Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 12:52:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cách mạng văn hoá liệt truyện - Tập 2  (Đọc 56818 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2010, 12:56:17 am »


2. Bản lĩnh giữ nhà của một tiểu dân

Xưa nay Trần Bá Đạt luôn tỏ ra là người khiêm tốn, luôn mồm nói là “học trò nhỏ”, là “giáo viên”, không phải là “thủ trưởng”. Nhất là trước mặt Mao Trạch Đông thì thái độ cực kỳ khiêm tốn.

Đối với cấp dưới, ông ta cũng không nhe nanh múa vuốt. Nhưng ông ta như một thầy phù thủy kỳ quái, làm cho anh không biết đằng nào mà lần.

Chỉ có những người làm việc lâu năm bên cạnh mới có thể dần dần nhìn ra được sự xảo quyệt trong cư xử của ông ta.

Ví dụ, điều mà ông ta quan tâm nhất là nắm cho được động thái của Mao Trạch Đông, một câu nói, một ý kiến, một động tác, ông ta đều rất chú ý, ông ta luôn suy đoán tâm tư của Mao Trạch Đông, tìm mọi cách đón ý hùa theo Mao Trạch Đông. Nhìn hướng gió, dò khí hậu là bàn lĩnh của ông ta.

Điền Gia Anh không ưa những thói ấy của ông ta, quan hệ với ông ta căng thẳng. Diêu Lạc có qua lại với Điền Gia Anh, Trần Bá Đạt ngay lập tức rất mẫn cảm, hoài nghi Điền Gia Anh có phải là đang lén lút giở trò với ông ta hay không. Ông ta nói với Diêu Lạc: “Có người phản ánh anh đang lén lút giở trò với “Ông chủ” của anh!”

Những văn kiện mà ông ta khởi thảo cho Mao Trạch Đông, sau khi đã được quyết định, ông ta thường xé bỏ những bản có bút tích của mình. Diêu Lạc lấy làm lạ, vì những bản thảo này phải được lưu giữ, nhưng ông ta chỉ xé bỏ mà không có bất cứ giải thích gì (theo người khác giải thích, đó là do Trần Bá Đạt sợ sau này Mao Trạch Đông nhìn thấy những bản thảo này sẽ có những điều bất tiện. Vì sau giải phóng, Mao Trạch Đông bận, có một số bài viết được công bố dưới danh nghĩa của Mao Trạch Đông nhưng là do Trần Bá Đạt khởi thảo. Tâm địa của Trần Bá Đạt nhiều, chỗ nào cũng đề phòng, tránh những chuyện rắc rối thị phi).

Những người ở bên cạnh Khang Sinh, người nào cũng được Khang Sinh đề bạt, giữ các chức vụ quan trọng. Trần Bá Đạt lại không làm thế, đấy không phải là nói ông ta không nhiệt tình gây dựng thế lực của mình. Ông ta có quan điểm riêng, sợ những người ở bên cạnh mình ai cũng kéo lên địa vị cao rất dễ đập vào mắt và dễ liên lụy đến ông ta, sẽ gây phiền phức cho ông ta, điều này nhất trí với việc ông ta luôn nói mình là “giáo viên”, trong cách mạng văn hóa thì luôn rêu rao mình là “tiểu dân”. Đằng sau sự “khiêm tốn”, ông ta đã bỏ ra nhiều công sức và thời gian. Ông ta và Khang Sinh mỗi người có “bài võ” riêng.

Đại đa số người miền Bắc đều cho rằng người miền Nam giỏi và cũng thích chơi “nội tâm”. Núi sông linh hoạt kỳ ảo của miền Nam, thực sự đã nuôi dưỡng nên sự tháo vát của Trần Bá Đạt, cái lịch sử sống lâu trên “giang hồ” đã nuôi dưỡng nên cái bản lĩnh giỏi nắm vững bản thân của ông ta. Đêm trước của cuộc đại cách mạng văn hóa, Trần Bá Đạt giống như một tên thương nhân thận trọng trong từng vụ buôn bán để giữ vốn. Năm 1962, Trần Bá Đạt từ đứng ra tiến cử mình như Mao Toại (thời Chiến Quốc - N.D) chủ động giúp Lưu Thiếu Kỳ sửa chữa “Bàn về sự tu dưỡng của người đảng viên cộng sản”, sau đó trên tạp chí “Hồng kỳ” do ông ta làm chủ biên đã đăng toàn văn, đồng thời lại xuất bản thành sách, nhưng ít lâu sau, lại là ông ta đứng ra phê phán lên án cuốn sách này sai lầm về tính chất nguyên tắc chính trị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2010, 12:57:11 am »


3. Thầy đồ đưa mắt nịnh Giang Thanh

Mặc dù Trần Bá Đạt chuyển hướng nhanh, nhưng số phận của Lưu Thiếu Kỳ v.v... hết sức nguy ngập. Trần Bá Đạt lại ở vào tình cảnh rất bất lợi. Xét cho cùng ông ta là người giỏi nhìn thời cuộc và lựa theo thời cuộc. Lúc này thế lực của Giang Thanh lớn mạnh lại đem đến cho ông ta thời cơ. Ngày 10 tháng 11 năm 1965, “Văn hối báo” ở Thượng Hải đăng bài “Hải Thuỵ bãi quan” của Diêu Văn Nguyên nhưng Bắc Kinh lại im hơi lặng tiếng, điều này đã làm cho Trần Bá Đạt thấy hứng thú. Ông ta đi đi lại lại trong căn phòng đóng kín cửa, cùng với hai văn nhân mà ông ta thích là Quan Phong và Thích Bản Vũ phân tích tình hình lúc ấy. Ít lâu sau, Vương Lực một tú tài trong nhóm viết bài của Bành Chân và Đặng Thác, người viết tiểu thuyết “Trời hửng” trong thời kỳ chống Nhật cũng gia nhập hàng ngũ này. Vương Lực sang tai cho Trần Bá Đạt và một số người tin tức gần đây Bành Chân gặp Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình nghiên cứu vấn đề học thuật hiện nay. Từ đó Trần Bá Đạt đã mẫn cảm nhận thấy một cuộc đấu tranh chính trị sẽ được phát động dưới danh nghĩa học thuật sắp nổ ra. Lần này ông ta đã rút ra bài học, cân nhắc chu đáo. Sau khi nhận định chính xác không sai lầm, đã đem tình hình mà Vương Lực nói, kể lại nguyên xi với Giang Thanh.

“Hay lắm! Ông đồ! Tình hình mà ông nói quan trọng lắm... tiếp tục tìm hiểu tình hình, cho tôi biết vào bất kỳ lúc nào”, Giang Thanh đắc ý nói.

Giang Thanh đang cần những cây bút lão luyện như vậy; những người này lại không có chủ kiến gì, chỉ là bọn bồi bút. Giang Thanh cùng Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên sắp xếp, Trần Bá Đạt vui vẻ lĩnh mệnh nhập bọn. Ngày 2 tháng 4 năm 1966, bài “Thực chất phản động của Hải Thụy chửi Hoàng đế và Hải Thụy bãi quan” do Thích Bản Vũ viết được đồng thời đăng trên hai tờ “Nhân dân nhật báo” và “Quang Minh nhật báo”, Đây là bài viết gào thét ủng hộ bài “Bình vở kịch lịch sử mới viết Hải Thuỷ bãi quan”. Trong bài viết này Trần Bá Đạt cũng tham gia sửa chữa, ông ta đã dùng khẩu khí của một bức chiến thư, sát khí đằng đằng tuyên bố: Bài viết của Diêu Văn Nguyên đã vén lên bức màn của một cuộc đại luận chiến không thể tránh khỏi.

Từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 4 năm 1966, theo chỉ thị của Mao Trạch Đông, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị, trong hội nghị này, Mao Trạch Đông đề nghị Trần Bá Đạt và Khang Sinh phụ trách khởi thảo một “thông báo”, đó là “Thông báo của ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc” – “Thông báo ngày 16 tháng 5” được chính thức thông qua tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng ngày 16 tháng 5. Cũng chính trong Hội nghị này. Trần Bá Đạt và Khang Sinh cùng tố cáo và phê phán cái gọi là “một loạt sai lầm” về mặt đường lối chính trị mà Bành Chân mắc phải trong thời kỳ từ cách mạng dân chủ đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào các đồng chí lãnh đạo trong Bộ Chính trị kiên trì nguyên tắc cách mạng.

Trần Bá Đạt đã đạt được mục đích của mình. Trong Hội nghị này đã chính thức bãi bỏ về mặt tổ chức đối với “Tổ đại cách mạng văn hóa 5 người” do Bành Chân đứng đầu cùng cơ cấu làm việc của nó, xác định việc lập lại Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, trực thuộc Thường vụ Bộ Chính trị do Trần Bá Đạt làm tổ trưởng, cố vấn là Khang Sinh, tổ phó thứ nhất là Giang Thanh và tổ phó Trương Xuân Kiều v.v... Nếu nói rằng trước đó Trần Bá Đạt chỉ chuẩn bị lý luận cho đại cách mạng văn hóa, thì bây giờ ông ta đã tham gia vào thực tiễn này.

Ngày 2 tháng 6 năm 1966, “Nhân dân nhật báo” do Trần Bá Đạt nắm đã đăng bài đại tự báo của Nhiếp Nguyên Tử, đồng thời cũng đăng bài của người bình luận “Hoan hô một bài đại tự báo của Bắc Đại” do ông ta nặn ra. Tuyên bố Ban lãnh đạo của Trường Đại học Bắc Kinh kiên trì sự lãnh đạo đúng đắn lúc bấy giờ là “Tập đoàn chống Đảng”, kích động giáo viên và học sinh kiên quyết đấu tranh với họ. Trần Bá Đạt còn lợi dụng công cụ dư luận mà ông ta nắm nêu ra khẩu hiệu “Quét sạch tất cả bọn đầu trâu mặt ngựa” v.v... Kích động đông đảo cán bộ và quần chúng tiến hành bức hại và trấn áp đối với những người lãnh đạo và quần chúng kiên trì nguyên tắc cách mạng. Cả nước bắt đầu náo loạn.

Tháng 7, Trần Bá Đạt cử người đến thăm tên cầm đầu Khoái Đại Phú đang bị giam ở Đại học Thanh Hoa, bày tỏ sự ủng hộ đối với việc chống lại tổ công tác của anh ta. Sau đó lại cùng Giang Thanh lấy danh nghĩa là điều tra tình hình phong trào đại cách mạng văn hóa nhiều lần đến Đại học Bắc Kinh, Đại học Sư phạm Bắc Kinh v.v... để tổ chức các cuộc phê phán, bãi bỏ tổ công tác kêu gọi học sinh “bỏ mặc các “Bà bảo mẫu” tự mình giải phóng mình, đá bật Đảng ủy để làm cách mạng”. Ngày 18 tháng 8, Trần Bá Đạt chủ trì “Cuộc mít tinh chào mừng đại cách mạng văn hóa” có quy mô lớn ở Quảng trường Thiên An Môn. Trong lời khai mạc, ông ta đã đội cho Mao Trạch Đông ba hàm tước “Lãnh tụ vĩ đại, người thày vĩ đại, người cầm lái vĩ đại”. Tiếp đó là phát biểu của Lâm Bưu: “Cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản này có vị tư lệnh tối cao là Mao Chủ tịch của chúng ta, Mao Chủ tịch là thống soái”. Từ đó về sau, mọi người khi nói đến Mao Trạch Đông, cần phải thêm 4 phó từ “Lãnh tụ vĩ đại, người thầy vĩ đại, thống soái vĩ đại, người cầm lái vĩ đại”. Một xu thế xấu của phong trào tạo dựng thần tượng và sùng bái cá nhân dâng cao. Trần Bá Đạt và Lâm Bưu đều có dụng tâm xấu, có thể nói là đã phối hợp ăn ý với nhau, họ có một điểm chung là đầy ắp dã tâm, sau này họ trở thành một bọn cũng không có gì là lạ.

Ngày 26 tháng 11 năm 1966, lần thứ 8 cũng là lần cuối cùng tiếp kiến Hồng vệ binh từ khắp cả nước đến. Từ cuộc tiếp kiến Hồng vệ binh tại quảng trường Thiên An Môn lần đầu tiên vào ngày 18 tháng 8 năm 1966 đến nay, trong hơn 3 tháng, Mao Trạch Đông đã tiếp kiến 11 triệu Hồng vệ binh. Giang Thanh đã đứng vững trên vũ đài chính trị Trung Quốc nhưng cũng muốn công khai làm nổi bật mình. Bà ta có thể “tiếp kiến” ai đây? Bà ta tự khoe là người cầm cờ dũng cảm của giới văn nghệ vô sản, muốn “tiếp kiến” “đại quân văn nghệ” của bà ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2010, 12:57:47 am »


Ngày 28 tháng 11 năm 1966, giới văn nghệ thủ đô đã tổ chức một cuộc mít tinh long trọng. Giang Thanh bước lên lễ đài, Trần Bá Đạt cũng dẫn các tú tài của “Tổ cách mạng văn hóa Trung ương” tới dự.

Trong cuộc mít tinh, Giang Thanh đã phát biểu một bài diễn văn dài. Bài phát biểu này là bài thứ hai sau bài “Kỷ yếu cuộc toạ đàm về công tác văn nghệ của bộ đội do đồng chí Lâm Bưu ủy thác cho đồng chí Giang Thanh triệu tập”. Bài phát biểu này được công khai đăng trên “Nhân dân nhật báo” và tạp chí “Hồng kỳ” và trở thành “văn kiện học tập”, hơn nữa còn được thu thập vào cuốn “Tuyển những bài phát biểu của đồng chí Giang Thanh” do Nhà xuất bản Nhân dân xuất bản vào tháng 2 năm 1968.

Đây là lần đầu tiên Giang Thanh đăng đàn công khai làm nổi bật mình (những bài phát biểu cao hứng trước quần chúng trước đây của bà ta chỉ được in rô-nê-ô rồi phát theo kiểu phát truyền đơn mà thôi), bài phát biểu của bà ta được công bố trong nước và ngoài nước, cho nên sau khi “gửi lời chào cách mạng của giai cấp vô sản tới các đồng chí trong giới văn nghệ, các bạn bè, và các tiểu tướng Hồng vệ binh, bà ta liền: “Xin được nói về quá trình nhận thức của mình đối với cuộc đại cách mạng văn hoá vô sản”.

Giang Thanh kể lể từ “do bị ốm, bác sĩ kiến nghị yêu cầu tôi sống cuộc sống văn hóa”, đến việc phát hiện những vở kịch có khuynh hướng chính trị phản động nghiêm trọng trong “Hải Thụy bãi quan”, “Lý Tuệ Nương” v.v... đến giành được “quyền phê bình”.

Sau khi nói lòng vòng về “quá trình nhận thức”, Giang Thanh nói đến “cách mạng văn hóa”. Bà ta nhắc đến Trần Bá Đạt:

“Ngày 1 tháng 6, sau khi bài đại tự báo mác-xít - lê-nin-nít đầu tiên của Đại học Bắc Kinh được công bố, tôi để ra một tháng để quan sát tình hình, phân tích tình thế. Tôi cảm thấy đã xuất hiện những hiện tượng không bình thường. Một tháng nay, tôi chú ý nhiều đến trường học... Ngày 18 tháng 7, Mao Chủ tịch về đến Bắc Kinh, tôi về Bắc Kinh vào ngày 20 tháng 7. Đáng lẽ phải nghỉ mấy ngày, nhưng nghe ý kiến của đồng chí Trần Bá Đạt, đồng chí Khang Sinh và của các đồng chí trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương ở Bắc Kinh, nên tôi đã báo cáo với Mao Chủ tịch, cảm thấy cần phải lập tức cùng đồng chí Trần Bá Đạt và đồng chí Khang Sinh đi xem đại tự báo, lắng nghe ý kiến của các thầy giáo và học sinh cách mạng. Sự thực hoàn toàn trái ngược với những người kiên trì đường lối phản động tư sản, kiên trì cử tổ công tác đã nói, đông đảo quần chúng nhiệt liệt chào đón chúng tôi, chúng tôi mới biết được rằng cái gọi là sự kiện “ngày 18 tháng 6” ở Đại học Bắc Kinh hoàn toàn là một sự kiện cách mạng!...

Tiếp đó, Giang Thanh khoác lác mà không biết ngượng về những “thành tích vĩ đại” của “cuộc cách mạng Kinh kịch”. Bà ta nói, Mao Chủ tịch và đồng chí Lâm Bưu người bạn chiến đấu thân thiết của Người cùng đồng chí Trần Bá Đạt, đồng chí Khang Sinh và rất nhiều đồng chí khác “đều khẳng định thành tích của chúng ta, đã ủng hộ và cổ vũ to lớn cho chúng ta!”.

Trong cuộc mít tinh này, Trần Bá Đạt lại một lần nữa ủng hộ và cổ vũ mạnh mẽ cho Giang Thanh.

Trong phát biểu của mình, Trần Bá Đạt đã ca ngợi Giang Thanh là đã có những “cống hiến đặc biệt”. Nguyên lời phát biểu như sau:

Cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản ở nước ta, lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam. Đồng chí Mao Trạch Đông đã phát triển một cách sáng tạo lý luận văn nghệ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, dùng vũ trụ quan của giai cấp vô sản, để giải quyết một cách hệ thống và triệt để các vấn đề trên mặt trận văn nghệ của chúng ta, đồng thời, mở ra cho chúng ta một con đường hoàn toàn mới của cuộc cách mạng văn hóa vô sản.

Năm 1962, trong Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa 8, Mao Chủ tịch đã đề xuất phải nắm chắc cuộc đấu tranh giai cấp trong lĩnh vực hình thái ý thức. Với lời kêu gọi vĩ đại này của Mao Chủ tịch, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tư tưởng Mao Trạch Đông, đã dấy lên cao trào cách mạng cải cách Kinh kịch, cải cách múa ba-lê, cải cách nhạc giao hưởng v.v... với mục đích lấy xưa phục vụ nay, lấy của nước ngoài phục vụ cho Trung Quốc, bỏ cái cũ tạo ra cái mới. Dùng hình thức Kinh kịch v.v... để biểu đạt sử thi đấu tranh anh dũng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản Trung Quốc. Sự sáng tạo mới này đã đem lại sức sống mới cho Kinh kịch, múa ba-lê, nhạc giao hưởng v.v... Không những nội dung hoàn toàn mới, mà về hình thức cũng có những sự đổi mới rất lớn, diện mạo đã thay đổi. Kịch hiện đại cách mạng, xuất hiện trên khắp các sân khấu của chúng ta. Nền văn nghệ mới của giai cấp vô sản này đã thu hút đông đảo quần chúng. Nhưng, bọn phản động, những phần tử xét lại phản cách mạng chửi bới, căm ghét nó. Không vì cái gì khác, mà chính là vì tác dụng của nền văn nghệ mới này, sẽ tăng cường rất nhiều sự giác ngộ chính trị của quần chúng nhân dân nước ta, sẽ tăng cường hơn nữa nền chuyên chính vô sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.


Phát biểu của Trần Bá Đạt, đã làm rộ lên tiếng hô khẩu hiệu “Học tập đồng chí Giang Thanh”, “Xin chào đồng chí Giang Thanh” trong một thời gian dài. Sự “tán tụng” của “nhà lý luận” đã làm rạng rỡ hình ảnh của Giang Thanh. Sau đó, Trần Bá Đạt vẫn thỉnh thoảng tâng bốc Giang Thanh. Ngày 23 tháng 5 năm 1967, trong cuộc mít tinh kỷ niệm 25 ngày công bố “Bài nói chuyện trong cuộc tọa đàm văn nghệ ở Diên An” của Mao Trạch Đông tại Thủ đô Bắc Kinh, Trần Bá Đạt đã tâng bốc Giang Thanh là người “đánh trận đầu”.

Đồng chí Giang Thanh luôn luôn kiên trì và bảo vệ đường lối cách mạng trong văn nghệ của Mao Chủ tịch. Đồng chí là người đánh trận đầu. Mấy năm nay, đồng chí đã cố gắng rất nhiều, đã tạo nên một loạt mẫu cách mạng trên các phương diện kịch, âm nhạc, múa, đã đuổi được bọn đầu trâu mặt ngựa ra khỏi vũ đài, đã dựng nên được những hình tượng anh hùng của quần chúng công nông binh. Rất nhiều người làm công tác văn nghệ, dưới sự dẫn dắt của tư tưởng Mao Trạch Đông, cùng với đồng chí Giang Thanh, trở thành những người vượt mọi chông gai trong cuộc cách mạng văn nghệ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2010, 12:58:37 am »


4. Giang Thanh và “Lưu Bồn Tử” không thành thật

Trần Bá Đạt “sốt sắng” dựng Giang Thanh, bợ đỡ Giang Thanh, lấy lòng Giang Thanh như thế, thực ra cũng chỉ là để giữ cái ghế Tổ trưởng Tổ cách mạng văn hóa Trung ương của ông ta. Giang Thanh đã nắm thực quyền, nói một là một nói hai là hai trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương.

Tất nhiên là Giang Thanh rất cảm ơn “lý luận gia” đã tán dương mình, có điều là trong con mắt của người đàn bà kiêu ngạo và ngang ngược thì “thầy đồ già” Trần Bá Đạt chỉ là một lão “hủ nho” mà thôi. Khang Sinh khinh thường Trần Bá Đạt, mắng ông ta là “Viện trưởng” “Viện Ô Long”, còn Giang Thanh cũng chẳng coi ai ra gì, gọi ông ta là “Lưu Bồn Tử”.

“Lưu Bồn Tử” là ai vậy? Đó là cuộc khởi nghĩa nông dân Xích My thời Đông Hán, muốn lập vua mới, nên đã chọn Lưu Bồn Tử. Lưu Bồn Tử là hoàng tộc thuộc chi xa nhà Tây Hán, là hậu duệ của Lưu Bang, mới đầu chăn bò trong quân khởi nghĩa, được gọi là “ngưu lại” (quan chăn bò - N.D). Lưu Bồn Tử do thuộc dòng dõi hoàng tộc, nên được lập làm vua vào đầu năm 25 Công nguyên, niên hiệu là Kiến Thế. Giang Thanh mắng Trần Bá Đạt là “Lưu Bồn Tử” chính là chế giễu việc Trần Bá Đạt làm tổ trưởng Tổ cách mạng văn hóa Trung ương như Lưu Bồn Tử làm vua.

Giang Thanh còn giễu Trần Bá Đạt là “Lê Nguyên Hồng”. Lê Nguyên Hồng nguyên là thống lĩnh của lữ đoàn hỗn hợp thứ 21 thuộc Tân quân Hồ Bắc. Khi khởi nghĩa Vũ Xương năm 1911 nổ ra, Lê Nguyên Hồng sợ hãi chui xuống gậm giường, nhưng quân cách mạng lại lôi ông ta từ gậm giường ra để đảm nhiệm chức đại đô đốc quân Hồ Bắc thuộc phủ Quân chính.

Giữa Giang Thanh và Trần Bá Đạt là vừa nịnh nọt vừa nói xấu, trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương thì tranh giành nhau. Trần Bá Đạt thường không tranh nổi vị “đệ nhất phu nhân” này. Lúc tức giận, Trần Bá Đạt cũng đã phải nói: “Ta đã trở thành L ưu Bồn Tử!”. Theo Trần Bá Đạt, Lưu Bồn Tử chẳng qua chỉ là tên bù nhìn và ông ta cũng đã trở thành bù nhìn.

Mặc dù “lý luận gia” và “đệ nhất phu nhân” hục hặc với nhau trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, nhưng xét cho cùng thì họ vẫn là một bọn, họ hoàn toàn nhất trí trong thực hiện đại cách mạng văn hóa vô sản.

Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khoá 8, Trần Bá Đạt một bước nhảy lên ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Trần Bá Đạt được xếp vị trí thứ 5 trong Thường vụ Bộ Chính trị gồm 11 người, xếp trước Đặng Tiểu Bình, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, cũng đẩy Khang Sinh ra phía sau. Ở tuổi 60, Trần Bá Đạt đã theo kịp thời thế, khiến ông ta đã bước vào thời kỳ cực thịnh của cuộc đời chính trị. Tuổi tác tuy cao, nhưng do được “thăng quan”, nên Trần Bá Đạt thấy phơi phới tuổi thanh xuân, làm việc năng nổ. Trong vấn đề đối phó với Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Bành Chân, La Thụy Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn, ông ta đã bắt được mạch của Giang Thanh, nên sôi nổi khác thường. Trong lúc hí hửng đắc ý, Trần Bá Đạt hình như đã quên mất ông ta đang cùng làm việc với một người đàn bà cực kỳ khó tính. Và chính là sự hất hàm sai bảo của vị “đệ nhất phu nhân” này khiến ông ta rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Trong một lần họp vào cuối năm 1966, tổng hợp tình hình cả nước, đã nói đến sự hỗn loạn trong trật tự xã hội, khắp nơi trong cả nước đâu cũng là đánh đập, phá phách, cướp bóc, khám xét lục soát, giết chóc, tổ chức Đảng đã tan rã, chính quyền sắp sụp đổ. Trường học không có người cai quản, nhà máy rơi vào tình trạng tê liệt. Với tư cách là lãnh tụ tối cao của Trung Quốc, Mao Trạch Đông vô cùng áy náy, ông nhíu lông mày nói: “Học sinh cứ xông xáo bừa bãi, chẳng nghe lời ai vậy phải cử cán bộ quân đội đi tập luyện cho học sinh, thực hiện huấn luyện quân sự, để tăng cường kỷ luật”. Mao Trạch Đông đang nói thì bỗng nghe thấy tiếng nói to của một người đàn bà: “Tôi có ý kiến, họ luôn luôn không để cho tôi có dân chủ không để cho tôi nói”. Giang Thanh xông vào, nói gay gắt: “Vì sao không lôi Hạ Long ra?”. Mao Trạch Đông nói bây giờ không thảo luận việc này. Giang Thanh đâu có chịu lui, nghe nói là sẽ quản lý những học sinh mà bà ta đã phát động, nửa như phát điên nửa như làm nũng, bà ta lớn tiếng nói với Mao Trạch Đông: “Thưa Mao Chủ tịch, nếu Chủ tịch không để cho quần chúng nổi dậy thì tôi sẽ làm phản Chủ tịch!”

Mao Trạch Đông cúi đầu xem văn kiện, nhưng trong những người ngồi dự, Đàm Chấn Lâm thẳng thắn không a dua đã đứng lên, ông bực tức nhìn Giang Thanh: “Bà làm cái gì vậy? Mao Chủ tịch là Chủ tịch của toàn Đảng chúng ta, Chủ tịch của nhân dân cả nước, hôm nay là Chủ tịch của Hội nghị Trung ương. Trong Hội nghị trang trọng thảo luận những việc lớn của đất nước, bà có quyền gì mà gây rối”.

Đàm Chấn Lâm nổi giận đùng đùng. Lúc ngồi xuống miệng còn lẩm bẩm một câu: “Cái quái gì?”. Suốt đời Đàm Chấn Lâm rất nghiêm chỉnh, trong “Dòng nước ngược tháng Hai” vì nghiêm chỉnh mà ông bị phê phán. Lúc này, lời của ông đã đem đến cho hội nghị bầu không khí bất an cực độ. Tiếng khóc thút thít của Giang Thanh vang lên trong hội trường. Mao Trạch Đông tuyên bố giải tán, Giang Thanh khóc ầm lên. Đại đa số nhanh chóng rời khỏi hội trường, như muốn chạy trốn khỏi chốn thị phi. Nhưng hôm nay không hiểu vì tâm lý phức tạp gì đã khiến Trần Bá Đạt chen lên phía trên: “Buồn rầu quá, sẽ tổn thương đến thân thể. Kiềm chế tức giận, kiềm chế tức giận”. Ông ta đi đến trước mặt Giang Thanh, kéo dài giọng: “Hôm nay chị cũng hơi quá. Tôi cảm thấy xấu hổ thay cho chị. Đây là Hội nghị, không phải ở nhà...” Trần Bá Đạt vừa như dạy bảo khuyên răn vừa như tự nói với mình, ông ta cứ lẩm bẩm nói, mắt nhìn thẳng, mồm như treo lơ lửng ở không trung, còn Giang Thanh thì như một con dã thú điên cuồng, thể diện ư, ảnh hưởng ư chẳng kể gì hết, nhảy bổ vào túm lấy cổ áo Trần Bá Đạt ra sức kéo lại, làm cho phù hiệu trên ve cổ áo của Trần Bá Đạt đứt ra, hành động của Giang Thanh làm Trần Bá Đạt thực sự không ngờ tới. Ông ta không ngờ được rằng “đệ nhất phu nhân”, giữa hội trường rộng lớn đông người lại có thể làm như vậy. Thực ra Giang Thanh là người rất sĩ diện, Đàm Chấn Lâm là một trong những đồng chí trong Đảng đã phê bình bà ta, bà ta không dám nổi nóng trước mặt, nhưng không biết giấu mặt đi đâu. Bây giờ Trần Bá Đạt “mi dám coi trời bằng vung ra vẻ dạy dỗ bà đây. Mi là cái quái gì? Mi có ngày hôm nay, chẳng phải là do bà dắt mi đi hay sao? Mi là đồ thối tha, ta khinh mi!” Giang Thanh vừa túm cổ áo vừa chửi, rồi quay gót bỏ đi. Trần Bá Đạt lúc này mới từ cơn ác mộng tỉnh lại, chẳng còn sĩ diện, ông ta cũng chẳng chú ý gì nữa, lớn tiếng nói với theo: “Mụ cũng là cái quái gì? Đồ quạ cái!” Sau khi chửi xong, ông ta phát hiện trong hội trường trống không, chỉ còn lại một mình ông ta, ông ta đột ngột cảm thấy khí lạnh từ bốn phía ùa tới. Trong cuộc sống sau này, Trần Bá Đạt luôn cảm thấy nỗi đau buồn lạnh lẽo không tan.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2010, 12:59:37 am »


5. Chó cắn chó Trần Bá Đạt bị buộc phải theo Lâm Bưu

Ông ta đang suy nghĩ Mao Trạch Đông đã ở vào tuổi cổ lai hy, quy luật tự nhiên không thay đổi theo ý muốn của con người sau khi ông trăm tuổi, thì thiên hạ của Trung Quốc sẽ rơi vào tay ai? Lâm Bưu! Đúng! Nay Giang Thanh đã bỏ rơi mình thì phải móc nối với Lâm Bưu. Ông ta biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc phản đối nhất là “bè phái”, “tập đoàn”, chính là vì có “bè phái” và “tập đoàn” tồn tại.

Chính khi các “tú tài” dưới tay của Giang Thanh và các “võ tướng” dưới tay của Lâm Bưu hình thành hai thế lực trong Bộ Chính trị, “đại tú tài” Trần Bá Đạt đã từ “chiến hữu” của Giang Thanh ngả về Lâm Bưu, làm cho Lâm Bưu “có văn có võ”, tăng thêm sức mạnh.

Trần Bá Đạt đã từng nói với người khác, ông ta đã nhiều năm làm thư ký chính trị cho Mao Trạch Đông nên ông rất hiểu tính nết của Giang Thanh, một con người chí lớn nhưng tài mọn, ngoan cố tự phụ, thủ đoạn độc ác lòng dạ hẹp hòi. Chính vì vậy, mới đầu mọi người muốn ông ta làm tổ trưởng Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, ông ta đã từng nhiều lần từ chối. Trần Bá Đạt nói, ông ta không muốn làm tổ trưởng, không phải là ở bản thân Tổ cách mạng văn hóa Trung ương mà là ở việc Giang Thanh làm tổ phó. Ông ta hiểu sâu sắc rằng, ông ta “lãnh đạo” không nổi Giang Thanh, không có cách gì làm tổ trưởng được. Nhưng Mao Trạch Đông đã chỉ đích danh ông ta làm tổ trưởng, ông ta không thể không tuân lệnh.

Đêm ngày 9 tháng 7 năm 1966, Chu Ân Lai gọi điện thoại cho ông ta. Chu Ân Lai nói có hai tin điện của Tân Hoa xã sẽ được đăng báo, muốn ghi chức vụ Tổ trưởng Tổ cách mạng văn hóa Trung ương của ông ta - Đây sẽ là chức vụ của ông ta lần đâu tiên được đăng báo công khai.

Ngày 9 tháng 7, Lưu Thiếu Kỳ đã tiếp kiến các đại biểu tham gia Hội nghị khẩn cấp của các nhà văn Á Phi. Đêm ấy, Chu Ân Lai, Khang Sinh, Trần Bá Đạt, Đào Chú tổ chức tiệc lớn chúc mừng Hội nghị khẩn cấp của các nhà văn Á Phi bế mạc. Tân Hoa xã đã đăng hai tin điện và cho đăng báo về việc này, trong đó nhắc tới Trần Bá Đạt: “Trần Bá Đạt, ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổ trưởng Tổ cách mạng văn hóa Trung ương”. Trong điện thoại, Trần Bá Đạt, đã nhờ Chu Ân Lai nói lại với Tân Hoa xã là trong tin điện không nên viết chức vụ Tổ trưởng Tổ cách mạng văn hóa Trung ương của ông ta, vì ông ta muốn trong một dịp thích hợp ông ta sẽ xin từ bỏ chức vụ này. Chu Ân Lai không đồng ý. Ngày hôm sau, “Nhân dân nhật báo” và báo chí trong cả nước đã đăng hai tin điện này của Tân Hoa xã - Đây là chức vụ Tổ trưởng Tổ cách mạng văn hóa Trung ương mà Trần Bá Đạt đảm nhiệm lần đầu tiên công khai trên báo.

Vào thời kỳ đầu của cuộc cách mạng văn hóa Trần Bá Đạt đã từng hợp tác với Giang Thanh, ông ta cũng đã từng thổi kèn, khiêng kiệu cho Giang Thanh xuất lộ trên vũ đài chính trị Trung Quốc. Nhưng từ khi ông ta bị một trận ốm và Trung ương Đảng đăng “Thông báo về việc đồng chí Giang Thanh giữ chức quyền tổ trưởng Tổ cách mạng văn hóa Trung ương” vào ngày 30 tháng 8 năm 1966 đến nay. Thực quyền của Tổ cách mạng văn hóa Trung ương nằm trong tay Giang Thanh. Tuy vậy, xuất phát từ nhu cầu về chính trị, ông ta và Giang Thanh vẫn giữ sự “liên minh” để cùng chống lại Đào Chú, cùng đánh đổ Lưu, Đặng, nhưng mâu thuẫn giữa ông ta và Giang Thanh ngày càng sâu sắc. Đặc biệt là “dòng đích” của Giang Thanh là Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên lên nhanh như diều gặp gió trong cách mạng văn hóa, và những người này cũng không coi ông ta ra gì. Cuối cùng, Tổ cách mạng văn hóa Trung ương chỉ còn lại 5 người Trần Bá Đạt, Khang Sinh, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Trần Bá Đạt hoàn toàn ở vào địa vị bị cô lập, bốn người này đã liên kết chống lại ông ta. Trần Bá Đạt đã dọn khỏi Điếu Ngư Đài, về ở nhà tại ngõ Mễ Lương, Bắc Kinh.

Sự xung đột trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương cuối cùng đã bùng nổ. Trong bản thảo viết ngày 26 tháng 9 năm 1980, Trần Bá Đạt đã nhớ lại như sau:

Trước Đại hội Đảng khóa 9, Giang Thanh và Khang Sinh đã bay mưu tính kế, lấy cớ của cái gọi là tôi “phong tỏa tiếng nói của mao Chủ tịch”, đã tổ chức một cuộc mít tinh ở phòng họp phía Đông, những người đến dự gần như đã ngồi kín trong phòng. Giang Thanh tự tuyên bố: Bà ta là chủ tịch Hội nghị, “Trần Bá Đạt kiểm điểm”. Bà ta cùng Khang Sinh “anh xướng tôi họa”. Tôi chỉ nói một câu đã bị cắt ngang. Giang Thanh nói: Trần Bá Đạt không kiểm điểm, không cho ông ta nói. Bà ta cũng không cho những người khác tham gia hội nghị phát biểu. Lúc ấy nhân viên công tác nói chung đều mặc quân phục, trong hội nghị tôi cũng mặc như thế, Giang Thanh đề xuất là phải lột bỏ quân hiệu và phù hiệu trên mũ và trên ve cổ áo của tôi. Tôi thấy, cuộc họp này mở ra là để đánh đổ tôi, chẳng có gì để biện luận, đã hô lên một tiếng: “Đại tự báo ra phố” (tức là đại tự báo tán thành đánh đổ tôi thì ra phố). Diệp Quần tham gia hội nghị đã hô lớn: “ủng hộ đồng chí Giang Thanh!”

Mâu thuẫn giữa Trần Bá Đạt với Giang Thanh và Khang Sinh gay gắt và sâu sắc như thế chứng tỏ Tổ cách mạng văn hóa Trung ương từ lâu đã có sự chia rẽ nghiêm trọng, “Tổ trưởng” chỉ còn trên danh nghĩa.

Giang Thanh gán cho Trần Bá Đạt tội danh “phong toa tiếng nói của Mao Chủ tịch”, thực ra là do sự tranh giành quyền khởi thảo Báo cáo Chính trị của Trung ương Đảng tại Đại hội khóa 9 dẫn đến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2010, 01:00:02 am »


Báo cáo chính trị của Trung ương Đảng tại Đại hội khóa 9 do Lâm Bưu đọc, được công bố dưới danh nghĩa của Lâm Bưu, nhưng báo cáo chính trị lại do các “tú tài” viết nên. Mao Trạch Đông chỉ định ba người là Trần Bá Đạt, Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên khởi thảo. Trần Bá Đạt từ lâu đã bất đồng với Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên, nên không muốn hợp tác với họ. Thế là Trần Bá Đạt gạt Trương và Diêu, một mình khởi thảo.

Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên cũng không chịu kém, liên kết với Khang Sinh để khởi thảo một bản riêng.

Trần Bá Đạt đi trước một bước, viết xong bản thảo đầu tiên, đưa trình Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông xem xong, trao đổi ý kiến với Trần Bá Đạt, trong đó có một số ý kiến rất quan trọng. Ví dụ, Mao Trạch Đông không đồng ý với câu “Đường lối Lưu, Đặng” trong bản thảo của Trần Bá Đạt, ông nêu rõ: “Đặng Tiểu Bình đã từng đánh trận, khác với Lưu Thiếu Kỳ, trong báo cáo không nên nhắc tên đồng chí ấy”.

Những ý kiến này Trần Bá Đạt chỉ nói với Chu Ân Lai.

Sau này, qua Mao Trạch Đông, Giang Thanh được biết là Mao Trạch Đông đã từng trao đổi một số ý kiến về việc khởi thảo báo cáo chính trị với Trần Bá Đạt, nhưng Trần Bá Đạt không truyền đạt lại cho Khang Sinh, Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên, bà ta tức điên.

Thế là, Giang Thanh liền gán cho Trần Bá Đạt cái tội “phong toả tiếng nói của Mao Chủ tịch” và triệu tập cuộc họp để đấu tranh - Nên biết là lúc ấy Trần Bá Đạt là nhân vật thứ tư chỉ đứng sau Mao Trạch Đông, Lâm Bưu, Chu Ân Lai.

Trần Bá Đạt đấu không nổi với Giang Thanh.

Giang Thanh hậu thuẫn cho Khang Sinh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, để Mao Trạch Đông nói chuyện nhiều lần với họ, gạt Trần Bá Đạt ra, bởi Trần Bá Đạt đã “phong toả tiếng nói của Mao Chủ tịch”.

Vậy là, Mao Trạch Đông đã dùng bản báo cáo chính trị do Khang Sinh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên khởi thảo.

Trần Bá Đạt viết xong báo cáo chính trị, cho vào túi làm bằng giấy xi-măng dán kín, viết mấy chữ: “Trình Mao Chủ tịch”. Nhưng, túi này nhanh chóng được chuyển từ chỗ Mao Trạch Đông trả lại Trần Bá Đạt, trên có hàng chữ do Mao Trạch Đông viết: “Gửi lại đồng chí Bá Đạt. Mao Trạch Đông”. Trần Bá Đạt nhìn kỹ lại, chiếc túi giấy ấy chưa được bóc ra!

Trần Bá Đạt khóc ầm lên, vì Mao Trạch Đông đã không hề xem bản thảo của ông ta, mà gửi trả lại nguyên xi chiếc túi tài liệu chưa bóc.

Mao Trạch Đông đã dùng báo cáo chính trị do Khang Sinh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên viết. Thế là phút chốc, Trần Bá Đạt với tư cách là vị “đại tú tài”, với tư cách là “lý luận gia mác-xít - lê-nin-nít” mất hết uy tín!

Trần Bá Đạt với bộ mặt lầm lũi bước vào Hội trường dự Đại hội khóa 9 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông ta cho rằng lần này thì sẽ sụp đổ hoàn toàn. Không ngờ, Mao Trạch Đông vẫn giữ “sĩ diện” cho ông ta, ông ta vẫn được bầu vào Bộ Chính trị, vẫn ngồi trên cái ghế thứ 4.

Có điều, qua cuộc đấu tranh ở hội nghị năm 1966, lại thêm một trận đấu xoay quanh quyền khởi thảo báo cáo chính trị trước Đại hội Đảng 9, Trần Bá Đạt đã cãi nhau với Giang Thanh, Khang Sinh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, quan hệ căng thẳng. Thế là ông ta đi theo “Phó Thống soái” Lâm Bưu. Trần Bá Đạt đã tỏ sự quyết tâm với Diệp Quần: “Sau này tôi sẽ làm việc theo chỉ thị của Lâm Phó Chủ tịch, từng bước tiến lên theo sát sự sắp đặt chiến lược của Lâm Phó Chủ tịch, sẽ cống hiến tất cả cuộc sống của mình cho Lâm Phó Chủ tịch!”.

Từ đó về sau, ngày nào cũng có những cuộc điện thoại nóng giữa Trần Bá Đạt và Diệp Quần, có lúc điện thoại còn gọi đến phòng vệ sinh, còn bàn những chuyện bí mật tuyệt đối, cho đến trước Hội nghị Trung ương 2 khóa 9, mọi người mới biết rõ Trần Bá Đạt là “một tớ hai chủ”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2010, 01:00:38 am »


6. Thi thố tài nghệ điên cuồng bức hại

Trần Bá Đạt vẫn luôn tự xưng là “tiểu dân”. Thực ra ông ta là một tên hung thủ điên cuồng bức hại những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước của “một thời quyền trong tay muốn làm gì thì làm”.

Ngày 1 tháng 6 hằng năm, từ khi có ngày lễ Nhi đồng Quốc tế đến nay, ngày lễ tuổi thơ ngây của nhân loại. Nhưng ngày lễ này năm 1966 ở Trung Quốc, lại là cái ngày mà tất cả những người ngây thơ không thể tưởng tượng nổi là đã xảy ra chuyện gì. Bài viết của Người bình luận “Nhân dân nhật báo” có tựa đề “Hoan hô một bài đại tự báo của Đại học Bắc Kinh”, như một trận cuồng phong dữ dội quét trên lãnh thổ Trung quốc rộng đến 9 triệu 600 ngàn Kilômét vuông, tất cả những nơi nó tràn đến, cây trốc gốc, nhà sập đổ, xà gãy cột xiêu, tạo nên một tấn bi kịch hiếm thấy trên thế gian. Với sự “hoan hô “ của nó, những rường cột của đất nước, chỉ sau một đêm đã biến thành “phái đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”. Rất nhiều người có công dựng nước bị tống vào tù ngục, đông đảo trí thức và các học giả chuyên gia, biến thành “lũ thối tha”, có người bị nhốt vào chuồng bò, có người bị lưu đày tha hương, các vị nguyên soái tướng lĩnh đã vào sinh ra tử trên chiến trường để dựng nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng bị đày đọa giày vò tàn khốc, với sự “hoan hô” của nó, các cán bộ các cấp của Đảng và Nhà nước ta cùng vô số quần chúng vô tội phải chịu những tai nạn mà không bút mực nào ghi hết! Người viết ra bài văn này không ai khác, chính là Trần Bá Đạt “Hoan hô” đã không kể gì đến sự thực chính quyền của nền chuyên chính vô sản đã tồn tại 17 năm, cố sức thổi phồng: “Có chính quyền là có tất cả, không có chính quyền thì sẽ mất tất cả”. Muốn cướp chính quyền, Trần Bá Đạt và đồng bọn phải đánh đổ cán bộ lãnh đạo các cấp đã ngăn cản họ cướp quyền. Thế là, “Hoan hô” dựng đứng lên để công kích: “Những nhân vật đại biểu cho giai cấp tư sản, những kẻ “quyền uy học thuật” của giai cấp tư sản ở Trung Quốc hiện nay, họ đang nằm mơ để khôi phục lại giai cấp tư sản”. Nó kích động “quét sạch bọn đầu trâu mặt ngựa đang chiếm cứ trên trận địa văn hóa tư tưởng... đánh cho tan nát cái gọi là “chuyên gia”, “học giả”, “quyền uy”, “tổ sư” của giai cấp tư sản, làm cho uy phong của chúng sụp đổ”.

Trần Bá Đạt không chỉ dừng ở việc “quét sạch” trên lý luận. Ngày 26 tháng 12 năm 1967, Trần Bá Đạt đã phát biểu vu cáo hãm hại tổ chức Đảng ở Ký Đông (Miền Đông tỉnh Hà Bắc - N.D) tại Đường Sơn, rằng: “Có thể là đảng của Quốc Cộng hợp tác, trên thực tế có thể là Quốc dân Đảng đang phát huy tác dụng ở đây, bọn phản bội đang phát huy tác dụng ở đây...”. Bài phát biểu này của Trần Bá Đạt đã làm cho cán bộ và quần chúng bị vu cáo, bức hại lên tới 84 ngàn người, bị bức hại tới chết 2955 người, bị tàn phế 763 người.

Năm 1968, trong cái gọi là kẻ đứng sau vụ án truyền đơn “ủy ban bất thường Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Trần Bá Đạt đã cùng Tạ Phú Trị, Ngô Pháp Hiến lại nêu ra một cách vô căn cứ về cái gốc căn bản là người ở Bộ tư lệnh đen Lưu, Đặng, chỉ trích danh vu cáo một số nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước là kẻ giật dây gây vụ án truyền đơn này. Trên thực tế, vụ án truyền đơn ủy ban bất thường Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, xảy ra ngày 8 tháng 10 một năm trước, hôm ấy, một công nhân ở Thành phố Thiên Tân đến phố Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh đem hơn 80 tờ truyền đơn in rô-nê-ô, do bản thân tự viết và khắc in lần lượt bỏ vào các hòm thư quanh đó, truyền đơn ký tên “ủy ban bất thường Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Tháng 11 cùng năm, vụ án này đã được phá ở Thiên Tân, người gây án cung khai: “Từ đầu đến cuối, từ trước đến sau đều chỉ có một người, không có bất cứ ai tham gia”. Qua sự giám định về bút tích của bản gốc và công cụ gây án do Bộ Công an tiến hành, đã hoàn toàn chứng thực điều này. Nhưng, Trần Bá Đạt lại cho rằng đây là một vụ án phản cách mạng hiện hành lớn phải tìm ra kẻ giật dây. Tháng 4 năm 1968, trong phòng đón tiếp ở Đại Lễ đường Nhân dân, Trần Bá Đạt vừa bước tới trước, chỉ vào tấm biểu ngữ “Nên đem sức còn dư đuổi kẻ giặc cùng đường” nói với các nhân viên trong tổ chuyên án đang ngồi ở bên dưới: “Các anh nên học tập, bắt được người khắc bản ấy là điểm bắt đầu không phải là điểm cuối, điểm cuối là kẻ giật dây đứng đằng sau, kẻ giật dây không phải là người bình thường, người bình thường không làm được việc đó, không phải chỉ vẻn vẹn có một người làm mà có thể là một tổ chức”. Trong một lần tiếp những người trong tổ chuyên án khác, ông ta hùng hổ nói: “Chính là phải truy lên trên, nói tóm lại, bất kể người đó là ai, tìm thấy ai thì chính là người đó”. Trần Bá Đạt và đồng bọn “khẳng định là có rồi mới thẩm vấn”, dùng một loạt các thủ đoạn phi pháp, mớm cung, dụ dỗ nhận tội đến tiến hành bức cung, dùng cách chửi rủa, trách mắng thậm chí tra tấn cho ngồi “kiểu phản lực” để truy bức cái gọi là “kẻ giật dây”. Cuối năm ấy truy tìm ra cái án giả “Đảng Cộng sản (mác-xít - lê-nin-nít) Trung Quốc” ly kỳ khủng khiếp. Vu cáo Chu Đức là Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản (mác-xít - lê-nin-nít) Trung Quốc, Trần Nghị là Phó Bí thư kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Lý Phú Xuân là Thủ tướng, những người tham gia còn có Đổng Tất Vũ, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Hạ Long, Lưu Bá Thừa, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Đàm Chấn Lâm, Dư Thu Lý... Vu cáo các đồng chí này là “thông đồng với nước ngoài, chuẩn bị vũ trang nổi loạn”. Đây đều là những việc do tên “tiểu dân” này làm.

Nếu nói trong vụ án “Tổ chức Đảng ở Ký Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc”, vụ án “Ban chấp hành bất thường Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc” và vụ án “Đảng Cộng sản (mác-xít - lê-nin-nít) Trung Quốc”, Trần Bá Đạt chỉ là người ra “chỉ thị” thì việc bức hại Lục Định Nhất là do đích thân ông ta nhúng tay làm. Ông ta lợi dụng cơ hội chủ quản “Chuyên án Lục Định Nhất”. Từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1966, bình quân 10 ngày Trần Bá Đạt lại ra một “chỉ thị” có lúc gọi điện thoại, có lúc đích thân đến tổ chuyên án, ra lệnh xích tay Lục Định Nhất, hoặc giao cho Hồng vệ binh xét xử. Đày đọa bức hại Lục Định Nhất trên nhiều mặt từ chính trị đến đời sống, từ xác thịt đến tinh thần, về sau lại đích thân ra lệnh giam Lục Định Nhất vào nhà tù.

Đối với bản lĩnh chỉnh người của Trần Bá Đạt, Lâm Bưu kẻ đang mơ tưởng “thay đổi triều đại” và đồng bọn Giang Thanh đánh giá rất cao. Giang Thanh ca ngợi ông ta là có nhiều biện pháp, Lâm Bưu và Diệp Quần lại phong ông ta làm “quân sư”. Đồng thời bản thân ông ta cũng đã đạt đến đỉnh cao chính trị. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 1 khóa 9, họp vào năm 1969, ông ta được xếp thứ 3 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 5 người, chỉ đứng sau Mao Trạch Đông, Lâm Bưu, đã đứng trước Chu Ân Lai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2010, 01:01:10 am »


7. Con cáo rốt cuộc đã bị đánh gục

Có núi cao ắt có vực thẳm. Đuôi cáo cuối cùng đã lòi ra. Trong Hội nghị Lư Sơn năm 1970, Mao Trạch Đông đã thật sự nhìn thấy “cái đuôi” của Trần Bá Đạt, đồng thời ông đã nắm chặt không buông.

Hội nghị lần này chủ yếu là thảo luận sửa đổi “Hiến pháp”, tức là có lập chủ tịch nước hay không. Trần Bá Đạt tham gia tổ khởi thảo “Hiến pháp”, lại hợp tác với Lâm Bưu làm việc lớn. Ông ta tích cực ủng hộ Lâm Bưu lập chủ tịch nước và quan điểm “Thiên tài luận”, những lý thuyết về “thiên tài” này lại là kiệt tác của Trần Bá Đạt, từ đây đã bộc lộ triệt để quan hệ không chính đáng của ông ta và Lâm Bưu. Lúc này, Mao Trạch Đông tỉnh táo lạ thường! Mao Trạch Đông nói: “Trần Ba Đạt dẫn đầu, một là kiên trì việc lập chủ tịch nước, hai là “Thiên tài luận”, cổ động một số người, lừa dối một số người gây rối, có xu thế san phẳng Lư Sơn, làm ngừng sự chuyển động của trái đất”. Lúc này Mao Trạch Đông đã hiểu ra, Trần Bá Đạt là phần tử khả nghi có mưu đồ xấu, là phần tử chống Đảng trà trộn vào Đảng. Mao Trạch Đông đã phát biểu “Một ý kiến của tôi”. Từ sự bất hợp tác trên những vấn đề lớn trong hơn 30 năm qua của Trần Bá Đạt, vạch trần việc trích lời bàn về “Thiên tài luận” mà Trần Bá Đạt làm, hồ như chẳng có mấy điều là chủ nghĩa Mác. Trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, những lời của Mao Trạch Đông có tác dụng then chốt, trong Hội nghị Lư Sơn, Trần Bá Đạt đã bị phê phán gay gắt.

Trần Bá Đạt là một người có dã tâm nhưng lại vô nguyên tắc. Trên vũ đài chính trị Trung Quốc, chưa bao giờ ông ta có được một lực lượng độc lập, ông ta luôn dựa vào người khác. Sở trường của ông ta là cây bút trong tay, nhưng lại thiếu năng lực tổ chức. Tổ cách mạng văn hóa Trung ương đã cãi cọ nhau, đã tan đám, ông ta không thể không tìm người bạn mới. Lâm Bưu đang đầy dẫy dã tâm, hùng cứ trên diễn đàn chính trị Trung Quốc, ông ta đã đổi sân và đã chọn Lâm Bưu, còn Lâm Bưu, thì dưới tay toàn là “võ tướng” đang thiếu “đại tú tài”. Lợi ích chính trị của đôi bên đã quyết định việc Trần Bá Đạt ngả về Lâm Bưu - Tuy trong lịch sử, Trần Bá Đạt và Lâm Bưu không có quan hệ nguồn gốc gì.

Hai thế lực Lâm Bưu, Giang Thanh đã lợi dụng lẫn nhau và đấu tranh với nhau như thế.

Cuối cùng, Trần Bá Đạt đã từ ngôi vị thứ tư ngã nhào.

Ngày ấy cuối cùng đã đến: ngày 18 tháng 10 năm 1970.

Hôm ấy, cảnh vệ trước kia của Trần Bá Đạt bị điều đi, Bộ đội 8341 mới đến không còn là người “bảo vệ an toàn của các thủ trưởng Trung ương nữa”, mà là thực hiện việc giam giữ tại chỗ. Sau này, thời gian thụ hình của ông ta được tính từ ngày này, ông ta đã bị phạt tù 18 năm.

Ngày 18 tháng 10 năm 1970, hai thư ký của ông ta là Vương Văn Dược và Vương Bảo Xuân đã bị mất tự do. Họ đã bị giải về Học viện Hành chính Pháp luật Bắc Kinh giam cách ly.

Ngay đến người giúp việc và bảo mẫu, vốn là nữ công nhân xí nghiệp sản xuất thuốc ở Tuyền Châu tỉnh Phúc Kiến Trần Thuận Ý, cũng bị bắt hôm ấy. Trong hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa 8 họp tháng 8 năm 1966, ông ta được bầu làm ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Lúc ấy ông ta được xếp ở vị trí thứ 5. Đầu năm 1967, sau khi Đào Chú bị đánh đổ, ông ta trở thành “nhân vật thứ 4”, còn nay, nhân vật thứ 4 này bị xóa bỏ hoàn toàn.

Trên vũ đài chính trị Trung Quốc, gian dối xảo trá lại gục đổ một nhân vật chính.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2010, 01:02:02 am »


8. “Đại danh nhân” đậy nắp quan tài mà chưa bàn được điều hay lẽ dở

Khi Trần Bá Đạt một tôi hai chủ bị tan vỡ, thì Khang Sinh vẫn ngồi vững ở Điếu Ngư Đài, ông ta không hổ với danh mưu cao chước giỏi.

Trong các cuộc đấu tranh chính trị trước đây, Khang Sinh đều dựa vào sự gian giảo điêu toa của mình lựa gió chống thuyền, liệu dòng bẻ lái, đã bảo đảm cho ông ta sống lâu dài trong cuộc đời quan trường. Một thời gian dài trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Khang Sinh đã đầu cơ gây án, gây nên sự hủy hoại sâu ảnh hưởng rộng đối với sự nghiệp cách mạng, một điều rất hiếm thấy trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế. Một đại gian thần và tội nhân thiên cổ với tội ác tày trời, cho đến khi đậy nắp quan tài vẫn vẽ cho mình bộ mặt chính nhân quân tử. Lúc sống, ông ta đã làm cố vấn cho Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, thăng đến ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, rồi Phó Chủ tịch Trung ương Đảng, trở thành “đại danh nhân” có thể hô phong hoán vũ, hiển hách một thời.

Có lý khi nói là “lịch sử vô tình”. Cái giả dối rồi sẽ lộ chân tướng. Thời gian trôi đi, cho đến năm 1980 Công nguyên, cái bộ mặt giả dối của Khang Sinh mới bị vạch trần. Ông ta tự cho là sẽ để tiếng thơm muôn đời, nhưng giờ đây lại là ô danh ngàn thuở.

Mọi người không kìm được phải hỏi rằng, ông ta một kẻ đầy mưu mô đã leo lên địa vị quyền thế khuynh đảo trong ngoài đã phát tích như thế nào?

Khang Sinh (1898 – 1975), ở Huyện Giao, tỉnh Sơn Đông (nay là Giao Nam), vốn có tên là Trương Tông Khả, tự Thiếu Khanh. Từ sớm đã vào học Trường Đại học Thượng Hải, năm 1925 gia nhập Đảng Cộng sản Trung quốc. Đã từng giữ chức Bí thư Khu ủy Hộ Đông (phía Đông Thượng Hải), Trưởng Ban tổ chức và Tổng thư ký Tỉnh ủy tỉnh Giang Tô, ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng ban tổ chức trung ương v.v... Năm 1933, đi Liên Xô, về sau đã từng tích cực thi hành đường lối “tả” khuynh của Vương Minh. Năm 1937, trở về Diên An, giữ chức Trưởng ban Xã hội Trung ương Đảng, Bí thư ban bí thư Trung ương, thời gian chỉnh phong ở Diên An đã từng gây ra không ít vụ án oan. Sau giữ chức Bí thư Phân cục Sơn Đông thuộc Trung ương, Chính ủy Quân khu Sơn Đông, Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn Đông. Sau khi dựng nước, giữ chức Bí thư Ban bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị hiệp thương toàn quốc, Phó ủy viên trưởng ủy ban Thường vụ Đại biểu nhân dân toàn quốc, ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá 8. Trong đại cách mạng văn hóa giữ chức cố vấn Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Đảng. Đã từng hãm hại hàng loạt cán bộ và quần chúng. Ngày 16 tháng 12 năm 1975, chết bệnh tại Bắc Kinh. Ngày 16 tháng 10 năm 1980, bị Trung ương Đảng Cộng sản trung Quốc khai trừ khỏi Đảng, huỷ bỏ điếu văn.

Năm 1927, sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc không lâu, Khang Sinh đã khoác lên chiếc áo ngoài quyền uy lý luận của chủ nghĩa Mác, đã đầu cơ luồn lọt trong Đảng tới 50 năm, mặc cho mưa gió đổi thay sắc mặt vẫn như thường, ông ta thường xuất hiện với bộ mặt cực tả cách mạng nhất, hô phong hoán vũ, hoành hành ngang ngược.

Phàm là chỉnh người ông ta không bao giờ bỏ qua. Chỉnh Bành Đức Hoài năm 1959, có phần của ông ta.

Năm 1959, ông ta được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm ủy ban biên tập “Mao Trạch Đông tuyển tập”. Thời gian Mao Trạch Đông lập tổ lý luận dưới quyền Tổ Văn giáo Trung ương, do Khang Sinh kiêm tổ trưởng, sau đó lại nâng tổ lý luận lên thành Tổ lý luận Trung ương do ông ta kiêm nhiệm Tổ trưởng, đã kiếm được thực quyền. Trung ương quyết định Khang Sinh kiêm quản công việc của Trường Đảng. Điều này cũng làm cho Khang Sinh vui mừng khôn xiết, ông ta có thể ở trên vị trí này rêu rao lừa bịp dưới chiêu bài “quyền uy lý luận” của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đúng như nguyện vọng mà không bị ngăn trở. Trước “cuộc đại cách mạng văn hóa”, Khang Sinh đã cảm thấy được một cuộc bão táp lớn sắp tới gần, thế là ông ta liền nhanh chân chạy trước, xui nguyên giục bị gây hỗn loạn trên vũ đài chính trị. Ngay từ năm 1964, Khang Sinh đã nhiều lần nói với Mao Trạch Đông: “Hải Thụy bãi quan” của Ngô Hàm có liên quan đến Hội nghị Lư Sơn, là thay Bành Đức Hoài xử lại án”. Ông ta bất chấp sự thực lịch sử, đã “phát minh” ra “chỗ hiểm” của “Hải Thụy bãi quan”, là “bãi quan”. Khang Sinh xứng đáng là tham mưu cao cấp am hiểu sự gian giảo quỷ quyệt và là cao thủ giở thủ đoạn âm mưu. Sau khi Giang Thanh báo cáo gặp thất bại, ông ta đích thân góp ý kiến với Mao Trạch Đông nói là ông ta đã suy nghĩ hai ba năm, nhìn thấy vở kịch “Hải” (nói tắt “Hải Thụy bãi quan” - N.D) là kêu oan cho Bành Đức Hoài, muốn xử lại án cho Bành Đức Hoài. Sự miêu tả của Khang Sinh đã làm cho Mao Trạch Đông chú ý, vì ông ta có công đầu nên càng được sủng ái. Sau này trong việc bố trí toàn bộ “Bình vở kịch lịch sử mới viết “Hải Thụy bãi quan”” ông ta đã có công làm nổi bật nét chính. Sự công bố bài viết này, hoàn toàn là một âm mưu, do Giang Thanh gợi ý cho Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên nặn ra. Từ Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ Chính trị đến Ban Bí thư, ngoài Khang Sinh ra những người khác đều bị bịt hết, không biết nguồn gốc của bài viết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2010, 01:02:25 am »


Năm 1965, Trung ương quyết định thành lập Tổ lãnh đạo Cách mạng văn hóa 5 người, Bành Chân được ủy nhiệm làm tổ trưởng, Khang Sinh giữ chức phó. Ông ta vẫn bí mật câu kết với Giang Thanh v.v..., bày mưu tính kế cho họ, đồng thời lại đem tình hình của Tổ lãnh đạo cách mạng văn hóa tiết lộ đầu đuôi ngọn ngành cho Giang Thanh biết. Điều đó đã giúp rất nhiều cho Giang Thanh gây đại loan trong thiên hạ. Vì sao trong đại cách mạng văn hóa, Khang Sinh lại bán sức cho Giang Thanh như thế? Người có chút thường thức chính trị sẽ thấy ngay, đây là một cuộc đầu tư nhất bản vạn lợi. Khang Sinh ra sức phục vụ Giang Thanh vì Giang Thanh có chỗ có thể lợi dụng, với tư cách là phu nhân của Chủ tịch xét cho cùng thì có thể: “Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt” (Sân trời gần nước sẽ thấy trăng trước). Có lúc thông qua Giang Thanh có thể có được thanh “thượng phương bảo kiếm” trừ tà ở nơi Mao Trạch Đông, ít nhất thì cũng có thể nghe ngóng được một số tình hình của cuộc đấu tranh chính trị. Sự tích lũy kinh nghiệm sinh hoạt chính trị nhiều năm làm cho Khang Sinh học được cách xu phụ kẻ có quyền thế, lựa gió dong thuyền. Ông ta giỏi lợi dụng, luồn cúi, giương chiêu bài của người khác để bán món hàng giả, thực hiện những hành vi đen tối của mình. Ông ta đã tạo cho mình quyền phát minh về vụ án “Hải Thụy bãi quan”, với sự kích động của Giang Thanh cùng Trần Bá Đạt và được sự đồng ý của Mao Trạch Đông. Về sau, Khang Sinh lại biến nó thành cái của Mao Trạch Đông, rồi ra sức truyền bá khắp nơi, lập công lớn trong việc tạo ra cuộc “đại loạn thiên hạ”.

Ngày 8 tháng 2 năm 1966, khi Mao Trạch Đông nghe báo cáo của Bành Chân và Khang Sinh, đã từng hỏi: “Hải Thụy bãi quan” có liên hệ gì với việc xét lại án Bành Đức Hoài hay không? Bành Chân lập tức dựa trên thực tế trả lời phủ định. Thế là Mao Trạch Đông nói toạc ra hết: “Chỗ hiểm trong bài viết của Ngô Hàm là bãi quan, đó là do Khang Sinh nói với tôi, là quyền phát minh của Khang Sinh”. Khang Sinh vội vàng nói xen vào: “Không, không phải là quyên phát minh của tôi, là quyền phát minh của Mao Chủ tịch”. Khang Sinh, là một tên bịp bợm chính trị giỏi giở âm mưu, từ đó về sau lại nhiều lần tuyên bố công khai rằng đồng chí Mao Trạch Đông đã khẳng định là “phát minh” của ông ta.

Khang Sinh cổ động Giang Thanh tố cáo sau lưng, tiến hành phủ định “Đề cương tháng Hai”. Sau khi Mao Trạch Đông tỏ thái độ rằng “Đề cương này là sai lầm”, Khang Sinh lại nói rõ “Đề cương tháng Hai” là một cây cỏ độc chống Đảng chống chủ nghĩa xã hội”. Trong Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng, ông ta đã tuyên bố rằng bản đề cương này là do Bành Chân làm giấu giếm sau lưng ông ta, là một sản phẩm của những âm mưu. Sự “tố giác” và phê phán của Khang Sinh, khiến Trung ương quyết định giải tán Tổ cách mạng văn hóa 5 người. Hành vi cực kỳ bỉ ổi này của Khang Sinh, khiến sau này ông ta nhảy một bước tới trời, giành được chức cố vấn Tổ cách mạng văn hóa Trung ương rất lừng lẫy lúc bấy giờ, cao hơn cả Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ đó quyền của Bộ Chính trị rơi vào tay người khác. Bộ Chính trị chỉ còn là cái bóng. Sinh hoạt chính trị ở Trung Quốc bắt đầu không bình thường. Còn Khang Sinh trở thành một “danh nhân” đỏ rực một thời. Tất nhiên vị “danh nhân” này từ khi bắt đầu “cách mạng văn hóa” ông ta đã từ lâu không còn là một tên vô danh tiểu tốt, “tiếng tăm” của ông ta ngày càng lớn, có thể nói là đất nước Trung Hoa không ai không biết.

Sau khi “Đề cương tháng Hai” bị phê phán, được Mao Trạch Đông nêu tên, Khang Sinh và Trần Bá Đạt được chỉ định khởi thảo “Thông báo 16 tháng 5”. Trong quá trình khởi thảo thông báo, Khang Sinh hoạt động khắp nơi, xui nguyên giục bị. Đầu tiên ông ta khuyến khích một người làm công tác Khoa học xã hội họ Ngô, viết đại tự báo về Thành ủy Bắc Kinh, để mở đột phá khẩu tấn công Bành Chân và một số người, gây nên sự rối loạn trong phạm vi cả nước.

Sau đó, Khang Sinh lại bí mật cử vợ ông ta là Tào Dật Âu cùng bảy người giương chiêu bài “điều tra” vào Đại học Bắc Kinh xúi giục và đích thân gặp “bạn cũ” của Tào Dật Âu là Bí thư chi bộ khoa Triết Đại học Bắc Kinh Nhiếp Nguyên Tử, trực tiếp trao quyền tùy cơ ứng biến cho bà ta. Dưới sự bố trí và chỉ huy của đích thân Khang Sinh, bài đại tự báo sặc mùi thuốc súng “Trong cách mạng văn hóa, Tống Thạc, Lục Bình, Bành Bội Vân rốt cuộc đã làm những gì?” được nặn ra, ngày 25 tháng 5, bài báo vừa dán, đã như tiếng sét dẫn đến một chuỗi nổ dây chuyền, giáo viên và sinh viên Đại học Bắc Kinh rất bất mãn. Ngay tối hôm ấy, Chu Ân Lai đang chú ý theo dõi chặt chẽ sự phát triển tình hình ở các nơi, lập tức cử người đến Đại học Bắc Kinh nghiêm khắc phê bình Nhiếp Nguyên Tử và những người khác. Khang Sinh phát hiện bài đại tự báo đầu tiên do ông ta chỉ huy nặn ra sắp bị chết yểu, vô cùng hốt hoảng, liền lén lút sau lưng Lưu Thiếu Kỳ, người chủ trì công tác của Trung ương ở Bắc Kinh lúc đó, liều chết đem bản thảo của bài đại tự báo đưa cho Mao Trạch Đông đang ở ngoài Bắc Kinh, cầu mong hú họa có được sự ủng hộ. Có thể nói đây là canh bạc mà Khang Sinh đã mang sinh mệnh của mình ra đặt cọc. Đây là nước cờ mạo hiểm mà ông ta đã đi trong giờ phút then chốt. Nếu Mao Trạch Đông tỏ thái độ phản đối bài đại tự báo này thì ông ta sẽ bị trừng trị vì là người thao túng giật dây sự kiện này. Nhưng ngày 1 tháng 6, âm mưu của Khang Sinh đã được thực hiện. Mao Trạch Đông đồng ý đưa bài đại tự báo phát thanh khắp cả nước. Khang Sinh vui như mở cờ trong bụng, về sau ông ta thổi bài đại tự báo này lên tận mây xanh, rằng đây là tuyên ngôn của Công xã Bắc Kinh trong những năm 60 của thế kỷ 20.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM