Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:37:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày truyền thống của QC Hải quân với hai trận đầu đối hải-đối không  (Đọc 64813 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« vào lúc: 13 Tháng Tám, 2007, 05:40:47 pm »

Đã qua ngày 02 và 05 tháng 08 lâu rồi. Nhưng hôm nay tớ mới vào được. Xin gửi các bác tham khảo về trận đầu của HQND Việt Nam với HQ HK. Đây là các tư liệu trên QĐND. Đã kiểm chứng bằng hiểu biết bản thân. Tin được.
Đuổi tàu Ma-đốc: Hai bài học về tác chiến biển Nguồn: Báo QDND ngày 31 tháng 7 năm 2004
Đêm mùng 2-8-1964, phân đội 3 Hải quân nhân dân Việt Nam gồm 3 chiếc tàu phóng lôi nhận lệnh lên đường đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của đế quốc Mỹ đang ngang nhiên xâm phạm vùng chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Nhận lệnh, cả 3 chiếc tàu khẩn trương làm công tác chuẩn bị chiến đấu và rời khỏi cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh) để cơ động vào khu vực phía nam hòn Nẹ (Thanh Hoá) đợi tàu địch. 13 giờ ngày 2-8, cả 3 chiếc tàu phóng lôi của ta lại được lệnh cơ động về khu vực hòn Mê chờ địch. Thế nhưng lúc này tàu Ma-đốc của địch đã ở đông hòn Nẹ, cách các tàu phóng lôi của ta gần 14 hải lý. Khi nhận được lệnh công kích tàu địch, các tàu phóng lôi của ta nhanh chóng tăng tốc, bám sát mục tiêu. Khi giữ được khoảng cách và chiếm được góc mạn thích hợp, cả ba chiếc tàu của ta đã lần lượt thực hành phóng lôi để tiêu diệt tàu địch. Do tàu địch có tốc độ lớn hơn, lại có nhiều phương tiện chiến đấu hiện đại, nên ngư lôi của ta phóng ra đã bị địch phá huỷ trước khi tiếp xúc thân tàu. Tuy vậy, Ma-đốc đã bị pháo 14,5mm của các tàu ta bắn bị thương, phải rút chạy ngay khỏi vùng biển nước ta. Phía ta, cả ba tàu đều bị máy bay địch oanh kích và bị thương, nhưng cơ động được về bến.
Việc ta sử dụng tàu phóng lôi tiến công tàu Ma-đốc của Mỹ sau này đã bị quân địch xuyên tạc và dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” nhằm tạo cớ leo thang bắn phá miền Bắc và các căn cứ hải quân của ta suốt từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Cũng chính từ sự leo thang của đế quốc Mỹ mà chúng đã phải trả giá đắt với 8/40 chiếc máy bay của địch bị quân và dân ta bắn cháy, bắn rơi tại chỗ, cùng hàng chục chiếc khác bị thương. Sự thất bại của không quân Mỹ ngày 5-8-1964 đã đem lại chiến thắùng đầu tiên hết sức to lớn và đầy ý nghĩa đối với lực lượng hải quân và phòng không Việt Nam trước một tên đế quốc sừng sỏ.
Tuy nhiên, cũng từ trận chiến đấu đánh đuổi tàu Ma-đốc của Mỹ, chúng ta đã rút ra những bài học quan trọng trong tác chiến trên biển với một đối tượng hơn hẳn ta về vũ khí, trang bị.
Bài học thứ nhất: Sử dụng lực lượng hợp lý, chuẩn bị chiến đấu chu đáo.
Trong trận đánh đuổi tàu Ma-đốc ta sử dụng 3 tàu phóng lôi, mỗi tàu được trang bị hai quả ngư lôi và một số loại súng pháo. Thực tế, tàu Ma-đốc của địch là loại tàu khu trục lớn, cơ bản hoạt động độc lập, vì vậy, nó có khả năng tự bảo vệ cao. Ngoài ra, nó lại được chi viện bằng không quân từ các tàu sân bay đậu gần đấy nên uy lực không ngừng được tăng lên. Chính vì vậy để có thể tiêu diệt gọn loại tàu khu trục lớn của địch ta cần phải sử dụng lực lượng lớn hơn và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về vũ khí, phương tiện, phương án tác chiến…Việc chuẩn bị phương tiện và vũ khí cho tác chiến trên biển có vị trí hết sức quan trọng, bởi mỗi con tàu thực chất là một trận địa di động trên biển. Khi con tàu ngừng hoạt động hay vũ khí bị hỏng hóc… đồng nghĩa với việc nó trở thành mục tiêu lộ cố định trên biển cho các loại hoả lực của địch bắn phá. Trong trận chiến đấu này, các tàu phóng lôi của ta sau khi phóng lôi xong, đến giai đoạn thực hành đánh máy bay địch thì hầu hết vũ khí và phương tiện đều bị trục trặc (tàu 339 cả hai loại súng trung liên và 14,5mm đều bị hỏng; tàu 333 khi tiếp cận tàu địch thì chỉ còn một quả ngư lôi, một quả trước đó phải phóng bỏ vì không an toàn; tàu 336 bị hết dầu giữa đường do bị bắn thủng két dầu…). Việc chuẩn bị mạng thông tin liên lạc cho tác chiến biển cũng còn những hạn chế. Trong suốt quá trình chiến đấu, mạng thông tin liên lạc giữa phân đội tàu với trung tâm chỉ huy liên tục bị gián đoạn. Do đó, việc điều động lực lượng hỗ trợ đánh trả không quân địch gần như không thực hiện được.
Bài học thứ hai: Nắm vững thời cơ xuất kích, vận dụng các thủ đoạn chiến đấu linh hoạt, sáng tạo.
Tác chiến trên biến đối với bất kỳ đối tượng nào, thời cơ xuất kích đều rất quan trọng.Tiếp cận địch nhanh, đón đầu được hướng đi của địch thì mới có thể chiếm được góc mạn có lợi nhất để thực hành công kích. Khi thực hành phóng lôi, hoặc sử dụng các loại hoả lực khác, đều phải có sự hiệp đồng chặt chẽ, để cả phân đội đồng loạt công kích mới đem lại hiệu quả cao. Trong trận chiến đấu này, tàu ta bị hạn chế về tốc độ, nên không chiếm được góc mạn có lợi theo yêu cầu chiến thuật mà hầu hết các tàu đều phải phóng lôi ở góc từ 80 đến 120 độ, cự li từ 6-7 liên, do vậy hiệu quả rất hạn chế. Mặt khác, các tàu lại không áp dụng thủ đoạn phóng lôi đồng loạt mà phóng lần lượt từng tàu, nên địch có điều kiện và thời gian để đối phó...
Ngày nay, Hải quân nhân dân Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc, đủ sức đáp ứng  yêu cầu bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc. Nhưng để đối phó với các thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù thì lực lượng hải quân cần phải tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng phương tiện, trang bị. Mặt khác, phải tăng cường huấn luyện, bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ sử dụng thành thạo vũ khí trang bị, các phân đội thường xuyên được luyện tập hiệp đồng theo các phương án tác chiến trên biển... Có như vậy lực lượng hải quân mới có thể luôn luôn giữ vững vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Chín, 2007, 04:51:45 pm gửi bởi Tunguska » Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #1 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 08:24:54 am »

40 năm "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ".
Nguồn báo Thanh Niên ngày 30 tháng 07 năm 2004
Sau khi lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963, người Mỹ nghĩ đến việc đánh phá miền Bắc, triệt tiêu sự hỗ trợ của hậu phương lớn. Một loạt hoạt động quân sự được đẩy mạnh, trong đó có việc sử dụng hải quân do thám bờ biển và gây hấn, lấy cớ phát động chiến tranh. Cuộc đánh đuổi tàu khu trục Maddox ra khỏi hải phận Việt Nam ngày 2-8-1964 ngay sau đó được phía Mỹ la toáng lên rằng Hải quân Việt Nam tấn công tàu chiến Mỹ trên hải phận quốc tế với cái tên "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ".
Trận thư hùng trên vùng biển Thanh Hóa 

Đêm 31-7-1964, Maddox, một con tàu khu trục đa năng với 350 sĩ quan và binh lính và mang số hiệu DD731 thuộc hạm đội 7 của hải quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 17 và ngược lên phía Bắc, tiến vào vùng biển Quảng Bình, sau đó tiếp tục đi sâu vào vùng biển Nghệ An để điều tra hệ thống bố phòng của Hải quân Việt Nam ở ven biển miền Trung. Có nơi, Maddox vào gần tới 5-6 hải lý khiến cho các đài quan sát có thể nhìn rõ số hiệu 731 qua ống nhòm. Sáng 1-8, Maddox bắn vào Hòn Mê, Đèo Ngang. 
Nhận lệnh của Bộ tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam, phân đội 3 của tiểu đoàn phóng lôi 135 gồm ba tàu T333, T336 và T339 được lệnh rời quân cảng Vạn Hoa ở Hòn Gai chuẩn bị đánh đuổi tàu chiến Mỹ. Đây là ba con tàu loại 123K do Liên Xô chế tạo, tốc độ cao nhất của tàu đạt 52 hải lý nhưng chỉ có thể khai thác trong 20 phút. 123K được trang bị hai quả ngư lôi. Ngoài ra, tàu chỉ có súng máy 14,5mm và súng bộ binh. Theo đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên thuyền trưởng tàu 333 thì loại tàu phóng lôi này chỉ để đánh tàu vận tải hoặc các mục tiêu cố định trên biển, nếu đánh tàu khu trục có tốc độ cao, phải dùng đến 12 chiếc 123K, xếp theo hình nan quạt và... đồng loạt phóng 24 quả ngư lôi! Trong khi đó, Maddox có tốc độ 38 hải lý, trang bị rất mạnh với sáu đại bác 127mm, 12 pháo 40mm, năm giàn ngư lôi, bom chìm, bom phóng và sự yểm trợ của không quân.

Từ Hòn Mê, Thanh Hóa, 13 giờ 50 ngày 2-8, phân đội 3 xuất kích, 14 giờ 52, phân đội phát hiện tàu Maddox ở phía đông nam Hòn Nẹ, Thanh Hóa. Thấy tàu Hải quân Việt Nam xuất hiện, Maddox bắn dồn dập. 15 giờ 26, tàu 339 tiếp cận mạn phải Maddox ở cự ly 6 liên (khoảng 1 km), phóng ngư lôi và rời khu vực tác chiến song ngay sau đó bị máy bay Mỹ bắn trúng máy trái, tàu ngừng hoạt động. Một phút sau, đến lượt tàu 336 tiếp cận Maddox và phóng lôi. Tàu địch thả bom chìm chặn lôi và máy bay phóng tên lửa làm thuyền trưởng Nguyễn Văn Tự hy sinh trên đài chỉ huy, chiến sĩ Nguyễn Văn Hường tiếp tục lái tàu và cùng tàu 339 đánh trả máy bay Mỹ bằng súng máy 14,5mm.

15giờ 28, tàu 333 tiếp tục phóng ngư lôi và bị tàu địch chặn lôi bằng bom chìm. Không còn vũ khí mạnh, các tàu phóng lôi của ta tiếp cận tàu địch khiến pháo lớn của tàu địch mất tác dụng và dùng súng máy 14,5mm quét mặt boong khiến cho lính Mỹ chạy trốn tán loạn, các loại hỏa lực mặt boong câm bặt. Cuộc chiến kết thúc lúc 17giờ, kết quả ta đã đánh đuổi được tàu Maddox, bắn rơi một máy bay, bắn cháy một chiếc khác, về phía ta, bốn đồng chí hy sinh, sáu người bị thương, hai tàu 336 và 339 hư hỏng.

Gặp lại những người anh hùng
Sau sự kiện tàu khu trục Maddox bị đánh đuổi ra khỏi hải phận Việt Nam ngày 2-8, ngày 5-8-1964, 40 máy bay Mỹ từ các tàu sân bay thuộc hạm đội 7 đã hơn 100 lần xuất phát tấn công các vị trí của Hải quân Việt Nam từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.

Tại Cửa Hội và TP Vinh, tám máy bay Mỹ vào ném bom đã bị phân đội 7 và 5 Hải quân đánh trả; tàu 187 bắn rơi một máy bay Mỹ. Tại cửa Ròn, cảng Gianh, các tàu 183, 181, 173, 175, 177 đánh trả một tốp tám máy bay khác, bắn cháy một chiếc, bắn bị thương một chiếc khác. Tại Lạch Trường, Thanh Hóa, hai tàu 333, 336 vừa đánh tàu Maddox trở về đã cùng các tàu tuần tiễu 130, 132, 146 bắn rơi hai máy bay Mỹ. Trong trận này, pháo thủ Đặng Đình Lống bị thương cả hai chân đã buộc thân mình vào súng máy 14,5 mm và chiến đấu đến lúc hy sinh, chính anh đã bắn rơi một máy bay AD6 khi nó bổ nhào. Anh đã trở thành một tấm gương bất tử của Hải quân nhân dân Việt Nam. Khẩu pháo 14,5 mm thấm máu người chiến sĩ quê Thanh Hóa nay được trưng bày trong Bảo tàng Hải quân ở TP Hải Phòng. 

Tại vùng biển Hòn Gai, Cẩm Phả, các tàu 144, 134, 122, 124 và căn cứ hải quân Bãi Cháy cùng các lực lượng phòng không bắn rơi hai máy bay Mỹ. Trung úy E.Alvarez là phi công Mỹ đầu tiên bị bắt sống trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Viên phi công này bị bắt bởi ba người dân chài trên đảo Cô Tô đang dong thuyền buồm vào thăm bà con ở Hòn Gai nhân một ngày đẹp trời ! "Chủ trì" cuộc bắt tù binh nhảy dù rơi xuống biển 40 năm trước là ông Nguyễn Kim Bảo, nay 75 tuổi đang sống ở Ngã ba Cọc 6 thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. 

Theo sáng kiến của Bộ Tư lệnh Hải quân, một cuộc gặp gỡ cảm động giữa những người đã tham gia vào trận thắng đầu tiên của quân chủng vừa được tổ chức. Nói về trận đầu 2-8-1964, đại tá Nguyễn Xuân Bột kể lại: "Thường thì tàu chiến sơn màu xám, nhưng Maddox cao to như cái nhà tây lại sơn trên trắng dưới xanh như tàu buôn. Pháo nó bắn lên không nghe tiếng, chỉ thấy khói phun lên vàng khè, đến khi đạn nổ bên cạnh mình mới biết". Đại úy Nguyễn Văn Giản, nguyên thuyền trưởng tàu 339 nhớ lại: "Maddox bắn ta trước, từ 80 liên (8 hải lý) nó đã bắn ghê gớm lắm rồi, đạn pháo khiến tàu tôi chòng chành và làm chúng tôi không thể đi theo đội hình tấn công được, cứ lao vào mà phóng ngư lôi thôi". 

Ông Đinh Xuân Tòng, máy trưởng tàu 139 kể lại: "Tàu tôi bị bắn cháy máy bên trái, tôi đập hai thùng khói mù, máy bay địch tưởng tàu tôi cháy, lảng ra. Thế là tôi nạp lại khí nén, nổ máy chạy về". Chiến sĩ ra-đa Nguyễn Văn Luyện trên tàu 336, nay là một ông già đã rụng hết răng thì nói: "Lúc vào gần tàu Maddox quá, ra-đa hết việc, tôi ôm trung liên lên boong bắn máy bay. Nhưng tôi tiếc là chưa có dịp kể cho con cháu nghe chuyện này!". 

Đại tá Hoàng Kim Nông, người từng chiến đấu ở Cửa Hội ngày 5-8-1964 trên tàu 187 kể lại: "Tôi nhớ rõ thuyền trưởng Nguyễn Văn Tiếu; anh ấy trúng đạn, tay trái gần đứt lìa đến vai, liền bảo mọi người cắt đi cho đỡ vướng và tiếp tục chỉ huy chiến đấu". Gần 80 tuổi, ông Tiếu (nay sống ở Xuân Tân, Thọ Xuân, Thanh Hóa) đáp lại: "Cánh tay gần đứt rơi, lủng lẳng vướng víu quá, tôi bảo anh Liêm cơ điện cắt giúp, nhưng cậu ấy không dám, thế là tôi phải giắt nó vào cạp quần rồi dùng tay phải lái tàu. Tôi cũng có một đứa con đi hải quân, bốn mươi tuổi cũng vợ muộn, giống tôi". Trận ấy tàu 187 có 30 người, chỉ năm còn nguyên vẹn! 

Ấn tượng lớn nhất khi tham gia trận đánh ngày 2-8 là gì? Ông Nguyễn Văn Ngồng, chiến sĩ thông tin trên tàu 339, nay sống ở thị trấn Mạo Khê, Quảng Ninh đáp ngắn gọn: "Tôi sướng nhất là khi thấy tàu Maddox rút chạy, có thế thôi !"

Ghi chú của baoleo: Maddox là tàu khu trục đa năng, đóng năm 1942 và hạ thủy năm 1944. Tàu dài 114,75 mét, rộng 12,44 mét, lượng giãn nước 2.200 tấn. Công suất 60.000 mã lực, tốc độ 38 hải lý/giờ. Trang bị hai ụ pháo 127mm x 2 nòng, 12 pháo 40mm, ngư lôi 5 giàn x 2 quả... Quân số 350 người. Đã tham gia chiến tranh thế giới thứ 2, tham gia hạm đội 7 trong chiến tranh Việt Nam. Sau đó được bán cho hải quân Đài Loan


 



Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #2 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 08:33:55 am »

Bản hùng ca trên biển
Nguồn: báo QDND ngày 02 tháng 08 năm 2004
40 năm sau "Sự kiện vịnh Bắc Bộ", chúng tôi đã gặp gỡ các nhân chứng của sự kiện này để trả lời cho câu hỏi: Vì sao hải quân nhân dân Việt Nam với trang bị còn thô sơ, nhưng đã đánh thắng chiến hạm và máy bay Mỹ hiện đại gấp nhiều lần?
Còn một tàu vẫn tiến công
(Hỏi chuyện Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên Phân đội trưởng phân đội 3 kiêm thuyền trưởng tàu 333, tiểu đoàn tàu phóng ngư lôi 135. Ông Bột nay đã 74 tuổi, về hưu ở xã Yên Bằng-Ý Yên-  Nam Định).


PV: - Thưa ông, phân đội 3 hồi ấy có bị bất ngờ trước "Sự kiện vịnh Bắc Bộ"?

Ông Nguyễn Xuân Bột: Hoàn toàn không! Sự thật thì từ đêm 31-7-1964, tàu khu trục Maddox đã xâm phạm vùng biển  Quảng Bình, sau đó tiến ra phía bắc, điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở khu vực Đèo Ngang, Hòn Mê, Lạch Trường... Tất cả các hoạt động đó đều bị các đơn vị ra-đa, quan sát của ta theo dõi chặt chẽ và báo về cấp trên kịp thời.

Trước đó nữa, tháng 6-1964, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị: "Các lực lượng vũ trang trên miền bắc phải sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết tiêu diệt địch nếu chúng xâm phạm miền bắc". Thực hiện chỉ thị đó, quân chủng Hải quân chuyển sang trạng thái thời chiến từ ngày 6-7-1964. Riêng các tàu phóng lôi luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

- Và khi có lệnh, phân đội 3 lên đường ngay?

- 10 giờ đêm ngày 1-8, phân đội tôi lắp ngư lôi xong, gần 1 giờ sáng ngày 2-8 được lệnh rời cảng Vạn Hoa hành quân vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa), sau đó tiếp tục tiến vào Hòn Mê. Đêm ấy động giời, gió rất to nên mãi 12 giờ 30 phút ngày 2-8, phân đội mới đến được Hòn Mê và thả neo, ngụy trang tàu ở khu tây bắc đảo, đợi lệnh. 14 giờ,chúng tôi phát hiện một tàu mầu trắng rất to ở nam Hòn Mê. Anh Dương Quang Công, kỹ thuật viên ra-đa báo cáo đó chính là tàu Maddox mang số hiệu 731. Ít phút sau, Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân (đóng ở sông Gianh - Quảng Bình) lệnh cho phân đội 3 xuất kích.

- Thưa ông, theo nguyên tắc chiến thuật, muốn đánh khu trục hạm như Maddox, tàu phóng lôi phải nằm trong đội hình của nhiều loại tàu khác như tàu tên lửa, tàu pháo...

- Đúng thế, hoặc phải có ít nhất 12 chiếc phóng lôi. Tàu phóng lôi của chúng tôi hồi đó còn thô sơ, dài 20m, rộng 3,4m và lắp 2 quả ngư lôi nặng 1 tấn, có 1 bệ pháo 14,5mm hai nòng. Trong khi đó, tàu Maddox hiện đại. (1)

Thế nhưng đất nước mình lúc đó còn nghèo nên không thể đòi hỏi gì hơn. Chúng tôi là người lính, điều quan trọng là phải dám đánh, quyết đánh và đánh thắng địch.

- Vì thế cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt?

- Khi phát hiện ba tàu phóng lôi của ta, tàu Maddox tháo chạy về cửa Ba Lạt (Nam Định). Tôi ra lệnh: bám tàu địch, ép nó vào bờ, ra-đa mở sóng bắt mục tiêu. Khi chúng tôi cách Maddox chừng 6 hải lý, pháo trên tàu địch bắn dữ dội vào đội hình phân đội. Cùng lúc, trên bầu trời 5 máy bay địch liên tục quần thảo và bắn rốc-két. Tàu 339 bị vỡ ống thoát hơi máy trái, tàu 336 cũng bị trúng đạn, thuyền trưởng Phạm Văn Tự hy sinh. Hai tàu đó buộc phải thả trôi, vừa tập trung dập lửa, sửa chữa hỏng hóc trên tàu vừa ngoan cường đánh trả máy bay địch bằng súng 14,5mm và trung liên.

Đội hình bị chia cắt, mũ công tác của tôi bị đứt dây nên không liên lạc được với trên và đội hình chiến đấu. Pháo địch vẫn bắn dữ dội, tàu 333 bị chúng bắn vỡ quả ngư lôi trái, khói bốc lên mù mịt. Tôi ra lệnh giật nó xuống biển, đồng thời nghiến răng đè lái (lúc này tàu bị lệch do chỉ còn một quả ngư lôi bên phải), đồng thời tăng tốc độ 52 hải lý/giờ. Khi cách tàu Maddox đốc 6 liên (1 liên bằng 0,1 hải lý), tiếp cận được mạn phải tàu địch ở góc 80 độ chúng tôi xông vào vừa bắn quét mạn tàu vừa phóng ngư lôi. Quả ngư lôi rẽ sóng chạy trên mặt nước như con cá kình rồi phát nổ ngay mũi tàu ếch, khói bốc lên mù mịt. Đồng chí Đạt, chiến sĩ ngư lôi hô to: "Nó trúng ngư lôi của tôi rồi". Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều nhảy lên reo mừng.

Sau khi ra khỏi tầm bắn của Maddox chúng tôi đang thay nòng pháo 14,5mm thì bị máy bay địch tấn công. Tàu bị một loạt rốc-két trúng vào mạn trái. Mặc, cán bộ, chiến sĩ trên tàu vừa sửa chữa vừa đánh trả cho đến khi chúng rút chạy. Nhá nhem tối, chúng tôi đi tìm hai tàu còn lại. Gặp được tàu 336 lúc này bị thủng và vỡ ba két dầu, chúng tôi kéo về Sầm Sơn lúc 12 giờ đêm. Con tàu 339 tự về Hòn Nẹ.
(Tài liệu của BTL Hải quân: Trong trận này, phân đội 3 đã bắn cháy 1 máy bay, bắn bị thương một chiếc khác. Tàu Maddox bị trúng đạn buộc phải rút chạy ra xa).

Cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối
(Chuyện kể của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kim Nông, nguyên chiến sĩ tàu 187, phân đội 7, khu tuần phòng 2)

- Như bác Bột đã nói, hải quân ta lúc đó còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cái thiếu nhất là kinh nghiệm đánh

máy bay Mỹ. Song chúng tôi không bị bất ngờ. Anh em chuẩn bị rất khẩn trương, miệt mài huấn luyện bắn máy bay, đánh tàu chiến Mỹ. Có thể nói, tất cả đã sẵn sàng, chờ địch tới là đánh. Lúc này, tôi nhập ngũ mới được một năm, là chiến sĩ tiếp đạn của tàu 187.

Trong những ngày đầu tháng 8-1964, tàu chúng tôi được lệnh tuần tiễu trên biển từ Quảng Bình ra Cồn Cỏ. Ngày 5-8, tàu được lệnh về nam Hòn Ngư và neo tại đó ăn cơm trưa xong, đang thiu thiu ngủ thì có lệnh báo động. Khi chúng tôi ra đến vị trí thì vừa lúc máy bay địch bổ nhào. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt không cân sức đã diễn ra: Một chiếc tàu lẻ loi trên biển chống chọi với sáu máy bay địch suốt mấy tiếng đồng hồ liền. Nhưng không những tàu của chúng ta vẫn tồn tại, mà còn bắn cháy một máy bay, làm bị thương một chiếc khác.

40 năm đã trôi qua, đến bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn rất xúc động trước những gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của đồng đội tôi. Họ hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc không chút do dự. Thiếu úy thuyền trưởng Lê Văn Tiếu điều khiển tàu rất cơ động và linh hoạt để tránh bom đạn địch. Một quả rốc-két nổ trúng đài chỉ huy, một số đồng chí hy sinh, riêng anh Tiếu bị một mảnh bom cắt gần đứt cánh tay. Rất bình tĩnh, anh lệnh cho đồng chí Miền báo vụ cắt phần còn lại cho khỏi vướng để tiếp tục chỉ huy tàu chiến đấu.

Tôi nhớ mãi hình ảnh thiếu úy, chính trị viên Đoàn Bá Ký. Anh chạy như con thoi đến từng vị trí dưới làn đạn 20mm từ máy bay địch xả xuống để động viên bộ đội, băng bó cho anh em bị thương. Một viên đạn găm vào người anh, anh đổ ụp xuống. Tôi vội chạy lại ôm chầm lấy anh. Anh cố gượng dậy, ghé vào tai tôi thều thào: "Hãy bình tĩnh chiến đấu" rồi tắt thở. Anh Ký người miền nam, đẹp trai, hát hay, vui tính, gần gũi và cởi mở, chúng tôi xem anh như người anh cả của tàu.

Chính trị viên hy sinh, thuyền trưởng bị thương nặng, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn gan góc bám vị trí chiến đấu đánh máy bay địch. Một loạt đạn trúng khoang máy, đường ống dầu bị vỡ bốc cháy mù mịt. Bất chấp nguy hiểm, thượng sĩ Cao Viết Thảo nhảy vào giữa khoang máy dùng bình cứu hỏa dập lửa, bịt rò đường ống bị vỡ, mặc cho quần áo bốc cháy như bó đuốc. Tiếp đó, tôi chỉ kịp nhìn thấy một tia chớp sáng chói và một tiếng nổ rất đanh hất tôi vào bệ pháo. Tôi ngất lịm, lúc tỉnh dậy thấy quần áo rách tả tơi, khắp người chỗ nào cũng có máu. Trước mặt tôi anh Bằng, anh Thuật đã hy sinh, anh Bê và Hy bị thương nặng, máu ra đầm đìa. Anh Thiệp, pháo thủ 20mm đang ôm ghì lấy súng, một tay bóp cò, một tay bịt trán mà máu vẫn trào ra đầm đìa. Trên đài chỉ huy, đồng chí lái tàu cũng bị thương ngã xuống, tàu tròng trành. Băng bó vết thương cho các anh xong, tôi cố leo lên nắm tay lái. Mặc dù máu ra nhiều, mắt hoa lên nhưng tôi vẫn ghì chặt tay lái, điều khiển tàu tránh đạn theo lệnh của thuyền trưởng...

Anh hỏi, hình ảnh nào in đậm nhất trong tôi ư? Tôi nhớ đồng chí Nguyễn Thanh Hải, chiến sĩ ra-đa quê ở Thanh Hóa, cùng với tôi tiếp đạn cho vị trí pháo số 3. Lúc quả rốc-két nổ trên bệ pháo, anh bị một mảnh cắm vào đầu. Khi tôi băng bó cho anh, anh cầm tay tôi hỏi: "Nông ơi, mày có việc gì không?". Khi tàu cập cảng, anh gọi anh em tôi lại nói: "Dựng tôi dậy để cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối". Anh em tôi xúm lại, dựng anh lên. Anh nhìn chúng tôi khắp lượt, nhìn trời nhìn đất rồi từ từ khép mắt. Không ai trong chúng tôi có thể cầm được nước mắt.

Sau này, tôi chuyển sang trung đoàn 126 đặc công Hải quân và được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại chiến trường Cửa Việt. Hiện nay tôi đã về hưu và là Ủy viên BCH Hội cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh. Mãi mãi những tấm gương chiến đấu hy sinh của đồng đội luôn ở bên tôi, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao.

Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #3 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 08:39:25 am »

"Nếu tàu cụ Bột được trang bị như hiện nay, Maddox đã đi đời rồi"
(Phỏng vấn thiếu tá Trần Đức Cảnh, hải đội trưởng Hải đội 135, đoàn M70 Hải quân)
- Anh Cảnh này, lớp cán bộ, chiến sĩ hiện nay kế thừa như thế nào truyền thống hào hùng của cha anh ta?

- Chúng tôi luôn giáo dục truyền thống cho bộ đội bằng nhiều phương pháp: diễn đàn, mạn đàm, mời các cựu chiến binh của đoàn về nói chuyện. Tháng 4 vừa rồi, cụ Bột có đến đơn vị kể chuyện đánh tàu Maddox. Anh em rất tự hào vì lịch sử 135 được viết bởi những con người mưu trí, dũng cảm như cụ Bột.

- So với tàu cụ Bột, tàu của các anh hiện nay được trang bị như thế nào?

- Tàu cụ Bột ngày xưa nhỏ, chỉ có hai ống, ngư lôi phải trúng thân tàu mới tiêu diệt được mục tiêu. Tàu chúng tôi bây giờ hiện đại hơn nhiều, ngư lôi đánh dưới ngầm, cách thân tàu 5m đã nổ, tạo ra sóng xung kích lớn làm gãy đôi thân tàu. Hơn nữa, ngư lôi ngày xưa bắn thẳng, còn hiện nay ngư lôi tự dẫn thụ động âm thanh. Nếu tàu cụ Bột được trang bị như hiện nay, Maddox đã bị tiêu diệt!

- Vậy anh thấy các cụ ngày xưa có "liều" không?

- Về nguyên tắc chiến thuật, để đánh được khu trục hạm như Maddox, phải có một nhóm tiến công quy mô lớn hơn hải đội: biên đội tàu tên lửa, biên đội tàu phóng lôi, biên đội tàu pháo. Về chức năng, tàu ngư lôi chỉ có nhiệm vụ đánh bồi tiêu diệt khi tàu đối phương đã bị trọng thương.

Nhưng trong điều kiện hồi đó chúng ta chưa có tàu tên lửa nên buộc phải chọn cách đánh như vậy. Một điểm nữa trong nguyên tắc đánh của tàu phóng lôi là phải tấn công nhiều hướng, nhiều mặt, nhưng do đặc điểm của địa hình Việt Nam nên đôi lúc chỉ cần hai tàu là tiêu diệt được địch.

Chính vì thế, bài học đánh tàu Maddox và máy bay Mỹ cũng là bài học chung của Hải quân nhân dân Việt Nam: Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, là dám đánh, quyết đánh và đánh thắng kẻ địch, kể cả trong chiến tranh công nghệ cao.

- Với những tàu được trang bị vũ khí hiện đại như hiện nay, chắc có lẽ chiến sĩ nghĩa vụ quân sự vừa mới nắm được tính năng tác dụng của nó thì đã ra quân?

- Chiến sĩ của chúng tôi trước khi về đơn vị được học sơ cấp chuyên môn kỹ thuật 6 tháng theo từng chuyên ngành. Sau đó về tàu được huấn luyện ban đầu (K0), huấn luyện chuyên ngành (K1), huấn luyện hiệp đồng chiến đấu (K2). Khoảng 5 tháng như vậy rồi họ mới được biên chế chính thức và làm được việc. Chính được huấn luyện kỹ nên hải đội tôi chưa có xảy ra sự cố gì trong tập luyện thực hành, vừa rồi bắn đạn thật đạt loại giỏi.

- Nếu bây giờ có lệnh, bao nhiêu tàu của anh lên đường được?

- Tất cả xuất phát ngay theo đúng thời gian quy định!

- Xin cảm ơn cụ Bột, bác Nông, anh Hải đã trả lời phỏng vấn.
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #4 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 11:42:00 am »

Họ đã chiến đấu thật tuyệt vời
Nguồn: Báo QDND Ngày 19 tháng 08 năm 2004

Hôm đó, đại úy Trịnh Tuần làm nhiệm vụ trực ban tại cơ quan Cục Chính trị Quân chủng Hải quân và đã được theo dõi sát cuộc chiến đấu của phân đội tàu phóng lôi với tàu Ma-đốc của hải quân Mỹ. Từ khi được giao nhiệm vụ về tham gia xây dựng rồi dự ngày thành lập Quân chủng (7-5-1955) đến ngày 2-8-1964, đồng chí Trịnh Tuần coi đánh đuổi tàu Ma-đốc là sự kiện quan trọng nhất của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam giai đoạn đó. Về hưu sau nhiều năm làm Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng, nay đã sang tuổi 75, trong trí nhớ của Đại tá Trịnh Tuần, những kỷ niệm về ngày 2-8-1964 vẫn còn in đậm nét:
Trước khi nói lại chuyện phân đội 3 tàu phóng lôi đánh đuổi tàu Ma-đốc của Mỹ, tôi muốn nhấn mạnh rằng: 10 năm xây dựng lực lượng của Hải quân nhân dân trong điều kiện miền Bắc hòa bình là vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ phải đi liền với trang bị, cách đánh và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Đúng một năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ đội hải quân ra đời. Lúc đầu chỉ có 20 chiếc tàu vỏ gỗ, trang bị bằng các loại vũ khí ta thu được của địch trong chống Pháp. Đến năm 1964, ta mới có tàu tuần tiễu, tàu phóng lôi, tàu săn ngầm vỏ thép. Từ trang bị thấp đến cao, anh em bộ đội hải quân cũng được nâng dần trình độ tham mưu, tác chiến lên qua nhiều đợt huấn luyện, từ nhà trường đến đơn vị. Các mặt công tác xây dựng, huấn luyện nền nếp chính quy, công tác đảng, công tác chính trị, nếp sống kỷ luật được  tiến hành thường xuyên.
Từ tháng 6-1963, toàn  Quân chủng hải quân đi vào chuẩn bị thực sự. Nhưng chuẩn bị thiết thực nhất là từ tháng 7-1964, khi tình hình miền Nam có những chuyển biến tích cực, nguy cơ phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đã rõ, Mỹ tìm cách đánh ra miền Bắc. Lúc này, Trung ương Đảng đã có Nghị quyết 9 (khóa III) về nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt, biểu thị quyết tâm của nhân dân cả nước bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị đã có chỉ thị nêu rõ: “Các lực lượng vũ trang trên miền Bắc phải sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết tiêu diệt địch nếu chúng xâm phạm miền Bắc”. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho toàn quân sẵn sàng chiến đấu. Với Quân chủng Hải quân, khả năng “địch sẽ đánh” được trên xác định rõ.
Mùa xuân năm 1964, lần đầu tiên, Quân chủng Hải quân tiến hành đại hội Đảng cấp quân chủng. Tại đại hội, việc nhận định tình hình, xác định nhiệm vụ được tiến hành rất nghiêm túc. Trong đại hội, đã có một cuộc đấu tranh gay gắt, phê phán tư tưởng chủ quan, hiểu âm mưu địch đơn giản, lơ là phòng bị, tư tưởng sợ địch, không dám đánh, không tin là vũ khí, trang bị của hải quân ta có thể đối chọi lại được với vũ khí, trang bị của hải quân Mỹ, phê phán tư tưởng “hoà bình chủ nghĩa” sau 10 năm đã in sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của nhiều cán bộ, chiến sĩ. Sau đại hội, toàn Quân chủng dấy lên phong trào “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Từ cơ quan Quân chủng đến các căn cứ, tiểu đoàn, phân đội, hạm tàu... đã tiến hành một đợt huấn luyện thiết thực, sôi nổi mà đối tượng tác chiến đã được xác định rõ. Ngày 6-7-1964, toàn quân chủng bước vào nếp sống thời chiến. Bộ tư lệnh quân chủng quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương ở sông Gianh, do đồng chí Đại tá Nguyễn Bá Phát, Phó tư lệnh quân chủng, phụ trách. Một số tàu tuần tiễu được tăng cường vào khu 4. Các tàu phóng lôi ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Các đơn vị pháo bờ biển chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 2. Cán bộ, chiến sĩ đang nghỉ phép được gọi về đơn vị. Đến cuối tháng 7-1964, mọi công việc chuẩn bị chiến đấu của quân chủng đã hoàn thành. Lúc này, trong toàn quân chủng, ý chí chiến đấu, quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ, khả năng cơ động, kỹ thuật, chiến thuật... đã được nâng cao hơn năm trước gấp bội.
Rạng sáng ngày 1-8, tàu Ma-đốc xâm phạm vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía bắc điều tra mạng lưới phòng thủ bờ biển của ta ở đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường... Các hoạt động của tàu Ma-đốc đều bị ta theo dõi chặt chẽ. Theo mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn 135 tiến hành lắp ngư lôi cho phân đội 3 và bảo đảm mọi mặt để đưa toàn phân đội vào chiến đấu. Phân đội 3 gồm ba tàu phóng lôi số 333, 336 và 339, do đại úy Lê Duy Khoái, đoàn trưởng đoàn 135 trực tiếp chỉ huy, đồng chí trung úy Nguyễn Xuân Bột là phân đội trưởng, đồng chí Mai Bá Xây là chính trị viên, lúc đó đang ở Vạn Hoa (Quảng Ninh). 0 giờ 15 phút ngày 2-8, phân đội được lệnh hành quân vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa). Trên khu vực biển Hòn Nẹ, biên đội tàu  tuần tiễu gồm hai chiếc mang số hiệu 140 và 146 đang làm nhiệm vụ. Cả 5 tàu cùng thả neo ở tây bắc đảo, sẵn sàng chờ lệnh vào chiến đấu.
Chiều 2-8, lúc 13 giờ 30 phút, Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu xuất kích trước, đến khu vực tàu Ma-đốc đang hoạt động. 20 phút sau, phân đội 3 cũng được lệnh xuất kích. Chỉ 30 phút sau, phân đội tàu phóng lôi đã đuổi kịp biên đội tàu tuần tiễu, rồi tăng tốc vượt lên trước. Cách 13,7 hải lý, tàu ta phát hiện ra tàu Ma-đốc và tiếp cận mục tiêu. Khi phát hiện có 3 tàu tốc độ cao đang lao vào thì tàu địch cũng tăng tốc bỏ chạy. Cách nhau 6 hải lý, quân địch dùng pháo lớn bắn vào đội hình phân đội 3. Chỉ huy trưởng phân đội lệnh cho tàu 333 tăng tốc độ để chặn tàu địch để tàu 339 và 336 phóng thủy lôi. Khi tàu 339 tiếp cận được góc mạn tàu địch, thuyền trưởng hạ lệnh phóng thủy lôi. 5 chiếc máy bay của địch lao tới bắn xối xả vào tàu 339 làm tàu trúng đạn. Tàu 339 phải thả trôi để dập lửa và sửa chữa hỏng hóc, đồng thời đánh trả máy bay địch. Tàu 336 tiếp cận được mục tiêu cũng tiến hành phóng thủy lôi, sau đó chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến, nhưng lại bị máy bay địch vây đánh. Thuyền trưởng Phạm Văn Tự hy sinh, thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn dù bị thương vẫn chỉ huy tàu vừa đánh địch vừa quay về. Ở một góc khác, tàu 333 cũng tiếp cận được tàu Ma-đốc, phóng thủy lôi rồi rút. Máy bay địch lại đánh vào tàu 333. Tàu vừa cơ động vừa đánh máy bay địch.
Chiều 2-8-1964, ra quân đánh Mỹ trận đầu, phân đội 3 đã bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác của không quân Mỹ. Tàu Ma-đốc đã phải rút chạy khi bị trúng đạn. Một số trang thiết bị, máy móc của tàu Ma-đốc bị hư hỏng. Về phía ta, hai tàu 336 và 339 bị hư hỏng một số máy móc, thiết bị trên boong và trong khoang, 4 cán bộ chiến sĩ hy sinh, 6 đồng chí khác bị thương.
 Trong trận chiến đấu đó, tinh thần chiến đấu của tất cả cán bộ, chiến sĩ trên cả ba con tàu thật tuyệt vời. Dùng tàu phóng lôi, một phương tiện chiến đấu làm nhiệm vụ phục kích là chính, để đánh trực diện với tàu khu trục cỡ lớn, được trang bị mạnh, lại đánh giữa ban ngày, không có quân yểm trợ, thế mà anh em ta đã quyết đánh cả tàu chiến và không quân của địch, đánh với tinh thần dũng cảm, kiên cường, sáng tạo. Sau cuộc đụng độ này, hải quân Mỹ đã đặt ra câu hỏi: “Vì sao phân đội tàu phóng lôi của hải quân miền Bắc Việt Nam cũ kỹ, tốc độ ngư lôi chậm mà đuổi được tàu Ma-đốc?”. Chúng đã đưa ra nhiều lời giải khác nhau. Nhưng có một điều chúng không bao giờ hiểu nổi, đó là sức mạnh của lòng yêu nước, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược cao độ, khả năng làm chủ phương tiện được trang bị, sáng tạo trong cách đánh, tinh thần hợp đồng tác chiến chặt chẽ khi đối đầu với tàu của chúng đến xâm phạm vùng biển Tổ quốc của Hải quân nhân dân Việt Nam
Ghi chú: baoleo đã nhiều lần hỏi chuyện đại tá Trịnh Tuần khi ông ra đoàn 22 làm việc thời 8x. Bây giờ ông Tuần về hưu ở Thái Văn Lung-HCM. Trái đất xoay vần, bây giờ baoleo vẫn thỉnh thoảng gập ổng đi bộ qua văn phòng 2 của baoleo ở HCM.
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #5 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 12:10:49 pm »

Một số hình ảnh, lấy từ website Trung tâm lịch sử hải quân Mỹ http://www.history.navy.mil


Hành trình của tàu Maddox từ 31/7 đến 2/8/1964




Diễn biến trận chiến đấu ngày 2/8/1964 (theo phía Mỹ)




USS Maddox (DD-731) ở Hawaii tháng 3/1964

Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #6 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 12:13:11 pm »

Tranh vẽ về trận đánh 2/8/1964




Tàu phóng lôi của HQNDVN tấn công





Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #7 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 12:14:24 pm »








Đầu đạn súng máy 14,5mm do tàu chiến HQNDVN bắn vào tàu Maddox




« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2007, 12:16:37 pm gửi bởi Tunguska » Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #8 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 12:18:32 pm »

Hành trình của tàu Maddox và Turner Joy, 3-5/8/1964





"Trận đánh" đêm 4/8/1964

Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #9 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 12:24:17 pm »

Một số tư liệu liên quan :
http://www.history.navy.mil/faqs/faq120-1.htm
http://www.history.navy.mil/docs/gulfoftonkin.htm
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2007, 04:46:03 pm gửi bởi Tunguska » Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM