Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 10:51:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 3  (Đọc 100166 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 10:44:06 pm »


Để ngăn chặn chiều hướng này và cải thiện tình hình ảm đạm đang bao trùm các tỉnh chung quanh Sài Gòn và các tỉnh vùng châu thổ sông Cửu Long Mắc Namara đề xuất ba biện pháp:

1. Yêu cầu Chính phủ Sài Gòn bố trí lại toàn bộ lực lượng quân đội theo hướng bảo đảm cho các tỉnh chung quanh Sài Gòn và vùng châu thổ có quân số tăng lên gấp đôi;

2. Tăng số nhân viên quân sự, nhân viên phái đoàn hành quân Mỹ (USOM) đến mức số người Mỹ có ở Nam Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng đem lại cho các cơ quan điều hành chiến tranh của Mỹ sự đánh giá độc lập, đáng tin cậy về các mặt hoạt động trên chiến trường;

3. Chuẩn bị các chương trình bình định thiết thực, đồng thời nỗ lực để bảo đảm an ninh cho các vùng do Chính phủ Việt Nam cộng hoà hiện còn đang kiểm soát và sau đó, mở rộng dần ra vùng gần đó.

Ngoài ba biện pháp trên đây, báo cáo của Mắc Namara còn kiến nghị một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh hơn cuộc chiến tranh bí mật chống miền Bắc, kể cả việc cho máy bay U2 chụp bản đồ toàn bộ biên giới Lào và Campuchia; mở các cuộc hành quân ở Lào để ít ra “cũng cung cấp được những tin tức tình báo thoả đáng về các hoạt động dọc con đường hành lang Lào”1.

Những nhận định và kiến nghị của Mắc Namara được Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đồng ý. Trong bị vong lục gửi Mắc Namara ngày 22-1-1964, tướng Mácxoen Taylo Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân cho rằng, Mỹ “cần mở rộng cuộc chiến tranh sang oanh tạc Bắc Việt Nam bằng không quân Mỹ và chuyển từ huấn luyện người Nam Việt Nam sang tiến hành cuộc chiến tranh cả ở hai miền Bắc và Nam Việt Nam bằng lực lượng chiến đấu Mỹ”2.

Từ 8 đến 12-3-1964, Mắc Namara và Taylo lại sang Sài Gòn một lần nữa. Trở về Mỹ, ngày 16-3-1964, Mắc Namara trình lên Tổng thống Giônxơn báo cáo về tình hình Nam Việt Nam và những biện pháp nhằm thay đổi chiều hướng cuộc chiến tranh. Báo cáo được Tổng thống Mỹ phê chuẩn ngày 17-3-1964 trở thành bị vong lục về hành động an ninh quốc gia số 288. Bị vong lục đánh giá lại toàn bộ tình hình sau đảo chính, xét duyệt lại các mục tiêu của Mỹ, chỉ ra các phương án hành động và cuối cùng chủ trương thực hiện 12 biện pháp lớn, trong đó bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Sẵn sàng cung cấp viện trợ và hỗ trợ cho Nam Việt Nam chừng nào còn cần thiết.

2. Ủng hộ Chính phủ Khánh chống lại bất kỳ cuộc đảo chính nào sau này.

3. Ủng hộ chương trình động viên quốc gia (kể cả việc thông qua một đạo luật về quân dịch), đưa Nam Việt Nam vào tình thế chiến tranh.

4. Giúp đỡ chính quyền Sài Gòn tăng quân số (Quân chính quy và nửa chính quy) lên ít nhất 50 vạn người.

5. Giúp đỡ đào tạo đội ngũ cán bộ hành chính, dân sự đông đảo hoạt động ở cấp tỉnh, quận và thôn ấp.

6. Cung cấp cho quân ngụy 25 máy bay A14 thay thế cho các máy bay T28, các xe bọc thép M113, tàu tuần tra trên sông và từ năm đến 10 triệu đôla cho các khoản trang bị khác.

7. Cho phép máy bay Mỹ tiếp tục bay do thám ở độ cao các khu vực biên giới Nam Việt Nam, cho phép “truy kích ngay lập tức” và tiến hành các hoạt động trên bộ của Nam Việt Nam ở biên giới Lào nhằm kiểm soát biên giới.

8. Chuẩn bị ngay lập tức để khi được báo trước 72 tiếng đồng hồ là có thể tiến hành các hoạt động quy mô lớn “kiểm soát biên giới” ở Lào, Campuchia và các hoạt động trả đũa chống Bắc Việt Nam, khi được báo trước 30 ngày là có thề tiến hành chương trình “gây sức ép quân sự công khai từng bước một” chống Bắc Việt Nam.

Nhằm biến những chủ trương biện pháp nói trên thành hiện thực, Giônxơn thay đổi toàn bộ giới lãnh đạo cao cấp Mỹ ở Sài Gòn, tướng Uyliam Oétmolen được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh các lực lượng quân sự Mỹ ở Việt Nam thay Háckin; Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mắcxoen Taylo thay Cabốtlốt làm đại sứ Mỹ, ở Sài Gòn; Alếchxít Giônxơn một nhà ngoại giao chuyên nghiệp có kinh nghiệm được đánh giá cao, làm phó cho Taylo. Lực lượng cố vấn, yểm trợ Mỹ được tăng cường từ 22.400 người (năm 1963) lên 26.200 người (1964), trong đó có 10.400 cố vấn Mỹ; quân ngụy tăng từ 417.000 người năm 1963 (với 206.000 chủ lực và 211.000 quân địa phương) lên 561.000 người năm 1964 (với 267.000 chủ lực và 294.000 quân địa phương).
____________________________________
1. Bị vong lục về Tình hình Việt Nam của Bộ Trưởng Quốc phòng R.S. Mắc Namara gửi Tổng thống Giôn Xơn ngày 21-12-1963. Dẫn theo Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, Sđd, t.1, tr.248.
2. Dẫn theo Mắc Namara: Nhìn lại quá khứ..., Sđd, tr.119.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 10:44:50 pm »


Cùng với việc tăng nhanh quân số, trang bị kỹ thuật cũng được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng: máy bay năm 1963 mới có 627 chiếc (trong đó có 344 trực thăng) sang năm 1964 tăng lên 989 chiếc (có 392 trực thăng); xe cơ giới tăng từ 582 chiếc năm 1963 lên 732 chiếc năm 1964; pháo từ 248 khẩu (1963) lên 415 khẩu (1964)...

Mỹ, ngụy còn điều chỉnh thế bố trí chiến lược, cải tổ hệ thống chỉ huy, biến vùng chiến thuật thành một đơn vị chiến lược hoàn chỉnh, rút bớt một số đồn bốt lẻ, chuyển quân chiếm đóng thành lực lượng cơ động, tạo điều kiện cho các cấp có khả năng độc lập mở các cuộc hành quân càn quét mật độ cao, phục vụ chương trình “bình định trọng điểm” ở các vùng quanh Sài Gòn và các tỉnh Biên Hoà, Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An, Định Tường. Để che giấu tính chất tàn bạo của ấp chiến lược, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đổi tên ấp chiến lược thành ấp đời mới, ấp tân sinh, chương trình bình định đổi thành chương trình phát triển cách mạng, tái thiết nông thôn, cuộc chiến tranh chống nghèo đói, v.v... Về thực chất và trên thực tế, dù đổi tên gọi, nhưng hình thức và nội dung của những ấp tân sinh hoặc chương trình phát triển cách mạng... chẳng những không khác trước mà còn có phần tàn bạo, khắc nghiệt hơn.

Từ cuối tháng 2-1964, địch vạch kế hoạch bình định mang tên Chiến thắng, hòng tiêu diệt toàn bộ tổ chức quân sự chính trị, kinh tế của ta. Kế hoạch được bắt đầu thực hiện từ 1-4-1964, dự định chia làm hai bước:

Bước một từ 1-4-1964 đến 3-12-1965: bình định có trọng điểm ở các vùng chiến thuật theo thứ tự ưu tiên I, II, III bằng những cuộc hành quân đánh phá liên tục kết hợp với gom dân lập ấp tân sinh1.

Bước hai, bắt đầu từ 1966, tiến công vào các vùng căn cứ tiêu diệt các đơn vị chủ lực Quân giải phóng, phá huỷ các cơ sở quân sự của ta.

Đối với miền Bắc, Mỹ tiếp tục bổ sung để tiến tới hoàn chỉnh chương trình bí mật mà Lầu Năm Góc gọi là “chương trình quân sự không công khai chống Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”, trong đó quan trọng nhất là Kế hoạch tác chiến 34A. Kế hoạch này bao gồm các chuyến bay do thám bằng máy bay U2 và bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để khai thác tin tức tình báo, thả dù hoặc tung các đội biệt kích từ biển vào phá hoại, gây chiến tranh tâm lý...

Cùng với kế hoạch 34A, Mỹ còn có kế hoạch bí mật đẩy mạnh hoạt động không quân ở Lào do đại sứ Mỹ ở Lào Lêôna Ơngơ điều khiển. Theo kế hoạch này, một lực lượng từ 25 đến 40 máy bay mang nhãn hiệu không quân Hoàng gia Lào, nhưng do phi công Mỹ và Thái Lan lái, tiến hành các hoạt động trinh sát, ném bon các mục tiêu nghi có quân Việt Nam và Pathét Lào ở Lào. Hoạt động này tăng dần về cường độ và phạm vi, trở thành “một kiểu mở màn cho việc ném bom miền Bắc Việt Nam”.

Bộ phận quan trọng thứ ba trong chương trình không công khai chống Bắc Việt Nam là kế hoạch Đề Sôtô sử dụng tầu hải quân Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra ở vịnh Bắc Bộ. Mục đích của các cuộc tuần tra này một mặt là phô trương lực lượng, gây sức ép tâm lý, mặt khác, thu thập tin tức tình báo, hỗ trợ cho kế hoạch 34A.

Bổ sung cho các nỗ lực quân sự ở miền Nam Việt Nam, ngày 19-4-1964, Mỹ giật dây Cupraxít làm đảo chính ở Viêng Chăn, gạt Pathét Lào ra khỏi chính phủ liên hợp, hòng biến chính phủ Phuma thành công cụ của Mỹ. Họ còn thoả thuận với phái hữu của Lào cho phép quân đội Sài Gòn vượt biên giới Lào- Việt truy kích Việt cộng trong trường hợp cần thiết.

Đối với Campuchia, bằng thủ đoạn vừa kiềm chế, gây sức ép, vừa mua chuộc, Mỹ buộc chính phủ Vương quốc Campuchia chống cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Mỹ lôi kéo Lào và Campuchia cô lập cách mạng Việt Nam, xoá bỏ “đất thánh” của “Việt cộng” trên đất Campuchia, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh qua đất Lào.
____________________________________
1. Vùng I chiến thuật (Bắc Trung Bộ), trọng điểm bình định là vùng duyên hải; ở Vùng II (Trung Trung Bộ) trọng điểm là vùng ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, thung lũng Bình Khê, Củng Sơn, dọc trục lộ các tỉnh Pleiku, Phú Bổn, Đắc Lắc, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng; ở Vùng III (Đông Nam Bộ) trọng điểm là quanh Sài Gòn; ở Vùng IV (Đồng bằng sông Cửu Long) là An Giang, Châu Đốc, Vĩnh Long, Gò Công, một phần các tỉnh Phong Dinh, Kiến Phong, Kiên Giang, Định Tường...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 10:45:38 pm »


Trên trường quốc tế, Mỹ ráo riết khai thác những khuynh hướng phức tạp trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt là mâu thuẫn Xô- Trung, nhằm hạn chế sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước trên thế giới, trước hết là của Liên Xô, Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Trước những âm mưu, thủ đoạn và biện pháp mới của Mỹ, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (Khoá III), tháng 12-1963, trên cơ sở đánh giá toàn bộ diễn biến của tình hình chiến trường, trong nước và trên thế giới, chỉ rõ phương hướng phát triển của cách mạng miền Nam với nhiệm vụ trước mắt là: “Động viên toàn Đảng, toàn dân vượt mọi khó khăn, trên cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn nữa ý thức giác ngộ chính trị của nhân dân, ra sức phấn đấu xây dựng lực lượng về mọi mặt, chính trị và vũ trang, nhất là lực lượng vũ trang, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch có lợi cho ta mau chóng hơn, tích cực xây dựng và mở rộng căn cứ, nhất là ở những địa bàn chiến lược và cơ động của quân chủ lực, tiến lên đánh tiêu diệt và làm tan rã từng bộ phận quân địch, phá phần lớn các ấp chiến lược, làm chủ phần lớn xã thôn và rừng núi, tạo điều kiện cho phong trào quần chúng ở đô thị nổi dậy mạnh mẽ, thúc đẩy chế độ Mỹ và tay sai khủng hoảng, suy sụp mau chóng hơn, làm cho phong trào tiến lên giành chủ động chiến lược, sáng tạo ra thời cơ và giành những thắng lợi quyết định”1. Trong việc thực hiện nhiệm vụ trên đây, hội nghị chỉ ra hai nội dung chủ yếu, phải quyết tâm đạt cho được nhằm làm thất bại âm mưu “kiểm soát nhân dân bằng ấp chiến lược và tiêu diệt lực lượng vũ trang ta bằng lực lượng quân sự mạnh”2 của địch. Hai nội dung đó là:

1. Làm thất bại mức độ gom dân lập ấp chiến lược của địch, phá phần lớn các ấp chiến lược địch đã làm được, bảo đảm giành nhân tài, vật lực cho cách mạng, làm chủ phần lớn nông thôn, rừng núi;

2. Tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã từng bộ phận quân đội địch, tạo điều kiện làm tan rã lực lượng quân sự, chỗ dựa của Mỹ và tay sai.

Điểm mới của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 là chủ trương xây dựng bộ đội chủ lực, tạo ra quả đấm mạnh đủ sức đánh bại lực lượng nòng cốt của chiến lược chiến tranh đặc biệt là quân chính quy ngụy, tạo điều kiện tiến lên giành thắng lợi quyết định. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ chín đã bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng miền Nam do Hội nghị Trung ương 15 (khoá II) và các nghị quyết của Bộ Chính trị tiếp sau đó đã đề ra; nó cụ thể hoá những nhiệm vụ mà cách mạng miền Nam phải tiến hành để đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ.

Sau hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ chín, trên miền Bắc, Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng chủ động có kế hoạch chuẩn bị trước một bước. Tháng 1-1964, Bộ Tổng tham mưu được sự uỷ nhiệm của Chính phủ tổ chức Hội nghị phòng không nhân dân toàn miền Bắc. Tham gia hội nghị có đại biểu một số bộ trong Chính phủ và đại diện chính quyền, cơ quan quân sự các tỉnh, đại diện các quân khu, quân chủng, binh chủng. Sau hội nghị, tổ chức phòng không nhân dân được thành lập ở khắp các địa phương; việc tuần tiễu, bố phòng vùng ven biển, khu vực giới tuyến và dọc biên giới phía tây được tăng cường. Hệ thống phòng không của ba thứ quân được triển khai rộng khắp tập trung trên các trọng điểm thành phố, khu công nghiệp, các công trình lớn..., hệ thống hầm hào trú ẩn được xây dựng ở các cơ quan, trường học, bệnh viện và các đường phố. Việc sơ tán bớt các kho vật tư, máy móc... cũng được tiến hành khẩn trương.

Ngày 26-4-1964, Bộ Tổng tham mưu ra lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu trong lực lượng phòng không, đến ngày 1-6-1964, lệnh này được áp dụng trong toàn lực lượng vũ trang miền Bắc.

Tháng 6-1964, Bộ Chính trị ra chỉ thị: “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân địch”. Chỉ thị nêu rõ: do thất bại liên tiếp ở miền Nam và Lào, Mỹ và bè lũ tay sai đang lúng túng và nhất định chúng điên cuồng đối phó lớn. Chúng đang chuẩn bị và trước sau sẽ tập kích bằng đường biển và đường không vào miền Bắc nước ta. Phương châm của ta là kết hợp mọi biện pháp, tích cực đánh địch với biện pháp phòng tránh, lấy bộ đội phòng không làm nòng cốt phát động một phong trào rộng rãi bắn rơi máy bay địch bằng mọi thứ súng bộ binh.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu trong các lực lượng vũ trang, các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không- Không quân, Hải quân đã chuyển nhiệm vụ từ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu sang chiến đấu và huấn luyện; từ trạng thái hoà bình sang trạng thái chiến tranh đối phó với những âm mưu và hành động chiến tranh mới của đế quốc Mỹ.
____________________________________
1. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa III, lưu trữ Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, số TW 183, tr.21-22.
2. Tlđd.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 10:46:24 pm »


Để tăng cường sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trước âm mưu mở rộng chiến tranh của Mỹ, ngày 27-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 300 đại biểu là những cán bộ lão thành, những nhà hoạt động chính trị được nhân dân yêu quý, những người tiêu biểu cho các giới, các ngành..., những anh hùng, chiến sĩ thi đua, những người trí thức cách mạng và những nhân sĩ yêu nước... Hội nghị đã nghe và thảo luận báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những thành tích to lớn của nhân dân ta trong 10 năm qua, về tình hình hiện tại và nhiệm vụ trước mắt, đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và Chính phủ. Tại hội nghị này, Người nói: “Hiện nay, bọn hiếu chiến Mỹ và bè lũ tay sai mới của chúng lại ba hoa hô hào “Bắc tiến”. Nhưng chúng phải hiểu rằng: Nếu chúng liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Vì nhân dân cả nước ta sẽ kiên quyết đánh lại chúng, vì các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ toàn thế giới sẽ hết sức ủng hộ ta; vì nhân dân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ cũng sẽ phản đối chúng.

Tình hình ở miền Nam hiện nay chứng tỏ một cách rõ rệt sự thất bại không thể tránh khỏi của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh đặc biệt này”1.

Cuối cùng Người kêu gọi: “Chúng ta hãy phát huy truyền thống của dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, luôn luôn sẵn sàng hy sinh, phấn đấu vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc của nhân dân và sự nghiệp cách mạng toàn thế giới. Những thắng lợi mới to lớn và vẻ vang đang chờ chúng ta!”2.

Hội nghị chính trị đặc biệt có ý nghĩa như một Hội nghị Diên Hồng của dân tộc trong thời đại mới, nó biểu thị quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kiên quyết kháng chiến, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Cùng thời gian này, Quân uỷ Trung ương họp tổng kết công tác chỉ đạo quân sự trong 10 năm, ra nghị quyết về Tình hình và nhiệm vụ quân sự của Đảng.

Xuất phát từ nhiệm vụ chung của cách mạng, Quân uỷ Trung ương xác định hai nhiệm vụ chiến lược quân sự là: bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, bảo vệ an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn trật tự, trị an ở hậu phương lớn; đẩy mạnh cuộc chiến tranh giải phóng, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng quân sự địch, đánh đổ chế độ thống trị của Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hai nhiệm vụ này có quan hệ gắn bó mật thiết, thúc đẩy nhau, trong đó nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc có tính chất quyết định nhất đối với sự phát triển của cách mạng miền Nam và trong cả nước.

Nghị quyết Quân uỷ Trung ương chỉ ra phương châm chiến lược quân sự đối với miền Bắc là “phòng ngự tích cực” bằng cách vừa tăng cường lực lượng, củng cố quốc phòng, bảo vệ giữ vững miền Bắc, vừa tích cực chi viện cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, giúp đỡ về quân sự cho các nước láng giềng, đặc biệt là cách mạng Lào.

Theo phương hướng đó, ở miền Bắc, khung biên chế thời chiến cho các đơn vị bộ đội chủ lực của bộ và các quân khu được thực hiện từ đầu 1964, đưa số quân thường trực tăng lên gần 300.000 người. Từ đây, ta bắt đầu đưa quân vào chiến trường dưới hình thức các đơn vị đủ quân số và trang bị theo biên chế (chứ không phải là các “đơn vị khung” hoặc các đoàn đi lẻ như trước). Các trung đoàn bộ binh 101, 95, 18 (sư đoàn 825) là những trung đoàn chủ lực cơ động đầu tiên hành quân vào chiến trường.

Cùng với việc đưa một số đơn vị chủ lực hoàn chỉnh vào chiến trường, ngành hậu cần, kỹ thuật cũng điều chỉnh kế hoạch, bố trí các cụm kho, trạm, xưởng sản xuất, bệnh viện bảo đảm phục vụ yêu cầu của nhiệm vụ mới, thành lập thêm một số cơ sở để đưa theo các đơn vị bổ sung cho miền Nam.

Công tác vận tải chiến lược đổi mới phương thức hoạt động nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu chi viện cho miền Nam. Đường vận tải cơ giới vượt qua đường số 9 vào đến sông Bạc và Tà Xẻng. Mùa khô 1963-1964, Đoàn 559 bắt đầu vận chuyển hàng kết hợp cả hai phương tiện gùi thồ và ô tô. Khối lượng hàng hoá vào chiến trường trong năm 1964 tăng gần bốn lần so với 1963. Tuyến vận tải biển với tàu vỏ sắt trọng tải 100 tấn đã tăng nhịp độ và quy mô vận chuyển vào Nam. Năm 1964, Đoàn 125 vận tải biển đưa được 88 chuyến hàng với tổng số trên 4.000 tấn vũ khí vào Nam Bộ và Khu V.

Đến cuối tháng 7-1964, mọi công tác chuẩn bị của lực lượng vũ trang và nhân dân trên miền Bắc, đặc biệt là của các quân chủng Phòng không- Không quân, Hải quân, Hậu cần để sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho miền Nam về cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch.
____________________________________
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.11, tr.228, 234-235.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 10:46:54 pm »


Ở miền Nam, từ sau khi quán triệt tinh thần Nghị quyết chín Trung ương và các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền (thành lập 10-1963) xúc tiến thành lập các bộ chỉ huy chiến dịch, phát triển khối chủ lực bằng lực lượng tại chỗ và lực lượng từ miền Bắc đưa vào. Miền Đông Nam Bộ từng bước được xây dựng thành chiến trường đánh tiêu diệt lớn của bộ đội chủ lực. Tại đây, ta xây dựng được hai trung đoàn bộ binh (1 và 2), một trung đoàn pháo binh (đoàn 80). Tại Khu V với sự tăng cường hai trung đoàn 101, 320 từ miền Bắc vào, ngày 1-5-1964, mặt trận Tây Nguyên được thành lập mang mật danh chiến trường B3. Đại tá Nguyễn Chánh, Phó tư lệnh Khu V được cử làm Tư lệnh mặt trận, đại tá Đoàn Khuê, Phó chính uỷ Khu V được cử làm Chính uỷ mặt trận.

Ở Khu V lúc này ta cũng xây dựng được hai trung đoàn bộ binh (1 và 2) và một số tiểu đoàn pháo binh, đặc công, đại đội thông tin, công binh...

Như vậy, vào năm 1964, trên chiến trường miền Nam, ta đã có hai khối chủ lực cơ động. Sự phát triển của bộ đội chủ lực gắn liền với việc xây dựng căn cứ địa làm chỗ đứng chân. Đến lúc này, một số căn cứ hậu phương tại chỗ trên chiến trường tiếp tục được củng cố, mở rộng... Căn cứ của Khu V được xây dựng ở miền tây các tỉnh đồng bằng Trung Bộ và Tây Nguyên; căn cứ của chiến trường Nam Bộ bao gồm các chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), Chiến khu D (Sông Bé), Rừng Sát, Hắc Dịch. Miền Trung và Tây Nam Bộ có các căn cứ U Minh, Đồng Tháp... Toàn bộ các căn cứ này nối với nhau thành hệ thống liên hoàn.

Lợi dụng tình hình địch đang khủng hoảng nghiêm trọng, bọn ngụy quyền chóp bu và giới tướng lĩnh quân sự làm đảo chính lật đổ lẫn nhau, quân đội ngụy hoạt động cầm chừng, vùng nông thôn có phần bị bỏ lỏng; các đảng bộ miền Nam động viên nhân dân và các lực lượng vũ trang giải phóng nắm thời cơ, đẩy mạnh tiến công quân sự và chính trị, đánh bại các cuộc hành quân càn quét, phá ấp chiến lược, làm chuyển biến cục diện chiến trường có lợi cho ta.

Tại miền Đông Nam Bộ, ngày cuối cùng của năm 1963 (31-12-1963), địch mở cuộc càn lớn mang tên Đại phong 35 với 13 tiểu đoàn đánh vào vùng căn cứ Bời Lời (Tây Ninh), Bến Cát (Thủ Dầu Một). Tiểu đoàn 32 biệt động thuộc sư đoàn 5 ngụy mệnh danh tiểu đoàn Cọp đen - một tiểu đoàn khét tiếng hung ác, chuyên lùng sục các căn cứ du kích, càn vào ấp Đường Long (xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát, Thủ Dầu Một) - nơi đứng chân của trung đoàn 2 chủ lực Miền (Q762). Ban chỉ huy trung đoàn quyết định triển khai ngay phương án tác chiến đã được chuẩn bị. Vì thế, sau ba giờ chiến đấu, trung đoàn 2 (thiếu 1 tiểu đoàn) diệt gọn tiểu đoàn 35 Cọp đen, bắt sống 57 tên, thu trên 100 súng.

Đây là trận đầu tiên bộ đội chủ lực Miền tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch, mở đầu thời kỳ đánh tiêu diệt cấp tiểu đoàn địch trên chiến trường miền Đông.

Sau chiến thắng này, tháng 2-1964, trung đoàn 2 lại phục kích diệt một đại đội địch tại Bình Mỹ (Thủ Dầu Một). Phát huy thắng lợi, trung đoàn liên tục tổ chức nhiều trận phục kích trên đường số 13, diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch trong các trận Cần Đâm, Lai Khê, Cây Dền...

Trên hướng Tây Ninh, Củ Chi, ngày 6-2-1964, trung đoàn 1 (Q761) được tăng cường một đại đội đặc công và một đại đội súng máy 12,7 ly, tiến công đồn Bến Cầu (Tây Ninh), loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, bắn rơi 20 máy bay. Ngày 3-4-1964, Trung đoàn đánh vận động diệt một đại đội biệt kích địch ở Bàu Cói (bắc Bà Đen).

Trên địa bàn Trung Nam Bộ (Khu VIII), tháng 1-1964, địch mở cuộc hành quân mang tên Sóng thần 5 đánh vào vùng ven biển Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre). Trong cuộc hành quân này, địch sử dụng bốn chiến đoàn thuỷ quân lục chiến (16 tiểu đoàn), một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 7 (đóng sẵn ở Thạnh Phú), sáu đại đội biệt kích (thuộc hai quận Mỏ Cày và Hàm Long), 60 máy bay, 14 tàu chiến, 19 giang thuyền, 26 xe M113, 12 khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Đây là cuộc hành quân lớn nhất của địch kể từ sau cuộc phản kích thất bại của 10.000 lính thuỷ quân lục chiến nhằm dập tắt phong trào đồng khởi ở Bến Tre hồi tháng 3-1960. Chỉ huy cuộc hành quân này có các tướng Lê Văn Kim, Tổng tham mưu trưởng ngụy quân, tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh khu chiến thuật Tiền Giang.

Địch dùng chiến thuật Bủa lưới phóng lao để hình thành thế bao vây ta từ phía biển và đất liền; dùng hoả lực của pháo hạm, pháo mặt đất, máy bay đánh phá ác liệt hai xã Thạnh Phong và Giao Thạnh, nơi chúng nhận định có căn cứ, kho tàng tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào của Quân giải phóng.

Kiên quyết chặn đánh lực lượng tiến công của địch, tiểu đoàn 263 chủ lực Quân khu VIII (thành lập cuối 1963) phối hợp với một đại đội bộ đội địa phương Bến Tre, một trung đội bộ đội huyện Thạnh Phú, cùng lực lượng các trường huấn luyện tân binh, trường quân chính, trường y tá và hai trung đội bảo vệ căn cứ của Quân khu tổ chức chống càn. Trong hai ngày đầu, ta bắn rơi, bắn cháy 32 máy bay địch, chặn đứng bốn đợt đổ quân của chúng xuống Hồ cỏ. Sau 17 ngày giằng co quyết liệt và trước sức chặn đánh kiên quyết của ta, ngày 5-2-1964, địch buộc phải lui quân. 1.240 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, nhiều máy bay bị bắn rơi. Về phía ta, lực lượng được bảo toàn, kho vũ khí trên 300 tấn được giữ nguyên vẹn. Thắng lợi này tạo thêm niềm tin mới cho nhân dân Bến Tre cũng như nhân dân đồng bằng sông Cửu Long vào khả năng đánh bại các cuộc hành quân lớn của địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 10:47:56 pm »


Sau chiến thắng ở Thạnh Phú, tiểu đoàn 263 chuyển sang hoạt động ở Ba Tri. Tại đây, sáng 18-3-1964, tiểu đoàn cùng hai đại đội của tỉnh diệt gọn tiểu đoàn 2 tức tiểu đoàn Ó đỏ (trung đoàn 12, sư đoàn 9). Tháng 4-1964, tiểu đoàn 263 chuyển sang nhiệm vụ mở mảng ở Mỏ Cày. Đêm 8-4-1964, đại đội đặc công tỉnh Bến Tre diệt đồn bảo an ngã ba Cây Điệp, (có một trung đội bảo an đóng giữ), vây chặt đồn dân vệ xã An Thạnh, buộc địch phải đưa tiểu đoàn 1 (tiểu đoàn Ó vàng thuộc trung đoàn 12 sư đoàn 9 ngụy) đến chi viện giải toả. Ta tổ chức trận địa phục kích. 13 giờ ngày 9-4-1964, tiểu đoàn Ó vàng lọt vào trận địa phục kích của ta. Sau một giờ chiến đấu ác liệt, lực lượng vũ trang ta diệt gọn tiểu đoàn này, bắn cháy năm xe M113, bắn rơi ba máy bay trực thăng, một máy bay khu trục.

Trên hướng Mỹ Tho, Kiến Tường, từ tháng 4-1964, chủ lực Quân khu VIII cùng bộ đội tỉnh cũng liên tục tiến công địch. Đêm 20-7-1964, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Sở chỉ huy tiền phương Quân khu VIII, tiểu đoàn 261 (chủ lực Khu VIII), hai đại đội hỏa lực, (cối 82 và ĐKZ75), một đại đội đặc nhiệm của quân khu, bộ đội địa phương huyện Cái Bè và du kích các xã nam đường số 4 hợp đồng chặt chẽ, đánh chiếm chi khu Cái Bè, diệt tại chỗ trên 100 tên địch, phá hỏng hai khẩu pháo 105 ly, thu nhiều đạn dược, vũ khí quân trang, quân dụng.

Tại miền Tây Nam Bộ (Khu IX) đầu năm 1964, Quân khu IX xác định chiến trường trọng điểm là Cần Thơ, Sóc Trăng nên đã tăng cường một trung đoàn chủ lực cho chiến trường này, cùng với tiểu đoàn Tây Đô (của Cần Thơ) và Phú Lợi (của Sóc Trăng) kết hợp với bộ đội địa phương huyện và dân quân, du kích các xã, mở các đợt hoạt động nhằm đẩy mạnh phong trào phá ấp chiến lược ở hai huyện Long Mỹ (Cần Thơ), Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Tháng 4-1964, lực lượng vũ trang quân khu mở đợt tiến công chi khu quân sự Vĩnh Thuận. Đây là một chi khu nằm sát rừng U Minh, cách chi khu Thới Bình 20 km theo hướng kênh Xáng Chắc Băng do 300 lính bảo an canh giữ, bên cạnh là một trung đội pháo với hai khẩu 105 ly. Tham gia trận đánh chi khu Vĩnh Thuận có trung đoàn 96 (với hai tiểu đoàn T70 và T80) tiểu đoàn 306 và 309 cùng bộ đội địa phương Vĩnh Thuận, Thới Bình, du kích các xã Vĩnh Phong, Tân Phú, Trí Phải.

24 giờ ngày 4-4-1964, cuộc tiến công vào chi khu Vĩnh Thuận bắt đầu. Sau 30 phút chiến đấu, ta chiếm dinh quận trưởng, chi công an, trận địa pháo 105 ly, cơ quan hành chính, một đồn dân vệ, trụ sở tề xã Vĩnh Thuận, diệt đồn kênh 14, đánh thiệt hại nặng căn cứ bảo an quận, diệt 100 tên, trong đó có tên quận trưởng, hai cố vấn Mỹ, phá huỷ hai khẩu pháo. Hôm sau, địch từ trung tâm huấn luyện huyện Sử đến tiếp viện. Tiểu đoàn 306, 309 phục kích tại Danh Hạt, đánh diệt tiểu đoàn 4 ngụy thuộc Trung tâm huấn luyện biệt kích huyện Sử.

Bị thất bại nặng ở Vĩnh Thuận, và Danh Hạt, địch điều lữ nhảy dù từ Cần Thơ đổ quân xuống kênh 3, kênh 13, 14 để cứu viện. 0h30 ngày 7-4-1964, bộ đội ta áp sát nơi đồn trú của quân nhảy dù, dùng thủ pháo, tiểu liên tập kích địch. Đến 5h30, trận đánh kết thúc, ta diệt hàng trăm lính nhảy dù. Chi khu Vĩnh Thuận bị bộ đội ta đánh thiệt hại nặng, một tiểu đoàn địa phương địch bị diệt, hai tiểu đoàn nhảy dù bị đánh thiệt hại, hai khẩu pháo bị phá hỏng, ta còn thu nhiều chiến lợi phẩm khác.

Chiến thắng Vĩnh Thuận giáng cho địch một đòn đau, mở ra khả năng đánh tiêu diệt chi khu, đánh quân viện, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng.

Trên địa bàn Khu V (bao gồm cả Tây Nguyên và Trị Thiên), từ 23-4 đến 22-5-1964, lực lượng vũ trang quân khu đánh bại cuộc hành quân càn quét của 10 tiểu đoàn địch vào căn cứ Đỗ Xá (Quảng Ngãi). Tháng 7-1964, toàn quân khu mở đợt hoạt động hè- thu. Mở đầu đợt hoạt động, ngày 1-7-1964, trên đường số 19 (Gia Lai), tiểu đoàn 303 súng máy cao xạ và tiểu đoàn 200 pháo cối thuộc lực lượng vũ trang Tây Nguyên, tiến công trung tâm huấn luyện biệt kích Plây Cơrong (Kon Tum). Đây là một trung tâm huấn luyện biệt kích lớn do 12 cố vấn Mỹ chỉ huy. Thời tiết Tây Nguyên đã vào mùa mưa, bộ đội, dân công phải tìm chặt những tàu lá chuối rừng che cho hàng và súng đạn, gian nan, vất vả, nhưng tất cả đều không nản chí, họ lao vào cuộc chiến quyết liệt suốt ba giờ, tiêu diệt bốn đại đội biệt kích, chín cố vấn Mỹ, thu 200 súng các loại. Chiến thắng Plây Cơrong được Bộ Chỉ huy Quân giải phóng tặng thưởng huân chương quân công hạng ba. Đây là tấm huân chương đầu tiên của lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 6-7-1964, chủ lực phân khu Bắc (Trị Thiên) tiến công trung tâm huấn luyện biệt kích Nam Đông (Thừa Thiên), diệt ba đại đội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 10:48:27 pm »


Ở vùng đồng bằng, ngày 9-8-1964, tiểu đoàn 90 trung đoàn 1 (chủ lực quân khu) phối hợp với bộ đội địa phương Tam Kỳ (Quảng Nam) tiến công ấp chiến lược Kỳ Sanh và đánh quân viện. Vào thời điểm này trang bị vũ khí và phương tiện chiến đấu của bộ đội thiếu thốn mọi bề. Bộ đội không có xẻng đào công sự, làm thế nào bảo toàn được lực lượng lúc chuẩn bị trận địa tiến công trong khi địch phòng ngự chặt? Ban chỉ huy trung đoàn 1 và tiểu đoàn 90 rất lo lắng. Giữa lúc đó đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh quân khu, xuống kiểm tra, động viên đơn vị trước khi xuất kích. Biết đơn vị đang gặp khó khăn, đồng chí Tư lệnh tìm một khúc gỗ đẽo nhọn, đứng trước hàng quân, sau khi giao nhiệm vụ và nhắc nhở nhưng việc cần làm, rồi trao cho tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 90 khúc gỗ vạt nhọn và nói: chúng ta không chờ đủ trang bị mới đánh giặc cách mạng còn khó khăn, phải dám nghĩ, dám làm, biết khắc phục khó khăn, bằng khúc gỗ này cộng với quyết tâm của người chiến sĩ cách mạng, nó sẽ trở thành chiếc xẻng tốt để làm nên chiến thắng... Đồng chí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 90 xúc động nhận khúc gỗ từ tay Tư lệnh, phát động toàn đơn vị tìm gỗ tốt vạt nhọn làm xẻng đào công sự. Sáng kiến tuy nhỏ mà ý nghĩa lớn. Nhờ có chiếc xẻng gỗ, bộ đội đào được công sự chiến đấu, vừa bảo vệ được mình vừa tổ chức được trận địa vững chắc, đánh diệt một đại đội địch, tiêu hao nặng một tiểu đoàn, phá huỷ 10 xe cơ giới, có 6 xe M113. Với trận Kỳ Sanh, lần đầu tiên trên chiến trường Khu V, ta đánh bại chiến thuật thiết xa vận của địch. Đây là trận đánh thể hiện quyết tâm cao, tinh thần khắc phục gian khổ, khó khăn, tính sáng tạo của bộ đội Khu V. Kết hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực lực lượng đặc công và biệt động tổ chức nhiều trận đánh sâu vào sào huyệt địch, tiêu diệt sinh lực cao cấp của chúng như cố vấn, lực lượng yểm trợ Mỹ, kho xăng, sân bay... Ngày 2-1-1964, bộ đội đặc công tiến công khu nhà ở của đoàn cố vấn Mỹ ở thị xã Kon Tum, diệt nhiều tên địch.

Ngày 9-1-1964, hai chiến sĩ của đội biệt động 67 (Sài Gòn- Gia Định) dùng mìn đánh nhà hàng Bambu ở khu vực Lăng Cha Cả gần sân bay Tân Sơn Nhất, giết và làm bị thương 15 tên Mỹ. Đúng một tháng sau, ngày 9-2-1964, tại sân dạ cầu Tân Sơn Nhất (nằm ở góc đường Ngô Đình Khôi- Võ Tánh), các chiến sĩ biệt động 67 lại đánh một trận xuất sắc, diệt 59 sĩ quan Mỹ, trong đó có cả các sĩ quan cấp tá. Ngày 16-12-1964, đội biệt động 159 (Sài Gòn- Gia Định) tổ chức đánh mìn rạp chiếu bóng Kinh Đô- rạp dành riêng cho sĩ quan Mỹ- diệt và làm bị thương 150 tên. Chiều 30-4-1964, được tin chiến hạm Mỹ (tàu Card) trọng tải 16.500 tấn chở vũ khí và phương tiện chiến tranh vừa cập bến Sài Gòn, đội biệt động 65 (Sài Gòn- Gia Định) quyết định đánh tàu ngay tức khắc. Trước đây, vào cuối năm 1963, đội được giao nhiệm vụ nghiên cứu tổ chức những trận đánh ở cảng Sài Gòn, một cảng lớn nằm ở phía tây thành phố, trên sông Sài Gòn mà Mỹ đã đổ ra nhiều tiền của xây dựng thành nơi tiếp tế hậu cần, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho ngụy, được bảo vệ khá cẩn mật. Mỗi lần tàu chở hàng quân sự của Mỹ cập bến, tàu hải quân của ngụy phải chốt chặn hai đầu cảng, tàu nhỏ tuần tiễu cảnh giới trên sông. Ngoài ra, địch còn cho nhiều mật vụ, cảnh sát chìm trà trộn trong công nhân cảng và nhân dân bên kia bờ Thủ Thiêm để phát hiện các hoạt động phá hoại của ta. Vì vậy, việc tiếp cận tàu Mỹ rất khó. Lâm Sơn Náo vốn là công nhân làm việc hợp pháp tại cảng, được giác ngộ, trở thành đội viên đội biệt động 65. Cha anh là một công nhân già từng nhiều năm làm thợ hồ ở cảng. Ông nắm chắc hệ thống đường hầm, cống ngầm trong cảng. Chính ông chỉ vẽ cho Náo đường cống ngầm dẫn đến khu vực tàu Mỹ thường đỗ. Dựa vào đó, ngày29-12-1963, chính Náo tổ chức trận đánh tàu US Core. Song trận đánh không thành vì nguồn điện yếu không đủ sức điểm hoả. Rút kinh nghiệm, lần này Náo cẩn thận hơn.

Đêm 1-5-1964, Lâm Sơn Náo cùng Nguyễn Phú Hùng đưa khối thuốc nổ nặng 80kg xuống thuyền xuôi theo sông Sài Gòn đến vị trí tàu đỗ. Địch phát hiện, chúng bật đèn pha rọi sáng và đuổi theo. Nhanh trí, Náo giả làm người đi buôn hàng lậu rồi dúi cho bọn địch một ít tiền. Chúng cho đi. Hai anh chèo thuyền qua sông rồi chui vào đường cống rộng khoảng 2,5 m. Đi được 300 m thì nước cạn, Náo và Hùng rời thuyền vác thuốc nổ đi về phía chiếc tàu Mỹ đang đậu. Hai khối thuốc nổ, mỗi khối 40 kg được các anh đặt cách nhau 10m áp chặt vào thành tàu. Sáng 2-5-1964, một tiếng nổ dữ dội vang lên từ cảng Sài Gòn. Tàu Card bị nhấn chìm kéo theo 21 máy bay lên thẳng HU1A, hai máy bay trinh sát L19 và một máy bay khu trục AD26, 55 tên Mỹ chết và bị thương. Đây là một trong những chiến công xuất sắc nhất của biệt động Sài Gòn trong những năm đánh Mỹ. Sau trận đánh, đội biệt động 65 được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng nhì, Lâm Sơn Náo được tặng Huân chương Quân công hạng ba, Nguyễn Phú Hùng được tặng Huân chương Chiến công hạng ba.

Cùng với trận đánh vang dội trên đây, tại cầu Công Lý, một trận đánh khác nhằm diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara khi ông ta từ sân bay Tân Sơn Nhất về dinh Độc Lập cũng được xúc tiến. Trận đánh do Nguyễn Văn Trỗi, chiến sĩ đội biệt động 65 thực hiện, nhưng kế hoạch bị bại lộ, anh bị bắt trước khi xe Mắc Namara chạy qua. Trận đánh không thành nhưng nó đã làm cho tướng tá Mỹ hoang mang, làm chấn động dư luận. Nhân dân tiến bộ nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ Latinh lên tiếng phản đối Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đòi thả Nguyễn Văn Trỗi. Du kích Vênêduyêla đã bắt tên trung tá Mỹ ở thủ đô Caracát đòi đổi mạng cho anh Trỗi. Sự kiện này thể hiện tình đoàn kết chiến đấu và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới với cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam. Ở Sài Gòn, một mặt địch tăng cường đối phó, mặt khác, chúng tuyên truyền lừa bịp dư luận bằng cách tuyên bố sẽ bảo toàn tính mạng cho Nguyễn Văn Trỗi nếu du kích Vênêduyêla thả tên trung tá Mỹ. Sau đó chúng lật lọng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 10:48:52 pm »


Trong khi Mỹ, ngụy đang lo đối phó với sự kiện Nguyễn Văn Trỗi đặt mìn ở cầu Công Lý, thì ngày 25-8-1964, hai chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) và Nguyễn Thị Minh Nguyệt trong vai phụ tá tình báo Mỹ và nhân tình của đại tá cố vấn, đưa khối thuốc nổ vào đánh khách sạn Caraven, nơi dành riêng cho sĩ quan Mỹ và chư hầu. Đúng 11 giờ, giờ cao điểm các sĩ quan tập trung ở khách sạn, khối thuốc hẹn giờ nổ tung, trên 100 tên Mỹ chết và bị thương.

Cùng với những trận đánh của lực lượng biệt động, đặc công, tại các thành phố lớn, thị xã, thị trấn và nhiều vùng nông thôn, phong trào đấu tranh chính trị phát triển ngày càng mạnh mẽ. Ở Sài Gòn, từ đầu 1964, phong trào đấu tranh của công nhân ngành dệt, trong đó nổi bật là hai hãng Vimytex và Vinatexco diễn ra sôi nổi. Tại hãng Vinatexco, sau khi đưa yêu sách đòi tăng 30% lương, cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện đời sống bị chủ hãng phớt lờ, ngày 14-1-1964, 2.000 nam, nữ công nhân đình công, biểu tình chiếm hãng. Sáng 17-1, chính quyền Sài Gòn đưa hai tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ cùng hàng trăm cảnh sát đến đàn áp làm một số người chết, 200 người khác bị thương. Chúng còn bắt đi một số đại diện công nhân. Hành động này gây làn sóng căm phẫn trong công nhân, nhân dân lao động toàn thành phố. Ngay lập tức, hơn 20 nghiệp đoàn với trên hai vạn công nhân ngành dệt, 7.000 công nhân khuân vác ở bến tàu, 6.000 công nhân đường sắt, 2.000 công nhân lái xe và hàng vạn công nhân cao su ở Tây Ninh, Thủ Dầu Một mít tinh, biểu tình, ra kiến nghị ủng hộ. Trước sức mạnh đoàn kết đấu tranh của công nhân, lại được đòn quân sự hỗ trợ, địch buộc phải trả tự do cho những người bị bắt, chấp nhận giải quyết các yêu sách của công nhân.

Ba tháng sau cuộc đấu tranh của hãng Vinatexco, ngày 17-4, phong trào lại bùng lên ở hãng Vimytex khi chủ hãng sa thải 151 công nhân. Ngày 10-5, ngụy quyền đưa lực lượng bảo an và lính nhảy dù đến đàn áp làm hơn 100 công nhân bị thương. Cuộc đấu tranh càng thêm quyết liệt, lôi cuốn các nghiệp đoàn khác tham gia, kéo dài đến tháng 7-1964.

Lo sợ trước phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động, ngày 16-7, Nguyễn Khánh ra sắc luật cấm biểu tình, đình công, hội họp. Thế nhưng, ngày 21-7-1964, một cuộc tổng đình công lớn lại được tổ chức phản đối sắc luật trên, ủng hộ công nhân Vimytex. Hai mươi vạn công nhân các ngành dệt, điện nước, xăng dầu, xích lô, tắc xi, xe buýt... của Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn nghỉ việc, rầm rộ xuống đường biểu tình đòi huỷ bỏ sắc luật đòi tự do dân chủ, tự do nghiệp đoàn, đòi Mỹ cút về nước... Cuộc tổng đình công làm cho các hoạt động công cộng trong thành phố hầu như tê liệt. Suốt thời gian đó, Sài Gòn không điện nước, giao thông ngừng trệ, nhiều nhà hàng đóng cửa, đường dây liên lạc giữa Sài Gòn và nước ngoài bị gián đoạn...

Trước sức phản kháng của công nhân, Nguyễn Khánh phải tuyên bố huỷ bỏ sắc luật cấm biểu tình vừa ban bố, hứa giải quyết các yêu sách của công nhân, buộc chủ hãng phải thu nạp lại số công nhân đã bị sa thải trước đó.

Cuộc đấu tranh của công nhân hãng Vimytex vừa lắng xuống, thì ngày 17-8-1964, chính quyền Sài Gòn công bố bản Hiến chương Vũng Tàu kèm theo cuộc trưng cầu dân ý về việc Khánh lên làm quốc trưởng. Đây là bản hiến chương do Mỹ- Khánh thoả thuận ngày 16-8 tại Vũng Tàu nhằm mở đường cho Mỹ can thiệp mạnh mẽ vào miền Nam, ngăn chặn mọi cuộc chống đối của nhân dân. Vì vậy, hiến chương vừa công bố, lập tức ngay ngày hôm sau (18-8-1964), các cuộc biểu tình phản đối của quần chúng nhân dân đã nổ ra không chỉ ở Sài Gòn mà ở hầu khắp các đô thị lớn ở miền Nam.

Từ 18 đến 22-8-1964, học sinh, sinh viên tổ chức cuộc hội thảo lớn lên án Mỹ- Khánh, đòi huỷ bỏ Hiến chương Vũng Tàu, mở đầu cho cuộc xuống đường đấu tranh chống Hiến chương ở các đô thị. Trong cuộc đấu tranh đó, hàng vạn người kéo đến Bộ Thông tin đập phá đài phát thanh, bao vây dinh Độc Lập phản đối chế độ độc tài quân sự, đòi Nguyễn Khánh từ chức, đòi Mỹ cút khỏi miền Nam... Địch đàn áp làm chết và bị thương nhiều đồng bào và bắt đi 1.400 người khác. Hành động đó như lửa đổ thêm dầu, khiến quần chúng càng thêm căm phẫn.

Ở Huế, Đà Nẵng, từ 21-8-1964, đông đảo học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình phản đối Mỹ- Khánh ký Hiến chương Vũng Tàu, đả đảo bọn “cõng rắn cắn gà nhà”, “bán thành phố Đà Nẵng cho Mỹ làm căn cứ”… Các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia, tạo ra áp lực nặng nề đối với địch.

Trước tình hình đó, ngày 25-8-1964, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oanh và Quốc vụ khanh Nghiêm Xuân Hồng buộc phải ra tuyên cáo của Hội đồng quân sự đồng ý rút bỏ Hiến chương Vũng Tàu hòng xoa dịu sự phẫn nộ của nhân dân. Phong trào đấu tranh chính trị không vì thế mà lắng xuống. Trong tháng 9-1964, tại thị xã Quảng Ngãi, hơn hai vạn nhân dân các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, kéo vào bao vây các cơ quan ngụy quyền tỉnh, phản đối chế độ độc tài quân sự, đòi chấm dứt bắt lính, đòi Mỹ phải chấm dứt can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Ngày 20-9, học sinh thị xã Qui Nhơn bao vây đài phát thanh. Ba ngày sau, ngày 23-9, 5.000 dân huyện Tuy Phước đi trên 100 chiếc ghe và xuồng gắn máy cùng hàng chục ôtô theo hai đường thuỷ, bộ kéo vào thị xã đấu tranh đòi Mỹ rút khỏi miền Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 10:49:31 pm »


Phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân cùng với những trận đánh táo bạo của đặc công và biệt động ở vùng đô thị làm tình hình chính trị của ngụy quyền Sài Gòn vốn không ổn định, càng rối ren, hậu phương địch mất an ninh. Tại nông thôn đồng bằng, với sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, các lực lượng vũ trang địa phương, nhân dân nổi dậy phá tan từng mảng hệ thống ấp chiến lược, giành quyền làm chủ ở nhiều mức độ khác nhau.

Long An là một trong những trọng điểm bình định của địch. Từ đầu 1964, Tỉnh uỷ phát động cao trào tiến công và nổi dậy, lấy Đức Hoà, Bến Lức (bắc đường số 4) làm chiến trường điểm, nam đường số 4 làm diện, nhằm đánh bại kế hoạch bình định trọng điểm của địch trên địa bàn tỉnh. Sư đoàn 25 ngụy vừa được điều từ Quảng Ngãi vào là đối tượng chính của cuộc tiến công. Thể hiện quyết tâm của Tỉnh uỷ, tiểu đoàn 1 chủ lực tỉnh bẻ gẫy nhiều cuộc càn lớn của địch, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, trong đó nổi bật nhất là trận chống càn ngày 8-4-1964 ở xã Thạnh Lợi huyện Thủ Thừa. Trong trận này, tiểu đoàn 1 phối hợp chiến đấu chặt chẽ với lực lượng dân quân, du kích và nhân dân tiến công quân sự kết họp với đấu tranh chính trị và binh vận loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên, buộc tiểu đoàn 51 biệt động quân phải rút khỏi Thạnh Lợi, bắn rơi sáu máy bay. Đây là trận đầu tiên lực lượng vũ trang tỉnh hạ được nhiều máy bay nhất, cũng là trận chống càn lớn đầu tiên diệt được nhiều địch mà ta ít thương vong.

Tính đến tháng 8-1964, trên toàn tỉnh, ta diệt và bức rút 60 đồn bốt, giải tán 2000 thanh niên chiến đấu. Hệ thống ấp chiến lược của địch bị phá rã chỉ còn một số ấp sát thị trấn, thị xã. Vùng giải phóng mở ra liên hoàn trong 23 xã. Quốc sách ấp chiến lược của địch cơ bản bị thất bại ở Long An.

Tại Kiến Tường, cuối 1963, đầu 1964, lợi dụng thời cơ Diệm đổ, chính quyền địch đang trong cơn khủng hoảng, ta đẩy mạnh hoạt động, giải phóng toàn bộ vùng 4 và hầu hết vùng 6 cùng bốn xã vùng 8 (Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, Hưng Điền)1.

Trên địa bàn Thủ Dầu Một, tháng 4-1964, đại đội 303 Phước Thành kết hợp với bộ đội địa phương Phú Giáo, Tân Uyên và du kích tiến công tiêu diệt bốt Tân Bình, Nhà Đỏ, giải phóng hoàn toàn xã Tân Bình. Ở Phước Long, tiểu đoàn 240 khu 10 cùng bộ đội Phước Long tiến công chi khu Bù Đăng, tiêu diệt toàn bộ quân địch tại đây và san bằng đồn bốt.

Ở Bà Rịa- Long Khánh, từ 3-1964, phong trào phá ấp chiến lược phát triển mạnh. Ta giải phóng Bình Lộc, Bảo Chánh, Bảo Vinh, Suối Cát; mở rộng vùng giải phóng ra vùng lộ 2, Châu Thành, Long Đất.

Tỉnh Biên Hoà, các đơn vị của tỉnh (đại đội 240, 245, và đại đội công binh) tiến công diệt tua Đầm Giá, đồn Đại An, đồn Cá Trê,... tạo đà cho phong trào chống địch gom dân, lập ấp chiến lược của tỉnh phát triển.

Cần Thơ, bộ đội tỉnh cùng bộ đội huyện Phụng Hiệp diệt bốn đồn, phá banh hệ thống ấp chiến lược ở vùng giáp ranh ba huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Kế Sách.

Tỉnh Sóc Trăng, tiểu đoàn Phú Lợi hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá dứt điểm 93 ấp chiến lược, phá banh 91 ấp, giải phóng 12 xã với 136.000 dân.

Tỉnh Trà Vinh, phá dứt điểm 298 ấp chiến lược, phá banh 186 ấp, gỡ 198 đồn, giải phóng trên 130.000 dân.

Mùa hè 1964, chiến tranh nhân dân địa phương ở Bến Tre phát triển đến đỉnh cao. Tỉnh phát động toàn dân nổi dậy đấu tranh chính trị hỗ trợ cho tiến công quân sự. Tiểu đoàn 516 của tỉnh được thành lập (15-4-1964) trên cơ sở ba đại đội bộ binh và đại đội trợ chiến được xây dựng trước đây với quân số 1.300 người. Tháng 5-1964, đại đội 1 và 2 của tiểu đoàn 516 đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn biệt động 41 (tiểu đoàn Cọp đen). Đại đội 3 tập kích một trung đội địch đóng đồn ở khu phố An Hoá (Châu Thành), diệt nhiều tên, hỗ trợ cho phong trào phá ấp chiến lược.

Vĩnh Long, Trà Vinh, cao trào phá ấp chiến lược phát triển mạnh, rộng khắp. Ta làm chủ nhiều vùng rộng lớn, liên hoàn từ ven biển, cặp theo các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Mang Thít.

Cà Mau- Bạc Liêu, ta giải phóng hầu hết các ấp chiến lược, chỉ còn 14 ấp vùng sâu trong tổng số 405 ấp do địch kiểm soát. Chính quyền nhân dân tự quản được thiết lập ở hàng chục xã.

Cùng thời gian này, trên địa bàn Khu V, chiến tranh du kích phát triển rộng khắp cả ở đồng bằng và rừng núi. Ở đồng bằng, du kích cùng nhân dân nổi dậy phá cầu, phá đường bao vây đồn địch. Du kích Quảng Nam liên tiếp chặn đánh nhiều đoàn xe quân sự địch trên đèo Hải Vân. Du kích Tuy Hoà (Phú Yên) mưu trí, táo bạo bắt sống một cố vấn Mỹ giữa ban ngày... Được sự hỗ trợ của đòn tiến công quân sự, ở nhiều địa phương, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân phát triển mạnh mẽ. Trong cuộc đấu tranh đó, xuất hiện những người như mẹ Lê Thị Kinh, 75 tuổi, ở Hoà Đồng (Tuy Hoà) nằm cản đoàn xe bọc thép địch, buộc cả đoàn bảy chiếc M113 phải quay về Tuy Hoà.
____________________________________
1. Kiến Tường là tỉnh được Diệm lập ra từ 1957 khi chúng nhập hai tỉnh Chợ Lớn và Tân An thành tỉnh Long An; huyện Mộc Hoá được chúng tách thành tỉnh Kiến Tường với bốn quận. Ta gọi là bốn vùng (vùng 2, 4, 6, 8 ). Kiến Tường nay thuộc Long An.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 10:49:57 pm »


Hoà với phong trào đấu tranh ở đồng bằng, tại các vùng rừng núi Tây Nguyên, đồng bào kinh, thượng bị địch dồn vào các khu dinh điền, ấp chiến lược nổi dậy diệt ác, phá kìm, giải phóng hàng chục khu dinh điền và ấp chiến lược.

Đến hết tháng 7-1964, quân, dân Khu V đã phá 1.080 ấp chiến lược ở đồng bằng và hàng trăm ấp chiến lược ở rừng núi, giải phóng nhiều vùng nông thôn. Những vùng này nối liền các căn cứ rừng núi với đồng bằng ven biển, tạo thành thế liên hoàn, hỗ trợ cho nhau.

Thắng lợi của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam trong nửa đầu 1964 làm thất bại một bước kế hoạch Giônxơn- Mắc Namara. Chương trình bình định 12 tỉnh của Mỹ, ngụy đề ra lúc đầu chúng không thực hiện được phải rút chỉ tiêu xuống còn bốn tỉnh để cuối cùng, trên thực tế chỉ còn bình định được mấy quận thuộc các tỉnh ven Sài Gòn như Biên Hoà, Hậu Nghĩa, Long An.

Chương trình bình định của Mỹ, xương sống của cuộc chiến tranh đặc biệt, về cơ bản bị thất bại trên nhiều bình diện, trong đó kế hoạch Giônxơn- Mắc Namara bị đổ vỡ đã làm cho tình hình chính trị, quân sự vào những tháng cuối năm 1964 có bước chuyển biến mới có lợi cho cách mạng. Lực lượng chính trị, quân sự của ta phát triển lớn mạnh hơn trước, đặc biệt là khối chủ lực cơ động đã đủ sức tạo ra những quả đấm hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.

Càng bị thua đau ở miền Nam, Mỹ càng tăng cường chống phá miền Bắc. Ngày 17-2-1964, các hoạt động trinh sát bằng không quân trong khuôn khổ kế hoạch 34A, nhằm thu thập tin tức tình báo, phát hiện hệ thống phòng không, rađa và căn cứ quân sự, kho tàng trên miền Bắc được tăng cường. Ngày 2-3-1964, Mỹ dùng tàu khu trục tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam trong kế hoạch Đềsôtô để làm hậu thuẫn cho hải quân ngụy đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu IV. Ngày 17-4-1964, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đưa ra kế hoạch đánh phá các tuyến vận chuyển chiến lược của ta chạy dọc biên giới Việt Nam- Lào, Việt Nam- Campuchia nhằm ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam. Kế hoạch này được mang tên Ốplan 37 dự định thực hiện qua ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Truy kích Việt cộng qua biên giới Lào và Campuchia.

Giai đoạn 2: Mở các cuộc oanh kích và dùng mìn đánh phá các mục tiêu đã dự định trong nội địa miền Bắc.

Giai đoạn 3: Tăng cường oanh tạc mạnh mẽ và liên tục chống miền Bắc.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thông qua kế hoạch dùng không quân, hải quân đánh phá 94 mục tiêu trên miền Bắc của ta. Dự tính kế hoạch phải hoàn thành trong 12 ngày với sự tham gia của toàn bộ lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Thực hiện kế hoạch trên đây, tháng 6-1964, địch tung biệt kích, người nhái ra miền Bắc, đánh phá Cầu Hang ở Thanh Hoá (12-6), tập kích Nhà máy nước Bàu Trò ở Quảng Bình (30-6), biệt kích nhảy dù xuống vùng núi Yên Bái (17-6), Quỳ Châu, thuộc Nghệ An (19-7). Đồng thời với hành động nói trên, Mỹ đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch 34A, dùng các tàu khu trục thuộc hạm đội 7 tuần tiễu, khiêu khích trong vùng Vịnh Bắc Bộ.

Đêm 30 rạng ngày 31-7-1964, lực lượng biệt kích của hải quân Sài Gòn, dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn (MACV), bất ngờ bắn phá vào đảo Hòn Mê (Thanh Hoá) và Hòn Ngư (Nghệ An). Trong khi đang diễn ra cuộc bắn phá, tàu khu trục Mađốc của Mỹ được lệnh tiến vào Vịnh Bắc Bộ để thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu thu thập tin tức tình báo về các trạm rađa và trận địa phòng thủ bờ biển của ta, yểm trợ cho hải quân. Tháng 8-1964, đại sứ Mỹ Taylo điện về Oasinhtơn gợi ý một cuộc “ném bom phối hợp cẩn thận” đối với Bắc Việt Nam để ngăn chặn sự sụp đổ của vị trí Mỹ ở Đông Nam Á. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đề nghị tổng thống nên có “một chiến dịch khiêu khích Bắc Việt Nam”. Với ý đồ trên, trong hai ngày 1 và 2-8-1964, các máy bay T28 của phái hữu Lào được Mỹ sử dụng bắn phá các đồn biên phòng Nậm Cắn và Noọng De ở Nghệ An. Ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, tàu Mađốc tiếp tục tiến về phía bắc, xâm phạm hải phận của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, và gây ra một số vụ khiêu khích đối với thuyền đánh cá của ngư dân miền Bắc. Trước hành động ngang ngược đó, ngày 2-8-1964, một phân đội tàu phóng lôi của hải quân ta do chỉ huy trưởng Lê Duy Khoái chỉ huy đã phóng ngư lôi truy đuổi tàu Mađốc, buộc tàu này phải rút ra khỏi vùng biển quốc tế.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM