Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:25:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 3  (Đọc 100060 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2010, 10:18:54 pm »


22 giờ ngày 1-1-1963, khi mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản được hoàn tất cũng là lúc ban chỉ huy trận chống càn nắm được tin địch sẽ tiến công vào Ấp Bắc vào ngày 2-1, nhưng chưa biết chúng sẽ đánh những hướng nào, giờ nào, lực lượng bao nhiêu.

Về phía địch, qua mạng lưới trinh sát, điệp báo, chúng phát hiện được lực lượng ta đang bố trí tại Ấp Bắc, Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Sài Gòn đứng đầu là tướng P.Háckin cùng Bộ Tư lệnh hành quân quân lực Việt Nam cộng hoà cấp tốc vạch kế hoạch tác chiến, điều động lực lượng và phương tiện chiến tranh, tổ chức cuộc hành quân càn quét quy mô lớn mang mật danh “Đức Thắng 1/13” hòng “tiêu diệt và bắt gọn Việt Cộng” trong khu vực này.

Để tạo ưu thế tuyệt đối về sức mạnh, địch huy động vào cuộc hành quân ba tiểu đoàn thuộc sư đoàn 7 bộ binh, một tiểu đoàn thuộc lữ đoàn dù Sài Gòn, hai đại đội biệt động quân, ba đại đội bảo an, ba đại đội dân vệ biệt kích, 13 xe thiết giáp M113, 13 tàu chiến trên sông, sáu máy bay khu trục B26, 15 máy bay trực thăng (10 CH21, 5HU1A), bốn máy bay trinh sát L19, bảy máy bay vận tải C47; các trận địa pháo binh của sư đoàn 7 bố trí trên lộ số 4, Long Định, Phước Mỹ Tây là hoả lực chi viện trực tiếp khi cuộc hành quân bắt đầu. Toàn bộ lực lượng hỗn hợp trên đặt dưới sự chỉ huy của đại tá Bùi Đình Đàm1 - Tư lệnh sư đoàn 7, thiếu tá Lâm Quang Thơ - trưởng tiểu khu Định Tường, trung tá J.Pôn Van - cố vấn trưởng vùng 4 chiến thuật cùng 51 cố vấn Mỹ. Trong quá trình hành quân, các tướng Lê Văn Ty - Tổng tham mưu trưởng quân đội ngụy, Huỳnh Văn Cao - Tư lệnh vùng 4 chiến thuật, Trần Thiện Khiêm - Tư lệnh quân nhảy dù... cũng đến chỉ huy cuộc hành quân.

Với lực lượng và phương tiện chiến tranh được huy động lớn như vậy cho cuộc tiến công vào Ấp Bắc, P.Háckin lạc quan khẳng định trước các sĩ quan thuộc quyền là: quân đội quốc gia hoàn toàn có thể bao vây được du kích và đè bẹp được họ. Nhiều hãng truyền thanh, truyền hình, phóng viên báo chí, phim ảnh... trong và ngoài nước đều được mời tới Sở chỉ huy cuộc hành quân tại Thuộc Nhiêu (thị trấn Tân Hiệp) phía tây Ấp Bắc để chuẩn bị họp báo, loan tin khuếch trương thắng lợi cho trận đánh.

Hửng sáng ngày 2-1-1963, nhiều chiếc máy bay trinh sát L19 của địch đã quần lượn trên bầu trời Ấp Bắc hướng dẫn đường tiến quân cho bộ binh và cơ giới càn quét vào ấp.

Từ hướng lộ số 4, hai đại đội bảo an từ Điền Hy bắt đầu xung phong vào xóm Hội Đồng Vàng, xã Tân Phú, mở màn cho cuộc hành quân.

Tiểu đoàn trưởng Hai Hoàng quán triệt mệnh lệnh chiến đấu cho các đại đội: Trận chiến đấu hôm nay rất ác liệt và sẽ đánh suốt ngày, không được để cho anh em thoát ly công sự. Thoát ly trận địa, thoát ly công sự là thất bại..., dù trong tình huống nào cũng phải giữ vững trận địa và đánh thắng; các đồng chí cán bộ từ tiểu đội, trung đội đến đại đội phải chỉ huy đơn vị mình chấp hành nghiêm mệnh lệnh, kiên trì giữ bí mật chờ địch vào đúng tầm hoả lực mới nổ súng.

Khi đại đội đi đầu của địch đã lọt vào khu vực trận địa bố trí sẵn của ta ở đầu xóm Hội Đồng Vàng, bộ đội và du kích phối hợp hoả lực đánh trả quyết liệt. Sau ít phút giao chiến, tên sĩ quan chỉ huy đại đội và hàng chục lính bảo an địch bị tiêu diệt, một số khác bị thương sa xuống hố chông, cạm bẫy, mìn vướng nổ của du kích. Bị đánh đòn bất ngờ, khiến cho bộ phận còn lại của địch hoảng loạn; chúng vội vã co cụm ẩn nấp sau những bờ đất, chĩa súng bắn loạn xạ, một số tên tháo chạy tán loạn ra cánh đồng.

Cũng thời gian nói trên, một mũi tiến công khác của địch từ Cầu Sao bí mật cơ động đến tiếp cận khu vực miếu Thầy Lơ, thực hiện đánh xuyên sườn trận địa phòng ngự của ta. Hành động của chúng đã bị lực lượng ém sẵn của ta phát hiện, chặn đánh kịp thời, buộc chúng phải rút về co cụm trên một vị trí cách cầu Ông Bởi 800m. Nhưng, sau đó, bị chỉ huy thúc ép, chúng buộc phải tiến quân. Khi đội hình xung phong của địch cách chiến hào tiền duyên ta độ 40m, trung đội địa phương Châu Thành nổ súng, bộ phận đi đầu bị tiêu diệt, bộ phận còn lại bị đánh bật ra cánh đồng trống. Nhân thời cơ này, đại đội trưởng Bảy Đen ra lệnh cho trung đội bí mật vận động đánh ngang sườn và phía sau, rồi xung phong tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch. Trước thế bất lợi, để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn, bọn địch sống sót mạnh ai nấy chạy về miếu Thầy Lơ cố thủ.

Trong tình huống bất ngờ, nguy cấp đó, sở chỉ huy hành quân của địch đã ra lệnh cho pháo binh bắn yểm trợ lực lượng còn lại rút khỏi khu chiến. Nhưng pháo địch lại bắn trúng vào đội hình của bộ binh gây thêm cho chúng những tổn thất nữa.
_____________________________________
1. Bùi Đình Đàm là tín đồ Thiên chúa giáo miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2010, 10:20:05 pm »


Cùng chung số phận với hai mũi tiến quân trên bộ, mũi đường thuỷ theo kênh Nguyễn Tấn Thành gồm 13 tàu chiến chở hai đại đội biệt động quân, đánh vu hồi vào sau đội hình phòng ngự của ta ở trong ấp, cũng bị trung đội du kích và hai đội công binh săn tàu chặn đánh quyết liệt. Bằng những trái thuỷ lôi tự chế tạo và hệ thống hoả lực bố trí sẵn trong các công sự, hố bắn dọc theo hai bên bờ kênh, ta đánh chìm một tàu và đánh hỏng một số chiếc khác Bị đánh đòn bất ngờ khi còn đang trên đường tiến quân, đồng thời, nghe tin hai mũi tiến công trên bộ cũng gặp nguy khốn, đoàn tàu chững lại, sau đó, tìm đường tháo lui. Đây cũng là thời điểm kết thúc đợt xung phong đầu tiên của quân ngụy vào Ấp Bắc.

Sau đợt tiến công bằng đường bộ và đường thuỷ vào Ấp Bắc không thành, chỉ huy hành quân của địch quyết định sử dụng chiến thuật trực thăng vận. Địch dùng năm máy bay trực thăng vũ trang loại HU1A làm nhiệm vụ yểm trợ cho 10 chiếc trực thăng chở quân loại CH21 đổ hai tiểu đoàn bộ binh xuống sau ấp rồi hình thành hai gọng kìm bao vây lực lượng chốt giữ của ta bên trong ấp. Rút kinh nghiệm những lần xung phong trước, chúng dùng một bộ phận nhỏ nhảy xuống trước để thăm dò phản ứng, phát hiện thế bố trí của bộ đội, du kích ta.

Phán đoán được ý đồ của địch, ta nhanh chóng triển khai kế hoạch nghi binh lừa địch, quyết giữ tuyệt đối bí mật không nổ súng. Sau một hồi thăm dò không thấy đối phương phản ứng gì, chỉ huy quân địch cho các máy bay chở quân liên tục đỗ xuống các vị trí đã được tính toán sẵn. Khi những chiếc trực thăng chở quân vừa hạ độ cao, lấy thăng bằng từ từ hạ xuống bãi đáp, bất ngờ quân ta nổ súng. Lưới lửa hoả lực các loại của du kích và bộ đội chụp đúng xuống đội hình địch. Một chiếc CH21 bị bắn rơi tại xóm Bàn Rô, một chiếc khác bị trọng thương cố lao về căn cứ, song vừa ra khỏi vùng trời Ấp Bắc, đã rơi xuống cánh đồng Cà Dăm.

Bộ đội và du kích nhằm bắn vào đàn máy bay trực thăng của địch. Bọn lính còn đang trên máy bay cũng như đã xuống mặt đất đều đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Để cứu nguy cho lực lượng này, năm trực thăng vũ trang HU1A cùng pháo binh trên các trận địa Long Định, Queo Nhị Bình điên cuồng trút đạn vào khu vực trận địa của đại đội 1 tiểu đoàn 261. Chính lúc này, một HU1A đã bị bắn hạ khi nó đang lao xuống bắn rốc két, một HU1A bị bắn rơi tại chỗ khi nó đang hạ thấp, quăng thang máy cứu mấy tên phi công bị thương đang la hét giữa cánh đồng. Tiếp ngay sau đó, một chiếc CH21 khác tuy đã đỗ xuống được bãi đáp, nhưng do trúng nhiều đạn, đặc biệt là bộ phận điều khiển bị hỏng nặng phải vội vàng đẩy hết bộ binh ra khỏi khoang máy rồi cất cánh chuồn khỏi vòng nguy hiểm, nhưng vừa bay được khoảng 1/4 dặm đã rơi xuống khu vực bãi đỗ của đại đội xe bọc thép M113 do Lý Tòng Bá chỉ huy đang chuẩn bị xung phong.

Sau này Neil Sheehan ghi lại hồi tưởng của trung tá J.Pôn Van - cố vấn trưởng trong cuộc hành quân khi ngồi trên máy bay L19 chỉ huy cuộc đổ bộ và cảm nhận trước được hậu quả của biện pháp chiến thuật trực thăng vận ở trận Ấp Bắc như sau: “Khi quan sát 10 chiếc CH21 chở đại đội bộ binh đang hạ cánh xuống vùng đất bùn xám lúc 7 giờ 30 phút sáng và toán quân đổ bộ không gặp trở ngại nào thì Van hiểu ngay rằng hy vọng và ước muốn của ông ta đã không thành”1 - Van biết quân ngụy đã mắc phải kế nghì binh của ta. Kết quả là “đến giữa trưa, quân du kích Việt cộng đã lập được một kỷ lục mới trong chiến tranh. Họ hạ được năm chiếc trực thăng và họ cũng đánh lừa được Van lần thứ hai”2.

Bị thất bại nặng nề trong việc áp dụng chiến thuật trực thăng vận, mất nhiều máy bay và sinh lực mà mục đích đặt ra chưa thực hiện được, lính địch qua hai đợt tiến công thất bại, tâm lý rất hoang mang, sức chiến đấu giảm sút nghiêm trọng, biết có thúc ép nữa cũng không mang lại kết quả, Bùi Đình Đàm ra lệnh rút hết quân về thị xã Mỹ Tho củng cố và bổ sung lực lượng, phương tiện vũ khí, đạn dược, chuẩn bị cho đợt tiến công mới.

Bùi Đình Đàm và nhóm cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân quyết định đưa sư đoàn 7 bộ binh vào tham chiến. Vào lúc 12 giờ 15 phút, sau khi tập kết đủ ba tiểu đoàn bộ binh thuộc các trung đoàn 11 và 12 của sư đoàn 7 ở khu vực Miếu Hội, quân địch hình thành hai gọng kìm, cùng lúc tiến quân vào ấp Tân Thới, đúng nơi bố trí của đại đội 1 tiểu đoàn 514 tỉnh Mỹ Tho.

Mặc dù được hoả lực của pháo binh và trực thăng vũ trang yểm trợ với mức độ tối đa, nhưng do bị ám ảnh bởi những thiệt hại trong hai đợt tiến quân trước, tinh thần binh sĩ ngụy càng hoang mang, chúng vừa tiến quân vừa phải thăm dò phản ứng của ta, tiến rất chậm chạp. Hơn một tiếng đồng hồ chúng mới vượt qua được quãng đường hơn một km tiếp cận đến ấp Tân Thới. Đợi cho quân địch lọt gọn vào khu vực trận địa mai phục sẵn, bộ đội và du kích bất ngờ nổ súng đánh đòn áp đảo, làm cho chúng không kịp trở tay. Bị đánh cả chính diện, bên sườn và phía sau, đội hình quân địch nhanh chóng tan vỡ. Trong đợt chiến đấu này, ta đã diệt, làm bị thương khoảng một trung đội địch, số còn lại mạnh tên nào tên nấy chạy cố thoát thân ra khỏi trận địa. Đợt tiến công lần thứ ba của quân ngụy vào Ấp Bắc đã bị đại đội 1, tiểu đoàn 514 và du kích tại chỗ đánh bại.
_____________________________________
1, 2. Neil Sheehan: Sự lừa dối hào nhoáng, sđd, tr.266-267, 303.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2010, 10:21:49 pm »


Để kịp thời phối hợp chiến đấu với quân và dân Ấp Bắc, Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban quân sự tỉnh Mỹ Tho điều động đại đội 2, tiểu đoàn 514 tiến công trường bắn Tân Hiệp, kìm chân quân địch trên lộ số 4, dùng trung đội trinh sát khống chế sân bay Thân Cửu Nghĩa, sử dụng đại đội 211 chốt giữ ngã ba chùa Phật Đá, sẵn sàng chi viện cho Ấp Bắc... thực hiện ý định căng kéo quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội và du kích Ấp Bắc đánh bại cuộc càn “Đức Thắng 1/13” của quân ngụy.

Bị thất bại liên tiếp sau ba đợt xung phong, chỉ huy quân địch quyết định dùng không quân dội bom napan, xăng đặc, bắn đạn cháy, rốc két... hòng thiêu trụi các mục tiêu trong Ấp Bắc. Đồng thời, các trận địa pháo binh của sư đoàn 7 được máy bay trinh sát chỉ điểm bắn cấp tập vào các trận địa dọc hai bên những lộ đất dẫn vào ấp, dọn đường cho xe cơ giới và bộ binh chuẩn bị xung phong. Cả vùng chiến sự bỗng chốc chìm trong khói lửa và khí độc. Chính Bauơdơ - phi công điều khiền trực thăng ở Ấp Bắc kể lại: “Hơi nóng của napan thật khủng khiếp, chỉ vài phút sau cánh đồng đã ngột ngạt hơi nóng. Anh cảm thấy khó thở và ngạc nhiên không hiểu vì sao Việt cộng có thể chịu đựng được hơi nóng ngạt thở của loại xăng độc này. Anh khom người để xem du kích có bỏ chạy không..., cố tìm trong hàng cây dấu hiệu của sự chuyển động, nhưng chẳng thấy gì. Quân du kích vẫn không rút lui”1. “Họ được huấn luyện tốt, sau những loạt dội bom napan, bắn đạn rốc két, liên thanh, nã đại bác xong, họ lại tiếp tục chiến đấu như thường”2.

Khi hoả lực dọn đường và chuẩn bị vừa dứt, quân địch tổ chức đợt xung phong lần thứ tư, với lực lượng chủ công là 13 xe thiết giáp M113 và một tiểu đoàn bộ binh tăng viện. Ỷ vào thế mạnh của những chiếc thiết xa vận, quân địch tổ chức đột kích chính diện vào Ấp Bắc - nơi bố trí đội hình đại đội 1, tiểu đoàn 261. Với tinh thần “Kiên quyết bám trụ, bám trụ đến cùng”, 75 cán bộ, chiến sĩ và hai khẩu đại liên (M30) bố trí ở hai góc nhô ra phía bên phải và bên trái lộ đất dẫn vào ấp đã kiên trì chờ địch tới gần.

Khi tốp đi đầu gồm ba xe M113 đã vào đúng tầm, các loại hoả lực của ta gồm súng trường, đại liên, súng cối, súng phóng lựu và mìn chôn sẵn... được lệnh đồng loạt phát hoả tiến công. Một xe M113 của địch bị diệt, một số chiếc khác bị đánh hỏng. Giữa lúc trận chiến đấu đang ác liệt hai khẩu đại liên của trung đội 2 bị hóc, không bắn được hoả lực của ta giảm hẳn. Lợi dụng tình thế này, xe thiết giáp và bộ binh địch đột phá vào trận địa ta. Trận địa của tiểu đội 3 bị bốn xe M113 và một toán bộ binh đột nhập. Trước tình huống gay cấn này, tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đừng ra lệnh cho toàn tiểu đội tập trung hoả lực bắn yểm trợ cho anh cùng tiểu đội phó Hùng và chiến sĩ Công bật khỏi công sự, nhanh chóng vận động áp sát đội hình địch, dùng thủ pháo tiêu diệt một xe M113 và cả ba đồng chí đã anh dũng hy sinh3. Mũi tiến công của quân ngụy bị đẩy lùi. Bị mất liên tiếp hai xe, nhiều xe khác bị đánh hỏng nặng, số bị thương vong tăng nhanh, số còn lại hoang mang đến cực độ. Lính bộ binh bất chấp lệnh của chỉ huy tự ý tìm chỗ che khuất ẩn nấp, lái xe tự động cho xe lui ra ngoài tầm hoả lực của ta... Sau đó, địch còn đốc thúc quân lính thực hành đột phá một số lần nữa nhưng vẫn không mang lại kết quả. Biết có cố gắng nữa cũng vô ích, viên chỉ huy hành quân của địch ra lệnh cho quân lính dãn đội hình, hình thành thế bao vây chung quanh ấp, xốc lại lực lượng, phương tiện, củng cố lại tinh thần cho binh sĩ chờ lệnh mới.

Lúng túng trước thảm bại liên tiếp, tướng P.Hackin - Tư lệnh lực lượng viện trợ Mỹ tại miền Nam Việt Nam cùng Bộ Tư lệnh hành quân quân lực Việt Nam cộng hoà quyết định cấp tốc tăng cường cho cuộc hành quân tại Ấp Bắc một đại đội pháo cối 106,7 ly và tiểu đoàn 8 thuộc lữ đoàn dù Sài Gòn. Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Lê Văn Ty và Tư lệnh quân dù là Trần Thiện Khiêm trực tiếp xuống chỉ huy đợt tiến công cuối cùng trong ngày vào Ấp Bắc.
_____________________________________
1. Neil Sheehan: Sự lừa dối hào nhoáng, sđd, tr.288.
2. Báo Mỹ - Tin hàng tuần số ra ngày 14-9-1963, dẫn theo Ấp Bắc nhìn từ hai phía, Nxb Văn nghệ thành phd Hồ Chí Minh, 1992, tr. 134.
3. Sau khi kết thúc thắng lợi trận Ấp Bắc, Bộ Tư lệnh Quân khu VIII đã tặng danh hiệu “Tiểu đội gang thép” chô tiểu đội 3, đại đội 1, tiểu đoàn 261. Liệt sĩ tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đừng được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phần mộ của ba liệt sĩ “Tiểu đội gang thép” được nhân dân huyện Cai Lậy xây dựng thành khu mộ đài tưởng niệm chiến sĩ gang thép trận Ấp Bắc. Công trình được khánh thành ngày 3-1-1990.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2010, 10:22:40 pm »


Khoảng 5 giờ chiều ngày 2-1, đợt tiến công mới của địch được thực hiện1. Địch dùng bảy máy bay vận tải C472 chở tiểu đoàn dù số 8 thả xuống ấp Tân Thới. Mặc dù đã tính toán toạ độ đổ quân và bố trí lực lượng thiết giáp và bộ binh yểm trợ, nhưng khi thực hành, phần lớn quân nhảy dù đều rơi vào khu vực trận địa mai phục của đại đội 1, tiểu đoàn 514. Khi những tên lính dù còn đang lơ lửng trên không hoặc bị mắc trên cành cây, mái nhà... đã bị những tay súng bắn tỉa dày dạn kinh nghiệm của bộ đội, du kích tiêu diệt, làm bị thương. Số sống sót co cụm cố chống đỡ, chờ quân đến ứng cứu. Riêng những tên may mắn nhảy xuống cánh đồng thoát khỏi tầm hoả lực của ta, vội vã lẩn nấp vào các bờ ruộng, ụ đất, bụi cây chờ cho trời tối rút lui.

Cũng thời gian này, ở hướng đại đội 1, tiểu đoàn 216, những chiếc M113 còn lại tiếp tục tập trung hoả lực vừa bắn, vừa xung phong chiếm lĩnh được một đoạn hào chừng 30 mét của trận địa ta. Cuộc chiến đấu giành giật từng đoạn hào giao thông, từng tấc đất giữa đại đội 1 và xe thiết giáp địch diễn ra quyết liệt. Đúng lúc tình thế căng thẳng nhất, chiến sĩ Sơn đã dùng súng phóng lựu với quả đạn cuối cùng bắn trúng một xe M113 đang án ngữ đoạn chiến hào tiền duyên, diệt toàn bộ lính địch trên xe. Cả tốp xe địch buộc phải dừng lại rồi lần lượt quay đầu lùi ra khỏi khu vực trận địa, tránh bị tiêu diệt.

Thấy hai phần ba số quân dù đổ xuống khu vực ấp Tân Thới bị thương vong nặng, lực lượng thiết giáp và bộ binh xung phong vào Ấp Bắc cũng bị tổn thất lớn, sức chiến đấu của toàn bộ quân lính còn lại quá rệu rã, viên chỉ huy cuộc hành quân của địch cho đổ bộ phần lính nhảy dù còn lại xuống khu vực Miếu Hội và lệnh cho quân lính trên các hướng rút ra vòng ngoài đóng chốt nghỉ qua đêm, ngày hôm sau tiến công tiếp. Đây cũng là thời điểm kết thúc một ngày chiến đấu thảm bại của quân ngụy trên địa bàn Ấp Bắc.

Qua một ngày chiến đấu đầy căng thẳng, ác liệt, nhiệm vụ chính trị được giao đã hoàn thành thắng lợi, Ban chỉ huy trận đánh quyết định rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Ấp Bắc để bảo toàn lực lượng và vũ khí, trang bị cho những trận chiến đấu tiếp sau.

Hai giờ trước khi rút quân, tiểu đoàn trưởng Hai Hoàng đã cho tổ trinh sát của du kích địa phương đi điều tra tình hình địch, thăm dò đường rút lui ở hướng đông, chuẩn bị ghe thuyền chờ sẵn ở những địa điểm thuận lợi để chở thương binh, tử sĩ về căn cứ. Đồng thời, các lực lượng được lệnh rút về các địa điểm tập trung, chỉ để lại một bộ phận làm nhiệm vụ bảo vệ, đề phòng quân địch bất ngờ tiến công vào đội hình lui quân của ta.

Khi mọi công việc chuẩn bị đã bí mật hoàn tất, vào 10 giờ đêm ngày 2-1-1963, các đơn vị lần lượt rút khỏi Ấp Bắc. Đại đội 1, tiểu đoàn 261 đi trước, trung đội hoả lực và thương binh, tử sĩ được chở bằng thuyền và khiêng cáng đi giữa, đại đội 1, tiểu đoàn 514 đi tiếp sau. Là những người sinh ra, lớn lên và hoạt động cách mạng tại địa phương, rất am hiểu, thông thạo địa hình, lại được tổ chức hết sức chặt chẽ, bảo đảm chu đáo, cho nên chỉ trong một đêm, bộ đội, du kích bí mật rút khỏi vòng vây phục kích của địch, trở về căn cứ Đồng Tháp Mười an toàn. Cuộc lui quân của ta là một thành công lớn, thể hiện nghệ thuật chỉ huy và di chuyển xuất sắc, trong đó nổi bật vai trò chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Hai Hoàng. Chính quân địch cũng phải thú nhận là “Họ (quân, dân Ấp Bắc) không chỉ thành công trong một trận đánh, mà họ đã thực hiện được một thắng lợi theo cách của tổ tiên họ, một chiến thắng lạ lùng”3.

Sáng hôm sau (ngày 3 tháng 1) tướng Huỳnh Văn Cao và đại tá Bùi Đình Đàm dùng bộ binh, xe thiết giáp pháo binh chia làm nhiều mũi cùng lúc tiến vào Ấp Bắc. Nhưng chúng không gặp cuộc kháng cự nào của đối phương, mà chỉ thấy nhiều xác binh sĩ ngụy cùng các phương tiện chiến tranh nằm rải rác trên khắp khu vực Ấp Bắc.
_____________________________________
1. Trước lúc đợt tiến quân thứ năm được bắt đầu, tại sở chỉ huy cuộc hành quân càn quét vào Ấp Bắc tại Tân Hiệp, tướng Huỳnh Văn Cao, Trần Thiện Khiêm và trung tá cố vấn J.Pôn Van xẩy ra cuộc tranh cãi gay gắt. Pôn Van muốn “Phải bọc kín quân du kích lại mà tiêu diệt, nghĩa là phải đổ tiểu đoàn nhảy dù xuống sườn đông hai ấp”, nhưng Cao phản đối, cho làm như vậy là thiếu thận trọng mà “phải đổ quân xuống phía tây, sau mấy chiếc M113 và quân bảo an để tự liên kết với nhau”. Cuối cùng, Cao đã dùng quyền Tư lệnh vùng 4 chiến thuật để thực hiện ý định của mình - đổ quân xuống phía tây. Do vậy, thời gian của đợt tiến công cuối cùng chậm so với kế hoạch một giờ.
2. Theo Lê Quốc Sản: Cuộc đọ sức thần kỳ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.115: địch dùng 16 chiếc đacôta để đổ tiểu đoàn 8 nhảy dù xuống ấp Tân Thới.
3. Neil Sheehan: Sự lừa dối hào nhoáng, sđd, tr.329.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2010, 10:29:13 pm »


Thắng lợi trong trận Ấp Bắc, quân và dân ta không chỉ thành công trong một trận chống càn mà còn là thành công trong việc mở đầu đánh bại một loạt các biện pháp chiến thuật mới của Mỹ - ngụy trong chiến lược chiến tranh đặc biệt. Kết quả, quân, dân Ấp Bắc diệt và làm bị thương 450 tên địch (có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi năm máy bay trực thăng, bắn bị thương nhiều chiếc khác, phá hủy ba xe bọc thép M113, đánh chìm một tàu chiến trên sông1. Gây cho quân địch những tổn thất nặng nề như vậy, mà ta chỉ sử dụng một số lượng đạn rất tiết kiệm. Từ những viên đạn đầu tiên bắn vào quân bảo an cho tới những viên đạn cuối cùng đánh vào quân nhảy dù, bộ đội và du kích Ấp Bắc chỉ sử dụng khoảng 5000 viên đạn các loại. “350 du kích đã đứng thẳng trên mặt đất của họ để chế nhạo cái quân đội đông hơn họ bốn lần với thiết giáp, pháo binh, được yểm trợ bằng trực thăng, máy bay ném bom. Vũ khí nặng nhất của họ là một khẩu súng cối nhỏ xíu loại 60 ly, nhưng thực ra cũng chẳng giúp ích gì cho họ được bao nhiêu. Họ bị chết 18 người, 39 người bị thương. Một sự tổn thất được xem nhẹ nhàng khi người Mỹ và Việt Nam cộng hòa bắt họ phải chịu hàng ngàn viên đạn súng trường và súng máy, 600 trái đạn pháo binh, napan và bom cùng với số đạn của 13 máy bay chiến đấu và năm chiếc trực thăng vũ trang. Riêng những chiếc trực thăng vũ trang (HUEY) đã đổ xuống những hàng cây ở Ấp Bắc 8.400 viên đạn súng máy và 100 trái hoả tiễn”2.

Thắng lợi Ấp Bắc khẳng định: Chất lượng của lực lượng vũ trang nói chung, bộ đội tập trung miền Nam nói riêng được xây dựng ngày càng tốt hơn, thể hiện sự giác ngộ về chính trị, có tinh thần dũng cảm, có quyết tâm và trình độ kỹ thuật chiến thuật ngày hoàn thiện, nó còn chứng tỏ đội ngũ cán bộ cơ sở từ tiểu đội trở lên của ta rất vững vàng, mưu trí, dũng cảm, linh hoạt. Đặc biệt là cán bộ cấp đại đội tiểu đoàn luôn luôn đi sát thực tế, nắm chắc địch, vận dụng một cách sáng tạo nghệ thuật tác chiến, xử lý các tình huống linh hoạt, mưu trí. Với chiến công này, tiểu đoàn 261 được mang tên tiểu đoàn Hirôn và tiểu đoàn 514 mang tên tiểu đoàn Ấp Bắc.

Thắng lợi to lớn ở Ấp Bắc là kết quả của sự chỉ đạo nhạy bén, đúng đắn, kịp thời của Trung ương Cục, Quân uỷ Miền mà trực tiếp là của Quân khu VIII, Tỉnh uỷ và Ban quân sự tỉnh Mỹ Tho trong việc tổ chức chống địch càn quét đầu năm 1963. Thành công ở đây thể hiện ở việc chuẩn bị cho bộ đội, du kích và nhân dân đầy đủ cả về tư tưởng, kỹ thuật, chiến thuật, phối hợp hiệp đồng chiến đấu, hạ quyết tâm chính xác, sử dụng lực lượng hợp lý, đúng với khả năng của từng đơn vị, nhờ đó trong suốt một ngày chiến đấu liên tục không vấp phải tình huống bất ngờ nào nằm ngoài dự kiến.

Phối hợp với Ấp Bắc, ngày 2 và 3 tháng 1, 31 đội du kích và hơn 20.000 quần chúng ở hai bên lộ số 4 và các thị trấn Tân Hiệp, Cai Lậy, Cái Bè đã nổi dậy bao vây các đồn bốt, tiến công diệt và làm bị thương hơn 150 tên địch, bắn rơi hai máy bay trực thăng, bắn cháy và phá hỏng 16 xe quân sự các loại. Song song với tiến công quân sự Tỉnh uỷ Mỹ Tho phát động phong trào đấu tranh chính trị và binh vận rộng khắp ở các địa phương. Tiêu biểu nhất là trưa ngày 2 tháng 1 khi quân địch tập trung lực lượng tiến công lần thứ ba vào Ấp Bắc, hơn 700 đồng bào thuộc các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây đã kéo lên khu trù mật Phước Mỹ, bao vây các trận địa pháo, đấu tranh không cho chúng bắn vào xóm làng. Trước sức đấu tranh quyết liệt của nhân dân, địch buộc phải nhượng bộ, làm cho kế hoạch chi viện pháo binh của địch nhiều lúc bị gián đoạn, tên trung đoàn trưởng chỉ huy pháo binh ở đây bị cách chức. Cùng thời gian nói trên, hơn 200 gia đình có chồng, con, anh em là binh sĩ ngụy tham gia cuộc hành quân càn quét vào Ấp Bắc, được cơ sở mật của ta làm binh vận, đã họp nhau lại kéo lên bệnh viện thị xã đòi thăm người bị thương, đòi bồi thường tính mạng cho những người chết trận, đòi địch chấm dứt ngay cuộc hành quân... gây náo loạn tinh thần và làm đảo lộn mọi hoạt động của địch.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị đã tạo nên sức mạnh cho quân, dân Mỹ Tho chiến thắng oanh liệt, chẳng những đánh bại chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của Mỹ, mà còn bức hàng, bức rút được 45 đồn bốt, phá banh 69 ấp chiến lược ở Phú Mỹ, Tân Hiệp, Thanh Phú, Nhị Bình, Dương Điền, Vĩnh Kim, Đông Hoà, Hoà Mỹ, Tam Bình, giải phóng hoàn toàn 55 xóm ấp khỏi ách kìm kẹp của ngụy quyền.

Chiến thắng Ấp Bắc đã gây một tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng của Khu VIII nói riêng và toàn miền Nam nói chung. Nó là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển cả về số lượng cũng như về chất lượng của cuộc kháng chiến; là kết quả của sự vận dụng tốt ba mũi giáp công, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận. Đây cũng là lần đầu tiên quân và dân ta đánh bại những hình thức chiến thuật mới nhất của địch, chiến thuật bủa lưới phóng lao, trực thăng vận3, thiết xa vận trong giai đoạn chiến tranh đặc biệt, mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ.

Đối với Mỹ - ngụy, từ sau trận Ấp Bắc, chúng không còn tin tưởng vào chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận như trước nữa. Số lần hành quân dùng máy bay trực thăng giảm xuống: Nếu bốn tháng cuối năm 1962 là 70 lần thì bốn tháng đầu 1963 chỉ có 26 lần. Thất bại của biện pháp chiến thuật này là một trong những nhân tố quan trọng báo hiệu sự phá sản của chiến lược chiến tranh đặc biệt.

Từ thất bại Ấp Bắc, Mỹ - Diệm càng bất đồng với nhau hơn, công khai nói xấu, đổ vấy thất bại cho nhau. Tổng thống Kennơđy phải ra lệnh điều tra thực trạng. Ngày 9-1, đô đốc Phen đến Sài Gòn để nắm tình hình, trấn an Diệm. Tiếp đó, ngày 18 tháng 1, tham mưu trưởng liên quân Mỹ Uylơ cùng năm tướng, một đô đốc và nhiều sĩ quan cao cấp khác của quân đội Mỹ sang Sài Gòn điều tra tình hình, tìm biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Sài Gòn. Những việc làm trên đây chứng tỏ rằng Mỹ rất lúng túng, “trước khí thế quật cường của nhân dân, thì chiến thuật mới và vũ khí mới nhất của Mỹ cũng phải thua”4.

Đánh giá về thắng lợi ở Ấp Bắc, đồng chí Lê Duẩn, Bí Thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nói: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được”5.

Thực tiễn Ấp Bắc cho phép chúng ta khẳng định đây là một trong những điển hình nổi bật về công tác xây dựng làng xã chiến đấu và thực hiện tốt phương châm kết hợp chặt chẽ hai chân ba mũi trong phong trào đấu tranh chống địch càn quét, bình định, lập ấp chiến lược. Từ cách thức xây dựng công sự, trận địa tới các biện pháp tác chiến được vận dụng trong trận đánh cho chúng ta những kinh nghiệm hay không chỉ trực tiếp cho nhân dân Khu VIII mà toàn thể lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam học tập. Chiến thắng Ấp Bắc đã trở thành nơi phát khởi thúc đẩy phong trào thi đua giết giặc lập công, đẩy mạnh tác chiến đánh quân chủ lực ngụy đồng thời phá ấp chiến lược trên các địa phương toàn miền Nam.
  _____________________________________
1. Trong cuốn The Việt Nam War, t1.VLSQS, bản tiếng Anh: Thiệt hại của Mỹ và quân đội Sài Gòn tại Ấp Bắc ngày 2-1 là: quân Sài Gòn chết 65, bị thương 100, cố vấn Mỹ chết ba, bị thương sáu, năm trực thăng bị bắn rơi, ba xe bọc thép bị phá huỷ
2. Sđd, tr.238.
3. Trong cuốn Từ điển chiến tranh Việt Nam - bản tiếng Anh - Chính Mỹ thú nhận: “Đây là hoạt động không vận tiến công đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam bị thất bại”.
4. Trích bài viết của Hồ Chủ tịch đăng trên báo Nhân dân ngày 1-2-1963, với bút danh TL.
5. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.69.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2010, 06:51:06 pm »


Chương XII
KẾT HỢP BA MŨI GIÁP CÔNG, ĐÁNH THẮNG VỀ CƠ BẢN
KẾ HOẠCH GOM DÂN, LẬP ẤP CHIẾN LUỢC CỦA ĐỊCH


I. TIẾN CÔNG PHÁ RÃ HỆ THỐNG ẤP CHIẾN LUỢC, GIẢI PHÓNG NHÂN DÂN

Sau thất bại của chương trình bình định miền Nam trong 18 tháng (kế hoạch Stalây-Taylo), Mỹ-ngụy buộc phải điều chỉnh kế hoạch chiến lược, tập trung lực lượng liên tục mở các cuộc hành quân càn quét nhằm dồn dân, khôi phục hệ thống ấp chiến lược đã bị ta phá. Chính phủ Mỹ quyết định tăng thêm ngân sách viện trợ tài chính năm 1963-1964 cho chính quyền Sài Gòn lên 675 triệu đôla (trong đó, 450 triệu giành cho vũ khí và phương tiện chiến tranh), đồng thời, tăng thêm số lượng cố vấn, nhân viên kỹ thuật, nhất là những chuyên gia về bình định, từ 10.960 người năm 1962 lên 22.300 người năm 1963, trong đó, cố vấn chiến trường là 3000 người.

Được sự viện trợ mọi mặt của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ra sức đôn quân, bắt lính làm cho quân đội ngụy thay đổi nhanh chóng cả về số lượng và trang bị vũ khí, kỹ thuật. Quân chủ lực từ 16,7 vạn năm 1961 lên 20,6 vạn năm 1963. Địa phương quân (bảo an, dân vệ, cảnh sát) từ 12,4 vạn năm 1961 lên 20 vạn năm 1963.

Lực lượng bảo an được trang bị xe tăng, xe thiết giáp, giang thuyền... để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh lãnh thổ. Cố vấn Mỹ được đưa xuống tận cấp đại đội, tiểu đoàn quân đội Sài Gòn, trực tiếp chỉ huy, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, tổ chức hành quân chiến đấu. Về hoả lực, phương tiện chiến tranh, số máy bay chiến đấu từ 462 chiếc năm 1962 lên 627 chiếc năm 1963 (riêng số máy bay ném bom tăng lên bốn lần so với năm 1961); số đơn vị xe tăng và xe thiết giáp từ bốn tiểu đoàn lên sáu tiểu đoàn; pháo binh từ 34 tiểu đoàn lên 38 tiểu đoàn (biên chế tiểu đoàn pháo trước là 12 khẩu, sang năm 1963 lên 18 khẩu).

Cùng với quá trình tăng cường và phát triển lực lượng, trang bị vũ khí, kỹ thuật, quân đội Sài Gòn được các cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy liên tục mở các cuộc hành quân với nhiều quy mô khác nhau, sử dụng các chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận, quyết tâm tiêu diệt cho được lực lượng vũ trang Quân giải phóng, dồn toàn bộ nhân dân vào các áp chiến lược và khu tập trung. Những hoạt động khẩn trương của địch cuối năm 1962, dầu 1963 đặt phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam trước những khó khăn, thử thách mới.

Nhiệm vụ chủ yếu của các lực lượng cách mạng là phải tiêu diệt quân chủ lực và phá cho được quốc sách ấp chiến lược của địch.

Ngày 6-12-1962, trong nghị quyết về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng một lần nữa nhấn mạnh: Hết sức mở rộng lực lượng quân sự và chính trị, phát động du kính chiến tranh rộng khắp, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đánh bại kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược của địch. Trước mắt, làm thất bại kế hoạch tiến công của chúng trong năm 1963, giữ vững và phát triển lực lượng ta, mở rộng căn cứ, vùng giải phóng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sáng tạo và tranh thủ thời cơ thuận lợi đẩy mạnh cuộc cách mạng tiến lên giành nhiều thắng lợi lớn hơn trong tình hình gay go, phức tạp, cũng như trong tình hình có những chuyển biến mới của phong trào.

Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang miền Nam, tháng 10-1963, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập Quân uỷ và Bộ chỉ huy quân sự Miền, đồng thời cử đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục làm Bí thư Quân uỷ; điều động Trung tướng Trần Văn Trà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng vào Nam làm Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Miền. Năm 1964, Bộ chỉ huy Miền được bổ sung: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh; thiếu tướng Trần Độ, Phó chính uỷ. Tiếp sau, đồng chí Nguyễn Thị Định, một trong những cán bộ lãnh đạo phong trào đồng khởi ở Bến Tre được bổ nhiệm Phó tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

Để có thực lực bảo đảm cho phong trào giết giặc, lập công, phá ấp chiến lược thắng lợi, khắp các địa phương khẩn trương vũ trang quần chúng, phát triển bộ đội địa phương, dân quân, du kích. Đến cuối năm 1963, số lượng bộ đội địa phương tỉnh và huyện tăng gấp hai lần so với năm 1962 (64.000/30.500), du kích, tự vệ lên tới 10 vạn. Hầu hết đảng viên, đoàn viên thanh niên ưu tú các địa phương cả đồng bằng lẫn miền núi đều tham gia lực lượng vũ trang cách mạng.

Bộ đội và du kích được huấn luyện sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, được phổ biến kinh nghiệm trận Ấp Bắc về cách bố trí, xây dựng công sự trận địa, phương pháp đánh xe tăng, xe bọc thép, máy bay lên thẳng. Mọi người dân, không phân biệt nam, nữ, già, trẻ cũng được bộ đội và du kích hướng dẫn sử dụng các loại vũ khí và cách đánh máy bay... Nhờ đó, những tháng đầu của năm 1963, phong trào cách mạng có những bước phát triển mới, nhiều điển hình về phá ấp chiến lược xuất hiện trên hầu khắp các địa phương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2010, 06:51:33 pm »


Bước vào năm 1963, địch vừa ra sức lập xong hệ thống ấp chiến lược trong vùng chúng kiềm soát, vừa tập trung lực lượng mở liên tiếp nhiều cuộc hành quân đánh sâu vào các khu căn cứ, buộc ta phải đối phó để chúng có cơ hội tiến hành dồn dân lập ấp. Số lượng, quy mô các cuộc hành quân của địch tăng gấp hai lần so với năm 1962, (riêng sáu tháng đầu năm 1963, địch tổ chức 109 cuộc hành quân càn quét với lực lượng từ ba đến 10 tiểu đoàn).

Những ngày đầu 1963, Khu uỷ và Quân uỷ khu V đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị ở các đảng bộ địa phương và các đơn vị vũ trang, nhằm đấu tranh với những biểu hiện tư tưởng ngại tác chiến với xe bọc thép và máy bay trực thăng vũ trang; rút kinh nghiệm thực hành phương châm đấu tranh kết hợp hai chân ba mũi trong chống càn quét phá ấp chiến lược. Theo chủ trương của Khu uỷ, bộ đội chủ lực khu, bộ đội địa phương tỉnh sẽ được huy động trong từng đợt hoạt động phối hợp với du kích và lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng phá ấp chiến lược. Để trực tiếp lãnh đạo phong trào, một số đồng chí thường vụ Khu uỷ và Quân khu uỷ được phái xuống chỉ đạo ở các huyện trọng điểm của các tỉnh.

Trên địa bàn Tây Nguyên, tiểu đoàn 200 pháo binh, sau một thời gian tạm phân tán lực lượng xây dựng cơ sở, mở đường cơ động được lệnh tập trung, bổ sung quân số, phương tiện, vũ khí, tổ chức huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, chuẩn bị bước vào đợt hoạt động thi đua Ấp Bắc giết giặc, lập công. Tháng 5-1963, tiểu đoàn sử dụng súng cối 81 ly bất ngờ tập kích đồn Đắk Pét, chi viện cho lực lượng địa phương Kon Tum phá ấp chiến lược Đắk Trung, Đắk Rú... nằm trên đường số 14, tạo thế uy hiếp hệ thống đồn bất, căn cứ địch ở Đắc Tô, Đắk Pét. Trung đoàn 42 ngụy mở cuộc hành quân đánh vào vùng căn cứ bắc Kon Tum, để giải toả sức ép của ta, yểm trợ cho bọn bảo an, dân vệ củng cố lại các ấp đã có và dồn dân lập các ấp mới. Phát hiện sớm kế hoạch hành quân của địch, quân khu tăng cường tiểu đoàn 407 đặc công lên Kon Tum để cùng với tiểu đoàn 200 đánh địch. Cuộc càn quét của trung đoàn 42 ngụy bị đánh bại, ta loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.

Tháng 6-1963, tiểu đoàn 200 và tiểu đoàn 407 bí mật cơ động vào Gia Lai, mở trận tiến công trại huấn luyện biệt kích Plây Mơrông (cách thị xã Plâycu khoảng 95km về hướng tây bắc). Do chuẩn bị các mặt chu đáo, có kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ giữa pháo binh và đặc công, bảo đảm tốt yếu tố bí mật, bất ngờ, ta đã diệt và làm bị thương 250 tên địch, bắt 140 tên, làm tan rã hoàn toàn một tiểu đoàn biệt kích ngụy. Plây Mơrông là trận đầu tiên bộ đội ta tiến công địch trong công sự vững chắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trận đánh gây tác động mạnh về tâm lý và chính trị đối với bọn ngụy quân, ngụy quyền ở các quận, huyện.

Sau trận Plây Mơrông thắng lợi, tiểu đoàn 200 và 407 lại hành quân lật cánh ra bắc Kon Tum. Đêm 11-11-1963, sau đòn tập kích hoả lực cấp tập của tiểu đoàn 200, các chiến sĩ đặc công tiểu đoàn 407 nổ súng tiến công căn cứ Đắk Pét. Bị đánh đòn bất ngờ vào ban đêm, quân địch không kịp trở tay. Toàn bộ địch đóng trong căn cứ bị loại khỏi vòng chiến đấu. Song song với tập trung lực lượng diệt đồn, tổ chức chặn đánh quân địch giải toả, bộ đội ta hỗ trợ cho các đội vũ trang tuyên truyền đột nhập vào các ấp chiến lược ở dọc trục đường số 14 và chung quanh thị xã Kon Tum, trừ khử những tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân, cảnh cáo, giải tán bọn bảo an, dân vệ, đồng thời xây dựng các tổ tự vệ mật, tuyên truyền, vận động nhân dân. Nhân đà thắng lợi, các cấp uỷ đảng ở Tây Nguyên đã nắm thời cơ phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm, trở về buôn làng làm ăn sinh sống. Nhân dân các huyện 40, 67, 80, 29 nổi dậy phá banh hệ thống ấp chiến lược chung quanh các huyện lỵ và ngoại ô thị xã Kon Tum. Ở Gia Lai, đồng bào huyện 6, vùng An Khê và dọc triền sông Ea Dun nổi dậy, nổi trống mõ diệt ác ôn, bắt tề điệp, phá các khu tập trung, bung về làng cũ.

Cùng trong tháng 11-1963, Tỉnh uỷ Đắc Lắc chỉ đạo cán bộ cơ sở ở các huyện huy động hàng nghìn dân phá đường, đắp ụ chướng ngại trên các trục đường giao thông, gây trở ngại cho hoạt động của địch.

Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, năm 1963, quân và dân Tây Nguyên phá banh 40% ấp chiến lược và khu dồn dân. Vùng giải phóng bắc Kon Tum, tây Gia Lai, nam Đắc Lắc được củng cố, mở rộng. Từ thực tế kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận, nhất là công tác vận động, tổ chức quần chúng chặt chẽ tạo nên khí thế mới ở các vùng căn cứ, khơi dậy và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh ở các vùng ven đô. Lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển đều ở các huyện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2010, 06:52:06 pm »


Năm 1963, địa bàn Khu V vẫn là một trong những trọng điểm địch tập trung lực lượng đánh phá quyết liệt, nhất là các tỉnh đồng bằng.

Theo chủ trương của Quân khu uỷ, các lực lượng phải bám trụ địa bàn, kết hợp ba mũi giáp công trong chống càn quét, phá ấp chiến lược. Tỉnh uỷ Quảng Ngãi tập trung lực lượng mở chiến dịch 40, trọng điểm hoạt động là vùng đông bắc huyện Đức Phổ, nam huyện Mộ Đức, nhằm phá thế kìm kẹp của địch ở các xã ven biển và dọc quốc lộ số 1.

Được quân khu và tỉnh tăng cường một tiểu đoàn, quân, dân Đức Phổ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của huyện uỷ, đã mở các trận tiến công địch ở Phổ An, Phổ Quang. Do được chuẩn bị khá chu đáo, đêm 23-4-1963, quân, dân Đức Phổ tiêu diệt, làm tan rã phần lớn lực lượng ngụy quân, ngụy quyền ở hai xã Phổ An, Phổ Quang, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ.

Cùng thời gian nói trên, bộ đội chủ lực quân khu diệt bốt Nho Lâm (.xã Phổ Hoà), quần chúng xã Phổ Thuận được du kích hỗ trợ nổi dậy bao vây giải tán một trung đội dân vệ, thu 11 súng bộ binh. Phát huy thắng lợi, sáng 24 tháng 4, 500 dân các xã chung quanh huyện lỵ biểu tình thị uy hỗ trợ cho phong trào ở các trọng điểm của huyện.

Thấy phong trào cách mạng lên mạnh, địch tập trung lực lượng, phương tiện, chiếm lại các khu vực đã mất, trọng điểm là Phổ Quang, Phổ An. Do lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, bộ đội và du kích còn thiếu kinh nghiệm tổ chức, bố trí lực lượng chiến đấu, phần lớn bộ đội huyện, toàn bộ đội công tác xã Phổ An đã bị hy sinh, 200 đồng bào bị bắt, phong trào hai xã tạm thời lắng xuống.

Tháng 5-1963, quân ngụy lại liên tiếp hành quân càn quét triệt phá nhiều thôn, xóm thuộc các xã Phổ Ninh, Phổ Cường, Phổ Hiệp, Phổ Thạnh, nghiêm trọng nhất là thôn Tân An xã Phổ Nhơn bị địch đốt trụi 300 nóc nhà. Trước sự đàn áp khốc liệt của địch, tâm lý ngại ác liệt xuất hiện trong nhân dân và lực lượng vũ trang. Huyện uỷ Đức Phổ ra nghị quyết lãnh đạo củng cố tư tưởng, củng cố lực lượng vũ trang và chính trị, cứu trợ cho nhân dân ở những nơi bị địch khủng bố. Phong trào từng bước được phục hồi. Sau cuộc đảo chính chống Diệm-Nhu, phong trào tiến công diệt địch, phá ấp chiến lược ở Đức Phổ lại nổi lên mạnh mẽ, đều khắp từ Phổ Thạnh, Phổ Vinh, Phổ Khánh, Phổ Cường, Phổ Hiệp, Phổ Thuận đến Phổ An và thu được những thắng lợi rất quan trọng. Đánh giá phong trào của Đức Phổ báo cáo tổng kết của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi tại Đại hội lần thứ ba của Đảng bộ nhận xét: “Thắng lợi của phong trào Đức Phổ trong thời kỳ này có một ý nghĩa quan trọng, nó củng cố tư tưởng cán bộ..., là một nguồn cổ vũ cho toàn tỉnh”1.

Cùng trong thời gian quân, dân Đức Phổ tiến công giải phóng xã Phổ An, Phổ Quang, tiểu đoàn 95, trung đoàn 2, Quân khu V cùng một đơn vị đặc công tiến đánh cứ điểm Long Lếch (tây Gia Vụt), diệt một đại đội bộ binh và một trung đội pháo binh ngụy. Những thắng lợi này tạo đà cho nhân dân và lực lượng vũ trang toàn Khu V mở đợt hoạt động cao điểm trong nửa cuối năm 1963, đánh bại các cuộc hành quân càn quét, diệt thêm nhiều đồn bốt, căn cứ của địch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Được bộ đội chủ lực giúp sức, du kích và tự vệ các địa phương trừng trị nhiều tên đầu sỏ ác ôn có nhiều nợ máu, phục kích diệt nhiều toán bình định. Chi bộ đảng và cơ sở mật tổ chức và vận động quần chúng kết hợp nhiều phương pháp phá ấp chiến lược, trại tập trung. Khi bị địch cưỡng bức đi làm hàng rào bảo vệ ấp, nhân dân chỉ cắm cây mà không buộc dây hoặc buộc sơ qua, hàng rào chỉ mười, mười lăm ngày đã hỏng; du kích, bộ đội ra vào hoạt động dễ dàng. Đối với những nơi địch dùng vũ lực thúc ép, bắt dân lên rừng chặt cây, đẵn tre nứa mang về rào ấp, dân đã mang rựa, rìu, cưa… giao cho bộ đội, du kích rồi về báo là bị Việt cộng tịch thu... Những ấp chiến lược địch tổ chức kìm kẹp dân quá chặt chẽ, cơ sở ta bí mật thủ tiêu những tên cầm đầu, mua chuộc, lôi kéo bọn còn lại, từng bước phá lỏng, phá rã ấp, đưa nhân dân về làng cũ làm ăn. Những khu vực trọng điểm của địch như: Tịnh Bình, Bình Trung, Làng Trang (Quảng Ngãi)... nhân dân liên kết lại, liên tục phá đi phá lại nhiều lần các ấp chiến lược, khu gom dân, từng bước làm thất bại kế hoạch bình định của địch.

Sự kiện nổi bật nhất trong phong trào thi đua với Ấp Bắc của quân, dân Khu V là trận đánh bại cuộc hành quân của ba sư đoàn chủ lực ngụy, vào căn cứ Măng Xim (khu giáp ranh ba tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum) do tướng Nguyễn Khánh, Tư lệnh vùng II chiến thuật chỉ huy, nhằm diệt cơ quan lãnh đạo Khu V, phá căn cứ trung tâm của cách mạng miền Trung.

Địch tổ chức ba mũi tiến công từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đánh lên, Kon Tum đánh xuống, hình thành thế “bủa lưới” vây căn cứ và dùng hai tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ đổ bộ bằng đường không xuống trung tâm căn cứ hòng bất ngờ bắt chụp toàn bộ cơ quan đầu não, phá tan hệ thống chỉ huy, thông tin, kho tàng của ta. Ngày 4-5-1963, các mũi tiến công trên bộ của địch chiếm lĩnh các vị trí hình thành thế “bủa lưới” như kế hoạch đã đặt ra.
____________________________________
1. Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Phổ (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.230.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2010, 06:52:34 pm »


Theo dõi nắm được ý định và cách đánh của địch, lực lượng vũ trang các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, KonTum, trung đoàn 2 bộ binh của ta cùng tiểu đoàn đặc công 409 hiệp sức chặn đánh các mũi tiến quân theo đường bộ của địch từ ngoài vào căn cứ. Ở bên trong, ta đã xây dựng hệ thống công sự, hầm hào, bố trí bãi mìn, vật cản, lực lượng bảo vệ căn cứ, cán bộ, nhân viên các cơ quan quân khu và dân quân, du kích chốt chặn các đường mòn, xây dựng trận địa bắn máy bay, đánh xe cơ giới địch.

Trong lúc các đơn vị trong căn cứ đang gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị, thì ngày 26-4, tiểu đoàn đặc công 409 cùng hai đại đội bộ binh tiểu đoàn 95 thuộc trung đoàn 2 do đồng chí Hồ Văn Trí, tham mưu trưởng trung đoàn, chỉ huy, bất ngờ tập kích tiêu diệt đơn vị bảo vệ cho công binh ngụy đang mở đường ở đoạn Gia Vụt đi Măng Đen. Qua hai giờ chiến đấu, ta diệt sở chỉ huy tiểu đoàn, một đại đội bộ binh, một trung đội pháo binh, thu hai khẩu pháo 105mm. Trận đầu ra quân thắng lợi làm cho kế hoạch tiến công của địch vào căn cứ Măng Xim gặp khó khăn.

Đầu tháng năm, khi các mũi tiến công của quân ngụy vừa đến bên ngoài căn cứ đã bị quân, dân các địa phương Quảng Ngãi, nam Quảng Nam và Kon Tum chặn đánh. Lực lượng vũ trang địa phương Kon Tum tập kích sở chỉ huy trung đoàn 41, sư đoàn 22 ở bắc Kom Plong. Du kích huyện Đắc Lây phục kích diệt gần 100 tên, hạ một số máy bay lên thẳng, chặn mũi tiến công của địch từ Đắc Tả xuống căn cứ. Cùng lúc, mũi tiến công của địch từ Đắc Hà đến Côxia cũng phải dừng lại sau khi bị bộ đội và du kích bắn rơi ba trực thăng, tiêu diệt trên 100 lính, sĩ quan. Hai mũi khác từ Gi Lăng tiến lên Vi Măng Xông, dọc theo triền sông Tranh đánh vào căn cứ cũng bị thiệt hại nặng với khoảng 200 tên chết và bị thương, hai máy bay lên thẳng bị phá huỷ.

Mặc dù các mũi tiến công trên bộ bị đánh thiệt hại nặng không vào được căn cứ, nhưng bộ chỉ huy hành quân của địch vẫn cho máy bay vận chuyển hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến đổ xuống khu vực Nước Xu. Đơn độc trong vùng rừng núi, lại chưa thông thuộc địa hình, ngay trong ngày, 80 lính thuỷ đánh bộ ngụy bị du kích tiêu diệt.

Sau một tuần hành quân không chiếm được Măng Xim, Bộ tư lệnh vùng II chiến thuật ngụy điều động quân tăng viện, quyết thực hiện cho được mục đích đề ra. Khi đoàn xe chở quân tăng cường của sư đoàn 22 ngụy vào tới Cam Rẫy, Măng Đen bị ta phát hiện, nhanh chóng cơ động lực lượng chặn đánh diệt 13 xe cùng hơn 100 tên địch. Thất bại này làm cho sĩ quan, binh lính địch đang tham gia cuộc hành quân hoang mang đến cực độ. Thấy có cố gắng, cũng không xoay chuyển được tình thế, ngày 15 tháng 5, bộ chỉ huy hành quân của địch thu quân, chấm dứt cuộc hành quân với tổn thất ước tính khoảng 600 binh sĩ thương vong, gần 20 máy bay trực thăng vũ trang bị bắn rơi, hàng chục xe quân sự bị phá huỷ.

Cũng trong khoảng thời gian bộ đội chủ lực và du kích đánh thắng trận càn của chủ lực địch vào căn cứ Măng Xim, nhân dân Kon Tum nổi dậy phá banh một loạt ấp chiến lược quanh chi khu Đắk Pét. Ở các tỉnh đồng bằng, lực lượng vũ trang địa phương, du kích đánh sâu xuống khu vực ven đường quốc lộ số 1, phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền làm chủ ở 32 thôn thuộc 12 xã ở tây thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), tập kích một số mục tiêu trong nội thị, diệt cứ điểm Mò O.

Từ thắng lợi Măng Xim, phong trào du kích ở Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng Khu V được chủ lực giúp đỡ, tạo đà đã phát triển về số lượng và chất lượng. Nét nổi bật của phong trào này là ở chỗ bộ đội địa phương và du kích chiến đấu bằng chính vũ khí thô sơ tự sản xuất tại chỗ như chông, thò, cạm bẫy, cung nỏ, lựu đạn, bộc phá, mìn... kết hợp với những vũ khí thu được của địch.

Nhiều tuyến bố phòng dài hàng chục kilômét bằng chông, mìn, giàn thò... được xây dựng trên nhiều địa phương Khu V mỗi bước địch tiến quân, chúng đều bị thương vong. Có tổ du kích bố trí giàn thò liên hoàn trên một đoạn đường khoảng 100m đánh thiệt hại nặng một trung đội địch đi càn. Những bãi mìn, bom, hầm chông... góp phần tiêu hao nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch. Sáu tháng đầu năm 1963, trên mặt trận giao thông, quân dân Khu V đánh thiệt hại nặng nhiều toa tầu quân sự, phá huỷ, thu hơn 100 xe cơ giới, diệt hàng trăm lính, sĩ quan địch. Bộ đội, du kích Gia Lai, Kon Tum, Quảng Đà, Quảng Ngãi... bằng súng bộ binh, bắn rơi 24 máy bay các loại.

Được thắng lợi quân sự hỗ trợ, phong trào đấu tranh chính trị lên mạnh. Từ tháng 7 đến tháng 10-1963, Quảng Ngãi, Bình Định tổ chức 1.524 cuộc đấu tranh trực diện với địch với hơn một triệu lượt người tham gia. Kết hợp tiến công quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận, nhân dân phá đi phá lại 1.876 lần ấp chiến lược (phá banh hơn 400 ấp trong tổng số 900 ấp địch xây dựng trên địa bàn này).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2010, 06:54:09 pm »


Song song với phát triển các hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, Khu V không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng làng, xã chiến đấu, căn cứ hậu phương trực tiếp của chiến trường. Làng, xã chiến đấu được xây dựng không chỉ là những căn cứ chống địch hành quân càn quét rất có hiệu quả, là địa bàn thích hợp cho du kích bám trụ tăng gia sản xuất, tích trữ lương thực, vũ khí, lực lượng, phát triển chiến tranh du kích sẵn sàng bổ sung cho chiến trường, mà còn là bàn đạp xuất phát tiến công của lực lượng cách mạng. Do tầm quan trọng đó, các cấp uỷ địa phương tích cực lãnh đạo, động viên, tổ chức nhân dân xây dựng ngày đêm, vừa xây dựng, vừa chống địch càn quét, trong sáu tháng đầu năm 1963, toàn khu xây dựng được 35 thôn, xã thành làng chiến đấu. Nhiều xã chiến đấu điển hình lập được thành tích xuất sắc. Xã chiến đấu Hoà Hiệp, huyện Tuy Hoà tỉnh Phú Yên, liên tục tổ chức lực lượng đánh bại hầu hết các cuộc hành quân cỡ tiểu đoàn địch trên dọc tuyến giao thông quốc lộ số 1 đoạn từ Tuy Hoà đi Nha Trang. Xã A1, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai bao vây, bắn tỉa tiêu hao sinh lực địch, phá dứt điểm hai đồn ở Khốc và Krông Đun... Những thành công khởi đầu này khẳng định sự trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân địa phương, gắn liền với sự ra đời của hệ thống làng xã chiến đấu, góp phần phát triển chiến tranh nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả chiến đấu trên địa bàn Khu V.

Tuy vậy, phong trào đấu tranh ở vùng đồng bằng Khu V còn có những hạn chế nhất định, bởi vì lực lượng chủ lực chưa thực hiện được những trận đánh vào sâu trong lòng địch, chưa bám trụ được địa bàn để hỗ trợ, thúc đẩy phong trào du kích và nhân dân nổi dậy phá kìm, phá ấp, giành quyền làm chủ, khi bộ đội chủ lực rút đi, địch đã líp lại.

Trong một số trận chống càn, bộ đội chủ lực và du kích còn bị thương vong khá nhiều. Tháng 4-1963, tiểu đoàn 95, trung đoàn 2 chủ lực quân khu tổ chức chống địch càn quét ở miền tây Quảng Ngãi bị thương vong tới 110 đồng chí, làm mất 60 súng bộ binh và một số trang dụng quân sự. Tư tưởng ngại tác chiến với xe bọc thép M113 và máy bay trực thăng vũ trang chưa khắc phục được trong một số đơn vị cơ sở. Trong khi đó, nguồn bổ sung tại chỗ không bù đắp kịp quân số hao hụt; vũ khí, trang bị chủng loại không đồng bộ, từ nhiều nguồn: mua của nước ngoài, viện trợ của các nước anh em, thu được của địch..., lại lạc hậu, cũ kỹ, đạn dược thiếu thốn, phải tham gia chiến đấu liên tục dài ngày (vài tuần đến hàng tháng), không có điều kiện bổ sung, sửa chữa. Mặt khác, điều kiện vật chất rất eo hẹp, thiếu lương thực, thuốc chữa bệnh, quần áo trang dụng..., lại phải sống, chiến đấu chủ yếu ở vùng rừng núi khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật phát sinh (nhất là sốt rét rừng), quân số biên chế của các đơn vị thường xuyên không bảo đảm. Mỗi tiểu đoàn quân số chỉ bằng một đại đội hoặc thấp hơn. Trong khi đó, số lượng quân địch gấp nhiều lần ta, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại, vật chất bảo đảm tốt. Mặc dù vậy, trong năm 1963, quân dân Khu V tổ chức được hơn 4.000 trận đánh lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 tên địch, phá huỷ, phá hỏng 337 xe quân sự, trong đó có 40 xe M113. Qua thực tế chiến đấu, lực lượng vũ trang và nhân dân từng bước trưởng thành, nhưng sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự và chính trị chuyển biến còn chậm. Do vậy, việc chống chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận trên chiến trường chưa đạt kết quả cao, việc hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị, phá ấp chiến lược còn bị hạn chế. Nửa đầu năm 1963 ta phá được thế kìm kẹp ở 250 thôn, ngay sau đó địch chiếm lại 179 thôn, lập thêm gần 1.000 ấp chiến lược, trại tập trung, nâng tổng số ấp chiến lược lên 2.000 ấp, vùng giải phóng ở vùng đồng bằng Khu V bị thu hẹp còn 34 thôn ấp với 6000 dân.

Nguyên nhân tình trạng này không phải hoàn toàn do lực lượng vũ trang ta hoạt động chưa mạnh để làm hậu thuẫn đắc lực cho phong trào nổi dậy của quần chúng, mà còn do lãnh đạo ở các địa phương chưa quán triệt thấu đáo phương châm phá ấp chiến lược chủ yếu bằng lực lượng bên trong là chính, lực lượng bên ngoài là quan trọng. Do đó, việc xây dựng cơ sở, phát động và giáo dục quần chúng nổi dậy của các cấp uỷ địa phương còn yếu kém, thường ỷ lại lực lượng từ bên ngoài đánh vào hoặc huy động nhân dân ở các vùng giải phóng lân cận kéo đến phá ấp. Nhân dân sống trong ấp chiến lược là lực lượng hỗ trợ. Những hạn chế này đã được quân, dân Khu V rút kinh nghiệm, uốn nắn kịp thời, từng bước đưa phong trào tiến lên.

Trên chiến trường Trị Thiên, sang năm 1963 phong trào ở miền núi phát triển khá nhờ Liên tỉnh uỷ có chủ trương, kế hoạch cụ thể, phát động lực lượng bên trong các ấp chiến lược tự nổi dậy phá thế kìm kẹp kết hợp với hoạt động vũ trang. Các cuộc hành quân càn quét lớn của địch đều bị đánh bại buộc chúng phải giảm các hoạt động ở miền núi quay về đối phó với phong trào cách mạng ở thành thị và đồng bằng. Âm mưu lấn chiếm miền núi của chúng bị thất bại. Địa bàn giáp ranh giữa miền núi và đồng bằng ở Trị Thiên được củng cố, thế liên hoàn giữa ba vùng hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tiến công địch ở đồng bằng và thành thị.

Ở đồng bằng, ta kết hợp được các lực lượng và các hình thức đấu tranh, mở ra thời kỳ mới trong việc phá ấp chiến lược phá thế kìm kẹp, đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân lên cao. Lực lượng vũ trang bắt đầu phát huy vai trò xung kích, làm nòng cốt cho phong trào phá ấp, phát động nhân dân nổi dậy diệt ác, trừ gian, giành quyền làm chủ thôn ấp. Trong năm 1963, lực lượng vũ trang cả ba vùng đánh 740 trận, diệt 1.614 tên, làm bị thương 715, bắt 38, thu 108 súng, bắn rơi 21 máy bay, 108 lần phối hợp với nhân dân phá ấp chiến lược; bắt và diệt 222 tên tề, điệp ác ôn (riêng sáu tháng đầu năm, du kích năm huyện miền núi đánh 519 trận, diệt, làm bị thương 946 tên) mở ra khu vực thông thương với một số tỉnh của Khu V và miền Bắc, tạo nên vùng “cửa ngõ” là hai huyện Hải Lăng (Quảng Trị), Phong Điền (Thừa Thiên) nối liền căn cứ với đồng bằng và đô thị.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Ba, 2010, 07:12:19 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM