Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 11:11:12 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo  (Đọc 145981 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:55:46 pm »


3. Xin đánh thuế thuốc lá.

Hút thuốc vốn không lợi ích gì cho sự sống mà dần dần thành ra tốn kém. Chẳng qua là làm ra vẻ phong lưu mà thôi. Vậy xin ở mỗi chợ cho mở một tiệm bán sỉ. Những nơi khác đều do tiệm này phân phối ra bán. Mỗi tiệm bán sỉ mỗi năm phải nộp một trăm hoặc năm mươi quan. Về thuế thuốc phiện xin đánh gấp năm, sáu lần thuế thuốc lá. Nếu không sẽ lan rộng trong nhân dân gây tai hại lớn. Làm quan mà hút thuốc phiện phải cai hẳn nếu không sẽ bị thải hồi.

4. Xin đánh thuế trà.

Nếu có thuyền Trung Quốc vào cảng thì phải đánh thuế trà riêng, còn các thứ tạp hóa khác đều theo lệ cũ, tuy vậy cũng phải tăng lên. Đối với các nước phương Tây, phàm hàng hóa nước ngoài bất luận thứ hàng hóa gì đều phải phân biệt loại hàng quý và hàng thường để thu thuế và phải thu cao hơn hàng trong nước. Còn những thứ không cần thiết cho đời sống như đồ trang sức, xa xỉ thì phải đánh thuế gấp bội hơn nữa. Vậy xin ở các chợ tiệm nào có biển quan cho phép mới được bán trà. Như giá trà một quan, phải nạp thuế một quan. Đã lấy thuế khi thuyền Trung Quốc vào cảng lại còn lấy thuế sau khi bày bán ở chợ. Như thế cũng không quá đáng. Bởi vì uống trà Tàu chỉ có hạng giàu có phong lưu mà thôi. Nước ta cũng có trà, uống cũng giải khát thanh tỳ được. Thế mà họ còn thừa tiền hoang phí thói phong lưu, đã mất thì giờ còn bỏ bê công việc, đó là một cái hại lớn. Đã tốn kém nhiều vô ích hao tốn tinh thần còn làm giàu thêm cho người Tàu, chi bằng lấy đem dùng vào việc nước để giữ yên gia nghiệp! Họ đã thiếu tinh thần nghĩa vụ thì nhà nước cưỡng bách lấy để làm nghĩa vụ cho họ. Đó cũng là lẽ nên làm.

5. Xin đánh thuế hàng tơ lụa hoa mỹ.

Nước ta vốn có nhiều tơ lụa, thế mà nhiều người cho là không đẹp cứ tìm kiếm hàng Tàu, khiến dân ta không ra sức trồng dâu nuôi tằm, làm cho hàng tơ ngày một đắt giá. Tệ trạng này đều do đó mà ra cả. Những nhà giàu có không cần hàng Tàu chỉ dùng hàng ta cũng được. Tại sao hàng ta dù có tốt cũng xem thường, còn hàng Tàu dù có xấu cũng đua nhau khen đẹp? Tại sao lại khinh mình mà trọng người đến thế? Không trọng hàng mình mà trọng hàng Tàu, rõ ràng là chỉ khoe khoang thói xa xỉ. Tại sao họ không biết chuyển đổi cái tâm tính ấy để quyên tiền làm lợi ích quốc gia như những nhà giàu các nước phương Tây vậy? (Ở phương Tây khi quốc gia hữu sự, các nhà giàu đua nhau quyên tiền để giúp, thường thường số tiền quyên góp quá dư nhà nước phải trả lại). Thứ hỏi họ ở đâu mà an hưởng sự giàu sang ấy. Nếu họ là người sống ngoài vòng trời đất thì mặc họ làm gì tự ý. Nhưng họ ở trong đất của vua, làm dân của vua mà chỉ biết đua nhau xa xỉ, làm giàu cho con buôn nước ngoài là điều không thể được.

Nay xin cho các thứ vải vóc hàng may mặc trong nước đều xử lý theo lệ cũ. Còn tất cả các loại hàng Tàu hễ giá mười quan thì đánh thuế năm quan. Họ đã có tiền mua hàng đẹp thì cũng có tiền nạp năm quan để dùng vào việc lợi ích quốc gia, điều đó cũng không phải là quá đáng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:56:29 pm »


6. Xin đánh thuế du hí.

Trong dân gian có nhiều người bỏ ra hàng chục hàng trăm quan tiền để xem hát, nhất là dân thành thị. Vì vậy những phường vô lại du đãng không chịu chăm lo làm ăn chuyên dựa vào nghề này để kiếm tiền, ế ẩm thì sinh trộm cướp vì không có nghề nào nuôi sống. Lại có những kẻ lén lút ban ngày giả danh luyện tập múa hát, đêm thì làm những chuyện ác độc. Xưa này những vụ biến loạn bất ngờ xảy ra phần nhiều được che đậy bằng những cuộc hội hè vui chơi hoặc đình đám tế lễ. Như trường hợp Vô Vi Giáo, Bạch Liên Giáo v v… ở Trung Quốc.

Còn như chuyện hát múa để tạ thần lại càng vô lý. Do người đời sau thiếu đức nên người ta đem thần linh ra hù nhát, đem chuyện yêu quái ra gạt gẫm, tạo ra bao nhiêu điều huyền hoặc dị đoan. Như trong sách Học Thống đã dùng những lý lẽ chính đáng rõ ràng bác bẻ những dị đoan, tà thuyết hết đường trốn tránh. Riêng một việc múa hát còn hại dân rất nhiều.

Nếu thần là linh thiêng sáng suốt thì chỉ một nén hương thành tâm bái lễ cũng đủ hà tất phải đòi hỏi cái nghề hèn mọn ấy để mua vui. Bản tâm thần không cho là vui, không hưởng của phi lễ thì thần phải chứng minh cho người ta biết đó là sai. Nếu không thì đó chỉ là những hình tượng giả, bịa đặt bày ra đó và không khỏi mang tiếng hối lộ. Huống chi dân còn thần mới còn. Thần đã không cần cái thú vui hèn mọn ấy thì phải nói rõ dạy dỗ dân ngu bảo đem cái số tiền thuê hát ấy chuyển vào công quỹ, thế mới là bảo hộ quốc gia đại sự.

Tôi thấy trong dân gian phần nhiều hễ có công sai đến thúc giục thuế khóa thì nào cả hương hào lý dịch cũng lánh mặt. Thế mà ngày cúng thần thì không thiếu mặt nào cả. Như vậy là rõ ràng coi trọng việc thần hơn việc nước. Trong dân gian có nhiều làng có lệ dân chúng luân phiên nhau cúng thần. Một nhà cúng, cả làng no nê. Có những gia đình không được khá giả, qua một kỳ cúng thần phải mang nợ suốt đời. Có người còn phải bỏ xứ đi phiêu lưu. Thế mà họ không hề oán trách chuyện thần thánh phiền phức cúng tế nặng nề lại đi oán trách sưu cao thuế nặng. Thậm chí có câu nói: thà thiếu thuế nhà nước chứ không thiếu lệ làng. Chuyện đó đã thành tập tục mà không chịu sửa đổi, thật là coi trọng việc làng xem nhẹ việc nước. Nếu quả thần có linh thì cũng phải biết rõ ràng dân vì cúng tế mà đến nỗi phải nghèo, khánh tận gia sản, bị cướp mất cái phần dành để nuôi cha mẹ vợ con họ. Mượn danh nghĩa thần mà kỳ thật để dân làng no bụng mà thôi.

Cũng có nhiều nơi thần hiện lên trách dân sao không theo lệ cúng tế đúng kỳ, không chịu sửa sang đền miếu mà không đề cập gì đến việc nước việc dân cả. Như thế là thần cũng chỉ nghĩ lo cho thần được yên thân no bụng mà thôi. Tang Văn Trọng ở đất Sái còn bị chê là bất trí thì những ai không từ chối sự xu mị cũng không khỏi bị người ta chê cười. Tôi nói thế có vẻ như mẹ ghẻ cạo đầu con chồng vậy. Chỉ vì tôi quá ghét những tệ đoan ấy.

Nay xin những ai lập gánh, bất luận ở đâu, trừ việc nước ra, gánh lớn mỗi ngày phải đóng thuế 50 quan, những gánh nhỏ thì đóng thuế ít hơn. Các con hát phải có giấy phép quan cấp mới được hành nghề suốt đời. Nếu không con hát lẫn chủ gánh đều bị phạt. Mỗi con hát còn phải đóng thuế mỗi năm 50 quan.

Ngoài ra xin điều tra trong dân gian xem nơi nào có lệ luân phiên cúng thần quả thật đưa đến tình trạng có người khuynh gia bại sản thì ra lệnh bãi bỏ. Còn chuyện làm pháo tre cũng thật vô ích. Nếu giá bán 10 quan, xin đánh thuế 20 quan.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:56:59 pm »


7. Xin đánh thuế nhà những người giàu.

Trong dân gian có nhiều tục lệ xấu. Như trong sổ bộ trên quan một cùng đinh phải đóng thuế bao nhiêu, thì trong làng một tay đại phú cũng đóng chừng đó thuế, không bù sớt ít nhiều gì cho nhau cả. Như vậy là đã trái cái nghĩa xóm làng giúp đỡ lẫn nhau rồi. Thậm chí có khi quan trên giục gấp mà lý dịch chưa kịp thúc giục dân nghèo thì mượn đỡ các nhà giàu để tạm nộp cho nhà nước, vậy mà cũng có nhiều người không cho mượn, có kẻ lại ăn tiền lời. Có kẻ thấy làng có việc thì xuất tiền ra mua nhiêu dịch suốt đời. Có kẻ bỏ tiền ra chứa cờ bạc mưu chiếm ruộng tốt của người khác. Cũng có kẻ bỏ ra có một quan cho vay mà dần dà lấy hết gia sản của người ta. Những việc làm nhẫn tâm trái lẽ của bọn nhà giàu rất nhiều, không biết bao giờ mới dứt được những tệ hại ấy cho dân nghèo. Vấn đề này xin tạm gác lại. Nay chỉ nói một khoản về nhà cao cửa rộng cần phải đánh thuế trước.

Phàm những người giàu có là người chịu ơn đất nước rất lớn, hơn cả những dân nghèo. Cướp cũng muốn cướp của nhà giàu, trộm cũng muốn trộm của nhà giàu, thù cũng thù người giàu, oán cũng oán nhà giàu, hăm dọa cũng hăm dọa nhà giàu. Trong khi đó cho vay nặng lãi, làm những việc bất nghĩa khiến dân ngày một nghèo, đó là bọn nhà giàu. Có nhiều ruộng màu mỡ, ít bị bỏ hoang mà lại mong cho mất mùa để được miễn giảm thuế khóa, cũng là nhà giàu. Nhà giàu sở dĩ giàu được, một phần do vơ vét của làng xóm và láng giềng chung quanh, một phần do quốc gia bồi đắp cho họ. Họ sở dĩ yên hưởng được sự giàu sang là còn nhờ ở hành chánh và an ninh của quốc gia. Nếu không, cái nhà họ ở để bảo vệ gia sản đó, bất cứ ai cũng có thể đốt được thử hỏi họ có yên ổn ca vịnh được không? Tô điểm nhà mình cho đẹp đẽ chi bằng bỏ ra chút ít để tô đắp thành trì của đất nước được vững chắc. Thành có vững chắc nhà mới vững chắc. Chưng dọn khí mãnh trong nhà cho khéo cho tinh chi bằng bỏ ra chút ít để làm cho khí giới của nước nhà tinh nhuệ. Khí giới tinh nhuệ giữ được nước thì nhà nhờ đó mới còn. Vì vậy các nước phương Tây lấy thuế nặng nhà cửa những người giàu, thế mới hợp lẽ công bằng.

Nay xin chia những người giàu làm ba hạng, nhà hạng nhất đóng thuế mỗi năm một trăm quan, hạng nhì 50 quan, hạng ba 20 quan.

Bảy khoản trên đây (Còn nhiều khoản nữa, đợi khi nào thi hành được tôi sẽ trình bày thêm) là đánh thuế vào những tập tục lãng phí không cần thiết để tăng lương bổng cho quan binh. Vả lại tài sản của dân là do huyết mạch của quốc gia mà ra, nay dân lại đem cái của cải hữu dụng mà tiêu hao vào những chuyện vô ích, hơn nữa còn gây ra vô số tội ác thì Triều đình là bậc cha mẹ dân thấy dân ngu làm nhiều việc sai lầm lẽ tất nhiên phải gấp rút sửa đổi lại cho tốt. Bởi vì dân xài tiền mà sinh tội cũng như con nít múa kiếm làm đứt họng thì ta phải giật kiếm đi, khi nào biết múa mới được dùng. Các nước phương Tây sở dĩ đủ dùng cho việc nước là nhờ đánh thuế nhà những người giàu có và các cơ sở thương mại, thế mà dân không oán than vì đó là thứ thuế chính đáng. Nếu dân nghèo thì chỉ bắt đóng góp một ít công tác thôi. Đối với dân họ tùy theo giàu nghèo mà đóng thuế nhiều hay ít, làm sao cho công việc nước được phân phối thích hợp với mọi người. Ngoài ra, tùy theo tục lệ và dân tình, mỗi làng mỗi xã có thể tùy nghi uyển chuyển áp dụng theo mỗi địa phương, miễn sao hợp pháp không được thiên lệch, để cho ai nấy đều tuân hành như luật pháp quốc gia vậy.

Pháp luật nước ta hiện nay còn sơ sót, huống nữa là tục lệ dân gian. Cho nên nước với dân tựa hồ mỗi đàng đi một nẻo. Tôi không phải hạng người chỉ biết góp nhặt lợi nhuận, đưa ra bảy khoản trên là vì thấy nó hợp lý và chính đáng, muốn sửa đổi những điều không tốt cho được tốt mà thôi. Dân gian phần nhiều có những sai lầm tội lỗi là vì do sử dụng tiền bạc không hợp lý mà ra cả. Cũng như phường trộm cướp, càng có nhiều khí cụ đồ nghề càng giúp chúng làm nhiều chuyện bạo ngược thêm. Nay dùng biện pháp đánh thuế để sung vào những công việc cần thiết, mà còn sửa chữa được tệ hại cho dân. Như thế công tư đều lợi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 07:12:24 pm »


Điều thứ tư: Xin sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng.

Không có một nền học thuật sáng suốt thì phong tục sẽ ngày một bại hoại, lòng người sẽ ngày một giả dối, phù phiếm trống rỗng. Tập tục sẽ làm thay đổi con người, dù người tốt cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, huống gì những hạng dưới. Lòng người đã hư hỏng thì khó tìm được người chuộng nghĩa thực tâm sốt sắng việc công.

Năm trước, trong một tập trình bày về Ngôi vua là quý, chức quan là trọng tôi có nói: “Chỉ vì không biết đúng đắn cái nội dung của sự quý trọng nên mới sinh lòng dạ nọ kia”. Đó là nói chung phân biệt tất cả lý lẽ phải trái được mất của các học thuật Đông Tây kim cổ. Nay chỉ nói riêng nước ta, nhưng cũng xin viện dẫn một vài trường hợp nước ngoài để sáng tỏ thêm.

- Vậy học là gì?

- Là học những gì chưa biết để biết mà đem ra thực hành. (Nhưng thực hành cái gì? Thực hành ở đâu?) Đó là thực hành những gì thực tế trước mắt và còn để lại lợi ích cho đời sau nữa.

Nhìn lại sự học của ta ngày nay, những điều thầy dạy, những cái học trò học, đều toàn những chuyện xa xưa. Tuy trong sách đôi chỗ có nói đến những việc thực tế nhưng chẳng truyền dạy được, vì người xưa đã khuất không thể dựng mồ lên hỏi. Bởi vậy người xưa có nói: “Có thể học biết phép trị nước của thời Đường Ngu, nhưng cái cách làm thế nào trị nước thì không thể học được”. Lại nói: “Việc làm cũng giống như gảy đàn cầm đàn sắt, mỗi người có một cách cải điệu riêng”. Chính là thế. Giả sử có một vài người từ hai ba ngàn năm trước còn sống đến nay, ta đem chuyện cũ trong sách tìm đến hỏi họ và được họ truyền dạy. Nhưng muốn đem những điều được truyền dạy đó ra thực hành thì cũng phải trở ngược lại với nhân dân thời thượng cổ mà chấn chỉnh lại phong tục tập quán thời thượng cổ cho hợp với họ thôi. Không thế thì thôi chứ ngày nay cũng chẳng ai theo nữa.

Ngày nay chúng ta, lúc nhỏ thì học văn, từ, thơ, phú, lớn lên ra làm thì lại luật, lịch, binh, hình. Lúc nhỏ học nào Sơn Đông, Sơn Tây mắt chưa từng thấy, lớn lên ra làm thì đến Nam kỳ, Bắc kỳ. Lúc nhỏ học nào thiên văn, địa lý, chính trị, phong tục tận bên Tàu (mà nay họ đã sửa đổi khác hết rồi), lớn lên ra làm thì lại dùng đến địa lý, thiên văn, chính sự, phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn. Lúc nhỏ học những lễ nhạc, cách ăn uống, cư xử chiến đấu, doanh trại từ xa xưa của Tàu, lớn lên ra làm thì phải dùng đến lễ nhạc, cách chiến đấu, phép ăn ở theo quan dân nước ta ngày nay. Còn biết bao nhiêu những việc tương tự như thế, mòn bút khô môi cũng không kể hết. Xưa nay các nước trên thế giới chưa từng có nước nào có nền học thuật như vậy. Quả thật lạ đời! Tuy Nhật Bản, Cao Ly cũng đọc sách Tàu nhưng chỉ để làm vui (Phải đọc sách của nước họ mới biết sự thật. Nếu xem sách Nho thì bao giờ cũng thấy nói khắp thiên hạ đều học theo phép Nho của mình cả. Đó chỉ là nói để khoe tốt, không đủ tin). Còn ra làm thì đều làm theo sách của nước họ, công việc của nước họ, chưa bao giờ thấy họ học và dùng những gì mà mắt không trông thấy, chân không đặt đến như lối học của nước ta.

Nước ta trên cũng có trời che, tức thiên văn, dưới cũng có đất chở, tức địa lý. Trong khoảng trời đất, nước ta cũng là một đất nước tốt lành hẳn hoi, đâu phải một miền phụ dung của Tàu. Trong đó cũng có việc của con người, luân thường đạo lý của con người, tức là những gì ta phải xây dựng cho hiện tại cũng như cho con cháu ta mai sau. Nước ta cũng có tổ tiên. Các vua quan đời trước, các sự tích lưu truyền, có thể cho ta tìm hiểu nguyên nhân của sự được mất, khảo sát lý do của sự trị loạn. Đó là những gốc gác lai lịch ta cần phải biết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 07:13:11 pm »


Liệt tổ của Hoàng triều ta từ sáng nghiệp đến nay đã có cái đức phủ dụ trị dân như thế nào, đó là cái mà quan và dân ta phải biết rõ để cảm đội và ra sức giữ gìn. Những non sông bờ cõi hình thế biển hồ đồn thành và đất đai trong nước ta thay đổi như thế nào, đó là cái mà ta phải biết rõ để khi ra làm việc tránh khỏi lầm lẫn. Luật nước, lệ làng, cho đến những ưu điểm, nhược điểm, những lề lối dạy dỗ, những tục hay tục dở trong nhân dân nước ta, là những cái ta cần phải học hỏi tìm tòi để hiểu rõ, để sửa đổi và bổ cứu, nếu không thực hiện được trong một tỉnh một phủ thì cũng phải thí nghiệm được trong một làng. Như thế mới là cái học trị nước giúp đời. Nước ta dưới đất có những mỏ kim loại, đá quý, ngoài ra có những loại thú nuôi, cây trồng, là những cái ta cần phải phân biệt khai thác phát triển để tự cấp tự túc. Nước ta hiện nay bốn bề bị ép, người ngoài sắp chiếm làm hang ổ, đó là cái mà chúng ta phải hiến dâng trí khôn sức khỏe ra chống giữ để bảo vệ nước nhà. Nước ta có những vị danh thần trong các triều vua trước còn để lại danh thơm tiếng tốt, cũng như các danh thần và các quan chức trong Triều đình hiện nay mà việc làm của họ có thể làm khuôn phép cho đời, tại sao không đem ra truyền tụng cho mọi người được hứng khởi (Các nước phương Tây thường làm như thế để cho người ta biết mà bắt chước), mà cứ ngày đêm luôn miệng kêu réo những người từ bên Tàu, chết đã mấy ngàn năm, như Tiêu Hà, Hàn Tín! Phải chăng chúng ta ngày nay còn mang ơn họ? Phải chăng người thời nay không bì kịp người thờ xưa? Hay muốn kêu cho họ sống lại? Như vậy mà cứ học cho đến bạc tóc, thật là quái gở không thể nào hiểu nổi!

Nước ta hiện nay trong dân gian có lắm người không cày ruộng mà muốn có cơm ăn, không dệt vải mà muốn có áo mặc, không có tài mà muốn có địa vị, không học mà muốn làm quan, cho đến những bọn lòng dạ hẹp hòi, tính khí kiêu căng, không lo bổn phận, chẳng rõ luân lý, chúng ẩn náu lén lút phỉnh dụ khiến những người học vấn không có căn bản đâm ra hoang mang, một dạ hai lòng, rồi chúng ngấm ngầm kết nghĩa, uống máu ăn thề. Có bọn đã lẻn vào Gia Định xem xét địa thế. Bọn này âm mưu thông đồng Nam Bắc, hành động nham hiểm muốn tiêu diệt dân ta. Tại sao không lôi chúng ra mà gạn hỏi, dạy dỗ, đàn áp để chúng biết rõ rằng hành động như chúng thì trong trời đất này không còn chỗ nào dung thân được nữa. Đó là việc sửa kẻ tà đưa về đường chính, một việc trọng đại như vậy còn cái học nào hơn? Việc đó kẻ sĩ phu, người dân thường ai cũng làm được, tại sao không làm?

Những việc trên đây, dân ta hiện nay còn ít người để ý, mà từ trẻ đến già, từ trường công đến trường tư đua nhau trau chuốt từng câu hay từng chữ khéo. Sao mà tệ mạt đến thế! Nếu đem cái công phu đã bỏ tâm trí một đời ra trau chuốt chữ nghĩa mà học những việc hiện tại như trận đồ, binh pháp, đắp thành giữ nước, sử dụng súng ống thì cũng có thể chống được giặc. Nếu đem cái công lao nửa đời người đã dùng để học thuộc lòng những tên người tên xứ, rập khuôn việc chính trị, nhai lại những nghĩa lý cặn bã xa xưa của Ngu, Hạ, Thương, Chu, Hán, Đường, Tống, Nguyên mà học những việc hiện tại như binh, hình, luật lệ, tài chánh, thương mại, xây dựng, canh nông, dệt và những cái mới khác thì dần dần cũng có thể làm cho nước mạnh dân giàu. Tại sao đến nay vẫn chưa nghe dân chúng khuyên nhau học những cái thực dụng ấy, mà chỉ ưa những chuyện kỳ dị xa xưa, bàn bạc những chuyện từ họ Hi Hoàng? Còn việc nước, dân tình được mất đều phó mặc cho Triều đình. Vậy phải chăng họ tự xem họ như con nít? Không phải lỗi ở họ mà chính ở học thuật. Sở dĩ học thuật chưa thuần là do không nhận rõ “Ngôi vua là quý, chức quan là trọng” cũng như mối quan hệ giữa dân với nước ra sao. Cho nên bất cứ cái gì cũng đặt cái vị tư vị kỷ là trước, không thật tâm làm việc vì công ích. Chính đó là lý do mình đã lầm lỗi lại làm lầm lỗi cho người khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 07:13:40 pm »


Nói về học thuật mà không có đường lối sáng suốt rõ ràng, một phần do ở sách vở và một phần tại Triều đình. Tuy nhiên tôi chưa dám nói rõ, sợ có điều quan ngại (Nếu đừng bắt tội mà cho phép nói tôi sẽ nói rõ). Bởi vì phong tục dân tình ngày nay ra sao Triều đình đã biết rõ hết rồi. Nay nếu muốn nhất thời sửa đổi hết tất cả tệ đoan ấy, sợ sinh nhiều mối nghi ngờ, hoang mang, chống báng lẫn nhau làm cho lòng người không yên. Vì vậy cần phải tìm học cái học thực dụng, phân chia ra các khoa, các môn, ban thưởng nhiều cho những người dự thi vào các khoa, môn này để khuyến khích dần dần đưa đến kết quả lợi ích thì các tệ đoan dần dần sẽ mất đi.

Nay xin lập các khoa sau đây.

1. Khoa nông chính.

Hàng năm dân chúng mang các công cụ mới chế tác dùng tiện lợi hơn các thứ cũ, những hoa màu thổ sản thu hoạch được cùng những phương thức trồng trọt đem lên tỉnh dự thi và lãnh thưởng. Các nước phương Tây giàu mạnh được cũng nhờ chuyên về khoa nông nghiệp. Còn về nguồn lợi khoáng sản thì cần phải đặc biệt chăm sóc. Nay trước hết xin tiến hành xuất bản một bộ sách NÔNG CHÍNH TOÀN THƯ. Rồi sức khắp trong nước từ trước đến nay ở đâu có phương pháp nông nghiệp gì thích hợp với đất đai, thời tiết sớm muộn ra sao, trồng loại lúa thóc gì, chăn nuôi giống gì, thu hoạch nhiều ít ra sao, báo cáo tất cả về tỉnh, tỉnh đệ về Bộ để phối hợp vào sách Nông chính. Nếu thấy những gì có thể phát minh được sẽ soạn thành sách học. Còn những sách nông nghiệp cũ không thích hợp khí hậu đất đai nước ta thì loại bỏ hết. Ngoài ra xin lập một Bộ Canh nông như các nước phương Tây. Bởi nông nghiệp là gốc, ăn mặc và hàng trăm nhu cầu khác cần cho đời sống đều nhờ nông nghiệp. Người xưa nói: “Người ta không có cái ăn cái mặc thì không còn đạo vua tôi”. Nếu con đường này không phát triển dồi dào thì dân lo kiếm ăn cho khỏi chết đói còn chưa kịp, rảnh đâu mà nghĩ đến lễ nghĩa. Nay ngành trồng trọt chăn nuôi của nước ta đều phó mặc tự nhiên, không có quan viên bày vẽ, giáo dục, đốc suất, dân chúng cứ theo lề lối cũ mà làm không có gì mới mẻ cả thì làm sao có thể hy vọng mỗi ngày một giàu thịnh để đóng góp thêm thuế khóa cho nhà nước?

Chính mắt tôi trông thấy có nhiều nơi nếu chịu bỏ ra đôi ba trăm quan để bồi đắp thì hoa lợi mỗi năm có thể thu được gấp trăm lần. Cũng có nhiều nơi ao đầm hồ vũng, nếu cho rút đi chừng một thước nước thì đều có thể cấy lúa được, thế mà cũng không biết cách ngăn đắp để cho nước chảy ra bể tống hết các bùn cát cùng những vật ô uế đi. Có nhiều nơi nếu đắp đập cũng chẳng tốn bao nhiêu công, vậy mà người ta cứ bỏ không để làm chỗ cho le cò hàu hến. Các đất hoang trong sổ bộ của quan cho là không thể cày cấy, hầu hết là những loại mà tôi đã kể. Tôi có hỏi dân những nơi ấy thì kẻ bảo không tiền, người bảo không sức. Có người bảo thầy địa lý nói không nên cho nước tụ lại, hoặc đắp đê sẽ làm động địa mạch khiến hương hào hương lão trong làng ốm đau. Có người bảo nếu đắp đê làm ứ nước các xã thôn bên trên sẽ làm đơn kiện. Có người bảo không dám đắp vì sợ động đất đai trong xã hoặc động mồ mả nhà quan ở xã gần bên. Những chuyện tương tự như thế nhiều không thể kể xiết.

Tôi rất lấy làm tiếc nhưng không biết làm cách nào cho dân hết những tệ trạng này. Chỉ có cách nhờ phép quan mà thôi. Xưa nay trong sách có chép nhiều về việc nhắc nhở dạy bảo dân về nông trang, nhưng đó chỉ là nói suông không thấy thực hành. Còn đối với các nước phương Tây, khoản này tốn rất nhiều công phu. Nếu không giỏi độ làm sao cho đúng với thế đất tự nhiên, nếu không có tài mở chỗ nọ đắp chỗ kia sao cho hợp thì không thể làm công việc này được. Còn học văn chương, dù có giỏi khai, thừa, chuyển, hợp, rành các thanh bình, thượng, khứ, nhập, một mai sa cơ lỡ vận, cầu ấm no cho một thân mình còn chưa được nói gì đến chuyện làm cho dân no ấm? (Làm được nông chính như các nước phương Tây, không phải chuyện dễ, chỉ khi nào thấy tận mắt mới nói được). Vậy xin mở gấp khoa này cho dân học tập rồi dần dần mới thông thạo được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #136 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 07:14:15 pm »


2. Khoa thiên văn và khoa địa lý.

Hai khoa này là gốc của mọi việc. Trí xảo con người mỗi ngày một tăng, tính tình con người mỗi ngày một ngay thẳng đều nhờ ở hai khoa này (Hai câu này có nhiều sự lý, dịp khác tôi sẽ nói rõ) nhưng nó thấm nhập dần dần, từ từ mà tiến chứ không thể lấy năm tháng mà tính được. Nay xin gấp rút duyệt lại các sách Thiên văn Địa lý từ trước đến nay, chọn lấy những gì hợp với thiên thời địa thế nước ta, chắc chắn có thật lý thật sự, có thể thấy như vật trong bàn tay mà không xem đến chuyện thuật số phong thủy, những chuyện phù phiếm quàng xiên, soạn thành sách ban hành. Lại phải tham khảo các sách Thiên văn Địa lý của phương Tây. Những sách tôi đã chọn mua trong chuyến đi Tây vừa qua, đã trình nạp rồi mướn người dịch ra, tóm tắt những chỗ quan trọng, hữu dụng để tham khảo ứng dụng để cho mọi người biết rõ rằng chúng ta ở trong trời đất phàm tất cả những an nguy, hưng phế, phú quý, họa phúc đều từ trong đó mà ra cả. Nay ta không biết rõ đầu ta đội gì, chân ta đạp gì, nhờ cái gì mà ta sống, ta bắt đầu từ đâu, cuối cùng ta sẽ về đâu, hiện tại ta được tốt lành là do đâu, sở dĩ ta được sinh ra, được nên người là ý gì? Sự tình mập mờ như thế, đạo lý thiếu sót như thế, vậy mà không chịu học để thấy rõ, cứ bằng lòng với cái dốt nát của mình. Như người chỉ biết nói toàn chuyện hoang đường thì làm sao có thể tận dụng được cái kỳ diệu của trời đất?

Về lịch, cần phải thuê người thông thạo, khảo sát độ số khí tiết nước ta soạn thành một quyển. Lấy chu kỳ là 100 năm. Sau đó, mỗi năm cứ y bản mà in ra không phải mỗi năm mỗi tính nữa. Công việc này các giáo sĩ có thể làm được. Khi lịch pháp đã thành nhất định rồi thì những vất vả của các quan ở đài thiên văn cũng bớt đi rất nhiều. Như lịch Tây, ai cũng biết không phải tính toán gì cả. Ở các nước phương Tây không có ai ở đài thiên văn làm sai. Bởi vì phương pháp giản dị dễ làm, cũng chẳng có gì quan trọng nên không cần bình nghị khả năng. Còn một người làm về thiên văn nước ta thì sao mà ưu đãi thái quá mà lại sai lầm quá nhiều. Dịp khác tôi sẽ nói rõ, sai lầm đó là bởi chưa nắm được cái hiệu dụng lớn của thiên văn mà thôi.

Các nước phương Tây thiết lập chiêm tinh còn có nhiều cách tính toán theo phương pháp mới nhằm đem lại lợi ích lớn cho việc dân việc nước chứ không phải chỉ chuyên để làm lịch. Bởi vì trong trời đất có biết bao nhiêu việc không phải chỉ một chuyện coi lịch coi ngày đủ bao quát tất cả. Vì vậy cần phải học gấp khoa này mới biết được sự thật của trời đất.

3. Khoa công kỹ nghệ.

Hãy tìm trong các sách Nho từ trước đến nay xem có chỗ nào nói đến cơ xảo dù một vài câu cũng nhặt hết ra, thu thập sửa lại cho đúng. Ngoài ra, lựa lấy trong các sách Tây, chỗ nào nói về những cần thiết hàng ngày, thí dụ như các sách viết về nguồn lợi khoáng sản cũng như tất cả các sách Tây viết về máy móc, (Tôi có mua hai quyển lớn đã trình nạp rồi, trong đó nói đủ cả) rồi xin các giám mục địa phương mỗi nơi cho hai linh mục rành tiếng Nam về kinh để cùng dịch thuật với các nhà biên soạn. Cũng xin mua một máy in để in ra xuất bản. Tuy nhiên trước tiên phải lập khoa này, đặt thể lệ hẳn hoi để cho dân thấy rõ rằng Triều đình xem việc này là trọng, ai học sẽ được thành danh lập nghiệp. Nếu không, họ vẫn cứ đua nhau miệt mài văn tự theo cái học khoa cử mà thôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #137 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 07:14:49 pm »


4. Khoa luật học.

Bất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật nước và những luật mới bổ sung thêm từ Gia Long đến nay. Ai giỏi luật sẽ được làm quan. Vì luật bao gồm cả kỷ cương, uy quyền, chính lệnh của quốc gia, trong đó tam cương ngũ thường cho đến việc hành chánh của 6 Bộ đều đầy đủ. Quan dùng luật để trị, dân theo luật mà giữ gìn. Bất cứ một hình phạt nào trong nước đều không vượt ra ngoài luật. Bởi vậy ở các nước phương Tây, phàm những ai đã nhập ngạch Bộ hình xử đoán các vụ kiện tụng thì chỉ có thăng trật chứ không bao bị biếm truất. Dù vua, Triều đình cũng không giáng chức họ được một bậc. Như vậy là để giúp cho các vị này được thong dong trong việc chấp hành luật pháp không bị một bó buộc nào cả. Phàm những tội ngũ hình đều do các vị này xử. Vua cũng không được đoán phạt một người nào theo ý mình mà không có chữ ký của các quan trong Bộ ấy. Làm thế là để cho dân chúng thấy rõ đạo công bằng. Vả lại vua không dự vào những việc ngũ hình để tỏ đạo nhân ái. Như chế độ xưa, vua có “tam hào” (3 lần tha). Bởi vì nếu có tội phải giết thì đó là quốc dân giết.

Biết rằng đạo làm người là không gì lớn bằng trung hiếu, không gì cần thiết bằng lễ nghĩa. Nhưng các sách Nho chỉ nói suông trên giấy, không làm cũng chẳng bị ai phạt, có làm cũng chẳng được ai thưởng. Bởi vậy xưa nay học đã nhiều mà mấy ai đổi được tâm tính, sửa được lỗi lầm? Cho nên Khổng Tử có nói: “Ta chưa hề thấy ai thấy được lỗi mình mà biết tự trách phạt”.

Từ xưa đến nay các vua chúa nắm quyền thống trị cứu nước giúp đời đều nhờ hiểu luật, còn các sách vở khác cũng chỉ là phụ thuộc. Nếu trong nước không có luật, thì dù có vạn quyển sách cũng không thể trị được dân. Điều này quá rõ. Bởi vì sách vở chỉ chép nào là sự tích chính sự thời xưa của cổ nhân, nào là những bài luận hay ho của người xưa để lại, nào những áng văn chương trau chuốt của chư tử, nào những tiểu thuyết dã sử của những người hiếu sự đặt bày. Trong đó hay có, dở có, kẻ nói này, người nói khác, xét kỹ thứ sách vở đó chỉ làm rối trí thêm chẳng được tích sự gì. Cho nên Khổng Tử nói: “Chép những lời nói suông chẳng bằng thân hành ra làm việc”. Thử xem có những nhà Nho suốt đời đọc sách, đáng lẽ cử chỉ của họ phải làm khuôn thước cho đời, vậy mà tại sao có nhiều người cuộc đời của họ và sự ứng xử của họ còn tệ hơn những người quê mùa chất phác? Nếu bảo luật lệ chỉ tốt cho việc cai trị chứ không có đạo đức tinh vi, thế là không biết rằng trái luật là tội, giữ đúng luật là đức. Nếu tận dụng cái lẽ công bằng ở trong luật mà xử sự thì mọi quyền, pháp đều là đạo đức. Có cái đức nào lớn hơn chí công vô tư không? Chí công vô tư là đức trời. Trong luật cái gì cũng công bằng hợp với đức trời, như vậy mà không đáng gọi là đạo đức tinh vi sao? Chỉ sợ con người không tận dụng luật mà thôi. Nếu tận dụng cũng đủ trọn vẹn đạo làm người rồi, bất tất phải đi tìm cái gì khác.

Vậy xin cho tất cả những người dự thi trước tiên phải thi khoa luật và các khoa khác thiết thực cho hiện tại. Còn thơ phú chỉ để ngâm hoa vịnh nguyệt, chứ đói có thể đem ra nấu ăn cho no bụng được đâu? Kinh nghĩa đã có các nhà nho tiền bối chú giải rõ ràng rồi cần gì phải vẽ vời thêm. Đọc kinh sách chỉ cốt hiểu rõ nghĩa lý, không cần phải hao tốn tinh thần, tiêu ma ngày tháng vào cái thứ văn chương bát cổ vô dụng ấy. Còn văn sách thì cứ nói mãi những chuyện Hán trị tạp bá, Đường trị vị thuần. Tạp bá, vị thuần của người ta mặc kệ người ta. Mình hãy nói chuyện trị nước của mình ngày nay ra sao thôi. Nước chưa giàu, sao không đặt kế hoạch để giàu? Binh chưa mạnh sao không chăm lo võ bị cho mạnh? Dân chưa khôn sao không đem đạo lý ra giáo dục? Nhân dân đói khổ sao không lập kế sinh mưu để cứu? Kẻ địch bên ngoài sắp muốn nô dịch dân ta, cướp bóc của cải của ta, tại sao không hỏi han nhắc nhở nhau tìm mưu lập kế để ngăn ngừa? Dân gian không biết luật lệ phạm nhiều sai lầm, sao không chỉ dạy rõ ràng để biết mà tránh? Tại sao không đem tâm lực ra mà lo những việc cần kíp trước mắt, lại đem dùng vào những chuyện xa xôi không thiết thực? Tôi sợ kẻ địch xung quanh đang bức bách ta ngày kia sẽ đem cái giáo hóa luật lệ của chúng đến sai khiến chúng ta. Chừng đó ăn năn sao kịp!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #138 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 07:16:03 pm »


5. Dùng quốc âm.

Phàm con người ta muốn giải bày cái gì ở trong lòng phải nhờ tiếng nói. Mà nói thì cốt phải rõ ràng khiến ai nghe cũng hiểu, như vậy mới hợp với ngôn ngữ tự nhiên. Không thế thì chỉ là giọng nói không trong trẻo rõ ràng của những người già cả hoặc có tật chứ không phải do tự nhiên trời sinh ra như vậy. Ngày nay có những người mỗi lần mở miệng ra nói lại phải nhờ người khác dịch giải, chẳng khác nào người nước ngoài. Ta một nước sao lại có hai thứ ngôn ngữ? Hai thứ chữ viết? Hai lần học? Thế có phải nước thì một mà người thì chia hai không?

Nói về chữ viết thì đó chỉ là những ký hiệu đặc biệt thay lời nói để ghi chép công việc mà thôi. Nước nào cũng thế. Hồi mới có loài người chưa có chữ viết nhưng cũng vẫn là người không mất mát sai lầm gì. Về sau công việc mỗi ngày một nhiều mới có sai lầm thiếu sót. Do đó những người có trí tuệ tìm ra một thứ hình vẽ để ghi lại. Cũng như lối làm ra bàn tính vậy, ban đầu lấy hàng một làm hàng đơn vị rồi lên đến hàng chục rồi lên trên nữa là hàng ngàn. Dần dần trải qua nhiều thế hệ, công việc càng tăng nhiều thêm, số hình vẽ do đó cũng phải tăng lên. Chữ viết tăng theo tiếng nói. Nếu bảo chữ xưa không thể thay đổi tăng thêm, thế là sai. Thử xem chữ viết của Trung Quốc từ xưa đến nay đã tăng thêm và thay đổi bao nhiêu cách rồi. Các nước cũng vậy. Nước nào có chữ viết riêng của nước ấy, đọc lên ai nghe cũng hiểu. Học là chỉ học cách viết ra chữ mà thôi. Vả lại trời sinh ra một nước thì cũng có một thứ chữ, một thứ tiếng của nước ấy. Nước ta là một nước có tên tuổi vào hàng nhì của phương Đông vậy mà chỉ một mình nước ta không có chữ viết. Có phải tại trời không thương ta chăng? Không, đó là lỗi tại ta học chữ nước ngoài lại tôn sùng thái quá, cho nên dù có kẻ tài trí xuất chúng cũng không dám sáng tạo ra cái khác, sợ người dị nghị!

Khi quốc gia ban hành chính sách hay mệnh lệnh gì, chắc chắn là muốn cho tất cả mọi người có mắt đều được thấy, có tai đều được nghe chứ đâu phải chỉ muốn một nửa số người được biết thôi, còn một nửa phải tìm người thông dịch mới biết. Nay ta không có chữ viết riêng mà chỉ dùng chữ nho để viết thay. Về phát âm đã không theo đúng giọng Trung Quốc cũng không phải tiếng phổ thông của nước ta. Người mới học phải thuộc mặt chữ bằng mắt lại phải vận dụng trí nhớ để nhớ những phát âm lạ tai. Âm vận của thứ chữ này chỉ có ai học mới biết, không học thì nghe cũng như vịt nghe sấm mà thôi. Thế có phải phí hơn một nửa công phu trí óc không? Nay nếu học sách quốc âm, học sinh ở nhà đọc đàn bà con nít nghe cũng hiểu, như vậy tuy không đi học mà cũng học được. Hơn nữa nếu dùng quốc âm thì lúc nhỏ đã có cha mẹ dạy, lớn lên đi học chỉ học nét viết mà thôi. Thế có phải giảm bớt được một nửa công phu không? Đem một nửa công phu học tiếng lạ đó mà học những việc thiết thực cho đời sống có phải ích lợi lớn hơn không? Phàm học tiếng học chữ là học lúc còn bé, còn lớn lên thì phải đem những điều hiểu biết trong sách ra mà làm. Trừ phi có giao thiệp với nước ngoài mới học tiếng nước ngoài, chớ tội gì đã lớn mà còn học như con nít nước ngoài học vậy?

Ngày nay nước ta những kẻ thông minh lanh lợi đều đua nhau học chữ, không lập công dựng nghiệp nhân lúc thanh niên cường tráng, mà chỉ vùi đầu đèn sách hết năm này sang năm khác. Phải chăng họ muốn trở thành người Trung Quốc? Thế mà đem nói với người Tàu, người Tàu chẳng nghe, nói với dân ngu, dân ngu chẳng hiểu. Một tờ trát đưa xuống, kẻ hiểu thế này, người hiểu thế khác. Một chữ trong luật, kẻ nói tội nhẹ, người nói tội nặng. Đơn từ án lịnh thì bọn thầy kiện và quan tòa quỷ quyệt lật ngược lật xuôi. Sự tình khai báo trong dân gian thì tráo trở thiên biến vạn hóa. Công việc chất chồng phần nhiều bị bóp tròn bóp méo không tả rõ được sự thật. Thông cáo yết thị của nhà nước truyền xuống phải qua người biết chữ đọc và dịch lại cho dân, nhưng phần nhiều viện dẫn thất thiệt, giảng nghĩa không rõ khiến dân thường không hiểu hết, ý chí của Triều đình bị xuyên tạc. Thậm chí có người viết cái gì cho ai bằng quốc âm thì bị khinh thường. Làm thầy thuốc mà xem quốc ngữ thì bị cho là tầm thường. Nói tiếng mẹ đẻ mà không xen chữ nho vào thì bị cho là quê mùa. Ngoài ra lại còn có một thứ văn từ chuyên dùng những chữ hiểm hóc cầu kỳ cốt để cho người đọc không hiểu, nghe không ra. Thế mới cho là kỳ diệu tuyệt vời. Phải làm sao cho nhiều tay cao kiến hay chữ, giảng giải bắt bẻ đến nỗi một chữ ra hàng trăm nghĩa, ý tưởng lập lờ nước đôi không tài nào quyết định được, thế mới là tay cự phách trong làng văn!

Xin hỏi: chữ viết là để thay thế lời nói. Nói là để cho người nghe hiểu. Nay mở miệng nói mà không ai nghe hiểu cả thì đó không phải tiếng người nữa rồi. Lạ lùng chưa? Hèn gì người ta bảo là một thứ chữ kỳ cục cũng phải. Những chuyện đại loại như thế rất nhiều không sao kể xiết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #139 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 07:16:42 pm »


Ở bên Tây, mười người đàn ông có một người mù chữ, mười người đàn bà có bốn người không học chữ. Mặc dầu không biết chữ nhưng chiếu, chỉ, từ, trát cho đến báo chí sách vở, có người đọc cho nghe thì đều hiểu hết. Là vì chữ của họ đều viết bằng quốc âm. Con nít họ đi học ba năm thì không chữ nào không đọc hiểu được. Không phải như chữ nho học cho đến chết cũng chưa nhớ nổi một phần ba. Tôi thống kê chữ nho có 4 vạn 4 ngàn chữ. Trong đó, người học rộng sử dụng không tới một vạn chữ, người trung bình chừng 4, 5 ngàn còn người thường chừng đôi ba ngàn mà thôi.

Chả lẽ ở nước ta không có ai giỏi có thể lập ra một thứ chữ để viết tiếng ta hay sao? Vì ta dùng chữ nho đã lâu nên không cần thay đổi tất cả sợ làm cho người ta lạ tai lạ mắt. Vậy xin dùng chữ Hán làm mẫu, lựa âm của chữ nào hợp với âm tiếng ta, nhất định không thay đổi thì đọc như tiếng ta không cần giải nghĩa. Chữ nào có âm gần giống tiếng ta thì thêm nét phụ vào rồi đọc ra tiếng ta. Ngoài ra gộp hết tiếng ta lại chia thành môn loại, làm tự điển, trước tiên ban hành trong các cơ quan chính quyền và trường học cho người học dễ dàng sử dụng. Khi nào chữ Hán đã được đọc thành âm tiếng ta rồi thì bất cứ ai biên chép việc công việc tư đều phải dùng thứ chữ đã ban hành, không được thay đổi. Còn các nhà văn ai muốn dùng chữ Hán theo âm nho tùy ý nhưng trong công việc làm thì phải dùng thứ chữ Triều đình đã ban hành.

Ta đã học chữ Hán mà không đọc được như người Hán lại thêm một lần phát âm khác, thêm một lần giải thích nghĩa, khiến người có tài trí phải mất đi tinh lực nửa đời người dùi mài vào cái học ấy, không còn thì giờ tâm trí để học những cái khác. Bây giờ ta cứ lấy chữ Hán chuyển đọc ra quốc âm, không cần học nghĩa, thế cũng vẫn dùng chữ Hán có gì mà không được? Thí dụ như chữ “Thực phạn” thì đọc là “Ăn cơm”, hoặc viết chữ “Ăn cơm” thay chữ “Thực phạn”. Như vậy mà còn ai cho chữ “Thực phạn” là quý trọng, chữ “Ăn cơn” là khinh thường, nhất định cố chấp chữ nho là quý trọng, là dễ, còn chữ ta là tiện, là khinh, là khó thì dẫu trời là giỏi phân biệt muôn loài khinh trọng quý tiện cũng không cãi lại bọn này.

Nay lấy chữ Hán đọc ra quốc âm thì khi đọc lên ai nghe cũng hiểu có phải vừa dễ dàng vừa bớt được bao nhiêu phiền phức không?

Tôi tính quốc âm ta ước chừng hơn một vạn tiếng, trong đó chỉ có lối ba ngàn tiếng không thể viết như chữ Hán. Trường hợp đó ta dùng những chữ Hán tương tự rồi thêm hiệp vần vào một bên mà thôi. Còn sáu, bảy ngàn tiếng đã viết được như chữ Hán thì cứ viết, chỉ đọc như quốc âm thôi. Đó gọi là “chữ Hán quốc âm”. Từ nay hễ có dịch các sách mới hoặc có người giỏi trước tác những sách về thời vụ thì bắt buộc dùng chữ Hán quốc âm. Như vậy người học sau này chỉ học mặt chữ thôi, không phải tốn nhiều công phu học cái tiếng chẳng phải Hán chẳng phải ta. Có phải giải quyết được dễ dàng những việc khẩn cấp mà thu được lợi ích rất lớn không?

Bởi vì sự học có công dụng lớn cho quốc dân. Khi sự học gặp phải khó khăn rắc rối thì cả nước phải chịu sự khó khăn ấy đời nọ đến đời kia chứ đâu phải chuyện nhỏ.

Lập luận của tôi không khác như người học Phật trở lại mắng Phật, nhưng vì xấu hổ bởi các nước trên thế giới đều chê cười nước ta không có chữ. Hơn nữa thời thế bắt buộc phải làm như vậy chứ không phải tôi dám lập dị theo ý kiến riêng của mình.

Thường tình, ai lại không yêu quý những cái vốn có của mình, dù nó không đáng giá? Ai lại chẳng muốn lánh nặng tìm nhẹ, làm ít được nhiều? Dù cho cái vốn có của ta không tiện dụng, có hại, phí sức và khó làm, bất đắc dĩ phải bỏ cái của mình và theo người, nhưng trong lòng không khỏi hổ thẹn. Nay nước ta đã coi khinh cái vốn có của mình mà quý trọng cái hiếm lạ của nước ngoài, nghĩa là bỏ cái quốc âm của ta mà đem một nửa công phu tìm cầu cái ngoắt ngoéo, thật mỉa mai thay!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM