Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:54:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo  (Đọc 145726 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2010, 11:46:59 am »


Thứ sáu là dùng người khác để đánh họ. Ta đã thực hành năm cách trên đây để cầu giúp từ bên ngoài, như con rết một trăm chân không ngã là do có nhiều chân vậy. Sau đó mới nhờ người ngoài để giúp đỡ bên trong. Nay nhìn sang phương Tây thì dù đứa bé con cũng hiểu được cái tâm lý là hai nước mạnh không chịu thua nhau, chứ không phải chỉ riêng Pháp mới như thế. Nếu ta đi lại với Anh, biết rõ tính tình của họ rồi chiêu mộ những người Anh sống lưu vong ở hải ngoại, cho họ tiền của, cư xử tốt để được lòng họ, rồi nhờ họ huấn luyện binh lính quân ngũ cho ta (Binh pháp của người Anh rất giỏi). Những người này không suy nghĩ gì viển vông cả, hễ được thỏa thích là họ xông lên, không như quân ta sợ trước ngó sau. Huống chi đây lại đối đầu với kẻ mà họ ghét, xuống tay với kẻ tương tranh. Cho nên trước đây khi Pháp nghe đồn nước ta thu nuôi người Anh, họ rất lo ngại. Vì họ vốn có bụng sợ quân Bắc kỳ một vài phần, nếu có người Anh đốc suất điều khiển nữa thì họ càng thêm nao núng. Bởi vì họ đã biết rõ những người này có thể liều chết vì người khác, lại giỏi dụng binh, giữ thành. Các nước sở dĩ chống được với phương Tây cũng đều dùng kế đó. Như trong thời Càn Long, người Anh đã lấn dần như tằm ăn cả 4 miền Đông, Trung, Tây, Nam của Ấn Độ, duy chỉ có miền Shikhs bắc Ấn Độ dùng người Pháp làm tướng, cho nên người Anh thu giáo về bàn chuyện hòa hiếu, chưa dám manh tâm. Đợi đến khi viên tướng Pháp kia chết người Anh mới đem quân xâm nhập cắt chiếm hơn nửa phần đất. Lại như các nước Tây Châu giải thoát được bàn tay độc của phương Tây phần nhiều cũng dùng kế đó. Vả lại ngày nay ta dùng kế đó là cốt để tự cường bên trong. Con mãnh hổ có mặt trên núi thì bầy cáo không dám ngấp nghé. Nhờ đó việc dẹp giặc loạn bên trong không khó mà đề phòng hoạn nạn bên ngoài cũng dễ. Vì rằng người Pháp biết ta đủ sức phục thù tất sẽ tụ hợp các nước khác để ứng viện. Nhưng ta đã được sự đồng tình của các nước rồi, thế tất các nước cũng nhân đó mà ngăn chặn lại. Nếu người Pháp thấy phải mà không chịu nghe cứ muốn cướp nước ta, thì sẽ bị cô thế không ai chi viện, còn lực lượng của ta thì đã được củng cố, như thế cũng chẳng đáng sợ. Huống hồ người Anh đã ở với ta thì chính phủ Anh tất phải theo giúp, nếu để thua sẽ tổn hại uy danh. Hiện nay Pháp đem thêm quân lính sang và tương lai những binh thuyền sở thuộc ở phương Đông cũng sẽ dần dần tập trung về Gia Định để làm cái thế chiếm đóng chỗ trọng yếu. Thêm vào đó Y Pha Nho ngày nay đã mất hết quyền ở các nước thuộc địa Tây Châu, chỉ còn đảo Lữ Tống ở phương Đông mà thôi, đảo này lại ở gần Bắc kỳ ta. Y pha Nho là một nước rất sùng mộ đạo giáo1, gần đây nghe tin ở miền Bắc việc giết giáo dân chưa yên, cũng sẽ nhân cớ đó mà trách ta không giữ đúng lời hứa, để rồi sẽ giúp nghịch đảng chống ta. Còn người Pháp nhân nay nghe tin quân Bắc vào Bình Thuận, mai nghe quân Bắc vào Gia Định (Tin đồn này do các thương thuyền phía Nam Quảng Nam vào Gia Định tung ra) thì tất cả những ông quan muốn lập công ở hải ngoại sẽ tâu lên loạn xạ để chứng minh cho lập trường của họ. Ngoài ra còn có bọn giặc ở phía Bắc luôn luôn qua lại hai nước, dùng lời xảo quyệt để thực hiện mưu đồ của chúng. Vậy nay ta phải xử sự cho khéo, bình tĩnh đề phòng đừng để hai nước tìm được chỗ hở nào của ta cả. Lại phải thông hiếu gấp đừng để chúng kết hợp lại với nhau, phải gấp rút chiêu mộ những tay vong mệnh để áp đảo khí thế của họ, trước hãy làm cách không thể thắng để chuẩn bị thắng địch. Đó là điều lợi thứ sáu.

Đã thực hiện được sáu điều lợi rồi, dần dần có cơ hội, tôi xin đem các điều ngấm ngầm làm tổn hại địch trong bài Tế cấp luận ra thực hiện dần dần thì sẽ như lấy trăm kim mà chích làm cho họ nằm ngồi không yên. Sau đó bồi luôn cho một nhát dao thì thế nào cũng chết. Huống chi Tế cấp luận là thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay, đâu phải chuyện một ngày có thể làm được hết. Một nước dùng kế trong một nước cũng đủ chả cần phải mượn tài ở nước ngoài. Nhưng muốn chế ngự thiên hạ thì cũng phải dùng mưu trí của thiên hạ mới được việc. Bởi vì đại thế trong thiên hạ thường cứ 6, 7 trăm năm có một lần biến đổi lớn, thì cái trí thuật cũng theo thời thế mà tăng, việc làm cũng phải tùy theo thời mà định liệu. Nếu lợi cho dân thì không cứ phải theo xưa, nếu thích hợp thì không cứ phải chạy theo cũ, nếu học điều khôn thì không cứ là của địch hay của ta. Kinh Dịch có nói: Khi con rồng đang nằm ẩn náu thì không nên dùng nó. Câu ấy có nghĩa là không nên trái thời.

Những điều trên đây là trình bày đại thể, nói chung là trước thuận theo sự đặt định của tạo vật, sau ra sức thực hiện để cứu vãn tình thế. Vậy muốn áp dụng kế này phải gấp rút khai thác các nguồn lợi và phải nhờ người khác giúp sức. Các mưu kế đó nếu được gấp rút ứng dụng thì dần dần sẽ thấy kết quả. Nếu chậm ứng dụng thì dù chậm đến đâu cũng không thể nào bỏ qua không dùng những kế đó, mà có thể chống lại được với địch. Còn như tự Triều đình thấy mưu kế chước thuật gì hay hơn, điều đó tôi không dám biết. Nhưng theo kiến thức của tôi thu thập được trong thiên hạ, thì nếu bỏ kế đó sẽ không có kế sách nào khác nữa. Hơn nữa dùng kế này không những chống được Pháp, mà còn đề phòng được thiên hạ. Nếu cho rằng kế này quá phiền phức mà chậm, tức không biết rằng muốn thành việc lớn phải đấu tranh hàng trăm năm, chứ đâu phải một hơi mà được. Nhà Đường mất Lưỡng Hoài2 phải đến hàng ba chục năm mới khôi phục được huống chi đây là một kẻ địch hùng mạnh. Cho nên bắt chim, đâu phải chỉ có một mắt lưới mà được. Nay dùng một mắt lưới mà muốn bắt được chim thì làm sao được? Bờ đê có hàng vạn lỗ hang chỉ chận một lỗ mà muốn bắt được cá thì làm sao được? Trên thế giới có nhiều nước nhỏ đã thực hiện được, sao ta lại không làm được?

Trong bài có nói về các khoản khai thác nguồn lợi dù kẻ địch có biết cũng không hại gì. Còn như các điều khoản nói về người giúp đỡ, nếu tiết lộ ra khiến họ tìm cách ngăn chặn ta sẽ khó thực hiện được ý muốn, cho nên phải hết sức cẩn thận. Còn như sẽ làm theo đường lối nào và sử dụng ngôn ngữ gì thì tôi sẽ cùng với ông Nguyễn Hoằng xin hết sức làm để giúp muôn một.

Nay kính bẩm.


____________________________________
1. Chỉ cho đạo Công giáo.
2. Tức Hoài Bắc và Hoài Nam. Đời Đường gọi các miền đất phía Bắc và phía Nam sông Hoài là đạo Hoài Bắc, đạo Hoài Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2010, 08:17:11 pm »


DI THẢO SỐ 6

Về việc mua và đóng thuyền máy*

(Cuối năm 1864 - Đầu năm 1865)

Tôi nghe Triều đình muốn mua hỏa thuyền. Điều này rất tốt và cũng chẳng cần xin phép họ, chỉ thông báo cho họ biết mà thôi. Nước Pháp xưa nay không dám có hành động cấm cản người ta tu chỉnh việc võ bị. Nhưng họ cũng có bụng hẹp hòi. Nếu ta đến họ yêu cầu chỉ vẽ đường lối, chưa chắc họ đã tận tâm giúp ta. Chỉ người Anh là có tâm lượng rộng rãi, giúp việc cho ai cũng đều có ân có hậu. Hơn nữa việc mua máy móc cũng có nhiều chỗ khó khăn đáng quan ngại. Tôi xin trình bày sơ lược một hai điều xem liệu có dùng được điều nào chăng.

Về máy móc, nó vốn chỉ là vật cố định, nhờ khéo léo điều khiển mà thành vật chuyển động, khi thành vật chuyển động mà gặp trở ngại nếu không có người giỏi, cứ chỉnh sửa bậy bạ thì sẽ thành đồ bỏ. Cũng như thân thể con người khi gặp bệnh nếu người không giỏi mạch lạc mà cứ châm cắt bừa bãi thì sẽ thành phế nhân. Hiện nay nước ta chưa có tay lành nghề, nếu vội mua về không khỏi phải mướn thủy thủ của họ. Tốn phí rất lớn mà cũng có nhiều chỗ đáng ngại. Còn không mướn họ, để hỏa thuyền một tháng không sử dụng cho máy chạy, máy sẽ bị cáu rỉ sau khó chỉnh lại cho tốt. Xưa nước Lạc Mã muốn đối địch với nước Phi Ni Tây ngầm sai những tay thợ khéo nước mình lẻn sang nước địch làm công rồi ngầm học cách lái tàu hơn một năm, khi lái giỏi mới có thể đối trận lập công được. Hiện nay Nga La Tư cũng sai người sang Anh Cát Lợi làm công, học các thao tác. Cách thao tác rất khó. Họ đã tích lũy nhiều năm mới giỏi dược như vậy. Hiện nay ở phương Tây về cách thao tác thuyền bè không có ai là đối thủ của người Anh cả. Cho nên nhiều người đến đó học. Nay ta chưa thao tác điều khiển được mà muốn sửa chữa thì làm sao khỏi bị hư hỏng. Tôi thiết nghĩ hiện nay ta chưa có nhiều người thông thạo tiếng nước họ, đó là một điều khó. Nếu muốn sang học người Anh, họ cũng chẳng hẹp hòi, nhưng một là phải chọn được nhiều người thật tâm vì nước không ngại đi xa mới được, hai là phải dùng nhiều thông ngôn, gấp rút như thế khó tìm được, đó là hai điều khó. Còn một bên sang học một bên thuê mướn thì so ra việc sang học tốn phí còn gấp đôi việc thuê mướn (Lý do vì sao, việc này tôi chưa kịp trình bày rõ).

Về máy móc có loại máy cao và máy thấp khác nhau. Máy cao thì dụng công giản dị nhưng dễ bị hư hại. Máy thấp thì dụng công phiền phức nhưng tiện. Phải có người hiểu rõ lý thuyết mới khỏi mua lầm. Ngoài ra có loại 200 sức ngựa, 300 sức ngựa cho đến 1000 sức ngựa khác nhau. Nếu không biết công suất áp lực, không tính được sức ngựa nhiều ít. Giá rẻ thì dễ mua lầm. Nói chung, máy cao sức ngựa ít, giá rẻ, máy thấp sức ngựa nhiều, giá đắt. Đó là điều phải phân biệt cho rõ.

Về khoản thứ ba nói về định vật như máy móc chẳng hạn thì theo nguyên lý từ mới đến cũ, không phải như sinh vật từ nhỏ rồi đến lớn. Cho nên tất cả các định vật do người vận chuyển dần dần sẽ hao mòn hư hoại, dù có tu bổ cũng không thể đổi cũ thành mới lại được. Do đó thuyền chở khách hoặc thuyền buôn bị hư họ muốn đem bán thì họ sửa chữa lại. Cũng như đồng hồ vậy, nếu người mua không biết cách sử dụng, không quan sát cho tinh vi thì vào tay không bao lâu sẽ hỏng ngay. Phàm thuyền cũ hoặc thuyền sử dụng đã lâu rất khó quan sát nhận xét. Tốt hơn chi bằng đến thẳng xưởng đóng thuyền chọn mua cái mới. Nhưng như thế cũng gặp phải một nhược điểm là thuyền chưa chạy thử. Vì vậy nên mua thuyền nào đã chạy một vài lần mới tốt. Thống kê về hỏa thuyền trên thế giới thì thuyền tốt nhất mà giá rẻ nhất chỉ có Hoa Kỳ, nhiều xưởng đóng thuyền nhất chỉ có Anh Cát Lợi. Quá nửa hỏa thuyền của Pháp đều mua từ nước Anh và các nước phương Tây phần nhiều cũng đều mua thuyền của Anh. Bởi vì cách đóng thuyền của các nước đều theo phương pháp của Anh Cát Lợi. Nay đi mua thuyền phải theo đường lối như vậy, lại phải chọn được người mình có biết qua các loại máy móc để biết lựa chọn cái xấu cái tốt mới được. Nếu cứ theo lời họ nói thì thế nào họ cũng che giấu cái xấu cái tệ. Theo tôi thiết nghĩ hiện nay người Nam ta biết qua các loại máy tàu và các lý thuyết điều chỉnh tu sửa, không ai hơn được tôi, từ nay về sau thế nào thì không dám nói. Nhưng giao dịch với nước ngoài, phần nhiều có lệ phải đóng khoản tiền đầu (Điều này có nhiều chi tiết chưa kịp trình bày rõ), phải đến trước mặt quan họ xin dùng công ấn đóng vào mới khỏi tệ này.

Khoản thứ tư, nếu đã mua được mấy chiếc thì phải mua máy điều chỉnh, các máy móc có hư tổn thì lượng thế tu chỉnh, sức ít công nhiều. Nếu không, thuê thợ của họ tiền công rất cao. Hơn nữa cứ mỗi lần hư cái gì lại phải mời họ điều chỉnh cũng phiền phức.

Khoản thứ năm thuyền nước họ giá mua và tiền công rất đắt, khi bán sang cho ta lại phải giá lợi gấp 3, 4 lần mới chịu bán. Nếu mua được vài mươi chiếc thì phí tổn đã không ít mà sử dụng cũng có hạn. Tôi thiết nghĩ trước tiên nên mua vài chiếc để đáp ứng những việc cần dùng khẩn thiết. Sau đó mua một bộ các loại máy nấu đúc và các máy vận dụng tạo tác (Danh mục các loại máy này rất nhiều chưa kịp trình bày đầy đủ. Tuy nói trong danh mục nhưng mắt chưa trông thấy cũng khó hiểu rõ). Những loại máy này, có thứ thợ mình có thể làm được thì không cần mua, còn những thứ thợ mình không làm được (Có máy nặng đến một vạn cân không thể vận chuyển bằng tay được, phải nhờ máy nấu đúc hoặc các loại máy công cụ mới làm thành được) thì mua hết đem về thiết lập một xưởng để thực hiện việc nấu đúc. Ban đầu tuy chưa tinh xảo, nhưng từ vụng rồi sẽ đến khéo, từ thô sơ rồi mới đến tinh xảo, lâu ngày tự mình có thể thông hiểu nguyên lý của nó. Họ là người gì? Mới đầu bất quá cũng vậy thôi. Khi đã có máy làm khuôn rồi, từ đó chế biến ra bao nhiêu loại kỹ thuật khác như bánh xe nước, máy cày, máy dệt, đồ dùng hằng ngày, binh khí, v.v... cũng đều ứng dụng từ một nguyên lý mà ra (Đó là sức tự nhiên). Mỗi ngày một canh tân, canh tân thêm nữa, cũng chẳng phải là việc khó. Nhưng trong các loại cơ khí, duy công lực của hỏa thuyền là phiền phức hơn cả. Nếu mình không hiểu sâu đại số, hóa học, trọng lực học v.v… thì cũng khó thành tựu. Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là mình không thể làm được. Chỉ có điều là bề trên phải có tâm sức, làm mà không hạn chế, làm lâu mới thấy hiệu quả. Nếu cho rằng tạo tác không đúng pháp, quyết không thành công, tôi xin làm một so sánh như sau. Vật liệu và giá nhân công của ta rất rẻ. Nếu đem số tiền mua được mười chiếc của họ mà ta tự chế tạo thì sẽ được 30 chiếc. Cho dầu sơ khởi tạo 2, 3 chiếc chưa được tinh xảo, nhưng đến lần thứ tư thứ năm sẽ tinh xảo. Như vậy dù trước có mua của họ 2, 3 lần nhưng số tiền đó cũng chưa đầy một phần ba số tiền hoàn toàn mua của họ. Nhưng ta chế tạo thì dần dần mỗi ngày một tinh xảo sẽ được lợi vô cùng, đó là một, thành tựu được nhân tài là hai, cho họ biết nước ta cũng có người là ba.

Năm khoản trên đây tôi chỉ mới nói đại lược, còn các chi tiết chưa kịp trình bày rõ. Nhân vì chân tôi bị tê bại sắp thành kẻ phế nhân, nằm ngửa ra mà viết, tinh thần buồn bực rối loạn, tự biết nói năng không thứ tự. Nhưng tất cả đó là sự thật, muôn trông ba vị đại nhân thương tấm lòng nhiệt thành của tôi mà lượng thứ cho.

Nay kính bẩm.


(Tôi nghe cái đồng hồ không chạy. Nếu tiện xin gởi đến, tôi sẽ đích thân chỉnh lại sẽ tốt. Nếu tôi bệnh chưa khỏi, tôi sẽ thuê thợ Tây chỉnh lại cũng tốt. Vì thợ Tây biết tôi cũng chỉnh được nên không dám làm cẩu thả. Còn các loại đồng hồ chuông tôi đều hiểu rõ hết, không những chỉnh được, dù loại mới cũng được. Có điều là tôi chưa mua được máy chỉnh).
____________________________________
* Nguyên văn chữ Hán chỉ có trong Hv 634/4 tờ 185-192
    Bản văn này không có ghi ngày tháng năm. Nhưng nội dung bản văn chưa cho thấy là trước đó đã có việc mua bán gì cụ thể, mua cụ thể thì tháng 8 năm Tự Đức 18 (tức tháng 9-1865), Triều đình mới mua thuyền máy đầu tiên là thuyền Mẫn Thỏa (Xem ĐẠI NAM THỰC LỤC, bản dịch Nxb Khoa học Xã hội, tập 30 trang 168). Hơn nữa di thảo số 7 (khoảng tháng 2-1865) đã có nhắc tới tờ bẩm trước về việc mua thuyền máy. Do đó văn bản này có thể được viết từ Sài Gòn (Nguyễn Trường Tộ nói là mình đang bị tê bại, nằm ngửa mà viết) vào khoảng cuối 1864 - đầu 1865.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 05:32:52 pm »


DI THẢO SỐ 7

Về việc đào tạo người điều khiển và sửa chữa thuyền máy*

(Tháng 2 năm 1865)

Tôi là Nguyễn Trường Tộ xin dâng lên đại nhân soi xét.

Hiện nay thuyền của Tây đã đến Kinh, tôi đã ngầm hẹn với ông Hoằng cùng đi với tôi là có thâm ý riêng:

Một là, lần này thuyền Tây đến trả lời thẳng là không trả 3 tỉnh, mà còn tin cho biết sẽ đòi tiền bồi thường hằng năm. Tôi nghĩ có lẽ Triều đình đã có lời bàn riêng với họ, nhưng viên thông ngôn đã bị họ sai khiến, nên hễ có lời nói nào không hợp với họ, thì hắn ta bênh che không dám nói hết lời. Như thế thì thật hỏng việc. Như việc phiên dịch của Trung Quốc đối với các nước ngoài trước kia, vì do những sự thêm bớt sự việc mà đến hỏng việc nước. Cho nên tôi đã thầm hẹn với ông Hoằng cùng nhau đến đấy. Nếu Triều đình có những việc gì cần nói cứng hoặc cần đấu dịu cứ việc nói thẳng không ngại gì.

Hai là, trước đây phái viên tung tin ra rằng Phan đại nhân và Phạm đại nhân có sai người đến hỏi ông Hoằng về việc hỏa thuyền. Lúc bấy giờ chưa thể trình bày rõ, nay nếu cần hỏi tỉ mỉ rõ ràng thì có ông Hoằng ở đây. Nếu có điều gì ông chưa hiểu thấu thì tôi sẽ cùng ông ta bàn bạc rồi sẽ bẩm rõ. Vả chăng vì việc đại thuyền và cơ khí thì trước đây tôi đã trình bày sơ lược rồi. Nếu muốn mua những thứ đã có sẵn thì phải theo cách đó mới được (trước đây đã trình bày rõ). Hoặc muốn sang nước họ học tập chế tạo những thứ đó, theo tôi phải có những người khéo tay chọn lấy khoảng ba bốn mươi người từ ba mươi tuổi trở lên, đi học chế tạo, lại cần có những người thông minh chọn lấy mười người từ hai mươi lăm tuổi trở lên, đi học đại số, vi phân cùng các môn trọng lực học, hóa học, quang học, v.v... Hai khoản này nếu thiếu một không thể thành việc. Lại phải sang kinh thành nước Pháp hoặc kinh đô nước Anh học khoảng 8, 9 năm mới biết được đại khái. Vì rằng sang học tại nơi đô thị của họ, thì một là kiến văn rộng rãi việc học dễ thành đạt; hai là ở lâu với người nước họ, thông hiểu được ngôn ngữ, phong tục của họ, sau này có việc gì sai phái đi về cũng dễ. Còn như ở Sài Gòn, các loại máy móc hiện có chế tạo từ bên Pháp chở qua đây chẳng qua là những loại xấu, hư hỏng mà thôi, không có gì đáng học.

Nếu Triều đình muốn thực hiện hai thứ vừa kể trên tôi và ông Hoằng xin tình nguyện ra sức cùng sang Tây với hai lớp người nói trên, thông dịch ngôn ngữ, giải thuyết những điều họ chưa hiểu rõ, phụ giúp cho những chỗ họ không theo kịp thì không ngoài mười năm, việc học sẽ thành đạt. Bởi vì đối với lý thuyết của hai khoản này tôi đã biết được những điều quan yếu. Lại thêm ông Hoằng là người rất giỏi tiếng Pháp, giải thích, phiên dịch được rõ ràng, nếu cùng đi với những người này thì sẽ trực tiếp và dễ dàng hơn. Hiện nay Nhật Bản, Miến Điện cũng đã phái người đến kinh đô nước Pháp học kỹ nghệ. Đến như nước Nga ở phương Tây mà cũng cho người đến nước Anh nước Pháp học tập. Tuy phải dụng công lâu dài, chi phí rất lớn, nhưng cũng thu hoạch được nhiều. Vì rằng muốn thành đại sự phải mất hàng trăm năm chứ đâu phải một ngày là được. Cho nên người quân tử lo toan mọi việc chẳng những ở đời mình mà còn cho con cháu nữa. Như nước Nga 100 năm nay vẫn thường cử người đến Bắc Kinh học tập Hán văn, cứ 10 năm lại đổi một loạt người khác, lại cho người đến Thiên Trúc học tập âm ngữ1. Ý của họ là xin lửa thì chi bằng lấy cái gỗ kéo lửa, xin nước thì chi bằng đào giếng uống. Hiện nay cuộc diện chưa biết sẽ đến đâu. Họ đã không trả cho ta ba tỉnh ngoài, mà ba tỉnh trong cũng đã nằm trong ý định của họ rồi (Trong tờ trình trước đã nói tới). Mà Y Pha Nho cũng đến miền Bắc, nếu không đến nhờ người giúp để khiến cho họ yên đi không dám động (Trước đây khi ở Sài Gòn tôi đã có tờ trình rõ với hai vị phó sứ bồi sứ, nay không nói tới nữa), lấy cái mưu mà các nước bị mắc với họ để đánh lại họ, lại lấy cái họ đã từng thi hành ở các nước để đè bẹp họ. Vì hiện nay ở thế tung hoành nếu không như vậy thì chưa thấy kế hoạch gì khác có thể trấn áp được họ (Trong tờ trình năm ngoái tôi cũng đã nói tới). Đại nhân mang trọng trách của Nhà nước xin sớm liệu định, e rằng nếu để chậm thì đã khó lại càng thêm khó. Tôi ở xa nhưng vẫn là dưới quyền của đại nhân, không có cái gì biết mà tôi không nói, nếu có gì không hợp với sự kiêng kỵ về thời sự, xin đại nhân tha thứ cho. Lại xin đại nhân nếu có bản chép về quốc sử từ Lê đến Tây Sơn nếu có thể cho xem xin gửi cho một bản, nhờ đó tôi có nhiều giải thuyết để chống lại những phù thuyết của giặc. Tôi lại xin gởi kèm theo đây một cái hộp gỗ thô kính tặng quí công tử dùng đựng thuốc hút, mong đại nhân nhận cho. (Tôi hiện nay bị bịnh tê thấp chưa khỏi. Xin quí công tử thương tình cho tôi 5 đồng cân quế quỳ. Sau này lành bệnh tấm lòng khuyển mã chẳng dám quên ơn).

Đêm khuya bối rối nhiều việc thời sự chưa kịp trình bày tường tận. Một lần nữa kính chúc hai phó bồi sứ đại nhân vạn phúc.

Nay kính bẩm.
_____________________________________
* Nguyên văn chữ hán: Hv 189/1 tờ 65-66 và Hv 634/4 tờ 73-77.
    Bản văn này cũng không có ghi ngày tháng năm, nhưng chắc chắn là được viết vào khoảng giữa tháng 2-1865 tại Huế. Bởi vì trong bản văn có nói tới việc tàu Pháp đã đến kinh. Đây là tàu đo trung úy hải quân Chavalier tới Huế (Từ 10 đến 17 tháng 2-1865) để chính thức báo tin là chính phủ Pháp vẫn giữ nguyên hòa ước 5-6-1862 và đòi Triều đình Tự Đức trả tiền bồi thường chiến tranh hàng năm như đã quy định.

1. Tiếng Phạn
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 05:39:32 pm »


DI THẢO SỐ 8

Kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước

(Khai hoang từ)*

Ngày tháng giêng năm Tự Đức 19 (15-2 - 17-3-1866)

Kính dâng mấy lời trình bày những điều mắt thấy tai nghe về đường lối cố hữu trong việc khai hoang của người phương Tây. Nước ta phải gấp rút tính liệu mưu kế trước để chiếm ưu thế, để mưu đồ lợi ích vĩnh viễn, để giảm bớt những bức thiết hiện nay.

Nguyên phương Tây 500 năm nay, tất cả những nơi nào họ đã vững chân và không có gì trở ngại thì trước hết họ dùng lời mềm dẻo cầu xin. Những sự tình trong lời xin của họ tôi đã nói rõ trong tờ bẩm trước. Nếu việc xin của họ gặp khó khăn trở ngại họ cũng không cưỡng ép mà cứ dần dần thi hành các âm mưu quỷ quyệt để mưu chiếm lấy hết. Nhiều nước đã bị như vậy rồi.

Hiện nay họ đã sai người đi theo Tiền Giang dọc thẳng lên các đường đến tận Vân Nam. Những nước nhỏ ở phía Tây ven sông thuộc Xiêm La thường bị họ dùng kế ly gián để dễ bề sai khiến. Họ còn lên tiếng xin nước ta cho họ sai người dọc theo đường núi từ Bình Thuận ra Bắc đến Tuyên Quang để dò đường trước, rồi sẽ sai binh thuyền dọc theo ven biển từ Bình Thuận đến Quảng Yên qua các cảng khẩu và mặt biển, để dò nông sâu, vẽ vào bản đồ. Sở dĩ họ cần làm như thế là không những chỉ mưu lợi mà còn dụng ý rất thâm, tôi đã mật bẩm rồi, nay không dám nói rõ nữa.

Nhìn chung các nước trong thiên hạ phàm nước nào chiếm được ưu thế thì một là do có người giúp hai là do phân rõ chủ khách. Nếu ta tính toán trước công việc để trấn áp họ thì không những hiện tại có thể được hưởng lợi 7, 8 phần 10 mà về sau có thể được cái lợi vĩnh viễn vô cùng như Hợp Chủng Quốc ở Tây Châu. Cho nên gần đây các bậc có trí trong thiên hạ bàn về lý và thế nói rằng: Thà làm khách làm chủ chớ không làm tôi làm tớ. Câu nói đó thật là đúng. Thường tình con người ta khi làm khách làm chủ với nhau thì mạo diện tất phải cung kính, ý tình phải nồng hậu. Giả sử có lời lẽ phân trần cảnh cáo để lấy việc trước cảnh giác việc sau thì chẳng qua là lấy tình bè bạn giúp nhau mà thôi, chứ không phải như phận học trò phải bỏ sức ra phục dịch thầy. Nếu trong khi giao thiệp có điều gì xích mích trái ý thì vì thể diện hai bên sẽ dần dần tìm cách giải quyết. Còn như thầy trò thì có nhiều điều bị xử ức phi lý lắm chứ không phải một mà thôi đâu. Hiện nay các hội buôn của họ sang nước ta có hội muốn xin mở đường xe lửa suốt cả Nam Bắc; có hội muốn xin khai thác mở dọc theo các núi, có hội muốn xin cho thuyền đi dọc theo biển để tiễu phỉ, có hội muốn thông đường buôn bán. Các người này một mặt xúi giục các quan của họ, sớm làm cho thành chuyện, một mặt đánh tiếng xin dần để dò xem như thế nào. Vả lại vua quan của họ cũng có thâm ý riêng. Từ quan đến dân không ai không có chú mục vào nước ta. Tôi đã biết rõ tình hình này, cho nên trong các tờ trình trước tôi đã nhiều lần đề cập một cách tế nhị, nhưng vì là những việc hiềm nghi húy kị nên chưa nói rõ hết được mà thôi. Năm trước tôi đã nói với họ rằng những phần đất phía Đông từ Tiền Giang thẳng đến Vân Nam xưa nay đã thuộc về ta, dân ở đây hoặc nạp cống, hoặc nạp thuế. Bản ý của tôi là muốn ngầm cho họ biết trước để sau này không thể không để cho ta cùng hưởng lợi. Rồi sau dần dần dùng kế dụ dỗ dân ở đây theo về ta theo lối nước Nga đã dùng kế lấy các bộ ở Tây Bá Lợi Á.
_____________________________________
* Bài này chỉ có ở Hv 189/1 trang 67 - 79
    Nguyễn Trường Tộ, trong nhiều bài điều trần sau này, thường nhắc đến bài này dưới tiêu đề “Khai hoang từ” và ngay ở câu đầu của bài này có nói tới hai chữ “Khai hoang” (Cẩn thượng ngôn vi tương chân tri chước kiến Tây phương tuân hành khai hoang cựu lệ).
    Nhưng khai hoang đây không có nghĩa hẹp là khai phá đất hoang, mà là có một kế hoạch khai thác tiềm năng của quốc gia bằng cách thu hút sự đầu tư của người nước ngoài.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 05:40:39 pm »


Tuy chưa thực hiện, nhưng thâm tâm mật kế tôi đã dự định đường đi nước bước như thế rồi. Cho nên tờ bàn hòa năm trước tôi có nói: “Mất bên Đông thu lại bên Tây” là đã ngầm phục sẵn sự việc ngày nay vậy. Nay nếu biết đề phòng trước có thể được lợi lớn sau này. Vậy xin trình bày mấy điểm sau đây:

1. Nước ta có một dải núi chạy dài từ Bắc xuống Nam lại thoải dần về phía Đông. Đó là một thế núi tốt nhất trên địa cầu. Nền của nó rất cổ, do đó chứa nhiều kim loại đá quặng cùng các ngọc báu, các vật hiếm lạ. Những nhà địa lý các nước đã từng khen ngợi. Nhưng ta chưa hề khai quật, nỡ để điều mà tạo vật ban phúc cho ta thành ra vô dụng. Nay ta chưa tài khai khẩn, lại chưa có đủ phí tổn nhu dụng thế là ôm của báu mà chịu nghèo mãi, lẽ nào không biết thẹn mà còn đem cái lợi bày đường mách nước cho người ta? Nếu không biết khởi phát trước để chế ngự họ, không để cho họ thừa thế, thì sẽ cam chịu cho họ sai khiến để được một phần lợi, như trường hợp một vài nước nhỏ ở Tây Châu. Hơn nữa, ven núi phía Tây theo họa đồ của họ đều thuộc về ta. Như tôi đã lấy những người mình từng đi lại nhiều biết rõ phong tục tình lý ngôn ngữ của thổ dân ra làm chứng. Ngày nay nếu ta đưa ra những chứng cớ có thực đó bảo họ trở lại cầu ta giúp đỡ, nếu ta thành thực giúp họ để chia nhau nguồn lợi phía Tây, nhờ uy để chiêu dụ những dân man mọi thì họ càng sung sướng vì hợp với thâm ý của họ.Ta cũng để lộ cho họ biết nếu họ bị lộ chuyện gì ta sẽ ngầm giúp họ một tay. Như thế họ sẽ vui thích và hết sức giúp ta, để mong ta giúp họ sau này. Nếu thực hiện kế đó thì từ ven núi ra phía Đông, họ nỡ nào chiếm đoạt? Còn từ ven núi phía Tây ta với họ cùng có lợi tuy có mất mát phần ít cũng chẳng qua là lấy của ngoài đường để mua cái tình người đấy thôi, ta có tổn hại gì đâu? Vả lại, họ lấy kế để cần ta thì ta cũng tựu kế mà chọi lại họ không được sao? Nhưng kế đó rất khó, phải khéo điều đình mới được, hãy đợi tôi từ từ dò xem họ, biết rõ chân tướng sự cơ của họ rồi mới làm.

2. Người Pháp xưa nay từng coi ngôi vua là quý, chức quan là trọng, và việc làm của họ thì cốt lợi cho dân. Nếu thấy nước nào còn theo tập tục cũ, đem lòng nghi kỵ đối với người khác không chịu thông hiếu với nhau, thì họ sẽ lấy câu “lợi mình là để lợi người” mà suy diễn ra cho rằng tạo vật sinh ra đất đai vốn để cho cả nhân loại hưởng dụng, chứ đâu phải để cho một nước, một vua nào chiếm lấy làm của riêng? Lẽ đó ở đoạn đầu trong bài Lục lợi từ tôi đã nói rõ. Nếu hai bên không lưu thông trao đổi để cùng có điều hay, chung điều lợi thì ta bỏ người lấy không được sao? Nay nếu biết mở cửa buôn bán với nhau, họ không ngăn cản ta qua, ta không ngăn cản họ lại hòa hợp với nhau, đúng như thánh thượng đã minh dụ rằng: “Các nước bốn phương hiện nay đã liên kết giao thông với nhau”. Như vậy là để liệu trước sự việc sẽ xảy ra, đón kịp thời thế khiến họ phải là khách mà ta là chủ. Như thế họ sẽ cho rằng ta biết rõ thời thế, nên đến đâu cũng sẽ yên phận giữ lời ước, giữ danh nghĩa, không dám có ý đồ khác mà cũng không cần có ý đồ khác làm gì nữa. Thường tình con người ta, cầu lợi mà không được lợi mới không kể gì nghĩa lý mà liều với tiếng xấu. Nhưng người ta cũng có nhiều cách che đậy để mong tránh tiếng tham ô xấu xa. Nay đã được cái lợi như ý, lại tránh được tiếng xấu nữa, mà còn mưu cái lợi khác để liều chịu tiếng nhơ, lẽ nào có tình đời như vậy? Tôi đã xem xét hết các nước hễ ở đâu có người của họ cư trú mà nước đó ăn ở tận tình với họ, thì không những tránh được họa bên ngoài mà mối lo bên trong cũng hết dần. Vì rằng mối họa khốc liệt thảm hại nhất không gì bằng họa binh đao. Nếu họ đã ăn ở cùng ta thì khi có họa bên ngoài xảy tới họ cũng sợ bị vạ lây, buôn bán không thông, khi có hoạn nạn bên trong họ cũng sợ lụy đến thân gia đình khó bảo toàn. Vì vậy, hai trường hợp đó ta không cần giúp tự nhiên họ cũng sẽ giúp. Nhìn ra các nước ở phương Tây và Tây Châu, vua các nước thường giao việc nước cho các đại thần mà chu du các nước để mở rộng kiến văn, không phải lo việc bên trong nữa, vì đã có nhiều người lo giữ cho rồi. Sỡ dĩ được thế vì danh nghĩa đã lập, ngôi vị đã định, lý chính, thế đồng, phải trái thiên hạ đều biết, xử sự hợp với công luận, tung hoành liên kết nước lớn nước nhỏ, hòa hiếu hợp với các nước, một người làm trái thì cả đám gỡ cho. Ngày nay việc cai trị được lâu dài yên ổn đều do ở sự biết kết hợp, khác với thời xưa lấy bùn mà trát kín cửa để tự bảo vệ là thế.

3. Ngày nay cái mà ta thiếu thốn nhất là tiền của. Vì không có tiền của cho nên trăm việc, việc gì cũng không làm được. Hơn nữa, đồ dùng khí cụ của ta chưa đủ, tài trí chưa vươn tới, lại chưa có tiền của để mua máy móc kỹ thuật. Nay nếu đem một nửa số nhân tài cả nước và một nửa của cải ra thực hành cũng phải đợi vài chục năm sau mới có hiệu quả. Huống khi trước khi chưa được lợi đã sợ có một biến cố gì khác xảy ra thì tài lực của ta có khi lại bị người khác dùng. Hơn nữa dân tình yêu ghét chưa giống nhau, ý kiến còn chưa thống nhất, thì vị tất đã hiểu rõ được ý nghĩa tạm thời tổn phí để được yên ổn mãi mãi. Phàm việc gì chỉ tính đến cái lợi nhỏ trước mặt, thì vị tất đã tính toán kịp được cái lợi lớn đến con cháu. Cho nên, ai lo phận nấy, nhà ai biết nấy, thì vị tất đã hợp được công tư với nhau như dân các nước phương Tây. Tục ngữ có câu: “Muôn việc khó ở bước đầu”. Hễ thấy việc lớn mà không có lợi ngay thì tâm thần ý chí mệt mỏi rã rời không chịu làm xong việc. Đại để trong một nước phàm việc dân như việc hưng lợi, tuy do người trên xướng lên, có khuyến khích hướng đạo rõ ràng, nhưng do cả nước ở dưới làm. Nếu như ở trên việc gì cũng cứ tự làm lấy cả thì sự phiền phức thật không kể xiết. Việc làm đó ban đầu thì lợi quy về dân mà cuối cùng là quy về nước như các hội ở phương Tây. Nhưng dù trước hay sau cũng đều có lợi chung giữa công và tư. Vấn đề này có nhiều chi tiết chưa kể hết ra đây. Nay ta nếu biết cân nhắc sự cấp thiết đó mà mời họ khai nguồn lợi cho, thì dân thấy việc làm của họ có lợi, sẽ hùa nhau mà theo. Đó là lẽ thứ nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 05:43:38 pm »


Phàm việc thuê mướn nhân công, trước hết họ phải thuê dân ta, những người nghèo khó không có kế sinh nhai thấy được lợi nhiều sẽ rủ nhau ra làm, như thế sẽ tránh được cái thói du thủ du thực trộm cướp, như người Tàu đổ xô đến Cựu Kim Sơn và Tân Kim Sơn1 trước kia vậy. Đó là lẽ thứ hai.

Phàm những điều lợi mà họ được tất phải qua dân ta trước, rồi mới đến nước khác. Phàm những đồ cần dùng mà họ xuất ra như các loại đồ uống, thức ăn, khí cụ tất từ nước khác chuyên chở tới. Họ có những đồ cần dùng mà ta thiếu và cần thiết, thì cũng nhân họ có mà ta có. Đó là lẽ thứ ba.

Trừ các điều lợi đã giao ước, ngoài mấy phần thuộc về nước ta, còn họ được mấy phần thì dân ta cũng được nhờ, như nào là việc buôn bán các đồ tạp dụng cho đến mọi sự kinh doanh nhỏ khác linh tinh rất nhiều không thể kể hết. Rồi lại có công nhân các nước kéo đến đông đảo thế tất phải mướn đất ta dựng nhà, người thuê nhà đông thì thuế nhà cũng nhiều, ta lại được cái lợi như người Anh ở Hạ Châu2, không đánh thuế thuyền buôn mà chỉ thu thuế nhà mà thôi, ấy là cốt ở chỗ người đông. Cho nên nước nào khai mỏ thì dân cư ở đấy giàu có đông đảo, như Tây Châu là chứng cớ rõ nhất. Đó là lẽ thứ tư.

Phàm chỗ nào họ đi đến thì họ đều dùng đủ mọi cách gây tình cảm để được lòng vua và tôi, để dễ bề thuê mướn nhân công và để được các sự bảo hộ trong khi ăn ở, sự phí tổn không thể kể xiết. Như thế không những ta được cái lợi thường tình để làm ích cho nước, mà dân chúng cũng được của cải lưu thông để tự cấp. Đó là lẽ thứ năm.

Nhân sự cần mẫn của họ làm phấn chấn sự ủy mị của dân ta; nhân cái sức lực đã thành thuộc của họ giúp cho cái sức lực đang nuôi dưỡng của ta; nhân cái lợi đã hiện có của họ giúp cho cái mới bắt đầu của ta; nhân sự qua lại các nước của họ mà mở mang các đường giao thông của ta. Đó là lẽ thứ sáu.

Phàm chỗ nào có họ đến, hơi yên dằm là họ đã lập các hội như nhà thương, viện dục anh, viện tế bần, viện bố thí, trường học miễn phí, dân ta sẽ được nhờ. Đó là lẽ thứ bảy.

Bảy điều trên đây đều có thể giúp ta bước đầu giải quyết nạn thiếu tiền của.

4. Hiện nay cái ta thiếu là sự học tập tài nghệ. Nay ta mời họ đến, phàm chỗ nào có khai quật, thì có quan quân của ta ngồi thu thuế. Do sự đi lại nói năng và mắt thấy những điều có thể dùng được ta đều học lấy. Dân ta với họ cùng nhau làm việc, nơi ở gần nhau, ăn mặc giống nhau, trong khoảng mười năm thì tài nghệ trong dân gian chẳng gì khác họ nữa. Như thế nhà nước không mất một đồng tiền nào mà việc học của nhân dân vẫn thành đạt. Ta lại có nhiều cách để khen ngợi nhân dân, thì dân sẽ đua nhau theo học những cái thực dụng ấy. Trong khi học tập lại có tiền công của họ để tự nuôi mình. Sau khi học thành tài sẽ nghĩ đến kinh doanh việc khác để góp công với nước nhà. Như thế ai không hết sức, không tận tình? Vả chăng việc mà họ giúp được cho dân ta cũng chỉ là lúc mới đầu công việc chưa biết, kỹ xảo chưa tường, nói năng đối đáp chưa lanh, tính tình chưa hợp mà thôi. Đến khi mọi việc đã thông hiểu, đủ để tự lập rồi, thì ta sẽ rời bỏ họ mà trở về với ta, tất sẽ nghĩ đến chuyện cũ Bàng Mông3. Dân là dân ta, họ không thể cưỡng ép đi theo họ được. Thế là lúc đầu họ dạy ta, chỉ vẽ cho ta những cái khó, mà cuối cùng là ta được hưởng cái thành tựu, ta tự điều khiển dễ dàng. Tôi thấy khắp các nước cũng như tình người đâu cũng vậy, khi thiếu thì phải dựa vào người, khi đủ rồi thì trở về với mình. Đó là lý thế đương nhiên, không đợi bày dặt mới biết. Cho nên nói rằng ngồi mà hưởng lợi là vậy.
_____________________________________
1. Cựu Kim Sơn: San Francisco. Tân Kim Sơn: Melbourne.
2. Hạ Châu: Singapore.
3. Bàng Mông học được chước hay của Hậu Nghệ rồi thì giết chết Hậu Nghệ luôn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 05:44:39 pm »


5. Ngày nay cái khó của ta là ở chỗ bắt đầu. Nếu chần chừ không biết nắm lấy cơ hội trước, thì việc họ thèm thuồng nhỏ dãi không phải chỉ một ngày, thế tất họ sẽ dùng trăm cách cố làm sao nắm lấy cho được. Ví như trong nhà có một chỗ bí mật không hề mở cho ai thấy ắt sẽ khiến người ta sinh nghi. Bọn cướp không phải trên trời xuống, tất cũng là người trên đất này, chúng sẽ lấy kỳ được những thứ cất giấu đó mới thôi. Nay nếu ta mở toang các cửa, để cho họ thấy rõ mọi vật đều có chủ, thì không thể thừa cơ gây hấn, chỉ có dùng lối mềm dẻo để xin mà thôi. Khi đó quyền định đoạt thuộc về ta. Ngày nay nếu ta nhân có họ xin mà mở các cảng khẩu để thuyền bè các nước ra vào, ta ngồi mà thu thuế để tăng quốc dụng, như ở Trung Quốc. Có thuyền máy qua lại trên mặt biển thì bọn cướp biển dần dần sẽ tiêu. Sự sinh sống của dân ta sẽ dần dần thịnh vượng. Hai con đường đó sẽ giúp ta chi phí một vài chỗ trong lúc đầu. Phàm họ đi tới đâu, mọi việc làm tất phải tự xuất tiền để mà lập nơi cư trú đồn trại và cầu cống đường sá, v.v... hoặc đào mương, hoặc xẻ núi để vận chuyển hàng hóa, lại còn phải thiết lập các thứ khí cụ dể làm việc. Tất cả những xây cất tạo dựng đó đều ở trên đất của ta. Đến khi họ vừa lòng mãn ý rồi thì chán, hoặc vứt bỏ mà về, hoặc bán rẻ. Như thế là ta không khó nhọc gì mà được hưởng chiếm, không ra khỏi nhà mà mua được. Thật là nhất cử lưỡng tiện. Hơn nữa, họ xây dựng nhà cửa ở nước ta, thì những nơi trù mật đông đúc, hưng vượng thịnh lợi đâu phải chỉ riêng họ có? Kìa, nguồn lợi vô cùng của núi biển chưa dùng hết, và các loại cây cỏ lúa má trên mặt đất sinh sản mãi mãi, hễ chỗ nào có dấu chân họ đến là họ khai thông đường sá cho mãn hạn rồi thì vật sẽ trở về với chủ, họ không thể cuốn hết núi, biển, đất đai của ta mà mang đi. Thế tức là họ vỡ hoang mà ta hưởng thành quả, như các nước Tây Châu là một chứng cớ. Chứng cớ đó rất mới, cả thiên hạ cũng không thể bài bác. Đó là vì lý mà cũng ví cái thế nữa. Vì rằng tạo vật đã định sẵn mà nguyên tổ loài người cũng đã sắp xếp trước. Tuy họ tạm thời được hưởng nửa phần lợi, nhưng cuối cùng cũng không thể nào đổi khách thành chủ được. Chẳng qua là tạo vật dùng họ để chấn hưng các nước. Xét đến cùng cũng không khác gì làm thuê cho người khác mà thôi. Ngày nay nếu ta biết đề phòng trước các ngõ ngách, lời nói phải nghiêm nghĩa lý phải chỉnh, để đợi họ đến xin, như thế rõ ràng là ta làm chủ. Đợi khi họ xin, thì ta ưng thuận ngay để chặn mối hiềm khích. Dần dần ta cho họ một vài chỗ; lúc bấy giờ sẽ có nhiều thương nghị giao ước, nay chưa nói đến. Nay xin gấp rút mời vài người Tây có thể tin cậy được, hậu đãi họ, tức tốc cùng vài người của ta thông hiểu sự việc trước hết dọc theo ven núi biển tìm kiếm, chỉ định rồi sau chọn lấy những mỏ tốt nhất mà dễ lấy, dành lại về sau để tự khai thác. Trừ những mỏ nào mà ta đã khai thác, còn những mỏ nào mới tìm được mà khó lấy thì ta giao cho họ lấy, ta hưởng nửa phần lợi. Một mặt cầu ngoại bang giúp đỡ để trấn thủ 3 tỉnh, bên trong thì khai nguồn lợi để chặn sự gây hấn, đề phòng họ lấy ngầm, để phòng giúp khi loạn, để chặn đường bọn người rình mò xúi bẫy, để tương lai thu lại các lợi khác. Mặt khác, đặt lãnh sự để củng cố hòa nghị, thông thương thuyền bè để khỏi tranh chấp. Một mặt phải gấp rút chấn hưng những món lợi gần để giải cứu những bức thiết nhất thời; mặt khác phải gấp rút nói rõ cho các nước biết cái đại thế kiên cố để tiêu trừ những ý nghĩ của bọn Thắng, Quảng1, để thuận theo bụng muốn lập công của tướng Tây, mà cái ý muốn lấy ba tỉnh trong cũng nguôi dần. Vì tạo được sự thông hiếu với ta cũng đã là một công lớn rồi, mà còn không thể gây hiềm khích gì được nữa. Như trong tờ trình trước tôi đã nói: “Bốn phía vây bủa khiến cho họ không dám động tĩnh” là như thế.

Nay xem Triều đình của họ đã có mật nghị, muốn lấy trọn sáu tỉnh hợp với toàn xứ Cao Miên để làm cửa ngõ lấy vùng đất hai bên sông Cửu Long dọc lên tận Vân Nam làm nhà chính, phía trên lấy Vân Nam làm vườn sau, và lấy nước ta làm bờ giậu phía Đông, để chống giữ mặt biển. Những ý đồ đó đều nằm trong dự định của Triều đình họ như con thỏ đào ba lỗ hang là như thế. Các tướng Tây gần đây dự định trong vòng ba năm hoặc sẽ lấy toàn bộ sáu tỉnh hoặc chiếm cả Cao Miên, hoặc khai phá đường phía sau để thông Vân Nam; hoặc sẽ thông thương chung lợi với ta để mở mang rào phía Đông. Ba việc đó thế nào cũng phải thực hiện được một. Nay nếu ta khéo đắp đê để nước róc về phía Tây, lấy Cao Miên và phía Tây làm chỗ trũng để họ chuyên ý vào đó. Ta lại làm cái cách đứng bên cạnh bồi vào, như ở đoạn trên tôi đã nói thì mới có thể làm dãn được tình trạng căng thẳng của ta. Còn ở ba tỉnh trong cứ để họ qua lại tự nhiên đừng đề phòng hạn chế gì cả xem như mình cùng với họ sống chung. Thế là tuy họ không lấy ba tỉnh trong, mà vẫn được thuận lợi cũng như lấy rồi. Có như vậy mới duy trì được ba tỉnh trong để làm kế sau này. Điều đó trong binh pháp nói: Tạo được tình hình thì địch phải theo.

Nếu Triều đình không nghi ngại gì mà thực hiện dần dần các kế đó thì đại sự sẽ không xảy ra. Nhưng điều tôi nói có thể có một vài cái không nghiệm, nhưng nếu không gấp rút lo liệu thì chẳng những tờ trình này mà các tờ trình khác trước đây cũng đủ chứng rằng lời tôi nói không sai. Điều mong muốn thiết tha của tôi là lời nói của tôi không nghiệm chứ không muốn để thấy rằng lời nói của tôi là không sai. Bởi vì biết đề phòng trước khi sự việc xảy ra, thì lời nói của tôi dù có chỗ không nghiệm cũng là điều phúc cho nước nhà, mà còn phúc cho cả anh em tôi. Còn bảo đó là vì công hay vì tư thì sau này sẽ có ngày hiểu rõ, không cần phải biện bạch.

Vậy kính dâng.

Ngày tháng giêng năm Tự Đức 19.
_____________________________________
1. Trần Thắng, Ngô Quảng là những lãnh tụ nông dân nổi lên chống lại Tần Thủy Hoàng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2010, 08:41:28 pm »


DI THẢO SỐ 9

Về việc mua tàu London*

(Khoảng tháng 2 hoặc 3 năm 1866)

Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.

Cái hỏa thuyền này nếu quả không có giấy tờ của phái viên thì cũng không quan ngại gì, nhưng trước hết xin hãy nói rõ nguyên do và đệ trình gấp cho Tây soái biết, thì dù họ không chịu rút lui mà lái về Hương Cảng để cầu viện quan họ, Tây soái cũng sẽ dàn xếp cho ta. Vì theo hòa ước thì nước nào muốn sinh sự với nước ta cũng phải có quan Tây tham dự để xem xét phải trái. Một mặt ta phải tư cho Hiệp biện đại nhân đem đầu đuôi sự việc nhờ Nguyễn Đức Hậu viết rõ ra bằng chữ Tây và kèm theo bản dịch ra chữ Hán một bên.

Hôm trước Hiệp biện đại nhân đã giao giấy cho ông ta làm gấp gửi hỏa thuyền nhật trình đệ về Hương Cảng giao cho viên lãnh sự Pháp biết rõ để viên lãnh sự phân giải với quân Anh cho ta. Hơn nữa, hôm trước ở Gia Định đã có nhật trình nói rõ rằng: “Thuyền này là thuyền của người Anh, nước Nam chưa mua xong”, đó cũng là một chứng cớ. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ thì dù họ không thể bắt ép ta mua nhưng trước đây ta đã giao hẹn và lần này họ đến Gia Định ta lại không kịp nói gấp với họ để họ tiện việc khiến đến nay họ phải qua lại tốn kém, thì khoản tổn phí đó ta phải bù cho họ mới tránh cái tiếng xử sự không phải với thiên hạ. Hoặc là nói với họ rằng mua thì cần mua nhưng phải đổi cho chiếc khác mà phải đúng là binh thuyền mới được. Rồi theo lẽ công bằng ta nhờ người xem xét và định giá cho. Khi đó, nếu họ đòi giá cao mà ta trả giá hạ, nếu họ bán thì ta mua được cái tốt, thế cũng chằng sao. Nếu họ không bán, thì họ tự chịu lấy và khó bắt ta trả tiền phí tổn. Như thế mới khỏi mang tiếng không tốt. Tuy nhiên cũng phải tốn nhiều vận động lắm mới xong được việc. Một đằng là không mua mà phải trả phí tổn, một đằng là đổi rồi mới mua để tránh tiếng. Tóm lại chỉ có hai con đường đó mà thôi xin đại nhân tham khảo.
_____________________________________
* Nguyên văn chữ hán: Hv 189/4 tờ 3.
Không ghi ngày tháng năm, nhưng chắc vào khoảng tháng 2 hoặc 3 năm 1866, bởi vì trong văn bản Nguyễn Trường Tộ có đề nghị là nên tư cho Phan Thanh Giản ở Vĩnh Long tới Sài Gòn xin Tây soái can thiệp và theo báo cáo của La Grandière ngày 30-1-1866 (Kho lưu trữ Bộ Pháp Quốc hải ngoại Indochine A 30 (9) Centre II), thì hôm 22-1-1866, Phan Thanh Giản trên đường từ Huế đi Vĩnh Long có ghé Sài Gòn mà không nói gì tới việc này. Hơn nữa chúng ta được biết là theo báo cáo của Trần Tiễn Thành, (xem phụ lục số IV, I) thì ngày 25-3-1866, Nguyễn Trường Tộ đã rời Huế đi Quảng Bình. Trong thư gửi Trần Tiên Thành ngày 19-3-1866 (Văn bản số 10), Nguyễn Trường Tộ có nói rằng: “Tôi nhân công việc về đây, chẳng mấy tháng mà bệnh cũ đã tăng lên”. Như thế là Nguyễn Trường Tộ phải có mặt ở Huế từ cuối tháng 1-1866 cho tới 1-4-1866. Di thảo này phải được viết trong thời gian Nguyễn Trường Tộ ở Huế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2010, 08:46:21 pm »

DI THẢO SỐ 10

Thảo thư gửi Tây soái*

(Nguyễn Trường Tộ soạn)

Trước đây chỉ vì bản triều chưa hiểu rõ sự thế phương Tây, mà quý soái trước kia (khi ở Đà Nẵng) lại đến đột ngột, không nói rõ ràng làm cho bản triều không hiểu, đến nỗi bất đắc dĩ phải đem binh tồi ra chống đỡ. Đó cũng là do tình thế bắt buộc. Mong quý quốc cũng không vì thế mà trách giận lâu dài. Kế đến khi gác giáo bàn việc giảng hòa quý quốc đòi phải tạm cắt đất bồi thường chiến phí, bản triều đã lập tức nghe theo, chính vì muốn giương cao uy danh của quý quốc mà cũng vì tin tưởng sau này quý quốc cũng sẽ hiểu rõ tình hình giao hảo của bản triều mà cho thương thuyết châm chước trở lại. Xưa kia, vua Anh Cát Lợi có nói: “Ta chưa lên giường ngủ thì chưa dám cởi áo” Chúng tôi nghĩ rằng quý quốc vì thấy bản triều hiện tại chưa rõ sự thế, nên tạm thời bắt phải cắt đất bồi thường để đợi khi nào bản triều hiểu rõ đại thế quý quốc, cùng nhau liên hợp lâu dài, cho nhân dân hai nước chung hưởng hạnh phúc hòa bình, thì quý quốc khi đó sẽ lấy tình mà cư xử, để bản triều và các nước thấy rõ tấm lòng quý quốc là đợi lúc “có thể cởi áo thì cởi” chứ vị tất đã có thâm ý mặc mãi chiếc áo đó. Nếu không, lẽ nào quý quốc chưa bao giờ mới đến xứ nào đã đối xử nghiêm khắc ngay với xứ ấy mà lại riêng đối xử với bản triều sao? Có lẽ tình không phải vậy mà thế phải làm như vậy. Hiện nay tình giao hảo của bản triều đối với quý quốc thật giả ra sao, dân sự nhân cái cớ đó mà bất an như thế nào, quốc kế chắp vá hao hụt như thế nào quý soái cũng đã rõ. Ba tỉnh thuộc quý hạt, dân chúng chưa đồng lòng, khó bề sai khiến. Tuy với thế lực của quý quốc, kinh doanh tốn kém lâu rồi mà còn như thế, thì tình hình ba tỉnh trong như thế nào cũng có thể suy ra mà biết được. Dân thuộc quý hạt đã am hiểu phong tục luật lệ bản triều nay bỗng chốc thay cũ đổi mới tất sẽ cho là chướng tai gai mắt. Hơn nữa lại có những kẻ dựa thế hại người, nay thì phao tin nói quý quốc sắp thi hành những chính sách tàn bạo hại dân, mai lại nói bản triều sắp tiến hành khôi phục để giết dân, khiến đến nỗi dân tình Nam Bắc nghi ngờ sợ hãi. Phàm những chuyện đồn đại như thế không phải ít gì, tưởng quý soái cũng đã biết rõ. Như thế thì chẳng những quý quốc khó bề quản trị, mà bản triều cũng bị hại lây. Dân ở quý hạt và bốn phía xung quanh đã từng được quý quốc dạy dỗ dẫn dắt lâu mà còn như thế thì những nơi xa xôi và những miền man mọi sẽ như thế nào. Roi dài vẫn không vươn tới được, đó là việc dĩ nhiên. Tuy quý quốc gấp rút việc đua đuổi nơi xa ngự trị lâu dài để cầu đạt sự mong muốn lớn, tuy bản triều gấp rút xóa bỏ những lời gièm pha, mở lòng thành thật với quý quốc để cùng chung hưởng điều lợi, nhưng hai bên vần còn một đường ngăn cách. Không có cách giải quyết khéo léo để xóa bỏ đường ngăn cách ấy thì làm sao liên hợp với nhau được? Bản triều thiết nghĩ quý quốc phàm đến nước nào cũng trước dùng uy rồi sau thi ân, trước nắm lý rồi sau cư xử bằng tình. Uy và lý là tạm thời, ân và tình là trường cửu. Uy và lý là để mở cửa cho ân và tình. Khi đã vào khỏi cửa rồi thì như một nhà sum hợp vui vẻ cùng nhau, thế là lấy cái ân tình trường cửu mà bù lại cái uy lý bất đắc dĩ trước kia. Đâu có chuyện vì những lời đồn đại vu vơ mà nỡ bỏ cái lòng chân thành thiện đạo vốn có của quý quốc? Bản triều thật đã thấy rõ như vậy, nên ngày đêm suy nghĩ mong sao mối quan hệ với quý quốc đã thân lại càng thêm thân, để chặt đứt đường ngăn cách ấy đi, và trong bụng cũng thành thật tin tưởng quý soái sẽ rộng lượng không vì những lời phao đồn mà mất tình hữu nghị. Thật như thế thì từ nay về sau, hai bên có thể lấy quyền lực của vua mà điều hòa sắp đặt hóa khó thành dễ, biến dị thành đồng, nơi có bù nơi không, nhân dân tương trợ lẫn nhau, bản triều với quý quốc tuy hai mà như một. Thế lực của bản triều là thế lực của quý quốc. Sự cường thịnh của quý quốc tức là sự cường thịnh của bản triều. Con rết trăm chân thì không ngã. Như thế thì có nước nào dám khinh miệt được? Vì rằng người bình thường muốn giao đính với nhau phải dựa vào tình bạn mới thành. Nếu cứ thù nhau mãn đời thì người ta phải tìm người bạn khác để làm kẻ thân thiết để giúp đỡ lẫn nhau, chứ có ai sống cô lập không cần sự giúp đỡ mà thành được việc đâu. Bản triều thiết nghĩ hiện nay các nước phương Tây đại loại đều như thế, cho nên thiết tha muốn được ít nhiều “gần đèn thì sáng” ngõ hầu mãi mãi nhờ thanh thế của quý quốc mà mở mày mở mặt trong thiên hạ, và quý quốc cũng có thể nương cậy lâu dài vào bản triều như là phên giậu che chở cho quý quốc, để gây ảnh hưởng rộng lớn ở phương Đông. Hai nước liên hợp với nhau lâu dài, chung nhau điều hay, món lợi, thì những điều sở cầu của quý quốc mới hợp với lương tâm, và giữ gìn được bụng ăn ở tốt với bản triều, để cho thiên hạ biết rõ quý quốc không phải lấy thế lực đàn áp người như các nước khác. Như thế thì bản triều sẽ tránh được cái tiếng xử sự hẹp hòi, khỏi phải chờ đợi gì nữa. Việc đó cũng do tự ý quý quốc thi hành ra trước đã. Bản triều lại thấy rõ người phương Tây phàm đến xứ nào thì trước hết dù có dựa vào thế lực của mình để chiếm cứ thị trường, nhưng cuối cùng cũng phải dựa vào quyền lực của xứ đó để kinh doanh khai thác, chứ chưa hề thấy dồn người cả nước mình đến đấy, bỏ cái gốc mà lo cái ngọn bao giờ. Giả sử vua xứ ấy không hiểu lẽ tương thông cứ dấy binh chống mãi thì cuộc tương tranh cũng không chấm dứt được. Cái thay vì để nuôi người giờ trở thành cái làm hại người. Cho dẫu có quyết đánh lấy người ta cho được thì cũng chỉ tạm một thời mà thôi và cái được cũng bù vào cái mất, người bị hại nhưng đâu phải ta chỉ có lợi mà không có hại? Cuối cùng vật gì quá cực độ của nó thì nó sẽ phản ngược trở lại. Đâu có thể nào an nhiên tọa hưởng mãi trên đất xứ người ta? Như các nước ở Tây Châu là những bằng chứng cho điều này vậy. Bản triều đã hiểu rõ lý lẽ ấy cho nên không chịu để mất cả hai, bản triều chẳng những muốn mình vẹn toàn mà còn muốn cho người vẹn toàn nữa, vì thế cho nên có đoạn tâm tình trên đây. Mong quý soái hiểu cho lòng thành thật của bản triều. Vì rằng những sự thế này không thể đem miệng lưỡi giả dối ra mà nói được. Cách ngôn nói: “Biết trước đã rồi sau mới muốn”. Bản triều đã biết rồi, nên mới muốn như vậy. Thiết tha mong quý soái đừng vì việc đã qua mà nghi ngờ việc sau này, để tăng thêm sự điều đình hơn nữa để bản triều giữ được vẹn toàn nghĩa liên hợp lâu dài, và quý quốc cũng mãi mãi tránh được cái tiếng lấy thế lực chèn ép người. Như thế thì hai triều đình sẽ cố kết thông đồng, và đại hoàng đế quý quốc với đại hoàng đế bản triều mãi mãi giữ được tiếng thơm trong thiên hạ, nhân dân hai nước lấy tình thân ái lễ nghĩa đối đãi với nhau, chung nhau mối lợi cũng như sự vui buồn, như người trong một nhà. Như thế là tốt đẹp, quý soái có nghĩ như vậy chăng?

Nay kính


Ngày tháng 2 năm Tự Đức 19.

(17-3 - 14-4-1866)

Châu phê: Bài này lý lẽ rất mềm dẻo, không chống, không theo, cũng rất nghiêm chỉnh và trang nhã khiến cho họ biết rõ có thế cũng không ỷ thế được, thật là không thèm dạy mà dạy cho họ vậy.
_____________________________________
* Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/4 tờ 17-20.
    Cuối bài đề tháng 2 năm Tự Đức 19 tức khoảng từ 17-3 đến 26-3-1866 là ngày Nguyễn Trường Tộ rời Huế đi Quảng Bình. Nguyễn Trường Tộ đã thảo thư này trong lúc ở Huế vào đầu năm 1866, để trả lời một văn thư nào đó của Tây soái phiền trách việc quấy phá của nghĩa quân trong ba tỉnh đã nhường cho Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2010, 08:50:28 pm »


DI THẢO SỐ 11

Tâm sự với Trần Tiễn Thành*

(Ngày mùng 3 tháng 2 năm Tự Đức 19, tức 19-3-1866)

Tôi là Nguyễn Trường Tộ xin kính bẩm.

Tôi trước đây bị ốm nằm ở Gia Định điều dưỡng đã gần hai năm nay mười phần đã giảm 5, 6. Tôi cũng định đi xa, một là để thỏa điều nguyện ước trước kia, hai là mong được bình phục sức khỏe để sau này báo đáp ơn trên. Nhưng thời thế còn có điều trở ngại, do người đời còn ghét kẻ có tài mà chặn tay lại, ngay đến người có quyền lực như đại nhân mà còn gặp khó khăn, huống chi tôi là người thân hèn tài mọn mong dựa vào đại nhân để hành sự thì cũng chưa thể được. Không có cớ gì mà việc lớn cứ ngấm ngầm nảy sinh ra nên tôi không thể không trở về để tâu bẩm rõ ràng, ngõ hầu có thể đề phòng được sự việc trước lúc phát sinh. Tôi nghĩ rằng lòng của tôi đã không muốn vào tay người khác để họ sai khiến, mà lại có cách để tránh được tai họa, tưởng mọi người cũng có cái lòng như tôi, cho nên không dám tiếc tấm thân hèn sắp chết này mà không trở về Kinh để nói rõ cái ý chí của thiên hạ như vậy. Sở dĩ tôi trở về tâu bẩm chính là ý đó.

Những điều trình bày trong các tờ bẩm trước không phải là những điều thấy nghe nhất thời mà tôi viết ra. Đó là những điều tôi đã ôm ấp hàng năm, cho nên muốn thổ lộ chân tình, trút hết tâm huyết, mục đích không phải cầu cho lời nói của một mình tôi là thực mà chỉ muốn khắp thiên hạ chứng minh cho sự thực. Hơn nữa, tôi đang ở trong hoàn cảnh bị hiềm khích, chưa chắc ai đã tin ngay lời tôi nói, nên phải kiên nhẫn đợi chờ, không dám đuổi theo tài lợi, đành cam chịu cuộc sống nghèo khó đạm bạc, để cốt chứng minh cho lời nói của tôi là không vì một cái gì, không mong được một cái gì, không bị ai sai khiến, không có một ý đồ gì khác mà thật là vượt ra ngoài lẽ thường tình. Theo lẽ thường mà nói, thì những việc làm của tôi như vậy thật là khó hiểu, bấy lâu nay vì tôi không gánh vác gia đình không thiết tha tài lợi, cả Tây Nam cũng đều thấy, như thế cốt để gạn lọc ý chí, đào luyện tính tình mà bảo dưỡng việc học tập của mình. Tất cả những điều đó vốn là để đợi thời hành sự, để mong làm được một vài điều lòng hằng ôm ấp, để trọn ơn trên, để tròn thế sự, chứ đâu phải cam chịu chôn mình trong cảnh tối tăm tịch mịch? Trung và hiếu vốn là hai điều khó giữ vẹn. Nhưng nếu chỉ nói suông không ngồi vào, không dự vào chỉ biết thân mình, nhà mình, theo thường tình, còn việc an nguy của quốc gia thì coi như chuyện của nước Sở nước Việt; không hết lòng báo đáp ơn nước nhà, một mai bốn phương xảy ra nhiều việc thì thân thích của mình cũng sẽ cùng số phận với việc mất còn của đất nước. Trung không thành thì hiếu chưa hẳn đã giữ được. Tôi đã thấy rõ ràng như vậy nên muốn vun đắp báo bổ cho tương lai, chớ không muốn làm gượng ép một cách tạm thời để đến lúc phải than thở ôm tài mà chết. Xin đại nhân xét lại những hành trạng của tôi xem tại sao tôi không chịu làm điều danh lợi cho mình trong lúc còn tuổi trẻ và trong những ngày có nhiều thuận lợi ấy, mà lại còn có cái ý khác trong lúc bệnh hoạn trói buộc, muộn màng gian nan? Nếu thấy được những lý do đó thì biết được lập tâm của tôi như thế nào. Nay tôi nhân việc công về đây, chả mấy tháng bệnh cũ đã tăng lên, tuy được đại nhân chiếu cố cho thuyền đi lại mà cũng khó bề bôn tẩu vâng mệnh. Nhưng lòng tôi yên sao được mà dám yên nhiên như thế? Cái tình ấy thật khó nói. Cúi xin đại nhân gia công tài bồi cho chậm lại ít lâu để tôi được khỏe lại mới có thể ứng mệnh. Ngày báo đáp của tôi với Triều đình và đại nhân còn nhiều, trừ phi tôi chết mới thôi, chứ quyết không dám thay đổi chí hướng để mất đi cái kiên nhẫn của mấy năm trước kia là không cận nhân tình không mưu danh lợi. Kính mong đại nhân xét cho tấm lòng của tôi. Sau khi tôi trở về, nếu bệnh khỏi không đợi gọi tôi cũng đến, nhưng nếu chưa bớt thì dù có lệnh gọi tôi cũng xin đại nhân lượng thứ cho. Nếu có việc gì có thể sai phái như mua sách, hoặc trình bày việc này việc khác với họ, giúp đỡ lãnh sự để lấp mối hiềm nghi. v.v... Những việc như thế tôi có thể giúp trong muôn một. Còn những việc có tác dụng lớn khác thì thế chưa thể làm được, sợ bệnh tái phát thì khó xong việc. Nếu đại nhân truyền gọi điều gì, xin hỏi nơi Giám mục Hậu, và xin nói cho biết rõ việc gì, đi đâu, đi lâu hay đi chóng hoặc tạm về rồi đi nữa, hoặc đi xa, hoặc ở Kinh để tôi dự bị mang theo những đồ dùng cần thiết phòng bệnh và ít nhiều tiền chi dụng khỏi phiền lụy đến người khác.

Rất mong

Nay kính bẩm.

_____________________________________
* Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 80-82.
    Bài này được viết lúc Nguyễn Trường Tộ đang ở Huế, để giúp vào việc tàu London. Lần này Nguyễn Trường Tộ tuy có được hỏi han, nhưng không được sử dụng trong cuộc thương thuyết về tàu London, nên có vẻ ê chề, chán nản nên mới xin về Nghệ An.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM