Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:24:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cách mạng văn hoá liệt truyện - Tập 2  (Đọc 56830 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 10:38:59 pm »


7. Giữ lại cái đầu người để nói chuyện

Ở phòng Phúc Kiến trong Đại lễ đường Nhân dân, Chu Ân Lai liên tục đi đi lại lại. Ông là người giỏi xử lý các mâu thuẫn phức tạp được cả thế giới công nhận, nhưng giờ phút này, ông lại cảm nhận một cách sâu sắc rằng mình đã rơi vào sự lúng túng khó xử.

Lâm Bưu đã hai lần nói chuyện với ông về vấn đề Hạ Long. Giang Thanh và Khang Sinh cùng một số người trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương cũng nhiều lần lấy vấn đề Hạ Long để vặn hỏi trong các cuộc hội ý. Trong tình hình hiện nay mà nói, suy đi xét lại, ông cảm thấy trước mắt vẫn chưa thể ngả ván bài cuối cùng với Lâm Bưu và Tổ cách mạng văn hóa Trung ương trong vấn đề Hạ Long, càng không thể công khai đối lập gây chuyện rắc rối.

Hạ Long và tình hình của Trần Nghị không hoàn toàn giống nhau. Trong Quốc vụ viện (Chính phủ - N.D) quan hệ giữa Chu Ân Lai với hai Phó Thủ tướng Trần Nghị và Hạ Long có gần gũi mật thiết hơn, đã từng lặng lẽ ra cửa hàng ngoài phố ăn cơm, đã từng đi dạo phố, bình thường qua lại cũng thân thiết. Đối với Trần Nghị ông có thể kiên quyết bày tỏ thái độ. Các anh muốn bắt Trần Nghị chỉ có bước lên người tôi mà đi. Nhưng đối với Hạ Long, ông đã suy đi xét lại mà không có thái độ ấy.

Đối với Hạ Long, Lâm Bưu thấy phải trừ cho được mới yên lòng. Ông ta muốn đánh đổ Hạ Long, hơn nữa đã tổ chức được một lực lượng tương đối, đã đưa ra rất nhiều “tội chứng”, trong tình trạng hỗn loạn, trong chốc lát khó có thể điều tra làm rõ cũng không dễ phản bác. Còn Lâm Bưu lại là Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản, là người nối nghiệp Mao, từ quan niệm tổ chức mà xét thì Chu Ân Lai không thể không nghe theo ý kiến của ông ta. Công khai bảo vệ Trần Nghị sẽ không phải chơi ván bài ngửa với Lâm Bưu; nhưng nếu công khai bảo vệ Hạ Long thì phải chơi ván bài ngửa với Lâm Bưu.

Sự hăng hái muốn đánh đổ Hạ Long của những người trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương như Giang Thanh, Trương Xuân Kiều cũng mạnh hơn rất nhiều sự hăng hái đánh đổ Trần Nghị. Huống hồ, Mao Trạch Đông và Trần Nghị còn qua lại làm thơ làm từ, sự trao đổi thơ và từ giữa các văn nhân có thể phát triển đến độ vượt qua tình thân mật riêng tư của quan hệ đồng chí. Những người lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản đều biết, trong Đảng, Mao Trạch Đông rất ít có tình thân mật riêng và quan hệ bạn bè, ông chỉ giữ và phát triển quan hệ bạn bè và tình thân mật riêng với các nhân sĩ dân chủ ngoài Đảng. Trong Đảng Cộng sản, có thể coi quan hệ với Trần Nghị gần như là một ngoại lệ duy nhất. Tất nhiên, điều đó cũng không phải là không có quan hệ với tính cách của Trần Nghị. Chính vì nguyên nhân này mà những người muốn đánh đổ Trần Nghị cũng chỉ có thể một vừa hai phải.

Tình hình của Hạ Long thì không như thế. Chu Ân Lai quan sát, đắn đo nhiều lần thậm chí còn trực tiếp thỉnh thị xin ý kiến, ông có cảm giác là Mao Trạch Đông bảo vệ Hạ Long. Về căn bản mà xét, không nên đánh đổ Hạ Long, nguyên nhân ấy trước tiên là chính trị chứ không phải tình cảm. Xem xét ảnh hưởng của Hạ Long, công lao của Hạ Long, Hạ Long với tư cách là một ngọn cờ của Phương diện quân thứ 2, có vị trí rất quan trọng trong lịch sử...

Nhưng sự xem xét về mặt chính trị, mãi mãi tồn tại một sự “cân bằng” và “lấy hay bỏ”. Khi mâu thuẫn giữa Lâm Bưu và Hạ Long không thể điều hòa một cách đơn giản thì vấn đề sẽ rắc rối ngay. Huống hồ, Lâm Bưu lại đưa ra nhiều “tội chứng” như thế. Trong tình hình khó có thể điều tra làm rõ ràng, Mao Trạch Đông cũng không tránh khỏi có sự nghi ngờ, đã nghi ngờ thì sẽ đồng ý để thẩm tra.

Trong thời kỳ bất thường, tình thế bất thường, thẩm tra là một việc làm nguy hiểm. Sự lựa chọn tốt nhất là “che chở”, gọi là “giữ lại cái đầu người để dễ nói chuyện”. Tạm thời chưa làm rõ, thì trước tiên là hạ bệ, gạt ra một bên để bảo vệ, khi thời cơ chín muồi sẽ tính sau. Cái sự “bảo vệ” ấy, không phải là ở chỗ nói mấy lời đồng tình, hoặc rơi mấy giọt nước mắt thông cảm, hoặc công khai hô hào một cách khảng khái hùng hồn. Quan trọng chỉ có một điều: giữ lại cái đầu.

Có thể làm tổn thương đến thân thể, quá lắm cũng chỉ là mượn tay quần chúng, nhưng hễ “giao cho quần chúng” “phê phán đấu tố” thì chẳng còn chút an toàn nào đáng nói nữa. Đó là điều gốc trong mọi suy nghĩ của Chu Ân Lai. Để bảo đảm cho điều này thì không thể bộc lộ “cái nhân từ của người đàn bà”, cần phải cứng rắn thì phải cứng rắn, không thể sợ người ngoài bàn luận, người đời sau hiểu lầm và người thân đau xót…

Đang chìm đắm trong suy nghĩ thì có tiếng gõ cửa, nhân viên công tác đưa quyền Tổng Tham mưu trưởng Dương Thành Vũ vào.

“Chào Thủ tướng”, Dương Thành Vũ chào, “Tôi đã đến”. Chu Ân Lai gật gật đầu, lấy tay ra hiệu rồi ngồi xuống cách Dương Thành Vũ mấy chiếc ghế.

“Có một việc muốn bàn với đồng chí một chút”, Chu Ân Lai hoàn toàn nói với khẩu khí bàn công việc, đồng chí Hạ Long hiện này đang ở nhà tôi, ở đây đã được ba bốn ngày. Tiếp tục ở đây không phải là cách hay. Ở lâu người ta sẽ nói. Trở về thì không được, số quần chúng ấy làm ghê gớm lắm. Mời đồng chí đến suy nghĩ giúp tôi, tìm một nơi, vừa kín đáo lại vừa an toàn, sắp xếp cho Hạ Long, bảo vệ cho đồng chí ấy”.

Dương Thành Vũ trầm ngâm một chút, nêu ý kiến “Tây Sơn có được không ạ? Là cơ quan Quân ủy, không ai có thể truy đuổi”.

Chu Ân Lai ngẫm nghĩ, hỏi: “Bây giờ ai ở đấy?”

“Nguyên soái Diệp (Kiếm Anh), Nguyên soái Nhiếp (Vinh Trăn), Nguyên soái Từ (Hướng Tiền)”.

“Thế thì không được”. Chu Ân Lai lắc đầu, “mấy vị nguyên soái ở một nơi, với tình hình Hạ Long hiện nay, người ta sẽ bàn tán, cuối cùng vẫn không bảo vệ được”.

“Núi Ngọc Tuyền thì sao ạ?” Dương Thành Vũ lại đề nghị.

“Càng không được” Chu Ân Lai lại lắc đầu, “Núi Ngọc Tuyền là nơi ở của Thường vụ Trung ương, sẽ càng phiền phức hơn”.

Dương Thành Vũ bóp cằm rất lâu không nói.

“Tôi không nghĩ ra nơi nào cả”. Dương Thành Vũ ngẫm nghĩ rồi nói: “Chỉ có Tượng Tỵ Tử Câu (Khe vòi voi - N.D), đó là nơi chuẩn bị chiến tranh của Quốc vụ viện. Nơi này và Tây Sơn đều là nơi tôi phụ trách làm hồi trước chỗ Quân ủy ở Tây Sơn thì dùng số lẻ còn Tượng Tỵ Tử Câu thì dùng số chẵn, chỉ có hai nơi này là tôi thuộc một chút”.

Chu Ân Lai hỏi: “Tượng Tỵ Tử Câu có ai ở đó?”

“Không có ai ở”. Dương Thành Vũ đáp.

“Được, Chu Ân Lai quyết định. “Vậy thì ở Tượng Tỵ Tử Câu. Anh chọn một phòng ở gần hầm trú ẩn nhất, dù thế nào cũng không được để rơi vào tay Hồng vệ binh hoặc một tổ chức quần chúng nào đó”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 10:40:06 pm »


8. Con rồng sống bị hãm chết trên bãi cát

Trong ánh sáng ban mai lóe lên một ngôi sao, đang nhấp nháy trước chiếc xe gíp, dần dần nhìn rõ một ngọn đèn, lẻ loi treo trên nóc một ngôi nhà có diện tích rất lớn.

Tiếng phanh xe rít lên, chiếc xe đột ngột dừng lại, lái xe ném ra một câu chẳng vui vẻ gì: “Đến rồi, xuống xe!”.

Hạ Long và Tiết Minh nhổm người về phía trước theo quán tính, chưa đợi ngồi yên chỗ, cửa xe đã bật mở.

Tiết Minh vội xuống xe, để Hạ Long vịn vai chui ra khỏi xe, trước sau họ đã có hai viên sĩ quan đứng đó không có quân hàm, qua dáng điệu phỏng đoán là cán bộ cấp tiểu đoàn hoặc trung đoàn.

“Thủ trưởng đến chỗ chúng tôi nghỉ, chúng tôi hoan nghênh”. Một viên sĩ quan lạnh nhạt nói. Không bắt tay, quay người đi trước vào cửa ngôi nhà lớn. Hạ Long và Tiết Minh theo sau anh ta, từng bậc từng bậc đi lên một thềm rộng. Thềm rộng cao cách mặt đất khoảng 3 mét, đi qua thềm đến trước cửa nhà. Cửa mở hai bên, gồm bốn cánh cửa kính, viên sĩ quan chỉ biết đi vào một mình. Tiết Minh đi liền phía sau phải đẩy cửa, nhưng lò so rất chặt, Tiết Minh phải dùng hết sức mới đẩy được, sau đó đỡ Hạ Long đi vào. Một mùi ẩm mốc bốc lên xộc vào mũi, Tiết Minh hít mấy hơi theo tiềm thức, không thấy một chút hơi người. Rõ ràng là nhiều năm nay không có ai ở đây, lớp xi măng láng trên mặt đã phủ một lớp bụi dày, bước chân đi qua để lại từng vết rất rõ ràng.

Hạ Long hơi nhíu lông mày, đi dọc theo hành lang rộng, vừa nhìn những cửa ra vào có hai cánh, vừa hồi tưởng lại cái gì đó.

Hai viên sĩ quan người trước người sau dẫn họ qua một phòng khách lớn, đi vào một phòng tiêu chuẩn, trong phòng chỗ nào cũng bụi, góc phòng chăng đầy mạng nhện, mùi mốc nồng nặc xộc lên mũi làm Tiết Minh liên tục hắt hơi. Hạ Long cũng dùng mùi xoa xì mũi. Không chờ họ thích ứng với mùi vị trong phòng, viên sĩ quan lạnh nhạt tuyên bố: “Các vị nghỉ ở đây”.

Trong nháy mắt, hai viên sĩ quan đã mất hút.

Hạ Long và Tiết Minh đứng ngây giữa phòng, bốn mắt nhìn nhau. Họ đã “hoan nghênh” thu trưởng đến “nghỉ” như thế hay sao?

Trong phòng trơ trọi một chiếc bàn viết rộng, bụi phủ kín mặt bàn, làm cho nó không còn nguyên màu nữa; bốn chung quanh trống không, không có bất cứ đồ gia dụng nào, bình nước, cốc chén cũng chẳng thấy.

Rồng bị vây khốn ở bãi cát, hổ lạc giữa đồng bằng, Hạ Long than thở về lời gièm pha ám hại, họa của Đảng khởi tự gian thần; Lâm Bưu bảo: Mọi sự việc trên thế giới chẳng ai nói rõ được.

Hút thuốc nhiều, nói chuyện ít, Hạ Long đi đi lại lại trong phòng giam ở Tượng Tỵ Tử Câu, chiếc gậy khua làm tường kêu, đất kêu cả núi cũng kêu. Viết thư không người đưa, điện thoại không gọi được, những ngày lẻ loi như nung như nấu ấy lại dành cho “con rồng sống” có tính tình nóng như lửa và thói quen nói to, làm sao có thể trôi qua được đây?

Sẩm tối, Hạ Long vẫn nhìn bầu trời ngoài cửa sổ trầm ngâm không nói. Tiết Minh nằm then giường lặng im. Người phụ nữ Trung Quốc được trời phú cho một đức hạnh tốt là sự kiên nhẫn như bàn thạch. Họ có thể lặng lẽ nhẫn chịu nỗi cực khổ mà ngươi đàn ông không sao chịu đựng nổi. Để giữ cho Hạ Long lượng nước uống tối thiểu, có khi bà phải mím môi lặng im suốt ngày, vì nói nhiều một câu cũng sẽ mất đi một lượng nước. Nhìn thấy sức khỏe và hình dáng của Hạ Long ngày một suy yếu, tiềm năng trong người Tiết Minh càng dồi dào lạ thường, có khi cả ngày chỉ uống nửa ca nước, nhưng lại có thể làm mọi công việc để chăm sóc Hạ Long.

Sự đau khổ vì bị mất nước nghiêm trọng đã làm cho bà suốt ngày thiêm thiếp nhưng lại không sao ngủ được đang lúc phải chịu đựng trong sự nung nấu, thì bên tài bỗng vang lên tiếng nói của Hạ Long.

“Này, còn nước không?”

“Còn một chút”.

“Rót hết ra, chúng mình sẽ uống cho đã”.

“Không được”. Tiết Minh nói rất kiên quyết. Bà vất vả trở dậy lấy bình nước và ca men, chín mười giờ ngày mai mới có nước, phải để lại một ít. Tôi rót cho ông một ít, ông chịu khó nhịn, uống ít thôi. Tôi không uống”. Tiết Minh chỉ rót một hớp đưa cho Hạ Long, Hạ Long không cầm, chỉ vào chiếc phích. Rót ra, rót hết ra, tôi bảo bà rót thì cứ rót...”.

Tiết Minh nhìn Hạ Long, đôi mắt Hạ Long lấp lánh, trong đôi mắt lộ ra một tình cảm thật là phức tạp, vừa êm dịu, vừa buồn thương lại vừa vững vàng không chút nghi ngờ. Tiết Minh cảm thấy có một sức mạnh không thể chống lại đang cổ vũ mình, bà thở dài rồi rót tất cả nước ra ca, được nửa ca nước.

Đối với người bệnh tiểu đường đã 71 tuổi, trong một ngày nóng bức chỉ cho một bình nước. Không rửa mặt, không súc miệng thật khó mà chịu nổi. Hạ Long phải hứng nước mưa để cứu cấp. Một lần mưa to, ông đã ngã ở ngoài ban công, bị đau lưng, 18 ngày phải nằm không động đậy.

Thức ăn mà Hạ Long thường xuyên ăn là rau cải thìa luộc, củ cải luộc. Có một lần, người đưa cơm đã đổ tất cả xuống đất. Tiết Minh nhìn khuôn mặt xanh gầy của Hạ Long, hỏi ông: “Ông đói rồi phải không?”. Vị nguyên soái đau buồn nhếch mép cười: “Phải, coi như bà nói đúng”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 10:42:03 pm »


9. “Chủ nghĩa nhân đạo” của thời đại điên rồ

Một bác sĩ được cử đến chữa bệnh, đã được tổ chuyên án “thẩm tra chính trị” tới 6 lần, quả thật là đã dày công lựa chọn. Anh ta tịch thu hết mọi thứ thuốc cần dùng mà Hạ Long đã chuẩn bị cho mình, nên bệnh tình của Hạ Long ngày càng xấu đi. Ngày 27 tháng 3 năm 1968, đột nhiên Hạ Long không nói ra tiếng, mồm bị méo, đau đầu dữ dội, nên được đưa đến bệnh viện. Theo chỉ thị “Điều trị để phục vụ chuyên án” của Khâu Hội Tác, trên giấy chẩn đoán đã viết: “Vờ ốm”, biện pháp trị liệu là “Mời các vị chúa tể của quân y có liên quan”. Đường đường là một Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Nguyên soái Hạ Long, mà trên bệnh án họ tên lại viết thành: Vương Ngọc.

Hạ Long phát hiện thấy sự quỷ quyệt của họ, nói với vợ: “Họ nhất quyết muốn kéo dài cái chết của tôi, giết người không thấy máu đây!”.

Sáng sớm ngày 8 tháng 6 năm 1969, Hạ Long nghiêng đầu nhắm mắt, thẳng lưng ngồi trên chiếc ghế nghe xong buổi phát thanh thời sự có các đài phát thanh địa phương tiếp âm.

Tiết Minh vừa tắt máy thu thanh bán dẫn, Hạ Long bỗng há miệng, đầu vươn ra rồi “oẹ” một tiếng, nôn ra một bãi nước vàng, chưa kịp thở đã lại liên tục nôn oẹ, như trong dạ dày đột ngột trào nước ra, kéo dài mấy phút, rồi mới dịu dần.

Tiết Minh vừa dùng hộp nhựa hứng nước nôn, vừa lấy tay vuốt lưng cho Hạ Long, cho đến khi ngớt đi mới giúp ông lau miệng, rót nước để ông súc miệng.

Vừa súc miệng xong, lại như thủy triều lúc lên lúc xuống, Hạ Long lại “oẹ”, nôn ra nước vàng. Ông nôn oẹ rất ghê, cổ bạnh ra căng cứng, không thở được, như muốn nôn ra mọi thứ dịch trong dạ dày, cứ như là nôn ra cả lục phủ ngũ tạng vậy.

Kéo dài mãi đến 12 giờ trưa, bác sĩ Vương do “cấp trên cử đến” mới trở về, nghe Tiết Minh kể xong bệnh tình, không có ý kiến gì, chỉ nói: “Biết rồi, biết rồi”.

3 giờ chiều, Hạ Long vẫn nôn oẹ không dứt, bác sĩ Vương tiêm cho ông một mũi “giảm nôn”. Đây là một “biện pháp điều trị” duy nhất sau 8 tiếng đồng hồ Hạ Long bị trúng độc nặng.

Sau khi tiêm thuốc giảm nôn, thì bệnh viện đưa đến một bát canh dưa chuột, trên bát canh vẫn nổi lều bều những hạt dưa như những bữa trước, đưa đũa khoắng chỉ có vải miếng vỏ dưa. Hạ Long vừa nói một câu: “Bà xem canh này...” thì một cơn nôn dữ dội lại ập đến.

5 giờ chiều, huyết áp Hạ Long tụt xuống, bụng trên đau thắt dữ dội. Vì phải đợi “chỉ thị của cấp trên”, nên vẫn chưa có bác sĩ thật sự đến, cũng chẳng thực hiện bất cứ một biện pháp chữa trị nào.

Lại qua 4 tiếng đồng hồ, cuối cùng có hai bác sĩ ở Bệnh viện 267 đến, cầm giá tiếp nước và bình nước đến phòng của Hạ Long. Chẳng thèm nghe kể bệnh tình cũng chẳng có bất cứ sự kiểm tra nào, cứ thẳng thừng tiếp nước cho Hạ Long. Trong phòng ánh sáng điện mờ mờ, Tiết Minh lo lắng hỏi: “Bệnh gì, các bác sĩ cũng không khám ư?” Bác sĩ lạnh lùng đáp: “Dù là bệnh gì, thì cứ tiếp nước đã rồi tính sau”.

Tiết Minh nhìn nhãn của hai bình nước, một bình là dung dịch Gơ-lu-cô, một bình là nước muối đẳng trương. Tiết Minh biết người bị bệnh tiểu đường không thể tùy tiện dùng huyết thanh có nồng độ cao, như vậy sẽ tăng thêm ngộ độc a-xít của bệnh tiểu đường, vội vàng nói: “Bác sĩ, các anh nên nhanh chóng kiểm tra xem bệnh gì đã, nếu không sẽ làm bệnh nặng thêm. Ông ấy bị bệnh tiểu đường đã lâu, nếu bị ngộ độc a-xít của bệnh tiểu đường thì các anh nên dùng thuốc đặc hiệu In-su-lin của bệnh tiểu đường. Nếu các anh cho là xét nghiệm máu chậm, thì xét nghiệm nước tiểu trước”.

Hai bác sĩ phớt lờ đáp: “Bà ngồi đây trông nom ông ấy, để chúng tôi đi nghiên cứu cái đã”.

Nói đoạn, hai bác sĩ ra khỏi phòng. Bên ngoài phòng có rất nhiều người, bao gồm cả nhân viên tổ chuyên án, họ không hề nghiên cứu bệnh tình, mà lại nghiên cứu “xu thế mới của đấu tranh giai cấp”, muốn thẩm tra rõ có phải vì Hạ Long sợ tội mà tự sát “hay không?”.

Đó chính là nét đặc sắc căn bản của thời đại điên rồ ấy.

Một lát sau, hai bác sĩ vào phòng, Tiết Minh vội chạy lại cầu khẩn: “Bác sĩ, trị bệnh cứu người là chức trách của các anh, kéo dài đã hơn 13 tiếng đồng hồ rồi, xin các anh nhanh nhanh kiểm tra lại, xét nghiệm nước tiểu trước”.

“Được, được, được” bác sĩ trả lời rất sảng khoái. “Xét nghiệm nước tiểu nhưng phải xem ông ta có tiểu tiện được hay không?”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 10:42:30 pm »


Hạ Long đã nôn một ngày, muốn có nước tiểu rất khó, Tiết Minh đã tìm được một cái ca, mãi lâu sau mới được một vài giọt nước tiểu. Bác sĩ Vương do “cấp trên cử tới” đứng bên đợi cầm lấy ca rồi chạy biến mất.

Tiết Minh thở phào, bà cho là anh ta cầm đi kiểm tra tiểu đường, nào ngờ, bác sĩ Vương đem ca nước tiểu đến sở xét nghiệm thuốc ở Bình Đài, để xem có phải Hạ Long “vì sợ tội mà uống thuốc độc tự sát” hay không.

Khi các nhân viên chuyên án đang bện cho Hạ Long chiếc mũ “sợ tội mà tự sát” thì từng giọt từng giọt nước đường Gơ-lu-cô nồng độ cao mà đối với người bị tiểu đường không thể dùng tùy tiện đang chảy vào huyết quản của Hạ Long. Bệnh tình của Hạ Long xấu đi nhanh chóng. Tiết Minh sốt ruột ngồi túc trực bên ông, chờ kết quả xét nghiệm. Bà thấy môi Hạ Long trắng bệch, vội cúi người hỏi: “Có khát không?”.

“Khát”. Tâm trí Hạ Long vẫn tinh táo.

Tiết Minh tìm bác sĩ: “Ông ấy muốn uống nước có được không?”

“Chúng tôi không biết”. Bác sĩ lạnh lùng đáp, uống rồi nôn, bà chịu trách nhiệm”.

Tiết Minh cầm ca nước đến đỡ Hạ Long ngồi nghiêng uống nước, nước uống không vào, rớt ra ngoài. Hạ Long “ầy” một tiếng, Tiết Minh vội nâng đầu Hạ Long cao hơn. Hạ Long uống ừng ực mấy ngụm liền.

“Còn khát không?”

“Nghỉ một tí rồi lại uống”. Hạ Long hổn hển nói.

Một lúc sau, Tiết Minh lại cho Hạ Long uống nửa ca nước. “Được”, Hạ Long hít thở mấy hơi: “Dễ chịu một chút rồi”.

Trong lòng Tiết Minh cũng thấy “dễ chịu một chút”. Bà lại gặp mấy bác sĩ lạnh lùng: “Bác sĩ, các anh đo giúp cho huyết áp đi?”

Bác sĩ ngồi yên. Sau khi đến, từ đầu đến cuối, họ không làm một chút công việc kiểm tra thông thường đơn giản nhất nào cả.

“Tôi tự đo lấy”. Tiết Minh cố nén nỗi tức giận trong lòng, đo huyết áp cho Hạ Long: “170/100”.

“Bà chớ có lạc quan”. Bác sĩ cười một cách độc ác: “Lúc nữa thôi huyết áp của ông ta sẽ tụt, thở một lúc là xong”.

Tiết Minh giận đến run người: “Các anh có phải là thầy thuốc không? Việc các anh nên làm là cứu người sắp chết, giúp người bị thương, vậy mà bây giờ các anh làm cái gì? Sớm muộn gì các anh cũng sẽ có ngày cảm thấy xấu hổ về những việc làm của mình...”

“Những điều chúng tôi nói là thật”. Bác sĩ vẫn lạnh lùng: “Không tin, bà cứ chờ một lúc mà xem”.

Cho mãi đến 5 giờ sáng ngày 9 tháng 6 năm 1969, bác sĩ của Bệnh viện 301 mới đến Tây Sơn, đặt Hạ Long lên cáng rồi khiêng đi. Hạ Long bỗng mở mắt: “Tôi không ở, đấy không phải là bệnh viện, thật như nhà tù!”.

8 giờ 55 phút vào nằm Bệnh viện 301, do người phụ trách bệnh viện làm việc theo mệnh lệnh của Khâu Hội Tác, không có bất cứ một sự chuẩn bị cấp cứu nào, cho nên kéo dài đến 10 giờ 25 phút mới bắt đầu điều trị.

Khi hội chẩn, không có bất cứ một bác sĩ nào nhìn thấy Hạ Long, họ chỉ có thể căn cứ vào “báo cáo tình hình” của bác sĩ điều trị để tiến hành “hội chẩn”. Hội chẩn kết thúc không lâu, vị Nguyên soái của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một trong những người sáng lập ra Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, vị nguyên huân khai quốc đã khiến tất cả mọi kẻ thù nghe tiếng phải sợ đã ngậm hờn từ giã thế gian.

Đó là lúc 15 giờ lẻ 4 phút ngày 9 tháng 6 năm 1969 Công nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 12:05:25 pm »


3
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa án oan số một
Lưu Thiếu Kỳ chết thảm trên đất phủ Khai Phong


1. Lưu Thiếu Kỳ gây thù hằn với Mao Trạch Đông

Từ lâu Mao Trạch Đông đã không bằng lòng với Lưu Thiếu Kỳ.

Ngày 6 tháng 8 năm 1962, hội nghị Bắc Đới Hà của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được triệu tập, Mao Trạch Đông phát biểu đầu tiên trong Hội nghị: “Tôi chuẩn bị nói ba vấn đề, một là, Nhà nước Xã hội chủ nghĩa có tồn tại giai cấp và đấu tranh giai cấp hay không; hai là, vấn đề tình hình quốc tế và trong nước; ba là, vấn đề mâu thuẫn trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhà nước Xã hội chủ nghĩa có mâu thuẫn hay không, theo tôi sự tồn tại giai cấp trong nước sẽ lâu dài, không phải là mấy chục năm mà là mấy trăm năm. Có tồn tại giai cấp thì sẽ tồn tại mâu thuẫn giai cấp. Trong Đảng, cuộc đấu tranh này biểu hiện ở sự đấu tranh giữa chúng ta với chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh cũng là chủ nghĩa xét lại. Hiện nay xu hướng làm ăn riêng lẻ, xu hướng đòi xử lại án, xu hướng đen tối đang ào đến rất gấp…”

Mao Trạch Đông nói về đấu tranh rất hấp dẫn mọi người, luận cổ bàn kim, rõ ràng mạch lạc. Rất nhiều người tham gia Hội nghị lại thấy căng thẳng, vừa có thể được ăn bữa cơm no thì lại dấy lên phong trào, không biết lần này sẽ là ai gặp xúi quẩy đây.

Mao Trạch Đông đang nói say sưa thì không ngờ Lưu Thiếu Kỳ lại nói xen vào, bỗng chốc cắt ngang câu chuyện của ông. Trước đây trong cuộc họp, chỉ có Mao Trạch Đông mới nói xen vào lời phát biểu của người khác, còn chẳng có ai dám nói xen vào lời phát biểu của Mao Trạch Đông. Lần này Lưu Thiếu Kỳ không những nói xen vào, hơn nữa lại nói rất lâu, rõ ràng là giọng khách át giọng chủ. Trong đó có một câu đã làm Mao Trạch Đông tức giận, là trong lời nói xen của Lưu Thiếu Kỳ đã nhấn mạnh: “Phải phòng ngừa vấn đề gì cũng liên hệ với đấu tranh giai cấp”. Mao Trạch Đông đã nhạy bén phát hiện ra rằng, đây là việc Lưu Thiếu Kỳ lấy danh nghĩa nói xen để phê phán lời phát biểu của mình vừa rồi.

Sau khi tan họp hôm ấy, Mao Trạch Đông rất cáu, liên tục hút thuốc lá, uống nước trà. Giang Thanh đến bên nói như đổ thêm dầu vào lửa: “Chủ tịch, xem Lưu Thiếu Kỳ viết những gì ở đây”, Mao Trạch Đông cầm lấy cuốn tạp chí mà Giang Thanh đưa, hóa ra là cuốn tạp chí “Hồng kỳ” xuất bản ngày 1 tháng 8. Tạp chí số này đã đăng toàn văn tác phẩm của Lưu Thiếu Kỳ “Bàn về sự tu dưỡng của người đảng viên cộng sản”. Cuốn sách này là bài nói chuyện của Lưu Thiếu Kỳ lúc còn ở Diên An, sau này được Trung ương in thành sách riêng lưu hành trong nội bộ Đảng. Lần in này coi như là tái bản. Mao Trạch Đông giở đến những chỗ mà Giang Thanh gấp trang để đánh dấu, một đoạn văn đập ngay vào mắt: “Những người này căn bản không hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà chỉ là nhắm mắt nói bừa một số thuật ngữ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tự cho là Mác, Lê-nin của Trung Quốc, làm ra vẻ Mác, Lê-nin xuất hiện trong Đảng... Hơn nữa không một chút hổ thẹn yêu cầu đảng viên chúng ta tôn trọng anh ta như tôn trọng Mác Lê-nin, ủng hộ anh ta làm “lãnh tụ”, lấy sự trung thành và nhiệt tình để báo đáp anh ta”.

Mao Trạch Đông biết, đoạn văn này của Lưu Thiếu Kỳ là phê bình Vương Minh (người theo đường lối “tả” khuynh sau Lý Lập Tam - N.D), nhưng Vương Minh đã bị sụp đổ từ lâu, đã đến cư trú ở Liên Xô. Vậy bây giờ công bố lại đoạn văn này là nhằm vào ai đây?” Ai là lãnh tụ của Đảng Cộng sản? Nghe nói trước khi in “Bàn về sự tu dưỡng của người đảng viên cộng sản”, Lưu Thiếu Kỳ đã sửa chữa rất nhiều, nếu như ông ta vẫn còn trung thành với mình như thời kỳ ở Diên An, thì trước khi tái bản ông ta còn có thể để nguyên xi đoạn văn này hay không? Xem ra đây không phải là sự sơ suất nhất thời, Mao Trạch Đông nghĩ đến đây, tức giận vứt cuốn tạp chí xuống đất. Giang Thanh nhặt cuốn tạp chí lên, cười nhạt: “Chuyện đã rõ rồi, họ đối với Chủ tịch là kính nhi viễn chi, coi Chủ tịch như một vị Bồ Tát để lễ, cúi đầu lễ xong, coi như hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đi một số nơi, bây giờ các chư hầu chẳng ai nghe lời của Chủ tịch nữa, tôi nói cái gì họ càng chẳng thèm để ý, nhưng đối với những lời của Lưu Thiếu Kỳ thì họ coi như thánh chỉ?” Mao Trạch Đông đột nhiên nổi khùng quát lớn: “Cô cút đi, cút đi”. Giang Thanh khóc gào lên: “Chẳng phải là tôi chỉ muốn điều tốt cho ông hay sao?” Rồi chạy ra ngoài.

Sau khi Giang Thanh đi, Mao Trạch Đông chìm trong sự trầm tư, xem ra bây giờ phải chuẩn bị phản kích. Ông gọi điện thoại cho Lâm Bưu, bảo ông ta đến. Từ sau khi Lâm Bưu được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị, Văn phòng Trung ương Đảng theo yêu cầu của ông ta, đã xây riêng cho ông ta một ngôi nhà ở Bắc Đới Hà, đánh số là 96. Nhà này không giống các nhà khác, cửa sổ tầng trên và tầng dưới đều dùng ván gỗ sơn dầu trầu đóng kín, để Lâm Bưu, người hay sợ ánh sáng, sợ nước, sợ gió ở. Sau khi nhận được điện thoại của Mao Trạch Đông, Lâm Bưu liền đến ngay chỗ ở của Mao Trạch Đông, và rất muộn mới ra về.

Tiếp đó, Mao Trạch Đông lại đề nghị trong Hội nghị Thường vụ, đưa Khang Sinh từ ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị lên ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời là Bí thư Ban bí thư, tháng sau, trong Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa 8 họp tại Bắc Kinh sẽ thông qua. Trong bụng Khang Sinh rất vui, nhưng bề ngoài không để lộ chút gì.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 12:05:47 pm »


Tháng 12 năm 1964, Hội nghị lần thứ nhất Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa 3 họp tại Bắc Kinh, cùng lúc đó Hội nghị công tác của Bộ Chính trị cũng họp tại Bắc Kinh. Nhiệm vụ chủ yếu của Hội nghị công tác lần này là giải quyết những vấn đề xuất hiện trong phong trào “tứ thanh” ở giai đoạn trước. Hội nghị thảo luận trước tiên mấy vấn đề của phong trào “tứ thanh” đang tiến hành ở nông thôn và phong trào “ngũ phản” (sau này cũng được sửa gọi là “tứ thanh”) đang tiến hành ở thành thị do Lưu Thiếu Kỳ nêu ra ngày 15 tháng 12, sau đó khởi thảo văn kiện được gọi là “Mười bảy điều”.

Trong Hội nghị này giữa Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ đã xảy ra bất đồng và tranh luận nghiêm trọng về tính chất của phong trào “tứ thanh”.

Trong Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng ngày 20 tháng 12 Lưu Thiếu Kỳ đã tranh luận với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ hỏi Mao Trạch Đông: Đồng chí Đào Chú nêu rằng, mâu thuẫn chủ yếu ở nông thôn hiện nay là mâu thuẫn giữa giai tầng nông dân sung túc với đông đảo quần chúng bần nông và trung nông lớp dưới, nêu như vậy hay là nêu mâu thuẫn giữa bọn địa chủ, phú nông, phản động, bọn xấu vốn có, kết hợp cùng những cán bộ xấu thoái hóa biến chất và có sai lầm nghiêm trọng với quần chúng? Mao Trạch Đông trả lời: Địa chủ, phú nông, phản động, bọn xấu là bọn chủ đứng sau, những cán bộ có bốn điểm không rõ ràng là phái cầm quyền. Bọn địa chủ phú nông phản động và bọn xấu đã bị đánh tan tác một lần rồi, cho nên không cần quản hạ tầng, mà là phải phát động quần chúng chỉnh đốn đảng của chúng ta, đánh bọn sài lang trước, đánh lũ chồn cáo sau, đó là vấn đề phải nắm chắc. Lưu Thiếu Kỳ tranh luận lại: Mâu thuẫn chủ yếu chính là mâu thuẫn giữa bốn điều rõ và bốn điều không rõ. Mao Trạch Đông nhấn mạnh: Đó là điều không thay đổi theo ý muốn của con người, thơ của Đỗ Phủ viết rất hay: “Kéo dây cung phải kéo thật mạnh, dùng mũi tên phải là tên dài, bắn người, trước tiên phải bắn ngựa, bắt giặc phải bắt kẻ cầm đầu”. Điều đó nói lên rằng phải đánh kẻ lớn, kẻ lớn đã đổ thì lũ chồn cáo sẽ dần dần biến sạch, quần chúng sợ không đánh được kẻ lớn. Lưu Thiếu Kỳ vẫn kiên trì quan điểm của mình như cũ: Mâu thuẫn giữa bốn điều rõ và bốn điều không rõ là mâu thuẫn chủ yếu, tính chất của phong trào là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và mâu thuẫn địch ta đan xen với nhau. Mao Trạch Đông nghe xong hỏi lại Lưu Thiếu Kỳ: Tính chất gì? Chống chủ nghĩa xã hội là được rồi, còn có tính chất gì? Sau khi cuộc tranh luận này qua đi, thì đến ngày 26 tháng 12, Mao Trạch Đông mời Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú, Lý Tỉnh Tuyền, Lý Tuyết Phong, Lưu Lan Đào, Tống Nhậm Cùng, Hồ Diệu Bang, Tiền Học Sâm, Trần Vĩnh Quý, Đổng Gia Canh, cùng những người lãnh đạo Trung ương khác và bí thư các khu, anh hùng lao động đến Đại lễ đường Nhân dân ăn cơm, mừng sinh nhật. Không khí bữa cơm này căng thẳng lạ thường, từ đầu đến cuối đều chỉ một mình Mao Trạch Đông nói: “Hôm nay là sinh nhật của tôi, sang năm là 71 tuổi, tôi đã già rồi, có lẽ không lâu nữa sẽ đi gặp Mác, cho nên hôm nay mời mọi người đến ăn bữa cơm”

Ai cũng có thể thấy được, trong khẩu khí của Mao Trạch Đông có những cảm xúc tức giận. Lúc này Mao Trạch Đông cao giọng: “Hôm nay Lý Mẫn không đến, cháu nó không xuống nông thôn, nhưng nó không có tư cách đến đây, Lý Nạp(*) vẫn chưa về, xuống nông thôn rồi”. Ông giễu cợt và bực tức nói: “Từ chối xuống nông thôn, ở thành phố sống dễ chịu mà không có xét lại mới lạ. Nếu gả con gái cho một cán bộ thì muốn có cái gì sẽ có cái nấy. Những người này chính là bọn xét lại, tôi còn lo Trung ương Đảng có xét lại”.

Nói đến đây, Mao Trạch Đông lớn tiếng hỏi Lý Phú Xuân một cách không khách sáo: “Phú Xuân này, có chuyện gì các anh cũng không cho tôi biết? Chẳng nói với tôi. Bây giờ chuyện gì tôi cũng không biết, các anh định lập một vương quốc độc lập à!”

Lý Phú Xuân biết, vì quan hệ giữa mình với Mao Trạch Đông rất sâu sắc, nên khi phê bình một người nào đó, Mao Trạch Đông thường lấy ông ra làm đối tượng của câu chuyện, người mà Mao Trạch Đông nói là mình, nhưng người bị phê bình lại là người khác. Mao Trạch Đông nói mình một cách không kiêng nể gì cả càng thể hiện rõ tình nghĩa giữa hai người khác thường. Cho nên khi nghe Mao Trạch Đông nói, Lý Phú Xuân chỉ cười cười mà không nói gì.

Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình lại thấy tâm trạng nặng nề, họ biết, Mao Trạch Đông đã nói “các anh” thì đó không phải là một mình Lý Phú Xuân, vậy còn ai nữa?

Ngày 28 tháng 12, Mao Trạch Đông cầm trong tay “Điều lệ Đảng” và “Hiến pháp” tham gia Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, ông huơ huơ hai bản văn kiện, nói một cách tức giận: “Xin mời các anh về tìm “Điều lệ Đảng” và “Hiến pháp” mà đọc, ở đây có nói tới tự do dân chủ. Không nên phạm pháp, bản thân mình đã thông qua nhưng lại không tuân thủ. Mọi người chúng ta ở đây có còn là công dân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nữa hay không? Nếu còn, thì có tự do ngôn luận nữa hay không? Có cho phép chúng tôi nói với các anh mấy câu không?” Lại một từ “các anh” nữa.

Trần Bá Đạt thấy Mao Trạch Đông không bằng lòng với Lưu Thiếu Kỳ, liền đổ thêm dầu vào lửa, làm cho sự bất đồng giữa hai người tăng thêm.

Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng lần này đã họp qua Tết Dương lịch năm 1965. Tối ngày 3 tháng 1, trong một cuộc họp nhỏ Mao Trạch Đông đã phê bình nhưng không chỉ đích danh Lưu Thiếu Kỳ. “Mười bảy điều” bị đình chỉ không chuyển xuống cấp dưới. Hội nghị đã định lại một văn bản mới: “Một số vấn đề được nêu ra hiện nay trong phong trào giáo dục xã hội chủ nghĩa ở nông thôn” (tức: “Hai mươi ba điều”). Một phần của văn kiện này đã sửa chữa một số cách làm quá tải xảy ra ở các nơi do ảnh hưởng của công tác trong phong trào “tứ thanh” mà Lưu Thiếu Kỳ chủ trì hồi nửa cuối năm 1964, nhưng lại chữa mũi nhọn đấu tranh vào những người lãnh đạo các cấp của Đảng, từ đó làm cho đường lối “tả” mở rộng đấu tranh giai cấp ngóc đầu dậy.

Hai vị Chủ tịch công khai tranh cãi trong hội nghị, làm những người dự họp sợ rợn tóc gáy. Kha Khánh Thi, Khang Sinh tranh nhau bảy tỏ thái độ: ý kiến của Chủ tịch phù hợp với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trọng điểm của giáo dục xã hội chủ nghĩa phải là phái cầm quyền đi con đường tư bản chủ nghĩa. Chu Ân Lai cũng cảm thấy tiếp tục gây chuyện thế này sẽ không hay, liền đề nghị: “Nói Trung ương có người đứng sau thì vấn đề sẽ nghiêm trọng quá. Nhưng có thể ở một số ngành thuộc Trung ương có người đứng sau họ, liệu có thể sửa thành “thậm chí có một số người chống việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở tỉnh và ngành thuộc Trung ương” không?” Những người khác cũng cho rằng sửa như thế sẽ hay hơn.

Sau khi Hội nghị giải tán, Mao Trạch Đông lại gọi thư ký đến viết thêm một đoạn vào phần trên phê phán một cách mạnh mẽ quan điểm về tính chất của phong trào mà Lưu Thiếu Kỳ nói là mâu thuẫn giữa bốn điều rõ và bốn điều không rõ, sự đan xen giữa mâu thuẫn trong và ngoài Đảng hoặc sự đan xen giữa mâu thuẫn địch ta và mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, chỉ ra rằng những quan điểm này đều không phải là chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

“Hai mươi ba điều” đã được thông qua, nhưng Mao Trạch Đông rất không thích thú, phải uống thêm một viên thuốc ngủ mới dần dần ngủ được.

Kha Khánh Thi nghĩ tới cuộc tranh cãi giữa Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ trong Hội nghị công tác lần ấy, liền quan tâm hỏi: “Hội nghị lần ấy, Lưu Thiếu Kỳ đã làm Chủ tịch bực mình, gần đây Chủ tịch có khỏe không ạ?” Giang Thanh nhìn chung quanh, vờ như không biết nói nhỏ với Kha Khánh Thi: “Chủ tịch rất hối hận, nói là mình rút vào tuyến hai, để Lưu Thiếu Kỳ chủ trì công việc ở tuyến một là đã nhìn lầm người, bây giờ cần phải quay trở lại tuyến một để chủ trì công việc”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 12:08:35 pm »


2. Cử tổ công tác, oán cũ thêm thù mới

Sáng ngày 1 tháng 6 năm 1966, mọi người mở tờ “Nhân dân nhật báo” mới đưa tới, chợt thấy một bài xã luận với đầu đề chói mắt: “Quét sạch tất cả bọn đầu trâu mặt ngựa”. Xã luận kêu gọi: “Quét sạch bọn đầu trâu mặt ngựa đang chiếm cứ trên trận địa tư tưởng văn hóa”, “đánh cho tan tác cái gọi là “chuyên gia”, “học giả”, “quyền uy”, “tổ sư” của giai cấp tư sản, làm cho chúng mất hết uy phong”.

Chẳng đợi mọi người suy nghĩ về ý nghĩa của bài xã luận thì buổi tối đúng vào thời gian vàng, trong tiết mục chuyển tiếp cả nước của Đài truyền hình Trung ương, lại được nghe bài đại tự báo do bảy người là Nhiếp Nguyên Tử v.v... ở Đại học Bắc Kinh viết có tựa đề: “Tống Thạc, Lục Bình, Bành Bội Vân rốt cuộc đã làm gì trong cách mạng văn hóa?”.

Bài đại tự báo với giọng điệu hùng hùng hổ hổ: “Khi quần chúng ầm ầm nổi dậy hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Mao Chủ tịch kiên quyết đập lại tổ chức phản động chống đảng chống chủ nghĩa xã hội thì các người hò hét: “Tăng cường lãnh đạo, giữ vững cương vị”. Cái cương vị mà các người muốn giữ vững là “cương vị” gì, giữ vững “cương vị” cho ai, các người là bọn người nào, định làm trò gì, chẳng phải là rất rõ ràng hay sao? Cho đến hôm nay các người vẫn muốn ngoan cố chống lại, các người vẫn muốn “giữ vững cương vị” để phá hoại cách mạng văn hóa. Bảo cho các người biết, bọ ngựa không thể ngăn nổi bánh xe, kiến càng không thể lay nổi cây to. Đấy là nằm mơ giữa ban ngày!” “Đập tan mọi sự khống chế và mọi âm mưu quỷ kế của bọn xét lại, tiêu diệt một cách kiên quyết, triệt để, sạch gọn, toàn bộ bọn đầu trâu mặt ngựa, tất cả bọn xét lại phản cách mạng kiểu Khơ-rút-sốp, tiến hành đến cùng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”.

Hai bài viết này đột ngột được đưa ra trong một ngày, không những làm cho hàng trăm triệu người dân Trung Quốc ngạc nhiên mà còn khiến Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình v.v... những Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chủ trì công tác ở tuyến một cũng cảm thấy bất ngờ.

Xã luận của “Nhân dân nhật báo” là do Trần Bá Đạt sau khi dẫn tổ công tác vào đóng trong tòa soạn Nhân dân nhật báo ngày 31 tháng 5, viết suốt đêm để in, hơn nữa không thông qua sự thẩm tra của Trung ương Đảng mà in ngay. Bài đại tự báo của Nhiếp Nguyên Tử và một số người là do Khang Sinh tự đưa đến cho Mao Trạch Đông, Mao Trạch Đông quyết định phát thanh ra khắp cả nước, trước đó cũng không bàn bạc với các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác.

Sự việc vừa mới bắt đầu.

Ngày 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8,... những bài xã luận bài viết cổ động cho đại cách mạng văn hóa hết bài này đến bài khác được đăng trên trang nhất “Nhân dân nhật báo”, tất cả bộ máy tuyên truyền đều khởi động. Các báo chí, đài phát thành trong cả nước, dây cà dây muống công bố những khẩu hiệu, xã luận và tin tức có tính chất kích động.

Ngày 3 tháng 6, Lưu Thiếu Kỳ triệu tập khân cấp Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng, nghiện cứu những vấn đề xuất hiện trong phong trào. Lưu Thiếu Kỳ nói: “Cách mạng văn hóa xã hội chủ nghĩa đã trở thành cao trào, phải làm cho các thường đại học và trung học ở Bắc Kinh có trật tự tốt, phải nhanh chóng tổ chức học sinh, đi vào quỹ đạo”.

Tinh thần Hội nghị nhanh chóng được quán triệt, Thành ủy Bắc Kinh bắt đầu cử các tổ công tác đến một số trường đại học và trung học. Thành viên của tổ công tác ở các trường đại học do Ban Tổ chức Trung ương điều động, thành viên của tổ công tác ở các trường trung học do Trung ương Đoàn điều động, sau đó do Thành ủy Bắc Kinh thống nhất giới thiệu đến các trường. Tổ công tác đầu tiên trong đại cách mạng văn hóa là tổ công tác đóng ở tòa soạn Nhân dân nhật báo do Trần Bá Đạt cầm đầu, ngày 3 tháng 5 đến tòa soạn Nhân dân nhật báo. Tổ công tác thứ hai là tổ công tác đến Đại học Bắc Kinh do Trương Thừa Tiên làm tổ trưởng, tối ngày 1 tháng 5 đến Đại học Bắc Kinh. Trương Thừa Tiên là Bí thư Ban Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, đã chuẩn bị giữ chức thứ trưởng Bộ Cao đẳng Giáo dục thuộc Quốc vụ viện, vẫn chưa nhậm chức thì được cử đến Đại học Bắc Kinh. Hai tổ công tác được cử đi sớm nhất này do Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình là ba vị trong Thường vụ Bộ Chính trị bàn bạc với các đồng chí phụ trách hữu quan quyết định, đồng thời được Mao Trạch Đông đồng ý.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 12:18:43 pm »


Từ sau khi tin tức về việc cử tổ công tác đến Đại học Bắc Kinh được công bố trên báo, thầy trò của rất nhiều trường đại học và trung học ở Bắc Kinh tổ chức thành lập từng đoàn đổ về các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc vụ viện, Thành ủy Bắc Kinh, kiên quyết yêu cầu cử các đội công tác đến trường. Đại đa số những người lãnh đạo đảng và chính quyền ở các trường bị thanh niên học sinh tấn công rất dữ, thực sự cũng không thể nào thực hiện được chức năng lãnh đạo. Để làm cho tình hình không đi tới chỗ không khống chế nổi, Thành ủy Bắc Kinh sau khi thỉnh thị và được Trung ương đồng ý, từ ngày 5 tháng 6 đã đẩy nhanh việc cử các tổ công tác, Đại bộ phận các tỉnh thành trong cả nước và một số bộ, ủy ban ở Trung ương cũng sôi nổi học theo cách làm của Thành ủy Bắc Kinh, lần lượt cử các tổ công tác đến một số đơn vị trong địa phương và hệ thống của mình. Tiêu Vọng Đông (nguyên là Chính ủy thứ hai quân khu Nam Kinh) mới được điều đến, nhậm chức Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa, vẫn chủ trì một tổ công tác do cán bộ quân đội tổ chức thành, đến các đơn vị thuộc hệ thống văn hóa của Quốc vụ viện, Lâm Bưu đã đích thân phê chuẩn 300 cán bộ được điều từ Tổng cục Chính trị quân giải phóng tham gia các tổ công tác này. Ngày 9 tháng 6, ba ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và những người từ Bắc Kinh đi họp, đáp máy bay đi Thượng Hải, rồi lại từ Thượng Hải đáp xe hơi đi Hàng Châu báo cáo xin ý kiến Mao Trạch Đông.

Vấn đề tổ công tác được đề cập đến, nhưng không hình thành ý kiến rõ ràng. Mao Trạch Đông chỉ tiện thể nói một câu: “Cử tổ công tác nhanh quá thì không hay, không có chuẩn bị. Chi bàng cứ để cho loạn một thời gian, hỗn chiến một trận, tình hình rõ ràng rồi hãy cử đi”.

Các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị về đến Bắc Kinh, bắt đầu quán triệt tinh thần Hội nghị Hàng Châu. Vì ngày 15 tháng 6, Chu Ân Lai sẽ đi thăm Ru-ma-ni, An-ba-ni, trách nhiệm chỉ đạo phong trào hiện tại rơi vào hai người là Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.

Ngày hôm sau, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình triệu tập Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng, truyền đạt tinh thần của Hội nghị Hàng Châu.

Để tăng thêm nhận thức cảm tính, lợi dụng đêm khuya vắng người, Lưu Thiếu Kỳ đã đến sân trường Đại học Bắc Kinh xem những bài đại tự báo đã được dán. Cách một ngày sau lại đến Đại học Thanh Hoa xem.

Đại tự báo của hai trường quả xứng đáng là phủ kín trời đất, không những dán đầy trên các tấm chiếu cói được dựng lên để chuyên dán các bài đại tự báo mà ngay đến những bức tường nhà có vị trí thích hợp cũng được dán kín ngang dọc những biểu ngữ lớn. Dưới ánh đèn trắng bệch, các bài đại tự báo đỏ có, vàng có, trắng có, bài viết có, tranh biếm họa có dán liền thành từng mảng lớn, bị gió thổi phành phạch, tạo nên một cảnh quan kỳ lạ.

Hơn nữa, xu thế phê phán bừa, đấu bừa tăng lên không ngớt. Rất nhiều giáo sư, chuyên gia bị coi là kẻ xấu bị bắt bêu ra trước công chúng. Người xuất thân không tốt bị gọi là “chó con”, bị kỳ thị một cách độc ác, bị làm nhục. Khám nhà, đánh người, phê phán, đấu tố xảy ra như cơm bữa. Tình hình đánh chết người, tự sát có lúc đã xảy ra. Số ít học sinh đã đối lập với tổ công tác, hơn nữa ngày càng có xu hướng nghiêm trọng.

Hôm ấy, con gái Lưu Thiếu Kỳ là Bình Bình về nhà, nói với bố, ở trường trung học thuộc Trường Đại học sư phạm Bắc Kinh mà cô học đã có người chống lại tổ công tác, đang viết đại tự báo.

Mọi hiện tượng chứng tỏ, Tổ cách mạng văn hóa Trung ương ủng hộ số ít học sinh chống lại tổ công tác. Số học sinh này lại đi khắp nơi xâu chuỗi, chuẩn bị hành động dữ dội hơn.

Lưu Thiếu Kỳ cảm thấy tình thế nghiêm trọng. Ông nói với mọi người trong nhà: “Đây là sự bắt đầu của cuộc chia rẽ lớn trong cả nước, không thể coi thường. Đằng sau có thể có cán bộ cao cấp”.

Nếu để mặc cho việc mới chớm nở này tiếp tục phát triển, thì tình hình sẽ không thể sửa chữa được, nên Lưu Thiếu Kỳ đã quyết định dùng biện pháp. Ngày hôm sau, 21 tháng 6, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình lại triệu tập Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng, để sắp xếp sự lãnh đạo đối với phong trào.

Nhưng cuộc tranh luận chung quanh tổ công tác càng ngày càng lớn.

Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình mặc dù đại biểu cho ý kiến của đại đa số đồng chí, nhưng những biện pháp nhằm ổn định tình hình mà họ sử dụng lại khác xa một trời một vực với sự tưởng tượng “Thiên hạ đại loạn sẽ đạt tới Thiên hạ đại trị” của Mao Trạch Đông. 
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2010, 03:43:03 pm »


3. Quả bom hạng nặng

Cuối cùng Mao Trạch Đông đã tỏ thái độ. Ngày 24, 25 tháng 7, ông đã liên tục hai lần triệu tập các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, những người phụ trách Tổ cách mạng văn hóa Trung ương và các Bí thư Trung ương cục của các đại khu đang họp ở Bắc Kinh đến để nói chuyện.

Tổ công tác một là không biết đấu tố, hai là không biết cải tạo, chỉ có tác dụng gây cản trở phong trào. Rất nhiều tổ công tác, bao gồm cả tổ công tác của Trương Thừa Tiên đều cản trở phong trào, đều phải xóa bỏ đi.

Tổ công tác bị xóa bỏ, nhưng Mao Trạch Đông vẫn chưa bằng lòng với tình hình của phong trào. Ông cho rằng giai đoạn trước của phong trào đã đi vòng, cuộc đại cách mạng văn hóa vừa mới dấy lên đã bị đè xuống, để gạt bỏ trở ngại, cần phải phát động lại một lần nữa. Ngày 1 tháng 8, Mao Trạch Đông triệu tập Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa 8.

Chiều ngày 4 tháng 8, trong cuộc Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng lần này, Mao Trạch Đông chỉ trích gay gắt việc cử tổ công tác là “trấn áp phong trào học sinh”, là “sai lầm về đường lối”.

Lưu Thiếu Kỳ chủ động đứng ra nhận trách nhiệm: “Thời gian này, chủ tịch không ở nhà, tôi ở Bắc Kinh chủ trì công việc, tôi chịu trách nhiệm chủ yếu”.

Mao Trạch đông tiếp lời ngay: “Đồng chí ở Bắc Kinh để chuyên chính mà, chuyên khá lắm!”.

Khi Diệp Kiếm Anh nói đến việc chúng ta có mấy triệu quân đội, không sợ gì bọn đầu trâu mặt ngựa, tiếng nói của Mao Trạch Đông đầy vẻ gay gắt: “Đầu trâu mặt ngựa có ở trong số người ngồi ở đây”.

Ngày hôm sau, Mao Trạch Đông đã dùng biện pháp gay gắt hơn, viết một bài khác thường.

NÃ PHÁO VÀO BỘ TƯ LỆNH - MỘT BÀI ĐẠI TỰ BÁO CỦA TÔI

Bài đại tự báo mác-xít – lê-nin-nít đầu tiên trong cả nước và bài bình luận của bình luận viên Nhân dân nhật báo, viết hay biết chừng nào! Xin mời các đồng chí hãy đọc lại lần nữa bài đại tự báo và bài bình luận này. Nhưng trong hơn 50 ngày, một số đồng chí lãnh đạo nào đó từ Trung ương đến địa phương lại đi ngược lại con đường đó, đứng trên lập trường tư sản phản động, dập tắt phong trào đại cách mạng văn hóa đang sôi động của giai cấp vô sản, đảo lộn phải trái, đánh lận trắng đen, vây quét phái cách mạng, áp chế những ý kiến bất đồng, thực hiện khủng bố trắng, tự cho là đắc ý, khuyến khích uy phong của giai cấp tư sản, diệt chí khí của giai cấp vô sản, độc ác biết chừng nào! Liên hé đến những khuynh hướng sai lầm hữu khuynh năm 1962 và bề ngoài là “tả” nhưng thực chất là hữu năm 1964, lại không thể làm cho người ta tỉnh ra hay sao?


Giống như hòn đá khổng lồ ném xuống mặt nước nó trào lên từng lớp từng lớp sóng.

Hội nghị Toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 khóa 8, vốn định họp trong 5 ngày bây giờ dù thế nào cũng không thể kết thúc như dự kiến. Bắt đầu từ chiều ngày 8 tháng 8, Hội nghị chuyển sang thảo luận bài “đại tự báo” của Mao Trạch Đông, phê bình Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Cùng lúc Hội nghị chia tổ thảo luận, Bộ Chính trị đã mấy lần sinh hoạt phê bình Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.

Giang Thanh không phải là Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng lại trở thành vai diễn sôi nổi trong cuộc sinh hoạt. Bà ta kích động một số người đi đầu “nổ súng” vào Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Nhưng không hoàn toàn như ý, Đào Chú là người đầu tiên từ chối bà ta. Kết quả, Tạ Phú Trị là người “nổ súng” đầu tiên.

Bầu cử lại 11 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, có hai thay đổi lớn nhất: Một là, Lâm Bưu nguyên ở vị trí thứ 6 trước đây nhảy lên vị trí thứ 2; hai là Lưu Thiếu Kỳ từ vị trí thứ 2 trước đây tụt xuống vị trí thứ 8.

Sau khi Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa 8, kết thúc, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình vì phạm “sai lầm về đường lối” trong vấn đề tổ công tác, nên bây giờ phải đóng cửa để suy nghĩ, không còn tham gia công tác hằng ngày của Trung ương nữa.

Tháng 9, triệu tập Hội nghị các cán bộ lãnh đạo tổ công tác ở Bắc Kinh đã yêu cầu Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình phải kiểm điểm trong Hội nghị.

Ngày 23 tháng 10, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình lần lượt đọc bản kiểm thảo của mình trong Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương.

Khoảng 2 giờ chiều ngày 18 tháng 12, trong phòng Thường trực ở cửa phía tây Trung Nam Hải, có hai người đeo kính đang đóng chặt cửa bàn chuyện bí mật. Đây là hai nhân vật khét tiếng từ khi đại cách mạng văn hóa nổ ra: một người là Tổ phó Tổ cách mạng Văn hóa Trung ương Trương Xuân Kiều, một người khác là Khoái Đại Phú người cầm đầu phái tạo phản ở Đại học Thanh Hoa, người ta thường gọi là “Tư lệnh Khoái”.

Từ đó các động tác lớn động tác nhỏ muôn hình vạn trạng chĩa vào Lưu Thiếu Kỳ như những cơn gió buốt xương thổi từ Si-bia tới hết trận này đến trận khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2010, 03:43:30 pm »


Ngày 24 tháng 12, Thích Bản Vũ tổ viên Tổ cách mạng văn hóa Trung ương đã công khai tuyên bố tại Học viện Công nghiệp Khoáng sản Bắc Kinh rằng: “Lưu, Đặng là phái cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa lớn nhất trong Đảng”.

Ngày 25 tháng 12, Khoái Đại Phú dựa trên những gợi ý trong cuộc bàn bí mật với Trương Xuân Kiều ngày 18 tháng 12, đã phát động đợt hành động đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Anh ta dẫn hơn 5000 người đến Quảng trường Thiên An Môn, tổ chức một cuộc “mít tinh đánh đổ triệt để đường lối phản động tư sản mà Lưu, Đặng là đại biểu” ầm ĩ rùm beng. Sau khi mít tinh đám người này chia làm 5 ngả từ Thiên An Môn tỏa ra các phố sầm uất Vương Phủ Tỉnh, Tây Đơn, Ga xe lửa Bắc Kinh, Thái Thị Khẩu v.v.. trên đường đi họ hô khẩu hiệu, diễn thuyết, dán biểu ngữ, rải truyền đơn. “Cuộc Đại hành động” này có khẩu hiệu chủ yếu là “Đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ”, “Đánh đổ Đặng Tiểu Bình”, “Triệt để đập tan sự phục hồi điên cuồng của đường lối phản động tư sản Lưu Đặng”. Hô suốt dọc đường, còn viết biểu ngữ lớn nổi bật treo trên tường thành Thiên An Môn. Hoạt động này đã kéo dài nhiều ngày.

Từ ngày 1 tháng 1 năm 1967, phái tạo phản ở Trung Nam Hai bắt đầu thường xuyên đến nơi ở của Lưu Hiếu Kỳ quấy nhiễu, ngày 3 tháng 1, lần đầu tiên mặt đối mặt bao vây tấn công phê phán đấu tố Lưu Thiếu Kỳ và Vương Quang Mỹ.

Đêm khuya ngày 13 tháng 1, một chiếc xe con nhãn hiệu Vác-sa-va xuyên qua giá lạnh tiến vào trước sân Phúc Lộc Cư. Từ trên xe bước xuống là Từ Nghiệp Phu, thư ký của Mao Trạch Đông. Anh ta theo lệnh của Mao Trạch Đông đón Lưu Thiếu Kỳ đến Đại lễ đường Nhân dân nói chuyện.

Mao Trạch Đông nhiệt tình thân mật tiếp đãi Lưu Thiếu Kỳ, hai người bạn chiến đấu cũ đã cùng hợp tác mấy chục năm trời gặp mặt, nhưng lần này họ không hề bàn đến chuyện công việc. Lưu Thiếu Kỳ nói là mình đã phạm sai lầm, tiếp đó ông trịnh trọng đề xuất yêu cầu đã được suy xét cân nhắc kỹ càng của mình với Mao Trạch Đông: “1) Trách nhiệm trong sai lầm về đường lối lần này là ở tôi, đông đảo cán bộ là tốt đặc biệt là rất nhiều cán bộ cũ là tài sản quý báu của Đảng, trách nhiệm chủ yếu do tôi gánh vác, nhanh chóng giải phóng số đông cán bộ ấy, để cho Đảng bớt bị tổn thất. 2) Từ chức Chủ tịch nước, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Chủ nhiệm ủy ban biên tập “Mao Trạch Đông tuyển tập” cùng vợ và các con đi Diên An hoặc về quê làm ruộng, nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc đại cách mạng văn hóa, để đất nước đỡ bị tổn thất”. Mao Trạch Đông trầm ngâm không nói, chỉ hút thuốc liên tục.

Cuộc nói chuyện kết thúc, Mao Trạch Đông đứng dậy đưa tiễn Lưu Thiếu Kỳ ra đến tận cửa phòng Bắc Kinh (Đại lễ đường Nhân dân - Nhà Quốc hội của Trung Quốc có thiết kế các phòng cho các đoàn Quốc hội các tỉnh, thành nên đặt tên phòng theo tên tỉnh ví dụ phòng Phúc Kiến, phòng Bắc Kinh - N.D). Lúc chia tay, Mao Trạch Đông nói một cách thân ái: “Sau khi về cố gắng đọc sách học tập, giữ gìn sức khỏe”.

Lưu Thiếu Kỳ bình tĩnh lên đường trở về. Về đến nhà, ông nói với mọi người đang sốt ruột chờ ông. “Chủ tịch không phê bình sai lầm của tôi mà rất khách sáo, dặn dò tối chăm chỉ học tập, giữ gìn sức khỏe”.

Nhưng tình hình thực tế lại không cho phép lạc quan. Đến tháng 3 năm 1967, theo đà phát triển nguy hiểm của đại cách mạng văn hóa, vấn đề Lưu Thiếu Kỳ leo thang rõ rệt, hình như Mao Trạch Đông cũng đã thay đổi thái độ vốn có.

Ngày 9 tháng 4 năm 1967, Lưu Thiếu Kỳ được tin, phái tạo phản của Đại học Thanh Hoa, hôm sau sẽ tổ chức một cuộc mít tinh gồm 30 vạn người tham dự, phê phán đấu tố Vương Quang Mỹ, còn có 300 người cùng bị đấu như Bành Chân, Bạc Nhất Ba, Lục Định Nhất, Tưởng Nam Tường v.v... Ông hiểu ra đây là một bước đi nghiêm trọng chĩa mũi nhọn vào ông, trong lòng hết sức ấm ức, nên không thể không tính đến nước xấu nhất.

Ngày 10 tháng 4 năm 1967, tại Đại học Thanh Hoa quả nhiên đã có cuộc mít tinh 30 vạn người để phê phán đấu tố. Dưới sự thao túng của Giang Thanh và Trần Bá Đạt, một bọn xông vào đánh đá cưỡng bức Vương Quang Mỹ phải mặc áo dài của phụ nữ Trung Quốc, đeo chuỗi hạt xâu bằng những quả bóng bàn. Vương Quang Mỹ giữ vững nguyên tắc, không khuất phục trước uy lực.

Năm 1967, xuân qua hè tới mặt trời nóng như lửa, Mao Trạch Đông rời Bắc Kinh đi thị sát vùng Nam Bắc sông Trường Giang.

Chính lúc này Giang Thanh, Lâm Bưu và đồng bọn đã thò bàn tay độc ác ra. Họ lừa gạt và kích động những Hồng vệ binh ngây thơ đơn giản “bao vây tấn công Trung Nam Hải, bắt Lưu Thiếu Kỳ”. Phút chốc, ngoài tường Trung Nam Hải, lều bạt mọc lên như nấm, xe cộ như nước, vây chặt đến mức nước cũng không lọt ra được, xem ra thì quả là mâu thuẫn: Họ nắm quyền lớn, có thể chẳng cần phí một tý hơi sức nào đã có thể đưa Lưu Thiếu Kỳ vào chỗ chết, nhưng họ lại muốn lừa đời để lấy tiếng, lừa dối quần chúng, lấy danh nghĩa “phong trào quần chúng” để trừng trị kẻ ác cứu dân lành, mượn dao giết người, làm cho đôi tay của mình không dính một chút máu.

Sự thật rất rõ ràng, họ vây chặt Trung Nam Hải, là để đạt mục tiêu một mũi tên trúng hai đích: Đuổi Chu Ân Lai đi và bắt Lưu Thiếu Kỳ. Họ càng đi càng xa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM