Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:10:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường vào Phnom-Pênh  (Đọc 48148 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:00:49 pm »


Kí Đường vào Phnom-Pênh, Bùi Cát Vũ viết xong ngay sau khi giải phóng Phnom-Pênh 1979. Khi đó ông ở cương vị Phó tư lệnh Quân Đoàn 4, phục trách Bộ chỉ huy tiền phương Quân đoàn, cùng sư đoàn 7 tiến vào Phnom-Pênh. Ông là người đã từng chiến đấu trên địa bàn Kampuchia trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây ...



Số hóa cuốn này với sự tham gia của:
Rongxanh, bodoibucket, h_lananh, ongbom_f2, Kon Tiahien và binhyen1960 ...

Trân trọng giới thiệu.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Giêng, 2021, 02:21:36 pm gửi bởi ptlinh » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #1 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:02:05 pm »

1

NGÀY HỘI CỦA NGƯỜI LÍNH

Chiều này 05-01-1979;

Đoàn xe chúng tôi phóng như lao trên đường số 1, đến ngã tư Prasát ngoặt trái vào một đường đất đỏ, rồi dừng lại trước cổng ngôi nhà ngói hai tầng.

Trên xe nhảy xuống ai nấy đều lấm đầy bụi từ đầu tới chân, lông mày, lông mi, mái tóc bạc phếch trông đến buồn cười. Trời nóng như nung, không một tí gió. Anh Dũng, Tư lệnh Đoàn 7 tươi cười xua tay nói với mấy chiến sĩ vệ binh đang xoay trần đào công sự dưới gốc cây vú sữa:
- Thôi, tàm tạm thôi các cậu, lợi dụng hầm cũ được rồi, ghé một chút rồi lại đi mà.

Năm hôm nay, từ hôm Đoàn 7 vào chiến dịch, đã chuyển Sở chỉ huy sáu lần. Chưa chỗ nào dừng lại quá một ngày đêm.
Một chiến sĩ vệ binh gạt mồ hoi trán, tủm tỉm đáp:
- Mệt mà vui thủ trưởng ạ, chứ ở lì một chỗ như mấy tháng mùa mưa chán quá, phải không thủ trưởng?
Anh Dũng nhăn mặt cười, lầu bầu:
- Cậu này lém thật.

Tôi biết anh vui lắm. Tính anh ít nói, những lúc tình huống khó khăn, anh suy nghĩ nhiều, lại càng ít nói.

Không khí trong Sở chỉ huy rất rộn rịp. Anh em tất bật triển khai cho công tác chỉ huy, chuẩn bị cho cuộc họp vào bảy giờ tối nay, lo bữa ăn chiều Mấy hôm nay Sở chỉ huy tiền phương của Binh đoàn đi cùng với Sở chỉ huy Đoàn 7 để kịp thời cùng nhau xử trí tình huống diễn biến hết sức nhanh chóng và phức tạp.

Anh em tác chiến phân công tôi ở gian nhà ngói trệt bên cạnh ngôi nhà hai tầng.

Ở đây đêm qua còn là Sở chỉ huy Sư đoàn 805 của Pôn-Pốt. Trong nhà bày biện đủ thứ tủ, giường, đi-văng, bàn ghế thuộc loại đắt tiền. Xung quanh nhà còn những đống lông gà còn bốc hơi, da bò nhầy nhụa máu, bếp còn ngún lửa, tài liệu giấy tờ bị đốt cháy lam nham, phảng phất một mùi khăng khẳng rất khó chịu.

Trong lúc chúng tôi đang nghe trực ban tác chiến Cừ báo cáo về tình hình phát triển của các trung đoàn thì anh Phức, chủ nhiệm hậu cần sư đoàn đâu từ ngoài đường vào. Như một chủ nhiệm hợp tác xã Hoằng Hóa mới đi thăm đồng về, anh nói bông lông:
- Chu choa, đích thị là hậu cứ Sư đoàn tám linh năm rồi, đủ thứ, kho lúa, kho muối, nhà máy xay xát … hai khẩu một trăm linh năm còn nớ, mà xe thì các bố nhót đi mô mất rồi …

Anh Thẩm, chính ủy Đoàn, nói gạt ngang với giọng Nghệ Tĩnh nằng nặng nhưng dễ nghe:
- Hậu cần của ông phải giữ  những thứ đó, phân phối lúa muối cho dân, đừng để bộ đội bận bịu mà chậm mất. À, nghe nói anh em vừa đem được thực phẩm ở hậu cứ lên, có đúng không?

- Báo cáo, có đấy ạ, đường 1 vừa thông thì anh em vọt lên ngay, có đủ bò, heo, gà, vịt, cá, rau … đủ thứ …

Chúng tôi chưa nghe hết lời nói đầy tự hào nghề nghiệp của chủ nghiệm hậu cần Phức, thì xe anh Ngọc Anh, phó tư lệnh và anh Vịnh, phó chính ủy về đến. Hai anh vừa chắt (tr.6) cạn bình trà mới châm, vừa báo cáo với chúng tôi những trận đánh rất hay của Tiểu đoàn 2 xe tăng và đoàn bộ binh 14 hồi trưa này.

Các sư đoàn của địch từ đường Mười và hướng Svairiêng rút chạy về Niếk-lương. Chứng tổ chức ngăn chận ta từng tuyến. Chúng lợi dụng bờ đê và làng mạc phía đông cầu Kompong-Trà béc bố trí tuyến phòng ngự. Cán bộ và trinh sát Trung đoàn 14 đi trước phát hiện được toàn bộ đội hình của chúng. Khi xe tăng của ta đến ngoài tầm pháo bắn thẳng, thì Trung đoàn 14 đã bọc vòng hai cánh luồn ra phía sau địch. Năm chiếc xe T54 đi theo đường 1, tám chiếc M113 chia đôi, đi cặp song song hai bên bờ ruộng với T54. Bằng bốn phát pháo, xe tăng ta tiêu diệt ngay hai chiếc xe tăng PT85 của địch bên trái, trong lúc chúng vừa bắn vừa tháo chạy ra khỏi chỗ ẩn nấp. Ba chiếc PT85 địch bên phải cũng bị T54 ta bắn cháy một chiếc. Đồng thời bộ binh và thiết giáp ta xung phong như vũ bão vào trước mặt và hai bên sường địch. Chúng hoảng loạn, bỏ hai chiếc BT85 còn lại tháo chạy. Các đồng chí kỹ thuật của Tiểu đoàn 2 xe tăng ta vào lấy ngay hai chiếc PT85 dùng nó cùng với M113 truy  kích địch. Dịch tan tác, lớp chạy chết, lớp đầu hàng. Tù và hàng binh khai đủ cả thành phần các Sư đoàn 805, 703, 221, 340 của Pôn-Pốt.

Sẵn đà, Tiểu đoàn 2 xe tăng trở lên đường 1 chở bộ binh mở hết tốc độ lên cầu Trà-béc để giành lại hàng ngàn dân bị địch lùa đi theo. Địch rất dã man, chúng bắt nhân dân làm trái độn giữa chúng. Từ trên dốc cầu Trà-béc chúng bắn bừa xuống đám dân chúng. Nếu ta từ dưới đường bắn lên thì chết dân. Đồng chí Thuyết, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 xử trí rất thông minh. Anh cho hai tiểu toàn bộ binh luồn sau trong ruộng vòng ra chiếm bờ sông hai bên đầu cầu. Còn xe tăng thì vừa dùng trọng liên bắn trên cao để tránh dân, vừa nhích dần lên cầu. Nhân dân lợi dụng chỗ ruộng thấp, men theo bờ đê hai bên đường lộ, chạy ngược về phía sau. Thế là ta vừa cứu được dân, vừa chiếm được cầu mà địch không kịp phá. Chúng bỏ lại hai xe Hoàng Hà và hai pháo 105.

Báo cáo xong, anh Ngọc Anh còn nhắc đi nhắc lại mãi: "Coi xe tăng và bộ binh hiệp đồng tấn công ban ngày sướng quá trời, đẹp như diễn tập".
...........
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #2 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:02:32 pm »

Xe Jeep các đơn vị lần lượt về đến, có dủ cả các cán bộ quân sự, chính trị, hậu cần, bộ binh, pháo binh, phòng không, xe tăng, công binh, thhông tin của Đoàn và Binh Đoàn. Nhôi nhà ngói hai tầng ở ngã tư Prasát này đêm nay lại thắt thêm một gút, nối dài chuỗi kỉ niệm đẹp trong cuộc đời chiến đấu của chúng tôi.

Trước khi vào hội nghhi, anh Thẩm mời tất cả đại biểu dự một bữa tiệc liên hoan. Anh bảo: "Ăn trước rồi họp sau ngon hơn, chớ để họp rồi thì nôn nao không ăn được".

Hậu cần Sư đoàn 7 có thành tích và kinh nghiệm tăng gia sản xuất cải thiện sinh hoạt cho bộ đội. Trưa nay khi đường 1 vừa thông thì cá mè, cá trắm cỏ từ bầu Đồng Trư, bò từ đồng cỏ Phước Vĩnh, Phước Sang, heo gà vịt từ trại chăn nuôi Lai Khê, cũng đã theo chân  bộ đội đến đây. Chiều nay tất cả đơn vị trực thuộc xung quanh Sở chỉ huy đều được một bữa tươm tất.

Những cuộc sum họp hiếm hoi ở mặt trận như thế này thường làm cho người ta nhớ dai. Anh Can, phó chủ nhiệm chính trị thao thao nhắc lại những kỷ niệm năm xửa năm xưa. Có lẽ vì tôi ngồi đối diện với anh nên trở thành đối tượng của anh. Anh nhắc chuyện anh và tôi lọt vào ổ phục kích của Mỹ năm 1967, chuyện chúng tôi chui xuống hầm ngầm trong nhà tên Tỉnh trưởng Phước Long, những chuyên đi của Đoàn 7 ở Thái Hưng, Đồng Xoài, Phước Long, Định Quán, Lâm Đồng, Xuân Lộc, Sài Gòn trong những năm 1974-1975. Rồi anh kết luận vừa tìng cảm vừa triết lý:
- Không biết anh Ba đi với ép 7 lần này nữa có phải là lần cuối cùng chưa?

Muốn hướng sang chuyện khác, tôi bảo;
- Tôi nhớ mãi trận tụi mình bị lọt vào ổ phục kích của Mỹ ở Bù Đốp năm 1967, mới đây mà đã mười hai năm. Nếu chết thì đến nay xương đã mục. Thế mà anh vẫn cứ phây phây, trẻ đẹp trai như thường.

Anh Can bật đứng dậy, trịnh trọng:
- Báo cáo anh tôi vừa có con rể rồi đấy ạ!

Dù sao, tôi cũng thoáng nhớ lại ngày giải phóng tỉnh Phước Long của Binh đoàn, chỉ còn thiếu một ngày nữa thôi là tròn bốn năm.

Mỗi nggười một tí bia tráng bát mà nhằm nhè gì, thế mà mặt anh Can như chói nắng chiều. Anh say sưa chuyển sang đề tài khác:
- Hôm ngày hai, đoàn ta mới khựng ở đư5ờng 10 có một hôm mà trên cơ quan Binh đoàn có người tán với nhau là "Coi chừng Đoàn 7 gặp cái dớp như Long Khánh trong chiến dịch Hồ Chí Minh đấy".

Anh Dũng nhăn mày cười, lầm bầm:
- Hừ! Các bố chỉ được cái tán phét.

Nhìn anh Dững, tôi nhớ đôi vai lệch tròn vo, xuôi xị của anh chạy đi chạy lại tthâu đêm tren bờ đê ở ngã ba Xăng-Ke, khi mà Đoàn 7 đục một ngày đêm không thủng tuyến phòng thủ trên đường 10 của các sư đoàn Pôn-Pốt. Mới cách đây bốn hôm thôi.

Ở cuối bàn, anh Nhạn, Trung đoàn trưởng Trrung đoàn 209, trở thành chủ xướng nhóm dưới ấy. Giọng khàn khàn như ngạt mũi, anh kể chuyện hôm anh đến thăm một đám cưới ở ấp Phước Lưu vừa bị bọn Pôn Pốt tập kích làm chết mất cô dâu. Anh nói:
- Đang buồn nẫu ruột, lại có một đồng chí thiếu tá thương binh về hưu. Ông ấy trợn mắt qúat bọn tớ: "Tụi Mỹ mà ta đánh còn phải chạy cong đuôi, đánh cái thứ chuột đồng này mà các anh làm ăn không ra làm sao hết, chán quá". Ức quá, nhưng chỗ bà con đông mình đành nhịn. May mà có cậu Nhẫn trợ lý chính trị. Cậu ta kể về chuyện chuột đồng. Cậu ta nói đại khái là ở miền Tây nông dân hay bắt chuột đồng cột giẻ tẩm dầu vào đuôi nó rói đốt. Chuột mang lửa khói chạy vào hang làm chuột mẹ chuột con ngộp phải chạy ra, bị nông dân ta chộp bắt đem về nhậ. Trẻ con bắt chước làm giống như vậy, nhưng chuột nhà nó không chui hang mà mang lửa chạy lên nóc nhà làm cháy cả xóm. Chừng đó cậu Nhẫn ta mới kết luận với đồng chí thiếu tá về hưu: "Anh bảo quân đội Pôn-Pốt là chuột đồng, nhưng chuột đồng có mang lửa đấy, mà không phải vài chục vài trăm con đâu nhé, đến hai trăm ngàn con đấy. Hở một chút là nó chui vào, cho nên phải vận động nhân dân xây làng ấp chiến đấu, tổ chức dân quân tự vệ cho chắc vào thì mới bảo vệ được xóm làng, tận diệt được chuột đồng chứ." Cậu ấy kể chuyện hấp dẫn lắm, bà con cô bác tỏ vẻ thông cảm với bộ đội, còn đồng chí thiếu tá thì cũng cười giả lả.

***

Một chiếc xe reo chở đầy những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Cách mạng Kampuchia cuốn bụi, đỗ xịch trước cổng. Đồng chí lái xe Việt Nam thò đầu ra ca-bin hỏi:
- Các đồng chí ơi, phòng chính trị ở đâu?
Các chiến sĩ vệ binh, thông tin đang lúi húi dọn bữa ăn trên sân gạch không đáp đồng chí lái xe mà reo ầm:
- Chị Sà-Vây! Chị Sà-Vây!

Một số cán bộ trong bàn ăn của chúng tôi cũng buông đũa bước ra cửa. Anh Khải, chủ nhiệm chính trị, chạy ra đón một cô gái Kampuchia từ ca-in bước xuống. Anh Khải lùn thấp nên cô (tr.10) gái đứng cao hơn anh nửa đầu. Không hiểu vì thẹn hay vì chói nắng chiều mà mặt cô gái ửng đỏ như trái dừa lửa.

Theo hiệu lệnh của Sà-Vay, các cô khác cũng lần lượt xuống phía sau xe. Các cô đều mặc áo bà ba xanh, quần đen mới, đội khăn rằn. Chiếc khăn rằn có nhiều tác dụng, dùng để tắm, thay quần áo, đội đầu che bụi che nắng và lúc cần như lúc này thì cắn hai mí lại để che mặt, chỉ chừa cặp mắt như phụ nữ ả-rập.

Anh em vệ binh, công binh, thông tin xúm lại, kéo nài mời cho được khách lạc đường dùng bữa cơm liên hoan với đơn vị mình. Anh nuôi chạy mượn đũa bát để mời Sà-Vây và hai đồng chí nữa cùng ngồi chung mâm với chúng tôi. Sà-Vây và đội công tác do cô phụ trách mới về Đoàn 7 hôm mở màn chiến dịch, thế mà trong toàn Đoàn đều biết tên cô.

Dạo tháng sáu năm rồi có một đoàn gồm trên hai ngàn người dân Kampachia từ Preyveng vượt biên sang Việt Nam. Chuyện đó đã gây xúc động mạch trong quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới Tây nam. Đoàn người phần lớn gồm ông già, bà lão, phụ nữ và trẻ con, khi đến được Việt Nam, chỉ cờn hơn tám trăm người. Trong lúc bị địch vây hãm trong rừng Tà-săng có một người phụ nữ đã dùng chiếc khăn rằn đai con trước ngực cùng các bạn xông pha chiến đấu để bảo vệ đoàn người, chờ bộ đội Việt Nam đến cứu. Lương thực khô kiệt, nước cũng thiếu, người mẹ phải nhai lá rừng cầm hơi thì còn lấy đâu ra sữa cho con. Đứa con gái mới bốn tháng của chị gào khóc đòi sữa. Để bảo đảm sinh mạng cho hàng ngàn bà con, chị cứa đầu vú mình nặn dòng máu tươi cho con bú. Rồi máu mẹ cũng cạn nốt. Chị phải ôm ghì mặt con vào ngực, ru dỗ cho con nín. Đến khi cảm thấy một khối mềm nhũn lành lạnh trên ngực chị mới kinh hoàng và chỉ còn biết khóc thầm, rồi xoay con ra sau lưng, tiếp tục chiến đấu. Khi đến đất sống, chị mở gút khăn rằn trao đứa con cho anh bộ đội Việt Nam rồi ngất lịm.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #3 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:02:53 pm »

Người phụ nữ ấy là Sà-Vây.

Giờ đây trong ngôi nhà ở ngã tư Prasát này, các đồng chí đội viên công tác trở thành những nhân vật trung tâm trong bữa tiệc liên hoan. Anh em ai cũng săn sóc gắp thức ăn, rót nước ngọt cho các đồng chí đội viên công tác.

Anh Can chọn lúc bớt ồn ào, hỏi Sà-Vây bằng tiếng Việt:
- Cô Sà-Vây này, đội công tác của cô đang công tác với đơn vị nào, đố cô biết, trả lời bằng tiếng Việt Nam.

Sà Vây chớp chớp đôi mi dài và rậm trên khuôn mặt tươi cười, đáp từng tiếng một:
- A ... A ... Đội công tác em công tác ở ... binh đoàn Cửu long  ... Đoàn bảy ... Phòng chính tr-rị.

Anh em cười ồ! Tôi hỏi tên hai cô kia, rồi nói bằng tiếng Khơ-me:
- Các cô Sà Vây, Chan-Thu, Sam-Môn này! Bộ đội cơ động nhanh, thời gian gặp nhân dân rất ngắn ngủi, trong trường hợp ấy các cô sẽ nói gì với nhân dân?

Chan-Thu, Sam-Môn nhìn xuống cười bẽn lẽn, Sà-Vây đáp:
- Nói bà con đoàn kết lại dưới sự lãnh đạo của Mặt Trận Đoàn kết Dân Tộc cứu nước Kampuchia, đứng lên tiêu diệt Pôn-pốt, Iêng-Xari cứu nước, cứu mình. Nói nhân dân Campuchia đoàn kết thương yêu bộ đội Việt Nam của cụ Hồ, người ơn đã cứu mình.
Tôi dịnh từng câu cho anh em nghe. Ai nấy đều tỏ vẻ xúc động.

Các cô ăn uống trông ngon lành, thật tình như người nhà. Qua vài câu trao đổi, tôi biết Chan-Thu và Sam-Môn đều ở tỉnh Kandal bị Pôn Pốt lùa sang Svairiêng. Chan-Thu trước đã học trung học, biết một ít tiếng Pháp. Hai cô đã cùng với gần hai chục ngàn dân Kampuchia lánh nạn sang Việt Nam hôm ngày 6 tháng giêng năm 1978. Nhắc lại ngày hôm ấy các cô vui lắm.
- Ồ! Không có bộ đội Việt Nam thì chết hết, chao ôi! Pôl Pốt nó đuổi ở phía sau. Sam-Môn vừa nói vừa quạt bàn tay trước mặt.

Anh Khải hỏi:
- Các cô sang Việt Nam, ở Bến-Sắn phải không?
- Ôi! Bến Sắn, Bến Sắn, phải rồi, chúng em được đẻ lại ở bến Sắn. Bến Sắn là quê em đó. Chan-Thu nói dịu dàng, đệm vài tiếng tắc lưỡi hít hà.

Anh Thẩm hỏi:
- Từ chỗ này hai cô biết đường về Kandal, quê hương của hai cô không?
- Biết chứ, quê em ở hướng này này - Chan-Thu chỉ đúng hướng Tây Bắc.
- Nếu đi luôn đến Phnom-Pênh. Các cô có thích không?
- Ồ! Thích lắm chứ ... Đi Battambang, Xiêm Rệp em cũng đi - Ba cô lao xao tranh nhau đáp.

Bỗng dưng trong lòng tôi hiện lên hai tiếng "Hồi Sinh", trước nay tôi hay dùng, mà bây giờ tôi mới thấy hết nghĩa của nó.
Ở ngoài sân gạch, trong các nhà bên cạnh cũng rầm rang những câu nói bằng hai thứ tiếng lẫn trong giọng cười trẻ trung: "Xamaki Đoàn Kết Việt Nam - Kampuchia" - "Boong bờ-ên - anh em - Việt Nam Kampuchia".

Chiếc máy điện honđa đốt sáng mấy bóng đèn huỳnh quang trong nhà ngoài sân, càng làm cho đêm liên hoan thêm náo nhiệt. Do kinh nghiệm bản thân, nhạy cảm với tình hình như chim én với mùa xuân mà mỗi người ở đây từ già đến trẻ, đều cảm thấy rằng mình sắp sửa bước vào những ngày lịch sử, NGÀY HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH.

ơi đồng chí tư lệnh Binh đoàn hồi 13 giờ trưa hôm nay tại Sở chỉ huy cơ bản ở phum Đôn Tông. Nhiệm vụ vinh quang đó là: Vâng lệnh Ủy ban Trung Ương Mặt Trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Kampuchia và Bộ chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Binh đoàn chúng tôi cùng với Binh đoàn 1 của Quân đội cách mạng Kampuchia đảm nhiệm một hướng, hiệp đồng cùng với các hướng khác và phối hợp với nổi dậy của quần chúng mở cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi quyết định cho cách mạng Kampuchia.

Đây là mệnh lệnh quân sự tuyệt mật, chỉ có mình tôi được biết và chỉ được phổ biến giao nhiệm vụ cho các đơn vị từng bước một. Tôi nhẩm tính: chỉ còn hai ngày ba đêm, phải vượt qua trên một trăm cây số đường độc đạo với hai con sông rộng, địch vẫn còn rất đông đang củng cố phòng thủ, mà phương tiện cơ động và nhất là phương tiện vượt sông ta chưa điều lên kịp.

Tôi phái đồng chí Phùng, phó phòng tác chiến chạy ngược về Svairiêng tìm anh Biểu, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 25 Công binh để giục đội phà nặng lên nhanh.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:03:25 pm »

II

TÍNH SỔ VỚI KẺ THÙ.


Sau cuộc họp, một số lớn cán bộ trong Sở chỉ huy được phái đi ra phía trước, một bộ phận lùi về phía sau để tổ chức đón ba tiểu đoàn quân bạn liên tiếp.

Anh Thẩm và anh Dũng sang triển khai kế hoạch ở cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần. Tôi ở lại Sở chỉ huy một mình trực chỉ huy thay cho các anh.

Đã hơn mười giờ đêm mà trời vẫn còn oi nồng. Xa xa về hướng Tây, Tây bắc, Tây nam dội về những tiếng pháo nổ không ngớt. Xung quanh đây thỉnh thoảng đì đẹt một vài loạt AK của các đơn vị bạn đang làm nhiệm vụ truy bắt tàn binh địch, đảm bảo an toàn cho dân mới trở về phum cũ.

Ngồi trên chiếc võng mắc giữa cây vú sữa và cây cau. Trước sân nhà tôi suy nghĩ về cách giải quyết công việc sắp tới.

“ Hồng Hà gọi Mê Kông ! Hồng Hà gọi Mê Kông ! Nghe rõ không trả lời ? ”.
Giọng nói thanh thanh của đồng chí thông tin trong đêm vắng gợi lên niềm thương cảm mông lung qua ba mươi năm khói lửa.

Nếu không có cuộc xâm lăng của Pôn Pốt – Iêng Xari ở biên giới tây Nam thì các nông trường Đồng sen, Long Khánh của binh đoàn đã thành hình, các lò vôi, lò gạch, lò xi măng cũng đã ra sản phẩm, đội tàu đánh cá cũng đã ra khơi ...

Nhưng nếu ta không bẻ gãy gọng kìm phía Tây Nam này của Chủ nghĩa bành trướng bắc Kinh thì tình thế sẽ ra sao?

Hằng ngày nhìn tấm bản đồ đất nước mà lòng xốn xang nặng trĩu: Một mũi tên phía bắc như một mũi dao lớn kề trên đỉnh đầu, một mũi dao nhọn hoắt  ở phía tây nam như dí vào chỗ có buồng gan, những mưu toan bạo loạn chúng mong nhen nhúm trong nội địa, nơi còn tàn dư Mỹ - Thiệu. Toàn cục đã có Trung Ương lo, niềm tin đó đã trở thành sắt đá. Nhưng phải bẻ gãy mũi dao nhọn ở phía Tây Nam, đó là nguyện vọng của toàn dân và là trách nhiệm của toàn thể chiến sĩ và nhân dân ở hướng này. Bẻ bằng cách nào, lúc nào và trong điều kiện chính trị như thế nào, đó là tâm tư dằn vặt trong ngót hai năm nay.

Nhớ một ngày cuối tháng 4/1977. Hôm ấy tôi trực chỉ huy ở hậu cứ Binh đoàn. Tôi nhận được tin cấp trên thông báo là quân địch dùng mấy sư đoàn kéo theo lúc nhúc những dân binh vuợt kinh Vĩnh Tế sang chiếm Núi Dài, Nhà Bàn,Tịnh Biên … bao vây định chiếm thị xã Châu Đốc, tàn sát dân ta, đốt phá xóm làng mà đồng bào ta mới dựng lại sau mười năm chiến tranh chống Mỹ. Theo lệnh của cấp trên, Binh Đoàn phải phái ngay một đơn vị xuống Ang Giang và toàn Binh Đoàn sẵn sàng chiến đấu.

Biết đồng chí Mười Kim Phó tư lệnh Đoàn 9, đang nghỉ phép  gần hậu cứ binh đoàn, tôi phái sĩ quan tác chiến đi mời đồng chí về nhận nhiệm vụ. Đồng chí Mười Kim, 47 tuổi, vừa mới cưới vợ được 8 tháng. Đồng chí được gọi giữa lúc đang xoay trần cuốc đất trồng mấy vồng khoai lang. Đồng chí quăng cuốc vào nhà không kịp tắm rửa, chỉ lau sơ rồi choàng bộ quân phục, thắt dây súng ra đi. Chị Mười mới có thai được 3 tháng, đứng dựa cột nhìn chồng hỏi :
- Giặc giả nữa à! Đi nữa à?
Anh Mười Kim cười đáp:
- Giặc thiệt chứ giặc giả gì, đi gấp, má nó cuốc nổi thì trồng cho líp chỗ đất đó.
Anh trèo lên xe, chị đứng tựa cửa trông theo ... Từ ấy anh Mười Kim trở về thăm nhà được hai lần nữa. Và bây giờ thì anh đã hy sinh.
    
Cũng ngày hôm ấy, anh Vũ Cao, tư lệnh Đoàn 341 được gọi về Binh đoàn. Anh trố mắt nhìn tôi giây lâu rồi mới hỏi nửa đùa nửa thật:
- Chuẩn bị làm một khoắn nữa phải không anh?
Tôi đáp:
- Làm ngay chứ không phải chuẩn bị nữa.

Mới ngày hôm qua đây, Bộ tư lệnh binh đoàn giao cho Đoàn 341 chuyển sang làm kinh tế. Nhưng được cái là đi làm kinh tế thì đả thông nhiều, còn trở lại chiến trường thì khỏi giải thích gì dài dòng cả.

Buồn cười lúc bấy giờ một số đồng chí trong cơ quan tác chiến hỏi tôi rằng: Vẽ quân Khơme đỏ lên bản đồ thì tượng trưng màu gì? Có đồng chí bảo nó là một bộ phận quân cách mạng biến chất nên vẽ nó màu hường, vàng hay màu nâu gì đó. Sau cùng chúng tôi thống nhất với nhau là kẻ nào xâm phạm một tấc đất của chúng ta, giết một người dân ta là địch, vẽ xanh đậm vào.

Tưởng đâu cuộc xung đột chỉ diễn ra phía An Giang, vì qua nhiều lần ta phản đối, Pôn Pốt xin lỗi rằng Trung Ương họ chưa lãnh đạo được Quân khu Tây Nam. Đó là do Quân khu Tây Nam của họ manh động. Đến đêm 24 rạng 25-9-1977 bọn PônPốt phát động một cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới, tập trung đông nhất và mạnh nhất vào tỉnh Tây Ninh. Chúng giết hàng ngàn dân ta ở Tân Biên, Lò Gò, Long Khánh. Binh đoàn được lệnh hành quân lên hướng Tây Ninh, và cuộc chiến tranh biên giới thực sự bắt đầu. Lúc bấy giờ từ ngữ báo chí còn gọi là “Cuộc xung đột biên giới”. Cán bộ và chiến sĩ ta tranh luận sôi nổi về tính chất của cuộc đấu tranh này. Anh em cho đây là “ Cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn phản động PônPốt – Iêng Xary gây ra và phía ta là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc. Chứ đây không phải là cuộc xung đột về vấn đề tranh chấp biên giới”.

Nhớ buổi sáng hôm 25-9-1977, chúng tôi lên Thiện Ngôn. Mới hai năm hòa bình mà cảnh vật đã thay đổi hẳn. Đập nước trên sông Cần Đăng, có bàn tay kết nghĩa của đồng bào Hòa Bình vừa xây dựng xong, bắt đầu cung cấp điện cho nhà máy cưa gỗ, nhà máy xay và thắp sáng cho thị trấn Thiện Ngôn mới. Những thảm xanh chuối, mía, đậu phộng … trải dài hai bên lộ 22, lộ đỏ, mà trước đây là rừng xác xơ do thuốc độc hóa học của Mỹ. Những nhà ngói đỏ tươi, cột bằng lăng láng au, xếp hàng hai bên lộ, thấp thoáng sau vườn cây ăn quả.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:04:33 pm »

hi đến giữa làng Tân Lập, còn cách biên giới bốn cây số, chúng tôi chết điếng trước cảnh tượng đau lòng. Nhiều người bật lên tiếng khóc. Đêm qua chúng đã giết, đã đốt, đã cướp sạch.

Một cụ già đến sau lưng chúng tôi thét lên:
– Khóc à! Hèn nhát à! Các anh bảo chúng tôi lên đây xây dựng vùng kinh tế mới rồi để tụi nó giết, bây giờ khóc trừ à!  

Tôi nhìn lên té ra là ông Ba Mây. Không dè gặp người quen cũ ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh giữa cảnh này. Gia đình ông, vợ và bốn con bị giết sạch, mình ông còn sống sót vì hôm qua ông đi đám cưới người thân ở Trại Bí. Chúng tôi cúi đầu im lặng trước lời trách mắng của ông Ba Mây.

Thật ra lúc bấy giờ nhiều người chưa hiểu rõ thực chất tình hình ra sao cả. Sau ba mươi năm chiến tranh, ai cũng mong muốn biên giới Việt Nam - Kampuchia là biên giới tình nghĩa láng giềng, nhân dân hai nước qua lại, như xưa.

Trong kháng chiến chống Pháp chống Mỹ còn thế, huống chi nay đã có hòa bình. Nhân dân hai nước vốn có truyền thống đoàn kết lâu đời, lại vừa mới kề vai sát cánh đánh đuổi kẻ thù chung qua những năm dài. Thật khó mà giải thích ngay được thực chất cuộc tàn sát nhân dân ta của tập đoàn phản động Pônpốt - Iêng Xari. Chỉ có một điều ray rứt đắng cay là mình đã thiếu cảnh giác.

Khi trở về đến cầu Cần Đăng, chúng tôi gặp anh X. cán bộ quân đội về hưu, anh ấy quát đuổi theo xe chúng tôi:
– Mới thức dậy đó phải không mấy cha ... Để cho mấy thằng giặc cỏ nó làm trời. Chán mấy cha quá!

Chúng tôi không ai nói ai. Biết anh nóng ruột và tuy chủ quan nhưng anh có lý là nếu ta cảnh giác đầy đủ thì không thể để diễn lại cảnh Núi Dài ở Tân-Lập đêm qua. Nhưng cho bọn Pônpốt là giặc cỏ thì không đúng. Ít lâu sau đó mới rõ ra là sau ngày 17/4/1975 chúng nó đã  gấp rút xây dựng nhiều sư đoàn chủ lực trang bị rất mạnh, cùng với một hệ thống quân địa phương rất đông có đến hai mươi vạn tên. Chúng nó đã dốc vào biên giới Tây nam Tổ Quốc ta một cuộc chiến tranh tổng lực toàn điện. Đằng sau chúng, và ngay trong đội ngũ chỉ huy của chúng là bọn phản động Bắc kinh, chớ một mình Pônpốt - lêng Xari thì cho ăn vàng chúng cũng không dám đánh Việt Nam chứ đừng nói cho ăn kẹo.

Thế đấy, nhưng khi bước vào cuộc chiến đấu, Binh đoàn được lệnh: "Chỉ tiêu diệt địch trên đất ta, không sang đất Kampuchia; Cố gắng bắt sống địch nhiều mà giết ít thôi". Chiến sĩ ta tin tưởng tuyệt đối vào sự chỉ đạo của Đảng ta, quán triệt tinh thần nhân đạo trong chủ trương của Đảng. Dù sao binh lính của Pônpốt cũng là những người lao khổ, con em của nhân dân Kampuchia, nạn nhân của Bắc Kinh và bọn Ăng-ca ác ôn.

Chúng ta cũng không mắc mưu của bọn thủ phạm đầu sỏ muốn gây hận thù giữa hai dân tộc Việt Nam-Kampuchia. Dưới làn mưa đạn, trên hàng chục vạn quả mìn của chúng, nhân dân ta xây dựng ấp xã chiến đấu. Trong lúc đắp con đê theo đường biên giới để tỏ thiện chí hơn là đắp chiến lũy, chúng ta cũng móc đất từ phía Việt Nam lên, ta không lấy một hòn đất của nước bạn.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Mỹ mạnh là như thế, chúng nó đã dày đạp khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17, thế mà ta chưa từng lên tiếng yêu cầu một tổ chức quốc tế nào đến giám sát. Nhưng lần này ta đã mấy lần nêu yêu cầu đó, kể cả một tổ chức của Hội đồng Liên hiệp quốc cũng được, để giám sát biên giới.

Như Sơn Tinh luôn luôn vươn cao hơn mực nước ác độc của Thủy Tinh, chiến sĩ ta đã phát huy trí tuệ và tinh thần, đánh thắng quân địch trong giới hạn chật hẹp do điều kiện chính trị quy định. Trong lúc đó một nhà bình luận đài BBC cũng thấy được rằng: "Với sức mạnh và kinh nghiệm của Quân đội nhân dân Việt Nam cộng với đống vũ khí và phương tiện chiẽn tranh của Mỹ để lại, không cần đến một tuần là họ sẽ tới Phnom-Pênh.

Trong những năm tháng giữ chốt, nắng thì cháy da, mà đã mưa thì như trời dột, ngày ruồi đêm muỗi như vãi trấu. Ruồi muỗi chui đầy vào mắt mũi, miệng tai. Dưới nước đĩa lềnh như bánh canh  lộn ngầu với xác địch nát rữa nặc mùi hôi thối. Địch cứ lẩn quẩn bu bám như đĩa đói. Chuột đông từng đàn lông dài như lông gáy heo, nó ăn xác lính Pônpốt không đủ, nó vào cắn cả gót bộ đội. Đêm ngày cứ nghe tiếng súng, tiếng ễnh ương cóc nhái triền miền đơn điệu, lạnh lùng, buồn tẻ.

Trước mặt là bãi chiến trường chỉ có đồng hoang, cây thốt nốt, quạ, kên kên. Có con kên kên bị lạc đạn to bằng con gà tây, anh em thiếu thức ăn, tìm đủ cách nướng xào ướp đủ thứ gia vị mà nó vẫn tanh hôi không thể nào ăn được. Lính Pônpốt là những thằng lính mình trần trùng trục, miệng ngậm ngãi, vai vác súng, quấn quanh mình toàn là đạn, lựu đạn và một giỏ lá thốt nốt đựng cơm với một con mắm bò hóc nhỏ hơn ngón tay út. Nó chui nó rúc như dòi, nằm nước phơi nắng như trâu. Nó cũng "nhứt điểm lưỡng tiện" "Đầu nhọn đuôi dài", nó tập trung nhiều ĐKZ, 12 ly8, B40, B41, cối 82, 120 ly xếp hàng thành nhiều tầng lớp nó dùi cho thủng một điểm rồi chui vào đánh "nở hoa trong lòng địch". Nhưng trứng đâu có khôn hơn gà được, chúng mày chết kẹt trong mười sáu chữ giáo điều: "địch mạnh ta tránh, địch yếu ta đánh, địch dừng ta quấy, địch chạy ta đuổi" nên dễ bị dụ vào chỗ chết. Tuy vậy nó cũng gây cho chúng ta căng thẳng, không phải ác liệt kiểu B52, máy bay phản lực, đại bác 175 ly, xe tăng bầy của Mỹ, mà căng thẳng triền miên dai dẳng về ruồi muỗi, chuột, nắng mưa và những loạt đạn súng máy, cối ĐKZ, 105 ly bay đến không biết lúc nào. Căng thẳng vì hở một chút là nó lẻn vào giết dân đốt nhà, vì đại pháo 130 ly tầm bắn đến 27 km nó bắn luôn vào thị xã, thị trấn của ta; mà muốn triệt được pháo nó, chỉ có cách tốt nhất là đánh chiếm nơi nó đặt pháo bên đất Kampuchia. Mà việc ấy thì ta chưa được phép làm. Có anh em trong Bộ tham mưu nói rằng: "ta mới chỉ được phép đánh địch bằng cánh tay trái thôi".

Thế nhưng chỉ cần lui lại phía sau tuyến chốt chặn năm ba cây sõ thì có đủ áo xanh, áo đỏ, hon-đa, xe đạp, cà-phê, hủ tiếu, nước mía ... Anh em chiến sĩ thường nói với nhau, cuộc chiến tranh này đặc biệt như thế nào chỉ có cấp trên, những người đang chiến đấu phía trước, các nhân viên trong Quân Y viện và những người ở gần các nghĩa trang liệt sĩ biết thôi.

Trong những ngày tháng tình hình phức tạp như thế, cấp trên luôn luôn đi sát phía trước. Có thể nói tuần nào cũng có một phái đoàn nghiên cứu của các học viện, nhà trường, binh quân chủng, các cơ quan của Bộ đến đơn vị, ra phía trước nghiên cứu. Các đoàn đại biểu đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố, các đoàn nghệ thuật ... cũng đi thăm bộ đội trên các tuyến phòng thủ. Các tỉnh trong nội địa và nhất là thành phố Hồ Chí Minh gởi ra phía trước những tiểu đoàn địa phương, và những đội Thanh niên Xung phong.

Binh đoàn chúng tôi cùng với Binh đoàn 3 cập kè nhau trên tuyến biên giới như hai anh em sinh đôi. Chúng tôi thường trao đổi kinh nghiệm với nhau từ phương thức chiến đấu đến việc báo đảm hậu phương. Các anh Kim Tuấn và Phí Triệu Hàm thường đến Sở chỉ huy chúng tôi. Có hôm, anh Kim Tuấn bảo với tôi rằng: "Mình vất vả thế mà có anh em ở phía sau chê ỏng chê eo, nói mình không ra làm sao hết". Anh Phí Triệu Hàm có lúc ghé lại Sở chỉ huy chúng tôi cả đêm để trao đổi kinh nghiệm.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:05:00 pm »

Nhớ một hôm, vào cuối năm 1977 tôi được phân công tổ chức cho đồng chí Ủy viên Bộ chính trị phụ trách chỉ đạo Mặt Trận Tây nam ra tận ngoài chốt tiền tiêu ở Mộc Bài. Bộ tư lệnh tư lệnh Binh đoàn rất ái ngại về việc này, vì chốt tiền tiêu đâu phải là nơi công tác đối với cương vị và tuổi tác của đồng chí ấy. Nhưng với đồng chí Ủy viên Bộ chính trị thì việc đi sát xuống tiểu đoàn, đại đội ở tất cả các hướng trên tuyến biên giới là việc thông thường của đồng chí, chúng tôi biết làm thế nào khác được. Hôm ấy đồng chí hỏi anh em chiến sĩ về cách đánh, kinh nghiệm của phân đội. Anh em cán bộ chiến sĩ gặp dịp bộc lộ tâm tình, anh em đòi tấn công sang bên kia giải quyết phức cho rồi, đó là cách đánh tốt nhất. Bằng cách trao đổi vấn đáp, đồng chí giải thích cho anh em mà tôi nhận thức được những ý chính: “Quân sự phải phục tùng chính trị và tạo điều kiện cho chính trị, ngược lại chính trị phải nhanh chóng đáp ứng và phục vụ cho thắng lợi quân sự. Quân sự, chính trị phải tạo điều kiện, tạo lực lượng, tạo thời cơ cho nhau thành thời cơ cách mạng. Ta phải giành thắng lợi trọn vẹn cả về quân sự lẫn chính trị. Dù quân sự ta mạnh đấn đâu đi nữa mà tấn công quân sự đơn thuần trong lúc điều kiện chính trị chưa đủ, thì cũng sẽ thất bại mà thôi. Ta đã hiểu rõ kẻ thù, ta cũng mong muốn góp phần xóa đi những đau khổ cùng cực của nhân dân bạn, nhưng cuộc cách mạng trên đất nước bạn là của bạn, do nhân dân bạn làm. Đó là điều khó nhất so với các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây của ra”. Đồng chí lại nhấn mạnh cho nhớ: “Dù thiên binh vạn mã đi nữa nhưng thất bại về chính trị thì cũng phải cuốn gói mà về”.

Nói thế, nhưng đồng chí vẫn lộ vẻ ưu tư. Đồng chí nhìn thấy anh em quá cực khổ, nhiều chiến sĩ cán bộ từ sau ngày giải phóng miền Nam đến nay chưa được đi phép, có đồng chí từ mặt trận trở lại ghế nhà trường ngồi chưa nóng chỗ lại trở ra mặt trận, có đồng chí chưa dựng được nếp nhà nhỏ cho vợ con … Tôi nhớ rõ, hôm ấy đồng chí nhìn xa về phía đất Kampuchia hoang tàn, rồi nhìn qua những cánh đồng lúa nhiều đám đã chín vàng bên đất Việt Nam trải rộng đến tận chốt tiền tiêu. Xong đồng chí nói riêng với tôi: “Nếu ta phản công sang 5 – 3 cây số thì có sao đâu”. Rồi đồng chí lại dặn tôi là để đồng chí về trao đổi trong Bộ chỉ huy tiền phương và xin chỉ thị Trung ương đã.

Chiều tối hôm ấy, một buổi chiều ảm đạm khét lẹt mùi thuốc súng, nhìn đồng chí bước lên xe, mái đầu bạc trắng, tôi tưởng chừng có sức nặng ngàn cân vô hình nào đó đang đè nặng lên đôi vai gầy của đồng chí.

Tôi hiểu rằng tình hình Kampuchia như đêm đen chưa có ánh một vì sao.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:05:22 pm »

Thế là ngày 6-12-1977, sau hôm đồng chí Ủy viên Bộ chính trị đến Mộc Bài độ một tuần, chúng tôi được lệnh phản công và được đánh sang đất Kampuchia 3 km, trong lúc địch đang tiến công sang Bến Cầu, Bến Sỏi, Lò Gò, Cà Tum, Lộc Ninh … có nơi sâu đến 7 – 8 km bên đất ta.

Không phải vất vả gì lắm, Binh đoàn phối hợp với lực lượng địa phương Tây Ninh, Long An đã đánh tan rã gần hai sư đoàn của địch, quét sạch hết các loại lực lượng vũ trang và tổ chức Ăng-ka của chúng trong ba huyện biên giới là: KompongRồ, Chi Phu, KompongTrạch. Nhân dân địa phương nhất loạt đứng dậy ủng hộ bộ đội Việt Nam, cùng với bộ đội vây bắt tàn quân địch còn trốn trong rừng, trong ruộng. các chiến sĩ ta nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị, chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị cấp trên, đã nêu vô vàn tấm gương chiến đấu dũng cảm ngoan cường, thương mến nhân dân Kampuchia đang mắc nạn bằng tấm lòng chân thành của người chiến sĩ cách mạng quốc tế vô sản. Đơn vị nào, binh chủng nào cũng nêu những tấm gương cứu giúp nhân dân Kampuchia như người ruột thịt: Cõng người già, nhịn đói nhường cơm cho dân, đỡ đẻ cho phụ nữ, săn sóc trị bệnh cho trẻ em. Thà bị chết ngất vì khát chớ không lấy một quả dừa ở cả những nơi không có dân. Thà ăn muối chớ không bắt một con cá dưới ruộng. Đã bị thương, một mình ngồi giữ 5 - 6 tù binh mới vừa bắn mình đó mà vẫn giữ được bình tĩnh … Chiến sĩ ta đinh ninh với nhau rằng, khi giúp nhân dân bạn thoát nạn rồi thì chỉ giữ nửa nắm cơm để đắp đầu gối về nước, còn thì để lại hết cho bạn.

Nhân dân ở phía địch cứ đêm đêm lặn lội vượt qua tuyến địch chạy về với ta. Miễn là đem được thân xác đến gặp bộ đội Việt Nam, sống chết không màng. Hầu hết những người gặp được trinh sát hoặc đến được trước chốt tiền tiêu của ta đều đã ngất xỉu. Anh em ta khiêng họ về đổ cháo, đổ sữa, cho quần, cho áo …

Dưới áp lực của cuộc phảm công ngày 6-12-1977 của ta, hàng ngũ quân đội Pôn Pốt ở biên giới phân hóa nghiêm trọng nhất là ở Quân khu 203. Pôn Pốt ra tay thanh trừng, giải tán, đổi chỉ huy đổi phiên hiệu ba sư đoàn. Nhiều cuộc binh biến diễn ra ở Quân khu 203 (Quân khu Đông ). Trước tình hình đó, lần đầu tiên bọn Pôn Pốt buộc phải đưa cuộc chiến tranh xâm lược của chúng ra công khai.

Chúng tôi được lệnh thu quân về trong ngày 6-1-1978. Nhân dân Kampuchia thấy bộ đội ta thu dây thông tin, bảo nhau bỏ tất cả, bám theo bộ đội không rời nửa bước. Ta đi đâu bà con kéo theo đó. Địch phát hiện ta lui quân, chúng bám đuổi theo giết dân. Ta phải đánh chặn bảo vệ dân. Nhiều cụ già chống gậy lọm khọm, nhiều chị hai tay nách hai con, nhiều em bé ốm gầy xanh xao, từng bước từng bước lê chân về hướng Đông. Anh em ta phải dùng tất cả các loại xe, kể cả xe pháo để chở dân. Chỉ nội trong ngày 6-1-1978, ngày lịch sử khó quên, trên đường số 1 và 13 nhân dân Kampuchia đã sang ta hơn hai vạn người. Bà con Việt nam ở Tây Ninh góp gỗ, góp gạch xây dựng làng Bến Sắn khang trang cho nhân dân Kampuchia lánh nạn.

Nhân lúc ta lui quân, bọn Pôn Pốt và bành trướng Bắc Kinh tuyên truyền ầm ĩ là chúng đã đánh ta thua phải tháo chạy để bên trong thì lên dây cót tinh thần cho binh lính chúng, bên ngoài thì lừa gạt dư luận quốc tế.

Chúng lại điều quân từ phía sau ra đánh sang Hà Tiên, Bảy Núi, bắc Hồng Ngự, Mộc Hòa, Bến Sỏi, Tân Lập, Lộc Ninh …
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:09:20 pm »

Cho đến một hôm giữa tháng 5/1978 các chốt tiền tiêu báo cáo là nghe thấy tiếng súng nổ lớn dữ dội ở hướng Preyvieng. Cùng lúc ấy các đài vô tuyến điện đều báo là nhận được tín hiệu thông tin truyền đi liên tục trên nhiều tầng sóng, lặp đi lặp lại một câu: “Chúng tôi những người chiến sĩ cán bộ Quân khu 203 nổi dậy chống Pôn Pốt, chúng tôi muốn gặp các bạn Việt Nam”. Chúng tôi báo cáo tình hình đó lên trên thì đồng thời nhận được trên thông báo là Quân khu 203 đã nổi dậy. Thế là từng toán từng tốp trinh sát có cán bộ chỉ huy kiên cường dày dạn kinh nghiệm được phái sang các khu rừng rậm nơi có căn cứ của các đơn vị thuộc Quân khu 203. Giữa mùa mưa lũ, anh em ta đạp lên những bãi mìn, những bưng rạch ngập ngụa sình lầy, những khu rừng hoang đầy những mây gai … quyết tìm bắt liên lạc với bạn. Những chốt tiền tiêu đều phái người bung ra xa. Các nơi dồn dập báo cáo về đã bắt được liên lạc với một bộ phận nổi dậy hoặc đã gặp một cô sinh viên, một anh trí thức trốn trong rừng đã hơn tháng nay … Ở đâu trong đất Kampuchia, hễ nghe tiếng súng là phái người đi đến. Có toán trinh sát sau ba ngày ra đi  điện báo về là đã đến bờ sông Mê-Kông … rồi im bặt mất hút luôn …

Những hôm ấy ở cơ quan và đơn vị phía trước phía sau đều rộn vui. Chúng tôi lại nhớ đến lời đồng chí Ủy viên Bộ chính trị: “Quân sự phục tùng chính trị và tạo điều kiện cho chính trị, còn chính trị phải nhanh chóng đáp ứng phục vụ lại cho quân sự”. Có phải chăng đây là thêm một điều kiện chính trị mới, một lực lượng cách mạng mới của bạn và cả của ta nữa. Như thế này đã đủ điều kiện để thả tay cho quân sự vẫy cùng hay chưa? Sau này chúng tôi được biết trong sự kiện ngày 28-5-1978 này, ta đã liên lạc được với các đồng chí HenSomrin, ChiaSim, Penxôvan, XútKeo, Chăn-xi, Hunxen và các lực lượng ly khai Pôn Pốt khác.

Suy nghĩ đến đây tôi lại nhớ đến đồng chí Xoai-keo, mà tôi được gặp cách đây hơn tháng, trong lúc tôi chuẩn bị chiến trường  ở một vùng biên giới. Đồng chí Xoai-keo năm nay 41 tuổi. Hồi kháng chiến chống Pháp đồng chí còn nhỏ, con một gia đình nông dân nghèo ở vùng rừng núi Đông Bắc. Lúc bấy giờ vùng quê của đồng chí có quân tình nguyện Việt Nam hoạt động. Các chú bộ đội Việt Nam mà Xoai-keo gọi là bộ đội Um-Hồ (Bác Hồ) thường đóng trong nhà Xoai-keo. Phong cách đạo đức của các chú bộ đội Việt Nam làm cho tuổi thơ của Xoai-keo quen dần trở thành nếp trong cuộc sống giản dị, bình đẳng, nhân nghĩa, dũng cảm. Sau 1954 bộ đội tình nguyện Việt Nam về nước. Nhớ các chú bộ đội của Um-Hồ, Xoai-keo hát vang rừng núi những bài hát mà các chú bộ đội đã dạy cho. Lớn lên, Xoai-keo hăng hái hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng cộng sản Kampuchia, và đến năm 1972 trở thành huyện ủy viên. Một hôm anh được chỉ thị ra đón Pôn Pốt. Pôn Pốt đến trên chiếc võng do bộ đội và cán bộ Việt Nam khiêng. Xoai-keo thấy Pôn Pốt xuống võng mà không chào cám ơn gì anh em Việt Nam đã khiêng mình cả. Anh bắt đầu có một nhận xét không tốt về con người Pôn Pốt. Sau đó hắn ra lệnh cho anh đưa du kích ra đánh tàu trên sông. Anh ra quan sát về báo cáo là thuyền của quân giải phóng Việt Nam chớ không phải của Thiệu, anh còn nhấn mạnh là không phải địch mà là ta. Pôn Pốt bảo cứ đánh! Xoai-keo đánh dấu hỏi về con người của Pôn Pốt sao không giống những người cách mạng chân chính. Từ năm 1973 thấy Pôn Pốt - Iêng Xari bắt đầu đàn áp những người dân có cảm tình với cách mạng Việt Nam, anh càng suy nghĩ nhiều. Đến năm 1975-1976 lại thấy Pôn Pốt - Iêng Xari giết hại nhân dân ngày càng nhiều, anh khẳng định chúng nó không phải là cách mạng rồi.

Nhớ cụ Hồ, nhớ Việt Nam, Xoai keo cùng với bạn là UMi dìu dắt hơn năm nghìn dân sang đất Việt để xây dựng lực lượng cách mạng.

Từ lúc gặp đồng chí Xoai Keo đến nay, qua hình ảnh người cán bộ nông dân bộc trực ấy làm cho tôi tin tưởng rằng trên đất nước Kampuchia rộng lớn, chắc chắn còn nhiều Xoai Keo mà chúng ta chưa bắt tay được đó thôi. Lực lượng cách mạng tiềm tàng này sẽ nhân lên gấp bội khi có thời cơ cách mạng …

Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Kampuchia ra đời là một sự kiện lịch sử trọng đại. Đó là kết quả của một quá trình đấu tranh cách mạng, nổi dậy chống lại chế độ phản động của Pôn Pốt - Iêng Xari bằng chính trị vũ trang của nhân dân Kampuchia. Vì vậy mà Mặt trận tuy mới ra mắt nhưng đã có uy tín chính trị vững chắc và rộng rãi trong nhân dân toàn cõi Kampuchia, cũng đã có một lực lượng vũ trang gồm mấy chục tiểu đoàn được học tập huấn luyện kỹ, thề quyết không đội trời chung với chế độ Pôn Pốt.

Bầu trời Kampuchia hôm nay đã lấp lánh những vì sao sáng. Biết đâu, giờ này, đồng chí Ủy viên Bộ chính trị lại không thao thức để lại viết lên những vần thơ mới về những người chiến sĩ ở Mặt trận phía Tây Nam của Tổ quốc.
                        *
                    *      *
Đồng chí Bộ, Phó phòng thông tin, nhắc tôi là đã đến giờ làm việc với Sở chỉ huy cơ bản của Binh đoàn. Chắc chắn là anh Hoàng Cầm, Trần Nguyên Độ, Ba Vinh, Nam Phong và các đồng chí các cơ quan các binh chủng đang tập hợp họp xung quanh máy tăng âm, chờ nghe tôi báo cáo. Còn tôi, tôi cũng mong tin tức mới nhất của các cánh quân bạn, và cần đề nghị Sở chỉ huy cơ bản dốc sức giải quyết cho một số việc để chúng tôi tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Tôi xem đồng hồ lúc này là 1 giờ ngày 6-1-1979.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 12:09:49 pm »

III
ĐƯỜNG ĐẾN MÊ-KÔNG


Ngày 6-1-1979

Đường ra phía trước thường là những con đường vui, dù đó chỉ là con đường rừng hiu quạnh, trèo đèo, lội bưng. Huống chi đường của chúng tôi đang đi ra phía trước sáng nay là con đường số 1 trải nhựa nằm giữa đồng bằng bát ngát tít tắp tận chân trời. Không máy bay địch, không đại bác nổ, chiều tối qua, quân ta đã xé toạc quân địch ra như xé một tấm vải trên đường số 1 này.

Hai bên đường, những nhà sàn bị phá nham nhở, từng đám người đủ mọi lứa tuổi ngồi chùm nhum, không phân biệt ai là dân, ai là lính địch. Họ làm như không dính dáng gì đến chuyện quân sự ở trên đường. Chưa có đội công tác của bạn nào đến đây cả.

Đoàn xe chúng tôi phải tránh những hố pháo, những ổ gà, những đống thùng đạn, những xác xe hỏng, nên chạy rất chậm. Vòm trời phía Tây trong xanh lơ lửng những gợn mây mỏng màu da cam. Trên cánh đồng hoang, đàn cò trắng hốt hoảng chao lượn như những tờ giấy trắng gặp ngọn gió xoáy. Hàng thốt nốt đứng sừng sững, trơ trọi lặng thinh giữa trời như những cụ già Khơ-me chất phác.

Đêm qua là đêm thứ sáu, mọi người phía trước phía sau đều thức trắng.

Các đơn vị của Đoàn 7 và hai tiểu đoàn số 2 và số 7 quân giải phóng Kampuchia, được Tiểu đoàn 2 xe tăng chi viện đã chiếm bờ Đông bến phà Neak-lương đêm qua! Bộ đội ta tiến như vũ bão, nội ngày hôm qua đã chẻ quân địch ra mà tiến hơn 40 cây số. Các sư đoàn của Pôn Pốt từ đường Mười, Chi-Phu, Công-Pông-Rồ chạy tan tác về phía Tây không kịp phá cầu, không kịp đốt kho. Phà Neak-lương bị máy bay ta oanh tạc, trôi lềnh bềnh về phía hạ lưu. Chúng bỏ lại toàn bộ xe pháo, giựt thuyền của dân và ôm tất cả những vật gì nổi được bơi sang bờ phía Tây. Số chạy không kịp bị ta bao vây bắt sống gần hai ngàn tên. Nhân dân bị chúng lùa đến đây cũng ùn lại dọc bên bờ sông. Trong đêm tối họ reo mừng inh ỏi, họ gọi to: “Bộ đội giải phóng ơi! Đừng bắn, không còn Pôn Pốt đâu”. Được bộ đội đến giải phóng kịp thời, đang đêm nhân dân tháo ngược trở lại hướng Svay-riêng.

Gần đến cầu Kompong-Trabéc một đồng chí ngồi cùng xe chỉ cho tôi ba chiếc PT85 của địch bị ta bắn cháy trên cánh đồng.

Không ngờ hai bên đường 1 lại hoang tàn đến thế. Thị trấn Kompong-Trabéc (nghĩa là bến Cây ổi) trước đây rất đông người. Trong kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, chúng tôi thường qua lại chỗ này, Tra-béc xuống Tà-lô, sang Đồng Tháp Mười, lên Châk, Tiêm-phờ-lơn, Orăng-âu về chiến khu A (bắc tây Ninh) đông vui nhộn nhịp lắm. Từ trước tới nay nhân dân ta đoàn kết với nhân dân Kampuchia, giúp cách mạng Kampuchia hết sức tận tình trên tinh thần quốc tế vô sản chân chính. Nhưng từ 72 – 73 đến nay, bọn bành trướng Bắc Kinh đã lôi kéo được tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari  và từ đó chúng bắt đầu trở mặt. Chúng dùng bè cánh ở Quân khu Tây Nam do tên Tà-mốc làm Bí thư  kiêm Quân khu trưởng, giết hại cán bộ, thương binh của ta, trước nay vẫn mượn một đoạn đường ở Mỏ Vẹt này để đi từ miền Tây lên miền Đông. Vũ khí từ miền Đông ta tải xuống cho miền Tây, lớp thì chúng phục kích cướp giựt, lớp thì chúng đề ra nguyên tắc chia đôi, chúng đòi toàn súng đạn loại lớn mà ta đang cần để đánh Mỹ. Gạo từ miền Tây ta tải lên chúng lấy phân nửa rồi bán lại cho ta với giá cao ở miền Đông. Mỗi lần Trung ương cục của ta thông báo tình hình ấy cho Pôn Pốt thì chúng đổ lỗi cho quân khu Tây Nam làm sai. Nhưng nhân dân Prey-Veng và Svay-riêng thì rất thương bộ đội Việt Nam. Lại thêm các đồng chí chủ chốt trong ban lãnh đạo quân khu có chân trong Trung ương của PônPốt như Su-Va-na mà chúng tôi quen gọi là anh Mười Su và anh Năm Sang (cũng lấy vần đầu tên anh) là những đồng chí chí cốt chí tình, biết phân biệt phải trái, đúng sai. Anh Mười Su! Anh Năm Sang! Chúng tôi không bao giờ quên các đồng chí cũng như các đồng chí khác. Khi tập đoàn PônPốt – Iêng Xari đã lộ nguyên hình là những tên phản bội, tay sai của Bắc Kinh, các anh đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của Quân khu 203 hồi tháng 5/1978. Lúc biết các anh gặp khó khăn, bộ đội Việt Nam đã tìm mọi cách để cứu nhưng không còn kịp nữa, chúng đã giết các anh rồi. Còn nhân dân các huyện biên giới được giải phóng từ những năm 1970 thì sau ngày 17/4/1975 chúng quy là dân loại 3 và đầy ải lên vùng rừng sâu nước độc giáp biên giới Thái lan, chúng đẩy dân các tỉnh khác lấp vào các huyện biên giới.

Cũng như các thị trấn khác, KomPong-Trabéc chỉ còn trơ những chân tảng xi măng lẫn cỏ dại. Dừng xe lại nhìn phía Phum Ampil cũ, tôi cố moi trí nhớ tìm cây me nhà cụ Sóc, ông già cụt một chân đã dám dùng rựa chém đứt cổ tên lính ngụy NonLon để giành lại đôi bò … Nhà cụ rộng rãi chỉ có hai vợ chồng già và đứa cháu nội, con lớn đã ra ở riêng, thằng Út thì đi tu. Đã đến Tra-béc mà không ghé nhà thì cụ giận lắm. Cụ thích chúng tôi ngoài tính tình hợp với cụ , còn vì chúng tôi biết thưởng thức món ếch ương phơi khô nướng nhắm rượu thốt nốt.

Đứa cháu gái cưng của cụ là Mờ-ni, năm ấy 12 tuổi. Cháu rất thông minh. Chúng tôi học tiếng Kampuchia ở cháu và dạy lại cháu  tiếng Việt Nam. Lúc đầu chúng tôi xưng “Pu” (chú), cháu bảo: “Um lớn hơn Âu Mờni mà, Mờni kêu bằng Um-Vu  mà” (Bác Vũ). Một hôm thấy con cò bay ngoài ruộng, Mờni hỏi:
- Con chim đó Việt Nam kêu bằng gì?
- Con cò, “Con cò lặn lội bờ sông. Bắt tép nuôi chồng công tác đường xa”.

Tôi giải thích câu ca dao đó, Mờni  thích lắm. Cháu dạy lại cho các chị bên cạnh cùng học tiếng Việt Nam với cháu. Học tiếng nước ngoài mà học ngụ ngôn ca dao là dễ nhớ từ lắm. Cháu phát âm rõ nhưng không đúng dấu nghe dễ thương quá. Mỗi lần qua lại nhà là tôi bắt cháu nói: “Um-Vu ơi! Con cò lắng lói bờ song …” Tôi ôm bụng cười đến chảy nước mắt.

Cây me mà cụ Sóc hay cột bò vẫn đứng đó. Cụ, cháu Mờni và bà con Phum Ampil giờ ở đâu?
Logged
Trang: 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM