Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:48:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường vào Phnom-Pênh  (Đọc 48056 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #20 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:29:36 pm »

VIII
ĐƯỜNG VÀO PHNOM-PÊNH


Sáng ngày 07-1-1979.

Cuộc hội nghị hiệp đồng lần cuối vừa xong, trời trời cũng vừa sáng. Lần họp này có đủ tiểu đoàn trưởng và chính trị viên của bảy tiểu đoàn thuộc Binh đoàn 1, quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia. Nhà văn Nguyễn Chí Trung gọi là cuộc hội nghị ghi nhớ một đời, anh cứ theo các đồng chí cán bộ Kampuchia đặt xin trước các tấm bản đồ Pnnom-Pênh, khi nào các đồng chí ấy sử dụng xong.

Chúng tôi rủ nhau ra sông tắm rửa để thay quần áo mới. Chúng tôi tắm, chúng tôi bơi. Bầu trời bình minh buổi đầu xuân hôm nay trong quá. Gió mát rời rợi quét nhẹ trên mặt nước gợn sóng lăn tăn. Sáu chiếc tàu há mồm xình xịch năng nổ cả đêm rồi mà vẫn chưa thấy dáng mệt mỏi. Đội hình toàn cảnh trung đoàn 962 Hải quân hiện trên mặt sông, đẹp quá, hùng dũng quá.

Vừa lúc ấy, hai chiếc phà dân sự một trăm tấn sơn trắng như phà Mỹ Thuận, ì ạch ngược dòng đến nơi. Hình như thấy mình trễ tràng nên không cần đợi lệnh, phà cặp bến rước xe và người sang sông ngay.

Một ngày mới bắt đầu. Nhìn nhau thấy ai cũng quân phục mới, giầy mới, mũ mới. Nhìn người gặp nhau hàng ngày như Mười Vàng, Nguyện, Biên, mà tôi cũng thấy lạ hẳn. Đẹp nhất là các chiến sĩ Kampuchia. Bộ quân phục, nhất là cái mũ kết rất hợp với khổ người lực lưỡng, đầy đặn, nước da đậm, đôi mắt to, mày xếch với hàm răng trắng nuốt. Các đồng chí nữ trong đội công tác còn trang điểm thêm chiếc băng đỏ trên tay, càng thêm trẻ trung duyên dáng, khỏe mạnh.

Tôi trở vào xe thông tin, báo cáo lần cuối về Sở chỉ huy cơ bản, anh Hoàng Cầm dặn tôi nắm chắc Đoàn 341 và Lữ 24 pháo binh làm thê đội hai. Nếu địch ngăn chặn thành nhiều tuyến vững chắc thì tổ chức đột phá bằng sức mạnh, đằng sau còn có Đoàn 9, không sức nào cản nổi chúng tạ. Anh dặn chú ý mìn, các cánh khác vấp nhiều mìn trên đường 6, đường 3. Anh bảo là anh sẽ bay theo chúng tôi, khi gặp trở ngại thì anh sẽ đến ngay.

Đường số 1 từ bến phà lên độ năm ki-lô-mét, chạy cặp theo bờ sông, xóm vườn hai bên rậm rạp, đường rất hẹp. Đội hình hành quân chen chúc xếp hàng ở đoạn này. Đầu đội hình là Tiểu đoàn 2 xe tăng gồm bốn chiếc T54, một chiếc PT85 và mười một chiếc M113. Nhìn xa tít đường số 1 chạy giữa đồng nước, thấy rõ anh em Trung đoàn 12 tranh thủ đi bộ. Đêm qua một tiểu đoàn của Trung đoàn 12 và Tiểu đoàn 2 bạn đã chiếm tận chỗ xóm làng xanh xanh, mù mù kia. Bên cạnh đội hình Tiển đoàn 2 xe tăng, đã có đủ một đại đội hỗn hợp trinh sát công binh, và Tiểu đoàn 3 của Xáttha.

Nhìn xe tăng, xe bọc thép mà tôi hình dung nó đang dậm chân, xoay mông, ngoắc tai, lúc lắc đầu như ngựa đua ở làn mức xuất phát, chờ tiếng súng của trọng tài là phóng.

Tôi hỏi đồng chí Thành tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 xe tăng chớ trung đội trưởng Trần Ngọc Giao là đồng chí nào? Giao đang lúi húi làm gì trên xe tăng, nhảy xuống đất đưa tay chào tôi rồi lột mũ bảo hiểm ra cầm tay. Cán bộ chiến sĩ trẻ thường biết mặt cánh già chúng tôi, có khi biết đến tính tình nữa, còn chúng tôi thì hay quên họ. Tôi dặn Giao:
- Đồng chí cũng như anh em đại đội 10 anh hùng, tôi biết từ lúc Lộc Ninh, Phước Long. Vừa rồi tôi cũng đã cùng đồng chí Thành ra đường 10 đến chỗ hai chiếc T54 của ta bị địch bắn cháy và xác bốn chiếc PT 85 của địch, các đồng chí chiến đấu rất ngoan cường. Riêng đồng chí đã đổi chiếc xe này là chiếc xe thứ ba rồi phải không? Bộ tư lệnh Binh đoàn giao cho đồng chí đi đầu, xông mạnh nhé, xé nó ra, chen với nó mà đi nhé.

Giao khiêm tốn, chỉ vâng dạ, không nói gì. Tôi nhìn đại đội 10 chỉ vỏn vẹn có ngần ấy xe thôi, tôi hơi chột dạ, nhưng tôi không lộ ra ngoài sợ anh Thắng lữ trưởng xe tăng buồn. Tôi còn biết thêm là tình trạng kỹ thuật xe tăng rất tã, chưa được một ngày bảo dưỡng, mỗi xe M113 chỉ còn 150 lít xăng; xe T54 thì nhờ mượn dầu của Lữ 24 pháo binh nên nhiên liệu khá hơn, đạn pháo xe tăng chưa đến 12 quả cho mỗi nòng pháo mà xe hậu cần thì chưa lên kịp. Chúng tôi rất tiếc là 25 xe T54 của Lữ 215 do cấp trên tăng cường cho, thì anh em lái mới, kỹ thuật lái không bảo đảm nên còn dừng lại bên kia cầu Kompong Trabéc.

Tôi gặp Phạm Hoa, đại đội trưởng đại đội 5, đại đội đồng chí chỉ còn bốn chiếc M113. Trong lúc đang nói chuyện với Hoa tôi nghe trên một chiếc M113 phía sau có giọng nói Trị Thiên rất trong, rất trẻ, rất tình cảm. Giọng Trị Thiên là giọng hiếm hoi nhất trong Binh đoàn. Tôi đến chỗ ấy tìm thấy một chiến sĩ tuổi độ mười chín là cao, đang lau khẩu đại liên trên nóc chiếc M113. Tôi hỏi: Đồng chí ơi! đồng chí tên gì?
- Dạ, tên Đinh Văn Thương ạ.
- Quê ở đâu?
- Dạ quê Tuyên Hóa ạ.
- Tuyên Hóa sao nói tiếng “Huệ”?
Thương cười đỏ mặt:
- Dạ, tiếng Quảng Bình chứ ạ.
- Chiến đấu xe thiết giáp nhiều chưa?
- Dạ, chưa ạ! Cháu mới nhập ngũ năm 1978, mới học lớp lái xe thiết giáp ạ.
- Học ở đâu? Ở Sóng Thần phải không?
- Dạ, phải ạ!
- Hôm qua đại đội 21 của đồng chí mới chạy một mạch từ thành phố Hồ Chí Minh lên đây phải không?
- Dạ, phải ạ!

Thương chưa biết dùng từ ngữ quân sự. Nhìn dáng mảnh khảnh của Thương, nghe giọng nói nhỏ nhẹ lễ phép, tôi muốn hỏi mãi, trò chuyện mãi, nhưng thời gian không cho phép. Gương mặt bầu bĩnh, nước da sạm nắng, đôi môi đỏ, cặp mắt sáng ngời dưới vành lông mày đậm hơi xếch của Thương là hình ảnh tượng trưng cho các chiến sĩ trẻ mà tôi gặp hôm nay. Cái tên Thương cũng vang trong tôi một tình cảm, một kỷ niệm khó phai.

Chúng tôi trở lại cuối đội hình của Trung đoàn 14 và Tiểu đoàn 2 bạn. Sở chỉ huy hành quân của Đoàn 7 ở đây. Anh Dũng báo cho tôi biết là xe Trung đoàn 14 lên chưa đủ, mới được hai tiểu đoàn. Kinh nghiệm mãi rồi, thế mà vẫn sai sót. Chả là ban đầu khi còn ít xe tải thì định dồn cho các tiểu đoàn bạn và Trung đoàn 209 là trung đoàn đi đầu. Còn Trung đoàn 14 và Trung đoàn 12 thì đi bộ và chuyển tải dần. Khi được thêm ba mươi xe của cấp trên tăng cường thì tham mưu lại giao hết cho Trung đoàn 209 ở cách bến phà mười cây số, nên kẹt phía sau không điều lên được. Các xe đã qua sông rồi thì không đủ cho các tiểu đoàn bạn và một trung đoàn đi đầu của ta.

Trong lúc Sở chỉ huy chùm nhum lại thì địch đâu từ trong vườn bắn ra chiu chíu. Vừa bực vì xe, địch lại quấy rầy, anh Dũng đưa cánh tay phải cong cong vì vết thương cũ chỉ vô vườn quát:
- Vệ binh đâu? Chạy vào đuổi bắn bỏ mẹ mấy thằng đó cho tao.

Giữa lúc ấy có mấy chiếc xe chạy lên, tôi mừng thầm. Nhưng đó là xe của Lữ 71 cao xạ. Anh Nho chủ nhiệm phòng không của Binh đoàn đến báo cáo:
- Lữ 71 đã sang sông đủ, xin chỉ thị của đồng chí.
Đang bực mình, tôi đay nghiến anh Nho:
- Tại sao? tại sao cao xạ lại giành phà của bộ binh hả?
Rồi chợt thấy mình nóng này vô lý, tôi chuộc lại nhưng vẫn còn tự ái:
- Lữ 71 đã chiến đấu ở An Lộc, Phước Long, Đồng Xoái, anh dũng như thế nào tôi rất rõ, nhưng lần này thì chưa cần lên trước, không phải đi duyệt binh.

Cũng nhờ vậy mà một chặp sau anh Mười Thứ, phó tư lệnh đoàn 341 dong xe lên, có cả hai chiếc M113, để xin chỉ thị, tôi ôn tồn giao nhiệm vụ làm thê đội hai cho anh. Tôi hỏi thăm anh Tám Bôn, Vũ Cao, anh Quế hiện ở đâu, mấy hôm nay lội ruộng lầy chắc vất vả lắm thì phải. Nhưng rồi tôi cũng phải nói:
-Bây giờ thì anh để hai xe M113 ở đây còn thì quay lại, anh sang bên kia bến phà ngăn không cho xe của Đoàn anh qua nữa, nhường cho Đoàn 7 qua trước.

Đã gần 7 giờ, thôi thì đành phải dồn xe đủ cho ba tiểu đoàn bạn và Trung đoàn 14 làm đơn vị đi đầu thay cho Trung đoàn 209, còn Trung đoàn 209, Trung đoàn 12 thì đi bộ và đón nhận các xe lên sau.
Thế là lệnh xuất phát được truyền đi đúng lúc 7 giờ 15 phút. Trước đó hai mươi phút đã lệnh cho Trung đoàn hải quân 962 và Trung đoàn đặc công 113 rời bến.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Ba, 2010, 12:38:55 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #21 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:30:03 pm »

Dưới bầu trời ngày đầu xuân trong sáng những tia nắng sớm xòe những rẻ quạt đủ màu trên màn sương mỏng. Đứng nhìn đoàn xe băng băng trên đường nhựa giữa đồng nước lác đác những cây thốt nố, lòng tôi sung sướng khó tả. Trên xe dưới lá cờ đỏ có năm tháp vàng ở giữa, các chiến sĩ Việt Nam - Kampuchia mặt mày rạng rỡ, quân phục, mũ kết mầu xanh xám mới tinh. Đẹp mắt thì một, mà đẹp lòng thì mười.

Đoàn xe Sở chỉ huy của tôi đi sau đội hình của Tiểu đoàn 3 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia và Trung đoàn 14 Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi ngồi trên chiếc thiết giáp chỉ huy V-100 với anh Tạ Duy Thắng, lữ trưởng Lữ 22 xe tăng. Theo sau tôi cũng một chiếc V-100 dự bị do anh Đồng Phạm Thắng tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 xe tăng làm trưởng xe và một số cán bộ tham mưu Binh đoàn. Tiếp đó là các xe con của cơ quan và xe thông tin, trinh sát, v.v … Máy thông tin trên xe tôi liên lạc chung một tầng (tần) số với đồng chí Thành tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 xe tăng, với anh Dũng, anh Ba Bì và trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 đi đầu.

Xe mới lăn bánh độ năm ki-lô-mét, ra giữa đồng trống thì đi chậm dần rồi dừng lại. Qua máy PRC-25, anh Thành báo là địch đang kéo pháo chạy, các khẩu còn lại hạ nòng bắn thẳng có cả 130 ly và 85 ly, súng bộ binh địch cũng bắn nhiều. Ta đang quét chúng để vượt qua. Tôi nói với anh Thắng, điện lại cho anh Thành “nó kéo pháo chạy có nghĩa là đường không có mìn. Thời cơ rất tốt, bắn đè đầu nó xuống, thúc xe tăng vượt qua nhanh, đuổi theo!”.

Đường ở đoạn này vắng vẻ, nhìn thấy sông Mê Kông mà bên kia là Ba Nam. Hai hàng cây cổ thụ bên đường bị cưa cụt chết khô, gợi lên cảnh hoang tàn tang tóc một cách lạnh lùng.

Xe mới dừng lại đâu vài phút mà tưởng chừng như lâu lắm rồi.

Trong lúc ruột gan như rang như đốt thì phía bên phải có tiếng súng nổ dòn, rồi nghe tiếng động cơ tàu. Mọi người quay về phía đó. Tôi đứng hẳn trên nóc xe thiết giáp nhìn thấy rất rõ hai chiếc PGM dẫn đầu rẽ sóng với tốc độ khá nhanh, vừa bắn 37 ly sang bên kia bờ. Theo sau cách chừng 300 mét là hai tốp, mỗi tốp năm sáu chiếc PCF. Qua máy PRC-25 anh Huỳnh báo cáo: “Có tám chiếc xe tải địch vừa đổ quân trên đường Ba Nam sát bờ sông, chúng bắn DKZ và 12 ly 8 vào đoàn tàu ta, và ở mũi Cù lao có hai tàu chiến địch vừa bắn vừa chạy ngược trở lên”.

Thấy tàu ta chạy theo lạch phía Đông Cù lao Ba Nam mà không chạy theo lạch phía bên này, tôi hỏi. Anh Huỳnh đáp là anh em truy đuổi theo hai tàu địch, khỏi sợ thủy lôi. Tôi rất đồng ý với cách xử trí của anh Huỳnh.

Ba Nam, Sâm Bua, Tức Leang, những địa danh ấy chẳng những tôi quen thuộc trên bản đồ mà cả trên thực địa. Sau cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền Sihanouk tháng 3 năm 1970 quân Mỹ đánh sâu lên đất Kampuchia đến bắc đường 7 thuộc tỉnh Kratré, Kongpong-Chàm. Quân ngụy Sài Gòn đánh qua Svei-Riêng, Prây-Veng, Đông dương nghiễm nhiên trở thành chiến trường không giới hạn. Lúc đó các sư đoàn của ta giải phóng một vùng rất rộng thuộc các tỉnh Đông và Đông bắc Miên, một bộ phận Đoàn 1 của ta và Đoàn đặc công 367 cắt đứt quốc lộ 4 đoạn Ki-ri-rôm đèo Piknil, thắt cổ họng của Mỹ - Lon Nol từ cảng Kong Pong Xom lên Phnom Pênh. Chúng chỉ còn hy vọng đường sông Mê Kông và đường hàng không. Đoàn pháo binh của Miền được lệnh dùng Trung đoàn 96 gồm hai tiểu đoàn pháo cao xạ và hai tiểu đoàn pháo đất chuyển thành pháo đường sông, chặn không cho địch sử dụng sông Mê-Kông, đồng thời cùng với đăc công, khống chế thường xuyên sân bay Pô-Chen-Tông. Trung đoàn 96 pháo binh hạ quyết tâm biến Mê- Kông thành “Bạch Đằng thời đại”, không cho một tàu nào của địch từ Sài Gòn lên Phnom Pênh. Quyết tâm đó đã được thực hiện trong suốt hai năm 1970 - 1971. Ác liệt lắm, vì Mỹ ngụy Sài Gòn - ngụy Lon Non có nhiều máy bay, tàu chiến mà tới mùa nước nổi là dọc bờ sông phía Đông nhà nọ sang nhà kia phải đi bằng xuồng. Vừa chiến đấu Trung đoàn 96 còn xây dựng kèm cặp một trung đoàn pháo binh bạn. Lúc đó anh Mười Xu phụ trách chung, anh Năm Sang phụ trách quân sự ở vùng này. Nhắc đến anh Mười Xu, anh Năm Sang không làm sao chúng tôi quên được mối tình cách mạng trong sáng của những người Cộng sản chân chính. Lúc bấy giờ hai anh là linh hồn của phong trào cách mạng ở quân khu Đông này. Hai anh cũng là người lãnh đạo gắn bó mối tình đoàn kết thiêng liêng giữa hai dân tộc mà lịch sử đã quy định như vậy. Hai anh vận động nhân dân lo cho bộ đội giải phóng Việt Nam từ việc nhỏ như tải thương, tải đạn, nuôi dưỡng thương binh, đến việc lớn như đưa mấy chục xe tăng M41, M113 và pháo 105 ly thu được của địch trên đường số 6 vượt sông về biên giới. Nhân dân trong bốn tỉnh khu Đông ai cũng biết “boong Xu”. Đến phum nào, anh cũng có thể cởi áo vắt vai, mặc quần đùi quấn khăn choàng tắm bước lên nhà sàn ngồi ăn cơm uống nước nói chuyện với đồng bào. Nhân dân biết “boong Xu” là cán bộ cách mạng chứ ít ai biết đồng chí Su Vana là ủy viên thường vụ trung ương Đảng kiêm bí thư khu ủy khu Đông.

Còn anh Năm Sang (Xa-ang) thì có cái say mê lớn nhất là đánh giặc. Giữa năm 1970 khi mới xây dựng được một tiểu đoàn anh đã đi đánh đồn bót của Lon Nol, giải phóng một vùng rộng trong hai huyện Preksăng Deck và Vi-hia-Sua ra đến tận vùng Bầu Diều đối diện với Phnom Pênh. Quân Lon Nol mà nghe đến tên Tà-Xa-ang là khiếp đảm. Dạo ấy thanh niên Kampuchia thích đi bộ đội giải phóng Việt Nam, chớ không muốn đi bộ đội Khơ-me đỏ. Nhưng bảo đi bộ đội Tà-Xa-ang là họ đi ngay.

Lúc ấy anh em ta đã huấn luyện cho anh em quân giải phóng Kampuchia nhiều người không biết chữ, biết bắn pháo 105ly, ĐKZ, ĐKB, 12 ly 8. Trong những trận đầu chiến sĩ ta lấy thước tầm đâu đó xong, rồi cho anh em giật cò. Đánh bộ binh cũng vậy, ta mở rào xong rồi mới dìu dắt người anh em xung phong. Một hôm vào mùa nước nổi, tôi theo anh em Việt kiều đi từ Chi-he qua Prek-Săng-Deak xuống Vi-hia-sua bằng Honda 90, rồi đi đuôi tôm ra Săm-Bua nằm sát bờ sông Mê-Kông. Nhân dân ở đây thương bộ đội giải phóng Việt Nam lắm. Bà con thấy anh em ăn uống cực khổ mà lại thích ăn thịt chó, bà con kêu cho chó, anh em mình cám ơn mà không lấy. Thế là đêm đêm bà con trói chó, khớp mỏ, lén đem ném bên cạnh nhà bộ đội ở. Tiểu đoàn trưởng Hùng Móm đánh giặc rất gan nhưng cũng hơi ẩu, anh nói: “mở trói thả chó thì bà con buồn, bà con nói chê của bà con”. Nhân dân rình thấy bộ đội hay nấu thịt chó với củ riềng, những con chó sau lại có kèm theo củ riềng giắt trong sợi giây buộc quanh hông chó, trông tức cười không chịu được.

… Đoàn xe chúng tôi nhích dần lên rồi bon khá một chút. Khi xe chui vào làng, đối chiếu bản đồ là phum Kô Ki Thom, tôi còn thấy hai khẩu 130 ly, một khẩu còn bố trí y nguyên trên trận địa trong một chòi lợp lá thốt nốt, bên cạnh có mấy cái xác mặc áo đen, một khẩu 130 ly lật chỏng gọng bên đường. Xe xích kéo pháo đêu không thấy. Xe chạy một đỗi nữa, trông thấy hai khẩu 85 ly, 37 ly và hai chiếc xe lật nghiêng. Phum này dài chừng hai cây số, ở đây mới bắt đầu có dân, chắc là dân bị nó lùa đi hôm qua ở miệt Neak-lương lên, khi địch chạy rồi bà con mới ra đường lục tục đi ngược về. Khác với dân chỗ khác, bà con ở đây chỉ có một gánh, một xách, không có xe trâu bò gì cả. Họ cũng không vội vã gì, đi chậm chạp hoặc đứng lại tránh xe thành từng tốp. Buồn cười có mấy tên lính ngơ ngác còn mang y nguyên khẩu súng trên vai đứng chung với đồng bào nhìn xe vỗ tay. Có thằng vừa mới vứt khẩu cối 60 ly bên cạnh. Mấy em bé là tiếp xúc nhanh nhất, các em vẫy tay reo hò, có em vẫy tay hoan hô mà đầu vẫn đội một cái gói, các cụ bà chắp tay trước ngực vái chào, các cô gái vẫy tay thật mạnh miệng hoan hô gương mặt vừa vui tươi vừa kiên nghị.

Qua máy vô tuyến điện anh Ba Bì trao đổi với tôi một nhận định của anh: “Chỗ nào có dân hai bên đường là không có địch, chỗ nào đồng trống thì địch không bố trí được nhiều, tranh thủ mở hết tốc độ lao lên”. Tôi rất đồng ý với anh Ba Bì và bảo anh Thắng truyền đạt ý kiến ấy cho Thành.

Từ phía sau anh Ba Bì cưỡi xe Jeep vượt lên trước, qua ngang xe tôi anh vừa nói như la vừa ra dấu là anh lên phía trước để đôn đốc anh em đi nhanh hơn.
Xe chạy được một khoảng đồng trống, tốc độ hơi khá một chút, thì dừng lại. Đồng chí Thành báo cáo là gặp cầu sập. Tôi toát mồ hôi hột. Tôi định cho xe tách ra lao lên trước thì anh Thắng cản lại bảo để chờ một chút xem sao. Chỉ vài phút sau Thành báo là cầu nó phá lâu rồi để làm đập nước, có đường vòng.

Anh Thắng đưa ống dòm cho tôi xem một đám địch có đến hàng trăm tên chạy từ trong phum ra ruộng phía tây. Khi đến đầu phum Prek Pol xe phải rời đường số 1 rẽ sang bên phải theo vệt đường cát lún, vượt qua con lạch cạn, nước đọng thành từng vũng đục đặc. Bên kia bờ địch còn bỏ lại một khẩu 85ly và nhiều khẩu DKZ trong công sự dọc theo bờ đê. Chỗ này nếu địch dám chiến đấu thì rất nguy hiểm. Có thể anh em xe tăng đi trước không kịp thấy phòng tuyến này. Ở đây dân rất đông, nhiều người đã có quyển cương lĩnh, cờ hoặc truyền đơn trên tay. Đồng bào họp trên bãi cỏ, trước sàn nhà, ngõ vào làng, từng đám năm chục, ba chục lắng tai nghe người biết chữ đọc cương lĩnh mà mắt vẫn theo dõi đoàn xe. Xe qua là trẻ em phất cờ hò reo inh ỏi. Người lớn thì đưa hai tay lên chào. Ông già bà lão cũng lột khăn đội đầu ra phất. Ai cũng muốn có một cử chỉ vui mừng chào đón. Xúc động nhất là có nhiều chị nâng đứa con nhỏ cao lên khỏi đầu để tỏ lòng tin tưởng đối với quân đội cách mạng.

Trên mảnh đất trước đây vài chục phút còn nghẹt thở xơ xác đau thương, bỗng bừng dậy một ngày hội. Đột ngột quá, nhiều người nhất là cụ già và phụ nữ nét mặt tươi vui nhưng nước mắt ràn rụa. Đồng chí lái xe tôi một tay vẫy vẫy, miệng cứ Xóc-xà-bai , Xa-maki  liên tục cho đến đỗi anh Thắng phải vỗ vai cậu ta thét : “Chú ý! Coi chừng tai nạn”.

Đến giữa làng ở đầu dường vào chùa bên phải, thấy còn một khẩu 37 ly và một khẩu 85 ly, hai chiếc xe kéo pháo bị tăng ta cán bẹp nhúm, cản trở mất một phần ba đường, có mấy xác lính Pôn-Pốt nằm rải rác, một xác bị xe tăng nghiến nát bét. Nhưng cạnh đó nhân dân vẫn vui mừng phất cờ reo vẫy bộ đội. Có cụ già chỉ tay vào đống súng của địch mà bà con vừa gom lại, rồi chỉ tay vào ngực mình ý muốn nói cách mạng đồng ý võ trang súng cho chúng tôi chứ?
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #22 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:30:30 pm »

Xe qua khỏi phum. Trước mặt bên trái là cánh đồng nước, bên phải là một dãy bàu bưng dài rộng như con sông. Đoàn xe lại dừng. Dựa đầu vào nòng khẩu trọng liên trên nóc xe thiết giáp, tôi hỏi mấy cụ già dưới gốc cây đa:
- Cụ ơi! Đây phải phum Prekluông không?
- Chà  phum Prekluông.
- Thế thì bên kia sông có phải phum Tức-Leang không? Thưa cụ?
- Chà! Phải, Tức-Leang.

Tôi ngậm ngùi nhớ đến đồng chí Rọt. Năm 1968-1969 đồng chí là chiến sĩ vệ binh của đoàn pháo binh miền. Rọt quê ở Đức Hòa Long An, nhà rất nghèo, nông dân rặc. Giữa năm 1969 Rọt nằng nặc xin ra đơn vị chiến đấu. Lúc ấy mà xin ra chiến đấu là rất tiến bộ. Sang năm 1970 Rọt mới được toại nguyện. Qua một thời giam chiến đấu 6 tháng ở bờ sông Mê-Kông này, Rọt từ trung đội phó lên đại đội trưởng, vì lúc ấy cán bộ hy sinh nhiều, mà Rọt cũng được anh em tín nhiệm.

Tháng 8 năm 1970, nước bắt đầu lên, bọn Mỹ treo giải thưởng lớn cho tàu nào chở được lương thực, đạn dược, xăng dầu lên Phnom-Pênh cho Lon Nol. Bọn quân ngụy Sài Gòn ham tiền, thỉnh thoảng lén chạy lên một vài chiếc. Chúng cho tàu chạy sát bờ Tây và yểm trợ rất mạnh bằng pháo, máy bay và tàu chiến. Nó còn chế ra một loại rọ lưới thép trong đựng chất xốp không cháy, tàu nó lên nó cặp bên hông phải thân tàu, tàu nó xuống nó cặp bên hông trái để chống lại các loại đạn của ta từ bờ Đông bắn sang, lúc ấy ngoài ĐKZ, B41 và H12 bắn lủi ta còn có loại loại BĐ20, BĐ30 là loại đầu đạn lõm chứa 20-30 kg thuốc TNT, do xưởng quân khí Miền chế tạo, đẩy bằng động cơ tên lửa. ĐKB rất lợi hại. Loại đầu đạn này bọn chuyên gia quân sự Mỹ gọi là “quan tòa” hay là “thùng rác bay” vì nó giống hình của hai vật ấy. Chúng ví đạn này như V1-V2 của Đức Quốc xã.

Ban chỉ huy Trung đoàn 96 nghiên cứu thấy bờ phía Tây thuộc phum Prekluông địa hình tốt, xa đường 1, mới lập kế hoạch đưa một trung đội sang sông phục kích diệt tàu địch lên. Đồng chí Rọt tình nguyện đi chỉ huy trung đội này. Trận đánh ấy ta nhận chìm ba tàu vận tải và hai tàu dầu. Nhưng đồng chí Rọt đã hy sinh. Rọt đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để yểm trợ cho toàn trung đội rút vào bưng an toàn.

 … Anh Thắng chăm chú nghe báo cáo của Thành và anh lặp lại nhát gừng cho tôi:
“Địch chống cự có tổ chức ở một khu vực có khu nhà máy bên phải … chúng đem hai xe tải ra chắn đường, hỏa lực chống tăng các loại bắn ra khá mạnh, có hai chiếc PT85 … Có cả pháo 85 không biết là mấy khẩu … chiếc T54 của Trần Ngọc Giao lao xa phía trước, chiếc M113 số 271 của Đại đội 5 bị trúng đạn B41 trên nóc … Đồng chí lái bị thương nặng, xe đâm vào gốc cây bên đường … Anh em đang tổ chức bắn yểm trợ cho nhau để vượt qua … anh Dũng và anh Ba Bì cũng vừa lên tới chỗ anh Thành … đang tổ chức cho Tiểu đoàn 3 bạn và Trung đoàn 14 vòng đánh địch để bảo vệ cho xe tăng đột phá …”.

Nhìn bản đồ tôi đoán đó là phum Kông-Lêng. Chỗ này đường bộ cách sông khoảng 300 mét, ở đây có thể là một tuyến phòng thủ khá mạnh của sư đoàn 260 địch.

Độ 20 phút sau, đoàn xe dồn dần, nhích lên, rồi chạy từ chậm đến nhanh dần. Đến ngang khu nhà máy thì tốc độ đã khá nhanh. Từ sáng đến giờ qua chỗ này mới có khói lửa mịt mù khét lẹt mùi thuốc súng. Ngay bên đường hai chiếc xe tải nằm phơi bụng, một chiếc lật ngửa. Một chiếc xe Jeep, một chiếc PT85 cắm đầu xuống mương. Đạn súng máy vẫn còn bay chiu chíu, loạn xạ bạt mạng. Qua khỏi phum lại ra ruộng trống, tôi thò đầu lên, đồng chí bắn trọng liên bảo lúc nãy là nhà máy gỗ ván. Tôi và đồng chí Thắng lại trèo lên ngồi trên mui xe. Bên trái phía trước là bàu nước rất rộng, xa mù mù bên trong bàu nước là rừng. Bên phải là đầm lầy, thỉnh thoảng mới có một con đường xe bò chạy ra các xóm làng lưa thưa gần bờ sông. Địa hình giống hệt như trên tấm bản đồ một phần năm mươi nghìn cứ ngoe nguẩy lồng lộn chực vuột ra khỏi tay tôi vì xe lao rất nhanh, gió cuốn rất mạnh. Đường số 1 cao hẳn lên, đường rất xấu nhiều ổ gà, xe V-100 của Mỹ xóc kinh khủng. Nhân dân hai bên đường rất đông đảo họ tránh ra phía sau hàng cây bị cưa cụt. Kim đồng hồ tốc độ xe nhảy lia lịa giữa 55-60 ki-lô-mét. Thế chỉ cần nửa giờ nữa nếu suông sẻ thì ra tới cầu Mô-Ni-Vông. Tôi nhìn đồng hồ lúc này là 9 giờ 15 phút.

Máy thông tin hai oát không liên lạc được với tàu nữa rồi. Tôi biết nước ngược này không thể đòi hỏi đoàn tàu nhanh hơn được vì tàu há mồm LCM-6 chỉ chạy được khoảng 15 cây số một giờ mà thôi. Tai tôi thỉnh thoảng lại va vào nòng khẩu trọng liên, đau điếng. Chiếc V-100 chồm lên rất nhanh, thấy chiếc xe tải nào phía trước chạy chậm, tôi ra hiệu cho đồng chí lái xe vượt qua. Đồng thời tôi khoát cho các xe sau không được theo tôi. Qua phum Chruôi Ampil thấy hai chiếc xe Hoàng Hà sơn màu xanh ve chai còn mới có biển đỏ số trắng lật nghiêng bên đường, những thùng đạn vung vãi, kế đó có một chiếc T54 nghiêng mình dưới mương, mang ký hiệu xe ta, rồi một xe Hoàng Hà nữa chở đạn, một xe kéo khẩu 37 ly cũng lăn kềnh. Rõ ràng dấu vết của tốc độ ý chí quyết tâm của bộ phận đi đầu.

Tôi đưa ba ngón tay ra dấu với anh Thắng:
- Thế là ta chỉ còn ba xe tăng T54 thôi.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #23 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:30:54 pm »

Vượt qua ngang Tiểu đoàn 2 bạn, tôi đưa tay vẫy, các chiến sĩ Kampuchia vẫy lại, vừa reo hò vang dậy.

Xe tôi tăng tốc độ mãi cho tới bắt gặp một dãy xe của bạn Kampuchia nữa, tôi biết là mình đã tới Tiểu đoàn 3 đi cuối đội hình của Trung đoàn 14 rồi, Đồng chí Thắng ngăn không cho xe vượt lên nữa, xe tôi chen vào giữa đội hình Tiểu đoàn 3 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia, anh chị em nhìn chúng tôi nét mặt ai cũng rạng rỡ đầy phấn khởi tự hào.
Bên phải đường là ruộng trống, chỉ có một hàng nhà sàn ven lộ cất theo một kiểu dành riêng cho bọn Ăng-Ka ở. Bên phải có con mương rộng, đầy nước nối liền các bàu bưng. Địa hình này địch không thể bố trí đông được. Rất tốt!

Bỗng trước mắt tôi xuất hiện một ngôi chùa rất cao, mù mù ở phía trước. Tôi chỉ cho anh Thắng một ký hiệu chùa ở phum KđaitaKoy trên bản đồ. Ngôi chùa hiện ra to dần, rõ dần. Những năm hoạt động trên đất Kampuchia tôi chưa thấy một ngôi chùa nào đồ sộ như thế này. Xe qua, chùa nằm bên phải,đường số 1 cua vòng sang trái chếch về phía Tây nam. Trong khoảnh khắc đón nhìn, tôi reo: “Phnom-Pênh kia Thắng ơi!”. Chỗ này đường ăn sát bờ sông, tôi trông thấy xa xa, lởm chởm những chùa tháp, lâu đài ẩn trong rặng cây, như phông mờ mờ của một bức tranh cổ. Thắng nhìn theo tay tôi, nhưng không biết anh có kịp thấy không.

Bất chợt tôi lại reo lên: “Ăn rồi Thắng ơi!”.

Vì tôi thấy xe ta phóng tốc độ 80 cây số giờ mà không sượng chút nào. Thành cũng không báo cáo gì cả, đầu đội hình chắc cũng đã qua cầu rồi, vì chỉ còn có bốn cây số thôi. Hướng Phnom-Pênh có một đám cháy, khói đen đặc bốc lên tận mây. Thắng bảo: “Nó đốt thành phố rồi anh ơi!”. Tôi cũng lo.

Trước mặt khói bụi mịt mù, tay lái non hoặc mất bình tĩnh là lật xe như chơi. Bỗng tiếng súng bộ binh trên các xe đằng trước nổ như ngô rang. Anh Thắng xô tôi thụp xuống mui xe vì từ nãy tôi vẫn đứng trên ghế ngồi bên phải đồng chí lái. Khẩu trọng liên trên xe tôi cũng bắn. Nhìn qua lăng kính trông thấy hai bên đường, trong vườn ngoài ruộng địch chạy như đàn kiến nhọt vỡ tổ, đạn bay vung vít. Rồi các xe sau cũng nổ súng, nổ dây chuyền. Tôi nhìn thấy phố xá như kiểu chợ lớn cũ, khói, lửa, bụi che phủ, nhiều xe địch cháy rừng rực. Mấy xác áo đen bị xe đè nghiến nát trên đường, cùng với xe đạp, xe Honda, bàn ghế, cây gỗ, đủ thứ ngổn ngang. Đồng chí chiến sĩ súng máy reo to:
-Cầu kia rồi!

Xe quẹo phải lên cầu. Tôi đứng lên nhìn thì cột khói lúc nãy so với thành phố chỉ là một ngọn cây nhô lên trong đám rừng. Thành phố nhòa trong mắt tôi, tôi ngây ngất như nửa say nửa tỉnh.

Xuống dốc cầu tôi còn kịp nhìn thấy một người đang lia máy quay phim. Đến trước bùng binh có tượng đài ba chân, thấy một người to béo đang điều chỉnh đường, điệu bộ thành thạo như công an. Nhìn kỹ lại té ra là anh Ba Bì. Tôi dừng xe nhảy xuống. Anh Ba Bì tay vẫn điều chỉnh cho đội hình tiểu đoàn 2 bạn và Trung đoàn 209 rẽ trái, miệng báo cáo với tôi là Tiểu đoàn 3 bạn và Trung đoàn 14 qua hết rồi, anh Dũng cũng qua rồi. Anh bảo: “Đường thẳng sau lưng là đại lộ Mônivông”, anh làm như tôi nhà quê vậy. Tôi nhìn đồng hồ: 10 giờ 45 phút. Tôi hỏi anh đã cho công binh xuống giữ chân cầu chưa, anh bảo đã bố trí xong rồi.

Chúng tôi phụ điều chỉnh xe với anh Ba Bì. Anh chị em chiến sĩ Kampuchia nhảy nhót reo hò trên xe, dưới lá cờ đỏ năm tháp vàng tung bay phần phật giữa ban trưa nắng vàng rực rỡ. Đẹp quá! Xúc động quá! Chúng tôi hoan hô họ như chính chúng tôi là dân chúng vậy.

Có tiếng súng nổ vang vang trong thành phố, phía Bắc, rồi phía Tây.

Đoàn xe Sở chỉ huy chúng tôi lần lượt lên đủ, đỗ dọc phía bên phải bùng binh. Tôi gặp đủ mặt các anh Hoằng, anh Phùng, anh Tám Danh, anh Bộ, anh Hồ Nam, anh Tiến, anh Tư Sen và những đồng chí khác. Trên mặt ai cũng thấy vẻ vui mừng rạng rỡ như muốn nói: “Binh đoàn mình hoàn thành nhiệm vụ một lần nữa rồi”.

Khi đầu đội hình của Tiểu đoàn 7 bạn và Trung đoàn 12 đến và được điều chỉnh rẽ phải để ra bờ sông, nơi có Bộ tổng tham mưu Pôn-Pốt, thì chúng tôi cũng lên xe tiến thẳng đại lộ Mônivông.

Đường xá trong thành phố này rất dễ nhận, nó gạch thành ô vuông đông tây, nam bắc. Hai bên đường Mônivông ở đoạn này mỗi dinh thự chiếm một khu vườn, có chỗ còn có mảnh ruộng, bàu nước. Vắng vẻ đến rợn người. Xe chạy vài phút đã thấy những nhà cao sáu tầng, rạp chiếu bóng, dãy hiệu buôn hai ba tầng, tất cả đều đóng cửa, một số nhà vẫn còn bảng hiệu bằng chữ Trung Quốc, Khơ-me, Pháp. Gặp xác một chiếc M113 còn bốc khói bên trái đường mang ký hiệu xe ta, chúng tôi dừng lại xuống xem, không thấy còn gì trong xe cả. Xe chúng tôi đi tiếp lên hướng Bắc. Từ đây trở lên mới có xác địch rải rác, toàn mặc đồ đen, khăn rằn quấn cổ. Nhiều thằng còn kẹp chân trong chiếc Honda 90, đứa nằm vắt trên xe Jeep, nằm sãi trên vỉa hè. Đứa nào cũng có một khẩu súng đeo vai, văng bên cạnh hoặc chêm dưới bụng. Tất cả xe cộ, lính nằm chết đều quay đầu về hướng Bắc. Lên trước sân nhà ga, xác địch càng nhiều hơn.

Đoàn xe chúng tôi rẽ phải theo con đường trước công viên nhà ga đi thẳng ra bờ sông, chạy ngoặt trở xuống doi sông Bassac, nơi mà trên bản đồ đề là Bộ tổng tham mưu Pôn-Pốt. Trên đường gặp khá nhiều xe tải, xe du lịch, xe Bắc Kinh. Khu này rậm rạp, vắng tanh, các đầu đường đều ngăn vách tôn hoặc ván, chúng tôi quyết định trở lại đóng Sở chỉ huy ở chỗ khu nhà rẻ quạt, trước có bảng chữ Kampuchia: “Trụ sở Đại hội đại biểu nhân” nằm sát bờ sông. Ở đây trống trải, dễ bảo vệ. Khi vào nhà thấy chúng nó dơ quá, trụ sở Hội đồng gì mà đầy rác rến, cứt đái lẫn lộn trong đống liềm hái. Có mấy con bò ốm đói chạy lồng quanh trên đường nhựa . Một số anh em muốn tìm chỗ khác nhưng chúng tôi quyết định quét dọn mà ở chứ còn biết đi đâu nữa. Ở đây an toàn được mặt sông vì chỗ này là ngã tư nơi gặp nhau giữa Tông-lê-Sáp và Mê-Kông rộng đến hai ki-lô-mét.

Anh Thắng kéo tay tôi ra chỗ chiếc xe V-100 đậu dưới gốc dừa. Tưởng đâu có chuyện gì. Anh cười tủm tỉm và chỉ cho tôi những dấu đạn trên hông xe bây giờ tôi mới biết xe mình bị trúng nhiều đạn, có vết xước đặt vừa đầu ngón tay.

Việc đầu tiên của chúng tôi là triển khai xe thông tin để báo cáo về nhà.
Anh em thông tin trèo lên một cây sao cột sào ăng-ten. Nhưng loay hoay mãi không liên lạc được với Bộ chỉ huy tiền phương và Sở chỉ huy cơ bản của Binh đoàn. Đồng chí Bộ bảo là cự ly xa quá rồi, anh đề nghị cho xe thông tin tiếp sức chạy về gần Neak-lương để báo cáo. Tôi viết điện, tổ chức sẵn một bộ phận định phái anh Phùng đi, một mặt bảo anh em thử trèo lên đỉnh tháp của lâu đài Casinô nơi chứa cờ bạc công khai thời Sihanouk mắc ăng-ten thử. Đỉnh tháp này trên nóc tầng lầu năm cao nhất trong khu vực.

Mãi 13 giờ 15 phút, anh em thông tin mừng rỡ chạy vào báo cáo đã nói được với Bộ chỉ huy tiền phương hai bên. Tôi chui vào xe thông tin mà lòng rộn ràng hồi hộp.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #24 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:31:14 pm »

Đầu máy bên kia là anh X. Một cuộc nói chuyện ngắn ngủi qua làn sóng điện, nhưng cả đời không thể quên được.
- A-lô, a-lô, Đoàn Cửu Long - Mê Kông báo cáo các anh, chúng tôi đã vào Phnom-Pênh hồi 10 giờ 30 phút và hoàn thành chiếm lĩnh các mục tiêu quy định hồi 12 giờ.
-Thật không? Tình hình trong thành phố ra sao?
Rồi giọng nói hạ nhỏ, không phải nói với tôi: “Rồi! Rồi! Đơn vị anh Khang Sarin và anh Hoàng Cầm chiếm Phnom-Pênh rồi”.
Nhiều tiếng ồ à, cười khúc khích trong máy.

Tôi nói tiếp:
- Báo cáo … địch chống cự khá mạnh ở cầu Sài Gòn , thành phố rộng, nắm chưa được hết, mới gặp chúng đánh du kích lẻ tẻ. Thành phố không có dân.
- Có chắc ăn chưa?
- Báo cáo chắc ạ! Chúng tôi đã chiếm phía Bắc thành phố, mũi phía Tây và Tây nam đang phát triển ra chiếm sân bay Pô-Chen-Tông và Đài phát thanh. Phía Đông ta đã chiếm khu vực Bộ tổng tham mưu và dọc bờ sông đến Hoàng Cung rồi.
- Có chắc không?
- Báo cáo chắc ạ! Anh không nhận ra tiếng tôi sao?
- Nhận rõ rồi … Hiện giờ anh đang ở đâu?
- Tôi đang ở gần Bộ tổng tham mưu Pôn-Pốt, sát bờ sông ạ!
- Hoan nghênh, Ủy ban trung ương mặt trận đoàn kết cứu nước Kampuchia và tiền phương Bộ biểu dương Cửu Long - Mê Kông nhé.

Tôi trở về nhà rẻ quạt, mà đồng chí phiên dịch gọi là hội trường Chak-Đô- Mục  cũng vừa lúc đó hai xe M113 đến. Anh Nam Phong chạy vào báo là anh Hoàng Cầm tới. Chúng tôi ôm nhau nước mắt ràn rụa. Mới xa nhau có một tuần và mới nói chuyện với nhau qua điện thoại hồi sáng nay, thế mà tưởng đâu là cách xa nhau lâu lắm rồi vậy. Anh Hoàng Cầm bảo là trưa nay anh bay trực thăng đuổi theo đoàn xe, đến Phnom-Pênh bị pháo cao xạ 100 và 57ly, nó bắn lên ác quá tưởng rụng rồi, anh mới quyết định cho quay lại đường 1, đáp xuống Nam cầu Mônivông độ 15 ki-lô-mét rồi lấy xe M113 của đoàn 341 đi vào. Anh bảo: “Đến gần cầu hỏi mãi không ai biết ông ở đâu cả”.

Chừng ấy tôi mới nhớ lại câu anh dặn tôi hồi sáng là: “Đến Nam cầu Mônivông thì triển khai Sở chỉ huy ở cách cầu độ vài ki-lô-mét đón anh lên”.

Có các anh đến, tôi thấy nhẹ gánh, khỏe ra.

Anh Nam Phong bắt tay ngay vào chức trách, anh nghe anh Phùng báo cáo lại tình hình và phân công các đồng chí tham mưu đi kiểm tra các đơn vị.
Anh Hoàng Cầm rất chú trọng hướng sân bay Pô-Chen-Tông của Tiểu đoàn 7 bạn và Trung đoàn 209. Điện thoại lúc ấy cũng vừa nối thông với Sở chỉ huy Đoàn 7.

Lúc này mới thấm đói, thấm khát. Nhưng xin cơm, xin nước thì gạo không có, nồi không có, bình toong không có. Đánh giặc Tây nam này, anh em hay ăn chực ở các sư, lữ quen rồi, không mang theo gì cả. Thanh niên thì họ nhai bao nhiêu mì tôm cũng được, không cần phải ngâm nước nóng, họ gọi mì ăn liền là mì ăn liều. Không lúc nào hơn lúc này, chợt nhớ cô Hai Hỷ, hồi ở Phước Long, Long Khánh, Lâm Đồng, Sài Gòn năm trước chị nuôi cho ăn nóng ăn đủ lắm.

Anh em tham mưu bố trí một tổ cầm cờ tín hiệu để đón cánh quân đường thủy lên, một tổ trèo lên treo cờ đỏ năm tháp vàng khổ rộng năm mét trên đỉnh tháp nhà rẻ quạt.

Chín chục cây số chạy không cũng mất sáu tiếng, còn phải đánh nhau mở đường nữa, thì giỏi lắm giờ này đoàn tàu mới có thể đến được.

Anh Ba Bì vừa bảo như thế thì anh em ngoài bờ sông reo inh: “Tàu lên! Tàu lên!”. Rồi súng lớn bắn giòn giã. Chúng tôi chạy hết ra bờ xi-măng sát sông đứng nhìn như ngày hội rước nước. Đang thích thú theo dõi hai chiếc PGM và một tốp PCF đi sau, triển khai đội hình chếch về phía chúng tôi, bắn mạnh sang phía bên kia bờ, thì súng máy, pháo, cối đâu từ phía đông sông và trên cù lao Chuôi Chang Var vãi đạn lên đầu chúng tôi. Tầu dừa, cành cây rơi lả tả. Mọi người tìm chỗ nấp thì chỗ nào cũng sân xi-măng và đường nhựa, đành phải nấp sau các thân dừa, gốc cây ven sông và sau các nhà ngói. Một chiếc tàu chiến trong đám tàu lố nhố bên kia sông bốc cháy. Tàu ta tiếp tục nã bồi. Hai chiếc khác cũng từ chỗ ấy tháo chạy lên phía Bắc, khuất mũi Cù lao. Mở PRC-25 liên lạc với anh Huỳnh, anh cho biết là tàu ta vừa bắn cháy một xà lan có bố trí hai khẩu 37ly và tiêu diệt trận địa pháo 105ly trên bờ sông. Anh đề nghị truy đuổi tàu địch và đổ bộ chiếm cứ hải quân như kế hoạch.

Biết rằng địch phía bờ bên kia và trên đảo còn nguyên, có hỏa lực rất mạnh mà đoàn 2 thì từ Svairiêng mới xuất phát hai ngày, không thể nào tới kịp được nên chúng tôi ra lệnh cho đoàn tàu đổ bộ Trung đoàn 113 đặc công trước cửa Hoàng Cung, rồi sẽ tổ chức đánh chiếm căn cứ hải quân địch bên Cù lao sau. Trong lúc ta đổ bộ, địch lại bắn dồn dập hỏa lực lên bến. Có đạn pháo rơi trúng khu Hoàng Cung. Pháo ta vừa bố trí xong ở gần bờ sông, phía dưới Casinô bắn sang kiềm chế pháo địch, nhất định phải bảo vệ cho được khu di tích Hoàng Cung cho nhân dân bạn.

Anh Hoàng Cầm quyết định dời Sở chỉ huy vào khuất bên trong một chút.

Lúc bấy giờ là 14 giờ 20 phút ngày 7-1-1979.

Chúng tôi vừa đến công viên phía Nam Hoàng Cung, thì cũng vừa gặp đoàn xe của Sở chỉ huy Binh Đoàn 1 bạn đến. Đồng chí Khang Sarin đi trên chiếc V-100 có cắm cờ hiệu Binh đoàn.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #25 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:31:42 pm »

IX
CHIỀU KINH THÀNH CHÙA THÁP


07-01-1979.

Quân địch chống cự yếu hơn là dự kiến. Điều đó làm cho Bộ tham mưu Binh đoàn suy nghĩ. Thành phố Phnom-Pênh rộng đến 20 ki-lô-mét vuông, trước đây có gần hai triệu dân sinh sống. Pôn-Pốt cho rào tất cả các đường ngang ngõ tắt chỉ chừa lại mấy đại lộ chính. Xóa bỏ đô thị tất nhiên là Pôn-Pốt cũng bỏ tên đường phố. Những tên đường mà chúng tôi gọi là theo quy ước thống nhất dựa vào bản đồ cũ thời Sihanouk. Nhà cửa phố xá bỏ hoang lẩn lút trong những vườn chuối và cây ăn quả cỏ dại mọc um tùm tạo thành những khu vực địa hình phức tạp rộng bát ngát. Trong đó địch có thể ẩn nấp kín đáo hàng mấy sư đoàn. Riêng những lâu đài dinh thự nhiều tầng ở dọc các đại lộ, muốn sục sạo cho khắp cũng phải dùng hàng vạn quân trong mấy ngày. Thế mà quân cách mạng tiến vào thành chỉ mới đủ bố trí thưa thớt như trên một bàn cờ về khuya. Nếu đêm nay các cánh quân bạn chưa đến kịp ngoại ô hướng Tây, Tây bắc và Bắc, thì địch có thể từ ngoài đánh vào, trong đánh ra, gây khó khăn cho ta. Ai cũng biết “Kế không thành” là một trong những món sở trường của binh thư Trung Quốc. Tình huống này đã được dự kiến, nhưng lo vẫn cứ lo. Kinh nghiệm tác chiến trong thành phố của các đơn vị bạn chưa nhiều. Thắng lợi tương đối chóng vánh vừa rồi cộng với sự mệt mỏi suốt mười ngày hành quân chiến đấu liên tục, có thể dẫn đến liều lĩnh chủ quan. Ngay trong Sở chỉ huy binh đoàn tuy số người không đông hơn nhân viên tòa đô chính cũng đã có chiều mất cảnh giác. Ngày tháng giêng lại ngắn, chỉ vài giờ nữa là đêm xuống rồi.

Bộ tham mưu binh đoàn tổ chức đi kiểm tra và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyển từ chiến đấu ban ngày sang chiến đấu ban đêm. Vào một thành phố lạ như thế này mà không đi khảo sát địa hình thì thật là như nằm trên tổ kiến. Tôi nhận trách nhiệm cùng với sĩ quan tham mưu, chính trị đi kiểm tra hướng Bắc và hướng Tây.

Thành phố Phnom-Pênh này có một đặc điểm là đứng chỗ nào cũng nhìn thấy đền Phnom. Ngôi tháp đồ sộ hình chuông úp này là biểu tượng của thủ đô. Chúng tôi lấy tháp Phnom làm điểm chuẩn để đi và về.
Những chập súng lẻ tẻ đó đây không làm mất vẻ tĩnh mịch của một thành phố rộng lớn. Nó giống tiếng pháo trong ngày hội hơn là chiến tranh. Đám cháy phía sau nhà ga cũng đã lụi dần. Thế là bằng tốc độ phi thường của ý chí, quyết tâm, quân đội cách mạng đã giành lại trong tay Pôn-Pốt - Iêng-Xari một thành phố thủ đô, không để cho chúng kịp đốt phá. Tháp và đền Phnom được xây trên một hòn non nhân tạo mà tuổi tác có thể tính bằng những cây đa cổ thụ mọc trên sườn núi. Xung quanh chân núi là một vườn bách thảo với những loại cây mà ta chưa từng biết tên.

Dưới bóng mát của những tàn phượng vĩ bóng đa bên cạnh đền Phnom, trong vườn trẻ đầy cỏ dại, những chiếc đu quay, đu xích còn lay lắc đong đưa, hình như có đàn cháu nhỏ mới đâu đây! Trên hè phố đầy rác rưởi, giẻ rách, sách vở, thỉnh thoảng có một chiếc nôi, một xe đạp Mini, hay chiếc Honda vứt bừa bãi, như có thanh niên trai gái vừa đi vào nhà. Trước cổng một số dinh thự giàn bông giấy vẫn um tùm ra hoa trắng, đỏ, vàng trên cánh cổng hé mở. Trên bao lơn lủng lẳng những giò phong lan bên cạnh những chậu sứ Nhật Bản trổ hoa đỏ. Khung cửa kính còn buông màn xanh lam có viền đăng ten trắng. Ai trong đó mà bức màn lay động.

Yên lặng quá! Gió từ ngoài sông lùa qua bóng râm dưới tàn cây cổ thụ, làm cho một thành phố nổi tiếng ở vùng Đông Nam Á này thêm dịu dàng duyên dáng. Một thành phố mà có thi sĩ đã hình dung như một cô gái lim dim, thiu thỉu giữa một buổi trưa hè.

Đi giữa thành phố Phnôm Pênh chiều nay, tôi có cảm tưởng như là một thành phố phương Tây ngủ sớm trong mùa lạnh.Tôi lại tưởng tượng đến một thành phố bị bom neutron mà đế quốc Mỹ gọi là bom sạch.

Lạ lùng quá, dù đã nghe Pôn-Pốt - Iêng-Xary đuổi dân đi khỏi Phnom Penh hồi tháng tư năm 1975! Rùng rợn quá, dù đã biết thành phố Phnom Penh là thành phố chết.

Đến  trước khách sạn Hoàng Gia và khu trường Đại Học Y Dược chúng mới gặp các chiến sĩ bạn thuộc Tiểu đoàn 3. Họ gác các ngã ba ngã tư. Tôi hỏi đồng chí tiểu đoàn trưởng Mia-sa Xát-Tha và chánh trị viên Ôn-Chxan ở đâu. Các đồng chí chỉ vào khách sạn Hoàng Gia. Vào trong tòa lầu đồ sộ kiến trúc theo kiểu Pháp, tôi sực nhớ cách đây không lâu bọn Pôn-Pốt – Iêng-Xary đã giết mất một giáo sư kiêm nhà báo người Anh ở đây. Vòng phía sau lâu đài, bên cạnh hồ nước, chúng tôi gặp anh Thuyết trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 và anh Luận, chính ủy trung đoàn. Thì ra Sở chỉ huy Trung đoàn 14 cũng đóng ở đây. Anh Thuyết cho mời các đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn 3 ra gặp tôi. Xúc động quá tôi ôm hôn hai người bạn trẻ. Tôi hỏi:
- Thế nào, anh em mạnh khỏe cả chứ?
Xát Tha đáp:
- Dạ, báo cáo đồng chí, anh em khỏe cả!
Tôi quay sang Ôn-Chxan:
- Anh em có vui mừng không?
- Ồ! Mừng lắm, vui lắm, mà ai cũng chảy nước mắt hết.

Các chiến sĩ kampuchia trong Sở chỉ huy lần lượt đến bao quanh chúng tôi khá đông. Chúng tôi bắt tay từng người. Ai cũng vui tươi rạng rỡ trong niềm tự hào của những người chủ đi xa lâu ngày mới đưa bạn bè thân thuộc trở về quê nhà.
Tôi hỏi :
- Anh em bố trí canh gác, lùng sục tốt rồi chứ?
Xát-Tha đáp:
- Dạ! Các anh em tích cực lắm, mới bắt được mấy chục tù binh có đủ súng hết; có thằng đang gài mìn ở chân ghế, trên quạt trần. Anh nói tiếp: Đồng chí nhắc anh em Việt Nam coi chừng. Nó khai là chúng nó còn hơn hai mươi đội cảm tử trong thành phố, mỗi đội hai mươi, ba mươi đứa.

Tôi hỏi anh Thuyết các đội công tác bạn đang ở đâu. Anh đáp là đang đi với các tiểu đoàn trên đường 5, và ngoại ô phía Tây bắc. Anh bảo là chị em vừa phát hiện được một số công nhân nhà máy nước ngọt bị tụi Ăng-ka bắt ép chạy lên Ămleang bị lật xe chết bốn  và bị thương nhiều người, ta đã băng bó cứu chữa và cho ăn uống.

Sau khi giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 14 và Tiểu đoàn 3 chúng tôi đi xuống công viên đầu cầu Chruoi-Chang-va mà anh em gọi là “Cầu Sập”. Tiểu đoàn 2 xe tăng tập kết tại đó. Xe tăng, xe thiết giáp của ta lem luốt dầu mỡ, khói bụi xếp hàng bên cạnh đầy xe chở khoang phà của công binh địch bỏ lại. Chiến sĩ xe tăng ta người thì phủi bụi lau xe, người thì nấu cơm dọc theo bờ sông.

Chúng tôi gặp Phạm Hoa, đại đội trưởng Đại đội 5 thiết giáp. Thấy tôi chăm chú nhìn chiếc PT85 và hai chiếc xe tải địch còn bốc khói âm ỉ ở phía nam gầm cầu. Hoa báo cáo ngay:
- Bọn địch trên ba xe này tất ngoan cố, nó bắn ta hy sinh một, bị thương ba.
Trong lúc thắng lợi như thế này mà nghe hy sinh mất mát dù ít, cũng rất đau xót, tôi cau mày.

Hoa trình bày là lúc xe tăng ta tiến đến phía sau Hoàng Cung cũng vừa lúc ba xe PT85 này theo đường bờ sông chạy lên. Nếu chặn đánh chúng ở đây thì có thể nát đổ Hoàng Cung, nên anh quyết định quay vòng lên phía Bắc chặn đầu bắt sống. Ta chạy đường vòng còn nó chạy đường thẳng chặn đầu không kịp nên đến đây phải bắn hạ nó.

Vừa lúc ấy Thành đến. Vốn người đã đen, da ăn nắng càng đen trũi, chỉ nhìn thấy đôi mắt và hàm răng.
Tôi hỏi ngay:
- Xe của Giao bị đổ phải không?
Hỏi nhưng tôi rất sợ câu trả lời.

Thành nói năng nghiêm chỉnh theo thói quen của lính xe tăng:
- Báo cáo anh, khi qua nhà máy gỗ ván các loại đạn pháo chống tăng của địch gài tương đối dày đặc. Được các xe sau yểm hộ, xe của Giao lao lên bứt bỏ đội hình Đại đội 10 đến ba bốn cây số. Lúc đó xe địch từ hai bên đường tháo chạy nên xe của Giao chen vào giữa đội hình xe địch. Khi xe của Giao bắn hạ được hai chiếc phía trước trong cự ly quá gần, khói bụi che lấp tốc độ nhanh không lấy được tim đường nên xe bị dệ xuống mương. Anh em nhảy xuống xe chiến đấu bằng súng bộ binh, diệt thêm hai xe chạy sau và bọn bộ binh địch. Mãi gần hai mươi phút sau, Đại đội 10 mới đến. Trần Ngọc Giao lên thay Đại đội trưởng trên chiếc T54 số 973, dẫn đầu đội hình chọc thẳng vào thành phố.

Như vậy là Trần Ngọc Giao đã chiến đấu trên chiếc xe tăng thứ tư trong vòng một tuần từ đường 10 vào đến Phnom-Pênh.
- Anh em khỏe cả chứ?
- Báo cáo anh chỉ có ba đồng chí bị thương nhẹ.
Tôi hỏi Phạm Hoa:
- Thế còn chiếc M.113 bị bắn cháy trên đường Mô-ni-vông?

Hoa kể:
- Khi đến chỗ ấy có hai ô tô và nhiều xe máy của địch chạy lên hướng Bắc. Từ các ngã ba ngã tư nó bắn ra, trên nhà gác nó bắn xuống, có chỗ thấy cả hàng chục nòng B40. Xe M.113 số 176 của tôi trúng hai quả B40 chỉ cách thùng xăng năm xăng-ti-met. Một số chiến sĩ bộ binh và nhân viên trong xe tăng bị thương nặng. Tưởng xe cháy anh em nhảy ra ngoài, thì thấy một xe đi sau tôi của Đại đội 21 bị trúng đạn bốc cháy. Khi chúng tôi chạy tới gần để cứu chữa thì chiếc xe như một bó đuốc, một đồng chí hy sinh và bốn đồng chí bị thương đã dìu nhau ra khỏi xe. Vừa lúc ấy xe phía sau của Đại đội 21 đến bốc anh em lên xe đi luôn.

Tôi hỏi:
- Đại đội 21 đi thẳng ra sân bay Pôchentông phải không?
Thành không đáp câu hỏi của tôi mà nói ý nghĩ của mình:
- Anh em ta chỉ dùng súng bộ binh bắn, chứ không dùng pháo sợ cháy thành phố. Đại đội 5, Đại đội 21 cũng vậy, nên ta mới bị thiệt hại như thế.

Hồi trưa này tôi nghe đồng chí trợ lý tác chiến về báo cáo lại một trường hợp tương tự như thế của một đại đội thuộc Trung đoàn 12, vây bắt địch mà không dùng B40, ĐKZ bắn vào Đài Độc Lập. Chiến sĩ ta đã không tiếc máu mình để bảo vệ những công trình lao động nghệ thuật, những phố phường trống hoang cho nhân dân bạn đỡ phần vất vả sau này. Chiến sĩ ta đã thực hiện một cách dũng cảm, nghiêm túc, sáng tạo lời dạy của Đảng ta.
Chúng tôi bàn kế hoạch bố trí xử dụng Tiểu đoàn 2 xe tăng đêm nay và căn dặn Thành phải đưa ngay hai tử sĩ về nước, rồi lên xe đi ra đại lộ Liên Xô.

Trên đại lộ Mô-ni-Vông và trên các phố buốn trước đây xung quanh khu chợ mới, vung vãi khắp nơi đầy ti-vi, tủ lạnh, nồi điện, bàn là, mô tô, xe đạp, chai lọ, hộp giấy, thùng gỗ, giấy bạc mới, đệm giường ... Dấu tích lục lọi, phá phách của bọn lính Pôn Pốt trước khi tháo chạy.

Chúng tôi vào thử một con phố cất theo kiểu thời Pháp thuộc. Trên chiếc nôi đầy giẻ rách có con búp bê, trên mặt chiếc bàn tròn bằng cẩm thạch giả còn cái ô trầu mạ bạc trên nắp có bình vôi, ống ngoáy đồng chạm trổ hình tháp Bayon bốn mặt. Trong nhà bếp còn mâm cơm ăn dở đã quá lâu rồi. Nồi cơm lên meo, lên nấm xanh xanh, vàng vàng. Trong bát đĩa còn một chất đặc đen thủi có xương cá.

« Sửa lần cuối: 05 Tháng Ba, 2010, 12:37:24 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #26 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:37:38 pm »

Dọc đường “Liên Xô” đường ra sân bay Pochentong chúng tôi gặp từng tổ chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 2 bạn canh gác. Trên sân rải đá cuội trước ngôi nhà cửa vách toàn bằng kính và kim loại không rỉ, có bảng đề “Phủ Thủ Tướng”, nằm lăn kềnh một con cá sấu, một con gấu và một con beo nhồi bông trên đống giấy tờ sổ sách tranh ảnh còn mới nguyên. Các chiến sĩ bạn đưa cho tôi xem một xấp ảnh màu chụp  Pôn-Pốt – Iêng-Xari, Khiêu-Sâm- Phan và vợ của họ xun xoe với các nhận vật tai to mặt lớn ở Trung Nam Hải Bắc Kinh như: Hoa Quốc Phong, Hoàng Hoa, Uông Đông Hưng, Đặng Vĩnh Siêu, Phù Hạo, v.v ... Có một tấm ảnh chụp toàn bộ Ban lãnh đạo Trung ương Khơ Me Đỏ, có cả Sihanouk đứng chầu rìa bên cạnh. Trớ trêu là mấy tấm thiệp chúc Tết Tây đỏ hoét của một số ít ỏi những vị đứng đầu các nước mà Pôn-Pốt đã hé cửa cho họ vào xem chúng nó làm thịt nhân dân Kampuchia.

Có tiếng súng nổ lớn hướng Pô-chen-Tông, xe chúng tôi dừng lại trước cơ quan viện trợ Mỹ MAAG cũ. Ở đây chúng tôi gặp đồng chí Chiêu-Sa-Vát, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 từ hướng sân bay đi lại trên chiếc xe Jeep mới toanh.

Đồng chí bảo là Trung đoàn 209 đang tiếp cận sân bay Pô-chen-Tông đồng thời nghe có nhiều tiếng pháo nổ ở hướng Nam Tây nam. Có lẽ cánh quân bạn trên đường số 3 đã lên gần đến nơi rồi.

Chúng tôi lên xe đi tiếp lên đến ngã tư nơi đường quốc lộ số 4 và đường Mao Trạch Đông gặp nhau, tôi gặp anh Từ, chính ủy Trung đoàn 209. Anh cho biết Sở chỉ huy Trung đoàn đóng ở đây, còn anh Cường  đã đi ra sân bay Pô-Chen-Tông với hai tiểu đoàn. Sau khi báo cáo qua tình hình của Trung đoàn, anh đưa  tôi đi xem bãi xe có gần trăm chiếc M113 và trên hai trăm chiếc xe tải ở trong và xung quanh khu chợ cũ (nhìn bản đồ là Phsar-Đơm-Kô nghĩa là “Chợ Cây Gòn”). Anh Từ còn cho biết xung quanh đây là khu sửa chữa xe pháo. Trên đường Mao Trạch Đông về phía Nam có xưởng may quân trang và sứ quán Trung Quốc. Do đó mà chúng cấm đường, ngăn bằng thùng phuy, giữa đường có nhiều trạm gác. Anh bảo, tất cả những dãy nhà kho của nhà ga xe lửa và tất cả lâu đài, dinh thự chùa chiền dọc theo phía Bắc đường sắt đều đầy ắp vũ khí đạn dược, phương tiện chiến tranh của Trung Quốc mới đưa sang. Dọc hai bên đường số 4 có rất nhiều pháo 105, 122, 37, 57 ly có cả đại pháo 130 ly. Anh kết luận rằng: Chưa phát hiện hết nhưng chắc chắn rằng từ hai bên đại lộ Mao Trạch Đông đổ về phía Tây là kho tàng và xưởng sửa chữa của quân đội Pôn-Pốt – Iêng-Xari. Có nhiều dấu tích để lại chứng tỏ bọn chuyên gia quân sự Trung Quốc đảm nhiệm khu vực này. Tôi cũng thoáng nghĩ bọn Pôn-Pốt – Iêng-Xari theo lệnh của Bắc Kinh đuổi dân ra khỏi Phnom-Pênh còn có mục đích nữa là để biến nơi đây thành căn cứ quân sự trung tâm. Vị trí Phnom-Pênh rất quan trọng, có đường Quốc lộ 4 và đường xe lửa nối liền với Cảng Kom-Pông-Som. Phnôm-Pênh là điểm hội tụ là gốc xuất phát của tất cả đường quốc lộ - Quốc lộ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, đi khắp các miền của đất nước, đánh số theo chiều kim đồng hồ.

Đánh một vòng xung quanh sân vận động, chúng tôi theo đường De Gaulle để trở ra đại lộ Mô-ni-vông. Đường này hai bên là cây me, cây khế, cây ô môi và có cây gì có hoa vàng quả như quả bồ kết. Nhà cửa phần lớn kiến trúc theo thời Pháp. Không một bóng người. Đến Sở chỉ huy Đoàn 7 trên đường Mô-ni-vông tôi gặp đủ cả anh Dũng, anh Thẩm, anh Vịnh. Các anh đóng trong nhà bán vé máy bay. Trước cửa, dọc theo rào sắt có hàng dương liễu. Trong nhà bày biện sang trọng với những bàn ghế đóng ở Kampuchia trước đây. Màn, thảm và đồ dùng đều mang nhãn hiệu Trung Quốc. Máy điều hòa nhiệt độ của Nhật. Trên tường có treo ảnh phong cảnh Trung Quốc, các bức trạm nổi gỉa đồng đen tượng hình đề Bayon Angkor. Các phòng khác có treo lịch hàng không và trên mặt bàn có những chiếc đế gỗ cắm cờ đươi nheo nho nhỏ bằng sa-tanh của Ru-ma-ni, Trìu Tiên, Nam Tư … Tầng dưới, trong một gian có cửa sắt dùng làm kho, đầy ắp những kiện hàng tài liệu, báo chí, sách vỏ Trung Quốc, cho đến những hộp giáy đựng lọ “Ca-la-thầu”, “Ô-mai”, “Xí-Muội”. Có nhiều kiện họa báo, báo chí, sách chính trị bằng tiếng Khơ-me, tranh ảnh chụp ngoại giao của chính quyền Pôn-Pốt in từ Trung Quốc mới gửi sang. Nếu ta đưa một người tới đây mà không cho họ biết trước chắc chắn họ sẽ bảo đây là nhà ga máy bay trên đất Trung Hoa.

Chúng tôi đang bàn công việc cho đêm nay thì có điện thoại từ trại tù binh báo về là có hai vợ chồng người nấu cơm cho Pôn-Pốt muốn gặp Bộ chỉ huy Việt Nam. Anh Thẩm trả lời là báo họ phải gặp Bộ chỉ huy Binh đoàn 1 bạn. Anh em lại bảo là họ sợ gặp bạn sẽ bị giết chết, nên muốn xin gặp ta. Anh Thẩm đồng ý cho đưa họ đến. Trại tù binh là khu nhà in cũ ở gần bên Sơ chi huy Đoàn 7, nên chỉ mấy phút sau là anh em đưa họ tới nơi. Người chồng mặc áo sơ mi trắng, quần tetoron xám, cao gầy, giống người Trung Quốc nhiều hơn là Kampuchia. Vừa gặp chúng tôi, anh ta nói tía lia bằng tiếng Pháp. Anh Thẩm bảo anh ta nói tiếng Khơ-me. Anh Thẩm lại không biết tiếng Khơ-me nên tôi phải đứng vai phiên dịch. May sao chị vợ, dáng người và cách ăn mặc đúng là Khơ-me 10% thì lại nói tiếng Việt rất sõi. Họ bảo họ là người nấu ăn cho Pennút chớ khkông phải cho Pôn-Pốt. Họ kể: Sau ngày 14/4/1975 Chính phủ của Sihanouk do Pennút làm Thủ tướng, lưư vong ở Bắc Kinh, được Pôn-Pốt mời về hợp tác. Nhưng khi vừa về dến nơi thì nó bắt giam tất cả ở một nơi ở gần Báttambang để cải tạo lao động, còn vợ chồng Sihanouk thì bị giam lỏng ở Phom-Pênh. Mãi đến cách đây bốn ngày nó cho đưa hết về ngoại ô phía Tây nam Phom-Pênh. Vợ chồng Pennút được ở riêng một biệt thự gần đường Mo-ni-vông. Chúng nó cho phép Pennút được chọn một người nấu ăn và trồng rau nuôi gà. Pennút chiếu cố đến vợ chồng anh ta. Cho đến trưa hôm qua, chúng nó cho đem xa lại đưa vợ chồng pennút ra sân bay. Họ đoán Sihanouk cũng đi chiếc máy bay ấy.

Chúng tôi biết anh ta không phải là người đàu bếp chăn gà đâu, nhung chúng tôi đang rất cần những người thông thạo thành phố Phnom-Pênh. Chúng tôi nhờ anh ta dẫn một bộ phận vệ binh đến chỗ Pôn-Pốt giam những người trong chánh phủ lưu vong của Sihanouk. Anh ta đi một chốc trở về báo lại là theo dấu vết thì chúng đã đưa họ đi một tuần rồi. Tôi bảo anh ta ghi tên họ, chức vụ của tất cả những người ấy. Và hôm sau, khi đến nhà tù Tung-Sleng, tôi nghi là bọn họ đã bị giết. Vì trong số những xác chết bị xiềng chân trên giường sắt ấy không có vẻ là người lao động chân tay bình thường. Bên cạnh giường sắt bố trí riêng trong từng phòng lại có máy điện thoại, máy ghi âm, bàn máy đánh chữ … những phương tiện khai báo dành cho trí thức. Trong thành phố cũng rải rác những xác chết của đàn ông đàn bà mặc hàng đắt tiền. Chúng nó khử nhau trước khi tháo chạy.

Tôi nghĩ: Sau này bà con họ muốn đòi mạng thì hãy đòi ở Pôn-Pốt – Iêng-Xari và những người ở Trung Nam Hải – Bắc Kinh.

Làm việc với Bộ tư lệnh Đoàn 7 xong thì đã 16 giờ 30 phút, chúng tôi trở về Sở chỉ huy Binh đoàn.

Sở chỉ huy dời vào trong, cách bờ sông hai con đường, ở khu nhà khách của Hoàng cung. Lâu đài này chỉ có hai tầng nhưng rất đồ sộ, cất theo kiểu Pháp, có nền đá cao khỏi đầu. Tường dầy, cột o, các gian buồng trong nhà này có giá trị chống các loại đạn như lô cốt. Cửa lâu đài với những bậc thềm rộng, hai bên có hai con sư tử đá to tướng ngồi nhìn ra công viên “Con Gà”. Anh em gọi là công viên “Con Gà” vì ngoài ấy có tượng hình con chim xòe cánh rất to bằng đá cẩm thạch màu gạch, nhưng khi lại gần nhìn kỹ là một loại Phượng Hoàng.

Anh Trần Nguyên Độ, phó chính ủy Binh đoàn, anh Tám Tùng, phó chủ nhiệm Chính trị cũng đã đến. Các anh đi theo đường bộ từ Neak-lương lên.
Sở chỉ huy Binh đoàn 1 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia đóng trong khu nhà Tòa án gần đó.

Anh em văn phòng Bộ Tư Lệnh cũng đã đến, chị nuôi cho chúng tôi một bữa cơm nóng có rau muống luộc và thịt hộp.

Anh Nam Phong và Bộ Tham mưu đã triển khai được hệ thống thông tin chỉ huy thông suốt đến tất cả các đoàn bộ binh và các lữ binh chủng. Anh phân công anh em vệ binh dọn cho tôi một chiếc giường sắt có nệm, có màn. Thấy là thèm ngủ ngay. Anh bảo: “Anh ngủ no một bữa đi, không sao đâu. Đoàn 341 đã đứng chân ở Nam Bắc cầu Mô-ni-vông và dọc theo sông Bassac, Đoàn 9 đã nối sau Sư 341 về đến Neak-lương. Lữ 24 pháo binh cũng đã bố trí trận địa xong. Phía đường 3, lực lượng bạn hướng Tây nam đã vào chiếm sân bay Pô-chen-tông trước ta. Đơn vị đi đầu của cánh quân bạn hướng Bắc cũng đã gặp Trung đoàn 14 ở cây số 5 trên đường số 5 hồi chiều. Chỉ có hướng Bầu Diều thì Đoàn 2 chưa đến kịp. Nhưng đã có Hải quân ta kiểm soát trên sông. Sáng mai sẽ cho Trung đoàn 113 và một trung đoàn của Đoàn 9 đổ bộ sang thì ổn. Trong nội thành thì Binh đoàn 1 đã đến đủ, đang bố trí làm dầy thêm các khu phố. Đại đội 21 thiết giáp và Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12 làm lực cơ động cũng đã tập trung ở gần đấy rồi.

Nghe đến phiên hiệu Đại đội thiết giáp 21 tôi hỏi anh Nam Phong:
- Mình có điện thoại với Đại đội 21 không?
- Được, anh muốn gọi, tôi gọi cho!

Khi đầu dây bên kia có người trả lời, tôi hỏi:
- Đồng chí cho biết, đồng chí hy sinh trong chiếc 113 trên đường Mo-ni-vông tên là gì vậy?
- Bác cáo thủ trưởng, đồng chí ấy tên là Thương ạ!
Gì Thương?
- Đinh Văn Thương.
- Có phải Thương quê ở Tuyên Hoá, Bình Trị Thiên không?
- Vâng, đúng ạ!
- Đã dưa anh em về nước chưa?
- Đưa hồi chiều!
Tôi buông ống nghe, ngồi thừ người, ôm đầu:
“Cha mẹ đã đặt cho em một tên Thương, tên em nhiều ý nghĩa xúc động quá, Thương ơi!”.

Chắc anh Nam Phong và anh em xung quanh không hiểu tại sao tôi lại buồn nhiều đến như thế.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:38:05 pm »

X
ĐÊM PHNOM-PÊNH


Đêm xuống rất nahnh. Ánh trăng mồng chín tháng chạp héo hắt đọng lại nhờ nhờ trên tàng cây, mái tháp. Không điwjn, không đèn, đường phố chìm trong biển đen mênh mông, vắng vẻ lạ lùng. Mình đã quen sống trong các thành phố lớn, đã nghiên cứu trên bản đồ đến thuộc lòng các tên đường phố và các công trìng trong thành phố Phnom-Pênh, lại còn được cả một buổi chiều dong xe, thế mà còn không hiểu đâu vào đâu, thì anh em chiến sĩ làm sao?

Dù suy nghĩ triền miên như thế, nhưng tôi đã thấy yên tâm rất nhiều từ lúc được anh Nam Phong cho biết là các cánh quân bạn đã lấp kín ngoại ô ở phía tây và phía bắc. Bộ tư lệnh đã đến đủ có lẽ đêm nay tôi sẽ được ngủ một giấc bù cho mười đêm qua.

Đúng 18 giờ 30 phút tôi ra sau nhà vặn đài nghe tin BBC. Nhớ hồi ta chiếm Lộc Ninh và Phước Long, anh Tư Tuyến, trưởng phòng Tuyên huấn Cục chính trị Miền, muốn đưa tin trước BBC, nhưng rốt cuộc đều chậm hơn nó. Nhưng lần này BBC chỉ đoán non rằng: “Hôm qua đến nay đài phát thanh Phnom-Pênh không lên tiếng, không biết chuyện gì đã xảy ra ...”.

Khoảng 19 giờ, súng bắt đầu nổ vang vang khắp bốn phía. Nhiều nhất và gần nhất là hướng bắc, xung quanh Hoàng Cung lên đền Phnom, góc bên kia công viên “con gà” cũng khơi khơi mấy loạt AK điểm vài quả lựu đạn. Rồi pháo binh bắt đầu bắn từ hướng đông, tây bắc, tây nam. Hướng tây nam có cả pháo 130 ly, tiếng nổ đầu nòng đanh như bể ống. Các trận địa pháo của ta từ Nam cầu Mô-ni-vông và ngoại ô bắc thành phố cũng bắn trả về hướng đông và tây bắc. Còn hướng tây nam ta không bắn, sợ trúng quân bạn.

Một chặp sau tiếng súng thưa dần. Thỉnh thoảng đó đây những dây đạn lửa vọt lên cao. Trực ban tác chiến hỏi các đơn vị đều được trả lời là địch nó bắn lung tung không trúng ai cả. Ta thì cũng có một số anh chị em đơn vị bạn Kampuchia tham gia bắn cũng khá.

Đêm đã khuya, thấy tôi còn trăn trở, chú Mười Vàng, quèo tôi sang Tiểu đoàn 4 uống trà.

Ban chỉ huy Tiểu đoàn 4 cũng rất điệu đàn, các anh triển khai quan sát Sở trên sân thượng một tòa lâu đài bốn tầng. Máy điện thoại chỉ huy đặt ở một góc sân. Trên bàn trà, chiếc máy thu thanh bán dẫn đang ca nhạc đài tiếng nói Việt Nam. Chính trị viên tiểu đoàn chạy lăng xăng lo nước sôi, còn tiểu đoàn trưởng thì chạy hỏi ai còn lương khô hay đường, sữa gì không.

Đang chuyện trò tở mở, bỗng mọi người im bặt, phút giây hồi hộp đã đến: Đài tiếng nói Việt Nam đưa lại tin chiến thắng của đài SPK và đọc toàn văn bản tuyên bố của Ủy ban trung ương mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước Kampuchia. Chúng tôi ngồi nghe, hân hoan hiểu rằng giờ này cả nước và cả những người thân của chúng tôi đã biết tin chiến thắng này.

Ánh trăng mồng chín trải vàng trên mái chùa, lên mái đền đài trong Hoàng cung. Những tháp nhọn nhấp nhô ngã ngược chiều mây, mờ mờ ảo ảo gợi lên trong tiềm thức những mộng xa xưa mông hoang huyền bí. Nhấp chén trà “Hương” tôi kể chuyện cho anh em nghe: “Thuở xa xưa nơi đây còn hoang dã, nhân dân địa phương gọi là vùng Buôl-muc, Buôl-đay” (bốn mặt, bốn tay) vì sông Mê Kông và Tôn-lê-sáp gặp nhau rồi tẻ thành bốn nhánh. Vào buổi sáng thế kỷ 15, một bà nông dân tên Pênh phát hiện sáu tượng Phật bạc nằm trong bọng cây trôi giạt vào bờ. Bà Pênh rước Phật lên rồi đắp một mô đất, cất sáu ngôi chùa nhỏ bằng lá thốt nốt để thờ Phật. Nhà vua lúc bấy giờ đóng đô ở Angko nghe được tin ấy nghĩ rằng: ”Phật không chịu ở Angko nữa mà muốn đi về Buôl-muc, Buôl-đay, trái tim của nước Kampuchia. Sau khi bị Thái Lan chiếm mất vùng Ménam rồi thì Angko trở nên biên địa”. Nhà vua quyết định dời đô về đây, sai đắp núi cao, dựng sáu ngôi chùa bằng đá. Nơi đây dễ làm ăn, nhân dân tề tựu ngày một đông. Vua cho khai phá khu rừng phía tây lấy đất trồng lúa, và sai đắp bao ngạn chung quanh để chống lũ lụt. Từ đó nhân dân gọi đất này là Phnom-Pênh (núi bà Pênh). Mấy thế kỷ sau đó vì loạn lạc không ngớt, triều đình chia bè chia cánh nên vua phải di đô hết nơi này đến nơi khác, từ Angko xuống Longvet-Ouđông, Tàkeo, Kongpong-Chàm ... Mãi tới giữa thế kỷ 19 vua Ang-Đuông mới trở về đây, và đến những năm đầu thế kỷ 20 dưới thời Pháp thuộc các đời vua Norođom, Sisowath con của Ang-Đuông mới xây lại Hoàng cung và các đền đài chùa chiền như ta thấy ...”

Anh em có vẻ thích nghe lắm, coi như toàn thể tiểu đoàn bộ đều có mặt. Có đồng chí hỏi những cánh cong cong trên mái đền chùa là biểu tượng gì?
Tôi thầm cảm ơn cô giáo Kim-Van-Moni đã giúp tôi giải đáp được câu hỏi này.

Trong những năm 1971-1972, ở phum KomPong-Russei thuộc huyện Preksang-Đek, ngay bên kia sông đây thôi, tôi quen cô giáo Kim-Van-Môni. Thấy chúng tôi rất ham học tiếng Kampuchia và hay tìm hiểu con người và đất nước Kampuchia nên Môni cũng ưa nói chuyện với chúng tôi.

Nhân dân Kampuchia có tập quán nuôi rắn rồng ở trong nhà để nó bắt chuột. Ban ngày rắn nằm khoanh trên vì kèo, đòn tay. Anh em ta thấy thế sợ không ngũ được. Các cô gái trong phum rất thân với anh em chiến sĩ ta. Các cô rất hồn nhiên. Thừa lúc anh em đang tắm các cô lấy dọc cây nưa, rất giống đuôi rắn, thò vào chân vách nhà tắm ngọ nguậy lên bàn chân anh em. Chiến sĩ ta nhảy đùng đùng la oai oái trong nhà tắm, các cô thì cười rũ rượi. Thấy vậy Môni mắng yêu các cô và giải thích cho chúng tôi: “Rắn đối với Kampuchia là lành chứ không phải là dữ, người Kampuchia ai cũng biết truyền thuyết Naga. Ngày xửa ngày xưa có một ông vua tên Prah-Thong từ trên trời xuống cưới con gái của rồng là công chúa Neang Neak (Niêng-Niếc). Công chúa sinh ra dân tộc Kampuchia. Nên biểu tượng của dân tộc Kampuchia là Niếc, tiếng nhà Phật gọi là Naga hiểu là Rồng hoặc Rắn thần cũng được. Còn rắn thường gọi là Puốc. Vì vậy các đền chùa tượng Naga năm đầu, bảy đầu, chín đầu ở dưới thấp như ở cổng ra vào. Còn đuôi Naga thì uốn cong trên các góc mái. Trên đất Kampuchia ở đâu cũng có Naga, từ trên đền chùa, trong Hoàng cung đến vườn hoa, trên gọng xe bò, chuôi cày, vòng hái, trên thuyền cán dao, chìa vôi, cả trên cánh tay vũ nữ, trên cây gậy của cụ già ...”.

Truyền thuyết rất hay cũng na ná thần thoại Lạc Long Quân lấy Âu Cơ của Việt Nam. Hai dân tộc anh em sao giống nhau về cội nguồn đến thế.

Nhắc đến phum Kompong-Russei (nghĩa là Bến Tre), tôi không thể không nhớ bà mẹ của Môni. Bà mẹ già còng lưng đầu trọc. Hồi ấy, một ngày đầu năm 1972, chúng tôi sắp sửa về nước để tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ. Trong lúc chờ thuyền đến rước, chúng tôi tranh luận sôi nổi về cách kết cấu ngôn ngữ Kampuchia có nhiều chỗ giống Việt nam, nhưng còn thiếu một số từ cần thiết như “chè” thì gọi là “cháo đường” sữa bò gọi là “nước bò” thì bất tiện quá. Lúc thuyền đến, chúng tôi từ giã bà con tụ tập rất đông để tiễn biệt thì bà mẹ giang tay cản lại. Cán bộ chúng tôi đang hồi hộp không biết có anh em nào phạm chính sách gì vào giờ chót hay không, thì mẹ bảo: “Nghe các con nhắc cháo đường, mẹ nhớ lâu lắm rồi các con không được ăn, mẹ nấu gần chín, chờ ăn rồi mới được đi”. Thì ra là thế.

Dạo ấy Môni buồn lắm, cô than: “Không biết các anh đi rồi, chuyện gì sẽ xảy ra?”. Sau này nghĩ lại chúng tôi chắc Môni đã thấy những triệu chứng không lành.

Không biết giờ này dưới vầng trăng kia bà mẹ và Môni cũng như bà con Kongpong-Russei còn sống để mừng cho dân tộc, cho đất nước mà họ yêu tha thiết, được thoát nạn diệt chủng của Pôn-Pốt - Iêng-Xari hay không?

Nhìn dòng sông mênh mông dưới mảnh trăng có hình con mắt người Kampuchia, không hiểu sao tôi lại nhớ đến Hồng Hà. Có lẽ giờ này bên bờ sông ấy, có những em bé tựa như em Nguyễn-Thị-Hồng-Hà đang cùng các bạn reo mừng khi được nghe đài báo tin Kampuchia giải phóng. Nhưng khi về nhà gặp mẹ em đang khóc, em mới nhớ đến bố em. Bố Nguyễn Sông Thao của em không còn về phép nữa. Em không còn được bố dắt ra ngồi bên bờ sông quê hương để kể chuyện một dòng sông trên đất nước bạn nữa. Bố em đã ngã xuống như bao người anh hùng bảo vệ tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Hãy lau cho em dòng nước mắt. Trong sự mất mát lớn lao của em, của mẹ em, hàng triệu người dân lương thiện đã được cứu sống, một thế hệ trẻ như em tránh được họa diệt vong.

Hồng Hà ơi! Khi cô cháu dạy về lòng nhân nghĩa thì cháu hãy nhớ rằng bố cháu và các bạn chiến đấu của bố cháu là những tấm gương chói lọi về lòng nhân nghĩa cao cả nhất, đúng nghĩa nhất trên đời này.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #28 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:38:44 pm »

XI
MỘT NGÀY MỚI BẮT ĐẦU


Ngày 8-1-1979.

Con gà cồ đâu đây đập cánh cất tiếng gáy dõng dạc. Rồi con thứ hai, thứ ba từ chỗ khác hưởng ứng, có tiếng gáy thanh thanh mỏng mảnh như chú gà te.

Tôi trở mình, định thần một chặp mới nhớ là mình đang nằm giữa Phnom Pênh. Thì ra trong thành phố diệt chủng, Pôn-Pốt vẫn không dập tắt được tiếng gà. Tiếng gáy vang vang chùa tháp tự ngàn xưa vẫn còn đấy. Ngoài đường sương xuống nhiều, hơi lạnh, trời tối đen để rồi lại sáng hẳn.

Từ phía sau phòng khách Hoàng gia có mấy anh em chiến sĩ bảo vệ thức sớm uống trà nói chuyện tự bao giờ. Hay là suốt đêm qua họ không ngủ. Những âm thanh lúc rạng đông bao giờ cũng khỏe khoắn tươi tỉnh.
 - Năm ngoái, ngày này mình ở đâu nhỉ?
 - Mình về Mộc Bài, Phước Lưu, Phước Chỉ, Bến Sỏi, Bến Cầu, năm ngoái đúng ngày này bà con Kampuchia kéo sang lánh nạn đặc đường đặc xá, vất vả thật!
 - Mới một năm mà tưởng đâu là lâu lắm rồi vậy.
 - Căng thẳng quá thành ra thời gian dài ra, chứ tính lại chỉ hơn một năm mà đánh thắng một cuộc chiến tranh, kể ra cũng nhanh đấy chứ …

Mặt trời ửng hồng sau rặng cây bên kia bờ sông Mê-kông. Từ trong Sở chỉ huy Binh đoàn ra đến thành phố bỗng tưng bừng náo nức hẳn lên. Mọi loại máy thu thanh đều mở hết cỡ.

Đài phát thanh SPK truyền đi một tin quan trọng:
“Hội đồng Nhân Dân Cách Mạng của nước Cộng Hòa Nhân Dân Cách Mạng Kampuchia ra đời, đảm nhiệm sứ mạng lịch sử của Cách mạng Kampuchia”.

Từ khắp nơi các loại súng máy, tiểu liên nổ ran. Bắt đầu từ hướng đài Độc lập đến Phnom rồi truyền lan trên đại lộ Mô-ni-ong, Nô-rô-đôm, đường bờ sông. Trên các lầu cao bay lên tua tủa tín hiệu xanh, đỏ, trắng, vàng. Biết là anh em đang bắn chào mừng, bắn lung tung như vậy là sai, nhưng cũng không nỡ trách, nhất là đối với anh chị em chiến sĩ Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia. Vào lúc đúng 7 giờ sáng, tại phòng khiêu vũ nhà khách Hoàng gia, khai mạc một cuộc họp liên tịch mở rộng. Đồng chí Khang-Sarien chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố Phnom Pênh kiêm tư lệnh Binh đoàn 1 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia và đồng chí Hoàng Cầm tư lệnh Binh đoàn 4, Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì cuộc họp.

Hội nghị đánh giá lại toàn bộ tình hình, đề ra chủ trương và biện pháp về các vấn đề:

Tiếp tục truy quét gọi hàng tàn binh Pôn-Pốt, bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. Chuẩn bị mọi mặt để rước ủy Ban Trung Ương Mặt trận Đoàn Kết Dân Tộc Cứu Nước và Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Kampuchia về Thủ đô làm lễ chiến thắng. Chuẩn bị cứu tế cho dân, khôi phục điện, nước, nhà thương, làm vệ sinh tẩy uế thành phố ... Hội nghị bàn Binh đoàn 4 rút ra ngoài, mở rộng phạm vi an toàn cho thành phố đến U-Đông, Kông-Pong-Spư, Tackhman và phía đông sông giáp ranh Kông-Pông-Chàm, Pray-Veng. Còn Binh đoàn 1 bạn làm nhiệm vụ quân quản thành phố Phnom-Pênh.

Tôi cùng với một bộ phận cơ quan, ở lại bên cạnh đồng chí Khang-Sarin, làm chuyên gia quân quản và duy trì quan hệ hiệp đồng chặt chẽ giữa hai Binh đoàn.

Anh Khang-Sarin quyết định dời cơ quan chỉ huy về đại sứ quán Trung Quốc cũ.

Mới đến đại sứ quán Trung Quốc cảm giác đầu tiên là trông nó giống sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Chu vi còn rộng hơn nhiều. Ở đây có máy điện, máy nước riêng, đến nơi là anh em phát động được ngay. Bên trong các buồng họp, phòng làm việc, phòng tiếp khách, phòng dạ hội … đều trang hoàng những đồ vật quý giá và đặc sắc nhất của Trung quốc. Những bức tranh thêu Thượng Hải, những bức tranh bằng xà cừ, đồi mồi, ngọc thạch, ngà voi, những đệm sa-lông bọc gấm Giang Châu, những thảm dạ, những màn nhung, những hàng sứ Giang Tây, rượu Mao Đài, thuốc lá Trung Hoa Bài … Trên thảm cỏ dưới gốc cây tùng, đống tro tàn của tài liệu bị đốt vội bay tứ tung như vàng mã.

Trên bàn trong nhà ở, còn lại những điếu thuốc hút dở, những lọ xí-mụi, ô mai chưa đậy nắp. Những quyển lịch bàn, lịch tường dở đến tờ 5-1-79.
Trên bộ sa-lông nhung xanh biếc có thêu rồng và phượng, lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc với anh Khang Sarin. Anh 43 tuổi, dáng người cao lớn trong bộ quân phục ga-bác-đin ngắn tay. Tôi hỏi thứ anh trong gia đình và đề nghị gọi anh bằng tiếng Việt Nam là anh ba Khang vừa dễ gọi vừa bảo đảm bí mật.

Tin nhau như những người đồng chí quen biết từ lâu, anh hỏi tôi bằng một giọng nói nhỏ nhẹ của nông dân miệt Tà-keo, Kam-pốt:
- Anh có biết anh Hai Sĩ không?
- Phải anh Sĩ cao không?
- Phải, người cao, nước da trắng. Hồi năm 1953 tôi đi bộ đội thuộc Tiểu đoàn 40 ISSARAK tôi quen biết anh Hai Sĩ chỉ huy tiểu đoàn quân tình nguyện ở Kam-pốt.

Với một nụ cười hiền lành anh tiếp:
- Hồi đó chỉ huy toàn là bầu ra, nên gan lì lắm, hơn bây giờ. Rồi như nhớ đến công việc, anh nói:
- Anh Ba à! Công việc mới quá, lớn quá, mà công việc này chúng tôi chưa quen làm. Địch thì còn đông và thâm hiểm lắm.

Tôi nói:
- Xin anh cứ an tâm, chúng tôi coi công việc ở đây như chính là việc của bản thân mình vậy.
Tôi hỏi anh biết Phnom Pênh nhiều không. Anh cười bảo là hồi nhỏ nhà nghèo, ở tận Kông Pông Trạch-Kam Pốt nên không thể nào đến Phnom Pênh được, lớn lên làm cách mạng thì chuyên môn ở rừng.

Nhắc đến tình cảnh khổ cực của nhân dân Kampuchia dưới chế độ Pôn-Pốt - Iêng Sari, anh rưng rưng nước mắt:
- Năm 1972 khi thấy rõ bộ mặt phản bội của Pôn-Pốt – Iêng-Sari – Tà-Mốc, tôi ly khai rút vào bí mật xây dựng lực lượng Cách mạng chân chính chống lại chúng. Mình đã biết rõ bộ mặt khát máu của nó rồi, nhưng khi vào Phnom Pênh thật là ngoài tưởng tượng anh à.

Rồi anh nhắc đến các cán bộ quen thuộc trong kháng chiến chống Mỹ như Sóc-Khâm, Keo-Svey, Khem, Sóc-Khên là những đồng chí chỉ huy quân sự tỉnh Kam-Pốt. Anh bảo:
 - Những cán bộ trung thành với nhân dân, có đạo đức cách mạng đều bị nó giết hết, phải chi giờ này các anh còn sống để thấy ngày thắng lợi của nhân dân Kampuchia và chung lưng nhau đi vận động nhân dân tận diệt bọn Pôn-Pốt bảo vệ thành quả Cách mạng, xây dựng lại đất nước. Bây giờ thì cán bộ cũ chỉ đếm trên đầu ngón tay …

 Nghĩ sao anh lại tiếp:
- Tuy vậy nhưng tôi vững tin ở nhân dân tôi rất cách mạng, cán bộ chúng tôi rất kiên cường. Rồi anh hỏi tôi: Anh Ba biết đồng chí Xoai-Keo không? Tôi chưa kịp đáp thì anh nói tiếp: “Đồng chí Xoai-Keo, Tổng tham mưu trưởng của chúng tôi, là một đồng chí rất kiên quyết. Đồng chí lãnh đạo một bộ phận ly khai ở vùng Đông bắc - chắp hai bàn tay lên bộ đùi rất khỏe anh nói tiếp - Còn các đồng chí Sãi-Buthon và Tia-Panh nữa. Từ năm 1977 khi đã thấy rõ tập đoàn Pôn-Pốt – Iêng-Sari phản bội cách mạng, làm tay sai cho bọn bành trướng Bắc Kinh ám hại đồng chí bí thư Tỉnh ủy Kô-Kông, các anh đã lãnh đạo một bộ phận quân đội và nhân dân vào trong vùng rừng núi Kô-Kong, chống lại Pôn-Pốt”.

Nghe anh Khang Sarin kể, tôi lại nghĩ đến đồng chí Ủy viên Bộ chính trị. Đồng chí đã thay mặt Trung Ương truyền đến cho chúng tôi niềm tin sắt đá vào tiền đồ cách mạng Kampuchia, trong lúc tình hình đêm đen chưa thấy một ánh sao. Thực ra bầu trời có bao giờ thiếu sao, những vì sao lúc bấy giờ đang ẩn trong mây xám trên khắp bầu trời Kampuchia.

Nhìn gương mặt đầy đặn màu đường thốt nốt với đôi mắt hiền lành, núm mũi to và bẹt của anh Khang Sarin, tôi liên tưởng đến một Thạch Sanh dũng cảm, bộc trực. Bọn Lý Thông Bắc Kinh và chằng tinh Pôn-Pốt toan hãm hại người ngay đã bị gục ngã. Xin đừng bao giờ để cho đàn tiên phải gẩy lại câu: “đàn kêu tích tịch tình tang, ai đem công chúa lên hang mà về”.

Ngoài đường phố các tiểu đoàn bạn đang điều chỉnh bố trí. Ở đâu cũng có Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia đeo băng đỏ canh gác. Trước cổng các lâu đài lớn đã phơi phới cờ đỏ năm tháp vàng. Trên tất cả các công viên vang vang giọng nói trong trẻo của các nữ đội viên công tác, hình như có tiếng của Sà-Vây qua loa phóng thanh: “Nghe đây, nghe đây, hỡi binh sĩ và nhân viên ngụy quyền Pôn-Pốt - Iêng Sari! Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia đã hoàn toàn giải phóng làm chủ Nông Pênh và toàn nước Kampuchia. Các bạn hãy ra trình diện nộp vũ khí, sẽ được khoan hồng. Ai ngoan cố chống cự, trốn tránh, phá hoại, cướp của, sẽ bị nghiêm trị, nghe đây, nghe đây!”.

Các thiên thần Garuda đang ưỡn ngực đỡ mái lâu đài, nhưng rắn thần Naga nghểnh cổ phồng mang xoắn chặt nhau chụm đuôi đỡ toà sen, các tiên nữ Apsara đang say sưa nhảy múa trên các cổng đền … Tất cả, tất cả đều như bước xuống đường trong ngày sống lại của Nông-Pênh, của Angko, Mê- Kông, Biển Hồ, Tôn-lê-sáp, của núi Uran, núi Các-Đa-Môn.

Anh Khang-Sarin cho tôi biết đại sứ quán Lào còn ở lại. Anh nắm tay tôi ra xe đi thăm đồng chí đại sứ Lào, bắt đầu công việc ngày thứ nhất.

Xe chúng tôi vừa đổ lại thì đồng chí đại sứ Lào từ trong nhà chạy ra ôm hôn chúng tôi. Đồng chí nói tiếng Việt khá thạo. Tôi giới thiệu anh Khang-Sarin, và tự giới thiệu. Vào gian phòng khách giữa tòa đại sứ, trông thấy ảnh đồng chí Cay-Sỏn-Phomvihản và đồng chí Su-Pha-Nu-Vông treo trên tường giữa. Đồng chí đại sứ mời chúng tôi uống nước dừa và thuốc lá Vientian. Đồng chí bảo là dừa đó của Tiểu đoàn 6 Quân đội Kampuchia hái cho, chớ mấy hôm nay không được ra khỏi nhà nên không còn gì để ăn uống cả. Đồng chí đại sứ Khăm-Phăn-Virachit đã 66 tuổi, tóc bạc trắng, nước da nâu, gương mặt tròn, trông rất đôn hậu. Đồng chí ngồi giữa, anh Khang-Sarin và tôi ngồi hai bên. Cùng với tủy viên Văn-Khâm Kop-Keo nhân viên Sa-vẻng, Đun-tiêng. Đấy là toàn thể thành viên trong Đại sứ quán Lào.

Anh Khang-Sarin ngỏ lời xin lỗi đại sứ lào, vì không biết các đồng chí ở lại Phnom-Pênh nên không kịp thời bảo vệ chu đáo.

Đồng chí Đại sứ mỉm cười hiền từ:
- Tốt lắm rồi, chúng tôi ở lại chiến đấu với các đồng chí mà. Có các đồng chí Tiểu đoàn 6 bảo vệ - ngừng một chốc, nén xúc động, đồng chí tiếp - Anh em bảo Tiểu đoàn 6 là tiểu đoàn mồ côi, bị Pôn-Pốt giết hết cha mẹ rồi, nên gặp tôi, họ nhớ cha, nhớ ông, họ khóc.

Qua lời kể của Văn-Khâm Kop-Keo và các đồng chí khác bổ sung, chúng tôi được biết: Theo quy định của chính quyền Pôn-Pốt, đại sứ Lào không được đi khỏi sứ quán quá 300 mét. Cần mua gì, ăn gì thì ra căntin đầu đường đặt hàng ngày trước, ngày sau lấy, trả bằng đô-la rất đắt. Đại sứ Lào không biết đại sứ quán Trung Quốc ở đâu, nhưng đêm đêm nghe nhạc phim inh ỏi hướng Tây nam nên đoán ở đó là sứ quán Trung Quốc. Hàng ngày, nhất là buổi chiều thấy người Trung Quốc đi tấp nập trên đại lộ Mô-ni-vông và Si-Sô-Vát. Sứ quán Lào có mua một chiếc Mécceđéc nhưng người lái là của Pôn-Pốt giữ chìa khóa xe. Mỗi năm vài lần nó đến lái xe đưa đại sứ Lào đến khách sạn Hoàng Gia hoặc điện Châm-ca-môn để dự lễ của nó. Sứ quán lào thật sự bị giam lỏng.

Năm ngày qua, xe nó chở người chạy rất nhiều lên phía Bắc. Sứ quán Lào thì bị bọn lính áo đen gác rất nghiêm ngặt, không cho ra khỏi nhà.

Đêm 4/1 nhân viên sứ quán không ngủ được, kéo nhau lên sân thượng hóng mát, vào khoảng một giờ đêm trông thấy nó đưa các sứ quán khác ở bên cạnh đi.

Sáng 5/1, nhìn sang sứ quán Miến Điện và Nam Tư bên kia đường thấy vắng vẻ, anh em sinh nghi. Sáng hôm qua 7/1 bọn lính áo đen trẻ con 13 - 14 tuổi đến thay phiên gác cho bọn cũ. Chúng nó cầm súng lăm lăm, sợ nó bắn bậy bạ, không ai dám ra cửa sổ. Đến mười giờ thì nghe tiếng xe tăng, tiếng cà-nông nổ ở phía cầu Mô-ni-vông, mấy đứa nhỏ đó bắn AK, B40 vào nhà sứ quán, rồi chạy mất. Sau một chặp thấy hai người lính trẻ vào sứ quán Miến Điện, đồng chí đại sứ Lào đoán là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, Đồng chí gọi bằng tiếng Việt Nam mời sang uống nước. Họ lắc đầu. Sau đó độ nửa giờ thì có một đại đội của Tiểu đoàn 6 Quân đội cách mạng kampuchia đến.

Đồng chí Đại sứ Lào hay dùng tiếng “Rồi” kéo dài nghe rất hiền lành, rất dễ mến. Đồng chí bảo:
-Tốt quá rồi! Như vậy là ba anh em ta gặp nhau đây rồi. Tốt quá rồi!
*
* *
Ôm hôn từ giã đồng chí đại sứ Lào, chúng tôi ra đường đi bách bộ để khảo sát địa hình luôn thể. Câu nói sau cùng của đồng chí đại sứ Lào còn ngân vang mãi bên tai tôi. Không hiểu lúc ấy tôi đã suy nghĩ những gì. Hình như tôi suy nghĩ về dòng sông Mê-Kông nối liền ba nước anh em như một khúc ruột. Hình như tôi thấy lại những nụ cười đầu tiên của người dân Kampuchia hiền hòa giữa những hàng cây bị đốn cụt dưới bầu trời ảm đạm nặng mùi chết chóc. Hay là tôi nhớ đến hình ảnh những người mẹ nâng con lên khỏi đầu và những tiếng Xóc-xà-bai, Xa-ma-ki quyện theo chúng tôi.

Mỗi một bước đi trên đất nước bạn, chúng tôi càng khẳng định tình chất chính nghĩa của công việc mình làm. Đến đây tôi lại nhớ lời quyết tâm của chiến sĩ Binh đoàn trước ngày khởi đầu chiến dịch phản công chiếc lược 23-12-1978: “Nếu phải đổi lấy việc ta làm hôm nay bằng mười kiếp sống, thì chúng tôi cũng xin sẵn sàng”.

Bầu trời Phnom-Pênh giữa trưa ngày đầu xuân lồng lộng một màu vàng rực rỡ. Tiếng đại bác rền rền ở hướng Bắc và hướng Tây làm rung động mặt nước hồ sen trong kinh thành.

Anh Khang-Sarin nói với chúng tôi:
- Bọn Pôn-Pốt chạy về hướng Tây, hướng Bắc, các dãy núi rừng Các-Đa-Môn, Bailin, Caomêlai, Xàm-Rông, Pravihia thật là hiểm trở, mà bên kia là đất Thái Lan. Cuộc chiến đấu của chúng ta còn tiếp diễn gay go quyết liệt. Khó khăn nhiều, nhưng nhát định chúng ta sẽ thắng.

Tôi rất đồng ý với anh Khang Sarin. Nhưng tôi không nói thêm, trong lòng tôi còn ngân vang lời nói của đồng chí đại sứ Lào:
- Tốt quá rồi! Như vậy là ba anh em ta đã gặp nhau đây rồi!

Phnom-Pênh, mùa Xuân 1979
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #29 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 01:31:41 pm »

Đọc bản ebook dạng PDF tại:
http://ifile.it/n1lpx58/DuongVaoPhnomPenh-BuiCatVu.pdf

Và dạng PRC tại
http://ifile.it/nsw5car/DuongVaoPhnomPenh-BuiCatVu.prc
--------------------------Hết-----------------------------
Logged
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM