Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:07:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cách mạng văn hoá liệt truyện - Tập 2  (Đọc 56683 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2010, 04:53:30 pm »


5
Chu Ân Lai bảo Hồng vệ binh hãy giẫm lên thân xác mình
Tướng quân thi sĩ buồn đau u uất xuống tuyền đài


1. Viết thư cho Mao Trạch Đông

Lời của Trần Nghị trong cách mạng văn hóa: “Tôi tán thành cử tổ công tác. Trách nhiệm cử tổ công tác tôi gánh chịu.

Anh hỏi tôi, tôi cũng không hiểu được sự việc ra làm sao! Nói thế nào thì làm thế nấy, quyết định do Chủ tịch nêu ra, có cách gì bây giờ!

Còn lòng dạ đâu mà chơi cờ đây!

Cứ tiếp tục loạn thế này, rồi sẽ như thế nào!

Tạo phản cũng phải chú ý đến chính sách, cuồng loạn quá kết cục sẽ không ra gì.

Tôi sẽ phải nói chuyện”.

Từ tháng 3 năm 1967, Lâm Bưu và Giang Thanh xúi giục phái tạo phản công kích Trần Nghị, hàng loạt hàng loạt đại tự báo vu cáo, nói xấu Trần Nghị dán khắp đường phố. Chỗ nào cũng có thể thấy những tấm biểu ngữ lớn “Thiêu cháy Trần Nghị”, “Đả đảo Trần Nghị”.

Cách mạng văn hóa vừa mới bắt đầu, khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1966, Trần Nghị đã nhiều lần nói chuyện đã phê bình thẳng thắn những hiện tượng không lành mạnh xuất hiện trong phong trào, dội mấy gáo nước lạnh lên đầu những người đang chìm đắm trong sự cuồng nhiệt của cách mạng văn hóa, điều đó không tránh khỏi làm phật lòng những người trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương.

Họ hận đến tận xương tủy đối với những bài nói chuyện của Trần Nghị, họ ngấm ngầm xúi bẩy phái tạo phản công kích Trần Nghị. Vì thế, sau mỗi lần Trần Nghị nói chuyện đều xuất hiện rất nhiều đại tự báo, đại tự báo ra hết đợt này đến đợt khác, giọng điệu công kích không ngừng nâng cao, công kích trong lịch sử của Trần Nghị luôn luôn chống Mao Chủ tịch, chống đại cách mạng văn hóa của giai cấp vô sản, chấp hành đường lối phản động của giai cấp tư sản, bao che cho tổ công tác, trấn áp quần chúng cách mạng, đối chọi lại với Mao Chủ tịch v.v..., tội danh có thể nói là rất lớn! Vợ Trần Nghị và hai thư ký của ông luôn luôn nhắc nhở khuyên ông nói ít sẽ tốt. Rất nhiều người có lòng tốt cũng đã từng khuyên Thủ trưởng Trần Nghị không nên phát biểu nhiều nữa, để tránh... bị công kích nhiều hơn.

Một hôm, sau khi triệu tập hội nghị những người phụ trách các đơn vị ngoại vụ xuất nhập khẩu, đồng chí Phương Nghị, Chủ nhiệm ủy ban liên lạc Kinh tế với nước ngoài nói với một thư ký của Trần Nghị: “Nhờ đồng chí nói lại với anh Trần, không nên phát biểu nhiều nữa. Anh Trần không thể đổ, anh Trần mà đổ, thì các đơn vị ngoại vụ xuất nhập khẩu sẽ như lưỡi dao sắc phạt bụi hành bụi hẹ, sẽ đổ rạp hết.

Buổi sáng ngày 3 tháng 11 năm 1966, Mao Trạch Đông tiếp kiến Hồng vệ binh ở Quảng trường Thiên An Môn. Trần Nghị đứng trên lễ đài Thiên An Môn, chỉ vào tấm biểu ngữ “Đả đảo...” đảo ngược trong nước sông Ngọc Đới nói với Thứ trưởng Bộ Văn hóa Tiêu Vọng: “Anh xem, đấy chính là “đại cách mạng văn hóa!” Tiếng của Trần Nghị khi nói chuyện không to, nhưng ngưng kết lại trong lòng đầy sự phẫn nộ.

Ông lại nói thêm: “Anh đã thấy rồi chứ, “Đại cách mạng văn hóa”, nói gọn lại một câu chính là đánh đổ cán bộ cũ!”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2010, 04:54:22 pm »


Giữa tháng 12, Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, dấy lên cao trào phê phán đấu tố cán bộ cũ, Bành Chân, La Thụy Khanh, Dương Thượng Côn cùng các đồng chí cũ bị phê phán, Bành Đức Hoài, Hạ Long bị bức hại. Đến ngày 4 tháng 1 năm 1967, đột nhiên Đào Chú cũng bị đánh đổ. Trần Bá Đạt, Khang Sinh, Giang Thanh v.v... khi tiếp kiến “đội tạo phản chuyên bắt Vương Nhậm Trọng” của tỉnh Hồ Bắc đã nói rằng, Đào Chú đến Trung ương nhưng không chấp hành đường lối cách mạng vô sản do Mao Chủ tịch là đại biểu, là người chấp hành trung thực đường lối của Lưu, Đặng, còn nói Đào Chú độc đoán hống hách, rất nhiều vấn đề không những đi ngược lại Tổ cách mạng văn hóa Trung ương mà còn đi ngược lại với Trung ương, chỉ trích Đào Chú là “Phái bảo hoàng lớn nhất của Trung Quốc”. Tăng Chí phu nhân của Đào Chú sau khi nghe phong thanh đã đến nhà Trần Nghị, sau khi kể lại những tin tức nghe được, hỏi: “Anh Trần, việc này là thế nào?” Trần Nghị không biết âm mưu của bọn trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, khuyên Tăng Chí: “Ôi chị, chị yên tâm, cách làm như vậy của họ, không thể đánh đổ được anh Đào đâu, mấy hôm trước Chủ tịch còn che chở cho anh ấy mà!”. Trần Nghị sau một lúc trầm tư lại nói: “Trừ phi Chủ tịch thay đổi ý định!”.

Chiều hôm ấy, Trần Nghị chuẩn bị thăm Đào Chú, khi qua phòng thư ký, thư ký nói với ông. Ngoài cửa Tây Trung Nam Hải có một phái tạo phản đang kêu gào đánh đổ Đào Chú, đã dán rất nhiều biểu ngữ lớn: “Đả đảo Đào Chú”, “Lôi Đào Chú ra”, họ nói Đào Chú là “Phái bảo hoàng lớn nhất Trung Quốc” là “người chấp hành trung thực đường lối của Lưu, Đặng”. Trần Nghị thấy thư ký nói như vậy chợt lo lắng, hoài nghi: “Chắc không phải! Mấy hôm trước tôi còn cùng anh ấy tiếp kiến phái tạo phản, tuy phái tạo phản làm khó dễ cho anh ấy, nhưng Đào Chú vẫn kiên trì nguyên tắc. Hôm qua tôi còn cùng họp với anh ấy cơ mà!”

Lúc này, ngoài cửa Tây, tiếng gào thét: “Đả đảo Đào Chú” vẫn ầm ầm không ngớt, Trần Nghị ở Tứ viện Khánh Vân Đường, cách cửa Tây chỉ xa bằng tầm bắn của mũi tên, trong sân có thể nghe rõ mồn một tiếng hô khẩu hiệu ở bên ngoài.

Trần Nghị đứng trong sân lắng nghe, quả nhiên là đang hô “Đả đảo Đào Chú”. Thế là ông lập tức gọi điện thoại hỏi Lý Phú Xuân: “Đả đảo Đào Chú” có phải là quyết định của Thường vụ Bộ Chính trị hay không?” Lý Phú Xuân đáp: “Thường vụ Bộ Chính trị chưa thảo luận, tôi cũng không biết là có chuyện gì?”.

Trần Nghị gác máy, cảm thấy bối rối, phẫn nộ và khó hiểu. Ông nhíu mày, lồng ngực thở phập phồng, đứng như khúc gỗ trước cửa sổ, không nói một lời. Trương Xuyến đi tới thấy ông đứng ngây không nói năng gì, không kìm nổi hỏi: “Chẳng phải là ông muốn đi thăm đồng chí Đào Chú ư? Làm sao vẫn còn đứng ở đây?” Hình như Trần Nghị không nghe thấy, nên không có một phản ứng gì. Trương Xuyến không thể không đi tới kéo áo ông nói to: “Ông bảo là ông đi chơi, sao vẫn còn đứng ngây ra ở đây?” Trần Nghị như được đánh thức, quay đầu lại, với giọng buồn bực: “Đào Chú bị đánh đổ rồi! Bà nghe đi, ngoài cửa Tây vẫn đang hô khẩu hiệu đấy!” Trương Xuyến lắng nghe, bà ngẩn người, rồi hỏi: “Do Bộ Chính trị thảo luận quyết định phải không?”.

Trần Nghị đáp: “Bộ Chính trị chưa thảo luận vấn đề phải đánh đổ ai. Vừa rồi tôi gọi điện thoại hỏi Lý Phú Xuân, Thường vụ Bộ Chính trị cũng chưa thảo luận, rõ ràng đây là do bọn trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương làm!”.

“Sau khi Đào Chú về Trung ương làm việc, có thể thấy được sự bất đồng về quan điểm giữa anh ấy và bọn Tổ cách mạng văn hóa Trung ương. Trong mấy cuộc hội nghị, anh ấy không tán thành công khai phê phán Lưu, Đặng, trong một hội nghị gần đây, anh ấy cũng không chủ trương phê phán triệt để đường lối phản động tư sản, còn che chở cho một số đồng chí cũ. Mấy hôm trước, cũng tức là ngày 30 tháng 12, một bọn tạo phản từ Vũ Hán đến đòi bắt Vương Nhậm Trọng, Đào Chú đã tiếp kiến họ ở Hội trường nhỏ tại Quốc vụ viện, tỏ thái độ không đồng ý bắt, đã va chạm với nhau, phái tạo phản đã bao vây công kích Đào Chú, ngay tại chỗ có kẻ hô: “Đả đảo Đào Chú”. “Đào Chú là phái bảo hoàng lớn nhất Trung Quốc”, có kẻ bố trí định bắt Đào Chú đi. Lúc ấy tôi và Phú Xuân, Tiên Niệm, đang tiếp kiến một phái tạo phản ở một phòng họp khác, nghe thấy hội trường ở chỗ Đào Chú lộn xộn, sợ xảy ra chuyện gì, nên sau khi tiếp kiến xong không về mà ở lại để chuẩn bị bảo vệ Đào Chú. Thủ tướng cũng đặc biệt cử người báo cho mọi người biết là không nên về, cùng ở lại đợi Đào Chú. Phái tạo phản vây Đào Chú lâu đến 6 tiếng đồng hồ, mấy người bọn tôi vẫn đợi, cho đến 4 giờ 30 sáng mới về. Mấy hôm nay tôi biết tình cảnh của Đào Chú không hay nên nghĩ cách đến thăm anh ấy. Ai ngờ anh ấy đã bị đánh đổ rồi!”. Nói xong, tay phải ông đập mạnh xuống bàn, phẫn nộ: “Người thứ 4 trong Đảng, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, lại là cố vấn của Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, không thông qua tập thể Trung ương thảo luận tùy tiện nêu tên phê phán, rồi hô đánh đổ là đánh đổ, còn cái gì là kỷ luật của Đảng, luật pháp của nhà nước nữa?! Họ chỉ trích Đào Chú là chấp hành đường lối của Lưu, Đặng, thật là hoang đường. Đào Chú được điều lên làm việc sau khi Thường vụ Bộ Chính trị bầu lại, sau khi bầu lại, trên thực tế Lưu, Đặng, đã đứng ở bên lề, không có vấn đề đưa ra đường lối gì đó nữa, làm sao lại có thể nói anh ấy chấp hành đường lối của Lưu, Đặng được? Họ muốn phê phán Lưu, Đặng, Đào Chú không tán thành, liền bảo anh ấy là phái bảo hoàng, ngang nhiên gán tội, đánh đổ anh ấy. Bọn người này đang giở trò: kẻ thuận với ta thì sống, ngược với ta thì chết. Ôi,... Đảng của chúng ta! Để cho bọn mày thao túng rồi sẽ như thế nào đây!”.

Trần Nghị cư xử lòng ngay dạ thẳng, những vẫn đề xuất hiện trong phong trào, phản đối hay xây dựng chưa bao giờ giấu giếm quan điểm, luôn luôn nói rõ ràng ý kiến của mình. Ông nói trong cuộc họp của Đảng và cũng nói trong các cuộc mít tinh của quần chúng. Đối với những hành động bỉ ổi làm điều ngang trái, gây chuyện rắc rối, tăng thêm rối loạn v.v... Trần Nghị dám đấu tranh một cách vô tư dũng cảm mặt đối mặt với bọn chúng trong Hội nghị Trung ương. Sự kiện nổi tiếng nhất chính là sự đối chọi tháng Hai và “đại náo Hòa Nhân Đường”. Cuộc đối chọi này đã làm cho Trần Nghị một con người thẳng thắn cương trực bẩm sinh, kiên trì chân lý rơi vào trong cái vận đen khó thoát ra được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2010, 04:54:41 pm »


Ngày 6 tháng 2 năm 1967, Đại sứ Trung Quốc tại Pa-kit-xtan Chương Văn Tấn bị điều về nước, vừa xuống máy bay tại sân bay Bắc Kinh đã bị bắt đi đấu tố treo biển, làm kiểu phản lực, các phóng viên nước ngoài đã đưa tin gây ảnh hưởng rất xấu.

Trần Nghị nghe được tin này rất tức giận, nắm chặt tay đấm xuống bàn: “Thật là liều lĩnh, làm như vậy không còn ra thể thống gì cả! Điều các đại sứ về nước tham gia đại cách mạng văn hóa, làm sao lại có thể vừa xuống máy bay đã bắt để đấu tố? Để cho phóng viên nước ngoài đưa tin, sau này bảo họ ra nước ngoài làm việc như thế nào?” Trần Nghị suy nghĩ một lúc rồi nói: “Không thể được, họ gây ra, phải đi gặp họ”.

Cuộc đối chọi tháng Hai, là chỉ vào khoảng trước sau tháng 2 năm 1967, Trần Nghị và một loạt nhà cách mạng vô sản lão thành biểu thỉ sự không đồng tình mạnh mẽ đồng thời tiến hành đấu tranh gay gắt với những cách làm sai lầm của đại cách mạng văn hóa.

Mao Trạch Đông nhẹ dạ tin theo cái gọi là báo cáo của Trương Xuân Kiều v.v..., phê bình một cách gay gắt các đồng chí cũ.

Việc này không phải là chuyện nhỏ, 10 giờ 30 phút ngày 19 tháng 2, Lý Tiên Niệm đến nhà Trần Nghị, đồng thời cũng hẹn Đàm Chấn Lâm cùng đến. Lý Tiên Niệm với tâm trạng rất nặng nề kể lại bài phát biểu của Mao Trạch Đông tại Hội nghị Bộ Chính trị cho Trần Nghị và Đàm Chấn Lâm nghe. Mọi người đều cảm thấy sự việc xảy ra rất đột ngột, khẳng định là có kẻ bên trong gây chia rẽ, nhưng tình hình không rõ ràng, chẳng ai nói gì nhiều, Lý, Đàm lần lượt cáo từ ra về.

Trần Nghị sau khi nghe tin Mao Trạch Đông phê bình gay gắt trong Hội nghị Bộ Chính trị cảm thấy vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Ông nghĩ, bài phát biểu trong Hội nghị ngày 16 tháng 2, ông chỉ nói mấy lời về những cán bộ cũ bị chỉnh, hoàn toàn không phủ định ý nghĩa của cuộc chỉnh phong ở Diên An. Bây giờ lại quy kết thành vấn đề đấu tranh về đường lối chính trị, thành vấn đề nguyên tắc, nếu không sớm nghĩ cách làm rõ chuyện thì sẽ gay go. 11 giờ 30 phút ngày 19, Trần Nghị gặp Chu Ân Lai nói rõ tình hình. Ngày 20 lại đi gặp Lý Phú Xuân để trao đổi ý kiến.

Ngày 19, Trần Nghị viết cho Mao Trạch Đông một bức thư khẩn thiết yêu cầu được gặp mặt nói chuyện, hy vọng được nói rõ tình hình một cách trực tiếp. Từ năm 1927, Trần Nghị quen Mao Trạch Đông đến nay, tuy đã từng có hiểu lầm trong thời kỳ đầu nhưng sau sửa chữa, đã kiên định cùng Mao Trạch Đông làm cách mạng, bao nhiêu năm nay luôn luôn đối xử chân thành với nhau, sống chết không thay đổi với một tình nghĩa cách mạng sâu sắc. Trước đây, Trần Nghị có mấy lần gặp khó khăn, viết thư nhờ Mao Trạch Đông giúp, đều được Mao Trạch Đông ủng hộ. Trần Nghị và Mao Trạch Đông còn là bạn thơ, có sự thân mật riêng khá sâu, khi gặp thì trước tiên thường hay nói đến thơ và từ, rồi mới nói đến việc chính.

Lần này, giống như lần trước, Trần Nghị cố lấy dũng khí viết cho Mao Trạch Đông một bức thư, yêu cầu được gặp mặt nói chuyện, hy vọng trực tiếp làm rõ sự thực. Sau khi gửi thư đi, ông dặn hai thư ký: “Nếu có thư trả lời, thì đưa ngay cho tôi, nếu có điện thoại thì bất kỳ lúc nào lập tức gọi tôi”. Đủ thấy Trần Nghị rất khẩn thiết mong chờ có cơ hội nói chuyện trực tiếp với Mao Trạch Đông. Nhưng đợi hai ba hôm liền mà không thấy trả lời. Trần Nghị với tâm trạng sốt ruột không thể chờ đợi được, nên đã viết bức thư thứ hai. Ước chừng hai ngày sau, Mao Trạch Đông gửi lại một bức thư, Trần Nghị nhìn thấy thư trả lời của Mao Trạch Đông, rất mừng, cho rằng có khả năng được nói chuyện trực tiếp, để nói rõ tình hình. Ông mở thư ra đọc, chỉ thấy mở đầu thư là một đoạn dài nói sự khó khăn trong việc sửa chữa những sai lầm đã mắc xưa nay, cuối cùng viết 8 chữ: “Gặp mặt có hẹn, yên tâm đừng vội”.

Về sau, cho đến sau khi Lâm Bưu phản bội chạy trốn rơi máy bay chết trong “sự kiện 13 - 9” năm 1971, trong một cuộc hội nghị họp ngày 14 tháng 11 năm ấy, khi nói đến “dòng nước ngược tháng Hai”, Mao Trạch Đông đã nói: “Các vị tướng soái có tức giận, có kêu ca phàn nàn... cãi cọ một chút cũng có thể, cứ nói chuyện với tôi là được…” Nhưng sự thực là: Trần Nghị đã từng hai lần viết thư cho Mao Trạch Đông yêu cầu được nói chuyện trực tiếp, nhưng đều bị từ chối, Mao Trạch Đông không để cho ông có cơ hội nói chuyện trực tiếp!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 05:25:20 pm »


2. Nhờ thư ký giúp đỡ

Sau khi Mao Trạch Đông gửi thư từ chối gặp mặt nói chuyện, Trần Nghị biết là trong thời gian sắp tới muốn gặp mặt nói rõ tình hình là vô vọng, thế là ông đành chuẩn bị để chịu phê phán.

Từ ngày 26 tháng 2 năm 1966, mấy ngày liền ông vùi đầu trong phòng làm việc viết kiểm điểm. Do tâm trạng không tốt, bản kiểm điểm viết rồi sửa, sửa rồi lại viết, mấy lần viết lại. Thư ký mỗi lần đưa trình công văn đều nhìn thấy trên bàn làm việc có không ít những bản thảo đã được sửa chữa.

Một buổi sáng, Trần Nghị đến phòng thư ký gặp thư ký Đỗ Dị: “Anh Đỗ này, anh đến phòng làm việc của tôi một lát!”. Đúng lúc Trương Xuyến cũng vào. Trần Nghị huơ tay bảo Trương Xuyến đi. Ông nói: “Bà đi đi bây giờ không có việc cho bà!” Trương Xuyến đáp: “Ông tin anh Đỗ, không tin tôi hử?” “Tin với không tin cái gì, bây giờ không có việc cho bà, bà đi đi, bà đi đi”. Trương Xuyến không biết làm thế nào đành về phòng mình. Có thể nhận ra rằng, Trần Nghị tạm thời không muốn để Trương Xuyến biết việc này, để bà khỏi lo cho ông.

Sau khi Trương Xuyến đi, Trần Nghị nói với Đỗ Dị: “Tôi làm hỏng việc nên phải viết kiểm điểm. Bản kiểm điểm này viết khó lắm! Viết mấy lần mà vẫn không rõ, sửa đi sửa lại, mà bản viết vẫn rất lộn xộn, anh giúp tôi chép lại, tranh thủ sớm gửi đi”. Ông nói tiếp: “Ôi, thật không ngờ, trong cuộc hội ý hôm ấy, tôi đã nói mấy câu vì những cán bộ cũ bị chỉnh, không biết họ báo cáo với Chủ tịch thế nào mà Chủ tịch bảo tôi là muốn xử lại án chỉnh phong ở Diên An, làm Chủ tịch nổi nóng, phê bình tôi gay gắt. Khi chỉnh phong ở Diên An, Khang Sinh và một số người đã chỉnh những cán bộ cũ là điều ai cũng thấy, tôi thuận miệng đưa ra mấy ví dụ, ai ngờ lại chạm vào dây thần kinh mẫn cảm của ông ta, đã gây ra chuyện tày đình như thế. Vì sao Trần Nghị tôi lại muốn xử lại án chỉnh phong ở Diên An cơ chứ? Quả thực là có mồm mà không cãi được, bịa đặt ra tội danh, khó nhất là viết kiểm điểm”.

Đỗ Dị mấy ngày liền giúp ông chép lại bản kiểm điểm, Đỗ Dị chép rõ ràng, ông sửa, Đỗ Dị lại chép lại, ông lại sửa, chữa rồi chép lại, chép lại rồi sửa, làm đi làm lại mấy lần mới gửi lên Trung ương Đảng và Mao Trạch Đông. Sau khi bản kiểm điểm đưa lên, không thấy Trung ương có phản ứng gì.

Tại cuộc họp phê bình sinh hoạt chính trị của Trung ương, Giang Thanh, Khang Sinh, Trần Bá Đạt, Tạ Phú Trị v.v... xé cờ làm da hổ, bao vây công kích, phê phán đấu tố Trần Nghị cùng mấy vị phó thủ tướng và nguyên soái. Giang Thanh, Khang Sinh, Trần Bá Đạt v.v... đã bóp méo sự thật, đảo ngược phải trái, thêu dệt tội danh, đẩy vấn đề lên đấu tranh về đường lối chính trị đến tột cùng, nói đây là sự kiện chống Đảng nghiêm trọng nhất từ Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 11 đến nay; bảo họ rằng bảo vệ cán bộ cũ là bảo vệ một nhóm nhỏ phản bội, đặc vụ, phái đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, là muốn xử lại án cho những người đã bị đánh đổ, bảo họ là chống “đại cách mạng văn hóa” của giai cấp vô sản, nã pháo vào Bộ tư lệnh của giai cấp vô sản do Mao Chủ tịch đứng đầu, muốn khôi phục chủ nghĩa tư bản từ trên xuống dưới, muốn lật đổ nền chuyên chính vô sản...

Ngày 14 tháng 3 năm 1967, khi cuộc họp phê bình sinh hoạt chính trị của Trung ương vẫn đang tiến hành, trên đường phố Bắc Kinh, 10 vạn người đã tổ chức diễu hành thị uy hô lớn khẩu hiệu phản kích lại “dòng nước ngược tháng Hai”.

Sau đó, tổ chức tạo phản được Tổ cách mạng văn hóa Trung ương giật dây dán đầy đại tự báo, biểu ngữ lớn trong thành Bắc Kinh, “Nã pháo”, “đánh đổ”, “đập nát”, “rán mỡ”, “thiêu cháy”... tên của Trần Nghị bị gạch chéo, thậm chí viết ngược.

Ngày 20 tháng 3, khi Tổ cách mạng văn hóa Trung ương duyệt phim “Mao Chủ tịch là mặt trời đỏ trong trái tim chúng ta” đã cắt bỏ cảnh có Trần Nghị, ngầm ra hiệu cho phái tạo phản đánh đổ Trần Nghị.

Ngày 1 tháng 4, một số tổ chức tạo phản hô khẩu hiệu “Đả đảo Trần Nghị, giải phóng Ngoại vụ xuất nhập khẩu”.

Ngày 13 tháng 4, Hội nghị Đại biểu Hồng vệ binh các trường Đại học chuyên nghiệp ở thủ đô, thành lập “Trạm liên lạc phê Trần”, ra tuyên ngôn, tuyên bố, phải phê phán triệt để Trần Nghị, không đạt mục đích quyết không thôi. Trung tuần tháng 4, một bộ phận phái tạo phản của Bộ Ngoại giao cũng hô khẩu hiệu “Đả đảo Trần Nghị”.

Được sự ủng hộ của Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, khẩu hiệu mà các phái tạo phản của Ngoại vụ và xuất nhập khẩu hô ngày càng leo thang, từ “phê phán”, “thiêu cháy” vốn có phát triển thành “nã pháo”, “đánh đổ”, sau này lại phát triển thành “Thề cùng Trần Nghị huyết chiến đến cùng”, “Trần Nghị không đầu hàng thì bắt hắn phải diệt vong” v.v... gồm toàn những khẩu hiệu cực đoan như thế.

Phái tạo phản ở Bộ Ngoại giao, tìm trong lưu trữ, chép tư liệu, cắt xén lời văn, trích dẫn một số lời phát biểu, biên soạn thành “Tập tài liệu đen” gồm 70 vạn chữ, viết thành: “100 ví dụ về những lời đen tối của Trần Nghị”, “Tập ngôn luận “Ba hàng một diệt” của Trần Nghị”, “Giản lược lịch sử đen của Trần Nghị”, “Lịch sử tội ác của Trần Nghị”...

Những cuốn sách bịa đặt vu cáo, bôi xấu công kích Trần Nghị, phát tán rùm beng trong xã hội, đại tự báo, biểu ngữ lớn công kích Trần Nghị, tranh biếm hoạ bôi xấu Trần Nghị được dán khắp các đơn vị trong hệ thống ngoại vụ và còn trương lên ở các đường phố Bắc Kinh. Thậm chí còn có người giả mạo làm con trai con gái của Trần Nghị rêu rao lừa bịp khắp cả nước. Một người tự nhận là Trần Tiểu Hổ mạo xưng là con trai Trần Nghị, một người tự xưng là Trần Tiểu Anh, mạo xưng là con gái Trần Nghị, đi nhiều nơi để lừa bịp, gây ra những chuyện thị phi rắc rối. Tháng 11 năm 1966, Trương Xuyến dẫn đầu đoàn đại biểu Hội hữu nghị Trung Quốc - Căm-pu-chia sang thăm Căm-pu-chia, có người đặt chuyện Trương Xuyến chạy sang Căm-pu-chia. Tóm lại họ không từ một thủ đoạn nào để bôi đen Trần Nghị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 05:26:10 pm »


3. Mao Trạch Đông nói riêng với Trần Nghị: “Tôi che chở cho anh!”

Sau cuộc chống đối tháng Hai bị phê bình không lâu Trần Nghị bị tước đoạt quyền lãnh đạo phong trào, nhưng do Chu Ân Lai sắp xếp, vẫn tham gia các hoạt động ngoại vụ và các hội nghị hữu quan của Trung ương, nhưng vẫn chưa có dịp nhìn thấy Mao Trạch Đông.

Từ 3 giờ đến 5 giờ ngày 29 tháng 4 trăm 1967, Mao Trạch Đông mời Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Trần Nghị, Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Đàm Chấn Lâm, Lý Tiên Niệm, Dư Thu Lý, Cốc Mục v.v... úên chỗ ở của ông để gặp mặt. Đây là lần gặp mặt đầu tiên giữa Mao Trạch Đông và Tràn Nghị từ tháng 2 sau khi Mao Trạch đông trả lời thư của Trần Nghị có câu “Gặp nhau có hẹn, yên tâm đừng vội” đến nay.

Lần gặp mặt này ở nhà Mao Trạch Đông. Chu Ân Lai khéo léo lợi dụng cơ hội hiếm có này, thảo ra danh sách tham gia hoạt động chào mừng Quốc tế Lao động 1 tháng 5 ở Thủ đô bao gồm các đồng chí cũ bị phê phán như Trần Nghị, Đàm Chấn Lâm v.v... đưa trình Mao Trạch Đông phê chuẩn. Lúc ấy, một số cán bộ lãnh đạo cao cấp có tham gia các hoạt động quan trọng hay không, tên tuổi có được đăng báo hay không đều có nghĩa là có vấn đề bị “đánh đổ” hay không.

Mao Trạch Đông đã phê chuẩn danh sách này, để các đồng chí cũ lên Thiên An Môn cùng nhân dân thủ đô vui ngày lễ, từ đó có thể thấy được là Mao Trạch Đông tuy đã phê bình những đồng chí cũ, nhưng không phải là muốn đánh đổ tất cả bọn họ.

Sau hơn một tháng, tức là ngày 24 tháng 6, Trần Nghị cùng Mao Trạch Đông tiếp kiến lưu học sinh Công-gô (Lê-ô-pôn-vin), trở về ông nói với Đỗ Dị: “Hôm nay sau khi tiếp kiến, Mao Chủ tịch lại kéo tôi đến cùng chụp ảnh và nói với tôi: “Tôi che chở cho anh”. Đây là lần thứ hai Mao Chủ tịch nói những lời như thế”. Đỗ Dị nói: “Chủ tịch nói với thủ trưởng người khác lại không nghe tiếng, liệu có tác dụng không?” Trần Nghị lắc đầu: “Vậy thì phải xem Chủ tịch hành động thế nào”.

Trong đại cách mạng văn hóa, đối với số lớn cán bộ cũ, Mao Trạch Đông vừa chỉnh vừa che chở, thường phải xem tình hình phát triển mà định. Tháng 10 năm 1980, Đặng Tiểu Bình trong bài khởi thảo “Về Nghị quyết một số vấn đề lịch sử từ khi dựng nước đến nay”, có một đoạn rất sâu sắc: “Trong đại cách mạng văn hóa, đồng chí Mao Trạch Đông cũng không phải là muốn chỉnh đổ hết những cán bộ cũ. Như đối với đồng chí Hạ Long, ngay lúc mới bắt đầu Lâm Bưu đã muốn chỉnh, đồng chí Mao Trạch Đông thực sự là muốn che chở. Tuy ai không nghe lời ông, thì ông muốn chỉnh cho một trận, nhưng chỉnh đến mức độ nào, thì ông vẫn có suy nghĩ. Còn về sau càng chỉnh càng ghê gớm thì không thể nói là ông không có trách nhiệm, có điều cũng không thể do một mình cá nhân ông chịu trách nhiệm. Có một số là do Lâm Bưu “bọn bốn tên” đã tạo ra thành việc đã rồi, có một số đã làm lén lút sau lưng ông. Nhưng dù thế nào, hàng loạt cán bộ bị đánh đổ, không thể không coi đó là một bi kịch lớn nhất của đồng chí Mao Trạch Đông lúc cuối đời”.

Hai lần Mao Trạch Đông nói riêng với Trần Nghị, “Tôi che chở cho anh”. Điều đó chứng tỏ sự lượng thứ của Mao Trạch Đông đối với các đồng chí cũ như Trần Nghị... Mao Trạch Đông vốn hy vọng Trần Nghị ủng hộ đại cách mạng văn hóa do ông phát động, nhưng khi Trần Nghị không hoàn toàn ủng hộ đối với phong trào thậm chí còn phê bình thì Mao Trạch Đông cho rằng Trần Nghị đã cản trở cho việc bố trí chiến lược của ông, nên không nhịn được phải chỉnh cho ông một trận, nhưng lại không tán thành chỉnh đổ ông hoàn toàn. Mao Trạch Đông bảo muốn che chở Trần Nghị, nhưng trong tình hình phong trào cần tăng nhiệt, lại không muốn công khai nói là muốn che chở, như thế sẽ làm cho tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh có dịp để lợi dụng, họ liền chỉnh Trần Nghị một cách trắng trợn. Họ đánh đổ Trần Nghị một cách ầm ĩ, mục đích là ở chỗ cướp toàn bộ quyền ngoại giao.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 05:26:30 pm »


Sau lễ 1 tháng 5, tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh dấy lên cơn gió “bắt Trần”, phái tạo phản tuần hành thị uy trước Thiên An Môn, xông vào Bộ Ngoại giao, gây sức ép với Thủ tướng Chu Ân Lai, yêu cầu giao nộp Trần Nghị.

Đối mặt với sự tấn công của phái tạo phản, Chu Ân Lai chẳng quản đến bản thân bị công kích và bị trách móc, đã đứng ra chặn lại làn sóng điên cuồng mưu đồ đòi bắt Trần Nghị của phái tạo phản.

Chu Ân Lai và Trần Nghị từ lâu trong thời kỳ vừa học vừa làm khi lưu học tại Pháp đã là bạn tốt cùng sát cánh chiến đấu. Tháng 6 năm 1921, để phản đối việc bí mật vay tiền của chính phủ Bắc Dương bản quyền xây dựng đường sá cho nước Pháp, các ông đã cùng nhau phát động và lãnh đạo phong trào yêu nước của học sinh du học tại Pháp. Sau này trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, các ông đã xây dựng nên tình bạn sâu nặng. Trong phong trào đại cách mạng văn hóa vô sản, mỗi khi Trần Nghị bị tấn công, để duy trì công tác ngoại giao và bảo vệ Trần Nghị, Chu Ân Lai luôn luôn đứng ra kiên trì làm công tác với phái tạo phản. Chu Ân Lai đã không chỉ một lần nói với phái tạo phản: “Tôi và đồng chí Trần Nghị đã sống với nhau mấy chục năm, cùng làm ngoại giao, luôn luôn cùng báo cáo công tác với Chủ tịch, tôi hiểu đồng chí ấy, đồng chí ấy không giấu giếm quan điểm của mình, cũng không biết nói những lời dối trá. Đồng chí ấy đã nói rất nhiều với các anh, muốn các anh rút ra bài học, cũng hoàn toàn xuất phát từ ý tốt, cũng là vì muốn giúp các anh. Nhưng vì thời gian, địa điểm không thích hợp, những điều mà các anh muốn nghe không phải là những điều ấy, nên đã coi một số điều mà đồng chí ấy nói là “lời đen tối””.

Ngày 11 tháng 5, sau khi xảy ra sự kiện tuần hành “bắt Trần” ở trước Thiên An Môn, ngay tối ngày 11 rạng ngày 12, Chu Ân Lai đã tiếp kiến đại biểu của các tổ chức phái tạo phản “Trạm liên lạc phê phán Trần Nghị”, “Đoàn tạo phản cờ đỏ” của Học viện Ngoại ngữ, “16 tháng 6” và “Tỉnh Cương Sơn” v.v... phê bình gay gắt một loạt hành vi cực đoan của họ, chỉ rõ việc phái tạo phản ở Bộ Ngoại giao dẫn đầu tuần hành thị uy, muốn bắt đồng chí Trần Nghị, việc này đối với Đảng và Nhà nước đều bất lợi, tôi kiên quyết không thể đồng ý. Ông nói rõ với phái tạo phản: “Trung ương không đồng ý, khẩu hiệu “đánh đổ Trần Nghị” không thể áp đặt cho Trung ương, cũng không thể áp đặt cho tôi. Đồng chí Trần Nghị là ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, đồng chí ấy vẫn chưa bị bãi quan, vẫn đang tham gia hoạt động ngoại vụ, không thể dùng biện pháp bắt người. Có sai lầm có thể phê phán nhưng bắt người thì không được”. Đối với việc phái tạo phản chỉ trích Trần Nghị là “phần tử ba chống” (chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội, chống tư tưởng Mao Trạch Đông), Chu Ân Lai kiên quyết phản đối cách chụp mũ bừa này, khuyên họ không nên có thiên kiến đối với Trần Nghị, chuyên moi móc những chỗ sơ hở. Phái tạo phản yêu cầu giao Trần Nghị cho “Trạm liên lạc phê Trần”, Chu Ân Lai nghiêm khắc bác bỏ, còn về việc tổ chức mít tinh “Phê phán Trần Nghị”, Chu Ân Lai nhiều lần nói rõ điều kiện để tổ chức phê phán lúc ấy còn chưa chín muồi, còn phải chờ có thêm điều kiện, rồi sẽ sắp xếp cụ thể. Trải qua cuộc tranh luận lâu dài, Chu Ân Lai và phái tạo phản đã đi đến một thoả thuận: Thứ nhất, Hội nghị phê phán Trần Nghị phải chờ sắp xếp xong rồi sẽ tổ chức; Thứ hai, Họp hội nghị nhỏ ở Bộ Ngoại giao trước, sau đó sẽ đến Học viện Ngoại ngữ và các đơn vị khác để tiếp thu phê bình.

Năm ấy, một số phái tạo phản có sự ủng hộ của Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, “kẻ giật dây” đằng sau nên không sợ ai, muốn làm gì thì làm. Thủ tướng Chu Ân Lai cùng với phái tạo phản đã bàn bạc đi đến thỏa thuận, nhưng họ phớt lờ. Sau hai ngày, lại có phái tạo phản xông vào Bộ Ngoại giao bắt Trần Nghị. Sáng sớm ngày 15 tháng 5, Chu Ân Lai lại khẩn cấp tiếp đại biểu phái tạo phản của Bộ Ngoại giao và hệ thống ngoại vụ, cảnh cáo họ xông vào Bộ Ngoại giao là sai lầm nghiêm trọng, đồng thời tuyên bố: Sẽ đưa bộ đội đến bảo vệ an toàn của Bộ Ngoại giao từ nay về sau, không ai được xông vào nữa, bất kể là phái nào, ai xông vào sẽ bắt giữ người đó! Do thái độ kiên quyết của Chu Ân Lai, kiên trì ý kiến phải đợi sắp xếp xong rồi mới họp mít tinh phê phán, làn sóng điên cuồng bắt đầu Trần Nghị mới được ngăn chặn lại.

Mùa hè năm ấy Lâm Bưu, Trần Bá Đạt, Giang Thanh và đồng bọn thò bàn tay đen đến hệ thống ngoại giao và ngoại vụ, đưa ra kế hoạch hành động “Tháng 7 dao động, tháng 8 đại loạn, tháng 9 cướp quyền”, chĩa mũi nhọn vào Trần Nghị, cơn gió yêu quái đánh đổ Trần Nghị thổi ngày càng dữ. Các phái tạo phản của hệ thống ngoại giao và ngoại vụ dựa vào ý đồ của một bọn trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, cao giọng đòi “phê Trần”, “bắt Trần”, “đánh đổ Trần Nghị”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 05:27:14 pm »


4. Các anh hãy giẫm lên người tôi mà đi

Với sự xúi giục và cổ vũ của Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, làn sóng hung dữ phê phán Trần Nghị không ngừng leo thang, đến đầu tháng 4 năm 1967, quyền lãnh đạo của Trần Nghị đối với phong trào đại cách mạng văn hóa ở hệ thống Ngoại giao và ngoại vụ đã bị tước đoạt, không để ông can dự vào phong trào của hệ thống Ngoại giao và ngoại vụ nữa.

Trần nghị không thể can dự vào những công việc của phong trào, tất nhiên cũng sẽ không có quyền phát biểu công khai. Sau khi bị phê phán trong Hội nghị sinh hoạt chính trị Trung ương, sân nhà ông vắng vẻ, xe cộ ra vào thưa thớt, chẳng có ai đến thăm nhà, mà cũng chẳng dễ dàng đi thăm ai. Trần Nghị có suy nghĩ riêng của mình về rất nhiều vấn đề xuất hiện trong phong trào, nhưng không có chỗ nào để mà nói, cho nên tâm trạng bị dồn nén. May sao được Thủ tướng Chu Ân Lai bố trí sắp xếp, ông vẫn có thể tham gia một số hoạt động của Quốc vụ viện và một số hoạt động đối ngoại, còn có dịp gặp Thủ tướng Chu Ân Lai nói ý kiến của mình. Nhưng tình cảnh của Thủ tướng Chu Ân Lai lúc ấy cũng vô cùng khó khăn, cơ hội gặp mặt nói chuyện cũng không nhiều.

Trần Nghị cảm thấy rất khó chịu vì phải nín nhịn, có lúc đến phòng trực ban của thư ký nói dăm ba câu chuyện.

Những năm tháng ấy, sự sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông đã đạt tới đỉnh cao nhất. Trước ngực mọi người đều đeo huy hiệu Mao Chủ tịch, mọi nơi mọi lúc phải đọc thuộc những lời trích của Mao Chủ tịch, thậm chí gọi điện thoại, đi mua đồ ở cửa hàng trước tiên cũng phải đọc thuộc một câu trích lời Mao Chủ tịch, còn buổi sáng xin ý kiến, buổi chiều báo cáo, ngày nào cũng đọc và nhảy điệu chữ trung (gồm chữ trung ở trên chữ tâm ở dưới, nghĩa là trung thành và hết lòng - N. D ) v. v... và v. v... Trên đầu các tờ báo hằng ngày, cũng đều phải chọn đăng lời trích của Mao Chủ tịch. Viết bài, nói chuyện đều phải dẫn lời trích. Nhất là những cuộc mít tinh phê phán, với tư cách là người bị phê phán thường bị bức phải đọc thuộc lời trích, có lúc còn bị bức phải đọc thuộc “ba bài cũ” (tức “Lão tam thiên” gồm “Vì nhân dân phục vụ”, “Kỷ niệm Bê-tun” và “Ngu Công dời núi” - N.D).

Trần Nghị trước sau chủ trương học tập tác phẩm của Mao Trạch Đông chủ yếu là lĩnh hội thực chất tinh thần, không chủ trương học thuộc như vẹt. Lúc này, để ứng phó với cuộc phê phán, tránh lúng túng khó xử ngay tại chỗ, ở nhà ông cũng thử đọc thuộc lời trích, đọc thuộc “Lão tam thiên”. Nhưng người đã gần cổ lai hy nên không nhớ được, tuy đã đọc đi đọc lại, cũng chỉ có thể nhớ một số ít đoạn lời trích, toàn văn của “Lão tam thiên” không sao thuộc được. Trần Nghị nói với mấy nhân viên làm việc bên cạnh: “Bảo tôi nói tinh thần của bài văn thì tôi có thể nói, còn có thể phát huy nó, nếu bảo tôi đọc thuộc từng câu quả thực là không sao nhớ được, khi phê phán e rằng lại mắc thêm một tội nữa”. Có thể dễ dàng nhận thấy, trong tình hình như vậy, tâm trạng của Trần Nghị vô cùng nặng nề, do đó thường xuyên cảm thấy chóng mặt khó chịu, đã nhiều lần phải đi đến bệnh viện kiểm tra chạy chữa, theo lời dặn của bác sĩ ông phải ở nhà nghỉ ngơi.

Chiều ngày 7 tháng 8, cuộc phê phán quy mô nhỏ được tổ chức, người tham gia chỉ hạn chế trong phái tạo phản của Bộ Ngoại giao, trong Hội trường có khoảng hơn một trăm người. Họ để cho Trần Nghị ngồi nghe phê phán, cũng rót cho Trần Nghị một cốc nước trà.

Chiều ngày 11 tháng 8, tổ chức một cuộc phê phán lớn tại Đại lễ đường Nhân dân.

Sau khi phát biểu phê phán, tiếng hô khẩu hiệu “Đả đảo Trần Nghị” vang lên không ngớt, không khí vô cùng căng thẳng. Cuộc phê phán bắt đầu không lâu, mấy phần tử cực tả của “tổ chức 16 tháng 6” Học viện Ngoại ngữ ngồi ở mấy hàng đầu tầng 1, mấy lần định xông lên bục chủ tịch bắt Trần Nghị, nhưng bị các chiến sĩ cảnh vệ tay nắm tay ngồi ở hai hàng đầu ngăn lại. Một lúc sau, mấy phần tử của tổ chức 16 tháng 6 nhân lúc các chiến sĩ cảnh vệ không đề phòng, đột ngột xông lên bục túm chặt lấy cổ áo của Trần Nghị, định đánh ông. Thư ký và các chiến sĩ cảnh vệ của ông lập tức chạy lên phía trước, kéo tay bọn tạo phản, vây quanh Trần Nghị, khi các chiến sĩ bảo vệ đưa ông vào hậu trường thì phát hiện thấy một vết xước rớm máu ở cổ khi bị túm áo.

Chiều ngày 26 tháng 8, tổ chức một cuộc phê phán nhỏ đối với Trần Nghị ở Bộ Ngoại giao, Hội nghị vừa bắt đầu được mấy chục phút, nhóm tạo phản của Học viện Ngoại ngữ gồm mấy trăm người đã xông vào Bộ Ngoại giao, định bắt người. Sau khi biết tin, Chu Ân Lai lập tức thông báo cho khu Vệ Thú Bắc Kinh cử người đến bảo vệ. Đồng thời phái vệ sĩ trưởng của ông là Thành Nguyên Công đến hiện trường trợ giúp, Chu Ân Lai gọi điện thoại yêu cầu Trần Bá Đạt đứng ra ngăn chặn cuộc tấn công. Trần Bá Đạt là kẻ đầu têu, tuy bằng lòng gọi điện thoại, nhưng thực tế không muốn ngăn chặn cuộc tấn công. Chu Ân Lai đành đích thân gọi điện cho mấy người cầm đầu phái tạo phản ở Bộ Ngoại giao đòi anh ta phải chịu tránh nhiệm bảo vệ sự an toàn cho Trần Nghị và chịu trách nhiệm đưa Trần Nghị an toàn trở về Trung Nam Hải. Trần Nghị và thư ký Thạch Quốc Bảo, cảnh vệ Cung Hằng Chinh được sự yểm hộ của nhân viên công tác bảo vệ của Bộ Ngoại giao, phải trốn vào một phòng rửa mặt ở tầng 1, bị vây trong năm sáu tiếng đồng hồ. Cuối cùng được sự yểm hộ của các chiến sĩ cảnh vệ, từ cửa sau của Bộ Ngoại giao lên xe hơi của khu Vệ Thú rời Bộ Ngoại giao an toàn, 8 giờ tối mới về đến Trung Nam Hải. Phái tạo phản tìm người ở tất cả các phòng làm việc của Bộ Ngoại giao, họ tìm không thấy người nên đã đâm thủng bánh xe hơi của Trần Nghị đang đỗ trước nhà làm việc. Phái tạo phản xông bừa vào các phòng trong lầu Bộ Ngoại giao, gào thét ầm ĩ cho đến sẩm tối mới bỏ đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 05:27:38 pm »


Ngay tối ngày 26, Chu Ân Lai gặp ngay đại biểu của phái tạo phản để nói chuyện, phê bình gay gắt hành động sai lầm xông vào Bộ Ngoại giao để bắt người của họ. Đại biểu của phái tạo phản Học viện Ngoại ngữ và “Trạm liên lạc tạo phản” của Bộ Ngoại giao, nêu ra những yêu cầu vô lý, yêu cầu mở lại hội nghị phê phán, phải mở rộng phạm vi phê phán. Họ dùng chiến thuật làm mệt mỏi, bao vây công kích tàn nhẫn độc ác đối với Chu Ân Lai. Sự gây rối vô lý rất lâu của phái tạo phản quấy rầy nhiều lần, đã làm cho Chu Ân Lai cảm thấy tim bị ngầm ngầm đau, sau khi bác sĩ đã cho ông uống thuốc hai lần vẫn không thấy thuyên giảm. Bác sĩ bảo vệ sức khỏe của Chu Ân Lai đã từng viết thư cho tên cầm đầu phái tạo phản về tình hình bệnh tim của Chu Ân Lai, nhưng họ phớt lờ! Làm cho Chu Ân Lai liên tục trong 18 tiếng đồng hồ không được nghỉ ngơi. Cuối cùng, Chu Ân Lai rất tức giận nói với phái tạo phản. “Các anh dùng chiến thuật luân phiên đã 18 tiếng đồng hồ làm tôi không được nghỉ ngơi một phút nào. Sức khỏe của tôi không thể chịu đựng được nữa”. Bác sĩ bảo vệ sức khỏe của Chu Ân Lai cũng không thể nhịn được, lớn tiếng cảnh cáo tên cầm đầu phái tạo phản: “Nếu hôm nay Thủ tướng xảy ra chuyện bất trắc thì các anh sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn!” Nói xong, anh ta dìu Chu Ân Lai rời khỏi hội trường. Lúc này, phái tạo phản còn rêu rao là phải chặn xe của Trần Nghị và phải xông vào Đại lễ đường Nhân dân để bắt Trần Nghị. Chu Ân Lai vô cùng phản nộ cảnh cáo: “Ai chặn đồng chí Trần Nghị trên đường, thì tôi sẽ đứng ở cửa Đại lễ đường Nhân dân, để các anh giẫm lên người tôi mà đi”.

Ngày 27 tháng 8, tổ chức cuộc phê phán lớn lần thứ hai, đây là việc được xác định sau cuộc nói chuyện trong một thời gian dài giữa Chu Ân Lại và phái tạo phản vào tối ngày 26. Khi kết thúc cuộc nói chuyện thì đã là rạng sáng ngày 27, Chu Ân Lai tính đến sự an toàn của Trần Nghị, để tránh gặp rắc rối trên đường, sau khi kết thúc cuộc nói chuyện, lập tức ông gọi điện báo cho Trần Nghị là 4 giờ 30 phút sáng ngày 27 phải đến Đại lễ đường Nhân dân để đợi họp. Suốt cả một ngày Trần Nghị sống ở Đại lễ đường Nhân dân, cho đến 11 giờ đêm mới họp. Vì hôm trước liên tục mười mấy tiếng nói chuyện với phái tạo phản căng thẳng mệt mỏi quá mức nên bệnh tim của Chu Ân Lai tái phát, không thể tham gia cuộc phê phán này. Để phòng ngừa xảy ra vấn đề, ông đặc biệt giao cho ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lý Phú Xuân thay ông tham gia. Cuộc phê phán kéo dài ba tiếng, đến 2 giờ sáng ngày 28 mới kết thúc.

Ngày 3 tháng 9, tại Đại lễ đường Nhân dân có cuộc phê phán quy mô vừa. Ngày 7 tháng 9, lại có cuộc phê phán nhỏ ở Bộ Ngoại giao.

Ngày 18 tháng 9, lại có cuộc phê phán quy mô vừa ở Đại lễ đường Nhân dân. Trong hơn 40 ngày của hai tháng 8 và 9, đã có 8 cuộc phê phán, trong đó có một lần bị xua tan. Do sự sắp xếp và bảo vệ chu đáo của Chu Ân Lai, Trần Nghị tuy đã từng gặp phải “nguy hiểm” bị tấn công, bắt bớ nhưng vẫn đảm bảo được an toàn về thân thể.

Trần Nghị là người bị phê phán nhiều lần nhất trong các Phó Thủ tướng. Trong mấy cuộc phê phán lớn và vừa, Trần Nghị đều đứng nghe phê phán, mỗi lần đứng là mấy tiếng đồng hồ. Không chỉ có thế, trong hội trường tiếng hô khẩu hiệu đinh tai nhức óc hết đợt này đến đợt khác của phái tạo phản, lại luôn luôn có người hét toáng lên những lời thô lỗ, “Hãy dỏng tai của mi lên mà nghe đây”, “cúi đầu nhận tội”, sỉ nhục nhân cách đối với Trần Nghị. Ai có thể tin, xưa kia vị nguyên soái của nước Cộng hòa đã từng thống lĩnh hàng trăm vạn đại quân, xông tới chiến trường uy danh làm kẻ địch phải run sợ, vị Bộ trưởng Ngoại giao của nước Trung Hoa mới hét ra lửa, đàng hoàng chững chạc nổi tiếng trong ngoài trên vũ đài ngoại giao, đã bị lăng nhục như vậy trong cuộc đại cách mạng văn hóa, chuyện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử này. Trần Nghị chỉ vì chiếu cố đến toàn cục, mới tuân theo sự sắp xếp của Chu Ân Lai, lấy tinh thần “làm trâu ngựa cho đứa trẻ thơ”, nhẫn nại đứng nghe sự phê phán như thế.

Mỗi một cuộc phê phán, đều làm cho Trần Nghị kiệt sức, mệt mỏi vô cùng. Trong thời gian có những cuộc phê phán, Trần Nghị bị giày vò, chà đạp đến cực độ cả về tinh thần lẫn thể xác.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khoá 8, cuộc đời ngoại giao của Trần Nghị bị buộc phải kết thúc. Chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao tuy không bị bãi miễn, nhưng ông đã không còn quyền tham gia hoạt động đối ngoại. Tháng 2 năm 1969, theo đề nghị của Chu Ân Lai được Trung ương phê chuẩn, Trần Nghị được đưa đến “nằm vùng” ở xưởng Cơ giới Đầu máy toa xe Nam Khẩu.

Hội nghị Trung ương lần thứ 2 khóa 9 họp từ ngày 23 tháng 8 đến ngày 6 tháng 9 năm 1970, tại Lư Sơn, Trần Nghị đã tham gia.

Trong hội nghị lần này, Trần Nghị được phân vào tổ Hoa Bắc, vốn cho rằng không chia vào tổ Hoa Đông là để tránh bọn Khang Sinh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên bới móc lỗi lầm, công kích, không ngờ rằng mây gió khôn lường, vận đen khó tránh, trong hội nghị này Trần Nghị vẫn bị phê phán.

Trong hội nghị toàn thể lần thứ 2 khóa 9, bọn Lâm Bưu, Trần Bá Đạt dùng thủ đoạn tập kích bất ngờ, dấy lên cơn bão táp với thế “Nổ tan núi Lư Sơn, làm trái đất ngừng quay”, Trần Nghị lại bị cuốn vào mà không hay biết gì, tự nhiên vô cớ bị gắn vào một tội danh “Hai người họ Trần ăn cánh”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2010, 05:28:23 pm »


5. Từ không cho chữa trị đến không có cách gì chữa được

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khoá 9, Trần Nghị về Thạch Gia Trang, vì vùng bụng ngày càng tăng những cơn đau âm ỉ, huyết áp cũng tăng, được Chu Ân Lai phê chuẩn cho về Bắc Kinh, nằm viện kiểm tra điều trị, nhưng vì một lý do nào đó nên không thể sắp xếp kịp thời vào nằm viện. Oan khuất còn khó chịu hơn là bị đánh. Trong Hội nghị Lư Sơn ông chịu nỗi oan lớn, sự đả kích về tinh thần đối với ông là khá trầm trọng, mà sự đả kích trầm trọng về tinh thần lại làm cho bệnh tình thêm nặng.

Mục đích của “bọn bốn tên” đã đạt, cuối cùng Trần Nghị bị ức chế mà thành bệnh. Bệnh được phát hiện từ sớm, vì phải đi họp Hội nghị Lư Sơn, lại bị Hoàng Vĩnh Thắng ngăn cản một cách vô lý kéo dài mãi đến ngày 20 tháng 10 năm 1970, ông mới được đưa về Bắc Kinh khám bệnh. Nhiều lần bị làm khó dễ, bị thoái thác hết lần này đến lần khác. Những năm cuối đời của Trần Nghị quả là chông gai khắp lối, số phận đầy trắc trở! Ông viết báo cáo gửi Trung ương và Thủ tướng yêu cầu được về Bắc Kinh chữa bệnh, được Thủ tướng phê chuẩn, đồng ý cho Trần Nghị về Bắc Kinh nằm viện. Nhưng Bệnh viện 301 tạm thời không còn giường trống, nên khó có thể sắp xếp vào viện, cần phải đợi mấy ngày nữa mới vào viện được. Lúc ấy không ai rõ vì sao không để Trần Nghị sớm nằm viện. Về sau mới biết, ở nhà phía Nam có 5 giường không có bệnh nhân, nhưng vì Hoàng Vĩnh Thắng đang nằm viện không muốn Trần Nghị vào viện nên Bệnh viện không dám nhận vào điều trị.

Sau khi vào viện, Trần Nghị nói với bác sĩ, gần đây bụng bị đau, chóng mặt, huyết áp cao, sút cân nhanh v.v… yêu cầu được kiểm tra toàn diện. Nhưng người phụ trách bệnh viện lại nói với bác sĩ rằng: Đối với Trần Nghị chỉ điều trị huyết áp và khám thông thường. Ngoài ra còn gây sức ép với bác sĩ, y tá, nhân viên, nhắc đi nhắc lại rằng Trần Nghị là tay tướng đen của “dòng nước ngược tháng hai”, là “hai người họ Trần ăn cánh” trong Hội nghị Lư Sơn, phải phân rõ ranh giới tư tưởng với ông ta, nhấn mạnh đó là vấn đề lập trường giai cấp. Những năm tháng lấy “đấu tranh giai cấp” làm giềng mối ấy, cứ nhắc đến vấn đề lập trường giai cấp, là làm cho người ta sợ run, bác sĩ, y tá sợ đến mức không dám tiếp xúc nhiều với Trần Nghị. Thử hỏi, bệnh nhân vào bệnh viện kiểm tra, bác sĩ không thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân thì làm sao có thể phát hiện bệnh trạng của bệnh nhân?

Trong thời gian Trần Nghị nằm viện, theo lệ thường tiến hành kiểm tra sức khỏe, tuy cũng có chiếu chụp, nhưng không có hội chẩn của các chuyên gia, kết quả là không tìm ra bệnh gì, nằm viện 56 ngày, bác sĩ nói với Trương Xuyến, kiểm tra sức khỏe của Trần Nghị không có vấn đề gì lớn, có thể ra viện.

Ngày 22 tháng 12, Trần Nghị ra viện. Sau khi về nhà Trần Nghị vẫn thấy đau âm ỉ ở vùng bụng, bụng trướng lên, nóng ran, đi ngoài nhiều lần nhưng phân ít. Vì thế lại phải nhiều lần đến Bệnh viện 301 khám, ông cũng đã từng đến khám tại phòng khám Trung Nam Hải, các bác sĩ đều chẩn đoán là Trần Nghị bị bệnh đường ruột, chỉ cấp một số thuốc đường ruột. Thời gian kéo dài mà bệnh không thuyên giảm. Trương Xuyến và thư ký đề nghị được hội chẩn ở Bệnh viện 301. Sau khi được Trần Nghị đồng ý, lịch hội chẩn được xác định vào sáng ngày 16 nháng 1 năm 1971.

Sáng ngày 16, Trần Nghị đến bệnh viện, ông không ngờ bệnh tình của mình lại nặng đến mức phải mổ nhưng ông vẫn lạc quan nói với các thư ký: “Các cậu chuẩn bị ăn một bữa thịt cừu”.

Ngay chiều hôm ấy, Trần Nghị được đưa vào phòng mổ, vốn cho rằng chỉ mổ ruột thừa, một phẫu thuật nhỏ, nhưng khi mổ ổ bụng mới phát hiện là bị ung thư kết tràng. Khối u kẹp chặt ruột làm chất thải không ra được tạo nên một bọc phân lớn.

Viện trưởng Ngô được sự ủy thác của Chu Ân Lai, chữa trị cho Trần Nghị cảm thấy vinh dự nhưng cũng cảm thấy trách nhiệm nặng nề, đã quyết tâm chữa cho Trần Nghị. Trước tiên ông kiểm tra bệnh án của Trần Nghị ở Bệnh viện 301, phát hiện thấy trang đầu ghi “Hai năm thể trạng giảm 20 kg”, đây là triệu chứng quan trọng về bệnh ung thư, nhưng không tìm thấy một trang nào ghi chép về các cuộc hội chẩn của chuyên gia, Viện trưởng Ngô vô cùng kinh ngạc, phẫn nộ thở dài: Bệnh của Trần Nghị đã bị chậm mất rồi! Ông nhẩm tính, chậm 81 ngày!

Viện trưởng Ngô nhẩm tính “chậm 81 ngày” là chỉ tính từ ngày 26 tháng 10, Trần Nghị vào Bệnh viện 301, nằm viện 56 ngày cộng với 26 ngày về nhà. Thực ra, việc chậm chữa trị đâu chỉ có 81 ngày.

Lúc ấy tế bào ung thư đã ăn lan rất nghiêm trọng, ngoài những nốt phồng trên da, nội tạng đã bị tổn thương nghiêm trọng, đau đớn vô cùng, nhưng ông vẫn dùng nghị lực khiến người ta không thể tưởng tượng nổi để chịu đau không một tiếng rên. Sau khi ông qua đời phẫu thuật tử thi mới biết trong ổ bụng của ông đã rữa nát và bốc lên mùi thối. Những nhân viên bệnh viện đã tham gia chăm sóc ông vô cùng xúc động, bệnh ung thư giai đoạn cuối thường có những cơn đau khủng khiếp khó mà chịu nổi, nhưng Trần Nghị có thể chịu đựng những cơn đau, chưa bao giờ kêu đau, chưa bao giờ rên rỉ, một nghị lực kiên cường như thế quả thực là hiếm.

Ngày 19 tháng 12, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh sau khi vào Bệnh viện thăm, trở về ông viết bài thơ: “Anh Nghị bị ốm, có mấy vần thơ an ủi anh” trong đó có hai câu:

… “Vẫn tin có thể xoay trời đất,
Mà đường phía trước lắm gian nan”.

Đáng tiếc chưa xoay chuyển được trời đất thì Trần Nghị đã ra đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2010, 12:55:33 am »


Chương II
ÔN THẦN QUỶ DỮ



1
Trần Bá Đạt theo Lâm Bưu, đầm đìa nước mắt
Đặt cọc hai thứ quý Khang Sinh là rắn hổ mang


1. Nhà lý luận hàng đầu của Trung Quốc

Lúc mới về Bắc Kinh, ngoài rất nhiều nhân viên làm việc ở bên cạnh ra, Mao Trạch Đông còn có 4 thư ký chính thức, mọi người gọi là “bốn đại thư ký”, tức Trần Bá Đạt, Hồ Kiều Mộc, Điền Gia Anh và Diệp Tử Long. Vì Học viện Mác - Lênin (sau đổi thành Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) đặt ở phía Di Hòa Viên ngoại ô phía tây Bắc Kinh, Trần Bá Đạt là Phó Viện trưởng nên cũng ở đấy. Di Hòa Viên và Trung Nam Hải cách nhau rất xa, mỗi lần Mao Trạch Đông gọi điện cho Trần Bá Đạt đến thì phải nửa tiếng sau xe hơi của Trần Bá Đạt mới tới được Trung Nam Hải.

“Đồng chí dọn đến Trung Nam Hải mà ở!” Mao Trạch Đông bảo Trần Bá Đạt.

Thế là, Trần Bá Đạt dọn đến trung tâm chính trị của Trung Quốc.

Trần Bá Đạt vốn có tên là Trần Thượng Hữu, sinh năm 1905 ở huyện Huệ An, tỉnh Phúc Kiến. Từ đời cụ ông ta đến đời ông ta là bốn đời môn đệ thư hương. Trần Bá Đạt văn luôn phủ nhận sự xuất thân như vậy. Ông ta tự nhận là bần nông, gia đình phá sản. Vào khoảng năm 17 tuổi, Trần Bá Đạt giống như những người làm công bình thường hiện nay, kiếm ăn ở Huệ An, Tấn Giang, Hạ Môn và Thượng Hải. Phải nói rằng, từ thời niên thiếu ông ta đã là người có chí hướng và có dã tâm, nhưng trở thành nhân vật quan trọng trong chính trường Trung Quốc thì e rằng lúc đầu ông ta không nghĩ đến.

Từ năm 1922 đến năm 1924, Trần Bá Đạt làm biên tập tại tòa báo Giáo dục đại chúng (Thông tục giáo dục xã) ở Hạ Môn, bước đầu tỏ rõ “năng lực viết lách” của mình. Trong một dịp ngẫu nhiên, ông ta kết nghĩa anh em với Trần Văn Tổng sau này là kẻ phản cách mạng và Lâm Thiệu Bình kẻ buôn bán phát tài lớn. Mùa xuân năm 1925, gia nhập Quốc dân Đảng, cùng năm ấy đến Hạ Môn tham gia tổ chức Hội học thuật chủ nghĩa Tôn Văn. Sau đó đến học tại trường Đại học Lao Động Thượng Hải, có hứng thú với Đảng Cộng sản, xin theo học thầy Đặng Trung Hạ và Cù Thu Bạch. Từ năm 1926 đến tháng 4 năm 1927, ông ta giữ chức vụ Thư ký Đảng bộ ở thành phố Sán Đầu của Quốc dân Đảng Trung Quốc, sau theo bọn quân phiệt Trương Trinh, làm thiếu tá thư ký. Năm 1927, ông ta giấu lý lịch gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, mùa đông năm ấy, ông ta học ở Đại học Trung Sơn Mạc Tư Khoa. Trong thời gian học ở Mạc Tư Khoa, vì tham gia vào cái gọi là tổ chức của phe cánh tơ-rốt-kít, nên đến năm 1930 bị đưa về nước. Năm 1931, Trần Bá Đạt làm giáo sư trường Đại học Trung Quốc ở Bắc Bình (Bắc Kinh - N.D), giảng về triết học của Chư tử thời Tiên Tân. Ít lâu sau bị bắt ở Thiên Tân. Năm 1932, tự thú nên được ra tù. Năm sau lại tham gia cánh tơ-rốt-kít và cũng tham gia hoạt động của ủy ban hỏa tuyến của quân đồng minh chống Nhật ở Sát Tuy và trở thành một người chống Nhật.

Năm 1937, Trần Bá Đạt đến đất thánh cách mạng Diên An. Vì ông ta đã học đại học, nên trong đội ngũ cách mạng mà lực lượng chủ chốt là nông dân lúc bấy giờ, được coi là một “tú tài” thật, do đó ông ta trở thành thư ký chính trị của Mao Trạch Đông, ông ta có dịp gần gũi Mao Trạch Đông và cũng có dịp để ông ta thi thố tài năng viết lách của mình, nó cũng đặt cơ sở tốt cho việc thăng tiến của ông ta sau này. Năm 1945, trong Đại hội Đảng toàn quốc khóa 7, ông ta được bầu làm ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng. Trong những năm 50, công việc chủ yếu của Trần Bá Đạt là khởi thảo văn kiện cho Mao Trạch Đông, làm công việc viết văn. Tháng 5 năm 1950, ủy ban Xuất bản Tuyển tập Mao Trạch Đông của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập, Trần Bá Đạt, Điền Gia Anh, Hồ Kiều Mộc tham gia biên tập, với tư cách là thành viên chủ yếu biên tập “Tuyển tập Mao Trạch Đông”, làm cho Trần Bá Đạt có dịp đọc một cách hệ thống những trước tác của Mao Trạch Đông. Ông ta đã nắm chắc cơ hội này, nắm trong tay ngọn cờ tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông. Nước Trung Hoa mới ra đời, Mao Trạch Đông trở thành lãnh tụ của nhân dân Trung Quốc được cả thế giới công nhận. Đối với Trần Bá Đạt mà nói, việc nắm chắc ngọn cờ tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông đã khiến ông ta trở thành “nhà lý luận” có thể đếm trên đầu ngón tay của Trung Quốc.

Tháng 7 năm 1951, Nhà xuất bản Nhân dân đã xuất bản cuốn sách “Bàn về tư tưởng Mao Trạch Đông - Sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin và cách mạng Trung Quốc”. Sau đó, Trần Bá Đạt lại công bố một số cuốn sách tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông. Việc xuất bản những tác phẩm này đã khiến cho Trần Bá Đạt nghiễm nhiên trở thành nhà lý luận hàng đầu của Trung Quốc trong ấn tượng của dân chúng cả nước.

Tháng 9 năm 1956, trong Đại hội Đảng khoá 8, Trần Bá Đạt được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị, trong thứ tự xếp hàng từ vị trí thứ 47 ở khoá 7 “tiến lên” vị trí thứ 21. Nhưng công việc chủ yếu của ông ta vẫn là đảm nhiệm thư ký chính trị của Mao Trạch Đông. Ngày 25 tháng 5 năng 1958, Trần Bá Đạt, người vẫn đảm nhiệm chức “phó” cuối cùng đã được bổ nhiệm một chức vụ chính thức: Tổng biên tập tạp chí “Hồng kỳ”, cơ quan báo chí của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tạp chí “Hồng kỳ” lúc mới thành lập ảnh hưởng không lớn lắm. Nhưng trong cuộc đại luận chiến giữa hai đảng Trung Quốc và Liên Xô tiếp sau đó, rất nhiều luận văn lấy danh nghĩa Ban biên tập “Nhân dân nhật báo” và Ban biên tập tạp chí “Hồng kỳ” được phát biểu, đã làm cho Tạp chí “Hồng kỳ” được trong và ngoài nước chú ý. Bước vào Cách mạng văn hóa, tạp chí “Hồng kỳ” càng trở thành người phát ngôn của Trung ương, gánh vác sứ mệnh quan trọng truyền đạt chỉ thị mới tối cao của Mao Trạch Đông, ánh hưởng sâu sắc hơn đến hai tờ báo “Nhân dân nhật báo” và “Giải phóng quân báo”.

Năm 1958 là năm tháng của “công xã nhân dân”, “đại nhảy vọt”, “đường lối chung”, “ba ngọn cờ hồng” bay lượn trên khắp đất nước Trung Quốc rộng lớn, cuộn dâng lên trào lưu dữ dội “tả”. Trần Bá Đạt luôn là người giỏi xét đoán tâm trạng của Mao Trạch Đông cũng lộ ra cái mặt “tả” của mình. Nhưng, lần này lại bị Mao Trạch Đông phê phán thậm tệ. Trong Hội nghị Trịnh Châu tháng 11 năm 1958, Mao Trạch Đông với thái độ nghiêm khắc, đã phê phán một cách sắc bén: “Đồng chí Trần Bá Đạt đã viết một bản kiến nghị, nội dung kiến nghị của đồng chí ấy là gì?” Mao Trạch Đông quen với khẩu khí vừa hỏi vừa tự trả lời: “Đồng chí ấy kiến nghị với tôi xoá bỏ sản xuất hàng hoá, xoá bỏ thương nghiệp, phủ định tác dụng của tiền tệ, xoá bỏ tiền tệ, đó là phủ định quy luật giá trị”. Lời nói của Mao Trạch Đông làm cả Hội trường xôn xao. Trần Bá Đạt vốn muốn dùng “cao kiến” của mình để giành danh vọng, kết quả bị quật lấm lưng. Lúc ấy, công cuộc xây dựng của Trung Quốc đang ở trong giai đoạn dò dẫm, những ý kiến có tính chất xây dựng không bị ai chỉ trích. Đây vốn là điều làm cho Trần Bá Đạt có thể rút ra bài học, nhưng ông ta hồ như không từ bỏ tính toán lợi dụng lý luận mà ông ta có trong tay để giành quyền lực, ông ta không muốn làm một “nhà lý luận” thuần túy. Nguyên là, số nhà lý luận trong Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc ấy không nhiều, nếu Trần Bá Đạt chuyên tâm nghiên cứu lý luận, có lẽ sẽ có được thành tựu. Nhưng con người có dã tâm điển hình này, không quên được “Hoàng kim ốc” và “Nhan như ngọc” (Nhà bằng vàng và Mặt như ngọc) trong sách. Mục đích cuối cùng của ông ta vẫn là trông chờ vào việc mượn sách vở để tìm đường làm quan, ông ta nhiệt tâm với sự tranh giành ở chốn quan trường, từ lâu đã vượt quá hứng thú của ông ta đối với sách vở.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM