Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:14:31 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111458 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:17:48 pm »

*
*   *

Công tác tổ chức ở hậu phương của đoàn đã tương đối ổn định, tôi đi thăm và kiểm tra tuyến đường phía nam. 

Đêm ấy anh em dẫn tôi qua đường 9 - trọng điểm của tuyến đường. Trước đây, mỗi lần qua vùng địch chiếm đóng tôi thường có ít nhiều tâm trạng hồi hộp nhưng lần này thì khác hẳn, mỗi bước tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm là nỗi vui mừng của tôi tăng thêm. Nghe tiếng lá khô xọp xẹp dưới bàn chân, tiếng con cú rúc trong đêm vắng lặng... đưa lại cho tôi cảm giác như cái gì đó rất thân quen mà lâu lắm rồi mới được gặp lại.

Qua bốn ngày đêm trèo đèo lội suối trên đỉnh Trường Sơn, tôi đã vượt qua động Hàm Nghi (động voi mập) cao 1700 m so với mặt biển, địa hình rất hiểm trở là nơi ngày xưa vua Hàm Nghi bị đế quốc Pháp đày lên Lao Bảo đã trốn ở đây.

Đêm đó chúng tôi vượt đường số 9, chiến sĩ đi trước tôi bước rón rén, rồi khẽ vỗ vào bao đạn báo hiệu cho người đi sau dừng lại. Nhiều lần dừng lại rồi lại đi. Chiến sĩ đi trước dừng lại, ghé vào tai tôi: "Báo cáo đã đến đường 9". Tôi theo chiến sĩ đó bước nhẹ trên một tấm ni lông đặt ngang qua mặt đường. Sang đến bên kia đường 9 tôi thấy nhẹ nhõm dễ chịu như trút được một gánh nặng.

Đi tới gần sáng, chúng tôi phải đi khom rạp mình dưới vòm cây, giống như đi trong một cái cổng ngầm dài tới vài trăm mét. Đồng chí giao liên dừng lại nói vừa đủ nghe: “Đến trạm rồi”. Tôi ngồi xệp xuống thảm lá khô dày rồi xoải chân ra cho đỡ mỏi. Mỗi lần hành quân đến trạm nào đó tôi đều thấy có cảm giác giống nhau là: đầm ấm dễ chịu, mặc dầu trạm cũng chỉ là vòm lá xanh.

Trời sáng dần, tôi ngắm nhìn cái tổ ấm của trạm này. Anh em ở dưới gốc cây vàng anh, cành lá vươn dài óng mượt, bên cạnh là cây sắn rừng và rất nhiều dây leo tạo thành vòm trần bằng lá xanh, xung quanh gần đó có nhiều cây mỏ quạ tạo thành một bức tường cũng bằng lá xanh. Khuôn khổ chỗ ở vừa bằng căn nhà ba gian, dưới nền trải lá khô khá dày. Trong trạm toả ra mùi hương thoang thoảng của hoa rừng buổi sớm. Mấy con chim sâu đã thức dậy gọi nhau tích tích...

Trong trí tôi đã sống lại những kỷ niệm trong kháng chiến chống Pháp khi hoạt động trong lòng địch.

Đồng chí Mãn trưởng trạm đã lấy một bi đông nước suối ở con suối nhỏ cách trạm độ mươi mét, mang về. Động tác của anh tỏ ra thành thạo quen thuộc, anh buộc cổ bi đông lên sợi dây rừng rồi bật diêm châm vào bó đóm. Ngọn lửa ở đầu bó đóm hơ hơ vào đít bi đông. Mãn cười nói, có ý giới thiệu công việc đang làm với tôi:

- Thủ trưởng xem đóm còn tươi nhưng vẫn cháy như thường.

Tôi hỏi: 

- Gỗ thông hử?

Ở rừng này không có thông, nhưng lại không thiếu cây săng lẻ, đóm bằng thứ cây này không có khói và cháy không kém gì thông.

Chỉ một lát nước sôi và chúng tôi có nước trà uống. Vừa ngồi uống nước trà, anh em vừa kể những câu chuyện đã xảy ra trên đoạn đường này. Có đêm giao hàng cho nhau chỉ đi chệch điểm hẹn độ mươi mét mà tìm nhau mất hàng giờ đồng hồ. Có chiến sĩ trinh sát, nằm cạnh đường 9 bám địch, bọn lính nguỵ đi tuần dừng lại đúng chỗ cậu ấy đang nằm và một thằng đã đái luôn lên đầu cậu ấy; giá được lệnh nổ súng thì bọn lính kia không sót một tên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:18:31 pm »

Nghe anh em kể lại những thử thách mới, tôi cũng thấy tự hào được là người chỉ huy một đơn vị có những cán bộ chiến sĩ gan góc thông minh và có kỷ luật như vậy. Nhiều việc trên dọc đường không có bộ óc người chỉ huy nào có thể nghĩ ra được hết, nhưng anh em đã tự lo liệu như tấm nilông đặt trên mặt đường 9 để xoá dấu chân hoặc bó đóm bằng gỗ săng lẻ không có khói...

Cuộc sống "đi không có đường ở không có nhà" không ít khó khăn, nhưng với tình cảm "máu thấm đường, mồ hôi thấm áo, quê hương thắm tình" anh em đã vượt qua và sẽ vượt qua tất cả.

Chuyến đi này đã khơi gợi cho tôi nhiều suy nghĩ về quy mô của con đường: lực lượng trên đường Trường Sơn phải tăng thật nhanh thì mới đáp ứng được yêu cầu. Một tiểu đoàn vừa làm công tác giáo liên vừa vận tải lúc này đã trở thành quá ít. Đường biển chưa mở được. D 603 còn đương chuẩn bị người và phương tiện đóng thuyền theo kiểu miền Nam. Việc tìm thợ, vật liệu hòm đệm mất rất nhiều công sức.

Ngày 12 tháng 9 năm 1959 Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Bộ tư lệnh đoàn 559, tôi làm đoàn trưởng và trung tá Nguyễn Thạnh là đoàn phó. Đoàn bộ đặt ở Hà Nội. Quân số đơn vị tăng lên, phương tiện vận tải có một ô tô và 30 con ngựa, 3 con voi để lập chân hàng và vận chuyển những cung đường phía bắc Bến Hải.

Đầu năm 1960 địch đã đánh hơi thấy hoạt động vận tải của ta, vì anh em vận tải trong khi giao nhận hàng đã bỏ quên một bó súng ở gần Khe Sanh. Địch đã mở trận càn cấp trung đoàn. Vì phương châm hoạt động "bí mật an toàn" anh em đã né tránh địch. Tuy địch không phát hiện thêm gì về hoạt động của ta, nhưng công việc vận chuyển cũng phải dừng lại một thời gian.

Một lần tôi được báo cáo với đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn những công việc đã làm được và những gì đang diễn ra trên con đường đặc biệt. Khi nghe những trở ngại luôn luôn xảy ra trên đường 9, đồng chí Lê Duẩn gợi ý: 

- Thử nghĩ xem, có con đường khác nào có thể tránh được sự tuần tra rình mò của địch không?

Gợi ý tìm đường vòng tránh của đồng chí Lê Duẩn đã bật ra một tia sáng trong ý nghĩ của tôi. Nếu như mở một con đường sang phía tây Trường Sơn, đi nhờ đất bạn; con đường như thế chắc bọn nguỵ miền Nam khó bề nhòm ngó hơn. Nghĩ vậy tôi tổ chức một bộ phận cùng tôi luồn rừng tìm đường sang phía Tây Trường Sơn.

Phần lớn con đường mới còn nằm trong trí tưởng tượng, như qua việc phân tích tình hình địch bên nước mình và bên nước bạn chúng tôi thấy khả năng con đường phía tây có thể thực hiện được. Ý nghĩ đó đã được anh em trong Bộ tư lệnh ủng hộ và tôi đề nghị lên Tổng Quân uỷ.

Khoảng tháng giêng 1961 tôi trở về Hà Nội, tôi tạt vào thăm anh Trần Lương nhân thể hỏi ý kiến anh về việc chuyển con đường chiến lược sang phía tây Trường Sơn. Nhìn thấy tôi, anh nói:

- Cậu ốm hay sao mà gày sọm thế?

Tôi nói vui: 

- Đi bộ nhiều, leo núi luồn rừng nhiều, giá như cái vóc cao kều của tôi có thể mòn được thì nó cũng lùn xuống.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #22 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:19:20 pm »

Chúng tôi nói vui với nhau vài câu chuyện rồi đi vào công việc. Tôi nói với anh Lương những diễn biến gần nhất trên tuyến đường và kể lại những suy nghĩ của chúng tôi về mở đường mới. Anh Trần Lương chăm chú nghe và hỏi khá kỹ về những thuận lợi khó khăn nếu mở ra con đường phía tây Trường Sơn.

Anh Trần Lương nói:

- Việc này tôi đã được giao liên hệ với Đảng bạn. Tôi đã đến gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng bạn và được các đồng chí đồng ý, các đồng chí có yêu cầu trở lại với chúng ta là vận tải giúp bạn một số hàng hoá xuống phía nam và con đường làm tới đâu thì tổ chức giáo dục quần chúng, lập các đoàn thể cách mạng tới đó. Bác Hồ rất quan tâm tới con đường đặc biệt của các cậu. Hôm họp Bộ Chính trị xong Bác hỏi, mình đã báo cáo kết quả, Bác khen "Làm như vậy là giỏi".

Lần nào cũng vậy, gặp anh Trần Lương báo cáo về hoạt động của con đường, anh cũng nói rất kỹ những nhiệm vụ mới của cách mạng đặt ra với tuyến đường đặc biệt cả những chuyện có tầm rộng lớn, giúp tôi cách nhìn toàn diện hơn.

Những điều đồng chí Trần Lương vừa báo cáo, tôi rất mừng. Suốt dọc đường vào Vĩnh Linh tôi luôn nghĩ đến việc mở con đường mới sang phía tây Trường Sơn. Trong chớp mắt, con đường gùi thồ ngoằn ngoèo như ruột dê nằm kín dưới những hàng cây, bỗng hoá ra con đường ô tô rộng rãi và những chiếc cầu treo lơ lửng vượt qua những con suối rộng...

*
*   *

Hiệp định ZUY-RICH ký kết thành lập chính phủ ba phái ở Lào tháng 4 năm 1961, chỉ còn tám ngày nữa thì có hiệu lực. Theo sự thoả thuận với bạn chúng tôi phải mở một hành lang rộng khoảng năm mươi kilômét cắt ngang đường 9; trên khu vực ấy có thể đụng đầu với khoảng hơn một trung đoàn địch, đóng ở năm cứ điểm. Không còn thời gian để chuẩn bị cho đúng bài bản.

Lực lượng tác chiến gồm có: trung đoàn 101 thuộc sư 325 đánh về phía Sê-pôn, tiểu đoàn 929 đánh vào mường Phin và một tiểu đoàn thực binh đi vào Nam Bộ làm đội dự bị.

Những trận đánh phát triển thuận lợi. Tiểu đoàn 929 nổ súng vào mường Phin, địch bị bất ngờ hoảng hốt tháo chạy. Các cứ điểm trên khu vực phải đánh chiếm, địch đã rút chạy hết. Trong khi địch tháo chạy, tiểu đoàn 929, đã đuổi chúng đến mường Pha Lan.

Đúng ngày hiệp định Zuy rích có hiệu lực, chúng tôi đã thực hiện những chỉ tiêu của chiến dịch đã đề ra, khoảng tám mươi kilômét đường 9 được giải phóng.

Theo kế hoạch tiếp theo của chiến dịch mở hành lang là: đoàn 559 phải bảo đảm một cuộc chuyển quân quan trọng, gồm các Bộ tư lệnh Nam Bộ, Bộ tư lệnh quân khu 5 và các cán bộ khung cho một số trung đoàn, tiểu đoàn và các cán bộ Đảng tăng cường cho miền Nam.

Một khó khăn đặt ra đối với đoàn 559 là: làm sao trong một thời gian rất ngắn trong vòng một tháng chạy đủ gạo cho hàng vạn quân ăn, trên tuyến đường dài như vậy. Tôi bàn với các anh trong Bộ tư lệnh khu 5 và Nam Bộ giải quyết khẩn cấp một số gạo cho những cung đường ở gần phía Bắc, bằng cách vận chuyển kiểu sâu đó; nghĩa là toàn đơn vị vứt ba lô tại chỗ để chuyển gạo lên một cung đường rồi quay trở lại lấy ba lô, hôm sau lại chuyển tiếp lên một cung khác. Các anh đều đồng ý phải làm như vậy, nhưng đó chỉ là tạm thời. Các cung đường sâu vào phía Nam cần tổ chức lực lượng mạnh hơn và có phương tiện bảo đảm nhanh hơn thì mới kịp thời phục vụ cho nhiệm vụ hành quân.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #23 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:20:17 pm »

Ban cán sự đoàn 559 họp để thảo luận chủ trương công tác nhất trí với nhau: phải nhanh chóng tổ chức các lực lượng gùi thồ đồng thời đẩy mạnh việc lập chân hàng sâu hơn.

Họp xong tôi về Bộ Tổng tham mưu thỉnh thị và xin phương tiện. Tôi cho xe chạy mỗi ngày mười lăm, mười sáu giờ để tranh thủ thời gian. Tôi vào Bộ Tổng tham mưu vừa đúng giờ làm việc. Nhìn thấy bộ quần áo của tôi còn bám đầy bụi đường trường, tổng tham mưu phó Hoàng Văn Thái, sau khi ân cần lấy tay phủi bụi trên lưng áo tôi, anh nói: 

- Đồng chí ngồi xuống uống nước đi... Tôi đang mong gặp, đồng chí về thật đúng lúc. Đồng chí nói lại cho tôi nghe diễn biến của việc mở hành lang và hiện nay còn có khó khăn gì?

Tôi nói:

- Thời gian chuẩn bị chiến đấu quá gấp, việc trinh sát nằm tình hình địch chưa thật chắc chắn, việc giao mục tiêu chiến đấu chưa thật cụ thể, nhưng từng đơn vị đã phát huy tinh thần chủ động tích cực .

Tôi kể lại những thắng lợi vừa rồi thu được quá dễ dàng, trung tướng điểm vào một nhận xét vui vẻ:

- Quân ta đánh chưa thật giỏi, nhưng quân địch quá tồi

Đến phần nói về công tác vận chuyển và giao liên tôi báo cáo đầy đủ những thuận lợi khó khăn và dự kiến kế hoạch. Anh chăm chú ghi chép những điều tôi báo cáo. Khi tôi nói hết, tôi đặt bút, im lặng một lúc rồi nói: 

- Đúng như sự tính toán của các đồng chí, thời gian rất gấp không có phương tiện có thể bảo đảm được, ngoài máy bay ra. Việc này rất mới đối với chúng ta, nhưng nhất định phải làm. Nếu dùng máy bay thì phải tổ chức hiệp đồng cho tốt không thì không đạt được như ý muốn đâu.

Trung tướng chăm chú nhìn tôi giây lâu mới nói tiếp: -

- Chắc đồng chí nhiều đêm mất ngủ rồi phải không? Bây giờ hãy về tắm giặt và nghỉ ngơi. Chiều mai đồng chí lại đến đây.

Tôi không giấu nổi sự sốt ruột, dù chờ đợi vài giờ nữa. Tôi đề nghị với anh: 

- Đến sáng mai tôi đến có được không?

Trung tướng Hoàng Văn Thái đứng dậy nắm chặt tay tôi và nói: 

- Về ngủ một giấc thật dài cho lại sức đã. Việc khẩn cấp nhưng vẫn cần có thời gian nhất định để chuẩn bị chứ.

Bộ Tổng tham mưu đã giải quyết vấn đề "gạo khẩn cấp". Sau khi làm công tác hợp đồng với đại biểu của các Cục tác chiến, Cục hàng không, Cục quân nhu, tôi đã gấp rút đến cánh đồng Lùm Bùm (Sa-va-na-khét). Mặc dầu trải qua một tuần lễ leo đèo lội suối, nhưng tôi vẫn thấy một cảm giác dễ chịu, vai trò tư lệnh của tôi ở đây được chuyển sang làm "tổ trưởng" tổ thông báo khí tượng của địa phương cho Cục hàng không. Hàng ngày nhìn trời mây và cứ sau hai giờ lại báo cho Cục hàng không một lần. Khi nào có máy bay đến thì chỉ huy anh em đốt khói làm hiệu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #24 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:20:52 pm »

Chúng tôi có mươi người, anh em đã dựng được một cái lán ở cạnh núi đá; ở lán có thể nhìn ra cánh đồng Lùm Bùm. Trên những thửa ruộng bằng phẳng hoặc bậc thang thỉnh thoảng nhô lên những hòn như có bàn tay nào đó từ trên trời ném xuống những lùm cây mua hoặc quỳ dại. Mảnh đất còn nhiều vẻ hoang sơ này thật bình yên. Khi nắng, nếu nhìn lên bầu trời thế nào cũng gặp đàn chim đang sải cánh bay lượn, và khi trời về chiều không bao giờ vắng tiếng hót của chim hoạ mi.

Trong lúc ngồi chờ đợi máy bay tới thả hàng, chúng tôi uống nước chè và kể đủ thứ chuyện. Kể quanh quẩn thế nào rồi câu chuyện cũng hướng về chuyện quê hương miền Nam của mình.

Chúng tôi đang còn bồi hồi nghĩ tới những kỷ niệm cũ thì có tiếng máy bay. Anh em lập tức chạy đi đốt khói làm tín hiệu. Chiếc máy bay IL-2 xuất hiện trên bầu trời, liệng một vòng rồi thả ra một loạt dù như những cành hoa nhiều màu bay lơ lửng trên không. Chúng tôi quên phắt mọi câu chuyện vừa kể. Những chiến sĩ trẻ vừa reo vừa nhảy tâng tâng.

Không đầy một tuần lễ với sự giúp sức của hàng không, chúng tôi đã lập được một kho chân hàng ở đây gồm toàn gạo và đạn. Sau đó chúng tôi chuyển lên nhận hàng ở sân bay Tà Khống (Về sau Tà Khống trờ thành kho S1)

Đường chiến lược phía tây Trường Sơn hình thành, nhưng còn biết bao nhiêu công việc đặt ra với chúng tôi như mở đường rộng hơn cho xe thồ và có thể mở cho xe ôtô đi từng đoạn, tổ chức thêm lực lượng vận tải...

Sau khi giải phóng đường 9, hầu như không ngày nào vắng người đi trên con đường phía tây Trường Sơn. So với tuyến đường phía đông, tuyến đường này đang phá vỡ tất cả những qui mô nhỏ hẹp không còn phù hợp với tình hình mới. Nếu trước đây mỗi bước đi rồi phải ngoảnh lại xoá dấu chân, nay chẳng còn thời giờ để xoá vết chân.

Không những cho phép có thể để cho những dấu chân đan lên nhau thành đường mòn, tình hình chiến trường còn đòi hỏi chúng tôi mở rộng đường mòn đó thành đường xe đạp thồ thậm chí đường cho xe ô tô chạy.

Việc tổ chức kho, trạm ở khu vực Sêpôn xong, tôi đi theo anh em gùi hàng lên phía trước. Vượt dòng Sê Pôn đi thêm hai ngày đường nữa về phía nam, càng đi càng thấy dốc giảm dần, nhiều đoạn đường khá dài nằm trên cánh rừng thưa và bằng phẳng chỉ tốn ít sức phát cây là có thể mở ra con đường cho xe hơi quân sự chạy được.

Đoàn 559 lúc đó đang trong cao trào thi đua, mọi việc đều chạy băng băng. Việc mở đường xe chạy vào tuyến trong sâu hơn nữa, những cán bộ chiến sĩ được giao nhiệm vụ đều phấn khỏi. Đồng chí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn I trung đoàn 98 công binh của quân khu 4 nói với tôi: 

- Nhận nhiệm vụ mở đường tiếp tế cho cách mạng miền Nam, chúng tôi rất vinh dự và tự hào, dù khó khăn gian khổ như thế nào chúng tôi cũng quan tâm hoàn thành trước kế hoạch.

Lời hứa ấy đã trở thành sự thật, anh em đã làm đường quân sự nối liền từ Ho với đường 12 tới đường số 9 kết quả vượt thời gian.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #25 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:21:28 pm »

*
*   *

Công việc của tuyến đường phía tây đang thịnh vượng thì tình hình Lào có biến động. Bọn phản động thân Mỹ Phu Mi đảo chính phá hoại chính phủ ba phái, phá hoại hy vọng đoàn kết yên ổn mà nhân dân Lào phải kiên trì đấu tranh hàng chục năm mới giành được. Chúng bắt giam đồng chí Su-pha-nu-vông và giải tán tiểu đoàn hai Pa-thét Lào.

Chúng tôi theo dõi tình hình đó với tình cảm đặc biệt, vừa lo lắng đến sự phát triển cách mạng của nước bạn, vừa lo lắng đến con đường chiến lược của mình nhờ trên đất bạn sẽ phải chịu sự chi phối của sự biến ấy.

Tôi trở về thỉnh thị Bộ Tổng tham mưu. Nghe tôi nói tình hình trên tuyến đường đề nghị trên cho phép cứ tiếp tục hoạt động như cũ. Trung tướng Trần Văn Trà Tổng tham mưu phó tỏ ra đăm chiêu hồi lâu mới trả lời:

- Việc này trong Quân uỷ Trung ương đã thảo luận, có ý kiến muốn rút về nước, thưng theo sự thoả thuận với bạn, cuối cùng đã thống nhất là phải duy trì con đường phía tây nhưng với điều kiện bảo đảm tuyệt đối bí mật, ông phải đưa ngay tuyến đường vào rừng sâu. Việc này phải khẩn trương. Khi đi qua đường 9 chỉ được đi ban đêm. Cho anh em ăn mặc cải trang như nhân dân địa phương. Việc may trang phục địa phương tôi đã báo cáo bên Tổng cục hậu cần biết rồi, ông sang bên quân nhu hiệp đồng với họ về thời gian và số lượng cụ thể.

Trước đây chúng tôi đã có nề nếp "đi không dấu, nấu không khói, nói không thành tiếng" nên việc đưa tuyến đường phía tây trở lại bí mật, không phải là việc gì mới mẻ. Việc chấp hành chỉ thị của Quân uỷ Trung ương được tiến hành không gặp trở ngại gì đáng kể. Những đoạn đường trước đây lộ hoặc gần làng bản, chúng tôi đều mở lối vòng tránh vào nơi kín đáo. Khối lượng vận chuyển có bị giảm nhưng tuyến đường không bị ngừng trệ.

Chúng tôi vừa hoạt động vừa nghe ngóng sự phản ứng của địch. Bọn Phu Mi có một lần lên tiếng phản đối ta vi phạm hiệp định Giơ-ne, nhưng cũng không gây được tiếng vang gì vì chính chúng đã phá hoại toàn bộ hiệp ước quốc tế về chính phủ ba phái; mặt khác chúng cũng chẳng đưa ra được bằng chứng gì. Chúng có tổ chức biệt kích quấy rối tuyến đường một cách yếu ớt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #26 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:22:40 pm »

*
*   *

Khoảng cuối năm 1962 tôi đã đi theo tuyến đường gùi vào khu 5. Hai mươi sáu ngày leo dốc lội suối và tiếp xúc với quân và dân trên tuyến đường tôi đã thấy nhiều biểu hiện đẹp đẽ về tinh thần yêu nước, yêu quê hương của chiến sĩ đồng bào. Cuộc sống của các chiến sĩ vận tải và giao liên heo hút thầm lặng, nhưng tâm hồn của anh em luôn lạc quan tin tưởng vào tương lai. Ai đã qua đường Trường Sơn hồi ấy đều thấy, chỉ đi không cũng là một cố gắng đáng kể rồi. Anh em vận tải hàng ngày đi trên con đường gồ ghề khúc khuỷu vẫn phấn chấn đạt khối lượng bằng đi trên đường bằng phẳng. Một lần cùng ngồi nghỉ với nhau trên đỉnh dốc, tôi nhấc thử bọc hàng to quá khổ người của đồng chí Viện:

- Gùi này nặng bao nhiêu ký?

- Bảy nhăm ký.

- Hôm nay là đột xuất hay đồng chí mang thường xuyên như thế này.

Đồng chí Viện chưa kịp trả lời, đã có một chiến sĩ nhanh nhảu đáp:

- Báo cáo thủ trưởng, anh Viện đã gùi thường xuyên trên một tháng nay. Trước kia anh Viện mang được 55 ký.

Tôi lại hỏi đồng chí Viện:

- Người đồng chí nặng bao nhiêu ký?

- Khi vào tuyến tôi cân nặng năm nhăm ký.

- Tại sao đồng chí có thể mang gùi nặng như vậy?

- Mỗi ngày gắng thêm một ít, lắm lúc cũng mệt mỏi nhưng ráng chịu, nghĩ đến quê hương mình trong tay bọn Mỹ - Diệm còn cực khổ gấp trăm lần. Làm việc ở đây dầu có mệt mỏi một chút cũng chẳng chết, mà có chết vì cách mạng giải phóng miền Nam thì tôi cũng vui lòng.
Không riêng gì người con trai của cù lao Ré, mà tất cả anh em đang ngồi trước mặt tôi trên tuyến 1 này đều có suy nghĩ đẹp ấy.

Trên đường Hồ Chí Minh đến nay không chỉ có những chiến sĩ trong quân đội, mà ngày càng đông đảo bà con các dân tộc tham gia việc vận tải giao liên. Trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn, các cô gái dân tộc Pa Cô dân tộc Rê đang độ tuổi thanh xuân không có vải, phải dùng vỏ cây rừng làm quần áo nhưng vẫn hăng hái tham gia công tác vận tải vũ khí cho cách mạng. Có những thanh niên một mình vác cái nòng pháo nặng hàng trăm ki lô... Dân bản bên cạnh đường, thường mang thực phẩm ra ủng hộ bộ đội. Sự đoàn kết gắn bó giữa nhân dân và bộ đội: hai miền Nam - Bắc, sự gắn bó giữa hai dân tộc Việt - Lào mà đoàn 559 là nhịp cầu đang được phát triển. 

Đến vùng đất Tây Quảng Nam tôi xúc động sung sướng, như được trở lại vùng đất quê mình sau bảy năm xa cách. Gặp tôi, thiếu tướng Nguyễn Đôn coi như gặp lại người tri kỷ, ngay từ phút đầu và cả ngày đêm hôm sau anh đã giành cho tôi nhiều giờ...

Những ngày sau đó tôi gặp rất nhiều anh em cán bộ cấp tỉnh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... phần đông là những người quen cũ, anh em gửi gắm rất nhiều ở chúng tôi

- Chúng tôi trông các anh nhiều lắm đấy nhé.

- Các anh luôn là cái cầu chuyển sức mạnh và tình cảm của miền Bắc đến với chúng tôi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #27 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:23:19 pm »

*
*   *

Tôi về Hà Nội được ít ngày, hôm ấy vào đúng 12 giờ trưa, thì nhận được điện "Vào ngay Bộ Tổng tham mưu có việc cần". Chắc có việc gì khẩn cấp nên mới có điện gọi giữa giờ nghỉ như thế này, tôi vội vàng mặc quần áo và đi ngay. 

Tôi bước vào phòng làm việc của Tổng tham mưu trưởng đã thấy Bác Hồ đang ngồi nói chuyện với thượng tướng Văn Tiến Dũng. Bác mặc bộ quần lụa màu nâu, trên vai vẫn vắt một cái khăn mặt bông như mấy ông già ở nông thôn.

Tôi chào Bác, chưa kịp bỏ tay xuống Bác đã nói: 

- Chú báo cáo xem đường mòn của các chú làm ăn như thế nào cho Bác nghe .

Vâng lời Bác, tôi lấy chiếc thước và chỉ lên tấm bản đồ trên tường. Tôi nói rõ đoạn đường nào xe ô tô đi được, đoạn đường nào dùng cho xe thồ, đoạn đường nào gùi bộ, nơi nào địch thường hay bắn phá. Nói một lúc tôi ngoảnh lại nhìn xem ý của Bác thế nào. Thấy đôi mắt sáng của Bác nhìn tôi có ý khuyến khích "cứ nói tiếp đi". Tôi nói hết những nét lớn về công việc và kết quả rồi chuyển sang nói cụ thể. Tôi nói đến đời sống của nhân dân dọc tuyến đường rất cực khổ, thiếu muối, thiếu vải, thiếu gạo, chị em phụ nữ không có vải may quần áo phải dùng vỏ cây rừng để che thân thì Bác lấy mùi xoa lau nước mắt.

Bác nói:

- Các chú làm được nhiều việc như thế là rất đáng hoan nghênh. Chú về xem người nào đáng khen gửi báo cáo cho Bác để Bác gửi lời khen. Khen phải rộng rãi, càng được nhiều người khen càng tốt. Thứ hai là các chú phải khôn khéo giữ được bí mật với địch được chừng nào tốt chừng ấy. Thứ ba các chú cố gắng tiếp tế cho dân mình và dân của bạn; bảo vệ an toàn cho dân mình, dân bạn và giúp cho các địa phương có đường đi qua trở thành những căn cứ vững mạnh.

- Cháu thay mặt anh em toàn đơn vị hứa với Bác, chúng cháu sẽ mang hết sức mình để thực hiện lời Bác dạy.

Ít ngày sau chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp để nghiên cứu tổ chức thực hiện lời Bác căn dặn. Từng ngày từng ngày tiếng nói của Bác thấm dần thấm dần tới hành động của từng chiến sĩ. Từng trạm tổ chức cải thiện đời sống, mùa nào thức ấy có trạm đã nuôi được hàng chục con lợn, trồng hai ba héc-ta sắn. Các tổ dân vận đã đi sâu vào các làng bản tổ chức giáo dục quần chúng tham gia các tổ chức cách mạng và giúp nhân dân học văn hoá và sản xuất.

Chúng tôi còn đưa vào hàng chục tấn muối, tấn vải phân phối tận tay nhân dân bán ở các huyện trên trục đường Có vùng trên trục đường đã thực sự trở thành căn cứ cách mạng các lực lượng tự vệ vũ trang của nhân dân đã cùng cán bộ tham gia canh gác phát hiện địch và cùng bộ đội đánh địch.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #28 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:24:10 pm »

*
*   *

Việc đưa ô tô vận tải vào đoạn đường Bản Đông - Mường Noọng thu được kết quả tốt, chúng tôi mới báo cáo với đồng chí thường trực Quân uỷ Trung ương. Ít lâu sau chúng tôi nhận dược chỉ thị của Quân uỷ Trung ương cho phép nghiên cứu và mở đoạn đường tiếp từ Mường Noọng và bản Bạc, qua Tà Xẻn nối vào trạm gửi của Tây Nguyên.

Quân số biên chế của đoàn thời kỳ này đã lên tới 5000 người và được tăng cường thêm trung đoàn công binh 98. Quân của đơn vị rải ra theo chiều dài ngót một nghìn cây số trong điều kiện thông tin liên lạc chưa tốt lắm. Ở cương vị tư lệnh, mỗi khi có nhiệm vụ mới tôi không khỏi lo lắng, làm thế nào mà chuyển quyết tâm của mình tới các chiến sĩ.

Phương thức làm việc của chúng tôi là, Bộ tư lệnh phải phân công nhau xuống trực tiếp phổ biến nhiệm vụ, kiểm tra và giúp đỡ cấp dưới thực hiện. Tổ chức họp hành chỉ là những trường hợp đặc biệt, có nhiều việc chỉ thông qua một bức điện ngắn. Nhưng hầu như mọi nhiệm vụ được giao, các phân đội đều làm tốt.

Cho đến nay mỗi khi nghĩ đến việc vào bản Bạc và từ ngã ba biên giới vượt núi Phi Hà tôi tưởng như có sức mạnh thần bí nào đó, mới có thể làm được công việc nặng nhọc và vô cùng khó khăn ấy. Đoạn đường từ Mường Noọng đến Bạc vượt qua nhiều đèo dốc (riêng đèo Bạc còn cao hơn đèo Pha Đin) mà chỉ có một trung đoàn công binh làm.

Lần mở đường qua núi Phi Hà cũng là trường hợp đặc biệt. Lúc đó tôi nhận được điện của Bộ tham mưu giao nhiệm vụ... "đưa vào khu 5 hai trăm tấn đạn, thời hạn phải làm xong trước mùa khô...", ý của bức điện còn nói nếu không đủ số đạn thì chủ lực ở chiến trường phải phân tán không đánh tập trung được nữa.

Tôi bàn với anh Vũ Văn Đôn tham mưu trưởng 559 cách thức nào có thể thực hiện được mệnh lệnh ấy, nếu cứ kẽo kẹt thồ thì mùa khô trôi qua nhưng đạn chắc gì đã đưa đến đủ. Tôi nêu ra việc mở đường vượt dốc Phi Hà.

Anh Đôn nói:

- Nếu là đường S9 (ngã ba biên giới) vượt qua núi Phi Hà chưa chắc đã kịp thời gian hay ta thử tính đến việc tháo xe ra từng bộ phận, khiêng qua núi Phi Hà đưa sang bên này lắp lại liệu có được không? Nếu làm được như vậy, thì chỉ phải gùi có đoạn đường dốc Phi Hà thôi.

Tháo xe khiêng qua dốc Phi Hà thì có thể làm được, nhưng không có thợ lắp vào và phụ tùng thay thế cần thiết.

Bàn bạc một hồi, tôi mở bản đồ ra đo lại đoạn đường và đặt mấy con tính. Như vậy là phải mở khoảng 137 kilômét, dốc Phi Hà chiếm khoảng 30 kilômét. Đoạn đường này muốn mở trong khoảng một tháng xoàng chí ít cũng phải có hai trung đoàn công binh. Số quân đó bây giờ lấy ở đâu ra. Trung đoàn 98 công binh và hai tiểu đoàn bộ binh có thể giao nhiệm vụ này còn đang rải ra làm đường gùi, thồ.
Suy đi tính lại, cuối cùng tôi đã hạ quyết tâm: tạm hoãn việc củng cố đường gùi thồ đưa nhanh những đơn vị đó vào mở đường vượt núi Phi Hà.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #29 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2010, 03:24:56 pm »

Ngay sau đó, tôi đã gửi cho trung đoàn 98 một bức điện nói rõ mục đích yêu cầu của công việc và lực lượng được sử dụng. Khoảng hai ngày sau tôi đã nhận được bức điện của thủ trưởng trung đoàn 98 trả lời, nói rõ quan tâm của đơn vị chỉ cần làm hai mươi tám ngày xong đoạn đường ấy.

Khoảng hai mươi ngày, tôi đi kiểm tra một số trạm giao liên, nhìn những nhát cuốc nhát xẻng của anh em bổ ngập xuống nền đất, bắt con đường phải vươn dài phía trước, tôi thầm nghĩ "đúng là những chiến sĩ tuyệt vời không cách đánh giá nào hơn như vậy". Ngày ngày hai bữa cơm với nước mắm ruốc chưa đủ no, nhưng vẫn vui vẻ quần quật suốt mười giờ, mười sáu giờ, thậm chí hai mươi giờ trong một ngày. Người nào người nấy gày khô, và nước da xám ngắt. Tôi lo sức khoẻ của anh em không bảo đảm công việc lâu dài nhưng cũng chưa nghĩ ra cách gì để khắc phục tốt hơn.

Anh em thấy tôi đến, họ quây xung quanh tôi, nói chuyện vui vẻ. Tôi kể tóm tắt tình hình chiến tranh ở miền Nam và nhiệm vụ chung của đơn vị. Những con mắt trẻ trung của anh em sáng lên khi nghe tôi nói những chiến thắng mới. Sau khi tôi kết thúc câu chuyện, một chiến sĩ giơ cái bắp chân chỉ còn da bọc xương và nói:

- Thủ trưởng xem, trước kia bắp chân của tôi to mập nhưng vì thắng lợi của miền Nam, tôi sẵn sàng hiến đôi bắp chân.

Mấy chiến sĩ đứng cạnh, nói lao xao: "Tôi cũng thế! Tôi cũng thế!” rồi cười râm ran. Một chiến sĩ khác nói xen vào trong tiếng cười:

- Không phải chỉ hy sinh đôi bắp chân mà anh em chúng tôi sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh để giải phóng miền Nam.

Khoảng hai tháng sau khi mở xong đường vượt núi Phi Hà xong tôi trở về Hà Nội. Tôi nhận được điện Thủ tướng gọi đến nhà riêng. Sau khi bắt tay Thủ tướng, tôi đã sờ tay vào cái khoá cặp. Thủ tướng hiểu ý tôi, cười và bảo:

- Cất cái cặp vào cái bàn bên cạnh kia kìa. Hôm nay mục đích tôi mời anh đến cùng ăn một bữa cơm, có chuyện gì thì ta nói với nhau trong bữa ăn, không phải báo cáo.

Khi tôi nói đến chuyện mở đường vượt núi Phi Hà, đang nói đến " ... Vì ăn uống thiếu thốn nhiều nên anh em teo hết cả bắp chân..." thì Thủ tướng ngắt lời tôi nói: 

- Khoan đã! ăn uống như vậy thì làm việc lâu dài sao được? Làm công việc nặng nhọc như vậy phải cho anh em ăn một ki lô gạo và hàng tuần phải có tiêu chuẩn bồi dưỡng thêm. Đồng chí về làm một bản đề nghị tiêu chuẩn cụ thể gửi tới chỗ tôi, tôi ký. 

Khoảng một tháng sau, chúng tôi nhận được thông tri của Tổng cục hậu cần về việc tăng tiêu chuẩn ăn của anh em vận tải trên tuyến đường 559.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM