Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:49:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 3  (Đọc 100066 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:26:36 pm »


KẾT LUẬN


Bị thất bại trong hình thức truyền thống dùng viện trợ và cố vấn để thống trị nhân dân miền Nam thông qua bộ máy cai trị độc tài, phát xít do Mỹ dựng lên mà Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu là đại diện, cuối năm 1960, đế quốc Mỹ chuyển sang tiến hành chiến tranh đặc biệt “dùng người Việt đánh người Việt”, tiếp tục duy trì chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.

Xuất phát từ việc nghiên cứu âm mưu, bản chất của đế quốc Mỹ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh dự kiến cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta ở miền Nam có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ giữa ta và địch, cho nên đã lãnh đạo toàn dân và lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị chuẩn bị trước mọi mặt để sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Vì vậy khi đế quốc Mỹ sử dụng quân đội Sài Gòn và chính quyền tay sai tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược dưới hình thức chiến tranh đặc biệt, thì cuộc khởi nghĩa từng phần của nhân dân ta ở miền Nam cũng phát triển thành cuộc chiến tranh cách mạng. Mặc dù so sánh lực lượng trên chiến trường những năm đầu, ta còn yếu hơn địch, nhưng nhờ có sự chuẩn bị trước, ta vẫn ở thế chủ động chiến lược. Cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam đã phát triển rộng khắp trên cả ba vùng rừng núi, nông thôn, đồng bằng và thành thị với hình thức đấu tranh rất phong phú và sáng tạo.

Trong những năm năm mươi, chiến lược quân sự toàn cầu “trả đũa ồ ạt” của chủ nghĩa Aixenhao đã không ngăn chặn được chủ nghĩa cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đế quốc Mỹ liền thay thế bằng chiến lược quân sự toàn cầu phản ứng linh hoạt, trong đó, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” là một bộ phận hợp thành và được áp dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến của ta chống Mỹ trong giai đoạn 1960-1965 không phải là “cuộc nội chiến”, mà đó là cuộc chiến tranh cách mạng yêu nước chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ bằng lực lượng tay sai bản xứ do Mỹ trực tiếp tổ chức và điều hành. Chính quyền, quân đội Sài Gòn chỉ là công cụ do Mỹ dựng lên, nuôi dưỡng và sử dụng để thực hiện âm mưu và chiến lược chiến tranh xâm lược của chúng - một kiểu chiến tranh “giấu mặt trá hình” của chủ nghĩa thực dân mới.

Cuộc chiến tranh lại diễn ra đúng vào thời điểm sự bất đồng giữa Liên Xô, Trung Quốc đang đến độ gay gắt. Đế quốc Mỹ lợi dụng tình hình đó tăng cường chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng đưa vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam, trang bị và huấn luyện cho quân đội Sài Gòn sử dụng các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” càn quét đánh phá phong trào cách mạng, dồn dân vào ấp chiến lược, đồng thời khiêu khích để lấy cớ đánh miền Bắc, hỗ trợ cho chính quyền Diệm thực hiện âm mưu của Mỹ. Ta tìm mọi biện pháp đánh bại quân ngụy, phá cho được quốc sách ấp chiến lược của địch, giành dân, giành quyền làm chủ, hạn chế phạm vi chiến tranh, thắng địch trong cuộc chiến tranh đặc biệt ở miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Lúc đầu với phương tiện chiến tranh hiện đại và các chiến thuật mới của Mỹ, địch đã gây cho ta nhiều thiệt hại và khó khăn.

Cuộc đấu trí giữa ta và địch diễn ra rất căng thẳng. Đảng và nhân dân ta với bản lĩnh chính trị vững vàng, với tầm nhìn xa trông rộng, đã chủ trương chỉ đạo toàn dân đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Chủ trương đó thể hiện tinh thần độc lập tự chủ sáng tạo của Đảng ta trong việc xác định đường lối kháng chiến. Miền Bắc đã thiết lập được quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng, củng cố hệ thống hợp tác xã nông nghiệp, thương nghiệp, tạo nên sự nhất trí cao về chính trị, tinh thần trong toàn dân, làm cơ sở cho nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, động viên hàng triệu thanh niên ra tiền tuyến, đồng thời, bí mật, gấp rút mở đường chiến lược Trường Sơn, đường vận tải biển để chi viện sức người, sức của tăng cường cho cách mạng miền Nam. Trong cuộc đấu tranh gay go, ác liệt này, trí tuệ Việt Nam đã sáng tạo một phương pháp cách mạng mới độc đáo: “Sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng, lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân, tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn và từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; đánh địch bàng ba mũi giáp công: quân sự chính trị, binh vận; kết hợp ba thứ quân, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ, thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài đồng thời biết tạo thời cơ và nắm vững thời cơ mở những trận tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh...”1. Đảng ta chủ trương kiềm chế địch để thắng chúng trên chiến trường miền Nam, đồng thời sẵn sàng đánh địch khi chúng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Cuộc chiến tranh nhân dân trên miền Bắc đã thắng không quân Mỹ ngay từ bước mở đầu.
_______________________________________
1. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.25-26.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:27:13 pm »


Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta là tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập đã giành được sau chín năm kháng chiến chống Pháp, vừa nhằm bảo vệ tiền đồn của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam châu Á, bảo vệ hoà bình, cho nên tính chất chính nghĩa, nhân tố chính trị, tinh thần của nó ngày càng tỏa sáng, quy tụ toàn dân vào một mặt trận đoàn kết kháng chiến, lại có sự chỉ đạo chiến lược sáng tạo, có phương pháp cách mạng đúng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trong nước và Thế giới, nhân dân ta đã tạo ra được sức mạnh tổng hợp được sự ủng hộ quốc tế, từng bước đánh thắng các chiến thuật và kế hoạch chiến lược của Mỹ-ngụy, làm chuyển hoá so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho cách mạng, đẩy địch vào thế bất lợi, bị động ngay từ đầu.

Âm mưu của Mỹ trong chiến tranh đặc biệt là tiêu diệt lực lượng vũ trang ta, triệt phá cơ sở cách mạng, bình định miền Nam trong 18 tháng bằng các kế hoạch Stalây-Taylo, Mắc Namara-Giônxơn, tiến hành các hoạt động gây rối, phá hoại làm mất ổn định miền Bắc Việt Nam. Để thực hiện âm mưu này, Mỹ sử dụng quân đội Sài Gòn có các binh chủng kỹ thuật đang phát triển, liên tục càn quét, đánh phá ác liệt vùng giải phóng, vùng đang tranh chấp để đẩy dân chúng phải chạy vào vùng do chúng kiểm soát. Đối với những vùng địch đang kiểm soát, chúng dùng bộ máy ngụy quyền và lực lượng bảo an, cảnh sát, dân vệ tại chỗ đàn áp, cưỡng bức, kết hợp với chiến tranh tâm lý mua chuộc để dồn dân vào các ấp chiến lược. Một cuộc chiến tranh giành dân, giành quyền làm chủ giữa ta với địch diễn ra trên quy mô lớn, giằng co, quyết liệt. Quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng ở miền Nam, quân và dân ta đã phát triển cuộc chiến tranh nhân dân lên tầm cao mới, sáng tạo ra nhiều cách đánh linh hoạt, phong phú. Lực lượng vũ trang ba thứ quân và lực lượng chính trị của ta đã phối hợp đấu tranh chặt chẽ, chủ động tiến công địch trong mọi thời gian và thời tiết, đánh địch bằng ba mũi giáp công với mọi thứ vũ khí từ thô sơ đến hiện đại. Nhiều người tiến công, một người cũng tiến công; tiến công bằng cả quân sự, chính trị, binh vận. Qua cuộc chiến đấu ác liệt, gian khổ, dai dẳng với địch, nhân dân ta đã dũng cảm và sáng tạo ra phương châm “ba bám”1, trụ vững trên các địa bàn, kết hợp tiến công với nổi dậy, chống địch càn quét và phá ấp chiến lược, đi đôi với xây dựng làng, xã chiến đấu, xây dựng các căn cứ lõm cách mạng. Làng xã chiến đấu và căn cứ lõm giải phóng được xây dựng không chỉ để phòng giữ, đánh địch tại chỗ mà còn để tiến công, tạo thế bố trí cài răng lược ép địch lại. Làng, xã chiến đấu, căn cứ lõm hợp cùng với căn cứ hậu phương trực tiếp trên toàn chiến trường miền Nam với hậu phương chiến lược miền Bắc thành căn cứ cách mạng rộng lớn, liên hoàn để xây dựng cơ sở vật chất, tích trữ và phát triển lực lượng kháng chiến, thực hiện nhiệm vụ tiến công và phản công tiêu diệt địch, nhằm “lấn đất, ép địch, giành dân, tạo thế chiến trường”, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân. Nhờ đó, lực lượng cách mạng miền Nam càng đánh càng mạnh, càng thắng to. Cuối năm 1964, mặc dù Mỹ từng bước leo thang đưa “cuộc chiến tranh đặc biệt” lên đỉnh cao, có những nhân tố của “cuộc chiến tranh cục bộ” và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân, hải quân, song chúng không đảo ngược được chiều hướng đang thua của ngụy quân, ngụy quyền. Tình hình chính trị của chế độ tay sai Mỹ ở miền Nam càng lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, toàn diện.

Nắm vững thời cơ do cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào và chiến sĩ ta ở miền Nam tạo ra, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương chỉ đạo cho các chiến trường mở các chiến dịch tổng hợp đánh qụy đội quân chủ lực ngụy, đi đôi với phá từng mảng lớn ấp chiến lược. Thực hiện chủ trương và thể hiện quyết tâm của Trung ương, lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta ở miền Nam, nòng cốt là bộ đội chủ lực đã mở các chiến dịch tiến công Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia, kết hợp với đấu tranh chính trị và nổi dậy của quần chúng rộng khắp, đánh bại quân chủ lực, địa phương ngụy, đồng thời đánh một số trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Dầu Tiếng xuân-hè-thu năm 1965. Qua cuộc tiến công, quân và dân ta đã giành thắng lợi lớn, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Thắng lợi trong giai đoạn này chứng minh sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là chính xác. Đảng đề ra đường lối, phương pháp cách mạng sáng tạo, xử lý các tình huống trong chiến tranh kịp thời, nhạy bén; chuẩn bị lực lượng chủ động, tích cực. Tuy nhiên, ta chưa giành được thắng lợi quyết định như dự kiến, vì đội quân ngụy bị đánh bại, nhưng chưa tan rã về tổ chức, Mỹ tăng viện trợ và đưa ồ ạt quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Tuy lực lượng ta còn hạn chế, nhưng vẫn giữ vững thế chủ động chiến lược, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân đều khắp trên cả ba vùng chiến lược, sẵn sàng chủ động cả về tư tưởng, tổ chức và quyết tâm chuẩn bị lực lượng để bước vào cuộc đọ sức trực tiếp với quân Mỹ.
_______________________________________
1. Ba bám: Dân bám đất; du kích (lực lượng vũ trang) bám địch; chi bộ đảng, cán bộ bám dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:28:13 pm »


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Ba mươi năm kháng chiến của quân dân tỉnh Đồng Tháp, BCHQS Đồng Tháp, 1990.
2. Bến tre - 30 năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, BCHQS Bến Tre, 1990.
3. Bình Định - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm, BCHQS Bình Định, 1992.
4. Cao Văn Lượng: Âm mưu lợi dụng giáo hội Thiên chúa giáo để đàn áp phong trào cách mạng miền Nam của Mỹ-Diệm, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 48, tháng 3-1963.
5. Cuộc kháng chiến 30 năm của quân dân Tiền Giang, BCHQS Tiền Giang, 1988.
6. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, Nxb. ST, HN, 1987.
7. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Những sự kiện quân sự, Viện LSQSVN, HN, 1988.
8. Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Viện LSQSVN, HN, 1991.
9. G.Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. QĐND, HN, 1991.
10. Chiến dịch tiến công Bình Giã đông-xuân 1964-1965, Viện LSQSVN, HN, 1988.
11. Chiến dịch tiến công Ba Gia, Viện LSQSVN, HN, 1987.
12. Chiến tranh du kích trên chiến trường Bình Định (1945-1975), BCHQS Bình Định, 1991.
13. Chiến trường Trị-Thiên-Huế trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Thuận Hoá, 1985.
14. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. ST, HN, 1985.
15. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. ST, HN, 1985.
16. Lê Duẩn: Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb. CTQG, HN, 1993.
17. Đồng Nai-30 năm chiến tranh giải phóng, Nxb. Đồng Nai, 1986.
18. Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững thành đồng, t.2, Nxb. KHXH, HN, 1968.
19. Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững thành đồng, t.3, Nxb. KHXH, HN, 1966.
20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb. CTQG, HN, 1996.
21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb. CTQG, HN, 1996.
22. Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.11, Nxb. CTQG, HN, 1996.
23. Hồi ký Giônxơn: Về cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, VNTTX phát hành, HN, 1972.
24. Kiên Giang-30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), BCHQS Kiên Giang, 1987.
25. Khu V-30 năm chiến tranh giải phóng, t.2, BTL QK5 1989.
26. Hà Văn Lâu: Kennơđi phái Mắc Namara và Tavlo sang Việt Nam để làm gì, Tạp chí Học tập, số tháng 11-1963.
27. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, t.2, Nxb. CTQG, HN,
28. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nưóc, t.1, Nxb. CTQG, HN, 1990.
29. Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Phổ (1930-1975), Nxb. CTQG, HN, 1995.
30. Lịch sử Đảng bộ huyện Hướng Hoá (1930-1975), Sở Văn hoá-thông tin Quảng Trị, 1993.
31. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, t.2, Nxb. QĐND, HN, 1994.
32. Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb. QĐND, HN, 1985.
33. Lịch sử bộ đội đặc công, t.1, Nxb. QĐND, HN, 1987.
34. Lịch sử Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kháng chiến (1945-1975), Nxb. QĐND, HN, 1994.
35. Lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. QĐND, HN, 1980.
36. Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Nxb. ST, HN, 1985.
37. R.S. Mắc Namara: Nhìn lại quá khứ - tấm thẩm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. CTQG, HN, 1995.
38. Đỗ Mậu: Tâm sự tướng lưu vong, Nxb. Công nhân dân, HN, 1995.
39. Miền Đông Nam Bộ kháng chiến, Nxb. QĐND, 1993.
40. Minh Hải-30 năm chiến tranh giải phóng; Nxb. Mũi Cà Mau, 1986.
41. Nam Trung Bộ kháng chiến, Nxb. CTQG, HN, 1995.
42. 50 năm Quân đội nhân dân Việt Nam- Biên niên sự kiện, Nxb. QĐND, HN, 1995.
43. Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb. ST, HN, 1964.
44. Những sự kiện Lịch sử Đảng, t.2 Nxb. TTLL, HN, 1985.
45. Những sự kiện Lịch sử Đảng, t.3, Nxb. TTLL, HN, 1985.
46. Nghiên cứu văn kiện Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Nxb. ST, HN, 1986.
47. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ chín (Khoá III), TLLT Viện LSQSVN.
48. Nghị quyết Bộ chính trị tháng 9-1964, TLLT Viện LSQSVN.
49. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (Khoá III), tháng 3-1965, TLLT Viện LSQSVN.
50. Pitơ A. Pulơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ruzơven đến Níchxơn, Nxb. TTLL, HN, 1986.
51. Phú Yên- 30 năm chiến tranh giải phóng, BCHQS Phú Yên, 1993.
52. Quân khu III - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. QĐND, HN, 1995.
53. Quân khu IV - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. QĐND, HN, 1994.
54. Quân khu IX - 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb. QĐND, HN, 1996.
55. Quảng Nam- Đà Nẵng: 30 năm chiến đấu và chiến thắng, t.2, Nxb. QĐND, HN, 1988.
56. Quảng Ngãi - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975), Nxb. Tổng hợp Nghĩa Bình, 1988.
57. Lê Quốc Sản: Cuộc đọ sức thần kỳ, Nxb. QĐND, HN, 1991.
58. Sedg Wick Tourison: Đội quân bí mật, cuộc chiến tranh bí mật, Nxb. CAND.
59. Sông Bé: Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm, Nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1990.
60. Trận đánh 30 năm (Ký sự lịch sử) t.3, Nxb. QĐND, HN, 1988
61. Truyền thống huyện Vinh Thuận anh hùng; Ban thường vụ Huyện uỷ Vĩnh Thuận, 1995.
62. Truyền thống huyện An Biên, t.2, Ban thường vụ Huyện uỷ An Biên, 1996.
63. Thiết Vũ - Hải Âu: Bộ mặt thật CIA, Nxb. QĐND, HN, 1976.
64. Thủ đô Hà Nội - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, Nxb. QĐND, HN, 1991.
65. Tài liệu mật Lầu Năm Góc, TTTTKHKT dịch, TVQĐ sao lục.
66. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, VNTTX phát hành, HN, 1971.
67. Tây Bắc-Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. QĐND, HN, 1994.
68. Văn kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, t.1, Nxb. Sách giáo khoa Mác-Lênin, HN, 1987.
69. Việt Nam- Con số và sự kiện, Nxb. ST, HN, 1990.
70. Việt Bắc-30 năm chiến tranh cách mạng, t.2, Nxb. QĐND, HN, 1992.
71. Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb. CTQG, HN, 1995.


Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM