Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:42:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Trường Sơn  (Đọc 111206 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #10 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 01:52:54 pm »

Chương VII
ĐẬP TAN CUỘC PHẢN KÍCH
(Trích )
.

Mới đầu mùa xuân, rừng khoọc Tây Nguyên chưa kịp thay lá, nắng trưa càng oi bức. Tiếng côn trùng đủ loại, tiếng chim công tố hộ bên cạnh nhà hoà lẫn tiếng pháo nổ vọng từ xa, tiếng vo vo của máy bay trinh sát OV-10 lượn tìm mục tiêu và tiếng "a-lô! ZA75 đây!" của Sở chỉ huy chiến lược, bỏ Tây Nguyên. Do đó, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chỉ thị cần hình thành ngay việc bao vây Plây Cu, triệt cả đường bộ lẫn đường không của địch, chuẩn bị tốt việc tiêu diệt trong cả hai tình huống.

Như vậy là Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã sớm dự kiến một cuộc rút lui chiến lược của địch ở Tây Nguyên. Và thế chiến dịch đã cài trước ngày nổ đúng đánh Buôn Mê Thuột cũng đã tính đến việc không cho địch rút chạy khỏi Tây Nguyên một cách dễ dàng.

Từng đợt máy bay lên thẳng của địch tiếp tục đổ quân xuống vùng Phước An và phía Tây sân bay Hoà Bình. Trung đoàn 44, một bộ phận của trung đoàn 45 cộng với tàn quân trung đoàn 53 chạy về đây đã trải qua những giờ phút hãi hùng nhất đối với chúng.

Chưa xuống đến đất, chúng đã run sợ trước làn đạn các loại súng cao xạ bắn lên và nhìn thấy đồng bọn bị bắn rơi xung quanh. Đặt chân xuống đất chưa kịp chấn chỉnh đội hình chúng đã chạy toán loạn để tránh các đạn pháo của ta dội xuống và súng bắn thẳng của bộ binh ta. Chúng khiếp sợ nhất khi nhìn thấy xe tăng, xe bọc thép của ta xuất kích xông vào đội hình của chúng.

Các đơn vị đổ bộ đường không của địch lần lượt bị diệt, số còn lại chạy tan tác, lẫn lộn vào nhau và dắt díu nhau lùi dần về phía đường số 21. Trên đường rút chạy, quân địch rút chạy kéo theo bọn nguỵ quân; nguỵ quyền địa phương và biệt động quân, để lại nhiều xe, pháo, súng đạn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #11 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 01:54:02 pm »

Chương IX
THẦN TỐC
(Trích)

Chúng tôi rời Tây Nguyên lên đường vào Đông Nam Bộ từ trưa ngày 2 tháng 4 năm 1975. Trước đó tôi đến thăm sư đoàn 316 hợp với các đồng chí trong Bộ tư lệnh sư đoàn. Đồng chí Đại tá Đàm Văn Nguỵ, Anh hùng quân đội, sư đoàn trưởng, hôm đó đi kiểm tra bộ đội. Đồng chí Thượng tá Hà Quốc Toản, Chính uỷ và đồng chí Thượng tá Hải Bằng, phó tư lệnh sư đoàn, báo cáo tình hình các mặt đã chuẩn bị để đi làm nhiệm vụ mới. Sư đoàn này sẽ lên đường trước cùng với một bộ phận chỉ huy nhẹ của Bộ tư lệnh quân đoàn 3.

Nghe các đồng chí trong Bộ tư lệnh sư đoàn báo cáo tình hình và gặp trực tiếp các đơn vị, nhìn các thứ trang bị của sư đoàn, thấy đơn vị đã lớn mạnh nhanh chóng, tôi rất yên tâm và chỉ thị một số việc phải làm gấp trước ngày hành quân.

Cùng ở sư đoàn này trước khi bước vào chiến dịch Tây Nguyên, có anh em lo lắng: chiến trường mới lạ, lần đầu đánh hiệp đồng binh chủng lớn với nhiều loại vũ khí hiện đại, đánh vào một thị xã to, v.v. không biết liệu đánh có được không? Thực tế chứng minh rằng sư đoàn đã đánh được và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hôm nay, chuẩn bị lên đường vào Đông Nam Bộ, cả sư đoàn có khí thế sôi sục quan tâm cao, có niềm tin chắc thắng, có đầy đủ các thứ vũ khí cần thiết và đã trưởng thành một bước khá mau.

Đường hành quân của sư đoàn 316 là từ Buôn Mê Thuột theo đường số 14 vào phía tây bắc Sài Gòn.

Sư đoàn 320 do đồng chí Đại tá Kim Tuấn, sư đoàn trưởng và đồng chí Thượng tá Bùi Huy Bổng chính uỷ, chỉ huy sau khi giải phóng Tuy Hoà và toàn tỉnh Phú Yên được lệnh quanh trở lại đường số 7 rồi cũng theo đường số 14 vào Đông Nam Bộ.

Riêng đối với sư đoàn 10 dưới sự chỉ huy của sư đoàn trưởng Đại tá Hồ Đệ và chính uỷ đại tá Lã Ngọc Châu, đường hành quân vào Nam Bộ hết sức gian khổ. Sau khi giải phóng đèo Phượng Hoàng Mơ Đắc, tiến đánh Nha Trang, Cam Ranh, sư đoàn đi theo con đường liên tỉnh số 2, vào đường số 20 để rồi cùng đi vào Tây bắc Sài Gòn. Đường xấu, một đơn vị công binh phải đi trước chữa đường, làm cầu khá vất vả. Trong khi có địch phát hiện sự di chuyển của sư đoàn 10. Chúng tìm mọi cách ngăn chặn. Máy bay địch ném bom ác liệt suốt dọc đường, pháo địch ở tàu chiến bắn lên ngăn chặn. Sư đoàn 10 vừa đi vừa đánh mở dường.

Đồng chí Đinh Đức Thiện ngày đêm bận vào việc tổ chức hậu cần phục vụ Quân đoàn 3 hành quân và đặc biệt là đảm bảo cho chiến dịch mới. Đồng chí mặc bộ quần áo bà ba đi kiểm tra đôn đốc các kho, các đơn vị. Vào một bãi xe ở Đức Lập, thấy hai người lái xe ăn mặc không chỉnh tề đang sửa xe, đồng chí hỏi:

- Này, các cậu thuộc đơn vị nào? Bộ đội chiến thắng mà ăn mặc nhố nhăng, mất tư thế như vậy, hả?

Hai người lái xe trả lời:

- Thưa anh, chúng em là tù binh đây ạ ?

Lúc này, trên toàn mặt trận, ở khắp các đơn vị, bộ đội chúng ta đã dùng nhiều người trước đây ở trong quân đội nguỵ để lái và sửa xe các loại xe. Các chiến sĩ đã tranh thủ nghiên cứu, tìm tòi và học sử dụng các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ.

Trong đội hình hành quân của ta, bắt đầu xen lẫn những xe bọc thép M.113, xe tăng M.48, M.41, những khẩu pháo 105mm, 155mm, những máy thông tin chiến thuật PRC 25 của Mỹ. Đặc biệt là những máy bay chiến đấu T.34 F4 lấy đã được các đồng chí lái máy bay chiến đấu của ta chuyển sang tập sử dụng. Khả năng ta lấy của địch chưa bao giờ phong phú giàu có như trong chiến dịch này. Khả năng to lớn ấy làm cho hoả lực của ta càng áp đảo địch một cách ghê gớm và cũng làm cho tốc độ của ta càng cao...

Đường vào Đông Nam Bộ sau chiến thắng Tây Nguyên có nhiều thay đổi so với trước. Có thể đi theo đường 14, qua Buôn Mê Thuột, Đức Lập, Bu P'răng, Bù Gia Mập đến Lộc Ninh. Từ Bu P'răng - Bù Gia Mập, đường khá tốt, xe các loại đều chạy được gọi là đường 14A.

Sau khi giải phóng thị xã Gia Nghĩa, toàn tỉnh Quảng Đức, xe các loại có thể đi từ Đức Lập, qua Kiến Đức, xuống Đôn Luân, gặp đường số 13 ở Chơn Thành. Từ Buôn Mê Thuột đến Lộc Ninh xe nhỏ chỉ chạy mất hơn một ngày...

Mùa xuân đang về tưng bừng trên những đồi cỏ non ngập nắng ...

Mùa xuân của đất trời và mùa xuân của dân tộc quyện vào nhau trong tháng tư lịch sử năm 1975...

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #12 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 01:56:04 pm »

Đại tá Nguyễn Danh
NHỮNG NĂM THÁNG ĐẦU TIÊN

Tháng 5 năm 1959 miền Bắc vẫn còn trong không khí thanh bình. Sư đoàn 301 chúng tôi đóng quân tại Phú Hộ (Vĩnh Phú), trong những toà nhà lớn hai, ba tầng, màu ngói mới đỏ rực cả vùng đồi. Bỗng một buổi sáng có điện gọi tôi. Ở đầu đường dây bên kia là tiếng nói quen thuộc của chính uỷ Nguyễn Đường.

- Danh này, cậu về trên này gặp mình có việc cần nghe.

Tôi hối hả đi ngay, lòng hồi hộp, không hiểu việc cần mà chính uỷ nói là việc gì. Được về Nam chăng? Trước đó không lâu, chúng tôi vừa học nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, khả năng ấy đã bắt đầu hé mở.

Trong phòng khách của Bộ tư lệnh Sư đoàn, chính uỷ Đường đang ngồi nói chuyện với một đồng chí thượng tá trạc tuổi ngoài bốn mươi, trông béo tết, hồng hào.

- Anh Võ Bẩm ở Bộ Tổng tư lệnh - Chính uỷ giới thiệu.

Hồi ở khu Năm, tôi đã nghe nói đến anh, nay mới gặp. Sau một lúc ngồi uống nước, trò chuyện, anh Bẩm hỏi tôi:

- Về Nam được chứ cậu?

Tuy chưa hiểu câu hỏi là đùa hay là thật, tôi vẫn trả lời nghiêm chỉnh.

- Dạ được ạ.

Bằng giọng nói chậm và chắc nịch, anh Bẩm nói cho tôi nghe những nét mới trong tình hình cách mạng mặt trận, đặc biệt là việc thành lập các lực lượng vũ trang giải phóng và yêu cầu cấp thiết của việc chi viện vũ khí từ hậu phương vào. Nhân lúc anh ngừng lại để uống nước, tôi nói:

- Trước lúc đi tập kết, tụi tôi chôn lại nhiều súng đạn lắm anh ạ.

Anh Bẩm cười, lắc đầu:

- Mấy thằng phản bội nó khai hết trơn hết trọi rồi. Mà nếu còn thì cũng không thấm vào đâu, phong trào trong đó giờ lớn mạnh lắm rồi.

Từ đó anh chuyển sang phổ biến Nghị quyết của Bộ Tổng tư lệnh và Quân uỷ Trung ương về việc thành lập một đơn vị vận tải đặc biệt nhằm kế tiếp vũ khí cho các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và khu Năm cũ. Tiếp lời anh Bẩm, chính uỷ Đường cho biết đơn vị đó đã được thành lập, gồm 308 người, rút từ số quân của Sư đoàn 301, do đồng chí Chu Đăng Chữ làm tiểu đoàn trưởng. Tôi Nguyễn Danh được chỉ định làm chính trị viên. Yêu cầu trước tiên mà anh Bẩm và anh Đường đặt ra với tôi là tuyệt đối giữ bí mật. Ngoài các anh và những người được các anh trực tiếp lựa chọn và giao nhiệm vụ, trong Sư đoàn không một ai biết việc này, kể cả các đồng chí khác giữ cương vị chủ chốt ở Bộ tư lệnh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #13 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 01:58:10 pm »

Cuối tháng 5, đơn vị lên tàu ở Tiên Kiên, một ga xép trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Không có ai tiễn đưa, cảnh ra đi đơn giản, nhẹ nhàng, trông như một cuộc chuyển quân bình thường ở hậu phương. Về Hà Nội cũng không ra phố, chỉ đứng lại ở ga Hàng Cỏ mấy tiếng đồng hồ để đợi tàu, rồi ngay buổi chiều hôm đó đi luôn vào Thanh Hoá. Năm 1959, tuyến đường sắt phía Nam này còn đang xây dựng, từ Thanh Hoá trở vào phải đi xe ô tô.

Đến Đồng Hới, phải dừng lại một đêm, một ngày ở Bộ tư lệnh Sư đoàn 325 để vừa nghỉ, vừa thăm thú tình hình. Sáng sớm hôm sau đi thẳng vào Khe Hó, một khu rừng đại ngàn ở phía tây Vĩnh Linh, cách bến Quan ngót hai chục cây số. Tại Khe Hó lúc bấy giờ đang có một số quân của Lữ đoàn phòng vệ giới tuyến 314, đến khai thác gỗ. Chúng tôi cũng giả vờ làm công việc ấy, ở lẫn vào với họ và bắt đầu triển khai hoạt động.

Công việc mới quá, lại là công việc hoàn toàn du kích, chưa một ai trong chúng tôi có chút kinh nghiệm nào. Ngay cả cấp trên, khi giao nhiệm vụ cũng chỉ phác ra những nét lớn. Chúng tôi phải bắt đầu, có thể nói không ngoa là từ con số không. Phải tự mò mẫm tìm đường, tìm lấy cách sống, cách hoạt động.

Đầu tháng sáu, hai đồng chí Hà Kỳ Thư và Đinh Văn Diệm vượt sông Bến Hải đi trinh sát trở về. Các anh cho biết đã bắt được liên lạc với tỉnh uỷ Quảng Trị. Các đồng chí trong đó rất mừng, hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp đơn vị chúng tôi hoạt động có hiệu quả. Họ chỉ yêu cầu là khi vượt sông Bến Hải, không giữ lại trên người bất cứ thứ gì của miền Bắc.

Yêu cầu có vẻ đơn giản nhưng đối với chúng tôi lúc đó lại là cả một vấn đề. Nhìn từ đầu đến chân mình, không thấy một thứ đồ dùng nào không phải của miền Bắc: mũ cứng, quần áo ka ki, thắt lưng da, giày vải, đèn pin Rạng Đông, thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo... Như vậy tức là phải trang bị lại toàn bộ.

Một mặt chúng tôi báo cáo về Hà Nội, mặt khác chạy về Hồ Xá gặp Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh nhờ giúp đỡ. Hồi ấy hàng hoá còn dồi dào. Hơn nữa, việc chi viện miền Nam không chỉ là nghĩa vụ mà đã trở thành tình cảm, lương tâm của mỗi một con người trên miền Bắc, vừa nghe chúng tôi nói xong, anh Hồ Sĩ Thản bí thư và anh Phan Du uỷ viên thường vụ chạy đi lo ngay lập tức.

Chỉ trong có mấy hôm. Vĩnh Linh đã cấp cho chúng tôi mỗi người một bộ quần áo bà ba đen, một đôi dép cao su, một tấm vải ni lông che mưa. Thế là tạm đủ rồi, còn các thứ khác anh em tự lo liệu lấy. Chưa có mũ tai bèo, thôi thì để đầu trần vậy. Đèn pin, đem gò lại làm cho mất hai chữ Rạng Đông và dấu hiệu mặt trời mọc đi. Thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo cắt bỏ đầu có chữ bọc vào túi ni lông...

Để bảo đảm được bí mật, chúng tôi phải bỏ lại tất cả mọi thứ giấy tờ, cấm ghi chép. Với tôi, người phụ trách công tác chính trị và công tác Đảng, giữ cho được đúng những điều cấm kỵ đó quả thật không dễ dàng. Phải học đến thuộc lòng tên họ mấy trăm cán bộ, chiến sĩ, riêng với 160 đảng viên phải nhớ được những nét chính trong lý lịch từng người.

Có việc nhỏ, tưởng chừng không cần để ý, thực ra lại là vấn đề hết sức tế nhị, không giải quyết không được. Chẳng hạn như việc viết thư về gia đình, cho người thân ở hậu phương. Nếu chúng tôi vào miền Nam hẳn thì đã đành một nhẽ. Đằng này, trên danh nghĩa vẫn là bộ đội miền Bắc. Phải làm sao các bà vợ, các cô người yêu đang chờ đợi không suy nghĩ vẩn vơ? Cũng phải nghĩ nát óc ra mới tìm được cách. Trong thư không nói rõ đơn vị, mà chỉ nói chung chung rằng mình bây giờ là công an vũ trang ở Quảng Bình. Nội dung thư, tha hồ nói chuyện yêu thương, mong nhớ, chỉ cấm mỗi chuyện là không được tả cảnh nơi mình ở. Mỗi tháng một lần, anh em gom thư lại chuyển về cho bộ phận văn phòng ở phía sau. Một đồng chí thư ký chịu trách nhiệm ghi địa chỉ cho người nhận và đem ra gửi ở bưu điện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) ...

Đầu tháng 6 năm 1959, việc xác định tuyến đường và vị trí các trạm đã làm xong. Từ đầu đến cuối chia ra làm chín trạm. Hai trạm ở phía Bắc sông Bến Hải và bảy trạm ở phía Nam. Công việc xem ra có phần thuận lợi. Đột nhiên anh Ba Cương, uỷ viên thường vụ huyện uỷ Nam Hướng Hoá ra báo tin, tên K, cán sự huyện uỷ, một trong những người vạch đường chạy theo giặc. Chúng tôi quyết định hoãn việc triển khai lại một vài hôm để nghe ngóng tình hình. Tuyến đường vẫn giữ nguyên, chỉ tránh một vài chỗ địch có thể phục kích.

Ngày 10 tháng 6, bộ đội bắt đầu vượt sông Bến Hải và rải quân chiếm lĩnh vị trí các trạm. Tỉnh uỷ Quảng Trị và tổ trinh sát báo về: không thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ địch nắm được các hoạt động mới của ta... Ngày 20 tháng 8, đơn vị chúng tôi giao chuyển vũ khí đầu tiên cho khu Năm ở phía bắc A sầu. Người nhận là đồng chí Vạn, uỷ viên thường vụ khu uỷ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #14 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 01:58:57 pm »

*
*   *

Khó mà nói được rằng trong những năm tháng đầu tiên ấy chúng tôi đã sống như thế nào. Đôi lúc ngồi nhớ lại, chính tôi là người trong cuộc mà vẫn cứ ngỡ ngàng, không hiểu sao mình và các đồng chí của mình lại có thể chịu đựng được tới mức đó. Không có đường, không có bất cứ một chút gì gọi là phương tiện vậy chỉ có sức người với những điều kiện sống cực khổ nhất. Trên vai một bó súng trường Mát bốn khẩu hoặc một hòm đạn hai chục cân, quần đùi, áo bà ba rách, đầu không nón, chân không được đi dép, tay không được chống gậy, một vắt cơm gạo hẩm và chút muối rang đeo toòng teng bên thắt lưng, anh em đi hết ngày này sang ngày khác, hết tháng này sang tháng khác.

Những ai đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến, hẳn không lạ gì cái cảnh ở rừng. Nhưng chắc chắn chưa mấy ai ở rừng như anh em chúng tôi hồi đó. Gọi là trạm, thực ra chỉ là một góc rừng quy ước với nhau để đến đó giao hàng, chứ có lều lán gì đâu.

Mùa khô ráo, anh em gom lá cây lại, lót tạm mỗi người một cái ổ hệt như ổ lợn rừng, lúc nào ngủ thì rúc vào đó. Vài ba ngày sau dời trạm sang góc rừng khác, lại phải tải ổ ra, trả lại lá rừng như cũ để xoá dấu vết. Khổ cực nhất là những tháng mùa mưa. Có đêm phải trùm kín ni lông, ngồi dựa lưng vào gốc cây mà ngủ vạ ngủ vật. Chúng tôi sống như vậy không phải một tháng, một năm mà những ba năm liền.

Bom đạn hồi đó chưa nhiều. Khó khăn, gian khổ nhất là việc tránh địch. Kẻ thù tuy không biết cụ thể từng chuyến hàng, nhưng chúng cũng chẳng ngu ngốc đến nỗi không đoán ra việc thâm nhập người và phương tiện của ta qua vĩ tuyến 17. Chính vì thế, chúng đã giăng sẵn một hệ thống đồn bốt dày dặc ở những nơi chúng dự đoán ta có thể đi qua. Ngoài đồn bốt cố định, chúng còn tổ chức tuần tra, phục kích, hoặc tung bọn thám báo, biệt kích vào những nơi có dấu hiệu đáng ngờ. Thậm chí chúng còn đưa cả mục sư đạo tin lành từ bên Mỹ sang để nắm chặt số đồng bào Thượng ở làng Vây, nhằm tạo nên một hàng rào ngăn chặn ở vùng đó.

Thoạt đầu chúng tôi định đi qua phía trên Khe Sanh. Sau mấy lần thăm dò không có kết quả, ban chỉ huy quyết định dịch xuống phía dưới, đi băng qua một đồn điền cà phê. Đồn điền này nguyên là của Pháp kiều, nay thuộc quyền cai quản của một người đàn bà Việt Nam. Đã nhiều đêm đi qua trót lọt. Đêm ấy, chắc vì mệt quá, các đồng chí ở trạm Năm đã sơ ý bỏ quên một bó súng.

Sáng hôm sau, người đàn bà chủ đồn điền cùng một viên cai tình cờ đi qua, trông thấy bó súng. Mụ cho gọi anh công nhân là người dân tộc Thượng tên là Cha Nồm đến và bảo: “Chắc là của mấy ông Việt cộng đây, anh cất dùm mấy ông". Mụ còn bảo: "Anh nhắn với mấy ông rằng tôi vốn là người Đồng Hới, tôi rất có cảm tình với miền Bắc, mấy ông cần gì tôi xin giúp đỡ".

Cha Nồm vốn là quần chúng cảm tình với cách mạng, anh vác bó súng giấu vào rừng và tìm cách nhắn ta đến lấy. Sau khi nhận lại bó súng, chúng tôi báo cáo lời mụ chủ đồn điền với tỉnh uỷ Quảng Trị các đồng chí trả lời: "Con mụ đó là một tên gián điệp nguy hiểm cần phải đi đường khác ngay". Chừng một tháng sau, Cha Nồm bị địch bắt đưa đi thủ tiêu.

Một lần nữa phải thay đổi tuyến đường. Có đồng chí đề nghị đi ngay trước cửa đồn Rào Quán. Sau một lúc bàn cãi, ban chỉ huy Đoàn chấp nhận ý kiến đó. Hơi mạo hiểm một chút nhưng lối đó gần, tương đối dễ đi, và cũng là nơi địch ít ngờ nhất.

Vượt đường số chín ở quãng này, nhất thiết phải đi vào lúc chặp choạng tối. Đi sớm hơn không được, mà đi muộn cũng có thể gặp nguy cơ bị phục kích hoặc chạm đầu với bọn lính tuần tra. Trước lúc vượt đường phải có một tổ trinh sát đi trước thăm dò. Nếu thấy an toàn, tổ trinh sát sẽ trải một tấm ni lông ngang đường cho đoàn vận tải giẫm lên đó mà đi. Về sau, anh em tìm thấy một lối đi tốt hơn là chui qua cái cống dưới lòng đường. Vẫn phải có tổ trinh sát đi trước để lật ngửa các phiến đá trong lòng cống lên, khi đoàn vận tải đi qua, lại lật sấp trở về như cũ.

Đi được vài tháng trót lọt. Một hôm tổ trinh sát bám địch gần đồn Rào Quán, nghe chúng nó chửi đổng: "Đ. mẹ mấy thằng Việt cộng gớm thật, tụi nó đi ngay trước mũi mình". Thế là lộ rồi. Không còn lối đi nào an toàn hơn là tuyến đường đã vạch từ ban đầu. Tất nhiên là hết sức gian khổ. Vách đá tai mèo lởm chởm như răng cưa, và rừng hoang dại đại ngàn chưa hề có vết chân người...

Đầu năm 1960, một tổ trinh sát ở trạm sáu đi làm nhiệm vụ trở về bị bọn thám báo bám đuổi. Gần đến trạm anh em phát hiện địch. Không thể tránh vào đâu nữa, đành phải nổ súng. Hai đồng chí chạy thoát. Đồng chí Tường đi sau bắn yểm hộ, bị trúng đạn và sa vào tay giặc. Theo những tin tức chúng tôi nắm được. Tường đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Anh đã bị chúng thủ tiêu sau khi đã dùng đủ cực hình tra tấn mà không khai thác được một chút tài liệu nào. Nếu tôi không nhầm thì đó chính là người chiến sĩ đầu tiên ngã xuống trên tuyến đường vận tải vượt Trường Sơn.

Đường Hồ Chí Minh - Đại lộ Trường Sơn - Đoàn 559, một trong những sự tích thần kỳ mà dân tộc ta, quân đội ta lập nên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã bắt đầu như thế đấy.
Hà Linh ghi
(Rút trong tập Đường Hồ Chí Minh, NXB Tác phẩm mới, 1982)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #15 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 02:01:20 pm »

Thiếu tướng Võ Bẩm
MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH


Hôm ấy đúng ngày sinh Bác (19 tháng 5). Năm 1959, tôi đi dọc đường phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) về phía cửa Bắc đỏ rợp cờ, biểu ngữ và tiếng hát ca ngợi Bác. Tôi vừa đến nơi làm việc của Cục nông trường (Hồi đó tôi làm Cục phó Cục nông binh quân đội) đồng chí trực ban đã báo cáo tin... có điện thoại bên Văn phòng Quân uỷ Trung ương vừa gọi, dặn anh sang ngay gặp đồng chí chủ nhiệm ủy ban Thống nhất, Thường trực Quân uỷ Trung ương Nguyễn Văn Vịnh. Từ lâu tôi làm công tác kinh tế, ít có quan hệ với bên Văn phòng, nên khi nghe tin đó là tôi nghĩ ngay đến một nhiệm vụ mới có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến đấu ở miền Nam.

Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh đang ngồi đọc tài liệu, trước mặt là một chiếc bàn lớn, có nhiều ghế tựa đặt xung quanh. Thấy tôi đến anh rời khỏi chỗ niềm nở cười nói:

- Công việc tôi sắp nói với đồng chí, thật mới mẻ và lý thú... Mời đồng chí ngồi uống nước hút thuốc đã.

Anh Vịnh trở lại chỗ cũ, giở cuốn sổ tay, dùng bút gạch gạch lên trang giấy, nhưng mắt anh lại nhìn thẳng vào mắt tôi, rồi nói: 

- Việc này không phải do Quân uỷ giao mà do Bộ Chính trị đã chỉ định đích danh đồng chí.

Anh Vịnh lướt nhìn trang sổ tay, rồi nói nghiêm nghị như hạ mệnh lệnh:

- Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, tôi thay mặt Quân uỷ Trung ương giao nhiệm vụ cho đồng chí tổ chức mở đường giao thông quân sự đặc biệt, để tiếp tế cho cách mạng miền Nam, tạo nên điều kiện cho miền Nam thực hiện nghị quyết 15, từng bước đưa cách mạng miền Nam phát triển...

Tôi vội vàng mở cặp lấy sổ tay để ghi chép chỉ thị đó nhưng anh Vịnh xua tay và nói tiếp: 

- Cố nhập tâm, không được ghi chép. Tôi nhắc luôn điều này. Từ nay tất cả công việc của đồng chí, không được ghi chép. Sau đây đồng chí sẽ rõ công việc cần phải giữ bí mật như thế nào. Tôi nói tiếp về con đường đặc biệt này, chủ yếu là đưa cán bộ bộ đội và những hàng cần thiết như vũ khí thuốc men vào Nam theo kế hoạch của Bộ Chính trị. Việc lựa chọn người để thành lập đơn vị, do đồng chí làm. Quân uỷ sẽ giới thiệu đồng chí với các đầu mối công tác cần thiết. Việc tuyển chọn người nhất thiết phải chọn trong số anh em ra tập kết, vũ khí chuyển vào trong ấy cũng lấy số súng chiến lợi phẩm. Phương châm hoạt động: "Tuyệt đối bí mật an toàn".

Giải thích việc thực hiện phương châm, anh Vịnh nêu tóm tắt tình hình thế giới và tình hình trong nước có liên quan đến cuộc đấu tranh của miền Nam, rồi nhấn mạnh tinh thần nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15.

Anh Vịnh nói xong, tôi đặt ra trước mặt anh một loạt câu hỏi về quan hệ chỉ huy, lãnh đạo, cách thức và phương tiện làm việc, tài chính và con đường làm từ đâu tới đâu, nguyên tắc quan hệ với miền Nam thế nào.

Anh Vịnh nói:

- Việc lãnh đạo công tác đặc biệt này là Quân uỷ Trung ương, tôi chỉ được phân công trực tiếp chỉ đạo. Trước mắt cấp cho các đồng chí 500 quân. Việc tổ chức con đường lúc đầu nên làm đến Bắc sông Bến Hải. Việc dự toán thanh toán đồng chí trực tiếp làm việc với Cục tài vụ chi phí vào quỹ của Đảng. Về phương tiện ngay những ngày đầu đồng chí được cấp một chiếc xe con, người lái xe đồng chí tự lựa chọn, còn các việc khác đồng chí mang bức thư này đến gặp đồng chí Trần Lương sẽ rõ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #16 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 02:02:01 pm »

Tôi im lặng đắm mình vào trong suy tưởng, những hình ảnh mờ ảo của con đường xuyên rừng Trường Sơn âm u và những dốc đá gập ghềnh... ẩn hiện trong óc tôi. Thấy tôi im lặng, anh Vịnh hỏi: 

- Đồng chí có còn hỏi gì nữa không?

- Vậy anh cho tôi nghiên cứu và tìm hiểu cụ thể có gì sẽ xin ý kiến anh sau - Tôi đáp. 

- Từ nay một người một ngựa, làm sao làm nên cơ đồ thì làm.

Anh Vịnh vừa nói, vừa đứng dậy dang rộng tay, đi về phía tôi. Tôi cũng đứng dậy và nói: Không hẳn ra hứa hẹn mà đúng hơn là tôi tự bộc bạch ra tâm trạng của mình. 

- Được Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương giao cho tôi nhiệm vụ này, đúng như điều tôi mong đợi. Tôi hứa sẽ đem hết sức để hoàn thành.

Tôi đi ra khỏi Bộ Quốc phòng với tâm trạng lâng lâng vui sướng như vừa nhận được một phần thưởng quí giá, xen lẫn vào tâm trạng đó là mối lo lắng đối với nhiệm vụ.

Ngay buổi chiều hôm đó tôi đến gặp anh Trần Lương ở nhà riêng. Trong một căn phòng yên tĩnh, tiếng nói trầm ấm chứa đựng những suy nghĩ của anh Trần Lương rơi thẳng vào mối mong đợi của tôi. Và từ lời kể của anh đã phác ra trước mắt tôi một khung cảnh rộng lớn của cuộc chiến tranh đang diễn ra trên mảnh đất miền Nam thân yêu Bà con miền Nam từ lâu đã nén lòng chờ đợi và đã đến lúc không còn đủ sức kiên nhẫn được nữa. Anh Trần Lương động viên tôi:

- Anh là người đầu tiên của quân đội được nhận nhiệm vụ mở đường để tiếp sức cho cách mạng miền Nam. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, trong 1959 phải đưa vào được 500 cán bộ từ trung tá trở xuống và 7000 khẩu súng bộ binh từ trung liên trở xuống để tổ chức 700 trung đội trước mắt là tự vệ đồng thời để chuẩn bị cho lực lượng vũ trang sau này. (người chỉ lấy trong số anh em tập kết, súng chỉ lấy súng chiến lợi phẩm). Cần mở thật gấp một con đường, một con đường không để lại dấu viết. Hiện nay khu năm đã có con đường giao liên thống nhất chỉ khi nào có cán bộ ra vào mới móc nối. Anh Hành tỉnh uỷ viên tỉnh Quảng Trị, anh Quyết cán bộ của khu năm hiện nay đang ở thị trấn Vĩnh Linh, sẽ nói rõ với anh kỹ hơn về tình hình tổ chức của ta của địch trên tuyến đường này như thế nào và bàn cụ thể với anh nơi tiếp nhận, khả năng tiếp nhận người, hàng mỗi ngày bao nhiêu. Anh có thể dựa vào tình hình đó để tổ chức ra tuyến đường của mình. Con đường đặc biệt này phải chú ý nhiều nhất đến việc tổ chức công tác bí mật, không được để nó thành lối mòn; nghĩa là không được để lại một dấu chân, một tàn thuốc, một cành cây gãy.

Ở nhà anh Trần Lương ra về, tôi đi bách bộ vừa đi ngắm nghía đường phố cho tâm hồn thư thái để chuẩn bị cho tối hôm nay, ngay tối hôm nay tôi phải thảo ra một kế hoạch sơ bộ, xem có thể bắt đầu từ ngày mai sẽ làm việc

Về đến nhà, tôi ngồi ngay vào bàn làm việc với sự hứng thú, như nhà thơ vừa làm ra tứ thơ. Trên trang sổ tay của tôi trải ra những dòng chữ bằng ký hiệu riêng chỉ mình tôi biết: 

“Ngày 20: sáng gặp đồng chí Mậu
chiều tới quân khu 3 xin cán bộ.
Ngày 21: Sáng sang cục quản lý xe
chiều ... ".

Một ngày đầu của con đường đặc biệt, không khác những ngày bình thường trôi qua, tôi chưa làm được việc gì đáng kể, nhưng nó đọng lại ở tôi mọi chi tiết. Mãi tới sau này tôi mới hiểu, sự trùng hợp ngày sinh của Bác với con đường mang tên Bác, thật là đẹp tuyệt vời sự trùng hợp hiếm có ấy đã làm cho lịch sử con đường Trường Sơn đẹp hơn chính nó.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #17 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 02:02:51 pm »

*
*   *

Cuối tháng 5 hầu như không mấy ngày chiếc xe "GAT 69" không đưa tôi đi trên các tuyến đường tới quân khu 3, quân khu 4, quân khu tả ngạn, sư đoàn 305... tới gặp đại tá Nguyễn Quyết, thiếu tướng quân khu trưởng Hoàng Sâm, thiếu tướng quân khu trưởng Nguyễn Đôn...

Khi nghe tôi đề đạt những yêu cầu các anh đều khuyến khích: "Vì công việc cách mạng miền Nam thì đồng chí khỏi lo, chúng tôi coi công việc đó là của chúng tôi. Mọi yêu cầu của đồng chí sẽ được thực hiện đúng thời hạn". Thật vậy, mọi việc làm tôi chưa thấy bao giờ lại trôi chảy như thế. Đúng như những điều tôi đã dự tính ban đầu: tháng 5 (1959) cơ quan đoàn bộ (559) đã hình thành và bắt đầu hoạt động.

Người đầu tiên được điều về cùng với tôi là thượng uý Lê Trọng Tầm, quê ở Hà Tĩnh, chiến sĩ Nam tiến, rồi từ miền Nam tập kết ra Bắc, được điều động về làm trợ lý cho tôi. Dần dần chúng tôi đã có một tập thể nhỏ, mỗi người làm một số việc. Tôi là đoàn trưởng, anh Thạnh du kích Ba Tơ là đoàn phó.

Anh Thạnh lên sư đoàn 305, bàn bạc cụ thể với các đồng chí Nguyễn Đường chính uỷ, đồng chí Nguyễn Minh Châu sư trưởng để lấy 500 quân. Thành lập đoàn bộ và tổ chức ban cán sự xong, chúng tôi nghĩ ngay đến trang phục của đơn vị mình như thế nào cho thích hợp. Vì phải giữ bí mật nên không sử dụng quân trang quân dụng của bộ đội, chúng tôi yêu cầu quân nhu may quần áo bà ba và sắm mũ lá cho anh em. Mặt khác chúng tôi ra chợ trời mua ba lô, bi đông, quân dụng của Pháp cũ.

Khoảng đầu tháng năm tôi vào Vĩnh Linh để họp bàn với các đồng chí Hành tỉnh uỷ viên tỉnh Quảng Trị và đồng chí Quyết cán bộ khu uỷ khu 5. Chúng tôi đã quen nhau từ trước nên khi trao đổi công việc này thì tình cảm càng đậm. Các anh tỏ ra mong đợi con đường đặc biệt mà tôi đang có nhiệm vụ tổ chức. Và nói cho tôi biết những diễn biến mới nhất về tình hình địch, ta trên tuyến đường "thống nhất".

Từ lâu liên khu uỷ 5 đã tổ chức một tuyến giao thông từ Tây Nguyên ra miền Bắc, gọi là đường "thống nhất", đường đi dọc vùng giáp ranh miền Tây các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, địch đóng đồn khá dầy cho nên mỗi năm chỉ có vài lần đưa một số cán bộ đi qua, mỗi lần đi phải bí mật tổ chức móc nối rất công phu. Những ngày gần đây địch đã tung nhiều gián điệp rình mò và lùng sục thường xuyên tuyến đường. Dân ở trên tuyến đường rất thưa thớt có cung đường đi suốt mấy ngày không có một bản làng. Trên trục đường ta không có căn cứ vững chắc, nên gặp rất nhiều khó khăn. Trong lúc địch còn mạnh ta còn yếu, muốn tổ chức một con đường, để thường xuyên qua lại được phải đặc biệt lưu ý tới tổ chức bí mật...

Trong vòng hơn ba tiếng đồng hồ, các anh Quyết, anh Hành đã dẫn tới theo những đường kẻ nhỏ xíu và dừng lại ở từng cái chấm trên bản đồ.

Đến bây giờ tôi mới có thể hình dung đầy đủ những công việc tổ chức ra một con đường chiến lược, từ việc chọn căn cứ lâu dài làm nơi tập kết bộ đội, nơi đặt kho, nơi đặt Sở chỉ huy, cách thức đặt cung trạm và cách nguỵ trang như thế nào.

Cuối buổi nói chuyện đồng chí Hành hỏi tôi:

- Có đưa vũ khí vô?

- Đó là việc chủ yếu, tôi trả lời

- Vô đến đâu?

Tôi ngập ngừng một chút mới trả lời: 

- Có thể thời kỳ này sẽ giao cho các anh ở bên này sông Bến Hải.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #18 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 02:03:38 pm »

Anh Hành tỏ ra thất vọng và buông một câu:

- Như thế thì coi như các anh không đưa gì cho miền Nam. Chúng tôi không có lực lượng vận tải, không có trinh sát bám địch, không có giao liên, không có gạo mà chỉ dựa vào cơ sở quần chúng, làm sao có thể chuyển vũ khí từ ngoài này vào. Đoạn khó nhất là nam, bắc đường số 9 và vượt qua đường số 9 địch đi lại lùng sục và tuần tra ngày đêm.

Tôi xem kỹ trên địa hình bản đồ, suy nghĩ rồi trả lời:

- Chúng tôi sẽ giao người, hàng qua phía nam đường số 9 độ ba trạm, các anh cho vài đồng chí tin cậy giúp chúng tôi trong việc mở đường và nắm tình hình địch.

Đồng chí Hành vui vẻ nói:

- Chúng tôi sẽ cử đồng chí Cương là huyện uỷ viên Hương Hoá đi cùng với các đồng chí. Tuyến đường qua vùng nào cần quan hệ với địa phương và nhờ cơ sở giúp đỡ cái gì thì đồng chí Cương sẽ lo cụ thể.

Làm xong việc, tôi về báo cáo lại kết quả công việc vừa làm với anh Vịnh. Tôi nói rõ việc cần thiết đưa vũ khí vượt qua đường 9. Anh Vịnh lắng nghe không tỏ thái độ gì và cuối cùng hạ một tiếng "được".

*
*   *

Những ngày hè ở vùng núi Quảng Trị có thứ nắng hung dữ kỳ lạ, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn lúc nào cũng nóng hầm hập, mỗi khi có làn gió tràn từ Trường Sơn xuống thì chẳng khác nào ngọn lửa táp qua mặt. Nóng nực tưởng như có thể hút cạn tất cả chất nước ở trong cơ thể.

Ba ngày liền tôi lăn lội trong khu vực rừng núi Khe Hò (tây - Vinh Linh) và vùng Thác Cóc, Bang (tây Quảng Bình) làm quen với con đường của anh em lâm nghiệp. Con đường bí mật chuyển quân của lữ đoàn 341. Vùng này đồng bào dân tộc Vân Kiều ở rất thưa thớt. Mỗi bản mươi mười lăm nóc nhà bên những đám rẫy tra lúa trồng sắn.

Qua phân tích tình hình và tình hình địa phương tôi quyết định lấy Khe Hò làm căn cứ xuất phát của con đường đặc biệt. Và lấy vùng Bang để xây dựng một nông trường chăn nuôi cỡ nhỏ cột nguỵ trang làm nơi dự bị cho Khe Hò.

Trở về Sở chỉ huy, tôi kiểm tra lại những việc đã phân công tất cả anh em đều thực hiện vượt yêu cầu. Khoảng mười ngày sau đó chúng tôi đã thành lập xong một tiểu đoàn. Tiểu đoàn đầu tiên mang hiên hiệu 301 do đại uý Chu Đăng Chữ và đại uý Nguyễn Danh phụ trách. Sang tháng bảy, chúng tôi xây dựng thêm một tiểu đoàn nữa, mang phiên hiệu 603, do thượng uý Lưu Đức và thượng uý Xá chỉ huy.

Tiểu đoàn 301 thành lập ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ) rồi đi thẳng vào Khe Hò làm nhiệm vụ mở đường vận tải và giao liên và cũng là đơn vị đầu tiên của đường Trường Sơn, tiểu đoàn 603 mang mật danh "đoàn đánh cá sông Gianh" đóng ở cửa sông Gianh, chuẩn bị mở con đường biển.

Độ này công việc của tôi càng bề bộn, vừa phải nhận người và nhận vũ khí đưa vào, vừa chỉ huy triển khai các đơn vị. Vì yêu cầu bí mật cao, có việc chỉ một mình tôi vừa là chỉ huy vừa là người lính thực hiện. Chúng tôi lấy cái bốt cũ của Pháp (gồm một lô cốt lớn và một số lô cốt nhỏ) ở Kim Lũ làm kho vũ khí và nơi làm việc của bộ phận quân nhu do đồng chí Linh phụ trách.

Thời gian chẳng còn bao lâu nữa chúng tôi phải đưa hàng nghìn khẩu súng cho miền Nam. Tôi nghĩ đến trường hợp đã đưa súng vào trong kia rồi chưa kịp phân phối mà bị địch càn thì sao, nếu không bao gói bảo quản tốt từ miền Bắc?

Vừa định thí nghiệm việc bao gói bảo quản thì rất may tôi nhận được tin, bên Bộ Công an vừa khai quật được một hầm súng của thực dân Pháp chôn giấu để đưa lại cho bọn gián điệp hoạt động. Tôi đến anh Phạm Kiệt xin được một bó súng và một hòm đạn. Tôi và đồng chí Linh mở ra xem cách thức chúng bao gói như thế nào và chúng tôi đã lấy hai khẩu súng trường của mình và một hộp đạn, cũng bôi mỡ bọc gói làm theo đúng như vậy, rồi đem tới một chỗ kín đáo sông Tô Lịch thả xuống. Một tháng sau chúng tôi vớt bó súng đó lên xem, không có hoen gỉ. Từ đó những bao vũ khí gửi vào Nam chúng tôi đều làm công tác bảo quản như vậy

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #19 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 02:05:09 pm »

*
*   *

Các tiểu đoàn đã vào vị trí tập kết. Trong thời gian nhận nhiệm vụ, anh em đã học tập chính trị, học nội quy bảo mật, tập đi rừng và ở rừng trong điều kiện bí mật. Đầu tháng bảy (1959) chúng tôi họp ban cán sự mở rộng tới thủ trưởng các tiểu đoàn, để triển khai lại công tác chuẩn bị triển khai đặt trạm.

Ban cán sự đã quyết định tiểu đoàn 301 gồm 12 trung đội, chín trung đội phụ trách chín trạm. Còn lại là các trung đội trinh sát và trung đội dự bị trực thuộc tiểu đoàn - tiểu đoàn có nhiệm vụ mở một đường xuyên sơn từ Khe Hò đến Phin (nam đường 9). Việc nghiên cứu rải rác trạm tiếp nhận trên dọc đường, chúng tôi đã phân công anh Thạnh, cùng các cán bộ tiểu đoàn của tiểu đoàn 301 làm trong tuần đầu tháng bảy (1959).

Được sự giúp đỡ của tỉnh uỷ Quảng Trị anh em cán bộ đơn vị tôi đã nắm bắt được tình hình địch cụ thể chọn địa điểm đặt trạm và bố trí một số tổ trinh sát để bám địch trên đường 9.

Công việc rải trạm được xúc tiến khẩn trương. Tôi và anh Thạnh phân công nhau trực tiếp hướng dẫn và thảo luận với anh em về nội dung nhiệm vụ, phương pháp hoạt động của các trạm, nhất là công tác bí mật.

Khí thế tiến công của đơn vị thật đáng mừng, tôi thấy không có một người nào tỏ thái độ do dự trước khó khăn, anh em đã nhìn thấy công việc của mình sẽ gian khó nguy hiểm như thế nào, khi từng tổ nhỏ ở rừng không có lán trại, trong vùng địch tạm chiếm hàng ngày lại phải làm công tác giao liên nặng nề. Chúng tôi không những không giấu những khó khăn đó mà còn gợi ra để anh em nhìn thấy trước mà tìm cách khắc phục. Nhiều chiến sĩ nói: "Vì nhiệm vụ giải phóng miền Nam dù có phải hy sinh tôi cũng không tiếc thân mình!" .

Ở Sở chỉ huy chúng tôi tiếp tục làm công tác tổ chức đưa hàng từ hậu phương vào, mặt khác vẫn theo dõi từng giờ kết quả hành quân của đơn vị, mặc dầu phương tiện thông tin rất hạn chế.

Khi những trạm giao liên được rải đến sát đường 9 thì chúng tôi nhận được tin đại uý Chữ bị địch bắt.

Công việc đặt trạm phải ngừng mất 10 ngày, chúng tôi ra lệnh cho cán bộ ở trong bờ nam Bến Hải ra báo cáo. Sự thật thì chỉ do kỹ thuật thông tin chưa tốt mà nắm tin sai, còn đồng chí Chữ vẫn bình an vô sự.

Việc rải trạm giao liên được tiếp tục an toàn.

Đặt trạm xong, chúng tôi bồi hồi theo dõi việc chuyển vận vũ khí. Hàng ngày tôi đọc những bức điện của đồng chí Chữ gửi về. Những tờ ghi điện màu hồng nhạt thường đem đến cho tôi niềm vui.

Hôm ấy anh em đã vận chuyển đến trạm cuối cùng, chúng tôi chờ điện như chờ báo tin kết thúc trận đánh. Đồng chí liên lạc vừa đưa cho tôi bức điện, mấy dòng chữ ngắn ngủi: “20-8-59. Chúng tôi đã giao hàng ở Pa Linh an toàn. Chu Đăng Chữ ký". Tôi muốn reo lên vì vui mừng.

Bộ phận chuẩn bị cán bộ quân sự cho miền Nam do các đồng chí Minh, Thân, Lộc phụ trách cũng đã chuẩn bị xong được một số cán bộ và bắt đầu lên đường. Thế là bước đầu đoàn 559 chúng tôi đã phá vỡ ra một mảng hàng rào ngăn cách Bắc - Nam mà âm mưu của kẻ thù đã ra sức dựng nên hơn bốn năm nay. Sức mạnh của căn cứ địa miền Bắc đã bắt đầu tiếp sức cho cách mạng miền Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM