Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:37:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 3  (Đọc 100061 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 24 Tháng Hai, 2010, 08:13:15 pm »


Tên sách: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 3
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia
Năm xuất bản: 1997
Số hoá: ptlinh, chuongxedap





CHỈ ĐẠO NỘI DUNG
Trung tướng, PGS. NGUYỄN ĐÌNH ƯỚC

CHỦ BIÊN
Đại tá NGUYỄN VĂN MINH

TÁC GIẢ
Thượng tá NGÔ VĂN BỈNH
Trung tá PTS HỒ KHANG
Thượng tá TRẦN TIẾN HOẠT
Đại tá ĐỖ XUÂN HUY
Trung tá NGUYỄN HUY THỤC
Trung tá NGUYỄN XUÂN NĂNG




LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Bằng cao trào đồng khởi vĩ đại năm 1960, quân và dân ta ở miền Nam đã đánh bại cuộc chiến tranh đơn phương của Mỹ - ngụy, đẩy chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm - tay sai đế quốc Mỹ - đến nguy cơ sụp đổ. Diễn biến và quá trình làm thất bại cuộc chiến tranh đơn phương đã được trình bày ở tập II: Chuyển chiến lược của bộ sách này.

Không cam chịu thất bại, giới hiếu chiến của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cân nhắc những tính toán mới ở Việt Nam. Xét tương quan lực lượng và diễn biến của tình hình chính trị quân sự thế giới, Mỹ thực hành chiến lược quân sự toàn cầu phản ứng linh hoạt, áp dụng vào miền Nam Việt Nam kiểu chiến tranh hạn chế, mà hình thức thứ nhất của nó là chiến tranh đặc biệt - tức là dùng quân đội Sài Gòn được Mỹ trang bị, huấn luyện và chỉ huy, do các cố vấn Mỹ trực tiếp điều hành, tiến hành cuộc chiến tranh chống nhân dân ta. Xương sống của chiến lược này là dồn dân lập ấp chiến lược để bình định miền Nam, hoạt động phá hoại miền Bắc, áp đặt lâu dài chế độ thực dân mới trên đất nước ta.

Đứng trước chiến lược quân sự mới rất thâm độc của Mỹ và tay sai, Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta xác định quyết tâm tiến hành cuộc kháng chiến đến cùng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mỹ và tay sai, quá trình đánh bại từng bước chiến lược chiến tranh đặc biệt trên cả hai miền Nam - Bắc của nhân dân ta, những thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ và tay sai được trình bày ở tập III này mang tiêu đề: Đánh thắng chiến tranh đặc biệt.

Sự thật lịch sử hùng hồn đó đã minh chứng quan điểm cho rằng cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược là một cuộc nội chiến là sự bịa đặt.

Tầm cỡ của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam rất lớn, mà khả năng lại có hạn, vì vậy, tập sách không tránh khỏi thiếu sót.

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam mong nhận được những ý kiến phê bình.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

   
Hà Nội, tháng 12 năm 1997
   
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2010, 09:25:12 pm »


Chương IX
TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG,
KIÊN QUYẾT ĐÁNH THẮNG CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA MỸ



I. MỸ TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT HÒNG DUY TRÌ SỰ THỐNG TRỊ
CỦA HỌ Ở MIỀN NAM VÀ CHỐNG PHÁ MIỀN BẮC VIỆT NAM


Vào thời điểm những năm cuối của thập kỷ năm mươi, trên thế giới nổi lên ba điểm nóng: Trung Đông, Cuba, Việt Nam. Song, ở Trung Đông, mặc dù có những cuộc chiến tranh giữa các nước Arập với Ixraen, nhưng các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở đó do giai cấp tư sản dân tộc lãnh đạo. Lợi ích của các nước đế quốc, các công ty tư bản độc quyền ở vùng này không bị đe doạ. Mặt khác, Ixraen đồng minh của Mỹ - đủ mạnh để ngăn chặn phong trào cách mạng ở Trung Đông thay Mỹ, cho nên Hoa Kỳ chưa can thiệp trực tiếp. Ở Cuba, bị thất bại trong vụ đưa quân đánh thuê xâm lược Cuba ở vịnh Con Lợn tháng 4-1961 và cuộc khủng hoảng tên lửa ở vùng Caribê tháng 10-1962, Mỹ buộc phải cam kết không xâm lược Cuba để đổi lấy việc Liên Xô rút tên lửa khỏi nước này. Âm mưu của Mỹ là dùng phong toả, cấm vận kinh tế, kết hợp với cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt hòng làm sụp đổ Cuba. Ở Đông Dương, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Pháp, giành độc lập dân tộc và cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới đang làm suy yếu một hướng chiến lược trọng yếu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Những thắng lợi của Việt Nam góp phần làm thức tỉnh lương tri nhân loại, cổ vũ các dân tộc thuộc địa, nửa thuộc địa vùng lên đấu tranh để tự giải phóng. Việt Nam trở thành một ngọn cờ của phong trào giải phóng dân tộc, tiêu biểu cho sự kết hợp các trào lưu cách mạng của thời đại. Các nhà chiến lược Mỹ nhận định rằng có đè bẹp được cuộc kháng chiến của Việt Nam, Mỹ mới có thể đẩy lùi được phong trào đấu tranh của các dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Vì vậy, Việt Nam trở thành trọng điểm trong chính sách ngăn chặn của Mỹ - nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai hệ thống đế quốc chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.

Hòng biến Việt Nam thành một con đê ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở phía Đông Nam châu Á, trong sáu năm kể từ năm 1954 đến năm 1960, Mỹ đã dựng lên ở miền Nam chính quyền Ngô Đình Diệm và viện trợ cho chính quyền ấy khoảng 2 tỷ đôla, trung bình mỗi năm 300 triệu. Số viện trợ của Mỹ đủ nuôi bộ máy ngụy quân, ngụy quyền để đàn áp các cuộc đấu tranh hoà bình yêu nước của nhân dân ta ở miền Nam, chuẩn bị “lấp sông Bến Hải”. Với chiêu bài “độc lập”, “tự do”, cùng với viện trợ tương đối dồi dào, Mỹ che đậy được một phần bộ mặt xâm lược thực dân của chúng, giữ cho chế độ Sài Gòn, trong những năm 1957, 1958, bề ngoài có vẻ ổn định. Mỹ hy vọng sẽ hoàn tất chương trình bình định miền Nam trong một vài năm tiếp theo, rồi chuyển sang thực hiện kế hoạch khai thác, kinh doanh. Điều hoàn toàn bất ngờ đối với Mỹ là tình hình miền Nam tưởng chừng như đang “biển lặng sóng yên”, thì năm 1960, nhân dân ta đồng loạt nổi dậy, đánh sập bộ máy cai trị của địch ở nhiều vùng nông thôn thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và một số vùng của các tỉnh Khu V, Tây Nguyên. Cuộc đồng khởi thắng lợi làm tiêu tan hy vọng của Mỹ, làm lộ rõ bộ mặt tay sai bán nước của tập đoàn Ngô Đình Diệm, tạo ra một bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến lược ở miền Nam Việt nam có lợi cho cách mạng. Chủ nghĩa thực dân đứng trước nguy cơ tan rã. Giữa lúc đó thì tình hình ở Lào cũng biến động. Ngày 9-8-1960, đại uý Coongle chỉ huy tiểu đoàn 2 quân nhảy dù làm đảo chính lật đổ chính quyền Phuminôxavẳn thân Mỹ, và yêu cầu Việt Nam giúp đỡ cuộc kháng chiến của Lào. Cuộc nội chiến ở Lào bùng nổ. Theo yêu cầu của bạn, tháng 9-1960, Việt Nam đưa quân tình nguyện giúp lực lượng Pathét Lào tiến công giải phóng thị xã Sầm Nưa; tháng 1-1961, giải phóng Cánh đồng Chum và vùng Noọng Hét (Xiêng Khoảng), thị xã Phong Xa Lỳ, Nậm Bạc, Bản Ban, Tha Viêng, Vang Viêng, Tha Thơm, Mường Hiềm, Pa Thí, Phu Ma. Thủ tướng Chính phủ liên hợp Lào được thành lập sau cuộc chính biến, yêu cầu Liên Xô, Trung Quốc viện trợ. Liên Xô đưa sang một trung đoàn không quân và lập cầu hàng không để tiếp tế cho Lào, Trung Quốc giúp vũ khí bộ binh. Trước tình hình đó, Mỹ định đưa 30.000 quân chiến đấu của các nước trong hiệp ước SEATO vào “bảo vệ” Đông Dương theo kiến nghị của ngoại trưởng đến Raxcơ, nhưng Anh và Pháp không ủng hộ. Tình hình cách mạng Đông Dương, đặc biệt ở Việt Nam phát triển mạnh theo chiều hướng bất lợi đối với Mỹ, ngụy1.

Cùng vào thời điểm này, chiến lược quân sự toàn cầu trả đũa ồ ạt tượng trưng cho sức mạnh của Mỹ cùng với những chính sách và biện pháp để thực hiện chiến lược đó đã không ngăn chặn được sự lớn mạnh của các nước xã hội chủ nghĩa - nhất là Liên Xô, Trung Quốc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Tình hình Béclin và Cônggô căng thẳng. Cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô đang diễn ra gay gắt. Liên Xô vượt Mỹ về chế tạo vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều này đặt Mỹ trước một tình thế khó khăn trước phong trào giải phóng dân tộc đang dâng lên mạnh mẽ ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và sự lớn mạnh của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, chỗ dựa cho phong trào giải phóng dân tộc. Giữa lúc khó khăn, Kennơđi được bầu làm Tổng thống nước Mỹ thay Aixenhao.
__________________________________________
1. Trong Nhìn lại quá khứ..., Mắc Namara kể lại rằng, ông đã nói với Kennơđi: “Trước khi có bất cứ cam kết gì ở Đông Dương, nên cân nhắc, so sánh Lào với các vấn đề thế giới khác”. Cụ thể, Mắc Namara cho biết, lúc bấy giờ, vấn đề Béc-lin đã trở nên căng thẳng đến mức Bộ Quốc phong Mỹ “đang dự tính chuyển 6 sư đoàn (khoảng 90.000 quân chiến đấu) đến châu Âu”. Nếu vậy, “không thể tưởng tượng được rằng Mỹ lại có khả năng làm như vậy và tiến hành mới cuộc chiến ở Đông Nam Á mà không có cuộc tổng động viên”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2010, 09:27:04 pm »


Sau khi xem xét, đánh giá lại toàn bộ tình hình thế giới và trong nước, chính quyền Kennơđi quyết định loại bỏ chiến lược trả đũa ồ ạt vì không thể ngăn chặn nổi những cuộc chiến tranh nổi dậy (chiến tranh giải phóng), tiêu biểu là ở Việt Nam. Kennơđi quyết định thành lập ngay một lực lượng đặc nhiệm gồm các quan chức nội các mới, do Rôsginpatric, Thứ trưởng Quốc phòng lãnh đạo, nghiên cứu, thăm dò các hướng hành động đối phó với tình hình Việt Nam và thế giới. Nhóm này vạch kế hoạch hành động toàn diện gồm các biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế, công khai và bí mật, tăng nhanh số lượng nhân viên quân sự Mỹ ở Nam Việt Nam. So sánh Việt Nam với nhiều nơi khác trên thế giới mà trọng điểm là châu Âu, với khả năng của Mỹ, Kennơđi cắt giảm kế hoạch của nhóm quan chức nội các Mỹ, trước mắt, chỉ cho phép đưa vào Việt Nam khoảng 100 đến 400 quân thuộc lực lượng đặc biệt để huấn luyện quân ngụy, đồng thời, chấp nhận phương hướng chiến lược toàn cầu mới do Mácxoen Taylơ đề xướng: Chiến lược quân sự toàn cầu phản ứng linh hoạt. Thực hiện chiến lược mới này, Mỹ vẫn duy trì lực lượng hạt nhân chiến lược, đồng thời phát triển lực lượng thông thường để tiến hành các cuộc chiến tranh hạn chế. Theo đánh giá của các nhà quân sự Mỹ thì việc phát triển chiến tranh hạn chế là rất có lợi, vì tránh được đụng độ với các nước lớn trong phe xã hội chủ nghĩa, nhưng lại có thể giành thắng lợi ở các nơi khác bằng cách có thể chủ động tạo ra ưu thế trong từng cuộc chiến tranh cụ thể do Mỹ lựa chọn như cuộc chiến tranh Việt Nam.

Căn cứ vào việc sử dụng lực lượng, các nhà vạch chiến lược Mỹ phân chiến tranh hạn chế thành hai hình thức:

Một là, hình thức chiến tranh đặc biệt, trong đó, dùng quân bản xứ làm lực lượng chiến lược chủ yếu, Mỹ giữ vai trò cố vấn, chỉ huy.

Hai là, hình thức chiến tranh cục bộ trong đó quân Mỹ làm lực lượng chiến lược, trực tiếp tiến hành chiến tranh ngoài lãnh thổ nước Mỹ.

Cả hai hình thức chiến tranh hạn chế trên đây là một bộ phận quan trọng hợp thành chiến lược quân sự toàn cầu phản ứng linh hoạt, được các nhà quân sự Lầu Năm Góc đánh giá là “lưỡi kiếm” tiến công sắc bén vào những nơi nguy hiểm nhất đối với “thế giới tự do”.

Cuối năm 1960, ở miền Nam Việt Nam, phong trào cách mạng phát triển mạnh, đẩy chính quyền Ngô Đình Diệm vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, đang có nguy cơ sụp đổ. Trước tình hình đó, Mỹ phải lựa chọn một trong hai con đường: rút lui việc ủng hộ chính quyền Diệm, thực thi Hiệp định Giơnevơ năm 1954; hoặc tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam bằng chiến tranh để củng cố chế độ tay sai, áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Với bản chất hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc, Mỹ tự cho mình có quyền áp đặt mọi ý muốn đối với các dân tộc trên thế giới và tin tưởng rằng chiến lược Phản ứng linh hoạt sẽ đảm bảo cho Mỹ ứng phó kịp thời và giành phần thắng trong các cuộc chiến tranh hạn chế, lại tránh được sự đối đầu trực tiếp với Liên Xô. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc quyết định chẳng những không rút lui, mà phải giữ vững cam kết với Ngô Đình Diệm, biến miền Nam Việt Nam - nơi “sức mạnh và uy tín của Mỹ đã được đầu tư rất sâu”1 thành tuyến đầu của Mỹ chống Liên Xô, Trung Quốc “bành trướng” xuống Đông Nam Á. Ỷ vào sức mạnh của một siêu cường và niềm tin chiến thắng, Mỹ quyết định tiến hành cuộc chiến tranh đặc biệt chống nhân dân Việt Nam, duy trì chế độ Diệm, coi đó là thí nghiệm đầu tiên của cuộc chiến tranh hạn chế. Chỗ dựa chủ yếu của Mỹ trong cuộc chiến tranh đặc biệt này là ngụy quân, ngụy quyền, trong đó, quân đội Sài Gòn làm lực lượng chiến lược nòng cốt, quân Mỹ giữ vai trò cố vấn, chỉ huy và hỗ trợ.

Ngày 29-4-1961, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nhóm họp đề ra chính sách, biện pháp và các bước tiến hành chiến tranh đặc biệt ở miền Nam Việt Nam. Ngày 11-5-1961, Kennơđi chính thức phê chuẩn các quyết định của Hội đồng an ninh quốc gia, mang tên Bị vong lục về hành động an ninh quốc gia số 52. Mục tiêu và hành động của Mỹ ở miền Nam được xác định trong Bị vong lục là nhằm: “Để ngăn chặn cộng sản thống trị Nam Việt Nam... để xúc tiến với nhịp độ ngày càng nhanh một loạt những hoạt động hỗ trợ lẫn nhau có tính chất quân sự, chính trị, kinh tế, tâm lý và không công khai nhằm thực hiện mục tiêu nói trên”2. Những “hoạt động hỗ trợ” đó bao gồm các biện pháp: tăng cường và mở rộng quyền điều hành tác chiến, chỉ huy, yểm trợ của phái đoàn cố vấn viện trợ quân sự Mỹ (MAAG), kể cả việc huấn luyện thêm 20.000 người cho quân đội Sài Gòn và quyền chi viện, cố vấn cho lực lượng dân vệ lúc đó đã có khoảng 40.000 người; triển khai 400 quân thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ tới Nha Trang nhằm đẩy mạnh việc huấn luyện, trang bị, kể cả việc huấn luyện và trang bị cho lực lượng dân vệ dự tính lên tới 68.000 người để đối phó với chiến tranh du kích; khẩn trương triển khai kế hoạch bình định, lấy việc lập ấp chiến lược làm trọng tâm; tiến hành các chương trình kinh tế để “gây ảnh hưởng ngắn hạn và góp phần vào sự tồn tại lâu dài về kinh tế Nam Việt Nam”3; phong toả vùng biển, bịt chặt biên giới nhằm chống việc xâm nhập từ miền Bắc vào miền Nam; tiến hành các hoạt động chiến tranh bí mật phá hoại miền Bắc Việt Nam4; ra sức củng cố hệ thống ngụy quyền các cấp; cải thiện quan hệ giữa Chính phủ Sài Gòn với các nước khác, đặc biệt với Chính phủ Campuchia.
__________________________________________
1. G. Côn Cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân dội nhân dân, Hà Nội, 1991, t.1, tr.138.
2, 3. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam, VNTTX phát hành, Hà Nội, 1971, t.1, tr.121.
4. Bị vong lục của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSAM 52) gọi cuộc chiến tranh chống phá miền Bắc là “Chương trình hành động bí mật”. Thoạt đầu, Kennơđi chấp thuận tiến hành các biện pháp như tuyển lựa, huấn luyện, trang bị, đài thọ và tung người vào miền Bắc để thu thập tin tức tình báo; tổ chức lực lượng biệt kích thâm nhập vùng Đông - Nam Lào và vào sâu trang nội địa miền Bắc để tiến hành các hoạt động phá hoại; tiến hành các hoạt động chiến tranh tâm lý.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2010, 09:27:52 pm »


Đồng thời với việc chuẩn y các biện pháp trên đây, để tranh thủ sự đồng tình của các đồng minh châu Á và làm cho chính quyền, quân đội Sài Gòn yên tâm về chính sách chiến tranh của Mỹ, thăm dò khả năng triển khai quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, Kennơđi cử Phó tổng thống Mỹ L. B. Giônxơn sang thăm các nước Philippin, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Pakixtan và miền Nam Việt Nam. Tại Sài Gòn, Giônxơn và Ngô Đình Diệm ra thông cáo chung gồm những thoả thuận chính sau đây:

- Mỹ tăng thêm viện trợ quân sự, kinh tế và cố vấn cho Nam Việt Nam.

- Tăng cường và mở rộng lực lượng vũ trang, bán vũ trang của Sài Gòn gồm quân chủ lực, bảo an và dân vệ.

- Lập nhóm chuyên viên kinh tế, tài chính, quân sự cao cấp của hai bên để xây dựng kế hoạch hành động chung giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Sài Gòn.

- Mỹ hoan nghênh các nước khác viện trợ và hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm.

- Triển khai mạnh mẽ chương trình lập ấp chiến lược.

Ngoài ra, thông cáo chung Giônxơn - Diệm còn khẳng định: Những biện pháp mà hai bên đã thoả thuận “có thể sẽ được tiếp nối bằng những biện pháp rộng lớn hơn nữa”1 khi tình hình đòi hỏi.

Thực hiện thoả thuận trên đây, ngày 19-6-1961, một “phái đoàn kinh tế đặc biệt” do E.Stalây thuộc viện nghiên cứu Stanphót dẫn đầu được Kennơđi phái sang Nam Việt Nam giúp Diệm xây dựng chương trình bình định. Sau gần một tháng tìm hiểu tình hình tại chỗ, gặp gỡ một số nhân vật phụ trách về bình định trong chính quyền Sài Gòn, hội đàm với Diệm, cuối tháng 7-1961, phái đoàn Stalây trình lên Kennơđi bản báo cáo trong đó yêu cầu Chính phủ Mỹ tăng thêm viện trợ về quân sự và kinh tế để phục vụ cho kế hoạch bình định. Kế hoạch này gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Dự định trong vòng 18 tháng (kể từ giữa năm 1961 đến cuối năm 1962), cơ bản “bình định” xong miền Nam bằng cách triển khai mạnh mẽ việc dồn dân tập trung vào 16.000 ấp chiến lược để triệt phá cơ sở cách mạng ở nông thôn; phát triển quân đội Sài Gòn gồm quân chính quy, bảo an, dân vệ, đồng thời tăng cường lực lượng yểm trợ Mỹ nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam; thiết lập hệ thống cứ điểm chốt chặn ở biên giới và giới tuyến quân sự tạm thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát vùng biển để ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam; đẩy mạnh các hoạt động tình báo, gián điệp, biệt kích, chiến tranh tâm lý... chống phá miền Bắc, hỗ trợ cho nỗ lực “bình định” ở miền Nam.

Giai đoạn 2: Dự kiến trong năm 1963, củng cố những kết quả đạt được trong giai đoạn một bằng cách tập trung vào khôi phục kinh tế, hoàn tất chương trình “bình định”, tiếp tục tăng cường quân ngụy, đẩy mạnh các hoạt động chống phá miền Bắc.

Giai đoạn 3: Dự kiến trong hai năm 1964 và 1965, hoàn tất các mục tiêu của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bằng việc chuyển hẳn trọng tâm sang phát triển kinh tế trong khi vẫn tiếp tục tăng cường quân ngụy nhằm làm cho miền Nam trở thành một quốc gia mạnh về quân sự, phồn vinh về kinh tế của “thế giới tự do”.

Dựa trên kế hoạch này, từ tháng 7-1961, Mỹ - ngụy gấp rút tăng cường lực lượng vũ trang, tổ chức và kiện toàn bộ máy chỉ đạo “bình định” từ trung ương xuống các tỉnh, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét đánh phá ác liệt cơ sở cách mạng miền Nam, triển khai thí điểm dồn dân, lập “ấp chiến lược” ở các địa phương thuộc Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hoà, Quảng Ngãi... và kế đó, áp dụng rộng rãi ở một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Thomsơn (Thompson), một chuyên gia của quân đội Anh dày dạn kinh nghiệm chống chiến tranh du kích ở Malaixia cũng được mời sang Nam Việt Nam làm cố vấn “bình định” cho Bộ chỉ huy cố vấn viện trợ Mỹ (MAAG) và cho chính quyền, quân đội Sài Gòn. Diệm còn cử các phái đoàn và gửi nhiều cán bộ sang Malaixia, Philippin để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chống du kích, dồn dân, lập các khu tập trung của những nước này nhằm áp dụng vào miền Nam Việt Nam...

Những cố gắng trên đây của Mỹ, Diệm không mang lại kết quả như Mỹ dự tính. Điều làm cho Mỹ, Diệm đặc biệt lo lắng là các cuộc tiến công quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị của quân và dân miền Nam gia tăng ở cả các vùng nông thôn, đô thị và rừng núi, làm cho quân đội Sài Gòn mất dần thế chủ động.
__________________________________________
1. Hồi ký Giônxơn, VNTTX phát hành, Hà Nội, 1972, tr. 33.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2010, 09:28:53 pm »


Ngày 18-10-1961, Chính phủ Mỹ cử Taylo và Rôstâu, hai thành viên Hội đồng an ninh quốc gia, dẫn đầu một phái đoàn gồm các chuyên gia về quân sự, dân sự sang miền Nam Việt Nam để nghiên cứu, đánh giá lại tình hình cụ thể và kết luận tại chỗ, đề ra các phương án đối phó. Phái đoàn này đề ra ba phương án hành động của Mỹ như sau:

1. Đưa vào miền Nam Việt Nam ba sư đoàn quân Mỹ để “đánh bại Việt cộng”.

2. Đưa tượng trưng một số quân chiến đấu Mỹ “cốt nhằm mục đích xác lập sự có mặt của Mỹ ở Nam Việt Nam” để nâng đỡ tinh thần quân đội và chính quyền Sài Gòn đang sa sút mạnh và cũng để tạo điều kiện cho việc tăng viện quân Mỹ khi cần.

3. Tăng thêm viện trợ, vũ khí, trang bị chiến tranh và đẩy mạnh công tác huấn luyện cho lực lượng vũ trang Sài Gòn để nâng cao sức chiến đấu của nó.

Ngày 3-11-1961, phái đoàn Taylo gửi về Oasinhtơn bản báo cáo nói trên, trong đó, kiến nghị một loạt các biện pháp cấp bách đề cứu vãn tình hình:

- Cử các cố vấn hành chính sang tham gia vào bộ máy chính quyền Sài Gòn.

- Cùng chính phủ Sài Gòn tiến hành các biện pháp cần thiết để cải thiện mạng lưới tình báo quân sự, chính trị trong chính quyền và quân đội.

- Mở cuộc điều tra rộng lớn ở các tỉnh trên khắp miền Nam để lượng định các nhân tố xã hội, chính trị, kinh tế, tình báo, quân sự, tâm lý... có liên quan tới “công tác chống nổi loạn” để có thêm cơ sở cho việc đề ra các biện pháp hiệu quả hơn.

- Tăng cường viện trợ, vũ khí, trang bị và huấn luyện cho lực lượng bảo an, dân vệ để lực lượng này đủ sức thay thế các đơn vị chính quy làm nhiệm vụ “diện địa” (giữ đất), tạo điều kiện cho các đơn vị chính quy đẩy mạnh các cuộc hành quân cơ động, có tính tiến công.

- Giúp đỡ chính phủ Sài Gòn giám sát và kiểm soát vùng biển và các đường thuỷ nội địa bằng cách cung cấp cố vấn, nhân viên điều hành và phương tiện cần thiết cho nhiệm vụ này.

- Tổ chức lại và tăng biên chế phái đoàn cố vấn viện trợ quân sự Mỹ.

- Đưa vào miền Nam Việt Nam một lực lượng quân sự đặc nhiệm gồm 6.000 đến 8.000 quân hoạt động dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Mỹ để tạo ra sự có mặt về quân sự, hỗ trợ cho các hoạt động quân sự và khi cần, có thể mở các cuộc hành quân mang tính chất tiến công. Ngoài ra, lực lượng đặc nhiệm này còn đóng vai trò “như một bộ phận đi trước của lực lượng Mỹ sẽ được đưa vào nếu như dùng đến các kế hoạch khẩn cấp của Tổng tư lệnh Thái Bình Dương hoặc của khối SEATO”1.

- Tăng thêm viện trợ để hỗ trợ thích đáng chương trình “chống nổi loạn mở rộng”.

Ngoài những biện pháp chung trên đây, phái đoàn Taylo còn kiến nghị một “chương trình tham gia có giới hạn” của Mỹ trong lĩnh vực quân sự; cử sang Nam Việt Nam các cố vấn cấp cao tham gia vào các cơ quan chính phủ và các bộ chủ chốt; thành lập ban thanh tra quân sự hỗn hợp từ trung ương xuống quân khu và các tỉnh; tăng cường một cách cơ bản nhân viên huấn luyện Mỹ ở mọi cấp và trên mọi lĩnh vực quân sự, hành chính, kinh tế, văn hoá, xã hội; triển khai vào Nam Việt Nam các đơn vị công binh, hậu cần, máy bay lên thẳng nằm trong khuôn khổ lực lượng quân sự đặc nhiệm Mỹ đã được đề nghị trước đây; đưa. thêm các đội lực lượng đặc biệt Mỹ để cùng lực lượng đặc biệt Sài Gòn tăng cường cho vùng biên giới; đẩy mạnh các hoạt động tiến công bí mật ra miền Bắc Việt Nam và Lào, kể cả những hoạt động biệt kích bằng không quân, nếu tình hình Nam Việt Nam tiếp tục xấu đi, Mỹ sẽ ném bom miền Bắc để gây áp lực.

Để thực hiện Chương trình tham gia có giới hạn, phái đoàn Taylo cho rằng, cần có sự thay đổi trong quy chế tinh thần và tổ chức của Phái đoàn cố vấn viện trợ quân sự ở Nam Việt Nam. “Phái đoàn này cần phải được chuyển từ một tổ chức cố vấn thành một cái gì gần giống - tuy chưa hoàn toàn - một sở chỉ huy tác chiến tại một nơi có chiến tranh...”2. Hơn thế nữa, để giành thắng lợi, “Mỹ phải trở thành một người tham gia có giới hạn vào cuộc chiến tranh, một mặt phải tránh câu nệ, nghi thức trong việc cố vấn; mặt khác phải tránh tự mình tiến hành chiến tranh”3.
__________________________________________
1. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, tlđd, t.1, tr.140.
2, 3. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, tlđd, t.1, tr. 99, 141.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2010, 09:30:02 pm »


Trong lúc Taylo-Rôstâu và những nhân vật chóp bu ở Oasinhtơn đang băn khoăn tìm ra phương cách đưa một bộ phận quân Mỹ vào miền Nam tham gia chiến tranh, thì đột nhiên ở miền Nam Việt Nam xảy ra một trận lụt lớn. Taylo xem đây là thời cơ để đưa quân Mỹ vào dưới chiêu bài “giúp đỡ nhân đạo”, sau đó số quân này ở lại hỗ trợ cho quân ngụy. Đây là biện pháp “hiệu nghiệm nhất” để đưa quân Mỹ vào tham chiến, trấn an được Diệm, đối phó được với dư luận thế giới và làm giảm bớt sự dè dặt của Kennơđi.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, “Chương trình tham gia có giới nạn” do phái đoàn Taylo-Rôstâu đề xuất là “quan điểm tổng quát của Mỹ về vai trò mới của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam”1. Vai trò mới này tuy bên ngoài Mỹ vẫn cố giấu mặt, trá hình, nhưng thực chất, bằng việc “tham gia có giới hạn”, Mỹ đang cố gắng giành toàn quyền chỉ huy, điều hành cuộc chiến về tay mình. Những kiến nghị của phái đoàn Taylo-Rôstâu chính là sự bổ sung vào những chủ trương do phái đoàn Stalây đưa ra hồi tháng 7-1961 để trở thành một kế hoạch hành động tương đối hoàn chỉnh của Mỹ trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, mà ta quen gọi là kế hoạch Stalây-Taylo. Toàn bộ kế hoạch Stalây và những kiến nghị bổ sung của Taylo đã được Hội đồng an mình quốc gia Mỹ và Kennơđi chấp thuận, trừ việc đưa lực lượng đặc nhiệm Mỹ vào miền Nam và dùng không quân ném bom miền Bắc tạm gác lại. Quyết định đó của Kennơđi được chính thức nêu ra hôm 22-11-1961 trong bản bị vong lục Về hành động an ninh quốc gia số 111 nhan đề: Giai đoạn đầu của chương trình Việt Nam.

Để làm yên lòng Diệm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện kế hoạch Stalây-Taylo, Oasinhtơn quyết định rút bỏ yêu cầu đòi Diệm cải tổ chính phủ để đổi lấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ mà họ đã nêu ra trước đây. Điều này, càng chứng tỏ “khía cạnh quân sự của cuộc chiến tranh được Mỹ ưu tiên hơn khía cạnh chính trị”2. Như thế, quyền điều hành chiến tranh hoàn toàn trong tay Mỹ, thực chất là cuộc chiến tranh của Mỹ, do Mỹ khởi xướng và chỉ huy, không phải là cuộc nội chiến như một số người cố tình xuyên tạc.

Sau một năm thăm dò thử nghiệm, Mỹ từng bước hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược chiến tranh đặc biệt và triển khai mạnh mẽ các biện pháp nhằm trước hết, cơ bản “bình định” xong miền Nam Việt Nam trong 18 tháng.

Ngày 8-2-1962, phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự Mỹ (MAAG) được chuyển thành Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ (MACV) do đại tướng Pôn Hắckin (Pau Harkins) thay Mácga làm tư lệnh. Dưới quyền chỉ huy và điều hành của MACV, số lượng cố vấn và các đơn vị yểm trợ Mỹ không ngừng tăng lên. Nếu năm 1960, lực lượng yểm trợ và cố vấn Mỹ mới chỉ 1.077 tên, thì năm 1962, con số đó lên tới 10.640 tên gồm hai bộ phận: Cố vấn 2.360 người và 8.280 thuộc lực lượng yểm trợ, đơn vị kỹ thuật. Cố vấn Mỹ không chỉ nắm lực lượng quân đội, lực lượng bảo an và lực lượng dân vệ mà còn len vào tất cả các ngành, các cấp trong bộ máy chính quyền Diệm.

Ngoài số cố vấn và các đơn vị yểm trợ chiến đấu Mỹ trên đây, Mỹ còn đưa vào miền Nam một khối lượng lớn vũ khí thiết bị chiến tranh, tăng thêm viện trợ quân sự và viện trợ kinh tế cho quân đội và chính quyền Sài Gòn. Từ năm 1961 trở đi, số viện trợ quân sự bắt đầu vượt viện trợ kinh tế, chứng tỏ trong việc thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, biện pháp quân sự được Mỹ, Diệm ưu tiên hàng đầu.

Với sự tăng viện của Mỹ về đôla, về vũ khí, thiết bị chiến tranh, đội ngũ cố vấn..., quân ngụy Sài Gòn nhanh chóng phát triển về số lượng, cải tiến về biên chế, tổ chức, hệ thống chỉ đạo, chỉ huy, đổi mới công tác huấn luyện... theo phương hướng nhằm đối phó có hiệu quả với chiến tranh du kích và phong trào nổi dậy của nhân dân. Từ 7 sư đoàn bộ binh năm 1960, quân chính quy ngụy tăng tới 9 sư đoàn bộ binh, một số tiểu đoàn nhảy dù, tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ với tổng quân số 206.000 tên vào năm 1963. Bên cạnh đó, bảo an, dân vệ cũng được tăng nhanh về số lượng, trang bị thêm các loại vũ khí mới, từng bước thay thế các đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ “phòng thủ diện địa”. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo, huấn luyện của CIA, chương trình tổ chức “thanh niên chiến đấu” cũng được xúc tiến nhằm tăng thêm lực lượng bảo vệ các dinh điền, ấp chiến lược và bổ sung cho mạng lưới tình báo trải rộng khắp các vùng nông thôn. Từ cuối năm 1962, các đơn vị hoàn chỉnh thuộc “lực lượng đặc biệt” Mỹ được công khai đưa vào, làm nhiệm vụ xây dựng, phát triển “lực lượng đặc biệt”. Đầu năm 1963, với tư cách là một binh chủng trong thành phần lực lượng vũ trang quân đội Sài Gòn, “lực lượng đặc biệt” được chính thức thành lập. Đây là lực lượng nòng cốt trong hệ thống các đồn trại dân sự chiến đấu được thiết lập ở những vùng tranh chấp, trên các tuyến hành lang, dọc theo đường biên giới Lào và Campuchia. Hệ thống đồn trại này, một mặt hỗ trợ cho công tác bình định, nới rộng vùng kiểm soát; mặt khác, chống xâm nhập và tạo thế bao vây, chia cắt vùng căn cứ, các tuyến hành lang vận chuyển của ta. Ngoài ra, nó còn có nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, phá rối hậu phương tại chỗ của cách mạng.
__________________________________________
1. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, tlđd, t.1, tr. 99, 141.
2. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, tlđd, t.1, tr. 103.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2010, 09:31:25 pm »


Để tăng cường khả năng chỉ huy và tận dụng được lực lượng quân ngụy trong công tác bình định, ngay từ tháng 4-1961, hệ thống tổ chức chiến trường theo từng quân khu được chuyển thành vùng chiến thuật1. Mỗi vùng chiến thuật do một quân đoàn chủ lực đảm nhiệm với đủ thành phần quân địa phương và các quân binh chủng yểm trợ như pháo binh, công binh, thiết giáp, biệt động, biệt kích, không quân, hải quân, tiếp vận... Dưới vùng chiến thuật là khu chiến thuật. Tiếp đó là các tiểu khu (tỉnh), chi khu (quận hoặc huyện). Do vị trí đặc biệt, Sài Gòn - Gia Định được tổ chức thành “Biệt khu thủ đô”. Lực lượng yểm trợ Mỹ được bố trí xuống từng vùng chiến thuật, nhất là các đơn vị máy bay trực thăng và vận tải đường không. Cố vấn quân sự Mỹ có mặt khắp các vùng chiến thuật, khu chiến thuật, tiểu khu chiến thuật và các trung tâm huấn luyện, các cơ quan điều hành tác chiến, chỉ huy, các trại lực lượng đặc biệt, các chi khu trọng yếu...

Phục vụ cho “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ bỏ tiền thuê hàng chục cơ quan nghiên cứu, trường đại học, tổ hợp công nghiệp... nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đưa vào sản xuất nhiều loại vũ khí, thiết bị chiến tranh mới; nghiên cứu, thử nghiệm các chiến thuật chống du kích, chống nổi dậy. Mỹ còn thiết lập Cơ quan phát triển khả năng tác chiến nhằm ứng dụng kịp thời những phát minh, sáng chế mới trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự vào cuộc chiến tranh Việt Nam.

Sau một thời gian làm thí điểm ở một số địa phương thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hoà, Quảng Ngãi, từ tháng 4-1962, Mỹ, Diệm triển khai thực hiện rộng rãi trên toàn miền chương trình gom dân, lập “ấp chiến lược”. Chúng xem đó là “quốc sách”, “xương sống” của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” nhằm giành giật nông dân và địa bàn nông thôn với phía cách mạng; triệt phá tận gốc cơ sở của chiến tranh du kích để hoàn tất kế hoạch bình định trong vòng 18 tháng.

Thực hiện kế hoạch đó, một bộ máy chỉ đạo bình định của ngụy quyền có hệ thống cố vấn Mỹ lồng xen được thiết lập từ trung ương xuống các tỉnh. Chúng dự tính gom 10 triệu nông dân vào 16.000 “ấp chiến lược” trong tổng số 17.000 ấp đã dự định. Tiền của, phương tiện, lực lượng, cán bộ chỉ đạo, chỉ huy... được Mỹ - Diệm ưu tiên cho công tác này. Để kế hoạch bình định tiến triển vững chắc, liên tục có hiệu quả, địch chia miền Nam thành ba vùng bình định khác nhau để tập trung nỗ lực vào từng vùng, đặc biệt là những vùng ưu tiên quốc gia2.

Vùng do địch kiểm soát: Chúng dùng sức mạnh của bộ máy ngụy quyền kết hợp với lực lượng quân sự tại chỗ và bộ máy chiến tranh tâm lý vừa cưỡng bức vừa dụ dỗ nhân dân, trước hết là những khu vực chung quanh đô thị, dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch, rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn, quê cha, đất tổ vào sống trong các trại tập trung “ấp chiến lược”.

Vùng tranh chấp: Địch chủ yếu sử dụng lực lượng quân sự mở các cuộc càn quét, đánh phá quyết liệt hòng làm cho nhân dân ta nhụt ý chí, nản lòng, buộc phải để chúng dồn, gom vào các “ấp chiến lược”.

Vùng giải phóng: Địch sử dụng các đơn vị chính quy kết hợp với không quân, pháo binh, xe tăng đánh phá ác liệt các khu dân cư, các căn cứ kháng chiến, đường hành lang, kho tàng hòng buộc nhân dân ở các nơi này chạy sang vùng do chúng kiểm soát, vào các “ấp chiến lược” do chúng lập ra.

Mỹ - Diệm liên tục mở khoảng 6.780 cuộc hành quân càn quét, hành quân “bình định” với quy mô lớn, nhỏ và thời gian dài, ngắn khác nhau nhằm tiêu diệt cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang của cách mạng, hỗ trợ cho nỗ lực gom dân, lập “ấp chiến lược”. Trong các cuộc hành quân đó quân Mỹ và quân Sài Gòn dùng máy bay lên thẳng, xe tăng, xe bọc thép là những phương tiện chiến tranh hiện đại để thực hiện các chiến thuật “bủa lưới phóng lao”, “phượng hoàng vồ mồi”, “trên đe dưới búa”... đánh vào những người dân thường không có vũ khí. Đó là những chiến thuật điển hình gây tai họa khủng khiếp đối với nhân dân mà Mỹ áp dụng ở miền Nam nước ta trong chiến tranh đặc biệt. Mỹ còn dùng một khối lượng lớn bom đạn, chất độc khai quang đánh vào vùng giải phóng, vùng căn cứ kháng chiến, các hành lang vận chuyển, khu giới tuyến quân sự tạm thời phía nam sông Bến Hải, san phẳng nhiều làng, phá nát từng khu rừng.

Hỗ trợ cho nỗ lực “bình định”, Mỹ - Diệm đồng thời triển khai các hoạt động phong toả vùng biển, bịt kín biên giới nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, cô lập cách mạng miền Nam.Cùng với việc thiết lập hơn 70 căn cứ, đồn bốt, trại “lực lượng đặc biệt” Mỹ, ngụy dọc các tuyến hành lang, xung quanh vùng căn cứ của ta, địch tổ chức hệ thống ra đa, tình báo mặt đất, thực hiện các chuyến bay trinh sát đường không... hòng phát hiện quy luật hoạt động của ta trong việc đưa người, vũ khí, phương tiện, vật chất vào miền Nam để chúng tổ chức các cuộc hành quân, đánh phá, ngăn chặn. Ở vùng ven biển, cửa sông, ngoài hệ thống đồn, bốt, trạm tuần tra, kiểm soát, địch sử dụng từ 30 đến 40 % lực lượng hải thuyền, 100 % lực lượng giang thuyền... ngày đêm cảnh giới, khám xét tầu thuyền ra vào, phá hệ thống vận chuyển đường thủy của ta.

Đối với miền Bắc, địch tăng cường cuộc chiến tranh bí mật, tung hơn 100 toán biệt kích, gián điệp ra các tỉnh bằng đường không, đường biển hoạt động móc nối với bọn phản động nội địa, phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Mỹ còn dùng máy bay U2 trinh sát vùng biên giới Việt - Lào, chuẩn bị, nếu có điều kiện, thì leo thang chiến tranh chống phá cách mạng Lào và miền Bắc Việt Nam.

Từ giữa năm 1961, Mỹ công khai thiết lập phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự (MAAG) cho phái thân Mỹ ở Lào, gồm 16.000 nhân viên; phát triển quân ngụy Lào từ 30.000 lên tới 50.000 tên; thúc đẩy quân ngụy Lào mở các cuộc hành quân quy mô tương đối lớn đánh vào vùng giải phóng của Pathét Lào ở khu vực đường số 9, đường số 12, Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, Mường Sủi, Nậm Thà; lập phòng tuyến sông Nậm Hu - Mường Khoa; củng cố địa bàn chiến lược của chúng ở khu vực Luông Phabăng - Nậm Thà; đẩy mạnh công việc bình định ở những vùng chúng kiểm soát...

Đối với Campuchia, Mỹ dùng nhiều thủ đoạn, biện pháp gây sức ép buộc nước này phải từ bỏ chính sách tập trung, ngấm ngầm chi tiền của, viện trợ vũ khí cho bọn Khơme thân Mỹ, Lon Non - Xirich Matắc, xúi giục và tổ chức cho chúng chống phá, tiến tới lật đổ chính phủ Xihanúc hòng đưa Campuchia vào ảnh hưởng của Mỹ, cô lập cách mạng Việt Nam.

Toàn bộ nỗ lực chiến tranh trên đây của Mỹ nhằm tiếp tục duy trì chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, phá hoại miền Bắc Việt Nam, đặt nhân dân ta vào tình thế phải tiến hành kháng chiến giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
__________________________________________
1. + Vùng chiến thuật I: Từ vĩ tuyến 17 đến hết tỉnh Quảng Ngãi do Quân đoàn 1 ngụy đảm trách.
    + Vùng chiến thuật II: Gồm Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ do Quân đoàn 2 đảm trách.
    + Vùng chiến thuật III: Gồm các tỉnh Nam Bộ do Quân đoàn 3 ngụy đảm trách.
    + Đầu năm 1963, tách các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long ra khỏi vùng chiến thuật III, thành lập vùng chiến luật IV.

2. Vùng ưu tiên quốc gia: Từ vĩ tuyến 17 vào đến Khánh Hoà, trọng điểm Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên; miền Đông Nam Bộ: Gia Định, Long An, Bình Dương, Biên Hoà, trọng điểm Bình Dương; Tây Nam Bộ: Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, trọng điểm Vĩnh Bình.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2010, 09:32:45 pm »


II. CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, QUYẾT TÂM KHÁNG CHIẾN CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM

Bị thất bại trong việc dùng cố vấn và viện trợ kinh tế, quân sự để áp đặt chủ nghĩa thực dân mới đối với nhân dân miền Nam, Mỹ phát động cuộc chiến tranh xâm lược dưới hình thức “chiến tranh đặc biệt”. Điều này đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhận định và dự báo trong Nghị quyết 15 tháng giêng năm 1959.

Mỹ tiến hành chiến tranh đặc biệt trong bối cảnh ở miền Nam “thời kỳ tạm ổn định của chế độ Mỹ - Diệm đã qua và thời kỳ khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng đã bắt đầu, các hình thái du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện mở đầu cho cao trào cách mạng ngày càng lớn”1. Trên thế giới, phong trào giải phóng dân tộc đang lên - nhất là ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, khiến cho Mỹ phải phân tán lực lượng đối phó nhiều nói. Phe xã hội chủ nghĩa lớn mạnh về mọi mặt - nhất là Liên Xô, Trung Quốc. Mặc dù nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế có sự bất đồng về chính trị, nhưng vẫn chống Mỹ, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Lương tri loài người đã thức tỉnh trước họa xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Về mặt chiến lược, nhân dân ta đang ở thế chủ động, Mỹ và tay sai đang ở thế bị động. Tất cả những nhân tố trên đây tạo nên những thuận lợi căn bản cho nhân dân ta kháng chiến thắng lợi. Tuy nhiên, qua sáu năm đấu tranh, phong trào cách mạng miền Nam phát triển không đều; vùng đô thị và đồng bằng khu V còn yếu; lực lượng vũ trang ta ít về số lượng, thiếu về trang bị, vũ khí - kỹ thuật và còn lạc hậu so với đối phương; căn cứ địa xây dựng chưa vững chắc, hệ thống giao thông, liên lạc Bắc - Nam và giữa các vùng còn hạn chế, gây nhiều khó khăn, trở ngại cho việc tiếp tế, cơ động, xây dựng lực lượng cách mạng. Mặt trận Dân tộc giải phóng mới ra đời chưa đủ sức tập hợp rộng rãi các lực lượng vào một mặt trận thống nhất đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Do đó, dù có nhiều thuận lợi căn bản, nhưng so sánh lực lượng đôi bên, cách mạng miền Nam vẫn đứng trước thử thách lớn, nghiêm trọng, vì kẻ thù là Mỹ có tiềm lực mạnh, trang bị hiện đại và rất ngoan cố không bao giờ từ bỏ âm mưu xâm lược. Tình hình đó đặt Đảng và nhân dân ta vào con đường là phải chiến đấu để đạt cho bằng được mục tiêu cách mạng đã đề ra: độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng ngày 31-1-1961 bàn về Phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam đã quyết định xây dựng miền Bắc ngày càng vững mạnh về mọi mặt để trở thành chỗ dựa và là căn cứ có tác dụng quyết định cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đối với miền Nam, nhiệm vụ công tác trước mắt là: “Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng của ta cả về hai mặt chính trị và quân sự, tập hợp đông đảo lực lượng cách mạng trong Mặt trận Dân tộc giải phóng, phát động một phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của quần chúng, tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bảo tồn và phát triển lực lượng ta, làm tan rã chính quyền và lực lượng địch trên một phạm vi ngày càng rộng lớn, tiến lên làm chủ vùng rừng núi, giành lại toàn bộ vùng đồng bằng, ra sức xây dựng cơ sở và đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở các đô thị, tạo mọi điều kiện và nắm mọi thời cơ thuận lợi để đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm, giải phóng miền Nam”2.

Những năm trước đồng khởi, phương châm hoạt động của ta lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu, sử dụng vũ trang tuyên truyền có mức độ để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, nay tình hình so sánh lực lượng đã thay đổi, cho nên Bộ Chính trị quyết định thay đổi phương châm đấu tranh: “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự”3. Do đặc điểm phong trào cách mạng miền Nam phát triển không đều, so sánh lực lượng đôi bên ở mỗi vùng cũng khác nhau, cho nên phải vận dụng phương châm đấu tranh chính trị song song với đấu tranh vũ trang linh hoạt, phù hợp với từng vùng. Bộ Chính trị đề ra phương châm công tác ba vùng:

Vùng rừng núi: Lấy đấu tranh quân sự làm chủ yếu với nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch để mở rộng thêm căn cứ và xây dựng lực lượng ta.

Vùng đồng bằng: Đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự có thể ngang nhau, song cũng tuỳ lúc, tuỳ nơi, tuỳ tình hình cụ thể mà cân nhắc mức độ giữa hai hình thức, mức độ tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.

Vùng đô thị: Lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu, kết hợp cả đấu tranh hợp pháp và bất hợp pháp.

Vấn đề xây dựng lực lượng chính trị và phát động quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, xây dựng căn cứ địa, công tác binh vận; vấn đề thống nhất cơ quan chỉ đạo các cấp, tăng cường công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.... được Bộ Chính trị chú trọng không chỉ là công tác cần thiết trước mắt, mà là vấn đề chiến lược lâu dài, quyết định thắng lợi.

Trong các vấn đề nói trên, vấn đề xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, tiếp tục đẩy mạnh mọi hình thức đấu tranh để đẩy lùi địch từng bước và tiến lên đánh đổ hoàn toàn địch được coi là công tác quan trọng và khẩn cấp bậc nhất.
__________________________________________
1. Nghị quyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 31-1-1961, lưu trữ Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
2, 3. Nghị quyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 31-1-1961, tlđd.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2010, 09:34:09 pm »


Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 31-1-1961 là sự vận dụng và phát triển các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III một cách sáng tạo trong điều kiện mới, đề ra phương hướng đấu tranh chính trị song song với đấu tranh vũ trang, đánh địch bằng ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược.

Nhiệm vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà của nhân dân ta hiện nay hết sức nặng nề. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Để bảo đảm thắng lợi cho cách mạng vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải nâng cao hơn nữa sức chiến đấu của toàn Đảng ta, phát huy hơn nữa tác dụng lãnh đạo của Đảng ta trên mọi mặt công tác”1.

Ngày 7-2-1961, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi thư cho đồng chí Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “... Vấn đề xây dựng căn cứ địa, xây dựng thực lực của ta, tiêu diệt lực lượng địch có tầm quan trọng đặc biệt làm thay đổi hẳn tương quan lực lượng, bảo đảm cho cách mạng thành công”2... “Ta phải phát động quần chúng đấu tranh chính trị, phát triển lực lượng chính trị, xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch cả về chính trị và quân sự, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quan trọng là tiêu diệt sinh lực địch, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền”3.

Ngày 20-4-1961, trong thư Gửi anh Mười Cúc và Xứ uỷ Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn phân tích cụ thể: Trong mấy năm đầu của cách mạng miền Nam, chúng ta chủ trương dựa vào lực lượng chính trị là chính, có sự phối hợp của lực lượng vũ trang để đấu tranh phá thế kìm kẹp của địch, làm tan rã ngụy quyền ở thôn xã. Thực chất đó là cao trào khởi nghĩa của quần chúng, “là giai đoạn quần chúng nổi dậy giành lấy chính quyền thôn xã, trên cơ sở ấy, tập hợp thêm đội ngũ, mở rộng thêm lực lượng chính trị và vũ trang để tiếp tục tiến công địch, giữ vững thành quả đã giành được và đưa sự nghiệp cách mạng vững bước tiến lên”4. Trong giai đoạn này, địch tuy thất bại về chính trị, nhưng lực lượng quân sự của chúng hầu như còn nguyên vẹn và đang được Mỹ tìm mọi cách tăng cường. Chúng nhất định sẽ tìm mọi cách để phản công quyết liệt hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng và giành lại chính quyền ở thôn xã. “Chiến tranh sẽ mở rộng; cuộc chiến đấu sẽ ác liệt phức tạp; đấu tranh chính trị và vũ trang sẽ diễn ra đồng thời, nhưng từ đây đấu tranh vũ tranh chuyển sang đóng vai trò ngày càng quyết định5.

Kinh nghiệm nhiều cuộc cách mạng cho thấy: nếu địch không bị thất bại về quân sự, khi chúng còn sử dụng được công cụ bạo lực để chống lại cách mạng, thì khởi nghĩa không thể thành công. Vì vậy, đi đôi với đấu tranh chính trị và binh vận, đấu tranh quân sự trở thành cuộc đọ sức chủ yếu giữa ta và địch.

“Trong thời kỳ này, đi đôi với xây dựng lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị, phải ra sức xây dựng lực lượng vũ trang bao gồm dân quân du kích ở thôn xã, bộ đội địa phương tỉnh, huyện đến bộ đội chủ lực khu, miền, đồng thời phải đẩy mạnh đấu tranh quân sự của ba thứ quân để giúp sức đắc lực cho đấu tranh chính trị”6... “Phải gắn liền đấu tranh với xây dựng lực lượng chính trị, quân sự của ta. Đi sâu củng cố các tổ chức đảng, đoàn, các đội ngũ quần chúng cách mạng, tăng cường giáo dục chính trị, nâng cao ý chí chiến đấu và lòng tin vào thắng lợi cuối cùng”7.

Với tinh thần nói trên, tháng 1-1961, Tổng quân uỷ ra chỉ thị thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam8. Chỉ thị nêu rõ: “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo... Quân giải phóng miền Nam Việt Nam kế tục truyền thống anh dũng, tinh thần quật khởi và đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam anh hùng, kế tục truyền thống vẻ vang phục vụ nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam”9. Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ xây dựng ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Phương châm xây dựng là: “Khẩn trương nhưng phải phù hợp với tình hình và khả năng thực tế và có đủ điều kiện để đối phó với những tình huống đột biến, lấy việc xây dựng các đơn vị tập trung làm chủ yếu, đồng thời, hết sức coi trọng việc xây dựng bộ đội địa phương và dân quân, du kích”10.
__________________________________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 10, tr. 201.
2 - 4. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.34, 36, 41.
5 - 7. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr.42, 43, 49.
8. Ngày 15-2-1961, lễ ra mắt Quân giải phóng miền Nam mới được chính thức tổ chức tại chiến khu D.
9, 10. Chỉ thị về việc thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2010, 09:35:13 pm »


Cũng trong tháng 1-1961, căn cứ vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng và yêu cầu của việc chỉ đạo cách mạng miền Nam trong điều kiện giao thông, liên lạc giữa hai miền có nhiều khó khăn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam1 để phụ trách chỉ đạo công tác của Đảng ở miền Nam.

Về tổ chức và nhiệm vụ của Trung ương Cục miền Nam, Trung ương xác định: “Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương, gồm một số uỷ viên Trung ương được Ban Chấp hành Trung ương cử ra và uỷ nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác Đảng ở miền Nam. Trung ương Cục miền Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Bộ Chính trị thay mặt Trung ương trực tiếp chỉ đạo.

Trung ương cục miền Nam có nhiệm vụ:

- Căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và những chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị về cách mạng miền Nam mà đề ra chủ trương, chính sách, phương châm kế hoạch công tác và chỉ đạo thực hiện cụ thể ở miền Nam.

- Chấp hành cương lĩnh và những quy định cụ thể về Điều lệ Đảng ở miền Nam, căn cứ vào Điều lệ Đảng và những quy định cụ thể của Trung ương đối với Đảng bộ miền Nam mà tổ chức ra Đảng bộ các cấp và lãnh đạo các đảng bộ đó hoạt động.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh - nguyên Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ được cử làm Bí thư Trung ương Cục. Các đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung), Phan Văn Đáng (Hai Văn), Nguyên Văn Xô, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Phạm Thái Bường, Trần Văn Quang uỷ viên2.

Cùng với thành lập Trung ương Cục miền Nam, trong cuộc họp thông qua kế hoạch quân sự lần thứ hai (1961-1965) ngày 25-2-1961, Bộ Chính trị đã quyết định đổi Tổng quân uỷ thành Quân uỷ Trung ương và giao cho nhiệm vụ chỉ đạo công tác quân sự ở miền Nam. 14 đồng chí được chỉ định vào Quân uỷ Trung ương gồm: Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Chu Văn Tấn, Song Hào, Hoàng Văn Thái, Lê Quang Đạo, Trần Văn Trà, Trần Quý Hai, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Bí thư Quân uỷ. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị - Tổng tham mưu trưởng và đồng chí Trung tướng Song Hào, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó bí thư. Thường trực Quân uỷ Trung ương, ngoài bí thư và các phó bí thư, còn có Trung tướng Hoàng Văn Thái - Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Trần Quý Hai -Uỷ viên Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần3.

Sau khi kiện toàn lại tổ chức, Quân uỷ Trung ương họp nhiều lần để bàn bạc, quyết định những chủ trương công tác lớn, đặc biệt là công tác chi viện và tổ chức lực lượng ở miền Nam. Quân uỷ đã phân công cụ thể từng đồng chí phụ trách các mặt công tác:

Đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách về biên chế, tổ chức, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc để đưa vào miền Nam chiến đấu.

Đồng chí Trung tướng Trần Văn Trà - Phó Tổng tham mưu trưởng và đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - Phó trưởng ban Thống nhất Trung ương phụ trách về xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu ở miền Nam.

Đồng chí Song Hào phụ trách việc lựa chọn, đào tạo, điều động cán bộ vào Bộ tư lệnh Miền, các quân khu ở miền Nam.

Đồng chí Trần Quý Hai phụ trách chi viện vật chất, trang bì vũ khí, xây dựng các đường tiếp tế, các căn cứ hậu cần chiến lược ở miền Nam.

Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu được Quân uỷ Trung ương giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, chuẩn bị những phương án chi viện, tổ chức chiến đấu ở miền Nam. Trong Cục tác chiến, có một bộ phận chuyên lo về vấn đề này gọi là tổ B4. Đại tá cục trưởng Đỗ Đức Kiên và trung tá tổ trưởng tổ B Nguyễn Văn Minh là những cán bộ chịu trách nhiệm chính về nội dung kế hoạch trình Quân uỷ và sau đó hiệp đồng với các cơ quan chỉ đạo đơn vị thực hiện.
__________________________________________
1. Tháng 9-1954, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, thành lập Xứ ủy ở Nam Bộ và Liên khu ủy Khu V.
2. Đồng chí Trần Văn Quang được chỉ đinh làm Uỷ viên Trung ương Cục miền Nam trước khi đồng chí đi B.
3. Theo Nghị quyết Trung ương ngày 23-1-1961. Hồ sơ số 287, phông Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Tru trữ Bộ Quốc phòng.
4. B: Mật danh chỉ miền Nam.

Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM