Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:58:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo  (Đọc 145741 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:35:12 pm »


Tên sách: Nguyễn Trường Tộ-Con người và di thảo
Tác giả: Trương Bá Cần
Nhà xuất bản: TP. Hồ Chí Minh
Năm xuất bản: 2002
Số hoá: ptlinh, chuongxedap




LỜI TỰA

600 trang đánh máy, khổ pelure dài, lối 300.000 chữ, trong đó 4/5 là di thảo của một con người sinh cách chúng ta 158 năm và mất cách chúng ta 117 năm1.

Tôi được vinh hạnh - có lẽ - là một trong những độc giả đầu tiên của công trình nghiên cứu lịch sử đồ sộ này của Trương Bá Cần, với tôi, một bè bạn, dù anh và tôi có một khác biệt, trên một nghĩa nào đó, khá lớn: anh là một linh mục, tất nhiên tin ở Chúa, còn tôi, một đảng viên Cộng sản, tất nhiên vô thần. Và, linh mục Trương Bá Cần muốn tôi viết tựa cho quyển sách của anh.

Chắc chắn tôi không viết nổi bài tựa cho một thành quả lao động tốn nhiều năm tháng của một Tiến sĩ sử học mà, hơn một mặt, tôi hiểu thái độ nghiêm túc của anh - không chỉ trong trường hợp đặt Nguyễn Trường Tộ dưới ánh sáng của hiện thực lịch sử.

Vả lại khi tôi đọc bản thảo, vụ “phong thánh” ít nhiều quấy rối tâm tư tôi. Theo ý riêng - hoàn toàn ý riêng của tôi - Nguyễn Trường Tộ đáng được hiển thánh theo cái nghĩa cả thế tục lẫn tôn giáo. Nếu quả con người có linh hồn và linh hồn vẫn tồn tại khi trái tim con người ngừng đập, thì Nguyễn Trường Tộ hiện đang ở cạnh Chúa, với vị trí cao, rất cao.

Tôi biết tiếng anh Trương Bá Cần trước lúc gặp anh - tôi chỉ gặp anh sau ngày 30-4-1975. Trong hoạt động bí luật, tôi đọc anh và khâm phục, nhưng tôi khâm phục các anh Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Huỳnh Công Minh, Vương Đình Bích, Nguyễn Hồng Giáo, Phan Khắc Từ, Nguyễn Nghị... Bài nghiên cứu của anh - tôi hoàn toàn thông cảm những hạn chế mà anh bắt buộc phải chấp nhận do điều kiện tồn tại của anh - về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau 1954
2, gieo trong chúng tôi sự tôn trọng tính dũng cảm của một linh mục giữa muôn trùng hiểm nguy mà chiếc áo chùng thâm và cây thập giá không phải lúc nào cũng giữ vai trò hộ mệnh tuyệt đối.

Bây giờ, tôi đọc Nguyễn Trường Tộ của anh. Điều anh mang lại cho tôi là: Cần đánh giá công bằng cống hiến của mọi con người Việt Nam, dù theo tín ngưỡng nào, trong những bối cảnh vô cùng phức tạp.

Tôi thường nghĩ: thật dễ dàng nói về điều không hay của Giáo hội đạo Thiên Chúa ở Việt Nam suốt mấy trăm năm mà đạo Thiên Chúa “đổ bộ” lên miền đất này, nhưng điều đáng quý là tìm trong mớ hỗn độn ấy - có cái thuộc quy luật quá trình phát triển của thế giới, có cái do kẻ ngoài lợi dụng đạo Chúa, có cái từ trình độ ấu trĩ của vua quan ta… những tia sáng, nhỏ và lớn, để hiểu thêm chiều sâu của phẩm giá dân tộc Việt Nam.

Nếu Nguyễn Trường Tộ là một người lương, các “điều trần” của ông vẫn đặc biệt như Nguyễn Lộ Trạch, nhưng Nguyễn Trường Tộ là một tín đồ đạo Thiên Chúa, các “điều trần” của ông càng tôn vinh ông. Tôi không đi vào khía cạnh “đổi mới tư duy” mà ông kiên trì, tôi chỉ muốn nhấn mạnh những kiến nghị vì lợi ích của đất nước, mà với tư cách một tín đồ đạo Thiên Chúa đang bị Triều đình ngược đãi, dân chúng nghi kỵ, ông không ngần ngại trình bày, hy vọng nhà vua đảo ngược thế cờ, chuyển nguy thành an, chuyển yếu thành mạnh, chuyển lạc hậu thành tiên tiến cho cả quốc gia, bấy giờ, đứng trước khả năng sụp đổ không phải khó thấy.

Nguyễn Trường Tộ là một trí thức - theo nghĩa gần với hiện đại. Phân tích kỹ các “điều trần”, chúng ta dễ dàng phát hiện tính “không tưởng” ở một số chủ trương của Nguyễn Trường Tộ - Ông nóng vội và nhất là ông không biết cơ chế của triều Tự Đức không bao giờ cho phép suy nghĩ của ông trở thành hiện thực bởi chúng đụng đến bức tường lạc hậu kinh khủng về học vấn, về khoa học, sự mụ mẫm trong đầu các quan lại cao cấp, kể cả đấng chí tôn - nhưng ông vẫn không mệt mỏi. Tấm lòng yêu nước thúc đẩy ông. Ta quý Nguyễn Trường Tộ ở chỗ đó.

Nguyễn Trường Tộ được giới học giả Việt Nam nghiên cứu trước anh Trương Bá Cần khá lâu. Do những hạn chế về tư liệu, cũng không loại trừ hạn chế về quan điểm khi đem một tín đồ đạo Thiên Chúa ra phán xét, những công trình chỉ mới tiếp cận Nguyễn Trường Tộ. Anh Trương Bá Cần làm nốt phần dở dang cũ, với thái độ của một nhà khoa học. Anh cố gắng để Nguyễn Trường Tộ tự nói, tự giới thiệu, tự “điều trần”. Sẽ quá sớm nếu chúng ta cho rằng anh Trương Bá Cần đã hoàn thành ý định. Tư liệu tuy dồi dào song không thể coi như đầy đủ. Các nhà khoa học khác - hoặc chính anh Trương Bá Cần - sẽ bổ sung, để chúng ta có một gương mặt Nguyễn Trường Tộ, theo thời gian, hoàn chỉnh hơn.

Nguyễn Trường Tộ, qua Trương Bá Cần, “điều trần”. Thật may cho danh sĩ đất Nghệ Tĩnh, đọc “điều trần” của ông là chúng ta, những người đang sống cuối thế kỷ 20 và không phải là vua Tự Đức cùng các triều thần chẳng chấp nhận cái gì cả ngoài Tứ thư, Ngũ kinh...

Bây giờ, hãy để tác giả phụ - linh mục Trương Bá Cần - và tác giả chính - Nguyễn Trường Tộ - nói với người đọc.


Cuối tháng 6-1988
TRẦN BẠCH ĐẰNG

_________________________________________
1. Lời tựa viết năm 1988.
2. Bài “25 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc” của Linh mục Trương Bá Cần đăng trên ĐỐI DIỆN tháng 9, 10, 11-1970.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 12:24:07 pm »


LỜI NÓI ĐẦU

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ là một nhân vật lịch sử được nói đến tương đối nhiều trên các sách báo trong lấy chục năm gần đây, cụ thể là từ năm 1925 là năm mà Tạp chí NAM PHONG (số tháng 11-1925), lần đầu tiên, công bố một bài viết của Nguyễn Trường Tộ gởi lên Triều đình vua Tự Đức.

Thực ra, trước đó từ lâu, trong nhân dân, nhất là ở quê hương Nghệ Tĩnh, đã có truyền tụng về một ông “TRẠNG TỘ” học rộng, tài cao, chí lớn, trước vận nước nguy nan, đã hết lòng cung hiến nhiều ý kiến mới mẻ, nhiều kế sách cứu cấp. Ngày 14-6-1925, người ta đã lấy tên của Nguyễn Trường Tộ đặt cho lnột trường học ở Vinh...

Tuy nhiên, trước NAM PHONG chưa hề thấy sách báo nào ở Việt Nam nhắc đến tên Nguyễn Trường Tộ. Ngay “ĐẠI NAM THỰC LỤC” là bộ chính sử của nhà Nguyễn cũng chỉ nói đến Nguyễn Trường Tộ ở ba chỗ1 một cách rất sơ sài. Phan Bội Châu, trong “VIỆT NAM QUỐC SỬ KHẢO”, có nhắc đến tên Nguyễn Trường Tộ; nhưng cuốn sách này được viết bằng chữ Hán và xuất bản năm 1908 ở Nhật Bản và năm 1962 mới được dịch ra tiếng Việt ở Hà Nội2. Phải nói là từ năm 1925 trở đi, người ta mới chú ý sưu tầm và tìm hiểu rộng rãi về Nguyễn Trường Tộ.

Trước khi đi vào các phần chính của sách này, có một số điểm xin lần lượt giới thiệu như sau:


SÁCH BÁO VIẾT VỀ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ TỪ NĂM 1925 ĐẾN NĂM 1945

Trong hai năm 1925 và 1926, NAM PHONG chí đăng hai bài về Nguyễn Trường Tộ như để thăm dò: số 100, tháng 11-1925, đăng bài “Nguyễn Trường Tộ điều trần thiên hạ đại thế luận nguyên tập”. Số 102, tháng 1-1926 đăng bài “Nguyễn Trường Tộ tiên sinh tiểu sử” của Lê Thước. Rồi trong 6 tháng liên tiếp (từ tháng 5 tới tháng 10-1927, tức từ số 117 cho đến 122) NAM PHONG giới thiệu bảy văn bản của Nguyễn Trường Tộ. Nếu cứ theo đà đó chỉ trong vài năm, NAM PHONG sẽ có thể giới thiệu toàn bộ tư liệu về Nguyễn Trường Tộ. Được vậy thì quý báu biết bao cho những người làm công tác nghiên cứu sau này!

Nhưng chủ đích của NAM PHONG, như chúng ta điều biết, là cổ vũ cho việc âu hóa, cho việc hợp tác với Pháp, chấp nhận ảnh hưởng của Pháp, chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Chính vì thế là tất cả những bài viết của Nguyễn Trường Tộ được đăng tải trong NAM PHONG cho tới tháng 10-1927 đều chỉ gồm những bài nội dung có chiều hướng chủ trương hợp tác với Pháp, canh tân đổi mới theo Tây phương. Các bài viết về Nguyễn Trường Tộ và các bài viết của Nguyễn Trường Tộ trong NAM PHONG cho tới tháng 10-1927 đều bằng chữ Hán, không có gì về Nguyễn Trường Tộ trong phần tiếng Việt (mỗi số NAM PHONG đều gồm một phần chữ Hán và một phần chữ Việt). Rõ ràng là NAM PHONG chỉ muốn nhằm vào tầng lớp nho sĩ còn chống Pháp, chống ảnh hưởng của Pháp.

Nhưng Nguyễn Trường Tộ, trong các bài viết của mình, chủ trương hòa hoãn với Pháp, chủ trương cải cách theo Tây phương là để làm cho dân giàu nước mạnh, rồi tìm cách thoát khỏi vòng kềm tỏa của Pháp. Chính vì thế mà NAM PHONG phải dừng lại ở số 122, tháng 10-1927. Ngay trong nhiều bài của các số trước, NAM PHONG đã tự ý cắt bỏ những đoạn bất lợi cho Pháp. Tháng 1-1933, trong số 180, NAM PHONG còn cho đăng một bài bằng tiếng Việt của Nguyễn Trọng Thuật, nhan đề “Nguyễn Trường Tộ trên lịch sử Việt Nam”. Đó là bài cuối cùng về Nguyễn Trường Tộ trong NAM PHONG.

Từ năm 1937 - 1938 trở đi, sau khi Mặt trận Bình dân ở Pháp tan rã, những nới rộng về tự do dân chủ ở Đông Dương cũng chấm dứt. Không còn đấu tranh công khai được cho tinh thần dân tộc, cho lòng yêu nước, nhằm giành lại độc lập cho xứ sở, nhiều nhà báo, nhà văn bắt đầu nói đến Nguyễn Trường Tộ như một niềm tự hào của dân tộc, như một tấm gương yêu nước của một con người đã dành cả cuộc đời vì nước vì dân. Và đỉnh cao của thời kỳ này là cuốn sách của ông Từ Ngọc Nguyễn Lân, nhan đề “Nguyễn Trường Tộ” do Viễn Đệ, Huế xuất bản năm 1941 và Mai Lĩnh, Hà Nội tái bản năm 1942. Sách khổ nhỏ, chỉ dày 145 trang. Đây là lần đầu tiên có một cuốn sách, tuy sơ lược nhưng trình bày tương đối đầy đủ, về con người và tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ. Tác giả đã nói rõ ý đồ của mình ngay trong “Mấy lời ngỏ trước” rằng: “Một người có cái kiến thức sâu rộng như tiên sinh, có lòng yêu nước trên hết như tiên sinh, ta có bổn phận phải luôn luôn nhắc nhở đến tên tuổi, để treo một gương sáng giữa các anh em thiếu niên ngày nay, và nhất là để bày trước mặt các bạn du học sinh tấm hoài bão thiết tha của nhà Tây học sớm nhất của đất nước”.

Một điều đáng chú ý nữa của thời kỳ này là Dương Quảng Hàm đã đem Nguyễn Trường Tộ và sự nghiệp của ông vào trong một quyển sách giáo khoa dạy văn dành cho chương trình Trung học Pháp - Việt thời bấy giờ, “VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU”. Tất cả các tác giả thuộc thời kỳ này đều có ít nhiều tham khảo các bài viết của Nguyễn Trường Tộ, ít nữa là những bài đã được đăng tải trên NAM PHONG.
______________________________________________
1. “Đại Nam Thực Lục, bản dịch của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội:
    Tập 31, trang 33: 3 dòng.
    Tập 31, trang 57: 3 dòng.
    Tập 31, trang 59 - 70: 21 dòng.

2. “Việt Nam Quốc sử khảo” bản dịch tiếng Việt của Trương Thâu, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 1962: “Những năm cuối thời Tự Đức (...) đã có người xin cử người xuất dương học binh pháp của người Tây Âu (...) Thừa Thiên có Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ; Quảng Ngãi có Nguyễn Đức Thuấn (có lẽ là linh mục Đặng Đức Tuấn?); Nghệ An có Nguyễn Trường Tộ. Họ chính là những người đã giồng cái mầm khai hóa trước tiên” (trang 68-69).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 12:29:51 pm »


SÁCH BÁO VIẾT VỀ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
TRONG VÙNG “QUỐC GIA” TỪ 1946 ĐẾN 1975

Tháng 9-1945, Thực dân Pháp trở lại Việt Nam, núp dưới bóng quân đội Anh tới giải giáp quân đội Nhật. Từ đó, một vùng “quốc gia” dần dần được hình thành, bao gồm phần lớn các đô thị trên cả nước và sau Hiệp định Genève (21-7-1954) thu gọn lại ở Nam vĩ tuyến 17.

Trong vùng “quốc gia” này, luôn luôn có sự hiện diện của quân đội Pháp, rồi quân đội Mỹ. Nhưng thực dân Pháp, sau này, không hoàn toàn giống như thực dân Pháp trước Cách mạng tháng 8 (1945) và người Mỹ thì vốn khác với người Pháp vì theo chủ nghĩa thực dân mới. Chính vì vậy mà trong thời kỳ này, chủ trương canh tân để tự lực tự cường nhằm thoát nanh vuốt của ngoại bang, một chủ trương bàng bạc trong tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ, không còn đáng quản ngại. Người ta lại bắt đầu viết về Nguyễn Trường Tộ như một người yêu nước “sáng suốt” nhất của thế kỷ 19. Dĩ nhiên nội dung những bài viết về Nguyễn Trường Tộ trong thời kỳ này cũng như trong thời kỳ trước, phần lớn đều có chủ đích chính trị.

Chúng ta thấy trong suốt thời kỳ dưới chiêu bài của Bảo Đại (1946 - 1954), chỉ có một vài bài báo nói đến Nguyễn Trường Tộ. Nhưng từ khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền (1954 - 1963), Nguyễn Trường Tộ được nói đến nhiều và ông được trình bày như một chí sĩ, đàn anh của “chí sĩ” Ngô Đình Diệm.

Chắc chắc không phải vì mục đích thuần túy văn hóa mà Tạp chí VĂN HÓA Á CHÂU, do cơ quan Văn hóa Á châu (Asia Foundation) tài trợ, đã cho dịch đăng lại những bản văn bằng chữ Hán của Nguyễn Trường Tộ đã đăng trên NAM PHONG trước đây.

Tích cực hơn cả trong thời kỳ này là nhóm nhà văn nhà báo, những người thân tín của chế độ Ngô Đình Diệm, những người chủ trương tờ VĂN ĐÀN và TINH VIỆT văn đoàn.

Tháng 11-1961, nhân kỷ niệm 90 năm ngày mất của Nguyễn Trường Tộ, VĂN ĐÀN có một số đặc biệt về Nguyễn Trường Tộ. Số báo đặc biệt này của VĂN ĐÀN có nêu lên được một vài điểm mới trong việc nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ so với trước đó. Nhưng chủ đích của VĂN ĐÀN cũng là để cổ vũ cho một tinh thần “Quốc gia”. Trong bài “Người yêu nước sáng suốt”, Chủ bút tuần san VĂN ĐÀN đã nói rất rõ rằng: “Nguyễn Trường Tộ quả thực là sự hy sinh hiến dâng cho Tổ quốc! Giữa lúc “Tổ quốc lâm nguy” hiện nay, hơn bao giờ hết, tấm gương yêu nước sáng suốt của ông phải được treo cao cho toàn thể soi chung”.

Hoài bão của VĂN ĐÀN, được nói đến trong số đặc biệt này, là thành lập một “Ủy ban Nguyễn Trường Tộ”.

Ngày 22-11-1971, nhân kỷ niệm 100 năm ngày từ trần của Nguyễn Trường Tộ, TINH VIỆT văn đoàn lại tổ chức “Bách chu niên Nguyễn Trường Tộ”, để ra mặt “Ủy ban quốc gia Nguyễn Trường Tộ”, do một thượng nghị sĩ Công giáo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của chế độ Sài Gòn lúc bấy giờ, làm chủ tịch, gồm các mục đích sau:

- Dựng tượng hay đài kỷ niệm Nguyễn Trường Tộ tại Sài Gòn và các tỉnh.

- Sưu tầm, phiên dịch, nghiên cứu và phổ biến các văn bản của Nguyễn Trường Tộ cùng các sách báo nói về Nguyễn Trường Tộ.

- Lập giải thưởng đặt tên “Giải thưởng Nguyễn Trường Tộ” để tưởng thưởng cá nhân, đoàn thể, tổ chức, tác phẩm hay công cuộc của người trong nước hay nước ngoài “có thể đóng góp vào cuộc phát triển quốc gia Việt Nam mà Nguyễn tiên sinh đã tiêu biểu một cách phong phú”.

Ít lâu sau, “Ủy ban quốc gia Nguyễn Trường Tộ” được đổi thành “Hội phát triển tinh thần Nguyễn Trường Tộ”.

Ngày 17-12-1972, “Giải thưởng Nguyễn Trường Tộ” đầu tiên được tặng cho Hội Văn hóa Bình dân, gồm một huy chương, một bản tuyên dương và một tấm ngân phiếu 100.000 đồng.

Trong suốt thời kỳ này, chỉ có thêm được một số bản dịch các bài viết của Nguyễn Trường Tộ. Ngoài ra, phần đông các tác giả chỉ lặp lại hoặc suy diễn trên những gì đã được viết về Nguyễn Trường Tộ trước đó mà thôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 12:31:15 pm »


 
SÁCH BÁO VIẾT VỀ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
DƯỚI CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TỪ NĂM 1954 CHO ĐẾN NAY

Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trong những năm 1960-1961, trên tạp chí NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ, người ta thấy có chiến dịch đánh giá lại những nhân vật lịch sử. Hồ Quý Ly, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ lần lượt cũng được đưa ra mổ xẻ...

Nói chung ai cũng nhìn nhận Nguyễn Trường Tộ là người có tài và có tâm huyết. Nhưng về các chủ trương và chính sách của ông, thì có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên phần đông các tác giả chỉ dựa trên những gì đã được viết về Nguyễn Trường Tộ để đánh giá Nguyễn Trường Tộ theo những tiêu chuẩn của xã hội mình.

Ngoài những bài viết có tính cách phong trào này, ở miền Bắc đã có một nỗ lực nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ rất nghiêm túc. Các văn bản bằng chữ Hán của Nguyễn Trường Tộ được thu thập, được dịch và được công bố một phần trong cuốn “NGUYỄN TRƯỜNG TỘ VÀ NHỮNG ĐỀ NGHỊ CẢI CÁCH CỦA ÔNG”, do Chương Thâu và Đặng Huy Vận soạn, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1961, 242 trang, khổ 13 × 19.

Đây lâ một cuốn sách cung cấp nhiều tư liệu nhất về Nguyễn Trường Tộ từ trước cho tới nay. Tuy nhiên các tài liệu chưa được sắp xếp và đối chiếu, vì thế giá trị sử dụng còn rất hạn chế.

Từ đó cho tới nay, thỉnh thoảng trên các chuyên san của miền Bắc như Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Tạp chí Triết học cũng thấy xuất hiện một vài bài viết về Nguyễn Trường Tộ của những tác giả quen thuộc, nhưng không có gì mới.

Nói tóm lại, qua các sách báo viết về Nguyễn Trường Tộ, từ trước cho tới nay, chúng ta thấy: Nguyễn Trường Tộ là người có trí thông minh, nhìn xa thấy rộng, có tài ứng dụng, nhưng không gặp thời, nên những đề nghị cải cách của ông không được đem ra sử dụng. Do đó, ông đã thực sự không đóng một vai trò nào trong lịch sử, ngoài vai trò làm chứng về tấm lòng của một con người, về vận hội của một đất nước.

Ngày nay, nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ, chúng ta không nhằm mục đích đánh giá Nguyễn Trường Tộ để đề cao hay hạ thấp, mà chỉ tìm hiểu một con người, một thời đại.

Con người của Nguyễn Trường Tộ sống cách xa chúng ta hàng trăm năm, nhưng vẫn là con người Việt Nam với dòng máu anh hùng được truyền từ Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh...

Thời đại của Nguyễn Trường Tộ là thời đại phong kiến, nhưng cũng là một thời đại bao gồm những con người, về quan điểm giai cấp và về kiến thức khoa học, có khác với chúng ta ngày nay, nhưng về bản chất vẫn là những con người Việt Nam với những ưu điểm và nhược điểm như đã ăn sâu vào trong máu thịt.

Đọc thẳng vào các bài viết của Nguyễn Trường Tộ, hiểu được cuộc đời và tư tưởng của ông, chúng ta sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho hiện tại cũng như tương lai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 12:34:35 pm »


SỰ HÌNH THÀNH CỦA MỘT ƯỚC VỌNC MỚI VỀ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

Những năm 1942-1950, lúc còn học ở Tiểu Chủng viện Xã Đoài (thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ngày nay), tôi đã được nghe nói về Nguyễn Trường Tộ. Bởi vì, đối diện với Tiểu Chủng viện Xã Đoài, ở bên kia bờ Kênh Gai, là làng Bùi Chu, quê quán của Nguyễn Trường Tộ. Ở đó, tôi đã có lần được tham quan ngôi nhà tương đối khang trang của gia đình Nguyễn Trường Tộ và ngôi mộ mới xây của ông do Từ Ngọc Nguyễn Lân và một số nhân sĩ ở Nghệ Tĩnh đóng góp; tôi lại được đọc cuốn “NGUYỄN TRƯỜNG TỘ” của Từ Ngọc Nguyễn Lân do Viễn Đệ - Huế xuất bản năm 1941. Đó là cuốn sách được coi như đầy đủ nhất về Nguyễn Trường Tộ lúc bấy giờ.

Năm 1960-1963, khi viết luận án về những cuộc thương thuyết giữa Pháp và triều đình vua Tự Đức trong thời kỳ 1862-1874, tôi đã phải nói về Nguyễn Trường Tộ. Để tìm tư liệu cho đề tài, tôi đã tìm đọc trong các thư viện và các kho lưu trữ ở Paris, nhưng cũng chỉ thấy những quyển sách và những bài báo viết về Nguyễn Trường Tộ trước đó mà thôi.

Kho lưu trữ của Hội Truyền giáo Nước ngoài của Paris (Missions Etrangères de Paris = M.E.P) là nơi, do những liên hệ giữa Nguyễn Trường Tộ và Giám mục Gauthier, một thành viên của Hội, có thể có những dấu vết về Nguyễn Trường Tộ. Nhưng thời đó, kho lưu trữ của Hội Truyền giáo Nước ngoài của Paris, ở 128 rue du Bac, không mở cửa cho các nhà nghiên cứu; tôi chỉ được đọc qua ông Georges Taboulet, một nhà nghiên cứu về Đông Dương, đã chép được hầu như toàn bộ thư của các thừa sai của Hội ở Việt Nam thời đó và tôi cũng không thấy có tư liệu gì nhiều về Nguyễn Trường Tộ: Trong các thư của mình, Giám mục Gauthier thỉnh thoảng có nói đến Nguyễn Trường Tộ, nhưng không nêu tên, mà chỉ nêu biệt hiệu “Kiến trúc sư”. Sau này, người quản thủ kho lưu trữ của Hội Truyền giáo Nước ngoài của Paris, trong một văn thư đề ngày 1-12-1971, trả lời cho một người hỏi về Nguyễn Trường Tộ rằng: “Tôi không thấy có tên này trong kho lưu trữ của Hội. Tôi hoàn toàn biết rõ như vậy bởi vì tôi đã tìm khắp các giấy tờ có liên quan đến ông mà không thấy đâu cả”.1

Tôi đã có nhờ tìm trong thư viện của Triều đình Huế, lúc bấy giờ vừa mới được chuyển về Đà Lạt, nhưng cũng không thấy có văn bản nào của Nguyễn Trường Tộ.

Qua cuốn “NHỮNG ĐỀ NGHỊ CẢI CÁCH CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ” do Đặng Huy Vận và Chương Thâu xuất bản ở Hà Nội năm 1961, tôi biết là ở miền Bắc có nhiều tư liệu mới về Nguyễn Trường Tộ và tôi đã tìm cách liên lạc xin sao chụp, nhưng do tình hình đất nước bị chia cắt lúc bấy giờ, nên đã không có kết quả.

Sau này đất nước được thống nhất, tôi đã xin chụp được tất cả các bản văn bằng chữ Hán của Nguyễn Trường Tộ trong thư viện của Viện Sử học và Viện Hán Nôm ở Hà Nội.

Anh Chương Thâu, là người đã cùng với Kiều Hữu Hỹ và Trần Lê Hữu dịch các bản văn của Nguyễn Trường Tộ, có nhã ý chuyển cho tôi toàn bộ các bản dịch, trong đó phần lớn chưa được xuất bản. Anh Trần Văn Quyền, cán bộ của Viện Hán Nôm, với sự đồng ý của Viện, cũng đã vui lòng giao cho tôi các bản dịch của anh về Nguyễn Trường Tộ.

Với bốn tập của bộ HV 189 và bốn tập của bộ HV 634, hiện đang được lưu giữ tại thư viện Viện Sử học ở Hà Nội, chúng ta có gần như toàn bộ các văn bản của Nguyễn Trường Tộ mà chúng ta có thể có được. Dĩ nhiên đây chỉ là những bản sao chép lại. Bản gốc, gồm các văn bản chính thức được gởi cho Triều đình Huế và những bản thảo, bản sao được giữ trong gia đình Nguyễn Trường Tộ, theo ông Đào Duy Anh, thì đã bị chính ông làm thất lạc, không biết là có ai đó còn giữ được hay đã trở thành bùn đất2.

Sau khi nhận thấy là, trước mắt, không thể chờ đợi thêm ở một ngnồn tư liệu nào nữa, chúng tôi xin sơ khởi giới thiệu “Con người và Di thảo” của Nguyễn Trường Tộ, với nội dung gồm ba phần như sau:

I. NGUYỄN TRƯỜNG TỘ - CON NGƯỜI

II. NGUYỄN TRƯỜNG TỘ - DI THẢO

III. PHỤ LỤC

Để viết về “Con người của Nguyễn Trường Tộ” tôi đã dựa chủ yếu vào các bài viết của Nguyễn Trường Tộ và cũng đã sử dụng các tư liệu và các bài viết về Nguyễn Trường Tộ đã được đối chiếu và phối kiểm, nhằm khẳng định những gì có thể khẳng định được và những gì chưa khẳng định được thì cũng cố gắng vạch rõ ranh giới của vấn đề đang được đặt ra.

Để hoàn thiện các bản dịch, “Di thảo của Nguyễn Trường Tộ”, Tiến sĩ Lý Kim Hoa, cộng tác viên của Phòng tư liệu Tuần báo Công giáo và Dân tộc, đã đối chiếu các bản chép tay hiện có và đã tham khảo tất cả các bản dịch để đề nghị một bản dịch tiếng Việt, theo chủ qnan, là phù hợp hơn cả.

Những bản văn có liên quan tới Nguyễn Trường Tộ mà không phải là của Nguyễn Trường Tộ, được xếp vào phần “Phụ lục”.
 
Cuốn sách này muốn được xem như một bước phát triển mới trong việc nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ. Rất mong sự đóng góp và tiếp tục của các nhà nghiên cứu.
 
TRƯƠNG BÁ CẦN

_________________________________________
1. Xem C.V.P, Giáo phận Vinh, Nghệ-Tĩnh-Bình, tài liệu đánh máy, trang 259. Trong những năm 1996 và 1999, kho lưu trữ của Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris đã được cho tham khảo, tôi đã đọc rất kỹ các thư từ và tài liệu thuộc giai đoạn này nhưng cũng đã không tìm thấy gì hơn.
2. Xin xem bài “Tôi đã mang tội để mất những tài liệu quý về Nguyễn Trường Tộ như thế nào?”. Tuần báo CÔNG GIÁO VÀ DÂN TộC số đề ngày 12-7.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2010, 08:35:20 am »


NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
con người



Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1830, trong một gia đình theo Công giáo từ nhiều đời ở làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) và mất ngày 22 tháng 11 năm 1871 tại Xã Đoài (nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

- Về năm sinh của Nguyễn Trường Tộ, thì theo Lê Thước, trong bài Nguyễn Trường Tộ tiên sinh tiểu sử, đăng trên NAM PHONG số 102, và hầu hết các tác giả, tiếp sau đó, đều nói: Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828, Minh Mạng năm thứ 9. Riêng Nguyễn Trường Cửu con trai của Nguyễn Trường Tộ, trong Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ, không nói năm sinh, nhưng nói: “mất ngày 10 tháng 10 năm Tự Đức 24... thọ 41 tuổi”. Thực ra Lê Thước, ở cuối bài cũng nói “thọ 41 tuổi”1.

Hiện nay, chúng ta không có đủ tài liệu để xác định một cách chắc chắn về năm sinh của Nguyễn Trường Tộ. Nhưng nếu ông mất năm Tự Đức 24, tức năm 1871 và thọ 41 tuổi, thì năm sinh phải là 1830, chứ không thể 1828. Ngày mất và tuổi thọ của một con người thường được gia đình truyền đạt một cách chuẩn xác.

- Về quê quán của Nguyễn Trường Tộ, cũng có nhiều chỗ khác nhau: Lê Thước2 nói: Làng Bùi Chu (Bùi Chu thôn); Đinh Văn Chấp3 nói: người Bùi Ngõa (Bùi Ngõa nhân); Nguyễn Trường Cửu nói “Ông Tộ là người Đoài Giáp, người ta quen gọi là Xã Đoài4. Bùi Chu và Bùi Ngõa là hai làng kế cạnh nhau, nay cùng thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Còn Đoài Giáp là một địa danh nay không còn thấy ở đâu cả. Tuy nhiên, Hoàng Tá Viêm, trong thư mời Nguyễn Trường Tộ giúp đào Thiết cảng, ngày 19-6-1866, có nói là thư gởi “Nguyễn Trường Tộ ở Đoài Giáp, huyện Hưng Nguyên”. Riêng Xã Đoài, nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, là tên của một đơn vị Công giáo: Xứ và hạt Xã Đoài, và cũng là tên của trụ sở giáo phận Vinh: Nhà chung Xã Đoài.

Như thế Đoài Giáp hay Giáp Đoài là một địa danh của bên đạo hay bên đời nằm phía Tây kênh Sắt, thuộc huyện Hưng Nguyên, xưa kia bao trùm cả họ đạo Bùi Chu, ngày nay không còn nữa. Ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, phía Đông kênh Sắt, ngoài họ đạo Xã Đoài còn có một họ đạo nhỏ tên là Giáp Đông. Nguyễn Trường Cửu có thể dựa vào bức thư của Hoàng Tá Viêm (là tài liệu được cất giữ trong gia đình và được Lê Thước trích dẫn) để nói: “Ông Tộ là người Đoài Giáp” và dựa vào thực tế là Nguyễn Trường Tộ đã mất trong căn nhà ở Xã Đoài để cho rằng Đoài Giáp và Xã Đoài là một.
______________________________________
1, 2. Xem Lê Thước “Nguyễn Trường Tộ tiên sinh tiểu sử”, trong Nam Phong số 102 (Phụ lục II)
3. Đinh Văn Chấp, Phụ lục bị khảo (Phụ lục III).
4. Xem phụ lục I.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2010, 08:38:37 am »


I. NHỮNG NĂM HỌC TẬP
(cho tới cuối năm 1860)


Nguyễn Trường Tộ học vỡ lòng về Hán học trong gia đình, với thân sinh là Nguyễn Quốc Thư làm nghề thầy thuốc, sau theo học với tú tài Giai ở Bùi Ngõa, Cống Hữu ở Kim Khê và quan huyện Địa Linh về hưu ở Tân Lộc.

Nguyễn Trường Tộ lúc nhỏ có tiếng là thông minh phi thường: Học tới đâu là nhớ tới đó, ít khi làm bài. Theo Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ của Nguyễn Trường Cửu thì có một lần thi kiểm tra, quan huyện Địa Linh bắt buộc lắm, Nguyễn Trường Tộ mới chịu làm bài. Sau khi thầy cho đề thi, Nguyễn Trường Tộ làm bài và nộp trước tiên: Được chấm ưu và được thầy khen hết lời. Có lẽ vì thế mà được truyền tụng là “Trạng Tộ”1.

Nguyễn Trường Tộ không thích lối học từ chương, mà thích cái học thực tiễn. Cứ xem các đề nghị cải cách về học thuật của Nguyễn Trường Tộ, sau này, cũng đủ thấy. Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ có thuật rằng: “Lần kia, thầy và các học trò đi dạo trên Tú Lò, các học trò thì nhẹ gót khắp mọi nơi, ông Tộ đứng trông xem, rồi hỏi người bạn có đạo (là Cả Thuần, người Tân Lộc) rằng anh ước từ Tú Lò cho đến Thuần Ngư xa nhau mấy tầm, Tú Lò cao mấy trượng, Thuần Ngư cao mấy tầm2.

Chúng ta không biết chắc là Nguyễn Trường Tộ học trong gia đình cho tới tuổi nào và học với mỗi thầy được mấy năm3. Nhưng chúng ta thấy rõ là ông có một vốn liếng về Hán học rất lớn, không thua các vị khoa bảng của Triều đình Huế lúc bấy giờ. Văn chương, cú pháp cũng như kiến thức về lịch sử và luật lệ Đông phương cũ, qua các bài viết của Nguyễn Trường Tộ gửi lên Triều đình vua Tự Đức, không ai chê vào chỗ nào được. Tuy nhiên Nguyễn Trường Tộ không đậu đạt gì, một phần có lẽ vì ông là người Công giáo nên không được đi thi, một phần có lẽ vì ông không muốn đi theo con đường khoa cử.

Sau khi thôi học, Nguyễn Trường Tộ đã có mở trường dạy chữ Hán tại nhà, rồi được mời dạy chữ Hán trong Nhà chung Xã Đoài4 và được Giám mục người Pháp tên là Gauthier (Ngô Gia Hậu), dạy cho học tiếng Pháp và giúp cho có một số hiểu biết về các khoa học thường thức của Tây phương.

Trong một bài viết tháng 5 năm Tự Đức thứ 17 (tức khoảng tháng 6-1864), Nguyễn Trường Tộ nói: “Từ 15 năm nay, tôi đã biết rõ tất phải có mối lo như ngày nay, nên tôi đã ra sức tìm tòi học hỏi trí khôn của mọi người để thêm sự hiểu biết cho mình, chứ không phải chỉ mới một ngày5. Rồi trong một bài viết ngày 16 tháng 2 năm Tự Đức 21 (tức 9-3-1867), ông lại nói: “Mấy chục năm nay, tôi bôn tẩu trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến thiên xưa nay, đem những điều đã đọc trong sách nghiệm ra việc đời. Đã trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện, thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm của mình...6.

Như thế có nghĩa là Nguyễn Trường Tộ đã bắt đầu tiếp xúc với văn hóa Tây phương từ những năm 1848-1849 (theo như bài viết tháng 6-1864) và có thể đã đi ra nước ngoài từ những năm 1848-1849 hay chỉ từ 1859-1861.

Ông Đào Duy Anh, một trong những người được tiếp xúc nhiều với các tài liệu đầu tay về Nguyễn Trường Tộ, quả quyết rằng: “Mặc dầu là người Công giáo từ lúc sinh ra, tâm hồn tiên sinh đã bị lay động mạnh bởi tiếng bom nổ ở Đà Nẵng năm 1848 và, từ lúc đó, người thanh niên 20 tuổi (?) ấy quyết từ bỏ lối học cổ truyền để đi theo lối học thực dụng. Tiên sinh đã được Giám mục Gauthier, giáo phận Xã Đoài dạy cho tiếng Pháp, cung cấp cho các bản dịch chữ Hán của các sách Tây phương và cho đi du lịch ở Hong Kong và Singapore7.

Thực ra vào thời kỳ này, các giáo sĩ người nước ngoài ở Việt Nam thường dùng thuyền buồm để đi lại hoặc cho người qua lại Hong Kong, Singapore, Mã Lai (chủ yếu là Poulo Pinang, nơi có Chủng viện miền Đông Nam Á). Do đó việc Nguyễn Trường Tộ được các giáo sĩ người Pháp, đặc biệt là Giám mục Gauthier (về Xã Đoài nhận nhiệm vụ từ năm 1846), tạo điều kiện cho qua Hong Kong, Singapore, Poulo Pinang... là điều có thể có.

Điều chắc chắn là cuối năm 1858, Nguyễn Trường Tộ đã cùng với Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng tránh nạn “phân tháp”8 rồi đầu năm 1859, sang Hong Kong...
______________________________________
1. Đinh Văn Chấp, tlđd, nói: “Lúc nhỏ Tộ cũng giỏi về lối học khoa cử, thời bấy giờ có tên là Trạng Tộ (tục danh Thầy Lân)”. Về tên Thầy Lân, một tên gọi khác của Nguyễn Trường Tộ, chúng ta có thấy nói tới trong các thư của các thừa sai người Pháp thời Nguyễn Trường Tộ. Trong tờ tấu của Cơ mật viện đề ngày 14-5-1867, thấy nói: “Nguyễn Trường Tộ, tức tên Thầy Lân” (Xem phụ lục V).
2. Xem phụ lục I.
3. Lê Thước, tlđd, có nói cụ thể năm nào học thầy nào, nhưng không có cơ sở.
4. Lê Thước, tlđd, có nói là năm 1858, nhưng chỉ là ước đoán, không có cơ sở.
5. Di thảo số 5.
6. Di thảo số 30.
7. Xem Bulletin des Amis du Vieux Hue số 2 tháng 4-6 năm 1944 trang 135 và xem TRI TÂN số 7 ngày 18-7-1941 bài “Nguyễn Trường Tộ học ở đâu”.
8. Ngày 1-9-1858, quân Pháp bắt đầu đánh chiếm cảng Đà Nẵng. Để kiểm soát và ngăn chặn người Công giáo có thể tiếp tay với giặc, Triều đình vua Tự Đức cho bắt giam các giáo sĩ và trùm trưởng, đồng thời ra lệnh “phân tháp” giáo hữu, nghĩa là phân tán người Công giáo và tháp nhập hai ba gia đình Công giáo vào trong một làng không Công giáo, chứ không cho ở tập trung. “Phân tháp” là một biện pháp gây nhiều thiệt hại và đau khổ nhất cho đồng bào Công giáo lúc bấy giờ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2010, 08:40:06 am »


Hầu hết các tác giả, kể cả Nguyễn Trường Cửu, đều nói là từ Hong Kong, Giám mục Gauthier đã đem Nguyễn Trường Tộ sang Pháp, sang Roma vào chầu Đức Giáo chủ Pio IX. Nhưng nay thì chúng ta biết rõ rằng trong những năm 1859-1860, Giám mục Gauthier không về Pháp1. Ông Đào Duy Anh nói là “Giám mục Gauthier đưa Nguyễn Trường Tộ sang Hong Kong rồi để cho Nguyễn Trường Tộ một mình đi Pháp2.

Sự thực là với tài liệu hiện có, chúng ta không biết chắc được là trước năm 1861, Nguyễn Trường Tộ có đi sang các nước Tâu Âu để tìm tòi học hỏi hay chỉ quanh quẩn ở các nước Đông Nam Á như Hong Kong, Mã Lai... là những nơi có cơ sở hậu cần lớn của Hội Truyền giáo Nước ngoài của Paris...

Có lẽ như ông Đào Duy Anh nói, nếu Nguyễn Trường Tộ có đi châu Âu những năm 1859-1860, thì cũng do sự gởi gắm của Giám mục Gauthier và chủ yếu là với Hội Truyền giáo Nước ngoài của Paris. Thế nhưng trong thư từ của Giám mục Gauthier viết trong thời kỳ này được lưu trữ tương đối nhiều ở kho lưu trữ của Hội không thấy nói gì tới vấn đề này và cũng không có dấu vết gì về Nguyễn Trường Tộ tại đó. Hơn nữa, nếu Nguyễn Trường Tộ có đi Pháp thì sớm nhất là giữa năm 18593 mới tới nơi và khó có thể có mặt ở Hong Kong đầu năm 1861 để cùng Giám mục Gauthier trở về Sài Gòn, theo yêu cầu của Đô đốc Charner, viên chỉ huy được giao trách nhiệm gom quân để mở rộng vùng chiếm đóng ở Sài Gòn. Một điều đáng lưu ý nữa là trong các văn bản gởi Triều đình Huế trước năm 1867, tức trước chuyến đi công cán châu Âu với Giám mục Gauthier, Nguyễn Trường Tộ thường nói về nước Pháp và châu Âu một cách rất chung chung, không thấy có kỷ niệm hay nhận xét nào cụ thể. Trái lại, trong các văn bản được viết từ năm 1867, ông nói đến những người cụ thể ông đã gặp hay những nơi cụ thể ông đã tới.

Nói tóm lại là ngoài vốn liếng về Hán học, Nguyễn Trường Tộ đã sớm tiếp xúc với văn hóa Tây phương, trước tiên có thể là qua các giáo sĩ thừa sai người Pháp, chủ yếu là Giám mục Gauthier. Nguyễn Trường Tộ cũng đã có dịp đi ra nước ngoài, nếu không qua các nước Tâu Âu, thì cũng qua các nước Đông Nam Á, nơi đây ông đã được đọc các sách báo của Tây phương, bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và nhất là đọc các sách báo Tây phương đã được dịch ra tiếng Trung Quốc. Theo ông Đào Duy Anh và những người đã tới tham khảo các tài liệu tại nhà của con cháu Nguyễn Trường Tộ ở làng Bùi Chu, thì trong tủ sách của Nguyễn Trường Tộ có rất nhiều quyển sách chữ Hán thuộc loại Tân thư. Nhờ đó mà vào đầu năm 1861, Nguyễn Trường Tộ đã có được một số kiến thức khá rộng lớn về khoa học kỹ thuật cũng như khoa học xã hội của Tây phương.

Trong bài Trần tình (7-5-1863), Nguyễn Trường Tộ nói là về việc học, thì không môn nào là không để ý, từ thiên văn, địa lý, luật lịch, binh quyền, tôn giáo, bách nghệ... cho tới thuật số; ông đặc biệt chú ý nghiên cứu về chính trị và ngoại giao4. Qua các văn bản gửi Triều đình Huế từ năm 1861 cho tới 1871, chúng ta thấy là Nguyễn Trường Tộ có một hiểu biết về tình hình thế giới và các khoa học kỹ thuật của Tây phương tương đối rộng lớn và chuẩn xác. Về chính trị, thì năm 1868, ông đã biết trước là chiến tranh giữa Pháp và Đức chỉ trong mấy năm nữa là thế nào cũng xảy ra và quả đã xảy ra tháng 7-1870. Riêng về cơ khí, thì trong một bài viết về mua và sửa chữa, chế tạo thuyền máy, năm 1865 ông dám nói: “Người Nam biết qua các loại máy tàu, không ai hơn tôi5. Về kiến trúc xây dựng, trong một bài viết ngày 19 tháng 6 năm 18716, ông nói là kỹ sư Pháp đã phải tham khảo ông và nhà cầm quyền Pháp ở Sài Gòn lúc bấy giờ muốn giao cho ông phụ trách về công chánh cho họ, mà ông không nhận.
______________________________________
1. Trong thư của người quản thủ Kho lưu trữ của M.E.P đề ngày 1-12-1971, có quả quyết là trong những năm 1859-1860, Giám mục Gauthier không về Pháp. (Xem C.V.P, tlđd, trang 259).
2. Đào Duy Anh, Bulletin des Amis du Vieux Hue số tháng 4-6 năm 1944 trang 135.
3. Theo lời khai của một lang y (người thôn Thuận An, tổng Thanh Vân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) tên Trần Vinh, bị tàu Pháp bắt đem đi rồi sau trốn thoát được, kể lại thì ngày 10 tháng 9 (tức 16-10-1858), tàu Pháp (trên đó có Trần Vinh) đến đảo Nhãn Sơn, trước cửa Mành Sơn, để đón “Đức thầy Huy và Cố Lý” (tức Giám mục Gauthier và Linh mục Robert, cũng có tên là Hậu và Thuận) nhưng “hôm qua hai vị đã lấy thuyền Nhà Chung với 8 người đi rồi”. Khi tàu Pháp trở về Trà Sơn, Đà Nẵng, thì thấy thuyền Nhà Chung đã ở đó rồi. (Xem Châu bản Triều Nguyễn CBR 22/47). Các giáo sĩ Pháp tập trung khá đông đảo tại Đà Nẵng, đứng đầu là Giám mục Pellerin, đã cùng nhau làm áp lực để quân Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm. Nhưng bộ chỉ huy quân sự Pháp đánh giá là không thể dễ dàng tiến đánh Huế mà phải chuyển hướng về Sài Gòn. Do đó, trước khi đem quân vào Sài Gòn, Đô đốc Rigault de Genouilly đã tìm cách bắt buộc các giáo sĩ Pháp, hoặc trở về nhiệm sở hoặc đi tạm lánh ở Hong Kong. Giám mục Gauthier cùng với Nguyễn Trường Tộ và những người tháp tùng đã đi sang Hong Kong trong những điều kiện như thế vào đầu năm 1859.
4. Xem di thảo số 3.
5. Xem di thảo số 6.
6. Xem di thảo số 50.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 04:34:29 pm »


II. NHỮNG NĂM THÁNG CHỜ ĐỢI
(1861-1865)


Đầu năm 1861, Nguyễn Trường Tộ trở về Sài Gòn với một hoài bão lớn là đem những hiểu biết thu thập được của mình để giúp đất nước canh tân, tự cường, tự lực ngõ hầu tránh được họa mất nước.

Thực dân Pháp bắt đầu chiếm đóng Sài Gòn từ đầu tháng 2 năm 1859. Nhưng quân đội Pháp bị kẹt với chiến tranh ở Ý, rồi ở Trung Quốc, nên chỉ để lại Sài Gòn một nhóm nhỏ, khoảng 300 - 400 người. Do lực lượng của Pháp mỏng và sức kháng cự của quân lính Triều đình Huế còn tương đối mạnh, nên vùng chiếm đóng của Pháp ở Sài Gòn hết sức thu hẹp, binh lính Pháp hầu như bị bao vây trong các doanh trại.

Đầu tháng 2-1861, sau khi chiến tranh ở Ý và ở Trung Quốc kết thúc, Đô đốc Charner mới được lệnh gom quân ở Trung Quốc đem về Sài Gòn mở rộng vùng chiếm đóng. Với quyết tâm này, Charner đã thuyết phục được một số giáo sĩ Pháp đang lánh nạn ở Hong Hong, trong số đó có Giám mục Gauthier, cùng về Sài Gòn cộng tác với quân đội Pháp.


1. LÀM PHIÊN DỊCH CHO PHÁP

Nguyễn Trường Tộ đã cùng về Sài Gòn theo Giám mục Gauthier nhưng chắc chắn không phải với ý định làm tay sai cho Pháp. Bởi vì với hoài bão lớn là đem hết tâm lực ra giúp nước, làm sao Nguyễn Trường Tộ có thể nghĩ tới việc tiếp tay với giặc được? Trong bài Trần tình (7-5-1863), Nguyễn Trường Tộ phân trần rằng: lúc Pháp bắt đầu khởi hấn (đầu năm 1859), có được mời cộng tác, nhưng ông một mực từ chối; sau khi đại đồn Chí Hòa, tuyến phòng thủ được coi như là kỳ công nhất của quân đội Triều đình Huế, thất thủ (23-24 tháng 2 năm 1861), ông thấy rằng phải tạm hòa, theo đề nghị của Pháp, để dưỡng quân và củng cố lực lượng. Chính vì thế mà Nguyễn Trường Tộ đã nhận làm từ dịch (phiên dịch các tài liệu chữ Hán) cho Pháp để mong góp phần vào việc hòa đàm. Ông đã kể ra nhiều trường hợp cụ thể mà mình đã làm để cứu nguy tình thế cho người của Triều đình, với tên người và sự việc rõ ràng, mà lúc bấy giờ Triều đình có thể phối kiểm được. Nguyễn Trường Tộ đã gởi cho Triều đình Huế, giữa năm 1861, qua Nguyễn Bá Nghi, người được Triều đình phái vào mở các cuộc thương thuyết với Pháp, một văn bản mà tác giả gọi là “hòa từ”, nội dung gần giống như bài “Thiên hạ đại thế luận phân hợp”, đề nghị với Triều đình Huế là nên tạm hòa với Pháp để “dưỡng uy súc nhuệ1. Nhưng trong năm 1861, Triều đình Huế không quyết định được, mặc dầu các điều kiện của Charner còn tương đối nhẹ, chỉ đòi cho các giáo sĩ được tự do giảng đạo; kiều dân Pháp được tự do ra vào buôn bán; nước Pháp có một điểm tựa cho tàu bè qua lại.

Ngày 29-11-1861, Đô đốc Charner bàn giao quyền lài cho Đô đốc Bonard. Bonard mở rộng cuộc chiến: Ngày 16-12-1861, đánh chiếm tỉnh Biên Hòa; ngày 7-1-1862, đánh chiếm Bà Rịa... Trước thái độ hung hãn của Bonard, Nguyễn Trường Tộ không trông mong gì ở hòa cuộc nên xin thôi không làm từ dịch cho Pháp nữa, mặc dầu nhà cầm quyền Pháp dụ dỗ, nài nỉ. Thực sự một người vừa thông chữ Hán, vừa biết tiếng Pháp như Nguyễn Trường Tộ, thời đó là rất hiếm.
_____________________________________
1. Xem di thảo số 1.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 04:42:36 pm »


2. NHỮNG VĂN BẢN ĐẦU TIÊN GỞI CHO TRIỀU ĐÌNH HUẾ

Thôi không làm việc cho Pháp, Nguyễn Trường Tộ đã dồn tâm trí vào việc thảo kế hoạch giúp nước. Cho tới đầu tháng 5 năm 1863, ông đã thảo sẵn xong ba văn bản, làm thành một kế hoạch hoàn chỉnh gởi lên Triều đình Huế là: Tế cấp luận, Giáo môn luận, và Thiên hạ phân hợp đại thế luận.

Bản văn quan trọng hơn cả và Nguyễn Trường Tộ chắc chắn đã dành nhiều thời giờ hơn cả để soạn thảo, nhất định là bài Tế cấp luận. Tế cấp luận, như đầu đề của nó, là bàn về các việc cần làm ngay để canh tân, tự lực, tự cường, phát triển đất nước. Đây là một bản văn mà trong các bài viết sau này Nguyễn Trường Tộ thường nhắc đến như là một tài liệu cơ bản nhất, đầy đủ nhất. Trong bài Lục lợi từ (tháng 5-1864), ông nói: “Tế cấp luận là thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay, đâu có phải chuyện một ngày mà có thể làm hết được1. Trong một bài viết tháng 8 năm Tự Đức 24, ông lại nói: “Bài Tế cấp luận của tôi, nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết2. Bản văn này cũng phải là rất dài, bởi vì ngay Tế cấp bát điều dài mấy chục ngàn chữ mà cũng chỉ mới là tóm lược một phần của Tế cấp luận3. Nhưng có điều đáng tiếc là bản văn này, cho tới nay, chưa tìm thấy ở đâu cả và chưa có ai được đọc cả4.

Để có thể phát triển đất nước, cần phải hòa hảo với bên ngoài và hòa hợp ở bên trong.

Về nội trị, Nguyễn Trường Tộ viết Giáo môn luận, dùng lý lẽ của trời đất và vạn vật cũng như những chứng cứ của lịch sử để kêu gọi Triều đình có chính sách bao dung đối với người Công giáo. Sau này, ông còn viết những văn bản đề nghị cải cách hành chính, cải cách học thuật, cải cách phong tục... Nhưng trước mắt, việc bách hại người Công giáo là một sai lầm cần chấm dứt ngay, bởi vì không nên tạo thêm thù trong, đương lúc đang có giặc ngoài.

Đối với giặc ngoài, Triều đình Huế đã ký Hòa ước 5-6-1862, nhưng không muốn thi hành hoặc muốn tìm cách sửa đổi. Nguyễn Trường Tộ không thấy có cách nào hơn là tạm hòa với Pháp, để rảnh tay mà chấn hưng xứ sở. Vì thế, ông đã viết Thiên hạ phân hợp đại thế luận. Bản văn này, hình như chỉ là bài “Bàn về việc hòa” (hòa từ) gởi Nguyễn Bá Nghi năm 1861 được sửa chữa và bổ sung mà thôi. Bởi vì để thuyết phục triều đình chấp nhận hòa hoãn với Pháp, những lý lẽ đưa ra năm 1861 vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên có điều đáng chú ý là vào thời điểm mà bài Thiên hạ phân hợp đại thế luận được viết ra, Triều đình Huế đã ký với Pháp và Tây Ban Nha Hòa ước 5-6-1862, thế mà trong văn bản này không nói gì tới Hòa ước đó cả. Có lẽ là Nguyễn Trường Tộ thừa biết rằng Triều đình Vua Tự Đức đặt bút ký vào bản Hòa ước này chẳng qua chỉ vì bị ép buộc mà thôi. Bằng chứng là sau khi làm lễ trao đổi văn kiện đã được phê chuẩn, tháng 4-1863, liền sau đó Vua Tự Đức đã cử ngay một phái bộ sang Pháp để xin chuộc lại phần đất đã nhượng. Thực ra trong văn bản này, Nguyễn Trường Tộ nhấn mạnh nhiều đến việc người Pháp đã đến là sẽ không đi, việc tạm nhượng cho họ một phần đất là điều không thể tránh.

Sau khi thảo xong ba văn bản quan trọng này, Nguyễn Trường Tộ còn thảo thêm bài Trần tình để phân trần về tâm tư và hoàn cảnh riêng của mình, sợ triều đình nghi ngờ vì mình đã từng đi với các giáo sĩ Pháp và đã làm việc cho người Pháp.

Bài Trần tình viết xong ngày 7-5-1863 và ở cuối bài nói: “Tôi kính dâng ba tập: Thiên hạ phân hợp đại thế luận, Tế cấp luận, Giáo môn luận”. Đinh Văn Chấp, trong Phụ lục bị khảo, có nói là “nhân dịp Phạm Phú Thứ vào Gia Định, Tộ dâng ba bản điều trần...5. Còn ông Đào Duy Anh lại nói là bản Trần tình và ba bản đính kèm được gởi cho Trần Tiễn Thành, lúc đó là Thượng Thư Bộ Binh và cũng là vị quan lại cao nhất ở Huế.
_______________________________________
1. Xem di thảo số 5.
2. Xem di thảo số 52.
3. Xem Tê cấp bát điều, di thảo số 27.
4. Cho tới nay chưa thấy tác giả nào trích dẫn Tế cấp luận. Riêng ồng Đào Duy Anh trong B.A.V.H, tlđd, trang 136, nói: “tập này không tìm thấy”.
5. Phụ lục III.

Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM