Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:45:50 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cách mạng văn hoá liệt truyện - Tập 2  (Đọc 56831 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2010, 07:30:35 am »


7. Thuật thay đầu chôn mầm tai họa

Ngày Quốc khánh, lần thứ tư Mao Trạch Đông duyệt hàng triệu đại quân Hồng vệ binh là thầy giáo và học sinh cách mạng cùng đại biểu công nông binh. Sau ngày hội lớn, các đồng chí phụ trách hữu quan của Tân Hoa xã đến chỗ Đào Chú để thỉnh thị: “Ảnh báo chí ngày quốc khánh năm nay sẽ đăng báo như thế nào?”.

Theo thường lệ, sau lễ quốc khánh hằng năm, Tân Hoa xã đều phải phát một bộ ảnh tin tức. Trước đây Trung ương có quy định. Trong đó cần phải có một bức ảnh chụp chung giữa Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ.

Đào Chú hơi trầm ngâm suy nghĩ và đi đến quyết định: “Làm theo quy định trước đây!”.

Đăng báo là một việc lớn. Đào Chú đã tiến hành thẩm tra cẩn thận tập ảnh đăng báo và đã phát hiện ra vấn đề:

“Sao không có ảnh của đồng chí Tiểu Bình?” Đào chú hỏi.

Các đồng chí ở Tân Hoa xã nhìn nhau. ngập ngừng nói: “Không có ảnh thích hợp”.

“Có chuyện gì vậy?” Đào Chú lập tức chỉ thị: “Nhất định phải có ảnh của đồng chí Tiểu Bình”.

“Có biện pháp gì để bổ cứu được không?” Đào Chú hỏi.

Đồng chí ở Tân Hoa xã đáp: “Có thể xử lý kỹ thuật”.

Đào Chú lại quyết định một lần nữa

“Có thể làm như thế”

Thế là, đồng chí ở Tân Hoa xã đã xóa hình Trần Nghị trên một bức ảnh rồi thay vào đó là hình đồng chí Tiểu Bình và tấm ảnh được đăng báo.

Đây chính là sự kiện “thuật thay đầu”, mà Giang Thanh đã ra sức rêu rao, làm ầm ĩ sau này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2010, 07:31:40 am »


8. Tiếng pháo mở đầu nhằm vào Giang Thanh

Giang Thanh rất tán thưởng hai người: Lư Chính Nghĩa viết bài đại tự báo đầu tiên ở Bộ Giáo dục và Ngô Truyền Khởi viết bài đại tự báo đầu tiên ở Học bộ, nên nhiều lần thúc giục Đào Chú đến Bộ Giáo dục và Học bộ, phong hai người này là “Phái tả cách mạng”.

Đào Chú nắm được rất nhiều sự thực và tài liệu đích xác, chứng minh rằng hai người này đều là những người lòng dạ khó lường có vấn đề lịch sử lớn. Vì chuyện này ông đã nhiều lần nói rõ sự thực cho Giang Thanh biết, rằng không thể phong họ là “Phái tả cách mạng”. Nhưng Giang Thanh nào có chịu nghe? Cứ ra sức thúc giục.

“Còn vấn đề lịch sử ư, có gì ghê gớm lắm đâu!”. Đôi môi Giang Thanh dẩu ra tròn như chiếc loa, hai bên cánh mũi in hằn vết chế giễu: “Anh cũng chẳng phải là Quốc dân Đảng hay sao?”.

Đào chú trừng mắt đỏ ngầu, như miệng núi lửa đã được mở. Giọng ông vốn rất lớn tiếng lúc này càng như tiếng núi lửa phun ầm ầm inh tai:

“Chị biết tôi là đảng viên Quốc dân Đảng lúc nào không? Tôi là đảng viên Quốc dân Đảng thời kỳ Quốc Cộng hợp tác lần thứ nhất, là tập thể tham gia Quốc dân Đảng trong quân đội Quốc dân đảng! Lúc ấy Mao Chủ tịch cũng là Quốc dân đảng! Thủ tướng Chu cũng là Quốc dân Đảng! Còn Chủ nhiệm Cục Chính trị Trường Quân sự Hoàng Phố, đại biểu Đảng trong Quân đoàn 1 Quốc dân Đảng! Họ đều là cấp trên trực tiếp của tôi, tôi chỉ là một lính quèn của Quốc dân Đảng. Còn muốn thế nào! Chị hãy về mà học lịch sử đã! Còn Ngô Truyền Khởi là đảng viên Quốc dân Đảng với tính chất gì? Đảng viên Quốc dân Đảng của anh ta có thể lẫn lộn làm một với đảng viên quốc dân Đảng của chúng tôi chăng?”

Đào Chú gầm lên rung động đất trời, rồi nhổ một bãi nước bọt.

Trong thời kỳ cách mạng văn hóa, Hội nghị Bộ Chính trị, họp hội ý Tổ cách mạng văn hóa, cũng như những cuộc tiếp kiến của Trung ương trong việc xử lý các vấn đề của các tỉnh, thành phố và khu tự trị đã xảy ra không ít cuộc tranh cãi, thậm chí là những cuộc “cãi vã ầm ĩ” khủng khiếp. Ví dụ sau này xảy ra cái gọi là “dòng nước ngược tháng Hai”, hoặc như việc xử lý vấn đề Thanh Hải, Vân Nam và một số tỉnh. Nhưng mặt đối mặt quát tháo ầm ĩ thật sự với Giang Thanh, theo rất nhiều nhân viên cùng công tác nói lại thì Đào Chú là người đầu tiên.

Ông không nổ phát súng đầu tiên vào Lưu, Đặng nhưng lại nổ phát súng đầu tiên vào Giang Thanh.

Mới đầu bị quát, Giang Thanh chẳng hiểu gì, mặt trắng bệch, cơ mặt ở hai má xệ xuống, đôi môi mấp máy run rẩy. Sau khi bà ta trở thành “đệ nhất phu nhân”, đâu có đảng viên cộng sản nào dám “hỗn xược” quát bà ta như vậy? Trong phút chốc, môi bà ta mím chặt, một luồng máu bốc lên đầu, khuôn mặt thậm chí cả chân tóc đều căng lên bầm tím. Mắt bà ta bốc lửa, đó là ngọn lửa oán giận thường bốc ra từ người đàn bà nhỏ nhen độc ác; hai mép bà ta hằn lên hai rãnh sâu chúc xuống với một vẻ hung hãn, nếu bạn nghe những nhân viên cùng làm việc với bà ta hình dung lại thì lập tức có thể nghĩ đến một tấm ảnh sau này khi Giang Thanh bị xét xử, chính là hình tượng của bức ảnh ấy. Chỉ khác lúc đó bà ta không dựa vào hàng rào của ghế bị cáo, mà là ngồi trên xa-lông ở phòng Hà Bắc trong Đại lễ đường Nhân dân, hơn nữa còn đập mạnh xuống thành ghế xa-lông, gào lên với cái giọng sắc lạnh: “Anh đi ngay, đi ngay đến Học bộ, đi giúp Ngô Truyền Khởi, anh không đi không được!”.

“Tôi không đi!” Tay của Giang Thanh vẫn còn để trên tay vịn xa-lông chưa kịp rút về, thì bàn tay to lớn của Đào Chú đã tiếp theo ngay đập mạnh xuống bàn trà, hơn nữa còn bật đứng dậy. Suốt một đời anh hùng, ông chưa từng gặp một người nào dám gào thét ra lệnh cho ông như thế. Thế là đầu như bị một viên đạn khoan, ông đứng thẳng một cách vững chãi: “Chị đã can thiệp quá nhiều, quản quá rộng rồi...”.

Ông cảm thấy có người kéo ông, nhưng trong cơn thịnh nộ, sao có thể nhịn được? Mắt trợn tròn tiếp tục quát: “Đây là tổ chức của Đảng Cộng sản, chuyện gì chị cũng muốn can thiệp!...”

Đào Chú bị kéo ngồi xuống, Giang Thanh ở phía bên kia thì ngây dại mở mắt thao láo nhìn, lúng túng không biết làm thế nào, há hốc mồm hồi lâu vẫn không mím lại được.

Sự việc đã ầm ĩ đến nước này, Chu Ân Lai đã sáng suốt tuyên bố giải tán. Đào Chú đứng dậy đi ra, đằng sau còn vang lên tiếng kêu khóc của Giang Thanh.

Ôi, trốn được hôm nay nhưng làm sao trốn được ngày mai. Ông biết, Giang Thanh là một con người hay thù vặt tất sẽ trả đũa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2010, 07:33:09 am »


9. Mánh khóe hạ lưu của Giang Thanh

Đại lễ đường Nhân dân ở phía Tây quảng trường Thiên An Môn, là nơi họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, cũng là nơi hoạt động chính trị của Nhà nước và quần chúng nhân dân. Mái hiên lợp bằng ngói lưu ly vàng lẫn xanh, trên đỉnh cửa chính treo quốc huy, trước mặt là 12 cột đá cao 25m làm bằng đá cẩm thạch màu xám nhạt, làm cho bất cứ ai khi đi qua bên cạnh cũng đều không thể không cảm thấy trang nghiêm, hoành tráng. Huống hồ, phía sau lưng chính là bia kỷ niệm anh hùng nhân dân được ốp bằng một vạn bảy ngàn tấm đá hoa cương và đá cẩm thạch trắng, trên tu di toạ có phù điêu trên tám khối đá lớn lấy chủ đề từ Hổ Môn Tiêu Yên đến trăm vạn hùng binh vượt Giang Nam. Lúc này, bạn sải bước lên phía trước làm sao trong lòng lại không xao động trong những giai điệu hào hùng: Chân bước trên mảnh đất của tổ quốc, mang trên vai niềm kỳ vọng của nhân dân...

Mỗi khi bước vào Đại lễ đường Nhân dân, Đào Chú đều có những tình cảm như vậy.

Nhưng, khi bước gần đến phòng Hà Bắc trong Đại lễ đường Nhân dân, ông lại nghĩ đến những bộ mặt không bao giờ muốn nhìn thấy trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, nghĩ đến những cuộc tranh cãi không tránh được và cũng không thể tránh trong các cuộc họp hội ý, lại nghe thấy cái giọng vênh váo sai khiến người khác của Giang Thanh lọt từ khe cửa ra, bước chân cùng với nhịp đập của tim ông càng ngày càng nặng nề. Ông dừng lại ở trước cửa, thở sâu hai lần, lấy lại bình tĩnh, cũng là để chuẩn bị cho nín thở, sau đó ông đẩy cửa. Sao mà xúi quẩy thế, người đầu tiên mà ông nhìn thấy lại là Giang Thanh. Trong đầu ông bỗng vang lên một tiếng: mụ phù thủy. Giang Thanh lại không giống Đào Chú, mặt tươi cười rạng rỡ, cứ như là chưa từng có chuyện gì xảy ra vậy, hình như cái điều không vui đã bị quên khuấy từ lâu, đến nỗi làm cho Đào Chú cũng phải sinh nghi, phải chăng mình quá hẹp hòi, bụng dạ nhỏ nhen? Ông mỉm cười gật đầu chào Giang Thanh với vẻ không được tự nhiên cho lắm.

Trong phút chốc tiếng nói the thé của Giang Thanh vang lên:

“Ồ, Đào Chú, anh bây giờ rất hăng hái phải không?”.

Đào Chú đứng đó phút chốc không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Nhưng tim ông bắt đầu co bóp, giọng nói của Giang Thanh có một chút gì đó không hay, mắt bà ta liếc đi liếc lại trên người Đào Chú, nhìn Vương Lực và Thích Bản Vũ dẩu môi, làm cho ông thấy khó chịu:

“Tôi thấy, anh không phải là giải phóng quân, vậy anh có tư cách gì để mặc quân phục?” Giang Thanh cười chế nhạo giống như một diễn viên: “A, anh mặc quân phục của cửa hàng nào vậy?”.

Đào Chú sầm mặt, khó chịu nói: “Sao tôi lại không phải? Tôi là Chính ủy thứ nhất của Quân khu Quảng Châu! Sao lại không đủ tư cách mặc?”. Ánh mắt ông sắc bén nhìn một lượt những thành viên trong Tổ cách mạng văn hóa đang ngồi trên xa-lông: “Các anh cũng mặc quân phục, các anh là giải phóng quân gì?”.

Diêu Văn Nguyên đỏ mặt, nói một cách gay gắt: “Giải phóng quân là do Mao Chủ tịch sáng lập ra, đứng về phía đường lối cách mạng của Mao Chủ tịch mới có tư cách mặc quân phục”.

Một tiếng hừ từ trong mũi Đào Chú bật ra, ông đáp lại ngay: “Khi tôi tham gia khởi nghĩa Nam Xương, cùng Mao Chủ tịch làm cách mạng, không biết anh còn ở chỗ nào để làm “nhân chi sơ” đấy!”.

Câu trả lời thật tuyệt vời, Diêu Văn Nguyên phút chốc câm bặt, ông ta hối hận rằng mình làm sao lại quên Đào Chú cũng là trang võ giỏi mà văn thì càng hay( * ).

“Báo cáo điều tra “Thí điểm đại dân chủ” tôi đã phê duyệt. “Tài liệu này rất hay. Vì sao anh giữ lại?” Giang Thanh bắt đầu chất vấn.

“Văn bản “Mười sáu điều” quy định rõ ràng, xí nghiệp ở nông thôn và thành thị không thực hiện tự do lên tiếng, tự do phát biểu, viết đại tự báo và tranh luận, không tiến hành xâu chuỗi, những cái đi ngược với “Mười sáu điều” làm sao có thể đưa ra để kháng nghị?”.

“Cách mạng là phải không ngừng phá bỏ các quy định cứng nhắc!”.

“Mao Chủ tịch nói, chính sách và sách lược là sinh mệnh của Đảng. “Mười sáu điều” là văn kiện có tính chính sách về “đại cách mạng văn hóa” do Thủ tướng chủ trì định ra, các anh định không cần chính sách?” Đào Chú nói thật lòng một cách gay gắt: “Nếu sản xuất bị phá hoại, khiến lương thực trong kho không còn một hạt nào thì cách mạng văn hoá sẽ làm thế nào?”. “Người áp chế quần chúng, không để cho quần chúng làm cách mạng là anh, người ra sức thực hiện chủ nghĩa kinh tế cũng là anh!” Giang Thanh quát lên một cách gay gắt: “Mục đích của anh chỉ có một, dẹp cuộc đại cách mạng văn hoá đang rầm rầm rộ rộ!”

Đào Chú hiểu nội dung mà Giang Thanh định nói, liền nói một cách thẳng thắn: “Các anh động viên các giáo viên trung học và các nhân viên văn nghệ hí kịch ở các nơi đến Bắc Kinh thăm viếng kể tội, Trung ương năm lần bảy lượt thông báo cho họ không nên đến, nhưng các anh nói đó là hành động cách mạng, nên họ vẫn cứ kéo đến hàng loạt hàng loạt, hễ đến là họ đòi tôi phải cho họ ăn họ ở, cấp sinh hoạt phí cho họ. Tôi là người làm những công việc cụ thể, tôi có phải giải quyết hay không? Không giải quyết là áp chế quần chúng, mà giải quyết thì các anh lại quay ngoắt lại chỉ trích tôi là thực hiện chủ nghĩa kinh tế, rõ là muốn đổ vấy thêm tội, đàng nào thì các anh cũng nói được!”.

“Bất kể là người nào, bất kể trước đây có công lao lớn đến đâu, nếu kiên trì đường lối sai lầm, thì tính chất mâu thuẫn giữa họ với Đảng và nhân dân sẽ thay đổi!” Trần Bá Đạt gạt bỏ vấn đề cụ thể, dùng khẩu khí tựa như là uy hiếp, cảnh cáo: “Mâu thuẫn phi đối kháng có thể biến thành mâu thuẫn có tính chất đối kháng, lúc ấy các anh sẽ trượt trên con đường chống Đảng chống chủ nghĩa xã hội!”.

Đào Chú lạnh lùng liếc nhìn, từ trong lỗ mũi bật ra một tiếng hừ: “Mao Chủ tịch vẫn còn sống đấy!”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2010, 07:33:34 am »


Đào Chú hiểu, những người này xét cho cùng là muốn ông đứng về phía Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, đứng về phía đó thì mọi phiền phức sẽ không còn nữa. Nhưng ông hoàn toàn không thể nào đứng về phía đó. Niềm tin, đó là cái không thể gượng ép, người bình thường gượng ép không được, dưới áp lực mạnh cũng chỉ có thể khẩu phục nhưng tâm bất phục. Như Đào Chú người đã quá nửa đời phấn đấu, ngay đến “khẩu phục” cũng khó miễn cưỡng.

Đào Chú cũng có một phần tự tin. Cứ cách ba bốn ngày lại đi cùng Chu Ân Lai đến chỗ Mao Trạch Đông một lần để báo cáo tình hình. Ông không hề biết rằng báo cáo mà Mao Trạch Đông nghe còn có một đường khác là Tổ cách mạng ván hóa, ông chỉ tin những lời ông nói, Mao Trạch Đông đều lắng nghe, ông cho rằng mình rất được sự tín nhiệm và bảo vệ của Mao Trạch Đông, nên ông không coi Tổ cách mạng văn hóa Trung ương ra gì.

Tất nhiên, ông cũng không thể cãi nhau một cách triệt để với bọn họ, bất cứ ai hiểu chút ít về chính trị đều dễ dàng nhận thấy điều này. Bọn người ấy luôn mỉa mai châm chọc, kiếm chuyện, gây khó khăn cho ông. Đào Chú đã không thể gắng hết sức để chịu đựng, cuộc sống đầy uất ức đau khổ, ngột ngạt, gian nan.

Ngày 18 tháng 10, ông theo Mao Trạch Đông tiếp kiến đại quân Hồng vệ binh lần thứ 5, khi tiếp kiến, theo lệ phải giữ sự nhất trí tuyệt đại đa số, do đó cần mặc quân phục. Sau khi tiếp kiến, đúng hôm đi hội ý với Tổ cách mạng văn hóa Trung ương, để giảm bớt những việc không vui xảy ra, ông liền cởi bộ quân phục, mặc thường phục.

Nhưng khi ông mặc thường phục đi vào phòng Hà Bắc thì lại gặp phải cảnh tượng rất khó chịu đựng.

Bọn người trong Tổ cách mạng văn hóa cố ý ngắm nhìn Đào Chú từ trên xuống dưới, hơn nữa còn liếc mắt như kẻ bị lác, chụm đầu ghé tai, còn ánh mắt chỉ lướt nhanh qua người anh lại còn tủm tỉm cười, làm cho anh không dò được nông sâu, làm cho anh cảm thấy cô lập, làm cho anh biết rằng đằng sau anh là trung tâm để mọi người bàn luận, làm cho anh khó chịu như bị rận bò khắp người.

Đây là thủ đoạn độc ác nhằm giày vò về tinh thần.

Đây là mánh khoé hạ lưu hèn mạt mà bọn tiểu nhân thâm độc thích đùa giỡn. Nhưng mánh khoé này đã được đưa vào Đại lễ đường Nhân dân, đưa vào vũ đài chính trị nghiêm túc, hơn nữa đã không do dự khi sử dụng trên con người Đào Chú.

“Ai chà, Đào Chú sao lại không làm giải phóng quân nữa?”.

“Này, Đào Chú, anh đã thành dân thường từ lúc nào vậy?”

Sự châm chọc bình phẩm từ đầu đến chân đã bắt đầu như thế. Đây chính là lời giáo đầu trong cuộc hội ý của Tổ cách mạng văn hóa Trung ương. Điều này e rằng ngay đến “phái tạo phản” đang ồn ào ầm ĩ cũng không ngờ tới.

Một năm sau, Đào Chú đã kể hết tâm sự với vợ mình là Tằng Chí: “Ôi, ai mà có thể tin Đào Chú ta phải chịu sự lăng nhục như thế? Lúc ấy tôi không thể không chú ý đến toàn cục, nếu như trước đây, nói gì thì cũng không thể dung tha sự ngông cuồng như thế của họ!”.

Cái “trước đây” mà Đào Chú nói, tất nhiên là trước cách mạng văn hóa. Lúc ấy nếu gặp phải tình hình này, với tính nóng của ông, để bảo vệ sự tôn nghiêm sẽ không ngại dùng đến nắm đấm.

Bây giờ, Đào Chú không những phải nhẫn chịu, hơn nũa còn phải nghe lời trách hỏi: “Vì sao anh lại trấn áp hành động cách mạng của quần chúng trong Tổ cách mạng văn hóa Trung ương?”.

“Trong Hội nghị công tác Trung ương, đồng chí Lâm Bưu đã chỉ tên Lưu, Đặng, đường lối sai lầm của phong trào đại cách mạng văn hóa lần này chủ yếu là do Lưu, Đặng gây ra. Vì sao anh trấn áp quần chúng, không cho họ hô khẩu hiệu, không cho họ viết đại tự báo tố cáo Lưu, Đặng?”...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2010, 07:34:20 am »


10. Sự lo lắng tụt hậu. Mâu thuẫn căng thẳng

Ngày 9 tháng 10 năm 1966, Mao Trạch Đông chủ trì Hội nghị công tác Trung ương triệu tập ở Bắc Kinh, chủ yếu là để gạt bỏ những “trở lực” đối với cách mạng văn hóa. Hội nghị đã họp hơn 10 ngày đến hôm nay vẫn chưa kết thúc.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị, Mao Trạch Đông đã chỉ rõ, phong trào đến rất mạnh, có sự chống đối là điều có thể hiểu được. Ông chủ trương “để cho nó loạn mấy tháng” “Đại tự báo phải ra phố”, “Công nông binh không nên can thiệp vào đại cách mạng văn hóa của học sinh”.

Lâm Bưu cũng đã phát biểu, chỉ đích danh Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đã thi hành đường lối phản cách mạng, trấn áp quần chúng: “Đường lối sai lầm của phong trào đại cách mạng văn hoá lần này chủ yếu là do Lưu, Đặng gây ra”.

Trần Bá Đạt đã đọc báo cáo “Hai đường lối của cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản”. Mũi nhọn cũng chỉ thẳng vào Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Trong báo cáo, ông ta tung ra một chiếc mũ “Phái chữ sợ” rất rõ ràng là muốn những người còn nghi ngại hãy “vứt bỏ chữ sợ”, tấn công vào Lưu, Đặng. Tình hình Hội nghị bị Tổ cách mạng văn hóa Trung ương cố ý tiết lộ ra ngoài, hơn 300 quần chúng của Ban Tổ chức Trung ương biết được nội tình, liền đòi được đến Trung Nam Hải để đưa quyết tâm thư cho Mao Trạch Đông và Trung ương Đảng, bày tỏ quyết tâm triệt để tố cáo phê phán và đấu tố Lưu Thiếu Kỳ cùng Đặng Tiểu Bình.

Sau khi Đào Chú biết tin, đã ngăn chặn ngay, tỏ thái độ một cách rõ ràng: “Mấy trăm người của Ban Tổ chức Trung ương đến Trung Nam Hải, hô đả đảo Lưu Thiếu Kỳ, dán đại tự báo phê phán đồng chí ấy, cách làm này tôi không tán thành”. Rõ ràng, thái độ này đã bị các thành viên của Tổ cách mạng văn hóa Trung ương biết được.

“Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ phạm sai lầm chứ không phải là địch, không thể hô đả đảo”. Đối mặt với những chất vấn của nhóm người trong Tổ cách mạng văn hóa, Đào Chú không một chút giấu giếm nói rõ quan điểm: “Tôi không tán thành việc viết đại tự báo đả đảo Lưu Thiếu Kỳ. Ông là Chủ tịch nước, ủy viên Bộ Chính trị, phạm sai lầm nên là vấn đề đoàn kết - phê bình – đoàn kết, là vấn đề mâu thuẫn nội bộ nhân dân...”.

“Là vấn đề đấu tranh giữa hai giai cấp hai con đường hai đường lối!” Thích Bản Vũ nói một cách gay gắt.

“Học sinh viết đại tự báo đả đảo Lưu Thiếu Kỳ, nếu hỏi tôi thì tôi không đồng ý”. Trái lại Đào Chú đã bình tĩnh trở lại. Đó là vì quan điểm đã được nói rõ, ông thấy yên lòng.

“Hội nghị công tác Trung ương vẫn chưa kết thúc”. Trần Bá Đạt nhắc nhở một cách nặng nề.

Câu này rất có trọng lượng. Hội nghị chưa kết thúc. Vấn đề mới bộc lộ ra trong lúc này tất nhiên có thể thuộc vấn đề đợi giải quyết. Nếu Hội nghị, cuối cùng đưa ra kết luận trái với quan điểm của Đào Chú thì Đào Chú rất có thể sẽ không cần đánh mà tự đổ.

Vì trên thực tế ông đã tự gắn mình với Lưu, Đặng.

Vì trong cuộc mít tinh quần chúng tiếp kiến Hồng Vệ binh lần đầu tiên vào ngày 18 tháng 8, Lâm Bưu đã sớm nói rằng: “Chúng ta cần phải đánh đổ phái cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, phải đánh đổ tất cả phái bảo hoàng tư sản, phải đánh đổ tất cả bọn đầu trâu mặt ngựa!”.

Như vậy, ai là “phái bảo hoàng thì kẻ ấy là tư sản, kẻ ấy thuộc vào loại bị đánh đổ như phái cầm quyền đi con đường tư bản chủ nghĩa” và “đầu trâu mặt ngựa”.

Đào Chú về nhà với tâm trạng nặng nề, lại không ngừng đi lại trong phòng.

Đối với đại cách mạng văn hóa, ông đồng cảm với Chu Ân Lai, nhận thức cũng gần gũi. Bài phát biểu của Chu Ân Lai trong Hội nghị đã dùng “trên đà đang lên, muốn dừng không được” để khái quát tình hình, hơn nữa với nỗi ngổn ngang trăm mối: “Nằm mơ cũng không nghĩ đến cục diện nó lớn đến như thế”. “Nghĩ mà run”.

Trong sự ràng buộc của điều kiện lúc ấy, trong tình hình bản chất của hiện tượng và quá trình lịch sử của cuộc đại cách mạng văn hóa vẫn chưa bộc lộ đầy đủ, thái độ của Đào Chú đối với cách mạng văn hóa cũng gần gũi với Chu Ân Lai, cũng gần gũi với đại đa số cán bộ và nhân dân, cố gắng lý giải đại cách mạng văn hoá từ tiền đồ tốt đẹp của nó, hy vọng thông qua phong trào này, có thể thật sự khắc phục và xoá bỏ những thói hư tục xấu và những mặt đen tối nào đó thực sự tồn tại trên cơ thể Đảng và Nhà nước, để bảo đảm cho Đảng và Nhà nước không đổi màu. Cho nên, Đào Chú phát biểu trong Hội nghị cũng bày tỏ rất rõ ràng: “Tiến hành đấu tranh giai cấp tôi kiên quyết, tiến hành đại cách mạng văn hoá tôi cũng kiên quyết”.

Nhưng, Đào Chú kiên trì cho rằng, trong điều kiện giai cấp vô sản đã nắm chính quyền thì một cuộc cách mạng như vậy chỉ có dưới sự lãnh đạo của đội tiền phong của giai cấp vô sản - Đảng Cộng sản, dùng phương thức có tổ chức có bước đi, với tiền đề cố gắng không ảnh hưởng đến trật tự cuộc sống bình thường, phát triển theo quỹ đạo lành mạnh, mới có thể đạt được mục đích nêu trên.

Sự thực về sau đã chứng minh, suy nghĩ của Đào Chú và suy nghĩ của Mao Trạch Đông thông qua “thiên hạ đại loạn để đạt tới thiên hạ đại trị” cách nhau quá xa.

Sự chênh lệch là mâu thuẫn. Đào Chú đã rơi vào mâu thuẫn ấy, vừa muốn theo sát Mao Trạch Đông nhưng lại luôn luôn cảm thấy “lo lắng vì tụt hậu”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2010, 08:21:50 am »


11. Đào Chú nhìn Chu Ân Lai với ánh mắt cảm kích

Tết Dương lịch đã tới gần, nhưng lại không có một chút không khí ngày tết, có chăng chỉ là những làn sóng dữ dội của tạo phản và những luồng không khí lạnh buốt từ Si-bia tràn tới.

Thành Bắc Kinh buổi sớm khoác lên chiếc áo màu xám ảm đạm, ngoài bức tường đỏ của Thiên An Môn và Trung Nam Hải, những mái nhà vô tận xa tít đến tận chân trời lộ ra một màu xám cổ xưa, những cành cây đã rụng hết lá, bụi đất và đại tự báo bay lả tả những biểu ngữ màu đen dán kín tường, càng tăng thêm cái tình điệu u ám. Gió lạnh lướt qua đường Trường An và Quảng trường trống trải như đem tới nỗi ưu tư buồn lạnh triền miên không dứt.

Bước chân của Đào Chú lúc nặng nề, lúc nhẹ bỗng. Khi ông bước lên bậc thềm, cúi đầu đi vào phòng họp, ông mang một tâm trạng phức tạp của một sự chờ đợi nào đó nhưng lại buồn lo không yên!

Lại có thể gặp Mao Chủ tịch, lại có cơ hội được phát biểu ý kiến! Nhưng, Chủ tịch sẽ đối xử thế nào với những sai lầm mà mình phạm phải đây?

Ôi, bản thân ta cũng không rõ rốt cuộc ta sai ở chỗ nào!

Che chở Lưu, Đặng ư? Chính Chủ tịch cũng đã che chở đấy thôi.

Che chở Vương Nhậm Trọng ư? Chủ tịch cũng không có ý đánh đổ đồng chí ấy cơ mà.

Nhân viên công tác đã mở cửa. Đào Chú hơi cúi đầu đi vào, ánh mắt ngước lên nhìn lướt, bỗng ông ngẩng mặt, tinh thần bỗng phấn chấn, đó là một sự xúc động không sao kìm nén được.

Ông đã nhìn thấy Mao Trạch Đông!

Giây phút ấy, trong lòng ông ngổn ngang trăm mối, đôi môi mấp máy, trăm ngàn lời phút chốc tắc nghẹn trong cổ.

Mao Trạch Đông mỉm cười nhìn ông gật đầu, nói lớn: “Đào Chú, vì sao anh không nói anh đã phạm vào một sai lầm rất khó lý giải nhỉ?”

Bờ mi Đào Chú bỗng ướt. Một lời của Mao Trạch Đông như vậy có nghĩa là che chở ông.

Ánh mắt của Mao Trạch Đông từ từ lướt qua khuôn mặt của những người dự họp, nói tiếp:

“Đào Chú sau khi lên Trung ương, công tác tích cực có tinh thần trách nhiệm, rất bận rộn, đã làm được rất nhiều việc”. Lúc này ánh mắt Mao Trạch Đông vừa lướt đến người Giang Thanh, đôi lông mày nhíu lại, ánh mắt nhanh chóng nhảy sang chỗ khác, nói tiếp: “Giang Thanh quá tùy hứng, thích làm tổn hại tới người khác. Đào Chú là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, chưa qua Trung ương chính thức thảo luận đã nói đồng chí ấy phạm sai lầm phương hướng đường lối, tuỳ tiện phê phán trong hội nghị, đó là vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng!”.

Các thành viên của Tổ cách mạng văn hóa Trung ương cúi đầu không có một biểu cảm gì.

Đào Chú liếc nhìn Chu Ân Lai với một ánh mắt cảm kích, ông tin rằng có chuyện này là do Chu Ân Lai báo cáo với Mao Trạch Đông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2010, 04:46:03 pm »


12. Mao Trạch Đông trở mặt bảo Đào Chú không thật thà

Ngày 30 tháng 12 năm 1966, ngày thứ hai sau khi Mao Trạch Đông che chở Đào Chú.

Ăn qua loa mấy miếng cơm, Đào Chú lại bắt đầu đi đi lại lại trong phòng suy nghĩ còn có những công việc nào cần sắp xếp, bàn giao.

Mười giờ đêm, chuông điện thoại reo rất gấp, hốt hoảng như chuông báo cảnh sát. Đào Chú cầm lấy ống nghe: “Tôi là Đào Chú”. Mới nghe được mấy câu đôi lông mày rậm nhíu lại thành một góc nhọn, phút chốc, ông thốt ra năm tiếng như ánh chớp: “Đêm nay tôi sẽ đến”.

Tiếng quát như nghênh đón sự khiêu chiến. Chẳng trách sau khi sự việc xảy ra, ông đã than thở: “Ôi, cũng biết cái tính như chất đốt hễ châm lửa là bùng cháy, còn có điều chưa được cân nhắc...”

Đội tạo phản cất công từ Vũ Hán đến Quảng Châu để bắt Vương Nhậm Trọng, đã bắt Lý Nhất Thanh một bí thư của Cục Trung Nam làm con tin, đưa đến Bắc Kinh, đòi Đào Chú phải tiếp kiến. Những người này không thể “lôi” Vương Nhậm Trọng ra được (ông được sắp xếp nghỉ chữa bệnh ở một nơi) nên họ đến Bắc Kinh. Ngay hôm đến Bắc Kinh, họ lập tức thông qua Quan Phong và Lâm Kiệt ở tòa soạn tạp chí “Hồng kỳ” liên hệ chặt chẽ với Tổ cách mạng văn hóa Trung ương.

Tổ cách mạng văn hóa Trung ương phê phán Đào Chú là “khăng khăng che chở Vương Nhậm Trọng”, “đội tạo phản” này liền liên hợp với một bộ phận Hồng vệ binh ở Hồ Nam yêu cầu Đào Chú phải tiếp kiến, đồng thời yêu cầu Đào Chú phải giao nộp Vương Nhậm Trọng.

Sau khi Mao Trạch Đông che chở Đào Chú, phía Điếu Ngư Đài liền hạ quyết tâm, thế là, bọn “đội tạo phản” và Hồng vệ binh cũng thay đổi khẩu khí chuyển sang cứng rắn, quyết liệt, vội vã. Mới đầu định là ngày hôm sau Đào Chú sẽ tiếp kiến đồng thời nói chuyện với họ, bây giờ bọn này lại điên cuồng ngang ngược “ra lệnh bắt buộc” Đào Chú phải tiếp kiến ngay. Nếu ngay đêm nay không tiếp kiến thì toàn thể sẽ tuyệt thực!

Nói chung những học sinh trẻ bị một thế lực chính trị nào đó điều khiển, thì thường bị lợi dụng để “tuyệt thực”. Đào Chú hay tin liền đi ngay, cố nhiên tính nóng không cho ông né tránh sự khiêu chiến hùng hổ doạ người; một nguyên nhân khác, ông cũng không nỡ nhẫn tâm để cho sức khỏe của bọn học sinh ngây thơ khờ dại bị tổn hại vì tuyệt thực.

Đào Chú vội vã quyết định tiếp kiến, các nhân viên công tác gấp rút hành động. Thư ký Trương Hán Thanh vội vàng thông báo cho cảnh vệ Tăng Vân: “Tối nay sẽ tiếp kiến Hồng vệ binh ở Hội trường nhỏ tại Quốc vụ viện đồng chí sắp xếp ngay, Bí thư Đào sắp đi rồi”.

Tăng Vân nhanh chóng điều xe, đồng thời thông báo cho Cục Cảnh vệ.

Như một quân nhân, năm phút sau, Đào Chú đã đến Hội trường nhỏ của Quốc vụ viện.

Vừa vào hội trường, Đào Chú lập tức phát hiện thấy không khí khác thường liền có chút cảnh giác:

“Đội tạo phản”, “Hồng vệ binh” xưa nay vẫn coi Tổ cách mạng văn hóa Trung ương là “một nước”, “người một nhà”, hoặc “hậu thuẫn kiên cường”.

Cho nên, phàm khi những nhân vật hàng đầu của Tổ cách mạng văn hoá Trung ương tiếp kiến, tiếng vỗ tay và lời chào không ngớt, ít ra thì cũng mang tâm trạng sôi nổi chờ đợi và khát khao được ủng hộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2010, 04:46:33 pm »


Hôm nay Đào Chú lấy danh nghĩa của Tổ cách mạng văn hóa Trung ương mà không phải là lấy danh nghĩa của Quốc vụ viện để tiếp kiến “đội tạo phản” và Hồng vệ binh này, nhưng Hội trường có một bầu không khí thô bạo, điên cuồng quyết liệt mà chỉ trong các cuộc phê phán đấu tố “phái cầm quyền đi con đường tư bản chủ nghĩa” mới xuất hiện. Đám người náo loạn. Run rẩy, sôi sục, giống như những con vật say máu trong vườn bách thú đang nhìn những vật hy sinh do con người ném vào, giống như biển lớn sắp nghiêng ngả trước khi cơn giông tố ập đến...

Nhưng Đào Chú không lùi bước, với vẻ mặt bình thản và bước đi ung dung, ông xuyên qua giữa đám “đội tạo phản” và “Hồng vệ binh” đang mồ hôi nhễ nhại mắt đỏ ngầu, không để ý đến những nắm đấm ánh mắt và những tiếng gào hét thù hằn.

Ông không bước lên bục, mà ngồi ngay dưới bục, nơi chỉ cách gang tấc đối mặt với đám Hông vệ binh, khắp nơi bốc lên mùi tanh chua bởi chườm ướp mồ hôi và nước tiểu ở trên toa tàu hoả, mỉm cười gật đầu.

Lập tức đám người rộ lên tiếng phản đối, hướng về Đào Chú hô các khẩu hiệu: “Lôi ra kẻ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa lớn nhất ở tỉnh Hồ Bắc, Vương Nhậm Trọng!”

“Đấu đổ đấu thối Vương Nhậm Trọng!”

“Đả đảo Vương Nhậm Trọng!”

“Đào Chú phải đứng về phía đường lối cách mạng của Mao Chủ tịch!”

“Đào Chú không cách mạng thì để cho ông ta diệt vong!”

“Đào Chú làm phái bảo hoàng thì quyết không có kết cục tốt”.

Với nét mặt không chút biểu cảm, Đào Chú ngồi như một khối đá bất động. Tổ cách mạng văn hóa Trung ương liên tiếp đưa những bản “tội trạng” của Đào Chú, từ việc kiên trì cử tổ công tác đến cái gọi là “thuật thay đầu”… 8 ngày sau, Mao Trạch Đông cân nhắc lợi hại, cuối cùng đã hạ quyết tâm. Trên tài liệu “Bão táp tháng Giêng” cướp quyền ở Thượng Hải đã phê mấy chữ: Cướp quyền là một việc tốt.

Trong Hội nghị thảo luận về “Bão táp tháng Giêng”, ông đã tỏ thái độ: Đào Chú là người do Đặng Tiểu Bình giới thiệu. Đào Chú một con người không thực thà, mà Đặng Tiểu Bình lại nói là có thể.

Tăng Chí (vợ Đào Chú) nghe thấy những lời của Mao Trạch Đông. Bà không tin là Mao Trạch Đông sẽ đánh giá Đào Chú như thế, nên đã viết cho Mao Trạch Đông một bức thư, hỏi rằng có phải đồng chí chỉnh lý tài liệu đã viết sai hay không? Đào Chú là “bất lão thực” (không thật thà) hay là “bất lão thành” (chưa từng trải).

Hai ngày sau, Mao Trạch Đông đã trả lời. Nhưng không viết một câu nào, chỉ gạch một nét ngang dưới ba chữ “bất lão thực”, trên nét ngang viết một dấu hỏi “?”.

Đào Chú nhìn rất lâu, rất lâu cái dấu hỏi ấy. Đôi môi ông mấp máy, nước mắt ông từng giọt từng giọt dâng đầy bờ mi, run rẩy, lấp lánh cuối cùng trào ra khóe mắt.

Ông đã khóc, khóc không thành tiếng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2010, 04:47:30 pm »


13. Ông già bị bọn nhãi ranh đánh

Từ sau khi Mao Trạch Đông tỏ thái độ, tên của Đào Chú liền được kết hợp một cách lịch sử với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Sau đó, khẩu hiệu “đả đảo Lưu, Đặng, Đào” đã trở thành mốt vang dội nhất. Lúc ấy ở Trung Quốc không ai không biết không ai không hiểu.

Vào buổi chiều một ngày tháng 8 năm 1967, đội nhiên có mười mấy người thuộc “phái tạo phản” ở Trung Nam Hải xông vào nhà, chẳng cần trình bày, bẻ quặp hai tay Đào Chú về phía sau, ấn đầu xuống rồi tiến hành phê phán đấu tố!

Mấy lần Đào Chú giãy giụa để ngẩng đầu lên, lập tức bị những cánh tay tàn bạo ấn xuống, mồ hôi từ hai thái dương, từ mũi, từ trán, từ hai má, từ mỗi lỗ chân lông trên người ông túa ra ướt đẫm, rồi nhỏ từng giọt xuống chân. Tiếng của ông vẫn rất cao rất cứng, cự tuyệt tất cả mọi sự chỉ trích, chửi rủa.

Một tên lính chuyển ngành mặc quân phục không quân, thấy Đào Chú, không nhận một tội nào, liền vung nắm đấm, nghiến răng nghiến lợi đánh từ phía sau. Đào Chú giãy mạnh để thoát ra bàn tay đang đè đầu ông, ông quay đầu lại quát: “Sao chúng mày lại dám đánh tao?”.

Tăng Vân người cảnh vệ cũ không nhịn được bước lên trước nói thẳng: “Phê phán thì phê phán, các anh không được đánh người!” “Người già, các anh có thể phê phán, nhưng không được đánh!”

“Phái tạo phản” hơi sững lại nhưng lại ấn đầu Đào Chú xuống. Tên lính chuyển ngành mặc quân phục không quân, giương hai mắt đỏ ngầu vừa giơ tay đấm uỳnh uỵch vào đầu vào trán mà chửi: “Đánh đồ chó mày thì đã sao? Đồ phản bội, đồ đặc vụ!”.

“Xì!” Đào Chú lại giãy ra một lần nữa nhổ bãi nước bọt lẫn máu vào người tên lính chuyển ngành: “Mày có tư cách gì để chửi tao? Khi tao làm cách mạng thì mày còn chưa đẻ!”

“Mẹ mày thằng đặc vụ!” Tên lính chuyển ngành lại đấm vào đuôi mắt Đào Chú. “Mẹ mày mới là đặc vụ!” Đào Chú nheo mắt bị đấm nổ đom đóm quát lên một tiếng long trời lở đất.

“Mẹ mày đồ quốc dân đảng!” Lại một quả đấm.

“Mẹ mày!” Tên lính không quân chuyển ngành thẹn quá hóa khùng, liên tục giơ tay đấm: “Xem mồm mày cứng hay nắm đấm của ông cứng...”

Đào Chú không giãy ra để phản kháng được, liên tục bị đấm, không nén nổi ông gầm lên: “Mẹ kiếp, nếu không tin chủ nghĩa cộng sản thì ông sẽ liều với mày? Chúng mày dám bỏ tay ra, ông sẽ liều với mày!”.

Trong những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc bị phê phán đấu tố, dám lấy cứng chọi cứng như Đào Chú, xả thân để phản kháng quả thực là rất hiếm. Tên lính không quân chuyển ngành đã khiếp sợ, đối mặt với một ông già cứng đầu đã gần 60 tuổi bị giữ chặt, mồm vẫn lèm bèm chửi, nhưng nắm tay lại không giơ lên được, lùi dần ra phía sau, cuối cùng hắn đã lủi mất.

Hắn ta vừa lỉnh thì bọn trong “phái tạo phản” khác hoang mang cũng không phê phán tiếp nữa, hô vài khẩu hiệu rồi tan tác như lũ chim muông vỡ tổ.

Tháng 3 năm 1968, việc canh giữ Đào Chú đã leo thang ba lần. Nhân viên “cảnh vệ” tăng lên hai tiểu đội trong phòng có ba chốt gác. Một chốt ở cửa ra vào, một chốt ở cửa sau, cái chốt thứ ba như hình với bóng theo sát bên cạnh Đào Chú, lúc đi thì theo sát gót, lúc viết thì ngồi sát sau lưng, lúc ngủ thì ngồi sát đầu giường, lúc ăn cơm ngồi sát bàn ăn, đến nỗi lúc đi ngoài cũng ngồi sát ngay trước mặt.

Giang Thanh hạ lệnh: 24 giờ không cho phép không có người bên cạnh.

Nhưng Đào Chú có Tăng Chí. Sự tồn tại của người vợ làm cho thế giới bên ngoài như một bức tường thành được mở ra một ô cửa sổ để cho một làn gió xuân ùa vào. Bà bầu bạn với ông không rời một phút, với sự ôn tồn dịu dàng ung dung vốn có của người đàn bà, đã chống lại những cái nhìn lạnh ngắt, an ủi trái tim của Đào Chú.

Cuộc vật lộn không ngừng từng giây từng phút giữa cái thiện và cái ác cứ như vậy kéo dài hai năm. Tăng Chí mài mực, Đào Chú cầm bút, dưới con mắt của những người giám thị, ông viết đầy một trang giấy:

“Tự sát, có nghĩa là có chuyện xấu xa hèn hạ, không muốn làm sáng tỏ vấn đề của mình. Tất nhiên cũng có khả năng như thế này, anh sẽ đi gặp Mác, vấn đề vẫn là không được làm rõ. Điều đó cũng chẳng sao, sự thật cuối cùng vẫn là sự thật, cuối cùng vẫn có thể làm rõ. Tôi tin vào bốn câu nói của tôi: “Cái tính” thẳng đã định, Còn moi cả tim gan, Máu Trường Hoằng hóa ngọc, Đau thương rồi sẽ tan”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2010, 04:49:58 pm »


14. Máu Trường Hoẵng hóa ngọc

Đào Chú đâu biết rằng khi ông đang viết bài bày tỏ chí hướng này thì Mác đã vẫy gọi ông. Tháng 8 năm 1968, tại Thiên An Môn đã có cuộc “mít tinh phê phán đấu tố Lưu, Đặng, Đào” có hàng triệu người tham gia. Để cùng phối hợp, tại và nơi ở Trung Nam Hải cùng tiến hành đấu Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú. Có 300 người đấu Đào Chú, Tăng Chí cũng bị lôi ra để đấu phối hợp, bà đã tận mắt thấy sự phản kháng quyết liệt của Đào Chú, Đào Chú bị đấm đá, trên đầu bị sưng tím ba chỗ to bằng quả trứng gà, mà vẫn gầm lên phản kháng, gắng gượng hơn ba tiếng đồng hồ.

Sau đó không lâu, Đào Chú thấy chóng mặt, mắt hoa, nôn ọe. Nhưng chẳng có ai chạy chữa, kéo dài đến nửa năm sau mới được khám, bệnh viện phát hiện ông bị ung thư. Chu Ân Lai phải đích thân can dự, mới được mổ và điều trị. Nhưng đã muộn rồi, 5 tháng sau khi mổ, đó là vào tháng 9 năm 1969, Đào Chú lại cảm thấy đau từng cơn ở vùng bụng, sốt nhẹ. Bác sĩ chẩn đoán là bệnh ung thư đang... lan ra cơ thể.

Điều mà ông nhận được không phải là sự tích cực chữa trị, mà là một mệnh lệnh: “Cấp tốc sơ tán”, “Ngày mai rời Bắc Kinh”...

Ngày 18 tháng 8 năm 1969, một chiếc chuyên cơ rít lên thảm thiết hạ xuống đường băng một sân bay.

Chẳng mấy chốc, một chiếc xe con màu đen chạy từ sân bay đến dừng lại trước một “bệnh phòng bí mật”. Cửa xe mở, một người mặt đeo khẩu trang, trên khoác chiếc áo dạ dài, tay chống một chiếc gậy, chậm rãi ra khỏi xe, ông đứng yên trong gió đêm lạnh buốt, rồi từ từ nhìn bốn chung quanh. Đến lúc này, những người giám sát mới phát hiện ra ông có đôi mắt rực sáng lấp lánh, đấy không phải là đôi mắt của bệnh nhân mà là đôi mắt tràn đầy nhuệ khí riêng có của người chiến sĩ khi xung phong vào đồn giặc.

Đào Chú được “chăm sóc riêng” rất đặc biệt, thành lập một tổ canh giữ, có một tổ trưởng và hai tổ phó, bệnh phòng mỗi ngày 24 giờ đều có người giám sát hoạt động của bệnh nhân. Điều trị chỉ là “Căn cứ vào bệnh tình và điều kiện ở đây để điều trị thuốc thang”, nhưng lại không ngại viết “nhật ký động thái” của bệnh nhân. Cho nên tất cả nhân viên giám sát đều phải “giữ bí mật suốt đời” tất cả mọi sự việc đã xảy ra ở đây. “Tên các anh đều được lưu trong kho lưu trữ Trung ương, ai tiết lộ người ấy phải chịu trách nhiệm hoàn toàn!” “Biện pháp giám sát có 10 điều...”, “là để bảo tồn tội chứng”, “Nhất thiết phải quản lý nghiêm ngặt đối với ông ta!”.

Thế là Đào Chú bắt đầu cuộc sống “được chăm sóc đặc biệt” trong hoàn cảnh khép kín đến ngạt thở. Ở đây không ánh sáng mặt trời, không mây không gió, không màu xanh, nhưng có một trái tim ngoan cường đang đập, có một sinh mạng không cam chịu chết.

Ông mang máng nhớ đến năm ngoái, tháng 8 năm 1968, ông bị đánh đau trong cuộc mít tinh phê phán đấu tố Lưu, Đặng, Đào. Ít lâu sau thì bắt đầu chóng mặt, mắt hoa, buồn nôn. Ông đã kể rõ tình hình, yêu cầu được kiểm tra và điều trị, nhưng mãi đến tháng 3 năm 1969, mới được phép đi bệnh viện khám. Ông phải làm một cuộc đại phẫu thuật. Người thân và bác sĩ đều nói là phải mổ cắt gan, ông cũng nói với tất cả mọi người là phải mổ cắt gan. Nhưng, khi ông đau đớn quằn quại trên giường mồ hôi vã ra như tắm, ông còn kêu lên: “Không ngờ bệnh ung thư lại đau như thế này!...” Ông biết mình đã là người gần kề cái chết, nhưng lại phải đơn độc “sơ tán” đến Hợp Phì (thủ phủ tỉnh An Huy - N.D). Ông nghĩ đến lời ông nói với vợ: “Tôi không thể chết, đặc biệt là vào lúc này, không nên chết!...”

Thế là Đào Chú phấn chấn lên, lau mồ hôi lạnh trên trán tiếp tục những bước đi khó khăn của ông. Bước được vài bước, ông liền cảm thấy không còn đủ sức, chống tay vào tường thở hổn hển. Ông nhìn thấy một chiến sĩ nhỏ canh giữ ông. Dưới chiếc mũ bộ đội, là một khuôn mặt búp bê đường nét rõ ràng, đang dùng ánh mắt cảnh giác và hiếu kỳ không hợp với tuổi tác chăm chú nhìn người bệnh “được bảo vệ đặc biệt” này.

Một tình cảm yêu thương bỗng cháy lên trong lòng, Đào Chú quên “thân phận” của mình, hỏi một cách thân thiết như khi đi thị sát bộ đội năm xlra: “Đồng chí nhỏ, năm nay bao nhiêu tuổi...”.

Chưa dứt lời, cái khuôn mặt ngây thơ non nớt ấy bỗng thoáng một nét căng thẳng phấn khích, tiếp đó là những tiếng quát mắng gay gắt bật ra: “Ai đồng chí với mi! Mi chống Đảng, chống Mao Chủ tịch, mi là phản cách mạng!...”

Trong tiếng gào, người chiến sĩ nhỏ ấy lùi về phía sau hai bước như sợ bị nhiễm ôn dịch vậy.

Đào Chú trừng trừng nhìn người chiến sĩ, sắc mặt bỗng trở nên xanh tái, tiếp đó là một cơn đau quặn trong tim, mặt ông co giật dữ dội mấy lần, khi cơn co giật qua đi, trên khóe miệng ông còn lưu lại một nét cười mỉm thê thảm.

Ông lặng lẽ bò về giường, nhẹ nhàng nằm xuống với ánh mắt thờ ơ luôn luôn chăm chú nhìn vào một điểm nào đó trên trần nhà. Ông ngâm nga lặp đi lặp lại cái gì đó, khi y tá đưa cơm đến, mới nghe rõ đó là một bài thơ. “Cái tính thẳng đã định; Còn moi cả tim gan; Máu Trường Hoằng hóa ngọc; Đau thương rồi sẽ tan”. Y tá đứng đợi rất lâu, nhưng ông không ăn cơm, chỉ khe khẽ ngâm bài thơ này, y tá đi rồi nửa tiếng sau quay lại, ông vẫn không ăn. Bữa ăn chiều cũng như vậy. Nhưng khi y tá chuẩn bị mang cơm đi thì mới nghe thấy tiếng lẩm bẩm yếu ớt: “Để, để đấy... tôi ăn”.

Đào Chú vừa bưng bát cơm lên thì bắt đầu buồn nôn. Nhưng ông vẫn ngoan cường gắp mì sợi đưa vào mồm. Vừa nhai được mấy cái thì lại nôn ọe, không những nôn hết miếng mì sợi vừa ăn mà còn nôn cả nước vàng trong dạ dày. Nôn ọe dừng, ông thở hổn hển, nhìn bát mì như đối mặt với một thử thách của tính đảng. Ông lại gắp mì sợi đưa vào miệng, vừa nhai được mấy cái thì lại một cơn nôn ọe khác ghê gớm hơn, nôn đến tối tăm mặt mũi, mồ hôi vã ra như tắm...

Hôm ấy, chỗ bị ung thư đau tới cực điểm, thân thể Đào Chú co rúm dữ dội như bị điện giật, mỗi một thớ thịt, mỗi một đường gân, mỗi dây thần kinh, mỗi một tế bào đều đang run rẩy, cả ngôi nhà đều có nhịp điệu gấp gáp, đấy là tiếng gào thét không thành tiếng của Đào Chú! Khuôn mặt ông cuồn cuộn như giông bão, đôi mắt ông loé sáng như những tia chớp, tia sáng dọi vào người, nhưng vừa lóe lên đã tắt và trở nên sâu thẳm mờ ảo, tối đen nặng nề; trong chốc lát, lại bừng lên ngọn lửa màu xanh thép; khuôn mặt thôi co rúm, giống như có một ý chí cực mạnh chặn đứng luồng gió. Đức tin thiêng liêng và phẩm giá cao thượng vốn đã thấm sâu vào linh hồn, giờ đây đã làm cho toàn thân ông đầy ắp và nở to. Trong phút chốc ông giơ một tay lên, vung mạnh ra như một cơn lốc, hình như ông muốn quét sạch tất cả sự bàng hoàng không yên, đập tan mọi nỗi đau khổ và buồn thương...

Một tiếng “bộp”, bàn tay Đào Chú đập mạnh vào tường, như tiếng sét nổ giữa đồng không. Người giám sát cũng kinh ngạc: trên tường vôi trắng, mồ hôi tay bết dính một mảng tường, để lại vết một bàn tay rõ rành rành.

Từ đó, Đào Chú lặng im. Rất im, rất im.

22 giờ 15 phút ngày 30 tháng 11 năm 1969, ngọn lửa sống của Đào Chú nguội tắt, nhưng đôi mắt ông vẫn mở to, trong vẫn lóe sáng một ngọn lửa. Một y tá nhìn thấy, trong lòng cảm thấy đau xót, bước lên dùng tay vuốt nhẹ để đôi mắt ấy khép lại.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM