Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:17:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo  (Đọc 145732 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #160 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 09:03:53 pm »


DI THẢO SỐ 30

Mục đích của sứ bộ đi Pháp*


(Ngày 16 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức ngày 9 tháng 3 năm 1868).

Tôi Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.

Trong các tờ bẩm các năm trước cũng có phân nửa nói đến kế bủa lưới bốn mặt. Một là duy trì ba tỉnh trong; một là khiến họ không dám dòm ngó Bắc kỳ. Nhưng mà sự thế ngày càng sa đà, để đến ba tỉnh trong cũng bị họ bức lấy. Tâm sự trước đây của tôi, đối với cục diện, đã trôi theo thời gian, còn nói lại làm gì? Nay chỉ theo sau sự đã rồi mà gắng gỏi tìm cầu, thật cũng khó vậy!

Mấy chục năm nay, tôi bôn tẩu trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến thiên xưa nay đem những điều đã đọc trong sách nghiệm ra việc đời. Dù trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện, thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm của mình, cho nên không kể là phải uốn nắn để cầu học hỏi, cũng rất khổ tâm lắm1. Ôi lòng dạ mưu mô của họ, chưa tóm thâu hết được thiên hạ là chưa thôi huống chi đối với nước ta. Nhưng cái kế họ đem ra thi hành, có khi hoãn khi gấp, không giống nhau đó thôi. Gấp như người Pháp lấy A Nhĩ Cập, hoãn như người Anh lấy Ấn Độ. Nhưng theo tâm lý của họ thì hoãn là thượng sách mà gấp là hạ sách. Vì lấy gấp sẽ tốn nhiều tâm lực mà hoàn toàn thất nhân tâm, hoãn thì rỗi rãi như tằm ăn dâu, mà đắc nhân tâm một phần. Cho nên bốn trăm năm trở lại đây, họ đến nước nào, cũng thăm dò kỹ lưỡng tình hình nước đó trước để ứng dụng kế hoãn hay gấp.

Đem cái thế mạnh và binh lực nước họ mà đối với ta thì không phải họ không lấy gấp được, nhưng vì họ đã biết rõ tình thế nước ta. Lâu nay những cái thuật ta dùng để chống lại họ, họ đã tính toán cả rồi (Xin xem lại năm kế độc mà tôi đã bẩm trước). Họ tạm theo tình thế, khéo lợi dụng sức của ta mà thi thố từ từ cũng đủ rồi cần gì phải gấp? Phàm những quân cướp, có khi nhờ vào sự quy thuận của người ta, mà cũng có khi nhờ vào sự chống lại của người ta. Thuận hoặc chống thế nào họ cũng lợi dụng được một phía.

Năm Tự Đức thứ 15, thứ 16 trước đây2, sở dĩ họ vội vã phát thuyền lên Kinh cầu hòa, vì họ đã biết rõ cuộc hòa của ta chưa ổn, cho nên muốn đem cuộc này câu ta, để lấy ba tỉnh trong ngày nay vậy.

Chính ta, ta cho là giữ bền hòa ước, mà chính họ, họ cho là ta âm thầm phá hòa ước. Họ có “thế” mà ta không, thì lời nói của người có”thế” bao giờ cũng đúng, còn kẻ không có “thế” thì không làm sao biện minh được. Nay họ đã lấy xong sáu tỉnh, rồi lại đến nói chuyện hòa với ta, là đã xem thấy sau lưng ta rồi vậy (Sự lý đoạn này rất dài, nếu nói ra có nhiều điều trở ngại). Không thế thì xưa nay làm gì có chuyện nước mạnh đi đến nói hòa với nước yếu? Ý họ là chỉ sợ ta hòa thật, chứ không sợ ta hòa giả. Họ muốn mượn sự hòa giả của ta, để làm bước đường tiến ra Bắc kỳ. Nếu ta hòa thật mà lại khéo xử sự với họ hợp tình thế làm cho họ không có cách nào để thắng ta nữa thì họ được có sáu tỉnh mà thôi, còn trông mong gì hơn?

Nếu sức ta đủ để chống lại họ, thì không cần hòa. Nay đã không thể chống được mà còn xin trả đất lại. Thử hỏi họ đưa nhân dân vượt trùng dương đến đây, ý họ muốn làm gì? Vì thế mà tôi bảo việc ấy là khó. Thế nhưng tình đời gặp bất bình thì kêu, mà kêu cũng phải dùng lời lẽ khéo léo mới khỏi nhục quốc thể.

Nay ta đến giảng thuyết với nguyên soái của họ thì sự việc còn nhỏ, chứ qua giảng thuyết với Triều đình nước Tây, thì sự việc sẽ lan khắp phương Tây. Nếu không thành, thì sự nhục quốc thể lại càng nặng, mà lại thêm bay tiếng không hiểu thời thế ra khắp thiên hạ. Sau ta dù có muốn giao thông với các nước khác, để đợi thời thế (Châu phê: Như thế thì rất khó) thì người ta cũng khinh mình cho là khó cộng sự mà không chịu thâm giao với mình (Điều này tuy nay chưa làm kịp nhưng không thể không làm). Như thế chẳng hóa ra ta bị cô lập ư? Đã cô lập rồi, thì sau này thời thế đổi thay dù có đuổi được một Tần này lại sinh ra một Tần khác, như năm trước trong bài Lục lợi từ, tôi đã bẩm ở điều thứ năm.
_______________________________________
*. Bản vã chữ Hán: Hv 189/3 tờ 22 - 27.
Hv 634/1 tờ 163 - 171.
VHv 170 tờ 47b - 50b.

1. Ý nói đi theo các thừa sai nước ngoài, đi ra nước ngoài để học hỏi, là cần thiết, nhưng đã làm cho Triều đình dị nghị, nghi ngờ.
2. Tháng 3-1862 (Tự Đức 15) tàu Pháp Fabin đến Cửa Thuận yêu cầu Triều đình Huế cử người vào Sài Gòn thương thuyết và ký Hòa ước 5-6-1862.
    Tháng 4-1863 (Tự Đức 16) phái bộ Pháp và Tây Ban Nha đến Huế để làm lễ trao đổi các văn kiện phê chuẩn Hòa ước 5-6-1862.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #161 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 09:05:29 pm »


Nay xin: (Châu phê: Từ đây trở xuống mới là thật) khi đến Gia Định, nên nói rõ trước với nguyên soái rằng: Sứ bộ ta đi lần này, không phải chỉ vì xin trả lại ba tỉnh, mà còn muốn mời người khai hoang (Có cả hai khoản như vậy mới không nhục quốc thể) và mua sắm máy móc, để tỏ ý làm cho hai nước cùng chung thịnh lợi. Chỉ vì dân chúng Bắc kỳ xôn xao bất bình, nên Triều đình bất đắc dĩ mới đem nguyện vọng của họ đề bạt lên Tây triều. Nếu có thể thương thuyết để hai nước tốt với nhau thì quý hóa; còn nếu có chỗ quan ngại, cũng xin nguyên soái giúp đỡ cho một phen, châm chước cho nhiều khoản khác, để bản triều được tránh trách nhiệm với quốc dân. Nguyên soái thấy ta không có bụng cưỡng trách sinh sự, mà có ý phó thác chắc chắn, thì y sẽ yên tâm mà không tìm cách để ngăn trở ta. Đợi khi sứ bộ ta đến Tây triều rồi, ngầm tìm đường lối, xem chừng có thể xen vào được (Việc ngầm tìm này thì lấy hai khoản mượn người và mua máy móc mà che đậy để qua lại tránh tiếng tăm) thì cương quyết xin. Còn thế không thể được thì làm thinh (Châu phê: Đoạn này chưa đúng), nhưng vẫn dựa vào nguyên soái. Y thấy ta không có tình tiết gì khác, thì cũng hồi tâm phần nào, và đề bạt lên Triều đình cho ta, ắt sẽ được việc ít nhiều.

Một mặt, sau khi nguyên soái đã về Tây, mà ta còn đợi ngày đi, thì nên đến nguyên soái mới, dò tình ý xem thế nào. Nếu ý có hơi lộ ra là nguyên soái trước sai, thì ta lại giao kết thân mật với y, mà xin kế hoạch của y (Châu phê: Có ý).

Một mặt, khi đến Tây triều rồi, nên ngầm tìm Hà Ba Lý1, xem ý hướng y thế nào mà nhờ y ngầm giúp cho. Vì y trước có hiềm khích với nguyên soái.

Một mặt, không nên nói lại với y về khoản Lăng Xu Bi2 trước đây (Châu phê: Phải), cũng không nên nhờ nó viết thư sợ lộ manh mối. Đợi khi đến Tây triều, sẽ ngầm tìm chú nó, cũng chưa muộn gì.

Một mặt, khi đến Tây triều rồi thì nên ngấm ngầm tìm các tay có thế lực trong viện Thứ dân, để thi hành kế hoạch.

Một mặt, nếu muốn dùng thuật tung hoành thì khi đến Tây triều, sau khi bày tỏ qua loa sự tình rồi, thì liền xin với quan Tây rằng: “Có một hai người trong sứ bộ muốn đi hết các nước, để rộng đường nghe thấy, không biết nên đi nước nào trước”, xem họ đối đáp như thế nào rồi sau sẽ đi.

Trong tờ bẩm năm trước, tôi có nói nên dùng chước tung hoành, là muốn thi hành trong tình thế thơi thả, chớ không thể tung ra thi hành trong lúc cấp bách. Nhưng khi đã đến nước họ rồi, thì hãy xem cơ hội có thể làm được thì làm, không thì thôi. Khoản này rất khó, tất phải có người kín đáo khéo nói, thuộc hết sự thế thiên hạ, mới nhân điều họ nói ra, mà biết những điều họ chưa nói. Hoặc là đề khởi những việc họ đã làm mà thăm dò ý hướng họ. Nếu cứ thật thà ngay thẳng mà nói ra, thì lại gây thêm chuyện.

Kế này phải thi hành thong thả mới được, chớ không thể một lúc một lần thành công ngay. Xin hợp hết tình hình ngoại giao trên thế giới trong 500 năm lại đây mà xem, thì mới rõ mối manh, chớ không phải một tờ một trang có thể nói hết được.

Các khoản trên này trừ khoản tung hoành ra còn tất cả đều là muốn cứu vãn sự cơ hiện nay trong muôn một. Nếu không khéo xử thì chẳng những không cứu vãn được, mà còn sinh ra nhiều việc nữa.

Các sự lý nói rõ ở đoạn trên, thật là nghìn khó muôn khó. Khi sang đến nước họ, mới biết sự thật. Ai cho là dễ thì thật không biết họ vậy. Thế nhưng, nếu trời có ý thầm giúp ta, mà xui ta đến vào lúc nước họ xảy ra biến cố (Châu phê: Ắt là có biến cố) thì phái bộ hãy nên ở lâu bên đó, gắng tìm đường lối (Châu phê: Đường lối nào) chắc sẽ được việc. Như vậy những điều tôi bảo là khó đó là bàn về tình thế bình thường bên ấy mà nói. Nếu gặp tình thế có biến cố xảy ra thì điều tôi bảo là khó ấy lại trở thành dễ. Đó là điều mà trong lòng tôi hết sức mong mỏi như vậy chứ không phải tôi nói vu vơ.

Các khoản nên làm kể trên tôi mới chỉ nói tiết mục đại khái mà thôi. Còn đến lúc ra làm phải tùy cơ ứng biến. Điều này đòi hỏi phải biết rõ lý thế bên ta bên họ (Châu phê: Hỏi y - tức Nguyễn Trường Tộ - có muốn đi theo mà giúp để thực hiện lời nói của mình không?) mà tùy theo đó ứng dụng đường lối cứng rắn hay mềm dẻo, bút mực không thể nói hết được.

Đấy là những mưu kế lặt vặt, tạm dùng trong lúc cấp bách mà thôi. Nếu muốn có kế sách lớn, thì phải đem cái tính tình của toàn thể nước ta ra mà kêu gọi tính tình nước nào đã chống chế được họ, thì mới có thể nói đến đâu làm đến đó được (Châu phê: Như thế thì thông với nước Anh? Hay là tính tình nước Anh chưa chắc). Nếu không thế, biết mà ngờ vực chểnh mảng không làm, sau hối hận càng thêm nặng, chẳng thà không biết còn hơn.

Nay kính bẩm lên đại thần sáu Bộ soi xét.

Nguyễn Trường Tộ - ký.


_________________________________________
1. Hà Ba Lý: Aubaret.
2. Langxubi?

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #162 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 09:07:25 pm »


DI THẢO SỐ 31

Về việc lập sứ quán và cử phái bộ*

(Ngày 19 tháng 2 Tự Đức 21, tức 12 tháng 3 năm 1868).

Tôi là Nguyễn Trường Tộ xin đem các công việc ngoại giao bẩm rõ sau đây:

Một là, các nước đều có công sứ nước mình lưu trú ở Kinh thành các nước khác. Điều này rất có ích. Năm Tự Đức thứ 19 trước đây, trong một tờ bẩm, tôi đã bẩm sơ qua về khoản đó. Phàm nước nào có việc lớn, thì gửi thư ngay cho công sứ nước mình trú ở Kinh đô nước đó, công sứ có quyền đối kháng thương lượng với Triều đình nước ấy. Nếu hòa hảo tử tế được thì thôi. Nếu Triều đình nước ấy không chịu, thì công sứ nước mình cuốn cờ mà về, rồi mới gây việc binh đao.

Các công sứ các nước cùng đóng ở Kinh thành nước khác lâu ngày, kết giao với nhau, càng ngày càng thân. Cho nên một khi xảy ra việc gì, sẽ có nhiều tay góp phần gỡ rối, nhiều người góp ý giúp đỡ, nên thường thường việc lớn hóa ra việc nhỏ. Bằng chứng như thế rất nhiều, không thể nói hết.

Vả công sứ quyền năng hơn nguyên soái, bất luận việc gì, trước hết phải thông qua tay công sứ, vạn bất đắc dĩ mới giao cho nguyên soái liệu định.

Năm trước, lúc họ mới bàn hòa với ta, cứ theo thể lệ phương Tây, thì ta với họ đều phải đặt công sứ. Sau họ thấy ta một mực từ chối, họ biết ngay sự từ chối đó là hại cho ta, mà lợi cho họ, nên họ cố giả bộ yêu cầu hai ba lần để cho ta càng sinh nghi mà càng từ chối. Do đó họ mới được tha hồ muốn làm gì thì làm. Nay nếu muốn giao thiệp với các nước thì ta qua họ, họ qua ta, sau lâu rồi cũng phải đặt lãnh sự công sứ ở nước của nhau, mà khoản này ta chưa làm được, vì ta chưa biết rõ lý thế giao kết tung hoành phải như thế. Khó là vì vậy.

Hai là, nếu mở rộng cửa ngõ giao thông với nhau sẽ có lợi ích lớn, như trong bài Lục lợi từ đã nói và bài Ngôi vua là quý, chức quan là trọng đã trình bày 14 khoản cùng các lý lẽ đã nói rõ trong bài Khai hoang từ. Như thế thì họ với mình cùng nhau qua lại ăn ở mọi việc rõ ràng, dễ điều đình. Nhưng hiện nay ta còn nhiều trở ngại, chưa làm được. Khó là vì vậy.

Hai khoản này, trong các tờ bẩm trước, tôi đã nói qua. Nay có sứ bộ đi Tây, nên tôi xin nhắc lại để rõ sự nên hoãn, nên gấp trong việc ngoại giao. Nếu thế chưa làm được thì không nên đi chu du các nước, để thêm phí tổn. Hai khoản này là bước đầu khởi sự, có nhiều trở ngại khó khăn. Nếu còn nghi ngại thì hãy nán lại sẽ cứ đi sau cũng chưa muộn.

Còn như đại thế phân hợp tôi nói rõ ở đoạn đầu trong bài Tế cấp bát điều, thì sau này dù ta không muốn làm, người khác cũng sẽ làm thay ta, rồi bắt buộc ta cũng phải theo đuôi. Đấy là sự thế nhất định không thay đổi.

Nếu thế sứ bộ đi Tây lần này, cũng nên đi giao thiệp cho rộng, hết sức thăm dò một phen, để về quyết định xem nên làm hay không.

Còn như chuyến đi của sứ bộ lần này với những sự thế trong ý định của Triều đình, chúng tôi nghĩ kỹ, tính kỹ tình thế của họ, thì mọi việc cũng chưa chắc muôn phần đều được như ý muốn. Nhưng được một điều lớn, như những lời tôi đã nói ở đoạn cuối trong bài trình bày về việc duy trì ba tỉnh là “Nay ta hết sức làm cái kế có thể duy trì thật là hết lòng hết dạ thương dân. Nếu việc thành công thì phúc cho nhân dân, còn nói đến phải núi cùng sông hết mà phải giao cho trời định đoạt, thì cũng có thể đem tâm tình này mà tạ cùng thiên hạ và còn lưu lại cho ngày sau lòng nhớ sáu tỉnh cũ mà khôi phục mai sau”. Đấy là một điều lớn sẽ đạt được trong chuyến đi này.

Sau nữa nếu thế không thể vãn hồi được mảy may thì trong khi lập điều ước tôi sẽ bẩm rõ tất cả trong đó nên giao ước như thế nào, để có thể bảo đảm sau này, họ không dám tràn lan ra chỗ khác (Nhưng ta phải đừng phạm lỗi trước thì mới có thể giao kết lâu dài được) để có thể kéo dài ngày tháng, khiến cho ta có thể tự cường, mà dần dần mưu việc báo phục. Đấy cũng là đạt được một điều lớn.

Sau nữa, phải hết sức dò xét thế tung hoành, để phân biệt việc gì nhất định làm được, việc gì chưa thể làm được. Việc gì có thể làm được thì hết sức làm ngay. Về sau nhất định được ích lợi lớn, như Tây Châu. Nếu muốn trái với mọi người mà đứng riêng ra một mình, thì lúc về tôi sẽ bẩm rõ sách lược thứ hai, mà hết sức thi hành trong vài năm, cũng đủ sức tự củng cố, thề không chung sống với họ. Còn như việc thành hay bại, đều phó cho trời. Vả lại lần đi này quan hệ đến đại thế, cho nên đem kiến thức thô thiển mà nói hết ra, nếu có sự gì mạo phạm, đấy là do một tấm chân tình, vì không am hiểu sự thế mà ra. Muôn lần mong Triều đình rộng lượng tha thứ, để mở đường ăn nói.

Xin bẩm thêm: Nếu sứ bộ cần tiêu dùng chi phí, xin nói rõ với Tây soái trước đến nước họ mượn tiền mà tiêu, rồi trả ở Gia Định. Nếu mang tiền Gia Định sang Tây, mỗi đồng chỉ đổi được 4 quan 9 tiền hoặc 5 quan mà thôi, mà ở các phố lại không thông dụng. Ngày trước chúng tôi đem tiền Gia Định mua bên ấy, đã không lợi mà lại khó tiêu dùng. Về đồ đạc của công nên bỏ vào hòm to chắc chắn (Mỗi hòm nặng chừng bốn năm người khiêng) mới bớt phí tổn. Nếu dùng hòm nhỏ, thì bao bì nặng mà đựng chẳng được mấy. Lại nên dùng ván nhẹ đóng đinh vào cho chắc chắn (Xin phái thợ đến sứ quán, mượn một cái hòm không về làm mẫu). Nếu không, đi chưa đến nửa đường mà đồ đạc của cải đã hư hỏng.

Nay kính bẩm.

_______________________________________
*. Bản văn chữ Hán: Hv 189/3 trang 28 - 32.
    Hv 634/1 trang 155 - 161.
    Hv 135 trang 117 - 123.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #163 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 09:08:51 pm »


DI THẢO SỐ 32

Về việc tổ chức cho sứ bộ đi Pháp*

(Ngày 19 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 12 tháng 3 năm 1868).

Tôi Nguyễn Trường Tộ xin đem những việc phải chuẩn bị để phái bộ đi Tây bẩm rõ như sau:

Tôi trộm nghĩ: Xưa nay bất luận nước nào, hễ có sứ bộ đi ra nước ngoài, điều quan trọng là làm sao biểu dương uy thế, bảo toàn thể diện cho nước mình và không nhục mệnh vua. Vì sứ thần thay mặt cho nước, một người tức là một nước vậy. Nếu có việc gì không hợp thể thống, sẽ khiến người ngoài để tâm dòm ngó khinh nhờn. Huống chi hiện nay các nước trên thế giới đều giao thông liên lạc với nhau, nước nào cũng đem tài sức quyền thế tranh hơn với nước khác. Nếu có việc làm gì không cẩn thận thì báo chí sẽ loan tin khắp thế giới, mọi người đều nghe thấy, quan hệ không phải là nhỏ. Vả lại thói đời giống với mình thì vui mừng, khác với mình thì chế giễu. Cho nên vua Hạ Vũ ngày xưa, vào trong nước của những người trần truồng, thì cởi áo mà đi. Sở dĩ bỏ tập quán cũ của mình là muốn thuận tình người khác, để mong cho được việc. Năm trước người Xiêm La đi sứ sang Pháp, lúc đến đất Pháp, thấy nước họ rất mực phồn hoa, bèn đem hết đồ triều phục mặc vào mà đi. Khi vào sứ quán rồi, trước ngày yết kiến vua Pháp, họ giả bộ trong phòng hỏa hoạn rồi kêu rằng đồ triều phục bị cháy hết. Người Tây phải sắm lại triều phục cho họ. Khi họ về nước rồi, người Pháp biết là giả dối, nhưng chả làm gì được. Trí lực của người Xiêm là như vậy.

Sứ bộ ta đi Tây lần này, cách ăn ở, hễ đến đâu, phải làm như thế nào, tôi sẽ nói trước với quan chính sứ, bàn bạc phải chăng, tạm theo tục họ, để tránh sự chê cười. Còn như áo quần, đồ dùng, cần phải tề chỉnh sạch sẽ. Vì người Tây ghét nhất là ăn mặc bẩn thỉu. Trừ lễ phục ra, áo lót mình mỗi người ít nhất cũng phải 40 bộ, mỗi ngày mỗi thay đổi. Khăn mặt phải dùng vải Tây trắng, ít nhất mỗi người cũng phải có 30 chiếc. Những hòm rương mang theo cũng phải bóng nhoáng. Nếu chưa có thứ tốt thì khi đến Gia Định mua cũng được. Nếu dùng những thứ ta thường dùng như tráp đựng trầu chẳng hạn, thì thật trông không được mắt tý nào.

Còn những đồ tặng vật kỷ niệm, xin chớ đem nhiều đồ sành sứ. Vì những thứ ấy của nước ta rất thô sơ. Nên mua nhiều trà ngon và các thứ hàng Tàu, chuyên chở đã dễ, lại cũng dễ giả. Còn một vài đồ sành sứ, xin mua thứ rất tốt, không nên đem những thứ thô kệch như lần trước, đã lòi sự vụng về, lại tốn tiền chở. Và các loại vật dụng của công, nên chọn những loại rất nhẹ mới tốt. Vì không kể đi tàu thủy hay hỏa xa, mỗi người cũng chỉ được mang theo 60 cân mà thôi, còn ngoài ra đều phải trả tiền cước. Nếu chở nhiều đồ nặng thì phí tổn rất nhiều, mà cũng không ích gì.

Về những người hầu hạ cũng không nên đem theo nhiều. Vì từ Gia Định trở đi, không kể ở nhà trọ hay ở thuyền, đều có người Tây phục địch. Ta chỉ cần một số rất ít để sai bảo mà thôi. Nếu một thuộc viên lại có một người hầu riêng, thì ở xe, ở thuyền, hay ở nhà trọ, người ấy cũng phải trả tiền như thuộc viên. Tiền phí tổn đi về của một người ít nhất cũng phải một vạn quan. Nhưng nếu người đi theo hầu hạ quá ít, mà bị họ chê cười, mất thể diện, không đi không được thì dù tốn bao nhiêu cũng không nên tiếc, để giữ thể diện. Nay trái lại nếu đem nhiều người, thì lại mất thể diện, và bị họ chê cười vì phương Tây không có tục ấy. Cho nên cần phải giảm bớt.

Lại nữa, các người trong sứ bộ phải xét chọn người nào thật cần phải đi, mới phái đi. Nếu không cần lắm, hoặc giảm đi cũng không trở ngại gì thì nên giảm. Năm trước sứ bộ ta đi Tây, trừ tiền mình phải chịu, còn ra quan Tây khoản đãi sứ bộ tốn hết gần 45.000 đồng. Nay đi lần này, đều do mình tự liệu lấy cả, trừ khi đến nước Tây hoặc được khoản đãi ra, còn dọc đường ta đều phải chịu hết. Vì thế nên ít người là tốt, càng ít càng tốt. Vả lại sứ bộ chỉ dùng để đối đáp chớ không phải để đánh chác gì. Lần trước các nước nghe sứ bộ ta đi đến hơn 60 người, đều lấy làm quái lạ, không thể hiểu nổi. Lần này định đi bao nhiêu người, những người nào nên kể rõ họ tên chức phẩm, viết thư vào Gia Định đệ trước qua Tây, để cho họ biết trước mới được.

Lại còn tục đi chân đất, người Tây cũng cho là rất xấu. Xin đều phải đi giày, giày Tàu, giày Tây, thứ gì cũng được, miễn đừng để chân không là tốt. Ngoài ra còn phải dùng bít tất trắng để bao chân. Mỗi người ít nhất phải có 4, 5 đôi giày, còn bít tất phải hai, ba mươi đôi để thay đổi luôn mới được.

Lại như lần này khứ hồi phàm những chỗ trên đường đi qua như thuộc địa nước Anh, đã qua thăm lãnh sự Pháp, thì cũng phải qua thăm các quan sở tại người Anh. Đấy là lý phải như thế.

Lại như năm trước sứ bộ ta đi Tây, đã được vua nước Ai Cập qua khoản đãi 4, 5 ngày. Vua Ai Cập với ta xưa nay vốn không quen biết, sở dĩ làm thế là muốn vui lòng vua Pháp mà thôi. Nay nếu sứ bộ ta có đi ngang qua đó, cũng nên có phẩm vật gì biếu tặng mới hợp lẽ. Còn như việc ăn ở đi lại, tất cả tập quán các nước như thế nào, tôi cũng đã bẩm rõ và xin nén lòng chịu khó tạm theo tục lệ người ta, mới khỏi chướng tai chướng mắt người, như thế mới bảo trọng được thể diện nước mình. Còn sự thành công là ở trời. Tuy nhiên bảo toàn thể diện, khéo được lòng người, thì cũng là một cách để thành công.

Khoản này hoàn toàn do ở mình, chớ không thể đổ lỗi cho người khác. Vì thế nên tôi chẳng trốn tránh mà nói ra, nghe ra như có phần vị kỷ nhưng chính là sự thế phải như vậy. Nếu người ta chê cười một người, cũng như chê cười một bộ phận của cả nước, huống hồ chê cười sứ bộ thì sự nhục quốc thể lại chẳng lớn hơn sao?

Vì thế tôi kính bẩm lên quan bộ Lễ soi xét.

Nguyễn Trường Tộ ký

__________________________________
*. Bản văn chữ Hán: Hv 189/3 trang 32 - 36
    Hv 634/1 trang 148 - 155
    Hv 135 trang 123 - 129
    N.P 120 trang 17 – 18.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #164 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 09:10:19 pm »


DI THẢO SỐ 33

Về việc gởi người sang Pháp học*

(Ngày 20 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức ngày 13 tháng 3 năm 1868)

Tôi Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.

Nay vâng lời hỏi của quan bộ Lễ về việc phái người đi Tây học, tôi xin trình bày rõ các ý kiến đó như sau:

Điều này rất nên làm. Có một điều hay lớn là khiến thiên hạ biết rõ nước ta ngày nay sắp sửa vươn lên để cùng nhau đua chen với các nước. Việc tuy nhỏ, nhưng danh nghĩa lớn có thể khiến các nước biết rằng ta dần dần rồi cũng qua lại giao thông với họ, có thể tỏ cho thiên hạ biết rằng nước ta hòa hảo và giữ vững lời ước với nước Pháp. Đó là việc làm không cần rêu rao mà chính đã cáo tri cho khắp thế giới biết. Việc cử người đi Tây học còn khiến cho nước Pháp dần dần tin ta thật bụng hòa hiếu. Với các lẽ trên, thì việc này làm một mà được mười. Tuy nhiên tài chánh nước ta hiện đang khốn đốn, cũng phải khéo tiết kiệm để bớt tốn. Nay xin tư cho Tây soái xin cho đi theo thuyền nhà nước. Nếu đi thuyền buôn phí tổn sẽ gấp năm lần. Việc học là công trình hàng năm nọ tháng kia không phải chuyện gấp rút.

Nếu sứ bộ đi trước, đến Kinh thành nước Pháp, hỏi trước chỗ ăn ở xong xuôi, tìm người gởi gắm, thì sau này học sinh sang học không đến nỗi phải lúng túng, sứ bộ không trở ngại gì. Sự đi lại thì nhờ quan Tây, sự dạy bảo thì nhờ học hội (Sứ bộ sang Tây đến cả nhà học hội xem sẽ thấy rõ mối manh). Vì học sinh phải tìm chỗ có quy củ mà ăn ở, mới khỏi lêu lổng mà tiến ích được. Vả bản lĩnh có chính, thì thi hành mới tốt. Nếu bản lĩnh không chính, dù có tài cũng thành người vô dụng. Thử xem nước Ai Cập năm trước phái 15 người qua thành Ba Lê học tập. Đến lúc học xong về nước, chỉ giỏi những nghề chơi bời phóng đãng, ăn mặc phong lưu mà thôi. Vì Ba Lê là nơi rất phồn hoa. Nếu bỏ lơi khuôn phép thì dù người lão thành kiên nhẫn, cũng dễ bị hoa nguyệt rủ rê, huống là bọn học sinh trẻ tuổi.

Vả lại mới đầu, nên tìm trường nhỏ mà học. Tiền học, tiền ăn đều rẻ, rồi dần dà học lên, mới khỏi mù mờ như trông ra bể khơi. Nếu đột ngột vào ngay trường lớn, thì tổn phí đã nặng mà giáo sư cũng khó tự hạ thấp mình xuống để dạy riêng cho. Như thế tốn kém nhiều mà kết quả ít. Vả lại khi vào trường rồi, tất những sự ăn, ở, mặc đều do nhà trường lo. Hàng năm tính chung lại mới trả. Tiền phí tổn ấy hoặc do sứ bộ cùng với Viện Truyền Giáo làm giấy vay, mỗi năm tính ra bao nhiêu rồi giao số tiền ấy cho giám mục địa phận nước ta cũng được, hoặc do quan Tây cấp rồi số tiền ấy trả lại tại Gia Định cũng được.

Những học sinh học máy móc thì tuổi phải 20 trở lên, học chữ Anh, chữ Pháp thì phải 12, 13 trở lên.

Những công việc đi học bên Tây là như thế.

Nay kính bẩm.
__________________________________
*. Bản văn chữ Hán: Hv 189/3 trang 40 - 42.
    Hv 634/4 trang 132 - 135.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #165 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 09:11:39 pm »


DI THẢO SỐ 34

Trả lời các câu hỏi của triều đình*

(Bổ túc văn bản số 29)

(22 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 15 tháng 3 - 1868).

Nguyễn Trường Tộ xin đem các điều được hỏi bẩm rõ từng điều một như sau:

- Thứ nhất về câu “Họ đã tính toán cả rồi”:

Họ đã biết rõ thế nước ta yếu, không bằng một phần mười của họ. Họ lại biết rõ mấy lâu nay Triều đình ta bàn bạc những việc qua lại với họ, có nhiều ý kiến bất đồng. Phàm những việc có lợi cho ta, ta đều chần chừ mà bỏ mất hết. Họ còn biết rõ những việc làm của quan dân ta đều có chỗ có thể vịn lấy để bắt bẻ. Họ còn biết rõ là ta còn cô lập không có viện trợ. Họ còn biết rõ ta có chỗ hở dễ thừa cơ xen vào sau này có thể giúp cho tụi phiến loạn để chia cắt. Họ còn biết rõ ta còn câu chấp, chưa biết tùy thời biến thông để nhờ những cái của người khác đã sẵn có. Họ còn biết rõ ta không lo tự cường gấp như các nước mà chỉ tranh giành từng tấc đất, thước đất.

Những điều kể trên là tôi tình cờ nghe được các quan Tây nói chuyện với nhau và chê ta không khéo xử trí. Tháng giêng năm nay tôi nghe các quan Tây nói rằng: Sau khi sứ bộ ta đi Tây về họ đánh lấy Bình Thuận, để cho ta lại đi Tây nữa, rồi sau khi về họ đánh lấy Bắc kỳ, xem ta còn đi đâu, để cho thiên hạ cười chê! Họ biết rõ mưu mô của ta mà chế nhạo ta như thế. Thật là họ không xem ta ra gì cả. Đấy là những lời tôi nghe được, mà lý thế cũng là như thế. Vì kiêng kỵ tôi không dám nói hết, xin xem trong Tế cấp bát điều.

- Câu “Đã lập thái tử chưa?:

Tôi nghĩ Triều đình cũng đã ngầm hiểu nên không dám nói nữa

- Còn câu “Họ đã xem thấu sau lưng ta”: cũng giống như câu trước không phải nói lại.

- Câu “Giao thông với thiên hạ”:

Tuy rất khó, nhưng việc lớn không gì bằng giữ nước, cũng không gì khó bằng giữ nước. Như trong bài Trần tình năm trước tôi có nói “Thời kỳ khôi phục tìm ở thiên hạ, chớ không phải tìm ở trong nước mình”. Lại đoạn cuối trong bài Lục lợi từ có nói “Bỏ kế ấy quyết không chống được họ”. Đâu có chuyện giữ nước mà lại sợ khó ư?

- Câu “Đến nước Tây ngầm tìm đường lối”:

Đấy là nói tìm người giúp đỡ ta, nhưng người Pháp đâu phải không có tình yêu nước? Như thế nghĩa là có thể họ vì mình mà cũng là vì họ. Việc này phải đến nước họ, tùy thời cơ mà làm. Vì nhiều sự việc sẽ diễn tiến không thể lấy lời lẽ mà bảo trước được. Có điều là họ cũng biết rõ ta nói không nhất định, không như nước khác, nói một lời là nhất định. Vì sao thế? Vì ta chưa hiểu rõ tính tình người phương Tây vậy. Nếu ta tìm được đường lối, mà thế có thể địch được với Tây soái thì mới nên thi hành.

- Đến như câu “Nước họ sinh ra biến cố”:

Đó là hiện nay nước họ đã chia rẽ với nước Nga lại có hiềm khích với nước Phổ Lỗ Sĩ; Viện Thứ Dân cũng muốn gây rối, trong khi con cháu vua trước cũng muốn lấy lại nước. Khi tôi ở Ba Lê, dò hỏi được chắc chắn như thế. Không biết bây giờ có thay đổi gì không? Nếu cứ đà ấy thì chắc sẽ có biến cố lớn. Ngày trước Viện Thứ Dân có nói rằng: Vua Pháp từ ngày sinh sự với ta đến nay và ngầm xích mích với Giáo hoàng La Mã thế nước ngày càng chóng giảm sút. Tuy trong Viện Công Hầu cũng có một vài nịnh thần ton hót vua để giữ tước vị, chỉ muốn sinh việc với các nước ngoài. Nhưng không biết Viện Thứ Dân đã chất chứa nhiều bất bình. Từ 10 năm lại đây, tổn phí không biết bao nhiêu. Những việc đã làm, phần nhiều sai hỏng, cho nên họ đều viết thư muốn làm loạn. Ngày trước hiện đã bắt được 4, 5 người. Sự thế của họ là như thế. Dầu cho có loạn, nhưng có một nguyên soái giữ chặt Gia Định, thì mình cũng chẳng làm gì được họ; vì thế ta phải giao thông gấp, để đợi cơ hội.

- Câu “Gắng tìm đường lối”:

Nghĩa là nếu gặp được cơ hội của họ hiện như thế, biết rõ nay họ chưa thể sinh sự được với ta, thì ta công khai đem sự việc mưu với nước Anh, nước Nga, một mặt đem hết tình tiết ngầm bày tỏ rõ ràng với Viện Thứ Dân, để xin trả lại đất đai của nhân dân cho ta. Ta chỉ lập hòa ước mở các cửa bể, để cùng nhau ăn ở buôn bán mà thôi. Nếu cơ hội nổi loạn ấy gần phát ra, mà lần này chưa thể xong việc được thì phải làm gấp sáu điều lợi, để đợi biến cố.

- Còn câu “Biết rõ lý thế của ta của họ, để tùy cơ ứng dụng đường lối cứng rắn hay mềm dẻo”:

Cái đó là quyền của các quan đại thần lo việc nước tôi không dám dự biết. Nhưng nếu có hỏi thì tôi xin trả lời, có nghi thì tôi xin giải đáp, muốn biết điển cố, muốn biết tình thế hiện nay tôi đều có thể bẩm rõ. Hoặc cùng với thông ngôn đi trước để dò xem tình hình được hay chưa, hoặc ngầm tìm người quen để dò hỏi tình thế, những việc đó tôi đều có thể làm được.

- Nhưng câu “Tình nguyện đi theo giúp”:

Tôi cũng khó nói rõ được. Chỉ vì việc ấy rất là khó khăn, tuy có một vài cơ hội, nhưng khó quyết định nên việc. Vì lâu nay ta chưa đi lại giao thiệp tạo sự quen biết để được tình cảm với người ta trước. Còn như tình nguyện giúp đỡ mọi việc, thì đấy là điều mà tôi rất muốn. Nếu tôi không có bụng ấy, thì chỉ có một bà mẹ già, khó gì chẳng cùng đem mẹ đi trốn được, mà phải trở về? Cũng không phải vì tình thế bức bách mà phải trở về. Như thế, tấm lòng muốn giúp đỡ của tôi đã rõ ràng rồi. Nhưng nếu Triều đình có muốn sai phái việc gì thì xin cứ nói thẳng. Tôi xin hết lòng mà thôi. Nếu có bổ ích được phần nào, thì đó là do oai linh của Triều đình, bằng không có bổ ích gì, thì đó là do sự thế xui nên đừng bắt tội thì tôi mới dám vâng mệnh. Lần này mà bắt tôi nói “tùy nguyện” thì thật cũng không dám. Vì nếu được việc thì chẳng nói làm gì, không được việc thì lại sinh nghi nan. Một phen không trúng mà đổ hại về sau, như thế là cái sở học của tôi muốn đem ra giúp đỡ, không phải ở chỗ chuyên ứng đối, tôi sẽ không khỏi ôm hận mà chết ư?

- Còn như câu “Đem cái tính tình ta mà kêu gọi được...”

Nghĩa là trong thiên hạ cũng có một vài nước đã biết rõ sự thế của Tây, như các nước Ai Cập, Tây Châu v.v..., mới có thể dùng kế sách lớn, để được giàu mạnh. Nghĩa là qua lại giao thông với phương Tây mở hết cửa ngõ, như trong Khai hoang từ tôi đã bẩm trước. Phải như cái kế mà các nước dùng để chống lại phương Tây thì mới gọi là kế sách lớn. Nước ta nếu có kiến thức như họ, tính tình như họ, mới làm được kế ấy. Kế ấy tôi đã nói qua trong các tờ bẩm trước. Nay không phải nói lại nữa.

Nay kính bẩm
__________________________________
*. Bản Hán văn: Hv 189
    Hv 634.
    Không ghi ngày tháng. Nhưng có lẽ là 22 tháng 2 năm Tự Đức 21. Vì trong tờ tấu ngày 21 tháng 2 của Viện Cơ Mật, vua Tự Đức có châu phê nghi vấn: Trong tờ tấu ngày 23 tháng 2, Viện Cơ Mật trả lời về phúc đáp của Nguyễn Trường Tộ.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #166 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 09:13:15 pm »


DI THẢO SỐ 35

Nói rõ thêm về văn bản ngày 16-2 Tự Đức 21*

(Ngày 22 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 15-3 năm 1868)

Tôi Nguyễn Trường Tộ vâng sức hỏi các sự lý nói chưa được rõ ràng trong hai tờ bẩm trước của tôi, xin theo từng khoản mà bẩm rõ lại như sau:

Khoản một, câu “Sứ bộ ta đi Tây lần này không phải chỉ chuyên một việc xin trả ba tỉnh mà thôi, v.v...”

Tôi nghĩ rằng: Trong ý vua tôi nước họ, vốn trước muốn lấy 6 tỉnh của ta, hợp với nước Cao Miên làm một, rồi sau mới lập mưu kế mà mượn nước ta làm hàng rào phía Đông để củng cố vùng đất chính ở hai bên sông Cửu Long. Đấy là một mưu kế trăm năm mà họ nhằm lập sào huyệt ở phương Đông cho họ. Nếu nay ta nói thẳng là đòi lại ba tỉnh trong, thật là như thúc một cái vào tim họ, sợ họ cho ta không hiểu sự thế nên cứ nhất quyết làm rầy rà, rồi họ sẽ phát cáu không chịu nhân nhượng chút nào để cho ta tuyệt đừng bao giờ có ý nghĩ ấy nữa. Nếu quả như thế, thì không nhục quốc thể lắm sao?

Vả lại họ thấy ta nay xin trả mai xin trả, họ biết ta chưa cam lòng chịu họ, thế là cái mưu đồ 100 năm của họ còn bị cản trở chưa ổn chưa tiện. Thế tất họ phải lấy gấp Bắc kỳ của ta, để ta không còn thì giờ đâu mà lo liệu, họ mới có thể ngồi yên mà tính toán sách lược được. Cho nên các quan họ (Các quan đây là các quan thuộc hạ, chứ nguyên soái thì kín đáo, không nói lộ ra, sợ ta biết mà phòng bị) nghe ta đòi lại ba tỉnh trong, liền nổi giận mà nói rằng: Sẽ lấy nốt Bắc kỳ, xem ta còn đi đâu! Đấy là ý muốn vốn có từ trong thâm tâm của họ, cho nên ngẫu nhiên vô ý mà lộ ra lời nói vậy.

Trong bài Tế cấp bát điều trước đây đầu tiên về điều “Chỉnh đốn vũ bị”, có một khoản nói rằng: Xin đắp một thành lớn ở Tứ Tuyên vùng thượng du, mà dùng một vị đại thần thân tín giữ đó, chính là vì cớ đấy. Vì tôi đã liệu trước, cứ như địa lý về binh pháp thì từ Hà Nội trở xuống, cũng khó cầm cự lâu dài được với họ, cho nên tôi xin nói kín như thế, vì là việc kiêng kỵ, không dám nói rõ. Nay nếu chỉ nói việc đòi trả lại ba tỉnh, thì sợ ngại tâm sự họ, cho nên muốn kèm thêm vào việc mượn người khai mỏ và mua máy móc để ngăn bụng ngờ vực của họ. Vì hai khoản này là thật lòng muốn chung điều hay điều lợi với họ, cho nên họ ngầm tưởng là ta có lòng như thế, thì họ cũng dễ hợp tác với ta mà có thể hoãn việc thi hành của họ (Như trong bài bẩm tôi đã nói họ đi xâm chiếm các nước cũng chỉ dùng hai đường lối hoãn hay gấp này mà thôi). Như thế ta có thể thư thả mà lo tự cường, không còn cấp bách nữa.

Lại họ lầm tưởng ta đã có bụng ấy, mà nếu không tạm châm chước cho ta một vài khoản để thuận tình phần nào, thì cũng có phần sợ ta xấu hổ quá hóa liều, mà đánh bừa một trận, lại vừa gặp lúc trong nước họ đang có việc, thì họ ngồi ở Gia Định cũng khó yên ổn.

Tuy họ đã biết rõ ta không đủ sức chống lại họ, nhưng nếu họ chết một ta chết trăm người, họ cũng bị thiệt hại, không phải là kế sách hoàn toàn tốt, chi bằng thuận tình ta chút ít mà dùng kế hoãn, thì không phí sức. Cho nên tôi muốn thêm vào hai khoản ấy, để dùng kế lấy thuốc ôn trị bệnh hàn vậy.

Khoản hai, câu “Cũng nhờ nguyên soái giúp đỡ một phen”.

Nguyên soái sở dĩ gấp rút bàn hòa với nước ta là muốn cuộc hòa tạm xong để lấy tiếng hòa mà về phục mệnh với quốc vương. Như thế là việc của y đã bế tắc mà thoát ra được, trút gánh cho người khác để về hưởng thú vui ở thôn quê, như tôi đã nói trong một tờ bẩm trước lúc ở Gia Định. Khi đã tạm hòa với ta thì sau này ta sẽ đem tờ hòa ấy sang Pháp mà xin thêm với quốc vương điều gì, nếu được tức là do Triều đình Pháp vì tình mà cho, chứ không quan hệ gì đến việc ngoài mặt trận của nguyên soái.

Lúc ấy, nếu Triều đình Pháp có hỏi nguyên soái lý lẽ gì, thì y đã biết tình hình ta trước đây sở dĩ tạm hòa với y là để thành danh cho y, nên y cũng biết ơn ta, mà ta lại cố xin giúp y, thì y cũng nghĩ đến tình lễ của ta mà nói với Triều đình Pháp rằng: “Những điều Nam Triều xin đó, cũng nên châm chước”. Có điều khi ở Gia Định y không dám thuận theo tất cả những lời ta xin, là muốn lưu cái việc ban ơn nặng đó cho Triều đình Pháp. Và trong ý y cũng sợ rằng nếu trái ý nước ta quá, vạn nhất xảy ra việc gì thì điều nói hòa với ta trước đã tâu về Triều đình Pháp cũng chưa xong gì. Như thế thì nay y cố xin với Triều đình Pháp một vài điều gì cho ta cũng là vì y nữa. Tình thế ấy cũng là chuyện tất hữu ở đời vậy.

Còn câu “Làm thinh nhưng vẫn cứ chờ nguyên soái”.

Câu này cũng cùng một ý, không phải lại nói nữa.

Khoản ba, câu “Đến nguyên soái sau mà dò ý tứ”.

Đấy là bất đắc dĩ mới tìm kế thứ hai. Nếu ta không hoàn thành việc tạm hòa với nguyên soái trước, thì vấn đề ba tỉnh trong chưa xong, mà nguyên soái mới vừa nhậm chức thấy công việc rối ren như thế ắt cho là nguyên soái trước thoát nợ trút gánh nặng cho y, y dại gì gánh lấy cái khó để thành công cho nguyên soái trước? Hoặc giả y nghĩ kiếm cách ăn ở tốt với nước Nam, để nước Nam thương mến mình để mình mưu đồ lập công sau này. Vậy nay mình lập một vài mưu cho nước Nam để giải quyết cuộc diện chưa xong này, để lưu tình nghĩa với nước Nam để mình được thung dung sắp xếp công việc. Đấy cũng là cách cầu công mà nhân tình tất phải có. Nhưng ta phải đến Gia Định thăm dò thêm nguyên soái mới với nguyên soái cũ thân sơ ra sao rồi nói chuyện, bàn bạc với nguyên soái mới, xem y ăn nói ra sao, khám phá được tình chân thật của y rồi mới có thể câu kết với y được.
__________________________________
*. Bản văn chữ Hán của bài này: Hv 189/3 trang 42 - 50.
    Hv 634/3 trang 01 - 13
    Hv 170 trang 53 – 59
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #167 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 09:14:29 pm »


Khoản bốn, câu “Ngầm tìm Hà Ba Lý v.v...”

Người này vốn có thâm thù với nguyên soái. Năm trước ông ta đã nói giúp với Triều đình Pháp nên trả lại ba tỉnh ngoài cho ta, như thế tức là trước Triều đình Pháp chắc ông cũng đã dùng nhiều lý lẽ để nói rõ việc làm nên trả lại khiến vua Pháp đã sai ông lên Kinh để nói về chuyện trả lại. Vả khi ông lên Kinh, Triều đình ta tiếp ông rất hậu, và ông ta cũng ghi nhận được cảm tình ấy. Nhưng chỉ vì nguyên soái cầu công lại tâu về Pháp bác hết các lẽ của ông, như thế rõ ràng là nguyên soái đã đạp đổ lòng tự ái của ông rồi. Và năm trước khi tôi ở thành Ba Lê lúc ông đã trở về; tôi cũng được nghe ông nói rằng chuyện sinh sự của nguyên soái là sai. Nếu sứ bộ đi Tây, ngầm tìm được ông ta, dùng lời lẽ khéo léo mà cầu kế với ông cũng được.

Khoản năm, “âm thầm tìm người chú”

Hai chữ “người chú” tôi chép nhầm, chính là “người cậu” chớ không phải người chú. Nhân năm trước khi chúng tôi qua Tây có mang thư của Lăng Xu Bi gởi cho cậu ông ta, nhưng sau cậu ông ta không biết chúng tôi ở đâu nên việc phải bỏ dở.

Trước đây Nguyễn Hoằng đã đem thư của người cậu gửi cho ông ta dịch ra tiếng ta và đệ nạp, sự lý trong thư chắc Triều đình cũng đã rõ. Vả người cậu ấy hiện là một quan lớn trong Viện Thứ Dân.

Nay sứ bộ ta đi Tây, cũng nên ngầm tìm đến người cậu ông ta mà nhắc lại chuyện trước, nhờ ông ấy bày kế cho ta như thế nào, rồi nhắc lại khoản Lăng Xu Bi trước kia ở Gia Định muốn xin, nói cho ông biết. Ông ấy nếu đem sự việc nghĩ kỹ, thấy chắc chắn yên ổn có thể làm được thì sẽ bày kế cho ta mà còn giao kết bá cáo với đồng liêu (ở Viện Thứ Dân) để đối nghịch với Viện Công Hầu. Nếu thấy thế không làm được thì ông là một quan lớn, đã có tình nghĩa với ta, đã hứa với ta một lời thì chắc chắn không tiết lộ ra, để làm hỏng việc của ta. Nhưng khi đến đấy cũng phải ăn nói khôn khéo mới được. Còn sự thế nước Pháp, thì Viện Công Hầu và Viện Thứ Dân thế lực ngang nhau. Trong khi đó Viện Công Hầu thì mong có chuyện để lập công, còn Viện Thứ Dân thì lấy việc dàn xếp cho yên nước để làm công. Cho nên hai bên đi đến khiên chế nhau để đi đến chỗ phải giải quyết thỏa đáng.

Năm trước khi tôi ở nước Tây, đã cùng giám mục đến chỗ đào mỏ đúc sắt. Những sự tai nghe mắt thấy, tôi đã nói rõ ở đoạn cuối trong bài Tế cấp bát điều năm ngoái.

Ở đấy có một vị công tử đứng đầu hội, y là con một ông quan lớn nhất trong Viện Thứ Dân (ông này là Viện trưởng Viện Thứ Dân, như tể tướng). Chúng tôi đã ở nhà công tử ấy một tuần và có nói chuyện nhiều với công tử rằng nước ta vốn muốn cộng tác với nước Pháp để được thịnh lợi chung, y rất thích. Tôi cũng nói với y rằng khi về nước sẽ đem hết những gì cơ xưởng của y có bẩm lên Triều đình biết để sau này có mua sắm gì sẽ nhờ y liệu biện cho, như Nhật Bản, Xiêm La vậy. Nếu tiện dần dần sẽ xin cho một vài người sang nước ta để xây dựng lò đúc sắt cho ta giống như của y. Nhưng việc đó sẽ chờ Triều đình liệu dần, sớm hay muộn tôi không thể nói trước được, chỉ đem công việc bẩm lên mà thôi. Y nói, nếu được như thế, y xin đảm nhận.

Nay đi lần này, có thể trở lại chỗ của y, mua một vài thứ máy móc cần dùng, rồi thong thả đem việc bày tỏ với y, nhờ y nói giùm với cha y. Nếu cha y bằng lòng giúp ta, thì may ra được việc. Sự thể như thế, nếu có trở ngại gì, thì lần này ta với y đã có cảm tình, sau có việc gì cũng dễ nói chuyện. Ta nếu nhân có công tử mà được gặp cha y, đem tất cả đầu đuôi sự việc nói với cha y, biết đâu cha y sẽ hồi tâm nghĩ lại mà chống cãi với Viện Công Hầu để bàn bạc châm chước cho ta. Nếu lần này chưa được như nguyện thì một vài thứ máy móc ta mua của y cũng chả thiệt hại gì. Vả lại, nếu muốn tìm các thứ máy móc theo kiểu mới thì khắp nước Pháp, không đâu hơn ở đây. Nếu các quan ta đến đấy đính ước sự mua bán về sau như Nhật Bản, có gì mà không được? Vì thế cho nên chỉ dùng kế ở chỗ ấy cũng tốt.

Còn câu “ám thông mọi việc với Viện Thứ Dân” với câu “ngầm tìm các quan lớn ở Viện Thứ Dân để làm kế ấy” v.v... thì sự thế cũng giống nhau, không phải nói lại nữa.

Khoản sáu, câu “thì xin với quan Tây...”

Đấy là nếu nay ta vội vàng qua lại giao thiệp với các nước thù nghịch với Pháp, thì quan Pháp tất biết ta ngầm dùng thuật tung hoành, để tìm người giúp. Chắc chắn sẽ nhân lúc ta chưa thâm giao được với các nước giúp ta, mà đánh gấp ta, thì quân cứu viện chưa đến mà giặc đã đến trước, ta lo sao kịp? Phàm những nước giúp nước khác, tất trước phải xem nước mình giúp đó có thể đứng vững được không, rồi mới chịu giúp. Nếu xem thế giúp không kịp nữa, thì chả dại gì mà rước lấy tiếng giúp không nên công. Nay sứ bộ ta đi Tây, mà muốn âm thầm giao thiệp, thì tất phải từ nước Pháp trước, mới khỏi bị nghi. Nếu làm vội vàng, thì họ sẽ biết kế, mà tìm cách ngăn chặn và đánh lấy gấp nước ta. Như thế thì ta xử trí thế nào được?

Khoản bảy, câu “Qua lại với các nước phương Tây, mở rộng các đường lối cửa ngõ” v.v...

Phàm việc đời không kể lớn nhỏ, chưa có việc gì hoàn toàn tốt đẹp mười phần mà không hư hỏng chút nào, cũng chưa có việc gì hoàn toàn hư hỏng mười phần mà không có ích lợi chút nào. Có điều là phải cân nhắc lợi hại lớn nhỏ để nếu lợi thì được lợi lớn mà nếu hại thì chỉ hại nhỏ thôi. Khoản mở tất cả các cửa ngõ này nếu làm gấp thì có lợi sớm, chậm thì lợi chậm. Nay tuy ta không muốn làm, thiên hạ cũng chẳng cần biết ta có muốn làm hay không mà sẽ cương quyết thay ta làm. Đấy là sự thế nhất định như thế, không thể trái được. Để cho người ta làm sao bằng tự mình làm. Vì nếu người làm lợi sẽ về người, mình làm lợi sẽ về mình. Nếu ta không chịu mở cửa giao thiệp với thiên hạ, thì ắt bị người Pháp mở. Để bị kẻ địch của mình mở cửa, sao bằng ta mở cửa cho kẻ đến xin mình. Hai việc ấy lợi hại thế nào đã quá rõ ràng!

Vì thế cho nên trong Hòa ước trước có điều khoản: “Có cho làm mới được làm”. Đó là họ muốn một mình họ mở lấy để tóm hết mối lợi. Như thế thì ta còn trông mong gì nữa? Lợi đã không có, thì hơi đâu mà phòng hại. Nay nếu ta mở cửa gấp thì sẽ xoay chuyển được sự thế mà dần dần ngăn chận các tệ hại; tuy rất tốn công lao nhưng cũng có lợi. Còn hơn là đợi đến khi trông thấy tệ hại mà không đủ sức để ngăn chặn hay sao?

Thử xem nước Ai Cập, nơi mà sứ bộ ta đã đi qua. Nếu không có nhiều tay giúp đỡ, thì người Anh đã nuốt chửng đi rồi, có đâu ngồi yên hưởng được như ngày nay!

Sự thế ấy rõ ràng, nên lấy đó làm gương.
 
Nay kính bẩm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #168 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 09:20:07 pm »


DI THẢO SỐ 36

Bãi bỏ việc cử sứ bộ đi Pháp*

(Ngày 15 tháng 3 năm Tự Đức 21, tức ngày 7 tháng 4 năm 1868)

Tôi Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.

Khoản sứ bộ đi Tây này, tôi nghĩ kỹ, thấy có nhiều điều trở ngại chưa thỏa đáng. Nếu tìm phương pháp khác để cho có ích, thì sự thế sẽ có nhiều chỗ không hợp với sự chỉ định của Triều đình, cho nên tôi chần chừ không dám nói. Nhưng không nói thì không hết lòng, nên tôi đem ý kiến riêng trình bày trước tất cả. Nếu có chỗ không hợp, cúi xin Triều đình rộng lượng tha thứ, để mở đường ăn nói.

Trong tờ trước tôi đã nói, họ thường dùng hai kế hoãn và gấp để lấy thuộc địa. Nhưng ở nước ta, họ chỉ mới thí nghiệm ở Đà Nẵng. Cuộc hòa không thành, họ đã biết là nên dùng kế hoãn, thì không tốn sức. Ý họ muốn khéo mượn sức ta mà dùng. Như trong tờ bàn hòa năm trước, tôi đã có bẩm “họ chỉ sợ ta phòng thủ thành trì không kiên cố”. Nhưng đến nay, dần dần đã thấy họ muốn dùng kế gấp. Cũng bởi nước ta sự thế ngày càng sinh ra, và có cơ xui họ không thể không dùng kế gấp. Lòng tôi rất khó chịu, không thể không nói ra. Kìa khắp Đông Châu, Tây Châu hai bể, không chỗ nào họ không đặt chân đến, riêng nước ta họ đến sau, đây là trời thương ta vậy!

Nếu ta biết khéo xem phương pháp hoặc đánh hoặc hòa của các nước mà chiết trung để khéo xử sự với họ, thì họa đó sẽ là phúc, như năm trước tôi đã bẩm ở đoạn giữa trong bài Lục lợi từ. Năm trước khi họ mới lấy ba tỉnh ngoài, tôi đã biết rõ, chẳng chóng thì chày, ba tỉnh trong cũng sẽ không còn là của Triều đình ta nữa. Cho nên mấy năm gần đây, tôi đã hết lòng trình bày những kiến thức ngu hèn của tôi, để làm kế duy trì. Cũng muốn tạm dùng thuật tương kế tựu kế; lấy cái kế hoãn của họ mà làm thư giãn tình hình cấp bách ba tỉnh trong của ta (có rất nhiều lý do nhưng việc đã qua không cần nói lại nữa).

Nhưng sự thế ngày càng sa đà, tất cả những kế hoạch Triều đình dùng để qua lại với họ, đều bị họ khám phá cả. Cho nên ba tỉnh ngoài đã không lấy về được, mà ba tỉnh trong cũng kế tiếp mất luôn. Các sự thế thời cơ từ trước, mặc cho trôi xuôi, mà Triều đình cũng rất nhọc lòng mệt sức.

Nay họ vừa lấy trọn được sáu tỉnh, ý họ cho là tạm yên để lo kinh lý đất Cao Miên và đường phía Tây. Chỉ vì trước đây ta không hiểu rõ thế lực của họ, cứ tìm cách giằng co ba tỉnh ngoài, khiến họ phải lấy gấp ba tỉnh trong để trừ tuyệt cho xong. Họ nghĩ rằng ta tự hiểu ngầm là trêu họ vô ích mà lại bị họ cắn, từ rày hãy dập tắt ý định đi, mà ăn ở tốt với nhau, để hai bên đều có lợi thì mới khá được.

Nay họ biết rõ chẳng những việc mới ta chưa chịu mà việc cũ ta cũng chưa chịu, như vậy đường kinh lý của họ sau này cũng chưa ổn định. Thế tất họ phải làm cho ta một phen kinh hồn liểng xiểng mà không dám ngó đến Tây Nam nữa mới khỏi trái nguyên tắc của nhà binh. Cũng như con cọp mới vồ được miếng mồi ngon chưa kịp ăn mà ta cứ lại quấy rối luôn, như muốn giật lấy của nó, thế tất nó phải nổi giận mà cắn càn, đấy là lẽ thường. Nay ta đã có chỗ để thừa cơ hội được như tôi đã nói ở đoạn đầu trong bài Tế cấp bát điều là: “Tụi bất mãn với Triều đình ngấm ngầm vào Gia Định v.v...” Huống chi những việc ta làm, lại đương nhằm làm lụy cho họ, thế họ tất phải nghĩ cách thoát điều lụy mà trút trách nhiệm nặng cho ta. Đấy là lẽ thường tình của con người.

Làm lụy cho họ là thế nào? Nghĩa là họ đã bị các quản đội nghĩa quân đánh phá, mà họ cho là do ta xúi giục, cho nên họ lấy gấp ba tỉnh trong, để tuyệt đường đi lại. Họ tự cho như thế là đắc sách. Nay ta lại luôn luôn đòi trả lại, mà không được, thì họ biết là ta ôm hận trong lòng, sẽ tìm cách để phá họ. Đấy là một điều làm lụy cho họ.

Đại thế của ta còn vững. Tuy đã mất hẳn sáu tỉnh, nhưng cũng còn trông mong lấy lại. Cho nên họ phải gấp rút kiếm cớ, để làm yếu hèn thế lực của ta, thì mới cắt đứt được lòng người của ta, để lợi cho họ. Nếu không cứ để kéo dài ngày tháng thế lực của ta ngày càng mạnh lên, một mai bên nước họ có việc, hơn thua chưa biết ra sao. Đấy là hai điều làm lụy cho họ.

Nếu ở Gia Định mà cuộc giảng hòa không thành được với ta, thì ắt gây sự nghi ngờ cho mọi người. Người ta sẽ cho là do họ không khéo xử trí, nên cuộc hòa không xong. Vì xưa nay giảng hòa đều ở dưới thành, chớ không ở Kinh đô. Kinh đô không phải chỗ giảng hòa. Đấy là ba điều lụy cho họ.

Nếu đến Tây triều thì họ cũng phải khoản đãi hạng khách không mời mà đến, tổn phí đã nhiều, mà không được lợi gì cả. Tuy trước mặt, họ phải giữ thể diện, nên phải thế, nhưng sau lưng thì không khỏi cau mày cho là ta không biết thể tất nhân tình, mà làm việc vô ích như thế. Năm trước sở dĩ họ hết sức tiếp đãi sứ bộ ta, phô bày hết những cái hay khéo của họ ra cho ta xem là muốn cho ta thấy rõ thế lực hùng mạnh của họ, để ta nén lòng im hơi, cho họ được thong dong mưu đồ kế hoãn vậy.

Nay họ dò biết, sứ bộ ta đi về đều bị mọi người chỉ trích. Nếu nói thật, thì bị mọi người thóa mạ. Nói Tây nhỏ yếu thì ai nấy hân hoan. Thậm chí còn nghi là ăn hối lộ của Tây, nên tán tụng oai phong của Tây. Vì thế mà mọi người đều cắn răng ngậm miệng không dám nói thật. Do đó ta không hiểu thấu tình thế thiên hạ, không biết rõ thời cơ của ta của địch hư thực thế nào, thành kiến thật kiên cố, không thể phá được.

Trước đây, sở dĩ họ ân cần tiếp đãi sứ bộ ta, là muốn cho ta hiểu rõ đôi chút phải chăng để hai bên được tạm yên thì họ mới dần dần lo kế hoãn được. Nay tất cả đã thất vọng, mà còn nghe ồn ào hơn trước. Tuy họ không tổn hại gì lớn, nhưng cũng có những trở ngại và cập lụy nhỏ. Một lần như thế là đã quá rồi. Nay lại sang để quấy rầy phá rối lần nữa, lại còn muốn làm hòa ước buôn bán, thì họ không thể nào chịu được. Nếu điều đình với ta cũng phiền, mà không điều đình với ta cũng phiền. Cho nên nguyên soái đã nói: Nếu sứ bộ ta đi Tây thì y không chịu đi cùng một thuyền. Nói như thế thì ta còn ra thể thống gì nữa? Xưa nay hai nước giao tế với nhau, chưa bao giờ có lễ độ như thế. Nhưng lòng y cũng đã cố gắng hết sức, bất đắc dĩ mà phải nói ra.

Ôi! Họ một Triều đình, ta cũng một Triều đình, mà không chịu nhường nhau đến thế, thì sau đây đến Kinh đô họ, là chỗ tụ họp công sứ các nước thiên hạ, nếu có một sự gì không nhã nhặn, thì sự nhục nhã sẽ truyền khắp hoàn cầu, như tôi đã nói trong tờ bẩm trước. Vì rằng, họ đã biết bị ta quấy rầy mà không trông mong gì nữa, thì không thể chịu phiền mãi mà phải nghĩ cách ngăn chặn, mà muốn ngăn chặn thì phải nói nhất định không thương thuyết nữa, để dập tắt ý nghĩ của ta để khỏi đi lại thêm phiền, mà còn nghĩ cách làm cho ta một phen khốn đốn, không còn ngo ngoe cựa quậy để làm rầy họ nữa mới dừng tay. Như thế ta làm sao khỏi chóng sinh thêm nhiều chuyện?

Họ đã lão luyện trong việc chiến trận, hơi thấy một tý là họ đã hiểu rồi. Tất cả những việc họ thương lượng với ta bất luận việc gì đều có lợi cho họ cả. Tuy hoặc ta có lợi, nhưng cũng như họ thôi. Nếu không, thì lẽ nào họ vừa mới ra tay mà lại nhường cho ta chiếm thế thượng phong ư? Cho nên trong bài Khai hoang từ trước đây tôi đã có câu: “dùng kế trái lại để đâm họ”, như thế mới về tay mình được. Nay nếu muốn họ trả đất đai của nhân dân lại cho ta, ắt phải đợi lúc nào họ biết chắc chắn họ có thể chung điều lợi điều hay với ta mới trả lại cho ta, mà vẫn có thể mượn để sử dụng được, như kiểu nước Anh với một nước nhỏ ở Ấn Độ, thì họ mới chịu trả. Hoặc là vì một thế lực nào khác bức bách, không trả không được thì họ mới trả. Nhưng việc đó không phải thường có.
__________________________________
*. Nguyên văn chữ Hán:    
    Hv 189/3 trang 50 - 61
    Hv 635/3 trang 14 - 33
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #169 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 09:23:44 pm »


Tôi xem khắp thiên hạ từ 500 năm lại đây, những nước bị người phương Tây xâm chiếm, chưa hề có trường hợp tự dưng vô cớ đem đất đã chiếm được mà trả lại cả (Năm nước sứ bộ qua Pháp, vua Pháp vì bị dư luận của Viện Thứ Dân thúc bách nên nói trả. Nhưng biết đâu đó chẳng phải là kế thái tử nước Sở, đi làm con tin nước Tề? Cho nên khi sứ bộ về đến Gia Định, tôi đã bẩm rõ với hai quan Phạm, Ngụy rằng: Việc này rốt cuộc rồi cũng bị trở tay thôi, vì nguyên soái có quyền to và nhất định cản trở, tất có thể bác bỏ lời bàn. Về sau việc quả như thế)1. Huống chi họ đã biết rõ là trả lại thì sau ắt sinh chuyện, mà không trả ta cũng chả làm gì được họ? Như các quan Triều đình Pháp nói với Giám mục Ngô rằng: “An Nam chân thành hay không chân thành, ta cũng không thiệt hại gì, chẳng qua họ tự làm hại họ mà thôi”. Xem họ ngang ngược như thế, mà nay chỉ vì một lời nói của ta, đã vội vàng trả lại cho ta, tôi tưởng không có việc như thế được.

Cứ như đoạn đầu tôi đã bẩm trong bài Tế cấp bát điều thì dù trả lại hay không trả lại, sau này cũng không khỏi sinh ra biến cố khác. Nay Triều đình chỉ lo phòng bị những việc sau khi hoạn nạn, mà không ngăn ngừa những nguyên do sinh ra hoạn nạn, chỉ hết tâm lực hết của cải để làm cái việc mò kim đáy biển, mà không chịu để tâm lực nghỉ ngơi, nuôi dưỡng khí thế, hầu giữ lấy hòn ngọc trong tay, biết nói làm sao bây giờ!

Ôi! Người khéo lo việc biết cái cơ sẽ đến mà không làm được, thì phải thuận theo chiều mà mở đường cho xuôi, để tránh đổ vỡ như Hán Cao Tổ chịu nhẫn nhục đi đến đất Phong là thế đấy. Biết sự thế không thể được cả hai, thì bỏ cái khinh để giữ lấy cái trọng, như Lâm Hồi bỏ viên ngọc bích đáng giá nghìn vàng là vậy. Khi đất nước không thể giữ được hoàn toàn, thì phải bỏ biên bỉ để giữ lấy căn bản, như Thạch Tấn cho đất Lư, Long; Bình Vương bỏ đất Kỳ Phong là vậy. Cũng có khi để đó mà không vội giành, nhờ đó mà ngăn hoạn nạn (Ý này cũng cùng ý với câu “có hồ ở trong núi thì chồn cáo không dám ngấp nghé” mà tôi đã nói trong tờ bàn hòa. Chừng 6, 7 năm sau, mới thấy rõ ràng), như nhà Tống để yên nước Liêu để bình định các nước khác vậy.

Xưa Khổng Minh không giành Kinh Châu, chỉ chuyên việc hòa với Ngô để lo đánh Ngụy, ý cho rằng nếu diệt được giặc Hán thì chẳng những một Kinh Châu là của mình mà thôi. Có người bảo Khổng Minh không báo thù cho chủ cũ, nói thế mà không sợ người ta cười cho sao?

Nếu Nam Tống không hòa với Kim, thì cơ nghiệp cũng khó yên ở một phía được. Giả sử cứ việc chủ hòa, để nuôi dưỡng sức quân cho hùng hậu, thì dòng Trường Giang, nơi hiểm trở thiên nhiên kia sau này cũng đủ để chia đôi thiên hạ với Nguyên. Không biết làm kế ấy, mà cứ khi đánh khi hòa, để đến nỗi Tống, Kim đều lụn bại, cuối cùng nhà Nguyên là ngư ông đắc lợi. Đó cũng do cuộc hòa không nhất định gây nên. Sự thế các nước phương Tây cũng vậy, không cần phải nói hết.

Cho nên người khôn, thấy trước được cơ sắp xảy ra, sự việc gần hình thành, mà đón trước từ ngoài muôn dặm, không để cho vào nhà mình, đẩy lui đến mấy đời không để cho phá quấy mưu mình, tách ra bắt đi đường trái, để mình theo đường phải ngăn lấy bắt ở yên bên ngoài, để mình lo bên trong. Sức mình đã đủ để tự củng cố, thì cũng không nên chọc người, để tổn sức mình. Sức mình chưa đủ, thì lại phải khéo ăn ở, để mượn sức người mà dùng cho mình. Thế giặc đang hăng, thì thuận tình để cho nó kiêu căng, dùng mồi tốt để nhử cho nó yên, để mình được nghỉ vai, mà lo việc khác. Địch muốn làm thân với mình, thì cũng nên nghe theo để vui lòng nhưng mà không gấp rút đánh mình. Kể sự tình thì tuy có biến hóa, nhưng lấy kinh nghiệm chỗ này, ứng dụng việc chỗ khác cũng có thể thành công được. Cho nên nói rằng người khôn như chiếc vòng quay tròn không thể lấy một cái gì cứng nhắc nhất định mà biện bàn được.

Thế nước ta ngày nay, cái đã mất thì khó bề lấy lại, cái chưa mất hãy còn có thể bảo toàn được. Hai sự kiện ấy, cái nào gấp, cái nào hoãn, không đợi bàn cũng đã rõ rồi.

Nay sứ bộ đi Tây, việc muốn làm chưa chắc đã xong, mà lại gây ra nhiều chuyện thị phi giữa ta với họ. Làm một việc chưa chắc, mà phải tổn phí mất mấy chục vạn, thật chẳng khác nào người ta nói mang con trèo tường, một người sẩy chân, cả hai đều bị thương.

Hay là nay, một mặt mình lo cấp tốc chỉnh đốn những việc mình có thể làm được như tôi đã bẩm trong các tờ trước, để đợi khi họ có sự sơ hở gì có thể thừa cơ được. Một mặt chỉ đi đến Gia Định mà bàn việc. Tuy bàn với nguyên soái sau, nhưng cũng như với nguyên soái trước, ta chỉ tạm nói một hai câu về việc xin trả lại. Nếu họ không chịu thì lại nói: Lâu nay sở dĩ bản triều xin trả là hết tình vì nhân dân mà thôi. Nay nếu tình thế không thể được, thì quý quốc quản lý thay, chúng tôi cũng vui lòng, mà xét ra sự thế cũng nên như vậy. Chỉ xin quý soái châm chước cho một vài khoản khác, để tỏ tình giao hảo mà thôi.

Lại trong khi lập điều ước mới, phải tìm lý lẽ để bỏ cho được khoản: “Có cho làm mới được làm” để ta còn có thể giao thiệp với các nước khác sau này.

Từ sau khi đã lập hòa ước rồi, trong những khi qua lại giao thiệp, tuyệt nhiên đừng nhắc nhở đến hai chữ “Xin trả” nữa, và hễ làm việc gì cũng đều tỏ ý công khai cho họ thấy rõ, cốt làm sao cho họ biết đích thực là ta giữ vững hòa ước, không nghĩ gì đến sáu tỉnh nữa, để họ ung dung kinh lý miền Tây, mà không lo mưu tính ta gấp. Sau khi đã lập hòa ước, hãy đợi hơn một năm sau mới cử sứ bộ qua Tây thăm viếng và đem tờ giao ước cho Triều đình họ ký áp vào. Lúc bấy giờ họ đã không nghi ngờ ta chuyện gì, ta mới có thể đến Tây triều mà ngầm tìm đường lối như tôi đã nói trong các tờ bẩm trước. Nếu có cơ hội có thể được thì mới thương thuyết lại, bằng không thì nhân lúc họ không nghi ngờ ta chuyện gì đi lại các nước để ngầm dùng kế giao thông tung hoành, mới bảo đảm không trở ngại. Khoản này tương đối ổn thỏa hơn. Nếu lần này đi ngay sẽ gặp phải những điều họ kỵ và những rắc rối khó khăn của họ, sợ họ quật lại; đã tốn công tốn của vô ích mà còn buộc họ phải chế ngự ta gấp, e sau này sẽ hối hận là mình đã thất sách.

Còn lần đi sau, cũng nên phái người đi học một thể, đồng thời bọn mua máy móc đem về dùng, để biểu lộ ý ta giao thông với họ. Một mặt lại đem sự hòa hiếu bền vững làm rõ cho cả nước đều biết, để người trong nước ta biết cuộc hòa hảo giữa ta và Pháp đã bền vững nhất định, để làm tiêu tan những bọn Thắng Quảng đã lẻn vào Gia Định. Vì nếu bọn này biết ta đã thật hòa với Pháp rồi, thì khó bề gièm pha. Đấy là một điều cần yếu lớn để dẹp loạn, ngừa hại.

Các lẽ nói trên là do sự hiểu biết nông cạn của tôi mà trình bày ra như vậy. Bản ý là muốn cho họ tạm yên mà không gấp rút nghĩ đến việc ta, và phàm những việc họ muốn làm lợi cho họ ở nước ta, thì ta cũng nên quyền nghi xem thấy việc gì có thể thuận được thì nên thuận để yên lòng họ khỏi nghi để ta tạm thời có lợi, nhân đó mà tính kế lâu dài, dần nuôi dưỡng sức ta, dần đi giao thiệp, để đợi khi nước họ có loạn thì mới có thể gây khó cho họ, mà khiến họ không dám muốn làm gì ta thì làm. Tóm lại, nghìn mưu muôn kế, cũng cốt làm sao cho họ bỏ lòng ngờ vực, rồi sau ta mới thi hành kế hoạch được.

Tôi có ý kiến như thế, không biết nên chăng.

Nay kính bẩm.

Lục bộ đường đại thần, đại nhân soi xét.

Nguyễn Trường Tộ ký.

 
__________________________________________
1. Xem di thảo số 4.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM