ngựa hí ở ven rừng. Vậy là đoàn ngựa thồ của trung đoàn 70 không còn giữ được bí mật nữa rồi Nhưng hoạt động ở cung ngoài và phần lớn vận chuyển về đêm nên cũng không ngại lắm.

Tiểu đoàn 2 cử một trung đội đến giúp đội thồ xây dựng tàu ngựa ngay trên bờ suối phía nam Làng Ho, bên hàng cây xoài lá xum xuê, xung quanh có rừng tre rậm rịt. Đội thồ chỉ có bảy đồng chí kiêm cả công việc chăn dắt, vận chuyển.

Tuy ít người, nhiệm vụ phức tạp, mới mẻ, nhưng cả tổ đều đoàn kết, tận tuỵ, đặc biệt đi sâu vào học hỏi kinh nghiệm chăm sóc đàn ngựa.

Trong đội thồ, có trung sĩ Thành là người biết khá sâu về sinh hoạt của ngựa và cũng biết nhiều cách chữa bệnh cho ngựa. Đến phiên trực, bao giờ Thành cũng đến thăm, vuốt ve từng con. Nhìn sâu vào đôi mắt nó, ngửi cái mùi nó thở ra phì phò để hiểu nó.

Một hôm Thành vừa vuốt vuốt con Kim Bông (khắp mình nó có những đốm hoa trắng - chính anh là người đã đặt tên cho từng con ngựa), bỗng anh thấy nước ở miệng nó chảy nhớp nháp hai bên mép và mấy nốt lở loét xuất hiện ở kẽ móng chân. Anh nhận ra bệnh của nó, vội đi hái các thứ lá về chữa trị và chăm sóc. Đến chiều thì con Kim Bông đã chịu ăn và mấy ngày sau khỏi bệnh.

Thành cũng đã chữa khỏi cho con Ô Tuyền bị nhọt đầy mình vì nhiễm trùng do ruồi vàng đốt. Con Hồng đang đi giữa đường, lên đến đỉnh đèo bỗng lăn ra đất vật vã. Anh em vội chạy gọi Thành tới và một hồi sau, con Hồng vùng dậy được, lại thồ hàng như thường.

Trong túi dết đeo ngang hông của Thành bao giờ cũng đủ các thứ lá thuốc cần thiết để cấp cứu cho ngựa. Anh em thường gọi vui là "Thành lang ngựa".

Theo quy định chung, mỗi phiên trực, đồng chí nào cũng phải làm các việc dọn dẹp tầu ngựa, vệ sinh sạch sẽ rồi đi cắt cỏ, nấu cháo cho ngựa. Để giữ bí mật khu vực, phải đi xa năm bảy cây số để cắt cỏ. Mỗi ngày một tạ rưỡi cỏ tươi cắt xong phải đem ra sông rửa sạch, phơi ráo nước kịp cho ngựa đi thồ hàng về ăn. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng chẳng ai kêu ca.

Trời đã đứng trưa. Hôm nay ngựa ra chuồng chậm, nên cho đến giờ này, đoàn thồ vẫn còn nối đuôi nhau đi trên vùng vách đá dựng đứng, không khí khô khốc vì nắng và gió tây. Những con ngựa thồ leo dốc, cổ vươn thẳng, mồ hôi đầm đìa. Chúng không hí to như lúc mới lên dốc mà thở phì phò. Vài con chốc chốc lại hắt hơi lắc khắc, dậm dậm bốn vó như bị kiến đốt. Những bao hàng lúc lắc trên lưng dường như to hơn ra so với cái hông lép kẹp của chúng.

Ngựa đã mệt, nhưng người còn mệt hơn. Vừa đi, vừa phải lôi ngựa. vừa hò hét. Thường thì ngựa theo đàn, nhưng lúc này, nhiều con cứ định muốn tháo khỏi hàng, tụt lại sau. Người dắt ngựa từ dưới dốc phải chạy thốc lên, đi vào giữa cầm cương lôi từng con một. Thấy con nào thở hơi nóng quá thì phải quạt cho mát, vỗ về vuốt ve nó. Khi cả đàn đã nhúc nhích đi hơi đều chân, người dắt ngựa lại phải chạy lui xuống cuối hàng, thúc con sau cùng lề mề, chậm chạp nhất theo kịp đàn.

Bỗng con Kim Nhang ngã lăn ra. Nó kiệt sức rồi. Con này là chúa khảnh ăn và lười thồ. Mới chất độ 70,80 kilôgam lên lưng là nó đã vùng vằng muốn bỏ chạy. Sáng nay các anh đã phải mất cho nó gần nửa chậu nước đường đổ vào nồi cám, nó mới chịu để cho chất hàng.

Hai chiến sĩ nhanh chóng tháo các bao tải đặt trên giá thồ, định nâng nó dậy. Không còn bao tải hàng, nó bật lên như chiếc lò xo, mắt nó tinh nhanh hẳn lên. À, ra nó phá bĩnh. Các anh giữ chặt cương, vừa vuốt ve, vừa kéo nó đi. Cuối cùng bầy ngựa đã đi xuống triền núi, qua chặng đường dốc cheo leo nhất, đi nhanh về hướng kho trung chuyển.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #35 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2010, 08:27:32 am »

*
*   *

Chẳng biết rồi sau sẽ ra sao, chứ theo cách tính toán của cơ quan tham mưu Đoàn 559 thì sử dụng voi tiếp chuyển cung ngựa thồ qua vùng núi đá vôi dốc đứng này là ưu việt nhất. Mỗi con tính trung bình cõng được một lượng hàng gấp 20 đến 30 người gùi, mà chỉ cần hai đến ba người chăm sóc, cai quản.

Hơn nữa, ta sử dụng voi ở khu vực này cũng không sợ lộ bí mật, vì dân vẫn thường dùng. Sức voi đã mang khoẻ lại đi được xa, nhanh, rút ngắn được cung độ, có thể đưa một mạch từ phía tây nam Vít Thù Lù về Sê Pôn chỉ mất một cung, nếu người gùi thì tổ chức bốn trạm. Vấn đề thuốc men, bệnh tật của nó cũng giản đơn.

Từ mờ sáng, tổ trưởng tổ vận tải Lang Văn Nhọt đã thức dậy, đi vòng quanh một lượt qua các cây lim to ven rừng, bỏ cơm cho voi ăn. Mấy con voi biết sắp được ăn, đã đứng ngọ nguậy đôi chân làm chiếc xích kêu loảng xoảng. Chúng vươn vòi, co đầu vào cây lim.

Cả thung lũng Khe Hò này có rất nhiều cây to, có ngọn suối chảy qua trong vắt. Cây cỏ khá tốt tươi. Phía đầu dốc núi bạt ngàn là chuối, nguồn thức ăn xơ phong phú cho voi. Voi rất thích đầm mình trong nước sau mỗi chuyến "đi hàng" về. Kể nuôi voi mà chọn được khu rừng này thì quả là thuận lợi.

Sáng hôm ấy, như thường lệ, Lang Văn Nhọt ra đến bãi voi thì không thấy con Bạc Mày - con voi đực đầu đàn đâu nữa. Nó đã giằng đứt xích, bỏ đi. Anh biết nó bỏ đi vì đói. Mấy hôm nay gạo còn ít, người ăn củ mì, cơm dành cho voi nhưng vẫn không đủ.

Anh đi thẳng về làng Ho hỏi thăm dân bản, được biết con Bạc Mày đã sục vào nương ăn khoai lúa của dân, bị dân bắt giữ.

Nhọt đến xin lỗi dân bản, hứa còn một ít ngô xin đưa đến bù cho dân, rồi xin con voi về.

Chiều hôm ấy, anh em tổ "quản tượng" cho con voi cái Khăm Bua thồ ngô vào chuộc tội cho Bạc Mày, nhưng dân bản không nhận và bảo:

- Voi phá thì bắt nó thôi, chớ không lấy đền của bộ đội đâu

Anh em nói mãi dân cũng không nghe, bắt phải mang về để nuôi voi. Bà con lại còn cho thêm bốn gùi khoai nữa.

Sáng nay, mở đầu đợt vận tải mới, lại vừa có chuyến gạo ở ngoài tiếp vào, tổ quyết định cho voi ăn một bữa cơm thật no. Các anh nắm một thúng cơm đầy.

Ngửi thấy mùi cơm, Bạc Mày khịt khịt mũi như làm nũng, chưa chịu đưa ra lấy ăn. Nhọt biết tính con voi, đặt thúng cơm xuống, khẽ vuốt vuốt cái sống vòi và nói nhỏ nhẹ:

- Nào voi ngoan ăn đi cho no, rồi cùng tao chở hàng ra mặt trận.

Con Bạc Mày "e, e" mấy tiếng hiền lành rồi cúi xuống thúng cơm, dùng vòi bắt từng nắm đưa lên miệng.

Có gạo vào, nhưng cả tổ Nhọt vẫn phải ăn độn rau, độn củ chuối. Cả một bao gạo trắng dành riêng cho ba con voi trong những ngày vận tải tới. Chúng phải cõng trên 10 tấn hàng vượt qua đỉnh Vàng Vàng vào tới bản Sê Pôn, đoạn này toàn dốc đá tai mèo.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #36 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2010, 08:28:24 am »

Những chiếc bành tải bằng thứ gỗ săng lẻ được đưa ra để ở phía sau các con voi.

Đồng chí quản tượng đến gãi gãi cán búa vào chân con voi khẽ hô: "Quì!". Con vật cúi đầu, khuỵu hai chân trước xuống, rồi khuỵu hai chân sau. Tầm cao của nó lúc này chỉ ngang đầu người. Mỗi quản tượng đứng một bên nhanh nhẹn chia nhau, kẻ buộc óng ức phía trước, người cài óng đuôi phía sau. Sau đó, lần lượt chất những kiện hàng lên bành, gạo để dưới, vũ khí đặt trên.

Một túi cơm đựng sẵn sáu bảy nắm bành cho con voi cũng được xếp lên gần đầu. Mọi lần thì phải để hẳn cả thúng vài chục nắm. Nhưng về sau thấy voi ăn no ở nơi trả hàng xong, nó sinh ra đủng đỉnh, trên đường về hay la cà, tạt ngang tạt ngửa rất khó bảo. Các anh đổi cách, chỉ cho ăn dăm nắm lúc trả hàng xong cho nó đủ sức đi về thôi. Con nào cũng lo về nhanh để có ăn.

Việc đóng bành xếp hàng khá vất vả, các đồng chí quản tượng và chiến sĩ kho quần quật từ lúc gà rừng vừa gáy sáng, mãi đến khi rõ mặt người thì đàn voi mới lên đường.

Con Bạc Mày dẫn đầu, quản tượng Cầm Bá Ẹt vung búa, hú lên một tiếng dài âm vang cả khu rừng rồi thét lên:

Pâ... ấy!.

Đàn voi nhúc nhích chuyển mình. Cầm Bá Ẹt bắt đầu cất giọng hát theo tiếng nguồn: "ơi con voi khôn - ơi con voi giỏi - Mày đi cùng rừng, cùng núi - Mày qua con suối, con sông - Hàng đã cõng nặng trên lưng - tao và mày cùng đi ra mặt trận ...".

Ba con voi đủng đỉnh đi ra khỏi vùng kho, hướng lên chân động Vàng Vàng. Bắt đầu vào khu vực nhũ đá tai mèo. Đồi núi vào trưa, nóng hầm hập. Vượt khỏi chặng này nữa, sang bên kia dốc đá là thượng nguồn sông Sê Pôn. Qua khỏi con sông là vùng kho trả hàng. Những con voi co mình, vươn vòi lao lên từng vạt đá. Mồ hôi bắt đầu rịn ra trên lớp da nhăn nheo mốc thếch của nó.

Quản tượng cũng cởi hết áo ngoài, chiếc áo may ô dẫm mồ hôi. Mỗi anh cầm một cành lá sum xuê để che mát và xua ruồi vàng bám theo voi. Lên tới lưng đèo lộng gió thì người và vật mới đỡ khổ. Xuống đến đoạn dốc dựng đứng, voi phải hạ thấp hai chân sau, hai chân trước xoải ra chống đỡ rất vất vả.

Đến một đoạn, đá phơi nắng, bỏng như rang, voi đứng ỳ lại. Quản tượng hiểu ý voi, liền tụt xuống, lấy bình toong nước đổ vào trán cho nước chảy qua mắt, qua mồm voi. Nước làm dịu mát và như biết được sự chăm sóc của người quản tượng, voi lại sải chân bước đi xuống núi.

Quản tượng đi cùng voi xuống khỏi dốc, miệng ngân dài câu hát vỗ về: 'Tao thương mày lắm voi ơi - Leo qua dốc đá khi trời nắng nung - Mày đi tao cũng đi cùng - Đồi cao ta vượt, nắng nồng ta qua ... " .

Khối lượng hàng chuyển đến Sê Pôn còn lớn quá. Tính trung bình mỗi ngày phải chở được một tấn hai thì mới đạt nổi 30 tấn trong một tháng.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #37 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2010, 08:29:04 am »

Đầu năm 1962, Đoàn 550 lại tậu thêm được hai con voi từ phía Mường Phin giao cho đội. Nhưng xảy ra điều không may là con Bạc Mày lại lăn ra ốm.

Cả đêm ấy, anh em đi vơ lá khô đốt và bẻ từng chùm bồ kết cho vào để xông cho con Bạc Mày. Sáng hôm sau, bốn con voi đã được mắc bành, buộc óng chuẩn bị xuất phát ở bìa rừng, còn lại Bạc Mày đứng xo ro ở gốc cây, chân không xích mà nó cũng chẳng nhúc nhích nửa bước. Nhọt giao cho Thanh ở nhà nấu cháo và chăm sóc cho nó.

Khi tiếng hát "nài voi" của Cầm Bá Ẹt cất lên, con Bạc Mày đứng nghển vòi trông theo, hai dòng nước mắt chảy ra, rồi nó gục đầu xuống.

Đêm hôm ấy con Bạc Mày tự dưng bỏ đi mất. Cả tổ dẫn voi đi tìm khắp cánh rừng vẫn không thấy.

Ba ngày sau, cụ già bản Ho đến báo tin con Bạc Mày đã chết ở chân thác Xa Ron.

Từ khi con Bạc Mày chết, hai con voi cái cũng ốm luôn. Hai con voi mới mua về còn đang phải rèn luyện, nhưng không có voi đầu đàn thật khó trị. Hơn nữa, việc tiếp chuyển của cung ngựa thồ ngày càng giảm sút, không bảo đảm lương thực đủ cho voi ăn.

Qua mùa khô năm ấy, trung đoàn 70 tổng kết kinh nghiệm phương thức vận tải bằng sức ngựa và voi.

Cả đoàn ngựa đã giao được 20 tấn, cấp cứu nạn đói cho một huyện Trị - Thiên và khoảng 50 tấn hàng do cung voi thồ tiếp chuyển vào. Nhưng không chỉ tốn kém ít thôi như dự kiến. Riêng chất bột, trong bốn tháng hết hơn tám tấn, chưa kể các thực phẩm khác như đường, muối và hàng chục tấn cỏ tươi. Lại còn do khí hậu không hợp, bệnh tật phát sinh, bầy ngựa cứ hao mòn dần. Cả tàu ngựa chỉ còn loáng thoáng dăm con, nhưng chỉ có ba con tạm đi thồ được.

Riêng cung voi thồ tiếp chuyển được gần 200 tấn vào khu vực Sê Pôn. Tính riêng lương thực cung cấp cho đàn voi trong 11 tháng hết gần 13 tấn gạo, hai tấn đường...

Bộ chỉ huy Đoàn 559 nhất trí với sự đánh giá ưu điểm và nhược điểm của việc sử dụng voi vận tải. Nhìn chung hiệu suất vận tải lâu dài của nó rất hạn chế. Bộ chỉ huy chủ trương giao voi cho nông trường Ba Rền.

Đến đây phương thức dùng sức kéo của súc vật trong công cuộc vận tải chi viện tạm kết thúc.

Về sau, tuyến vận tải cũng có đôi khi dùng voi, nhưng không bao giờ trở lại những trang đầu của lịch sử tuyến Trường Sơn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #38 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2010, 02:05:56 pm »

*
*   *

Đội khảo sát đường dự bị phía tây do Nhỏ Nhận dẫn đi đã trở về. Nhìn đống ba lô đồ đạc bộn bề, lấm lem, rách bươm, mọi người đã hình dung ngay cuộc vật lộn với những cánh rừng nguyên thuỷ của anh em khảo sát qua cả mùa mưa.

Theo đội đi khảo sát, có hai vùng thuộc đất bạn, tình hình khác nhau.

Một vùng gọi là Ba Tổng, thuộc huyện Sê Pôn. Huyện uỷ Hương Hoá có cơ sở ở đấy nên quan hệ rất chặt chẽ với chính quyền và đảng uỷ địa phương của bạn.

Vùng này nhân dân hướng về cách mạng, khá tốt. Nhiều bà con ở Hướng Hoá, trong trận càn Lam Sơn 2 của Mỹ - Diệm phải tạm thời "sơ tán" sang đây, sống rất hoà thuận với nhân dân các bản Lào. Nhiều gia đình được dân bản tin cậy, yêu mến, có uy tín và có tác dụng vận động nhân dân đấu tranh giữ bản, chống phản động Lào và Việt, tay sai cho A-mê-ri-ca.

Nhưng kinh tế vùng này thì quá tháp kém. Dân tình đói khổ. Làm nương còn dùng gậy chọc, và đất rẫy theo mùa. Năm nào nắng hạn kéo dài là y như mất mùa, đói khổ, phải vào rừng kiếm măng, kiếm củ ăn qua bữa. Đặt căn cứ ở vùng này thì phải tiếp tế đầy đủ lương thực từ ngoài vào. Nếu không, cả nhân dân, bộ đội đều đói.

Còn vùng thứ hai là vùng Ta Oác, La Hạp. Căn cứ của tỉnh uỷ Thừa Thiên chuyển sang đây, nhưng sống bất hợp pháp vì chính quyền lại do bọn Phu-mi trước kia và gần đây do quân Koong Le nắm.

Vùng này kinh tế khá hơn, nhưng trình độ giác ngộ và cơ sở cách mạng trong dân thì chưa vững chắc. Nhân dân chưa phân biệt được bạn thù. Một số nhà có con đi theo Pa-thét và cả con đi theo Phu-mi. Cả hai đều được bố mẹ thương yêu và chu cấp. Tệ nạn mê tín dị đoan còn rất nặng. Hủ tục nhiều.

Xây dựng hành lang ở vùng này, về kinh tế có thể dựa vào dân, về chính trị quân sự thì khó khăn hơn, nhưng ta phải tin ở sự phát triển thắng lợi của cách mạng bạn, sẽ tranh thủ giác ngộ được dân và khống chế được kẻ địch.

Mọi chi tiết báo cáo của đội khảo sát được ban tham mưu Đoàn nghiên cứu xem xét, làm phương án kế hoạch cụ thể.

Hướng vận tải từ Làng Ho sang phía tây, sẽ phát triển đường chọc thẳng qua Bản Đông. Đoạn nào dốc cao thì gánh, đoạn nào cheo leo quá thì gùi, còn bằng phẳng thì xe đạp thồ.

Ở Bản Đông sẽ dùng xe "Đốt" rút hàng ở sân bay Tà Khống do Tổng Cục Hậu cần đưa vào bằng xe cơ giới và máy bay. Từ Bản Đông (về sau là Bản Keng) sẽ chia hai cung thồ vào Xa Đi rồi vào Mường Noọng. Còn từ Bản Keng, nếu làm được ngầm qua sông Sê Pôn ở phía tây Bản Đông, sẽ cho xe vào tiếp thêm một đoạn, đến được Mường Noọng càng tốt hoặc đến Xa Đi cũng được. Từ đấy sẽ gùi thồ, đẩy hàng sâu vào La Hạp, Pe Hai, giao cho Khu 5. Hướng tây này có nhiều khả năng phát triển vững chắc.

Còn ở hướng đông, thực hiện phương châm "tận dụng hướng đi trong nước để dùng lực lượng gùi, gánh bộ, giao hàng cho Trị - Thiên", đội khảo sát do tham mưu phó trực tiếp phụ trách đi vào vùng giáp ranh cũng mới về. Đường giáp ranh không dùng được vì con sông Sê Pôn cắt giữa hai huyện Hướng Hoá và Sê Pôn thường có lũ rất to.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #39 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2010, 02:06:54 pm »

Đang cuối mùa khô, đầu mùa mưa, chịu ảnh hưởng cả hai vùng khí hậu, lũ về như thác chảy. Muốn tranh thủ chi viện cho Trị - Thiên ngay trong năm, chỉ có thể đi theo con đường cũ là thuận lợi nhất. Từ sau trận càn Lam Sơn 2, khu vực này bọn địch có phần sơ hở. Chúng cho là ta như cá bị tát cạn nước, không thể nào lập lại cơ sở ngay được.

Lợi dụng tình hình đó, ta cho đội trinh sát đi xoi lại đường vượt Động Voi Mẹp, về Động Tri, rồi vào Hướng Hoá. Từ Hướng Hoá lại tìm đường vào Tà Riệt, Pa Lin. Nhưng đội khảo sát vừa vào đến Động Tri, đã gặp dân ở cơ sở báo cho biết địch đã đóng đồn suốt từ Động Tro, Khe Sanh, Lang Chánh, Làng Vây rồi. Anh em liền chuyển hướng từ Động Tri, cắt thẳng núi dốc dá, qua con suối Là Rường, vào Cà Lư.

Đội trinh sát vừa đến làng Cà Lư, một ông cụ đã đến gặp anh em báo tin: "Các con cháu ơi. Thằng giặc nó vây quét giết chóc, bắt đi gần hết cả cái làng Cà Lư này rồi. Vợ con Hồ Ổi bị bắt. Nhà Cha Lừa chỉ có một mụ già và con gái út chạy thoát. Các cán bộ đều bị nó bêu đầu. Dân làng Cà Lư này chỉ có một sống, một chết với thằng giặc mà thôi".

Thấy anh em trinh sát, bà con biết là sẽ có bộ đội về, mừng lắm. Từ sau ngày thằng giặc về giết chết nhiều người thì cọp cũng về bản luôn, nó về tìm thịt người để ăn. Dân làng Cà Lư lấy nứa rào làng chống cọp dữ, và cũng để sẵn sàng che chở cho anh em ta về hoạt động.

Nhưng đến lúc trạm 3 của đoàn 70 vào tiếp quản lại đoạn đường này thì không dám vào ở hẳn trong làng Cà Lư. Vì trong làng hiện nay đã trà trộn một số người trước đi ngụ cư ở nơi khác mới trở về. Bọn nguỵ ở đồn Lang Chánh cũng đã đặt thôn này thành trọng điểm, thường xuyên đến kiểm tra.

Bọn lính nguỵ vốn ngán cái dân người Cà Lư "ăn thịt quốc gia như cọp", nhưng chúng vẫn rình để "cất vó" ta. Các chiến sĩ trinh sát nhạy bén với thủ đoạn đó, nên tuy vẫn dựa vào cơ sở ở Cà Lư, nhưng vào ở sâu tít trong khu rừng gần chân núi Voi Mẹp.

Việc liên lạc với cơ sở ở Cà Lư vẫn giữ được đều đặn, nhờ bố con một ông già. Cô gái tên là Kan Ly độ 17 tuổi, rất nhanh nhẹn, tận tình giúp đỡ và có cảm tình đặc biệt với anh em trinh sát. Còn ông già, trông quắc thước, mấy lần bị lính quốc gia gọi lên đồn đe doạ đủ điều, nhưng đối với ông, "cuốc da" "cuốc thịt" gì cũng vậy thôi, ông không sợ.

Các chiến sĩ giao liên của đoàn 70 hàng ngày xuống suối vẫn gặp gỡ dân làng. Cổng làng Cà Lư cứ đến lặn mặt trời là khoá chặt. Họ sợ chó, gà, bò sổng ra ngoài bị cọp bắt mất và mặt khác cũng để đề phòng lính nguỵ trên đồn càn về bất chợt.

Hôm ấy khoảng nhập nhoạng tối, cổng làng đã đóng rồi. Bỗng có tin ngoài đường 9 báo về là lính nguy sắp đến khám làng Cà Lư. Mấy bữa nay anh em hay lợi dụng sáng trăng ra suối tắm giặt. Phải làm sao báo cho anh em biết là có giặc về làng để anh em đừng xuống. Cổng làng đã đóng, có nghĩa là cọp có thể đã rình ngoài hàng rào. Ông già bảo con gái:

- Ly à? Tao ra rừng báo cho bộ đội thằng Cầm đừng xuống sông lấy nước.

- Trời tối rồi. Cha đi, con cọp vồ đó!

- Tao tra (Tiếng miền Trung nghĩa là già.) rồi, nỏ sợ con cọp.

Nói rồi, ông lão xăm xăm xách cái thùng, giả bộ đi ra suối lấy nước. Cô con gái níu lấy ông:

- Cha ơi ! Cha con mình cùng đi, có chi còn giúp nhau mà.

Ông nhìn con một thoáng, khẽ gật. Ra khỏi cổng làng, hai cha con ông già đi thẳng một mạch lên dốc núi. Bỗng đánh soạt, một vật như bóng núi từ lùm cây bật ra, đổ ụp xuống ông già.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM