Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 05:59:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo  (Đọc 146119 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #260 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2011, 10:06:30 pm »


PHỤ LỤC VII

Các tờ tấu tờ trình năm 1870


VII. 1. TẤU CỦA CƠ MẬT VIỆN1

(Ngày 29 tháng 1 năm Tự Đức 23, tức 28-2-1870)
 
Cơ Mật Viện thần tâu:

Ngày 16 tháng này Viện thần tuân phụng phê thị đã tư cho Nghệ An mật hỏi tâm tích của Hậu, Tộ.

Nay đốc thần tỉnh này là Hoàng Tá Viêm đã gởi về một bản mật phúc xin tiến trình hầu được rõ thấu.

Thần Nguyễn Tri Phương, thần Trần Tiễn Thành, thần Phạm Phú Thứ phụng thảo duyệt.

Châu phê: Mật tư ba viên tỉnh này sao không nhân lúc bình thường hỏi thử bọn Tộ, Điền đạo của chúng có chỗ nào hay mà cố theo, có học thức mà cũng mê là vì sao vậy? Và sao không lưu ý nhân lúc nhàn đàm hỏi xem để tìm hiểu lý do vì sao mà ở Nam kỳ.
_______________________________________
1. Bản Hán văn: Châu bản Triều Tự Đức, quyển 212 tờ 59a (Kho lưu trữ 2).
[/color]
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #261 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2011, 10:07:58 pm »


*

VII. 2. TỜ TRÌNH CỦA TỈNH THẦN NGHỆ AN1

(Ngày 26 tháng 3 năm Tự Đức 23, tức 26-4-1870)

Thần Hoàng Tá Viêm, thần Ngụy Khắc Đản, thần Trần Nhượng tâu:

Ngày mồng 4 tháng trước tiếp Cơ Mật Viện thần mật lục, phụng châu phê: Mật tư ba viên tỉnh này sao không nhân lúc bình thường hỏi thử bọn Tộ, Điền đạo của chúng có chỗ nào hay mà cố theo, có học thức mà cũng mê là vì sao vậy? Vì sao không lưu ý nhân lúc nhàn đàm hỏi xem để tìm hiểu vấn đề Nam kỳ như thế nào? Khâm thử.

Thiết chiếu việc tả đạo mê hoặc người bọn thần đã nhiều lần xét hỏi. Nhưng đạo đồ chỉ nói: ông cha theo, con cháu không dám trái. Còn đạo trưởng và những người biết chữ đọc sách như bọn Nguyễn Trường Tộ thì đều tự cho là đạo của họ chỉ có cái khác là tế tự không dùng rượu thịt, không dùng vật tế mới sạch sẽ. Giám mục linh mục không lấy vợ vì cho rằng có vợ con sẽ yêu vợ con không thể giúp đỡ đạo đồ đến dốc hết lòng làm việc thiện để đưa mọi người về với đạo. Lại bảo tất cả các giám mục đều từ xa đến mà sống chung cùng đạo dân, ân ý còn hơn cha con. Đạo của họ tự hồ có chỗ thiết thực. Còn như chuyện mê lầm như thế bọn thần thường tìm hiểu, lấy lý suy xét cũng không rõ được. Vả lại ở trong hạt của thần các thân sĩ có ý chống ghét tả đạo gần đây còn chưa nguôi. Bọn họ ở trong tả dân, không khí hãy còn nặng nề, còn xem nhau ngăn cách không muốn tỏ ra hòa hiệp, lại ngại không tốt. Cho nên ngày thường bọn họ ít đến, nếu có chuyện đến chẳng qua một khắc vài câu không liên quan gì đến tả đạo. Hỏi họ họ cũng không thể trả lời được.

Về tình hình biên cương cơ mật thì trừ Nguyễn Trường Tộ ra thần chưa dám đem hỏi ai. Chỉ có thần Ngụy Khắc Đản nghĩ rằng bọn họ cũng là người đồng hạt gặp thì thăm hỏi hoặc cũng có khi họ nói đại để rằng đạo trưởng phần nhiều là những người chân thật ăn nói có ý tứ, cũng tìm hiểu ít nhiều sự lý và cũng có vẻ biết trọng cái gốc. Duy có Nguyễn Điều là hơn cả, xét lời lẽ ý khí của y tuy so ra không bằng đạo trưởng Lê Văn Trung tỉnh hạt Quảng Nam. Đạo đồ của y nghe y cũng không bằng đạo dân Quảng Nam đối với đạo trường của họ (Ngày cựu ước chưa định xong, thần nhân thay quyền Niết ty Quảng Nam, nghe Nguyễn Văn Vân nói: Sao không tính xin hết số tráng đinh dân đạo ra tòng chinh hoặc thay binh lực của dân lương. Sức hỏi dân ấy thì đều nói là rất muốn. Và cùng với lời của Văn Trung thì tự hồ thật có phấn khích. Gần đây nghe đạo dân hạt ấy chưa có đạo trường Tây. Nhưng năm thứ 21 Giám mục tên Trí có đến một lần, một tuần nhật rồi về lại Bình Định là nơi nguyên ngụ. Hỏi việc này thì đại khái Nguyễn Điều cũng nghe như vậy, hơn nữa còn nói rằng đó là vì do Văn Trung cho rằng hạt này đạo dân ít lại nghèo nên từ khước đó). Nhưng y thì đối với sự tình người Tây y nghe được điều gì đều không giấu, hơn nữa y còn lấy làm ngại việc nhượng giao và lập tân ước. Còn như phải xử trí ra làm sao thì y chưa nghĩ đến. Sau khi tiếp được mật lục, bọn thần nhiều lần bàn để cho thần Ngụy Khắc Đản mượn việc khác mời đến, nhân đó mật hỏi.

Những điều Nguyễn Trường Tộ nói đều đã có mật văn bẩm lên Binh bộ thần rồi. Nguyễn Điều nói: Năm ngoái nghe Ngô Gia Hậu thuật lại chuyện Tây soái gởi di văn cho Bình Thuận, khẩn cấp truy nã những nghĩa dân trốn tránh ở đó. Phủ thần Thuận Khánh liền lấy cớ trước đây bọn đào phạm trốn ở Gia Định Tây soái có bao giờ truy nã giao cho Triều đình đâu, rồi phúc thư từ khước, Tây soái phải chịu, các quan Tây đều khen (Nói lại theo thư báo Gia Định) rằng chấp lý như vậy rất đúng tự nhiên. Nhân đó mà suy, tân ước nếu không thể thay đổi được thì phải tìm lý lẽ tự nhiên công cộng mà nói, hoặc có thể quy cho công luận sĩ dân không thỏa mãn. Các nước phương Tây, tất cả những việc gì quan trọng mà chưa có định lệ họ đều đưa ra Thứ dân hội nghị quyết định. Đem tục lệ của người Tây đối phó lại với người Tây cũng có thể có lý khuất phục họ được.

Gần đây Gia Hậu hỏi y rằng việc Tây soái xin cải ước, công nghị ra sao đã được biết chưa? Y nói việc trọng đại y không được biết mà y cũng chưa nghe, nhưng xem nhân tình bề ngoài thì tựa hồ chưa được. Gia Hậu hỏi lý do. Y nói ước đã định rồi người Tây tự bội ước ép lấy ba tỉnh Long Giang Hà rồi lại đòi cải ước nhượng giao, chỉ biết lợi mình không biết gì đến tín nghĩa. Như thế là ỷ thuyền bè kiên cố súng ống hùng mạnh mà thôi. Còn trông cậy gì được vào hòa ước. Mỗi lần y gặp các thân hào, mọi người đều nói rằng thỏa ước không thể trông cậy gì được mà cũng sửa đổi. Lòng người đã nghi, làm sao có thể giải thích. Giả sử có vài bọn bất sính không theo khuôn phép, mượn cớ đó xướng lên rằng người Tây tham lam vô độ, rồi mượn tiếng là phải bảo vệ xúi giục nổi lên, thì hòa ước chưa chắc đã hòa được bọn này, nhọc công vô ích. Lúc đó người Tây có thể giúp gì được chăng? Như giúp được mà thuyền Tây không thể đến, súng Tây không thể tới thì khác nào người Tây chẳng làm gì được. Thế thì không theo cái đòi hỏi của Tây soái mối lo còn nhẹ, nếu theo mối lo còn nặng hơn. Cho nên y còn nghi là chưa thể được. Gia Hậu im lặng một lát rồi nói: Tính chuyện giảng hòa với Tây là tự nhiên, nói theo công cộng sự lý tức là không chống cũng không hạ thấp. Hơn nữa y trộm nghe chuyện ép lấy Long Giang Hà, các quan Tây phần nhiều đều chỉ trích cái quấy của soái trước.

Như vậy thì khoản này chưa chắc đã do bên nước ấy sai khiến và chuyện đòi nhượng giao biết đâu không phải là do soái này ham lập công đưa ý kiến ra. Nếu đến dự hội nghị cần phải chọn lựa kỹ người thông ngôn. Nếu không chọn được người xứng đáng, không những không xong việc mà còn tiết lộ công chuyện nữa.

Nếu chọn được người cứ việc thong thả họp bàn, nói ý cho anh ta biết rồi cung cấp tiền bạc khiến anh ta ngầm qua lại giao thiệp với các quan Tây, trong số đó thấy người nào có thể nói được thì tặng biếu giao kết với họ nhân đó đem chuyện dân tình xôn xao bên ngoài nói vào trong hội nghị, các quan Tây nghe được ắt sẽ báo lại soái của họ hoặc tin về bên nước họ, như thế cũng có ích phần nào. Thần hỏi: Ai là người làm được việc này? Y nói: Ở hạt khác y chưa biết còn trong hạt của thần thì có Lê Văn Điều (Tức trước đây viết lầm là Nguyễn Điều) là người thông hiểu tiếng Tây (Nguyễn Điều chỉ biết tiếng Latinh mà thôi) và biết chút ít về tình hình của Tây. Thần hỏi: Tình trạng các đạo dân Bắc kỳ gần đây thế nào? Đáp: Không có tin tức gì lạ. Nhưng mạn bên phải của sông Nhị (là vùng phân chia cho người Pháp giảng đạo) đã có năm linh mục người Pháp nhiều lần đến đòi chia ở nhưng đạo dân các nơi không chịu (Nói rằng có đạo trưởng bản xứ của Bắc kỳ cũng đủ rồi), hiện họ đang tụ lại ở đằng chỗ của giám mục (Giám mục rước tên Đông đã qua đời, tên Phúc thay thế, đều là người Pháp). Mạn bên trái của sông (Thuộc vùng phân chia giảng đạo của Y Pha Nho) thì có giám mục tên Hi (người Y Pha Nho) biết chữ Hán, đạo hạnh rất được đạo dân tin tưởng, lương dân cũng không giận ghét. Từ khi Tây soái bội ước thường nghe các đạo đồ Bắc kỳ nói tên Hi mắng nhiếc Pháp chuyện này lắm. Vả lại nói: Nếu như chuyện đòi nhượng giao là chẳng đặng đừng, thì cũng nên châm chước để được sự tương trợ của người Pháp có thể được lợi ích lớn, lấy danh nghĩa bổ định một vài điều để mà trao đổi còn hơn. Nhưng không nghe nói những lợi ích đó là lợi ích gì.

Sau khi về, Nguyễn Điều có hai lần gởi mật thư cho thần. Thư trước nói có nghe sứ Y Pha Nho muốn đến yêu cầu bồi thường tiền và lập phế, nhưng đó cũng là do soái Pháp xúc sử.

Thư sau nói có một hôm Gia Hậu hỏi y rằng thần gọi đến hỏi việc gì vậy? Y nói sắp đến kỳ lễ của đạo (ngày 17 tháng này) nên sức cho y việc tụ họp đạo đồ giảng đạo hành lễ phải giữ pháp luật, đừng làm bất hòa với dân lương. Gia Hậu nói: Chỉ đem chuyện hòa ra trách dân đạo mà không trách dân lương thì làm sao hòa được? Cũng chẳng khác nào nước Tây cầu hòa mà ta chưa chịu thì cũng chưa được thôi. Y nói: Đó là hiểu dụ người đạo, còn hiểu dụ người lương thì nói với người lương. Còn như việc hòa nghị giữa hai nước hình như còn có chỗ khó khăn là vì người Tây tráo trở đa đoan, nước tôi cần phải cân nhắc lợi hại. Hòa ước cũ mới định xong nay lại đòi sửa đổi. Hòa ước cũ do ba nước họp định, từ trước đến nay không nghe người Y Pha Nho đề cập gì đến chuyện bồi ngân lập phố cả. Soái trước cũng đã từng bảo đình chuyện bồi ngân, nói nếu người Y Pha Nho có hỏi sẽ tự chịu bồi hoàn. Nay soái mới vừa đến đã vội lật lọng. Vả lại chuyện nghe người Y Pha Nho xin đem việc này ra Triều đình họp nghị thì không được biết, nhưng xem tình hình bên ngoài thì mọi người đều nghi rằng người Tây muốn gấp rút cho xong việc này vì sợ không dễ lấy cớ lương đạo hiềm khích bất hòa mà cũng vì người ta đã nghi ngờ người Tây và nghi ngờ cả đạo của họ nữa nhiều lắm rồi. Gia Hậu cười nói: Chưa bàn đến chuyện hòa ước thành hay không thành, hội định tại Nam kỳ hay tại nước Pháp, vấn đề là ta phải lấy được lòng Tây soái. Không được lòng thì dẫu có hòa cũng chưa chắc sẽ không sinh sự. Bởi vì Tây soái thống trị sáu tỉnh này, có quyền hành giải quyết mọi công việc. Lại nói: Tên Trường biết khá nhiều tình thế nước ta, nay làm đệ nhất thông ngôn cho giám đốc Tây, chỉ vẽ mọi việc thông dịch sự lý trong các giấy tờ qua lại đều do cả. Hôm qua Nguyễn Điều lại đến (Trước đã có hẹn sau khi giáo lễ xong thỏa thiếp mọi sự không có gì trở ngại thì sẽ đến báo). Trong lúc nói chuyện thần lại hỏi về tin tức Gia Định nhân đó đề cập việc cải ước. Y nói: Gần đây chưa nghe tin tức gì còn việc cải ước thì theo ý kiến của y, cứ nên đổ riệt cho là sĩ dân không thuận để thong thả xem họ thế nào. Bởi vì các đạo trưởng Tây chia nhau giảng đạo nhiều nơi, tuy họ không dự vào việc công của Tây nhưng thường có thư từ qua lại với Tây soái, trong đó làm sao khỏi đem sự thế dân tình ra hỏi nhau (Nay chính Gia Hậu vừa mới thư cho Tây soái nhưng bọn y không được xem). Cải ước chưa định xong thì có cựu ước chẳng ngại gì cả. Cứ từ từ để cho cái tình trạng không được thỏa thiếp ngày một truyền bá ra khắp cả Nam kỳ cũng như phương Tây như là điều không hợp đạo lý công bình thì họ sẽ nghĩ lại. Thần hỏi: Gia Hậu đề cập tên Trường là người thế nào vậy? Đáp: Tên Trường trước là linh mục. Từ khi thuyền Tây đến Gia Định thì phần nhiều kém đạo hạnh, lệch lạch ra ngoài phạm vi đạo trưởng, năng lui tới Tây soái tìm vui. Gia Hậu nhân y nói người Tây tráo trở nên lấy câu này mà gọi người đa đoan đó là tên Trường. Lại nói: Y vốn đã theo tả đạo làm đạo trưởng, chẳng hiểu biết gì mà nghị bàn lếu láo đến việc công thật là không phải. Huống nữa chuyện của giám mục nói riêng mà y lại truyền bá ra nếu lọt tai trinh thám, thầy y là giám mục hay được không những đem đạo hạnh ra quở trách mà còn không khỏi nghi kỵ nữa nên xin thần hãy giữ kín, nếu có nghe gì nữa sẽ tư báo sau.

Bọn thần xét những lời lẽ ý tứ mà Ngô Gia Hậu nhiều lần nói với Nguyễn Điều thì thấy những hành động của Tây soái phần nhiều xuất phát nơi tự chuyên tự quyền mà ra và việc tân ước không nên vội nghe theo, hãy lấy cớ ân tình chưa thỏa thiếp mà từ chối, điều đó có vẻ có lý. Vậy dám xin phụng phiến mật trần hầu thánh thượng quyết định.

Thần Hoàng Tá Viêm ký.
Thần Ngụy Khắc Đản ký.
Thần Trần Nhượng ký.

_______________________________________
1. Bản Hán văn: Châu bản Triều Tự Đức, quyển 212 tờ 274a-281b (Kho lưu trữ 2).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #262 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2011, 10:09:39 pm »

*

VII. 3. TẤU CỦA TRẦN TIỄN THÀNH1

(Ngày 9 tháng 11 năm Tự Đức 23, tức 2-12-1870)

Thần Trần Tiễn Thành tâu:

Ngày 6 tháng trước có tiếp được trát của tỉnh thần Nghệ An Ngụy Khắc Đản gởi qua Binh Bộ để chuyển giao Cơ Mật Viện một phong thư mật bẩm của Nguyễn Trường Tộ, trong đó đề do Lễ Bộ chuyển giao Cơ Mật Viện duyệt. Nội dung xin đề nghị lập lãnh sự đại sứ tại Kinh đô nước họ để rộng đường giao thiệp và liên kết với người Tây để giúp ta sau này đồng thời đề nghị phái người tâm huyết giả có việc vào Gia Định để tìm người Tây kết thân, thăm dò tình hình mà thừa cơ hội v.v...

Xét các khoản này năm trước y cũng đã trình bày nhưng chưa tiện thực hành, nay lại đề cập viện dẫn lý thế hiện tại và điển cố biện thuyết, chẳng qua chỉ là muốn tỏ ra có lòng vì mình mà thôi. Nhưng bác đi là vì thời sự khó thực hành. Đó là ý kiến đã được thương nghị cùng thần Nguyễn Tri Phương, thần Phạm Phú Thứ, tất cả đều đồng như vậy. Vậy dám tâu bày và đem nguyên bản tiến trình hầu thánh thượng thấu suốt.

Thần Trần Tiễn Thành phụng thảo duyệt.




*

VII. 4. TẤU CỦA TRẦN TIỄN THÀNH2

(Ngày 30 tháng 11 năm Tự Đức 23, tức 23-12-1870)

Thần Trần Tiễn Thành tâu:

Ngày 9 tháng này có tiếp một phong thư mật bẩm của Nguyễn Trường Tộ do Thự đốc thần Nghệ An Tôn Thất Triệt phát giao, trong đó đề là do Lễ Bộ chuyển giao Cơ Mật Viện thần khán duyệt.

Nội dung mật bẩm trần thỉnh hai kế, đại khái một là xin sớm sai người vào Gia Định thám thính, dùng kế với soái Pháp khiến trả lại sáu tỉnh cho ta mà kéo toàn quân về nước để bình nội loạn, công việc xong yên rồi qua ở buôn bán như kiểu người Anh đối với Trung Quốc vậy. Hai là phải gấp rút giao thiệp chặt chẽ với người Anh. Người Pháp có thấy ta tìm người Anh mới dễ hạ lòng thương chước với ta. Đồng thời sai người sớm qua Kinh đô nước Anh thám sát tùy nghi thi kế và dùng sức đánh thành, sự lý có thêm bớt đôi chút so với các khoản y đã trình bày năm trước về sáu điều lợi. Nhưng khoản trước thì mới rồi phụng phê thị các lẽ đã có nghĩ đến và Cơ Mật Viện Thương Bạc đã vâng rõ, đình thần duyệt sửa mật thư của Thương Bạc hỏi han và nhân đó đề cập đến khoản trả lại đất bồi hoàn tiền để mong muốn điều đình, nhưng soái ấy phúc thư dùng lời lẽ tránh né, hoàn toàn không mảy may đề cập đến khoản này. Rồi vâng chuẩn giao hỏi ý kiến các hoàng thân hoàng tử ở Tôn nhân phủ và đình thần. Tất cả phúc tâu đều cho rằng hiện nay việc miền Bắc như thế thì việc Tây chưa tiện hành động được, nói nữa sợ gợi sự nghi ngờ của họ. Còn khoản sau thì thật là khó phái người làm công việc này. Thần thiết nghĩ việc đời phải tùy thời mà làm. Thời chưa đến không thể nào cưỡng làm trước được. Còn thời đã đến có thể thừa cơ hội được thì càng không nên chậm trễ để lỡ mất cơ hội. Nước ta bảy tám năm trở lại đây, cương giới phía Nam vùi dập, thần dân không ai không đau giận. Nhưng phía ta không luận hữu sự hay vô sự, đều chưa tiện dùng biện pháp cứng rắn, cho nên từ trước đến nay ẩn nhẫn mà dùng biện pháp mềm dẻo, lấy hòa hiếu để chờ cơ hội. Cho dẫu chưa thi hành được ý chí nhưng không đến nỗi vì thế mà gây sự thêm ra, và ý chí ấy vẫn ôm ấp trong lòng không một ngày dám quên. Nay nghe vua nước họ bị Phổ bắt, nhân dân trong nước chia rẽ làm loạn. Đây có vẻ đã đến lúc có thể thừa cơ hội được. Nếu không nhân lúc này mà hành động sợ không khỏi hối tiếc đã đánh mất thời cơ. Có điều hiện người Pháp vừa mới nghi ngờ phòng bị, nếu phái quan ta đi thăm dò sẽ khiến chúng nghi, mà quan ta đều không thông ngôn ngữ, không quen biết nếu có phái đi tưởng cũng tốn kém vô ích mà thôi. Nhưng xét ra các khoản Nguyễn Trường Tộ đề nghị phái người đi thám thính tình hình, tùy nghi thi hành kế hoạch, nếu lấy lý mà bác, tuy chưa chắc đã đúng cả nhưng cũng không phải hoàn toàn sai, trong đó không phải không có một vài điều có thể áp dụng được. Hơn nữa muốn giải quyết việc đi ắt phải hiểu rõ tình hình đi như thế nào. Vì vậy nên ngay thời Minh Mạng là lúc quốc gia cường thịnh mà còn không kể tốn kém phái người đi thám sát rộng các nơi (Như việc nguyên Lại bộ thần là cố Tôn Thất Thường qua Đại Tây) để hiểu thấu tình hình những nơi xa. Huống chi nay ta đã cùng họ giao thiệp thì chuyện sai đi sứ qua lại hỏi han sai người làm gián điệp đâu có thể nào thiếu được?

Nguyễn Trường Tộ từ bé đến lớn ở với Tây có một kiến thức khá tự phụ, nhiều lần trần tình thuật tung hoành, thế liên hiệp và những phương sách giúp ta chống lại chúng có đến hơn mấy ngàn lời. Dĩ nhiên trong đó có ẩn giấu điều gì không, không thể nào biết được, nhưng xem rõ lời lẽ khẩu khí thì thấy có lúc khẳng khái và có lúc muốn đích thân xin ra làm việc, tựa hồ muốn biểu lộ tấm lòng ngoái lại cái gốc của mình để báo chút lòng trung trong muôn một. Như vậy tưởng cũng không nên vì con người mà bỏ lời nói của người ấy đi. Xưa Tần dùng Do Dư, Hán dùng Nhật Thiền đâu phải vì Tần, Hán không có người, nhưng vì họ là người am hiểu sự tình bên kia vậy. Huống chi y tuy theo tả đạo nhưng cũng là tôi con của Triều đình. Giả sử nói y là thuộc dân tả đạo tâm tính khả nghi, vậy nếu y quả có tha tâm ngầm thông tin tức thì trong khi y theo các đạo trưởng qua lại phương Tây y không làm được sao, cần gì phải đợi ủy giao công việc mới làm được? Thần lại thường được nghe tục lệ phương Tây trọng đạo giáo và mọi việc đều dựa vào Công hầu, Thứ dân hai viện. Đạo trưởng tuy không quan hệ việc nước, nhưng lời nói việc làm của họ được nhân dân trong nước tin tưởng. Như vậy tưởng cũng có thể tùy cơ ngấm ngầm mưu đồ được. Nay khâm chuẩn cho Nguyễn Hoằng qua Pháp trước gởi gắm người học tập, nhân đó sai tên này đi theo vào Gia Định trần thuyết lợi hại cùng các đạo trưởng Tây, nhờ họ nói với soái Pháp, rồi qua Pháp và qua lại các nước Anh, Nga, Áo, Phổ thăm dò tình hình, rồi lại đến hai Viện Công hầu, Thứ Dân ngầm nói thông đồng với họ, có sự thế gì, cơ hội như thế nào cần nắm cho chân xác lần lượt gởi về để tiện khi ta thương chước cùng họ không phải là vô ích, mà những người này qua lại học đạo đối với ta không có chứng tích gì thì đâu có hại. Đó là thần thấy nước Pháp có cơ hội này thật là khó được, mà dễ mất, tuy phái y đi có thành công được việc gì hay không còn chưa biết được, nhưng bỏ qua thì thật không yên lòng, cho nên không dám vì sự ngu dốt thiển cận của mình mà làm thinh không nói. Vậy dám có lời phúc tâu hầu thánh thượng tài định.

Thần Trần Tiễn Thành phụng thảo duyệt.

Châu phê: Đất nước có trông cậy việc gì là trông cậy có bề tôi có thể hiệp tâm đồng mưu để giúp việc lớn. Các khanh không nghĩ, không nói thì lấy ai nghĩ nói cho? Chỉ vì lòng trẫm và lòng của khanh cũng đều vì việc công. Việc quan trọng không mưu tính với số đông thì không thể làm được, nhưng không kín đáo lại hại cho sự thành công, chưa thể dự tính nhiều được. Truyền cho Cơ Mật Viện, Thương Bạc với khanh cùng nhau bàn luận kỹ nên phải làm như thế nào cho chu đáo, phúc tâu đầy đủ, đừng để mất thời cơ. Nếu có đường lối nào hay hơn càng tốt.




VII. 5. TẤU CỦA CƠ MẬT VIỆN3

(Ngày 5 tháng 12 năm Tự Đức 23, tức 28-12-1870)

Cơ Mật Viện Thương Bạc thần phúc,

Ngày 30 tháng trước vâng được trao một tờ phiếu của Trần Tiễn Thành trong đó nói Nguyễn Trường Tộ mật trần hai kế. Một là mau sai người đến Gia Định thám thính dùng kế với soái Pháp khiến y trả lại sáu tỉnh cho ta rồi rút toàn quân về nước Pháp để bình nội nạn, công việc xong trở sang ở buôn bán. Hai là gấp rút giao thiệp chặt chẽ với người Anh. Pháp thấy ta tìm người Anh thì mới dễ xuống lòng thương chước cùng ta. Đồng thời phái người sớm qua Kinh đô nước Anh thám sát, tùy nghi lập kế cho đến chuyện dùng sức đánh thành v.v... Thần Trần Tiễn Thành xin khâm chuẩn cho Nguyễn Hoằng qua nước Pháp trước để gởi gắm người học tập, nhân đó sai Trường Tộ theo vào Gia Định trình bày các lẽ lợi hại với các đạo trưởng Tây nhờ họ nói cho soái Pháp biết, rồi qua nước Pháp và qua lại các nước Anh, Nga, Áo, Phổ thám thính tình hình, rồi đến hai Viện Công Hầu, Thứ Dân ngầm thông đồng với họ, có sự thế gì, cơ hội thế nào nắm cho chính xác lần lượt gởi về để tiện khi cùng họ thương thuyết v.v... Khâm phụng châu phê: “Đất nước có trông cậy việc gì là trông cậy bề tôi có thể hiệp tâm đồng mưu để giúp cho việc lớn. Các khanh không nghĩ không nói thì lấy ai nghĩ nói cho? Chỉ vì lòng trẫm với lòng của khanh cùng đều vì việc công. Việc quan trọng không mưu tính với số đông thì không thể làm được nhưng không kín đáo lại có hại đến sự thành công, chưa thể dự tính nhiều được. Truyền cho Cơ Mật Viện, Thương Bạc cùng khanh cùng nhau bàn luận kỹ xem nên làm như thế nào cho được chu đáo, phúc tâu đầy đủ, chớ để mất thời cơ. Nếu có đường lối nào khác hay hơn càng tốt. Khâm thử.” Bọn thần tuân phụng xét duyệt các khoản mật trần của Nguyễn Trường Tộ thấy y cũng có lòng với ta mà chính nay là lúc có thể thừa cơ hội được. Ý kiến của bọn thần cũng đồng với các lý lẽ mà thần Trần Tiễn Thành đã tâu xin. Nhưng xét vì đây là việc quân quốc trọng sự cần phải bàn thảo kín đáo kỹ lưỡng mới bảo đảm không nguy hiểm trở ngại sau này. Nay bọn thần chưa giáp mặt y bàn tính mà đã vội xin giao cho y qua các nước thám sát những việc cần phải làm, lỡ ra có chỗ nào chưa được chu đáo sợ sẽ sinh trở ngại. Vậy xin do bộ Lễ lấy lý do phái người đem học sinh qua Tây học tập khẩn tư cho tỉnh thần Nghệ An lập tức cấp trạm dịch sức y lên Kinh ngay để bọn thần ở Cơ Mật Viện vô Thương Bạc đối diện hỏi bọn y xem suy tính cơ nghi như thế nào cho được chu thỏa. Bọn thần sẽ suy nghĩ chín chắn đôi ba lần và phúc tâu đầy đủ. Vậy dám xin có lời tâu bày đợi chỉ tuân hành.

Thần Nguyễn Tri Phương, thần Trần Tiễn Thành, thần Phạm Phú Thứ, thần Lê Tuấn phụng thảo duyệt.
_______________________________________
1. Bản Hán văn: Châu bản Triều Tự Đức, quyển 229 tờ 252a, b (Kho lưu trữ 2).
2, 3. Bản Hán văn: Châu bản Triều Tự Đức, quyển 233 (Kho lưu trữ 2).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #263 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2011, 10:12:12 pm »


PHỤ LỤC VIII

Tấu của Cơ Mật Viện1

(Ngày 10 tháng 8 năm Tự Đức 24, tức 24-9-1871)

Bọn thần Cơ Mật Viện tâu:

Ngày mùng 6 tháng này có tiếp được một bản mật bẩm của Nguyễn Trường Tộ do Ty Thông Chính đệ giao. Trong đó nói rằng cuối tháng 5 nước Pháp có tin truyền qua nói nước ấy hãy còn chia làm hai đảng. Lại nghe Nga La Tư đang cùng Phổ Lỗ Sĩ mật nghị chưa biết sẽ thi thố ra sao. Y còn đoán xa sự thế phương Tây và thời cơ nước ta mật bẩm đầy đủ.

Bọn thần đã sức thuộc viên chép lại rõ ràng, kính xin tiến trình.

Châu phê:

Cũng như trước. Khanh liệu lấy

_______________________________________
1. Bản Hán văn Hv 189/4 tờ 80.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #264 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2011, 10:13:30 pm »


PHỤ LỤC IX

Tôi đã mang tội để mất những tư liệu quý
về Nguyễn Trường Tộ như thế nào?

Đào Duy Anh

Tôi đã có ý định nghiên cứu đề tài Nguyễn Trường Tộ những năm loài người đang sửa soạn bước vào cuộc đại chiến thế giới thứ hai bao khủng khiếp. Bấy giờ tôi đã soạn xong và cho xuất bản bộ Pháp Việt tự điển nên có thể chuyên tâm về các đề tài lịch sử. Thường mỗi năm đến những tháng nghỉ hè tôi hay rủ những bạn thân mà tôi có ở mối tỉnh khắp ba kỳ, nhất là Trung kỳ, làm người giúp đỡ và hướng dẫn trong công cuộc sưu tầm tài liệu trong mỗi địa phương. Mùa hè năm 1938, tôi đã để cả ba tháng hè (Ngày thường tôi phải dạy học ở trường tư: Trường Thuận Hóa và trường Phú Xuân), để đi sưu tầm tài liệu ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, ở đây tôi có được sự giúp đỡ và hướng dẫn của anh Hoàng Đức Thi là đồng chí cũ của tôi trong đảng Tân Việt bấy giờ cũng đương dạy học tư để kiếm sống tại trường Lễ Văn. Chúng tôi đã đi đến những địa điểm có ý nghĩa quan hệ với các đề tài nghiên cứu khá tham lam của tôi: Làng Tiên Điền và làng Uy Viễn thuộc huyện Nghi Xuân để tìm tài liệu về Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ, một làng gần đó mà hiện tôi quên tên để tìm tài liệu về Ngụy Khắc Đản, làng Quỳnh Lôi huyện Quỳnh Lưu để tìm tài liệu về họ Nguyễn Huy (Nguyễn Huy Oanh, Nguyễn Huy Tự), miền Xã Đoài để tìm tài liệu về Nguyễn Trường Tộ. Chúng tôi đã đến tận nhà ông Nguyễn Trường Cửu tại làng Bùi Chu ở gần giáo khu Xã Đoài. Do lòng tin cậy đối với tôi bấy giờ đã nổi tiếng trong dân gian khắp Trung kỳ là một nhà nghiên cứu nghiêm túc, ông Nguyễn Trường Cửu là cháu đích hệ của Nguyễn Trường Tộ đã cho phép tôi trèo lên gian gác nhỏ ngày trước đã từng làm chỗ nghỉ ngơi và làm việc của ông tổ mình, tha hồ tùy ý lục soạn các giấy tờ cũ một phần đã bị chuột gặm, gián nhấm. Tôi soạn được cả tập bản nháp các bài điều trần nổi tiếng của Nguyễn Trường Tộ với bút tích chân xác của Người cùng với cả quyển sổ tay của Người dùng để ghi chép trong thời gian đi theo Giám mục Hậu (Mgr Gauthier) sang Paris. Tôi đã được ông Nguyễn Trường Cửu cho xem tất cả giấy tờ ấy và được phép giữ luôn và chỉ cần trả lại cho ông để giữ làm kỷ niệm trong gia đình một tập sao chép mới của bản nháp điều trần, còn các bản mang tự tích của Người thì tôi được giữ làm tài liệu của mình. Về Vinh tôi đã thuê tạo lập một tập sao chép cẩn thận và nhờ anh Hoàng Đức Thi trở lại trao cho ông Nguyễn Trường Cửu. Những bản nháp và quyển sổ tay của Nguyễn Trường Tộ tôi được đem về nhà ở Huế, sau đó khoảng năm 1946 tôi đã từng cho viên Giám đốc Sở Lưu trữ Văn thư ở Huế lúc đó là Ngô Đình Nhu mượn để dùng trong một cuộc triển lãm văn thư cổ do viện ấy tổ chức sau Cách mạng tháng Tám tại Thư viện Bảo Đại, những tài liệu do tôi cho mượn đó đã được trả lại đầy đủ sau triển lãm. Sau đó ít lâu, Ngô Đình Nhu đã được chính phủ cách mạng ta triệu ra Hà Nội giao cho phụ trách Nha Thư viện và Lưu trữ Văn thư Trung ương. Tại Huế, Ủy viên kinh tế của Ủy ban hành chánh Trung bộ (bấy giờ là ông Đoàn Trọng Truyến) cần chỗ để đặt văn phòng cho mình bèn sai chở tất cả sách vở tài liệu của Sở Lưu trữ Văn thư trước đó sang xếp bỏ bừa bãi (vì không chuẩn bị được trường sở thích đáng) tại các phòng phụ thuộc của Thư viện Bảo Đại. Do sự kiện này tôi lại có cơ hội ngẫu nhiên thu thập được một tập tài liệu vô cùng quý giá về Nguyễn Trường Tộ. Tôi phải nhắc lại chuyện trước đó một thời gian:

Trong khoảng 1923-1926 tôi làm giáo học dạy học ở Đồng Hới. Nhân trong số học trò của tôi có anh Trần Trọng Diên là con ông Trần Mạnh Đàn quê ở làng Thuận Bài phủ Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, đó là cơ hội khiến tôi được làm quen với ông Trần Mạnh Đàn bấy giờ đang làm một chức quan nhỏ tại Triều đình Huế, thỉnh thoảng về thăm quê ông có ghé lại Đồng Hới để gặp tôi và hỏi về tình hình học tập của cậu con. Ông Trần vốn là một người Nho học nhưng lại có nhiều thích thú đối với môn toán học Tây phương mà ông tự học qua các sách dịch của Trung Quốc. Ông được sự hướng dẫn thêm của người con trai cả làm cán sự công chính, nên đã nắm được khá vững những kiến thức về môn đại số học, ứng dụng những kiến thức mới ấy để nghiên cứu lịch pháp của ta, ông đã viết một bài nghiên cứu bằng chữ Hán để giải thích những sai biệt giữa phép tính năm nhuận tháng nhuận của dương lịch và âm lịch (đầu đề ông dùng là Tuế sai), tôi được đọc bài ấy trong phần chữ Hán của Tạp chí Nam Phong, do đó đã nảy sinh mối tình giao hữu vong niên giữa ông và tôi. Sau khi tôi đã từ chức giáo học để bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi ở Huế thì ông Trần Mạnh Đàn đã được chuyển về làm việc ở Thư Viện Bảo Đại bấy giờ do Phạm Quỳnh kiêm quản. Thuở ấy, thỉnh thoảng tôi vẫn vào Thư viện Bảo Đại để tra khảo các sách xưa đã được chuyển cả từ Tụ Khê thư viện của Nội các đời Minh Mệnh ra đây. Sau khi đã chú ý đến một bản sao chép gồm bốn tập những bài điều trần của Nguyễn Trường Tộ tôi đã được ông Trần Mạnh Đàn cho biết rằng ông đã dịch xong cả bốn tập điều trần của Nguyễn Trường Tộ ấy và cho đánh máy các bản dịch mà đóng làm một cuốn riêng. Tôi được biết rằng sau đó ông Nguyễn Lân đã dùng những bản dịch của ông Trần Mạnh Đàn để viết một quyển sách nhỏ về Nguyễn Trường Tộ đã được xuất bản và ông Đào Đăng Vỹ cũng đã dựa vào những bản dịch của ông Trần Mạnh Đàn để viết một loạt bài bằng chữ Pháp để đăng dần trong bộ La Patrie Annamite thời bấy giờ. Phần tôi, vì đã có ý định biên soạn một tác phẩm quan trọng về đề tài Nguyễn Trường Tộ, nên đã nhờ một ông đồ Nho hàng ngày vào làm việc ở Thư viện Bảo Đại để sao chép cả bốn tập điều trần Nguyễn Trường Tộ mà ông Trần Mạnh Đàn đã phiên dịch đó để đem đối chiếu với những bản nháp của Nguyễn Trường Tộ mà tôi đã xin được của ông Nguyễn Trường Cửu tại làng Bùi Chu như kể trên kia. Sau đấy, tôi còn nhờ ông đồ Nho nọ sao chép thêm vài ba bản nữa các bài điều trần, một bản cho người bạn đồng chí cũ hiện là bạn đồng nghiệp của tôi tại trường Thuận Hóa là ông Tôn Quang Phiệt, các bản khác cho mấy người bạn nghiên cứu sử học ở tại Sài Gòn là ông Lê Thọ Xuân và nhóm Phan Thanh Giản. Do lệnh di chuyển tài liệu của ông Đoàn Trọng Truyến như trên đã nhắc, những người phụ trách Thư viện Bảo Đại để cho kẻ gian ăn cắp lung tung nhất là những tập sách chữ Hán viết hoặc in trên giấy bản và giấy quyến, đem ra bày bán ở chợ Đông Ba cho người ta mua về làm giấy cuốn thuốc lá bấy giờ rất hiếm (Có người bà con của vợ tôi đem bán một Bội văn Vận phủ bằng giấy quyến cho người ta làm giấy hút thuốc mà được số tiền xấp năm lần số tiền tôi đã mua cả bộ sách ấy và bản sách dẫn do Thương vụ ấn thư quán tại Thượng Hải ấn hành). Một hôm lên làng Nguyệt Biều thăm bạn tôi là bác sĩ Thân Trọng Phước tôi gặp bác ruột anh Phước là ông Thân Trọng Bính đem khoe với tôi một tập sách chữ Hán mà ông nói đã mua được ở chợ Đông Ba trong khi tìm mua giấy thuốc lá, ông biết là sách quý định giữ để khoe với tôi (ông vốn biết tôi là người ham sách cũ). Tôi thấy đó chính là tập nguyên bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ có mang chính chữ phê bằng son của vua Tự Đức. Tôi đoán đó là bản “ngự lãm” mới được Phạm Quỳnh cho chuyển từ Nội các ra Thư viện Bảo Đại và mới bị đánh cắp trong những trường hợp tôi đã nhắc trên kia. Tôi mừng quá và lấy bản sao chép điều trần tôi đã thuê chép cho riêng mình đổi cho ông Thân Trọng Bính giữ đọc chơi để cho tôi giữ bản “ngự lãm” làm của quý. Không ngờ lọt vào tay tôi, của quý ấy lại đã gặp cái nghiệp chướng tiêu hủy biết bao nhiêu tài liệu quý khác của tôi trong cái tai họa chung cho cả đất nước bắt đầu từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào tháng 12 năm 1946. Thế là những tài liệu quý có tính chất nguyên bản mà tôi tưởng có hạnh phúc kỳ diệu nắm được đã vì chính nghiệp chướng của tôi mà biến vào hư không. Vì có tham vọng quá lớn về đề tài Nguyễn Trường Tộ, tôi đã định đọc cả phần Đại Nam Thực Lục chính biên về triều Tự Đức để gắng đặt sự nghiệp của Nguyễn Trường Tộ vào bối cảnh lịch sử đương thời. Ngoài ra tôi còn nhờ một người bạn người Pháp là một kỹ sư điện học sau khi nước Pháp bị quân Quốc Xã Đức chiếm đóng được triệu về nước để bí mật hoạt động kháng chiến, người Pháp ấy đã sẵn sàng nhờ người quen của mình tại trụ sở Rue du Bac của Hội ở nước ngoài truyền giáo của Giáo Hội Thiên Chúa Pháp ghi chép bằng bản đánh máy cho tôi tất cả những bài báo cáo và những bài nhật báo và tạp chí có liên quan đến hoạt động của Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ trong năm 1867. Tập tư liệu ấy hiện nay tôi cũng không còn giữ được, song những bản duplicata chắc tại Thư viện của Hội Truyền giáo ở nước ngoài hãy còn, nếu có cách liên lạc được với họ sẽ có thể tìm lại được ngay.

Sau khi tôi được triệu ra Hà Nội để tham gia Ban Vận động triệu tập Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất cử hành vội vàng trước ngày toàn quốc kháng chiến, tôi đã quyết định di chuyển cả gia đình (vợ con) cùng với phần lớn tủ sách của tôi xếp vào hai chục thùng lớn nặng hơn một tấn, thuê cả một toa xe lửa chở hàng để chở ra Hà Nội cùng với nhiều dụng cụ gia đình.

Đến khi có lệnh toàn quốc kháng chiến, tôi vội vàng đem vợ con sơ tán vào sở đồn điền Lộc Yên của người quen tại miền Thượng du tỉnh Hà Tĩnh rồi một mình trở lại ngay Hà Nội để lo cứu tủ sách ra vùng an toàn. Tôi nhờ được vài người bạn thân còn ở lại Hà Nội để tham gia kháng chiến tại nội thành giúp tôi thu xếp sách vở và tài liệu vào trong các thùng đựng cũ, rồi một mình tôi thuê xe chở cả hai chục thùng dán nhãn hiệu Tài liệu của Đại hội Văn hóa toàn quốc (Mong làm thế thì được Sở xe lửa cho vận chuyển ưu tiên) đến nhà ga xe lửa Hàng Cỏ để gởi vào Vinh, rồi tôi cũng lên xe lửa vào Vinh nằm chờ. Chờ mãi chẳng thấy tin tức gì, tôi nhờ đánh điện tín hỏi khắp nơi cần thiết, cuối cùng được tin chắc chắn rằng các thùng sách của tôi đã được chở trên chuyến xe lửa cuối cùng rời ga Hà Nội vào Vinh, nhưng lại được biết rằng chuyến xe lửa ấy đi đến khoảng ga Cần Giuộc đã bị chận lại và xô đổ để làm chướng ngại vật không cho giặc Pháp có thể dùng đường xe lửa mà đánh vào vùng Thanh Nghệ. Khi đã biết chắc tin ấy, tôi liền nhân đường xe lửa chưa bị bóc hết một mình trở về Huế để mong cứu vớt số sách tôi còn để lại Huế tại nhà tôi ở đường Hương Mỹ bấy giờ đã lọt vào vòng bị quân giặc bao vây. Tôi đi xe lửa vào đến ga An Hòa rồi tìm cách liên lạc với Bộ Tư Lệnh của quân đội kháng chiến của ta còn đóng tại nội thành Huế, được phép nhờ các đồng chí du kích của khu quanh nhà tôi giúp đỡ cho trở về nhà và thu thập mọi sách vở và tài liệu còn lại nhưng bị quân giặc và bọn lưu manh lục ném bừa bãi, thuê thuyền chở cả về Minh Hương là làng quê của vợ tôi. Nhưng lúc ấy đường xe lửa đã bị bóc thêm từ Huế đến ga Tiên An và Sa Lung ở bờ Bắc sông Bến Hải. Sau khi bỏ tất cả vào bao bố lớn, tôi đã thuê chở tất cả về làng Đại Lược huyện Phong Điền để tạm trú tại nhà ông Trần Đình Cáo (cháu ông Hồ Tá Bang) là người mấy năm về trước đã giúp cho tôi phụ tiếp cả mấy thùng sách “tân thư” của ông Trần Lệ Chất là một sáng lập viên của công ty Liên Thành và của trường Dục Thanh ở thị xã Phan Thiết. Sau khi soạn xếp và bỏ lại những sách, đại khái là sách văn học bằng tiếng Pháp và tiếng Việt không cần thiết lắm cho việc nghiên cứu sử học của tôi, tôi lại thuê đò để “đuổi theo” xe lửa đến ga Tiên An, bốc được toàn bộ các bao sách lên xe lửa để chở về đồn điền Lộc Yên là nơi tạm trú của gia đình tôi. Ít lâu tôi quyết định cùng với gia đình trở ra Thanh Hóa là vùng tự do để tham gia hoạt động của Đoàn Văn Nghệ kháng chiến tập hợp toàn bộ các văn nghệ sĩ kháng chiến chưa có điều kiện rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, hãy tạm hoạt động ở Thanh Hóa bên cạnh Ủy ban Hành chánh kháng chiến và quân khu của liên khu IV. Lại một lần nữa phải vất vả chở bao nhiêu thùng sách còn lại lên miền Di Linh Lạc Lâm trong ấy có những thẻ ghi chép của sách Đại Nam Thực Lục chính biên và những thẻ ghi chép của một số sách của người Pháp liên quan đến thời gian mà Nguyễn Trường Tộ sau khi từ Pháp trở về Sài Gòn vào mùa xuân năm 1861, nhận giúp việc cho chính quyền Pháp theo tư cách là ký lục với dụng ý, như ông đã khẳng định, tìm cách giúp ngầm Triều đình trong việc thương lượng hòa bình với chính quyền Pháp thời bấy giờ. Khoảng năm 1949, tôi được điều động ra chiến khu Việt Bắc để làm Trưởng ban Sử Địa của Vụ Văn học nghệ thuật tạm thời đặt dưới sự quản cố của Bộ quốc gia Giáo dục. Để xây dựng tủ sách cần thiết cho sự nghiên cứu của mình, tôi đã được sự ủy nhiệm của cơ quan để trở về liên khu IV qua đường rừng, vào Thanh Hóa lựa chọn những thứ cần thiết trong số sách riêng của tôi gởi cất tại mấy nhà quen thân ở Di Linh và Lạc Lâm và vào Nghệ An để đến làng Thịnh Mỹ phủ Diễn Châu lựa chọn mượn những sách cần thiết trong tủ sách nổi tiếng của cụ Cao Xuân Dục mà người chủ quản bấy giờ là bà quả phụ Cao Xuân Tảo mà tôi từng quen biết nhiều từ ngày tôi còn ở Huế hay đến mượn sách tại tủ sách của cụ Thân thần Tôn Thất Hân mà bà Tảo là con gái. Khi trở ra Thanh Hóa để chuẩn bị thuê người gánh sách ra Việt Bắc, tôi đến thăm bà Tôn Quang Phiệt bấy giờ tản cư tại làng Yên Lộ huyện Thiệu Hóa sau khi ông Tôn Quang Phiệt đã ra nhận công tác trong Quốc hội tại chiến khu nhận thấy bốn tập điều trần của Nguyễn Trường Tộ mà trước kia tôi đã thuê sao chép giùm cho ông Phiệt bấy giờ vẫn để ở nhà, tôi đã xin bà Phiệt cho tôi mượn đem ra Việt Bắc phòng có khi cần dùng đến. Thế rồi trong khi bị ốm thập tử nhất sinh ở Tuyên Quang trong năm, tôi đã đem cả tủ sách xây dựng cho Ban Sử Địa do tôi phụ trách biếu Ban Tuyên Huấn Trung ương, đến khi Ban Sử Địa được thành lập ở chiến khu Việt Bắc thì toàn bộ tủ sách của tôi biếu được chuyển làm tủ sách đầu tiên của Ban ấy, rồi sau khi kháng chiến thành công chúng ta trở về Hà Nội, Ban Sử Địa được chuyển làm Viện Sử học thì trong tủ sách của Viện Sử học, bốn tập điều trần Nguyễn Trường Tộ hiện còn ở đấy có lẽ là những bản duy nhất còn sót lại trên đời mà đó chính là bản trước kia tôi đã thuê sao chép giùm cho ông bạn Tôn Quang Phiệt và do chính tôi đã cứu vớt được khi đem nó ra Việt Bắc.

Đến như những văn thư của gia tộc nhà vợ tôi như gia phả, thi văn của Trần Tiễn Thành và của người con trai thứ ba là nhạc phụ của tôi, tôi đã dùng làm tư liệu để viết về quan hệ giữa Trần Tiễn Thành và Nguyễn Trường Tộ thì sau khi viết xong bài tiểu sử Trần Tiễn Thành đăng trong tập San Thân Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế) năm 31 số 2 tháng 4 và 6 năm 1944 tôi đã trả lại cả cho cậu em trai của vợ tôi là ông Trần Tiễn Hỷ, hiện là một lương y có tiếng hiện ở thôn Minh Thanh thuộc ngoại thành Huế.

Theo yêu cầu của một số bạn bè, tôi xin nhắc lại vắn tắt những điều tôi còn thoáng nhớ được trên đây, để làm cơ sở cho những ai muốn nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ.

Hà Nội 20-5-1981


(Bài đăng trên tuần báo Công giáo và Dân tộc số 313-315 ngày 12-7-1981)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #265 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2011, 10:15:14 pm »

Lời bạt

Cách đây ba mươi năm, khi mới về công tác tại khoa Sử học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được các giáo sư Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy hướng vào nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ - Nhà yêu nước, nhà cải cách lớn của lịch sử cận đại Việt Nam.

Bắt tay vào việc: sưu tầm, đọc, dịch văn bản, tìm hiểu con người và cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ, tôi ngày càng bị hấp dẫn bởi hệ thống những tư tưởng cải cách tiến bộ, và trên hết cả là tấm lòng thiết tha vì nước vì dân của ông. Sau đó, để đánh dấu cho bước đầu nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ, vào năm 1961, tôi và anh Đặng Huy Vận (nay đã qua đời) đã cộng tác với nhau viết chuyên luận “NHỮNG ĐỀ NGHỊ CẢI CÁCH CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ CUỐI THẾ KỶ XIX” 1 nhằm bổ sung cho giáo trình lịch sử cận đại Việt Nam. Đề tài Nguyễn Trường Tộ cũng được đặt ra cho một số sinh viên khoa Sử làm “Khóa luận tốt nghiệp” trong một số năm học. Nhưng khi chiến tranh chống Mỹ xảy ra thì đề tài này bị gác lại, vì phải tinh giản chương trình.

Tuy vậy, vì tâm đắc với nhân vật này, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ. Tôi một mình mày mò, tìm kiếm thêm tư liệu về ông, kiên trì như một con ong thợ tìm hút nhụy hoa để gây mật. Thỉnh thoảng, nhân dịp kỷ niệm năm sinh, năm mất của Nguyễn Trường Tộ, tôi lại cho công bố một số luận văn viết về ông trên tạp chí Văn, Sử hay Triết học. Tôi mong đợi có một ngày nào đó trong những văn bản tác phẩm của Nguyễn Trường Tộ được công bố và những vấn đề về Nguyễn Trường Tộ sẽ được đặt lại để mọi người cùng xem xét.


*

Sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975) thống nhất nước nhà, trong niềm vui chung của nhân dân đất nước, tôi có thêm một nguồn vui riêng: Vấn đề Nguyễn Trường Tộ có cơ may sẽ được nghiên cứu trên nhiều chiều kích chung hơn, rộng hơn.

Rồi một ngày đầu xuân năm 1976, tôi gặp anh Trương Bá Cần. Thật đúng là do cái “duyên kỳ ngộ”. Thuở còn đi học ở Pháp, năm 1962, anh đã gửi thư cho tôi theo địa chỉ của tác giả cuốn sách “NHỮNG ĐỀ NGHỊ CẢI CÁCH CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ CUỐI THẾ KỶ XIX” được lọt sang Paris hồi đó. Thư của anh hỏi tôi nhiều vấn đề tiên quan đến Nguyễn Trường Tộ. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, tôi đã không đáp ứng được yêu cầu của anh.

Gặp anh Trương Bá Cần giữa thành phố Sài Gòn đã giải phóng, vui mừng khôn xiết. Tôi có thêm một người bạn là nhà Sử học để chia sẻ những nỗi niềm, những suy nghĩ về đề tài Nguyễn Trường Tộ mấy lâu nay hằng ôm ấp, nhưng ở hoàn cảnh tôi thật khó có thể tiếp tục triển khai. Theo tôi, chỉ có anh là người có đủ điều kiện nhất để hoàn thành “sứ mệnh” khoa học này.

Anh Trương Bá Cần là người từng theo dõi, tìm hiểu Nguyễn Trường Tộ trước tôi nhiều năm (từ năm 1942, khi anh còn học ở Chủng viện Xã Đoài, gần quê hương của Nguyễn Trường Tộ). Anh lại có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu. Anh vừa là một nhà khoa học, vừa là một linh mục đầy lòng ngưỡng mộ đối với người công giáo yêu nước Nguyễn Trường Tộ, nên về nhiều mặt, anh thuận lợi hơn so với tất cả những người nghiên cứu khác.

Thực tế đã chứng tỏ đúng như vậy. Những tài liệu về Nguyễn Trường Tộ và liên quan đến Nguyễn Trường Tộ mà anh tập hợp được từ nhiều nguồn, trong nhiều chục năm nay là hết sức phong phú: Từ các văn bản Hán Nôm của các Thư viện ở miền Bắc và ở miền Nam, - Từ các sách báo, tạp chí tiếng Việt và tiếng Pháp ở trong nước và ở nước ngoài, - Từ các tài liệu của các tủ sách và Thư viện các gia đình mà anh biết được... Anh đã bỏ ra không ít công phu để tra cứu, đối chiếu, phối kiểm để giới thiệu và chú thích một cách rất cẩn thận... Tóm lại anh đã giám định, khảo chứng và xử lý các văn bản một cách khoa học. Với tất cả công sức lao động bền bỉ và nghiêm túc trong nhiều năm tháng, cho đến nay anh đã cho ra mắt công chúng công trình khoa học:

“NGUYỄN TRƯỜNG TỘ - CON NGƯỜI VÀ DI THẢO”.

Đây là một “tập đại thành” về Nguyễn Trường Tộ của ba thế hệ nghiên cứu từ những năm 20 đến nay.

Từ nay chúng ta đã có thể yên tâm đi vào khai thác các “di thảo” của Nguyễn Trường Tộ như những tài liệu có “thẩm quyền” về khoa học. Công trình này chứa đựng trong đó những “di thảo” có sở cứ nhất, có thể được coi như là một “kho của báu” về Nguyễn Trường Tộ.


*

Như vậy là sau gần ba phần tư thế kỷ, kể từ năm 1925, khi vấn đề Nguyễn Trường Tộ bắt đầu được chú ý nhiều hơn, đến nay chúng ta mới có được một “chân dung” Nguyễn Trường Tộ tương đối trọn vẹn. Cái quý nhất là những “di thảo”, những “tư liệu thành văn” về ông đã được tập hợp tượng đối đầy đủ. Toàn tập “di thảo” này cũng tức là toàn bộ cuộc đời và tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ được lưu giữ lại cho chúng ta và cho con cháu mai sau.

Trước đây, trong những công trình nghiên cứu, giới thiệu về Nguyễn Trường Tộ, do nhiều lý do, trong đó có lý do là thiếu những văn bản chuẩn xác, nên chưa thể trình bày toàn diện về con người, cuộc đời và sự nghiệp của ông. Cũng do vậy, mọi người chưa thể hiểu biết Nguyễn Trường Tộ đầy đủ, đặng nhận định, đánh giá đúng đắn về ông. Qua toàn bộ văn bản “di thảo” lần này, đọc kỹ nó, chúng ta sẽ còn chưa hết ngạc nhiên về nhân vật lịch sử đặc biệt này. Mọi người sẽ tự hỏi: Tại sao ở thời đại đó, sống trong xã hội đó, lại có thể có được một con người kỳ tài như thế, có những tư tưởng tân tiến như thế và có một tấm lòng vì nước vì dân sâu nặng đến như thế?

Qua toàn bộ “di thảo” của Nguyễn Trường Tộ được công bố lần này, những người làm công tác nghiên cứu khoa học, nhất là các ngành khoa học xã hội như lịch sử, triết học, kinh tế học, xã hội học... sẽ có thể khai thác, lấy ra rất nhiều vấn đề để nghiên cứu. Bởi vì, có thể nói Nguyễn Trường Tộ đã đề cập đến hầu hết mọi vấn đề về xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao... như là một hệ thống các vấn đề cần phải cải cách đổi mới ở xã hội đương thời. Đặc biệt về đường lối xây dựng phát triển kinh tế, làm cho dân giàu nước mạnh, đối với Nguyễn Trường Tộ, luôn luôn được coi là một vấn đề cốt tử nhất. Về đường lối chiến lược là khá toàn diện và sâu sắc. Về sách lược biện pháp thực hiện là cụ thể và rõ ràng, và về thái độ và tấm lòng thành của ông là vô cùng chân thành và cảm động. Ông đã kiên trì đề đạt những kiến nghị cải cách đó trong hơn mười năm ròng rã, đến mức độ khi bị bệnh phải nằm ngửa để viết tiếp các bản kiến nghị, ông vẫn không chán, không chùn. Vì như ông vẫn tự xác định: “Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa”.

Những vấn đề Nguyễn Trường Tộ đặt ra cách đây trên một trăm hai chục năm, đối với chúng ta ngày nay, trong thời điểm lịch sử của những ngày tháng sôi động trước phong trào đòi phải “đối mới tư duy” hiện nay, vẫn còn có một ý nghĩa thời sự, vẫn có những giá trị tham khảo nhất định.

Cách đây không lâu, tôi, có một anh bạn lớn tuổi, từng là cán bộ khoa học, có trình độ lý luận cao và đã có một quá trình công tác cách mạng lâu dài, sau khi tôi đưa cho mượn đọc một số “di thảo” của Nguyễn Trường Tộ, đọc xong, anh đã xúc động nói rằng:

- Quả tình càng đọc Nguyễn Trường Tộ, tôi càng thấy xót xa thương cảm ông, càng giận vua quan Triều đình nhà Nguyễn.

Và anh bạn này nói thêm:

- Giá như những “di thảo” của Nguyễn Trưởng Tộ, nhất là tập Tế cấp bát điều được công bố sớm hơn, trước Đại hội VI của Đảng ta chẳng hạn, thì nhân dân ta, các cán bộ lãnh đạo Đảng ta cũng tham khảo được một số ý kiến rất xác đáng của một nhà yêu nước sớm có tư duy đổi mới, sớm có một hệ thống những vấn đề cải cách xã hội và kinh tế xuất sắc, thật đáng cho mọi người kính phục,

Công trình nghiên cứu “NGUYỄN TRƯỜNG TỘ - CON NGUỜI VÀ DI THẢO” ra đời có thể là hơi muộn so với đòi hỏi của công chúng, nhưng giá trị khoa học của nó vẫn y nguyên. Tấm lòng của Nguyễn Trường Tộ đối với sự nghiệp canh tân đất nước, vẫn là như “hoa quỳ luôn hướng về mặt trời”. Chính vì vậy mà cách đây đúng 80 năm nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, khi viết cuốn “VIỆT NAM QUỐC SỬ KHẢO”, xuất bản tại Nhật Bản năm 1908 đã nhận định đáng giá rằng: “ông chính là người đã giồng cái mầm khai hóa trước tiên2 ở nước ta”. Và có lẽ cũng do có sự chỉ dẫn đó, nên người viết những dòng này sớm có duyên nợ với Nguyễn Trường Tộ, luôn dõi theo công trình nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ và hôm nay niềm vui của tôi thật sự được nâng lên với công trình nghiên cứu mới này.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7-1988
CHƯƠNG THÂU
Phó tiến sĩ Sử học

_______________________________________
1. Chương Thâu - Đặng Huy Vận: Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Hà Nội -1961-242 trang 13X19.
2. Phan Bội Châu – Việt Nam quốc sử khảo. Chương Thâu dịch và chú thích, Nhà xuất bản Giáo dục Hà Hội - 1962.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #266 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2011, 10:26:17 pm »


NGÔI MỘ CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ


Ngôi mộ của Nguyễn Trường Tộ hiện ở thôn Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, được xây xong năm 1943, do sự đóng góp của ông Từ Ngọc Nguyễn Lân và một số nhân sĩ Nghệ Tĩnh.

Ngôi mộ được làm bằng những tảng đá thanh, nằm giữa một cánh đồng trống trải, không cây cối, không hàng rào bao quanh, gồm hai phần: MỘ và BIA.

Hàng ngang trên đầu (từ phải sang trái): VIỆT NAM

Hàng dọc bên phải ở phía trên (từ trên xuống): BÀO LỖ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ TIÊN SINH1

Hàng dọc bên trái ở phía trên (từ trên xuống): GIA NGHỊ ĐẠI PHU HÀN LÂM VIỆN TRỰC HỌC SĨ2

Hàng dọc giữa ở phía dưới (từ trên xuống): VĨNH ĐẠI AN CHI3

Hàng dọc bên phải ở phía dưới (từ trên xuống): NHẤT THẤT TÚC THÀNH THIÊN CỔ HẬN4

Hàng dọc bên trái ở phía dưới (từ trên xuống): TÁI HỒI ĐẦU THỊ BẠCH NIÊN CƠ5.
 


Bản văn bằng chữ Quốc ngữ ở chính giữa.

Phao Lô Nguyễn Trường Tộ

Quán thôn Bùi Chu, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sinh năm Minh Mệnh thứ X. Ly trần năm Tự Đức thứ XXIV.

Tư chất thông minh, tài ba lỗi lạc, giỏi chữ Tàu thông tiếng Pháp.

Năm Tự Đức thứ XIII cùng Đức Giám mục Ngô Gia Hậu sang Tây. Ở Đại Pháp mấy năm, những lưu tâm quan sát về tất cả các khoa học hầu đem về giúp cho nước thịnh dân cường. Lúc về nước giúp Chung đường, giúp Chính phủ. Thiết tha mến nước yêu nòi; thảo nhiều phiến tấu xin Triều đình cải cựu canh tân về mọi phương diện; vui lòng hiến thân giúp việc khai hóa.

Tiếc thay! Quốc dân thì muộn nẩy lộc; tiên sinh lại sớm ly trần lúc mới 43 tuổi.

Được ân tứ:

Kim tiền Tòa Thánh (1860)

Kim tiền Đại Nam (1868)

Truy phong Gia Nghị Đại phu Hàn Lâm viện trực học sĩ (1924).

Để tỏ lòng kính kẻ sĩ hiền, những bậc vị vọng trong nước đã cộng tác xây lăng, dựng bia làm kỷ niệm. MCMXLIII




- Hai câu đối bằng chữ Nôm ở hai bên mặt bia. (từ trên xuống)

(1) KÍNH CHÚA YÊU NGƯỜI HẰNG TẠC DẠ
(2) TRUNG VUA MẾN NƯỚC VỐN GHI LÒNG


- Hai câu đối bằng chữ Hán ở hai bên thành bia.

(3) TRUNG QUÂN CHÍNH SÁCH QUANG TIỀN SỬ
(4) ÁI QUỐC TINH THẦN KHỞI HẬU NHÂN


Dịch nghĩa:   

(3) Chính sách trung quân làm rạng rỡ trang sử trước.
(4) Tinh thần yêu nước khơi dậy cho người sau.
______________________________________
1. Đọc âm chữ Phaolô
2. Gia nghị Đại phu Hàn Lân Viện Trực học sĩ: Hàm vua Khải Định truy tặng Nguyễn Trường Tộ năm 1924.
3. Dịch nghĩa: An nghỉ đời đời.
4. Dịch nghĩa: Một lần sảy chân ngàn đời ôm hận.
5. Dịch nghĩa: Quay đầu trở lại là trăm năm cơ đồ.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #267 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2011, 10:31:13 pm »


BẢNG LIỆT KÊ SÁCH, BÁO VIẾT VỀ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ1

1. ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN. Năm xuất bản: 1889
 Bản chữ Việt NXB Khoa học Xã hội Hà Nội 1974-1975. Tập 31 trang 33 và 57. Tập 32 trang 59-60.

2. VIỆT NAM QUỐC SỬ KHẢO. Năm xuất bản: 1906
Bản chữ Hán xuất bản tại Tokyo - Nhật Bản 1906. Bản chữ Việt của Chương Thâu. NXB Giáo dục Hà Nội 1962. NXB Khoa học Xã hội tái bản năm 1982 trang 68 - 69.
Tác giả: Phan Bội Châu

3. Tạp chí NAM PHONG. Năm xuất bản: 1925
Số 100 (tháng 1-1925). Phần chữ Hán: “Nguyễn Trường Tộ điều trần thiên hạ đại thế nguyên tập” trang 47 - 58.

4. Tạp chí NAM PHONG.
Số 102 (tháng l-1926). Phần chữ Hán: “Nguyễn Trường Tộ tiên sinh tiểu sử” trang 4 - 12.
Tác giả: Lê Thước

5. Tạp chí NAM PHONG.
Số 117 (tháng 5-1927). Phần chữ Hán: “Trần tình khải” trang 54-59.
Số 118 (tháng 6-1927). Phần chữ Hán: “Giáo môn luận” trang 65-70.
Số 119 (tháng 7-1927). Phần chữ Hán: “Lục lợi từ” trang 3-11.
Số 120 (tháng 8-1927). Phần chữ Hán, hai nội dung:
- Tổ chức cho sứ bộ đi Pháp. (Di thảo số 32) trang 17-18
- Quan hệ với người nước ngoài. (Di thảo số 42) trang 18-21.
Số 121 (tháng 9-1927). Phần chữ Hán, nội dung về Chính sách nông nghiệp (Di thảo số 53) trang 31-39.
Số 122 (tháng 10-1927). Phần chữ Hán: “Học tập trữ tài” (Di thảo Số 18) trang 45-50.

6. Tạp chí NAM PHONG.
Số 180 (tháng l-1933). Phần chữ Việt: “Nguyễn Trường Tộ trên lịch sử Việt Nam”
Tác giả: Nguyễn Trọng Thuật

7. LA PATRIE ANNAMITE.
Từ số 221 (16-10-1937) cho tới số 282 (24-12-1938): “Nguyễn Trường Tộ et son temps”.
Tác giả: Đào Đăng Vỹ

8. HÀ THÀNH THỜI BÁO.
Tập mới số 1 (29-8-1938)? “Một danh nhân trong cuộc vận động duy tân Việt Nam, Nguyễn Trường Tộ”.
Tác giả: Hải Vân

9. Tuần báo TÂN VIỆT NAM.
Số 79 (3-9-1938): “Nguyễn Trường Tộ thành thực hợp tác với Pháp.
Tác giả: Phan Trần Chúc
Số 80 (10-9-1938): “Một nhà nho đã vượt ra ngoài khuôn khổ của Khổng Mạnh”.
Tác giả: Phan Trần Chúc
Số 81 (17-9-1938): “Trên tàu về Việt Nam Nguyễn Trường Tộ đã gặp Y Đằng Bác Văn”.
Tác giả: Phan Trần Chúc
Số 83 (1-10-1938): “Hoàng Cao Khải phê bình Nguyễn Trường Tộ”.
Tác giả: Phan Trần Chúc
Số 96 (7-1-1938): “Nguyễn Trường Tộ thi sĩ”
Tác giả: Lục Y Lang

10. Báo TIẾNG DÂN (21 tháng 12-1939).
“Đồng thời với Trương Vĩnh Ký, một nhà Tây học cũng sớm nhất, mà có cái đặc sắc nhất ở nước ta: bài trần tình của Nguyễn Trường Tộ”.
Tác giả: Sỹ Tử Bình

11. Báo TIẾNG DÂN (tháng l-1940).
“Về cải cách phong tục”.
Tác giả: X.X.T.

12. Báo TRI TÂN.
Số 7 (18-7-1941): “Nguyễn Trường Tộ học ở đâu?”
Tác giả: Đào Duy Anh

13. NGUYỄN TRƯỜNG TỘ.
Viễn Đệ Huế 1941, 149 trang.
Tác giả: Từ Ngọc Nguyễn Lân

14. VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU. Năm xuất bản: 1941
Chương thứ 14: “Việc mưu đồ canh tân, Nguyễn Trường Tộ và chương trình cải cách của ông”.
Tác giả: Dương Quảng Hàm

15. BULLETIN DES AMIS DU VIEUX HUẾ.
Số 2 (tháng 4-6-1944) “Les grandes familles d’Annam: S. Exc Trần Tiễn Thành-Partian des réformes. Les rapports avec Nguyễn Trường Tộ et Nguyễn Lộ Trạch” trang 134-143.
Tác giả: Đào Duy Anh

16. Nhật báo TIẾNG DỘI Sài Gòn.
(19 tháng 1-1950): Nguyễn Trường Tộ, Lương Khải Siêu Việt Nam”.
Tác giả: Phan Quân
______________________________________
1. BẢNG LIỆT KÊ sách báo này chắc có nhiều thiếu sót. Bởi vì sách báo xuất bản ở nước ta trước ngày đất nước thống nhất rất khó tìm và khó tra cứu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #268 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2011, 10:32:12 pm »


17. Nhật báo THẦN CHUNG Sài Gòn. (19-4-1951).
“Đại chí sĩ Nguyễn Trường Tộ”.
Tác giả: Nguyễn Duy Hinh

18. Bán Nguyệt san SINH LỰC Sài Gòn (1-11-1956).
“Cụ Nguyễn Trường Tộ, nhà thơ bất đắc chí trước hiểm họa mất nước, vua yếu, quan hèn”.
Tác giả: Lê Công Tâm

19. NIÊN LỊCH KINH TẾ Sài Gòn 1957. “Danh nhân kinh tế nguyễn Trường Tộ với việc mưu đồ canh tân”.

20. VĂN HÓA Nguyệt san Sài Gòn.
Số 19 (tháng 2 và 3-1957): “Nguyễn Trường Tộ với vấn đề kinh tế. Tác giả: Đào Văn Hội
Số 26 (tháng 11-1957): “Nguyễn Trường Tộ”. Tác giả: Từ Nguyên

21. BIỂU NHẤT LÃM VĂN HỌC CẬN ĐẠI. Sài Gòn - 1958 chương II: “Nguyễn Trường Tộ “ trang 59 - 66. Tác giả: Thanh Lãng

22. BÁCH KHOA Sài Gòn. Số 71 (15-12-1959): “Những người Việt Nam có tinh thần cải cách duy tân: Nguyễn Trường Tộ” trang 23-25. Tác giả: Phan Khoang

23. PHỔ THÔNG Sài Gòn Số 11 (15-5-1959): “Nước Nhật cũng có một 1 Nguyễn Trường Tộ” trang 53-57. Tác giả: Tế Xương

24. LỊCH SỬ CẬN ĐẠI VIỆT NAM. Hà nội 1959. Tập I, trong tiểu mục “Cuộc đấu tranh tư tưởng thủ cựu và duy tân”, có trình bày về Tiểu sử và tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ. Tác giả: Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự

25. VĂN HÓA Á CHÂU - Sài Gòn.
Số 1 (tháng 4-1960) “Những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ” trang 72-77. Tác giả: Nông Sơn dịch
Số 2 (tháng 5-1960) “Bài Trần tình khải” trang 185-191. Tác giả: Nông Sơn dịch
Số 3 (tháng 6-1960) “Bàn về vấn đề tín ngưỡng” trang 279-283. Tác giả: Nông Sơn dịch
Số 4 (tháng 7-1960) “Điều trần về kinh tế quốc gia” trang 382-393. Tác giả: Nông Sơn dịch

26. PHỔ THÔNG Sài Gòn.
Số 31 (1 tháng 4-1960): “Chí sĩ Nguyễn Trường Tộ cảo đề: núi Thạch Bi và chính trị” trang 56-57. Tác giả: Nguyễn Bá Thế
Số 34 (1 tháng 5-1960) “Nguyễn Trường Tộ” trang 19-24. Tác giả: Võ Bá Hải

27. “HỆ THỐNG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ”. Tài liệu giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội 1960 (Bản thảo). Tác giả: Cao Xuân Huy

28. VĂN HỌC Á CHÂU - Sài Gòn. Số 1 (tháng 1-1961): “Tập điều trần xin cho học tập để gây nhân tài” trang 29-45. Tác giả: Nông Sơn dịch

29. NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ Hà Nội.
Số 23 (tháng 2-1961 ): “Nguyễn Trường Tộ và những đề nghị cải cách của ông” trang 19-33. Tác giả: Văn Tân
Số 25 (tháng 4-1961): “Vài ý kiến nhỏ bàn góp thêm về những đề nghị cải cách của “Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX) Ý kiến trao đổi với ông Văn Tân” trang 57-70. Tác giả: Đặng Huy Vận – Chương Thâu
Số 29 (tháng 8-1961): “Đánh giá vai trò Nguyễn Trường Tộ trong lịch sử cận đại Việt Nam” trang 34-40. Tác giả: Hoàng Nam
Số 31 (tháng 10-1961): “Góp thêm ý kiến về việc đánh giá Nguyễn Trường Tộ” trang 60- 62. Tác giả: Hồ Hữu Phước – Phạm Thị Minh Lệ
Số 33 (tháng 12-1961): “Sơ kết cuộc thảo luận về hai nhân vật Hồ Quý Ly và Nguyễn Trường Tộ”.

30. “NHỮNG ĐỀ NGHỊ CẢI CÁCH CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ CUỐI THẾ KỶ XIX” NXB Giáo dục Hà Nội 1961, 242 trang. Tác giả: Chương Thâu

31. Tuần san VĂN ĐÀN - Sài Gòn Bộ III.
Số 4 (23-30 tháng 11-1961) “Người ta đã viết gì về Nguyễn Trường Tộ”, trang 7. Tác giả: Hưng Bình
“Vịnh ông Nguyễn Trường Tộ” (thơ), trang 10. Tác giả: Á Nam Trần Tuấn Khải
Nhớ người yêu nước (thơ). Tác giả: Minh Đạo, Ngô Cảnh
“Tiểu sử chí sĩ Nguyễn Trường Tộ” trang 5-6. Tác giả: Nguyễn Bá Thế
“Tôi viếng mộ và gia đình Nguyễn Trường Tộ”, trang 8. Tác giả: Phạm Đình Khiêm
“Học tập đểdành gây nhân tài”, trang 18-19. “Kế hoạch vay tiền Hương Cảng”, trang 12-13. Tác giả: Trần Hữu Huyên dịch
Nguyễn Trường Tộ và Y Đằng Bác Văn, trang 11. Tác giả: Đào Đăng Vỹ
Mấy vần thơ của Nguyễn Trường Tộ trang 21. Tác giả: Thái Bạch dịch
Vài cảm tưởng về nghệ thuật kiến trúc của Nguyễn Trường Tộ trang 16-17. Tác giả: Ngô Viết Thụ
Nguyễn Trường Tộ kiến trúc sư tiên khởi của ngành kiến trúc mới Việt Nam. Tác giả: Phạm Đình Khiêm
Người yêu nước sáng suốt, Nguyễn Trường Tộ. Tác giả: Phạm ĐÌnh Tâm

32. Tuần san VĂN ĐÀN Sài Gòn Bộ III, Số 35 (tháng 4-1862). Điều trần về tu chỉnh võ bị trang 12-13. Tác giả: Trần Hữu Huyên dịch

33. HỢP TUYỂN THƠ VĂN VIỆT NAM. NXB Văn học Hà Nội 1962, tái bản năm 1984. Tập IV ( 1858-1930) có trích in của Nguyễn Trường Tộ, các bài:
- Đà Nẵng quá bạc
- Cần Giờ phong cảnh
- Quá Hoành Sơn quan hữu cảm
- Thiên hạ phân hợp đại thế luận
- Tế cấp bát điều.

34. Tuần san VĂN ĐÀN - Sài Gòn Bộ IV. Số 11-12 (ngày 17-1-1963). “Vấn đề dịch các văn bản ngoại giao”. Tác giả: Trần Hữu Huyên dịch
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #269 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2011, 10:33:03 pm »


35. LƯỢC KHẢO CÁC TÊN PHỐ HÀ NỘI. NXB Sở Văn hóa Hà Nội 1964. “Nguyễn Trường Tộ”. Tác giả: Lê Thước – Vũ Tuấn San

36. LỊCH SỬ VIỆT NAM. Năm xuất bản: 1965
NXB Khoa học Xã hội Hà Nội 1985 trong tập II “Đề nghị cải cách đặc biệt là những điều trần của Nguyễn Trường Tộ” trang 61-63. Tác giả: Nguyễn Công Bình-Văn Tạo-Phạm Xuân Nam-Bùi ĐÌnh Thanh

37. NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ Hà Nội. Số 94 (tháng 1-1967): Tìm hiểu thêm về cuộc đấu tranh giữa phái chủ chiến những người phái chủ hòa trong cuộc kháng chiến nhằm chống Pháp ở thế kỷ XIX trang 29-40. Tác giả: Đặng Huy Vận

38. NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ Hà Nội.
Số 120 (tháng 3-1969): “Tìm hiểu thiên đạo quan của Triều đình và của các nhà nho trong thời Nguyễn” trang 3-22. Tác giả: Trần Văn Giàu
Số 125 (tháng 7-1969): Lịch sử quan của Triều đình và nho gia thời Nguyễn. Tác giả: Trần Văn Giàu

39. THỰC TRẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM DƯỚI TRIỀU TỰ ĐỨC 1847-1883. Tiểu luận Cao học sử học trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1970 (Roneo 262 trang) chương  VI đoạn 3: “Những đề nghị cải cách quốc gia của Nguyễn Trường Tộ” trang 164-222. Tác giả: Trần Khôi Nguyên

40. THƠ VĂN YÊU NƯỚC NỬA SAU THẾ KỶ XIX (1858-1900). Năm xuất bản: 1971. NXB Văn học, tái bản 1976. Trích in hai văn bản của Nguyễn Trường Tộ “Bàn về cái thế lớn khi phân hợp trong thiên  hạn”,  “Tám điều cứu vớt”. Tác giả: Chu Thuận, Đặng Huy Vận, Nguyễn Bỉnh Khôi

41. Tạp chí TRÌNH BÀY Sài Gòn. Năm xuất bản: 1971. Số 33-35: “Nội dung các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ”. Tác giả: Nguyễn Khắc Ngữ

42. Tạp chí BÁCH KHOA Sài Gòn. Số 359 (15-12-1971): Bài học lịch sử nhân kỷ  niệm 100 năm Nguyễn Trường Tộ... trang 39-46. Tác giả: Đào Đăng Vỹ

43. Nhật báo LÀM DÂN Sài Gòn  Từ số 1 (15-9-1971): “Nguyễn Trường Tộ hay thân phận người trí thức giữa thế kỷ XIX”. Tác giả: Nguyễn Khắc Ngữ

44. BÁCH CHU NIÊN CỦA NGUYỂN TRƯỜNG TỘ 187-1971-Sài Gòn 32 trang khổ 13×19. Tác giả: Tinh Việt, Văn Đoàn

45. BULLETIN DES ETUDES INDOCHINOISES. Số 3, tam cá nguyệt 3-1972: “Nguyễn Trường Tộ, Patriote réformiste, poète et homme  d’action” trang 489-502. Tác giả: Thái Văn Kiểm

46. TƯ TƯỞNG VIỆT NAM THẾ KỶ XIX. Năm xuất bản: 1973. Tài liệu Ronéo, trích bốn văn bản của Nguyễn Trường Tộ:
- Thiên hạ đại thế luận.
- Ngôi vua là quý, chức quan là trọng.
- Giáo môn luận.
- Tế cấp bát điều.
Tác giả: Chương Thâu biên tập

47. SONG MỸ KHAI NGUYÊN ĐẶC SAN. Sài Gòn 1973 “Chí sĩ Nguyễn Trường Tộ và quốc vận Việt Nam” trang 67-72. Tác giả: Nguyễn Quang Trứ

48. NGUYỄN TRƯỜNG TỘ VÀ THỜI ĐẠI CHÚNG TA, Sài Gòn Văn Đàn 1973.
- Nguyễn Trường Tộ và những điều kiến thiết cần kíp. Tác giả: Trần Văn Lắm
- Nguyễn Trường Tộ và vấn đề văn hóa. Tác giả: Mai Thọ Truyền
- Nguyễn Trường Tộ, một sinh lực sáng tạo tuyệt vời. Tác giả: Phạm Đình Tân
- Nguyễn Trường Tộ nhà ái quốc cô đơn (thơ). Tác giả: Trúc Sơn, Nguyễn Quý An
- Tế cấp bát điều. Tác giả: Nguyễn Nam Ninh dịch

49. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TƯ TƯỞNG Ở VIỆT NAM (Từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám) NXB KHXH Hà Nội 1973. Tập I trang 381- 405. “Những đề nghị cách của Nguyễn Trường Tộ”. Tác giả: Trần Văn Giàu

50. ETUDES INTERDISCIPLINAIRES SUR LE VIỆT NAM. Sài Gòn 1974 Volume I: “Point de vue sur Nguyễn Trường Tộ et le réformisme Vietnamien au milieu du XIXe Siècle” trang 179-197. Tác giả: Philippe Langlet.

51. THÔNG TIN KHOA HỌC XÃ HỘI. Tập III-1977. “Ý kiến của Nguyễn Trường Tộ về vấn đề nông nghiệp của nước ta cuối thế kỷ XIX” trang 11- 15. Tác giả: Chương Thâu

52. NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ. Số 3 (180 tháng 5 và 6-1978). “Điều trần của Nguyễn Trường Tộ về nông nghiệp” trang 73-78. Tác giả: Chương Thâu

53. Tạp chí TRIẾT HỌC. Số 3 (32) tháng 9-1978.  “Cuộc đấu tranh giữa tư tưởng bảo thủ và tư tưởng duy tân ở nước ta vào cuối thế kỷ  19”. trang 29-40. Tác giả: Chương Thâu

54. ĐƯỜNG PHỐ HÀ NỘI. NXB Hà Nội 1979. “Phố Nguyên Trường Tộ” . Tác giả: Nguyễn Vinh Phúc - Trần Huy Bá

55. NÔNG THÔN VIỆT NAM TRONG THỜI CẬN ĐẠI. Có bài: Nguyễn Trường Tộ với những đề nghị cải cách nông thôn cuối thế kỷ XIX (Bản thảo). Tác giả: Chương Thâu

56. DANH NHÂN NGHỆ TĨNH. NXB Nghệ Tĩnh-Vinh 1984. “Nguyễn Trường Tộ”: trang 130-137. Tác giả: Đậu Xuân Mai

57. NGHÌN NĂM VĂN HIẾN. NXB Kim Đồng, Hà Nội 1984 tập IV: “Nguyễn Trường Tộ” trang 360-362. Tác giả: Trần Quang Vượng-Giang Hà Vị

58. Báo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN số 13-2-1987.  Trích Nguyễn Trường Tộ: “Việc võ là rất khó”. Tác giả: Thanh Đạm

59. Báo LAO ĐỘNG số 17-3-1987. “Tìm trong vốn cũ: Nguyễn Trường Tộ bàn về đời sống và lương bổng của quan lại và viên chức”. Tác giả: Thanh Đạm

60. Báo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN số 7-6-1987. “Ý kiến của Nguyễn Trường Tộ về chỉ huy và binh sĩ”. Tác giả: Thanh Đạm

61. Báo TỔ QUỐC số 5-1987. “Trong bài “Đổi mới tư duy trong lịch sử: “Giữa thế kỷ 19, lịch sử Việt Nam ghi nhận một điển hình về đổi mới tư duy độc đáo: tư duy kiểu Nguyễn Trường Tộ” trang 43-44.

62. LỊCH SỬ DANH NHÂN THỜI CẬN ĐẠI. Có bài về: “Nguyễn Trường Tộ” (Bản thảo). Tác giả: Chương Thâu





Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM