Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:11:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo  (Đọc 146029 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #250 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 10:54:36 pm »


VI. 2. TẤU CỦA CƠ MẬT VIỆN1

(Ngày 16 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 9-3-1868)

Thần Nguyễn Tri Phương, thần Vũ Trọng Bình, thần Nguyễn Văn Phong, thần Phan Huy Vịnh, thần Phạm Phú Thứ, thần Trần Tiễn Thành tâu:

Hôm qua có viên ty thuộc của Bộ Lễ ở sứ quán đệ nạp một bức thư của Nguyễn Trường Tộ gởi bẩm bầy tôi trong sáu Bộ. Kính xin mở thư tiến trình. Xin xét cho thần Nguyễn Văn Phong đến dinh Bộ Lễ, đòi tên này đến, hỏi những điều y muốn nói, ghi chép rõ ràng rồi phúc tâu. Vậy xin tâu trình chờ chỉ.



VI. 3. TẤU CỦA CƠ MẬT VIỆN2

(Ngày 21 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 13-3-1868)

Thần Nguyễn Tri Phương, thần Đoàn Thọ, thần Vũ Trọng Bình, thần Nguyễn Văn Phong, thần Phan Huy Vịnh, thần Phạm Phú Thứ, thần Trần Tiễn Thành tâu:

Lần này Nguyễn Trường Tộ trình bày các khoản, đã vâng xét các khoản được châu phê chỉ bày các lẽ. Khâm thử! Vâng mệnh hỏi rõ từng điều khoản của tên này và bầy tôi đã chép lại rõ ràng tiến trình. Lại vâng châu phê: Các khanh hãy xét kỹ xem sao, nên hỏi cặn kẽ và trù liệu, không để mất cơ hội. Khâm thử!

Thần Vũ Trọng Bình và thần Nguyễn Văn Phong đã hỏi lại tên này kỹ lưỡng. Theo y nói thì y có biết qua hiện tình giữa Pháp và ta. Thiết nghĩ hiện nay việc đi Pháp, tưởng nên làm như thế may ra có ít nhiều lợi ích. Còn nói việc ấy có thành hay không, thật không dám chắc v.v... Bọn thần cùng bàn với nhau thiết nghĩ rằng sự thế hiện nay giữa ta và Pháp, chưa thể nào dứt bỏ việc hòa hiếu một cách vội vàng được. Thế của ta lại còn yếu nên họ hay đòi hỏi chuyện này chuyện khác. Cho nên phải giao thiệp rộng để tìm sự trợ giúp đó là thế đương nhiên vậy. Những điều y nói quả thật đã khám phá ra được sự tình. Nhưng y vốn không phải người của ta, bấy lâu nay y với ta tình ý chưa tin nhau, nếu thi hành vội sợ chưa tiện. Nay đợi khi nào phụng sứ cùng phái viên đến cảng hãy bảo bọn sứ phái này đến nơi bí mật tìm đường lối, như tình thế có thể đầu cơ thì mưu tính từ từ đừng để lộ tiếng tăm ra ngoài mà hỏng việc. Vả lại nước ta và nước Pháp hai bên qua lại thăm hỏi nhau đã lâu, giữ tình giữ lễ đúng đắn mà viên tướng này thì có quyền chuyên chế lại ở gần ta, lòng dạ tham lam không thể đem nghĩa lý thuyết phục hắn được. Nếu lời lẽ  có chỗ sơ hở thì hắn lại được dịp mượn cớ gây hấn. Về văn thư qua lại thì không khiêu khích hắn cũng không theo ý hắn, công việc gì cũng phải mềm dẻo thẳng thắn sao cho được ổn thỏa khiến hắn không bắt bẻ vào đâu được, tiện cho ta từ từ mưu đồ tự trị, tưởng cũng đã đắc sách. Vậy dám kính tâu đầy đủ chờ chỉ.

Châu phê: Hai bản này có những chỗ xóa, có thể lấy ra được không? Sao không nói rõ lại nói phớt qua, theo đâu mà thực hành?



*

VI. 4. TẤU CỦA CƠ MẬT VIỆN3

(Ngày 23 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 16-3-1868)

Thần Nguyễn Tri Phương, thần Đoàn Thọ, thần Vũ Trọng Bình, thần Nguyễn Văn Phong, thần Phan Huy Vịnh, thần Phạm Phú Thứ, thần Trần Tiễn Thành tâu:

Hôm trước bọn thần vâng đem hai bản nguyên bẩm của Nguyễn Trường Tộ trình lên. Kính vâng châu phê: Hai bản này có những chỗ xóa, có thể lấy ra được không? Sao không nói rõ lại nói phớt qua, theo đâu mà thực hành. Khâm thử. Thần Vũ Trọng Bình đã vâng mệnh đem những chỗ xóa xét từng khoản mà chất vấn. Nay tên này đã tuân phụng làm một bản phúc bẩm, đã sức viết lại tử tế trình lên. (Châu phê: Nói cũng hợp lý, nên làm tốt).

Nhưng xét sự lý trong tờ bẩm đều liên hệ về những việc phải làm cho thích hợp khi sứ bộ đến Gia Định và Kinh đô nước Pháp. Xin cho viện của thần mật chép lại chuyển cho các viên của sứ bộ mật xem để tùy cơ liệu làm. Dám xin phúc tâu, chờ chỉ.
__________________________________
1. Bản Hán văn Hv 189/4 tờ 60.
2. Bản Hán văn Hv 189/4 tờ 60-61.
3. Bản Hán văn Hv 189/4 tờ 62.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #251 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 10:56:03 pm »


*

VI 5. TẤU CỦA BỘ LỄ1

(Ngày 22 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 15-3-1868)

Bộ Lễ tâu:

Hôm qua căn cứ tờ bẩm ba trang của Nguyễn Trường Tộ thì một nói về việc phái người sang thành Ba Lê học tập, hai nói về những việc cần phải làm khi đi Pháp. Bộ đã cho chép lại rõ ràng, tử tế trình lên, xin giao cho các đại thần duyệt xét rồi phúc tâu đầy đủ, chờ chỉ tuân làm.

Châu phê: Từ nay về sau các tờ bẩm đều do đại thần thu nhận, đem nguyên bản giao cho viện chuyên trách, không được chia giao nhiều người, không mật.


*

VI. 6. TẤU CỦA BỘ LỄ2

(Ngày 23 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 16-3-1868)

Bộ Lễ tâu:

Ngày 12 tháng này có tiếp được một tờ bẩm của Nguyễn Trường Tộ nói bọn y đi Pháp về lần này các phí khoản ăn uống, chuyên chở xe thuyền đều do chính giám mục và nước Pháp chi cấp và bọn y tự liệu, không có sổ sách, không dám kê khai. Xin thôi. Ngày 19 có tờ bẩm của Ngô Gia Hậu nói chi phí khứ hồi đi Pháp của y do y tự đài thọ, xin miễn kê khai v.v... Các khoản này xin giao các đại thần xét duyệt rõ ràng phúc tâu đầy đủ.

Châu phê: Đều phải xét hết, không thể làm ngơ được.

Lại Ngô Gia Hậu có kê biên các vật hạng mua về, nay đem nạp vào đâu? Nguyễn Trường Tộ nói có chọn mua các lớp đất quặng và các thứ kim loại các loại ngọc quý các màu v.v... Vả bọn chúng đi Pháp phải mua những sách gì, những vật hạng gì, bao nhiêu, đã có tờ bẩm đầy đủ tại Cơ Mật Viện. Khoản này xin để cho viện này cứu xét. Vậy đem các tờ bẩm, biên bản của chúng, sai chép lại rõ ràng rồi trình lên luôn. Còn nguyên bản xin để viện này thu trữ. Vậy dám tâu lên chờ chỉ.

Châu phê: Các vật hạng hiện nay đã mang về đều nạp ở Bộ Lễ. Viện của Bộ kiểm tra kỹ, giao qua thị vệ dâng lên xem, giao ra cho viện duyệt, hãy xét giao cho nha hào giữ cho ổn. Sau này còn tiếp tục đệ nạp nữa cũng làm như vậy, không phải chỉ bấy nhiêu. Còn những tên do tên ấy mang về, nay nên làm công việc gì, trả tiền công như thế nào, sao không hỏi rõ để tiện công việc làm và họ có thể ở lâu được. Trong số đó nghe có một tên đã bị đuổi về nay sao lại trở qua để làm gì?
__________________________________
1. Bản Hán văn Hv 189/4 tờ 62.
2. Bản Hán văn Hv 189/4 tờ 63.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #252 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 10:57:14 pm »


*

VI. 7. TẤU CỦA CƠ MẬT VIỆN1

(Ngày 26 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 14-3-1868)

Thần Nguyễn Tri Phương, thần Đoàn Thọ, thần Vũ Trọng Bình, thần Nguyễn Văn Phong, thần Phan Huy Vịnh, thần Phạm Phú Thứ, thần Trần Tiễn Thành tâu:

Ngày 11 tháng này bọn thần đã dâng phiến xét cấp thưởng công lao cho bọn Ngô Gia Hậu. Lại trình bày về việc có mang theo về ba vị linh mục giáo sĩ có biết nghề chuyên môn thì Nguyễn Trường Tộ xin hẹn ba ngày sẽ trình đầy đủ, việc tên Ca Xanh xin chế tạo cơ khí kỹ nghệ, xin chờ xét thật nên dùng nên thưởng ngoài ra xin phúc tâu luôn khoản các linh mục giáo sĩ vừa mới mang về. Kính vâng châu phê: “Xét luôn. Khâm thử!”. Nay căn cứ Ngô Gia Hậu biên khai về khoản Thiên văn, Địa lý thì hiện đã mua được các sách và địa cầu đem về. Còn những khí cụ về Hóa học chưa đến. Y đã tự xuất tiền riêng ra mua hết hai ngàn quan để dùng vào việc dạy Hóa học lúc mới bắt đầu. Nếu dùng rộng rãi hơn phải mua khá nhiều dụng cụ nữa mới được. Về trí học cần học gấp ngành Điện tín. Về Cơ xảo chỉ cần những loại cơ khí tầm thường cũng có thể thiết trí được. Giáo sĩ tên Lý thông thạo về Hóa học, Địa lý, còn Y khoa thì chưa ứng dụng được mấy. Về các khoản khác nếu quả quyết muốn thực hiện thì nên mở trường học. Tùy theo sự tiến bộ của học sinh triển khai dần ra mà dạy. Nếu kết quả tốt thì mướn thêm người giỏi tay nghề dạy thực tập thay mới có hiệu dụng lớn. Còn như đặt điều kiện về thời gian phải hoàn thành trách nhiệm thì y không dám nhận v.v...

Tờ bẩm của Nguyễn Trường Tộ nói về nguồn lợi, có ba đường lối như sau: Một là xin đình chỉ kỳ hạn bán đồ vật, còn hai khoản về việc hai bên hợp tác làm việc và việc thuê mướn nhân công thì nên thương lượng mà tiến hành; hai là xin phân biệt các loại đất quặng, sang Pháp lựa mua dụng cụ và thuê thợ để sử dụng được rộng rãi; ba là việc trường học và nơi cư trú cho giáo sư xin tạm dùng sứ quán làm trường học v.v... Bọn thần phụng chiếu các khoản kê biên của Ngô Gia Hậu và Nguyễn Trường Tộ thấy liên hệ đến việc có thể xem thiên văn, hoặc có thể dò tìm nguồn lợi dưới đất hoặc có giúp vào việc sử dụng các khí cụ, đều không phải là không có lợi ích. Chỉ có điều học theo phương pháp ấy tất phải nhiều năm tháng, phải lựa chọn sinh viên thầy thợ, phải có lính tráng canh gác, lại phải đặt chuyên viên chuyên trách công việc mới có thể đạt được kết quả. Nhu phí tưởng không phải là ít. Còn như Ngô Gia Hậu bẩm nói các thứ khí cụ trị giá khoảng một vạn quan hoặc có thứ do y xuất tiền riêng ra mua hoặc có thứ do Triều đình Pháp tặng để dạy học. Nếu không dạy học, y cũng không dùng những thứ này làm gì. Nay có nên chiếu thu lấy hay trả lại. Kính xin tâu luôn chờ chỉ.

Còn việc tên Ca Xanh biết làm cơ khí, kính vâng giao Bộ Công xét kỹ. Thần Nguyễn Chính và thần Nguyễn Hữu Lập đã đến sứ quán xét hỏi trước. Cứ theo một tờ khai do y biên ra, mang về giao thông ngôn Huyên phiên dịch lại thì y biết về máy nổ, biết nấu sắt, nấu đồng, biết luyện thép làm lưỡi cưa để cưa cây xẻ ván. Nếu có các đồ nghề này, lại được những người đến học hiệp tâm hiệp ý, thì trong ba năm dạy được năm mươi người biết nghề máy, mỗi năm đóng được một chiếc thuyền máy cỡ nhỏ. Y còn làm được khá nhiều máy móc, như để lấy nước cứu hạn, sửa chữa máy thuyền. Những thứ máy móc nói chung, sẽ do y và những người học tập cùng làm, nhưng phải do y chỉ bảo sai khiến, phải cho y có quyền, có kỷ luật nghiêm, mới được. Nếu dùng y, y sẽ làm tờ giao kèo, rồi về Pháp lại để mua dụng cụ đồ nghề. Lại theo tờ biên kê tiếp theo, thì phải mua đao búa luyện thép và các thứ trục máy giá năm vạn quan, mua máy cưa một vạn quan, mua máy nhỏ để trau luyện các khí cụ sắt thép hai vạn năm ngàn quan, mua các thứ khí cụ khác để thợ thầy dùng bảy ngàn quan, mua các mẫu sắt, đồng, thép, một vạn năm ngàn quan, tiền thuê chở từ Đại Pháp đến Đà Nẵng một vạn hai ngàn quan. Tổng cộng mười một vạn chín ngàn quan. Lại theo tên Ca Xanh nói miệng rằng, nếu dùng hắn, xin trả công mỗi tháng ba trăm hai mươi đồng v.v...

Bọn thần trộm nghĩ, công phu kỹ nghệ của người Tây dương đều rắc rối khó khăn, nay cứ theo y, tiền mua sắm khí cụ và chuyên chở đến mười một vạn chín ngàn quan. Lại nói miệng rằng xin trả tiền công mỗi tháng 320 đồng (tính ra tiền là một ngàn bảy trăm sáu chục quan), đòi giá quá tham không thể tin dùng được. Huống nữa y lại phải về nước trước, mua sắm các thứ cần kíp, như thế chưa biết ngày nào trở qua. Nếu nay vội bảo y làm tờ giao kèo dạy tập kỹ nghệ, thì chi phí trả công quá nhiều, và sau này sẽ còn yêu sách đòi tăng tiền thuê, hoặc đòi hỏi chuyện này chuyện khác mãi. Vậy xin xét đình chỉ khoản mướn tên Ca Xanh dạy tập kỹ nghệ. Duy có điều, nay Ngô Gia Hậu đã mang về đây, thì cũng nên xét cấp đầy đủ cho Ngô Gia Hậu, để chi cho y các khoản ăn uống cần dùng. Ngày nào tên này trở về, xin cấp cho y ba tấm ngân tiền hạng Sứ dân và Phú Thọ (Đại, trung, tiểu mỗi thứ một tấm), một trăm quan tiền kẽm để làm tiền phí tổn, và an ủi nói rõ cho y biết. Còn y muốn chờ đáp hỏa thuyền hay xin đi theo thuyền buôn trở về Gia Định đều cho tùy tiện.

Vậy dám tâu lên, luôn thể tiến trình bốn bản biên khai của Ngô Gia Hậu, Nguyễn Trường Tộ, một tờ nguyên văn bằng chữ Tây của tên Ca Xanh biên, với một bản dịch của thông ngôn Huyên chờ chỉ tuân làm.

Lại trong tờ phiến của Bộ Lễ phụng châu phê một khoản: “Trong này có nghe một tên đã bị đuổi về nguyên quán, nay sao lại trở qua để làm gì? Khâm thử!” Vâng xét tên Ca Xanh (nguyên tên là Ca Sa Nhi) vốn được thuê làm thợ máy cho thuyền Thuận Tiệp đã hết hạn, trở về Gia Định. Lần này thần Trần Tiễn Thành nghe Ngô Gia Hậu nói rằng các linh mục giáo sĩ do y mang về chỉ biết chỉ vẽ phương pháp chế tạo mà thôi, còn công việc thực hiện chế tạo, thì tên Ca Xanh thông thạo hơn. Nay đã mang về đến nơi, nếu thuê mướn thì lưu lại xét, bằng không thì tên này tình nguyện trở về Gia Định, không có gì trở ngại. Xin kính tâu luôn.

Châu phê: Đã đem về há tổn phí vô ích. Như hắn đã khai tổn phí lớn, cũng chưa chắc. Có điều hắn thạo giỏi cơ khí, nên để hắn ở lại dạy tập các nghề cùng với các giáo sĩ. Trước hết cho làm các thứ dễ, xem kết quả ra sao, rồi sau đó mới bàn cho thích đáng, dạy tập nghề gì, chế tác thứ gì, tiền thuê bao nhiêu, mỗi người phải khai rõ để tiên liệu. Còn việc về Pháp mua nhiều khí vật quá tốn kém, chưa chắc. Hãy thong thả xem sao.

Hiện các công việc làm, cần dùng những khí cụ gì, tên ấy cũng phải theo đó mà chỉ vẽ, chế tác mà dùng mới được.
__________________________________
1. Bản Hán văn Hv 189/4 tờ 64-68.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #253 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 10:59:18 pm »


*

VI. 8. TỜ TRÌNH CỦA GIÁM MỤC GAUTHIER1

(Ngày 30 tháng 2 Tự Đức 21, tức 23-3-1868)

Giám Mục Ngô Gia Hậu nêu các lý do về việc mở trường, theo từng điều khoản kê khai như sau:

Một khoản về việc: Lấy sứ quán tạm làm trường học được chăng?

- Hai linh mục và giáo sĩ nghĩ rằng ở sứ quán không tiện vì nơi này thấp khí ẩm. Các đồ nhất là cơ khí mau hư hỏng, lại không có ai thông ngôn cho. Vậy xin ở trên Kim Long mới tiện các lẽ, như đã có trong tờ đính hậu2

Một khoản về việc: Ba người giáo sĩ ai dạy nghề gì?

- Linh mục Thông biết phép toán, bản đồ các nước thiên hạ, in bóng (quang học), điện khí, phân ngũ kim cho biết nó có thứ đất thứ đá ấy thì có những giống chi. Linh mục Đồng biết phép toán, thiên văn, đo độ số mặt trời mà họa đồ bản, đo thiên xích cho được đi biển, biết phép cầu cao cầu viễn, biết đo đất cho biết nơi nào cao nơi nào thấp, biết bản đồ các nước thiên hạ, biết dùng truyền tin thẳng3, biết làm thu lôi trụ4. Giáo sĩ thì không dạy học trò được vì nặng tai, song cũng giúp linh mục Thông mà phân các tính ngũ kim ngũ hành. Lại biết làm thuốc và xin Triều đình chỉ cho một nơi để lập một vườn, rồi đi các nơi kiếm có giống thảo mộc chi làm thuốc được thì đưa về trồng trong vườn ấy cho người ta biết mà dùng.

Một khoản về việc: Một tháng cấp phí mỗi người bao nhiêu?

- Các người ấy có ý giúp nhà nước mà thôi không có ý nào khác. Song xin nhà nước cấp cho vừa đủ thầy trò ăn mặc và tiêu dùng trong nhà. Vậy một tháng đầu hết thì xin mỗi người hai trăm quan, cho được sắm sửa các điều lệ tiêu dùng trong nhà. Còn sau thì xin mỗi tháng mỗi người một trăm quan để ăn mặc và thuê thày tớ. Nhà nước không phải cấp thêm chi nữa.

Một khoản về việc: Mỗi người dạy bao nhiêu học sinh?

- Khi học sinh đã hiểu biết ít nhiều thì cũng dạy được nhiều người một lần. Còn khi đầu thì khó dạy hơn, cho nên một thầy dạy mười người thì vừa.

Một khoản về việc: Học sinh phải lấy bao nhiêu tuổi?

- Học sinh muốn học tiếng Phú Lãng Sa thì phải chọn tự thập nhị chí nhị thập tuế5. Bằng học nghề khác thì tự nhị thập chí tam thập tuế6.

Một khoản về việc: Phí dụng của học sinh mỗi tháng tốn bao nhiêu?

- Việc ấy mặc lượng Triều đình. Song tôi nghĩ rằng nhà nước rộng cho người ta bao nhiêu thì người ta gắng ra sức học bấy nhiêu. Còn khi dạy về điện khí và phân ngũ kim thì tốn than củi lắm. Cho nên lúc ấy thầy dạy học sẽ xin dần dần.

Một khoản về việc: Dùng ai, bao nhiêu người để tiện thông ngôn?

- Khi lập trường học trên Kim Long thì ông Giám mục Bình sẽ cho một người là linh mục Thư thông ngôn cho. Còn danh Ca Xanh dù nhà nước có dùng nó cũng xin về Tây mà mua khí nghệ7 cho nhà nước, mà giá khí nghệ thì nhiều như tờ nó đã nói trước. Lại trong lúc nó về Tây mua đồ khí nghệ thì xin nhà nước phát cho mỗi tháng là nhất bách nguyên8 để mà chịu lộ phí tính từ khi nó ở Gia Định mà về Tây cho đến khi trở về đến Gia Định. Bao giờ về đến Gia Định mà ra Huế về sau thì mỗi tháng tam bách nguyên9. Lại xin đem qua thêm hai người nữa cho được giúp nó mà làm những điều đã nói trong tờ nó viết trước. Song hai người ấy thì mặc nó chịu, nhà nước không phải giúp chi hết. Nhà nước có ưng dùng nó thì xin giao cho xong. Bằng không dùng thì xin phát bằng cấp cho nó cho mau để nó tháp tùng hỏa thuyền mà về kẻo ở lại cũng vô ích. Ấy là lời nó xin.

Ngày nào tôi gần về Nghệ thì hai linh mục và giáo sĩ sẽ xin lên tạm trú trên Kim Long. Vì khi tôi đi rồi thì các người ấy ở lại để nhiều điều bất tiện.

Nay kính bẩm các đại nhân sáu Bộ xét.
__________________________________
1. Bản Hán văn Hv 189/4 tờ 68-71.
2. Giám mục nói tiếng Việt và nguyên văn chép bằng chữ Nôm, do đó ở đây phiên đúng theo ngôn từ của Giám mục. Những đoạn sau cũng vậy.
3. Dây truyền tin.
4. Thu lôi trụ.
5. Từ 12 đến 20 tuổi.
6. Từ 20 đến 30 tuổi.
7. Dụng cụ; đồ nghề.
8. Một trăm đồng.
9. Ba trăm đồng.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #254 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 11:01:58 pm »


*

VI. 9. TỜ TRÌNH CỦA GIÁM GAUTHIER VÀ SOHIER1

(Ngày 30 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 23-3-1868)

Giám mục Bình, Giám mục Hậu kính bẩm xin xét. Nay cứ theo linh mục Đồng, linh mục Thông và các giáo sĩ nói về khoản mở trường học thì công việc rất bề bộn, máy móc rất nhiều, nếu không có nhà cao ráo rộng rãi không thể mở trường dạy học được. Thiết tưởng ở xã Vạn Xuân tiếp liền nhà chúng tôi về phía Đông Nam có một khoảng đất trống ước chừng hai mẫu sáng sủa khả quan, địa thế có thể mở trường được, xin xuất công quỹ cất một ngôi trường làm trường quốc học lâu dài. Các người ấy tình nguyện chỉ vẽ cách thức xây dựng y như trường học bên nước Pháp, mới có thể mở dạy được. Họ lại xin được ở tạm nơi nhà chúng tôi để tiện làm thử. Khỏi mất thì giờ v.v...

Chúng tôi thiết tưởng các người ấy xin như vậy cũng có lý, nếu được chấp thuận không những họ được toại nguyện, mà tôi qua lại phiên dịch cũng rất tiện lợi. Nhưng việc này quan hệ đến quốc thể. Vậy dám trình bày đầy đủ. Cúi mong các quan lớn Bộ Công soi xét tâu trình lên, may được phê chuẩn, muôn đội ơn. Nay kính bẩm.

Trên đây chúng tôi chép lại lời Giám mục Bình nói.

Đồng ký tên: Giám mục Bình
Giám mục Hậu.



*

VI. 10. TỜ TRÌNH CỦA GIÁM MỤC GAUTHIER2

(Không ngày tháng - Nhưng chắc cuối tháng 3-1868)

Giám mục Ngô Gia Hậu xin kê khai các thứ đã mua và giao nạp như sau:

(Châu phê: Còn thiếu, lấy bản nào kiểm?)

- Sách nói về quặng sắt (Châu phê: Cái này đã mua, nên dùng thì nhận) (trong có các phép phân biệt quặng tốt quặng xấu) và đúc luyện thành sắt (trong có hình vẽ) (trong có các khuôn, các đồ dùng máy móc để nấu sắt chảy đúc thành các hình dạng): năm quyển lớn giá bảy mươi lăm quan.

- Sách nói về các tầng địa chất: một bộ hai quyển (có hình vẽ) giá hai mươi quan.

- Thước tam giác: một cái giá bốn quan.

- Sách nói về mỏ than (có hình vẽ) và cách lấy các thứ kim loại cùng các ngọc báu đá quý (trong có phân biệt các phương pháp khai thác): một quyển lớn, giá ba mươi quan.

- Sách nói về bách nghệ cơ xảo (Do tập hợp tất cả những nghề cơ xảo) của các nước phương Tây hiện có (Trong đó có hơn 3.500 hình vẽ): hai quyển lớn, giá năm mươi hai quan.

- Sách nói về quặng đồng: một quyển, sách nói về nồi tinh luyện kim loại: một quyển, sách nói về quặng chì: một quyển, giá chín quan.

- Bản đồ địa lý, dịa chất (6 trang) (do tôi đã trích ra một trang xét các tầng viết ra bằng chữ Hán rõ ràng đóng vào quyển sách địa lý quyển đầu); bản vẽ các dụng cụ máy móc (20 trang), giá bốn mươi bảy quan.

- Hai bộ thủy thủ (Trong có chân có thước), giá năm mươi quan.

- Một bộ kỷ hạn nghi (dùng để lấy kinh độ vĩ độ và làm địa đồ), giá hai trăm sáu mươi lăm quan.

- Thức bì, một trang, giá một quan.

- Một thước tích phân bằng đồng, giá bốn quan.

- Sách Chính sự nước Pháp: Hai quyển, giá 7,02 quan.

- Sách Thiên văn: một quyển, giá 3,02 quan.

- Đồ đóng sách (còn thêm năm lần nữa), giá 16,04 quan.

- Thước đo nhiệt độ: bốn cái, giá 17,02 quan.

- Bàn xoay đinh ốc: Ba cái, giá 31 quan.

- Các bàn dập đinh ốc (có cái lớn cái nhỏ và đồ cưa sắt, giá ba trăm chín mươi bảy quan).

- Tự điển tiếng Pháp thứ lớn: hai quyển, giá mười lăm quan.

- Tự điển tiếng Pháp thứ nhỏ: hai quyển giá năm quan.

- Sách Văn phạm tiếng Pháp: mười chín quyển, giá mười tám quan.

- Sách học tiếng Pháp: sáu quyển giá mười một quan.

- Các mẫu đất đá nung thành gạch để làm lò nấu sắt: giá năm quan.

- Các lớp đất quặng và các thứ kim loại, ngọc thạch (mua về làm mẫu): giá một trăm quan.
__________________________________
1. Bản Hán văn Hv 189/4 tờ 71-72.
2. Bản Hán văn Hv 189/4 tờ 72-79.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #255 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 11:03:12 pm »


Nguyễn Trường Tộ lại mua thêm:

- Sách nói về các tầng địa chất: một bộ hai quyển, giá hai mươi quan.

- Sách Thiên văn: một quyển lớn (có nhiều hình vẽ), giá hai mươi hai quan.

- Sách nói về mỏ than và lấy kim loại cùng các thứ châu ngọc, ngọc thạch: một quyển lớn (Trong có phụ đính tám quyển, một bản đồ viết ra chữ Hán), giá ba mươi quan.

- Địa đồ tự vựng: một quyển, giá sáu quan.

(Tất cả các thứ trên đều đã mang về để tại sứ quán).

Tổng cộng: 1.266 quan

Còn các thứ đã mua xong, chưa kịp chở về, khi nào về đến sẽ xin bẩm nạp.

Các thứ ấy xin kê như sau:

- Bàn sắt có bánh xe: một bộ, giá một trăm bốn mươi quan.

- Điện khí thông tiêu: hai bàn, giá một trăm sáu mươi quan.

- Quang học tả chân: một bộ và các thứ bình đựng, giá bảy trăm hai mươi quan.

- Sách Trắc lượng: hai quyển, giá bốn quan.

- Sách Hàng hải: hai quyển, giá mười một quan.

- Sách điện khí thông tiêu: hai quyển, giá hai mươi quan.

Các thứ trên cộng lại là 1.055quan.

- Tiền thuê đóng thùng và chuyên chở bằng tàu lửa: bảy mươi tám quan.

Các khoản chi phí của hai phái viên lấy tiền nơi linh mục, kê như sau:

- Chuyến về, ba người ăn tại khách sạn Tu Long cộng chung là 473,518 quan (Mỗi người ở hai mươi ba ngày, thầy trò đều như nhau, nhờ người quen tìm khách sạn rẻ nhất).

- Tiền ăn ở tại nhà giảng đạo thành A Lịch Sơn nước Ai Cập một tháng bốn ngày, hai phái viên mỗi người 99,345 quan, tên Phú sáu mươi tám quan. Cộng ba người là 266,730 quan.

- Tiền ăn ở tại Viện Truyền Giáo thành Ba Lê Tư, mỗi người một trăm hai mươi lăm ngày. Phái viên mỗi người hết ba trăm bảy mươi lăm quan, tên Phú hai trăm năm mươi quan. Cộng chung ba người là một ngàn quan.

- Hai phái viên mượn tạm ở thành Ba Lê Tư một số tiền là 449,730 quan.

- Chuyến đi, ba người ăn ở tại khách sạn Tu Long, cộng chung là 19,20 (do nhờ người quen tìm ở khách sạn rẻ nhất).

- Khi đi, tại Tu Long thuê người khuân vác và đánh điện tín cho giám mục, ba người hết 14,10 quan.

- Tiền tàu lửa (hạng nhì) khứ hồi (từ Tu Long đi Ba Lê Tư, từ Ba Lê Tư về Tu Long) ba người hết 468,60 (còn các khoản tiền tàu lửa đi về ở nước Ai Cập, quan Pháp chưa tính).

- Chuyến về từ Tu Long đến Gia Định, tiền thuê bốc vác 99,230 quan (trong đó tiền bốc dỡ 17,230 quan, tiền khuân vác 12 quan). Còn các khoản đáp thuyền nhà nước đi về ăn uống, quan Pháp chưa tính.

Trên đây ba phái viên cộng chung hết 2.721,148. Lại thêm tiền đóng thùng tiền tàu lửa hết bảy mươi tám quan. Hai khoản cộng chung lại là 2.799,148 quan.

Tất cả các thứ đã mua về hiện để tại sứ quán, thưa phải nộp vào đâu xin chỉ rõ cho biết. Lại Nguyễn Trường Tộ bẩm rằng: “Các lớp đất quặng cùng các thứ kim loại ngọc quý, đó chính là do tự tay tôi chọn mua. Nếu như mua đủ các loại, mỗi loại một khối, số tiền sẽ lên đến một vạn quan, cho nên chỉ chọn mua ít thứ rất cần yếu mà thôi. Xem đó mới biết rằng trong đất đá có nhiều chất trông tựa hồ vàng bạc ngọc báu mà thực ra không phải. Nếu tìm được những đất đá có dạng khác lạ ở đâu mang lại so sánh tức phân biệt được thật giả. Số này nguyên mua được một trăm ba mươi lăm khối, trong đó tôi đã xét theo mỗi tầng lớp viết ra chữ Hán được năm mươi khối, số còn lại chưa có chữ Hán để viết. Tôi lại thân hành đến thành Kỳ Sơ Tô, nơi hầm khai quật mỏ than, nhặt được 20 khối đá, thuộc tầng trên của mỏ than; cũng xin phụ vào để làm mẫu. Kính bẩm nạp luôn”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #256 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 11:04:37 pm »


*

VI. 11. TỜ TRÌNH CỦA GIÁM MỤC GAUTHIER1

(Ngày 2 tháng 3 năm Tự Đức 21, tức 25-3-1868)

Giám mục Ngô Gia Hậu bẩm về việc xin đi theo thuyền nhà nước.

Bởi vì chuyến đi Pháp tôi có mang theo về hai linh mục và một giáo sĩ, trong đó, giáo sĩ này là người thông minh học rộng. Nhưng ông ta có bệnh cũ, trước nay ở phương Tây khí hậu lạnh lẽo chưa phát. Từ khi sang quý quốc, khí trời quá nóng, chứng bệnh phát dần, sợ lâu ngày lại sinh nhiều bất tiện. Ông ta xin tôi liệu biện làm sao giúp cho ông ta được trở về quê cũ là yên v.v...

Vậy khi nào sứ bộ lên đường, xin cho ông ta đi theo sứ thuyền hoặc đến Gia Định, hoặc đi Hương Cảng. Sau khi đến đó thì đã có đạo đồ Nguyễn Hoằng lo liệu cho ông ta về nước, không dám làm phiền Triều đình. Nay kính bẩm liệt vị đại nhân sáu Bộ soi xét.


*

VI. 12. TẤU CỦA CƠ MẬT VIỆN2

(Ngày 20 tháng 3 năm Tự Đức 21, tức 12-4-1868)

Thần Nguyễn Tri Phương, thần Vũ Trọng Bình, thần Phan Huy Vịnh, thần Trần Tiễn Thành tâu:

Nay cứ một tờ bẩm của Nguyễn Trường Tộ xin chép lại tiến trình.

Châu phê: Hãy giao cùng duyệt luôn.

Châu phê: Sứ ta đến đó? Cho dù tướng ấy muốn gây trở ngại cũng còn có nhiều người nước họ đem công lý ra chống lại. Hoặc cùng tướng cũ kết ân tình hay có thể tìm đường lối khác, không phải là không được, còn hơn ngồi nói suông.
__________________________________
1. Bản Hán văn Hv 189/4 tờ 79-80.
2. Bán Hán văn Hv 189/4 tờ 80.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #257 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 11:06:25 pm »

*

VI. 13. VIẾT THAY GIÁM MỤC GAUTHIER1

(Ngày 11 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 4-3-1868)

Giám mục Ngô Gia Hậu xin đem các khoản học tập kê ra sau này:

1. Thiên văn. Như sự vận hành của mặt trời mặt trăng, sự thuận nghịch của năm hành tinh, độ số giằng kéo của tinh vân, sự tính toán sai lệch của các hành tinh và thời tiết để làm lịch, tất cả những hiện tượng trên trời dưới đất, đã được học đều đem ra dạy. Trong đó có nhiều phương pháp mới, chép đủ cả trong sách, hiện đã mua về, khó lòng kể hết trong một lúc. Còn trong thiên văn, đã có trí học ở trong đó đợi đến khi giảng dạy, sẽ dần dần phân biệt sau.

2. Địa lý. Địa văn như bốn mùa, tám tiết, đêm, ngày, độ nóng lạnh, cho đến các hiện tượng khác như động đất. Trong đó có nhiều phương pháp, đủ cả trong các sách Tây đã mua về, bẩm nạp. Còn địa toán như mạch lạc sông núi và hình tích các địa tầng, có kim loại có ngọc và đá quý ra sao, các mỏ chìm nổi như thế nào cũng tạm phân biệt được, nhưng cần phải có nhiều công phu nghiên cứu mới được. Hiện đã có mua về đủ các sách để dạy (còn trong khoản thiên văn, địa lý, lại có một khoản toán học, cũng nên học tập trước).

Một khoản địa lý gọi là địa chính, trong đó có các phép đo đạc độ số để vẽ địa đồ trong nước, và còn dạy cho biết tất cả những núi, sông, hồ, bể, thành trì, thổ sản, thổ nghi, phong tục, chính sự hình thể lớn nhỏ mạnh yếu nhân dân, quan quân, những thứ có ở trên mặt đất của các nước trên địa cầu, cùng những phép hàng hải...

3. Hóa học. Trong có các phương pháp phân biệt các thứ vàng, bạc, đồng, thiếc, kẽm, sắt v.v... và các phép luyện kim để biết có lợi hay mất vốn. Ngoài ra còn nấu được các thứ thuốc để phân biệt các vật như nước tiêu cường, nước khoáng cường, các loại hỏa mai của phương Tây. Nhưng các đồ khí cụ hóa học hiện nay chưa về. Tôi đã bỏ tiền riêng ra mua sắm hơn hai ngàn quan để làm đồ dùng lúc đầu, khi dạy hóa học, và một trăm cân tiểu cường, cũng đều đã gởi đi, nhưng vì đường đi sóng gió núi bể xa xôi nên chưa về đến. Những món mua riêng đó là để cho giáo sư dùng chút đỉnh trong việc dạy mà thôi. Nếu muốn ứng dụng nhiều thì phải mua nhiều khí cụ mới được.

4. Trí học. Như phân biệt những khí loại, cần nhất là điện khí thông tiêu, cũng nên lấy khoản điện khí thông tiêu ra dạy học, còn nữa chưa cần lắm.

5. Cơ xảo. Đã có chữ nghĩa bản đồ đủ ở trong sách, chỉ chọn người biết rõ lý thuyết và công dụng, là có thể giảng dạy được những cơ khí hiện có. Trừ máy tàu thủy, không thể chỉnh lý được, còn các máy móc tầm thường khác có thể sắp xếp, như tháo từng bộ phận hoặc ghép tiếp vào được. Có một giáo sĩ tên là Lý (Nguyên người Y Pha Nho) giỏi về hóa học, cũng biết địa lý, đã từng học qua các môn nội, ngoại khoa về thuốc, nhưng chưa đem ra ứng dụng bao nhiêu. Lại như Ca Xanh, y có thể làm được máy tàu thủy đi đường sông, lại biết xây lò đúc sắt, có thể đúc thép gang. Có thể xây được lò lớn, chứa đựng hàng vạn cân quặng. Còn các máy móc khác nếu có bản vẽ và có người chỉ, y cũng làm được.

Các khoản trên đây, trừ Ca Xanh ra không kể, còn trong các môn giảng dạy như: thiên văn, địa văn hiện nay đã có sách, có dụng cụ rồi, bất kỳ lúc nào, cũng có thể bắt đầu dạy được. Các môn địa chính, địa toán cũng vậy. Nhưng môn địa toán cần phải dựa vào môn hóa học. Hiện nay các khí cụ dạy hóa học chưa về đến, chỉ có một ít do giáo sư mang về có thể làm được một vài thí nghiệm mà thôi.

Lần này tôi đã hết lòng liệu lý mọi việc, trông cho nước Nam có lợi mà ít tốn.

Nếu Triều đình quyết ý thực hiện, thì một mặt mở trường dạy học, một mặt xem học sinh tiến bộ như thế nào, mà mua thêm đồ dùng. Lúc đầu do nhỏ mà đến lớn, do nông mà vào sâu. Lúc đó quả có đắc lực thì lại thuê thêm những người giỏi, mở rộng việc dạy dỗ, như ở phương Tây, mới được công dụng lớn.

Còn như lần này, chỉ mới mở đầu khơi ngòi, cho người Nam tiêm nhiễm dần dần với phương Tây mà thôi. Nhưng cũng phải xem học sinh siêng nhác và tính tình ham thích như thế nào đã. Cho nên chúng tôi chưa dám quyết định thế nào. Ở phương Tây, một người học một nghề, học lâu mới thông thạo. Vả lại bên ấy đã thành nề nếp rồi, từ nhỏ mắt thấy tai nghe, gặp đâu cũng là học cho nên tự nhiên dễ tiếp thu, dễ học hơn người Nam nhiều.

Nay nếu Triều đình bắt buộc phải ấn định thời gian, thì tôi không dám phụng mệnh. Vả nước Tây đã có nhiều cách khuyến khích, mới khiến cho người ta phấn khởi học hành như lối khoa cử ở nước Nam vậy. Xin Triều đình nghĩ kỹ các duyên cớ, thế có thể làm được thì làm, mới ổn.

Nay kính bẩm
Nguyễn Trường Tộ ký

__________________________________
1. Bản Hán Văn Hv 189/3 tờ 13-15.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #258 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 11:09:52 pm »


*

VI. 14. VIẾT THAY GIÁM MỤC GAUTHIER1.

(Ngày 12 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 5-3-1868)

Nay vâng Bộ đường đại nhân truyền bảo giám mục và chúng tôi đi về tổn phí bao nhiêu phải kê khai rõ ràng các khoản.

Tôi xin kê như sau này: Đi về lần này, tổn phí ăn uống của giám mục gấp đôi chúng tôi. Khoản tổn phí ăn uống của chúng tôi ở thành Á Lịch Sơn và ở thành Ba Lê cũng như tiền hỏa xa ở nước Pháp (trừ tiền hỏa xa ở Ai Cập đã có sứ quán Tây chi cấp), mỗi người chi phí cũng như các phái viên. Hai món tiền này, do Tổng Giám mục tự xuất tiền của giáo viện ra chi cấp. Còn Giám mục Hậu và chúng tôi đi thuyền quan và tiền hỏa xa ở nước Ai Cập đã có nước Tây chi cấp, chúng tôi không phải chịu gì hết. Còn như chúng tôi tiêu phí riêng như: áo quần, xe pháo, và quà bánh lặt vặt, đều do chúng tôi tự liệu, gặp đâu tiêu đấy, không có sổ sách gì. Vả lại trước đây chúng tôi đã được Triều đình cấp phát cho một số tiền túi để chi dụng, chúng tôi rất lấy làm xấu hổ và sợ hãi nhưng khó từ chối được, nếu nay lại cứ theo luật mà khai ra, thì ra điều nhỏ nhen quá, không đành lòng. Vì vậy không dám kê khai nữa, xin miễn cho điều đó.

Nay kính bẩm.


*

VI. 15. VIẾT THAY GIÁM MỤC GAUTHIER2.

(Ngày 12 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 5-3-1868)

Về khoản trường học này, nếu học sinh ăn ở chung với giáo sư luôn, thì khi có quên, hoặc không hiểu điều gì có thể hỏi ngay, rất có lợi như thế thì phải có nhà cư trú cho học sinh. Nếu cứ theo thời khắc biểu mà đi về, thì không cần phải có nhà.

Còn như giáo sư, thì phải có nhà lớn, như nhà sứ quán. Trong có nhiều phòng để trữ riêng các khí cụ. Cũng phải có một vài chỗ để dạy riêng, nhưng dạy chung cũng nhiều, vì có nhiều lý sự quán xuyến nhau. Nếu dạy riêng mỗi nghề một nơi, thì thiếu thông ngôn. Vì các nghề ấy, lý sự nhiều khi sâu kín, nếu thông ngôn không hiểu chữ, hiểu nghĩa, thì nói ra có khi sai một ly đi một dặm. Cho nên thông ngôn cũng phải hiểu biết như các giáo sư thì thông dịch mới không sai.

Vả lại thông ngôn cũng đã hiểu qua sự lý các nghề, mới có thể nhân cái này biết cái kia, mà lấy những sự vật trước mắt mình thí dụ giải thích, thay cho giáo sư một phần, thì học sinh mới thông suốt dễ dàng. Những hạng thông ngôn được như thế rất khó kiếm, cho nên dạy riêng rất khó, mà phải có một ngôi nhà lớn. Tuy cũng có khi dạy riêng, nhưng phải ở gần nhau, qua lại xem xét, mới được dễ dàng tiện lợi. Lại như khoản thông ngôn, hiện nay rất là cần gấp, ắt phải phái người hết sức học tập, để dùng vào các việc qua lại thương thuyết sau này. Nếu muốn học tiếng Y Pha Nho, cũng có giáo sĩ dạy cho. Về các khoản dạy học này, chúng tôi cũng đều có dạy rồi cả. Nay học sinh đến học, thì phần nhiều học với chúng tôi, chứ không phải chuyên học với các giáo sư. Có điều là chúng tôi tuy giảng nói nhưng giáo sư thì có khí cụ. Có lời nói để giải thích, có khí cụ để chứng minh, thì sự hiểu biết mới trọn vẹn được. Nếu học sinh học hết những điều sở học của tôi, thì cũng đã tốn hết nhiều công phu rồi. Rồi từ đấy tiến lên, cũng không khó nữa.

Ngày nào bàn việc làm nhà, thì nên bàn với các giáo sư về cách sắp xếp các phòng trong nhà như thế nào mới được hoặc là kiểu nhà, có nhà lớn, hai bên có hai nhà nhỏ, để tiện cho học sinh ăn ở như kiểu nhà sứ quán cũng được. Hoặc tạm lấy sứ quán làm nhà học cũng có thể bớt phí tổn. Đợi sau thí nghiệm xem có thể mở rộng sự dạy dỗ, thì sẽ dựng một tòa nhà dạy học lớn, và mời thêm nhiều giáo sư nữa mới được.

Nay kính bẩm.
__________________________________
1. Bản Hán văn Hv 189/3 tờ 16.
2. Bản Hán văn Hv 189/3 tờ 17.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #259 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 11:13:34 pm »


*

VI. 16. VIẾT THAY GIÁM MỤC GAUTHIER1

(Ngày 19 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 12-3-1868 )

Giám mục Ngô Gia Hậu xin đem tình thật bẩm rõ như sau:

Nguyên năm trước ở Nghệ An, chúng tôi đã có tờ bẩm lên Bộ nói rằng: Nếu chúng tôi được phái đi Tây, thì tổn phí đi về, đều do chúng tôi tự chịu lấy.

Đến ngày lên Kinh, thầy trò chúng tôi lại được cấp cho một khoản tiền mang theo người, thế khó từ chối, chúng tôi thật vô cùng áy náy.

Nay Bộ lại truyền báo khai thật cho rõ ràng. Chúng tôi nghĩ lại lời nói trước đây thật khó mở miệng, vì thế mà chần chừ chưa quyết.

Xin cho đình chỉ việc bắt kê khai các khoản, chúng tôi rất cám ơn.

Nay kính bẩm lên Lễ Bộ đường đại nhân soi xét.


*

VI. 17. VIẾT THAY GIÁM MỤC GAUTHIER2

Giám mục Ngô Gia Hậu xin đem các dụng cụ, do Bộ trưởng Ngoại giao của Triều đình Pháp tặng cho trường học, liệt kê như sau:

(Châu phê: Hỏi xem những thứ này đã đem về sứ quán chưa? Nếu đem về rồi, khá trình xem để biết).

- Chính kỷ hạn nghi, một cái.

- Kính thiên văn, hai cái (Một cái lớn bề mặt ước năm tấc và một cái nhỏ), đều dùng để xem thiên văn.

- Quang học tả chân, một cái.

- Đồng hồ, hai cái thật tốt, dùng để đi biển.

- Phong vũ biểu, ba cái.

- Hàn thử xích, năm cái.

- Máy điện tín, một bộ, đầy đủ các dụng cụ bên trong. Giám mục còn xuất tiền riêng ra mua một số dụng cụ rời thêm vào (hai trăm năm mươi quan).

- Lượng thiên xích, một cái.

- Kính hiển vi, một cái.

- Ống rút khí, một cái.

- Máy phát điện, một cái.

- Tá địa chủ, một cái.

- Bản đồ đi biển, một cuộn lớn.

- Các dụng cụ trên đây đều do Triều đình Pháp tặng cho tôi để dùng vào việc dạy học. Nay giao tất cả cho các giáo sư để giúp cho học sinh tập sử dụng, nên làm tờ kê khai này. Về giá tiền các dụng cụ đó ước vào khoảng một vạn quan. Nếu không dạy học, tôi cũng không dùng nó làm gì.

Nay bẩm.
Nguyễn Trường Tộ ký.

(Châu phê: Nguyên tên Hậu đã nói rõ như thế, có nên bảo bọn tên Hương nạp tất cả chăng? Giá tiền hoàn lại bao nhiêu do Bộ hỏi tên Hậu rồi phúc trình ).

__________________________________
1. Bản Hán văn Hv 189/3 tờ 18.
2. Bản Hán văn Hv 189/3 tờ 19.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM