Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:17:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thông tin C3 D26 F7 QD4  (Đọc 29000 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hieuc3d26f7
Thành viên
*
Bài viết: 106



« vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 05:01:02 pm »

 Xin kính chào tất cả anh em CCB cùng các bạn trẻ trên mạng QSVN .
 Tôi xin được tự giới thiệu :
 Tôi tên là Nguyễn Hữu Hiệu là lính thông tin của C3 D26 F7 QD4 .
 Quê Cẩm giàng Hải Dương , là lính thông tin F7 nhập ngũ 1974 .
 Tôi cũng đã từng có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam trong thời điểm lịch sử của Đất nước và cũng là người lính thông tin F7 QD4 có mặt bên biên giới Tây nam từ những ngày đầu nổ ra cuộc chiến tranh Việt nam - Campuchia .
 Qua một số con cháu cho biết trang QSVN này , bản thân tôi cũng rất muốn được tham gia sinh hoạt viết bài cùng anh em CCB đã từng có ngày tháng chiến đấu trên chiến trường K .
 Nguyễn Hữu Hiệu tôi rất mong được sự giúp đỡ chỉ bảo của anh em
Logged
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 05:28:26 pm »

Xin kính chào tất cả anh em CCB cùng các bạn trẻ trên mạng QSVN .
 Tôi xin được tự giới thiệu :
 Tôi tên là Nguyễn Hữu Hiệu là lính thông tin của C3 D26 F7 QD4 .
 Quê Cẩm giàng Hải Dương , là lính thông tin F7 nhập ngũ 1974 .
 Tôi cũng đã từng có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam trong thời điểm lịch sử của Đất nước và cũng là người lính thông tin F7 QD4 có mặt bên biên giới Tây nam từ những ngày đầu nổ ra cuộc chiến tranh Việt nam - Campuchia .
 Qua một số con cháu cho biết trang QSVN này , bản thân tôi cũng rất muốn được tham gia sinh hoạt viết bài cùng anh em CCB đã từng có ngày tháng chiến đấu trên chiến trường K .
 Nguyễn Hữu Hiệu tôi rất mong được sự giúp đỡ chỉ bảo của anh em

Hoan nghênh đồng chí thông tin F7 QĐNDVN lên diễn đàn quân sử. Lính thông tin trong này thì nhiều lắm, xưa thì có chị hatuyenha, nay thì có bác tran479, linhmoi, trungsy1, haanh, ali_rua_205 và nhiều đồng chí nửa mà trong lúc vội vàng không kịp kể tên.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 05:32:11 pm »

Bác Hiệu có gì hay cứ phọt ra, bác có phọt ra thì tụi em mới bàn tán và ném đá được chớ!
Trên này lính thông tin hơi bị nhiều đấy bác! Các bác thông tin ơi vào cổ vũ, xúi giục bác Hiệu đê!  Grin
Logged
T54b
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 373



« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 05:40:46 pm »

Chào mừng bác Hiệu!
QSVN ngày càng lớn mạnh khi có đông những người lính chiến như bác. Rất mong bác cho lớp lính đàn em như chúng tôi những câu chuyện đầy chất bi hùng của người lính.
2w haanh ra nghênh đón bác Hiệu đi
Logged

Hạt cát nhỏ trên xa mạc. Thân cát bụi trở về cát bụi.
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 05:55:55 pm »

 Xin kính chào người đồng đội lớp đàn anh .
 Nhiệt liệt chào đón người lính thông tin C26 F7 QD4 .
 Vậy là từ nay binhyen tôi không còn phải chiến đấu đơn lẻ hướng F7 rồi , mong bác có nhiều ký ức để viết lên phần nào trang sử những người lính Tình nguyện chúng ta trên chiến trường K .
 Chúc bác khỏe tay bút trên mặt trận QSVN này .
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #5 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2010, 05:55:56 am »

Nhiệt liệt hoan nghênh bạn Hieuc3d26f7@ tham gia trang QSVN.net.Mong được xem thật nhiều hồi ức của bạn từ KCCM và BGTN.Thế là có thêm một chiến sỹ Thông tin lên trang rồi,bạn có chuyên môn gì :  vô tuyến,hữu tuyến hay quân bưu ? Kể đi bạn để ta cùng nhau nhớ lại một thời hùng anh,một thời trẻ trai,một thời...mãi mãi không phai mờ trong ký ức những người lính chúng ta.
Mình là lính Hữu tuyến,Cáp,dây, xà,cột ,máy tải ba ghép kênh là chuyên môn của mình,lính 1967 bạn ạ.
Mình cũng đã đến phòng thông tin,xưởng sửa chữa và trung đoàn thông tin của QD4 ở Sóng thần rồi đấy. Cả mặt trận 479 ở K nữa.
Chúc bạn khỏe,nhớ lại nhiều ký ức thời lính nhé.Rất mong.
Logged
hieuc3d26f7
Thành viên
*
Bài viết: 106



« Trả lời #6 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2010, 03:35:13 pm »

Đọc "Mũi chính diện giải phóng Phnom Penh" của bạn thì đúng là chúng ta đánh cùng trận tại đường 10 cầu Don Xo rồi. Bạn nói đúng đấy, ngày 03.01 pháo địch bắn rất nhiều vào D7. Pháo của ta cũng bắn nhiều để chi viện cho D7. ở sở chỉ huy E tôi thấy anh Trần Cường và anh Cưu liên tục điện về F xin pháo của E210 bắn chi viện cho các anh, lúc này tôi cũng đang ở đằng sau các anh.
Chọc thủng phòng tuyến đường 10 cầu Đôn Xo của địch không phải là F9 đánh ở hướng thị xã Svay Rieng mà địch tự rút ở tuyến phòng thủ này đâu anh Binhyen ah, mà là địch không thể chống lại được nữa. Anh đi qua bờ tường ủi,đường 10 lên cầu Đôn xo thỉ thấy đấy, những hố pháo bắn tan nát mặt đường, từng mảng bờ đê bị phá, rặng Thốt Nốt bên đường bị pháo bắn tả tơi. Chọc thủng phòng tuyến này là kết quả của 2 trung đoàn bộ binh 209,141 và lực lượng pháo binh của ta cùng một số đơn vị khác tăng cường đánh từ ngày 2 đấy.
6h chiều mồng 3, d7 của anh vượt cầu Đôn xo thì lúc này tôi đi sau anh đó, tôi đi cùng a Trần Cường và anh Trọng trưởng ban tiểu ban tác chiến. Tôi chứng kiến a Trần Cường quát mắng bộ đội vì khi vượt cầu mà tập trung quá đông hết sức nguy hiểm, nếu địch bắn pháo thì thương vong sẽ lớn nên thủ trưởng quát mắng cấp dưới là đúng thôi. Cheesy
Logged
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2010, 03:54:00 pm »

6h chiều mồng 3, d7 của anh vượt cầu Đôn xo thì lúc này tôi đi sau anh đó, tôi đi cùng a Trần Cường và anh Trọng trưởng ban tiểu ban tác chiến. Tôi chứng kiến a Trần Cường quát mắng bộ đội vì khi vượt cầu mà tập trung quá đông hết sức nguy hiểm, nếu địch bắn pháo thì thương vong sẽ lớn nên thủ trưởng quát mắng cấp dưới là đúng thôi. Cheesy

Hoan nghênh bài viết của bác Hiệu D26 F7, bác binhyen1960 hiện đang ở trong Nam, giờ nay có lẽ đang ngồi nhậu ở Đồng Nai  Grin, nên chắc khó có thời gian và điều kiện lên mạng.

Bác cứ từ từ kể chuyện hành quân của sư 7 trên hướng bác tham gia, để làm phong phú thêm bài viết "Mũi chính diện giải phóng Phnom Pêng" mà bác BY đã viết.
Logged
hieuc3d26f7
Thành viên
*
Bài viết: 106



« Trả lời #8 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2010, 10:25:02 am »

(Bản thảo)                                                                                      Nguyễn Hữu Hiệu

ĐẾN PHNÔM PÊNH
Hồi Ký

Tháng 11/1978 sau hơn một tháng ở chốt của tiểu đoàn 6 trung đoàn 165 về, tôi làm việc ở tổ đài thông tin phục vụ cho sở chỉ huy Sư đoàn. Gần cuối tháng 12 về đơn vị của mình là C3 D26 F7, đơn vị của tôi là tiểu đoàn thông tin của sư đoàn. Tiểu đoàn có 2 đại đội, đại đội 1 hữu tuyến điện, đại đội 3 của tôi là đại đội vô tuyến điện, một trung đội trực thuộc tiểu đoàn, là trung đội truyền đạt. Mặc dù cùng đại đội nhưng ngày này chúng tôi mới được gặp nhau khá đầy đủ, chỉ vắng 6-7 người đang làm nhiệm vụ đảm bảo liên lạc của sư đoàn. Sau hơn 1 năm từ tháng 10/1977 sư đoàn lên đường ra biên giới Tây Nam làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Gặp nhau với những người lính sau thời gian xa cách đi tăng cường cho các đơn vị giữ chốt là may rồi, hàng ngày chúng tôi chỉ có nghe tiếng nhau trên máy vô tuyến điện, dưới những dòng mật mã, những bức điện chuyển đi mệnh lệnh chiến đấu với kỷ luật chiến trường nghiêm khắc. Nay về đơn vị được nói với nhau mỗi người một chuyện; chuyện về cuộc sống gian khổ ở các hướng trên tuyến phòng thủ mà các đơn vị trong sư đoàn chốt giữ. Chuyện của anh em các đơn vị bám chốt trong mùa mưa, chuyện chốt chặn, phòng thủ, tiến công truy kích địch của các chiến sĩ bộ binh, chi viện của pháo binh giữ chốt, chuyện đồng đội, bạn bè, đồng hương đã hi sinh hoặc bị thương trong những ngày bảo vệ biên giới. Nhìn nhau anh nào cũng khác, có một điểm chung là ai cũng gầy và đen sạm, không còn mạnh khỏe trắng hồng như lúc xuống đường ra trận.
Lúc này trời đã vào mùa khô, địch hoạt động trên toàn tuyến của sư đoàn đã bớt căng thẳng vì những thiệt hại do sư đoàn chúng tôi tiến công nhiều trận vào đội hình của địch trong những tháng vừa qua. Mấy ngày đầu về đơn vị anh em cùng nhau đi bắt cá để cải thiện đời sống ở quanh khu vực đóng quân. Đời sống bộ đội ở trận địa lúc này khá hơn trước, được ăn no, bữa ăn không phải ăn độn hạt mạch, ngô, mỳ như hồi trước nữa. Đơn vị lúc này đóng ở phía tây KoKiSon gần giáp cốc, cách sở chỉ huy sư đoàn hơn 1Km về hướng tây, đây cũng là một trong những đơn vị bảo vệ sở chỉ huy sư đoàn. Đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm đi phục vụ chiến đấu và chiến đấu trong năm qua và tổ chức hội nghị mừng công nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1978). Đại hội mừng công của tiểu đoàn 26 được tổ chức trong dịp này, tôi là một trong những số Đại biểu của đại đội vô tuyến điện đi dự Hội nghị đó. Hội nghị mừng công được mở sau ngày 22/12 tại một căn hầm khá rộng ở khu tiểu đoàn bộ (có lẽ đây là hầm chỉ huy của Trung đoàn nào đó khi chốt giữ khu vực này). Trong Hội nghị mừng công, những cán bộ chiến sỹ của Trung đội vô tuyến điện được đánh giá cao, có nhiều người được khen thưởng, thật phấn khởi, tự hào công lao đi phục vụ chiến đấu và chiến đấu được cấp trên ghi nhận. Mấy ngày sau anh em ôn luyện mật mã, lau chùi máy móc, súng đạn để chuẩn bị cho những chiến dịch tiếp theo. Chả là thông tin vô tuyến điện thoại chúng tôi gọi nhau, chuyển mệnh lệnh của chỉ huy đơn vị toàn bằng mã số, đòi hỏi người chiến sỹ thông tin vô tuyến điện phải luyện tập thường xuyên và có trí nhớ tốt mới hoàn thành được nhiệm vụ.
Ở đơn vị được hơn một tuần, 9h sáng ngày 28/12, anh Đỗ Minh trung đội trưởng (người Thái Bình) phân công tôi xuống trung đoàn 209 cùng với anh Khôi* người cùng đơn vị tôi đang ở dưới đó, anh giao nhiệm vụ cho tôi phải đảm bảo tốt giữ thông suốt liên lạc ở nơi đó với đài chỉ huy.
Trung đoàn 209 chốt giữ từ phía Nam đến phía Bắc Chóp (Châk), trung đoàn có 3 tiểu đoàn bộ binh là các tiểu đoàn 7,8,9 và các đại đội trực thuộc trinh sát, pháo binh, công binh, thông tin, vận tải, bệnh xá... ở trung đoàn có tăng cường trận địa pháo gồm 4 khẩu (2 khẩu 105mm, 2 khẩu 37mm) của trung đoàn pháo binh 210, trung đoàn chốt giữ ở đây khá lâu. Trung đoàn trưởng lúc sang đây là thủ trưởng Tám Nhàn (người Miền Nam), hiện nay là anh Trần Cường. Trong vòng 5 tháng chốt giữ ở đây, lần này là lần thứ ba tôi được phân công tăng cường xuống đó. Địa hình đơn vị chốt giữ là khu vực Chóp, Chóp một thị trấn nhỏ đường 241 đi lên hướng Tây gặp đường 24, tạo thành ngã ba, đường 24 làm từ thời Pháp lúc này đã hỏng nặng do thời gian và chiến tranh phá hủy, phía Tây là khúc sông rộng trong bản đồ quân sự chúng tôi biết đoạn rộng nhất trên 1,5km, cánh đồng có nhiều mương máng ngang dọc để đảm bảo tưới tiêu cho đồng ruộng, phia Nam Chóp là đoạn đường 24 đi quốc lộ 1 (đi thị xã XvayRieng). Từ ngã ba về phía Nam có cây cầu gọi là cầu Nam Chop. Phía Bắc cách ngã ba hơn 1km có cây cầu Bắc Chop, phía Bắc Chop có tiểu đoàn 7, E209 và E141 chốt giữ (trận địa này bố trí tháng 09 năm 1978). Tại nơi đây đã bao nhiêu cán bộ chiến sỹ trung đoàn 209 đã bị thương vong vì chốt giữ vị trí này.
Tôi định ngày hôm sau là sáng ngày 29/12 sẽ xuống trung đoàn 209, nhưng có tin trên sư đoàn có xe của tiểu đoàn vận tải chở đạn và lương thực xuống trung đoàn nên vội đi ngay. Tôi mang theo khẩu AK và hai băng đạn, đeo túi mìn ClayMo trong đó có chiếc võng, chiếc màn nhỏ và một bộ quần áo lót rất mỏng, đây là quân tư trang của người lính chúng tôi khi ra trận. Tôi chào anh em trong đơn vị, trước khi đi anh Minh B trưởng dặn tôi lên C bộ lấy pin chứ đài ở dưới đó sắp hết pin. Tôi đi dọc bờ ruộng về hướng C bộ và trung đội 1 vô tuyến điện báo, vào chỗ anh Việt*1 (quản lý đại đội) để lấy pin. Gần tới C bộ tôi gặp hai anh là Nguyễn Văn Chung*2, đại đội trưởng người huyện Nam Sách, Hải Dương (chính anh sau này giới thiệu tôi vào Đảng) và anh Lỗ Hữu Minh, chính trị viên, người Vĩnh Phú (anh Minh học ở trường sĩ quan thông tin mới về đơn vị). Các anh hỏi: Hiệu xuống trung đoàn 209 phải không? Tôi trả lời: Em đến lấy pin để đi xuống Chop. Anh Chung nói: “Vài ngày nữa bộ phận vô tuyến điện các cậu sẽ đi tăng cường hết”. Dù không được thông báo trận đánh lớn sắp tới nhưng với kinh nghiệm của người lính vô tuyến điện tôi biết rằng chuẩn bị có chiến dịch, chắc chắn sư đoàn 7 chúng tôi sẽ cùng với quân đoàn phản công quân địch trên toàn tuyến. Tôi xuống nhà quản lý anh Việt ở đó đề nghị anh cấp cho hai bình pin máy PR C25. Tôi và anh trò chuyện với nhau ít phút, sau sang nhà B1 chào anh em trong bộ phận thông tin 15W, các anh ở đó cho tôi bọc thuốc rê nói “Tặng anh ra phía trước”. Tôi chia tay anh em đi về hướng sở chỉ huy sư đoàn từ tiểu đoàn 26 đến đó khoảng 1,5km. Men theo bờ mương nhỏ đi về phía hầm chỉ huy của sư đoàn, tổ đài của chúng tôi cách hầm chỉ huy khoảng 30m, qua đó tôi nói với các anh trực ở đài chỉ huy: Tôi về cùng anh Khôi để đảm bảo thông tin ở trung đoàn 209 lên đây nhờ xe xuống Chop. Các anh nói: Cơm nước đã xong, ăn rồi hãy đi. Trưa hôm đó tôi ăn qua loa mấy bát cơm với cá khô, lúc chuẩn bị về tiểu đoàn vận tải thì gặp anh Khai*, anh là trưởng ban thông tin của sư đoàn. Hầu hết lính vô tuyến điện ở D26 anh biết rõ từng người, anh là người rất giỏi nghiệp vụ thông tin cả vô tuyến lẫn hữu tuyến. Chúng tôi biết trong chiến dịch tấn công hay phòng ngự từ tháng 04/1978 đến nay của sư đoàn đều do anh bố trí mạng lưới thông tin, thay đổi mật ngữ, tên đài hay liên lạc vượt cấp đều do anh quyết định. Dù anh không trực tiếp quản lý nhưng việc điều động các đài vô tuyến điện trong những chiến dịch lớn, anh điều hành trực tiếp. Tôi chào anh, anh gật đầu rồi nói: “Chú đi 209 phải không?” Tôi vâng: “Em đi về Chop đây”, anh nói: “Mai ngày kia cho lũ 2W chúng mày đi hết”. Vậy dự doán chuẩn bị đánh lớn của tôi là có cơ sở. Sau này tôi được biết ngay ngày hôm sau các anh em trong đơn vị vô tuyến điện lần lượt về các trung đoàn và phục vụ tại sở chỉ huy sư đoàn. Anh bảo: “Lát nữa có xe xuống 209 đấy, chuẩn bị mà đi cho kịp”
Xuống đơn vị vận tải tôi hỏi nhờ các anh về Chóp, mấy anh hỏi lại tôi về đó làm gì, tôi trả lời về tổ đài vô tuyến đang làm việc tại sở chỉ huy trung đoàn. Một anh nói: “Chờ tí nữa, xe còn đang bốc hàng”. Hơn một tiếng sau thấy hai chiếc xe Zeo, loại xe chiến lợi phẩm của quân đội Mỹ ta thu được chở đầy những hòm đạn màu xanh, trên xe có bộ phận đi bảo vệ, mỗi xe chừng 3 - 4 người. Tôi hỏi nhờ các anh kéo tôi lên ngay. Hai chiếc xe Zeo đi dọc đường 241 về phía trung đoàn 209. Đường 241 từ KoKiSon đến Chop tôi đã qua lại nhiều lần, trên đoạn đường này từ trận đánh đầu tiên của sư đoàn cuối năm 1977 ta và địch đã giành giật nhau, nhiều đồng chí đồng đội đã hi sinh tại đây. Vào mùa khô nhưng đường bị bom pháo cày xới cùng với mùa mưa vừa rồi làm xuống cấp chưa được tu sửa lại nên xe đi rất chậm. Trên đường đi thỉnh thoảng lại gặp các tổ công binh chốt giữ bảo vệ đường cùng các anh em bên C1 hữu tuyến điện đi kiểm tra đường dây thông tin. Đoạn đường từ sư đoàn đến E209 không xa nhưng xe đi mất khá nhiều thời gian. Ngồi trên thùng xe tôi nói với anh em trên xe là sắp đến Chop rồi. Trước mặt tôi cách 2km là cụm cây Thốt Nốt cao, tôi nhận ra đó là đơn vị đứng chân của đại đội 21 trinh sát E209. Hồi đánh Bắc Chóp cuối tháng 9 vừa qua khi mất chốt D7 tôi rút về Nam ngã ba Chop và đã chạy về đây, nơi này có khoảng hơn chục ngôi nhà lợp lá Thốt Nốt, trong nhà chiến sỹ ta đã đào hầm hố đắp công sự vững chắc, những chiếc chum to được chôn xuống đất làm hầm cá nhân để phòng nước vào khi mùa mưa đến.
Chỗ này cũng là một trong những chốt để bảo vệ sở chỉ huy trung đoàn về phía đường 24.
(còn nữa)
Logged
hieuc3d26f7
Thành viên
*
Bài viết: 106



« Trả lời #9 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2010, 10:27:11 am »

Xe đi một đoạn nữa tôi nhận ra trận địa pháo của trung đoàn 210, trận địa pháo này đã tham gia cùng với trung đoàn 209 bảo vệ khu vực. Các tiểu đoàn bộ binh 7,8,9 đã nhiều lần được trận địa pháo này chi viện, vừa là hỏa lực mạnh của chiến trường, trận địa pháo cũng là điểm tựa vững chắc cho bộ binh giữ  chốt. Gần 4h chiều xe đến kho hậu cần của trung đoàn, tôi xuống xe cảm ơn các anh ở tiểu đoàn vận tải đi cùng, men theo đường nhỏ vào sở chỉ huy của trung đoàn. Vào đến gần tôi gặp các anh ở đại đội 20 thông tin, chào hỏi nhau vài câu các anh cho tôi biết anh Lương Đức Khoát người ở xóm tôi đi trinh sát mơi hi sinh chưa tìm thấy xác. Anh Khoát trong trận cuối tháng 9 mất chốt D7, khi ở đài quan sát xuống anh đã mang tư trang cho tôi, hai anh em chạy về Nam Chop. Bỏ gói thuốc rê mời anh em hút rồi về thẳng nhà đặt máy thông tin của tôi. Căn nhà rộng khoảng 6m2, nó là bếp hay chuồng bò của người Miên. Nơi này tôi đã cùng với anh Đặng Quang Xuyền, bạn tôi quê xã Đức Chính, ở đây đảm bảo thông tin cho trung đoàn hồi tháng 8 tháng 9. Lúc về nhà đặt máy tôi không thấy anh Khôi đâu, nhìn trong nhà có chiếc ván gỗ nằm sâu dưới đất với chiếc máy thông tin và mấy quả lựu đạn, xung quanh nhà đắp đất để phòng pháo đạn của địch. Một lát sau anh Khôi về tôi hỏi anh đi đâu, anh bảo là đi báo cơm cho tôi, anh biết tôi đã đi xuống đây từ hồi trưa. Anh Khôi người Thái Bình nhập ngũ năm 1975 sau tôi mấy tháng, khi vào B2 được bổ sung vào đơn vị luôn, còn tôi đến tháng 7/1976 mới từ D5 E165 lên. Anh là lính vô tuyến điện có nhiều kinh nghiệm làm việc, đi với anh tôi hoàn toàn an tâm.
Ngày 31/12 là ngày cuối cùng trong năm, tại hầm chỉ huy trung đoàn các cán bộ trung, tiểu đoàn, các sỹ quan tác chiến họp hạ quyết tâm đánh dịch với phương án sư đoàn giao. Tôi trực gần hầm chỉ huy nên được biết mục tiêu của đơn vị là đánh vào đường 10 và cầu Đôn So, quả thực là chỉ nghe chứ chưa biết nơi này là đâu. Trung đoàn giao cho tiểu đoàn 8 và 9 đánh lên, tiểu đoàn 7 làm dự bị. Ngày 1/1/1979, hai tiểu đoàn 8 và 9 đã vào chiếm lĩnh trận địa, tiểu đoàn 7 di chuyển lên phía trên. Tối ngày 1/1 sở chỉ huy trung đoàn di chuyển vị trí khác, hai máy thông tin của sư đoàn và trung đoàn theo phục vụ cho sở chỉ huy. Máy của trung đoàn do anh Cao Quang Khôi C20 thông tin đảm nhiệm, anh Khôi quê xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng (hiện đang làm cán bộ địa chính xã Kim Giang). Sở chỉ huy trung đoàn hành quân về hướng Tây Nam, hướng của D8 trước đây. Tất cả đều đi trong đêm tối, người nọ bám người kia. Đến vị trí tập kết nơi sở chỉ huy đóng quân là chốt cũ của đơn vị bộ binh (có khả năng là D8). Sở chỉ huy đặt trong 1 chiếc nhà ngói cũ của dân khá rộng, nền nhà được đào sâu xung quanh đắp đất để tránh pháo và đạn bắn thẳng của địch. Máy thông tin của C20 đặt tại đây, máy của sư đoàn chúng tôi đặt trong chiếc hầm sát cạnh sở chỉ huy. Tôi mở máy liên tục để chuẩn bị nhận mệnh lệnh của trên nhưng tuyệt đối không được phát tín hiệu khi chưa có lệnh. Lúc này máy thông tin của bọn lính Pôn Pốt luôn theo sát các tần số làm việc của chúng tôi và tìm mọi cách phá sóng làm đứt các cuộc liên lạc. Chúng tôi phải thay đổi tần số liên lạc luôn, nằm trong hầm chúng tôi chỉ giương cần Anten 2m7 lên để liên lạc, các cuộc gọi nhau lúc này của mạng liên lạc sư đoàn chỉ dùng tín hiệu gõ vào ống nói của máy. Mạng liên lạc của E xuống các tiểu đoàn vẫn thông suốt, máy liên lạc của anh Cao Quang Khôi chỉ dùng Anten 1,1m nên khả năng liên lạc gần ít bị địch phá. Trong sở chỉ huy lúc này có anh Trần Cường là E trưởng, anh Từ là chính ủy, anh Vũ Xuân Cưu là tham mưu trưởng, anh Trọng (Trọng hói) trưởng tiểu ban tác chiến và một số sỹ quan phụ trách tác chiến trinh sát, thông tin, công binh... với 4 chiến sỹ thông tin vừa vô tuyến vừa hữu tuyến. Ngày mồng 1 chưa tập trung đánh lớn nhưng trên D8 và D9 luôn phải tác chiến những trận nhỏ lẻ. Trung đoàn 209 có nhiệm vụ đánh mở cửa để tạo điều kiện cho đơn vị bạn đánh thẳng vào cầu Đôn So. Khó khăn nhất là phải vượt qua bờ tường ủi, bờ tường ủi chính là bờ mương dẫn nước phục vụ nông nghiệp, đất đào lên được đưa lên 2 bên thành cao 1,5m; mặt đường dùng làm đường giao thông phục vụ dân sinh, lòng mương rộng khoảng 8m tạo thành 1 bức tường thành vững chắc để phòng thủ. Từ hướng D8, D9 đánh lên đó khoảng 1,5km.
Giờ G đã đến, lúc đó khoảng hơn 3h sáng, các loại pháo của sư đoàn, quân đoàn bắt đầu bắn vào bờ tường ủi, các tọa độ đã được chấm định sẵn, lúc đầu còn bắn thưa sau càng bắn dồn dập, tiếng nổ làm mặt đất rung chuyển, những tia chớp lóe sáng phá tan màn đêm. Đã qua bao chiến dịch nhưng chưa bao giờ quân ta sử dụng nhiều pháo đến thế. Ngày 26/4/1978 khi quân ta tiến công toàn tuyến cũng chưa sử dụng nhiều như vậy. Các loại pháo 85,105, 130, 155, nghe nói có cả 175 cũng tham gia công phá trận này. Nằm dưới hầm tấm tôn che trên cứ rung lên bần bật. Khoảng gần 2 tiếng pháo binh bắn cấp tập, đến gần sáng thì pháo bắn thưa dần, lúc này anh em ra khỏi hầm. Anh Trần Cường điện cho 2 tiểu đoàn 8 và 9 chuẩn bị khi pháo binh thôi bắn thì lập tức xung phong chiếm bờ tường ủi. 5h sáng ngày mồng 2, dứt tiếng pháo, 2 tiểu đoàn 8 và 9 của trung đoàn tấn công. Lúc này sở chỉ huy của trung đoàn di chuyển lên gần các tiểu đoàn bộ binh. Nói là sở chỉ huy những chỉ có anh Trần Cường E trưởng, anh Vũ Xuân Cưu tham mưu trưởng và 1 số sỹ quan tham mưu trung đoàn cùng 2 máy vô tuyến điện của E và F đi phục vụ.
Trần Cường E trưởng có nhiều người gọi anh là Cường “liều”, có thể nói “người liều mạng xông pha trên chiến trường”. Anh là trung đoàn trưởng trẻ nhất trong quân đoàn. Khi là trung đoàn trưởng anh chưa đầy 30 tuổi. Tôi đã nhiều lần đi đảm bảo thông tin liên lạc cho anh với tác phong chỉ huy của anh tôi rất khâm phục. Chỉ huy các trận đánh ác liệt chưa bao giờ tôi thấy anh ngồi trong hầm chỉ huy, anh luôn xông xáo đến gần với các tiểu đoàn để đôn đốc các đơn vị đánh chiếm mục tiêu, chiếc gậy anh mang theo các trận đánh là chiếc cần Anten liên lạc của xe thiết giáp anh dùng làm gậy chống. Tôi từng đi với anh trên trận đánh cùng với thiết giáp đánh lên phía Nam chùa Cốc và trận Bắc Chop (trận này anh bị thương nhẹ vào mặt). Anh xông pha khắp các nơi, anh cũng là người chỉ huy sử dụng vô tuyến điện nhiều nhất. Câu nói trong chỉ huy chiến trận của anh là “nhanh như sóc, mạnh như hổ tiến lên”, cuối những trận đánh giọng anh khản đặc.
Ở tuyến phòng thủ đường 10, cầu Đôn So có thể địch phán đoán được ý đồ tác chiến của ta nên chúng phòng thủ rất cẩn thận và vững chắc. Nhiều đơn vị lính Pôn Pốt được điều lên phòng tuyến này, chúng bố trí nhiều tầng hỏa lực, hầm hố chiến đấu ở các bờ tường ủi được đào rất chu đáo, kiên cố, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do hỏa lực của ta công phá. Vị trí phòng thủ của địch có lợi thế hơn, chúng ở trên cao, ta ở dưới, hướng tiểu đoàn 9 đánh lên hoàn toàn bất lợi, bộ đội phải vận động qua cánh đồng trống nên dễ bị phát hiện. Đã nhiều lần trong buổi sáng bộ đội trung đoàn 209 xuất kích hướng tiểu đoàn 8 đánh bờ tường ủi thứ nhất, tiểu đoàn 9 đánh lên tiếp cận mục tiêu nhưng bị địch dùng hỏa lực cá nhân, cối 60, M79, đại liên chống trả quyết liệt. Tiểu đoàn 9 có thiết giáp phối hợp nhưng nằm giữa cánh đồng trống không lên được. Đã nhiều lần anh Trần Cường và anh Cưu lệnh cho hỏa lực của trung đoàn yểm trợ cho hai tiểu đoàn nhưng tình thế không thay đổi. Đánh đến 9h30’ thì bộ đội tiểu đoàn 8 và 9 thương vong khá nhiều, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9 Nguyễn Khắc Siêu hi sinh, địch điên cuồng phản công nên 2 tiểu đoàn phải dừng lại đợi trên chi viện.
Hướng về sở chỉ huy trung đoàn, thương binh, tử sỹ về trạm phẫu 23 gần đó ngày một đông, anh em bị thương nhẹ vào tay, đầu, người thì tự đi, số bị nặng thì được đơn vị vận tải cáng về. Lúc này bộ phận lên đốc chiến cũng rút về sở chỉ huy. Anh Trần Cường và anh Cưu bực tức vì đơn vị không chiếm được bờ tường ủi mà bộ đội ta thương vong nhiều. Cùng với các sỹ quan tham mưu tập trung vào tấm bản đồ tác chiến, bày mưu tính kế đánh tiếp, đưa D7 dự bị vào thay D9. Tại sở chỉ huy, chính ủy Từ* điện động viên các đơn vị nhắc nhở các bộ phận vận chuyển và cứu chữa anh em thương binh. Nhìn anh em thương binh về ngày một nhiều anh rất buồn. Khoảng 12h trưa anh nuôi đưa cơm đến nhưng chẳng ai muốn ăn, đồng chí công vụ mời chính ủy dùng cơm trưa nhưng tôi thấy hai dòng nước mắt của người chính ủy trung đoàn lăn trên gò má. Tôi hiểu lúc này anh đang nghĩ đến tiểu đoàn trưởng Nguyễn Khắc Siêu và anh em bộ đội đã thương vong trong trận chiến sáng nay. Chính ủy Từ là người Khu 4 sau này ra quân tôi có nghe anh trở thành chính ủy sư đoàn. Với dáng người khá mập, nước da đen sạm nắng gió anh rất bình tĩnh chỉ huy trong mọi tình huống, anh được nhiều cán bộ chiến sĩ quý mến. Chúng tôi mỗi người ăn một chút cơm và mấy miếng cá khô rồi tiếp tục làm việc.
Đến trưa ngày 03/01, tiểu đoàn 7, đơn vị dự bị của trận đánh được điều lên thay tiểu đoàn 9. Tiểu đoàn 7 được pháo bắn chi viện cùng với sự phối hợp của các đơn vị bạn, tiểu đoàn 7 đánh phá chiếm bờ tường ủi truy kích địch trên đường 10 và tiến thẳng về cầu Đôn So. Như vậy sau hơn hai ngày trung đoàn 209 mới đánh xong bờ tường ủi, sư đoàn 7 mới chọc thủng phòng tuyến cầu Đôn So của địch. Đây là phòng tuyến rắn nhất, sử dụng lực lượng của nhiều đơn vị, có sự yểm trợ của thiết giáp. Quân số thương vong của ta lớn nhất trong chiến dịch giúp bạn đánh giải phóng Phnôm Pênh. Sau khi đánh xong cửa mở, sở chỉ huy nhẹ của E209 di chuyển về phía cầu Đôn So.
(còn nữa)
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM